Tuesday, June 8, 2021

Cuối năm “kể” chuyện Tam Quốc / TRÚC CHI



 Gửi Lôi Tam 

 

Con gái tôi chìa cho tôi phần quảng cáo phim trong nhật báo Los Angeles Times:

- Có cái phim Tàu này, thấy họ quảng cáo trong TV nhiều lắm. Ba có muốn đi coi không?

Tôi nhìn vào trang báo, thấy hai chữ “Red Cliff” cỡ lớn, bên dưới có hai chữ Hán nhỏ hơn: Xích Bích.

- Ồ. Phim này thì phải đi xem mới được.

Lâu nay, tôi ít đi xem phim mới. Phần làm biếng. Phần nghĩ rằng chờ ít lâu, thuê video về coi cũng không muộn. Cái tuổi náo nức rủ bạn rủ bè chen lấn mà mua mấy tấm vé để xem cho kỳ được một phim có Gregory Peck hay Ingrid Bergman... cái tuổi ấy nó giã từ tôi đã lâu lắm rồi. Nó đã bỏ tôi mà xuôi về một chốn nào đó xa xôi lắm để mà nấp, mà ẩn náu sau cái đống năm tháng không ngừng chồng chất lên mớ tóc của tôi mỗi ngày lại bạc thêm vài sợi. Đã vậy, tình hình điện ảnh tôi cũng không theo dõi. Ngồi chung với bạn bè, câu chuyện nếu có đi vào lĩnh vực điện ảnh, tôi khám phá ra là mình mù tịt. Bèn dựa cột.

Con tôi nó biết điều này. Nó biết tôi thuộc giới trẻ… hôm qua, nay ít quan tâm đến điện ảnh, nên thỉnh thoảng nó vẫn chỉ cho tôi một hai phim ăn khách. Mỗi lần như vậy, nó lại phải kiên nhẫn giới thiệu hãng sản xuất, đạo diễn và các “ngôi sao”trong phim. Vậy mà cũng vất vả lắm mới kéo tôi đến rạp chiếu bóng được. Lần này, thấy tôi không do dự, quyết định nhanh chóng, nó cười:

- Sao ba biết phim hay?

- Có dở đi nữa thì xem lại một vài đoạn trong Tam Quốc cũng vui.

- Tam Quốc là gì vậy ba?

Nghĩ đến cái bát ngát của “thế giới Tam Quốc” - với tôi, Tam Quốc là cả một thế giới - tôi đã đặt xuống bàn ly cà phê sữa điểm tâm:

- Chắc con cũng đã gặp cái nhan sách The Story of Three Kingdoms trong mấy hiệu sách Mỹ, Tam Quốc là cái tên tiếng Việt của bộ sách đó. Rảnh, ba sẽ nói thêm cho con biết.

 Tôi cầm tờ báo lên xem giờ giấc rồi điện thoại rủ hai người bạn mà tôi biết cũng thích Tam Quốc như tôi, nói đùa rằng gần Tết, tuy mới Tết Tây, phải đi xi-nê như… ngày xưa, thời còn ở trung học. Vậy là được thêm một ngày vui trong cái cõi phù sinh này: có bạn, xem được phim Xích Bích, bình luận thao thao về những sự việc trong sách mà lại không có trong phim và đảo lại!

Và bây giờ, một chiều Đông không lạnh lắm – ở Nam California mùa Đông không nghiệt ngã lắm so với băng tuyết tại nhiều tiểu bang ở miền đông -ngồi một mình trong cái quán vắng này, đối diện với ly rượu độc ẩm và đối diện luôn với dãy núi sừng sững như muốn chận hết mọi lối vào thung lũng San Gabriel, bất giác tôi nghĩ đến hai câu:

 Thanh sơn y cựu tại

Kỷ độ tịch dương hồng

(Núi xanh tự nghìn xưa vẫn còn đó

Đã bao lần tịch dương nhuốm hồng)

 

Tôi biết Kỷ độ tịch dương hồng là tên một tác phẩm của nhà văn Quỳnh Dao, tôi cũng biết rằng cái nhan sách này là một câu năm chữ trích từ một bài thơ. Nhưng mà bài nào? Chịu. Nghĩ mãi không ra, tôi nhấc ly rượu vừa hớp một hớp vừa tự nhủ rằng điều này không quan trọng. Và cũng ngay phút ấy, tôi nhớ ra rằng đó là bài từ mở đầu truyện Tam Quốc:

 Cổn cổn Trường giang Đông thệ thủy

Lãng hoa đào tận anh hùng

Thị phi thành bại chuyển đầu không

Thanh sơn y cựu tại

Kỷ độ tịch dương hồng…

(Trường giang cuồn cuộn xuôi về Đông

Bọt sóng xua hết cả anh hùng

Phải, trái, thành, bại chớp mắt thành ra không cả

Đã bao lần nắng chiều nhuộm hồng núi xanh vẫn còn đó)

 À, ra thế! Cái phim Xích Bích, xem cách đây cũng đã mấy hôm mà ấn tượng mạnh đập vào trí óc tôi vẫn âm thầm sống. Nó nhắc lại cho tôi một bài từ mà đã rất lâu, tôi không có dịp xem lại. Một bài từ đặc sắc.  Một lối nhìn rất “triết” và rất “Trung Hoa”! Hình như lối nhìn này cũng khá gần Việt Nam, nếu tôi không lầm. Thoáng chút bào ảnh của Phật giáo, thoáng cái lẽ tương đối của sự vật trong Dịch lý. Mấy dòng thơ ngắn ngủi đã nhắc cho người đọc Tam Quốc rằng mưu kế thâm như vậy, tên giáo sắc bén như vậy, vũ dũng phi thường như vậy mà nay không còn gì cả. Cái còn lại là ngày lại ngày nắng chiều vẫn nhuộm đỏ dãy núi xanh trơ trơ đó tự nghìn xưa. Biết vậy mà vẫn đọc. Mà lại còn đọc đi đọc lại nữa.  Cái ma lực của những kiệt tác là vậy đó.

Tôi nghĩ cũng chính cái ma lực khó định nghĩa ấy đã khiến cho người đời sau nhiều lần đem Tam Quốc diễn thành tuồng, thành phim mà mới nhất là cái màn Xích Bích được tung ra thị trường điện ảnh vào tháng này. 

Còn nhớ, lúc vừa xem xong phim, tôi đã lấy làm suy nghĩ về cái xen Tôn Quyền tha bổng Tào Tháo sau trận Xích Bích. Mũi tên vàng của bậc anh hùng “mắt xanh râu tía” lắp sẵn trên cái cung trương lên cách Tào Tháo có mấy thước đã được bắn chếch lên đỉnh đầu – thay vì hướng thẳng vào yết hầu -xẹt nhanh như chớp, hất tung mũ của Tào Tháo. Tào Tháo ngạc nhiên, nhưng mặt không có sắc sợ. Dĩ nhiên. Đạo làm tướng, mà lại là thứ tướng thuộc làu Tôn - Ngô binh pháp như Tào Tháo, không có quyền mất bình tĩnh, bất luận trong tình huống nào. Người đạo diễn phim Xích Bích (Red Cliff) này, quả cũng thuộc binh pháp.

 Nhưng mà… tôi gõ những hàng chữ này không phải để làm một “cú” điểm phim. Bởi vì xưa nay tôi chưa từng điểm một bộ phim hoặc một quyển sách nào cả. Đọc được một quyển tiểu thuyết có giá trị tâm lý, văn chương hoặc xã hội, vui miệng trong một buổi họp bạn cùng trường cùng lớp nay đã già mà vẫn mày tao, tôi thường nói: “Tụi bây tìm mà đọc, không mất thì giờ vào một thứ vô bổ đâu.” Mà gặp một tác phẩm của những nhà đạo diễn trứ danh như Kurosawa, Ingmar Bergman hoặc Fellini cũng vậy, nếu có dịp tôi cũng chỉ nhắc bạn bè đi xem cho biết. Cái hay, cái đẹp của một tác phẩm, tức là giá trị nghệ thuật của nó, trong nhiều trường hợp, chữ nghĩa không nói hết được.

