|
Photo credit: HENG SINITH |
Tại
Campuchia, kênh đào Phù Nam Techo, trị giá 1,7 tỷ USD sẽ kết nối Phnom Penh và
Vịnh Thái Lan, tượng trưng cho niềm tự hào dân tộc, an ninh và kết nối thương mại
quốc tế. Người ta có thể cảm thấy như thế
qua lời tuyên bố của Thủ tướng Campuchia Hun Manet và Hun Sen, trong cương vị cố
vấn, người đã chuyển giao quyền lực từ cha sang con vào năm ngoái.
Lễ
động thổ dự án đầy tham vọng này diễn ra vào hôm 5/8, trùng với ngày sinh nhật
của Hun Sen và được nhiều người xem là sự tri ân đối với di sản 38 năm cầm quyền
của ông ta ở Campuchia.
Campuchia
đang rất cần và phụ thuộc vào sự hỗ trợ từ bên ngoài để phát triển quốc gia.
Nhưng điều đáng lo ngại đối với các quốc gia láng giềng và các nước liên quan,
bao gồm cả Hoa Kỳ và các đồng minh, là sự thiếu minh bạch trong chính sách của Campuchia,
chủ yếu được hỗ trợ bởi Sáng kiến Nhất Đới Nhất Lộ (BRI ) của Trung Quốc, có tác
động tiềm ẩn đối với cả khu vực về sự ổn định và bền vững môi trường.
Dự
án kênh đào Phù Nam Techo không là ngoại lệ. Khi dự án bắt đầu được triển khai,
bài viết này dựa trên công trình trước đây của các chuyên gia khác để phân tích
những tác động an ninh tiềm ẩn của dự án đối với cả Campuchia và Hiệp hội các
quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Việc xem xét tính cách địa chính trị của kênh đào
làm sáng tỏ những lĩnh vực cần hành động và nêu bật nhu cầu xây đắp lòng tin cậy
về chính trị và an ninh chung cho tất cả các quốc gia thuộc khối ASEAN.
Kênh đào Phù Nam Techo thực sự có tác dụng
gì?
Dự
án kênh đào Phù Nam Techo do Trung Quốc hậu thuẫn đã gây ra những tranh luận
công khai về những hiểm họa an ninh tiềm ẩn đối với các nước láng giềng của
Campuchia và toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Mối lo ngại của họ ít nhiều là hợp lý
nếu ta xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ phức tạp giữa ba quốc gia Trung Quốc-Campuchia-Việt
Nam, sự xâm lấn của cái mà một số người gọi là “Chủ nghĩa Thực dân mới của
Trung Quốc” và sự hiện diện khắp nơi của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc
ở nước ngoài, vốn thường đi đôi với những dự án cơ sở hạ tầng do BRI tài trợ.
Tuy
vậy, nếu tách riêng kênh đào Phù Nam ra khỏi bối cảnh chung thì nó không hàm ý một
mối đe dọa an ninh nào cho Việt Nam. Chúng tôi đồng ý với kết luận gần đây của ông
David Hutt cho rằng tự thân kênh đào này có rất ít hoặc không có ý nghĩa quân sự
nào đáng kể.
Vì
vậy, làm thế nào để có thể giải thích tính cách địa chính trị của Kênh Techo
Phù Nam một cách đúng đắn nhất?
Phân
tích gần đây cho thấy dự án kênh đào sẽ chỉ tạo ra lợi nhuận kinh tế tối thiểu.
Tuy nhiên, tầm quan trọng của kênh Phù Nam Techo nằm ngoài khả năng giao thông đường
thủy. Phần nhiều có lẽ nó nhắm mục đích hiện đại hóa các công trình khai thác quặng
mỏ, nông nghiệp và công nghiệp ở miền nam Campuchia, nơi đặt căn cứ Hải quân
Ream do Trung Quốc hậu thuẫn và các đặc khu kinh tế của Trung Quốc.
