CUỘC HÀNH TRÌNH
TỪ
PHÁP ÐẾN VIỆT NAM
in
the ship Henry, Captain Rey, of Bordeaux,
in
the years 1819 and 1820
Lời nói đầu:
Ðây là một bản tự thuật của một nhà buôn đi tàu từ Pháp sang nước ta vào
cuối đời Gia Long. Mặc dầu nhiều dữ kiện về nước ta thời ấy thiếu chính xác -
vì tác giả chỉ ghi lại những lời kể của dân chúng và một số quan lại, nhất là từ
những người Pháp làm quan trong triều - nhưng cũng có những điều giúp chúng ta
mường tượng được tình hình hai trăm năm trước một cách sống động.
Vào thời điểm đó, tuy cuộc nội chiến giữa các phe phái đã chấm dứt
nhưng một số dư hưởng vẫn còn. Vua Gia Long trưởng thành trong binh đao, khói lửa,
cũng là vì vua sáng nghiệp có nhiều cơ hội tiếp xúc với bên ngoài nên ý thức được
sự thua kém kỹ thuật so với các nước Tây phương. Ông đã cố gắng ứng dụng những
học hỏi trước là chiếm ưu thế trong cuộc tranh bá đồ vương, sau là để canh tân
đất nước. Mức độ khôi phục về kinh tế và phát triển chính trị trong những năm đầu
tiên của triều Nguyễn đã đưa Việt Nam lên một vị trí khá quan trọng trong vùng
Ðông Nam Á, một tư thế mà trước đây vì tình trạng qua phân, nội chiến nên nước
ta chưa thể vươn tới được. Tuy nhiên sau khi ông qua đời, những vị vua kế tiếp
đã không còn kế thừa được nhãn quan rộng rãi của vua Thế Tổ để bắt kịp với đà
tiến bộ của thế giới.
Thiên hồi ký này cũng xác định một số chi tiết về tình hình nước ta đầu
thế kỷ XIX. Trái với suy nghĩ thông thường cho rằng tình trạng kinh tế và kỹ
thuật của Việt Nam thời kỳ đó còn sơ khai, những miêu tả của tác giả cho thấy
vì nhu cầu chiến tranh, các phương tiện cơ giới và vũ khí của Tây phương đã được
triều đình chú ý. Sách vở về khoa học và quân sự đã dịch ra chữ Hán và thành Huế
được kiến trúc khá tân kỳ mà Rey miêu tả là “... một thành trì tiêu chuẩn nhất tại
phương đông mà thành William ở Calcutta, luỹ George ở Madras do người Anh xây
lên không sao sánh được ...”.
Trong công tác thay đổi từ một quốc gia thời chiến sang thời bình, vua
Gia Long đã sử dụng binh sĩ vào những công tác kiến thiết trên toàn thể đất nước.
Việc tái phối trí nhân lực này thường ít được các sử gia quan tâm. Tuy nhiên
cũng nên hiểu rằng một số rất đông binh sĩ vốn dĩ là hàng quân, hàng tướng của
nhà Tây Sơn nay trở thành vô dụng, dù không bị ngược đãi thì cũng bị nhìn dưới
nhãn quan nghi kỵ, khi chuyển sang công tác xây dựng đã nhanh chóng trở thành một
tầng lớp mới làm gia tăng tốc độ “tái hội nhập” khiến cho chỉ trong hai mươi
năm mà Việt Nam tiến được một bước khá dài trên con đường hồi phục. Ðó chính là
lý do tại sao rất nhiều công trình kiến trúc và đường sá được thực hiện ngay
trong những năm đầu đời Gia Long, biến nước ta thành một quốc gia có kỷ cương,
ngăn nắp trên cả hai phương diện kinh tế và hành chánh.
Triều đình Việt Nam cũng quan tâm đến việc học hỏi và canh tân một số
kỹ thuật, đáng kể nhất – như tác giả đề cập – là việc vua Gia Long muốn được
giới thiệu loại tàu chạy bằng hơi nước. Tuy khái niệm về máy hơi nước đã được
người Âu Châu nhắc đến từ giữa thế kỷ XVIII nhưng tàu không dùng buồm chỉ mới
được đưa vào ứng dụng năm 1783 và những tàu hơi nước đường biển chỉ mới được
thí nghiệm tại Âu Châu, Mỹ Châu khoảng 1807 đến 1816. Nếu như thế, kiến thức về
khoa học của vua Gia Long rất sớm khi ngay khoảng 1819 ông đã muốn mua một chiếc
tàu tân kỳ này. Trong thời nội chiến, chính nhà vua (khi còn là chúa Nguyễn
Ánh) tự tay tháo rời một chiếc tàu Pháp mà giám mục Bá Ða Lộc đã mua để làm mẫu
đóng nhiều chiến thuyền khác, góp phần đáng kể vào việc đánh bại thuỷ quân Tây
Sơn.
Ðối chiếu với những quốc gia khác trong cùng thời kỳ, chúng ta thấy
ngay những thay đổi quan trọng về chính trị và tổ chức binh bị, nhất là việc
xây dựng những thành trì để phòng thủ mặt biển. Việc phòng thủ đó không phải một
bắt chước ngẫu nhiên nhưng là một nhu cầu để chống lại việc xâm lăng từ các quốc
gia xa xôi tấn công bằng hải quân, một nguy cơ chưa hề có trong lịch sử. Chính
những quốc gia đi xâm chiếm thuộc địa một khi đã chinh phục xong đều kiến tạo
những thành trì để phòng ngự theo kiểu này. Ngoài Việt Nam, các quốc gia khác
trong vùng chưa có các pháo đài ngăn chặn địch đổ bộ mà chỉ tìm cách tiêu diệt
khi họ đã lên bờ.
Cũng khá ngạc nhiên khi biết hoàng tử Ðảm (vua Minh Mạng khi chưa lên
ngôi) đã học được phép trắc địa bằng cách đo góc độ các vì sao. Ông cũng có
thể đọc, viết chữ quốc ngữ là thứ chữ mới mà các thừa sai đạo Thiên Chúa dùng để
ghi chép và giảng đạo trong thời đó. Việc chạy đua vũ trang và canh tân
hành chánh tuy ít được đề cập tới trong lối sử biên niên của triều Nguyễn thì lại
được miêu tả khá chi tiết trong tường thuật này khiến chúng ta có thể tin chắc
đường lối tổ chức và kiến thức kỹ thuật du nhập từ các sĩ quan Âu Châu đóng một
vai trò quan trọng trong cuộc chiến thống nhất đất nước.
Trong khi nước ta đã trang bị bằng những loại súng mới mẻ nhất mua tận
Âu Châu, nước Tàu thời đó vẫn sử dụng những loại súng tay cũ kỹ được trang bị từ
trước khi nhà Thanh vào trung nguyên và các loại súng thần công do các giáo sĩ
đúc thời loạn Tam Phiên hơn một thế kỷ trước. Bộ binh, kỵ binh của họ chủ yếu vẫn
dùng cung tên, đao kiếm. Ðó chính là một điểm khá nổi bật. Ðường lối chính trị
và hành chánh của vua Gia Long cũng tương đối độc lập, linh động khiến Rey phải
khen là cách xét xử của Việt Nam “vẫn chưa được áp dụng trong cơ cấu tài phán lỗi lạc nhất của những quốc
gia Gia Tô giáo ở Âu Châu”.
Xuyên qua một vài chi tiết, ta thấy vua Gia Long dường như đã chủ
trương xây dựng cả cương thường Khổng Mạnh lẫn khoa học Âu Tây nên đã đào tạo
người kế vị theo hướng song hành. Tuy nhiên khi lên kế vị, vua Minh Mạng chỉ củng
cố một triều đình và xây dựng quốc gia thành một con rồng nhỏ theo mô hình
Trung Hoa, đóng lại những cánh cửa mà tiên đế mở ra để đón nhận văn hoá Tây
phương. Nếu như thế, chúng ta có nhiều hơn một lý do để đánh giá lại công cuộc
canh tân bị chững lại để quay về một mô hình quân chủ toàn trị.
Xin nói thêm, trong bài này tác giả gọi nước ta là Cochin-China, người
nước ta là Cochin-Chinese. Cochin-China nguyên là tiếng nước ngoài gọi khu vực
Ðàng Trong, phần đất dưới quyền chúa Nguyễn trong cuộc phân liệt Bắc – Nam thế
kỷ XVI đến thế kỷ XVIII. Trong thời điểm du ký này, nước ta đã có tên mới là Việt
Nam nhưng theo thói quen người ngoại quốc vẫn dùng chữ Cochin-China để gọi một
nước thống nhất từ Nam ra Bắc. Chúng tôi mạn phép sửa lại là Việt Nam thay vì
dùng hai chữ Ðàng Trong trong bản dịch.
Nguyên tác tập tài liệu này là Voyage from France to Cochin-China in
the ship Henry, Captain Rey, of Bordeaux in the year 1819 and 1820 (London:
Printed for Sir Richard Phillips and Co., 1821) theo ấn bản gốc tại thư viện
Stanford University, USA.
Nguyễn Duy Chính
Tháng 10, 2006
Trong
chuyến đi trước đây đến Việt Nam, nhà vua xứ này nhờ tôi khi qua Pháp tìm mua
nhiều món hàng, nhất là vũ khí cho việc quân sự của vương quốc. Những việc đó
tôi đã hoàn thành và xuống hàng trên chiếc Henry ở Bordeaux, rồi giương buồm từ
Garonne quay lại Việt Nam vào ngày mồng 3 tháng 2 năm 1819.
Chuyến
đi cho tới tận eo biển Sunda[1]
- giữa Sumatra và Java - không có gì đáng nhắc tới, ngoại trừ việc cập bến
Praga ở St. Jago, một hòn đảo thuộc Cape Verd[2]
vào ngày 26 tháng 2. Lần đi trước chúng tôi đã kéo giùm vào hải cảng một chiếc
tàu nhỏ thuộc về quần đảo mà chúng tôi thấy đang trôi lềnh bềnh trên biển nên lần
này chúng tôi được viên chỉ huy, Don Juan De Lancaste, đón tiếp như bạn cũ và cả
ông ta lẫn viên toàn quyền đối xử thật tử tế.
Ở
cảng Praga chúng tôi bổ xung thêm một lô gia cầm, heo, dê và đủ loại rau cỏ, vừa
phong phú giá lại hời nếu so với giá tại Pháp. Vào ngày 2 tháng 6, ngày thứ một
trăm lẻ chín trong chuyến hải trình, chúng tôi thả neo trước pháo đài của người
Hoà Lan tại Angier trên bờ biển Java trong eo biển Sunda, nơi đây chúng tôi được
dân địa phương cung cấp đủ loại phẩm vật cần thiết. Ðể đáp lại, viên y sĩ[3]
của tàu Henry đã chỉ bảo và tặng lại thuốc men cho viên chỉ huy hiện đang cần một
vài bài báo về materia medica (dược học) mà ông ta không thể kiếm được ở nơi đồn
trú này. Chúng tôi lại khởi trình vào ngày mồng 5 và đến ngày mồng 7 thì đi qua
hai đảo nhỏ đẹp đẽ có tên là hòn Chị Em.
Gió
ngược chiều nêu chúng tôi có vô số dịp báo động nhất là khi tiến gần
Chabendeao, một triền cát nguy hiểm ở phía tây các hòn đảo này. Nơi nước nông
nhất chúng tôi tìm được ở vào khoảng 3 1/3 hải lý cùng hướng đó là 4 fathoms[4]
Anh (khoảng 4.5 brasses của Pháp). Không có dấu hiệu gì trên mặt nước cho thấy
chúng tôi ở gần bờ nhưng thời tiết và biển quả rất yên. Gió đông nam mới nổi
lên và chúng tôi vào được eo Clement nhiều khó khăn hơn chuyến trước.
