Saturday, March 16, 2024

Trần Mạnh Toàn: Tiếng Chim Đến Cùng Dông Bão

Đặng Tấn Tới – Duy Thanh vẽ 

Cùng nhau về tụ đầu sương  

Long lanh chút mộng cuối đường tài hoa 

Đầu thập niên 70 thế kỷ trước là thời điểm được Thơ chọn để đánh dấu cuộc kỳ ngộ giữa ngôn ngữ với những ưu tư trở thành nếp nhăn trên diện mạo tâm hồn. Người làm thơ đưa ngôn ngữ vượt qua những chặng đường dằng dặc báo hiệu sự chuyển mình của một dòng thơ cần vươn  mình ra biển. Thơ trở thành sự cấp thiết của tâm hồn khi đối đãi với những dằng co, xô đẩy con người lâm lụy sâu hơn trong thế trận oan khiên. Thơ muốn được làm cơn lốc xoáy gửi lên trời gió bụi của những cuộc  lên đường không có lộ trình. Trong hoàn cảnh ấy, người làm thơ sánh cùng kẻ hát rong, vỗ về người và phân bua với đất trời bằng gan ruột của loài chim đã khánh tận tiếng hót bi thương. Nhập vào ma trận ngôn ngữ thời đại này, tuổi trẻ nhận đi trước trong thế cờ phá vỡ chước an bài, ít ra là trong nỗ lực chọn cho mình tiếng nói riêng biệt của thời dồn dập ra khơi. Thơ chuyển mình và lấy khói sóng cuồn cuộn lưng trời làm bản mệnh. Việc Thơ minh danh nhận lấy phận lênh đênh của quê nhà và con người tự nguyện gắn liền đã được từng mỗi thế hệ ghi tạc như lời gió để lại trên bia đá những nét dãi dầu. Năm 1972 có Chiêu Hồn Ca của Phạm Thiên Thư ( Bách Khoa Thời Đại, số 343, 01.5.1972) và Tuyệt Huyết Ca của Đặng Tấn Tới cùng chung lời hậu thế dâng cho núi sông nỗi đau thiêng liêng phản chiếu từ những tâm hồn thất lạc và hoàn sinh.  Hai bài ca, theo cách riêng, vực dậy nỗi oan khiên từng bao trùm quê nhà để mong trái tim nhân ái hồi sinh trong tiếng gọi đàn còn sót lại bên máu lửa.

Chiêu Hồn Ca, 184 câu song thất lục bát, là sự lặp lại mẫu mực truyền thống về thông linh, mang ý nghĩa tìm kiếm cuộc gặp mặt sau cùng với những người thượng tồn khuất mặt. Gọi là thượng tồn vì họ là những người được đánh thức, không bị bỏ quên, được hài danh giữa hằng hà cát bụi bỏ rơi giữa đấu trường mang nhiều danh nghĩa.

Chiêu Hồn là khúc hát ban chiều, mượn không-thời gian tranh tối tranh sáng làm một cách tấn phong thân phận nhá nhem của những thế hệ bị hoàn cảnh ruồng rẫy.

Chiêu Hồn không là khúc bi ca nếu những người được triệu vời tâm tín bài ca là những bước vượt được nại-hà như vượt qua ảo ảnh những ốc đảo tâm linh dựng lên trong trắc ẩn.

Chiêu Hồn là cách phản ứng tập truyền trước mối thương tâm. Là giấc mộng cần thiết trước khốn cùng. Là những giọt nước trong mơ giữa mùa đại hạn. Người viết và hát khúc chiêu hồn thuở ấy có thể cảm thấy xa rời được băn khoăn và giã biệt được bứt rứt một phần như nỗi lòng người từng mượn Tâm ca để trang trải những trái khoản với đời từ đôi ba năm trước.

Ngọn gió giải oan của Chiêu Hồn dẫu sao vẫn là khúc tự tình với quê nhà và với con người còn mất. Ngọn gió nồm được đổi tên làm nguôi ngoai hồn người trong giây lát nhưng dư ba là ngọn gió sáng của ý thức đương thời trước những điều nghịch lòng diễn ra như số mệnh của loài đá  bên trời.

 Còn Tuyệt Huyết Ca của Đặng Tấn Tới mới là lời tự tình kết tinh bằng máu. Bài ca được lập thành từ kinh nghiệm làm người trong gian truân và hái lượm được từ lồng ngực không lành vì trăn trở.

Người làm thơ gửi thông điệp về cõi trần ai từ chốn vô thức xa xăm nơi người có thể gặp lại những mảnh hồn lỡ dỡ vì cuộc thế.

Hơn là một khúc chiêu hồn, tuyệt huyết ca biểu hiện sự thăng hoa tuyệt mức của tinh thần quán thế, chia sẻ khổ hình để mong nhẹ gánh thương đau, cùng nâng chén phạt để lệ người bớt mặn. Hồn đau nhỏ máu tơ đồng  / mấy cung hồ rợn mênh mông gió gào ( câu 23-24)

Tuyệt Huyết ca là sự truy tầm chân diện tâm hồn tự trong vô thức. Người không đứng từ cảnh giới khác biệt của cõi dương để mở cuộc bố thí lòng từ mà lặn lội tìm gặp những linh hồn khổ ải vẫn chưa tròn kiếp điêu linh nơi cõi khác. Trai đàn của nhà thơ không chỉ xây dựng trên lòng trắc ẩn xót thương mà bằng ánh sáng ban mai của ý thức. Xương máu chứ không phải là phù danh hay ảo mộng mới là gia trọng của cán cân lịch sử. Trong trường hợp này, thi nhân mới là người thị chứng một sự thực từng bị dày vò, tấn phong một chân lý đã bị hàm oan. Trang chiến sử viết bằng máu lệ ( hồng sử). Hoa chiến thắng tưới bằng máu hồng ( hoa huyết), chính là chân diện của một pháo đài che lấp tầm nhìn người trong cuộc. Vịn sắc máu trong tòa hồng sử  / tay rung mầu lữ thứ cô hương  / lạnh nghe hồn réo mười phương  /  ngợp lòng hoa huyết buốt xương tương tàn ( câu 33-36.)

Tuyệt Huyết Ca là cái cách thi nhân nhập mộng để sự thực được đầu thai cũng như những cuộc lên đường đều mang theo chiếc bình thủy tinh của mơ ước.

Tuyệt Huyết Ca là cách khơi dòng cho dòng máu, thay vì luân lưu, đã chảy ngoài huyết quản. Trong một trăm linh tám (108) câu song-thất lục-bát của bài ca chỉ có mười hai câu liệt danh dòng máu bơ vơ như thân phận kẻ bị chính quê nhà ruồng rẫy

ai ước vội bên ngàn gió thẳm

ai buồn lay trên dặm lau khô

lênh đênh ngoài biển nhấp nhô

và ai trên nẻo mơ hồ hàn giang ?

người vất vưởng tận hang cùng cốc

kiếp lạc loài oan khốc kêu sương

máu khô thịt nát bên đường

rợn mầu tinh huyết đò dương đắm chìm

phơi xương trắng ngoài đêm cát lạnh

vùi đó đây từng mảnh thân non

đất bay đá chạy chi còn

bi thương cổ lục héo mòn tân thanh ( câu 37-48)

Khác với bài ca truy hồn dành cho thập loại của Tố Như, bài tuyệt huyết thu hẹp sự liệt danh như vị trí khiêm tốn của những kẻ sinh thời vốn đã lặng lẽ như chiếc bóng lẩn vào góc tối. Họ vốn có chung trong danh bạ những kẻ trắng tay, những người thua cuộc trước khi ván bài lên nước. Tương tự những con số vô tri trong cuốn sổ đời, thân phận họ còn là nghi vấn với người quản thủ.

Tuyệt Huyết ca hơn là một khúc chiêu hồn vì bên cạnh việc tẩy oan còn tiếp tục khơi dòng chảy mới cho dòng máu lạc loài đã chảy ra ngoài mạch. Con đường triết lý được mở ra không chỉ cho dòng máu trào ở bên đường mà còn cho cả những người cùng nguồn cội. Con đường ấy đầy hương sắc trí tuệ của Trang Chu hơn màu thiền mà Đặng Tấn Tới quen thuộc. Con đường hướng đến thanh cao, thoát tục được vẽ lại như một sơ đồ trong ý hướng giải thoát. Cùng nhau về tụ đầu sương  / long lanh chút mộng cuối đường tài hoa ( câu 63-64)

Như thế, thi nhân đã chọn đường không chỉ cho thơ mà muốn con đường này được dành cho mọi người trong nhân thế. Bài ca Tuyệt Huyết, từ đây, là khúc dương hòa ca ngợi cõi mà con người hướng về như đón gió sớm của mùa gặt mới.

Nơi an hưởng cho những hồn oan là cõi tịnh tâm hoàn toàn thiếu vắng bụi hồng. Quá khứ đã là mồ chôn tiền kiếp nên bài ca chưa thể vắng dấu vết của âm hưởng khúc chiêu hồn. Đàn trai của Đặng Tấn Tới vẫn được tạo dựng trên nền cũ là sự hòa hợp giữa con người với đất trời hay “ngã lớn.” Điều mà đa số trong họ, hồn nhiên và trong vô thức, sống và suy nghĩ thuở sinh tiền. Mây thanh vắng phai nhòa bào ảnh  / hồn xa đưa về cảnh non thu  / hợp tan với bóng sa mù / mang hài cái lá đi dù cái mây ( câu 65-69.)

