Wednesday, June 18, 2025

Trịnh Y Thư: Đọc tiểu thuyết THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng: Những ký ức cuồng nộ về một thời bão táp

 

Đọc tiểu thuyết THUYỀN của Nguyễn Đức Tùng: Những ký ức cuồng nộ về một thời bão táp




 1.

 

THUYỀN là cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Tác phẩm thuật lại chuyến vượt biên bằng đường biển của một nhóm người khi phong trào vượt biên trong nước lên cao, vào khoảng giữa hai thập niên 70s và 80s. Vì là tiểu thuyết nên cuốn sách thoát xác ra khỏi dạng hồi ký (mặc dù tự sự của nó bám sát sự thật và những điều có thể xem như sự thật) và nhất là nhờ được viết với bút pháp “dòng ý thức” nên nó đồng thời bật mở những suy nghiệm về lịch sử, chiến tranh, quê hương, tình yêu, sự sống, sự chết, sự tàn bạo, lòng nhân đạo, ký ức, lòng khao khát được sống, dòng chảy thời gian, cái nhẹ của nhân sinh, và nhiều thứ khác. Đó là một cuốn sách nặng ký và đáng đọc, cho bất cứ ai, dù bạn từng là thuyền nhân, chia sẻ cùng trải nghiệm với những gì viết trong sách hay không. Nó có thể thay đổi cách nhìn của bạn về cuộc sống này, vốn trắc trở, đa đoan, và tạo cho bạn một niềm tin, dù sao con người vẫn còn một chỗ trú trên mặt hành tinh này, dù chỗ trú đó chẳng có gì là vĩnh viễn.

 

Một cách khách quan, sau 50 năm nhìn lại, sở dĩ có phong trào vượt biên sau khi Sài Gòn sụp đổ và đất nước thống nhất dưới sự cai trị của cộng sản là vì: (1) Sự đàn áp chính trị của chính quyền cộng sản mới; (2) Trại cải tạo cưỡng bức dành cho cựu quân nhân, công chức và những người khác có liên hệ đến chế độ Nam Việt Nam cũ; (3) Khó khăn kinh tế do quá trình tập thể hóa và quốc hữu hóa quá nhanh chóng, và thành phần lãnh đạo thiếu hiểu biết sơ đẳng về kinh tế nói chung; (4) Phân biệt đối xử về sắc tộc, đặc biệt nhắm vào cộng đồng người Hoa trong thời kỳ căng thẳng với Trung Quốc.

 

Có lẽ còn có những lý do khác nữa nếu bạn là nhà Sử học hay Xã hội học, tuy vậy, nhìn từ khía cạnh nào ta cũng thấy nguyên do sâu thẳm nhất đã thúc đẩy những con người liều mình lao vào chỗ chết để tìm ra sinh lộ là lòng khao khát tự do và sự tuyệt vọng. Sự tuyệt vọng thường dẫn đến những hành động tuyệt vọng.

 

Trong tác phẩm của mình, nhà thơ Nguyễn Đức Tùng định nghĩa tự do như sau: “Tự do không phải là một ý tưởng. Tự do là một kinh nghiệm cá nhân, không chia sẻ.”

 

Còn ý nghĩa của tự do là gì? Anh cũng cho chúng ta câu trả lời: “Tự do không phải là số phận. Tự do là một chọn lựa cá nhân.”

 

Anh nhấn mạnh từ “chọn lựa”, bởi ở một đoạn văn khác, anh lặp lại: “Không có một lời hứa nào cả. Tự do cũng vậy, đó là một chọn lựa.

 

Sự chọn lựa đó phần nhiều là quá đắt như chúng ta thấy sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết, như trong lời thú nhận của nhân vật: “… trong những năm tháng đầu tiên,vô cùng đau xót, anh vẫn không biết cái giá mà anh phải trả cho cuộc ra đi lớn đến thế, và bây giờ tự hỏi nếu anh chọn trở lại anh có chọn nữa không, tự do có phải là giá trị có thể đánh đổi những thứ khác… hoặc “… bi kịch của chọn lựa là tôi không bao giờ biết quyết định đúng hay sai, dẫn về đâu

 

2.

 

Cấu trúc hình thức cuốn tiểu thuyết THUYỀN là một tập hợp những tiểu đoạn (có 55 tiểu đoạn cả thảy) mà mỗi tiểu đoạn là một phân cảnh, nếu ta có thể vay mượn thuật ngữ điện ảnh đó. Một hoặc hai, ba phân cảnh gom lại, có thể xem là một truyện ngắn, thí dụ như hai tiểu đoạn có tiêu đề Bài hát của cỏ lauSốt rét ác tính.

 

Nhân vật chính diện là chủ thể ngôi thứ nhất xưng “tôi”. Phong cách viết hiện đại, mang đậm dấu ấn của thủ pháp “dòng ý thức” vốn được các nhà văn tiền phong đầu thế kỷ XX như James Joyce, Virginia Woolf, William Faulkner đề xuất. Với thủ pháp văn chương này, thay vì trình bày các sự kiện theo một trình tự hợp lý, có cấu trúc phân minh rõ rệt, thì ở đây, tác giả mô phỏng cách thức hoạt động tự nhiên, thường là hỗn loạn của tâm trí con người, nhảy từ ý tưởng này sang ý tưởng khác, thường là không có sự chuyển mạch hoặc dấu câu rõ ràng. Đang miêu thuật tự sự thoắt nhảy sang độc thoại nội tâm rồi lại thoắt về tự sự. Suy nghĩ bên trong của nhân vật được thể hiện ngay khi sự việc xảy ra. Cấu trúc phi tuyến tính của mạch văn khiến thời gian có thể không di chuyển theo trình tự biên niên; suy nghĩ có thể quay lại quá khứ, không nhất thiết là ngày hôm qua, mà có thể nhiều chục năm về trước, hoặc suy nghĩ ấy nhảy về phía trước cũng nhiều chục năm. Ngữ pháp truyền thống ở đây không được tôn trọng nghiêm ngặt, câu chữ có thể bị phân mảnh hoặc kéo dài lê thê, phản ánh tính ngẫu nhiên, mông lung, bất chợt của suy nghĩ. Tính chủ quan cũng hiển lộ rõ ràng qua thủ pháp này: Ngòi bút tập trung vào ấn tượng cá nhân nhiều hơn là thực tế khách quan. Nói chung, kỹ thuật này thường được sử dụng để đào sâu hiểu biết về tâm lý, cho phép người đọc trải nghiệm tâm trí và tâm lý của nhân vật từ bên trong.

 

Nguyễn Đức Tùng đã viết cuốn tiểu thuyết THUYỀN như thế. Thêm nữa, vốn là nhà thơ, nên văn xuôi của anh thấm đẫm phong cách thi ca, có thể xem nó là một bài trường ca cũng được, thậm chí, kỹ thuật thi ca được anh sử dụng khá sâu rộng khiến người đọc đôi khi phải đọc chậm hoặc ngừng đọc để suy ngẫm, liên tưởng.

 

Mặc dù chủ đích của cuốn tiểu thuyết là cố gắng miêu thuật một sự kiện lịch sử, nhưng vì hiện thực đời sống tàn bạo, khiếp hãi hơn hiện thực văn chương do tính cách bi thảm tột cùng của nó, cho nên bàng bạc bên dưới lớp vỏ thô nhám ấy là tính Kafkaesque của một bi kịch về thân phận con người. Nhân vật bị mắc kẹt trong thế giới vô tận, phi lý, vô nhân đạo và không thể giải trình. Sự bất lực của nhân vật khiến hắn như tê cứng. Khí hậu truyện, qua giọng văn và hơi văn đặc trưng của thủ pháp “dòng ý thức” pha trộn chút thách thức, là siêu thực hoặc ác mộng, các sự kiện thường như trong mơ, mất phương hướng, phi logic và không thể thoát khỏi. Tất cả gây nên cảm giác rằng các cá nhân đó sẽ bị diệt vong bất kể họ làm gì, mọi cố gắng xoay xở để thoát hiểm của họ đều là vô ích.


3.

 

Câu văn “Nếu có một hình ảnh nào về địa ngục thì đây là địa ngục” (tiểu đoạn 16) trong cuốn tiểu thuyết nói lên hết cái kinh hoàng, bi thảm của cuộc vượt biên. Dĩ nhiên, mỗi người trong cuộc là một trải nghiệm khác nhau, nhưng hình như tất cả thảm họa tập trung vào chuyến đi này: bão tố, hải tặc, đói khát, chết chóc, và còn gì nữa? Kinh hoàng nhất có lẽ là hải tặc. Nếu địa ngục có thật thì chắc Hades cũng phải lắc đầu ngán ngẩm chịu thua những hành vi man rợ của một nhóm người đối với những kẻ đồng loại của mình. (Tôi nghĩ từ “man rợ” không đủ để lột tả những hành vi ấy của bọn hải tặc).

