Wednesday, April 23, 2025

Nguyễn Duy Chính: Trần Huy Bích

  


GS Trần Huy Bích và NDC trong một chuyến đi mượn sách tại UCLA (2019)

(ảnh do anh Thích Tuấn Hùng chụp)

Tôi biết GS Trần Huy Bích từ những năm đầu của thập niên 1980s khi mới đặt chân đến California. Thuở đó, ông thầy cũ của tôi là bác sĩ Nguyễn Văn Thọ có mở một lớp dạy Kinh Dịch tại chùa Việt Nam, nay là chùa Quán Thế Âm trên đường Magnolia. Lớp Dịch được tổ chức mỗi tuần một ngày Chủ Nhật để cụ Thọ truyền bá triết học Nho Gia và xiển dương lý thuyết Thiên Hạ Vạn Vật Đồng Nhất Thể. Tuy nhiên, thỉnh thoảng chúng tôi cũng tìm cách mở rộng kiến thức bằng cách mời những học giả, nhân sĩ đến trình bày những đề tài văn hóa, luật pháp, văn chương … bổ sung cho những bài học cổ văn mà chúng tôi thụ giáo mỗi tuần. Những học giả được mời tôi còn nhớ được có GS Trần Huy Bích, linh mục Vũ Đình Trác, luật gia Nguyễn Đình Bột, nhà văn Mai Kim Ngọc, nhà văn Minh Đức Hoài Trinh …

 


BS Nguyễn Văn Thọ và lớp Dịch tại chùa VN

(hình NDC)

Nếu tôi nhớ không sai, GS Trần Huy Bích hôm đó đã trình bày về Văn Chương Bình Dân VN qua Ca Dao, một đề tài tưởng dễ nhưng không dễ, muốn trình bày cho mạch lạc cần kiến thức đã đành mà còn phải có trí nhớ tốt để kịp thời dẫn chứng cho bài giảng thêm linh động. Buổi nói chuyện rất được học viên chúng tôi và quan khách tán thưởng. Cũng từ buổi thuyết trình đó, tôi được biết GS Trần Huy Bích như một người thầy, một người anh đáng kính, luôn luôn sẵn lòng giúp đỡ trong phạm vị hiểu biết và phương tiện có trong tay, nhất là khi cần những tài liệu sách vở mà anh có nhiều dịp tiếp xúc hơn một người bình thường từ công việc chuyên môn trong thư viện của những trường đại học.

GS Trần Huy Bích trình bày về văn chương Việt Nam nhiều lần cho nhiều nhóm cử tọa, cho nhiều hội đoàn và tuỳ trường hợp mà khai triển về một góc cạnh khác nhau. Những ai quan tâm đến sinh hoạt cộng đồng và giáo dục hải ngoại đều không thể phủ nhận công lao, sự nhiệt tình và trình độ uyên bác của GS Bích. Riêng với tôi, ngoài gắn bó qua quen biết, anh còn hết sức tận tâm tìm kiếm những tài liệu chuyên ngành khi có thể và cũng là một trong những thân hữu ở hải ngoại tiếp tay, nâng đỡ tôi trong công tác biên soạn lịch sử.

Khâm Định An Nam Kỷ Lược


Khoảng thập niên 1990s, tôi tình cờ mua được một cuốn sách cũ có tên là Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh Chi Quân Nhu Nghiên Cứu 乾隆重要戰爭之軍需研究 của Lại Phúc Thuận (賴福順)[1]. Đây là bộ sách trình bày rất chi tiết và đầy đủ về công tác hậu cần, tiếp vận của nhà Thanh trong 10 chiến dịch đời Càn Long, trong đó có một lần đem quân sang nước ta. Sau đó không lâu, anh Phạm Xuân Hy ở bên Pháp lại tặng cho tôi quyển Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究) của Trang Cát Phát (莊吉發) [2].