Dù vậy, tôi cũng xin lướt qua một vài điều chính trong màn Xích Bích. Trong bộ truyện lịch sử tiểu thuyết trứ danh này của nền văn học Trung quốc, có ba trận đánh lớn có tính cách quyết định đối với cái thế tam phân: trận Quan Độ, Tào Tháo diệt Viên Thiệu; trận Xích Bích với hậu quả trước mắt của nó: Tào Tháo phải tạm gác ý đồ thôn tính Giang Nam; trận Hào Đình trong đó doanh trại của Lưu Bị bị Lục Tốn thiêu rụi, đánh dấu sự xuất hiện của một lớp danh tướng mới và trẻ như Chung Hội, Đặng Ngải, Khương Duy vân vân, báo hiệu giai đoạn cuối của cái thế chân vạc.

Trong ba trận đó, trận Xích Bích hào hứng nhất, nếu có thể dùng tính từ hào hứng để nói về cái chết của mấy mươi vạn binh lính của cả ba nhà họ Tào, Ngô và Lưu! Với người Việt Nam, địa danh Xích Bích không xa lạ gì, ngay cả đối với những ai không đọc Tam Quốc: bài Tiền Xích Bích Phú của Tô Đông Pha đã đi vào văn chương Việt Nam qua nhiều tác phẩm của một số các nhà nho đời trước, trong số phải kể Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát.(về điểm này lát nữa tôi sẽ nói thêm )

Xích Bích sôi nổi là vì về mặt binh pháp đời trước và có lẽ cả về mặt chiến thuật quân sự đời nay nữa, hai phe dùng hầu hết mọi mưu mẹo mà các bản dịch lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc sang tiếng Việt thời trước gọi là kế: Khổng Minh dùng kế khích tướng với Tôn Quyền, với Châu Do. Khổng Minh cũng khích ngay cả Quan Vân Trường khi ông giao cho ông tướng tốt râu rất kiêu này nhiệm vụ đi chận Tào Tháo ở Huê Dung. Châu Do đồng mưu với Huỳnh Cái để thi hành khổ nhục kế mà đưa trá hàng thư cho Tào Tháo. Lại cũng ông đô đốc tài cao này dùng kế phản gián, mượn tay Tào Tháo giết tướng của chính mình là Trương Doãn và Thái Mạo. Rồi đến hỏa công, phục binh, nghi binh, kiêu binh vân vân không thiếu một kế nào cả. Xem Tam Quốc, đến trận Xích Bích không đặt quyển sách xuống được là vì vậy.

 Riêng trong phim Red Cliff, cũng không khác chi phim Chiến Tranh và Hoà Bình rút từ quyển lịch sử tiểu thuyết cùng tên của Tolstoy, có rất nhiều chi tiết đã được lược đi hết. Đã vậy, cốt chuyện cũng được người làm phim thay đổi hẳn. Nhưng đó là cái linh động của nghệ thuật điện ảnh, không tránh được. Khi làm một phim rút từ một tác phẩm văn học, người đạo diễn không bắt buộc phải theo sát nguyên tác. 

Bây giờ xin nói qua kỹ thuật hiện đại của điện ảnh mà người làm phim đã triệt để khai thác khi quay hai màn Khổng Minh “mượn tên” và Châu Do thiêu rụi thủy sư của Tào Tháo. Điện ảnh là thế giới của cái thấy, của thị giác, của nhãn giới. Và trong phim Xích Bích, hai màn này quả có bắt mắt, đẹp mắt. Đúng là cảnh thị dạ đại vụ mãn thiên, Trường Giang chi trung, vụ khí cánh thậm, đối diện bất tương kiến” (đêm ấy sương mù đầy trời, giữa Trường Giang, sương lại càng dày, đối mặt không thấy nhau.) Mù mịt vậy thì thấy được gì? Chỗ này người làm phim đã khéo tạo được cảnh khi ẩn khi hiện, như hư như thực, của mấy chiếc thuyền nhẹ, khi tròng trành trên mặt sóng để hứng tên, khi lướt nhanh để về thủy trại của mình. Và, ngoạn mục nhất là cảnh tên bay như mưa trong sương mù cùng với mấy chiếc thuyền cắm đầy tên trông như những con nhím trên mặt sông. Xem trong sách, ta chỉ có thể tuởng tượng thôi! Đến cái hồi Tam Giang khẩu Châu Do túng hoả (Châu Do dùng hỏa công ở Tam Giang khẩu) thì thiết tưởng mấy bộ phim thuật chuyện chiến tranh thời  đế quốc La Mã sản xuất ở Hollywood khoảng thập kỷ 50-60 thế kỷ trước có “vĩ đại” với những cảnh khói lửa ngập trời, cũng đến thế thôi. Tóm lại, trong đoạn nói về trận Xích Bích, những chỗ hấp dẫn nhất trong sách xem trong phim cũng hấp dẫn không kém.