 

Nguyễn Đức Tùng đã cực tả, với chi tiết tỉ mỉ, những nỗi thống khổ, ngoài mức tưởng tượng, của đám người khốn khổ trên thuyền, những đoạn văn mà khi đọc, dù đã biết trước sẽ là gì, ta vẫn thấy khiếp hãi như nó đang xảy ra quanh ta trong thời khắc hiện tại. Hay nó là nỗi ám ảnh? Nỗi ám ảnh tập thể như trong khái niệm vô thức tập thể của khoa Tâm lý học?

 

Nhưng cái chết thì không thể là nỗi ám ảnh mơ hồ nào được. Từ cái chết của người đàn ông chạy trốn họng súng của công an biên phòng bị bắn ngã từ chiếc cầu khỉ rơi xuống dòng nước (tiểu đoạn 3) cho đến cái chết của đứa bé bốn tuổi được thủy táng (tiểu đoạn 17), cái chết treo cổ tự tử của người đàn ông ở cùng phòng trong trại tị nạn (tiểu đoạn 33) và nhất là cái chết của Liên Hương, người yêu của nhân vật chính diện, tất cả đã là vết chấn thương suốt đời không bao giờ lành của hắn. Những cái chết oan khiên, oan ức, oan uổng, oan khốc hằn sâu trong tâm hồn hắn, bắt hắn phải chịu đựng suốt năm tháng còn lại của đời mình. “Trước cái chết, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa. Cái còn lại duy nhất là người khác.” Tác giả đã buông một câu như thế. Sự khiếp hãi của cuộc vượt thoát có thể nhạt dần theo thời gian, nhưng vết thương trong lòng thì chẳng bao giờ lành lặn, nó sẽ ở lại trong tâm trí, tâm tư người sống cho đến ngày hắn nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi.

 

“Nhng người chết vì đói khát. Những người đàn ông đứng lên kháng cự, bị bắn, ngã xuống. Những người không thể chịu nhục nhã, tuyệt vọng tìm cách bảo vệ người thân, bảo vệ đồng bào. Những người bị đánh bằng mái chèo vào thái dương, bị đâm nhiều nhát bằng dao quắm vào bụng, những người bị bắn vào ngực. Những người chết ngay tại chỗ. Những người chết sau nhiều ngày thoi thóp. Những người tàn tật suốt đời. Những người mà xác họ trôi tấp vào bờ biển, vật vờ, tóc đầy cát, miệng đầy cát. Tôi nhìn thấy sự đau khổ của con người, sự tuyệt vọng của đồng bào tôi, tôi đã nghe thấy tiếng khóc.”  (Tiểu đoạn 46).

 

Liên Hương là tên cô gái xinh đẹp theo hắn vượt biên. Cô bị bọn hải tặc bắt dẫn đi cùng một nhóm đông phụ nữ khác trên thuyền, và trong lúc bước lên chiếc cầu ván bắc ngang thuyền mình với thuyền hải tặc, cô đã gieo mình xuống làn nước xanh thẳm. Nguyễn Đức Tùng không bi kịch hóa đoạn văn tự sự này, anh trầm tĩnh thuật nó với sự nhẫn nại tự chế, như nén xuống những cảm xúc đớn đau tột cùng, nhưng chính nhờ thế cảm xúc theo câu chữ nở lớn dần trong lòng người đọc. (Mặc dù có nhiều tình tiết, hành động, các diễn ngôn nặng tính triết học siêu hình, nhưng cơ bản của cuốn tiểu thuyết vẫn là tính cảm xúc).

 

“Vào lúc ấy, đổ xuống trên sàn thuyền, trước khi úp mặt xuống, tôi vẫn còn tỉnh táo, năm giây, mười giây, mười lăm giây, nhìn thấy Liên Hương một lần nữa, từ phía sau lưng. Hai tên cướp kèm hai bên đẩy nàng lên hẳn giữa cầu tàu. Tôi nhìn thấy những người phụ nữ khác, ba hay bốn người đi trước, lảo đảo bước trên tấm ván dài về phía ánh đèn pha sáng rực như bước vào miệng quái thú. Tôi nhìn thấy Liên Hương bước đi, nàng bước không run rẩy, từng bước chậm chạp, nhưng chắc chắn. Tôi nhìn thấy tà áo sơ mi bằng lụa mỏng, màu tím nhạt hoa cà, bay phấp phới. Màu ưa thích của nàng. Tôi sống hai hiện thực, một hiện thực mà tôi cảm nhận được, thân xác của tôi, cơn đau kỳ lạ ở mạn sườn bên phải, sự đau nhức của tôi, sự bất động, những người xung quanh, cụ thể, tan tác, bị khuất phục, và một hiện thực khác thuộc về một thế giới khác, thế giới của những người phụ nữ bên kia thuyền, bước về phía kẻ thù, phía sau chân trời, vừa bị bóng đen nuốt chửng. Trong khoảng tỉnh trước khi thực sự ngất đi, tôi thấy nàng ngoái nhìn một lần nữa, hay tôi tưởng tượng như thế, tôi không biết, tôi nhìn thấy con mắt nhìn tôi, thoáng qua, hay thực ra nàng không nhìn lại một lần nào nữa, tôi không thể nào biết được, tôi không thể nhớ lại, rồi cất bước đi giữa những người đàn bà khác. Dáng đi mau lẹ, bình thản.(Tiểu đoạn 15).

 

Những cái chết như cái chết của người con gái tên Liên Hương là chứng cứ cho sự phi lý của đời sống. Đời sống vốn tự thân là phi lý theo nhận định của Albert Camus, và ông băn khoăn tự hỏi: “Nếu cuộc sống không có ý nghĩa cố hữu, thì mục đích của cuộc sống là gì? Ta phải phản ứng với sự phi lý như thế nào?” Nguyễn Đức Tùng có câu trả lời, ở dạng một bài thơ ngắn lồng trong mạch văn của cuốn tiểu thuyết:

 

Bạn có biết vì sao bạn đến đây?

Chúng tôi đến đây để tìm sự sống.

Nhưng cái chết cũng chờ bạn ở đó.

Chúng tôi không có một chọn lựa nào khác.

Không đúng. Bạn đã chọn lựa.

Chúng ta đã chọn lựa sự sống.

Không. Chúng ta đã chọn lựa ý nghĩa của sự sống.

Không ai biết làm gì với cái chết.  (Tiểu đoạn 24).

 

Cho dù sự “chọn lựa ý nghĩa của sự sống” đó mệt nhọc như chàng Sisyphus miên viễn lăn tảng đá lên núi chỉ để nhìn nó lăn xuống.

 

Ở phần kết của cuốn tiểu thuyết, Nguyễn Đức Tùng đã sử dụng một ẩn dụ để nói lên cái ý nghĩa của sự sống đó. Bướm. Những con bướm monarch mùa nóng ở Canada, nhưng trước khi trời chớm lạnh, chúng thiên di vượt ba nghìn dặm xuống Mexico và ở đó cho đến khi nắng ấm thì quay ngược về lại Canada. Cuộc hành trình ba nghìn dặm trở về đất cũ phải mất nhiều thế hệ bướm mới thực hiện được, đám này chết trên đường bay, đám di duệ sinh ra rồi tiếp tục, cho đến ngày chúng trở về nơi chốn cũ.

 

“Tất cả sự mất mát nói cho cùng là sự hy sinh của kẻ đi trước lót đường, mở đường máu cho đồng loại... Những con bướm phải chết trên đường bay nghìn dặm... Những kẻ đẹp nhất đã chết. Không có mất mát nào có thể bù đắp được. Ý nghĩa của sự sống là nằm ở chỗ ấy: ở chỗ đi tìm ý nghĩa của sự chết.” (Tiểu đoạn 51).


Đời sống chỉ tồn tại khi nào nó có ý nghĩa. Tác giả kết luận như thế.


4.

 

Câu chuyện về những người Việt vượt biên bằng thuyền hay đường bộ, câu chuyện từng đánh động lương tâm nhân loại, là biểu tượng của sự kiên cường, sự khao khát muốn sống, được sống như một con người nhân bản đích thực, nhưng nó cũng là lời nhắc nhở về cái giá phải trả của con người trong chiến tranh. Nó là trang sử bi thương đẫm máu và nước mắt của dân tộc, nhưng nó hoàn toàn bị gạt ra khỏi lịch sử.