Trong
hai đêm chúng tôi gặp mưa bão đổ ào ào trên đầu. Mấy lần tôi thấy ánh chớp bốc
lên cách tàu không xa nhưng tiếng sấm không nghe vang lại, chỉ giống như một tiếng
đại bác, trái với tiếng sét từ cao đánh xuống bao giờ cũng có tiếng rền vang
kèm theo.
Trong
cơn mưa bão đổ xuống như trút nước, dòng nước chảy về hướng tây nam thật mạnh
và gió thay đổi luôn khiến chúng tôi không còn cách nào khác hơn là neo tàu lại
chờ cho bão ngớt. Ngày mồng 9, vào lúc 7 giờ sáng chúng tôi đi ngang sát với
hòn Fairlie, một cù lao nổi bật trên biển khiến có thể nhìn thấy từ khoảng cách
xa đến 3 dặm. Khi đã đến gần hơn, nơi góc đông bắc độ sâu chỉ có 6 fathoms 1/6
(khoảng 7 brasses của Pháp). Chúng tôi có thể nhìn thấy hòn đảo nhô ra một cách
rõ ràng và vị trí của nó phù hợp với nơi Horsburgh đã vẽ.
Từ
đấy trở đi nước sâu dần cho đến khi sóng ngang với những hòn đảo ở Sheal. Lúc
10 giờ sáng tàu đi ngang qua eo biển Clement, Near Gaspar hỏi thăm một chiếc
tàu Pháp từ Trung Hoa đi về Âu Châu và được biết chiếc tàu Bordelais, từ Pháp
đi 2 năm trước đây đã qua eo biển Carimate trên đường về để hoàn tất cuộc hải
hành vòng quanh thế giới.
Ngày
17, chúng tôi đi dọc theo bờ phía đông của đảo Pulo Condor[5]
và đến sáng ngày 19 thì chúng tôi đã thấy bờ biển Việt Nam[6]
chạy theo hướng tây tây-bắc qua đông bắc và trước mặt là mũi Kê Gà[7]
(Kega). Chúng tôi phải làm sao lái tàu để cho ra quá 10 dặm về phía đông khỏi cực
đông bắc bờ Matthew-Brito nhưng không có cách nào có thể xác định được vị trí
hay khoảng cách đó được.
Công
việc của tôi trong chuyến đi này chỉ liên quan đến chính quyền của nước này mà
thôi nên chúng tôi trực chỉ đến Tourane bằng cách đi dọc theo đất liền mà tôi
thấy đã vẽ trong hải đồ của M. Dayot nhưng ông ta không vẽ xa hơn cù lao
Canton.
Vịnh
Tourane đã được ghi lại trong chuyến Hải trình đến Trung Hoa năm 1792 của Lord
Macartney nhưng việc chúng tôi ở lại quốc gia này đã giúp tôi vẽ lại chính xác
hơn và tôi thêm một đường bờ biển từ sông Hội An (Fai-Fo) đến đảo Tiger và tôi
cũng vẽ thêm con sông ở Huế. Khi chúng tôi bỏ neo tại vịnh Tourane ngày 24
tháng 6, nghi thức chào căn cứ được đáp trả và sau đó vị Fantou (phân tào), tức
vị võ quan, đã lên tàu Henry. Ông ta nhớ tất cả chúng tôi, gọi bằng tên của từng
người, và cho chúng tôi hay là Hoàng đế, vì sốt ruột chờ tin chúng tôi, đã gửi
sứ giả đến nhiều nơi trên bờ biển hỏi thăm xem có thấy chúng tôi đến hay chưa.
Sau
chuyến viếng thăm ngắn ngủi, ông ta lên bờ để về báo tin cho nhà vua là chúng
tôi đã đến bình an, đồng thời cầm thư của tôi gửi đến các quan người Pháp đang
làm việc trong triều đình. Lẽ dĩ nhiên tôi cũng cần biết tình hình nơi đó ra
sao trước khi tôi lên đường vào kinh đô nhưng phải mất đến 5 ngày thư của tôi mới
có phúc đáp. Trong thời gian đó, chúng tôi đi thăm nhiều nơi trong chiếc vịnh kỳ
quan này và làm quen, cũng như gặp lại nhiều cư dân ở đây khiến chúng tôi xác
quyết thêm về nhận định là người dân nơi đây rất dễ chịu và hiếu khách. Một số
sĩ quan của tàu Henry đã qua nhiều ngày đêm, không phải chỉ tại những làng
quanh vịnh, mà ở tại những nhà riêng trong xứ này, mà không gặp bất cứ một sự
xua đuổi hay phiền nhiễu nào, ngược lại được tiếp đãi thật là thân mật và nồng
hậu.
Ðến
ngày 29 tháng 6, thư từ triều đình báo cho tôi là muốn ở lại vịnh Tourane thì ở
hoặc dong tàu đi theo sông lên kinh đô Huế, và trường hợp nào cũng được phụ
giúp để rỡ hàng xuống. Có tham vọng chiếc tàu Henry sẽ là thương thuyền Âu châu
đầu tiên vào cảng của kinh đô, chúng tôi đi từ Tourane buổi trưa, đến 6 giờ
sáng hôm sau đã thả neo ở cửa sông Huế, cách kinh thành một dặm về phía đông bắc.
Ở
đây chúng tôi gặp một chiếc tàu Pháp khác, chiếc Rose, đã đến đây mấy hôm trước,
và đang bắt đầu xuống hàng rồi. Sau khi làm lễ chào ra mắt, viên Fantou (tức vị
chỉ huy quân sự)[8] và
viên Thoughou (tức viên quan coi về hình pháp)[9]
lên thăm chúng tôi, mang cá tươi và trái cây nhưng quà giao tiếp của chúng tôi
giữ lại dành vào dịp khác. Viên thuyền trưởng tàu Rose cũng lên tàu Henry và
tôi thấy ông ta chưa hài lòng với công việc giao thương cùng triều đình Huế, ngặt
là số hàng hóa để ở kinh đô thật khổng lồ, bao nhiêu vốn liếng của công ty đều
trông vào đấy cả.
Trường
hợp của tôi thì khác hơn vì tôi là chủ nhân duy nhất đảm trách mọi giao dịch,
việc tôi làm không những tăng thêm sự chú ý đến cá nhân tôi mà còn ảnh hưởng đến
cả đất nước và đồng bào tôi trong tương lai nói chung. Tôi dự tính là sẽ không
thương thảo buôn bán gì trước khi tham khảo với hai người Pháp hiện đang làm
quan và được biệt đãi trong triều.
Qua
hai người này, tôi được biết những khó khăn trong giao dịch với chiếc tàu Rose
là do trị giá mà triều đình ước lượng về những vũ khí họ mang tới bán. Không
dám khẳng định là bên nào có lỗi, tôi chỉ đề nghị với bất cứ ai đến Việt Nam đừng
nên chỉ trông vào trí nhớ mà bất cứ thương thảo nào cũng phải dựa vào giấy trắng
mực đen.
Hai
người Pháp được nhà Vua phong quan tước, các Ông Vanier và Chaigneau, dùng chiếc
tàu của họ đưa tôi lên kinh đô Huế, nơi đó, trước khi vào gặp viên quan lễ tân,
tôi viết thư trao đổi về nguyên tắc thương mại với họ. Lời hồi đáp của viên
quan cho thấy triều đình hết sức công bằng nên tôi rất hài lòng.
Ngày
mồng 4 tháng 7, khi diện kiến viên quan đó, tôi trao tặng theo thông lệ một số
hàng Âu Châu, giá trị không nhiều nhưng lạ lùng, độc đáo vào thời đó, và những
món quà đó không phải là cống phẩm bắt buộc mà chỉ để biểu lộ tình giao hữu
cũng như để cảm ơn những ưu đãi mà chúng tôi mong sẽ được. Xem ra họ hiểu điều đó
và cảm thấy thích hợp, sẵn sàng đáp ứng. Sau đó tôi thông báo cho viên thượng
thư rằng ngoài danh mục mà triều đình đặt mua, tôi cũng có một số mẫu máy móc
trên tàu có thể có ích cho quốc gia và tôi mong được trình lên hoàng thượng liệu
xem có muốn đặt mua không?
Vào
thời đó tại Huế cũng có một người Bồ Ðào Nha làm chủ một tàu nhỏ trên đường từ
Manilla qua Xiêm bị giữ lại Việt Nam sau ba tháng neo trên biển. Ông ta nhờ tôi
giúp đỡ để làm sao quay lại Manilla, đồng thời báo cho tôi biết đã giao cho
chính quyền một phần hàng trên tàu nhưng viên quan thứ hai lo về chuyên chở,
người thông ngôn, và những người khác gây khó khăn cho việc thanh toán với hi vọng
là sẽ ăn chặn được một số trong món tiền còn thiếu. Một người Bồ Ðào Nha đang ở
xa Âu Châu đối với tôi thì cũng chẳng khác gì đồng hương, những gì xảy ra cho y
thì rồi cũng đến với tôi thôi.
Trong
việc này tôi yêu cầu phải có một người thay mặt, đó là những viên quan người
Pháp đang ở trong triều đình Huế. Người lái buôn Bồ Ðào Nha được trả tiền và bốn
viên quan kia được hân hạnh đóng gông và phạt trượng. Việc đó khiến cho viên
thượng thư bộ Lễ cám ơn tôi vì đã đem ra ánh sáng những hành vi tệ hại nhưng
tôi cũng nhìn thấu tâm can ông này. Nhiều người du hành đã nhận xét là đối với
người Trung Hoa thì nhút nhát hay lịch sự không hiệu quả bằng hăm doạ hay cứng
cỏi và điều đó dường như cũng đúng đối với dân Việt Nam.
Vào
ngày mồng 6 tháng 7, những mẫu máy được chở đến kho súng, do đích thân thái tử
đến xem xét và chỉ huy những thợ khéo nhất học cách sử dụng. Hai ngày sau,
chính nhà vua cũng đến và xem ra rất hài lòng khi giải thích cho ngài về một số
máy móc. Máy ép và đập dùng sức nước, máy xay bột và máy dát đồng xem chừng được
hoàng thượng chú ý hơn cả.
Chiếc tàu Clermont kiến tạo năm 1807 là một trong
những tàu hơi nước đầu tiên trên biển[10]
Trong
kỳ trước tôi đã dẫn giải kỹ càng về sức mạnh kỳ diệu của máy chạy hơi nước
nhưng khi trở về, vì thời gian ở Pháp ngắn quá, không kịp đóng một chiếc tàu chạy
bằng hơi nước cho nhà vua nên ngài rất thất vọng. Tôi cũng đã thuê một nhà kho
để trưng bày những hàng định bán nhưng dân chúng xem ra không mấy thiết tha.
Kính đeo mắt và các đồ thuỷ tinh, đồ chạm khắc, vũ khí xem ra được chú ý nhiều
nhất. Ðể khoe khoang, các quan mua một vài món đồ lặt vặt nhưng thực tế cho thấy
dân chúng ở đây chưa đạt đến trình độ văn minh và đủ phong túc, để có thể mua
hay thưởng ngoạn những hàng hoá kỹ nghệ tinh xảo mà người Âu Châu coi như nhu cầu
cho đời sống thêm thoải mái. Tuy nhiên, triều đình luôn luôn cần một số lượng
đáng kể nhiều loại hàng khác nhau nên cũng đỡ gánh nặng phải trả bằng tiền mặt
những vật dụng chúng tôi cần mua ở xứ này.