Điều an ủy lớn nhất cho những người uổng tử là ước vọng của họ được phục sinh không chỉ trong lòng thơ. Một vận hội mới sẽ mở ra trong âu ca bên sự phụ trợ của văn chương diễm lệ.

Những cái chết được hồi sinh, hiểu theo nghĩa tiếp thêm sinh khí cho người còn sống sót.

Non nước cũ rạng ngời sông núi  / trời trong xanh muôn tuổi thơ ngây / nước trôi mây cuốn chưa đầy / ngày sương nắng biếc hồng rây ánh vàng ( câu 77-80)

Ngày mới mở ra trong thơ khiến cho từ đây khúc ca Tuyệt Huyết có dung mạo của trang tân-ước. Niềm ước mơ cùng hy vọng của con người hồi sinh trong một cảnh giới hoàn toàn khác trước. Một thế giới nằm trong viễn tượng của những trang kinh ước lệ còn chưa ráo đau thương. Mây gió nổi trôi ngàn bước mộng  / bàn chân không lùa sóng vô biên / ta đi dạo khắp cõi miền  / này là phố thảo kia triền xóm hoa  ( câu 91-94.)

Tuyệt Huyết Ca là bước vọng cầu xa hơn trước một thực tại ngày thêm gay gắt giữa con người và hoàn cảnh. Kể cũng nghịch thường khi mơ ước thêm nở hoa lúc con người bước dần vào tuyệt lộ. Mơ ước và hy vọng là bóng mát còn lại sau cùng trên đường dài gian truân lưu lạc.

Bài ca Tuyệt Huyết là hình ảnh bóng trăng trên dòng sông chết vào một ngày nguyệt tận. Con người níu lấy hư ảnh của ước mơ, qua bóng trăng, để sống còn và an ủy kẻ chẳng được may mắn như mình. Trong hoàn cảnh trên, mơ ước là loài hoa cô độc nở trên sỏi đá, tưới bằng huyết lệ, dành cho ngày trùng phùng bất hạnh.

Với ý muốn của người làm thơ, Thơ, có lẽ là phần tử duy nhất can thiệp vào định mệnh bằng việc an bài một sinh lộ tinh thần không chỉ cho người bất hạnh. Thơ đã xuống trần chịu giảo hình cùng người lâm nạn. Thơ hết bơ vơ và con người cũng không còn cô độc nữa khi họ tìm lại được mình sau giấc mộng. Ôi kiếp người trong giấc ngủ ngày  / bùn ngâm sặc óc máu loang tay ( Vũ Hoàng Chương, Ác Mộng Nào Hơn.) Nhưng ở hoàn cảnh mới này, thơ phải nhọc nhằn biết bao để mang trọn điều gửi gắm. Thơ là dự phóng của tâm hồn, nghĩa là thông tri trước những tiền cảm-giác. Để còn rung tới vô cùng  / sợi dây đơn chiếc giữa vùng đa đoan ( Vũ Hoàng Chương, Một Sợi Giống Nòi)

Không hẹn mà gặp, những người làm thơ đương thời đều nhìn về ước vọng như hướng về một tinh cầu của những giấc mơ. Bài hát giải oan vốn được viết bằng nhiều lời nhưng đều là những bước ly khai với thực tại hãi hùng để tới nơi chan hòa nắng sớm tin yêu. Người làm thơ tưởng như cùng uống chung dòng suối ngọt, gội chung ánh trăng ngàn khi cùng nhập tâm một giấc mộng lành. Em hãy nắm tay anh nhảy dài một bước  / sang hẳn phía bên kia bờ Tận Diệt ( Vũ Hoàng Chương, Nói Với Em, Ngồi Quán, Saigon, 1971.)

Cũng thế, hẳn là giấc mơ siêu thoát của người thanh niên hai-mươi thuở ấy, Võ Chân Cửu, đã trở thành điều khao khát chung của quê hương. Ước mơ nay không phản chiếu cái duy ngã mà là biên cương mới của tương lai dưới mắt bao người. Giấc mơ của Võ, thực chất không là sự ly dị với thực tại hay thể hiện một niềm tin mang màu sắc tâm linh, điều mà Tuyệt Huyết Ca nói là chỉ dành cho những người oan khuất. Giấc mơ của Võ thể hiện ý thức mới không chỉ của người trẻ tuổi về một hành trình tư tưởng cần thiết trước tương lai bất định trước mắt. Ta nghe lòng giục giã / trong khuya vắng canh gà / mười năm theo mây nổi  / ta đánh mất quê nhà ( Võ Chân Cửu, Quê Nhà, trong Tinh Sương, 1972.)  Giấc mơ của chàng hai-mươi này là hình ảnh cuộc trở về cố xứ, quê cũ. Nó không hẳn là cõi nguyên-xuân của Bùi vốn tượng hình bằng những nét mơ hồ mây khói của sự khước từ thực tại. Giấc mơ của Võ không ra ngoài ý nghĩa cuộc hành hương trong tâm thức về một quê hương đích thực như nó đã có và phải có không chỉ cho riêng mình.. Mơ ước của chàng tương tự định mệnh của sự nổi trôi nhưng là bước đầu cần thiết cho việc xa rời cái thực tại quen thuộc trong thê lương. Mây bay từ thiên cổ /  cùng nhau trời đất tan / ta một linh hồn nhỏ  / vơ vẩn miền Đại Hoang.

Giấc mơ đượm màu giải thoát của Võ còn là một thử nghiệm gian truân với những người tân tòng của ý thức mới. Giấc mơ không là hình ảnh mang hương vị trái táo chín đầu mùa mời mọc.

Những người oan khuất của Đặng được nghe tiếng hát giải oan, dù oan hay ưng, đã phải trả bằng giấc mơ chưa bao giờ có được. Và, như thế, đứng lên hôm nay và xây dựng đúng nghĩa giấc mơ bằng ý thức chính mình có lẽ mới là ý nghĩa đích thực của những tiếng lòng người thơ mẫn thế.

 Tâm Thu Kinh viết trước bài ca tuyệt-huyết 2 năm mới là giấc mộng đầu đời chưa bị thực tại lay tỉnh. Người thơ muốn thơ bước lên đài cao và ngôn ngữ là những hàng tâm niệm được ban ra từ trái tim chờ đợi thăng hoa. Thơ đã nhận kiếp mới trong kinh nên là ngôn ngữ của thời chuyển thế trong đó thơ tháp tùng người trong cuộc lên đường của ý thức. Thơ đã thành kinh nghĩa là giấc mộng thi nhân được thành toàn và người đọc thơ được phép đem theo khối óc đã được thanh tẩy.

Kinh là sự dọn đường về một cõi siêu hình, vắng mặt ý thức lẫn hình hài, tất cả như thể những gánh nặng cần bỏ lại. “ ...là máu của thiên thu về tụ dồn nhật nguyệt, vỡ hàn huyết tuyệt mù, lùi điêu linh chín cõi, cho tan nát tang hồn, vùi chôn thể phách...” ( Lời rao phát hành Tâm Thu Kinh của ĐặngTấn Tới trên tuần báo Khởi Hành, số 82, 03.12.1970, tr. 16.)

Có thể nghĩ, người làm thơ đã vạch con đường mới cho thơ bằng một phóng đồ dựa trên lộ trình của trực giác. Dù được mệnh danh là kinh hay ca, thơ vẫn là thứ ngôn ngữ được triệu vời để thi nhân bày tỏ với người. Thơ luôn được gọi mời mỗi khi con người cảm thấy an lòng khi được giãi bày, thổ lộ. Sự ký thác bằng thơ gần như là một cách thông-thiên khi thi nhân đặt niềm tin tuyệt đối vào khả năng của ngôn ngữ. Ngôn ngữ thăng hoa đem lại quân bình giữa niềm khát khao của người làm thơ và giới hạn tự thân của con người trước hoàn cảnh.  Thơ có thể khiếm diện hay tìm hình thức thế thân hay không, như có người nghĩ,  khi trái tim lẫn trực giác người làm thơ đã tỏ ra mẫn tiệp hơn người trước bước đi dồn dập của thời thế.“ Cho nên thơ là hình ảnh của con người và vũ trụ ờ ngoài mọi vấn đề. Có những thời buổi của thơ và cũng có những thời buổi khác không phải để thơ lên tiếng, mà để thơ vắng bóng nếu không muốn bị lạc loài... “ ( Huỳnh Phan Anh viết về Thanh Tâm Tuyền, Khởi Hành, số 77, 29-10-1970, tr. 4.)

Kinh hay ca Đặng Tấn Tới của mấy năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, dường như là sự xác định sự cần thiết và năng lực của thơ giữa thời mà điều ngờ vực về thơ đã thành sự thực. Có những canh cánh bên lòng mà chỉ phạm trù của thơ mới giúp người giải tỏa. Có những trầm tư mênh mang mà chỉ đôi cánh của thơ mới cất được lên cao. Thơ không đa đoan nhưng là cửa ngõ để tâm hồn người thông quá.

Thơ là bước đi thứ nhất của người vào cõi siêu hình với ngôn ngữ, hình tượng riêng của người làm thơ. Bước chân mang tính chất thí nghiệm và nhiều thách đố này đặt người làm thơ vào vị trí thừa sai. Mở rộng nước thơ bằng việc đặt thơ vào những chuyến đi về nhiều hướng trong nhiên giới và siêu nhiên giới.

a- Trong cuộc hiện thân này, đời của thơ ảo diệu vô cùng, thênh thang như gió núi trăng ngàn. Thơ chỉ in lòng trên giòng sông mà thơ rạng rỡ dù đất trời, cùng mây nước thường xanh trắng từng khi. (*)

 

-----------------------------

(*) Tâm Thu kinh gồm nhiều bài thơ được xếp đặt theo từng tiêu đề và với câu dẫn nhập. Bản được sử dụng là bản do tác giả phổ biến trên trang cá nhân (dangtantoi-28-5-2010)

-----------------------------

 

Thi nhân xác định sự hằng cửu của thơ, như chân lý hiện thân và không cần đến sự tái khảo nghiệm tự bên ngoài. Thơ không là một loài ngôn ngữ mà con người muốn tìm kiếm nguồn cơn.