 

Chính sử của người cộng sản Việt Nam không biên chép gì về cuộc vượt thoát đầy đau thương của tập thể con người được thuật trong cuốn tiểu thuyết của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Do xây dựng ý thức hệ dựa trên giáo điều xem sự thù hận là trọng tâm nên họ đối xử những con người ấy như kẻ thù, và đã là kẻ thù thì cần phải diệt trừ như những con chuột mang mầm vi trùng dịch hạch, hoặc nếu không diệt trừ được thì ném vào bãi phế thải thật xa. Lịch sử của người cộng sản Việt Nam phải là một lịch sử toàn bích, không thể hoen ố, không có bất cứ một dấu vết tiêu cực nào để những thành tựu của họ trở nên huyền thoại cho muôn đời sau chiêm ngưỡng và vái lạy, để vài ba thế hệ nữa tên tuổi Hồ Chí Minh sẽ chói lọi hơn, được ghi lên trên những Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo… Học giả lỗi lạc Noam Chomsky từng tuyên bố rằng: “Lý do lịch sử bị bẻ cong là vì họ muốn tạo nên ảo tưởng những con người vĩ đại có thể làm được tất cả mọi chuyện. Nó dạy những con người yếu đuối rằng một người như thế sẽ xuất hiện và thay đổi cục diện.”

 

Chúng ta đều là những con người yếu đuối, những chiếc lá nhỏ nhoi trong cơn lốc lịch sử, những kẻ bị bánh xe lịch sử nghiền nát. Nhưng còn chút may mắn, đó là, chúng ta có ký ức, và ký ức giúp chúng ta dàn trải, lấp đầy những lỗ hổng của lịch sử bằng tiểu thuyết.


Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng đã làm công việc ấy với cuốn tiểu thuyết THUYỀN của anh. Anh đã thay chúng ta điền vào những chỗ trống khổng lồ cố tình bị bỏ quên của lịch sử.


Bởi tương quan giữa tiểu thuyết và lịch sử là một quan hệ cộng sinh và phức tạp. Trong khi lịch sử cung cấp nguồn tài liệu phong phú cho tiểu thuyết, thì tiểu thuyết, ngược lại, làm phong phú thêm sự hiểu biết về lịch sử bằng cách cung cấp chiều kích tự sự, sự cộng hưởng cảm xúc, và những quan điểm khác. Cả hai lĩnh vực đều tìm cách thấu hiểu thân phận con người, mặc dù thông qua các phương pháp và hình thức thể hiện khác nhau.

 

“… tôi nghĩ đến những người đã rời bỏ đất nước, những người đã chết trên biển, những người bị bắt giam, những người bị giết hại, những người bị hãm hiếp, những đứa trẻ bị bắt đi mất tích, những cô gái điếm trong những nhà thổ ở Thái Lan, ở Cambodia, tôi nghĩ đến những người đã may mắn vượt qua sóng dữ, được nhân loại cứu giúp, đặt chân đến vùng đất mới, như những đàn bướm bay đi khắp phương trời, chết và sống, truyền lại cho thế hệ sau ký ức lạ thường của mình về nơi chốn cũ, một ngõ hẻm, mái hiên, một quán nước, dòng sông. Như vậy ký ức đối với tôi không phải chỉ là sự ghi lại quá khứ, việc gìn giữ những kỷ niệm thời thơ ấu, những đau buồn của tuổi trẻ, vàng son của tự do, mà còn là tấm bản đồ dành cho tương lai, cho con đường vận động về phía trước. Ký ức trở thành động lực cho những ngày sắp tới. Không phải chỉ những mất mát. Mà những mất mát cũng làm nên vốn liếng của thế hệ mai sau.” (Tiểu đoạn 51).


Với một kết từ như thế, chúng ta phần nào hiểu ra thái độ cùng động lực nào thúc đẩy tác giả viết cuốn tiểu thuyết này. Nói cho cùng, những người chết đã chết, những vệt máu trên sàn thuyền đã khô, nhưng chúng sẽ mãi mãi nằm lại trong tim óc chúng ta như những ký ức cuồng nộ về một thời bão táp.

 

Trịnh Y Thư

(05.25.2025)

San Phi: Đọc “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư

  


Cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư là một tác phẩm ám ảnh và đầy trăn trở, khiến tôi phải đọc đi đọc lại và phải suy ngẫm nhiều lần. Vì sao? Vì mỗi khi khép sách lại, tôi luôn có cảm tưởng dường như mình đã bỏ sót một điều gì đó…

 Tác phẩm tập hợp ba câu chuyện riêng lẻ nhưng được gắn kết bởi chủ đề chung: sự thất lạc của con người trong cuộc sống, hiện đại, đặc biệt là trong chiến tranh.

 Đây là một tác phẩm siêu hư cấu phá vỡ những khuôn mẫu tiểu thuyết truyền thống, với những thử nghiệm về hình thức và kỹ thuật kể chuyện hiện đại.

 

Phần I – Ký ức của loài bò sát: Nỗi ám ảnh bi kịch chiến tranh

 Phần I, Ký ức của loài bò sát là câu chuyện đầy nhức nhối được kể lại từ một ông lão chín mươi tư tuổi, đưa chúng ta trở về đoạn thời gian thống khổ, khốc liệt đầy những thảm cảnh man rợ và nhiều hệ lụy trong bề dày lịch sử, nơi mà những số phận khiến ta phải động lòng thương cảm xót xa, do con người Việt Nam đã gây ra cho chính dân tộc mình. Phải chăng sự tàn khốc máu lạnh được tác giả ví như những loài bò sát, mở đầu cuốn tiểu thuyết? Bằng những ký ức tuổi thơ bình yên của cậu bé 13 tuổi (ông lão khi còn nhỏ) ở Hà Nội thơ mộng, với những cánh đồng lúa xanh mướt và những trò chơi hồn nhiên. Đó là khoảng thời gian sung sướng nhất đời đối với những cậu học trò tinh nghịch, khoảng thời gian bọn trẻ được vui chơi thả diều, bắn chim. Hay hình ảnh cả bọn rủ nhau leo cây bị kiến cắn khi xem trộm cô hàng xóm tắm.

 Tuy nhiên, bầu trời tự do đầy nắng kể từ khi gió lột sạch những lớp áo lá, và rồi bão dữ cuồng phong cũng ập đến. Bức tranh bình yên nhanh chóng bị thay thế bởi sự tàn khốc của chiến tranh khi quân Nhật tràn vào Đông Dương, dẫn đến nạn đói khủng khiếp ở miền Bắc.

 Cảnh tượng người dân chết la liệt khắp nơi, những người kiệt sức, đói khát, và phải chịu đựng nỗi đau mất mát người thân mà không thể cứu giúp. Đặc biệt, đoạn kể về việc một người đàn ông phải lóc thịt con mình để làm giò ăn là một trong những chi tiết rùng rợn và đau đớn nhất, thể hiện sự tàn khốc đến cùng cực của nạn đói và sự mất mát tinh thần mà con người phải chịu đựng.

 Mấy tháng qua làng tôi đói đến độ chết gần hết cả làng. Thoạt tiên là bọn trẻ con. Chúng chết nhanh lắm. Chỉ ba hôm không có cái ăn là bụng chúng ỏng ra, hai mắt như chó dại, ngồi đâu ngồi một chỗ, ruồi nhặng bám đầy mặt đầy người cũng không buồn xua đi. Chỉ một đêm là chết.” (Ký ức của loài bò sát, tiểu đoạn 3).

 Qua những trang sách tác giả mô tả: Ở mọi ngóc ngách, mọi diễn biến, mọi tình hình, người nằm chết la liệt ở khắp các con đường, hình ảnh những người kiệt sức, sống dở, chết dở vì đói khát, kiệt sức và lo sợ, còng queo xếp hàng dài nối nhau đi xin ăn…

 Còn đây giọt máu lặng thinh

Rơi mềm đá sỏi lặng nhìn thế gian”.

 Nhìn thấy người thân chết mà không cứu được, biết đến lượt mình rồi sẽ chết mà không thoát được. Muốn tìm cái sống đã phải dứt bỏ nhà cửa ra đi, mong sao được cứu sống, nhưng rồi lại chết gục giữa đường. Trang sách phơi bày rất nhiều cái chết và xác chết, rất nhiều những hình ảnh hãi hùng man rợ và khủng khiếp, mà có lẽ nhiều người muốn quên đi mới có thể sống tiếp.

