Nhã Lan (NL): Chương trình Tản mạn Văn học Hồn Việt TV kỳ này hân hạnh được tiếp chuyện với nhà văn / nhà thơ Trịnh Y Thư, người vừa cho xuất bản ba tác phẩm của ông: cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ”, tập truyện “Người đàn bà khác” và tuyển tập thơ văn “Văn chương Nghệ thuật & Những điều khác”.
Nhã Lan xin có vài lời sơ lược về nhà văn
Trịnh Y Thư. Trịnh Y Thư, tên thật Trịnh Ngọc Minh, sinh ngày 11 tháng 2 năm
1952 tại Hà Nội. Theo gia đình di cư vào Nam năm 1954. Lớn lên ở Sài Gòn. Năm
1970 sang Mỹ du học, và sau khi tốt nghiệp, làm việc trong ngành điện tử viễn
thông cho đến khi về hưu năm 2018. Viết văn, làm thơ, dịch. Nguyên chủ bút tạp
chí Văn Học (California). Từ năm 2021
đảm nhiệm chức vụ Chủ bút Việt Báo Daily
News, đồng thời chăm sóc cơ sở xuất bản Văn
Học Press. Ngoài các sinh hoạt văn chương, Trịnh Y Thư còn là một cầm thủ
ghi-ta cổ điển, và sáng tác nhạc gồm những tấu khúc cho piano, ghi-ta, và một
ít ca khúc lời Việt. Cho đến nay Trịnh Y Thư đã xuất bản 10 đầu sách gồm tiểu
thuyết, truyện ngắn, thơ, tạp văn, tạp luận và dịch thuật.
Trước hết Nhã Lan xin trao đổi với nhà văn
Trịnh Y Thư về cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ”, vì hình như đây là tác phẩm
ông ưng ý nhất trong số những tác phẩm ông xuất bản thời gian gần đây.
Xin ông cho biết ý nghĩa của từ “Thủy phủ”
trong cuốn tiểu thuyết này. Nó là một biểu tượng văn học hay một ẩn dụ nào?
Trịnh Y Thư (TYT): Xin thân chào chị Nhã Lan, kính chào khán thính giả Hồn Việt TV. Trước khi trả lời câu hỏi của chị về ý nghĩa của từ “Thủy phủ” sử dụng trong nhan đề cuốn tiểu thuyết, tôi xin nói về chủ ý của tôi khi viết cuốn sách này. Như tôi có thưa trong phần “Lời ngỏ”, cuốn tiểu thuyết của tôi tuy lấy bối cảnh 30 năm chiến tranh Việt Nam nhưng tôi không có chủ ý viết về chiến tranh hay lịch sử, mà viết về sự thất lạc của con người trong cuộc sống hiện đại, thất lạc vì chiến tranh và thất lạc vì chính con người mình. Bây giờ xin nói qua về từ “Thủy phủ” mà chị nhắc đến.
Tín
ngưỡng dân gian Việt Nam, còn gọi là Đạo Mẫu, thờ bốn Mẫu, tượng trưng cho bốn thuộc
tính cơ bản của thiên nhiên: Thiên/ trời; Địa/ đất; Thủy (hay Thoải)/ nước; và
Nhạc/ rừng. Khi sử dụng ẩn dụ “Thủy phủ”, chủ ý của tôi là muốn vay mượn khái
niệm tín ngưỡng này làm một biểu tượng. Biểu tượng của sự trở về cái bản thể
uyên nguyên của con người như một sinh vật sống theo lẽ thuận hòa của trời đất,
trong đó sự tử tế là một tố chất không thể thiếu, để tìm lại sự sống sau những
đổ vỡ, tan tác, chia lìa. Con người chúng ta đã phân hóa quá nhiều, chiến tranh
triền miên không dứt, và chỉ khi nào ta nhận chân ra sự thật là ý thức hệ của
ta đã như cái vòng kim cô bó chặt trí óc ta, thì lúc đó ta mới có thể tìm về Sự
Thật, tìm về cội nguồn.
“Thủy phủ”, theo truyền thuyết huyền sử Việt,
cũng là kinh đô nơi Lạc Long Quân ngự trị. Theo Việt thoại thì “Kinh Dương
Vương xuống Thủy phủ, cưới con gái vua Động Đình là Long Nữ, sinh ra Sùng Lãm tức
là Lạc Long Quân…” Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ sinh ra trăm con, khởi nguyên
cho dòng giống Việt. Và, nếu hiểu như thế thì “Đường về thủy phủ” chính là đường
về cội nguồn dân tộc.
