Saturday, November 25, 2023

NGUYỄN DUY CHÍNH: Tổng Kết năm Quí Mão 12-2022--12-2023

 

 

NĂM QUÍ MÃO

12-2022 – 12-2023

Nguyễn Duy Chính

 

 

Chân thành cảm tạ quý vị trưởng thượng và bằng hữu đã tiếp tay, trao đổi, đóng góp với chúng tôi trong công tác biên khảo lịch sử vô vụ lợi này.

Vì quá nhiều ân nhân nên người viết không thể đưa tên lên hết.

Riêng gửi lời tri ân đến anh Nguyễn Tuấn Khanh, chị Phạm Lệ Hương, anh Trần Huy Bích và chị Nguyễn thị Nga.

Lễ Tạ Ơn cuối năm 2023

Nguyễn Duy Chính


MỘT KHO BÁU CẦN KHAI THÁC

Cứ đến cuối năm, tôi phải dành ít nhất là một tháng để tổng kết những việc làm trong năm cũ, dù hoàn tất hay chưa để tính toán việc làm cho một năm sắp đến. Sở dĩ tôi coi đây là một việc quan trọng vì có thể tóm tắt những ý chính như một bản ghi nhớ (MOU)[1] mà không phải đi quá sâu như một bài biên khảo.

Tuy đã định sẽ làm cho xong các nghiên cứu về đời Tây Sơn trong năm nay nhưng khi tìm một số tài liệu gốc đời Gia Khánh thì thấy có khoảng trống trong giao thiệp Việt Thanh, khiến cho nhiều trọng điểm không có nút mở. Hầu như nghiên cứu về giao thiệp với Trung Hoa trong giai đoạn này chúng ta không thể vượt qua được những văn bản trong Nhân Tông thực lục với vài văn bản sơ sài. Tìm hiểu cho rốt ráo, quả thực tài liệu sau đời Càn Long chỉ có bấy nhiêu vì ngoại giao phùng xoè nay đã chấm dứt. Sau khi vua Quang Trung qua đời, nhà Thanh chỉ nối tiếp thêm một vài động tác cho ra vẻ thân thiết với người quá cố nhưng chính sách thân An Nam đã cạn giòng. Sang đời Cảnh Thịnh cả hai bên đều phải tự đặt ra một khoảng cách, vì nhu cầu thực tế và hoàn cảnh chính trị không còn giống như xưa.

Khi có thêm một số văn bản mới, tôi đã phải mất nhiều tháng “đào vàng” để thu thập văn bản, sắp xếp và đọc, phiên dịch ngõ hầu tìm hiểu thêm một số việc trước đây còn sơ sài, cần lý giải cho rõ ràng những gì đã xảy ra trong một khoảng lịch sử tuy ngắn ngủi nhưng mang nhiều ẩn số.

DUYÊN MAY

Một trong những biến cố lớn trong việc tìm kiếm tài liệu là ngay đầu năm nay – chị Phạm Lệ Hương qua anh Nguyễn Tuấn Khanh và những “thư viện gia” nổi tiếng ở hải ngoại như anh Trần Huy Bích, chị Nguyễn thị Nga đã chỉ cho tôi web-site của Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc https://qingarchives.npm.edu.tw/index.php?act=Archive&fbclid=IwAR1nHHJSmquJc1uhUk32atgknyxfLzPakTsOnDrx2FKj0V2_6RRtJT3lFIQ

Đây là kho sách về đáng án (archives) của nhà Thanh lưu trữ các văn bản theo dạng chụp ảnh. Nhờ sự tiến bộ của khoa học và chu đáo của các học giả Đài Loan, những tài liệu này được scan với độ phân giải cao, in ra rất rõ ràng giúp cho người nghiên cứu được trực tiếp đọc các văn bản cũ như mình đang có ở trước mặt. Đáng buồn thay Việt Nam chưa có một kho archives nào được phổ biến vô vụ lợi như thế nên người đọc vẫn chỉ được thông qua rất nhỏ giọt, tuỳ thuộc nhiều vào cơ duyên và đặc ân của một số bằng hữu ở trong nước.

Tài liệu đời Thanh là kho báu phong phú bậc nhất về văn bản lịch sử của Trung Hoa, phần lớn mang từ lục địa sang Đài Loan khi chính quyền Quốc Dân Đảng thiên di năm 1949. Sau mấy thập niên sắp xếp và biên tập, chính phủ Đài Loan đã ấn hành nhiều bộ sách theo lối ảnh ấn, đen trắng, tuy cũng rất tốt nhưng vẫn không thể so sánh được với đáng án mà Cố Cung Bác Vật Viện công khai hoá.

Trước đây tôi phải dò tìm từng bộ một rồi tìm cách mượn sách trong thư viện đem về scan lại, in ra để dùng. Không hiếm những bộ sách được anh THB mượn giùm mà chưa thấy ai dùng đến dù đã hiện diện trong kho sách mấy chục năm qua. Đến nay, phần nhiều những tài liệu đều có trên mạng, nhưng quan tâm và sử dụng được hay không mới thực là vấn đề. Một tảng đá vứt lăn lóc bên vệ đường trước khi có bàn tay người nghệ sĩ trau chuốt thì không ai trông thấy được tác phẩm nghệ thuật ẩn trong đó.

Trông người lại nghĩ đến ta, tài liệu sách vở nhất là loại chữ cổ như Hán, Nôm còn sót lại không nhiều mà chủ nhân cũng chẳng mấy ai làm công việc phổ biến vô vụ lợi nên khi vì một lý do nào đó không sử dụng nữa thì con cháu chưa chắc đã biết được giá trị mà lưu giữ, có khi vứt vào thùng rác không chừng. Ở hải ngoại, những người thế hệ sau lại càng ít quan tâm đến tiếng Việt nên những sách vở mà cha anh nâng niu đối với họ là những tờ giấy cũ kỹ, vô dụng chỉ mong tống khứ nhanh chừng nào tốt chừng nấy. Anh PXH ở bên Pháp vẫn thường nói với tôi rằng đêm khuya khó ngủ, bật đèn, chống gậy ra thư phòng vuốt ve những cuốn sách cổ đã sưu tầm mà ứa nước mắt.

NHỮNG HÒN SỎI ĐẸP

Tài liệu liên quan đến nước ta không phải ít, nhất là thời kỳ cuối thế kỷ XVIII và cuối thế kỷ XIX khi có những chiến dịch quân sự liên quan đến hai nước Thanh Việt. Những tài liệu này nếu được tập hợp, phiên dịch và khai thác chắc chắn đóng góp không nhỏ vào việc làm sáng tỏ nhiều ẩn khuất trong lịch sử Việt Nam. Trong kho đáng án nhà Thanh, tôi đã tìm được nhiều tài liệu có thể coi là độc bộ, vô giá:

- Những lá thư viết tay của Lê Duy Kỳ (tức vua Chiêu Thống), Lê Duy Chỉ, Lê Quýnh, Phan Khải Đức … gửi sang nhà Thanh (đánh giá lại việc cầu viện nhà Thanh của Lê Chiêu Thống).

- Bản gốc lá thư của Ngô Văn Sở dụ hàng Phan Khải Đức (Phan Khải Đức là đốc trấn Lạng Sơn đi theo quân Thanh nên NVS viết thư dụ y quay lại).[2]

- Các tờ trình của quan viên nhà Lê xin Tôn Sĩ Nghị bãi binh.[3]

- Những văn bản có đóng dấu An Nam quốc vương đời Lê, đời Tây Sơn và Việt Nam quốc vương đời Nguyễn.

Vì tính chất nguyên bản của những tài liệu này, Việt Nam cũng cần làm những bản sao để đưa vào các kho sách của các trung tâm lưu trữ quốc gia, giúp cho các nhà nghiên cứu Việt Nam đỡ tốn thì giờ, tiền bạc đi tìm kiếm.

Qua các tài liệu, sơ khởi tôi đã thực hiện được một số nghiên cứu bổ túc:

-         Cuộc đào thoát của gia đình vua Lê (qua cửa Ải Điếm sang Trung Hoa)

-         Tờ biểu tạ ơn được phong vương của vua Chiêu Thống (sau khi Tôn Sĩ Nghị lấy lại được Thăng Long)

-         Thư gửi từ Trung Hoa (trong chuyến đi sang Yên Kinh của phái đoàn Quang Trung)

-         Chuyến triều cống sau cùng của nhà Tây Sơn (1802)

-         Sự thay đổi trong chiến dịch An Nam (từ tiến binh sang chủ trương rút quân về)

-         Câu nói của Lê Quýnh (khi bị ép cắt tóc, đổi y phục nhà Thanh)

*

*        *

BÀI I: GỐC TÍCH NHÀ TÂY SƠN

Trước nay không nhà nghiên cứu nào đặt ra gốc tích nhà Tây Sơn mà hầu như đều dựa theo những chi tiết ghi trong Đại Nam Chính Biên Liệt Truyện, quyển XXX, Nguỵ Tây.

Liệt Truyện chép rằng anh em Tây Sơn gốc từ Nghệ An, ông cha bị chúa Nguyễn bắt vào an tháp ở ấp Tây Sơn, phủ Qui Nhơn. Những chi tiết đó vẫn được coi như bất khả tư nghị trong suốt triều Nguyễn.

Đầu thế kỷ XX, từ ngoại sử người ta có thêm một chi tiết mới là anh em Nguyễn Nhạc gốc họ Hồ, dòng dõi Hồ Quí Ly, sau vì muốn chinh phục nhân tâm nên đổi ra họ Nguyễn. Chi tiết này không tìm ra nguồn, nếu muốn trích dẫn thì cũng đành dùng tài liệu cận đại như Trần Trọng Kim (Việt Nam Sử Lược), Hoa Bằng (Quang Trung), hay Ngô Tất Tố (bản dịch Hoàng Lê Nhất Thống Chí) … chứ không ai đưa ra được văn bản nào bằng chữ Hán sớm hơn nữa.[4] Ba tài liệu nêu trên đều không có nguồn tham chiếu và đều là tài liệu thứ cấp (secondary sources).

Đến hậu bán thế kỷ XX, chi tiết lịch sử trôi nổi không có rễ là Tây Sơn gốc họ Hồ ở Nghệ An được hư cấu thành một chuỗi dài, trong nam thì Hồ Thơm và hậu duệ, ngoài bắc thì Hồ Phi Phúc dính liền Hồ tôn thế phả với Hồ Xuân Hương …v…v… Thành thử, dẫu tin rằng sử triều Nguyễn hoàn toàn chép đúng thì chúng ta cũng chỉ có thể đi đến kết luận là gia đình Nguyễn Nhạc gốc từ miền bắc bị bắt vào nam sau một trận càn đời Trịnh-Nguyễn. Còn như không có chứng cứ nào thêm thì ngay cả chi tiết gốc Nghệ An của anh em Tây Sơn cũng chỉ dựa trên một nguồn mơ hồ rút ra từ Nghệ An Chí mà nguyên thuỷ có lẽ nhằm giúp Nguyễn Huệ hợp thức hoá việc ông chọn đất làm kinh đô.