Các
khoản vay rộng rãi trong khuôn khổ BRI đã tạo ra một trật tự địa chính trị giúp
tái lập sự thống trị của Trung Quốc trong vùng Đông Nam Á. Mặc dù những thành tựu
kinh tế về phát triển cơ sở hạ tầng và tăng trưởng kinh tế đã được các chính phủ
nhận khoản vay nêu bật, nhưng các vấn đề liên quan đến BRI là rất đa dạng và được
lưu ý rộng rãi, trong đó bao gồm vấn đề suy thoái môi trường và cạn kiệt tài
nguyên.
Về
mặt chính trị, các dự án cơ sở hạ tầng do BRI hậu thuẫn với tiềm năng mở rộng
phạm vi chiến lược và quân sự của Trung Quốc có thể được tìm thấy ở Lào, Sri
Lanka, Djibouti và nhiều khu vực có tầm quan trọng địa chính trị khác trên khắp
Á-Âu (vùng giáp ranh giữa Châu Á và Châu Âu, chú thích của người dịch) và Châu
Phi. Đặc biệt ở Campuchia, Trung Quốc đã đầu tư rất nhiều để mở rộng phạm vi
quyền lực mềm và ảnh hưởng ngoại giao, với mục đích tối hậu là tìm kiếm lợi ích
và tạo sự hiện diện của họ.
Khi
nói đến kênh đào Phù Nam Techo, nếu người ta xem xét khả năng Trung Quốc có sự
hiện diện quân sự độc quyền ở Ream, thì lợi ích kinh tế từ một sắp xếp như vậy
trở nên rõ ràng. Đây là một thỏa thuận có lợi cho cả hai nước.
Đối
với Campuchia, các chương trình viện trợ rộng rãi và các dự án phát triển cơ sở
hạ tầng đầy tham vọng của Trung Quốc – bao gồm hiện đại hóa khu vực Ream, hệ thống
đường cao tốc, đặc khu kinh tế và hiện nay là xây dựng kênh đào Phù Nam Techo –
có ý nghĩa quan trọng đối với tính hợp pháp của chính phủ gia đình trị cha-con
Hun Sen-Hun Manet. Về mặt kinh tế, thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng đầy tham vọng
là một chiến lược được ưa chuộng để chính phủ mới ở Phnom Penh củng cố quyền kiểm
soát và để người con trai Hun Sen và con cháu các đồng minh chính trị của ông ta
thiết lập địa vị của riêng mình.
Mặc
dù những dự án tốn kém này được cho là sẽ làm tăng nguy cơ khủng hoảng nợ chính
phủ, nhưng trong ngắn hạn, nó sẽ giúp giảm thiểu khủng hoảng thất nghiệp, kích
thích tăng trưởng kinh tế quốc gia và thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung
Quốc. Dự án kênh đào có thể được xem là một phần trong chính sách mới của Chính
phủ nhằm đưa Campuchia trở thành một trong 10 nền kinh tế nông nghiệp hàng đầu
thế giới vào năm 2030.
Các
tỉnh phía đông nam Campuchia là nơi có nguồn tài nguyên khoáng sản quan trọng
cho các hoạt động khai thác quặng mỏ và công nghiệp, bao gồm trữ lượng dầu và
khoáng sản chưa được khai thác ở Kampot, Takeo và thềm lục địa Campuchia. Khi
cơn khát khoáng sản, hàng nông sản và gỗ từ Campuchia của Trung Quốc tăng lên,
các thỏa thuận xây dựng đường bộ và đường thủy lớn hơn hầu vận chuyển tài
nguyên thiên nhiên từ nội địa đến các cảng ven biển để xuất khẩu là ưu tiên
hàng đầu.