Thi nhân khi minh thị thơ là kinh, nghĩa là đặt thơ ra ngoài sự phán xét, dù là tối hậu, từ chốn siêu nhiên.  Như thế, thơ là sự dẫn đường, là sự mở lối trong sự cộng thông của người đọc. Thơ hơn là sự dự phóng của tâm hồn người. Vì từ đây, con người phải trải hồn mà lắng nghe thơ như hướng về ánh sáng để hình dung mặt trời nguồn sáng. Hôm nào ta trở về Ngôi / hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian ( Vũ Hoàng Chương, Nguyện Cầu). Như người thơ đã mong ước thuở nào về khả năng của thơ và tín lực được đặt vào ngôn ngữ.(*)

 ---------------------------------

Some night, when amidst a starry vault  / my star mounts high his divine Throne  / My poetry foever gives up her cycle / will no more pursue her wordly circle. Bản dịch của Nguyễn Khang, khiến người đọc thấy rõ ý nghĩa  hai câu nguyên tác của tác giả Vũ Hoàng Chương ( Đặc San Bút Việt –VietNam P.E.N. Bulletin – số mùa Xuân Mậu Tuất, 1958.)

---------------------------------

 b- Kinh là ngôn ngữ siêu nhiên. Dường như người làm thơ  này muốn lặp lại ước mong của người đi trước bằng một hành động minh nhiên. Kinh là sự điểm mê. Đưa con người rời bóng tối thâm u của chấp trước, định kiến hẹp hòi. Con đường bước vào được thường gọi là Đạo hay không, không còn cần thiết nữa. Con người đi ra từ thân phận nhỏ nhoi vô nghĩa nơi cõi vô thường đến nơi sáng lòa tri kiến.

Phút giây thấy được bên người /  hết mình hạt bụi sáng đời lửa hương  /  là khi đứng giữa Con Đường  /  thấy hai đầu những Con Đường ra đi  /  là khi chẳng dứt Con Đường  / hoa lê trắng điểm môi hường tháng ba  / dẫm xanh bước cỏ la đà / hội mùa sương bóng giao hòa chân mây.

( Vọng Về). Như nhà thơ đã ngỏ lời, thơ chưa đáp vào hay nói ra một câu nào xác đáng. Trong quá khứ, thơ từng được thi nhân phó thác cho trăm cánh tay phù trì, ngàn sứ mệnh cứu thế. Thơ còn được ủy thác thay người định lại giấc mơ từ trong tiền kiếp. Kể từ sự có mặt của Bùi, và với Bùi, thơ như không hiện hữu tự cõi thực này vì như gian díu với đường dây mơ hồ của một cõi xa xăm được Bùi mệnh danh bằng nhiều tên khói sương không kém. Đó là thứ ngôn ngữ từ cõi khác được truyền về, đôi khi là một thứ tín hiệu của hoài nghi, mà việc giải trình chỉ là cách xác nhận một thế giới trung gian giữa nhiên-giới và siêu nhiên-giới. Cõi khác là cõi ngoài nơi mà biển và dâu thi đua nhau xanh, khiến cho dâu và biển nhập một không sai biệt ( Bùi Giáng, Câu Chuyện Hôm Nay, dẫn theo Đông Trình, Một Thế Giới Mới, Thi Nhân Đang Tập Nhìn, Khởi Hành, số 103, 6.5.1971, tr. 5.) Đó là chốn không còn phân biệt, chấp trước để xác định sự hiện hữu của mình, không còn vọng tưởng một tha lực nào đó nương tựa vào để tồn tại. Thế giới mà thơ truyền về, từ đó đã phần nào ngăn cách thơ Bùi với chúng ta còn hơn sự cách biệt giữa âm-dương, sáng-tối, mê-tỉnh. Việc Bùi hồn nhiên trong thế giới thơ của ông giữa lúc chúng ta ít nhiều trăn trở trong cõi quen thuộc của mình nói lên sự thực rằng, thơ đã tạo lập được cõi khác thanh bình hơn ta tưởng.

Trường hợp Đặng Tấn Tới có vẻ tương đồng khi lời kinh của người có dáng dấp mật truyền từ nơi viễn cách. Chính thơ (hay kinh) được gửi đi từ người tạo nên khoảng chân không, theo đúng nghĩa  của một cách định nghĩa dành cho thơ. Thơ chưa đáp vào hay nói ra một câu nào xác đáng. Như thế, thơ từ chối đáp ứng điều gì kể cả việc hành động để người ta có thể chấp nhận hay từ chối.

c- Em ma quá mộng là chi ? / ấy là em đã bước đi qua đường  / từ  ngày cỏ đẹp là sương  / hoa xanh là biếc của trường cảo thơm (Em Ma Quá Mộng).

Tuy chưa thể xác định thế giới mà Đặng Tấn Tới nhận làm nơi xuất phát hồn thơ, điều mà Bùi đã làm theo cách riêng của người thi sĩ, Đặng đã đánh thức con đường dẫn đến cõi này bằng những bước chân đầu của người khám phá nhờ một thiện duyên. Duyên đây là nguyệt – tiền kiếp của trăng – nguyện lấy tiền thân làm bảo chứng cho nguồn suối mộng bị hoài nghi. Qua hai kiếp, trăng khiến người ta ngờ vực thêm về ước vọng được con người gửi vào và kết quả họ lãnh nhận. Trăng vẫn vằng vặc dầu ước vọng gửi vào có ra sao, cũng như nét sầu vui của con người nào có tùy thuộc nỗi lòng của gương nga buổi ấy. Soi không thấy mặt  / rỡ ràng sáng trăng  / thu về man mác / một trời gió măng ( Gương Trăng.)

d- Kế đó, Đặng Tấn Tới cũng mở rộng thế-giới quan, nhìn ra được sự biến thiên xảy ra với con người và vạn hữu. Chẳng có gì bất định để có thể trụ vào. Con người trần thế cùng ông Thượng Đế xa xôi quả thật là Một.

Nhận định quen thuộc ấy như mở rộng thêm cánh cửa phương đông đón ánh nắng ban mai sáng bừng lòng người thời u uất. Người làm thơ với giấc mộng sứ truyền đã đặt lời kinh vào đầu ngọn sóng của con triều tâm ảnh. Tâm ảnh là hình bóng của lòng được truyền đi bằng thứ ngôn ngữ riêng của từng sợi tơ cảm giác. Nơi người làm thơ, tư tưởng nay được nuôi dưỡng bằng mật ngọt của ngôn từ và sắc độ của hình ảnh, và hoài thai thành từng hàng tân-ước truyền kỳ. Hãy thử gối đầu trên mây, duỗi chân trên sóng, nhẩm lại kinh tâm-thu, sẽ hình dung ra thế giới mênh mông của thơ lan tỏa theo trí tưởng tượng đến những biên cương khuyết danh

Đi về một mạch đường thanh / bàn chân tân ước bước xanh da trời  / hái hoa hay cỏ cho dài /  mai đồng trời đất cất vài ly môi ( Tuyệt Huyết Ca)

Thế giới này lạ lẫm và ngay cả nhiều phần ngộ nghĩnh  trong ý thức và luận lý của chúng ta nhưng không hoàn toàn cách biệt như sự biệt lập giữa các hành tinh. Khó có thể nghĩ, bằng vào ngôn ngữ của tâm-thu, Đặng Tấn Tới đã đóng góp thêm vào sự đóng băng tương quan giữa con người vốn đã chịu sự chìm đắm trong hoàn cảnh nghiệt ngã. Trái lại, kinh tâm-thu là tiếng nói của mùa lá rụng trong tâm. Ảm đạm nhưng tất yếu theo quy luật biến dịch của đất trời và con người. Thu cũng là màu tâm hồn được gửi trên sắc lá. Bằng thứ  ngôn ngữ riêng, vừa thể hiện một bản ngã, vừa là cách ký thác như bằng mã tự của hồn thơ, có lúc Đặng đã đến với thế hệ mình như người hướng đạo của một chuyến đi đến một tinh cầu còn xa lạ như dụ ngôn.

e- Dụ ngôn, có thể nói là thứ ngôn ngữ nhiều tầng, đòi hỏi người đọc, công việc của nhà tiên tri, thấu thị được kiếp trước của chữ nghĩa được chọn. Thứ ngôn ngữ lấy sự dấu mình làm cách sống như người ẩn sĩ nơi chốn núi rừng. Tâm-thu kinh chép bằng những chữ giản dị. Những lời ở giữa hai hàng chữ và chạy tuốt ra ngoài bài thơ. Hồn của kinh nằm trong văn tự, hiểu theo cả hai nghĩa đen-bóng, trong-ngoài.  Ở đây kinh tâm-thu đã chọn cách gửi gắm của người xưa bằng vào cái duyên tương ngộ trong số những người đến với kinh. Về đây ta lại với mình  / tròn thôi lại khuyết lung linh theo giòng ( Trăng Một Thuở Mờ Quan San Cát Tình).

g- Kinh tâm-thu là một thứ ngôn ngữ ám tàng. Ngôn ngữ nằm trong trò chơi trí tuệ. Nhưng người bày trò không là người điều động chữ nghĩa. Chính người đọc nào đó làm công việc này khi nhận được tâm truyền nơi kẻ bày trò. Kinh của Đặng là thứ ngôn ngữ nam châm, đi tìm đối cực để gặp sự hòa hợp, nghĩa là mọi điều, mọi vật đều được xây dựng trên dị biệt, mâu thuẫn. Viễn ly điên đảo mộng gì  / khi chân không hạn bước đi như đời  /  từ hồi bất tận vào chơi  / trò xương máu mãi chưa rời người ta. ( Thu Dù Bất Tận Vô Vàn Viễn Ly).

