Giới thiệu của người dịch
Eric Henry
Cuốn sách này là bản dịch một số chân dung văn học báo chí của những nhân vật người Việt đã có những đóng góp đáng kể vào nền văn học, nghệ thuật, và khoa học. Đây là một nguồn thông tin phong phú về xã hội, văn hóa, và lịch sử chính trị của miền Nam Việt Nam, cũng như những sự nghiệp cá nhân liên quan tới con người.
Những con người được mô tả phần lớn thuộc các thành phần nổi bật trong giai đoạn 1954 – 1975. Sau sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam năm 1975 trước lực lượng Bắc quân, đa số họ đã bị cầm tù trong các trại cải tạo cộng sản nhiều năm. Sau đó, khoảng thập niên 1980s, một số sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ và vẫn tiếp tục hoạt động sáng tạo.
Võ Phiến, nhà văn, viết tiểu luận, và lịch sử văn học, đã nêu rõ đặc tính nền văn học miền Nam Việt Nam như sau: “Ở Miền Nam Việt Nam thời 1954-75, giữa hoàn cảnh chiến tranh, đã phát triển một nền văn nghệ khác hẳn. Trên sách báo tha hồ nở rộ những nụ cười sảng khoái, công kích điều sai chuyện quấy, giễu cợt những phần tử xấu xa. Không hề có nhân vật nào thấp bé bị bêu riếu trong thời kỳ này. Nạn nhân là từ hạng những tay cầm đầu một tỉnh cho đến các vị cầm đầu cả nước. Tiếng cười cợt ngang nhiên, hể hả, râm ran khắp cùng trên mặt sách báo...Mặt khác, mọi quan niệm nhân sinh, mọi tín ngưỡng, hay có dở có, cao thâm có mà ngông cuồng gàn dở cũng có nữa, tha hồ được tìm hiểu, trình bày, quảng bá.
Trước và sau thời 1954-75 ở Miền Nam, không thấy ở nơi nào khác trên đất nước ta, văn học được phát triển trong tinh thần tự do và cởi mở như vậy.”
Sau khi đã cưỡng chiếm Miền Nam năm 1975, chế độ cộng sản đã tìm cách xóa bỏ di sản này bằng kết án tù tội, và hủy diệt tất cả những vết tích còn sót lại. Nhưng kết quả là, hầu như toàn bộ các sưu tập của nền văn học Miền Nam ấy đã tìm lại được, không phải ở Việt Nam, nhưng trong một số các thư viện Đại học Hoa Kỳ, như các Đại học Cornell, Đại học Yale và Đại học Hawaii.
Tác giả của bộ sách này, BS Ngô Thế Vinh, chính ông cũng là một trong những khuôn mặt nổi trội trong sinh hoạt văn học của Miền Nam Việt Nam thời Việt Nam Cộng Hòa và chính cá nhân ông đã quen thuộc với những chân dung mà ông mô tả. BS Vinh là một BS Nội khoa và giảng huấn tại một Trung tâm Y khoa, Long Beach, California, nhưng ông cũng là một tác giả không mỏi mệt, với những tác phẩm bao gồm tiểu thuyết, bình luận văn hóa / cultural commentary (như tác phẩm này), và những phóng sự điều tra. Đặc biệt, ông đã từng du hành khám phá con sông Mekong xuyên suốt chiều dài 4.800 km, và đã viết hai cuốn sách về sự sống còn của con sông lớn của thế giới, và là mạch sống của hơn 70 triệu cư dân sống hai bên ven sông và Đồng Bằng Sông Cửu Long. Bộ sách này và tác phẩm khác đã đem lại cho ông các giải thưởng và những bài điểm sách với đánh giá cao. Hiện nay ông vẫn gắn bó với những hoạt động môi sinh không mỏi mệt. Ngoài ra, tôi còn nhận ra BS Vinh là một nhà báo tài năng với khả năng gần như kỳ diệu để phát hiện các tư liệu và sự kiện khó kiếm.