Thế nhưng nhiều tài liệu có giá trị đầu tay (first-hand accounts) lại đưa ra những chứng cớ mới. Theo những lá thư Nguyễn Huệ gửi sang nhà Thanh (để cầu hoà và xin phong vương) ông lại tự nhận mình là dòng dõi hoàng tộc Chiêm Thành, trong nhà còn giữ được quốc ấn nhà Minh ban cho. Chi tiết này chẳng thể kiểm chứng vì nhà Thanh không quan tâm và cũng không cần biết đến.

Trong tiến trình giao thiệp, Nguyễn Huệ tìm cách đấu dịu với nhà Thanh khi họ dựa trên một đạo đức nước lớn rất mơ hồ là “hưng diệt kế tuyệt, tự tiểu tồn vong” để đem quân sang nước ta. Ở vào thế chung quanh có quá nhiều kẻ thù, Nguyễn Huệ nhắc lại tình trạng phiên thuộc đời Minh với hai tiểu quốc cùng thần phục Trung Hoa là An Nam và Chiêm Thành nên nếu như nhà Thanh can thiệp thì ông sẵn lòng trả lại miền bắc cho vua Lê để đổi lấy sự công nhận một nước Quảng Nam (thay thế cho nước Chiêm Thành trước đây). Tuy nhiên vì nhu cầu riêng của nhà Thanh nên dẫu có nằm mơ Nguyễn Huệ cũng không nghĩ đến việc vua Càn Long không những đưa ông lên làm chủ An Nam thay nhà Lê mà các quan ở Quảng Tây còn giúp ông trừ khử thành phần chống đối đang rục rịch nổi lên ở trong nước. Việc được công nhận là một quốc vương trong quĩ đạo nhà Thanh đã vượt lên trên cả anh ông là vua Thái Đức ở Qui Nhơn và chúa Nguyễn ở Gia Định.

Nếu như lúc đó nhà Thanh không vì cần có một phái đoàn An Nam sang chúc thọ, chỉ cần lên tiếng thanh viện cho một triều đình vua Lê lưu vong (ở bên ngoài) và thúc đẩy các nhóm thân Lê nổi dậy (ở bên trong) thì sớm muộn gì triều đình Quang Trung cũng sẽ đuối sức, và phải co cụm lại thành một nước nhỏ ở phía nam tương đương như Chiêm Thành trước đây. Trong hoàn cảnh đó, thế Xuân Thu, Chiến Quốc của vùng Đông Nam Á không biết sẽ ra sao khi trong cùng một chuồng có đến năm ba con hổ, người nào cũng nhất quyết phải ngoi lên để tự tồn.

Chính vì thế, việc tìm hiểu gốc tích nhà Tây Sơn tuy không phải là một vấn đề cốt cán nhưng lại đưa đến nhiều ẩn số, mỗi giả thuyết củng cố cho một mưu tính chính trị khác nhau.

Theo như những tài liệu sơ khởi mà triều đình Phú Xuân ghi nhận hay Lê Quí Đôn chép trong Phủ Biên Tạp Lục thì anh em Tây Sơn chỉ là một đám giặc từ trong núi rừng Trường Sơn đi ra. Tung tích mơ hồ cho thấy họ không có nguồn gốc và cơ sở nào chính đáng.

Tài liệu quan trọng thứ hai có giá trị đầu tay (first-hand accounts) khá nổi bật là tường trình của chúa Nguyễn Ánh ở Bangkok. Theo lời kể của nhóm nhà Nguyễn lưu vong, anh em Tây Sơn không đơn thuần từ trong núi xây dựng lực lượng mà đã hối lộ để được vào làm việc trong dinh trấn Quảng Nam và dùng chính quân đội của nhà Nguyễn làm bàn đạp, lấy lý do tôn phù hoàng tôn Dương. Việc miêu tả anh em Tây Sơn như một loại tu hú đẻ trứng trong tổ chim khác cũng phù hợp với tình hình thực tế là len lỏi vào triều đình rồi tìm cách đoạt lấy quyền hành không khác gì Xiêm La, Miến Điện.[5] Đây cũng là một mẫu hình rất phổ biến tại nhiều nước trong vùng Nam Á nhưng sau này có lẽ vì muốn củng cố cái thuyết anh em Tây Sơn là loạn thần và tránh một vết nhơ cho triều đình chúa Nguyễn ở Nam Hà nên chi tiết này đã bị bỏ qua không nhắc đến.

Nói tóm lại, việc gốc tích anh em Tây Sơn không có những chứng cớ cụ thể và phần lớn được nguỵ tạo để đáp ứng một nhu cầu của tình thế. Những ghi nhận ban đầu, dù của triều đình hay của các nhà truyền giáo thì chỉ biết là họ từ rừng núi xuất hiện như một đám cướp lớn, chúa Nguyễn khi ở Bangkok muốn biện minh cho sự thất bại của gia đình mình thì nói rằng họ đã mua chuộc để nắm được binh quyền tại Quảng Nam, lấy danh nghĩa suy tôn hoàng tôn Dương chống với triều đình thối nát ở Phú Xuân. Khi Nguyễn Huệ ở miền bắc, ông nói rằng quê gốc của ông ở Nghệ An, có lẽ nhằm chính danh hoá việc ông giữ vùng đất mới được nhường cho và xây dựng một kinh đô mới tại đó.

Chi tiết đó được ghi lại trong Liệt Truyện không ai kiểm chứng đúng hay sai và mỗi lúc được củng cố thêm trong Nam cũng như ngoài Bắc. Cái gốc họ Hồ lại càng mơ hồ và từ những chứng cớ bông bênh, hiện nay có cả một cuốn gia phả nhiều đời ở Nghệ An và Bình Định lan toả đến toàn cõi Việt Nam và biến thành lịch sử không tranh cãi.

BÀI II: CUỘC ĐÀO THOÁT CỦA GIA ĐÌNH VUA LÊ

Khi Nguyễn Hữu Chỉnh chạy trốn triều đình Lê – Trịnh vào trong nam, ông ta cũng không ngờ mình sẽ là tác nhân của một vận hội mới thay đổi toàn bộ Bắc Hà, Nam Hà. Nếu như không có lời xúi giục của Bằng Quận Công thì sau khi lấy được Phú Xuân, Nguyễn Huệ sẽ dừng lại ở bờ nam sông Gianh và anh em Nguyễn Nhạc sẽ xây dựng một tiểu quốc, đời đời giao hiếu với “An Nam” ở miền bắc như xác quyết với vua Lê.

Thế nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh đã xui Nguyễn Huệ tiến thẳng ra bắc, nêu danh nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Diệt Trịnh xong, nhân Bắc Hà suy yếu, Nguyễn Huệ lại muốn thay thế vai trò của phủ chúa và đi xa hơn nữa, chiếm luôn nước của nhà Lê khiến cho ông vua Chiêu Thống non trẻ không quân không tướng phải bỏ trốn.

Quân Tây Sơn tiếp tục truy đuổi mong diệt tuyệt gia đình nhà Lê khiến cho mẹ, vợ con Lê Duy Kỳ phải chạy sang đất Trung Hoa. Trước đây, khi dựa vào sử Việt Nam, việc gia đình vua Lê chạy sang Trung Hoa là hành động cầu viện, cõng rắn cắn gà nhà, rước voi về giày mả tổ đáng chê trách. Tham khảo thêm tài liệu Trung Hoa, sự việc cũng không ai đi xa hơn, tìm hiểu đầu đuôi cho rõ ràng. Sự hạn chế của giới sử gia Việt Nam đưa tới những nhận định yêu ghét theo ý kiến chủ quan.

Khi đi sâu hơn vào mọi vấn đề và đặt mình theo cách suy nghĩ và hoàn cảnh lúc đó, chúng ta có thể dựng lại vở kịch này minh bạch hơn. Đáng kể nhất, nhà Thanh còn những lá thư và danh sách những người sống sót và chúng ta cũng được xem những tờ trình qua lại nên biết được rõ dã tâm của Tôn Sĩ Nghị và thực tế chính trị đương thời. Với những chi tiết mới, vũng nước trước kia đục ngầu nay lắng xuống để lộ ra những thực tế lâu nay lẩn khuất, khởi đầu cho một cuộc tranh chấp lịch sử mà chúng ta vẫn coi như một thiên anh hùng ca không cần suy nghĩ luận bàn.

BÀI III: TỜ BIỂU TẠ ƠN ĐƯỢC PHONG VƯƠNG CỦA VUA CHIÊU THỐNG

Trước đây, khi sử dụng tài liệu triều đình qua những văn thư, chiếu biểu của nhà Thanh và Việt Nam, việc Tôn Sĩ Nghị đem quân sang nước ta và chiến dịch phản công của Nguyễn Huệ tuy rõ nét nhưng vẫn khó hiểu tại sao nhà Thanh lại “đầu tư” quá nhiều vào việc mời cho bằng được vua Quang Trung sang Bắc Kinh.

Đến nay, sự dàn dựng chi tiết để hoàn thành mục tiêu tối hậu mà vua Càn Long đã ngầm chỉ thị cho các quan lại thi hành, cùng với những trao đổi trực tiếp của vua Lê chúng ta mới hiểu được rõ ràng hơn mọi động thái, trói buộc cũng như mua chuộc để triều đình Tây Sơn không thể ra khỏi cái vòng kim cô mà họ sắp xếp. Trong bài biểu tạ ơn của vua Chiêu Thống sau khi được phong vương có những câu sau đây:

心持切於膽依,口莫名夫感戴。

向南山而刻石,馳北闕以傾葵。

願習中土之音,敢煩梯航重譯。

永保苖裔之緒,擭叨帶礪[6] 長延。

Trong lòng thì tha thiết muốn làm

Ngoài miệng không nên lời cảm kích

Hướng Nam sơn nay khắc tạc ơn cao

Đến Bắc khuyết để tỏ lòng thần phục

Nguyện sẽ học tiếng Trung thổ

Để khỏi phiền phiên dịch qua lại khó khăn

Đời đời nối dòng miêu duệ, mãi mãi giữ quốc thống dài lâu

Những ý tưởng mà người ta mớm lời cho vua Chiêu Thống chưa hẳn phát xuất từ bản thân vua Lê nhưng lại là một giao kết. Cũng từ đó, bàn cờ Thanh – Việt mỗi lúc một thêm phức tạp, trùng trùng điệp điệp việc này sang việc khác nhưng đều có lớp lang. Cái nút buộc này khiến cho quan lại nhà Thanh nhất định phải làm cho bằng được giao kết này, còn An Nam quốc vương là ai không cần biết. Trong mắt vua Càn Long, Nguyễn Quang Bình (Quang Trung) chẳng qua chỉ là một hình bóng khác của Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống).

BÀI IV: SỰ THAY ĐỔI TRONG CHIẾN DỊCH AN NAM

Chiến dịch sang đánh nước ta có một bước ngoặt đưa đến sự thất trận của Tôn Sĩ Nghị. Đó là từ lúc nào và tại sao vua Càn Long lại không muốn tiếp tục cuộc chiến sau khi Tôn Sĩ Nghị lấy lại Thăng Long.

