Người viết có hai người bạn thân, chơi với nhau từ thời còn học ở mấy lớp trung học đệ nhất cấp là Đào Mộng Nam và Phạm Xuân Hy. Ba chúng tôi đều mê đọc sách. Riêng hai bạn Xuân Hy và Mộng Nam có ước vọng là học chữ Hán để nghiên cứu văn chương, văn hóa Tầu. Tôi không quan tâm về việc học chữ Hán, nên thấy ước vọng của Hy và Nam chỉ là ý thích của tuổi mới lớn, khó giữ được giữa đời sống có quá nhiều việc phải làm để có thể tiếp tục việc học ở trường.
Nhưng chỉ 7 năm sau, chứng kiến sự thành tựu
với 3 tập sách Chữ Nho Tự Học của Đào Mộng Nam (57-64) và sự thành tựu của Phạm
Xuân Hy với những sách dịch truyện Liêu Trai, những bài nghiên cứu văn chương,
lịch sử Trung Hoa vào thập niên 1990, tôi thấy mình đã nhận định nông nổi về
ước vọng của hai người bạn. Từ hai sự thành tựu lớn này, tôi nghĩ việc tự học
chữ Nho của Mộng Nam và Xuân Hy đã trở thành những tấm gương đẹp. Vì thế tôi
muốn ghi lại ít điều về hai tấm gương ấy.
I. Phạm Xuân Hy
Phạm Xuân Hy sinh năm 1939, di cư vào Nam với
mẹ, nhưng sống ở Trại Học Sinh Di Cư Phú Thọ, cạnh Trường Đua Phú Thọ, Sài Gòn.
Khi biết trại có quyết định đóng cửa vào năm 1958, Hy đã tình nguyện đi sớm
theo sự khuyến khích của trại để được trại phát cho 700 đồng. Xuân Hy đã dùng
số tiền này để mua chiếc xe đạp, làm phương tiện đi học và đi bán báo. Hy đến ở
nhờ nhà Phạm Quang Chiểu bạn học của tôi, ở Cống Bà Xếp, gần chợ Hòa Hưng đường
Lê Văn Duyệt. Gặp Xuân Hy ở nhà Chiểu, thấy nhà chật chội, nên tôi bảo Hy về ở
nhà tôi ở ấp Cả Trắc, gần ngã ba Ông Tạ. Năm 1957, khu này là miền quê, dân cư
thưa thớt, sống với nghề trồng mấy loại hoa cúc, huệ, mào gà... và trồng mấy
loại rau như cải, sà lách, hành tỏi... Xuân Hy về ở nhà tôi có thể gọi là an
cư, ngày đi học, đêm đi bán báo Tự Do, Ngôn Luận tới 10 giờ.
Hy đến ở nhà tôi đã đem đến cho tôi mấy nguồn
vui:
- Thứ nhất, Hy đã dẫn tôi vào nghề bán báo buổi
tối. Mỗi chiều khoảng 6 giờ, chúng tôi tới lấy báo Tự Do ở đường Võ Tánh, ngã
sáu Sài Gòn, và Ngôn Luận ở đường Lê Lai, khi báo mới in ra. Hy đi bỏ mối báo,
vì đã có được mấy chục gia đình mua báo tháng. Còn tôi mới vào nghề nên phải đi
bán rao ở Phú Nhuận. Tôi phải đi xa như thế vì mấy khu dọc đường Lê Văn Duyệt
đã thuộc về một số bạn vào nghề trước. Mỗi tối tôi bán được 40 số báo dễ dàng.
Vào hẻm nào trên đường Chi Lăng, Nguyễn Huệ, Võ Tánh cũng phải quay xe lại với
tiếng gọi: Báo. Đi bán rao hơn 4 tháng, tôi có trên 40 chục gia đình mua báo
tháng. Thế là tôi thôi bán rao, chuyển sang bỏ mối như Xuân Hy. Đêm nào cũng
hơn 10 giờ mới về đến nhà, nhưng tôi vui vì đã kiếm được tiền để tự lo lấy quần
áo, sách vở.
- Thứ nhì, Xuân Hy đến, tôi có bạn đồng hành
đọc truyện Tàu để thảo luận những tình tiết và nhân vật trong những truyện đó.
Những đêm mưa, chỉ có tiếng i..om của ếch, nhái, ễnh ương, chúng tôi mỗi người
một đèn dầu, đọc truyện Liêu Trai Chí Dị, Tam Quốc Chí, Thất Kiếm Thập Tam
Hiệp... Khung cảnh đêm hoang vu với những tiếng ộp oạp... của ễnh ương đã đưa
chúng tôi vào thế giới ma quái của Liêu Trai Chí Dị. Trong khi trò chuyện về
truyện Tàu, Hy nói với tôi là anh sẽ tự học chữ Hán để có thể đọc Liêu Trai,
Tam Quốc, Thủy Hử... từ nguyên tác chữ Hán. Theo Hy những trang chữ Hán có sức
thu hút đặc biệt, và bảo là học giả Nguyễn Hiến Lê, Tây học mà tự học chữ Hán
để có thể nghiên cứu văn chương Tàu. Hy đưa tôi coi 3 cuốn Đại Cương Văn Học Sử
Trung Hoa của Nguyễn Hiến Lê và cuốn Học Chữ Hán Bằng Thơ Đường của Trần Trọng
San mới mua. Hy nói: Vừa đọc vừa học. Chưa biết sao, nhưng đọc thơ qua chữ Hán
thấy thú hơn. Từ đó, tôi cũng làm quen với thơ Đường qua cuốn thơ Đường của
Trần Trọng San.