Tác giả đã có mối liên hệ gần gũi với tất cả những nhân vật mà ông đề cập tới trong cuốn sách này, do đó các chân dung nhân vật của ông thường bao gồm cả trích dẫn những thư từ trong trao đổi riêng tư. Là một bác sĩ, tự nhiên là ông cũng quan tâm tới những vấn đề sức khỏe, đó cũng là một phần của những chân dung này. Những nhân vật được ông mô tả trong cuốn sách này bao gồm:
Mặc Đỗ (1917 – 2015)
Nhà báo, nhà văn, viết truyện ngắn, và dịch giả, ông sinh ở Hà Nội trong một gia đình thấm đẫm Khổng giáo, nhưng cũng chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Tây phương. Ông di cư vào Nam năm 1954 và là một trong số người thành lập nhóm Quan Điểm và nhật báo Tự Do. Ngoài những tiểu thuyết và các truyện ngắn, ông đã dịch các tác phẩm của Hemingway, Fitzgerald, Mauriac, Tolstoy, Pasternak, và các tác giả khác.Như Phong (1923 – 2001)
Được mệnh danh là “nhà báo của các nhà báo,” Như Phong là nhà văn viết tiểu thuyết, là một chuyên gia về cộng sản Miền Bắc Việt Nam, và là một chiến lược gia / strategist hoạt động phía sau hậu trường như một cố vấn chính trị cho những chính khách. Tại Hoa Kỳ, ông quy tụ được nhiều bạn trẻ, gieo rắc cho họ ý niệm quan trọng về báo chí trong tương lai của Việt Nam.Võ Phiến (1925 – 2015)
Võ Phiến, nhà văn, viết tiểu luận, và lịch sử văn học, là một trong các cây viết chính của tạp chí Bách Khoa, Sài Gòn. Sau năm 1975, căn nhà của ông ở Los Angeles trở thành một trung tâm văn học lưu vong / expatriate literary culture. Ông đã viết nhiều bộ sách nghiên cứu về lịch sử văn học Miền Nam Việt Nam. Ông cũng là nhân vật chính trong cuốn sách Nỗi Buồn Lưu Vong của John Schafer.Linh Bảo (1926 –)
Là một trong số nhà văn nữ rất sớm của Việt Nam. Linh Bảo sống ở ngoại quốc nhiều năm, ở Quảng Đông, Thượng Hải. Là một nhà văn tài năng / gifted story teller, nhà báo tự do, nhà hoạt động nữ quyền, sách của bà có tính giễu cợt về những tiêu cực của đời sống. Văn phong của bà tàn nhẫn / merciless, quỷ quái / demonic và bất chấp / devil-may-care nhưng đồng thời cũng đầy những nỗi đau.
Mai Thảo (1927 – 1998)
Là nhà văn, viết truyện ngắn, nhà thơ, và là chủ bút sáng lập tạp chí cấp tiến / avant-garde Sáng Tạo. Sau khi sang định cư tại Hoa Kỳ, ông sống rất giản dị trong một căn phòng nhỏ đơn sơ, đồng thời cũng là tòa soạn nơi ông làm lại tạp chí Văn hải ngoại. Ông là một trong số hiếm hoi văn nghệ sĩ không bị tù đày trong các trại cải tạo, với hai năm trời trốn lánh gần như tuyệt vọng ở Sài Gòn trước khi là thuyền nhân đào thoát được sang Mã Lai và rồi định cư ở Mỹ.Dương Nghiễm Mậu (1936 – 2016)
Là nhà văn, viết truyện ngắn, viết bình luận; ông sinh ở Hà Nội di cư cùng gia đình vào Nam năm 1954. Tác phẩm đầu tay, Gia Tài của Mẹ được giải văn học toàn quốc năm 1966. Ông nhập ngũ năm đó và làm phóng viên chiến trường. Sau 1975, ông bị đi tù cải tạo hai năm, ra tù năm 1977, làm thợ sơn mài để kiếm sống. Ông là một trong số ít tác giả chọn sống ở Việt Nam thay vì đi định cư ở hải ngoại.Nhật Tiến (1936 – 2020)
