Nhớ những ngày cạn kiệt niềm tin. Bên giá sách trống trải như lòng, cuốn sách ấy như ngọn đèn khuya, đánh thức cùng soi tỏ con đường tìm về với chính mình, về với những giá trị, những rung động bị bỏ quên trong tẻ lạnh, âm thầm và gió chướng.
Nẻo Về Của Ý ( Nhất Hạnh, Lá Bối, Sài gòn,1967), trước hết là bản tường thuật kinh nghiệm làm người sau lúc ước mơ bị đánh
mất, đồng thời thay mặt tác giả, giới
thiệu với mọi người, quen hay không, thân hay sơ, một thực tại người vừa tìm
thấy, chính xác, đáng mến hơn cái thực tại người vừa sống với và khiến bị tổn
thương. Không thất vọng, hay bi quan theo đúng nghĩa, mà là nụ cười của sự phục
sinh nở trên môi người tỉnh thức.
Khởi viết và đăng
trên Giữ Thơm Quê Mẹ tập 2 ( tháng
8.1965) và tạm dừng vào đêm trước ngày tác giả rời xứ cho một cuộc vận động
chấm dứt chiến tranh (02.5.1966), được in trên số áp chót tạp chí ( số 11, tháng 5.1966.)
Nẻo Về Của Ý, không chỉ thể hiện tâm trạng người thất bại
nghiền ngẫm một nỗi đau về dự phóng chưa thành mà còn được viết ra khi người
tăng nhân đã có được thời cơ thực hiện 3 ước nguyện trong cuộc canh cải tôn
giáo và xã hội đề ra trước đây. Phương Bối Am không còn là địa chỉ “chữa lành những vết thương rướm máu “ ( Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 2, tháng 8.1965,
tr. 93) mà là chứng tích một chặng đường phát triển tư tưởng, đứng lên bằng
chính nhận thức và ý thức mới của người tỉnh thức.” Chỉ có một con đường phải đi – con đường của sự tranh đấu bền bỉ và
gian khổ.” (, Giữ Thơm Quê Mẹ,
tập 4, tháng 10.1965, tr. 94.)
Nẻo Về Của Ý ( Lá Bối xuất
bản thành sách năm 1967) khác hơn một truyện dài đầy dữ kiện lôi cuốn, mà thực
chất là một hồi ký ghi nhận tâm trạng, suy tư và hành động của tác giả ngay tự
bước đầu xây dựng nơi an dưỡng cho tâm hồn bị thương vì chí lớn bị ngăn trở
trước khi có hoàn cảnh để tái tục thực
hành chí nguyện. Khó khăn xuất hiện không chỉ thuộc lãnh vực vật chất, tài
chính mà còn là những trăn trở, băn khoăn đột khởi trong tâm như màn đêm dăng
mắc. Tầm mức ảnh hưởng của những suy tư, gợi ý trong sách đã vượt ra ngoài ranh
giới mà đến với những người trẻ đi theo,
có thể dang dở hoặc tình cờ, bằng những khơi dậy tế vi len nhẹ vào lòng người
như những tác nhân có hiệu ứng.
“ Ánh lửa đốt ban chiều bây giờ không còn lách tách reo
vui nữa, Chúng đang “cháy” trong yên lặng. Tôi đang nằm im ở đây không trở
mình. Các bạn tôi đang yên lặng ngắm vòm trời đầy sao sáng. Tất cả đang trả lại
hoàn toàn sự yên tĩnh cho Phương Bối Am. Chỉ có sự thanh tịnh là đáng quý. Quay
cuồng cho lắm rồi cũng là hư ảo; mình sẽ
không bao giờ gặp lại mình nữa; bởi cái “tôi bản thể” đã lui về để nhường chỗ
cho cái “tôi hiện tượng” đầy ố bỉ ? Càng lớn lên càng chìm sâu vào sự u tối cái
“tôi bản thể” mà tôi nghĩ chắc nó trong sáng lắm.” Đêm Blao lạnh quá. Hồn
thiêng của núi đồi đang chừng như u uất hẳn. Tôi đang nằm trong lòng ánh sáng
bạch lạp. Tôi muốn đem ánh sáng của ngọn nến soi vào sâu thẳm của núi rừng. Tôi
đã thất bại, bởi bên trong một trở mình, trong một khoảnh khắc đổi hướng đời,
tôi cũng đủ vừa mất ánh sáng đó mà giờ đây là nguồn sáng đã chết. Ánh sáng 100
watts của thị thành chỉ làm tôi chóa mắt. Đem nó đến đây nụ trà sẽ không thơm
nữa, núi đồi, sẽ trơ trẽn và chúng tôi sẽ không cùng nhau yên ổn đứng nhìn vòm
trời đầy sao sáng.” ( Hằng Hà Sa, Huy Hoàng Trường Cửu,
Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 6, tháng
12.1965, tr. 20,24)
Đoạn văn trên cho thấy là kết quả một cuộc thực
tập trao truyền mà vầng sao vằng vặc trên trời là hình ảnh của bản thể con
người cần giữ gìn, tránh để ngoại giới làm nhầm lẫn. Đó là “ trăng sao trên trời những đêm rằm “ mà
Nhất Hạnh nhắc đến trong bài thơ khai từ sự ra đời của tạp chí. Và, sau này là
khi cần nhắc nhở sự trau dồi nhận thức vững vàng trong việc gầy dựng thân tâm. “ trăng tròn đêm nay, xin gọi hết muôn sao
về cầu nguyện” ( Nhất Hạnh, Quán Tưởng, Giữ
Thơm Quê Mẹ, tập 5, tháng 6.1965, tr. 8.)