Xuân Hy ở nhà tôi trên một năm, rồi cùng mấy
người bạn khác thuê nhà bên trại Tân Chí Linh. Đường vào Tân Chí Linh đối diện
với ngõ vào ấp Cả Trắc, qua đường Thoại Ngọc Hầu. Năm 1960, Hy học năm cuối ở
trường Chu Văn An, và năm sau thành công chức của Nha Trước Bạ, Sài Gòn. Đầu
thập niên 1960 gia đình tôi chuyển lên Đà Lạt... Tôi vào trường Bộ Binh Thủ
Đức, rồi ra chiến trường ở Thừa Thiên, Quảng Trị, nên từ đó không gặp Xuân Hy
nữa.
**
Năm 1981 tôi ra tù cải tạo, vượt biên tới Galang năm 1986 và được vào Mỹ định cư năm 1987. Qua bài giới thiệu tập sách “Việt Nam Đỏ Sau Chiến Tranh” tôi viết khi ở trại Bataan, Phi Luật Tân, trên tờ Lửa Việt của Hải Triều, Xuân Hy liên lạc được với tôi vào cuối năm 1987. Sau đó, Hy gửi cho tôi “Truyện Kinh Kha” do Phạm Xuân Hy dịch từ Sử Ký Tư Mã Thiên, và cho biết đang dịch Liêu Trai Chí Dị của Bồ Tùng Linh và một số truyện Liêu Trai của những tác giả khác. Đọc bản dịch truyện Kinh Kha với những điều Hy cho biết, tôi nhớ lại lời Hy nói thời ở ấp Cả Trắc năm 1957-58 và mỉm cười trước ước vọng đã thành tựu của Hy.
Tôi viết thư hỏi Xuân Hy: Tiên sinh học chữ
Hán từ năm nào. Cách học ra sao, tìm ra cách học mới hay vẫn học theo nếp cũ.
Học trong thời gian bao lâu thì tiên sinh có thể đọc truyện và dịch.
Xuân Hy đã trả lời như sau:
“Tôi bước vào con đường tự học chữ Nho từ năm
1975, trước hết là để thực hiện ước vọng từ lâu và sau đó là để tiêu khiển
trước sự đổi thay đột ngột kinh hoàng của đất nước. Học để quên đi những tháng
ngày khó khăn đen tối, lo âu cho một tương lai mờ mịt. Mới đầu tôi mua cuốn tự
điển Hán Việt của Thiều Chửu, bắt đầu gạch từng nét, đếm từng chữ. Khi đã có
một số chữ làm vốn, tôi vào Chợ Lớn, trước cửa sân Tinh Võ, trên đường Nguyễn
Trãi, mua những quyển truyện bằng tranh, lớn bằng bàn tay mà tôi mê thích khi
còn nhỏ, như Tiểu Lý Quảng, Thuyết Đường, Song Trùy Hà Nguyên Khánh, Chinh Đông
Chinh Tây...hình vẽ rất đẹp với những hàng chữ ngắn gọn dễ đọc. Tôi dùng tự
điển Thiều Chửu để tra từng chữ cho hiểu cốt truyện và để học.
Với vốn chữ đã khá và quen văn Tàu, không
biết bao lâu, nay nghĩ lại, có thể trên một năm, tôi bước sang đọc tiểu thuyết
võ hiệp như Bạch Phát Ma Nữ của tác giả nổi tiếng thời ấy là Lương Vũ Sinh,
viết theo lối bạch thoại, từng là bậc thầy của Kim Dung. Rồi tiến xa hơn, tôi
bước sang đọc cổ văn, tức văn ngôn và tập dịch Liêu Trai Chí Dị mà thời ở ấp Cả
Trắc (1957-58) tôi đã nói là sẽ có ngày đọc từ nguyên tác chữ Hán. Văn trong
Liêu Trai viết theo lối văn ngôn, thường chứa nhiều điển cố, thành ngữ, cú pháp
rất khúc mắc, thâm thúy khó hiểu. Có khi đọc được mặt chữ, nhưng không hiểu
nghĩa của câu.
Xuân Hy cho biết Hy và gia đình vượt biên năm
1979, đến đảo Pulau Tanga, thuộc Mã Lai. Ở trên đảo được 6 tháng thì được phái
đoàn Pháp nhận cho định cư. Hy viết thư về Việt Nam nhờ chú em vợ mua cho cuốn
từ điển Thiều Chửu học tiếp và từ đây đi vào dịch truyện theo lời khuyên của cụ
Nguyễn Hiến Lê là viết và dịch cũng là một phương pháp học một ngoại ngữ nhanh
nhất.
