Friday, July 1, 2022

Trần Huy Bích: Một Lá Thư Riêng Gửi Tác Giả Phan Đào Nguyên

 Ngày 28 tháng 5, 2022

Kính gửi Luật sư Phan Đào Nguyên.

 Cám ơn anh Nguyên đã có nhã ý cho tôi đọc trước bản nghiên cứu công phu của Anh về mối thâm tình xuất phát từ sự cảm thông và lòng ngưỡng mộ mà nhà nho ái quốc Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho vị lão thần Phan Thanh Giản, người được ông gọi một cách kính cẩn là “quan Phan.” Xin thú thật từ là khi đất nước chia đôi năm 1954, ngoại trừ với phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm những năm 1955-57, và một số biên khảo, sáng tác trong giai đoạn dây trói tương đối được nới lỏng những năm cuối thập niên 1980, tôi không theo dõi kỹ những bài được gọi là “biên khảo văn học” của những cây bút phải sống dưới một chế độ không còn quyền tự do, thường phải uốn cong ngòi bút để có thể sống còn. Trong một khung cảnh đã khiến một nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Tuân, tới gần cuối cuộc đời, phải bật lên khóc và nói, “Tao sợ,” thì số lượng những người cầm bút dám mạnh dạn nói ra những nhận thức của mình đúng như mình nhìn thấy khó có thể cao. “Ăn cơm chúa” thì phải “múa tối ngày.” Khi nhà văn, nhà biên khảo đã trở thành công cụ lèo lái tư tưởng trong một xã hội toàn trị, thì những điều các vị ấy viết ra, khó được nhiều người thực sự quan tâm. Tôi tin rằng, “Cát bay vàng lại ra vàng.” Với thời gian, những chuyện xuyên tạc, bẻ cong ngòi bút trong một giai đoạn lịch sử đáng buồn của dân tộc dần dần sẽ được phát hiện, và sự thật sẽ được phục hồi.

Nhưng người xưa cũng từng nêu lên sự lo ngại, “Mưa lâu, ….. trâu hóa bùn.” Từ năm 1963, khi Trần Huy Liệu, ông trùm của ngành tuyên truyền ở miền Bắc, phán quyết một cách chắc nịch trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, cơ quan báo chí chính thức của Viện Sử Học nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rằng “Phan Lâm” đích thị đã “bán nước,” đến nay cũng đã 60 năm. Trong 60 năm ấy, như Anh cho biết, ít nhất ba nhân vật có chút tên tuổi trong ngành Hán Nôm ở trong nước đã hùa theo, chỉ hươu nói ngựa, đổi trắng thành đen, đem những câu cảm thông, ca ngợi Phan Thanh Giản ra giải thích một cách xuyên tạc thành những câu lên án và nguyền rủa Phan Thanh Giản một cách độc địa, thì quả cũng đáng sợ. Những thế hệ trẻ, kiến thức về lịch sử và văn học sử chưa đầy đủ, căn bản về Hán Nôm chưa vững, sẽ chịu ảnh hưởng ra sao? Cũng theo Anh cho biết, từ đó đến nay chưa một ai lên tiếng để phản bác. Rất cám ơn Anh đã bỏ nhiều công sức và thời giờ để soi sáng những xuyên tạc trắng trợn ấy, giúp lịch sử và văn học giữ được sự đứng đắn, chính xác, và minh oan cho tiền nhân. 

Khi ông Trần Nghĩa hùa theo trong việc kết tội Phan Thanh Giản năm 1972, ông Trần Khuê nương một thắc mắc được nêu ra từ nửa thế kỷ trước (1944) về số chữ trên lá minh tinh, để biện luận một cách lệch lạc nhằm mục đích hạ nhục Phan Thanh Giản năm 1994, và bà Phạm Thị Hảo nhai lại ý hai ông đó năm 2017, không khí trong nước vẫn là không khí “Phan Thanh Giản phải được coi là tội nhân của lịch sử.” Việc làm của các vị không rõ do tự ý (để có thêm công lao với chế độ) hay do được chỉ định? Nhưng hậu quả khá rõ là rìu búa đã được chất thêm lên nỗi oan của tiền nhân. Được biết học giả khả kính Nguyễn Đổng Chi, sau đã rất ân hận vì trong giai đoạn Nhân Văn – Giai Phẩm oan nghiệt, phải vâng theo chỉ thị để nặng lời nhục mạ học giả Phan Khôi. Rất mong các vị nêu trên (ít nhất hai người đã ở cảnh giới khác, không còn chịu sự chi phối của những áp lực chốn nhân gian, tâm thức phục hồi sự sáng suốt), đã có hoàn cảnh đọc lại kỹ hơn những bài thơ Nguyễn Đình Chiểu viết về Phan Thanh Giản, để những nhận thức đúng với sự thật và lương tâm có cơ hội hồi sinh. Với những điều các vị đã lỡ viết ra, trước công luận và với thế hệ sau, bản biên khảo công phu của Anh sẽ hữu ích và cần thiết. Nhân danh rất nhiều bạn trẻ tuổi hơn, tôi chân thành cám ơn Anh. Cám ơn Anh đã vì lương tâm, công đạo, và tinh thần trách nhiệm với thế hệ sau, ghé vai gánh một nhiệm vụ cần thiết và khá nặng, mà cho tới nay, chưa ai có đủ thời giờ, tâm huyết, và tài liệu để có thể làm.