Trước đây, khi chỉ tham khảo những tài liệu mặt ngoài, nhất là những phóng đại mà nhiều người thích trích dẫn để tô điểm cho hào quang chiến thắng, chúng ta đã không để ý đến việc tiến hành một cuộc hành quân ngoại biên theo cách tổ chức của nhà Thanh không dễ dàng, một người lính cần năm người hậu cần, tiếp liệu. Với qui mô một đoàn quân hai vạn người, nhà Thanh cần thêm hàng chục vạn dân công khuân vác lương thực, súng ống mà họ không kham nổi nếu tiếp tục tiến quân xuống Phú Xuân.

Sau chiến thắng chớp nhoáng lấy lại Thăng Long, Tôn Sĩ Nghị muốn được chấp thuận cho lưu quân lại để tiếp tục trấn đóng, nếu không được toàn cõi An Nam thì cũng một phần lớn như một thái thú mới. Thái độ dùng dằng không dứt khoát của vua Càn Long đã tạo ra một khoảng thời gian bất động rất quan trọng (vì lệnh lạc từ trung ương xuống địa phương mất khoảng 20 ngày) khiến cho cuộc diện nảy sinh những bất ngờ khiến nhà Thanh phải đổi chiều rất nhanh, một mặt chữa cho thất bại quân sự thành thắng lợi ngoại giao, mặt khác tái lập lại một hướng đi mới mà vẫn giữ được những mục tiêu nguyên thuỷ.

Tuy chỉ là một vấn đề không lớn lắm nhưng đi sâu vào từng chi tiết, đề tài này có thể khai thác để thành một luận án lịch sử xứng tầm.

BÀI V: CÂU NÓI CỦA LÊ QUÝNH

Chỉ trong một thời gian ngắn, lịch sử nước ta tan hợp rất nhanh. Có một thời gian trên giải đất hình chữ S hiện diện bốn vương triều theo thứ tự từ bắc xuống nam là triều đình Thăng Long Lê-Trịnh, Phú Xuân Nguyễn Huệ, Qui Nhơn Thái Đức và Gia Định Nguyễn Phúc Ánh. Việc Nguyễn Huệ đem quân ra bắc phù Lê diệt Trịnh đã gây ra xáo trộn khiến cho vua Lê phải xuất bôn và thân quyến chạy sang Trung Hoa tạo nên một cớ chính đáng để nhà Thanh đem quân can thiệp.

Theo bình thường, nếu vào một thời điểm khác, với những kinh nghiệm trong các “võ công” khác đời Càn Long, nhất là bốn lần đem quân sang Miến Điện, việc ra quân ở phương nam sẽ trở thành một cuộc chiến dai dẳng hao binh tổn tướng.

Thế nhưng việc hành quân tái lập triều Lê nguyên thuỷ chẳng phải vì tranh chấp trực tiếp giữa hai nước mà do một chiến dịch “vẽ rắn thêm chân” để hợp thức hoá việc đưa một ông vua phiên thuộc sang dự lễ chúc thọ của vua Cao Tông. Với tính toán và tin tức mà nhà Thanh thu nhận được, Nguyễn Huệ chẳng qua chỉ là một thổ tù ở phía nam, xâm chiếm An Nam cũng vì mối lợi trước mắt, không khác gì những lần trước đây quân Chiêm ra đánh Thăng Long, lấy được một số vàng bạc, châu báu rồi cũng rút về.

Sự việc xảy ra đúng như Tôn Sĩ Nghị tiên liệu, quân Thanh lấy lại kinh đô nhà Lê khá dễ dàng nên họ Tôn được vua Càn Long hoan hỉ thăng lên tước công, mũ đeo hoa linh, coi như chiến dịch đã hoàn tất. Trong ngày đầu năm ở Trùng Hoa Cung, vua Càn Long và 28 học sĩ đã ngâm vịnh liên cú trường thiên để ca ngợi chiến dịch đưa quân sang An Nam.

Thế nhưng sự thể bất ngờ ngoài dự liệu khi Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long ngay ngày Tết Nguyên Đán khiến quân Thanh tan vỡ, Tôn Sĩ Nghị chạy được về Trung Hoa. Nhà Thanh liền bỏ rơi vua Chiêu Thống để quay sang công nhận kẻ thù trước đây không lâu còn bị kết án là “loạn thần tặc tử”, để Nguyễn Huệ sẽ đóng vai vua Chiêu Thống trước đây sang chúc thọ vua Càn Long. Cũng một màn kịch, nay chỉ thay đào kép mới, vua Càn Long và quần thần đã tô vẽ cho Nguyễn Huệ thành một kẻ chí thành, giết hại quân tướng nhà Thanh chỉ vì thế bất đắc dĩ phải chống cự cho khỏi chết.

Thế nhưng nhóm vua Lê vẫn tin tưởng rằng sớm muộn nhà Thanh cũng có một giải pháp, nếu không đòi được toàn cõi Bắc Hà thì cũng giúp họ lấy lại một phần nên khi Phúc Khang An bí mật vời sang Quảng Tây “bàn quốc sự” thì Lê Quýnh liền đưa toàn bộ ban tham mưu của ông theo đường núi sang Trung Hoa. Ngờ đâu, lực lượng Cần Vương tới nơi liền bị cô lập và giam lỏng, sau khi mọi việc đã êm, Phúc Khang An mới nói rõ rằng họ nay không còn được yểm trợ nữa và những ai đã sang Trung Hoa thì phải cạo đầu kết tóc, đổi y phục để trở thành người dân nhà Thanh.

Khi thấy bị đánh lừa và phủi tay một cách trắng trợn, Lê Quýnh và ba người cầm đầu khác đã nhất định phản đối để lại cho đời sau hai câu nói còn ghi trong sử sách:

我輩頭可斷,髮不可雉,皮可削,服不可易也

Bọn ta đầu có thể đứt nhưng tóc không thể cắt, da có thể lột, nhưng áo không thể đổi.

我等生爲安南人,死爲安南鬼

Bọn ta sống thì là người An Nam, chết thì làm ma An Nam.

Tuy những phản ứng tiêu cực không thể làm xoay chuyển cục thế nhưng cũng đã có những thay đổi trong chính sách giao thiệp giữa hai nước – ít nhất về phương diện người tị nạn chạy sang Trung Hoa cũng có thêm một hướng khác để chọn lựa chứ không phải sống chết tuỳ theo sự độ lượng của Thanh triều.

Sau khi vua Quang Trung sang Trung Hoa trở về, hai triều đình đã có những thoả hiệp để ai đang ở Trung Hoa nếu như cam đoan không chống đối tân triều thì có thể được hồi hương. Vua Quang Trung cũng theo lời yêu cầu của nhà Thanh cho người đi tìm thân quyến những người thân Lê nếu muốn có thể được sang Trung Hoa đoàn tụ gia đình. Tuy số người đồng ý chấp nhận ưu đãi đó không nhiều nhưng cũng là một tiền lệ tốt vì đến đời Gia Khánh, nhà Thanh cũng nhắc lại thoả hiệp đó và gần như toàn bộ số người đã sang Trung Hoa nay lại trở về nước, mang theo di cốt của vua Chiêu Thống, nguyên tử và Thái Hậu.

Việc chấp nhận người tị nạn, đi sang Trung Hoa hay trở về An Nam phải nói là rất tiến bộ cũng không khác gì những chính sách về di cư nạn nhân chiến tranh hay bị đàn áp chính trị trong thế kỷ XX, XXI chúng ta đang sống ngày nay.

BÀI VI: THƯ GỬI TỪ TRUNG HOA

Trong chuyến đi của phái đoàn Quang Trung sang Bắc Kinh, tài liệu nhà Thanh và của nước ta còn lưu trữ được bản sao của một số thư từ qua lại với trong nước. Đây là những tài liệu hết sức đặc biệt trong khung cảnh của thời kỳ đó.

Kế thừa từ nhiều triều đại cũ – nhất là từ đời Nguyên – Thanh triều đã xây dựng được một hệ thống truyền tin rất qui mô, với trung tâm là Bắc Kinh và nhiều nhánh lan toả ra các tỉnh. Mỗi nhánh đó lại có nhiều nhánh con như bộ rễ của một thân cây lớn. Hệ thống truyền tin chạy bằng ngựa, chủ yếu dùng cho công vụ và đặc biệt khi có chiến tranh thì tốc độ lên đến 600 dặm một ngày.

Hệ thống dịch trạm để truyền tin là một công trình rất tiến bộ và là niềm tự hào của người Trung Hoa nhưng cũng chưa mấy ai tìm hiểu cho rốt ráo mặc dù trong văn chương nước ta không hiếm những tác phẩm về chiến tranh. Nhiều chi tiết rất đáng ghi nhớ nhưng người mình chỉ nói phớt qua, chẳng hạn “cầu phao” để qua sông mà phần lớn mình cứ nghĩ đó là một cái bè lớn chứ không biết về qui mô xây dựng rất tiến bộ, dịch trạm, đài trạm là những sắp đặt hậu cần vừa truyền tin, vừa tiếp liệu, quân đến đâu, lương đến đó. Nước ta đến đời Nguyễn mới có một hệ thống chuyển tin thô sơ lẫn lộn giữa chạy ngựa, đi thuyền và phần nhiều chạy bộ là một mẫu hình thu nhỏ của nhà Thanh nhưng không tinh vi bằng. [7]

Nhờ có hệ thống này mà lần đầu tiên trong lịch sử đi sứ của nước ta, các sứ thần có thư gửi về nhà cho gia đình biết tin và đồng thời cũng đóng góp một số chi tiết về những biến chuyển ở trong nước khi vua Quang Trung vắng nhà mà sử sách lâu nay còn mờ mịt. Những chiến dịch tiễu trừ các nhóm thân Lê, việc xung đột với Xiêm La ở phía tây cũng xác định được thời điểm xảy ra tương đối rõ rệt, đính chính được những nguồn sử khác.

TÓM TẮT CÁC THƯ QUA LẠI TRONG CHUYẾN CÔNG DU NĂM CANH TUẤT

STT

Ngày gửi

Người gửi

Nơi gửi

Người nhận

Nơi nhận

Ghi chú nguồn

1

Ngày 24 tháng Tư, Càn Long 55.

Nguyễn Quang Bình

Nam Ninh

Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh, Ngô Thì Nhậm

Thăng Long

Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc, số hiệu 039379-0 (Quân Cơ Xứ, Nguyệt Triệp Bao, hòm tài liệu số 2778, phong bì 163, số hiệu 3911 theo Trang Cát Phát)

2

Ngày 24 tháng Tư, Càn Long 55.

Nguyễn Quang Bình

Nam Ninh

Nguyễn Văn Diệu, Trần Văn Thận[8]

Nghệ An

Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc, số hiệu 039379-0

3

Ngày 24 tháng Tư, Càn Long 55.

Nguyễn Quang Bình

Nam Ninh

Phạm Công Hưng, Trần Chánh Kỷ

Phú Xuân

Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc, số hiệu 039379-0

4

22 tháng Năm, Càn Long 55.

Nguyễn Quang Bình

 

Nguyễn Quang Thuỳ

Thăng Long

DVQT, quyển VI, 6.6 tr. 362-4

v/v ban thưởng ngọc như ý

 

6

29 tháng Bảy, Càn Long 55.