Đến đầu thập niên 2000, tôi nhận được email
của Hy, cũng chuyện về tự học chữ Nho, Hy cho biết có hai người bạn hỏi Hy về
việc học chữ Hán. Một người hỏi rằng Hy học tiếng Tàu hồi nào mà dịch thuật
nghe có vẻ xuôi tai. Người khác nói là mình mới mua mấy chục tờ báo cũ để tìm
đọc những truyện Liêu Trai Chí Dị, thấy cậu dịch Bồ Tùng Linh cũng khá - cậu
dịch hay là cop của ai đấy? Sự thắc mắc của hai người bạn, vừa có ý thán phục,
nhưng thoảng mây mù có đôi chút nghi ngờ. Riêng tôi rất cảm động và yên lòng
với câu nói “Cậu dịch Bồ Tùng Linh cũng Khá”, cũng như câu “Nghe có vẻ xuôi
tai”. Nghe có vẻ xuôi tai là vì tôi đã trút tất cả tâm tư và tình cảm vào cốt
truyện và tôi đã sống với nhân vật của mình khi tôi dịch loại truyện chí quái
lãng mạn này. Đôi khi gặp những câu cú khó khăn, nhiều điển tích, thành ngữ
hiểm hóc, không có đồng nghĩa của tiếng Việt, tôi chỉ dịch ý mà không dịch chữ
để cho bớt lủng củng. Việc này đòi hỏi nhiều công sức và thì giờ tra cứu. Chẳng
thế mà cụ Nguyễn Hiến Lê đã phải nói: “Dịch là một việc làm bạc bẽo, vì công
việc khó khăn mà ít người thưởng thức. Riêng ở nước ta, nó lại càng bạc bẽo, vì
hiếm người chịu đọc sách dịch”.
Việc dịch chữ Nho khó thật, nhưng tôi làm
công việc này một phần là để tự học và một phần vì đam mê loại truyện truyền kỳ
chí quái. Sau khi đã có một số dịch phẩm về loại truyện chí quái, và đã có được
một số độc giả về loại truyện này, tôi cho xuất bản vài dịch phẩm với những chú
thích riêng của mình”.
Từ chữ Nho, Xuân Hy đi sang chữ Nôm và anh đã
cho biết việc nghiên cứu chữ Nôm như sau:
“Những năm còn đi làm ở Pháp, khi chưa nghỉ
hưu, tôi bước sang lãnh vực chữ Nôm. Đó là thứ chữ được tổ tiên ta sáng tạo, dùng
để biểu thị tiếng nói của dân tộc mình - chữ Nôm được cấu tạo dựa vào chữ Nho,
tức là chữ Hán đã được Việt hóa, khi người Việt đọc lên, người Tàu nghe không
hiểu gì cả. Còn chữ Nôm thì người Tàu không đọc được. Tôi đã để thì giờ chăm
chú nghiên cứu và phiên âm một vài truyện Nôm, mong bảo tồn được đôi chút những
từ ngữ Việt cổ. Nhưng sức người có hạn, tôi không đi được tới cùng của môn học
này sau mấy dịch phẩm.
Ngoài những bản dịch đã xuất bản gồm Liêu
Trai Chí Dị, Hậu Liêu Trai, Thúy Thúy Truyện và Thiếp Bạc Mệnh, do nhà xuất bản
Văn Hóa ở Houston xuất bản và Tây Sương Ký Liên Hoàn Đồ (tự xuất bản), Phạm
Quân đã đưa lên nhiều trang mạng cả năm, bảy chục truyện dịch với chú giải
riêng và mấy chục bài nghiên cứu về văn hóa, sử và văn học của Trung Hoa. Đặc
biệt họ Phạm đã soạn xong 3 bộ: Niên Biểu Trung Quốc từ nhà Tần đến nhà Tấn -
Sổ Tay Nhân Vật Trung Quốc và Sổ Tay Chữ Hán (dịch và giải thích những từ ngữ,
nhân danh, địa danh, lịch sử, văn học, điển tích đã tra trên các từ điển ở trên
mạng và xếp theo mẫu tự ABC). Mỗi bộ trên ngàn trang, vì dày quá nên chưa in
được.
Trong phần giới thiệu về bản dịch Truyện Kinh
Kha của Phạm Xuân Hy, giáo sư Trần Huy Bích đã viết:
“Nhà biên khảo Phạm Xuân Hy ở Paris, người đã
dịch Liêu Trai Chí Dị và Hậu Liêu Trai trong khoảng thời gian từ 1988 đến 1997,
đã dịch, chú thích rất công phu, rồi tự xuất bản những truyện Trung Hoa rất ít
người biết như Phùng Hiệp, Yến Vĩ Nhi, Vĩnh Châu Dã Miếu Ký... đã tìm đọc từ
rất nhiều tài liệu khác nhau bằng Hán văn để viết về mối tình kín đáo giữa Tào
Thực với chị dâu là Chân Hậu, vợ của Ngụy Văn Đế Tào Phi, đưa tới bài “Lạc Thần
Phú” nổi tiếng trong văn học Trung Hoa. Ông cũng từng viết về những nghi án
liên quan đến Dương Quý Phi, đến Giả Hoàng Hậu, người chịu trách nhiệm khá lớn
về việc làm cho nhà Tây Tấn của Tư Mã Viêm (cháu nội của Tư Mã Ý đời Tam Quốc)
bị suy yếu rồi phân hóa sau mới có một đời”. (tranhuybich.blogspot.com).