Nhờ
những thuyền lớn của triều đình nên chúng tôi có thể rỡ xong toàn bộ hàng hoá
trong vòng một ngày và được phép đưa thuyền theo sông lên kinh đô. Nhà vua rất
thích chí cho triều thần quan chiêm một chiếc tàu của Âu Châu. Ngay cửa sông Huế
là một cồn cát, rộng vào khoảng 9, 10 fathoms. Khi ròng, nước chỉ sâu khoảng 12
feet 1/4 Anh và khi nước lên thì cũng chỉ thêm khoảng 1 foot rưỡi. Tàu Henry
đáy sâu 12 feet cho nên nhờ nước lặng chúng tôi vượt qua được cồn cát vào trong
mực sâu 4 fathoms rưỡi, mực sâu đó cũng ngang với bên ngoài.
Ðến
trưa hôm đó, lá cờ Pháp lần đầu tiên phất phới ngay trước thành của kinh thành
của xứ Việt Nam, nơi chúng tôi neo tàu vững chãi không khác gì tại một công xưởng,
cách một làng không xa nên cần gì cũng có. Nơi neo tàu đó quả là may mắn vì vào
mùa này thường có những cơn bão từ hướng tây bắc thổi tới và nếu đậu bên ngoài
đụn cát thì thật là nguy hiểm.
Hai
viên võ quan chỉ huy hải cảng này luôn luôn sẵn sàng phục vụ chúng tôi; một người
thì sốt sắng học tiếng nói và đạt được kết quả rất khả quan trong thời gian
chúng tôi lưu lại trên sông. Nghe nói trên tàu có hai thuỷ thủ tập sự vốn là
tay đánh trống (drummers) trong quân đội nên nhà vua đã gửi hai mươi đến ba
mươi tay trống của triều đình để tập theo cách của chúng tôi.
Việc
kiểm soát hàng chục ngàn món vũ khí giao cho triều đình nhưng chỉ có một số rất
ít người bản xứ có khả năng sử dụng một cách thích đáng khiến tôi có rất nhiều
thời giờ để xem xét kinh thành mà lần trước khi tôi tới đây thì còn là những đống
gạch vụn. Chỉ trong hai năm kinh đô đã hoàn toàn tân tạo và biến thành một pháo
đài kiên cố. Nhà vua đã ra lệnh dịch những tài liệu quân sự bằng tiếng Pháp tốt
nhất để đem dùng, xây thành theo kiểu Vauban tại Việt Nam và kiến trúc một
thành trì tiêu chuẩn nhất tại phương đông. Thành William ở Calcutta, luỹ George
ở Madras tuy do người Anh xây lên nhưng không sao sánh được.
Huế,
cái tên mà chúng tôi gọi kinh đô này đúng ra là tên của tỉnh nơi nó toạ lạc.
Thành phố này thường được gọi là Kẻ Huế [11]
chính là nơi nhà vua hay triều đình cư trú. Thành Huế nằm trên một hòn đảo bao
quanh bằng những sông đào hay phụ lưu của con sông chính. Hệ thống phòng ngự là
một khu vực tứ giác, bốn bên để bốn pháo đài, có bốn cửa chính và các cửa hông.
Thành có móng và hào chung quanh bằng đá, trên là gạch và đất khoảng 4 thước[12]
lên khỏi mặt đất. Hào rộng khoảng 60 mét (30 toises), sâu chừng 6 mét (3
toises).
Mỗi
mặt thành dài chừng 3 dặm, bao gồm 500 lỗ châu mai, tất cả chu vi đặt 2000 khẩu
đại pháo, kho súng trong thành còn chứa 4000 khẩu súng nữa, từ loại đạn 4
pounds đến loại đạn 69 pounds của Pháp, tất cả đều đúc bằng đồng và đặt trên
giá. Súng đặt trong các khung pháo chung quanh thành Huế là các loại 24 và 36
pounds. Chín khẩu súng 69 pounds dự định sẽ đặt tại một ụ đất[13]
ngay trước hoàng cung mà tự nó đã là một nội pháo đài rộng rãi, có tường và hào
bao quanh. Doanh trại trong thành có đủ chỗ cho 3 vạn lính.
Bên
trong phòng thành có rất nhiều cung điện để cho vua ngự, còn ở xung quanh bên
ngoài là nơi ở của các hoàng tử, đại quan và thừa sai nước ngoài. Ngoài nữa là
kho đạn, kho thóc lúa, phố chợ buôn bán và nhà dân trong kinh thành. Ðường sá đều
thẳng tắp, trải cát và trồng cây hai bên, chiều rộng là 60 feet. Tận cùng của
tám con đường chính là 16 cửa thành đối xứng nhau và thành phố còn cắt ngang bởi
4 con sông đào có thể dùng thuyền đi lại. Ðó là dự phóng của thành phố nhưng
khi chúng tôi ra đi thì nhiều việc còn đang tiếp tục.[14]
Theo
những tin tức đúng đắn nhất chúng tôi thu thập được tại kinh thành thì lịch sử
xứ Cochin-China chỉ chừng 600 năm. Trước thời này quốc gia dường như bao gồm
nhiều bộ lạc độc lập, thường đánh lẫn nhau nhưng đều phục tòng xứ Bắc Hà[15]
mà chính xứ này cũng là một phiên thuộc của đế quốc Trung Hoa rộng lớn. Khi Bắc
Hà nổi lên chống lại Trung Hoa, người Ðàng Trong cũng đứng dậy giành độc lập dưới
quyền một hoàng tử họ Nguyễn mà họ trao cho quyền hành tuyệt đối.[16]
Sau
nhiều cuộc khởi nghĩa và chiến tranh liên tiếp, nội chiến cũng như với bên ngoài,
ba anh em Nguyễn Nhạc,[17]
đứng đầu một nhóm thảo khấu[18]
gọi là bọn Tây Sơn (người miền núi ở phía nam tỉnh Siampa), đánh đuổi được sự
cai trị của gia đình họ Nguyễn, chia đất nước ra để cai trị. Năm 1776 (?), một
trong những anh em này thoái vị và người anh cả chọn miền nam của Ðàng Trong,
miền bắc vào tay người em út là người sáp nhập luôn vùng đất của Bắc Hà, sau
khi đuổi được một lực lượng Trung Hoa to lớn gửi qua để đánh y. Thế nhưng năm
1779, thù nghịch nảy sinh giữa hai anh em kẻ cướp ngôi, và vị vua hiện thời,
Gia Long, một hậu duệ của gia đình họ Nguyễn cũ, đánh bại những địch thủ của
ông năm 1806 (?), lấy lại ngai vàng xứ Ðàng Trong và chiếm luôn cả xứ Ðàng
Ngoài, cùng xứ Ðồng Nai[19]
là phía bắc của vương quốc Cambodia.[20]
Gia
Long là cha của vị hoàng tử trẻ tuổi người đã đến Pháp năm 1788, dưới sự chăm
sóc của Giám Mục xứ Adran, một nhà truyền giáo người Pháp từng ở tại Ðàng Trong
lâu năm, để tìm cách xin giúp đỡ khôi phục vương triều cho cha cậu. Vị vua thiếu
may mắn kia lại giới thiệu cậu tới một vị vua thiếu may mắn khác ở vào thời điểm
cuối mùa của những người cực kỳ bất hạnh.[21]
Những tai hoạ đổ dồn đến với Lewis XVI[22]
khiến chẳng ai còn chú ý đến những ông cố đạo đang cố gắng vận động cho Gia
Long.
Triều
đình hiện thời của xứ Việt Nam theo chính thể chuyên chế tuyệt đối; ở khoản này
có thể nói không kém bất cứ quốc gia nào trên toàn cõi Á châu, một khu vực mà
ngay từ thời kỳ đầu tiên của lịch sử hoàn toàn không biết gì đến tự do hay hiến
pháp.
Những
ông quan có quyền hành y hệt như tại Trung Hoa. Ở nước này họ được gọi là quan,[23]
có nghĩa là chủ hay thầy và chữ Long[24]
được dùng để gọi một viên thượng thư hay một viên chức nhất phẩm triều đình.
Danh từ mandarin mà người Âu chúng ta dùng để chỉ những người có chức tước hay
quan lại ở Việt Nam, và ngay ở Trung Hoa, là tiếng Bồ Ðào Nha để chỉ một người
có quyền hành hay chỉ huy.
Gia
Long, một người không hẳn đã đáng nhớ về nỗi thăng trầm trong đời hơn là về
thiên tài và đạo đức, luôn luôn có tham vọng tiến hành đổi mới và cải tiến hệ thống
hành chánh công quyền. Tuy nhiên vì sợ xa rời đạo thánh hiền, và phải chiều
theo đại số quần chúng nên ông đành phải ngừng lại ở xa những cải cách mà ông dự
tính. Ðược trui rèn trong môi trường chiến đấu nên ông thủ đắc được thông tin về
nhiều vấn đề mà những vương hầu của phương đông không thể có được. Chính vì thế
ông không lạ lùng gì thái độ của thần dân và việc họ phù hợp đến đâu với hệ thống
chính quyền mà ông định đưa ra. Vì lý do đó, ông không chọn con cả làm người thừa
kế mà chọn người ông biết rằng có khả năng và cứng rắn hơn cả, người mà (theo
chính lời ông) “có thể vung cây roi và dùng nó không nể nang với bất cứ thần
tử nào, dù lớn hay bé”. “Yêu cho roi cho vọt” là một câu nói đáng
noi theo nhưng ở Việt Nam thì tình cảm đó phải ngược lại. Ở đây kẻ bầy tôi dường
như muốn nói với đấng quân vương “nếu ngài muốn tôi kính trọng, yêu ngài thì
ngài phải ra oai trước”. Yêu và sợ đồng nghĩa với nhau nơi cửa miệng người
Việt Nam vì họ không phân biệt được giữa “Tôi sợ ngài” và “tôi kính
ngài”.
Dân
luật vay mượn từ đại quốc (tên gọi Trung Hoa) áp dụng vào Việt Nam nên quá là
phức tạp. Việc giải thích luật thật khó khăn, nên chỉ đến khi được viết lại
(cho dễ hiểu hơn) thì họ không thể nào hiểu được, ngoại trừ một số rất ít người
có học. Thành thử các vụ kiện tụng hầu như không dứt, thành thử, khi có một vấn
đề quan trọng cần có quyết định thì phán quyết của viên quan cấp thấp được đệ
lên hội đồng hoàng gia[25]
và hội đồng này có quyền y án hay đảo ngược. Thông thường nhất là hội đồng đòi
hỏi thêm tin tức về nội vụ. Bằng cách đó, bên nguyên đơn sẽ thấy rằng vụ án sẽ
lằng nhằng và tốn kém ngoại trừ viên tổng đốc hay đích thân nhà vua can thiệp
vào ngay từ đầu.
Cơ
chế công quyền liên quan đến tội hình thì được tổ chức và điều hành chu đáo hơn
nhiều. Các phán quan trong mỗi làng quyết định đầu tiên, sau đó tất cả tài liệu
liên quan đến nội vụ được trình lên cho đại hội đồng và toàn bộ vụ án được thẩm
định. Nếu có gì sai sót trong việc phán xét thì viên phán quan bị phạt; và đích
thân nhà vua sẽ xem lại và trong ba thời kỳ khác nhau, sau đó bản án sẽ được hội
đồng công bố.
Bản án đó nhà vua có thể sửa lại nhưng chỉ có thể có lợi hơn cho bị
can chứ không thể tăng hình phạt, và ba lần tái thẩm định sẽ giúp cho ông có đủ
thì giờ để đưa ra một quyết định thích đáng cho toàn bộ vụ án. Nguyên tắc đó do chính vua Gia Long
đưa ra trong thời nội chiến ngõ hầu ông có thể đề phòng những bất công hay
thành kiến trong việc định án liên quan đến các bầy tôi mà trước đây chưa lâu
còn là kẻ đối nghịch: nguyên tắc này hiện vẫn chưa được áp dụng trong cơ cấu
tài phán lỗi lạc nhất của những quốc gia Gia Tô giáo ở Âu Châu.