Trước đây, khi nghiên cứu về lịch sử cuối thế kỷ XVIII tôi chỉ được biết tới tài liệu của nước ta chứ chưa có cơ hội tiếp xúc với tài liệu bên ngoài. Trong khoảng ¼ thế kỷ, miền bắc VN có nhiều biến động, nhiều thế lực tranh hùng từ thời Lê Trịnh sang Tây Sơn rồi sang nhà Nguyễn. Cái khó khăn của công việc nghiên cứu là tài liệu sau những lần thay chủ đổi ngôi đều đượm màu chủ quan, yêu nên tốt, ghét nên xấu. Người thắng cuộc có thẩm quyền gần như tuyệt đối nên khi vật đổi sao dời thì mọi vấn đề đều bị nhìn theo một lăng kính khác. Thành thử cái nhược điểm và cũng là khuyết điểm của người nước ta là ít ai quan tâm lưu giữ tài liệu sơ cấp (primary sources) mà phần nhiều coi trọng tài liệu thứ cấp (secondary sources). Những tin đồn được sao đi sao lại, thêm bớt tùy tiện nên việc lớn việc nhỏ dù so sánh nhiều nguồn cũng khó có thể đưa ra được kết luận chắc chắn.

Hai cuốn sách tôi đề cập ở trên đều là những công trình lớn của hai tác giả uy tín chuyên nghiên cứu về nhà Thanh. Mặc dầu mỗi cuốn chỉ có một chương liên quan đến VN nhưng tài liệu gốc được trích dẫn khá nhiều lấy ra từ văn khố của Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc giúp tôi mở ra một cánh cửa cần bước vào. Đó là làm thế nào có thể tham khảo trực tiếp tài liệu của nhà Thanh để việc nghiên cứu không bị giới hạn vào phát kiến của người khác, “ăn cơm mớm” chứ không phải chính mình nhai hạt gạo.

Lục tìm trong mớ sách cũ, trên một bài báo trong tập san Sử Địa tập 22-1971 (Saigon), giáo sư Nguyễn Khắc Kham có đề cập đến một bộ sách nhan đề Khâm Định An Nam Kỷ Lược là tập hợp các văn thư của nhà Thanh trong chiến dịch đem quân sang nước ta năm Mậu Thân – Kỷ Dậu (1788-1789). Đây là một đề tài vẫn được giới sử học quan tâm mặc dù nghiên cứu của nước ta chủ yếu chỉ dựa trên Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển XXX, nhan đề Ngụy Tây (tức nhà Tây Sơn) là tài liệu triều đình và Hoàng Lê Nhất Thống Chí, một tiểu thuyết chương hồi viết theo kiểu Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, bán-hư-cấu nhưng rất được người Việt Nam ưa chuộng. Bị hạn chế trong tài liệu cũng như phương pháp, sách vở viết về giai đoạn này không mấy khi đi xa hơn mà chỉ xấu che, tốt khoe, vấp phải những qui tắc cơ bản nhất của nghiên cứu lịch sử.



Khâm Định An Nam Kỷ Lược        An Nam Kỷ Lược

(bản chép tay, thư viện UCLA)

Theo GS Nguyễn Khắc Kham, một học giả Nhật Bản có đề cập đến một bản An Nam Kỷ Lược trong Đông Dương văn khố là bản chép tay (không đầy đủ) của bộ Khâm Định An Nam Kỷ Lược, tập hợp những văn bản gốc trong cung nhà Thanh sau chiến dịch, một dạng tài liệu mật nhà Thanh tổng kết và lưu trữ. Điểm đáng nói là tìm trong Thư Mục tham khảo của GS Trang Cát Phát và GS Lai Phúc Thuận thì đều không thấy đề cập hay sử dụng bộ sách này. Nếu như chính học giới Đài Loan cũng chưa tham khảo đến thì có được tài liệu này đích thực là một “đột phá” mà người nghiên cứu phải làm cho bằng được.

Thế nhưng với những tin tức mơ hồ thì có khác gì mò kim đáy biển, nếu các học giả Đài Loan không tiếp cận được thì mình ở bên ngoài càng khó khăn hơn. Tôi trao đổi với GS Trần Huy Bích để xem có cách nào xin một bản sao từ thư viện Nhật Bản hay không? Việc đó cũng là cầu may thôi chứ không dễ dàng gì, cách trở địa lý cũng có mà mượn tài liệu từ nước ngoài lại càng nhiêu khê. Xin một vài trang may ra còn được chứ cả một bộ sách, lại là sách chép tay thì thật thiên nan vạn nan.