Nguyễn Quang Bình

Viên Minh Viên (Bắc Kinh)

Nguyễn Quang Toản

Phú Xuân

DVQT, quyển VI, 6.43, tr. 411-4

v/v được phong thế tử

7

15 tháng Chín, Càn Long 55.

Nguyễn Quang Thuỳ

Thăng Long

Nguyễn Quang Bình

Hồ Nam

Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc): Quân Cơ Xứ Đáng Triệp Kiện, số hiệu 045795-a v/v Nguyễn Quang Thuỳ tạ ơn được ban cho ngọc như ý.

8

[15] tháng Chín, Càn Long 55.

Phan Văn Lân

Thăng Long

Nguyễn Quang Bình

Hồ Nam

Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc): Quân Cơ Xứ Đáng Triệp Kiện, số hiệu 046052-a v/v hải phỉ và bình định dư đảng nhà Lê.

 

BÀI VII: CÁI CHẾT CỦA VUA QUANG TRUNG

Cái chết của vua Quang Trung là một mắt xích trong một chuỗi dài giao thiệp với Trung Hoa, có nguyên nhân và hậu quả không giống như sử triều Nguyễn đã chép. Liệt Truyện viết:

[42a] … Hồi Huệ mới lấy Phú Xuân đã phạm vào tôn lăng của liệt thánh [tức mồ mả tổ tiên họ Nguyễn]. Một hôm, buổi chiều đang ngồi bỗng choáng váng hoa mắt [胘暈], thấy một ông lão tóc bạc từ trên không xuống, mặc áo trắng, cầm thiết bổng mắng rằng :

-         Nhà ngươi ông cha đều sinh sống nơi đất của nhà vua, đời đời là tôi của nhà vua, vậy sao ngươi dám phạm vào lăng tẩm.

Nói xong lấy gậy đánh vào trán. Huệ mê man ngã xuống hồi lâu mới tỉnh, bèn đem việc này kể lại cho trung thư Trần Văn Kỷ nghe. Từ đó, bệnh nặng mới gọi trấn thủ Nghệ An là Nguyễn Quang Diệu về, thương nghị việc dời đô xuống Nghệ An. Việc bàn thảo chưa xong thì vua Thế Tổ ta đã lấy được Gia Định, thu phục Bình Thuận, Bình Khang, Diên Khánh, thanh thế mỗi ngày một lừng lẫy.

Huệ [42b] nghe được, buồn rầu lo lắng, bệnh càng lúc càng nặng thêm, vời bọn Diệu vào dặn rằng :

-         Trẫm khai cương mở đất, có được cõi Nam, nay bệnh ắt không thể sống được. Thái tử tư chất cũng khá cao nhưng tuổi còn nhỏ. Bên ngoài thì có quốc thù ở Gia Định. Vua Thái Đức đã già, chỉ lo chuyện vui chơi mà lơ là việc phòng bị, không nghĩ gì đến cái hoạ ở đằng sau. Sau khi trẫm chết rồi, mọi việc chôn cất chỉ qua loa một tháng cho xong. Các ngươi phải hợp lực giúp thái tử, sớm dời về Vĩnh Đô[9] để khống chế thiên hạ. Nếu không, quân Gia Định đến, các ngươi không có đất mà chôn đâu.

Bọn Diệu cùng khóc mà nhận mệnh, giết ngựa trắng để thề. Ngày 29 tháng Chín, Huệ chết, tiếm vị được 5 năm, tuổi mới bốn mươi. Thái tử [43a] Quang Toản lên nối nguỵ vị. Tháng Mười, chôn ở phía nam sông Hương, nguỵ hiệu là Thái Tổ Vũ Hoàng Đế.

Thế nhưng, một câu trong Đại Nam Hội Điển Sự Lệ (quyển 114, trang 10a) dưới nhan đề Hiến Phù lại đưa ra một nghi vấn có thể thách đố với những tranh luận về lăng mộ vua Quang Trung mà người ta vẫn quả quyết là ở “nam sông Hương” như Liệt Truyện đã chép:

嘉隆元年,奉世祖高皇帝聖駕北征蕩平西賊,俘獲僞纘兄弟及僞將僞耀,僞勇,磬,愼,甲等。檻解僞惠骸骨,振旅凱還。奉三牲謁告列廟,解獻俘馘。禮成解將僞骨竝僞將付獄。

Gia Long năm đầu, Thế Tổ Cao hoàng đế [tức vua Gia Long] đích thân đem quân ra bắc, bình định được giặc Tây Sơn, bắt được anh em nguỵ Toản cùng các nguỵ tướng Diệu, Dũng, Khánh, Thận, Giáp, bỏ hài cốt của nguỵ Huệ vào cũi đưa đi (檻解僞惠骸骨hạm giải nguỵ Huệ hài cốt), kéo quân thắng trận trở về. Lại làm lễ tam sinh yết cáo các tôn miếu, giải hiến những kẻ bắt được và tai giặc. Sau khi lễ xong lại đem nguỵ cốt và nguỵ tướng bỏ vào ngục. [10]

Tuy cũng là chính sử, những chi tiết này còn sơ sài hơn cả ghi chép trong Thực Lục nhưng có vài điểm đáng chú ý.

Thứ nhất, việc “bỏ hài cốt của nguỵ Huệ vào tù xa giải đi” chép ở đây là sau khi vua Gia Long lấy được miền bắc, bắt được anh em Nguyễn Quang Toản và các tướng để cùng đưa về kinh trị tội. Chi tiết này mâu thuẫn với những việc xưa nay người ta vẫn tin tưởng rằng vua Gia Long đã đào mả Nguyễn Huệ khi mới lấy Phú Xuân, nhất là Liệt Truyện lại viết rằng vua Quang Trung được chôn ở phía nam sông Hương.

Thứ hai, vua Gia Long bắt được anh em Nguyễn Quang Toản ở Thăng Long nên có lẽ xương cốt của Nguyễn Huệ cũng được đào xới đâu đó ở miền bắc, nếu không phải ở Bắc thành thì cũng ở Nghệ An (kinh đô mới) nên mới đem theo cùng với các tù nhân. Khó có thể tin được rằng vua Gia Long sau khi đào xương cốt Nguyễn Huệ ở Phú Xuân lại mang theo trong quân nửa năm trời từ Huế ra bắc rồi trở về. Điều cũng cần quan tâm là ghi chép trong điển lệ thuộc về bộ Lễ, những gì xảy ra được ghi lại vắn tắt làm tài liệu hàng ngày để thống kê những việc đã làm nên ít bị thay đổi, thêm bớt theo ý hướng chủ quan như các bộ sử biên soạn về sau.

Sau những thắng lợi ngoại giao mặt ngoài năm Kỷ Dậu và Canh Tuất (1789-1790), vua Quang Trung muốn đi thêm một số bước kế tiếp trong đó bao gồm việc đòi đất ở biên giới, xin một con ngựa, cầu hôn công chúa nhà Thanh và định lại cống kỳ.

Việc tiến hành quá nhanh nhiều đòi hỏi khiến nhà Thanh cảnh giác và tìm cách hoá giải áp lực mà không làm đứt đoạn hay tan vỡ những gắn bó mới hoàn thành. Việc Nguyễn Huệ đem quân sang Ai Lao rồi mắc bệnh qua đời đã giải quyết cho nhà Thanh một thế bí nhưng cũng giúp triều đình Tây Sơn nhìn lại được vị trí thật của mình trong khu vực.

Với những chi tiết không đồng chiều qua nhiều nguồn khác nhau, nguyên nhân trực tiếp đưa đến cái chết của Nguyễn Huệ, ông chết ở đâu, an táng ở Phú Xuân hay tại một nơi khác là những câu hỏi phải tìm hiểu cho rốt ráo.

BÀI VIII: TỪ BANG GIAO HẢO THOẠI VÀ DỤ AM VĂN TẬP NHÌN LẠI LỊCH SỬ TRIỀU TÂY SƠN

Nghiên cứu về những năm nhà Tây Sơn nắm quyền, phần đông giới sử gia sử dụng sử triều Nguyễn vốn dĩ là một “tường thuật chiến tranh” nên quên hẳn phần ngoại giao và nội trị. Sự thiếu thốn tài liệu đưa đến những suy đoán và tưởng tượng để xây dựng một triều đại theo ý mình, gán ghép những chi tiết mơ hồ không thực sự phù hợp với giai đoạn đó.

Chính vì bỏ quên – hay cố ý lướt qua – những biến cố quan trọng nhất nên không nhìn ra được sự toàn cục của vấn đề, vốn dĩ chỉ là những mảnh rời của một puzzle lớn, kết hợp việc nọ với việc kia thành một triều đại vẹn toàn hơn.

Trong số những tài liệu thuộc loại di văn nhưng có thể nói đã định ra chính sách và cách đối phó những biến chuyển chính trị, các văn thư của hai ông Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích còn giữ được tương đối đầy đủ. Hai ông vốn dĩ đóng vai trò then chốt về ngoại giao và nội trị, mặc dù không phải lúc nào cũng song hành mà tuỳ theo thời thế, mà vai trò của người này có lúc nổi trội hơn người kia.

Thời kỳ cuối đời Lê: Ngô Thì Nhậm

Sau khi triều đình Lê – Trịnh sụp đổ, quan lại Bắc Hà rơi vào một ngã ba đường vì bên cạnh tranh chấp giành giựt quyền hành giữa vua Lê và chúa Trịnh còn một “ngư ông” là thế lực của Tây Sơn từ Đàng Trong kéo ra.

Tuy nhất thời, quân Tây Sơn chiếm được ưu thế so với triều đình Lê – Trịnh, việc tranh thủ tính chính thống không dễ dàng. Đối với miền bắc, quân Tây Sơn chỉ là “man binh” từ phương nam kéo ra, nếu không phải là “cuồng Chiêm” như Bồng Nga, Trà Toàn (kẻ xâm lăng) thì cũng chỉ là Lưu Thông, Thạch Lặc (kẻ tiếm ngôi) không chính thống.

Việc nhà Thanh lên tiếng thanh viện và đưa quân can thiệp khiến Nguyễn Huệ phải lùi lại một bước, không còn xúc tiến việc thúc đẩy đưa ông lên ngôi qua các tờ biểu suy tôn (Ngô Thì Nhậm soạn). Nguyễn Huệ nay tái lập nhà Lê bằng cách đưa ông hoàng Tư Lê Duy Cẩn lên làm giám quốc và xin đón vua Lê và thân quyến trở lại Thăng Long như trước đây Lê Lợi tôn phò Trần Cảo. Tuy không hoàn toàn minh bạch, vai trò của Ngô Thì Nhậm nổi trội và có lẽ ông là người bày mưu tính kế - một chiến lược gia của giai đoạn nhiều biến động này. Trong văn khố Đài Bắc nay còn tìm được những tờ trình của quan lại trung ương và địa phương nhà Lê gửi sang nhà Thanh xin bãi binh nhiều phần là do sắp đặt của Ngô Thì Nhậm.