Người viết xin trích ít lời của nhà thơ Du Tử
Lê viết về Phạm Xuân Hy:
“Nhắc tới dịch giả Phạm Xuân Hy, những người
đọc sách, nhất là hàng trí giả về lãnh vực chữ Hán, chữ Nôm, hầu như không ai
không biết tới tên tuổi của ông.
Họ Phạm không chỉ là tác giả của một số tác
phẩm dịch được nhiều người ưa thích như Liêu Trai Chí Dị, Hậu Liêu Trai và
Thiếp Bạc Mệnh là 3 tuyển tập chọn lọc do nhà xuất bản Văn Hóa ở Houston, Texas
lần lượt ấn hành từ năm 1988 tới 2002, ông còn là tác giả của những công trình
dịch thuật lớn như phiên âm bản truyện Nôm “Chiêu Quân Tân Truyện của tác giả
Nguyễn Tiến Khang, xuất bản năm 1922, hay phiên âm bản “Phép Dòng Chị Em Mến
Câu Rút Đức Chúa Giê Su”, bản khắc năm 1869, phiên âm bản Nôm “Thánh Giáo Yếu
Lý Quốc Ngữ” của Pigneau de Béhaine, bản khắc năm 1774. Ông cũng đã hoàn tất
phần chuyển ngữ tác phẩm đồ sộ nhan đề “Trung Quốc Lịch Triều Đại Sự Niên Biểu
(từ nhà Tần đến hết Tam Quốc).
Một số dịch giả chữ Hán có thẩm quyền ở trong
cũng như ở ngoài Việt Nam cho rằng mức độ uyên thâm về chữ Hán để dịch được
những tác phẩm văn học cổ Trung Hoa sang tiếng Việt, chúng ta có không ít tài
năng. Nhưng một học giả được coi là uyên thâm cả chữ Hán và chữ Nôm thì phải
nói là chúng ta có quá ít. Ngày một ít hơn nữa! “Trong số ít này, chúng ta có
dịch giả Phạm Xuân Hy, hiện cư ngụ ở Paris”. Một nhà Nho cựu trào ở hải ngoại
đã kết luận. (dutule.com)
Kết luận
Từ cuối năm 1987, chúng tôi liên lạc được với
nhau ở hải ngoại, người ở Pháp, người ở Mỹ, mỗi lần thư hay điện thoại Xuân Hy
đều nhắc đến thời sống với tôi ở ấp Cả Trắc, với tình cảm sâu đậm và nuối tiếc
một thời nghèo mà rất đẹp. Chẳng hạn mới đây, khi tôi hỏi Xuân Hy thêm ít điều
về chuyện học chữ Nho và tập biên khảo dở dang, sau phần trả lời, họ Phạm không
quên nhắc lại thời học trò hàn vi “Ấp Cả Trắc với ngôi nhà nền đất, mái tranh,
đêm đêm có ánh trăng lọt xuống giàn hoa mướp vàng, nghe tiếng dế gọi nhau rỉ
rả, đẹp như truyện Liêu Trai Chí Dị trong thế giới học trò nghèo của chúng mình
nơi cố quận ngày tháng cũ”.
Khi đọc những lời này, tôi chợt nghĩ – Có lẽ
khung cảnh nhà tranh vách ván trong ấp Cả Trắc cô tịch, hoang vu với vườn hoa
cúc, hoa huệ, với những đêm trường mưa rả rích, với tiếng ộp oạp.. của ếch
nhái, ễnh ương, đã in sâu trong tâm trí nho sinh Xuân Hy thế giới Liêu Trai ma
quái, nên Xuân Hy đã khởi đầu đi vào dịch Liêu Trai Chí Dị và những truyện ma
quái của những tác giả khác. Có lần tôi hỏi sao tiên sinh không dịch những tác
phẩm về văn học sử hay lịch sử của Tàu mà lại đi vào thế giới ma qủi của Liêu
Trai Chí Dị, thì họ Phạm trả lời là muốn rong chơi với ma qủi ở giữa kinh thành
đầy ánh sáng của Paris. Thì ra vậy. Mà như thế thì Xuân Hy đã đưa ấp Cả Trắc
của những đêm mưa với “Giấc hồ thơm tóc gái liêu trai” (Vũ Hoàng Chương) sang
kinh thành Paris. Ở giữa Paris mà vẫn sống với ánh lập lòe của đom đóm trong ấp
Cả Trắc, và tiếng thì thầm của Oanh Oanh trong đêm dưới mái hiên như đang ở “Miếu
nguyệt vườn sương gặp gỡ nhau” (Vũ Hoàng Chương).
Những hồi tưởng tha thiết của Xuân Hy về ấp
Cả Trắc đã dẫn tôi trở về cái làng định cư đầu tiên khi mới di cư vào Sài Gòn.
