Nguồn: Diễn Đàn Thế Kỷ
Ở một bên bờ nơi vòng cung uốn khúc của dòng Cowlitz bãi cát lài xuống lổn ngổn những hòn đá cuội tròn và trơn rêu. Một người đàn ông ngược từ phía sông đi lên. Ông ta vừa đi vừa xếp lại chiếc cần câu, đặt cần ngay ngắn trên một mô đá rồi cởi đôi găng ướt hơ hai bàn tay lạnh cóng trên ngọn lửa. Ánh hồng của đám củi cháy soi bóng hai người trên bờ sông vắng. Bóng hai cha con. Lát sau người đàn ông ngước lên nhìn trời. Lúc ấy không gian vừa hừng một chút ánh sáng yếu ớt đầu ngày, thứ ánh sáng màu đục nhờ nhờ không đủ sức xuyên qua màn sương đêm dầy đặc giăng tỏa mặt sông. Gần chiếc mô đá nơi đặt chiếc cần câu, đứa bé con đang đùa nghịch với con cá nằm thoi thóp trên bãi sỏi. Một con cá thật to và thật đẹp. Nó chưa bao giờ thấy bố nó câu được một con cá to thế. Con cá mình thon dài, nửa sống lưng trên màu xám rêu, nửa phần bụng dưới màu thép bạc, ở chỗ cái mang lớn hai bên má lại có cái màu hồng hồng. Nó lấy ngón tay chọc chọc vào mang con cá. Rồi nó xòe bàn tay đo bề ngang con cá dài hơn một gang tay. Trong khi đó bố nó lục trong ba-lô lấy ra một cái phích nhỏ rót cà-phê vào nắp phích. Cà-phê nóng bốc khói. Ông ta cúi xuống nhặt một cọng cây có tàn lửa, lục túi lấy bao thuốc lá nhón một điếu dí vào tàn lửa châm hút rồi đi ra mé bờ ngồi trên mô đá. Bên kia sông tối đen mơ hồ như có ánh lửa. Hình như từ xa lại có âm vang của núi rừng vọng về ... O.. O... ON... o... on... on.
Thằng bé đã chán con cá. Nó cúi xuống nghịch cái máy cát-xét. Từ một tiếng đồng hồ qua máy cứ phát đi phát lại mấy bài hát cũ rích của Trịnh Công Sơn. Nó táy máy vặn cái nút volume. Tiếng hát to lên rồi lại nhỏ đi. Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ... Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa... Từng tiếng từng tiếng giỏ xuống ảo não. Thanh âm như những hạt sương rơi đọng lại bên bờ hoang vắng này của dòng sông tưởng như không đủ sức loang xa vào màn đêm mênh mang dầy đặc. Thế nhưng, ở tận bên kia sông, tiếng hát ngừng sững nơi vách đá sau lưng tôi, dội vào tâm thức tôi vang âm của một thời kỷ niệm đã mù xa khuất bóng.
Người đàn ông búng mẩu thuốc về phía sông. Trời vụt quang đãng. Tấm màn sương ở khúc sông trước mặt như vừa có ai vén lên. Mùa đông con sông Cowlitz tái tê vì lạnh. Mặt nước mờ mờ sương khói. Bên kia sông vách đá dựng đứng. Trên đỉnh cao lơ thơ mấy cây thông. Lưng chừng vách từ những vết rạn ẩm nhớp rêu phong khói lam bay tỏa. Dưới chân vách đá, dọc theo Blue Creek (Suối Biếc), cả trăm người câu cá đứng chen vai sát cạnh nhau.
Người đàn ông đứng lên khoác ba-lô trên vai, một tay cầm cần câu, tay kia xách con cá. Đứa con trai ông ta cúi xuống ôm chiếc máy cát-xét. Nó mò cái nút volume để tắt máy nhưng lại vặn nhầm chiều, hết cỡ. Trước khi máy vụt tắt có tiếng hát Khánh Ly vang qua bên kia bờ sông:
Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ... Dài tay em mấy
*
Hàng năm khi những trận mưa tả tơi của tháng mười một vừa ngớt và bàu trời sũng nước của tiểu bang được vén cao chào đón con nắng trở về sau những ngày dài khuất bóng mang theo cái lạnh se buốt của mùa đông, giới mê câu của tiểu bang miền Tây Bắc như lên cơn sốt.
Cá steelhead! Cá steelhead mùa đông!
Hàng triệu con cá từ ngàn dặm xa trở về tập trung ngoài cửa biển chờ hiệu lệnh của thiên nhiên nhất loạt tiến vào những con sông của tiểu bang để đẻ trứng. Hiệu lệnh là những trận mưa tầm tã. Mưa tiêu điều trời đất. Mưa ung thối cỏ cây. Mưa mênh mang mặt sông dâng cao. Mưa tuôn nước ngầu đục mang trôi cành khô lá mục. Như được khích động, những con cá ngoài cửa biển ồ ạt tiến vào sông. Nước càng xiết, sông càng dâng, chúng càng hồ hởi ngược dòng lội sâu về nguồn. Giới câu chờ đợi chờ đợi. Sau lễ Tạ Ơn qua mùa Giáng Sinh, mưa dứt, trời quang, mặt sông dịu xuống trả lại con sông màu xanh lục cố hữu, cá đã đầy sông. Hàng ngàn dân câu xếp hàng nghênh đón ở hai bên bờ.
Bên ngoài trời tối thẫm. Hai vệt đèn pha halogen màu trắng xanh vạch thủng màn sương dầy phía trước. Tôi kềm chiếc xe chạy dọc miết theo lằn kẻ lề phải xa lộ liên bang I-5 South với tốc độ trung bình 70 dặm. Đến Lối Ra số 68 tôi chuyển xe qua đường liên tỉnh 12 East. Như vậy là sắp đến Blue Creek (Suối Biếc). Đồng hồ trên xe mặt lân tinh sáng lên con số 3:45. Tôi tính nhẩm. Từ đây đến Suối Biếc 15 phút. Thay đồ câu mất 15 phút. Lội bộ đến chỗ câu 30 phút nữa. Nếu mọi chuyện xẩy ra đúng dự trù thì tôi có mặt ở Suối Biếc lúc 4:45AM. Vào mùa này tại cái địa điểm câu nổi danh ấy của tiểu bang Washington nếu tôi đến trễ sau 5 giờ sáng, tôi sẽ không hy vọng tìm được một chỗ đứng để câu. Trừ khi tôi gặp Ben, Tony hoặc Howard, chúng nó cho tôi xen vào đứng ở giữa, nhưng mò ra chúng trong lúc trời tối trong đám cả trăm người câu là cả một chuyện khó khăn.