Bẵng đi một thời gian, một hôm anh Bích cho biết đã kiếm thấy một bộ Khâm Định An Nam Kỷ Lược từ thư viện đại học Mỹ. Bộ sách đó in tại Hồ Nam năm 2000, sau khi các tác phẩm của Trang Cát Phát và Lại Tông Thành xuất bản (1982 và 1984) nên hai học giả này không dùng tới thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên. Thông thường, từ khi bộ sách in xong đến khi được phân phối tới các nơi khác trên thế giới trong đó có các thư viện ở Hoa Kỳ, rồi sắp xếp và vào danh bạ cũng mất nhiều thời gian trước khi có thể mượn để tham khảo. Sở dĩ anh Bích lục tìm lâu ngày mà không thấy chính vì bản gốc chỉ giữ trong cung vua, không phổ biến nên đây cũng là lần đầu được ấn hành.[3]

Hồi đó anh chị Trần Huy Bích còn ở trên vùng Los Angeles nên nhân dịp xuống Orange County đã hẹn gặp ở Phở Tàu Bay để giao lại cho tôi. Công lao tìm sách, mượn sách rồi đem từ Los xuống Orange, mấy tuần sau lại xuống nhận lại sách, trả sách tưởng như đơn giản nhưng từ lúc để tâm đi tìm đến khi cầm được trên tay, đều là những chặng đường không dễ chút nào. Có bộ sách trong tay, tôi liền chụp lại một bản để dùng trong nghiên cứu, mở đầu một dự án trường kỳ mà đến nay vẫn chưa hoàn tất.

The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign B.E. 2325-2352

Nghiên cứu tuy là một công việc riêng tư nhưng vẫn cần một chữ “duyên” để có được những gì mình muốn có. Trước đây, khi tìm hiểu về vùng Đông Nam Á, tôi có mua được quyển The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign B.E. 2325-2352 (A.D. 1782-1809)[4] do Thadeus Flood và Chadin Flood dịch từ bản gốc do hoàng thân Chaophraya Thiphakorawong soạn – là bộ đầu tiên trong biên niên sử viết về dòng họ Chakkri vẫn còn liên tục trị vì ở Thái Lan đến nay.


                        The Dynastic Chronicles (Bangkok Era)

Bộ sách này có ghi lại nhiều chi tiết do chính chúa Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này) cùng với một số thuộc hạ đã tường thuật khi ông nương náu ở triều đình Bangkok giúp cho chúng ta có một góc nhìn mới. Sử Xiêm La cũng viết rất kỹ về những biến chuyển trong vùng, một hình thức lãnh chúa cát cứ, mỗi người một nơi tác động hỗ tương như những hình nhân đuổi theo nhau trong đèn kéo quân.

Khi nhìn vào khung cảnh địa lý hiện đại chúng ta vẫn tưởng như mỗi dân tộc tồn tại một phương tự nghìn xưa nhưng thực ra chỉ hai ba thế kỷ trước đây vùng Đông Nam Á giống như một chiếc kính vạn hoa, biến thiên thay chủ đổi ngôi như cơm bữa. Chính trên vùng đất mà nay ta gọi là Việt Nam cũng có ba bốn sứ quân, mỗi người một góc, kẻ chiếm khúc đầu, người được khúc giữa, kẻ có khúc đuôi, người nào cũng muốn chinh phục kẻ khác khiến cho chính tà, chân nguỵ thật không biết sao cho phải. Việc đánh chiếm lẫn nhau rồi cưỡng bách dân ở vùng này di cư sang vùng khác sinh sống đã tạo ra những thay đổi nhân sự không thể giải thích được bằng lý lẽ kinh tế đơn thuần.

Ai đã từng bước chân vào biên khảo khi cần tài liệu đều bứt rứt giống như đứa trẻ con xếp một bức puzzle nhưng lại thiếu đi một mảng, chẳng khác gì Vi Tiểu Bảo và Song Nhi đi tìm những mảnh địa đồ dấu trong bộ Tứ Thập Nhị Chương Kinh.

Tôi nói vậy là vì bộ Xiêm La Đệ Nhất Kỷ lại có hai phần, một phần chính văn rút từ sừ liệu gốc của triều đình Xiêm La nhưng quan trọng hơn là phần chú thích (annotations) của hoàng thân Thiphakorawong hiệu đính những điều bộ Thực Lục bỏ đi hay chép sai.