NL:
Nhân ông nói đến “ý thức hệ”, Nhã Lan nhớ là trong cuốn tiểu thuyết có đoạn như
sau, chính xác hơn, nó là câu nói của nhân vật Luke khi trả lời một câu hỏi của
nhân vật xưng “tôi” trong truyện: “Không ai có thể cho các anh một phương kế
giúp các anh xây dựng đất nước. Các anh phải tự mình tìm ra thôi. Chỉ cần các
anh thực lòng nghĩ đến đất nước, đặt quyền lợi tổ quốc lên trên hết. Và nhất là
không để bất cứ một ý thức hệ nào chi phối chỉ đạo cho hành động. Ý thức hệ sẽ
biến các anh thành cuồng tín, và kẻ cuồng tín không ngần ngại giết hàng triệu
người để thực hiện hoài bão của mình, một hoài bão to lớn dị thường bởi hắn
luôn nghĩ mình là người khổng lồ.” Theo ông thì cái ý thức hệ đó tai hại như thế
nào mà đã khiến ông hạ bút viết một câu như thế?
TYT: Trong suốt chiều dài lịch sử loài người, từ Âu sang Á,
chúng ta chứng kiến không ít những thảm cảnh trong đó con người vô cùng tàn ác,
nhẫn tâm với đồng loại. Nhân tính ở đâu? Làm sao người ta biện minh, thực chứng
được hành vi gây khổ ải cho kẻ khác? Câu hỏi này đã được chính ông nhà văn Nga
Aleksandr Solzhenitsyn hỏi, và câu trả lời của ông chỉ giản dị là: Nó chính là
cái ý thức hệ. Theo Solzhenitsyn, nguyên ủy của tội ác là ý thức hệ. Ý thức hệ
cung cấp kẻ ác sự bền bỉ và quyết tâm, bằng mọi giá, phải tiêu diệt tất cả những
kẻ cản trở bước đường của mình. Nó được bao bọc bởi lớp hào quang giả tạo rồi
trang trọng đưa lên bàn thờ. Từ đó kẻ gây tội ác cứ việc an tâm gây tội ác mà
lương tâm chẳng hề bị cắn rứt, bởi hắn chỉ cần vái lạy, nhân danh cái ý thức hệ
đó thì bất cứ việc gì, dù tàn độc cách mấy, hắn vẫn có thể thản nhiên làm được.
Ý thức hệ đứng đằng sau phương châm “cứu cánh biện minh cho phương tiện”. Đó là
lý do vì sao cả trăm nghìn dân bản xứ da đen, da vàng bị thực dân da trắng giết
vứt xác xuống sông (nhân danh ý thức hệ văn hóa khai phóng); vì sao sáu triệu
người Do Thái bị Đức Quốc xã giết thảm trong Lò Thiêu (nhân danh ý thức hệ chủng
tộc thượng đẳng), vì sao cả chục triệu người chết lần mòn trong các trại tù khổ
sai Gulag ở Siberia và các nơi khác, trong đó có Việt Nam (nhân danh ý thức hệ
Cộng sản), v.v.
Ở bình diện này, con người không va chạm với
con người khác mà với những thế lực điên khùng, những thế lực vô hình nhưng vô
cùng mạnh mẽ. Con người cảm thấy như tê cứng, bất lực trước những thế lực đó.
Chúng chế ngự, kiểm soát, chiết tỏa mọi hành vi và tư tưởng của hắn.
NL:
Và, phải chăng do suy nghĩ như thế nên ông đã miêu tả những phân cảnh giết người
rùng rợn trong cuốn sách của ông? Thí dụ như cảnh tàn sát cả một buôn bản người
H’Mông trong phần I “Ký ức của loài bò sát” hay cảnh người đàn bà đi tìm xác chồng
trong phần II “Dưới những gốc nho biển”?
TYT:
Thưa chị, vâng. Tôi chỉ tiếc là tài năng của tôi không đủ sức để viết thêm những
tội ác con người gây nên cho con người. Tuy vậy, những điều ta thường thấy miêu
thuật trong sách vở xem ra còn thua xa chuyện thực tế xảy ra ngoài đời. Về điểm
này, đôi khi hiện thực đời sống khốc liệt và bi thảm hơn nhiều so với hiện thực
văn chương.