Chiếc Outback chậm chạp theo sau ánh đèn pha lăn trên lớp đá răm kêu lạo xạo trong đêm vắng. Trong chỗ đậu xe của bãi xuống tàu (boat ramp) có khoảng hai chục chiếc xe hơi đậu sẵn. Bấy giờ là 4:05AM. Tôi ngừng xe, tắt đèn pha. Trong bóng đêm tôi ngồi im một lát hoạch định chương trình câu.
Suối Biếc là một cái lạch nhỏ, ngắn, chỉ dài khoảng vài trăm thước. Nó nổi tiếng trong giới câu vì nó là khúc nối giữa con sông lớn Cowlitz và xưởng ươm cá steelhead. Tại xưởng ươm cá này hàng năm hàng trăm ngàn con cá steelhead bé tí teo được ươm từ trứng, được đánh dấu (cắt vẩy lưng) rồi phóng thích. Những con cá ấy sống trong nước ngọt một thời gian rồi chu du ra ngoài biển khơi vượt qua hải phận Gia Nã Đại lên sống vùng cực lạnh Alaska. Hai ba năm sau trưởng thành ngoài biển chúng trở thành những con cá lớn, cân nặng từ 8 đến hơn 20 cân anh. Trước khi đẻ chúng tìm đường trở về nguồn cách xa hàng ngàn dặm. Theo một hướng dẫn nào mà khoa học chưa hiểu nổi, chúng tìm lại được đúng nơi chúng sinh ra, nghĩa là về lại đúng con sông Cowlitz nơi chúng ra đi, bơi vào Suối Biếc, luồn vào xưởng ươm cá, nhờ những bàn tay con người nặn ra những bọc trứng, nuôi hộ đám con, để rồi lại tiếp tục cuộc hành trình thứ hai, thứ ba ra ngoài biển khơi, nếu chúng may mắn thoát qua hai cửa ải tử thần là con lạch mang tên Suối Biếc và suốt cả chiều dài con sông Cowlitz trứ danh.
Người câu cá chỉ đứng câu được ở một bên bờ của Suối Biếc, bờ sát vách đá, có chen vai cũng chỉ chứa được khoảng trăm tay câu, đó là chưa kể nếu nước sông dâng cao bất thường ngập vào vách đá thì diện tích đứng câu còn bị thu hẹp hơn nhiều. Hai chục chiếc xe trên bãi đậu, hai chục tay câu đến trước tôi. Tôi không lo không có chỗ đứng. Nhưng những chỗ câu tốt mà chỉ những người câu rành mới biết rất có thể đã bị đám người đó chiếm mất, nếu họ đều là những tay câu nghề. Tôi hy vọng là có nhiều tay câu tài tử trong số hai mươi người này.
Mở cửa sau của chiếc station wagon tôi bắt đầu mặc đồ câu. Ngoài xe trời lạnh thấu xương. Bốn lớp áo hai lớp quần bên trong bộ đồ lội bằng cao-su và đôi giầy ủng nặng nề khiến tôi đi đứng lộm cộm khó khăn. Lúc tôi khoác chiếc ba-lô lên vai, một tay cầm cần câu tay kia chiếc đèn pin sửa soạn đi vào đường mòn dẫn đến Suối Biếc thì trên bãi đậu xe có ánh đèn pha sáng lóe khắp nơi. Cả chục chiếc xe rần rần chạy tới. Con đường mòn xuyên rừng dài khoảng nửa dậm. Sau mùa mưa lũ đường đất ngập bùn trơn trượt, có đi nhanh cũng mất nửa tiếng. Dưới ánh đèn pin tôi rảo bước trên con đường đất tôi đã thuộc lòng từng ngã rẽ, từng chỗ có thân cây đổ ngang. Tôi cố đi nhanh sợ những người mới tới vượt qua mặt tôi đến Suối Biếc trước tôi và chiếm hết những chỗ tốt. Mỗi bước chân của họ, những người Mỹ to cao và trẻ trung, dài bằng hai bước của tôi. Họ nện những bước chân chắc nịch và hung bạo bất chấp đường bùn trơn trượt.
Đi được nửa đường thì có tiếng chân nặng nề sau lưng tôi và một ánh đèn pin loáng chiếu từ phía sau. Cùng lúc ấy ở phía trước tôi có ánh đèn măng-xông sáng và hai người Mỹ đi ngược chiều hiện ra trên đường mòn. Một người giơ cao chiếc đèn. Người kia hai tay xách hai con cá to. Từ sau lưng tôi có tiếng hỏi hai người phía trước:
“Day shift or night shift?” (Ca ngày hay ca đêm?)
Người cầm đèn măng-xông trả lời gọn lỏn:
“Night!” (Ca đêm!)
Ca đêm chỉ những người câu từ chiều ngày hôm trước cho đến mờ sáng hôm sau. Những người như tôi, dù là đi sớm cách nào, cũng gọi là câu ca ngày. Sở dĩ có tiếng hỏi ca đêm ca ngày vì cũng có những người câu ca ngày, khởi câu từ hai ba giờ sáng, đến bốn năm giờ đã may mắn bắt được hai con steelhead (theo luật chỉ lấy được hai con là tối đa) nên bỏ đi về rất sớm.