Nơi đây, nhiều buổi tối chúng tôi thường vào quán cà phê vợt, cạnh lối vào ấp, uống
một ly cà phê với nhiều đường, rồi mua một ổ bánh mì dài còn nóng dòn ở lò bánh
mì Hạnh Phúc, cạnh quán cà phê vợt, xé ổ bánh mì làm đôi, mỗi người một nửa,
vừa đi vừa ăn trên đường Thoại Ngọc Hầu. Đó là con đường lớn nối ngã ba Ông Tạ
với đường Trương Minh Giảng, Công Lý và Võ Tánh phía đi vào phi trường Tân Sơn
Nhất. Đường lớn nhưng gập ghềnh đất đá với nhà thưa thớt, đi qua khu nghĩa
trang Bến Tre với cảnh ma quái tối đen cùng ánh đom đóm lập lòe bên những bụi
rậm bên đường. Trên đường này Hy đã nhiều lần nói lên ước vọng học chữ Hán để
đọc Liêu Trai Chí Dị, Tam Quốc, Thủy Hử, Tây Sương Ký bằng chữ Hán. Hơn 20 năm
sau, không những Xuân Hy đã đạt được ước vọng đọc những tác phẩm ấy bằng nguyên
tác mà còn đi xa hơn trong việc sử dụng chữ Hán để nghiên cứu văn chương, sử và
văn hóa Tàu. Có một điểm rất rõ là mỗi lần tôi đọc một dịch phẩm hay một bài
khảo cứu nào của họ Phạm, tôi cũng hiểu nhiều hơn với những chú thích nhiều
công phu tra cứu của tác giả.
Đầu thập niên 2000, Xuân Hy cho biết là hơn
20 năm đã mua nhiều sách chữ Nho, chất đầy phòng để khi về hưu có thì giờ sẽ
thực hiện một số đề tài nghiên cứu. Nhưng khi về hưu, Hy than là sức khỏe đi
xuống nhanh với đủ thứ bệnh, mắt kém, tai nghe không rõ. Mấy năm gần đây tình
trạng càng tệ hơn, nên đã phải bỏ dở việc nghiên cứu. Nghe Xuân Hy than, tôi đã
nói với Hy là Lão Tử chỉ viết bộ Đạo Đức Kinh hơn 5000 chữ trong một đêm để lại
cho đời, rồi cưỡi trâu đi về phía tây. Xuân Hy cũng có khuynh hướng Lão Tử và
đã ngao du trong thế giới chữ Nho gần 40 năm. Như thế cũng nên thảnh thơi cưỡi
trâu ra đi theo Lão Tử.
II. Đào Mộng Nam
Giáo sư Đào Mộng Nam. Nguồn internet.
Tôi kết giao với Đào Mộng Nam cũng vào năm 1957, năm Phạm Xuân Hy đến ở nhà tôi. Nam có mấy đặc điểm là đầu lúc nào cũng chải bóng, nói nhỏ nhẹ, hát hay và ngâm thơ rất hay với đủ thứ giọng. Mỗi lần đến chơi, tôi thường nghe Nam hát bài Tà Áo Xanh (Dang Dở) của Đoàn Chuẩn, Từ Linh, còn thơ thì thường ngâm Bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính và bài Nguyện Cầu của Vũ Hoàng Chương. Có một lần đến chơi, Mộng Nam rủ tôi ra quán cà phê vợt ở đầu ngõ vào ấp Cả Trắc. Khi uống cà phê, Nam đưa tôi coi quyển vở có mấy trang chữ Hán và nói là đang theo học chữ Hán với cụ Lâm Tuyền Dã Phu Phan Vọng Húc, thân phụ của nhà thơ Phan Lạc Tuyên và Phan Lạc Giang Đông mà qua Giang Đông, Nam đã tới nhờ cụ Húc dạy chữ Hán. Nam bảo học một mình cô độc, nên rủ tôi đi học với Nam. Tôi cũng thích chữ Hán và đã học hết cuốn Hán Văn Độc Bản trong 2 năm đệ thất, đệ lục ở trường Chu Văn An (không hiểu tại sao chương trình chữ Hán lại bỏ ở đệ ngũ), nhưng thời gian này tôi đang đi bán báo ban đêm, còn quá ít thời giờ cho bài vở ở trường. Vì thế tôi bảo Nam là cậu học đi, còn tôi thì không có thì giờ để theo học. Sau này có thời giờ sẽ tính mà biết đâu lúc đó tôi lại phải làm lễ bái sư thầy Đào Mộng Nam. Từ đó thỉnh thoảng Nam vào nhà tôi sau giờ học ở nhà cụ Phan Vọng Húc. Vẫn ở quán cà phê vợt, Mộng Nam cho biết việc học tiến triển, tuần 3 buổi. Cụ Húc là lớp Nho sĩ cuối cùng còn lại nên cụ hết lòng giảng dạy, hy vọng sau này có những người trẻ tiếp nối việc của cụ. Cụ thường than là là Phan Lạc Tuyên và Phan Lạc Giang Đông đều đi vào nghiệp văn chương, nhưng không hề quan tâm đến chữ Nho.
Tôi thân với Đào Mộng Nam qua chuyện sách vở.