Người ta có thể nhận ra cái nhìn về trăng đêm của
người “đồng sự” Hằng Hà Sa nói trên là
sự dẫn xuất từ nhận thức về sự ngự trị của trăng khuya mà Nhất Hạnh đã “ngộ” ra
vào một đêm nào tại cùng một địa điểm an trú là Phương Bối Am.
“ Có một
bữa, ham viết cho đến một giờ khuya, tôi không biết rằng Thanh Tuệ đã thức giấc
và đang đứng lặng yên sau cửa sổ nhìn ra khu rừng tẩm ướt ánh trăng. Tôi cũng
tắt ngọn đèn bát đi, và lại đứng gần bên Thanh Tuệ. Cả trăng cả rừng đều huyền
bí, đều mầu nhiệm, và cùng tạo nên một khung cảnh mà chúng ta chưa hề thấy bao
giờ trong đời, trừ ở Phương Bối. Trăng tuyệt đối im lặng và rừng cũng tuyệt đối im lặng. Nhưng mà trăng với
rừng quả là đang nói chuyện với nhau, nói chuyện bằng thứ ngôn ngữ gì chúng ta
không thể nào biết được. Trăng và rừng trong lúc này không phải là hai mà chỉ
là một. Thí dụ ta lấy trăng đi, thì rừng cũng mất. Hoặc giả nếu ta lấy rừng đi,
thì trăng cũng tan biến. Vì chính chúng tôi nữa, chúng tôi là gì lúc ấy ? Chúng
tôi có thể hiện hữu bên nhau sau khung cửa sáng ấy không, nếu một trong hai thứ
trăng rừng kia không hiện hữu ?” ( Nhất Hạnh, Nẻo Về Của Ý, Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 3, tháng 6.1965, tr. 85.)
Phương Bối, mảnh đất của nội cỏ mây ngàn, đã trở
thành nơi hội tụ và xuất phát tinh thần một cuộc vận động trước hết, cho chính
bản thân. Ánh sáng trí tuệ bừng lên như thể tiếp nối ngọn lửa trại hầu tàn giữa
rừng khuya, và được đem theo cùng với tia nắng mới của một ngày khi họ chia tay
trở về thành phố.
Hằng Hà Sa có lẽ, không phải là người duy nhất
chứng nghiệm kết quả một nhận thức được tô bồi nhưng thuộc về số người ít oi
đặt chân vào cuộc vận động ý thức như bước đi mở đường cần thiết cho mọi nỗ lực
đi tới. Cuộc vận động ý thức để khai mở đúng đắn hướng đi vì xây dựng được nhận
thức đúng đắn về thực tại và sự vật.
tôi sẽ là một con chim như những con chim khác
suốt đời
chỉ tìm tới chốn suối ngọt cây lành
hãy là
chuyển luân thánh vương
ngọn bút
nội tâm em sẽ ký sắc lệnh đầy khổ đau
ra ngoài
vòng hiện hữu
và gọi về
từ muôn phương tản mác nào hoa, nào bướm
cho chồi
non, tuổi xanh căng nhựa sống,
vũ trụ cười
khi hai mắt em cười
( Nhất Hạnh, Duy Thị Nhất Tâm, Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 5, tháng 6.1965, tr. 11.)
Trước hết, Nẻo
Về Của Ý có vóc dáng và diện mạo bản phúc trình một công cuộc cống hiến cho
tha nhân dưới khía cạnh triết lý nhập thế của tôn giáo. Con người, đời sống cá
nhân và gia đình phải được chiếu cố, lưu tâm trong tương quan nghĩa vụ với xã hội
được tác giả đặt trong phạm trù “công quả”
với ý nghĩa “ việc chùa là việc
lợi ích chung cho tất cả mọi người .“
Việc đặt công tác xã hội trong ý nghĩa “công quả”
không là sự lạm từ khi công việc mang phúc lợi xã hội đến cho người dân phát
xuất từ một hướng đi tôn giáo. Công tác xã hội trở thành nỗ lực chính của
chương trình nhập thế do bởi tính chất thiết thực của chúng, thu hút sự chú ý
và cộng tác của dân chúng đồng thời khích lệ tinh thần hoạt động của các
tác-viên.