Thấp thoáng sau rừng cây gần Suối Biếc có những đốm đèn sáng xanh uốn lượn nhấp nhô dọc theo vách đá. Đoàn người câu mỗi người một đèn măng-xông di chuyển chậm chạp trong đêm trông hư ảo ma quái làm tôi liên tưởng tới những đoạn phim bập bùng ánh đuốc bên dòng Missisippi của đảng Ba K (Ku-Klux-Klan) miền trung Mỹ trong thập niên 50. Lúc tôi đến chỗ câu thì số người ở Suối Biếc nhiều hơn gấp bội con số hai chục mà tôi trù tính. Một số lớn dân câu đã đổ bộ xuống Suối Biếc từ những chiếc thuyền máy thả neo dọc theo bờ con sông chính Cowlitz. Những địa điểm câu tốt đã bị chiếm hết. Tôi đoán là chỉ còn trống ở một vị trí cuối con lạch, chỗ tiếp giáp với con sông chính, nơi đó rất khó câu vì nước chẩy xiết và rất dễ mắc đá ở đáy sông.
Lội suối dọc theo vách đá tôi luồn sau lưng một hàng dài người câu tiến xa về vị trí ấy. Trên bờ những nhóm lửa cháy soi những con cá vây bạc trắng nằm thoi thóp trên cát. Vừa đi tôi vừa nhìn mực cao của nước, định tầm chẩy xiết của sông và quan sát những người đã bắt được cá xem họ dùng mồi gì, chì nặng bao nhiêu và nhất là định chiều dài của “leader”, tức khúc giây từ hòn chì đến hạt nổi, một yếu tố có tính cách quyết định để câu được cá steelhead ở khúc sông này.
Đến cuối con lạch ở cửa vào sông Cowlitz tôi thấy quả nhiên còn nhiều chỗ trống. Tôi quơ đèn pin tìm một phiến đá rộng, mặt thật phẳng, rồi đặt ba-lô xuống. Mục tiêu thứ nhất của tôi đã đạt. Tôi đã tìm được một chỗ đứng. Và bây giờ tôi có thể nghỉ ngơi. Đâu cần câu vội. Tôi có hẳn một ngày trời trước mặt. Rời Seattle vào lúc hai giờ sáng, tôi đã vượt một đoạn đường dài tương đương với đoạn đường từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, trong màn đêm lạnh hai độ dưới độ đông của đá, chỉ để đến đây, lúc 4:50AM, chiếm một chỗ đứng trên phiến đá này. Còn có câu được cá hay không là chuyện khác. Tôi rọi đèn pin lục ba-lô lấy ra phích cà-phê. Nhắp cà-phê nóng tôi đứng yên nhìn ra phía sông tối đen. “Giá có được điếu thuốc lá”. Một ý nghĩ thoáng gợn lên rồi qua ngay. Tôi đã bỏ thuốc lá từ hơn mười năm. Bờ bên kia của dòng sông tối đen tôi không nhìn thấy gì cả. Nếu có thấy chăng chỉ là một tàn lửa ánh lên mơ hồ trong thời quá vãng của mình.
Tôi đạp chiếc xe lọc cọc đổ xuống con đường đá sỏi nằm giữa khu rừng thông. Phía trước tôi mặt hồ Than Thở còn mù hơi sương. Tôi rẽ trái trên con đường đất đỏ dẫn đến ấp Thái Phiên. Đến một căn chòi rơm cất cho khách trú mưa tôi dựng xe đạp bên gốc thông. Cầm cần tre tôi theo một con đường mòn đi về phía cuối hồ. Không một bóng người. Trên măt nước có dựng năm sáu cái bục gỗ làm giàn đứng cho người câu. Tôi vén quần cao lên tận bẹn, một tay giơ cao đôi giầy, một tay ôm cần câu tôi bì bõm lội nước trèo lên sàn gỗ. Nước hồ Đà Lạt lạnh buốt khiến tôi run rẩy. Tôi móc điếu thuốc lá Ruby châm hút thở khói trong sương nhìn qua bên kia hồ trên bục câu có người vừa bắt được cá. Ánh sáng đầu ngày qua làn sương sớm con cá quẫy mạnh trên nước như mặt gương tung tóe ánh bạc trong trí tôi một buổi sáng mù xa bốn mươi năm trước. Trôi đi ảo não trong tâm tưởng tôi có tiếng hát mơ hồ xa diệu vợi. Ừ thôi em về, chiều mưa giông tới... Bây giờ anh vui, hai bàn tay đói... Bây giờ anh vui, hai bàn chân mỏi... Thời gian nơi đây...
Thời gian nơi đây ở thành phố Đà Lạt có những buổi sáng sương mù tôi thức dậy thật sớm đạp chiếc xe cọc cạch đến hồ Than Thở cũng chỉ để tìm một chỗ câu tốt. Trong ký ức tôi những ngày rất xa xưa ấy thành phố lúc nào cũng như ướp hơi sương và như ướp cả những bản nhạc tình hồi đó còn chưa đọng mùi chiến tranh của người nhạc sĩ họ Trịnh. Trong khung cảnh êm đềm ấy tôi đi câu và mê câu từ đó. Tôi đã bắt được con cá to đầu tiên trong đời ở hồ Than Thở. Thật ra, tôi đã câu được con cá đó hay chính con cá đó đã câu tôi? Bởi vì trong suốt bốn mươi năm tôi không giằng thoát ra khỏi lưỡi câu khắc nghiệt của nó.
Năm ấy con hồ này hấp dẫn nhiều tay câu của thành phố vì được chọn làm thí điểm nuôi cá phi, một loại cá giống cá chép, thịt ăn rất ngon. Suốt một mùa hè năm ấy ngày nào tôi cũng phải có mặt ở hồ vào lúc tờ mờ sáng để giành giựt một cái giàn câu dựng trên mặt nước. Giàn là một tấm ván nhỏ chỉ đủ rộng cho một người đứng câu thoải mái. Cả một cái hồ rộng chỉ có khoảng mười cái giàn như thế mà dân ghiền câu ai cũng muốn chiếm hữu.