Từ xưa, thơ đã đồng nghĩa với vô hạn, nghĩa là không thể biết trước được những điều thơ sẽ nói đến, sẽ vây bọc nhưng không là thứ biên cương, dù chỉ nhất thời. Bất tận, vô hạn ,vĩnh cửu hay tầm vóc tương đương sẽ là kích thước mới của vạn hữu, kể cả hạnh phúc hay tai ương. Trong lần hiếm hoi, kinh đề cập thực tại mà không qua trò chơi chữ nghĩa. Trò chơi xương máu chưa rời người ta. Trò chơi đã vượt qua rất xa sự nhẫn nại của con người không chỉ vì nó đã rơi vào quỹ đạo hành tinh. Thơ phủ định trò chơi này dù mâu thuẫn với bản chất vô hạn mà thơ theo đuổi.

h- Hoa vài bông cuối đường hương

Đường hương đã cuối môi hường cuối chưa

Hỏi như thế thì biết đáp ra sao

Suối và sông rộng mù sương

Trùng khơi chẳng gọi, nước thường vẫn thưa

Môi cười trắng mộng canh mưa

Bao giờ đâu, mãi sóng đưa ngang trời

Đoạn kinh này mang phong cách Bùi (Giáng) hơn như ta tưởng. Không chỉ ở một số ngôn ngữ đặc thù mang dấu tay riêng biệt của Bùi mà còn ở vào trường hợp ra đời trong khoảng mơ hồ của ý thức. Mặc dầu kinh có những câu như dung nham của một cơn phún xuất bất ngờ. Môi cười trắng mộng canh mưa  / bao giờ đâu, mãi sóng đưa ngang trời. Kinh không phải là lời cầu mộng. Hay là lớp ngôn ngữ bỏ lại trên bờ sau khi hồn thơ đã theo sóng rủ nhau ra khơi.

Tác giả gọi chúng là, “câu hỏi dội vào mênh mang, gọi về một lối đáp lơ lửng.” Tiếng vọng mơ hồ nên câu hỏi vẫn còn là một nghi vấn. Trong tương quan nhân quả, chính vụ mùa được hay không giúp xác định giống lúa được gieo. Nhưng thi nhân đã phá vỡ hay ít ra nghi ngờ mối tương quan này trong cố gắng loại trừ những ràng buộc con người vào định thức hay quy củ. Trùng khơi chẳng gọi /  nước thường vẫn thưa. Là hiện tượng tự nhiên phá vỡ sự câu thúc của định kiến hay trí tuệ từng buộc chặt con người vào cỗ xe duy lý. Riêng ở điểm này, tâm-thu kinh đã mở rộng con đường duy nhiên, ca tụng cõi nguyên xuân mà Bùi đã đi trước bao người.

i – Ơi người con gái hái sen !

Ồ người em gái hoa đèn đêm xưa

Nàng về xõa tóc song mưa

Tóc đuôi gà bỏ ban trưa bay rồi

( Đặng Tấn Tới, Gái Hái Sen, trích riêng in lại trong Khởi Hành, số 72, 24.9.1972)

Nếu xét theo bố cục của trang kinh, bài thơ dẫn trên nhấn mạnh đến bản chất của sự việc mà không là cái hiện tượng ta thường lầm lẫn. Như vẻ thanh tú lẫn người thiếu nữ hái sen hay hái hoa ngâu đã không còn khi bỏ lại cái duyên dáng làm nên bản sắc. Nàng về xõa tóc song mưa. Vẻ diễm lệ lãng mạn ấy không làm nên hình ảnh đích thực của cô gái hái sen kể từ khi nàng đã xa rời chiếc đuôi gà trên mái tóc. Hình dáng cũ kỹ nền nếp ấy của người con gái mới là bóng dáng của con người được liệt hạng mà không có chút hào quang. Hệt như hình ảnh đương thời cô gái hái hoa ngâu chỉ có khi nàng cặm cụi bên vườn ngâu ngát hương thanh khiết. Hương của loài hoa, lần này, trở thành nhan sắc của người hái hoa. Sự mê hoặc của một loài hương hay đây mới thực là chân dung tâm hồn người thiếu nữ. Đặng đã viết nên kinh bằng những nhịp của trái tim.

Ơi nàng con gái hái bông ngâu

Tay rộng ngàn thâu mộng trắng phau

Sực tỉnh canh khuya cành rụng hết

 Vầng trăng rạng tỏ đóa ban đầu

Còn đối tượng của Bùi (Giáng), sau những năm tháng, đợi chờ, hoài vọng, đã hóa thân vào ngôn ngữ để trở thành một tiếng gọi, một hình ảnh, một ý thức về cái ngã. Cái ngã không còn độc lập và của riêng ai mà hòa chung với thiên nhiên, an bài trong vĩnh cửu. Ngôn ngữ Bùi sống được đời sống tự nhiên cũng nhờ ý thức trên. Nếu xem cuộc đi về gặp gỡ ấy là cuộc hành trình giải thoát, Bùi đã vãng lai chốn ấy như người giữ đền thiêng. Hơi thở là lời thiêng vì chứa đựng chúc lành nhân thế

tên em là tiếng sáo diều

hồn em ấy giọng gió kiều diễm ru

bây giờ rắc lá mùa thu

xuôi giòng sông lạnh sông Thu bốn bề

( Bùi Giáng, Bây Giờ Còn Lại)

Ngôn ngữ tiềm ẩn của Bùi là sự kế thừa vừa là chiếc bóng của ý thức trước thực tại. Bùi trót làm kẻ lánh đời nên không thể hành động đương đầu. Ngôn ngữ tiềm ẩn gần như tiếng cười bao dung, đứng ngoài thị phi và ràng buộc. Không chấp trước để tồn tại hay xây dựng một chỗ đứng cho riêng mình. Nước cờ chiêm bao chính là suy nghĩ, lối đi của việc không phân biệt được hình tướng

một ngàn cỏ lá cồn trơ

đẩy ngang ngửa nhịp nước cờ chiêm bao

( Bùi Giáng, Bờ Tồn Sinh)

k- Lòng tôi thả bóng phù vân

Theo sông ra biển, triều dâng lên trời

Đời đời tôi mãi ra khơi

Chèo ghe tang hải giọng cười cát khô

Hai bờ một bến lô xô

Bước chân qua bãi nhấp nhô trăng vàng

Đây là đoạn kinh tâm-thu có tiêu đề là “một lối rơi tuột của ba la mật”

Đến bờ giác mà gọi là “một cách rơi tuột.”  Phải chăng câu kinh muốn ám chỉ cách đốn ngộ hay trái lại, phủ nhận phương thức giác ngộ này.

Đốn ngộ là trường hợp trí tuệ bừng nở để nhận ra chân lý mà không qua một tiến trình suy tư. Sự nhận chân tương tự sự tương ngộ bất thần giữa người đã giác ngộ và người chờ lãnh hội. Sự giải thích nguyên do nằm trong điều bất khả tư nghị, nghĩa là sự giác ngộ nằm ngoài tiến trình luận lý. Việc thị chứng đốn ngộ chỉ có thể hiểu là trường hợp diệu kỳ của tư tưởng, ngộ mà không giải thích được tiến trình.

Tuy vậy, trường hợp người hành giả đáo bỉ ngạn này không phải là trường hợp thông thường. Lòng người ấy đã nhẹ như mây trôi, không gì cản trở, vướng mắc. Lòng tôi thả bóng phù vân  / theo sông ra biển, triều dâng lên bờ. Kinh nghiệm trước dâu bể của người không hề ít ỏi. Đời đời tôi mãi ra khơi /  Chèo ghe tang hải giọng cười cát khô. Cho nên cách đốn ngộ không còn là điều là điều khó khăn, hay hãn hữu nữa. Bước chân qua bãi nhấp nhô trăng vàng. Và, như thế, sự thành tựu giác ngộ không còn là điều bất khả tư nghị nữa.

m- Chẳng vơi đất cũng chẳng đầy

Một giây vô hạn trao tay làm quà

Bàn chân cát bụi chan hòa

Bước đi lối có khôn dò bến cây

Thanh hồng nào biết thơ ngây

Người qua mầu nhiệm mây bay ngang trời

( Một hột lâm ly qua đi)

Thơ đã rơi vào một mê trận ngôn bất dung từ, khi muốn được dâng cho kinh một tứ cao sâu. Trong trường hợp này, người chẳng với tới thơ, khi thơ trở thành thứ hiến tế. Thơ không có dấu vết của vô thức, hiểu theo nghĩa của trường hợp xuất thần. Tận dụng trực giác trong hy vọng tiến gần được đến thơ cũng là điều khó làm được. Khác với trường hợp có thể làm với thơ của nhóm Xuân-Thu, muốn nhuốm thơ ít nhiều màu siêu nhiên, huyền bí.