Bằng
cách hỗ trợ xây dựng Phù Nam Techo, Trung Quốc thực hiện một bước quan trọng
trong nỗ lực biến Campuchia trở thành miền đất phục vụ cho lợi ích của mình. Giống
như Hoa Kỳ đã làm ở Nhật Bản, Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLAN) cần
các tiền đồn dài hạn ở nước ngoài với sự hỗ trợ từ bản xứ và chi phí thấp nhất
có thể để đảm bảo nguồn cung hậu cần quân sự và hỗ trợ các hoạt động ở nước
ngoài. Bạch thư Quốc phòng Trung Quốc soạn thảo năm 2019 đã xác nhận sự kiện
này.
Khu
vực ven biển phía nam Campuchia được xem là phù hợp nhất cho mục đích đó của
Trung Quốc vì nó bao quanh toàn bộ Vịnh Thái Lan, cho phép PLAN giám sát các cảng
quan trọng về mặt thương mại và quân sự ở Thái Lan, Malaysia và miền nam Việt
Nam. Quan trọng hơn, bờ biển phía nam Campuchia nằm gần các tuyến đường giao
thương quốc tế và thềm lục địa nhiều mỏ dầu khí giữa Việt Nam và Indonesia, mà một
phần trong đó rơi vào yêu sách chủ quyền biển “hình chữ U” do Trung Quốc tự xác
định ở Biển Đông.
Bằng
chứng ban đầu cho thấy kênh đào Phù Nam Techo chỉ là giai đoạn một của kế hoạch
đầy tham vọng. Quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, hoạt động khai
thác mỏ và đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm cả việc xây dựng cảng biển nước sâu ở
Kep, đi dọc theo kênh đào, có thể sẽ là bước khởi đầu cho các đặc khu kinh tế
do Trung Quốc hậu thuẫn và các nút hỗ trợ hậu cần quân sự ở miền nam Campuchia.
Từ
quan điểm chiến lược, nếu những trung tâm phát triển đó được hiện thực hóa, điều
này sẽ mang lại cho PLAN khả năng tiếp cận hoàn hảo với căn cứ Hải quân Ream. Tiếp
đó, các chuỗi cung ứng và tài nguyên quân sự đều được bản địa hóa, thực hiện
ngay tại chỗ, ví dụ như nguồn cung cấp thực phẩm địa phương và các ngành công
nghiệp hỗ trợ quân sự. Trên thực tế, điều này phải được hiểu là một bước tiến độc
sáng Trung Quốc cho thiết lập một tiền đồn quân sự ở Vịnh Thái Lan. (Campuchia
đã kịch liệt phủ nhận việc Ream sẽ hoạt động như một căn cứ nước ngoài của
PLAN, nhưng hình ảnh do vệ tinh chụp được tiết lộ rằng hai tàu chiến Trung Quốc
đã cập cảng này trong hơn 5 tháng từ tháng 12 năm 2023 đến tháng 5 năm 2024.)
Về
mặt chiến lược, dấu ấn kinh tế và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại
Campuchia, đặc biệt là ở các khu vực giáp ranh với Thái Lan và Việt Nam, mang lại
cho Phnom Penh sự bảo vệ an ninh và hiện đại hóa quân sự, và do đó có được vị
thế mạnh mẽ hơn so với các nước láng giềng. Vì vậy, kênh đào Phù Nam Techo đóng
vai trò là xương sống chiến lược cho các sáng kiến hợp tác quân sự và kinh tế
giữa hai bên. Điều này có nhiều khả năng xảy ra hơn vì nó không nhất thiết vi
phạm Điều 53 của Hiến pháp Campuchia.
Những ý nghĩa tiềm tàng về mặt an ninh
Các
chuyên gia khu vực và địa phương đã bày tỏ sự lo ngại về những tác động không
thể khắc phục mà kênh đào Phù Nam Techo có thể gây ra đối với hệ sinh thái địa
phương và hàng triệu người dân ở các tỉnh biên giới, cả Campuchia lẫn Việt Nam.
Đối với Việt Nam, thiết kế kém và quản lý dự án yếu kém có thể làm trầm trọng
thêm cuộc khủng hoảng nước hiện tại ở đồng bằng sông Cửu Long vốn dĩ đã rất mong
manh.