Tôi đứng đó, trên ván gỗ, lạnh run. Điếu thuốc lá đầu ngày không đủ làm tôi ấm. Ruby ba đồng bốn điếu tôi mua ở khu Chi Lăng. Tôi không đủ tiền để mua hơn. Mình phải rất tần tiện, còn lại có ba điếu cho cả một ngày dài. Tôi quẳng giây câu xuống hồ. Chiếc phao tõm xuống nước rồi trồi lên nhấp nhô cái đầu phao tí hon màu đỏ tươi. Cái phao tôi mới mua hôm trước ở tiệm tạp hóa Vĩnh Chấn đầu giốc đường Minh Mạng. Trước đó tôi dùng phao tôi chế lấy bằng cọng chổi, phao chỉ nổi lúc đầu, khi thấm nước nó tự động chìm xuống từ từ rất là vô duyên.
Lát sau có một ông già mà tôi gọi là “ông già nón lá” bì bõm lội nước trèo lên cái giàn gỗ cách tôi chừng chục thước. Đứng trên bục ván ông ta nhìn tôi tức tối. Chả là hôm nay tôi cố tình đi thật sớm để chiếm cái bục câu của ông ta, một chỗ câu tôi nghĩ là rất tốt, vì từ lúc bắt đầu đi câu đến giờ đã hai tuần lễ tôi chả bắt được một con cá to nào trông ra hồn, trong khi ở cái giàn câu tôi đang đứng hiện giờ ông già kia bắt được rất nhiều cá to.
Tin tưởng lần này tìm được chỗ tốt tôi chăm chú câu. Trong lúc mắt tôi hàng giờ không rời cái đầu phao đỏ lúc ẩn lúc hiện trên làn nước thì tâm trí tôi lại như trôi đi trong làn ánh sáng lăn tăn của buổi sớm mai bên phía bờ kia của hồ Than Thở. Tôi thấy tôi mười năm về trước chạy lăng xăng trên sườn đồi thông bên kia, súng cao-xu cầm tay, ngước nhìn ngọn cây tìm kiếm những con chim kêu tao tác trong rừng, tôi nhìn thấy chị tôi mặc chiếc áo len đỏ đứng trên sườn đồi lộng gió, tôi nghe thấy có tiếng quẫy trên nước của con cá dính lưỡi câu ở đâu đây, tôi nhìn thấy tôi trở về chỗ ba cha con tôi picnic trên đồi mang theo một con chim bị bắn chết khoe trước mặt cha tôi thì ông đang ngả người hút thuốc, lưng dựa vào một gốc thông, những vệt ánh sáng yếu ớt lọt qua lá thông chạy lòa xòa trên mặt cha tôi.
“Cậu còn thuốc lá cho già này xin điếu?”
Ông già nón lá nói vọng sang từ bục câu bên kia. Một nụ cười rất tươi nở trên khuôn mặt nhăn nhó thường ngày rất khó chịu của ông ta.
“Chả nói giấu gì cậu hôm nay tôi để quên gói thuốc ở nhà. Lúc nẫy thấy cậu hút thuốc mà tôi thèm quá. Trời lạnh này giá có một điếu...”
“Cháu không có nhiều nhưng cũng xin biếu bác một hai điếu.”
Ông già lập cập lội qua chỗ tôi. Trên bục ván ông đứng có một con cá nằm thoi thóp ông ta bắt được lúc nào tôi không hay. Ông già châm điếu thuốc, thở khói, rồi ông ta lục trong túi lấy ra một bịch cơm nắm thật to, gỡ lần vải ông véo hai ba cục cơm to bằng nắm tay vứt ra xung quanh cái bục câu của tôi. Xong xuôi ông dí nắm cơm vào mũi tôi nói:
“Thơm lắm! Cơm giã với thính, cá thích lắm! Cá dưới đáy hồ ngửi thấy mùi thính ủi vào cục cơm. Cơm bể là có bọt khí nổi lên. Cậu phải nhìn mặt nước thật kỹ. Khi nào thấy bọt là cứ thả cần đúng chỗ đó.”
Nói xong ông già bì bõm lội về chỗ cũ, mang theo trong túi điếu thuốc lá Ruby. Tôi chỉ còn đúng một điếu. Trưa hôm đó tôi hút điếu thuốc còn lại, ngon không tả, để tự thưởng cho mình câu được một con cá phi thật to đầu tiên trong đời.
“Any luck?” (Gặp may chưa?)
Một ánh đèn pin chiếu về phía tôi. Không thấy mặt nhưng tôi nhận ra ngay giọng nói của Howard. Tôi đáp:
“I just got here. Not even started yet!” (Mới đến, chưa động đến cầu câu!)
Hắn lẳng lặng đặt ba-lô xuống rồi chiếm một tảng đá bên cạnh tôi. Tôi nhìn hai bên. Lúc này dân câu đã đứng chật khúc sông. Ánh đèn măng-xông sáng lên chung quanh. Tôi gỡ cần câu sửa soạn ra quân rồi quay qua Howard tôi hỏi hắn:
“Have you seen Ben?” (Mày thấy thằng Ben đâu không?)
“Yep. He’s up there!” (Có. Nó câu ở trển!)
“And Tony?” (Còn Tony?)
Howard nhìn tôi, mỉm cười, nói:
“Today Sunday, remember?” (Hôm nay Chủ Nhật. Mày quên rồi à?)
Tôi cũng mỉm cười. Tony là một đứa rất ngoan đạo. Chủ Nhật nào nó cũng ở nhà đưa vợ con đi lễ nhà thờ khiến thằng Ben một bữa nổi nóng vì không được chở đi câu vào một ngày Chủ Nhật câu tốt lý tưởng. Một bữa trong cuộc tranh luận về tôn giáo giữa bốn đứa bạn câu chúng tôi, Ben đã tuyên bố một câu xanh rờn: “I would rather go fishing thinking about God than go to church thinking about fishing” (Tao thà là đi câu để suy nghiệm về Chúa còn hơn là ngồi trong nhà thờ mà đầu óc cứ tơ tưởng chuyện đi câu).