Sách vở ấn hành độ 100 năm trở về trước, việc làm cước chú rất nhiêu khê, những công trình đồ sộ phải để riêng nên thường phải làm endnotes chứ ít khi để footnotes cho mỗi trang. Những bộ sách lớn phải in thành một cuốn riêng mới đủ chỗ, nhiều khi phải dành một đoạn hay nhiều trang thì việc bổ sung hay cải chính mới trọn vẹn, có quyển nọ mà không có quyển kia chẳng khác gì mua ấm mà chưa mua được cái nắp. Đó chính là nút buộc vì cuốn sách tôi mua được chỉ có phần chính văn, còn phần ghi chú thì ở quyển thứ hai mà tìm kiếm khắp nước Mỹ không thư viện nào có cả.

Tại sao người ta chỉ có quyển I mà không có quyển II về sau tôi mới biết. Volume I của bộ sử này in năm 1978 nhưng 12 năm sau thì Volume II mới ấn hành.[5] Tôi lại cầu cứu đến anh Bích và anh cũng cất công mượn được trọn bộ cả hai quyển I và II từ thư viện Nhật Bản. Tôi kể lể hơi dông dài một phần vì việc tìm tài liệu không phải dễ, nếu không có cái duyên quen anh Bích thì không xong mà nếu anh Bích không kiên nhẫn và quyết tâm tìm kiếm cho đến cùng thì cũng không đi đến đâu cả.

Chân dung vua Quang Trung


NDC tại thư viện Paul Getty Museum

(ảnh do anh Trần Huy Bích chụp)

Trên đây chỉ là hai chuyện do tôi nhờ vả mà nếu không phải là anh Trần Huy Bích thì sẽ không bao giờ có thể đi xa hay nếu có duyên tìm được thì thời gian có thể không còn như trước nữa. Hai chuyện khác tuy ngẫu nhiên nhưng quan trọng không kém, là tài liệu vững chắc để minh chứng những kết luận ngược lại những gì người ta vẫn coi như chân lý.

Chuyện thứ nhất liên quan đến tấm hình vua Quang Trung. Do thông báo của một bằng hữu từ Việt Nam, tin tức về một tấm hình vua Quang Trung còn tồn tại là một chấn động lớn. Đối với những nhà nghiên cứu vẫn khăng khăng dựa vào Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện để khẳng định rằng người sang Trung Hoa là một giả vương thì điều này không quan trọng. Thế nhưng với những chứng cớ “đầu tay”, từ tài liệu gốc của nhà Thanh phối hợp với những thư từ qua lại của nước ta còn giữ được trong di văn của Phan Huy Ích hay Ngô Thì Nhậm việc vua Càn Long sai hoạ sĩ vẽ truyền thần cho vua Quang Trung là có thực. Tuy bức hình vua Càn Long cho người đem cho nước ta có lẽ đã mất nhưng những bức còn giữ lại ở kinh đô còn tồn tại và một bức đã theo chân đoàn quân viễn chinh khi họ cướp các bảo vật ở Viên Minh Viên.

Căn cứ theo một số chi tiết được cung cấp, tôi và anh Bích đã lên Paul Getty Museum, một viện bảo tàng khá nổi tiếng trong vùng Los Angeles là nơi còn được một bức hình này trong một tập catalog đấu giá tại London. Tìm được tài liệu tôi mừng quá và tập trung vào việc khai thác những chi tiết liên quan đến bức hình vô giá này. Thế nhưng một việc tôi không nghĩ đến là chụp một tấm ảnh tôi đang cầm cuốn catalog để cho biết đây là “người thật, việc thật”. May thay, và cũng là sự chu đáo và tế nhị của anh, anh Bích đã dùng cell phone chụp một bức ảnh khi tôi đang quan sát tài liệu và tôi đã dùng tấm ảnh này trong cuốn “Đi Tìm Chân Dung Vua Quang Trung”.[6]


                Bức hình vua Quang Trung do hoạ sĩ nhà Thanh vẽ

Việc công bố bức hình của vua Quang Trung gây ra nhiều tranh cãi vì nhiều người vẫn tưởng tượng ra một vua Quang Trung “vai năm thước rộng, thân mười thước cao” chứ không hom hem như hình vẽ. Thực ra chỉ cách đây không lâu, dưới thời Pháp thuộc, quan lại và dân chúng đều gầy gò, không ai to béo cả. Sinh hoạt kinh tế chưa phát triển, thực phẩm giản tiện nên thân thể gầy yếu cũng là chuyện thường. Bức hình cũng đặt lại nhiều khẳng định lịch sử nhưng vì thiếu chứng cớ nên trước nay không ai đặt thành vấn đề.

