Monday, July 22, 2024

Nguyễn Duy Chính: HAI NGƯỜI CON GÁI, tùy bút

 Mấy hôm nay ngồi dọn lại đống sách vở cũ dưới garage, tôi lại gặp một bức hình chụp người Việt di cư năm 1954 mà lần nào cũng làm tôi xao xuyến. Bức hình này làm tôi nhớ đến một bức ảnh khác, vẫn thường gặp trong sách báo viết về cuộc di tản năm 1975. Hai tấm ảnh chụp cách nhau 20 năm mà sao có nét gì gần gũi.

*

*        *


Tấm hình bên trái là hình của một cô bé con trên đường từ Bắc vào Nam tôi tìm thấy trong tập san “The National Geographic Magazine” Volume CVII, số 6 (June, 1955) trang 871 trong một bài do ký giả Gertrude Samuels viết nhan đề “Passage to Freedom in Viet Nam” nội dung có cả hình ảnh và bản đồ.

Cô bé con có lẽ không biết có người đang chụp hình mình, hai tay giữ chiếc nón cho khỏi bay, nét mặt ngây thơ nhìn về xa xa như đang hi vọng vào một tương lai tươi sáng, bỏ lại sau lưng những ngày tháng ở một ngôi làng quê nào đó từ miền châu thổ sông Hồng.

Hồi mới vào nam, bố tôi dạy học ở một làng di cư trên Tây Ninh, gần biên giới Việt – Miên. Gia đình tôi vì thế cũng theo lên và tôi phải rời ngôi trường ở Sài Gòn để vào học trường tiểu học Cao Xá. Lớp học có độ dăm cô gái ngồi ngay trước bàn tôi, trong số đó có một cô bé rất xinh tên là Duyên. Duyên là con một ông giáo khác cũng dạy trong trường nhưng mới qua đời trước khi tôi lên đây. Thỉnh thoảng bố tôi cũng dẫn tôi đến thăm bà giáo trong tình đồng nghiệp với chồng bà và khi người lớn nói chuyện ở nhà trên thì tôi xuống dưới bếp là một cái nhà nhỏ hơn ở phía sau để chơi với Duyên. Duyên đưa tôi ra thăm khu vườn nho nhỏ của nàng trồng các loại hoa rất ngăn nắp. Nàng kể cho tôi nhiều truyện và bạo dạn hơn khi ở trong lớp rất nhiều. Duyên cũng khoe với tôi những món đồ chơi nho nhỏ, những cuốn sách hình màu mà ông cha xứ cho nàng.

Cô bé “Bắc Kỳ di cư” khiến tôi nhớ đến người bạn nhỏ của tôi ngày nào. Có lẽ hai người cũng trạc tuổi nhau, hay chênh lệch một hai tuổi là nhiều. Sau khi về học trung học ở Saigon, tôi không còn gặp lại Duyên nữa mặc dầu khi ra trường tôi có làm việc ở Tây Ninh một thời gian.

*

*        *

Hình cô gái bên phải tôi trích từ cảnh di tản ở Nha Trang trên một chiếc trực thăng, do nhiếp ảnh gia Thái Khắc Chương chụp ngày mồng 2 tháng 4 năm 1975[1] với ghi chú như sau:

Một người đàn ông cố gắng lên một chiếc máy bay di tản đã quá tải bị một viên chức Mỹ chặn lại ở căn cứ không quân Nha Trang, Nam Việt Nam. Nha Trang bị lực lượng



Cộng Sản Bắc Việt chiếm ngày mồng 2 tháng 4 năm 1975. Ngày 14 tháng 3 năm 1974 [đúng ra là 1975, người viết sửa lại], tổng thống miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh một cuộc tổng triệt thoái quân lực VNCH từ vùng cao nguyên miền Trung. Cuộc triệt thoái này gây ra tình trạng hỗn loạn khiến cho nhiều lực lượng qui mô quân sự và dân sự phải chạy về phía nam. Hàng nghìn người tị nạn nghĩ rằng Nha Trang là một cứ điểm an toàn, nhưng đến ngày mồng 1 tháng 4 năm 1975 thì cuộc tháo chạy kinh hoàng lan đến Nha Trang, nơi đó bị quân đội Nam Việt Nam từ bỏ một ngày sau đó, nhượng đứt toàn bộ một nửa miền Nam Việt Nam cho quân Bắc Việt.[2]