Tôi mê sách nên thường để dành tiền tìm mua những quyển sách quí hiếm thời đó
như Văn Học Khái Luận của Đặng Thái Mai, Kinh Thi Việt Nam của Trương Tửu,
Thượng Cổ Sử Ai Cập của Nguyễn Đức Quỳnh, Xã Hội Việt Nam của Lương Đức Thiệp,
Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân... và nhà tôi thành nơi trao đổi sách của
những người trẻ lớp tuổi tôi thích đọc sách. Đào Mộng Nam bằng tuổi tôi, sinh
năm 1941, lúc đó mới 17, 18 tuổi, nhưng sau khi đọc xong cuốn nào, Nam thường có
những nhận định khác lạ. Chẳng hạn như sau khi đọc 2 cuốn Đi Tìm Một Căn Bản Tư
Tưởng và Diễn Tiến Của Phong Trào Quốc Gia Việt Nam của Nghiêm Xuân Hồng, Nam
đem sách trả tôi và nói là nhóm Quan Điểm của Nghiêm Xuân Hồng, Lê Quang Luật
và Mặc Đỗ sẽ chẳng đi đến đâu vì đã vướng vào vòng đấu tranh giai cấp của K.
Marx, khi xướng lên tư tưởng giai cấp tiểu tư sản làm lịch sử và trí thức tiểu
tư sản lãnh đạo lịch sử để đối lại với giai cấp vô sản. Cái nền tiểu tư sản
không vững, còn trí thức không bao giờ thống nhất với nhau thì làm sao lãnh đạo
lịch sử. Qua lịch sử Tàu và Việt ta thấy những ông vua làm nên lịch sử đều
không ở tầng lớp trí thức, thường ít học nhưng có tài quy tụ tay chân tả hữu và
biết nắm thời cơ. Còn tầng lớp trí thức gọi là kẻ sĩ thường theo phò trước hay
sau khi ông vua đó làm chủ thiên hạ. Gần chúng ta nhất như Hồ Hữu Tường, là trí
thức hàng đầu, là lý thuyết gia, nhưng hoàn cảnh thời thế đã đẩy ông Tường chạy
theo phò Bảy Viễn (một tay anh chị có quân và tướng). Sở dĩ tôi nhớ những nhận
định này của Nam, vì tôi để tâm đọc hết sách của Nghiêm Xuân Hồng và thấy lý
thuyết gia họ Nghiêm sau khi ra phò tướng Nguyễn Khánh bị vỡ mộng, vì tưởng
Nguyễn Khánh là Nasser của Ai Cập, nên quay về đọc hết truyện Kim Dung, rồi
nghiên cứu Phật Giáo, thành cư sĩ với đạo hiệu là Tịnh Liên, đi truyền bá Phật
pháp, tôi thấy Nam hiểu sớm và sáng hơn tôi nhiều.
Khoảng cuối năm 1958, Đào Mộng Nam đến bảo
tôi là Nam nhường cho tôi một chỗ kèm trẻ ở tư gia trong khu cư xá sĩ quan Chí
Hòa, vì nhà Nam ở Nguyễn Cảnh Chân, trên Tân Định, xuống đây xa quá. Nam dẫn
tôi đến cư xá sĩ quan, giới thiệu tôi với gia đình một đại úy tiểu đoàn trưởng,
tiểu đoàn truyền tin. Thế là Phạm Xuân Hy đã dẫn tôi vào nghề bán báo đêm, còn
Mộng Nam dẫn tôi vào nghề kèm trẻ tư gia.
Đầu năm 1963, gia đình tôi bán nhà đất ở ấp
Cả Trắc và chuyển lên Đà Lạt. Cuối năm 1964, tôi có việc phải xuống Sài Gòn.
Một buổi sáng trong khi đang đứng chờ xe buýt ở Ngã Bảy, nghe tiếng gọi tên ở
bên kia đường, nhìn lên thấy người gọi vẫy tay, tôi đi vội qua thì ngạc nhiên,
đó là Đào Mộng Nam, tóc chải mướt, mặc bộ bà ba trắng, chân đi guốc mộc. Nam
cầm tay tôi cười nói:
- Mới xa cách một năm mà không nhận ra nhau
nữa à?
- Cậu thay đổi kiểu ăn mặc thế này, lại nắng
chói giữa người và xe cộ, làm sao nhận ra.
Nam cầm tay tôi đi về phía đường Phan Thanh
Giản:
- Về nhà mình ở trên này.
Tôi theo Nam đi qua bệnh viện Bình Dân, rẽ
vào một đường hẻm khá rộng. Đi chừng mấy chục mét, Nam dừng lại mở cổng đi vào.
Ngôi nhà rộng, kê 5, 6 cái bàn dài với ghế dài. Trên tường có chiếc bảng đen
lớn. Nam đưa tôi tới cái bàn vuông ở cuối phòng bảo:
- Cậu ngồi đây để mình đi lấy nước uống.
Sau khi rót trà ra chén, Nam bảo tôi:
- Đây là trường dạy chữ Nho của mình từ đầu
năm 1964. Học viên khá đông, đa số là người lớn, có cả sinh viên đại học văn
khoa và người Tàu.
Tôi ngạc nhiên nhìn Nam không nói nên lời.