Bức tranh Thập Toàn Phu Tảo

Một dịp khác tôi và anh Trần Huy Bích lên tìm sách ở thư viện UCLA. Đây là nơi anh Bích đã làm việc nhiều năm và vẫn còn thẻ thư viện nên mỗi lần cần mượn sách anh Bích thường cùng tôi lên đây. Lần này chúng tôi cũng có một mục đích.

Nguyên trước đây trong một bài khảo cứu, một giáo sư khá nổi tiếng của Hoa Lục là ông Cát Triệu Quang đã dùng một bức hình ghi chú là lễ phong vương cho vua Chiêu Thống (ở Thăng Long). Uy tín của một giáo sư đại học cộng thêm những công trình qui mô liên quan đến Việt Nam của GS Cát khiến không ai đặt thành vấn đề.

Tuy nhiên, dưới góc độ hành chánh, bức tranh có quá nhiều lỗ hổng khiến tôi không tin rằng đây là vua Chiêu Thống. Theo qui chế nhà Thanh, chỉ có hoàng đế khi ra ngoài cần ở tạm nơi đâu ông mới cho dựng chiếc lều vàng, tên chữ gọi là Hoàng Ác Điện. Đây là một loại cung điện di động dành riêng cho vua Thanh theo kiểu Đại Hãn miền quan ngoại. Chiếc lều mà tiếng Anh dịch là yurt là một loại lều tròn, phủ bằng da mà người Mông Cổ thường dựng tại thảo nguyên khi sinh hoạt bên ngoài. Khi di chuyển họ tháo ra và chở bằng xe trâu, khi dừng lại thì dựng lều để làm nhà sinh sống.

Một chiếc lều bên ngoài phủ vải vàng, cắm đầy cờ quạt là lều của nhà vua để tiếp các sứ thần Mông Cổ và làm nơi tạm trú khi vua Thanh ra khỏi Bắc Kinh. Chiếc lều vàng trong hình được dựng lên ở Nhiệt Hà, là nơi nghỉ mát và tránh nóng nên còn có tên Tị Thử Sơn Trang. Bức tranh này miêu tả việc vua Quang Trung sang triều kiến vua Càn Long hành lễ bão kiến thỉnh an. Hai bên Nguyễn Huệ có Ngô Văn Sở và Phan Huy Ích, đằng sau là 6 nhạc công sang trình diễn trong đại lễ chúc thọ. Nhà Thanh là triều đại mà nhất nhất mọi động tác, mọi nghi thức đều được ghi chép trong điển lệ để tuân theo, vua Chiêu Thống không thể nào xuất hiện trong khung cảnh trang trọng như thế này.

Sau khi đã phân tích bức tranh theo quan điểm hành chánh, tôi cần tìm thêm những chi tiết cụ thể để củng cố cho lập luận của mình. Nếu nói rằng việc đi tìm bức hình vua Quang Trung là một việc cầu may, thì việc tìm ra bức tranh này cũng lại khó khăn không kém. Trừ phi chúng ta được phép lục lọi trong kho đáng án (archives) ở Bắc Kinh, nếu chỉ dựa trên sách vở thì đây cũng là việc mò kim đáy biển.



Bức tranh An Nam Quốc Vương chí Tị Thử Sơn Trang

Nguồn: Văn Vật Nghiên Cứu Tùng Thư

Theo tài liệu trên internet, bức tranh này tàng trữ trong Cố Cung Bác Vật Viện Bắc Kinh là một nơi chúng ta không dễ gì có thể tiếp cận. Tuy nhiên tôi cũng hi vọng trong sách vở đã xuất bản có in lại bức tranh này chứ dựa vào tài liệu trên các trang mạng thì chỉ là việc bất đắc dĩ.

Tài liệu về Trung Hoa trong thư viện UCLA bao gồm nhiều khu vực lớn chiếm nguyên một tầng lầu, nếu cứ đi từng dãy thì cả ngày cũng không đến đâu. Vả lại trước nay tôi chỉ tập trung vào tài liệu đời Càn Long, không mấy khi đi sang những khu vực khác. Theo sự hướng dẫn của anh Bích, chúng tôi sang khu vực tài liệu lịch sử, địa lý và đồ hoạ cũng rộng lớn không kém gì khu vực sách. Tài liệu Trung Hoa bao gồm rất nhiều mục, sắp đặt theo từng ngành, từng thời kỳ, từng đề mục mà không phải là người có trình độ chuyên môn, quen thuộc với cách sắp xếp thì cũng chẳng khác gì lạc vào rừng già Amazon.