 Tháng ngày còn in trên lồng ngực. Chúng ta luôn đi qua hiện tại với một màn che bưng mắt, tấm màn đó là những điều trực tiếp "tai nghe mắt thấy" hạn hẹp của mỗi cá nhân. Vì thế mà những thời khắc ta đang trải qua, có thể rất lâu sau này, trong những giấc mơ chừng như gục đầu trầm tư u uẩn. người ta sẽ còn quay trở lại mãi để khám phá những lớp sự thật dưới đống tro tàn đổ nát lịch sử.

 Với ngòi bút tinh tế, tác giả không sa vào chiến tranh, chiến tích mà đi sâu vào cảm xúc. Tác giả đã khéo lồng vào câu chuyện những nhân vật tham gia chiến trường, đã dồn toàn bộ sức lực của mình trong mọi nỗ lực cho cuộc chiến. Tình bạn của anh dân quân và tù nhân người Pháp, tình yêu của nhân vật chính xưng tôi và cô gái người H’Mông. Nhân vật trong truyện không như các tác phẩm ngôn tình trong những cuốn tiểu thuyết thông thường khác, mà họ thực tế đến từng chi tiết, như được bước ra khỏi trang sách và sống trong thế giới thực vậy.

 Mối tình đầu tiên: Khúc bi ca của núi rừng và dòng suối

 Xụ Phụn Phèn, cô nàng người H’Mông ngây thơ mười lăm tuổi trong veo như một cơn gió nhẹ, bình yên và tươi mới, nhưng đầy ẩn chứa những khát khao yêu:

 “Xụ Phụn Phèn là cô gái H’Mông mới mười lăm tuổi nhưng yêu tôi lắm. Da dẻ cô trắng hồng chứ không đen đủi như nhiều cô H’Mông khác. Khuôn mặt cô trong sáng, đôi mắt nâu, hai làn môi mỏng lúc nào cũng thắm đỏ, và khi cô trút bỏ chiếc áo thổ cẩm màu đen, nằm dài trên thảm cỏ mượt mà bên bờ suối thì trước mắt tôi hiện ra một bông hoa rừng tuyệt đẹp, chờ đợi tôi cúi xuống chiêm ngưỡng và chiếm đoạt.” (Ký ức của loài bò sát, tiểu đoạn 14).

 Một khúc ca đẹp. Thế nhưng, định mệnh nghiệt ngã giáng xuống. Đoạn thảm sát cuộc tấn công máu, diệt cả buôn làng người H’Mông. cho thấy số phận mỗi con người trở nên mong manh, ngắn ngủi và vô vọng giống như số phận của hai mẹ con Xụ Phụn Phèn. Đọc đến đây hình ảnh kinh khủng nhất hiện ra trong đầu tôi, một địa ngục trần gian chìm trong máu và nước mắt.

 Bi kịch hằn sâu khi nàng Xụ Phụn Phèn ra đi, mang theo một sinh linh bé bỏng, giọt máu của mối tình đầu tiên. Trong giấc mơ hư ảo, nàng thì thầm cùng con, một lời hứa đau đáu:

 “Đúng vậy, con ạ. Họ cùng về thủy phủ với mình, nơi không còn bom đạn hay hận thù, nơi mẹ con mình sẽ gặp bố, bố sẽ yêu thương bảo bọc mẹ con mình. Thôi con nhé, con hãy ngủ đi, khi nào mặt trời mọc là mình đến nơi.” (Ký ức của loài bò sát, tiểu đoạn 29).

 Nơi chỉ còn sự bình yên vĩnh cửu của những dòng nước trong xanh. Đó là lời ru cuối cùng, là cánh cổng mở ra một thế giới khác, hành trình “đường về thủy phủ” của mẹ con Xụ Phụn Phèn, đây có lẽ là mong muốn của tác giả, muốn lồng vào trong độc giả đoạn phim ngắn một hứa hẹn bình yên nhất khi ta được trở về với bản thể uyên nguyên. Nơi mà không còn bom đạn hay hận thù, nơi tình yêu sẽ không bao giờ bị tổn thương.


 Phần II – Dưới những gốc nho biển: Khúc bi ca lạc lõng

 Nếu Phần I khắc họa những hình ảnh và hệ lụy tàn khốc mà chiến tranh gieo rắc lên đời sống người dân Bắc Việt, thì Phần II lại mở ra một bi kịch khác: Câu chuyện về một người con gái miền Trung, số phận như một chiếc lá lìa cành, bị cuốn trôi vào Nam rồi cuối cùng lại giạt về Bắc, để rồi chọn một cái kết bi thảm giữa vòng xoáy cuộc đời.

 Hôm cô tự kết liễu đời mình, cô mặc chiếc áo lụa trắng ra chợ huyện như một thói quen. Ra chợ nhưng cô không mua thức ăn như mọi lần về nấu cho cô và gã bác sĩ bộ đội ăn tối. Đầu óc cô hoàn toàn trống rỗng như tờ giấy trắng tinh, hai chân cô như bị vô thức sai khiến, mắt cô nhìn nhưng chẳng hình ảnh nào đập vào trí óc, và các thứ âm thanh hỗn độn của một buổi họp chợ sáng nghe như những nhiễu âm không qua máy lọc.” (Dưới những gốc nho biển, tiểu đoạn 1).

 Nhà văn Trịnh Y thư có một lối viết độc đáo, nó là những biến tấu lãng mạn, một kết hợp giữa hiện thực khốc liệt và cảm xúc thăng hoa.

 Trong bức tranh nghệ thuật của Trịnh Y Thư, khi đối diện với những bi kịch cuộc đời, ngòi bút hóa thành một chứng nhân điềm tĩnh, khách quan và đôi khi lạnh lùng, như một nhà sử học ghi lại dòng chảy nghiệt ngã của thời gian. Những sự thật trần trụi được phơi bày không cần một chút cường điệu, để nỗi kinh hoàng từ câu chuyện vang vọng trong không gian tâm hồn người đọc.

 Tuy nhiên, khi chạm đến những cảnh vật, ngòi bút lại trở nên mềm mại và trữ tình đến lạ. Như dòng suối tuôn chảy, thấm đẫm từng câu chữ, biến những khung cảnh vốn vô tri thành một bức tranh sống động, vừa chân thực lại vừa nên thơ.

 Hãy lắng nghe tiếng lòng của dòng sông: “… nước sông đỏ lờ lợ chảy nhẹ.” Đó là một hiện thực không thể chối cãi, nhưng khi âm thanh ấy hóa thành tiếng “thao thiết” cất lên, nó không còn là dòng vô tri chảy mà là lời thì thầm của tâm hồn, là khúc hát da diết của bao nỗi niềm chất chứa trong lòng nhân vật. Có lẽ, hình bóng “Cô”, một biểu tượng của nỗi đau hóa thân, nhưng cũng là ánh sáng phản kháng mong manh, le lói giữa màn đêm số phận.

 Nhân vật “Cô” như một linh hồn lạc loài, bị số phận “du vào thế thụ động” với những biến cố tàn khốc đến xé lòng. Sự kiện Mậu Thân 1968 không chỉ là một trang lịch sử mà còn là vết sẹo không thể xóa nhòa trong ký ức của “Cô”. Hình ảnh toán lính xông vào nhà, cảnh người mẹ đi tìm xác chồng trong những hố chôn tập thể ở Huế, đặc biệt là chi tiết rợn người về chiếc “đầu lâu thứ mười tám”, tất cả là những mảnh vỡ của một quá khứ đầy đau thương, gieo rắc nỗi ám ảnh khôn nguôi.

 “Bà ngồi xổm, hai tay bưng cái sọ người, ngắm nghía thật kỹ hàm răng trắng nhởn. Người sống, mỗi người một khuôn mặt, không ai giống ai, nhưng khi chết rồi, không sao phân biệt được xương sọ người này với người kia, cái nào cũng y hệt như nhau. Hai hốc mắt sâu hoắm của cái sọ người chĩa thẳng thật sát vào mắt bà như thôi miên…

[…]

Xem đến cái đầu lâu thứ mười tám thì bà biết chắc đây là đầu chồng bà.” (Dưới những gốc nho biển, tiểu đoạn 10).