Là nhà văn, viết truyện ngắn và kịch với sức sáng tạo phong phú và đa dạng. Ông cũng là một “tráng sinh lên đường” trong Phong trào Hướng đạo Việt Nam, và trung thành với truyền thống này suốt đời. Là tác giả của hơn 20 cuốn sách, gồm nhiều tác phẩm liên hệ tới thế giới trẻ thơ và đặc biệt là những trẻ thơ bất hạnh.Nguyễn Đình Toàn (1936 –)
Là nhà thơ, nhà văn, viết truyện ngắn, viết ca khúc / songwriter, và chủ xướng chương trình phát thanh “Nhạc Chủ đề” rất có ảnh hưởng. Đa số các tiểu thuyết của ông được xuất hiện nhiều kỳ trên báo chí trước khi in thành sách, với nội dung thiên về bối cảnh thay vì là câu chuyện. Ông làm thơ, ảm đạm nhưng giàu cảm xúc. Bản nhạc Tình khúc thứ nhất, nhạc Vũ Thành An, thơ Nguyễn Đình Toàn với câu: “Tình vui theo gió mây trôi, ý sầu mưa xuống đời.”Thanh Tâm Tuyền (1936 – 2006)
Sinh tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, ra Hà Nội học rồi di cư vào Nam năm 1954. Là một trong những cây viết chủ lực của tạp chí Sáng Tạo. Ông được biết đến và nổi tiếng sớm về thơ tự do / poésie libre, nhưng cuối đời ông lại trở về thể thơ truyền thống. Từ năm 1975 tới 1982, ông bị tù đày trong những trại cải tạo khắc nghiệt ở Miền Bắc Việt Nam. Là nhà thơ, ông còn là một nhà văn và viết kịch.Nguyễn Xuân Hoàng (1937 – 2014)
Là nhà văn, viết truyện ngắn, viết bình luận, chủ bút các tạp chí. Ông rất năng động ở Sài Gòn trước 1975. Sau những năm tù cải tạo, ông sang định cư tại Hoa Kỳ và là chủ bút cho một số tạp chí văn học ở hải ngoại.Hoàng Ngọc Biên (1938 – 2019)
Là một họa sĩ, nhà thơ, nhà văn, dịch giả, một học giả chuyên khảo về Proust, một nhạc sĩ; ông là nghệ sĩ rất đa tài, có nhiều kinh nghiệm và sinh hoạt rộng rãi trong giới báo chí.Đinh Cường (1939 – 2016)
Là một họa sĩ, nhà thơ, và là một giáo sư Mỹ thuật. Tới năm 2005, ông đã có hơn 24 cuộc triển lãm cá nhân và 20 cuộc triển lãm tập thể. Ông là tác giả của ba cuốn sách: một phê bình hội họa và hai tập thơ.
Nghiêu Đề (1939 – 1998)
Là họa sĩ, nhà thơ, sinh quán tỉnh Quảng Ngãi. Là bạn thân thiết của tác giả tập Chân Dung này. Ông rất khó tính khi trình bày bìa cho các tác phẩm văn học. Tính khí rất lạ, và cao ngạo, chẳng hề quan tâm lưu giữ thành tích hoạt dộng nghệ thuật của bản thân. Cùng với gia đình sang định cư tại Hoa Kỳ, mất năm 1998 trước khi tới tuổi 60.Nguyên Khai (1940 –)
Là một họa sĩ chủ yếu vẽ sơn dầu. Bản chất dè dặt và trầm lắng/ contempletive. Trong một cuộc phỏng vấn, có lần ông phát biểu: “Hội họa không quay lưng lại thực tại, nhưng nó không minh họa thực tại. Hội họa cho chúng ta cái nhìn khác, cái nhìn phi thực tại, để từ đó những khả thể của chân thiện mỹ được biểu đạt.”Cao Xuân Huy (1947 – 2010)
Một chiến binh Thủy quân Lục chiến, nổi tiếng với hồi ký chiến tranh: Tháng Ba Gãy Súng, một cuốn sách độc nhất vô nhị, nồng nhiệt, sinh động và cảm xúc / expressive. Tác giả cuốn sách này (Ngô Thế Vinh) còn đề cập tới cuộc chiến đấu dũng cảm cùa Cao Xuân Huy với căn bệnh ung thư sắc tố mắt vào mấy năm cuối đời.Phùng Nguyễn (1950 – 2015)