Thơ được đồng hóa với siêu nhiên, là trường hợp của tâm-thu kinh. Thi nhân đã cắt đứt mối tương thông, đường dây giao cảm giữa thi nhân và người đọc. Thơ trở nên một hòn đảo bơ vơ giữa khơi, hoàn tất ý muốn thần bí hóa thơ của người làm nên chúng. Thơ đòi người đọc phải qua con đường đốn ngộ mà dường như có lần người đã khước từ ( trong Một lối rơi tuột của ba la mật)

Nhưng, nếu xem hai bài thơ cùng một mạch ý, thì Một hột lâm ly đã qua cũng là trường hợp một công án cần được phá vỡ bằng sự hoài nghi của nội dung bài thơ hàm chứa.

n- Giấc ta chỉ thoáng phù kiều

Say ta mấy cốc rượu chiều dương gian

Lá thu cháy hết từng trang

Hồn thu trong vắt nước tràng giang đi

( Còn Thu Nào Nữa Qua Đồi Quạnh Hiu)

Một trong những câu chứa đựng nhiều chất thơ hơn cả là đây. Có lẽ bởi vì liên can ít nhiều cảnh giới thi nhân lai vãng. Cõi mà thơ được phó thác việc lay động phần ý thức ngủ yên nơi những tâm hồn lạc bước. Những xúc động của trái tim trần thế nào có thể làm chốn này xôn xao.

Cô đơn hay hoang vắng không thể làm nên ý niệm về thế giới mà tâm-kinh tỏa sáng. Quạnh hiu nào có thể bừng lên một cõi tĩnh nhiên khi thấy được. Bản chất của tâm-thu kinh là quy hướng về

việc giải thoát cái tâm mùa thu mà thế nhân mang nặng như biệt nghiệp của mình. Khi rũ sạch được mưa gió mùa thu trong lòng thì, hồn thu trong vắt nước tràng giang đi. Dòng sông sẽ đưa hồn thu đến chốn vô cùng. Giấc phù kiều mà người tương ngộ với thế gian là điều nhắc nhở bản chất vô thường của vạn hữu, giấc ta chỉ thoáng phù kiều. Ý tưởng quen thuộc trên của câu kinh dường như là điều ám ảnh những người tin ở đạo thiền về tính cách tạm bợ của mọi vấn đề dù lớn lao cách mấy, trong cuộc thế. Buông xả, là giải pháp tự nhiên của hướng đi nhưng không dễ dàng nếu con người bị buộc xem là lời thoát duy nhất. Như thế, chén say chuốc ở cõi trần không thể xem là chén để tìm quên. Quên là sự đào thoát, nên càng ràng buộc con người với điều họ muốn cởi bỏ.

l- Đất bằng đưa bước phong ba

Nước trong mây trắng lắm qua tang bồng

Còn nhau, hoa máu tươi nồng

Sáng trưng hoang lạnh cánh hồng mang mang

Đưa nhau cây cỏ hai hàng

Gió rung một lối thu tràn mênh mông

Tôi xin sương nắng hương đồng

Cùng nhau reo (gieo ?) lại tơ lòng xa xanh

Câu kinh Tơ Xanh trên không có lời dẫn nhập nhưng bù lại, là câu có nhan đề hy vọng chứa chan. Mầu xanh, mầu quen thuộc như lộc nõn của văn chương nhưng lại là sắc hiếm hoi tìm thấy trong một trang kinh, bởi vì nó là màu của nụ cười trẻ trung nơi trần thế. “ Thời bây giờ, chúng ta không còn những bài thơ xanh, những bản nhạc xanh, những con mắt xanh ngạo nghễ như tuổi thanh xuân ân sủng hiếm hoi đã bị cướp mất tự hồi nào. Tại sao người không quan tài để liệm màu xanh như ngày nào người ta đã cho Thượng  đế vào quan tài...” ( Phù Vân, Xanh Mưa, Khởi Hành, số 34, 9.12.1971, tr. 7.)

Quả thật, Tơ Xanh là ước vọng về sự phục hưng nhân bản sau cuộc tang thương diễn ra bi thảm trên đất nước. Còn nhau, hoa máu tươi nồng / Sáng trưng hoang lạnh cánh hồng mang mang. Kinh là chuỗi âm thanh mừng cuộc trùng phùng với tình người, tái thiết tâm hồn bằng những sợi tơ tình mang màu của tuổi hy vọng và tình yêu đằm thắm. Tôi xin sương nắng hương đồng /

Cùng nhau reo (gieo ?) lại tơ lòng xa xanh. Câu kinh mang đậm màu sắc và hương vị trần thế trên dường như là sự ấp ủ kín đáo ước mong chân thực của con người dưới thế. Ước vọng là sự thăng hoa của đức tin, nhưng bản chất của nó vẫn là phản ảnh niềm khao khát thực tiễn của con người. Bất lực trước cô đơn, người phương tây mai táng thượng đế bị nghi ngờ là bó tay, vô hiệu chẳng giúp được người. Còn người phương đông bình thản hơn, khi quay về nghiền ngẫm đau thương như sự sám hối với lòng để ngỏ.

o- Ngó vào thật kỹ

Thấy rõ ràng

Cái như không thấy

Từ đấy

Con Đường Lớn mở ra

Cho Tất Cả

Bài Thu Không trên là bài kinh luận về chữ Không nhà Phật, từng trở thành nguồn thi tứ mông mênh với ngưởi làm thơ có lẽ nhiều hơn là để lại băn khoăn nơi người tin vào tín lý. Giữa con đường luận lý và thi ca, chữ không mời gọi năng lực trực giác của người làm thơ hơn là trí tuệ tìm ra thêm trong  lý luận. Nhắc đến lá ngô đồng là gợi lại hình ảnh mùa thu. Đó là sự liên tưởng của khách văn chương. Không phải sự xác định của thiên nhiên mặc dù lá ngô đồng rụng vào mùa thu cùng với nhiều thứ cây khác. Lá ngô đồng rụng không làm nên mùa thu. Chính vì chữ không này mà mùa thu phải tái diễn, phải lặp lại sự có mặt hằng năm như nhắc nhở một sự thật bị khuất lấp vì một sự thực khác. Cái không bị khuất lấp, bị phủ nhận một cách gián tiếp trong trường hợp này do định kiến con người đã dành quyền tạo hóa trong việc phân định vị trí của mùa thu. Thu không như tên gọi bài kinh, là bản chất của mùa thu hơn là tiếng hát của mùa lá rụng. Nó là một mùa bơ vơ vì chưa được khai sinh. Chỉ vì ngô đồng rụng lá nên chịu mang tên của thời gian lá lả tả rời cành. Tháng gần năm đã rời xa  / mùa măng chớm mọc rớt hoa phương trời ( Bùi Giáng, Gái Khóc.)

Thi Thiên in năm 1973, là sự lặp lại Tâm-Thu kinh ra đời năm trước. Là một khúc vinh danh thơ, theo cách riêng của người thi sĩ. Thi Thiên là một tên xưa của Trời Thơ vốn là Trời Xanh Thơ Mộng, cũng là lời vui của Mặt Đất Thơ Hồng kể từ khi trăng đương độ chứa chan nguồn chơi ánh sáng. Như thế, Thi Thiên là khúc hoan ca, là lời chúc tụng dành cho sự tao ngộ của đất trời bằng cái nhìn nhuốm vẻ siêu hình của người phát giác mối tương thông. Thơ, như thế đã chiếm hữu cả đất trởi. Hai cõi được tấn phong làm lãnh địa và cương vực mới của thơ.

a- Người ta vốn gọi trời thơ mặc dầu thơ, xuất phát từ đất, nương vào đất để hình thành vương quốc văn chương. Nhưng, gọi là trời thơ vì thơ vốn là sản phẩm của thăng hoa. Vươn lên cao cùng khói, mây theo ký thác của người gửi gắm. Cánh bằng, gió núi là giấc mộng của thơ. Không có gì ngăn trở hay định hướng ngoại trừ sức mạnh của nó.

Mới hay đất đá là nhà

Mãi còn rộng mở cửa ra vô cùng

Hỡi ơi ! một cuộc chơi chung

Mà trong chốn ấy hình dung riêng nhiều

Thời gian đồng vọng tiếng kêu

Đá mây vô sắc lộng triều vô thanh

Tác giả gọi đây là tiếng nói của cuộc chơi giữa đất trời. Đúng hơn là của hai cõi thơ hợp nhất. Trong một dự phóng văn chương, cõi dung chứa con người (đất) và ước vọng (trời) được đặt vào trong vần điệu. Nghĩa là thơ đã quán xuyến mọi tương quan lẫn nỗi niềm của vạn vật. Thơ bước lên đài để dâng cao lời hợp xướng của đất trời.