NL:
Nếu như vậy, cuộc hành trình về “Thủy phủ” của ông chính là con đường giải
thoát cho chúng ta?
TYT:
Thưa không. Khi nói đến hành trình trở về “Thủy phủ”, tôi chỉ muốn nêu ra một khả
thể, một khả thể vô cùng yếu ớt, vì nó chỉ có khả năng xoa dịu bớt những đớn
đau, khổ ải của kiếp người. Trong lúc viết cuốn sách, tôi hay nghĩ đến Triết học
Hiện sinh Phi lý của nhà văn Pháp Albert Camus. Như tôi đề cập trong sách,
Camus tin rằng đứng trước sự phi lý, con người có hai lựa chọn chính: khuất phục
trước sự tuyệt vọng hoặc nổi dậy chống lại sự phi lý của cuộc sống. Ông xem nổi
loạn là hành động thách thức sự vô nghĩa cố hữu và là phương cách để khẳng định
sự tồn tại của chúng ta. Sự nổi loạn này không nhất thiết dẫn đến hành động
cách mạng, mà đúng hơn, nó liên quan đến việc một cá nhân từ chối chấp nhận một
số phận vô nghĩa. Trong khi thừa nhận sự vắng mặt của ý nghĩa nội tại trong vũ
trụ, Camus cũng tôn vinh giá trị và phẩm giá của cuộc sống con người. Ông nhấn
mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết, lòng trắc ẩn và sự đồng cảm. Ông nhiệt
tình ủng hộ ý tưởng tạo ra một thế giới công bằng và nhân đạo hơn thông qua những
nỗ lực tập thể. Tóm lại, triết học của Albert Camus xoay quanh tính phi lý của
sự tồn tại (mà chiến tranh là một phi lý ghê rợn nhất), đồng thời nó bác bỏ ý
nghĩa tuyệt đối, và kêu gọi đón nhận cuộc sống bất chấp những thách thức. Đấy
chính là “Đường về thủy phủ” trong nhãn quan của tôi.
NL:
Trong phần III của “Đường về thủy phủ”, nhân vật nữ có lúc là ảo nhưng có lúc
là thực. Ông có thể nói qua về chủ đích của ông khi cho nhân vật của mình xuất
hiện như thế trong truyện.
TYT:
Thực và ảo trong hiện thực văn chương là một. Các nhà văn trong thời Hiện đại
thường không phân biệt hiện thực “thực” và hiện thực “ảo”. Gabriel Gárcia Márquez
là một nhà văn như thế. Và phong cách văn học này của Márquez chịu ảnh hưởng của
Franz Kafka. Các nhà văn khác như Milan Kundera, Kurt Vonnegut đều viết như thế
cả. Lợi điểm khi ta cho nhân vật lúc thực lúc ảo là ta có thể nói được nhiều điều
hơn. Dòng ý thức khi nhân vật là ảo được làm sáng tỏ hơn và có những điều không
thể nói được nếu nhân vật giữ vai trò thực suốt truyện. Tâm trạng một nhân vật
như thế có thể gọi là trạng thái tâm thần phân liệt, và đó chính là thủ pháp
văn chương rất lợi hại. Tôi học được điều này từ Kafka, lẽ tất nhiên.
NL:
Khi viết cuốn tiểu thuyết, ông có chủ đích đưa ra một luận đề hay một thông điệp
nào không?
TYT:
Mặc dù bối cảnh cuốn tiểu thuyết là lịch sử, một lịch sử khốc liệt trong thời cận
và hiện đại của dân tộc, nhưng tôi hoàn toàn không có chủ đích đưa ra bất kỳ một
luận đề hay thông điệp gì, nếu hiểu luận đề hay thông điệp hàm chứa một bội âm
chính trị hay xã hội. Lịch sử ở đây chỉ là những gam màu rất mờ nhạt làm phông
cho câu chuyện tôi muốn kể. Thế nhưng, các nhân vật trong truyện đều là nạn
nhân của lịch sử; dưới bánh xe khắc nghiệt của lịch sử, họ mắc kẹt, không lối
thoát. Họ đâu muốn thế nhưng họ không có chọn lựa nào khác, và lịch sử thì mù
lòa và tàn khốc. Nó chính là tính phi lý trong Triết học của Camus, và cách thế
duy nhất cho sự tồn tại của họ là đón nhận cuộc sống bất chấp những thách thức
của nó.