Trời còn tối. Tôi không nhìn được sức nước chẩy của khúc sông trước mặt nhưng tôi bắt đầu thăm dò bằng hòn chì nặng 1 ounce. Tôi dí sát lưỡi câu vào ánh đèn pin trước khi ném hòn chì về phía trước. Lưỡi câu cột một hạt nổi có sơn chất lân tinh. Hạt nổi vạch trong đêm đen một vệt sáng hình vòng cung rồi chìm xuống ở lòng sông. Dưới đáy, dọc theo chiều dài của Suối Biếc, hàng trăm những hạt nổi như thế múa sáng như hàng trăm con đom đóm lập lòe, những đóm sáng chờn vờn trôi đi trước cửa miệng và khiêu khích những chú cá steelhead. Rồi chỉ một phút tức mình không chịu được, chú cá phóng mình đớp lấy hột sáng. Nhưng ngay khi chú nhận ra là hột sáng còn có dính lưỡi câu, con cá tinh khôn ấy cảm thấy ngay có cái gì không ổn và nó nhả mồi ra kịp thời; trừ khi nó gặp một tay câu cừ khôi, cũng cảm thấy ở đầu giây câu có cái gì không ổn, giật mạnh đúng lúc, móc lưỡi câu vào mép cá. Đó là tất cả bí quyết đã nâng cái thú câu cá steelhead lên hàng nghệ thuật. Tôi đã mất cả mười năm trời để chỉ có được một cảm giác mơ hồ khi nào cá steelhead cắn câu, một loài cá có lối chiến đấu dũng mãnh khi bị mắc lưỡi, không hổ danh là “cá đầu thép”, nhưng đồng thời cũng là một loại cá thận trọng và tinh khôn, có một lối đớp mồi rất dịu dàng.
Năm đầu đi câu ở Suối Biếc tôi không bắt được con cá steelhead nào. Mỗi lần đi là mỗi lần về tay không. Cho đến một ngày tôi gặp Ben. Truyền kinh nghiệm cho tôi, hắn nói: “Seldom do you feel the steelhead’s bite, you just sense it!” (Khó mà cảm giác được khi nào cá steelhead cắn. Chỉ linh cảm thôi). Để có được cái “sense” ấy phải cần nhiều thời gian và kinh nghiệm. Steelhead là loại cá thận trọng và kiên nhẫn. Mình phải kiên nhẫn hơn nó. Đó là bài học quan trọng nhất mà hắn dậy tôi.
Tôi thu giây về thay hòn chì 1 ounce rưỡi vì nước chỗ này chảy xiết hơn thường lệ. Trong đêm đen, truyền qua sợi cước, tôi cảm thấy hòn chì khuơ điệu luân vũ nhẩy nhót trên những hòn đá sỏi dưới đáy sông sâu. Bằng cách này tôi đã “sờ” vào đáy của khúc sông ấy. Như một bác sĩ áp ống nghe vào ngực bệnh nhân, trong mấy chục năm nay tôi mò mẫm tiếp cảm cái thế giới vô hình của đáy sông, của lòng biển; nơi đó, tựa bờ bên kia của đời sống, luôn luôn là một thế giới tối đen, sâu thẳm, bí mật, ám ảnh và quyến rũ. Chính nó mới đích thực làm nên cái đam mê không rời của tôi.
“FISH ON!” (Cá mắc câu!)
Tiếng la to trong đêm. Âm vang “... o...o... O . .. ON!” kéo dài theo vách đá dọc theo hơi thở hàng người đứng câu, lan ra sông, dội trên nước, vọng qua bờ Cowlitz.
Đám người nhốn nháo! Lại một tiếng thứ hai “FISH ON!” vang dậy ở đầu kia. Màn đêm như vừa bừng sáng. Suối Biếc thức dậy! Cuộc chiến bắt đầu!
Theo luật chơi, người có cá mắc lưỡi phải hô thật to “Fish on!” để tất cả những người khác ở gần hai bên tức tốc cuốn ngay giây câu về. Nếu không tất cả những giây câu sẽ bị rối loạn vào nhau và người được cá sẽ mất cá. Tiếng hô phát ra ở phía thượng nguồn của suối, tức là phía xưởng ươm cá, cách chỗ tôi đứng khá xa, nên Howard và tôi vẫn tiếp tục câu.
Lát sau lại có tiếng la vang dội, báo hiệu con cá cắn câu đang lội ngược dòng:
“Fish coming up!”
Lát sau nữa, cá lại đổi chiều lội xuôi dòng:
“Fish coming down!”
Tiếng hô báo cho biết con cá bị mắc lưỡi đang tiến về phía chúng tôi. Tôi và những người chung quanh bắt đầu cuốn giây câu. Con cá này chắc lớn. Nó cứ phăng phăng kéo dây tuôn trên lõi của máy khiến người câu, vì sợ giây đứt, cứ phải lội theo cá. Bên trái tôi hàng chục tay câu lùi phía sau, nhường chỗ cho người có cá lội dần về phía tôi. Trước mặt tôi là cửa con lạch nối ra sông to Cowlitz. Nếu để cá thoát ra sông, nước xiết sẽ trôi phăng con cá đi, giây cước sẽ đứt! Biết được điều ấy người câu đứng dừng lại. Hắn bắt đầu nâng cần cong vòng về phía sau và xiết chặt giây câu lại. Bỗng cần câu bật thẳng lên. Hắn dậm chân, buông một câu chửi thề, cũng to như tiếng hô “fish on!” của hắn:
“Damn it!”
Tôi nhìn cái dáng cao lớn của hắn thất thểu đi về chỗ cũ. Cũng như hắn tôi đã nhiều lần thốt ra câu chửi thề ấy. Mất cá sau khi đánh nhau dữ dội với cá là cả một kinh nghiệm não nề. Tôi nhớ một lần, cách đấy vài năm, vào một buổi trưa mùa hè, tại Salmon Beach (Bãi Cá Hồi), tôi đã chiến đấu bền bỉ và dũng mãnh với một con cá salmon (tức cá hồi, một loại cá sống nước mặn có hình thù giống cá steelhead nhưng to và khỏe hơn) trong một thời gian rất lâu để rồi cuối cùng, mệt nhoài và kinh hoảng, tôi đã đánh mất nó. Nhưng tôi nhớ mãi ngày hôm ấy không phải vì tiếc đã để xổng một con cá thật to mà vì con cá đã kéo tôi lạc vào một vùng đất cấm. Những gì tôi chứng kiến hôm đó đã ám ảnh tôi nhiều đêm trong những giấc ngủ nặng nề.