Nhà
vua cũng có thói quen tha thứ cho các tội phạm, hay ba lần liên tiếp khoan dung
cho những ai có tiếng công minh và liêm chính. Nhiều lần ông nói với Giám mục xứ
Adran[26]
người mà ông luôn luôn coi như một bậc thầy sáng suốt. “Vì tình bạn giữa
ngài và tôi, ngài sẽ không bao giờ phải chịu phán quyết quá nghiêm khắc. Như thế
nếu như ngài đến xin tôi tha thứ một phạm nhân ba lần thì đó cũng còn là một
cách chứng tỏ là tôi sai lầm.”
Viên
tổng trấn Bắc Thành hiện tại trước đây cũng là thủ lãnh một đạo quân thù nghịch
của vua Gia Long. Khi y bị bắt giải đến doanh trại của nhà vua, ông đã yêu cầu
y hoặc chịu hình phạt của một loạn tặc, hoặc gia nhập vào quân đội của ông. Người
này được giao phó một chức vụ chỉ huy quan trọng. Tháng 4 năm 1803 (?) y là người
tiên phong tung ra một trận tấn công vào Kẻ Huế,[27]
kinh đô của Tây Sơn, khi đó do chính tiếm vương chống giữ.[28]
Y
đã bắt được ông vua này nhưng sắp xếp để ông ta trốn được và cảnh cáo rằng nên
tránh những đường tiến quân của y. Sau đó ông ta lập tức quay lại gặp vua Gia
Long, tâu rằng:
-
Tâu bệ hạ, trong mười năm thần ăn gạo của người đó trước khi làm bầy
tôi của bệ hạ thì nỡ nào thần lại đưa y vào chỗ chết cho được?
Nhà
vua trả lời:
-
Ở vào địa vị ngươi thì ta cũng làm như vậy thôi.
Lực
lượng quân sự của Việt Nam hiện nay bao gồm 160,000 người nhưng thời chiến con
số có thể lên gấp đôi, trong số này bao gồm cả 30,000 thuỷ quân. Tất cả lục
quân đều là bộ binh, chẳng phải vì khan hiếm ngựa nhưng vì đất nước này chằng
chịt những sông ngòi, đồi núi nên kỵ binh hầu như không dùng được vào việc gì.
Một bộ phận lớn của quân đội được trang bị và chỉ huy theo kiểu Tây phương. Thế
nhưng cách thức của Gia Long có nhiều điều đáng cho một khu vực khác của thế giới
bắt chước.[29]
Gia
Long chẳng để cho lính ngồi không. Trong thời bình ông dùng lính như thợ thuyền
trong mọi công tác và trở thành đủ loại nhân công. Chính nhờ thế mà hệ thống đường
sá và kênh đào đã được khai mở hay tu sửa; nhiều công trình cần thiết để khắc
phục hậu quả của cuộc nội chiến tàn khốc vừa qua cũng được thực hiện.
Người
Việt Nam tự cho rằng – và tôi nghĩ rằng cũng có lý do chính đáng – họ vượt trội
các nước láng giềng và là một đại quốc trên nhiều phương diện. Một điểm quan trọng
mà người Việt Nam có được, đó là họ không ngừng cải tiến nghệ thuật buôn bán,
trong đó sự tưởng tượng và phát minh là tiền đề để đạt tới hoàn chỉnh. Thành ra
họ sốt sắng du nhập cải tiến và sự chỉ vẽ của các quốc gia khác. Chẳng hạn
như trong vấn đề hàng hải, những tiến bộ của họ thật to lớn. Nhiều tàu của
hoàng đế được đóng theo kiểu của người Pháp. Chữ viết theo mẫu tự La Mã được
dùng hầu hết trong những người theo đạo Thiên Chúa ở xứ này kể cả nhiều người
ngoại đạo. Khiếm khuyết của họ về khoa học chính vì những thầy đồ không muốn thế
chứ không phải tại họ không có khả năng hay không muốn học.
Vào
ngày 22 tháng bảy, nhà vua cho hay ông có ý định ra Cửa Hàn[30]
(hải cảng) để tế thần linh đã phù hộ cho đoàn tàu từ Bắc Hà đến kinh được bình
an mang theo cống phẩm thường niên; và sáng hôm sau lúc 10 giờ, trống chiêng, cồng
đánh vang lên báo hiệu ông khởi hành. Trong thời gian gần đây chiếc thuyền rồng
(lâu đài nổi) của nhà vua để tại kinh thành để tu bổ. Chiếc lâu đài nổi đó gồm
hai tầng, dựng trên một chiếc tàu đáy phẳng rất lớn, chứa đựng đủ chỗ ăn ở cho
toàn bộ hoàng gia và tuỳ tùng, tổng cộng khoảng 300 người.
Ðến
trưa thì đoàn thánh giá xuất hiện; đầu tiên là hai chục thuyền chia thành hai
hàng, mỗi chiếc có 60 tay chèo mặc đồng phục màu xanh, trên cắm cờ hiệu màu
xanh. Sau đó là hai chục thuyền khác cùng loại, cờ hiệu và đồng phục màu vàng.
Bốn
thuyền lớn mỗi thuyền 120 tay chèo, cờ và đồng phục đỏ, có mái che, trong đó
các hoàng tử ngồi. Kế tiếp là hai mươi thuyền sơn son thiếp vàng rực rỡ chở các
thị vệ, theo sau là mười chiếc khác kéo chiếc thuyền rồng, trên cắm đầy cờ.
Ðoàn thuyền ngự được đoạn hậu bằng mười chiếc chiến thuyền hộ tống. Sau đó là đủ
các loại thuyền của các quan và khoảng 2000 bộ binh đi dọc theo hai bên bờ sông
đồng bộ với đoàn thuyền.
Sau
khi hoàng thượng đi qua, chúng tôi bắn súng chào và chẳng bao lâu một võ quan
lên tàu xin lỗi rằng họ không thể bắn trả lại đáp lễ. Nhà vua ở dưới sông đến
ngày thứ ba nhưng vì trời mưa nên sau cùng phải quay về kinh đô mà không thể tế
thần được.
Vài
năm trước, khi một đoàn thuyền chuẩn bị đi lên Bắc Hà, nhà vua ra lệnh cầu đảo
theo tôn giáo của ông ta để tìm giờ tốt khi ra biển; một việc mê tín theo tục lệ
nơi đây. Các pháp sư sau khi xin ý kiến thần linh, đưa ra câu trả lời trái ngược
với ý muốn của hoàng đế nhưng hai ngày sau khi đoàn tàu ra khơi thì bị bão đánh
đắm mất 150 chiếc thuyền trong tổng số 180 chiếc. Tất cả bọn thầy pháp đều bị
phạt trượng và nhà vua tuyên bố rằng sẽ không để một cái đầu nào trên cổ của cả
đám nếu từ rày trở về sau họ không cầu được hoàng thiên chứng giám cho ngày mà
nhà vua đã định để rong thuyền ra đi.
Gia
Long nay đã 59 tuổi và thời gian lao tâm lao lực ngài phải gánh chịu trước khi
lên ngôi đã làm cho ông suy yếu nhiều. Thế nhưng ông vẫn thiết triều mỗi ngày
và dạy cho thái tử thuật trị nước. Vị hoàng tử trẻ kia nay chừng 30 tuổi là người
được giáo dục chu đáo và là một trong những người hay chữ nhất của vương quốc
này. Ông thông thạo các phép hình học, thiên văn, địa lý. Thỉnh thoảng ông
cũng viết bằng chữ mẫu tự La tinh nhưng ông không chịu học bất cứ thứ tiếng ngoại
quốc nào ngoài tiếng mẹ đẻ. Nhiều tác phẩm thực dụng Âu châu đã được dịch
ra cho ông dùng và từ một trong những vị quan người Pháp, ông đã học được phép
tính kinh độ của một nơi bằng cách đo trăng sao. Nhà vua cũng sai một viên quan
bản xứ vốn đã theo học các nhà truyền giáo ở Trung Hoa tính toán những biểu đồ
thiên văn mà người ta bảo là cực kỳ chính xác.[31]
Tháng
9, tháng của gió mùa đổi chiều nay đã đến. Sau mùa này thì việc đi thuyền xuôi
giòng sông Huế rất khó khăn nên chúng tôi phải chuẩn bị để khởi hành. Ngày 25
tháng 8 là ngày lễ hội đức vua Louis XVIII được cử hành ngay trên tàu Henry với
sự có mặt không những mọi người đồng hương của chúng tôi đang ở kinh đô mà còn
cả một số quan lại chúng tôi quen biết và (điều này lại càng đáng ghi nhớ) các
vị phu nhân của họ. Một trong những lần mọi người nâng ly chúc mừng là “moun,
moun thuoé boua-Falanca, boua-Anam”,[32]
thế có nghĩa là vua Pháp và vua An Nam vạn tuế.
Xứ
Việt Nam vì vừa qua khỏi những xáo trộn và tàn phá của phân liệt và chiến tranh
nên đất đai để canh tác không còn mấy. Ðể xuất cảng họ chỉ sản xuất được một
vài loại như lúa gạo, thuốc lá, cau và khách buôn Trung Hoa cũng chở đường nếu
như không kiếm được cau. Ðất đai của xứ này rất màu mỡ và chỉ cần bỏ ít sức lao
động thì đã sản xuất được dư thừa những gì cần dùng. Sản lượng ở đây tương
đương như ở Philippines hay Bengal. Ngay cả hàng Trung Hoa cũng có thể mua được
ở Việt Nam với giá còn rẻ hơn ở Quảng Ðông, được các thuyền buôn Trung Hoa chở tới
và họ không chịu thuế nặng như các thuyền buôn ngoại quốc.
Người
dân Việt Nam bản chất dịu dàng, hiền hoà, lễ độ và thông minh. Người bình dân của
xứ này hơn hẳn thành phần tương tự ở Trung Hoa, và còn hơn cả người Âu Châu nữa
về mặt đạo đức và tốt bụng. Tục đa thê khá phổ biến nhưng chỉ có một bà vợ được
coi như nội tướng trong nhà, những người khác là đầy tớ của bà ta, con cái của
họ cũng không được thừa hưởng gia tài của người cha mà chỉ nuôi chúng khi ông
ta còn sống (?). Vợ chồng có thể bỏ nhau nếu như hai bên đồng thuận và con cái
chia đôi giữa cha mẹ. Tục đa thê và ly dị là những trở ngại chính mà các nhà
truyền giáo phải vượt qua trong việc rao truyền đạo Thiên Chúa trên vương quốc
này. Sự thiếu chung thuỷ trong hôn nhân sẽ bị tử hình cho cả hai người phạm
gian.
Ðàn
bà thuộc giai cấp trung lưu và thượng lưu ở Việt Nam thường rất kín đáo và cũng
rất đẹp nhất là ở các tỉnh miền Bắc, nơi khí hậu điều hoà hơn cả nên da dẻ họ
cũng trắng hơn người ở các tỉnh trong nam. Thế nhưng tất cả mọi người (như người
Âu Châu chúng ta thấy là như thế) nhiễm nặng thói quen ăn trầu, cau trộn với
vôi nung bằng vỏ sò khiến cho miệng họ đỏ chót như chảy máu.
Ðàn
ông mặc quần dài và rộng, thắt bằng đai dấu bên dưới áo cánh lụa hay vải nhiều
màu khác nhau. Khi ăn vận cho các dịp lễ lạc hay đi gặp quan lại, bậc trưởng
thượng thì họ mặc thêm một hay hai áo dài chùng xuống tận đất, với một cái khăn
đen quấn trên đầu để phủ tóc nhưng không che tai.