 

Về một vấn đề đã làm tốn khá nhiều giấy mực và đã khiến ông Trần Khuê tuyên bố một cách lầm lạc rằng Nguyễn Đình Chiểu mắng nhiếc Phan Thanh Giản “chết đi sẽ thành quỷ” (câu thơ “Minh tinh chín chữ”), tôi xin đóng góp chút nhận xét sau:

Cho tới nay, đối với câu 7 của bài thơ quốc âm:

Minh sanh (tinh) chín chữ lòng son tạc 

 đa số người đọc đã hiểu một cách đơn giản rằng lá minh tinh ấy có 9 chữ. 

Nhưng nếu lưu ý hơn đến cách ngắt nhịp của câu thơ, chúng ta sẽ thấy rằng câu ấy cũng có thể hiểu theo nghĩa khác: “Trên lá minh tinh, có 9 chữ cho thấy (người quá cố) có tấm lòng son.”

 Bốn câu đầu của bài thơ được ngắt nhịp một cách chậm chạp theo thể cách “cổ điển.”Câu thơ được tách thành 2 nhịp: 4 và 3, thích hợp với loại thơ trầm buồn:  


Non nước tan tành - hệ bởi đâu

Dàu dàu mây bạc - cõi Ngao-châu

Ba triều công-cán - vài hàng sớ

Sáu tỉnh cương-thường - một gánh thâu.

 Nhưng từ câu 5 trở đi, bài thơ được đổi nhịp. Để cực tả một thảm cảnh não lòng, câu thơ được ngắt thành 3 nhịp ngắn: 2, 2, 3:

 Trạm bắc - ngày chiều - tin điệp vắng

Thành nam - đêm quạnh - tiếng quyên sầu

Minh sanh - chín chữ - lòng son tạc 

Trời đất - từ đây - mặc gió thu.

 Câu 7 có thể viết ra văn xuôi như sau:

 “Trên lá minh tinh, có chín chữ [cho thấy] lòng son tạc.”

 Nguyễn Đình Chiểu không nói lá minh tinh ấy gồm tất cả bao nhiêu chữ. Điều ấy không quan trọng lắm đối với ông. Nhưng trong những chữ ấy, có 9 chữ giúp ông thấy rằng Phan Thanh Giản có tấm lòng son. Ý tưởng ấy rõ hơn nếu chúng ta đọc câu thơ theo cách ngắt thành 2 nhịp: 2, 5, cũng hợp với ý thơ:

 Trạm bắc - ngày chiều tin điệp vắng

Thành nam - đêm quạnh tiếng quyên sầu

Minh sanh - chín chữ lòng son tạc 

Trời đất - từ đây mặc gió thu.

 Vậy 9 chữ ấy là những chữ nào?

 Chúng ta đã biết rằng trước khi uống độc dược để chấm dứt sinh mạng, Phan Thanh Giản có viết trên một tờ hoa tiên ý kiến ông về việc nên hay không nên làm lá minh tinh (tức lá triệu hay lá phướn dùng trong đám ma). Theo đó, ông viết rằng: “Minh tinh thỉnh tỉnh. Nhược vô, ưng thư: Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cữu. Diệc dĩ thử chi mộ.” Có nghĩa là, “Minh tinh xin bỏ. Nếu không thì viết: Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cữu. Mộ chôn cũng vậy.” Vậy lá minh tinh ấy có 11 chữ theo ước lệ thông thường để khi đọc 4 chữ “Quỷ, Khốc, Linh, Thính,” chữ thứ 11 ứng với chữ “Linh”:

Quỷ, Khốc, Linh, Thính, Quỷ, Khốc, Linh, Thính, Quỷ, Khốc, Linh.

 Theo Anh cho biết, trên tạp chí Tri Tân số 99 (ngày 10 tháng 6 năm 1943), học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố đã viết, “Sở dĩ gọi là chín chữ là tính từ chữ “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tính Phan.” Theo cụ Ứng Hòe, những chữ “chi cữu” trên minh tinh, cũng như những chữ “chi mộ” trên bia mộ, không phải là những chữ quan trọng. Có lẽ Nguyễn Đình Chiểu cũng nghĩ như thế. Ông quan niệm rằng khi đề nghị các chữ viết trên minh tinh, Phan Thanh Giản chỉ tự nhận là “người thư sinh lớn tuổi họ Phan ở ven biển nước Đại Nam” (không hề nhắc đến chuyện đỗ đạt, quan chức), là đã bộc lộ “một tấm lòng son.”

Chúng ta cùng thấy rằng câu 7 của bài thơ không phù hợp chút nào với những lời của ông Trần Khuê khi ông gán cho Nguyễn Đình Chiểu cái ý mắng nhiếc Phan Thanh Giản “chết đi sẽ thành quỷ.”

 Về những lời do Trần Huy Liệu bịa đặt, gán cho lá cờ của nghĩa quân do Trương Định lãnh đạo, anh đã viết rất rõ. Về những bài của các chuyên viên Hán Nôm Trần Nghĩa, Trần Khuê, Phạm Thị Hảo, tôi còn vài nhận xét nho nhỏ nữa, nhưng chúng ta có thể đưa ra trong một trường hợp khác. Xin nhắc lại lời thành thật cảm ơn Anh, và cũng mong Anh nhiều sức mạnh, tiếp tục bền giữ tinh thần của cụ Nguyễn Đình Chiểu:

 Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.

 Thân quý,

 Trần Huy Bích