Salmon Beach là một bãi cát mảnh và dài, nằm dưới chân cầu Narrow Bridge vắt qua vịnh Puget Sound, một cây cầu treo dài và cao nổi tiếng của thành phố Tacoma. Bãi cát nằm dưới chân một bờ vực sâu thăm thẳm. Song song với bãi cát, nắm ép vào chân vực, là con đường tàu hỏa chạy xuyên suốt chiều dọc của nước Mỹ men theo bờ Thái Bình Dương. Đứng ở trên cầu Narrow nhìn xuống chân cầu, những toa xe lửa nhỏ như những hộp diêm, chạy quanh co nép vào chân vực dọc theo bờ cát hẹp. Ở bãi cát đó, Bãi Cá Hồi, tôi đã nhiều lần đứng câu. Những toa xe lửa đồ sộ thường chạy qua rầm rầm rung chuyển sau lưng tôi. Tôi thường nhìn lên cây cầu Narrow cao tít trên kia, trên đó như lẫn trong mây, những chiếc xe hơi nhỏ như một đàn kiến di chuyển hầu như bất động trên cầu, ánh mặt trời phản chiếu trên kính xe lóe những chấm sáng li ti.
Trưa hôm đó trời trong và nóng. Tôi câu một mình ở Bãi Cá Hồi. Vùng vịnh này nổi tiếng là chỗ câu cá salmon tốt, đăc biệt là loại cá hồi lớn còn gọi là King (Cá Vua). Dân câu thường dùng thuyền máy để câu, ngay chỗ chân cầu Narrow, chứ ít ai mạo hiểm câu ở Bãi Cá Hồi vì ngán con dốc cheo leo từ bãi đậu xe xuống đó. Nhưng chính vì thế mà tôi thích câu ở đây. Khung cảnh nơi này lúc nào cũng tạo nên cho tôi một cảm giác rờn rợn trước ý thức sâu thẳm về sự bé nhỏ của con người đối diện cái hùng vĩ của thiên nhiên.
Hai giờ đồng hồ đứng câu không xẩy ra một động tĩnh gì khiến tôi nản chí. Đã thế tôi lại mất quá nhiều chì chài vì lưỡi câu rất dễ bị mắc kẹt vào kẽ đá ở đáy vịnh. Đúng vào lúc tôi toan trở về nhà thì có cá dùng dằng ở đầu giây. Thoạt đầu tôi nghĩ lại một lưỡi câu nữa bị vướng đá. Tôi toan giựt mạnh cho đứt giây thì tôi bỗng có cảm giác như ở đầu giây khối đá từ từ chuyển động. Linh tính cho biết khối đá chính là một con cá salmon “King” cực lớn, chuyên ăn mồi ở đáy. Tôi biết ngay là với sợi giây cước chỉ có sức chịu đựng tối đa 12 cân anh, tôi không thể cưỡng nổi một con cá mà trọng lượng có thể lớn gấp ba lần. Cách duy nhất để khỏi bị đứt giây là tôi phải vừa chiến đấu để làm cá mệt vừa phải nhượng bộ nó bằng cách từ từ lội theo cá. Tôi nâng cần lên cao để giữ cho giây câu lúc nào cũng thật căng rồi vừa lội nước vừa trèo qua những hòn đá lớn nhỏ dọc theo vách đá, dọc theo con đường xe hỏa. Giơ hai tay đưa cần lên cao vừa mò mẫm trèo qua những tảng đá trơn trượt là một công việc cực nhọc và nguy hiểm. Nhưng cơn say đấu với cá làm tôi quên mệt. Tôi lội không biết bao xa và cũng không biết là trong bao lâu, với hy vọng là con cá sẽ mệt và đầu hàng trước khi tôi chịu thua nó. Thời gian trôi qua tưởng như bất tận. Tôi đã lả người mà con cá vẫn cứ kéo đi phăng phăng. Trời lại nóng. Người tôi ướt đẫm mồ hôi. Tôi đã vượt qua bờ bên kia của nhiều vách khuất đến những nơi mà tôi chưa bao giờ từng nhìn thấy.
Qua một khúc quành, sau một vách đá dựng đứng, một bãi cát bỗng mở rộng trước mắt tôi, bãi cát ăn sâu lõm vào đá trông như cửa một cái động. Trên đầu tôi một cây cầu sắt bắc ngang hai vách đá. Ánh sáng từ trên cao rọi xuống soi những phiến đá to nằm trên cát trắng. Trên những phiến đá đó, trên bãi cát, nhễ nhại mấy chục thân người trần truồng như nhộng. Từng cặp từng cặp đứng, nằm, ngồi, ôm ấp, quấn quýt. Hình như tất cả những con mắt đều hướng cả về tôi. Cùng lúc đó ở đầu giây con cá King xuất hiện. Nó, một con cá cực lớn, như một ngư nhân chồi khỏi mặt nước, phóng mình lên cao. Tu tu... Tu tu... Trên đầu tôi tưởng như có đoàn tầu hỏa rầm rộ qua cầu.
“Fish on!”
Tiếng hô của Howard cùng với bàn tay hắn đập mạnh vào vai tôi làm tôi choàng tỉnh hốt hoảng giựt mạnh cần câu. Ở đầu giây có cá cưỡng lại. Tôi bật hô lớn:
“FISH ON!”