 Hậu quả không chỉ để lại những vết thương thể xác mà còn đục khoét tâm hồn “Cô” đến mức tê liệt. Nhà văn Trịnh Y Thư không né tránh việc chạm vào những tổn thương sâu sắc nhất, từ sự lạm dụng tàn bạo đến trạng thái “rối loạn lưỡng cực” và sự vô cảm đến ghê người. Tác phẩm không chỉ là tiếng lòng của một cá nhân mà còn là tấm gương phản chiếu hiện thực khi “sự tử tế không thấy đâu nữa” và “xã hội chìm trong bùn đen”. “Cô” và người chồng định mệnh của mình, một thiên tài Toán học, bị tù cải tạo và chết bi thảm, xác thân bị thú rừng cắn xé trở thành biểu tượng cho sự hủy hoại những giá trị cao đẹp nhất.

 Trong ngõ hẻm chật chội và những con phố đã đổi thay, một mối tình dị thường, như một bông hoa dại nở trên nền đất cằn cỗi, đã nảy nở giữa hai linh hồn lạc lõng. “Cô”, người phụ nữ mang trong mình nỗi đau chồng đã khuất trong trại cải tạo, gánh nặng con thơ và gánh nặng mưu sinh bằng những đêm dài ở quán cà phê, đôi khi là cả việc bán thân. Còn “gã” là một bác sĩ quân y Bắc quân, mang trong ánh mắt sự tĩnh lặng của cuộc chiến đã qua nhưng  những vết thương không thể chữa lành.

 Mối tình này khởi đầu như một giấc mơ, từ cách “gã” dõi theo “Cô” đầy ám ảnh, cho đến sự thật rằng “gã” chỉ muốn ngắm “Cô” trong trang phục, được dàn dựng công phu như một bức tranh hoàn hảo, không chút dục vọng.

 Phải chăng trong mắt kẻ si tình khắp nơi đều là màu hồng, kể cả những điều được cho là phi lý? Thú thật, đọc đến đây tôi rất muốn hỏi tác giả, tôi không thể tưởng tượng nổi gã ngắm gì ở cô mà ngắm một cách say đắm suốt nửa giờ nhỉ?

     “‘Anh đi tắt đèn.’

    “Không, tôi thích để đèn.” Giọng gã từ tốn, êm nhu.

    Cô đưa tay lên lần cởi khuy áo nhưng gã giơ tay cản lại. Cô nhìn gã ra vẻ thắc mắc, gã bảo cô:

    ‘Cô cứ để nguyên quần áo. Tôi chỉ ngồi đây ngắm cô thôi.’

    Cô không nói gì nữa, thấy hơi lạ về trò chơi này của gã bác sĩ bộ đội, nhưng cô từng gặp những gã làng chơi có sở thích tình dục kỳ quặc, thậm chí quái đản, nên cô chẳng lấy gì làm kinh ngạc, và cô nằm yên cho gã ngắm mình. Gã ngồi ngang đùi cô, từ vị trí đó, gã có thể ngắm mặt cô rồi đến bộ ngực vun tròn, và xuống dần hạ thể nơi cặp đùi đàn bà săn chắc hiện rõ dưới lớp vải mỏng của chiếc quần tây màu đen. Gã ngồi nhìn cô như thế cả nửa giờ đồng hồ, hai người không nói gì với nhau.” (Dưới những gốc nho biển, tiểu đoạn 3).

 Chỉ có một nỗi buồn xa vắng lạ lùng, một sự cảm thông vô hạn chảy tràn trong ánh mắt của “gã”, như dòng sông âm thầm chảy qua những miền ký ức xót xa. Nhà văn Trịnh Y Thư đã khéo léo khắc họa sự “hiểu biết và nhạy cảm” đến lạ lùng của gã, biến câu chuyện tình yêu này thành một nỗi buồn rất thật, rất thấm thía của những con người bị cuốn vào vòng xoáy lịch sử, của những giấc mơ dang dở và những vết thương không thể lành.

 Chữ nghĩa của nhà văn Trịnh Y Thư luôn khép lại bằng một kết lửng, luôn để lại nhiều trăn trở cho người đọc, để độc giả tự tìm thấy một câu trả lời thỏa mãn cho chính bản thân mình.

 

Phần III – Đường về thủy phủ: Vũ điệu siêu thực của Nàng và kẻ sáng tạo

 Trong cõi siêu thực, nơi ranh giới giữa thực và ảo mờ nhòe như sương khói, xuất hiện một mối tình cuồng si, đầy nổi loạn. “Tôi”, một nhân vật nữ tự xưng mình bước ra từ trang tiểu thuyết của “gã nhà văn” đang dạy học tại một miền đất xa xôi, mang trong mình cả sự căm thù lẫn say đắm.

 Tôi thù gã nhà văn khôn tả. Tôi thù gã đến độ tôi muốn giết chết gã. Tôi ao ước có một mũi dao nhọn sắc lẻm cho tôi ấn sâu vào ngực gã với động tác êm nhẹ, từ tốn để trái tim gã khi bị mũi dao đâm thủng vẫn không hay biết đang bị đâm mà tiếp tục hân hoan đập những nhịp đập hối hả như thể sợ ngày mai không còn được đập.” (Đường về thủy phủ, tiểu đoạn 1).

 Cô căm ghét gã vì gã đã sáng tạo và ban cho cô một thân phận, một số phận mà cô không hề chọn lựa. Nhưng cũng chính gã là người đã thổi hồn vào cô, đã cho cô một cuộc sống, và từ đó, một tình yêu mãnh liệt, cháy bỏng đã nảy sinh, như ngọn lửa bùng lên từ tro tàn.

 Câu chuyện càng trở nên phức tạp hơn khi cô, như một “sản phẩm” bứt ra khỏi khuôn khổ, “dan díu” với những cậu sinh viên khác, thể hiện sự nổi loạn của một linh hồn khát khao tự do, khát khao định đoạt số phận mình.

 Mối tình này là sự hòa quyện giữa ảo ảnh và hiện thực, giữa trí tưởng tượng của người nghệ sĩ và đời sống cuộn chảy, mang đến vô vàn tầng ý nghĩa về thân phận, về sự tồn tại, về sự giằng xé giữa người sáng tạo và tác phẩm, giữa ước mơ và thực tại phũ phàng.

 Trong một bối cảnh hiu quạnh của ghềnh đá đen trơ trọi giữa biển hoang sơ, với sóng vỗ rì rào và ánh đèn khách sạn trong sương chiều, một mối tình khác len lỏi, mang đến sự dịu dàng và trầm lắng. Nàng, một “đóa hoa tri thức”, và “gã nhà văn” xuất hiện như hai “dương bản” của một nguyên thể.

 Họ là hai tâm hồn đồng điệu nhưng đối lập: nàng day dứt trước sự phi lý của kiếp người, gã kiên cường đối mặt thử thách. Mối quan hệ này là minh chứng cho một nội tâm bất tận, nơi nỗi đau và hy vọng, bi ai và dũng khí đan xen. Cả hai đều mang trong mình những vết thương lòng, những phản ứng bất thường và sự cô độc đến tận cùng, cùng nhau vật lộn với nghịch cảnh, tìm kiếm bình yên trong nỗi đau chung. Mà không phải ai cũng cảm nhận được nỗi sợ hãi, áp lực, nỗi cô đơn cùng cực, thật sâu từ trong tâm hồn.

 “Tô phở” và hành trình trở về nguồn cội

 Cuộc đời của “gã nhà văn” được Trịnh Y Thư khắc họa như một ân hận và nỗi buồn, hằn sâu bởi bi kịch chiến tranh. Giữa những giằng xé ấy, văn chương Trịnh Y Thư mở lối, không chỉ chạm đến nỗi bất lực của phận người mà còn gieo mầm hy vọng.

 Và cùng lúc là hành trình của cô gái trở về nguồn cội. Điểm nhấn là hình ảnh “tô phở”, một biểu tượng của sự bình yên và nguồn cội. Trong một quán ăn Việt Nam hai người tình cờ ghé vào trên bước đường lang thang vô định, bỗng nhiên tiếng mẹ đẻ và hương vị tô phở nồng nàn không chỉ xoa dịu tâm hồn cô mà còn kết nối cô với cội nguồn, với quê hương và hình bóng người mẹ. Tô phở ấy đã dẫn lối cho cô trở về, tìm thấy an ủi và bình yên trong chính căn nhà cũ, nơi cô thuộc về.