Những lời mặt nước chân mây

Đã vầy cuộc máu, đã đầy tủy xương

Giữa Không có một Con Đường

Đất trời từ đó vẫn thường lại qua

Thi Thiên đề cập đến thực tại với cách nhìn trực diện mà minh triết, trước khi chỉ ra một hướng đi. Riêng về điểm này, Thi Thiên khá tương đồng với tiếng nói của một số ít người phương Nam cảm thấy có sứ mệnh rao truyền của người ở giữa cõi tiên-tục và khuyến dụ người với cái lòng  kẻ ưu thời mẫn thế. Những lời mặt nước chân mây / đã vầy cuộc máu, đã đầy tủy xương. Người làm thơ đã mượn ngôn ngữ để làm kẻ hát rong, kể truyện dạo, loan truyền điều họ cho là chân-lý hay tiền chân-lý. Con đường ( hay Đạo) rất ít mùi vị siêu hình hay tín lý, mà gần với một phong cách suy tư, một cách sống.

b- Mai kia trên bước xanh ngàn

Vang vô vi mộng cô nàng Sơn Khê

Bùi Giáng có những câu cùng một âm hưởng và thúc dục liên tưởng. Du dương bạc mệnh giang hà  / lừng vang cung bậc một Tòa Tiểu Khê. ( Cồn Hoa Trút Lá). Thơ Bùi không buộc ta phải đăm chiêu, mà trái lại, để ngỏ tâm hồn đón nắng mới trong tiếng nhã nhạc của nàng thơ. Thanh âm của thơ thốt lên như từ dịu ngọt của tiếng tơ. Ngôn ngữ chịu khuất mình vì sự có mặt của nhạc, của lời, của hình ảnh lung linh. Của điều thấy được, nghe được,và cảm được từ những tơ lòng bỏ ngỏ. Bạc mệnh trở thành định mệnh của trường giang chỉ vì tiếng hát của con suối nhỏ.

Bùi không hề có ý gửi gắm gì trong thơ ngoại trừ việc phó thác vào sự thản nhiên rất mực trước thực tại. Thơ Bùi không lấm bụi bặm cõi trần kể cả việc tránh giặt giải mũ để thử lòng dòng nước. Có những lúc, đọc thơ Bùi là cách để đến với thơ của Đặng, hay ngược lại, và trường hợp trên là một.

Ở đây, thơ Bùi là ngọn gió lạ dẫn đường đến cõi thơ Đặng Tấn Tới. Đó là cách làm quen với ngôn ngữ và nhất là phong vị thơ như khi nếm thử một thứ trái lạ trong rừng. Hương lẫn vị khác thường đó đòi hỏi cách làm quen trước khi có thể nhấm nháp thưởng thức. Thơ họ xem ra kiêu bạc với người, dù lòng họ luôn mở rộng ra trăm hướng.

c-  Mây trời nước chảy mặc tình

Trời xanh đất đó lòng tinh anh còn

Như thường rực rỡ đầu non

Nguồn trong bừng tỏ nét son môi cười

Lặng vui trên sóng gió đời

Qua bao xô đẩy rã rời lại nguyên

Đặng Tấn Tới dẫn những câu thơ trên bằng đoạn văn,“ con mắt lim dim mở ra Tất Cả, con mắt ngó đá chợt thấy tim người”. Nghĩa là ngỏ ý hoài nghi những gì ta thu thập được bằng giác quan của con người còn đắm chìm trong tư kiến. Người người có cái nhìn không như nhau, chưa kể con người có cái nhìn mỗi lúc một khác. Lặng vui trên sóng gió đời / Qua bao xô đẩy rã rời lại nguyên. Điều cần làm là mặc cho biến cố, đổi dời, cần giữ lòng nguyên vẹn, trước sau bất biến. Mây trời nước chảy mặc tình / Trời xanh đất đó lòng tinh anh còn.

Thơ Bùi, trong những lúc tiếp xúc với thực tại theo cách riêng, thi nhân đã có cái trực cảm trước những biến thiên không từ ngoại giới. Cái nhìn về ngoại giới là do biến chuyển tự tâm hồn và làm nên thế giới quan của họ. Nhìn em nhé bên bờ kia gió thổi  / Lá xanh vườn theo cỏ mượt ngân nga  / Tơ vi vút một đời thương nhớ tuổi  / Của trăng rằm xuống dọ dẫm bên hoa ( Bờ Nước Cũ.) Thiên nhiên của Bùi Giáng là sản phẩm của tâm hồn người, lấy từ mẫu nguyên-xuân mà người khăng khăng gìn giữ. Thiên nhiên đó được viết bằng những rung động của một tâm hồn còn ướt sương mai và tuyệt đối xa lạ với thực tại mà người ngoảnh mặt. Thái độ lãnh đạm với cái thực và hướng về ước vọng nguyên xuân ngay cả khi chưa nhập mộng, là chân dung tâm hồn của Bùi. Không cần xây dựng bầu khí siêu nhiên cho những điều cần viết ra, thơ Bùi phảng phất tinh ba của đất trời ứa ra giữa ngày lá rụng nhớ mùa. Nhựa ứa, lá rơi, mùa nhớ đều là những ghi nhận của tri giác con người trước cùng một hiện tượng xảy ra. Chỉ có tâm hồn thi nhân rung động cùng một nhịp trước sự tồn tại của đất trời và điệu sống tuần hoàn của cõi thế.

d- Cô liêu về giữa hương mờ

Người đâu trên bến hoang sơ gió tàn !

Đó là ý nghĩa sự trở về với chính mình trong khắc khoải. Thi nhân đã phóng chiếu lòng mình lên cái trống không của ý thức trong một chuyến tìm về.

Ngày sau sương nắng còn kêu

Cỏ cây còn thở những chiều lung linh

Gọi về bến nước xuân xanh

Trái thơ đưa giọng hoàng anh reo cành

Người ơi thắm đẹp mong manh

Nhưng ý thơ trong bài lại đối lập hẳn với đôi câu dẫn đề. Như thế, bụi mờ và hoang vắng không phải là hình ảnh của điêu tàn. Bởi vì trở về là sự tìm lại, là hy vọng và bao dung. Riêng trong sự trở về với chính mình lại bao hàm bước tiến dài về nhận thức. Hơn là việc ăn năn,sám hối, sự trở về với bản thân còn là sự phục sinh đích thực, lớn lên theo từng bước chân về. Người về còn hơn là hình ảnh cánh chim báo hiệu mùa xuân hay nắng mới ấm mùa gặt hái. Bởi vì người về không chỉ là sự dự báo một niềm vui, cho dù là hạnh phúc. Người về chính là niềm vui, là hạnh phúc. Cho chính họ, cho mọi người và cho cả thực tại mà họ tìm đến với con người mới.

Đó là lý do mà bài thơ trở về của Đặng là một khúc hoan ca. Và hai câu dẫn bài gợi ra cảnh hiu hắt, thê lương, chính là thế giới mà người rắp tăm bỏ lại khi trở về.

e- Nếu không, lòng chẳng đợi

Như cỏ, hồn đâu đau

Trời xanh ngát mãi sau

Trăng sao còn chín tới

Mệnh danh là tâm khúc, người viết nên muốn gửi vào một nỗi lòng với bao thiết tha của người ký thác. Tâm khúc tự nó là cách để thủ thỉ bên lòng, không là dụ ngôn hay rao truyền khiến người nghe tìm đến bằng tâm tín. Tác giả giải thích “ trăng sao còn chín tới” là “ vẫn còn sống động trên con đường thượng đạt mãn khai của hoa và hết mùa của quả .“  Có thể thi nhân muốn nhắc đến sự tồn tại vĩnh cửu của đất trời. Trời xanh ngát mãi sau là nhận thức quen thuộc của thế nhân. Còn trăng sao còn chín tới, là khám phá của Đặng về thế giới hằng cửu trên cao, theo cách riêng của người thi sĩ. Tâm khúc là khúc ca thổ lộ, giãi bày. Mời gọi lắng nghe tiếng đập của trái tim nhỏ máu. Đây không còn là lời kinh, đòi hỏi sự lắng nghe và nuốt lời vàng đá. Còn tâm khúc là sự mở lời hiến dâng tâm huyết một hồn thơ.

Trong ý nghĩa trên, có lẽ thơ Bùi tương tự việc tuôn trào nguồn hoan lạc tinh thần của một người cảm thấy bắt được ước vọng trong tay. Bùi chẳng tìm kiếm một dụng đích nào cho thơ mình ngay cả khi ta nghĩ rằng thơ là cách giúp ông tồn tại hay sống sót. Tâm kinh hay tâm khúc là điều xa lạ với hồn thơ Bùi, khi mà việc đi về cõi thơ của ông chỉ là cái nhìn cảnh giới của người ngoài cuộc. Những chuyến vãng lai với cuộc đời mới có ý nghĩa  của chuyến đi về ông thường nhắc tới

Đi về trong thế kỷ sau  / nhìn trong mắt thấy đời đau trong mình ( Bùi Giáng, Đi Về.)

e- Chiêm bao tóc bạc lên đàng

Ngày xưa trăng nước ngỡ ngàng ánh tươi

Đây cũng là ý nghĩa nữa của sự trở về, là hoàn nguyên, trở về gốc ngọn theo quy luật tuần hoàn của mọi vật trong đó có kiếp người. Nhà thơ nghĩ đến thuyết luân hồi trong tạo hóa mà tưởng đến sự chi phối của định luật trên trong tương quan giữa con người và trời đất. Từ đây, ta nhận ra khoảng cách vời vợi giữa trầm tư với thi hứng. Người làm thơ bất giác ngộ ra quy luật tuần hoàn cũng ứng dụng với đất trời, nghĩa là trời đất cũng bàng hoàng nhận ra sự đổi thay trên mình theo năm tháng.