Riêng về cốt chuyện, như trên đã nói, người làm phim đã thay đổi hẳn. Thay đổi như thế nào? Thật tình, nói cho hết mà có nói gọn lắm ít ra cũng phải đến ba trang đánh máy. Lại còn làm mất hứng người muốn xem phim. Tạm thời xin cứ để… lơ lửng như vậy! Chỉ xin nêu một vài điểm then chốt:

Trong sách, Quan Vân Trường tha Tào Tháo ở Huê Dung. Trong phim, Tôn Quyền tha Tào Tháo liền sau khi chiến thuyền và doanh trại của Tháo bị đốt sạch. Trong sách, Châu Do và Khổng Minh tranh dành đất đai mãi cho đến khi Châu Do vì thua trí, uất mà chết sau khi thốt ra câu nói nổi tiếng ký sinh Do, hà sinh Lượng (đã sinh Do sao còn sinh Lượng). Trong phim, Châu Do và Khổng Minh thân mật chia tay sau trận Xích Bích và hẹn nếu gặp lại sẽ hợp tác với nhau.

Đối với người chưa từng xem Tam Quốc, phim kết thúc như vậy không có chi lạ. Đâu có khác chi hai tay súng giúp phe “chính”  giết  một kẻ “tà” như chúng ta thường thấy trong nhiều phim “cao-bồi”. Xong, mỗi người một ngả, về đâu không ai biết. Nhưng, với những ai đã đọc và thích Tam Quốc, trong số có kẻ đang tí toáy gõ mấy hàng này, thì trong phim cái lối  sửa cốt chuyện, cũng như màn kết thúc, không khỏi không gây một phút bỡ ngỡ, hụt hẫng. Tôi nghĩ cốt chuyện được viết lại trong phim có gọn hơn và vai trò của Tôn Quyền và Châu Do nổi hơn trong sách (Có hay hơn hay không là chuyện khác. ) 

Mà thật ra, như vậy cùng hợp tình hợp cảnh, vì trong truyện, đành rằng không có cái màn thử nhật Đông Nam phong đại khởi (Ngày ấy gió Đông Nam nổi lên rất lớn) thì cũng chưa biết ra sao, nhưng công lớn vẫn là công của tướng và quân sĩ Đông Ngô,  dưới quyền điều khiển của Châu Do. 

Nghĩ lại, trận Xích Bích chỉ gồm có hai ba hồi trong bộ truyện dài đến 120 hồi. Mà ngay cả toàn bộ Tam Quốc cũng chỉ là một thời kỳ nhiễu nhương loạn lạc non một trăm năm trong mấy nghìn năm lịch sử Trung Quốc. Tác giả La Quán Trung thấy rõ đìều này hơn ai hết cho nên ông đã mở đầu kiệt tác này với câu thiên hạ đại thế, phân cửu tất hợp, hợp cửu tất phân (thế lớn trong thiên hạ, cứ phân chia lâu rồi lại hợp thành một mối, hợp thành một mối lâu rồi lại phân chia.) Và đó cũng là mười hai chữ mà tác giả La Quán Trung dùng để chấm hết bộ truyện trứ danh này: một cái nhìn đượm Dịch lý, theo đó thì sự vật trong đất trời diễn biến theo từng chuỗi chu kỳ vô tận.

Trong loại tiểu thuyết chương hồi, ở cuối mỗi hồi, thường vẫn có một bài thuộc loại văn vần: tứ tuyệt, bát cú, từ, cổ phong vân vân. Họa hoằn lắm mới thấy có ghi tên tác giả, thường chỉ thấy ghi hậu nhân ( người đời sau. ) Ở cuối truyện Tam Quốc cũng vậy, tóm tắt cơ đồ nhà Hán từ lúc Cao Tổ đề kiếm nhập Hàm Dương ( Hán Cao tổ Lưu Bang vung gươm tiến vào Hàm Dương) đến hết thời kỳ Tam Quốc là một bài cổ phong dài, với mấy câu cuối thiệt đẹp, thiệt man mác:

Phân phân thế sự vô cùng tận

Thiên số mang mang bất khả đào

Đỉnh túc tam phân dĩ thành mộng

(việc đời liên tiếp dồn dập không bao giờ hết 

số Trời mờ mịt không thấy ở đâu nhưng không tránh được

cái thế chân vạc –mà Khổng Minh hằng ấp ủ -  chỉ còn là một giấc mộng)

 Bài cổ phong nằm ở trang cuối bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa mà lại nói thế sự vô cùng tận, đìều này có nghĩa là thời kỳ tam phân chỉ là một “hồi” trong cái bát ngát của lịch sử Trung Quốc, hoặc, nói như một sáo ngữ nghe đã nhàm tai, trong cái vô tận của thời gian. Cho nên, tuy trong phim Tôn Quyền tha Tào Tháo sau trận Xích Bích thay vì cứ để việc ân nghĩa này cho Quan Công ở Huê Dung như trong sách, tôi nghĩ vai trò cùa Tào Tháo trong chính sử cũng như trong dã sử trước sau vẫn là một.

Sau hết, nói về trận Xích Bích mà không nhắc đến một nghệ sĩ lớn của Trung Quốc là Tô Thức  (cái  tên Tô Đông Pha nghe quen thuộc hơn đối với người Việt) là một thiếu sót… không thể tha thứ được. Bởi vì chính ông là tác giả bài Tiền Xích Bích Phú có một không hai, dù rằng nơi ông du ngoạn rồi thừa hứng mà sáng tác ra bài phú bất hủ này không phải là nơi đã xẩy ra trận Xích Bích. Ở đây, tôi không bàn đến phần triết lý trong bài phú. Chỉ xin nói qua về đoạn Tô Đông Pha nhắc đến Tào Tháo. Sau khi tóm tắt những võ công oanh liệt của Tào Tháo, ông ngậm ngùi mà viết ra câu cố nhứt thế chi hùng dã, nhi kim an tại tai (Anh hùng nhất trên đời lừng lẫy/Mà bây giờ nào thấy ở đâu - Đào Nguyên Phổ dịch).

Mới đọc, tưởng ông thương tiếc Tào Tháo, nhưng điều khiến ông có cái giọng ngậm ngùi âý chính là cái phù du của sự vật như Nguyễn Công Trứ, vốn cũng phóng khoáng không khác chi Tô Thức, đã cảm và hiểu đúng, qua những lời được viết ra theo thể văn sở trường của mình tức là thể hát nói:… Sực nhớ kẻ quày ngọn giáo vịnh câu thơ thủa trước / Ngẫm việc đời mà cảm nỗi phù du…

Và cũng chính Tô Thức trong một bài từ đã mở đầu bằng một câu được cho là rất mạnh giữa cái ẻo lả của đa số các bài từ viết vào thời ông: đại giang Đông khứ lãng đào tận thiên cổ phong lưu nhân vật (tất cả nhân vật phong lưu từ xưa đến nay đều theo sóng trên Trường Giang mà đổ ra biển Đông)

Tô Thức là người đời Tống. Bộ Tam Quốc Diễn Nghĩa ra khoảng cuối Nguyên đầu Minh. Cho nên khó mà nghĩ rằng bài từ trong Tam Quốc mà tôi nhắc đến trên đây lại không chịu ảnh hưởng từ của Tô Thức. Mà ngay nhà thơ lớn nhứt của chúng ta, Nguyễn Du, hồi đi sứ sang Trung Quốc, có lần nhìn di tích đã đổ nát của một nơi danh thắng, cũng đã mượn con sông lớn ở Trung Quốc để nhắc đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là “thời gian”:

Duy hữu Trường Giang xảo thu thập

Nhứt thành nhứt hủy tẫn đông lưu

(Chỉ có Trường Giang là khéo sắp đặt

Việc thành việc hỏng đều tuôn hết ra biển đông)

 ​Ấy, tôi định chỉ viết về phim Xích Bích mà rồi phải “mở rộng” ra… tận Tam Quốc. Nhưng mà Tam Quốc thì “nói” đến đời nào mới hết chuyện. Thôi thì tạm dừng ở đây. 

 

TRÚC CHI

1/2010