Ðàn
bà mặc quần dài và rộng bằng lụa giống như đàn ông che phủ bởi áo dài xoã xuống
tận đất, tay áo rất dài và rộng. Cả đàn ông lẫn đàn bà đều mang túi bằng sa
tanh hay vật liệu khác để đựng trầu cau khi đi ra ngoài nhưng trước mặt một cấp
trên thì không được để lộ ra, và phải bỏ khăn ra khỏi đầu. Khăn cũng không được
đội khi ra khỏi cửa trừ khi là khăn trắng dấu hiệu của để tang nhưng loại y phục
này không được mặc khi gặp quan lại. Ðàn bà Việt Nam ăn mặc không mấy thanh lịch
thì dễ dàng tưởng tượng được. Tuy nhiên một đặc điểm là họ xem chừng khôn ngoan
hơn đàn bà Trung Hoa, chân họ không bị đôi giày hành hạ. Ðàn bà thượng lưu chỉ
đi dép và không mang vớ. Khi đi thăm ai họ được khiêng đi bằng võng che kín
hoàn toàn. Ðàn bà bình dân che nắng bằng nón rộng vành, đan bằng rơm một cách
khéo léo. Một số phụ nữ làm nghề buôn bán và tỏ ra có khả năng hơn cả đàn ông
trong thương trường, nhưng quả là sai lầm khi một số tác giả khác đã viết là họ
phải làm việc canh nông. Họ luôn luôn được chồng đối đãi dịu dàng và kính trọng
đến nỗi trong nhiều trường hợp phải nói như câu ngạn ngữ bình dân là “lệnh
ông không bằng cồng bà”.[33]
Ngày
28 tháng 8 thời tiết tốt và được các võ quan thuỷ quân và lục quân giúp đỡ tận
tình, chúng tôi xuôi theo giòng sông vừa kịp để qua khỏi cồn cát, thả neo nơi
cát mịn, nước sâu 7 fathoms, khoảng một dặm về phía đông bắc của vị trí phòng
ngự nơi cửa sông. Khi quay trở về kinh đô để kết thúc thương vụ, một điều bất
như ý đã xảy ra là một bài học cho những ai ở vào hoàn cảnh tương tự.
Một
gia nhân thân tín của người con thứ hai của nhà vua đến kho chứa hàng của chúng
tôi ở trên bờ nói rằng y cần một số món hàng cho hoàng tử và chúng tôi giao cho
y. Hai tuần sau y mang lại những món hàng đó tất cả đều bể nát không còn dùng
được kèm theo một thông điệp nói là điện hạ không muốn những món này. Viên thủ
kho khẳng định là những hàng hoá đó từ ly, đồng hồ, súng bắn chim ... tất cả đều
hoàn hảo khi giao và trong trường hợp này thì hoàng tử phải đền cho những món
đã bị hư hỏng. Phía bên kia trả lời là vì họ không muốn những mặt hàng này nên
họ nhất quyết không trả tiền và y cũng dùng những lời lẽ rất xúc phạm đến quốc
gia chúng ta. Nguyên do của những rắc rối này tôi cho rằng vị hoàng tử kia nổi
giận vì tôi từ chối không chịu cho ông ta một con chó Âu Châu mà tôi đem theo
nhưng để dành cho một người khác.
Thấy
không làm cách nào có thể chấm dứt lối nói xấc xược đầy vẻ hù doạ của gã kia,
tôi đành phải sai lính dưới quyền bắt y và ném tất cả những món đồ y mang tới
xuống sông đồng thời nhờ một người đưa tin của thái tử có mặt lúc đó báo lại
cho vị hoàng tử nội vụ và nhắn lại rằng trừ phi gã kia phải bị trừng phạt tức
khắc và đền tiền cho những hàng hoá hư hỏng nếu không chúng tôi sẽ tâu lên
hoàng đế. Chẳng bao lâu, viên quan lễ tân cho mời tôi đến khăng khăng đòi chúng
tôi phải xin lỗi về việc xảy ra nhưng khi thấy tôi cứng rắn thì gã gia nhân kia
bị trừng phạt và họ phải trả tiền số hàng, khi đó mọi việc mới được giải quyết
thoả đáng.
Ngày
mồng 4 tháng 9, sau khi đã chuyển hết số hàng mà triều đình mua lên kinh đô,
tôi lên tàu với hai thuyền trưởng người Pháp khác đưa trở về tàu của họ đang
neo tại vịnh Tourane. Khởi hành vào lúc 11 giờ sáng, chúng tôi đến vịnh cũng
vào khoảng đó ngày hôm sau. Ðến đây tôi được biết viên tổng đốc Quảng Nam muốn
được gặp tôi tại tư dinh ông ta ở Chou-Couy, cách thành phố Hội An là nơi tôi
có thương vụ độ hai hải lý. Tôi khởi trình ngay có 6 người lính hộ vệ và một đội
khác khiêng võng cho tôi. Ông Treillard, vị y sĩ của tàu Henry cũng tháp tùng
nhưng ông thích đi thuyền theo con rạch. Khoảng cách chúng tôi phải đi, từ làng
Ton-Han đến Hội An là một ngày, khoảng 9 thôi đường, mỗi đoạn một giờ. Ðường rất
tốt nhưng những chiếc cầu làm bằng tre xem ra không an toàn chút nào. Xứ này có
ngựa nhưng không dùng xe. Voi thường lội ngang sông hay rạch còn hàng hoá thì
do cả đàn ông lẫn đàn bà đi bộ mang trên người.
Khi
đến cư sở của quan tổng đốc, dinh ông ta có tường gạch bao quanh giống như của
nhà vua. Sau tường là trại lính, đền chùa và nhà ở cho một số tuỳ tòng đông đảo.
Bên trong cùng là nhà của quan tổng đốc, cũng như Dionysius của xứ Syracuse,
không thể đến gần được nếu người của ông ta chưa khám xét. Ông ta nhận món quà
bằng thuỷ tinh của tôi tặng và hứa sẽ dành mọi sự dễ dàng cho người đồng hương
của tôi nếu nằm trong quản hạt của ông.
Hội
An giống như một đại thương xá bên Ấn Ðộ. Thành phố gồm có một con đường thật
dài, nhà bằng gạch, một tầng tất cả đều buôn bán, mặt tiền và kho hàng quay ra
đường. Dân số ở đây độ chừng 60,000 người trong đó 1/3 là người Trung Hoa. Một
vài con rạch chảy vào thành phố và thuyền bè cũng có thể xuôi ngược được như tại
Huế. Những thuyền lớn của người Hoa, gọi là sommes (?) trọng tải 600 tấn đến
Fai-Fo hàng năm[34].
Con sông chia ra thành ba nhánh, một nhánh chảy thẳng ra biển trước cù lao Chàm
(Chamcollao), một nhánh chảy vào vịnh Tourane còn nhánh thứ ba chảy về tận cùng
phía nam của tỉnh, đối diện với Pulo-Canton nhưng hai nhánh sau này chỉ thuyền
nhỏ có thể đi lại được thôi.
Quay
trở lại Tourane, chúng tôi về đến nơi vào khoảng 1 giờ sáng trong một đêm tối
như mực nhưng vì lính canh rất nghiêm nhặt nên chúng tôi không bị ngăn trở lần
nào. Con đường có nhà cửa dọc hai bên và ở đâu khách lạ cũng có thể xin giúp đỡ
hay ngủ trọ và được tiếp đón niềm nở coi như vinh dự của chủ nhà.[35]
Quay
về kinh đô một lần nữa, tôi đi thăm một số nơi đáng chú ý ở vùng lân cận. Nơi đầu
tiên là ngọn đồi mà những tiếm vương[36]
thường dùng làm chỗ tế thần, một ngọn đồi tuy do người đắp lên nhưng cao đến
trên 600 yards (khoảng 550 thước). Về hình dáng, ngọn đồi này trông như một
hình nón bị cắt ngang, toạ lạc tại nam-đông nam của kinh thành.[37]
Khi
khôi phục được giang sơn, vua Gia Long phá huỷ ngôi đền[38]
và bàn thờ xây trên đỉnh núi và cũng đã từng có ý định san phẳng luôn cả ngọn đồi
này nhưng thấy rằng để nhân công và tiền bạc làm chuyện khác hữu dụng hơn. Ở
phía đông của địa điểm này là một ngọn đồi hình bầu dục thiên nhiên, cao hơn một
chút, trồng đầy linh sam[39]
(fir) một loại cây lớn và hiếm rất được người dân Việt Nam ưa chuộng chẳng khác
gì dân Âu Châu ưa thích các loại rau lạ lùng của xứ này. Nơi mà vị vua hiện tại
chọn làm chỗ tế lễ cũng không xa ngọn đồi này bao nhiêu nhưng tại đồng bằng và
cũng trồng đầy linh sam.
Lễ
nghi đáng kể nhất của xứ Việt Nam là tang lễ và thân nhân của người chết phải
táng gia bại sản vì làm ma cho cha mẹ không phải là chuyện hiếm hoi. Chẳng cứ
giới thượng lưu mà ngay chính hoàng đế cũng phải đứng tránh ra nhường đường cho
một đám ma hay một đám cưới. Một tục lệ khá lạ lùng về phương diện kinh tế của
triều Gia Long là một số phẩm hàm cao chỉ được phong tặng sau khi qua đời. Do
đó nhiều gia đình gìn giữ rất kỹ lưỡng những bằng sắc vua ban cho một người quá
cố với danh tướng quân hay đô đốc, dù rằng sinh thời chỉ là một sĩ quan thường.
Phẩm
hàm và tước vị không được thế tập ở nước này; những danh vị được ban sau khi chết
không làm tốn phí gì cho quốc gia mà lại làm cho họ thêm vinh dự. Việc tôn kính
người đã khuất cũng giống như tại Trung Hoa và lòng thương cảm sẽ có lợi cho
dân chúng nếu như không đi kèm với những lễ nghi phức tạp đầy mê tín và hủ bại.
Niềm tin dựa trên nguyên tắc thiện ác là căn bản của tôn giáo xứ này, thờ cúng
tổ tiên là để dương thiện còn cầu nguyện và tế lễ là để khử ác và cũng để ma quỉ
khỏi quấy nhiễu những người đã khuất.
Thế
nhưng những mê tín đó không phải ai cũng có, mà thương cảm đó không thấy tại những
đại thần và người có học. Nhà vua vẫn thường quở trách các triều thần khi coi
ngài như bậc thiên tử:
- Này
các ngươi, ta chỉ là con của một thần tử rất thấp hèn của hoàng thiên, của chủ
tể vũ trụ, ngài đã ban cho ta làm cha mẹ của nhân gian như cho bao nhiêu người
khác.
Những
nhà sư, tức các giáo sĩ của người ngoại đạo, được rất ít ưu đãi của chính quyền.
Thành thử họ cũng không nhiều mà cũng không giàu có và sống rất đạm bạc như bao
nhiêu thường dân khác; tuy cũng có những cộng đồng tăng lữ và tu viện. Mọi tôn
giáo đều được chấp nhận ở Việt Nam, số người theo đạo Thiên Chúa, theo giám mục
xứ Verrenne, đại diện tông đồ của xứ này thì vào khoảng 60,000 người.
Công
việc buôn bán của chúng tôi ở kinh đô như vậy cũng đã xong nên quay trở về tàu
đang đậu ở vịnh Tourane bằng đường bộ vào ngày mồng 4 tháng 11. Ông Chaigneau,
một trong những quan người Pháp, đã được phép nghỉ việc trong ba năm, sau khi ở
đây hai mươi sáu năm liền, qua nhiều chức vụ chỉ huy quan trọng trong lục quân
và hải quân, trở về Âu Châu theo tàu của chúng tôi. Ði chung trong chuyến này,
kể cả những người lính theo hộ vệ và phu khiêng võng, tổng cộng lên đến 200 người.