Nẻo Về Của
Ý khởi
đầu bằng sự nuôi dưỡng một nỗi đau thất bại bằng việc ca ngợi nó, theo cách
riêng của người tăng sĩ. Không có bằng chứng việc tác giả đã để cái đau nguyên
sơ ấy dàn trải trên giấy mà trái lại là sự nhiệt thành của người bắt tay vào
một chuyến đi mới. Việc xây dựng giang sơn cho chuyến đi này không kém hăng say
khiến cho người đọc có cảm tưởng tác giả đã hồi phục được niềm tin. Và, nỗi
niềm thất bại năm xưa đã thuộc hẳn về một dĩ vãng.
Phương Bối trong Nẻo Về Của Ý ngay từ khi được khởi công, đã là điển hình của ý thức
đứng dậy trong khó khăn và không hề mặc cảm. Sự xây dựng Phương Bối là hình ảnh
của sự tái thiết tâm hồn thay vì cho một đài tưởng niệm sự thất bại nếu như tác
giả còn mang tâm trạng kẻ thất thế. Những trang viết về việc xây dựng một cơ ngơi,
cả về mặt tinh thần, biểu lộ ý chí về sự phục hồi và tiếp theo đó, những bước
tiến của nhận thức. Phương Bối và thiên nhiên thay mặt nó, được chào đón nồng
nhiệt như người thân. Người tìm thấy đất như một niềm tin mới và không hoài
nghi. Người đến với đất như gặp một tri âm. Đó chính là cái tình mà Nhất Hạnh
đã gửi vào quê nhà, không phải là cái
tình của kẻ hài lòng với một chỗ nương tựa
nhất thời. “ Bởi vì chúng ta sẽ không thể làm được gì
nếu vẫn phải sống mãi cái đời ăn gửi, nằm nhờ.” ( Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 2, tháng 8.1965, tr. 93.)
Những trang đẹp nhất về phương diện văn chương,
không nhằm mô tả sự khám phá kỳ thú vẻ đẹp thiên nhiên, mà chính là sự tương
thông kỳ diệu giữa những đối tượng tương tri. Đây là kinh nghiệm của một lần
“giao tiếp.” “ Tôi và Nguyên Hưng đã chạy
xuống đi lại gần giải mây. Tới gần thì không thấy giải mây đâu. Chúng ta thất
vọng, bởi vì chúng ta đã muốn đứng sát một bên giải mây. Nhưng khi trèo lên lại
lan can nhìn, thì giải mây vẫn còn đó, tuy đã biến hình và loãng dần ra.” (
Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 2, tháng 8.1965,
tr. 99.)
Và có thể lần duy nhất,vì nặng lòng tương tri,
người tăng nhân không khỏi nhẹ tình với nhân thế, cái mà vẫn được xem là chủ
thể cho hướng đi nhập thế. “ ...chưa ai
biết rằng ẩn mình trên rừng núi Đại Lão, Phương Bối đã xòe những cánh đồi hoang
vu và êm dịu như một chiếc nôi lớn – một chiếc nôi lót bằng bông đá, hoa dại,
cỏ rừng – chào đón chúng tôi. Ở đây chỉ
có cây rừng, có chim có vượn, Ở đây chúng tôi sẽ xa được trong một thời gian
tất cả những xấu xa nhỏ mọn của cuộc đời.” ( Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 2, tháng 8.1965, tr. 101.)
Những cái mà ta xem là hiện tượng thiên nhiên –
rành mạch như hiện tượng vật lý- nhưng dưới mắt Nhất Hạnh lại chứa đựng sự mầu
nhiệm của sự tương thông nơi đất trời Phương Bối. Đêm, bình minh, mây sáng, mưa
chiều ... đều là những khúc vinh ca được Nhất Hạnh dành cho cuộc gặp gỡ với
thiên nhiên, và khai mở nhận thức mới. Không phải chỉ là cái đẹp tiềm ẩn trong
khung cảnh quen thuộc mà Nhất Hạnh nằm trong số ít người khám phá mà ngược lại,
có thể nghĩ, chính những hiện tượng trên đã đánh thức được mạch suy tưởng, nhận
thức của không chỉ con-người văn-nhân nơi Nhất Hạnh, cho dẫu điều dưới đây chỉ
là hồi tưởng. “ Từ hồi bé thơ tôi đã bị
những trận mưa đầu mùa quyến rũ rồi. Hồi ấy tôi còn ở đồng quê. Tiếng sấm động.