Tái lập bang giao với Trung Hoa: Phan Huy Ích

Kế hoạch của Ngô Thì Nhậm không đem lại kết quả như mong đợi vì nhà Thanh không muốn giảng hoà mà cốt hoàn thành một võ công, trước là để thêm vào các chiến thắng cho đủ mười lần như ý vua Càn Long, sau là đưa Lê Duy Kỳ sang chúc thọ như kế hoạch đã định trước. Sự thế bất ngờ khi Nguyễn Huệ đem quân ra bắc khiến mọi kế hoạch đều sụp đổ. Nhà Thanh vội vàng tìm đủ mọi cách để “chuyển bại thành thắng” dù chỉ là một chiến thắng ảo mà sau này vua Càn Long chữa thẹn bằng cách mệnh danh là “chiến thắng mà không cần dụng binh”.

Sau khi thái độ “tỏ ra cứng rắn” của Ngô Thì Nhậm không đáp ứng được tình thế, vua Quang Trung đã đưa Phan Huy Ích thay vào để tìm những giải pháp mềm dẻo hơn đưa tới đồng thuận. Những phái đoàn con thoi sắp xếp bí mật, từ việc làm trơn cỗ máy bang giao qua việc đưa Nguyễn Quang Hiển sang cầu phong và quà cáp qua lại đã đổi tình hình từ “thù” sang “bạn” mặc dầu ngầm ở bên trong nhà Thanh tiếp tục gia tăng áp lực bằng cách hé lộ họ vẫn còn giữ một “triều đình lưu vong” để lật ngược thế cờ nếu như Nguyễn Quang Bình không đi theo con đường họ đã vạch sẵn. Cái kiểu vừa đấm vừa xoa đó khiến cho triều đình Tây Sơn luôn luôn thấy trên đầu mình vẫn còn một lưỡi gươm Damoclès treo sẵn.

Chuyến công du năm Canh Tuất: Phan Huy Ích

Tuy nhiều lần vua Quang Trung muốn làm một con ngựa bất kham, sau cùng nhà Thanh đã tổ chức được một phái đoàn phiên thuộc rất “hoành tráng”, trên cả qui mô chính thức lẫn tiếp đãi ngoài lề. Ngoài số lượng nhân sự vượt trội chưa từng có, phái đoàn cũng được đi qua nhiều nơi không thuộc cống đạo khiến cho nước ta cảm nhận được phong thái “du khách” chứ không phải nhiệm vụ “sứ thần”. Họ cũng được đến thăm nhiều danh lam thắng cảnh, có thơ khắc lên trên đá ở nhiều nơi và đi đến đâu cũng được đãi đằng yến tiệc xa hoa, những quà cáp vượt mực thường chưa từng có trong suốt lịch sử tiếp đãi người ngoài của đời Càn Long.

Ở mặt ngoài, chuyến công du của vua Quang Trung tạo được một tiếng vang lớn với quốc dân cũng như với nhà Thanh, nhưng thời gian một năm bị chững lại đưa triều đình Tây Sơn đến thế mất quân bình khu vực không còn gượng lại được.

Sự chuyển hướng ngoại giao lần thứ nhất: Ngô Thì Nhậm

Một biến cố nhỏ nhưng lại có tác dụng lớn là trên đường đi sứ từ Nam Quan về Thăng Long Phan Huy Ích bị ngã ngựa ở Cầu Doanh. Ông phải về Sài Sơn chữa bệnh đến hơn một năm không ở trong triều nên vai trò “cố vấn chính trị” của ông [ít nhất trên mặt giao thiệp với nhà Thanh] nay sang tay Ngô Thì Nhậm.

Không biết do chủ ý của vua Quang Trung hay do cố vấn của người ngoài mà triều đình Tây Sơn đã đưa ra những đòi hỏi “chưa đủ chín”. Ngoài việc chính thức hoá các hành lang thương mại dọc theo biên giới ở Kỳ Lừa, Thuỷ Khẩu là những công tác ưu đãi của nhà Thanh cho vùng biên giới tây nam, nước ta lại đưa ra thêm một số yêu sách mới khiến quan lại địa phương bị lâm vào thế khó xử, gây ra sức bật ngược đáng lẽ chưa nên có.

An Nam xin định lại cống kỳ trước đây theo lệ ba năm một lần, sáu năm gộp lại đưa cống vật sang Trung Hoa và đã được vua Càn Long miễn cưỡng đổi thành hai năm một lần, bốn năm gửi sứ thần sang. Tuy chỉ là một việc thoạt nhìn không thấy gì là to tát nhưng việc thay đổi đó cũng ảnh hưởng khá nhiều đến sinh hoạt địa phương. Mỗi lần có sứ thần lên Bắc Kinh, các tỉnh trên đường đi phải chia ra tiếp đãi và hộ tống theo nghi lễ rất phiền toái vì phải cho kịp việc chiêm cận (triều kiến hoàng đế) vào dịp sinh nhật (tháng Tám AL) khi ấy vua Càn Long ở Nhiệt Hà, để tiếp đón nhiều phái đoàn nước ngoài cùng một lúc.

Việc thứ hai là xin một con ngựa Tây Vực thay thế con ngựa ban cho khi vua Quang Trung khi ở Bắc Kinh nay đã chết vì không hợp thuỷ thổ. Ngựa vốn dĩ không phải là một con vật đóng góp cho uy nghi của chủ tướng vùng Nam Á – voi vốn quen thuộc và thông tục hơn – nên một con ngựa Tây Vực cao to vượt mực thường – hơn hẳn loại ngựa nhỏ con, thấp lè tè của nước ta – là một phong thái mới của vua Quang Trung khi xuất hiện trước công chúng. Nhà Thanh có khá nhiều tuấn mã do các thổ ti vùng Tây Vực triều cống còn triều đình cũng có những tàu ngựa giống rất qui mô.

Hai việc này nhà Thanh có thể miễn cưỡng đáp ứng được nhưng hai việc sau mới là vấn đề:

Thứ nhất, triều đình Tây Sơn xin trả lại bảy châu ở Hưng Hoá vốn dĩ là khu vực tranh chấp từ đời Lê. Tranh chấp biên giới vốn dĩ rất thường xuyên vì là nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số dọc theo vùng trái đệm giữa nước ta và Trung Hoa. Những khu vực đó sinh hoạt tự trị, lúc ngả bên này, lúc sang bên kia nên luôn luôn cần có sự tham dự của triều đình để khỏi bị lấn lướt.

Việc biên giới lại có một tiền lệ. Đời Ung Chính (tức cha vua Càn Long), nhân dịp kham định lại sông Đổ Chú, nhà Thanh phải trả lại nước ta 40 dặm vì quan lại Vân Nam cố tình chỉ hươu nói ngựa, gọi tên một con suối nhỏ ở sâu trong nước ta là sông Đổ Chú để làm biên giới. Vì các quan nhà Lê cương quyết kháng cáo nên khi xét định kỹ càng (dẫu vẫn còn thiệt thòi) vua Ung Chính phải “ban cho” An Nam 40 dặm đất nói mẽ rằng đất thuộc về An Nam thì cũng là vương thổ vì An Nam là thuộc quốc của Trung Hoa. Nói chung là việc này dù không thành công thì cũng sẽ được đưa ra đình nghị.

Việc thứ hai là cần hôn một hoàng nữ nhà Thanh. Nương theo chủ trương dùng phiên thuộc để làm phên dậu ở sa mạc, vua Quang Trung đưa ra ý kiến rằng nếu đã có tôi con lo giữ mạn Bắc thì sao không gả con gái cho ông để xin làm hàng rào che chắn ở phương Nam. Đây là một đề nghị rất rốt ráo và tích cực chứ không phải để dọ ý hay khiêu khích như sử triều Nguyễn miêu tả. Xuyên qua Thỉnh Hôn Biểu và các lá thư biện bác của Ngô Thì Nhậm gửi Phúc Khang An và cách né tránh vấn đề của triều đình nhà Thanh cho thấy sự việc đã đi vào bế tắc. Triều đình Mãn Thanh vẫn coi các dân tộc vùng mạc bắc có ưu thế hơn người Hán, từ hình dáng cao to đến phong tục sinh hoạt đều mang theo một truyền thống tốt đẹp, uy nghi của đời Liêu, đời Kim, đời Nguyên đã từng làm trung nguyên run sợ. Liên nhân (liên kết bằng hôn nhân) là một định chế lâu đời của các dân tộc du mục, không phải bạ đâu gả đó, lại càng không phải như đời Hán, đời Tống, đời Minh phải khuất phục trước rợ Hồ mà đưa công chúa đi xa.

Mạng lưới liên kết từ Mãn Châu sang Mông Cổ, Tân Cương, Tây Tạng chính là một Vạn Lý Trường Thành mới của nhà Thanh. Trước đây, người Hán phải liên tục tốn hao nhân công, tài vật lực củng cố và nối dài trường thành bằng gạch cho thêm hoàn hảo, còn nay nhà Thanh thay bằng những phiên thuộc cùng giòng giống với họ.[11] Những phiên vương, thổ ti, lạt ma khi đến Bắc Kinh triều cận vua Thanh hàng năm cũng có qui chế tiếp đãi riêng, có khu vực sinh hoạt riêng của họ. Những khu vực này được một bộ phận riêng quản trị, ấy là Lý Phiên Viện trực thuộc triều đình.

Tuy nước ta cũng đã có những cuộc hôn nhân ngoại chủng (Mị Châu – Trọng Thuỷ, An Tư – Thoát Hoan, Huyền Trân – Chế Mân, Ngọc Hân – Nguyễn Huệ …) nhưng là những giải quyết vì tình thế nhất thời, không phải là định lệ của triều đình. Ngoại trừ cuộc hôn nhân Huyền Trân – Chế Mân còn nhiều nghi vấn, nguyên nhân chính của những cuộc gả bán khác là triều đình nước ta ở trong thế yếu chứ chưa hẳn là một cuộc hôn nhân bình thường. Dù Ngô Thì Nhậm biện bác đủ mọi lý lẽ nhưng nhà Thanh vẫn lửng lơ nên vua Quang Trung phải gửi một phái bộ tuế cống, lấy cớ báo tiệp làm bình phong để làm cho ra lẽ.

Tuy nhà Thanh tiếp đón Nguyễn Huệ rất nồng hậu, nhưng không phải vì cá nhân ông khiến họ nể phục mà vì cần khuôn mặt ông để làm món đồ trang trí cho đại lễ Bát Tuần Khánh Thọ. Bề ngoài vua Càn Long hết sức cảm kích (không biết thật hay giả), triều đình thì trên dưới tung hô chiếc áo vô hình rực rỡ của nhà vua nhưng bên trong lại là chuyện khác. Vai trò của Nguyễn Huệ coi như đã hoàn tất khi ông qua khỏi Nam Quan trở về Thăng Long.

Thứ hai, nhà Thanh không muốn đẩy màn kịch của họ đi xa hơn vì đầu con mãng xà nhất cử nhất động thì cả thân mình cũng phải uốn éo theo. Liên quan giữa hai triều đình không phải chỉ qua vài dòng văn chương chiếu biểu mà cực kỳ phức tạp. Việc có thêm một ông con rể ở phương nam sẽ thay đổi toàn bộ cơ cấu trật tự của nhà Thanh trong mấy trăm năm qua. Tuy nhà Thanh có đề cao một số công tác “tĩnh hải” giao cho triều đình Tây Sơn đảm trách nhưng việc khen thưởng đó cũng chỉ là hư sức bên ngoài mà thôi.