Riêng Bùi, cũng nhận ra, dù là trong vô thức, về cõi tồn sinh với bóng dáng của cái còn hiện diện

Tháng năm dòng nước trôi xa  / người qua, người sẽ đi qua những người ( Bùi Giáng, Sáng Thu Ký Ức)

Dường như Bùi còn lưu luyến nơi biên giới hai cõi luân hồi bằng một loạt hình ảnh lạnh lẽo, hoang sơ, không khác không gian mà hồn thơ Đặng vẽ ra cho trầm tư nương náu

Bây giờ còn lại hai chân

Bước tìm lối cỏ tử phần hoang liêu

Tên em là tiếng sáo diều

Hồn em ấy giọng gió diễm kiều ru

Bây giờ rắc lá mùa thu

Xuôi giòng sông lạnh sông Thu bốn bề

( Bùi Giáng, Bây Giờ Còn Lại)

g- Một hôm cánh hạc về trời

Cánh hoa về đất, cánh đời về đâu

Cánh mây cánh gió về đầu

Sóng hương bóng sắc về thâu canh rằm

Cái gần tận cái xa xăm

Lối về trong bước đi đằm đằm tim

Đất ơi! chẳng nổi không chìm

Trời xanh rất trắng con chim Đại Hồng

Tác giả thao thức về một quỹ đạo nào đó của cuộc đời khi mà vạn vật đều có chốn để quay về. Phải chăng nhà thơ nghĩ đến một vũ trụ vĩnh cửu nào đó cho vạn vật mà sự có mặt tại hiện thế chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi, hữu hạn. Một thế giới siêu hình mở ra dưới mắt thi nhân cũng là sự khép lại những giá trị tuyệt vời mà người đã nức lòng xưng tụng nơi cõi thế. Cái gần tận cái xa xăm / Lối về trong bước đi đằm đằm tim. Điều khắc khoải siêu hình này xem ra sẽ khiến thi nhân trằn trọc còn hơn là thân phận lưu đầy từng làm ít ra một thế hệ cảm thấy như rơi xuống hố sâu tư tưởng.

Vào lúc nào đó, họ Bùi cũng tỏ ra đăm chiêu về thời gian ông có mặt trên đời. Con người tưởng như xem mình như người  khách lạ với cuộc đời, xem ngao du là thực chất của sự có mặt nơi đây, có lúc bâng khuâng về tương lai của cuộc viễn du, nghĩa là sẽ trở về hay mất dạng như hình ảnh cánh chim Đại Hồng của Đặng Tấn Tới. Nhưng nỗi bâng khuâng ấy hình thành một tứ thơ không phải là sự trầm ngâm nơi thi nhân. Con người làm thơ luôn luôn thắng thế nơi Bùi khi mà cõi lênh đênh vô định của hiện kiếp trước mắt người, chỉ gợi lên cảm giác phân ly của một cuộc chia tay

bàn chân bước người đi về một thuở

lá phân vân bờ bến cát sương rung

trời khuya khoắt phiêu du trăng bỡ ngỡ

người đi đâu sông nước lạnh vô cùng

(Bùi Giáng, Người Đi Đâu)

k- Rượu trời ta uống một ly

Thức rưng rưng giấc vô thì càn khôn

Nhà thơ luận về rượu trời như là tính trời mà người đời đã định danh. Rượu trời là thứ rượu gì ? Có phải là thứ rượu trong máu ấy hay thứ máu trong rượu ấy ? Rượu trời phải chăng là cái hào khí mà người có được do tác động tự bên ngoài để hình thành một chấn động nơi người tương tự sự tỉnh thức. Mối băn khoăn bám chặt đeo đẳng người  không khác bóng với hình. Tương quan nội tại hay ngoại lai đều khó có thể tách bạch nguồn cơn

Thu ơi ! phơi trắng hồn Quê

Rượu trong máu ấy lạnh tê môi sầu

Thu nào trào máu trăng thâu

Máu trong rượu ấy người đâu biết gì

Có thể là duy nhất năm xưa, có người đã chỉ ra được mạch nguồn của cảm thức. Chẳng cần phân biệt rượu từ trời hay nơi đất. Bởi vì dù rằng chén có vơi đầy, chỉ mong cái say có được khởi lên từ nỗi lòng xao xuyến. Bạn cũ về rồi hoa mới nở  / nổi tăm lòng rượu một hương ai ( Nguyễn Tuân) (*)

  -----------------------------------------

 (*) Ngô Vĩnh Bình, Nguyễn, một nhà văn Hà nội,  vanvn.vn online 5/3/2021.

 -----------------------------------

 l- Đó là tuyệt kỹ vô chiêu

Cũng là tiếng gọi trăng, triều nước mây

Thế mà máu chảy nào hay

Từng giây từng phút qua tay Đất Trời

Lý nào thật, lẽ gì chơi

Một vòng tròn mãi chẳng vơi chẳng đầy

Thi Thiên ca ngợi vai trò sáng tạo của nghệ thuật như một quyền năng. Nét vòng tròn của nhà danh họa Picasso từng chỉ ra việc nghệ thuật an định sự có mặt của con người. Hay nói khác, nghệ thuật nằm trong bầu thủy tinh của sáng tạo. Điều mà người làm văn chương nghệ thuật có thể đạt được tương tự như tuần trăng lay động được triều nước. Cũng là tiếng gọi trăng, triều nước mây. Là không chiêu thức mà chế ngự được sự vận hành trong thiên nhiên. Thế mà máu chảy nào hay  / từng giây từng phút qua tay Đất Trời.

Nhưng với  Bùi, thơ không có cái hãnh diện của quyền năng gầy dựng hay tạo tác. Bùi cũng không nghĩ đến việc sử dụng cái vô chiêu để bình thiên hạ. Thơ chỉ là khám phá từ cái tế vi trong vũ trụ qua lòng người. Dẫu là sự khám phá có thể khiến trời đất rùng mình. Bàn tay dọ dẫm sương đầm  / những mùa thưa mỏng thu thầm thì trao ( Bùi Giáng, Thu Mỏng.)

Trái tim thi nhân có thể ước lượng độ mỏng của mùa thu, hay từ tính của hạt sương mới rụng.

Thi Thiên muốn đưa ra một khát vọng của thi nhân trước sức công phá vào thành trì sáng tạo chỉ bằng một nét vẽ. Một vòng tròn mãi chẳng vơi chẳng đầy. Một vòng tròn của ý thức và cảm hứng không nhằm phong tỏa hay giới hạn những bước đi tới.

Như đã nói, thế giới Bùi và thơ nằm trong biên giới mơ hồ của vô thức. Thơ không nhận bất cứ sự ký thác hay ủy nhiệm nào nơi người viết. Kể cả dấu tay mà thời đại thường đặt vào tựa như cánh nhạn dựa lưng trời của một sớm xuân. Điều gần như duy nhất làm bận lòng thơ là sự lảng vảng mối hoài nghi về cái gọi là thực tại. Mộng lây lất ghé đêm kề /  chiêm bao phiến hoặc lối về tồn sinh ( Bùi Giáng, Tượng Số Thiên Nhiên.)

m- Lắng tâm đau thấm huyền không

Giọt như nhiên nở tràn bông trăng điều

Thi nhân nói đó là “lẽ Dịch Như, Chuyển Nhiên”. Vì muốn thấy cả đỉnh cao vời của Núi Lửa Trời hãy biết đi sâu xuống cùng thẳm hố đêm Lòng Đất. Đó là việc tùy tâm mà ứng phó thích ứng với tình thế. Thơ đã mở đường cho tri thức được phép ngấm sâu để rồi bừng nở đóa hoa trí tuệ.  Trong trường hợp này, thơ là thứ dung môi đưa tư tưởng đến với con người mà không qua môi trường giao cảm. Đỉnh cao và hố đêm là hình ảnh của hai cõi tưởng như đối lập nhau để tồn tại. Cao và sâu không mang ý nghĩa của thứ biểu tượng được gắn vào. Chỉ là những giá trị ở đầu cực, xác định sự có mặt của nhau trong tương quan giữa chúng.

Thơ Bùi cũng cho thấy sự chiếu cố cả hai cõi đất trời trong sự hồi sinh niềm tin cậy nơi con người. Cho trời một giọt mù sương  / nửa xin cho đất máu hường cho tim ( Bùi Giáng, Cho Trời)

Không tỏ ra khinh trọng bên nào, Bùi xem đất trời đều là nơi nương tựa của con người, bù lại, con người cần ân cần đáp lại. Mù sương là gì mà trời đất hân hoan. Nếu trói gọn chúng vào cái danh ẩn ngữ, tức là người đọc thu hẹp thêm biên giới thơ Bùi. Ngôn ngữ Bùi vốn như thú hoang, cỏ dại  nhưng không vì thế mà dứt bỏ ngọn nguồn. Việc truy tầm chúng không khác việc tìm kiếm yếu tố để lập thành phả hệ. Mù sương hay sương mù không xa lạ gì trong văn chương nhưng trở thành dị ngữ dưới tay Bùi Giáng. Chiều dâng trong ý mây lồng /  sương mù sa mạc xa gần trở cơn ( Bùi Giáng, Rằng Từ Ngẫu Nhĩ II- Kiều Ghé Phương Tây) Người ta có thể nghĩ rằng Bùi đã cắt đứt cái mạch hữu lý trong văn chương vốn là điều kiện để người đọc đến được với thơ. Thi giới sẽ là cõi bị gián cách. Nói như Bùi, nhịp cầu dẫn đến cõi thơ không còn nữa. Và, thơ ở vào giới hạn cuối cùng của tinh hoa ngôn ngữ khuất lấp trong mù sương tinh thể của lời ( Bùi Giáng, Rằng Từ Ngẫu Nhĩ II – Kiều Ghé Phương Tây). Đừng làm mất cái nghĩa ban sơ. Bùi căn dặn người đọc mình, nếu không muốn để lạc mình vào chữ nghĩa. Mù sương. Sương mù. Thảy đều là cái nghĩa ban sơ của từ ngữ được sử dụng.  Là những chữ mà ta hiểu lầm là ẩn tự, là mật ngữ.

n- Trần gian man mác trao người

Hoa cùng trái của mộng đời chưa tan

Ý cuối của Thi Thiên là vinh ca cõi thế bằng ngôn ngữ quen thuộc của đời. Dưỡng chất trần gian chan chứa. Thi nhân nhắc đến hoa trái của mộng đời, nghĩa là gián tiếp nói đến sứ mệnh của thơ dâng hiến cho đời suối nguồn mơ ước.