“Khu
vực này đã và đang phải gánh chịu hậu quả của những kế hoạch quy hoạch địa
phương yếu kém, tác động của đập ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu; tuy nhiên,
rất khó để xác định cụ thể mối quan hệ nhân quả ở mức độ mà các yếu tố này tác
động đến vùng đồng bằng,” ông Brian Eyler của Trung tâm Stimson cho biết như thế.
Tuy nhiên, ông tin rằng những tác động do kênh đào Phù Nam Techo mang lại sẽ dễ
dàng định lượng và đánh giá hơn nhiều.
Các
chuyên gia Việt Nam ước tính rằng, trong trường hợp xấu nhất – tức là nếu kênh
được dùng để tưới ruộng vào mùa khô – hệ thống thủy lợi do kênh tạo ra sẽ chuyển
hướng khoảng 30-50% lượng nước sông Mê Kông trong mùa khô.
Nếu
kênh đào được “vũ khí hóa” bằng cách chuyển nước từ sông Mê Kông đến các cửa
sông ven biển, như một số nhà phân tích lo ngại, điều này chắc chắn sẽ khiến vấn
đề an ninh lương thực và nước của Việt Nam gặp nguy cơ cực độ, tạo cho Phnom
Penh lợi thế đáng kể đối với nước láng giềng.
Về
mặt địa chính trị, kênh đào, với tiềm năng thúc đẩy các khu kinh tế và cơ sở
quân sự do Trung Quốc hậu thuẫn gần biên giới Tây Nam Việt Nam, đặt ra thách thức
có thể thấy trước đối với an ninh quốc gia của Việt Nam.
Một
vài thập kỷ trước, hai quốc gia láng giềng đã trải qua xung đột đáng kể với các
cuộc tấn công của Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn vào Việt Nam, khiến Việt Nam
xâm lăng Campuchia và lật đổ chế độ này vào đầu năm 1979, cũng như việc Trung
Quốc xâm lăng Việt Nam sau đó. Cả hai chính phủ đều không muốn lặp lại lịch sử
bi thảm này. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thận trọng vì một Campuchia có quan hệ chặt
chẽ hơn với Trung Quốc không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích của Việt
Nam.
Với
những căng thẳng gần đây dọc biên giới Campuchia-Việt Nam và các vấn đề chưa được
giải quyết liên quan đến phân định biển ở “vùng nước lịch sử”, cộng với tinh thần
dân tộc chủ nghĩa đang gia tăng ở Campuchia, việc xây dựng kênh đào Phù Nam
Techo có khả năng làm suy yếu niềm tin chính trị nếu nó tạo điều kiện cho sự
xâm lấn của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam hoặc gây ra những tác động xuyên
biên giới đáng kể ở đồng bằng sông Cửu Long.
Ông
Greg Poling, thành viên cấp cao và giám đốc Chương trình Đông Nam Á và Sáng kiến
Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, cho
biết: “Tôi không chắc chúng ta nên xem xét mối quan ngại của Việt Nam một cách
nghiêm túc đến mức nào về việc kênh đào cho phép tàu thuyền Trung Quốc đi vào
[Thành phố Hồ Chí Minh] và các khu vực khác ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên,
kênh đào này có thể cho phép Trung Quốc cuối cùng đạt được mục tiêu của họ là tuần
tra hạ lưu sông Mê Kông (dù sao cũng nằm trong phạm vi Campuchia) mà Thái Lan
đã cố gắng ngăn chặn trong nhiều năm”.