Nam đưa tôi một tập in ronéo, nhan đề là Chữ Nho Tự Học, rồi nói:
- Sau khi học cụ Phan Vọng Húc được 2 năm, có
được một số vốn chữ Nho, mình xuống Chợ Lớn, vào nhà sách, tìm mua những sách
dạy học sinh từ vỡ lòng đến sơ trung, cao trung của Đài Loan và Hồng Kông,
nghiên cứu những bài học từ thấp lên cao với cách dạy của họ. Từ việc đọc kỹ
sách giáo khoa của Đài Loan và Hồng Kông, mình tìm ra cách học mới, đơn giản dễ
nhớ, chớ không như cách cụ Phan Vọng Húc dạy. Cụ là nhà Nho cựu trào, vẫn dạy
theo nếp học cũ, mất nhiều thời gian và phải vận dụng nhiều trí nhớ. Học theo
cụ thì phải mất 3, 4 năm mới đọc được Tam Quốc, Thủy Hử. Vì thế mình từ giã cụ,
rồi tự học theo cách của mình. Trong quá trình học đó, mình soạn ra 3 tập này.
Cậu đem về học đều theo cách phân tích của mình, chữ sẽ vào đầu tự nhiên và dễ
nhớ. Đọc xong 3 tập này, từ 6, 7 tháng đến một năm, cậu sẽ đọc được Tam Quốc
Chí, Liêu Trai Chí Dị và Sử Ký Tư Mã Thiên...
Tôi giở tập I, xem qua một số trang, rồi hỏi:
- Cậu tìm học chữ Hán vì động lực gì?
- Trở về nguồn cội. Chữ ABC dễ học, phổ thông
là một ơn ích cho dân tộc Việt. Nhưng chỉ có chữ ABC, chúng ta sẽ đi ra xa, ra
ngoài nguồn cội. Mình đã tìm ra cách học chữ Nho dễ và nhanh. Bằng phương pháp
học này, mình sẽ thực hiện một cuộc vận động trở về nguồn bằng chữ Nho. Mình sẽ
phát triển việc dạy chữ Nho ở những Phật Học Đường, Hội Khổng Học và một số cơ
sở do mình vận động tự thành lập. Từ những cơ sở này vừa dạy vừa tìm những người
hiểu giá trị của về nguồn, nhất là giới trẻ, sinh viên đại học, kết thành những
hạt nhân văn hóa. Phát triển việc dạy và học chữ Nho cũng là tạo áp lực để Bộ
Quốc Gia Giáo Dục thiết lập lại chương trình dạy chữ Nho ở trung học. Mình hình
dung khi tất cả những học sinh trung học thông thạo chữ Nho thì bộ mặt văn hóa
của đất nước sẽ khác, nguồn văn hóa sẽ sâu thẳm chớ gốc rễ không mờ nhạt, vong
bản như bây giờ. Việc làm văn hóa không phải là chuyện kêu gọi mà là tạo điều
kiện và hoàn cảnh cho nó tự hành. Mình đã tự tạo được căn bản cho mình và tự
tin trong cuộc vận động này.
- Cuối năm 1957, cậu rủ tôi đi học chữ Hán ở
nhà cụ Phan Vọng Húc. Tôi nghĩ đó chỉ là ý thích của tuổi trẻ, nhưng không ngờ
cậu nuôi một hoài bão lớn, một cái nhìn xa. Còn tôi thì nông cạn, không nhìn gì
cả.
- Lúc đó, mình không dám nói nhiều, nghĩ là
phải học thông chữ Nho rồi mới có thể nói tiếp. Và hôm nay mình đã nói tiếp.
Tôi đưa tay nắm tay Nam:
- Mừng Nam đã đạt được sự thành tựu căn bản
bước đầu để có thể đi xa. Năm 57, tôi nói đùa là biết đâu tới lúc đó sẽ bái cậu
làm sư phụ. Không ngờ nay thành sự thực. Bây giờ tôi phải đi. Chiều mai khoảng
6 giờ, tôi sẽ trở lại làm lễ bái sư và mời Nam tới nhà hàng Ngọc Sơn ở đường Lê
Thánh Tôn.
**
Tôi đem 3 tập Chữ Nho Tự Học về Đà Lạt đọc kỹ
tập I và nhận ra phương pháp học chữ Hán của Đào Mộng Nam giúp người học dễ nhớ
bằng mấy điểm:
- Phân tích cấu tạo của mỗi chữ ra những
thành phần đơn giản và nói lên sự tương quan giữa các phần.
- Chữ tượng hình thì tác giả vẽ hình.
- Còn những chữ khác tác giả tìm ra một
chuyện liên quan đến nghĩa của chữ.
- Đi từ dễ đến khó với những bài ngắn, gồm cả
văn ngôn (cổ văn) và bạch thoại. Có phần văn phạm cho cả 2 loại văn.
- Nói chung, tác giả đã vận dụng 6 phép cấu
tạo chữ Hán, gọi là lục thư, với sự sáng tạo riêng để tìm ra cách học cho dễ
nhận, dễ nhớ. Còn những bài học ngắn là sử dụng những chữ đã học để học luôn 2
loại văn ngôn và bạch thoại. Như thế tác giả giúp người học, sau khi học xong 3
cuốn Chữ Nho gồm 1882 chữ thông dụng căn bản có thể đọc sách Trung Hoa và hiểu
được cả văn ngôn như văn Liêu Trai Chí Dị hay văn bạch thoại như truyện của
Quỳnh Dao.