Mọi thứ đều đã sắp xếp đâu ra đấy, từ cống kỳ (thời hạn sang triều cống), đến cống sứ (số người trong phái đoàn, phẩm trật), cống đạo (con đường đi qua và cách đón tiếp, hộ tống của từng tỉnh), các quyền lợi và bổn phận của từng người, từng nơi vốn đã được qui định chặt chẽ, không phải muốn đổi là đổi. Ngay cả những món đem theo hay các món quà được ban thưởng cũng đều qui định rõ trong điển lệ chứ không tuỳ tiện được. Đó cũng là lý do mà vua Gia Long khi thống nhất đất nước rồi vẫn phải dùng các văn quan đời Tây Sơn trong việc giao thiệp với nhà Thanh vì chỉ có một số ít thông thạo nghi lễ  và giải mã được ý nghĩa của các động thái mà nhà Thanh muốn gửi đến.

Sự chuyển hướng ngoại giao đời Cảnh Thịnh

Sau khi vua Quang Trung về nước, chính sách ngoại giao tương đối hãnh tiến (assertive) do Ngô Thì Nhậm chủ trương đã gây ra hậu quả không mấy tốt đẹp. Không thể nghĩ rằng trong khoảng một năm rưỡi không có mặt tại triều đình vì phải dưỡng bệnh mà Phan Huy Ích không nhìn ra được sự thay đổi trong chính sách ngoại giao khiến những thành tựu ông xây đắp nay có nguy cơ bị rạn nứt nếu không nói rằng sụp đổ.

Tuy nhiên một biến cố làm thay đổi toàn bộ cục diện. Trong khi phái bộ Vũ Vĩnh Thành còn đang ở Yên Kinh chờ dịp để tâu lên về công tác đòi đất và cầu hôn thì từ Quảng Tây đưa đến tin vua Quang Trung qua đời.

Tuy bất ngờ nhưng đây cũng là một tin vui cho vua Càn Long vì vấn đề nay tự triệt tiêu mà không cần phải can thiệp. Trước đây, để chặn đầu mối trung gian, vua Càn Long đã điều động Phúc Khang An sang đánh Khuyếch Nhĩ Khoách (Nepal), vốn dĩ chỉ là những cuộc nổi dậy nhỏ của thổ dân vùng Tây Tạng cốt để cho Nguyễn Huệ không còn ai thay mặt chuyển tin – cho cả việc đòi đất lẫn việc cầu hôn – nên chức vụ tổng đốc Lưỡng Quảng vẫn để trống trong hai năm liền (một điều rất bất thường trong cách điều động nhân sự của nhà Thanh). Các quan lại bên dưới thì lấy cớ tổng đốc không có ở Quảng Đông nên không giải quyết, còn tin tức trao đổi thì đường xa vạn dặm, muốn gì phải đi lên Bắc Kinh rồi mới chuyển tiếp cho Phúc Khang An chứ không có cách nào gửi trực tiếp.

Để đáp ứng cái tin không cầu mà được này, vua Càn Long vẫn tỏ ra hết sức thương tiếc, phúng điếu, lại sai sứ thần lập tức sang tế điện, làm luỵ thi viếng Nguyễn Quang Bình và không đợi tin cáo ai đã sai Thành Lâm sang phong cho Nguyễn Quang Toản làm An Nam quốc vương. Ông cũng viết thư an ủi và nói rõ coi tân vương như cháu nội, lại lập tức điều động Phúc Khang An từ Tứ Xuyên trở về Quảng Tây để phòng ngừa binh biến (thực ra là quay trở về nhiệm sở cũ) và sẵn sàng can thiệp nếu ngai vàng của vua Cảnh Thịnh bị đe doạ. Ông cũng lập tức ra lệnh cho phái bộ Tây Sơn phải lập tức về nước chịu tang vua Quang Trung và chắc cũng thở phào khi những rắc rối nay triệt tiêu.

Cũng nên biết thêm, khi nhà Thanh biết tin vua Quang Trung từ trần thì việc đã xảy ra hơn ba tháng (nếu quả Nguyễn Huệ chết vào tháng Chín theo tin báo, còn như theo các tin đồn và tài liệu ngoài nguồn thì có thể ông chết từ tháng Bảy). Do đó, triều đình Tây Sơn cũng có đủ thời gian sắp xếp lại nhân sự, chuyển trục quyền hành từ Thăng Long vào Phú Xuân và kịp thời né tránh những can thiệp quá sâu của Trung Hoa vào Việt Nam.

BÀI IX: CHUYẾN TRIỀU CỐNG SAU CÙNG CỦA NHÀ TÂY SƠN

Khi vua Quang Trung còn tại thế, ông chủ trương liên kết hàng ngang với Lào và Miến Điện để đối phó với liên minh Xiêm – Miên – Gia Định nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể. Kế hoạch đó đã được vẽ ra từ khi anh em ông mới nổi lên nhưng chỉ được khai triển sau khi ông sang Bắc Kinh trở về. Sự vội vã đó đã gây tác dụng ngược khi Nguyễn Huệ đích thân đem quân qua Lào để bành trướng sang hướng tây nhưng không may bị nhiễm chướng khí qua đời.

Sau khi ông mất, trục chính trị của nhà Tây Sơn nay vào Phú Xuân, triều đình Nguyễn Quang Toản thấy rằng chỉ đơn độc đương đầu với những thế lực chung quanh không phải là kế sách hay nên vua Cảnh Thịnh đã sai sứ sang Xiêm La xin hai bên hoà hiếu (thay vì đối đầu như thời Quang Trung). Nguyễn Quang Toản cũng gửi sứ giả xuống Gia Định tìm một biện pháp hoà bình hầu chấm dứt xung đột nhưng không thành công.

Đại kế hoạch ngoại giao của triều đình Tây Sơn đang từ liên lạc mật thiết với Trung Hoa nay chuyển sang tìm cách kết thân với các cường quốc Âu châu tương tự như một số quốc gia khác trong vùng (Gia Định, Xiêm La, Miến Điện) nhưng chưa đạt được kết quả cụ thể, vẫn lúng túng theo đuổi các chính sách cũ mặc dù biết rằng không phải là một kế hoạch hoàn hảo. Việc giữ một khoảng cách với nhà Thanh thời Cảnh Thịnh đã bị sử quan nhà Nguyễn cho rằng đó là tiếp nối chính sách giả dối từ thời Quang Trung nhưng thực tế thành phần tham mưu của triều đình nay chuyển hướng từ giới nho sĩ Bắc Hà sang thân thích của vua Cảnh Thịnh ở Phú Xuân. Cũng nên ghi nhận rằng thì chính sách “tiểu long” (Smaller Dragon) của triều Nguyễn cũng chỉ bắt đầu sau đời Gia Long chứ không phải là mô hình nguyên thuỷ. Sự thay đổi đó đưa đến nhiều uốn nắn cho phù hợp với chủ trương mới nên mọi góc nhìn đều biến dạng.

Tuy nhiên, người tính không bằng trời tính, vị thế An Nam (Tây Sơn) trong khu vực Đông Nam Á càng lúc càng bị cô lập khi chỉ biết đến Trung Hoa ở phía bắc mà bỏ rơi các mối liên minh bản địa ở chung quanh. Trong những năm triều Quang Trung, chính sách ngoại giao “phùng xoè” của nhà Thanh và lễ nghi qua lại gần như chiếm toàn thời gian nên mọi việc nội trị, ngoại giao khác không còn được quan tâm đúng mức.

Sau chuyến đi dài và mệt mỏi kéo dài gần một năm sang Bắc Kinh, vua Quang Trung nay phải tập trung đối phó với áp lực từ phía tây vì Xiêm La nay đã thành một tâm điểm mandala với rất nhiều tiểu quốc chấp nhận làm chư hầu cho Bangkok. Một chiến dịch gấp rút thiếu tính toán khiến Nguyễn Huệ bị gục ngã ở khu vực Ai Lao, để lại gánh nặng trên vai đứa con trai lúc ấy mới hơn 10 tuổi.

Biến cố đó đưa đến những tranh chấp quyền hành, tuy không làm nhà Tây Sơn sụp đổ ngay lập tức nhưng cũng gây ra nhiều mâu thuẫn và chia rẽ trong một thời kỳ đang cần sự tập trung toàn lực đối phó với kẻ thù. Cuộc chiến kéo dài với triều đình chúa Nguyễn ở Gia Định đưa đến sự cạn kiệt nguồn lực vì phải trải rộng trên một mặt trận phòng thủ kéo dài từ Nam ra Bắc.

Khi chúa Nguyễn chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Quang Toản đưa gia đình chạy lên phía bắc, liên minh với hai người em là Nguyễn Quang Bàn và Nguyễn Quang Thuỳ để tìm cách phản công. Thế nhưng lực lượng Tây Sơn nay thành nhiều mảnh mún, mỗi nơi một ít, che đầu thì hở chân không cứu được nhau. Vua Cảnh Thịnh (nay đổi thành Bảo Hưng) biết không thể chịu đựng thêm nữa nên tìm cách cầu cứu nhà Thanh. Trung Hoa dưới đời Gia Khánh bắt đầu suy vi, không còn quan tâm đến việc của phương nam như đời Càn Long nên để mặc không can thiệp. Khi biết chắc mọi việc đã cáo chung, nhà Thanh chặt đứt luôn chiếc ván sau cùng, kết tội Nguyễn Quang Toản phản bội để chấm dứt liên hệ ngoại giao rồi công nhận một triều đại mới. Nhà Tây Sơn bị xoá sổ trong dòng chảy của lịch sử và chỉ còn một chút dư âm về chiến thắng Bắc xâm.

BÀI X: TÂY SƠN VÀ VĂN MINH NAM Á

Kể từ khi giành được quyền tự chủ, dân ta nước ta, tuy bị ảnh hưởng Trung Hoa nhưng vẫn duy trì những sinh hoạt hoàn toàn khác với người phương bắc. Những thói quen đó là những điểm chung kết nối các dân tộc sinh sống ở trong cùng một địa khu. Nhiều tập quán vẫn còn duy trì cho đến gần đây như nhuộm răng, ăn trầu, đội khăn quấn, đóng khố mà người ta ví von rằng sơn răng, chằng đít, chít đầu.

Miền bắc nước ta vì có lịch sử lâu dài Bắc thuộc, mãi đến thế kỷ thứ X sau CN mới giành lại được quyền tự chủ nên du nhập nhiều định chế từ Trung Hoa. Nhìn vào lễ nghi, chữ viết, sinh hoạt thượng tầng nhiều người đã cho rằng Việt Nam là một con rồng nhỏ, một nước mini-China. Thế nhưng nếu nhìn vào toàn thể khu vực phía nam, người Việt vẫn mang đậm tính Nam Á. Triều đại Tây Sơn vẫn thường được coi như một triều đại Việt Nam nhưng sự thực là một triều đại Nam Á xen kẽ vào giòng lịch sử của người Việt và có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia gần bên hơn là với Trung Hoa ở phía bắc.