Chúng
tôi đi theo con kênh mới đào, chảy ra cái hồ lớn và chương trình của chúng tôi
là nhân tiện sẽ đi săn trên đường về. Chúng tôi đến làng Koua-Hay sáng sớm ngày
hôm sau và phải lên võng vì đường đi phải băng ngang qua một số đầm lầy. Xứ sở
này trông thật hữu tình, chúng tôi đi săn vòng quanh những ngọn đồi, và quả có
đủ loại cầm thú. Ở lân cận một số làng mạc, và cứ khoảng chừng 5, 6 dặm thì lại
có một dịch trạm ở dọc theo đường cái, nơi đó khách đi đường có thể ở trọ, dưới
sự canh phòng của một trạm trưởng của triều đình, cũng là người đứng đầu tất cả
tuần tráng trong khu vực. Ðêm hôm đó chúng tôi nghỉ lại dưới chân một đèo lớn
sau những dãy đồi.
Dọc
theo chân đồi là một đầm nước lớn, phân cách với biển cả bằng một cồn cát, chiều
rộng chừng 100 fathoms và dài 16 dặm. Cái đầm đó thông với biển bằng một khe rất
hẹp chiều ngang chừng 20 fathoms nhưng có đá chắn nên chỉ thuyền thật nhỏ mới
qua được. Ðầm nước rất sâu và có thể trở thành một nơi trú ẩn rất tốt nếu như
có một thông lộ được mở ra. Thế nhưng số hải cảng thiên nhiên ở xứ Việt Nam đã
nhiều quá rồi nên người ta chẳng thấy có nhu cầu bỏ công sức khai mở thêm một bến
đậu nữa. Cái đầm nước mặn ấy cũng đầy những cá cung cấp một nguồn lợi dồi dào
cho dân chúng sống ở những làng xóm chung quanh.
Sớm
hôm sau chúng tôi bắt đầu lên chiếc đèo Tây Sơn đã nói và trước khi đến nơi nghỉ
ăn lót dạ thì chúng tôi đã giết được 100 con khỉ, một loại khỉ lớn đặc biệt của
xứ này. Tôi phải mất nhiều công lao mới bắt sống được một số con đem về Pháp
làm mẫu. Trong chuyến đi săn này có rất nhiều con bị bắn hạ nhưng mỗi khi bị
thương thì bầy khỉ xúm lại cố gắng khiêng những con chết hay bị thương chạy vào
rừng. Ba con khỉ con tôi bắt được vì đã chạy lại vây quanh xác mẹ nó và phải mất
rất nhiều công sức mới lôi được chúng ra. Loài khỉ này rất giống loại đười ươi
(oran-outang) về hình dáng và cá tính không tấn công người, sống trên đỉnh những
cây to ở núi cao, chỉ ăn trái cây. Việc tương đồng giữa hình dáng chúng với con
người thật đáng kể.
Bộ
lông của chúng rất mềm: tay và chân màu đen, vai và cẳng chân thì đỏ thẫm, bụng
màu trắng, lưng màu xám; khuôn mặt phẳng màu trắng, má đỏ, đôi mắt to và đen, một
số con đực khi đứng trên hai chân sau đo được 4 feet 4 inches (1.3 mét). Ở xứ
này người ta gọi nó là venan[40]
có nghĩa là người ở trong rừng.
Khi
qua mấy ngọn đồi chúng tôi thấy dấu vết của voi rừng và sau khi vượt qua một số
thác nước chảy xiết thì lên đến đỉnh đèo lúc một giờ trưa và hầu như lúc nào
cũng lên dốc. Trên đường đi tôi để ý thấy mấy tảng đá lớn, bên trên có mấy đống
đá nhỏ chặn những tờ vàng mã. Ðây là lễ tạ ơn của những người phu được thuê mang
những hàng hoá nặng ngang qua núi nên cúng tế thần thổ địa đã phù hộ cho họ
hoàn thành công tác. Ngồi lại nghỉ chân uống nước trong điếm canh trên đỉnh đèo
nhìn xuống dưới chân là khung cảnh hùng vĩ của vịnh Tourane, chiếc tàu của
chúng tôi trông chỉ nhỏ như một chiếc hạt dẻ.
Nghỉ
ngơi chừng một tiếng rưỡi chúng tôi bắt đầu đi xuống với tốc độ nhanh hơn dự tưởng
và con đường cũng bị đá tảng chắn lối nhiều hơn nên cũng mệt hơn khi lên dốc.
Năm giờ chiều chúng tôi đến điếm canh nơi bờ biển nơi đó cơm nước đã sẵn sàng.
Khi mặt trời bắt đầu lặn xuống sau những ngọn đồi, chúng tôi săn công là thứ mà
ở đây có vô số kể. Chúng tôi gặp vết chân cọp mới đi và theo lời của dân chúng
trong làng bên cạnh thì trong thời gian gần đây giống thú này thường xuất hiện ở
khu vực này. Người ta đã đặt bẫy và đã đem dâng vua được ba con. Cũng may là
chúng tôi biết tin đó nếu không viên y sĩ của chúng tôi đã vướng phải bẫy, mà
người ta đặt một con chó sủa để dụ cho con thú đi ngang qua.
Ðể
dựng chiếc bẫy này người ta dựng một túp lều đôi, mở toang ra bốn mặt chỉ có một
lối vào chắn bằng một cửa hờ tự đóng lại từ bên trong. Khi con hổ nghe tiếng
chó sủa nó sẽ chui vào chiếc lều ngoài và cửa phía sau sẽ đóng lại. Thế nhưng
con chó bên lều phía trong vẫn còn cách với con cọp một vách ngăn. Con chó huấn
luyện trong việc này cứ tiếp tục sủa cho đến khi con hổ lọt hẳn vào bẫy lúc đó
mới thôi và người ta sẽ kéo đến để giết hay để khống chế con vật hung dữ này. Hổ
ở Việt Nam cũng cùng loại với hổ Bengal.
Rừng
ở đây là nơi trú ẩn của nhiều thú vật, nhất là trâu rừng, là mục tiêu cho những
vụ săn lớn do triều đình tổ chức. Hươu, sơn dương sừng trắng, tê ngưu, lợn lòi
và voi cũng rất nhiều nhưng con thú đáng ngại nhất là cọp vì chúng tấn công cả
người lẫn vật. Theo người ta kể thì hổ chỉ sợ có một thứ là tê ngưu
(rhinoceros), và trận chiến giữa hai bên, thỉnh thoảng có biểu diễn tại kinh
thành, thì tê ngưu luôn luôn là kẻ thắng. Mỗi năm có một vụ săn cọp lớn mà lần
nào số người bị giết và bị thương cũng đông, nghe kể là có khi còn hơn cả những
trận đánh gần đây. Nhà vua nuôi một đội voi rất lớn, dùng để đi săn cũng như
trong chiến tranh.
Việc
săn công của chúng tôi không mấy mỹ mãn vì chúng tôi chỉ bắn được một con. Sáng
hôm sau khi định đi săn tiếp chúng tôi lại phát hiện những dấu vết mới của cọp
nhưng chúng tôi đông người nên không sợ gì chúng tấn công. Hai người võ trang,
một người bằng đao, một người cầm giáo ngắn thường không mấy khi bị thương và
thất bại trong việc chiến thắng con vật dữ tợn kia. Hai người cũng đủ để thắng
một con voi nếu như đi lẻ ra khỏi bầy và thường là khi nó đi ăn ở dưới chân đồi.
Hai thợ săn, trang bị bằng súng nòng lớn, tiến đến gần voi từ hai ngả khác nhau
cho đến khi chỉ cách con vật chừng 30 bước. Khi đó họ làm hiệu cho nhau rồi một
người sẽ hú lên một tiếng. Con voi không có gì tỏ ra hoảng hốt sẽ ngẩng đầu lên
nhìn chăm chăm vào kẻ mới la và y sẽ bắn ngay vào trán nó. Nếu như con vật
không ngã hay không bị thương, nó sẽ rượt theo người thợ săn đang nhanh chân bỏ
chạy. Người thợ săn thứ hai lập tức đuổi theo bắn con voi từ phía sau và khi
con vật quay lại thì người thứ nhất lại bắn. Lối tấn công luân phiên này khiến
cho con vật đáng thương lăn ra chết sau lần thứ hai hay thứ ba bị bắn trúng vì
thợ săn Việt Nam can đảm và thiện xạ trong chiến thuật này đến mức đáng ngạc
nhiên. Ở xứ này người ta ăn thịt voi. Vòi voi và chân voi được coi là những chỗ
đặc biệt và thường được dâng lên các ông hoàng và các quan lớn. Tôi đã từng ăn
những món này tại bàn ăn của quan bộ Lễ và thấy quả là ngon.
Việt
Nam cũng phong phú về khoáng sản nhưng chỉ có hai mỏ được khai khẩn đều là cho
nhà vua. Nếu ai tự ý khai mỏ hay ngay cả nói về chuyện này cũng bị tử hình. Tôi
biết rằng gần Phú Yên có mấy mỏ vàng, nhiều đến nỗi chỉ cần 4, 5 pounds quặng
là có thể đãi được 20 ounces vàng ròng. Thế nhưng triều đình sợ người Âu Châu
thèm muốn nên dùng đủ mọi cách để khỏi tiết lậu về những mỏ này.
Trở
về tàu vào buổi sáng hôm đó chúng tôi lại lên bờ ngủ tại nhà mà viên Fantou đã
sửa soạn tại Ton-Han. Cuộc du ngoạn kế tiếp của chúng tôi là đi xem núi đá cẩm
thạch nằm ở phía nam đông nam, cách vịnh chừng 8 dặm. Chúng tôi vừa săn vừa đi
và được thăm những hang động kỳ diệu, đẹp tuyệt trần, một kỳ công của thiên
nhiên và thời gian. Những tảng đá đó không xa biển nên rất có thể ở một thời kỳ
xa xưa nước đã bao phủ cả vùng này mặc dù đến nay thì những hang đá đó đã trồi
lên 200 fathoms trên mực nước biển. Tuy nhiên những hòn đá đó đã gọi sai tên vì
không phải là cẩm thạch (marble) mà chỉ là tuyết hoa (alabaster) pha trộn,[41]
một loại thạch cao trong mờ so với đá hoa thì kém xa. Những tảng đá đó được dân
chúng ở xung quanh tạc thành nhiều hình thù khác nhau. Cũng trong những tảng đá
đó, giữa những bụi rậm, lần đầu tiên tôi bắt gặp hai con chim ruồi,[42]
bay vù vù với tốc độ phi thường đến sát tôi và kêu lên inh ỏi nên tôi nghĩ rằng
tổ của chúng ở đâu đó gần đây nhưng chúng tôi không tìm ra.