Trời sa sầm xuống thấp. Những giọt nước to nặng đầu tiên rơi lộp độp trên mái
ngói. Vài ngọn gió thổi tới đập các cánh cửa sổ ầm ầm. Tôi đã bị kích động ngay
sau những hiện tượng đó. Thật giống như prélude của một bản hùng ca vĩ đại. Thế
rồi sau một tiếng sấm long trời lở đất, mưa trút xuống rào rào như thác đổ.
Những lúc như thế, đố mà tôi ngồi yên cho được. Tôi phải chạy ra, vén màn, dán
mắt vào cửa kính. Những đọt cau xa oằn oại, trong lúc trời đất thét gào. Vũ trụ
rung chuyển. Những chiếc lá to bị gió hất mạnh vào cửa sổ và vách tường. Nước
trút xuống ào ào và chảy ồ ồ ngoài sân, trước rãnh. Trong màn mưa bạc, có những
con chim quật cánh chống lại với với
mưa. Trong bản hùng ca đó, tôi cảm nghe rất rõ rệt tiếng gọi của hồn vũ
trụ...”
( Giữ Thơm
Quê Mẹ, tập 3, tháng 9.1965, tr. 90.)
Bên cạnh bút pháp tả cảnh trữ tình này, người ta
có thể nhận ra một tâm hồn trẻ thơ hướng về thiên nhiên để hòa nhập. Không đến
với tinh thần khai dụng, hưởng thụ thiên nhiên. Con người muốn sánh vai với
thiên nhiên trong suy nghĩ và hành động.
Một nội dung quan trọng không kém trong Nẻo Về Của Ý là thực tại và nhận thức
đúng đắn và đầy đủ về nó. Đây là tiền đề cho nỗ lực dấn thân theo tông chỉ nhập
thế theo quan điểm tôn giáo mà còn là sự khuyến dụ đối nghịch mạnh mẽ với xu
hướng nhuốm màu bi quan xuất thế vốn quấn quít với cái nhìn về thiền môn từ
hằng thế kỷ nay. Hạnh phúc tìm thấy nơi trần thế cần vượt ra ngoài cái nhìn
quen thuộc nhưng sai lệch và nông cạn. Hạnh phúc sẽ là kết quả tự thân và tự
nhiên đến với thực tại mà ta nhận chân được.
Nhất Hạnh từng minh thị điều mà ít ai dám xác định
sự đúng sai. “ Không, tôi không muốn rời
bỏ chốn này để đi về cực lạc hay thiên đường.” ( NVCY, tr. 218). Lời nói dường như muốn chối
bỏ cái chân lý thường được những người truyền giáo vun đắp. Thực ra, người chỉ
muốn chỉ ra cái sai lầm nguyên khởi phát xuất từ cái nhìn với thực tại. Cái
nhìn sai lầm đã khiến con người xem nhẹ hay đến mức ruồng rẫy thực tại đang có
trong tay. Hình ảnh đứa bé với bát cơm trong tay, vừa ăn vừa ngắm mưa có sức
thuyết phục của một bài giảng về sự có mặt của thế giới thực hữu và hạnh phúc
dung dị có được.” Tôi ngồi cách nó chừng
mười thước, nhưng tôi có thể biết được đứa bé đang ăn cơm với trứng vịt chan
nước mắm. Những miếng trứng vịt nhỏ xíu chôn dưới đáy bát. Nó lấy đũa moi lên
và ăn từng miếng với cơm một cách dè sẻn. Vừa ăn nó vừa ngắm mưa một cách thích
thú vô cùng và cũng bình tĩnh vô cùng. Tôi ngắm nhìn nó và theo dõi nó trong
từng cử chỉ từng cái nhìn. Thân hình nó vẻ rắn chắc, mạnh khỏe. (...) Bỗng tôi
thấy nó đưa mắt về phía đầu đường. Tôi thấy hai đứa trẻ đẩy một chiếc xe mây có
bốn bánh gỗ đi lại, trên xe có em bé
ngồi. Tất cả đều ở truồng. Và cả ba đều nô đùa thích thú trong mưa.
Những chiếc bánh xe gỗ lăn mau, thỉnh thoảng gặp những vũng nước trên đường bắn
tung tóe ra hai bên. Tôi nhìn trở lại đứa bé đang ăn cơm. Nó ngừng hẳn công
việc ăn và theo dõi trò chơi của ba đứa trẻ ngoài đường. Hai mắt sáng như
sao.Tôi không biết hai mắt tôi lúc đó có phản chiếu đôi mắt nó không, nhưng có
một điều tôi biết rõ là lúc đó tôi cũng sung sướng cực kỳ... “ ( Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 9, tháng 3.1966,
tr. 97.))