Là chuyên viên điện toán, nhà văn, viết truyện ngắn, một bỉnh bút, và là cây viết nhật ký mạng / blogger. Tác giả cuốn sách này (Ngô Thế Vinh) rất quan tâm tới một khoảng thời gian mà Phùng Nguyễn không bao giờ nhắc tới nhưng lại có ảnh hưởng sâu đậm tới các sinh hoạt của Phùng Nguyễn sau này: đó là một giai đoạn hồi phục lâu dài do vết thương chân trầm trọng do một cuộc hành quân để lại. Ông còn là tác giả một trang mạng có tên là “Rừng và Cây”, đã xuất bản hai tuyển tập truyện ngắn: Tháp Ký Ức (1988) và Đêm Oakland và những truyện khác (2001).Phạm Duy (1921 – 2013)
Viết nhạc, viết lời ca / lyricist, nhà nhạc học, và viết hồi ký. Ông là người viết nhạc Việt Nam phong phú và tài năng nhất của thế kỷ qua. Chân dung Phạm Duy trong cuốn sách này khảo sát những hoạt động của ông qua nhiều thời kỳ cùng với những biến chuyển trong các mối liên hệ với bạn bè và các đồng sự / associate.Eric Henry (1943 – )
Là học giả người Mỹ chuyên về văn hóa Trung Hoa và Việt Nam, và là dịch giả của bộ sách này. Tác giả (Ngô Thế Vinh) quan tâm tới những kinh nghiệm đầu đời về Việt Nam của Henry và cả nỗ lực giúp vượt qua các trở ngại từ gia đình Phạm Duy để có được sự đồng thuận cho phép xuất bản bản dịch 4 tập hồi ký của Phạm Duy.Phạm Biểu Tâm (1913 – 1999)
Bác sĩ giải phẫu, giáo sư y khoa lỗi lạc và là Khoa trưởng Trường Đại học Y khoa. Tác giả (Ngô Thế Vinh) vẽ nên chân dung vị danh sư này với những đóng góp to lớn để xây dựng một nền y khoa hiện đại cho Việt Nam, đặc biệt trong những hoạt động của một nhà giáo dục không vị lợi và quảng đại / generosity.Phạm Hoàng Hộ (1929 – 2017)
Là một nhà khoa học-thực vật / scientist-botanist, là Viện trưởng-sáng lập Đại học Cần Thơ, là tác giả của nhiều bộ sách, và đáng kể nhất là bộ sách Cây Cỏ Việt Nam. Tác giả (Ngô Thế Vinh) viết về những bước diễn tiến của nhân vật như một nhà khoa học, kết hợp với những hoạt động không ngưng nghỉ của một nhà giáo dục và Viện trưởng một đại học, cùng với nỗ lực để vượt qua những hạn chế do chính quyền của Việt Nam sau này muốn áp đặt.BS Vinh còn là tác giả của Tuyển Tập thứ hai với thêm 17 chân dung văn hóa nữa (bao gồm Nguyễn Tường Bách, Hứa Bảo Liên, Hoàng Tiến Bảo, Tạ Tỵ, Trần Ngọc Ninh, Lê Ngộ Châu, Nguyễn Văn Trung, Dohamide, Lê Ngọc Huệ, Nghiêm Sỹ Tuấn, Đoàn Văn Bá, Mai Chửng, Trần Hoài Thư, Phan Nhật Nam, Võ Tòng Xuân, Trần Mộng Tú, và John Steinbeck). Tuyển Tập này được khép lại không phải bằng chân dung văn hóa của một nhân vật, mà là Con Đường Sách độc nhất ngay cạnh Bưu điện Trung ương Sài Gòn. Tôi hy vọng sẽ dịch xong và xuất bản sớm Tuyển Tập 2 Chân Dung này.
Bộ Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật và Văn Hóa 1954-1975 cho tới hiện nay, đã tổng hợp được chân dung sinh động của một nền văn hóa và đồng thời cũng là một sửa sai mạnh mẽ những nỗ lực của nhà nước cộng sản Việt Nam muốn phủ nhận tầm quan trọng của nền văn hóa ấy.
ERIC HENRY
Chapel Hills, South CarolinaApril 30, 2023
Nguồn: http://vietecologypress.blogspot.com/2023/05/the-gioi-sang-tao-mien-nam-viet-nam.html#more