 Thủy phủ: Chốn nương tựa siêu hình

 Xuyên suốt tác phẩm, “Đường về thủy phủ,” dẫn dắt người đọc đến những miền cảm xúc sâu thẳm, và có lẽ cũng là lời tự vấn về những điều còn mãi sau tất cả những biến cố của cuộc đời. Với một cái kết nhân hậu và nhân bản, nhà văn Trịnh Y Thư đã dẫn chúng ta trở về Thủy phủ, nơi yêu thương thay thế cho hận thù, và đời sống phù du này chỉ có ý nghĩa khi nào nó được định hình bằng tình yêu.

 Đắm chìm vào từng trang sách, dù Lời ngỏ nhà văn Trịnh Y Thư có nói đây chỉ là câu chuyện hư cấu, là sản phẩm của trí tưởng tượng, nơi cuộc chiến chỉ hiện hữu qua những dòng chữ tài liệu, nhưng lạ thay, trái tim tôi đã vương vấn, đã hòa cùng nhịp đập với từng nhân vật. Như thể định mệnh đã an bài, những mảnh đời hư cấu ấy bỗng trở nên chân thật đến lạ, len lỏi vào tâm hồn, để lại những trang sách khó phai.

 

San Phi

Saigon, ngày 16 tháng 6 năm 2025

Wednesday, June 11, 2025

Phạm Xuân Hy: Tào Mạt (Thích Khách Liệt Truyện)

 

SỬ KÝ

史記

Thích Khách Liệt Truyện

Tào Mạt

Quyển thứ 86-Truyện thứ 26

Tác Giả : Tư Mã Thiên

Bản dịch : Phạm Xuân Hy

(Theo bản văn bạch đối chiếu)

 

Chính văn :

Tào Mạt

曹沫

曹沫者,魯人也,以勇力事魯莊公。莊公好力。曹沫為魯將,與齊戰,三敗北。魯莊公懼,乃獻遂邑之地以和。猶復以為將。  齊桓公許與魯會于柯而盟。桓公與莊公既盟於壇上,曹沫執匕首劫齊桓公,桓公左右莫敢動,而問曰:「子將何欲?」曹沫曰:「齊強魯弱,而大國侵魯亦甚矣。今魯城壞即壓齊境,君其圖之。」桓公乃許盡歸魯之侵地。既已言,曹沫投其匕首,下壇,北面就群臣之位,顏色不變,辭令如故。桓公怒,欲倍其約。管仲曰:「不可。夫貪小利以自快,棄信於諸侯,失天下之援,不如與之。」於是桓公乃遂割魯侵地,曹沫三戰所亡地盡復予魯

其後百六十有七年而有專諸之事

Phiên  âm

Tào Mạt giả Lỗ nhân dã, dĩ dũng lực, sự Lỗ Trang Công.Trang Công háo lực.Tào Mạt vi Lỗ Tướng, dữ Tề chiến, tam bại bắc. Lỗ Trang Công cụ, nãi hiến Toại Ấp chi địa dĩ hoà. Do phúc dĩ vi tướng.

Tề Hoàn Công hứa dữ Lỗ hội vu Kha nhi minh. Hoàn Công dữ Trang Công ký minh ư đàn thượng, Tào Mạt chấp chuỷ thủ kiếp Tề Hoàn Công, Hoàn Công tả hữu mạc cảm động, nhi vấn viết : 

-Tử tương hà dục ?

Tào Mạt viết :

-Tề cường Lỗ nhược, nhi đại quốc xâm Lỗ diệc thậm hĩ. Kim Lỗ thành hoài tức tức áp Tề cảnh, quân kỳ đồ chi.

Hoàn Công nãi hứa tận qui Lỗ chi xâm địa. Ký dĩ ngôn, Tào Mạt đầu kỳ chuỷ thủ, hạ đàn, bắc diện, tựu quần thần chi vị, nhan sắc bất biến, từ lệnh như cố.

Tề Hoàn Công nộ, dục bội kỳ ước.

Quản Trọng viết :

-Bất khả. Phù tham tiểu lợi dĩ tự khoái,  khí tín ư chư hầu, thất thiên hạ chi viện, bất như dữ chi.

Ư thị  Hoàn Công nãi toại cát Lỗ xâm địa, Tào Mạt tam chiến sở vong địa tận phúc dữ Lỗ.

Kỳ hậu bách lục thập hữu thất niên nhi Ngô hữu Chuyên Chư chi sự.

         

Dịch văn :

Tào Mạt, người nước Lỗ , nhờ sức khỏe,  làm bầy tôi thờ Lỗ Trang Công.

Lỗ Trang Công là người thích người  khoẻ manh, nên phong Tào Mạt làm Tướng, đánh nhau với nước Tề, nhưng ba lần đều thua, bỏ chạy. Lỗ Trang Công thấy vậy lấy làm lo,  đem vùng đất Toại Âp hiến cho nước Tề để cầu hoà, nhưng vẫn dùng Tào Mạt làm Tướng  đánh. Tề Hoàn Công cùng Lỗ Trang Công hội kiến ăn thề ở đất Kha. Khi Tề Hoàn Công và Lỗ Trang Công ký kết minh ước, Tào Mạt dùng con dao chuỷ thủ  nhẩy lên đàn bức bách Tề Hoàn Công. Các thị vệ của Tề Hoàn Công không một người nào dám có chống lại.

Tề Hoàn Công mới hỏi Tào Mạt :

-Ông muốn gì ?

Tào Mạt đáp :

-Tề là một nước lớn, Lỗ là một nước nhỏ. Tề xâm lăng Lỗ, như thế là một việc làm thái quá. Nếu thành quách đất nước của Lồ bị Tề tàn phá, mà biên giới hai nước lại là láng giềng lân cận, kính  xin ngài hãy thử nghĩ lại xem.

Tề Hoàn Công nhận lời đem tất cả đất đã chiếm qui hoàn lại cho Lỗ.

Sau đó, Tào Mạt ném thanh trủy thủ đi, đi xuống đài, quay về hướng bắc bái Lỗ Trang Công, rồi ngồi vào hàng các quần thần, sắc mặt không thay đổi, nói năng bình thản .

Tề Hoàn Công vô cùng tức giận và bực bội, muốn huỷ bỏ lời minh ước, nhưng Quản Trọng ngăn lại nói :

-Không nên ! Vì tham cái vui nhỏ cá nhân, mà mất sự tín nhiệm với chư hầu, là sẽ mất sự cứu trợ của thiên hạ, chi bằng hoàn  trả lại đất cũ cho Lỗ .

Tề Hoàn Công nghe theo lời Quản Trọng , chiếu theo minh ước trả lại đất cho Lỗ, tức là các vùng đất mà Tào Mạt ba lần thua trận bị nước Tề chiếm.

Sau đấy, một trăm sáu mươi bẩy năm có truyện Chuyên Chư  xẩy ra ở nước Ngô.

 

Chú thích

Sử Ký

Sử Ký là tên gọi một bộ thông sử đầu tiên của Trung Quốc, viết theo lối kỷ truyện thể, do Tư Mã Thiên đời Tây Hán soạn, trải qua 17 năm trời mới hoàn thành.Toàn thư chia thành 130 biên, ký thuật từ Hoàng Đế cho đến niên hiệu Thiên Hán đời Hán

Võ Đế, bao gồm khoảng ba ngàn năm lịch sử, đề cập đến mọi vấn đề Chính trị, Kinh tế, Văn hóa, Xã hội, chia ra làm năm thể tài dưới đây :

1-"Bản Kỷ" có 12 biên, ghi chép về các đời vua cùng các đại sự xẩy ra .

2-"Biểu" có 10 biên, ghi các niên đại.

3-"Thư" có 8 biên, ghi chép duyên cách các điển chương chế độ.

4-"Thế Gia" có 30 biên, ghi chép các hầu quốc.

5-"Liệt truyện" 70 biên, ghi chép truyện các nhân vật

Sau khi hoàn thành, sách không được công bố. Đến thời Hán Tuyên Đế, do người cháu ngoại của tác giả là Dương Uẩn, sách mới được công bố ra ngoài xã hội.

Sử Ký chẳng những là một bộ lịch sử vĩ đại mà còn là một tác phẩm văn chương ưu tú của Trung Quốc. Lời văn sinh động, vắn tắt, miêu tả cụ thể, rõ ràng, chiếm một địa vị cao trong văn học sử Trung Quốc.

-Cũng cần rõ thêm về danh xưng của sách.

Trước các triều đại Tần, Hán, sách của người Trung Quốc phần lớn không có tên. "Sử Ký" cũng vậy. Sau khi sách viết xong,Tư Mã Thiên có đem cho học giả đương thời là Đông Phương Sóc xem qua, được Đông Phương Sóc hết sức khâm phục, và đề lên trên sách ba chữ

 "Thái Sử Công   ".