NL:
Cuốn tiểu thuyết này của ông, về mặt cấu trúc và bút pháp, hình như muốn phá vỡ
tính truyền thống thường thấy trong văn chương Việt Nam. Ông có thể nói gì thêm
về điều đó?
TYT:
Điều tôi tin tưởng là trong văn chương hay nghệ thuật nói chung, hình thức và nội
dung luôn đi song đôi với nhau. Hình thức bổ sung cho nội dung và nội dung phản
ánh nơi hình thức. Hình thức cuốn tiểu thuyết này là phi tuyến tính, nó không
tuân thủ một trình tự biên niên như thường thấy trong các tiểu thuyết truyền thống.
Thay vì di chuyển theo đường thẳng
từ đầu đến cuối, một tự
sự phi tuyến tính có thể nhảy qua nhảy lại các
mốc điểm thời gian, thay đổi góc nhìn hoặc trình
bày các sự kiện không theo thứ tự. Cách tiếp cận này cho phép kể một câu chuyện phức tạp và đa tầng hơn, vì
tác giả có
thể khám phá ký ức, nhận thức
và
trải nghiệm chủ quan tại những mốc điểm thời gian
khác nhau. Các nhân vật trong truyện có
thể kể các phần của câu chuyện, thường không đồng bộ với nhau, và
tiết lộ cùng một sự kiện từ các góc độ khác nhau.
Về bút pháp thì tôi đã sử dụng kỹ thuật
“dòng ý thức” và “siêu hư cấu”, vốn rất phổ biến trong các tác phẩm của James
Joyce, Virginia Woolf, William Faulkner, Gabriel García Márquez,
Milan Kundera và Kurt Vonnegut… Đây là những nhà văn bậc thầy của văn học
thế giới thời Hiện đại mà tôi đã học hỏi rất nhiều từ họ.
NL: Bây giờ chúng ta có thể quay sang cuốn “Người
đàn bà khác”. Xin ông cho biết, ông đã viết và xuất bản cuốn sách này trong trường
hợp nào?
TYT:
Cuốn sách này là một tập hợp những truyện ngắn tôi viết từ thuở còn trẻ và lấn
qua thời trung niên, tức là những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, lúc sinh
hoạt văn chương Việt hải ngoại đang ở giai đoạn khởi sắc nhất. Sinh hoạt của
chúng tôi dạo ấy phần nhiều xoay quanh tờ Văn
Học, một tạp chí chuyên đề văn chương do nhà văn quá cố Nguyễn Mộng Giác lúc
đó phụ trách biên tập và điều hành. Tờ tạp chí phát hành đều đặn mỗi tháng một
số, và hầu như tất cả những sáng tác thơ văn của tôi lúc đó đều đăng trên tạp
chí này. Năm 2010, tôi chọn ra một số những truyện ngắn ưng ý, hợp tác với cơ sở
xuất bản Song Thúy ở Hà Nội xuất bản tập truyện, và được nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên ưu ái viết Tựa. Tập truyện chỉ phát hành giới hạn trong nước,
ít lâu sau thì tuyệt bản, và từ đó cho đến nay tôi vẫn giữ ý định tái bản cuốn
sách ở hải ngoại. Ý định đó hôm nay đã thành sự thật.
NL:
Lúc ông viết những truyện ngắn ấy, hoàn cảnh và tâm cảnh của ông là gì?
TYT:
Có lẽ là một hoàn cảnh “lưu vong” trong một tâm cảnh “hoài nghi”. Ngày nay, sau
gần nửa thế kỷ sinh sống ở ngoài nước, ít ai còn nhắc tới hai chữ “lưu vong” nữa.
Nó có vẻ lỗi thời một cách thảm thương, mặc dù, ở chừng mực nào đó, những người
viết ở hải ngoại hay ngay cả trong nước, nếu không chấp nhận sự chiết tỏa của
nhà cầm quyền áp đặt lên tác phẩm mình, đều mang một ý thức chính trị rõ rệt,
và chẳng có gì thái quá nếu ta gọi chung đó là văn học lưu vong. Tuy thế, ở vào
thời điểm tôi viết những truyện ngắn này, lưu vong là một thuộc tính tất định
và tất yếu của văn học Việt Nam hải ngoại. Không ai ngần ngại khi gọi đó là
dòng “văn học lưu vong.”