Trong lúc tôi mơ màng không chú ý, Howard đã trông thấy ở đầu cần câu của tôi một mấp máy bất thường và với cặp mắt kinh nghiệm hắn biết ngay có cá cắn và hô to để tôi giật cá. Khi cá vừa cưỡng lại ơ đầu kia thì một cảm giác rung lên truyền dọc theo giây cước dội vào lồng ngực khiến trái tim tôi như muốn nổ tung. Thình thịch. Thình thịch. Tim tôi đập hỗn loạn. Con cá vừa bị mắc lưỡi đã tung mình theo dòng chẩy xiết của sông Cowlitz, kéo giây câu tuôn khỏi lõi máy. Chả mấy lúc cá sẽ tuôn hết giây ở lõi và khi hết giây là giây đứt. Điều này hầu như chắc chắn sẽ xẩy ra. Trừ khi tôi có thể làm cho cá quay đầu lội ngược vào trong Suối Biếc. Tôi dí đầu cần chúi sát xuống mặt nước đồng thời tôi xiết bộ phận của máy không cho giây tuôn. Một là giây đứt. Hai là cá quay đầu. Tôi không có lựa chọn nào khác. Phật một cái! Giây đang căng bỗng chùng xuống như thể bị đứt. Tôi tính buông một câu chửi thề thì sực nhớ ra. Nếu cá quay đầu đâm ngược về phía người câu thì cũng tạo nên giây chùng, cũng tạo nên cảm tưởng như giây bị đứt. Phải giữ giây thật căng! Lóe lên trong óc tôi bài học câu căn bản. Giây càng căng thì lưỡi câu càng gắn chặt vào mép cá, dây chùng rất dễ bị tuột lưỡi. Để cho giây căng, tôi phải tức tốc quay thật nhanh để thu giây về lõi. Tốc độ thu hồi phải nhanh hơn tốc độ bơi của cá! Quay tới tấp được khoảng chục vòng thì ở đầu giây kia có cái gì làm cho khựng lại. Tôi cảm thấy con cá vẫn còn nặng trịch ở đầu giây.
Vụt một cái! Ngay trước mặt tôi khoảng ba thước con steelhead phóng từ dưới sông lên cao khỏi mặt nước.
Vụt một cái! Óc tôi lóe hình ảnh con cá “King” thuở nào ở Bãi Cá Hồi, con cá cực to như một ngư nhân chồi khỏi mặt nước. Tu tu... Tu tu... Tiếng còi xe hỏa ngân lên như một tràng cười rũ rượi vang dọc vách đá. Như bị thôi miên tôi nhìn trừng trừng vào đám người trần truồng trên những phiến đá kia. Đám thịt người bị con cá King thức tỉnh! Những con bọ khổng lồ quấn quýt nhau trên đá, trên cát, bỗng cựa mình quay đầu hướng nhìn con cá quẫy mạnh trong không trung. Những con mắt của họ trông ghê ghê dại dại làm sao! Rồi đồng loạt cả trăm con mắt quay lại nhìn tôi chằm chằm. Những con mắt xanh veo! Lạnh lẽo... Vô hồn... Những con mắt của giống đực!
Con cá King đã lôi tôi vào vùng cấm kỵ, vào khu vực bí mật của những người đồng tính luyến ái, vào thế giới tình yêu của “ghê” (gay)!
Kinh hoảng chạy dọc sống lưng, tôi lùi lại. Những con mắt “ghê” gắn vào tôi làm tôi tê dại. Trong ánh phát ra lạnh lẽo từ những hòn bi ve thủy tinh có lẫn những tia giễu cợt, đe dọa. Cùng lúc tôi nghe tiếng còi tàu hụ lên. Từ một hóc tối đen ngòm khoét sâu trên cao vách đá chiếc đầu tàu xe hỏa đồ sộ phóng ra rầm rộ qua cầu, những bánh xe nặng nề nghiến trên đường sắt, cây cầu rung lên bần bật, dưới chân mặt đất rung chuyển. Tôi lùi lại, lùi lại... Tôi vấp phải hòn đá, ngã khuỵu xuống bãi cát... Tu tu... Tu tu... Ở đầu cần sợi giây câu lỏng le. Con cá tuột mất khỏi lưỡi câu lúc nào tôi không hay. Tôi quay đầu ù té chạy tay vung cần câu, kéo theo sợi giây cước dài lòng thòng trên cát. Đằng sau tôi những con mắt ghê như đeo cứng vào lưng. Tôi trèo lên, nhẩy xuống, vấp ngã, gượng dậy, trên những tảng đá lớn nhỏ lổn ngổn dọc theo bãi bờ hoang vắng... Nửa giờ sau ngồi trên xe ở bãi đậu đầu cầu Narrow quả tim tôi vẫn còn đập mạnh. Trong cơn hốt hoảng tôi đã bỏ quên trên bãi cát hộp đồ câu của tôi nhưng tôi không nghĩ đến chuyện trở lại lấy. Cái cảnh những con đực trịn rịn vần nhau trên bãi Salmon Beach còn in rõ trong óc, mới đó mà như đã bị đẩy lùi vào trong quá vãng, trong hư ảo, trong hoang tưởng. Hình ảnh như từ một giấc viễn mơ chui ra, trong đó những tấm thân nhễ nhại dưới nắng kia biến thành những ngư nhân tắm ánh bạc trong thần thoại, những con đực hóa thân từ loài cá chồi lên cạn làm tình tập thể giữa thiên nhiên hoang dại.
Con cá King mà tôi để xổng đã kéo tôi lạc vào thế giới man dại của tình yêu trong vùng đất cấm khuất nẻo, nằm nấp sau một vách tường đá sừng sững, tuy không có bảng treo “No Trespassing,” nhưng thiên nhiên tự nó đã là một tấm bảng “Cấm Vượt” vĩ đại rồi.
Dưới ánh đèn măng-xông thân con cá steelhead loáng ánh bạc, cái đầu cá lắc lư vùng vẫy trong không trung như cố lắc lưỡi câu khỏi miệng. Rồi nó rơi tõm xuống tung tóe mặt nước. Tôi quyết lần này không để xổng nó như tôi đã để mất con cá King mấy năm trước. Đúng như ý muốn của tôi, con steelhead bắt đầu chui vào Suối Biếc. Tôi la lớn:
“Fish coming up!”
Con cá đâm đầu xuyên vào giữa đám giây câu. Mọi người nhốn nháo thu vội giâu câu về, nhưng không kịp. Howard buông cần câu của hắn, xách một cái vợt to lội xuống suối. Thân hình hộ pháp, vừa đi hắn vừa la lối om sòm để dọn đường cho tôi đi theo.
“Fish coming up!” Vừa lội phía trước Howard vừa la to.