"Thái Sử " là chức quan của Tư Mã Thiên, còn"Công" là mỹ xưng, gọi theo lối quý trọng. Trong sách "Hán Thư –Nghệ VănChí" của Ban Cố, cũng chỉ dùng "Thái Sử Công Bách Tam Thập Biên" để gọi chính thức tên sách của Tư Mã Thiên. Tên gọi này được kéo dài trong thời Lưỡng Hán.

Thật ra, danh xưng "Sử Ký", chỉ là sự giản lược đi bốn chữ "Thái Sử Công Ký". Nguyên do là vì, những học giả đồng thời hoặc sau thời Tư Mã Thiên, khi dẫn dụng sách của Tư Mã Thiên thường ghi là "Thái Sử Công Bách Tam Thập Biên", rồi thấy danh xưng này quá dài và phiền phức, nên giản lược thành "Thái Sử Công Thư", hay “Thái Sử Công Ký 太史公記". Lâu dần"Thái Sử Công Ký" giản lược thêm nữa còn lại hai chữ "Sử Ký史記" để trở thành tên sách của Tư Mã Thiên.

Giả thuyết này xẩy ra sau các triều đại Ngụy, Tấn.

-Còn một thuyết khác thì giải thích rằng, các vua thời xưa có các Sử quanTả Sử thì ghi lời nói. Hữu Sử thì ghi những sự kiện. Như sách " Thượng Thư" chỉ ghi lời nói.Còn sách "Xuân Thu" thì các sự kiện. Nhưng sách của Tư Mã Thiên thì vừa ký thuật sự kiện và lời nói, bao gồm việc làm cả Tả Sử lẫn Hữu sử, nên gọi là "Sử Ký"

 

Thích Khách Liệt Truyện

剌客列傳

Dài hơn 5000 chữ, thuật truyện 5 thích khách là Tào Mạt, Chuyên Chư, Dự Nhượng, Nhiếp Chính, Kinh Kha, phản ánh cuộc chiến tranh kiêm tính và phản kiêm tính vào thời kỳ Chiến Quốc, giữa các nước Tần, Yên

 

Tần Quốc

-Tần Quốc là một nước chư hầu được phân phong vào đầu thời nhà Đông Chu, họ Doanh, tương truyền là hậu duệ của Bá Ích. Trước khi được phân phong, nước Tần nằm trong trạng thái bộ lạc, trường kỳ sinh họat ở lưu vực sông Vị Thủy và đông bộ tỉnh Cam Túc và tỉnh Thiểm Tây ngày nay, từng sống chung với bộ lạc Tây Nhung. Phi Tử là lãnh tụ của bộ lạc Tần, nhờ có công nuôi ngựa cho Chu Hiếu Vương được phong làm phụ dong 輔庸 (tức làm nước nhỏ nhờ cậy nước lớn) từ Khuyển Khâu (nay thuộc Hưng Bình tỉnh Thiểm Tây) dời cư đến đất Tần (nay thuộc Trương Gia Xuyên Cam Túc), mới đầu Phi Tử còn lấy tên đất Tần để làm xưng hiệu.

-Đến đời Chu Tuyên Vương phong cho tằng tôn của Phi Tử là Tần Trọng làm Đại Phu. Trong cuộc chiến đánh nhau với Tây Nhung, Tần Trọng bị giết, con Tần Trọng là Tần Trang Công đánh thắng được Tây Nhung, nên thế lực nhờ thế được mở rộng. Lúc bấy giờ nhà Tây Chu đang thời kỳ bị diệt vong, con Tần Trang Công là Tần Tương Công có công phái binh giúp vua Chu Bình Vương dời đô đông thiên, được Chu Bình Vương phong là chư hầu.

Sau đó, trên nền đất bỏ hoang của kinh đô nhà Tây Chu, nước Tần hưng khởi, phát triển mạnh mẽ.

Đầu thời kỳ Xuân Thu (722 t CN-481 tCN), nước Tần đặt kinh đô ở đất Ung (nay thuộc phía đông Phụng Tường tỉnh Thiểm Tây) chiếm cứ vùng trung bộ tỉnh Thiểm Tây và đông bộ tỉnh Cam Túc ngày nay.

-Đến thời Tần Mục Công từng có ý đồ hướng về phía đông để tranh bá với các nước Hoa Hạ ở trung nguyên, nhưng bị nướcTấn chặn lại, phải đổi hướng phát triển về phía tây, tiêu diệt 12 tiểu quốc Nhung Địch, xưng bá chủ Tây Nhung, nhưng vì nước Tần quốc vị trí ở nơi hoang hẹp, kinh tế văn hóa lạc hậu, quốc lực còn kém không bằng những Hoa Hạ đại quốc ở trung nguyên.

Đến đầu thời kỳ Chiến Quốc (475 tCN-221 tCN), vùng đất Hà Tây (phía bắc sông Lạc Thủy và sông Hoàng hà) của Tần bị nước Ngụy chiếm cứ.

-Khi Tần Hiếu Công lên ngôi, dùng Thương Ưởng biến pháp, đất nước nhanh chóng trở nên phú cường, và là một cường quốc trong Chiến Quốc Thất Hùng, đồng thời thiên đô về Hàm Dương (nay thuộc phía đông bắc Hàm Dương tỉnh Thiểm Tây) với âm mưu tiến về phía đông.

-Đến thời Tần Huệ Vương thâu phục lại vùng Hà Tây của nước Ngụy, và tiêu diệt Ba Thục, chiếm đọat Hán Trung của nước Sở.

-Đến thời Tần Chiêu Vương liên tiếp chiếm được các đất đai của các nước Hàn, Ngụy, Triệu, Sở, cuối cùng thì Tần Vương là Doanh Chính ( tức Tần Thủy Hòang) để 10 năm đánh diệt được lục quốc, và năm 221 t CN thống nhất Trung Quốc, kiến lập một quốc gia thống nhất trung ương tập quyền, tức nhà Tần (Tần triều)

 

Yên Quốc

Tên một nước cổ do nhà Tây Chu phân phong làm chư hầu quốc, tính Cơ, hoặc còn gọi là Bắc Yên . Vào thế kỷ thứ 11 t CN, Chu Võ Vương diệt nhà Thương phân phong đất cho Chiêu Công Thích ở Bắc Yên, Chiêu Công Thích không đi mà ở lại phò tá Chu Thành Vương, con của Chu Võ Vương, người con trưởng của Chiêu Công Thích là người đầu tiên được phong Yên Hầu, đóng đô ở đất Kế (nay thuộc thành phố Bắc Kinh). Yên trở thành phên dậu trọng yếu cho nhà Chu ở phía bắc, nhưng ở lâu ngày ở phía bắc, ít có qua lại với trung nguyên. Vào thời Xuân Thu,những việc và sự tích về nước Yên đều bị chìm trong bóng tối, không nghe nhắc đến, đến nỗi danh hiệu Yên hầu cũng không thấy ghi chép. Gần đây, những minh văn khắc trên đồ đồng thời kỳ đầu của Yên quốc xuất thổ ở ngọai ô Bắc Kinh có thể bổ túc cho những sự thiếu sót về lịch sử nước Yên. Nước Yên giáp với Sơn Nhung ở miền bắc (Nước vùng Hà Bắc bắc bộ). Vào đầu thời kỳ Xuân Thu, Sơn Nhung xâm lăng Yên quốc. Nước Yên phải cầu cứu với nước Tề, Tề Hòan Công đem quân bắc phạt Sơn Nhung, Lịnh Chi, Cô Trúc rồi rút quân về; Yên thóat khỏi vong quốc.

Đến đầu thời kỳ Chiến Quốc, các nước đua nhau biến pháp cải cách, duy có nước Yên vẫn im tiếng làm lơ, giữ thế phát triển từ từ.

Tề quốc vì muốn khuyếch trương lên phía bắc không ngừng tấn công nước Yên.

-Năm 380 t CN, Tề chiếm Tang Khâu của Yên;

-Năm 355 t CN, Tề chiếm vùng Dịch Thủy. Yên nhờ được ba nước Hàn, Triệu, Ngụy chi viện ngăn chặn và đánh bại được nước Tề.

-Năm 323 t CN, Yên tham gia chủ trương “Ngũ Quốc Tương Vương –năm nước đều xưng vương” do Công Tôn Diễn đề xướng, cùng với năm nước Hàn, Triệu, Ngụy, Yên, Trung Sơn, đều xưng vương, và Yên trở thành một trong Chiến Quốc Thất Hùng.