Đó
là thời kỳ khi người ta vẫn chưa tan cơn sốc của biến cố lịch sử 30/4/1975 sau một thời gian dài nội chiến. Khi bỏ xứ ra đi người ta xem như mất
hết, mất quê hương và mất cả cội nguồn. Bởi thế, nếu hiểu “lưu vong” là “tan mất”
thì thuật ngữ này biểu hiện chính xác tính cách của thời đại, một thời đại tâm
hồn không trú xứ.
Còn tâm cảnh thì sao?
Nó là một tâm cảnh hoài nghi. Hoài
nghi khi trông thấy sự tan rã của cả một tập thể con người, quê
hương hấp hối trong nghèo đói và tù đày, thảm trạng thuyền nhân khiến lương tâm
cả thế giới bị đánh động, đời sống mới nơi xứ người thảm thương, nhếch
nhác.
Và, đường về thì xa tít tắp, mù tăm.
NL:
Ông vừa đề cập đến nhóm từ “văn học lưu vong”. Theo ông thì dòng văn học Việt
Nam hải ngoại hiện nay có thể gọi là văn học lưu vong được chăng, mặc dù, như
ông nói, từ “lưu vong” ngày nay xem ra không còn thích hợp nữa? Nói cách khác, ông
định nghĩa “lưu vong” là gì? Ta phải
hiểu “lưu vong” như thế nào trong bối cảnh cuộc sống ngày hôm nay nơi quê
người?
TYT:
Ngày nay hầu như bất cứ ai định cư ở nước ngoài đều có thể trở về thăm quê
hương bản quán, thậm chí về sinh sống, làm ăn. Một số người cầm bút tôi quen biết
cũng trở về tậu nhà sắm xe sống hẳn trong nước như một kiều dân. Do đó, nếu gọi
đời sống của người Việt hải ngoại là “lưu vong” thì tôi e có người phản đối.
Tuy nhiên, ta phải hiểu đó là hình thức lưu vong địa lý. Đối với một người cầm
bút thì động thái lưu vong đó chỉ có tính cách phiến diện, ta nên hiểu lưu vong
là lưu vong trong tâm thức, một tâm thức lưu đày, một tâm thức lạ hóa không thể
nào tương hợp với thực thể xã hội, chính trị xung quanh, một tâm hồn trôi giạt,
một tâm hồn không trú xứ. Người lưu vong có thể là kẻ đang sinh sống ngay trên
quê hương mình hay tại một góc trời xa xăm nào đó. Họ gặp nhau tại một tụ điểm diaspora ảo, tụ điểm có bảng cắm hai chữ
“lưu vong.” Nói như thế, lưu vong không là một cảnh huống, mà là một thái độ, một
thái độ có chọn lựa và quyết liệt.
NL:
Và, đó là chủ đề xuyên suốt tập truyện “Người đàn bà khác” của ông?
TYT:
Chỉ một phần thôi, thưa chị. Về điểm này, tôi xin mượn lời nhà phê bình văn học
Phạm Xuân Nguyên, ông viết trong Tựa cuốn sách như sau: “… truyện của Trịnh Y
Thư không chỉ là ám ảnh và hậu quả cuộc chiến. Hình như nó còn chạm đến “condition
humaine” của nhân loại thời nay. Buồn bã, day dứt, bế tắc”.
NL:
Trong buổi Ra Mắt Sách của ông hôm 12 tháng 10 năm 2024 vừa qua tại Coffee
Factory ở Quận Cam, California, tạp chí Ngôn Ngữ có giới thiệu ấn bản đặc biệt
về Trịnh Y Thư. Ông có thể cho độc giả biết qua về số báo này?
TYT:
Đối với tôi, đây là một vinh dự rất lớn, được một tạp chí chuyên đề văn chương
uy tín trong cộng đồng hải ngoại thực hiện ấn bản đặc biệt về mình. Tôi đã chọn
những sáng tác ứng ý nhất, thơ cũng như văn, để in chung trong số báo dày gần
450 trang khổ lớn đó, với mong ước được bằng hữu và độc giả đón nhận như một
món quà văn nghệ kỷ niệm.