Một phần không nhỏ trong bốn chương cuối sách vốn
được viết khi tác giả đã rời xứ, trở lại Hoa Kỳ ( chương XI-XIX) dành trình bày
cho người bạn Mỹ một số nỗ lực phát triển văn hóa, giáo dục, xã hội trong thời
gian qua tại quê nhà, vốn đều nằm trong ước mộng ấp ủ từ đầu thập niên 50 nhằm
cải thiện cái thực tại hiện hữu.
Là tác phẩm then chốt tường trình về thành tựu của
một hướng đi của một tăng nhân, nhưng chỉ riêng về mặt văn chương, Nẻo Về Của Ý còn là điển hình của một
cách xây dựng tác phẩm nghệ thuật tự những điều giản dị nhất. Bên cạnh cách
mượn cảm hứng từ bài giảng pháp để minh họa cho chính những bài giảng này,
người dựng truyện còn lưu lại cảm hứng không kém sâu xa cho những người, tình cờ
hay hữu ý, tìm gặp tác giả trong trang sách.
Hơn nửa thế kỷ qua đã làm phôi pha những cảm xúc lẫn suy tư nơi những
người cùng chung hoàn cảnh và vận nước, nhưng dường như cách dẫn dắt vào thực
tại của Nhất Hạnh vẫn còn tính cách mời gọi như thuở nào. Ngập ngừng hay hăm hở
đều là cảm giác ban đầu của người đọc đến với tác giả nhưng không hoài nghi sự
chân thực đẳm thắm trong từng trang sách.
Nẻo Về Của
Ý còn
cho thấy phó thác một sự cưu mang. Thói thường, từ sách, người viết muốn trao
hết những điều gửi gắm cho ít ra là một thành phần người đọc. Nơi Nẻo Về Của Ý, việc trao truyền những suy
tư hay mong muốn khơi dậy nơi người đọc nhiệt lượng cần thiết vào việc cống
hiến cho mục đích chung, công việc ấy không khó khăn với người cầm bút Nhất
Hạnh. Dường như, điều tác giả muốn đặt vào xa hơn là sự tiếp nối vai trò của
thế hệ được thừa kế trọng trách.
Ở một nghĩa nào đó, người ta thấy tác giả muốn thay thế chuỗi chuyển hóa nhân duyên bằng
chu trình bất diệt của tình thương.
Hiểu theo cách riêng, tình thương sẽ tiếp tục luân lưu như một nguyên tố cấu
thành tương quan trong vũ trụ. “ Ngày mai, nếu chúng tôi có cháy thành tro
bụi thì tro bụi ấy cũng sẽ là tình yêu. Chúng tôi, lúc đó là tro bụi, sẽ thấm
vào lòng đất, sẽ làm chất bón tươi tốt cho một loài hoa, nở những bông hoa cho
loài người , những bông hoa không biết oán thù là gì. Chúng tôi sẽ luân hồi trở
lại bao nhiêu lần, hoặc là hoa, hoặc là cỏ, hoặc là chim, hoặc là mây, hay
trong cứ trong hình thái nào, hiện tượng nào.” ( NVCY, tr. 336-337)
Niềm xác tín ấy bàng bạc trong tác phẩm như hương
vị sự có mặt nơi trần thế, như bầu khí của một môi trường vô nhiễm.
Bốn chương cuối, thực tế viết trong hoài niệm dù
quá khứ chưa xa, còn đông đặc hình ảnh và cảm xúc của cuộc tận hiến nửa chừng cho hoài bão phần nào trở nên
hiện thực. Cuộc vận động cho một xã hội tiến lên cho bằng người mà người tăng
nhân cưu mang như hiện nghiệp.
Nẻo Vế Của
Ý là
hành trình của tình thương và sự kết nối với tha nhân, song hành với cuộc hành
trình của nhận thức về thực tại trước mắt. Người đến với tình thương mà hành
động thực thi là sự thể hiện việc bừng nở trong trí ánh sáng của nhận thức mới
về thực tại quanh mình.
Hiển nhiên là những trang khiến người người say
đắm về văn chương chính là thực tại, trong đó có thiên nhiên, đã được xiển
dương dưới ý thức được tài bồi. Trăng đêm, rừng khuya, mây núi, nắng sớm, kể cả
việc chứng kiến một niềm vui nhỏ nhoi, đều là thực tại tái sinh sau một chặng
đường tư tưởng. Những người đến với Phương Bối sáng lòng như nhận được ơn
thiêng, trong khi chính họ là người gầy được ánh lửa khi nắng mai chưa đủ xua
đi bóng tối. Nhất Hạnh thường nhắc đến quyền
uy của rừng thiêng dưới màn đêm ( Giữ
Thơm Quê Mẹ, tập 3, tháng 9.1965,
tr.85) cũng như sức thu hút mạnh
mẽ của rừng khuya, phải chăng muốn ám thị nỗi khó khăn để vượt thoát khỏi màn
vô minh dày đặc để thấy được chân lý ban mai và thuộc về chân lý ấy.