Bỗng tôi có cảm giác như con cá ở đầu giây bị kéo giật ở hai phía. Tôi biết là có giây câu của người khác cuốn vào con cá của tôi. Một tay câu còn trẻ đang hí hoáy gỡ giây vướng vào giây của tôi, nó gỡ mãi không xong. Howard nổi nóng. Hắn ra lệnh cho anh chàng kia cắt đứt sợi giây cước của nó.
“Cut the line! Damn it!”. Hắn la to.
Bứt được sợi giây kia con cá lại phăng phăng chạy ngược lên nguồn. Hai đứa tôi lội ngược dòng. Tôi biết là tôi phải hạ thủ con cá này thật nhanh. Tôi không thể “chơi” với con cá này lâu như kiểu tôi vần con cá salmon ở Bãi Cá Hồi vì ở đây hàng chục tay câu phải cuốn giây đứng chờ cho đến khi tôi bắt được cá. Đứng yên một chỗ tôi đưa ngược cần cong về phía sau, tôi vụt hạ cần xuống thật thấp rồi quay vội vài vòng, kéo dần con cá về. Mỗi lần kéo tôi thấy sức kháng của cá yếu dần. Sau cùng tôi đưa được cá gần bờ. Howard lội xuống suối, giơ vợt đón đầu con cá. Nhưng vừa nhìn thấy vợt con cá hoảng sợ quẫy mạnh thu tàn lực kéo tuôn giây câu. Đây là lúc dễ bị xổng cá nhất. Khôn ngoan Howard dấu cái vợt sau lưng hắn. Khi cá đến gần hắn đưa vợt ra thật nhanh xúc con cá lên. Trong lòng vợt là một chú cá steelhead lớn nặng khoảng 15 cân anh. Con cá nằm im thở dốc, hai mang phập phồng. Ở bên mép còn dính một chùm len màu đỏ cam. Chùm len tôi gắn vào lưỡi câu để nó phẩy te tua trong làn nước trông y như một con bọ hấp dẫn cá. Tôi vỗ vai cám ơn Howard. Không có nó giúp chưa chắc gì tôi đã mang nổi được con cá này lên bờ. Xách cá lên vai, tôi cùng Howard trở lại chỗ câu.
Trời phía sông hừng lên sáng nhưng lớp sương mù vẫn còn dầy đặc. Suối Biếc sau cơn sốt lại trở về với cái yên tĩnh mênh mang của núi rừng. Kinh nghiệm câu cho tôi biết cá thường cắn dội lên trong khoảng nửa tiếng đồng hồ. Sau đó là yên lặng, cho đến vài giờ sau, có khi cả nửa ngày sau mới lại nghe tiếng “Fish on!”.
Trong tĩnh lặng tôi ngỡ như có tiếng hát bay trong không gian nhưng tôi nghĩ tiếng hát không thể nào có thực. Nó chỉ có thể ở trong trí tưởng tôi. Ôi những dòng sông nhỏ lời hẹn thề là những cơn mưa.. Dù không thấy được phía bên kia nhưng cảnh trí bên kia bờ rất quen thuộc. Bên đó là vòng cung uốn khúc của dòng Cowlitz có bãi cát lài xuống. Phía sau là rừng thưa. Tôi đã nhìn thấy rừng cây chuyển lá bốn mùa. Em đứng lên mùa thu tàn tạ... Hàng cây khô cành bơ vơ... Hàng cây đưa em đi về giọt nắng nhấp nhô... Bên kia bao giờ cũng là một bờ vắng lặng. Những dân câu đứng chen chúc bên này đều mơ ước có một chỗ đứng câu ở bên đó nhưng chỉ mơ thôi. Bờ bên kia là đất tư, thuộc sở hữu của chủ nhân những ngôi nhà nằm khuất sau rừng. Người câu cá duy nhất mà chúng tôi thỉnh thoảng nhìn thấy là một ông già sống một mình với một con chó ở trong căn nhà có bánh xe (trailer) đậu phía bên này của khu rừng thưa. Ông câu rất ơ thờ. Thường ông ngồi ngủ gục trên ghế xếp trước cái cần câu cắm bất động ở một chỗ. Mỗi lần đi câu tôi thường thấy ông ta dẫn chó đi dọc tới lui bên kia bờ. Chỉ có một lần duy nhất tôi thấy ông bắt được cá. Khi ông kéo con cá lên bờ, con chó bị khích động mạnh, nó sủa nhắng lên vừa sủa vừa nhẩy chồm chồm vòng tròn quanh con cá. Nhưng đó là nhiều năm về trước. Gần đây tôi ít thấy ông xuất hiện. Có thể là bây giờ ông đã già yếu. Lần cuối tôi thấy ông là đầu mùa hè. Bây giờ đã sáu tháng qua. Không biết ông còn sống thêm được một mùa đông lạnh giá.
Có tiếng chim kêu quác quác trên bàu trời. Tôi ngửng lên nhìn hai con ngỗng trời bay lả trên cao, bốn chiếc cánh rộng đập êm ả lấp lánh ánh nắng mai. Khi tôi nhìn xuống thì sương mù đã tan. Hình ảnh ông già và con chó trong tôi biến mất. Bên kia bờ có bóng hai người thấp bé. Người đàn ông tay xách con cá lấp loáng ánh bạc. Bên cạnh ông ta là một đứa bé tay nhấc lên một cái hộp đen. Hai người đi về phía cửa rừng. Tôi nghe có tiếng hát vọng sang rồi vụt tắt. Tiếng hát như cánh tay vươn của Trịnh Công Sơn dài qua bên này sông.
... mưa bay trên tầng tháp cổ... Dài tay em mấy
*
Hai bố con bước trên sỏi đi về phía bờ rừng thưa. Ở cạnh một căn nhà trên bánh xe (trailer) có một lối mòn đi vào rừng. Người đàn ông ngước lên nhìn tấm bảng gỗ đóng trên thân cây ở đầu lối mòn. Rồi hai người biến mất vào đó. Trên tấm bảng gỗ có sơn một hàng chữ đỏ. Có thể người đàn ông không hiểu tiếng Anh. Cũng có thể là ông ta hiểu nhưng cứ làm như không hiểu. Tấm bảng đề: “Private Property. No Trespassing” (Đất tư. Cấm vượt).
Nguyễn Tường Thiết