Vương quyền mandala

Các nước Nam Á không phải là những tiểu quốc riêng lẻ mà là một quần thể tập hợp nhiều nhóm nhỏ, có khi theo chủng tộc, tiếng nói nhưng cũng có khi theo địa phương. Một quốc gia – hay một thế lực lớn nhất – sẽ đóng vai ngọn núi Tu Di của khu vực, chung quanh có các tiểu quốc thần phục ngọn núi chính và nương tựa lẫn nhau khi cần đối phó với ngoại xâm.

Trong khoảng 1/4 cuối thế kỷ XVIII, chúng ta thấy có những ngọn núi chính ở Ava (Miến Điện), Bangkok (Xiêm La) và Qui Nhơn (Việt Nam). Mỗi ngọn núi chính lại có những ngọn núi nhỏ vây quanh như những vòng tròn đồng tâm, tuy hơi giống mô hình thiên triều – phiên thuộc của Trung Hoa nhưng là một liên minh hàng ngang chứ không thuần tuý là trên dưới. Tuỳ theo từng hoàn cảnh, từng vị thế mà các tiểu quốc chạy qua chạy lại, nay thần phục bên này, mai thần phục nơi khác như những biến đổi của chiếc kính vạn hoa (kaleidoscope). Theo dõi những biến chuyển trong khu vực cũng giải mã được nhiều vấn đề lịch sử mà người ta thường gán ghép một cách chủ quan.

Phân chia khu vực

Những quốc gia vùng Nam Á không phải là những lãnh thổ độc lập được phân chia chặt chẽ như các quốc gia Âu Châu mà là một khu vực co dãn luôn luôn thay đổi. Ranh giới lãnh thổ cũng không nhất định mà luôn luôn co dãn, thông thường dùng những tiêu điểm thiên nhiên như sông, suối, núi đồi để phân biệt.

Dưới triều Tây Sơn, ngay khi lên làm vua Nguyễn Nhạc đã cắt đất chia cho hai em, Nguyễn Lữ làm Đông Định Vương ở trong nam, Nguyễn Huệ làm Bắc Bình Vương ở ngoài bắc. Theo Xiêm La thực lục thì họ được goi là Ai Dam và Ai Bai khiến có thể gây lẫn lộn giữa Bảy và Tám nên các nhà truyền giáo nhầm lẫn tưởng rằng Nguyễn Lữ là anh Nguyễn Huệ. Cách phân chia khu vực này tương tự như các quốc gia khác ngoài chính vương còn có thêm đệ nhị đệ tam vương làm nha trảo canh giữ cho triều đình trung ương.

Khi Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế sau tranh chấp với Nguyễn Nhạc thì hẳn là Nguyễn Nhạc vì sức yếu hơn nên phải nhượng bộ em mình để Nguyễn Huệ lên ngôi chính vương, Nguyễn Nhạc nay thành Tây Vương. Chúng ta cũng cần lưu ý các tước vương của Tây Sơn đều theo các hướng đông, tây, nam, bắc là tứ phương chung quanh ngọn núi Meru.[12]

Nguyễn Huệ cũng tái phân chia vùng cai trị của mình cho các con, Nguyễn Quang Toản ở Xuân Kinh (hay Trung Kinh), Nguyễn Quang Bàn ở Tây Kinh, Nguyễn Quang Thuỳ ở Đông Kinh. Lối phân chia đó gần với truyền thống của Chiêm Thành hơn là của Việt Nam.

Mặc dù không giới hạn, vua Tây Sơn cũng có nhiều hơn một hoàng hậu mà ta biết rằng ngoài Bắc Cung (Ngọc Hân) có lẽ cũng có những Đông Cung, Nam Cung, Tây Cung khác nữa. Đi xa hơn, tổ chức triều chính, quân đội của nhà Tây Sơn cũng có nhiều điểm tương đồng với các quốc gia khác trong vùng Nam Á.

BÀI XI: XIÊM LA THỰC LỤC

Những người bạn tôi vẫn thường thắc mắc tại sao tôi chỉ tập trung vào triều đại Tây Sơn để nghiên cứu. Việc đó có những lý do chủ quan rất cá nhân nhưng cũng có những lý do khách quan hơn đã khiến tôi không thể vượt qua được cái hạn chế đã định sẵn của bất cứ con người nào, đó là không gian và thời gian. Sử nước ta rất dài, hữu sử tương đối có bài bản cũng phải hơn một nghìn năm, còn nếu thêm huyền sử, dã sử thì có thể kéo dài đến vài ngàn năm. Thế nhưng trong một nghìn năm đó, sử nước ta cũng không nhiều vì chủ yếu là sử triều đình, nói trắng ra là do các nhà cầm quyền chép lại, không hiếm những điều tô vẽ cho đẹp – kể cả nhiều chuyện không có thực – mà nhiều người đã chỉ ra. Khoảng một trăm năm gần đây, khi người Pháp sang nước ta và nhất là từ khi việc in ấn phát triển thì số lượng văn bản bùng nổ và đến nay hầu như khó có ai có thể tìm hiểu cho hết được. Những kho sách vở, văn thư được phổ biến gần đây cho thấy việc tìm hiểu dù chỉ hạn chế vào một địa bàn nhỏ cũng không phải dễ và đề tài nào cũng có nhiều tác phẩm – viết hay dịch – được ấn hành khiến cho những người mê sách trở nên bội độc (đọc quá nhiều ngoài nhu cầu). Đề tài nay cũng rất đa dạng, đề cập đến mọi sinh hoạt thường ngày, văn chương, thực phẩm, âm nhạc, tiểu sử, hồi ký … khiến cho thanh niên ngày hôm nay cũng khác với thế hệ của chúng tôi, không còn phải chắt chiu hàng tuần, hàng tháng chỉ để mua một quyển sách mỏng.

Đối diện với cái khó khăn thực tế đó, một khi bước chân vào một đề tài nào, chúng ta hầu như bơi trong biển tài liệu, không biết đâu là bến bờ, đã bước chân xuống là không thể trồi lên được. Chính vì đối diện với nỗi sợ của không gian thăm thẳm đó mà ngay từ đầu tôi đã cố gắng tìm một khu vực không quá lớn để bước vào.

Cách đây nhiều năm, khi bắt đầu nghiên cứu về thời kỳ cuối thế kỷ XVIII, tôi biết rằng việc trói buộc trong tài liệu và địa bàn chỉ riêng của nước ta sẽ bị hạn chế rất nhiều. Một mặt, những thay đổi thượng tầng đều có dính líu ít nhiều đến Trung Hoa nhất là Việt Nam là một vệ tinh trong quỹ đạo của họ nên dù biến hoá đến đâu nước ta vẫn không thoát khỏi cái vòng kim cô của phương bắc.

Mặt khác, Việt Nam lại là một phần của khu vực Đông Nam Á có rất nhiều tương đồng với các dân tộc chung quanh, khi bạn bè, khi thù nghịch. Có điều vì nhiều lý do, chúng ta đánh mất cái cuống rốn nên nhiều người chỉ biết tới bà vú nuôi ở phương bắc mà quên đi bà mẹ ruột ở phương nam. Cũng vì thế khi khoanh vùng để tìm hiểu, tôi cố gắng tập trung vào hai mươi năm sau cùng của thế kỷ XVIII, vì trong hai mươi năm đó, sự tương tác giữa nước ta và chung quanh lên đến cao độ.

Đối với phương bắc, chúng ta quan tâm xem họ đóng mở thế nào để tuỳ cơ mà ứng biến. Dù chỉ một thời gian ngắn ngủi, nước ta có đến ba triều đại mà mỗi dòng họ lại có những va chạm khác nhau, cứng mềm đủ cả.

Đối với phương nam, không phải chỉ riêng người Việt có những tranh chấp vùng miền, mà đây là một vùng đất mới, nếu nhận định cho chính xác thì chúng ta là những kẻ đến sau và chỉ mới có mặt độ vài trăm năm qua, trong khi đào xới quá khứ thì trước đây đã có nhiều dân tộc, nhiều nền văn minh tồn tại và hiện diện nhưng nay đã trở thành quá khứ không mấy ai biết đến. Nếu nhìn lịch sử như những biến đổi liên tục thì trong quá khứ chúng ta đã thấy trên mảnh đất của người Việt hôm nay đã từng có những đế quốc lên và xuống, những va chạm dòng tộc và dân tộc luôn luôn xoay tròn như chiếc kính vạn hoa khiến cho việc tách bạch bạn thù trở nên phức tạp.

Thế nhưng, trên một địa bàn rộng rãi hơn, hoàn cảnh tranh giành giữa các thế lực không phải chỉ ở trên giải đất hình chữ S mà hầu như vùng nào, dân nào cũng có những anh hùng kiệt hiệt, lắm khi còn dũng mãnh, cơ trí, khôn ngoan hơn những lãnh tụ người Việt mà chúng ta hết lời ca tụng. Nhìn rộng một chút, có vẻ như khu vực bán đảo nằm giữa Trung Hoa và Ấn Độ - một khu vực Indo-China đúng nghĩa – đâu đâu cũng có những người xuất chúng mà tuy ở ngay bên cạnh mình, chúng ta cũng không mấy khi biết đến.

Nếu đã chấm được mốc, khoanh được vùng thì cần một cột trụ để từ đó lan toả ra chung quanh. Tôi đặc biệt chú ý đến hai tác phẩm:

1.    Khâm Định An Nam Kỷ Lược

2.    The Dynastic Chronicles Bangkok Era (The First Reign)

Ở thời điểm hơn hai mươi năm trước, việc tìm kiếm tài liệu khó hơn ngày hôm nay rất nhiều vì khi đó việc sử dụng internet chưa phổ biến, mặc dù nhà trường có chỉ dạy nhưng không phải ai cũng có phương tiện để sử dụng. Nghiên cứu vẫn thu hẹp vào sách vở có thể mua và những thư viện địa phương.

May mắn thay, tôi có quen một học giả người Việt đang làm việc trong hệ thống thư viện Mỹ và nhờ đó tôi đã mượn được hai bộ sách này và chụp lại để dùng. KDANKL thì mượn được từ một thư viện ở miền đông nước Mỹ nhưng bộ thứ hai, Xiêm La thực lục, đệ Nhất kỷ phải mượn từ thư viện Đông Kinh ở Nhật Bản. Bộ KDANKL nguyên tác chữ Hán, tôi đã dịch và ấn hành năm 2016 tại Hà Nội. Từ bộ sách này, tôi tìm kiếm mở rộng ra các tài liệu liên quan – phần lớn là tài liệu gốc đã xuất hiện ít nhiều trong bộ sách – nay có dịp tra cứu kỹ lưỡng hơn trong kho sách vở, đáng án của nhà Thanh cũng như kho sách Hán Nôm của Việt Nam và đến nay việc truy tầm tài liệu có thể tạm coi như đã hoàn tất và sẽ công bố khi có cơ hội.