Cũng
nơi đây tôi trông thấy một con gà rừng, và quả là loài chim đẹp nhất tôi từng
thấy và cũng cùng với loại người ta bắt gặp ở Pulor Condo hay Sumatra. Tôi cũng
không có cái may mắn bắn được nó và cũng không biết có quyền mang một con về nước
hay không? Ở Việt Nam còn có một loại chim khác còn lạ lùng hơn loài gà rừng mà
các nhà điểu học[43]
cũng chưa biết mà tôi cũng chưa bao giờ thấy ngoại trừ một cái lông. Chính nhà
vua cũng không hơn. Theo lời dân chúng, loài chim dị thường này sống tại những
ngọn núi người không vào được ở Phú Yên.[44]
Họ gọi nó là kinntrey (chim trời?) tức là chim thần. Con chim đó to bằng
chim bồ câu, mỏ đỏ, đầu đen, cổ trắng, cánh màu vàng, bụng và đuôi mày xám. Lạ lùng
nhất ấy là cái đuôi dài chừng 8 feet. Cái lông chim tôi được thấy tuy đầu đã bị
cắt mất nhưng cũng còn dài đến 5 feet 6 inches. Người dân quê kể nhiều chuyện lạ
lùng về loài chim này mà tôi cho rằng vì ngu dốt hay do tưởng tượng cũng như việc
họ nói về một giống người có đuôi sống ở phía nam xứ Siampa.
Giống
người lạ kỳ này gọi là mọi hay người rừng, viên quan bộ Lễ kể cho tôi nghe
chính ông ta đã từng xem xét, khi chỉ huy một đội tượng binh ở tỉnh đó. Ông ta
cũng bắt một người đưa về kinh trình lên nhà vua và hoàng đế đã trả y về quê
quán với nhiều quà tặng. Những người bạn Pháp đáng kính của tôi làm quan trong
triều chưa bao giờ được thấy những sinh vật dị thường này nhưng họ thường nghe
nói tới và xác quyết qua những nhân vật có uy tín và đứng đắn nên họ cũng không
thể không tin những lời tường thuật đó. Người ta bảo rằng đuôi của mọi dài chừng
8 inches rưỡi (21 cm). Tuy giống người đó biết nói và có bộ mặt người nhưng
viên quan có vẻ chỉ coi họ như một động vật chưa phát triển đầy đủ.
Việt
Nam hiện hữu rất nhiều giống vật đủ mọi loài nhưng trừ một vài biệt lệ đã nói tới
ở trên những giống khác chắc cũng tìm thấy nơi các quốc gia ở sâu bên trong vì
nước này chỉ là một giải đất hẹp tiếp giáp với biển ở phía đông và những dãy
núi chắn ở phía tây. Một nhà thiên nhiên học tài ba có thể khám phá ra nhiều giống
vật lạ lùng và hiếm hoi nhưng không phải thuộc những giống mà người ta chưa hề
biết tới. Còn với một nhà thực vật học thì còn nhiều khu vực chưa được nghiên cứu
nhưng trong tình trạng hiện tại, thái độ của triều đình đối với người lạ, nhất
là với người Pháp thì chỉ cần một chút dè dặt là những khoa học gia có thể được
vào tìm hiểu một cách dễ dàng. Một người không rành về cây cỏ như tôi và cũng
chưa từng lao đầu vào đề tài này cũng biết là Việt Nam có nhiều loại cây mà họ
dùng làm thuốc rất hiệu nghiệm.
Tôi
có may mắn được ở Hội An (Fay-Fo) khi tiếp nhận các khoá sinh đi thi vì trên tất
cả các tỉnh của vương quốc, Gia Long đã thiết lập các trường công chia thành
hai lớp. Ðối với lớp thứ nhất, tất cả các bậc cha mẹ phải gửi con đến học khi
chúng được 7 tuổi để học đọc và viết. Lớp thứ hai là để dạy cho những ai muốn
theo đuổi nghiệp văn chương bao gồm Bắc sử (sử Trung Hoa) và sử của chính quốc
gia này vì lịch sử hai nước không thể tách rời nhau; họ cũng học nguyên tắc triết
lý của Khổng Tử, khoa học tự nhiên và y khoa. Cứ cuối mỗi 5 năm thì loại trường
thứ hai này đào tạo được một số thí sinh lên kinh đô để được xem xét và cho vào
danh sách những người có học bởi chính thái tử là người có trình độ học thức cao
nhất trong nước (thực ra chỉ theo học vị) sẽ làm chánh chủ khảo và ban cho cho
một số giải.
Tỉnh
Quảng Nam là nơi Hội An toạ lạc, có không dưới năm thí sinh trúng tuyển và toàn
thể dân chúng đã sửa soạn để ăn mừng trong dịp cực kỳ vinh dự này.[45]
Một bữa tiệc và một tuồng hát được sửa soạn để đãi khách, mỗi người được che lọng[46]
cùng y phục thích hợp với thứ bậc thi đậu. Tuy nhiên vì bận công việc nên tôi
không thể tham dự từ đầu chí cuối các nghi lễ. Ngoài ra đức vua đã cho triệu
viên y sĩ của chúng tôi vào xem bệnh cho một trong những cô con gái của ngài,
công chúa thứ chín bị sưng tay mà ngự y trong triều ai nấy đều bó tay. Từ khi
chúng tôi đến đây, viên y sĩ đã chủng ngừa cho khoảng 50 trẻ em bằng virus mang
từ bên Pháp qua để giữa hai miếng kính. Thế nhưng không khí đã lọt vào nên việc
chủng ngừa không hiệu quả khiến chúng tôi vừa thất vọng, vừa bực tức vì bệnh đậu
mùa thường là gây thiệt hại rất ghê gớm cho dân chúng xứ Việt Nam.
Trong
một buổi hội tại Hội An do một viên quan đầu tỉnh tổ chức trong đó có một số bà
hiện diện, có vài quả phụ và một số thiếu nữ đến mời tôi ăn trầu. Về sau tôi mới
hiểu rằng phong tục này là một đặc ân hết sức thân mật, chứng tỏ là những phụ nữ
đó sẵn sàng tiến đến hôn nhân mà không cần tìm hiểu thêm về tình trạng hay tính
nết của tôi. Ðể đáp lại thịnh tình của họ, tiếc thay tôi lại không hiểu ra, nên
đã đền đáp bằng một số hàng của Pháp, nếu không ngộ nghĩnh thì cũng có thể biết
được dùng để làm gì. Cách đối xử lịch thiệp này xem ra ai nấy đều hài lòng.
Trong
số rất nhiều chuyện đáng nói ở Việt Nam, chúng tôi được mục kích một việc rất
khác thường. Khi giao súng hoả mai cho triều đình chúng tôi luôn luôn cắt một
sĩ quan có mặt trên bờ theo yêu cầu của viên quan tiếp nhận khí giới để biết chắc
là mọi việc đều ổn thoả. Việc kiểm tra các món hoả khí đều suông sẻ, trong số
10,000 khẩu súng chỉ có 25 khẩu bị trả lại. Mặc dù những súng giao xong rồi còn
cần kiểm soát lại, nhưng vì tin tưởng vào chúng tôi nên nhà vua vẫn ra lệnh
thanh toán đầy đủ. Sau một thời gian kiểm phẩm, chúng tôi được thông báo rằng một
số lớn súng đã vỡ nòng khi đem ra bắn thử. Chúng tôi đã tìm ngay ra nguyên nhân
chính vì cách thử chứ không phải vì phẩm chất của nòng súng; mỗi lần bắn thì
người Việt Nam đã cho vào đến một ounce rưỡi thuốc nổ (khoảng 42 grams), chèn bằng
5 ounces đất ướt, sau đó nhồi chặt bằng búa. Bằng lối này, đất có thể ngăn sức
nổ nhiều hơn sự chịu đựng của nòng súng. Chúng tôi chỉ cho những người thử súng
biết và báo lại cho viên quan kiểm nhận, đồng thời cũng giảm giá cho những súng
bị phá hỏng và khẳng định rằng việc này hoàn toàn ngoài dự liệu của chúng tôi
chứ không phải cố ý đánh lừa triều đình. Ðức vua vốn đã quen với việc buôn bán
nên chỉ thị cho viên thượng thư là ông không bắt lỗi gì và cũng không đòi bồi
thường thiệt hại, ông hài lòng với việc giải thích nguyên nhân của trục trặc
này và để chứng tỏ điều đó ông hoàn toàn tin tưởng chúng tôi trong những lần
giao dịch với nước Pháp trong tương lai.
Theo
qui định cũ, mọi tầu buôn từ Macao đến và mọi thương thuyền ngoại quốc ghé các
hải cảng ở Việt Nam đều bắt buộc phải đóng một thuế biểu nhất định, bất kể cỡ
và trọng tải của tàu. Ðể bãi bỏ cách tính thiếu công bằng và phi lý này, vua
Gia Long đã ra một chỉ dụ vào tháng chín năm trị vì thứ 17 của ngài (nhằm tháng
mười năm 1818 theo TL) ra lệnh mọi tàu buôn ghé bến của nước này đều phải đo
chiều dài và chiều ngang nơi khoảng giữa. Chỉ dụ cũng đề cập các món hàng bao gồm
ngà voi, sừng tê, đậu khấu (cardamom), quế, tiêu, gỗ nhuộm, gỗ mun sẽ phải đóng
thuế 5% trên giá trị món hàng. Trầm hương và kỳ nam hoàn toàn không được nhập cảng
và việc mua bán gạo thì chỉ được phép hay cấm chỉ tuỳ theo nhu cầu tiêu thụ
trong nước, còn việc xuất cảng vàng, bạc, đồng thì hoàn toàn không được phép.[47]
Gỗ dùng để đóng
thuyền hay làm cột buồm phải đóng thuế 10% và mọi sắc thuế phải thanh toán đầy
đủ trước khi được phép đem hàng xuống thuyền và piastre được chính quyền nhận
theo hối đoái một quan ăn năm đồng. Riêng đường mía được miễn thuế.
Chúng
tôi cũng đã đề cập đến ở trên là một viên quan đang ở trong triều xứ Việt Nam
là ông Chaigneau sẽ theo tàu Henry cùng với gia đình về Pháp.[48]
Ðể làm mẫu cho việc xếp đặt này và cách làm việc của vua Gia Long, chúng tôi
trích một phần trong chiếu chỉ cho phép ông rời nước:
“Chiếu
truyền của hoàng đế (tức vua Gia Long) gửi cho ông Chaigneau, tức Thắng, quốc
tính Nguyễn, quan nhị phẩm triều đình, một trong những người được hưởng đặc quyền
vào nội cung và diện kiến thiên nhan, chỉ huy của hai chiếc tàu, Thoại và Phụng.
Ông Chaigneau đã đệ lên một tờ biểu nói rằng đã rời nước Pháp từ năm
1791 đến nay, từng phục vụ tại nhiều hải cảng dọc theo bờ biển, không thể kể xiết,
cuối cùng đã đến Gia Ðịnh nơi chúng ta đang ở và tình nguyện phục vụ và trẫm đã
chấp thuận.
Kể từ đó đến nay, trong tất cả mọi chiến dịch, dù trên biển hay trên đất
liền, ông ta luôn luôn phò tá trẫm hết sức trung thành, đối diện với biết bao
gian nguy không hề lay chuyển.
Nay, nhờ hoàng thiên độ trì chúng ta đã chiến thắng mọi kẻ thù và an
hưởng hoà bình trên toàn cõi, trẫm cũng muốn ban thưởng những đặc ân cao quí nhất
cho ông Chaigneau. Thế nhưng nghĩ đến 26 năm qua ông ta phải rời khỏi quê cha đất
tổ, xa cách mọi người thân thích và tha thiết được trở về thăm lại đất nước, bằng
hữu một lần, cầu xin trẫm cho phép ông ta cùng vợ con được đáp một chiếc tàu
buôn sắp sửa giương buồm về Pháp, trẫm đã bằng lòng đáp ứng lời thỉnh cầu vì điều
đó thuận tự nhiên và đáng khuyến khích. Vì thế nên nay ông được phép vắng mặt
khỏi vương quốc của ta trong thời hạn ba năm, nghĩa là từ 1819 đến 1821. Ông ta
cũng được phép mang trở lại nước ta 3000 món hàng được hoàn toàn miễn thuế như
một đặc ân của trẫm.