Nếu chỉ như thế, tập thơ năm 1974 của Đặng Tấn Tới là nụ cười hiếm hoi nở vào mùa gió chướng. Nhưng, niềm tin dường như khô héo từ lâu vì dãi dầu. Tâm Thu Kinh viết một năm trước đó là cách lẩn mình vào cõi siêu hình khi thực tại ngày một trở nên thách đố với lòng kiên nhẫn. Cõi siêu hình thực sự gián cách với văn chương khi giấc mộng chẳng được nuôi bằng trí tuệ. Thơ đã thực sự bơ vơ khi cánh bướm rung động không thể đậu trên tiếng chuông tỉnh thức. Thơ vào thuở ấy như băng nhanh theo ánh sao vửa kịp bắt gặp trong chuyến cuối. Chưa kịp ngỏ lời từ giã với tri âm bằng bộ mặt khắc khổ của trầm tư cao điệu. Trong thi giới hạn hẹp này, thơ Đặng Tấn Tới mang nét khổ tu, khắc kỷ, cự tuyệt lời ru êm đềm bằng ngôn ngữ mật ngọt, trong lành nơi Phạm Thiên Thư hay Trụ Vũ.

Đặng Tấn Tới và Nguyễn Tôn Nhan trở thành tiếng thơ đồng dạng một thời. Là hình bóng của tâm hồn khắc khoải vì ước mơ vắng bóng nên quy hướng thiền để thế chấp ánh trăng còn lại.

Với họ, thơ là những lời kinh. Thơ trở lại thời gian mà văn chương được truyền rao từ trên cao. Thơ là sự phổ lời ca ngợi sức mạnh siêu nhiên của trí tuệ và tri thức. Là rót linh hồn xuống huyệt trăng khơi ( Tuyệt Huyết ca, câu 58.) Và điều mong ước dành cho con người là sự phát triển giấc mơ đúng nghĩa. Long lanh chút mộng cuối đường tài hoa ( Tuyệt Huyết Ca, câu 64). Điều mơ ước còn dành cho cả quê nhà còn lại như thánh tích, là điều mà người ta không hề bắt gặp trong lễ chiêu hồn. Non nước cũ rạng ngời sông núi  / trời trong xanh muôn tuổi thơ ngây ( Tuyệt Huyết Ca, câu 77-78) Và rồi, ước mơ trở nên hiện thực mở ra như vầng đông đến lúc ban mai.

Thơ như nguồn sáng hội hoa đăng chấm dứt thảm kịch từng đọa đầy xứ sở. Nụ cười phục sinh bên hoa trong bài ca vĩnh cửu. Lòng ta vui như núi long lanh ( Tuyệt Huyết Ca, câu 106.)

Như thế, bài ca tương tự khúc giải oan, cởi bỏ oan trái cho người đồng thời thanh thản lòng mình như nguồn cội của một niềm tin tôn giáo.

Nếu như Tuyệt Huyết Ca nêu lên hướng giải thoát quen thuộc dành cho những người oan khuất lúc chiến thời, thì Tâm Thu Kinh tiếp nối con đường hướng về những người sống sót mà tâm hồn đầy thương tích và cần được an úy. Thực ra phần cuối của Tuyệt Huyết Ca, thi nhân đã dành không ít lời phủ dụ dành cho kẻ thượng tồn bằng việc phác họa một dự phóng đền bù xứng đáng. Nhưng Tâm Thu Kinh và Thi Thiên tiếp nối, đã mở con đường tương thông giữa nhiên giới và siêu nhiên giới bằng ngôn ngữ, ý tưởng, và hình tượng có hơi hướm mật truyền. Điều đó mới là giải pháp mà thi nhân xem như sinh lộ tinh thần cho những người còn lại nơi quê nhà với khắc khoải khó nguôi về dấu vết định mệnh để lại. Phủ dụ lẫn chiêu an, cái nhìn từ hai hướng không là cách giải quyết đầy đủ, khi mà thực tế con người không thể dễ dàng quên đi mộng dữ. Con đường rộng hơn mở ra cho tâm tư và nhận thức về nhân sinh và ngoại giới mới là cái đạo khai mở an lạc trước hết cho thân tâm.

Tâm Thu Kinh mở lời bằng sự phân biệt giữa bản chất với hiện tượng là sự nhắc nhở quan yếu ban đầu để có được nhận thức đúng đắn trước mọi việc, mọi vật. Phân biệt giữa mùa thu và chiếc lá vàng. Thu bao la / Chiếc lá  / Vàng.

Thi Thiên xác định một cõi trời Thơ, một không gian bao la cho thơ, ít nhất cũng ngang tầm trời đất. Trước đó, không ít người đã định vị một biên giới bát ngát cho thơ. Lần này, thế giới đó được thi nhân minh thị phong cương bằng trái tim, khối óc, tầm nhìn, giấc mơ của người thi sĩ.

Thi Thiên còn là hình ảnh dự phóng trời Thơ khi mà người làm thơ còn như lưu lạc giữa lòng mình, còn chưa tỉnh giấc nồng rời xa ý thức.

Vẻ như trong bài ca và tâm kinh, Đặng muốn đưa thi giới đến cõi mênh mang của tư tưởng được nở rộ như ngàn hoa trong mùa giáng hạ. Cảm hứng về một cõi thơ thênh thang huyền diệu đến từ niềm khát khao về giấc mộng lỵ trần đã đặt người làm thơ gần gũi với những hành giả nơi thâm sơn sống với niềm tin tuyệt đối về sự tương hòa giữa nhiên giới và siêu nhiên giới.

Bằng bài ca và tâm kinh, Đặng đã mở rộng con đường đến với hai cõi hòa hợp trên và xem là mời gọi của thế giới Thơ được tượng hình.

Cõi thơ khôi vỹ được hình dung không chỉ là chốn quy tụ của những giấc mộng ly trần, những xúc cảm thoát xác, những tiềm thức nổi trôi mà còn là sự giao thoa giữa trí tuệ và cảm xúc con người với những đối tượng còn chờ người tìm gặp hay khám phá.

Thơ Đặng trong trường hợp này có ý nghĩa của lời chú nguyện, khúc”điểm mê”, mở đường dẫn đến thế giới mới của Thơ thành tựu.

Ở một khía cạnh, bài ca Tuyệt Huyết vốn dâng lời cầu nguyện chấm dứt cảnh máu rơi, lại mở ra một viễn tượng cho đất nước, cho thực tại. Thơ giải oan lại nhận thêm sứ mệnh cứu đời bằng tâm tín của người mở lòng trước điều cần hàn gắn. Nỗi oan khuất được giải trừ không chỉ bằng nước mắt xót thương mà chính bằng nụ cười tái lập ngày mới. Về đây ngát sương sao dạo khúc  / đàn tơ xanh phổ lục từ bi  /  cỏ cây bến rạng lâm ly  /  trăng hoa một độ xuân thì mang mang ( câu 85-88.) Bài ca tẩy oan đã xua đuổi bóng tối, tẩy rửa oán thù cho ngày xuân khai hội. Một viễn tượng đổi kiếp như thế không là điều mỉa mai khi chính người chịu nạn đặt bông hoa lên huyệt mộ của đau thương và nhận lời ăn năn làm chứng.

Bài ca Tuyệt Huyết không là giấc mơ yểu mệnh vì người đã ôm giấc mơ như chính sinh mệnh mình và ước mơ phải là dòng máu luân lưu trong huyết quản. Thơ đã rắp toan hiện thực ước mơ bằng máu trong tim người làm thơ thuở ấy. Nghiêng đôi nhánh liễu thương làn tóc  /  hé đôi môi hồng ngọc bờ hoa  / mắt soi dịu ánh dương hòa  / chín từng thanh khí chói lòa hào quang

(câu 97-100.)

Thi nhân, người xây dựng hạnh phúc trên tro tàn của hủy diệt, đã thực hiện khả năng tái thiết trên chính mối đau thương người vừa hát khúc giải trừ. Hầu như chưa bao giờ, thơ đã giúp người hồi sinh bằng hơi thở được hy vọng cưu mang mãnh liệt như thế. Ôi trái đất còn non không tuổi  / lòng ta vui như núi long lanh ( câu 105-106.)  Ngôn ngữ bên trời trông ngóng đã hiển hiện theo thơ trong ước mơ không chỉ riêng của thi nhân. Bài-hát –xin-máu-ngừng –rơi đã thành khúc dương hòa và mơ ước đã thăng hoa khi thi nhân chưa kịp dừng bút.

  ---------------------------                                                    

Đặng Tấn Tới sinh năm 1943 ( mất 2017) tại An Nhơn, Bình Định. Đã in: Mưa Mắt Tình (1968), Tâm Thu Kinh (1970), Tuyệt Huyết Ca (1972), Thi Thiên (1973), Trúc Biếc (1974.) Tuyệt Huyết Ca là một khúc ca theo thể song thất lục bát gồm 108 câu gần như một khúc chiêu hồn trong chiến cuộc 1972.

  TRẦN MẠNH TOÀN