Đây cũng là nhận thức nơi những người đến với
Phương Bối và còn trăn trở về một thực tại có trong tay mà chân diện chưa được
minh tường. “ Phương Bối là một thực tại
rồi đó, nhưng mà, cũng như chiều hôm trước, chúng ta vẫn không chắc là nó có
thực. Nó hiện hữu như một cái ráng trời. Ta có thể nghĩ rằng nó muốn tan biến
đi lúc nào thì nó tan biến. “ ( Giữ
Thơm Quê Mẹ, tập 3, tháng 9.1965, tr. 87.)
Hơn là một thực tại, Phương
Bối còn là mẫu của thực tại cần được nhận chân, cũng là qua đó, là con đường
dẫn đến một thực tại cần được sống với. Ít ra là hơn một thế hệ cần nuôi tinh
thần đến với nơi này khi mà tình thương cần hơn bao giờ như một thực phẩm không
thể thiếu nơi trần thế.
Những người cảm thấy xung khắc với bạo lực, khi
trá, hoài nghi, cảm thấy ngay rằng Nẻo Về
Của Ý là một gợi ý quyến rũ cho một thái độ mặn mà với đời sống, một ý thức
bao dung với những điều nghiệt ngã vây quanh hay khuyến khích sự mở rộng tâm
hồn bằng việc nhân lớn những rung động tinh tế.
Thật thế, có lẽ chưa có văn chương nào hàm xúc
điều mời gọi đến với thực tại cho bằng Nẻo
Về Của Ý đã làm hôm qua, hôm nay nơi những người tìm đến dù không có kinh
nghiệm làm người trong trắc trở. Hôm nay, người ta không còn đến với Phương Bối
với tâm trạng và hành lý của người mang thương tích hay mong đợi hàn gắn một
tổn thất. Nhưng Nẻo Về Của Ý vẫn là
hình ảnh một bóng mát dành cho người cảm thấy sự cần thiết của một chốn nghỉ
trên đường, một giếng nước không vơi giữa mùa hạn kéo dài trên đất sống.
Nẻo Về Của
Ý là
hình ảnh một hằng-đẳng-thức đáng nhớ với một hằng số duy nhất là tình thương.
Tình thương hay những từ ngữ gợi ý tương tự chiếm hữu không gian của Phương Bối
và làm nên kiến trúc tinh thần của Phương Bối trong tình cảm mỗi người. Tinh
thần ấy tồn tại nơi những người còn tin tưởng nơi những giá trị mà Phương Bối
đề cao và dù chưa một lần đặt chân, nên hơn năm mươi năm đã qua, Phương Bối
chưa hề bị xem như di sản. Tương tự như bầu khí, như mây trời, như sương khuya,
như nắng sớm, như ngàn thông nội cỏ, Phương Bối hiện diện bên ta, bên người,
hôm qua, hôm nay, và ngày mai như một thực tại. Cho dẫu là trong quá khứ, Phương Bối đã coi như vượt khỏi tầm tay của
chúng ta trong một thời gian. (NVCY, tr. 105)
Điều còn lẩn khuất trong tâm hồn người đọc mà Nẻo Về Của Ý đem lại, hôm qua và hôm
nay, là sự gợi ra mãnh liệt về ý thức đóng góp cho thực tại đương thời. Thực
tại dù cay đắng hay bất như ý nhưng vẫn là thực thể không thể từ chối
hay xem nhẹ dù dưới hình thức nào. Con người khi nhận chân ý thức đóng góp sẽ
tự xa rời cõi cô đơn, bơ vơ hay thế giới
vị kỷ vây quanh để đến với tha nhân
trong mối tương quan đúng nghĩa.
Đây chính là ý nghĩa thời đại của tác phẩm khi mà
thực tại xã hội thời chiến đương thời là hoàn cảnh thuận lợi cho sự phát sinh
và dung dưỡng những tác nhân làm suy giảm hay triệt tiêu những giá trị nhân
bản. Không còn là hình ảnh của ước mơ hay viển vông khi nhìn dự phóng của công
cuộc cải thiện và xây dựng xã hội mà tác giả cưu mang. Chính vi hoàn cảnh bức
bách đặc biệt của cuộc tranh chấp đã đẩy con người vào thế cùng để tự tồn, tự
xem nhẹ những giá trị hằng gìn giữ. Văn chương đương thời đã ghi nhận, chẳng
hạn điển hình trong Mèo Đêm về hoàn
cảnh sa cơ của cô gái hành nghề bán thân xác cho
lính viễn chinh ( Nguyễn thị Thụy Vũ,
Hồng Đức, Sài gòn, 1965) hay hình ảnh con người trở nên bơ vơ, bị ruồng rẫy
trong nghi kỵ của thời chiến trong truyện ngắn Dọc Đường ( Thanh Tâm Tuyền, Nghệ
Thuật, số 47, 10.9 – 16.9.1966 .) Hoặc, nhìn thực tại xã hội suy đồi gần
như toàn diện dưới con mắt nghiệt ngã hơn trong một truyện ngắn của Phan Du ( Hang Động Mới, Tin Văn, số 1, 6.6.1966.)