Tấm ảnh này xuất hiện trên nhiều tài liệu, ấn phẩm viết về sự sụp đổ của Nam Việt Nam, có khi riêng rẽ một tấm, có khi đi thành một dãy 2, 3 tấm cùng một thời điểm, cùng một thảm trạng chỉ cách nhau vài ba giây cho thấy người ký giả bấm máy liên tục để ghi nhận sự kinh hoàng của người dân miền Nam lúc đó.

Khi nhìn vào bức hình, hầu hết chúng ta chú ý đến cái cảnh tuyệt vọng của chàng thanh niên cố gắng chiếm một chỗ trên chiếc trực thăng trên đường di tản, sự từ chối phũ phàng của phi hành đoàn khi phi cơ đã quá tải, vì đây là những tiêu điểm của toàn cảnh.

Thế nhưng nếu nhìn kỹ, góc khuất bên phải có một khuôn mặt của một cô gái trẻ đã yên vị trên phi cơ, bình thản một cách nhẫn nhục. Khuôn mặt cô thanh tú và trầm lặng, không thể hiểu được đang vui hay buồn. Cô đang cầu nguyện chăng, hay cô đang nhớ đến những người bạn cùng lớp, cùng trường, cùng khu phố mà mới vài tháng trước còn đầy hoa mộng.

Cũng năm 1975, trước ngày mồng 1 tháng Tư không lâu, tôi cũng đã chạy từ Đà Nẵng vào Nha Trang và rồi kịp đi thoát về Vũng Tàu trên một chiếc tàu đánh tôm của Mỹ. Khi tôi ra khơi thì tình hình đã nguy ngập nhưng không đến nỗi loạn như ở tấm hình này.

Cô bé “Bắc Kỳ nho nhỏ” di cư năm 1954, có thể bé hơn tôi một chút, ngày nay chắc cũng đã thành một bà lão trên dưới 70, còn cô gái “tóc thề Nha Trang” kia khi đó chừng 15, 16 tuổi, thì nay cũng đã 60.

Trong mấy chục năm qua cuộc đời đã thay đổi như thế nào? Còn sống hay đã chết? Có lẽ hai cô gái ngày nay đã con đàn cháu đống, trở thành bà nội bà ngoại từ bao giờ, có khi đang sống gần ngay khu tôi ở mà mình không biết.

Thỉnh thoảng đọc một bài báo kể lại chuyện những người xa cách nhau mấy chục năm rồi gặp lại tôi cũng mơ đến việc gặp được hai cô gái này, dù không biết họ là ai nhưng thật gần gũi vì cũng đã cùng với mình trong những ngày tháng chung mặc dầu “một ngày ‘54” và “một ngày ‘75” là hai khung trời khác xa.

Nhìn những tấm hình cũ có mấy ai không thấy thấp thoáng những bóng hình đã đi qua trong cuộc đời?

Tháng 3/2019

  


                 


Gertrude amuels: “Passage to Freedom in Viet Nam”, tr. 871

The National Geographic Magazine, Volume CVII-6 (June, 1955)

      

United Press International

1975 Thai Khac Chuong - Vietnam

www.worldpressphoto.org/gallery/themes/36311/15

 



[1] https://www.flickr.com/photos/13476480@N07/26169340644/in/album-72157667803132326/

[2] Thai Khac Chuong – Vietnam. A man trying to board an overloaded evacuation plane is stopped by an American official at Nha Trang Air Base in South Vietnam. Nha Trang was captured by North Vietnamese forces on 2 April 1975. On 14 March 1974, South Vietnamese President Nguyen Van Thieu ordered a general withdrawal of ARVN forces from Vietnam's central highlands region. This turned into an chaotic situation with masses of military and civilians fleeing southwards. Thousands of refugees believed Nha Trang to be a safe haven, but by 1 April 1975 the general panic of retreat reached Nha Trang, which was abandoned by the South Vietnamese Army one day later, yielding the entire northern half of South Vietnam to the North Vietnamese.