NL: Được biết ngoài cương vị một nhà văn, nhà
thơ, ông còn là một nhà báo và hiện đang là Chủ bút Việt Báo, một tờ báo uy tín
trong cộng đồng người Việt hải ngoại, do nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ
sáng lập, đã góp mặt phục vụ cộng đồng từ trên 30 năm nay. Theo ông thì công việc
của nhà báo có ảnh hưởng gì đến ngòi bút nhà văn, nhà thơ không? Nói cách khác,
quan hệ tương tác giữa hai vai trò đó là gì?
TYT:
Hiển nhiên, có những mâu thuẫn không tránh được giữa hai vai trò đó. Nhưng
khách quan mà nói, theo tôi, đó là một quan hệ tốt, bởi vì nhà báo cung cấp chất
liệu sống cho nhà văn, và ngược lại, nhà văn giúp nhà báo chú trọng đến chữ
nghĩa hơn. Tác phẩm của nhà văn có thể sống dài lâu, ngay cả sau khi nhà văn đó
qua đời, trong khi câu chữ nhà báo viết ra chỉ sống được một ngày là cao. Nhưng
không phải vì thế mà nhà báo có quyền tùy tiện, muốn viết sao cũng được, không
chú trọng đến nét đẹp của ngôn ngữ. Trách nhiệm của nhà báo cũng rất lớn, vì
ngoài vấn đề thông tin, họ còn có trách nhiệm hướng dẫn quần chúng, làm đẹp xã
hội, tìm đến công lý, v.v. Ở khía cạnh này, nhà văn đứng sau nhà báo. Rất hiếm
người làm tròn cả hai nhiệm vụ đó một cách xuất sắc như Gabriel Gárcia Márquez.
NL:
Ngoài văn chương và báo chí, ông còn có thú vui chơi nhạc? Cảm tưởng của ông về
âm nhạc, nói chung, là gì?
TYT:
Tôi luôn nghĩ âm nhạc là nghệ thuật sáng đẹp nhất của nhân loại. Âm nhạc là
ngôn ngữ quốc tế như chúng ta thường nghe từ nhiều người xung quanh. Nhưng nó
không chỉ vượt qua khía cạnh cảm xúc của trải nghiệm con người mà còn vượt qua
cả cái ý thức hệ vốn chia rẽ chúng ta. Khi Hong Kong được vương quốc Anh trao trả
lại cho Trung Quốc, khúc giao hưởng số 9 của Beethoven được trình tấu trong buổi
lễ. Người Anh thân thiện bắt tay người Trung Quốc trong lúc tiếng nhạc của một
người Đức vang lừng làm bè đệm những câu thơ của Schiller nói về một thế giới đại
đồng. Âm nhạc quả đã đưa chúng ta lại với nhau, ít nhất là trong một khoảnh khắc,
nó khiến chúng ta quên đi bản thân mình, quên đi niềm xác tín, thậm chí sự cuồng
tín, mà chúng ta vẫn khăng khăng bám giữ xưa nay. Và biết đâu trong khoảnh khắc
đó, chúng ta nghĩ lại, xác định lại vị thế của chúng ta trong thế giới đảo điên
này.
NL:
Những dự tính trong tương lai gần và xa của nhà văn, nhà thơ Trịnh Y Thư là gì?
Ông có thể chia sẻ được chăng?
TYT:
Tôi vốn là một “phu chữ”, một người dịch, một người đánh vật với chữ nghĩa. Nhà
văn Phạm Thị Hoài, trong một email trao đổi thân tình, gọi tôi trước hết là một
dịch giả, sau mới đến các thứ khác. Vì thế, trong tương lai gần tôi có dự tính
dịch một cuốn sách của ông nhà văn James Joyce, một nhà văn được xem là khó đọc
và khó dịch xưa nay. Còn tương lai xa thì tôi hoàn toàn không nghĩ tới. Ở tuổi
tôi bây giờ, 72 niên, tôi không có chương trình dài hạn nào, mà chỉ biết làm hết
sức mình được cái gì hay cái đó khi trái tim còn đập.
NL:
Xin cảm ơn nhà văn, nhà thơ Trịnh Y Thư đã chia sẻ tâm tình của ông với Nhã Lan
và quý khán thính giả của Hồn Việt TV. Xin chúc ông may mắn.
TYT:
Cảm ơn chị Nhã Lan. Xin kính chào quý khán thính giả của Hồn Việt TV.
Nhà văn, nhà thơ, dịch giả
Trịnh Y Thư : Trăn trở về một “ý thức hệ” | TẢN MẠN VĂN HỌC - YouTube