Nhưng dường như văn chương chưa được ghi nhận đúng mức của sự báo động và báo
nguy, chưa kể không có mối liên quan “biện chứng” giữa con người hành động với
con người thưởng ngoạn văn chương thuần túy.
Ý nghĩa thời đại của tác phẩm sẽ hiển lộ khi chính
một thành phần của xã hội đương thời có những dấu chỉ khao khát về một hướng đi
hay dù mới chỉ là ý thức về sự bế tắc tinh thần nơi họ, đó là chưa kể nỗi bực
rọc cùng cực với thực tại khiến có lúc nhà thơ thời danh của tình yêu không
ngại xem cái chết là sự giải thoát
Diễn đã
chết, Diễn đã chết
Chúng tôi
nhảy múa hò reo
Như những
người da đen
Chúng tôi
nhảy múa hò reo
Thế là nó
thoát, thế là nó thoát !
( Nguyên Sa, Đám Tang Nguyễn Duy Diễn, Nghệ Thuật, số 2, 8.10 – 15.10.1965, tr.
25)
Vun xới nỗi bực dọc ấy có lúc trở thành thói quen
tinh thần của những người cảm thấy không thể làm gì khác. Ý thức lâm vào thế
bất động khiến cho người quay vào việc tự dằn vặt và dường như lấy làm cách an lòng
tặng cho em
một xe plát-tích
xe
plát-tích nổ giữa phố đông
giữa phố
đông nổ tung từng mảnh thịt
đó là đời
ta em biết không
( Trần Dạ Từ, Tặng Vật Tỏ Tình, Văn, số 40, 15.8.1965, tr. 75-76)
Cảm giác của kẻ như bị phong tỏa tinh thần, không
thể định hướng dường như là trạng thái tâm hồn chung của bao người, đặc biệt
nơi những người trẻ gắn bó với, như người lữ hành gửi niềm tin vào ốc đảo bên
đường có thể làm vơi nhẹ niềm thất vọng
mỗi chúng
ta là một niềm hối tiếc
của giọng
sương mai im lìm bốc hơi
mỗi chúng
ta là một hành tinh lạnh lẽo
tự quay
quanh quỹ đạo chính mình
và quay
quanh một mặt trời xa lạ
trong
khoảng không mênh mông...
( Đynh Hoàng Sa, Kinh Cầu, Nghệ Thuật, số 55, 5..11 – 11.11.1966, tr. 18)
Dẫu sao, ý thức được như trên đã là bước đầu để đi
xa hơn trên chặng đường nhận thức.
Nẻo Về Của
Ý trở
thành ngọn gió đưa ý thức tiến lên phía trước, tiến gần đến một lộ trình. Mầu sắc
tôn giáo của tác phẩm chỉ là khía cạnh của một công cuộc mang tính chất phổ
quát của cả cộng đồng, liên quan đến việc thảo-chương giải quyết một vấn đề lớn
trong xã hội hiện hành.
Hiển nhiên là Nẻo
Về Của Ý còn hàm chứa một thái độ hành động của tác giả đối với cuộc xung
đột khốc liệt đương thời. “ ... chiến
tranh đã tàn phá đức tin, tàn phá hy vọng, tàn phá mọi chương trình kiến thiết
lâu dài.” ( NVCY, tr. 254.) Nghĩa là có thể đe dọa nghiêm trọng đến số phận
những gì mà chương trình tác giả kỳ vọng và theo đuổi và ngay cả yếu tố mà công
cuộc xem là điểm tựa. Nhưng, một cách tích cực hơn, Nẻo Về Của Ý đã mời gọi sự lên đường với một kế hoạch rõ rệt, thay
vì dừng lại ở việc “ đóng cửa tĩnh tâm,
nhập từ bi quán để cầu nguyện cho sự vượt thắng” ( NVCY, tr. 293.)