Qua hàng ngàn bộ sách dày, việc lật từng quyển đã là một tử công phu, tìm cho hết tài liệu chắc phải mất một tuần lễ. Tôi đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu thì anh Trần Huy Bích đưa cho tôi một quyển sách vừa tìm thấy. Tôi cầm xem và mở cầu may một trang, không mong gì có được tài liệu đang cần. Ngờ đâu, âm phù dương trợ làm sao, tôi mở một lần đúng ngay trang có bức tranh tôi đang tìm kiếm. Đây là cuốn sách do Chu Mẫn [chủ biên] (朱敏) trong một tập hợp nhiều volumes của Trung Quốc Quốc Gia Bác Vật Quán Tàng Văn Vật Nghiên Cứu Tùng Thư (Studies of the Collections of the National Museum of China) (中国国家博物館館蔵文物研究叢書) Hội Hoạ Quyển – Lịch Sử Hoạ (絵画巻) (歴史画). (Thượng Hải: Thượng Hải Cổ Tịch Xuất Bản Xã, 2006) trang 192. Chính anh Bích, người chứng kiến cũng ngạc nhiên không thể giải thích nổi sao lại có chuyện ngẫu nhiên kỳ lạ đến thế.

Kết luận

Nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á ở thế kỷ XVIII, các thế lực làm nên lịch sử của nước ta không thể hoạt động riêng rẽ mà cần có sự yểm trợ tinh thần hay vật chất từ các thế lực khu vực khác. Những liên hệ đó trước nay thường được suy diễn qua dã sử, tiểu thuyết và tin đồn. Việc đi tìm những tài liệu tiên nguyên (primary sources) đầy trở ngại vì không mấy ai có thể tiếp xúc được với tài liệu bên ngoài, trừ một số thừa sai có cơ hội tiếp xúc với văn bản từ các thư viện tôn giáo. Trước năm 1975, một số học giả có điều kiện hơn nên được đọc một số tài liệu Trung Hoa nhưng đều là hạng thứ cấp.

Qua sự giúp đỡ của GS Trần Huy Bích, thật là một duyên may lớn để tôi có dịp tham khảo hai bộ sách Khâm Định An Nam Kỷ Lược The Dynastic Chronicles Bangkok Era. Những tài liệu này đã soi sáng cho nhiều vấn đề lịch sử mà tài liệu nước ta không đầy đủ. Khi gỡ rối được những quan hệ nước này và nước khác, chúng ta có thể sắp xếp lại một thời kỳ mờ mịt, nhiều mâu thuẫn được miêu tả qua lăng kính chủ quan mà không dựa trên chứng cớ rõ ràng. Tấm hình vua Quang Trung do nhà Thanh vẽ và bức tranh An Nam Quốc Vương Chí Tị Thử Sơn Trang cũng là những chứng cớ minh bạch nhất về một chuyến đi trước nay bị lịch sử Trung Hoa lãng quên còn sử học Việt Nam thì không hề quan tâm đến.


Nguyễn Duy Chính

Tháng 4-2025



[1] Ðài Bắc: Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, 1984

[2] Bắc Kinh: Trung Hoa thư cục, 1987 (thực ra đây chỉ là bản chụp lại ở Hoa lục một công trình ở Đài Bắc. Nguyên bản do Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982 do Cố Cung Bác Vật Viện Ðài Bắc ấn hành). Bản gốc sau này tôi mua được ở Đài Loan.

[3] Về sau tôi lại tìm thêm được một bản ảnh ấn (từ thư viện UCLA) là tài liệu chép tay để đối chiếu và bổ sung quyển thứ nhất, chính là phần chép lại các văn thơ mà vua Càn Long ngâm vịnh về chiến dịch này mà bộ Hồ Nam không cung cấp.

[4] Tokyo: The Centre for East Asian Cultural Studies, 1978.

[5] Vol Two: Annotations and Commentary (Edition). Tokyo: The Centre for East Asian Cultural Studies, 1990.

[6] Nxb Tổng Hợp, Tp. HCM, 2020 tr. 184-185.