Bộ thứ hai, Xiêm La thực lục, đệ Nhất kỷ mà tôi giới thiệu ở đây lại có một tầm vóc quan trọng khác, là mặt trái của thực tế khu vực. Nghiên cứu về giai đoạn này rất đa dạng, tập trung vào cuộc tranh đấu giành lãnh thổ không phải của người Việt với xâm lăng từ bên ngoài mà người Việt với người Việt. Thế nhưng, tuy trên võ đài chúng ta chỉ thấy những thế lực của người Việt đánh lẫn nhau, thực tế chúng ta cũng chỉ phản ảnh một phần nhỏ của vùng Đông Nam Á vì lúc đó không chỉ người Việt mà hầu như cả một địa bàn rộng lớn, sự tranh giành, chiếm đoạt chỗ nào cũng có và hầu như đâu đâu cũng có những nhân vật đáng cho chúng ta tìm hiểu.

Tuy đây là một bộ chính sử của Xiêm La, chủ yếu viết về vị vua đầu tiên của dòng họ Chakri, cũng là người sáng lập của triều đại này nay đã đến đời thứ X liên tục không gián đoạn và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Trong khi công nghiệp của vua Gia Long nước ta được đặt nặng thời kỳ phục quốc, vua Rama I của Xiêm La lại tập trung vào việc giữ vững chính quyền và mở rộng lãnh thổ. Xiêm vương phải làm nhiều việc trong cùng một lúc, vừa xây dựng, vừa bành trướng, đặt nền móng cho một triều đại mà ông biết rằng nếu không khéo léo thì sẽ sớm diệt vong.

Dù chỉ chép theo lối biên niên nhưng lẩn khuất trong những biến cố chúng ta thấy được những tương tác khu vực. Miến Điện ở phương bắc là một con hổ dữ nhưng vì phải đối phó với nhà Thanh ở phía bắc và người Anh ở phía tây nên dần dần mất thế bá chủ. Những trận chiến với chung quanh cũng ly kỳ không khác gì đọc truyện Kim Dung. Ở phía nam, Xiêm La dần dần ngoi lên thành một tiểu bá mà hai vệ tinh quan trọng nhất là Cambodge và triều đình Gia Định. Sử nước ta đã bỏ qua việc chúa Nguyễn đã chính thức thần phục vua Rama I và sáu lần đưa cây vàng bạc sang xác định vị thế ấy.

Ở phía đông bắc, những khu vực bán tự trị lớn như Chiangmai, Vạn Tượng nay dần dần qui thuận. Nguyễn Huệ đã cố gắng chinh phục khu vực Bắc Thái và Ai Lao để hình thành cái thế thiên hạ tam phân nhưng chưa thành công. Đến khi vua Gia Long thống nhất đất nước, vì ân tình không cho phép ông gây hấn với đồng minh cũ nên trong 20 năm để Xiêm La tự tung tự tác. Khi vua Minh Mạng lên ngôi, ông chuyển hùng tâm vào việc làm sao cho thành một con rồng nhỏ giống Trung Hoa và ruồng rẫy những đồng minh ở phía tây nên không còn cơ hội nào bành trướng được nữa.

Từ một bản nền là Xiêm La thực lục, nếu mở rộng xoay quanh như một chiếc đèn cù, nghiên cứu về vùng Nam Á sẽ trở thành một đề tài lý thú mà nhiều người chúng ta cần tìm hiểu.

BÀI XII: TRẦN TÌNH BIỂU (HOÀNG DIỆU)


Hoàng Diệu

(1828-1882)

Rải rác trong văn chương nước ta có những bản hùng văn. Hiệu triệu tướng sĩ thì có bài Dụ Chư Tì Tướng Hịch Văn của Trần Quốc Tuấn, bá cáo cho toàn thể nhân dân thì có Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi là hai bài văn mà ngay từ đầu bậc trung học đã dạy cho trẻ em.

Thế nhưng đọc lên mà xúc động, nhất là đặt mình vào hoàn cảnh của người viết trước lúc lâm chung như tổng đốc Hoàng Diệu viết Trần Tình Biểu thì không nhiều.

Khi còn nhỏ tôi đã được đọc trong sách hay một tạp chí nào đó bản dịch tờ biểu giãi bày này, đến nay hồi tưởng vẫn còn xúc động. Cũng vì thế tôi vẫn ước mơ có một lúc nào đó tìm được bản chữ Hán để xem nguyên tác như thế nào? Mãi đến gần đây, tôi mới tìm được bản chữ Hán trong cuốn “Tiểu sử Cụ Hoàng Diệu”, tác giả Lê Dư, do Quốc Dân thư xã ở Hà Nội ấn hành tháng 10 năm 1945. Đây là một cuốn sách mỏng, phần viết về cụ Hoàng Diệu chỉ độ gần 30 trang, thuộc loại Sách Danh Nhân, theo sự giới thiệu của nhà xuất bản thì ngoài quyển này còn có các đề mục Phan Chu Trinh, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Tri Phương, Đinh Công Tráng, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can, Chu Văn An tức là hầu hết những nhà nho chống Pháp nói lên phần nào phong khí quốc dân thời đó đang sôi sục việc giành độc lập.

Lê Dư (1884-1967), biệt hiệu Sở Cuồng, thuở trẻ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và từng du học nhiều nước ở Đông Á. Ông làm việc trong Viện Viễn Đông Bác Cổ, biên soạn nhiều tài liệu và sách vở và cộng tác với nhiều tạp chí danh tiếng của nước ta hồi đầu thế kỷ XX như Nam Phong tạp chí, Hữu Thanh, Đông Thanh, Đông Tây … Phu nhân của ông Lê Dư là bà Phan thị Giệm, em nhà văn Phan Khôi, hai người là cháu ngoại cụ Hoàng Diệu nên tập sách “Tiểu sử Cụ Hoàng Diệu” có nhiều tài liệu giá trị.

Trần Tình Biểu nguyên văn chữ Hán được đăng tải tại trang 11-12 tập sách này và bản dịch của Lê Dư xuất hiện trang 12-14.

Hoàng Diệu (1828-1882) tên lúc nhỏ là Hoàng Kim Tích, tên chữ là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai sinh ngày mồng 10 tháng Hai năm Kỷ Sửu (1829, Minh Mạng 10), người làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ cử nhân khoa Mậu Thân (1848, Tự Đức nguyên niên) khi mới 20 tuổi (ta), đỗ phó bảng năm Quí Sửu (1853, Tự Đức 6). Thoạt tiên ông được bổ nhiệm làm tri phủ Tuy Phước rồi sang tri phủ Tuy Viễn (Bình Định) sau làm tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên), tri phủ Lạng Giang (Bắc-ninh) rồi lên án sát Nam Định, bố chính Bắc Ninh. Năm Tự Đức 32 (1879), ông được đưa ra bắc làm tổng đốc Hà Ninh, trong suốt ba năm không những chu toàn việc công mà còn cố gắng sửa sang thành luỹ, huấn luyện quân đội để chuẩn bị đối phó với dã tâm của người Pháp.

Tháng Hai năm Tự Đức 35 (1882), người Pháp thình lình gửi binh thuyền ra Bắc Kỳ, lấy cớ tiễu trừ quân Cờ Đen và đòi vào đóng ở trong thành Hà Nội. Hoàng Diệu vội vàng xin thêm quân để phòng bị nhưng triều đình không chấp thuận. Địch quân đòi quân ta giải giới nhưng quan ta nhất định sống chết với thành chứ không chịu hàng phục.

Chiều mồng 7 tháng Ba, quân Pháp bao vây thành Hà Nội, sáng sớm hôm mồng 8 thì gửi chiến thư yêu cầu Hoàng Diệu và các quan phải ra trình diện ở Đồn Thuỷ. Tổng đốc Hoàng Diệu sai án sát Tôn Thất Bá ra điều đình nhưng chưa nghe tin tức gì thì lúc 8 giờ sáng hôm đó, quân Pháp bắt đầu bắn vào, đến 11 giờ trưa thì bên ta hoàn toàn thất bại. Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tận ở Võ Miếu.

Trần tình biểu của Hoàng Diệu không phải là một tuyệt bút văn chương theo cách người ta thưởng ngoạn những bài phú, bài từ, bài thơ của thời Đường Tống mà là những câu văn giãi bày tâm sự, tuy không gay gắt nhưng hàm ý than trách sách lược đối phó ngoại địch của triều đình. Những năm cuối đời Tự Đức, tình hình đất nước vào thế chông chênh nhưng nhà vua vẫn giữ theo lề thói cũ, không cải cách, cũng không sửa sang để kịp thời đối phó với bất trắc. Tất cả những quốc gia Đông Á trong thời kỳ đó đều chịu chung một hiểm hoạ là sự xâm lăng của Tây phương nhưng có những quốc gia nhìn ra sự thế mà thay đổi như Nhật Bản, Xiêm La thì ngược lại cũng không ít các quốc gia vẫn say ngủ mà Trung Hoa với Việt Nam là thủ cựu hơn cả. Sau đây là cảnh tượng một buổi thiết triều của vua Tự Đức dưới cây bút của một nhà nho sống không lâu sau thời đó (người viết tự ý sửa một số lỗi chính tả):

… Dưới chín bệ thềm rồng, tán vàng tán tía dương lên, lúp súp như đám lá khoai sọ.

Trong sân chầu những chiếc bài vị đánh dấu phẩm trật lổm nhổm như đàn cóc ngồi.

Mũ cao, áo rộng, đai ủng chỉnh tề, hai bên sân chầu văn võ trăm quan sắp hàng như tư văn nhà quê sắp sửa vào tế.

Mặt trời đã hơi cao, Hoàng thượng vẫn chưa ra coi triều, ngài bận việc ở cung Khôn Ninh, chỗ ở của Từ dụ Thái hậu. Việc gì vậy? Không có việc gì hết.

Từ khi lên ngôi, vua Tự Đức – vốn sẵn đức tính nhà Nho – muốn theo sách nho; lấy đạo hiếu mà trị nước. Cái hiếu của ngài, đúng như hệt cái hiếu của vua Văn Vương mà người ta đã chép ở trong kinh Lễ. Mỗi buổi sáng từ lúc trời còn tờ mờ, ngài đã mũ áo chính chệnh vào cung Khôn Ninh, quì ở trước màn Thái hậu. Bất cứ lúc đó Thái hậu đã thức giấc hay còn ngủ say, ngài cũng phải hỏi một câu: “Thưa mẹ, đêm hôm mẹ ngủ có yên giấc không”. May mà gặp lúc Thái hậu đã thức, bà này ra chỉ “cho dậy”, thì ngài mới chịu đứng dậy. Nếu như Thái hậu còn ngủ, hỏi mà không thấy trả lời, thì ngài quì luôn ở đó, chờ cho đến khi được câu “cho dậy” của Thái hậu ban ra. Bữa nay cũng vì Thái hậu ngon mắt ngủ kỹ, ngài phải chờ đợi lâu quá, cho nên chậm coi triều.

Các quan chờ mãi đến nửa giờ Mão.

Trong điện Cần Chính, một hồi chuông rung, bấy giờ ngài mới súng sính, ngự lên ngai rồng.

Dưới sân chầu, trăm quan hết thảy phủ phục, giống như các vãi lễ “ngũ bách” ở các cửa chùa[13]

Nghi lễ thiết triều và các quan vào chầu ở sân điện chúng ta còn có thể thấy được tới tận giữa thế kỷ thứ XX, cuối đời Khải Định và đầu đời Bảo Đại.