“ Cuộc đời
không phải chỉ là quá khứ. Nó còn là hiện tại và tương lai. Chúng ta phải nhìn
về phía trước mặt.” ( NVCY, tr. 297) Dường như đây mới là ý nghĩa thời đại đích thực của tác
phẩm khi mà thực tại khốc liệt đã và đang dồn đẩy con người vào việc lãng quên
hay xem nhẹ, bằng nhiều hình thức, và dưới nhiều khía cạnh, những giá trị nhân
bản của cuộc sống hiện tại.
Sự lên tiếng của tác giả về thái độ của chúng ta
đối với quá khứ là điều cần đặt ra vì phải chăng trong thực tế con người luôn
đặt mình dưới sự bao bọc của quá khứ, và trong không ít trường hợp, sống trong
cái mà họ xem là hào quang của dĩ vãng.
Ý nghĩa của nhận định trên có thể xuất phát từ
phản ứng của tác giả đối với xu hướng bảo thủ, xem trọng cựu truyền và thường
tỏ ra đối nghịch với quan điểm cải cách của tác giả. Nẻo Về Của Ý ra đời trong bối cảnh sau-cuộc-bất-đồng giữa hai xu
hướng và mở đầu cho thời cơ hoạt động của xu hướng đổi mới về nhiều mặt của tổ
chức nhà Phật. Câu phát biểu “phải nhìn
về phía trước” hàm ý một tuyên ngôn hành động. Phổ quát. Nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa trong
nội dung làm việc. Và tuy rằng mới chỉ được giãi bày bằng ngôn ngữ của thơ và
bằng rung động của trái tim người thi sĩ
trong bóng
đêm
địa cầu quê
hương tôi đã mòn mỏi trông chờ
giờ mầu
nhiệm để vô biên hé mở
cho bóng
tối tan đi với niềm lo sợ
cho hội
Long-Hoa về
để pháp âm
tiếp nối bằng lời ca
tiếng hát em thơ
....
..... đêm
nay cầu cho khổ đau kết trái, hoa thành
cho sinh
diệt đi ngang dòng pháp thân bất diệt
cho suối
tình thương chảy tràn trên vạn lòng tha thiết
để loài
người học nói tiếng chân như
để tiếng
nói trẻ thơ thành giọng chim ca.
( Nhất Hạnh, Đêm Cầu Nguyện, Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 7&8 (1&2.1966, tr. 4.)
Rõ rệt hơn là tấm lòng của người trong cuộc, xem nhẹ
gian nguy, hướng về nghĩa cả. Có thể nghĩ một nội dung quan yếu của chương
trình hành động chính là thông điệp về việc xây dựng lòng tin vào con đường đi
tới
đứng nhìn
bên khung cửa sổ sáng nay của cuộc đời
tôi thấy em
ngã xuống rồi em đứng dậy mỉm miệng cười
cầu nguyện
cho em đường để thân em lấm bụi thẹn thùng,
đừng để tên
em mang mặc cảm cô đơn vụng về yếu đuối
môt lần ngã
là một lần vùng dậy
để trưởng
thành
để cuộc đời
nhường một bước đứng lên
( Nhất Hạnh, Dựng Tượng Tuổi Thơ, Giữ Thơm Quê Mẹ, tập 6, tháng 12.1965,
tr. 3)
Nẻo
Về Của Ý, Lá Bối Sai gòn xuất bản, 1967, in lần thứ nhất, 352 trang, bìa của
Hiếu Đệ
Tình thương, ngoài ý nghĩa của thứ tình cảm quen
thuộc được khơi dậy, còn trở thành một động lực hầu như duy nhất được xem có
khả năng hóa giải được xung đột, sau khi triệt tiêu được mâu thuẫn nội tại nơi
mỗi cá nhân. Phải lạc quan đến mức nào mới có thể đạt được niềm tin rắn rỏi như
Nhất Hạnh. “ Chúng tôi nhất quyết không
thù ghét con người, dù con người có tỏ ra ác độc đến mấy đi nữa. Kẻ thù của
chúng ta không phải là con người; kẻ thù của chúng ta là vô minh, là cừu thù .”
( Nẻo Về Của Ý, sđd. tr. 304)
Dẫu sao, giữa dòng xã hội ngày một sớm tỏ ra xa
rời những nguyên tắc căn bản của sự phát triển cộng đồng, bỏ quên nhiều giá trị
nhân bản, Nẻo Về Của Ý, gần như ở vị
trí đơn độc giãi bày thành khẩn một niềm tin vào một giá trị đã phôi pha hoặc
bị thử thách gay gắt. Trong sáng và giản dị như sương mai - những yếu tố cổ
điển làm nên giá trị văn chương của tác phẩm, một lần nữa, làm mối mâu thuẫn nội tại thêm rõ ràng nơi con người đặt
hết lòng tin vào sự cách tân, vào việc tiến về phía trước.
Trần Mạnh Toàn