Do
đó, Việt Nam có quyền bày tỏ quan ngại và kêu gọi Campuchia minh bạch hóa và
chia sẻ thông tin một cách có trách nhiệm. Mặc dù nhiều người cho rằng chính phủ
Campuchia nên bắt đầu quá trình tham vấn trước và làm việc với đối tác ở Hà Nội
để đạt được sự hiểu biết lẫn nhau và thiết kế kỹ thuật tối ưu cho kênh đào,
nhưng cả Hun Sen lẫn Hun Manet đều kêu gọi sự ủng hộ của công chúng Campuchia đối
với dự án như một “động lực to lớn của Chủ nghĩa Dân tộc.” Hun Sen tuyên bố
trong một sự kiện công khai vào hôm tháng Tư: “Tôi sẽ không lùi bước về vấn đề
này và tôi muốn nhấn mạnh một cách thẳng thắn rằng không cần thiết phải đàm
phán với ai.”
Trong
lúc này vẫn còn phải xem xét thêm liệu kênh đào Phù Nam Techo có thể chứng tỏ
là nhân tố thay đổi cuộc chơi làm căng thẳng nghiêm trọng mối quan hệ song
phương giữa Campuchia và Việt Nam hay không. Tuy nhiên, xét về các động lực an
ninh nêu trên của kênh đào, khu vực dự kiến sẽ chứng kiến sự va chạm ngày càng gia
tăng giữa các phe phái liên quan.
Những
hiệu ứng cấp hai có thể xảy ra là các quốc gia thượng nguồn có thể theo gương
Campuchia tìm cách chuyển lưu càng nhiều càng tốt nước sông Mê Kông để tưới ruộng
bên ngoài lưu vực sông Mê Kông giữa thời điểm biến đổi khí hậu ngày càng gia
tăng; Việt Nam gấp rút chuẩn bị cho những hậu quả không hay có thể xảy ra nhằm
giảm thiểu tác động tiềm tàng đối với an ninh quốc gia; và sự cạnh tranh địa
chính trị ngày càng gia tăng giữa Trung Quốc và các siêu cường khác ở Vịnh Thái
Lan.
Trong
nhiều thập kỷ qua, Campuchia từng là một trong những quốc gia thận trọng nhất
trong việc duy trì vị thế trung lập lâu dài về ngoại giao. Tuy nhiên, kênh đào Phù
Nam Techo và các dự án cơ sở hạ tầng gây tranh cãi khác ở Campuchia, đặc biệt
là dự án tân trang căn cứ Hải quân Ream do Trung Quốc hỗ trợ, có thể đe dọa tiếng
tăm của đất nước này với tư cách là quốc gia đi đầu trong Hiệp định Mê Kông và
lập trường trung lập của mình.
Chính
phủ Phnom Penh và giới tinh hoa có thể củng cố hình ảnh quốc gia Campuchia với
tư cách là nước ủng hộ Hiệp định Mê Kông năm 1995 và duy trì tình trạng ổn định
khu vực bằng cách sẵn sàng hợp tác và cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch và
toàn diện về các dự án, đặc biệt là những dự án được cho là có tác động tiềm
tàng vượt ra ngoài biên giới của mình.
– Nguyễn Minh
Quang & James Borton
(Trịnh
Khải Nguyên-Chương chuyển ngữ)
Nguồn:
The
Geopolitics of Cambodia’s Funan Techo Canal – The Diplomat
Nguyễn
Minh Quang là giảng viên cao cấp tại Đại học Cần Thơ và đồng sáng lập Diễn đàn
Môi trường Mê Kông. Ông có chuyên môn về địa chính trị (Đông Nam Á), chính trị
môi trường (Tiểu vùng hạ lưu sông Mê Kông) và chính trị nội địa Việt Nam trong
hơn một thập kỷ. Tiến sĩ Quang hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Xã hội
Quốc tế (ISS), Hà Lan.
James
Borton là nghiên cứu viên cao cấp phi thường trú tại Học viện Chính sách Đối
ngoại Johns Hopkins/SAIS và là tác giả của bộ sách “Các công văn từ Biển Đông: Điều hướng đến Điểm chung.” Ông cũng là
người đồng sáng lập Diễn đàn Môi trường Mê Kông.