Trên hết những ân điển nêu trên, trẫm khẳng định là ban cho ông tất cả
những lương bổng của năm tới để chứng tỏ là trẫm đánh giá ông cao như thế nào,
hậu thưởng biết bao đối với những người lạ đến từ những nơi xa xăm để phục vụ
cho trẫm. Làm như thế họ cũng hiểu được rằng dù sống ở nơi nào trong thiên hạ họ
cũng vẫn không quên được chúng ta luôn luôn là một vương quốc tốt lành như những
thời kỳ trước đây và tấm lòng yêu thương và thân ái của trẫm đền đáp lại.”
Chúng
tôi đã quyết định ngày 13 tháng 11 sẽ rời khỏi vịnh Tourane và khi ông
Chaigneau cùng gia đình lên tàu ổn thoả rồi, chiếc Henry liền nhổ neo và tách bến.
Tất cả thuỷ thủ đoàn, mặc dầu trời nóng và có mưa nhưng ai nấy đều mạnh khoẻ.
Tuy nhiên cũng nên hiểu rằng không phải khí hậu ở đây không tốt lành nhưng các
cấp chỉ huy vì muốn mọi người ở trong điều kiện tốt nên phải phải nhọc nhằn một
chút. Những ai dù chỉ hơi ốm đau cũng không thể bỏ qua mà phải được chữa trị
như đang bệnh nặng.
Cuộc
hành trình tiếp tục và chúng tôi lại qua eo biển Sunda ngày mồng 3 tháng 12 thì
qua Gaspar. Chúng tôi quan sát vùng hiểm nguy nơi phía bắc của hòn đảo mà con
tàu Mỹ Magdalen đã từng tìm ra. Sau con tàu đó dường như không một thương thuyền
nào nhận ra mặc dù điểm đó nằm ngay trên hải trình của những ai từ bắc đi xuống
và một số tàu Anh đã cố tình tìm kiếm nhưng không thành công.
May
mắn rơi ngay vào vùng nguy hiểm mà không xảy ra tai nạn, chúng tôi biết chắc là
vùng đó có thật và cũng xác định được toạ độ của nó. Ðiểm đó bao gồm hai dãy
san hô bên dưới mặt biển từ 9 đến 12 feet bao trùm một khoảng rộng 170 toises
(182 fathoms) từ đông bắc xuống tây nam, và 30 toises (32 fathoms) từ tây bắc
xuống đông nam. Rất gần với bãi san hô này độ sâu đo được là 17, 20 và 25
brasses (15, 18 và 22 fathoms). Khi tàu ở ngay trên điểm này thì đỉnh Gaspar nằm
cách 8 hải lý và 1/3 ở toạ độ 8o bắc theo la bàn.
Vĩ
tuyến đúng của bãi san hô là 1o58’ nam và kinh độ là 104o4’30”
đông tính từ Paris (tức 106o24’30” đông theo độ Greenwich). Chúng
tôi vẽ vào hải đồ dưới cái tên đảo Bourbon và tiếp tục đi tới vào ngày mồng 8
tháng giêng năm 1820, đến ngày 14 tháng tư thì chúng tôi vào sông Bordeaux.
[1] Sunda Isles (hay Soenda) là tên chung của cả quần đảo Indonesia
bao gồm Ðại Sunda (Java, Sumatra, Borneo, Celebes ...) và Tiểu Sunda (Bali,
Alor, Timor ...)
[2] Cape Verde Islands (tiếng Bồ Ðào Nha là Ilhas do Cabo Verde) là
một quần đảo thuộc Bồ Ðào Nha từ 1495, nằm ở Ðại Tây Dương.
[3] Trong bài này khi nói đến viên y sĩ trên tàu Henry, tác giả dùng
chữ surgeon (bác sĩ giải phẫu). Vào thời trung cổ, các y sĩ trên tàu chủ yếu là
để thực hiện việc cắt các bộ phận bị thương trong chiến đấu vì người ta chưa có
các loại thuốc trụ sinh hay những phương thức sát trùng hữu hiệu. Ðể giảm đau,
nạn nhân thường được cho uống rượu rum hay brandy, ngậm trong miệng một cuộn da
(gag) để cắn. Chính vì thế thay vì gọi là y sĩ, bác sĩ, họ gọi là bác sĩ giải
phẫu.
[4] Ðơn vị đo chiều sâu của nước biển, bằng 1.82 mét
[5] Pulo hay Pulau, Poelau là tiếng Mã Lai có nghĩa là hòn đảo
(island). Pulo Condor là đảo Côn Sơn của ta ngày nay.
[6] Nguyên văn Cochin-China tức miền Nam Việt Nam hay còn gọi là
Ðàng Trong theo tên gọi thời đó. Trong bài này Cochin-China được dùng để gọi
toàn thể nước ta không còn chỉ nói về miền nam như trước.
[7] Bản đồ ngày xưa ghi là Kê Chuỷ (mỏ con gà)
[8] Nguyên văn military commandant. Tuy nhiên có lẽ đây là phân
tào, người trông coi một bộ phận vận tải của triều đình
[9] Nguyên văn mandarin of justice. Có lẽ là thủ hợp, tên gọi
chung những viên quan có trách nhiệm đầu đời Gia Long.
[10] Nguồn: Riemsdijk, J.T. van và
Kenneth Brown. The Pictorial History of Steam Power. Hongkong: Octopus
Books Limited, 1980.
[11] nguyên văn Kigue. Huế trong lịch sử còn được ghi lại dưới nhiều
tên khác nhau như Kẻ Héo, Kẻ Hoá, Kẻ Huê ... Bùi Minh Ðức, Từ Ðiển Tiếng Huế,
Tâm An, 2001 tr. 229-30
[12] nguyên văn dùng là 2 toises. Toise là đơn vị
đo lường cũ, 1 toise khoảng gần 2 mét.
[13] nguyên văn cavalier, ụ đất đắp cao để
đặt súng phòng ngự
[14] Theo sử nước ta, vua Gia Long bắt đầu xây dựng kinh thành
Huế từ năm 1804, bên cạnh làng Phú Xuân có tháp canh, hào luỹ và pháo đài phòng
thủ. Mỗi buổi sáng lúc 5 giờ và buổi tối lúc 9 giờ thì có bắn súng thần công
báo hiệu giờ mở cổng và đóng cổng thành. Vua Gia Long cũng cho khơi lại giòng
sông Hương, thay đổi để làm thành một chiến hào thiên nhiên bao quanh thành Huế
năm 1805. Thành Huế cũng được tu bổ thêm dưới thời vua Minh Mạng. His Majesty Emperor Bao Dai và Philippe Lafond: Hue,
The Forbidden City, Paris 1995.
[15] nguyên văn Tunkin
[16] những chi tiết hoàn toàn sai lạc đủ biết người ngoại quốc hiểu
biết không mấy chính xác về lịch sử Việt Nam
[17] nguyên văn Gn-yac
[18] nguyên văn free-booters
[19] nguyên văn Dung-Nay
[20] nguyên văn Cambogia
[21] tác giả muốn nói tới những vị vua cuối cùng của nước Pháp trước
cuộc cách mạng 1789
[22] tức Louis XVI theo cách viết của Pháp
[23] nguyên văn Cuang
[24] có lẽ là chữ Lớn (quan lớn) nhưng tác giả ghi âm không chính xác
và hiểu không đúng nghĩa
[25] đô sát viện
[26] tức Bá Ða Lộc
[27] nguyên văn Kigue (xem cước chú 10)
[28] tức vua Cảnh Thịnh. Ðây có lẽ là nói về Lê Chất. Lê Chất người
Bình Ðịnh trước theo Tây Sơn, sau về hàng Nguyễn Ánh. Năm 1801, Lê Chất được lệnh
đi truy kích Nguyễn Quang Toản nhưng cố tình để cho ông này chạy được. Sau Lê
Chất được phong làm Tổng Trấn Bắc Thành.
[29] ám chỉ Trung Hoa
[30] Koua-Han
[31] theo sử nước ta thì sư phó dạy hoàng tử Ðảm (tức vua Minh Mạng
sau này) là Ðặng Ðức Siêu, một danh sĩ gốc theo đạo Thiên Chúa nên có lẽ thiên
văn, khoa học, chữ Quốc Ngữ ... hoàng tử học được từ ông thầy này.
[32] muôn, muôn tuổi vua Phá Lang Sa, vua An Nam
[33] nguyên văn the grey mare is the better
horse là một câu của người Anh có nghĩa tương tự như trong nhà đàn bà nắm
quyền
[34] Đây là
các loại thuyền buồm dùng để chở hàng từ Trung Hoa đi sang các nước và ngược
lại, người Âu châu gọi là junk, tức tào thuyền vì làm theo hình chiếc máng.
[35] Ông Le Poivre đến Cochin-China 50 năm trước
có kể rằng một khách đi đường, nếu không có tiền để vào nghỉ trọ trong quán thì
chỉ cần vào ngôi nhà đầu tiên của một thành phố hay một làng người đó gặp; chẳng
ai hỏi han y làm gì, cũng chẳng cần nói năng với ai, chỉ ngồi chờ đến bữa ăn.
Ngay khi cơm dọn ra người đó lặng lẽ tới, ngồi vào bàn với gia đình, ăn, uống
xong ra đi không cần nói một lời nào, cũng không ai hỏi y một câu. Chỉ cần đó
là một người, cũng như một anh em bị cơ nhỡ là họ giúp không cần phải biết gì
thêm.
[36] Nói về các vua đời Tây Sơn.
[37] Ðây có lẽ là núi Bân (Bân Sơn), nơi vua
Quang Trung đăng quang khi lên ngôi hoàng đế.
[38] Nguyên văn là pagoda nhưng thực ra là thái
miếu của nhà Tây Sơn.
[39] Một loại cây to giống như cây thông
[40] dã nhân
[41] pseudalabastrites
[42] hummingbird
[43] ornothologist
[44] Phuyenne
[45] Theo sử nước ta, khoa Kỷ Mão (1819), trường Trực Lệ lấy đỗ 17 cử
nhân trong tổng số 112 người tại 6 trường trên toàn quốc.
[46] nguyên tác appear in garlands (mang vòng hoa?) xem ra
không thích hợp với phong tục Việt Nam
[47] Theo Đại Nam Thực Lục (DNTL), đệ Nhất kỷ quyển LVIII [bản dịch
Viện Sử Học] (Hà Nội: Giáo Dục, 2002) chép rằng:
“ ... định lại ngạch thuế
thuyền buôn Mã Cao và Tây Dương. Trước kia thuyền buôn các nước đều theo như
thuế thuyền buôn Quảng Ðông, Hữu ty không chia thuyền lớn nhỏ, đánh thuế một loạt;
đến nay đổi lại theo thuyền mà đánh thuế khác nhau. (Phàm buôn ở Thuận An, Ðà Nẵng,
thuyền nào chiều ngang từ 25 thước đến 14 thước, mỗi thước đánh thuế 96 quan,
ngang từ 13 đến 7 thước, mỗi thước đánh thuế 60 quan; phàm buôn ở Gia Ðịnh,
thuyền nào chiều ngang từ 25 đến 14 thước, mỗi thước đánh thuế 160 quan, ngang
từ 13 thước đến 7 thước, mỗi thước đánh thuế 100 quan; lẻ từ 1 tấc trở lên thì
tính chiết ra mà đánh thuế; từ phân ly trở xuống đều miễn). (tr. 977)
[48] DNTL, đệ Nhất kỷ, quyển LX (2002) chép:
Chưởng cơ quản tàu Thuỵ phượng
(thực ra là hai tàu Thuỵ và Phượng) là Nguyễn Văn Thắng xin nghỉ về Tây. Thưởng
cho bổng hai năm mà về (tr. 994)