Hai năm sau, Dịch Vương chết, con là Cối lên kế vị.Yên Vương Cối tức vị được ba năm bèn làm một việc kinh trời động đất, thế sự hoảng sợ, đó là đem ngôi vị của mình nhường cho Tử Chi, thâu hồi tòan bộ các ấn tín của các bậc cao quan trao cho Tử Chi. Nói một cách khác, Tử Chi nắm tòan quyền quân sự, chính sự nước Yên. Việc làm này của Yên Vương Cối khiến cho Thái Tử Bình và tất cả quý tộc nước Yên bất phục tòng, và năm 314 t CN những người này khởi binh chống lại Tử Chi, nhưng bị thất bại và Thái Tử Bình bị giết.

Cuộc nội lọan làm cho nhân dân ly tán, quốc lực bị hao mòn.Tề Tuyên Vương nhân cơ hội phái Tướng Quân là Khuông Chương đem 50 vạn binh tấn công Yên. Yên Vương Cối và Tử Chi đều bị giết. Đồng thời , nước Trung Sơn cũng đem sang chiếm một phần lãnh thổ của nước Yên. Nhờ áp lực của các nước Triệu , Hàn, Tần, Sở, nước Tề phải rút quân về. Công Tử Chức đang làm nhân chất ở nước Hàn, được đưa về làm vua nước Yên, tức Yên Chiêu Vương.

Yên Chiêu Vương muốn rửa mối nhục, mời Nhạc Nghị về làm Tướng Quân, liện hiệp với quân năm nước công phá nước Tề, chiếm được hơn bẩy chục thành của Tề. Đồng thời tướng Yên là Tần Khai đánh phá Đông Hồ chiếm được hơn một ngàn dặm thành lập các quận, Thượng Cốc, Ngư Dương, Hữu Bắc Bình, Liêu Đông, Liêu Tây. Dưới thời Yên Chiêu Vương quốc gia được cường thịnh phú cường, thiết lập hạ đô ở Võ Dương (nay thuộc Dịch Huyện tỉnh Hà bắc).

Sau khi Yên Chiêu Vương qua đời, nước Yên lại bị nước Tề công phá, Yên Vương Hỷ phải rời đô đến Liêu Đông.

Đến năm 222 t CN, Tần chiếm Liêu Đông, Yên Vương Hỷ bị bắt, nước Yên bị diệt, nước Yên truyền được 43 đời.

 

Triệu

Tên một nước cổ trong Chiến Quốc Thất Hùng ngày xưa.Người sáng lập nước Triệu là Triệu Liệt Hầu, tên là Tîch, vốn là hậu đại của quan đại phu nước Tấn Triệu Thôi, cùng với các nước Hàn, Nguỵ phân chia nước Tấn.Năm 403 trước Công Nguyên được Chu Uy Liệt Vương thừa nhận là chư hầu, kiến đô ở Tấn Dương (nay thuộc đông nam Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây.Đến năm 386 trước CN dời đô về Hàm Đan (nay thuộc tỉnh Hà Bắc).

Hàm Đan chính là nơi chào đời của Tần Thủy Hoàng (259 t CN), và cũng nơi đây, Thái Tử Đan của nước Yên bị đưa đến làm nhân chất (con tin.), và quen với Tần Vương Doanh Chính. Cương vực nước Triệu gồm có trung bộ tỉnh Sơn Tây, góc đông bắc tỉnh Thiểm Tây, và tây nam bộ tỉnh Hà Bắc ngày nay.

Triệu Võ Linh Vương tiến hành cải cách, tấn công diệt được Trung Sơn, đánh bại được Lâm Hồ, Lâu Phiền, kiến lập Vân Trung, Nhạn Môn, Đại Quận.

Trong trận chiến Trường Bình, tướng nước Triệu là Triệu Quát, bị trúng kế mai phục của viên tướng nước Tần là Bạch Khởi.Triệu Quát chết, Bạch Khởi thắng trận, đem chôn sống 40 vạn (400000) hàng binh Triệu.

Vì thế nước Triệu trở nên suy yếu.

Năm 222 trước CN, nước Triệu bị nước Tần diệt.

 

Chuỷ Thủ

匕首

Chuỷ Thủ là một loại binh khí dùng để đâm hay để chém, so với kiếm thì nhỏ và ngắn hơn, ngoại hình trông tương tự như kiếm.Vì ngắn và nhỏ nên cất, hay ấu dễ dàng. Phần nhiều, chuỷ thủ được xử dụng chiến đấu cận chiến, phòng vệ,  ám sát, tuỳ nghi thích ứng. Đầu chuỷ thủ giống như cái thìa, cổ nhân dùng để lấy đồ ăn, do đó mà thành tên gọi.

Theo truyền thuyết thì chủ thủ đã có từ đời vua Nghiêu,vua Thuấn. Chuỷ thủ ngắn,nhỏ, sắc bén, nên dễ mang theo, là loại võ khí đánh cận chiến hữu hiệu.

Chủ yếu dụng pháp của chuỷ thủ là : Kích, thích, thiêu, tiễn, đái.Chuỷ thủ cổ xưa là vật dụng dùng để ăn cơm, tức như cái thìa, vì nhiều hình dáng giống đoản kiếm, nên thành tên gọi.

Tần Thuỷ Hoàng đánh chiếm « lục quốc 六國 », mang thù oán thâm sâu, mỗi khi  đi đâu phải mặc áo giáp dầy để hộ thân, trong  « Chiến Quốc Sách », ở truyện « Kinh Kha thích Tần Vương » từng có câu : « Đồ cùng chuỷ kiến 窮匕見 Đến cuối bản đồ thì lòi ra con chuỷ thủ», giai thoại này ai cũng biết.

 

Lỗ

Tức Lỗ quốc.

Tên gọi một nước chư hầu, do thiên tử nhà Chu phân phong. Mới đầu , do Chu Võ Vương phân phong cho người em của ông là Chu Công Đán. Nhân vì Chu Công được giữ ở lại để phụ giúp Thiên Tử nhà Chu, nên cải phong cho người con trưởng của Chu Công là Bá Câm là Lỗ Hầu.

Đất đai bao gồm huyện Tư Dương  tỉnh Sơn Đông, và giải đất Bái Huyên,Tứ Huyện tỉnh An Huy ngày nay, lấy Khúc Ấp làm thủ đô.

Sau Lỗ bị nước Sở diệt.

  

Tướng

Trong truyệnTướng , chỉ cao cấp quân quan.

Như « Nhất tướng công thành vạn cốt khô一將功成萬骨枯 »của nhà thơ Tào Tùng đời Đường.Trong đó có hai câu :

Phùng quân mạc thoại phong hầu sự.

Nhất tướng công thành vạn cốt khô.

 

Tề

Trong truyện chỉ Tề quốc. Một trong « Chiến Quốc Thất Hùng戰國七雄 »-Gôm bảy nước hùng mạnh vào thời kỳ Chiến Quốc gồm có 6 nước ở ngoài quan ngoại, tức phía đông Gia Cốc Quan,hoặc phía dông Sơn Hải Quan, ngày nay là phía tây tỉnh Cam Túc, cùng vùng Tân Cương .Sáu nước đó Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Sở, Yên,và nước thứ bảy ở Quan Nội là Tần.

Di chỉ ngày nay nằm ở phía bắc tỉnh Sơn Đông và đông nam bộ tỉnh Hà Bắc.

 

Bại Bắc

敗北

Đọc văn thơ báo chí người ta thường gặp hai chữ « bại bắc », với ý nghĩa là thất bại, bất lợi, là thua trận chậy, nhưng tại sao không có dùng từ ngữ « bại nam », « bại tây ». Theo sách « Thuyết Văn Giải Tự » của Hứa Thận thời Đông Hán, thì « Bắc » còn đọc là bối  « bối », là lưng. Đánh trận thua, thì quay lưng bỏ chạy, nên gọi là bại bắc. 

 

4 -Sách tham khảo

- Sử Ký Tuyển Chú

- Sử Ký-Văn Bạch Đối Chiêu

- Sử Ký Từ Điển

-Trung Hoa Trí Thức Tinh Hoa

-Giản Minh Văn Sử Trí Thức Từ Điển

- Bản dịch Kinh Kha Thích Tần Vương của Phạm Xuân Hy

-Các trang web Hoa văn

Phạm xuân Hy-Paris ngày 18-12-2024