Năm 1964-65 là đỉnh cao của truyện chưởng Kim
Dung ở Việt Nam. Hàng ngày tôi cũng chờ báo để đọc tiếp Tiếu Ngạo Giang Hồ, nên
truyện Kim Dung đã thúc đẩy tôi học chữ Hán và trong mấy tháng tôi đã học xong
tập I. Nhưng giai đoạn này chính trị miền Nam hỗn loạn với chỉnh lý và đảo
chánh đi cùng với việc đấu tranh cực đoan đem bàn thờ Phật ra đường của Phật
Giáo Ấn Quang. Đà Lạt là thành phố yên tĩnh cũng không thoát được thứ đấu tranh
này. Trên đường Đà Lạt –Sài Gòn đã thường xuyên bị du kích của Mặt Trận Giải
Phóng Miền Nam chặn xe ở khoảng đèo Chuối hay phía dưới Madagoui. Thời cuộc bất
an, nên tôi không học tiếp, rồi tới tháng 4 năm 1966 tôi phải trình diện để đi
vào trường Bộ Binh Thủ Đức. Suốt thời gian 9 tháng ở Thủ Đức, những ngày thứ
Bảy, chủ Nhật đi phép, tôi đã không tìm gặp Đào Mộng Nam, nhưng qua báo chí,
tôi biết Nam đã mở rộng được nhiều cơ sở dạy chữ Nho như Viện Đại Học Vạn Hạnh,
Phật Học Viện Quảng Đức, Phật Học Đường Huệ Nghiêm và Hội Khổng Học Việt Nam...
Trong khi chiến tranh tiếp diễn ngày một dữ dội trên khắp miền Nam, tôi hình
dung Nam với bộ bà ba trắng, chân đi guốc mộc, đang nỗ lực thực hiện một cuộc
vận động văn hóa về nguồn bằng chữ Nho, xây dựng thế chân vạc Nho-Nôm-quốc ngữ
ABC thành một nguồn văn tự dân tộc Việt mà không quốc gia nào có. Nhưng tôi sợ
chiến tranh sẽ phá hủy, cắt đứt dòng vận động của họ Đào.
Tôi đã đi vào cuộc chiến ở vùng I Thừa Thiên,
Quảng Trị, nên không trở lại được với bộ Chữ Nho của Đào Mộng Nam, nhưng hẹn sẽ
có ngày trở lại với nó. Khoảng năm 1970, từ đơn vị xa trở về Huế, tôi ghé vào
nhà sách Ưng Hạ, gần đầu cầu Trường Tiền trên đường Trần Hưng Đạo để coi mua
vài cuốn sách và tạp chí. Khi đứng trước kệ sách giữa nhà, tôi lóa mắt vì 3
quyển Chữ Nho Tự Học, khổ lớn bìa đỏ, cạnh 3 cuốn đó là bộ Nho Văn Giáo Khoa
Toàn Thư, bìa màu tím của Nguyễn Văn Ba, rồi tới mấy cuốn Dịch Kinh Linh Khảo,
Triết Lý Cái Đình.. của Kim Định. Tất cả những cuốn này đều do nhà xuất bản
Nguồn Sáng xuất bản, một nhà xuất bản mới ra đời. Tôi lấy cả những cuốn này,
rồi ra ngoài nhặt 2 số Bách Khoa. Khi ngồi trên đò Đông Ba - Đập Đá để về Vĩ
Dạ, giở coi trang trong của bộ Nho Văn Giáo Khoa Toàn Thư, tôi thấy hàng chữ:
Nhà xuất bản Nguồn Sáng – Giám Đốc Đào Mộng Nam. Tôi kêu thầm: A! anh bạn quần
áo bà ba, đi guốc này đã đi thêm một bước nữa trong cuộc vận động văn hóa. Tôi
đã đọc một số sách của linh mục Kim Định, biết linh mục quảng bá tư tưởng Việt
Nho qua việc viết sách và dạy học, và luôn luôn đề cao chữ Nho là một linh tự.
Ngài Kim Định quảng bá tư tưởng bằng sách và môi trường đại học. Nay Mộng Nam
kết với ngài thì Nam có nguồn tư tưởng Việt Nho và linh mục Kim Định có mũi
nhọn xung kích phát triển linh tự Nho văn là Đào Mộng Nam. Đọc sách của linh
mục Kim Định, tôi có cảm tưởng linh mục chịu ảnh hưởng của Lý Đông A. Nếu cảm
tưởng của tôi đúng thì việc vận động văn hóa của Mộng Nam có nền tư tưởng Việt
Nho và xa hơn thấp thoáng có họ Lý với Duy Dân Thảo Án Quốc Sách Toàn Pho.
Lần ấy tôi đem cả số sách của Nguồn Sáng ra
căn cứ Vinh An, bên sông Ô Lâu, gần Mỹ Chánh. Ba cuốn Chữ Nho Tự Học in lại
đẹp, sáng sủa, nhưng dưới 3 chữ Đào Mộng Nam có thêm mấy chữ Giảng Sư Đại Học
Huế. Tôi học lại cuốn I và đọc sách của linh mục Kim Định. Thời gian này, từ
1971 trở đi, Cộng quân lại gia tăng đánh phá ở nhiều nơi. Đêm ngày nhìn mấy
cuốn sách với tiếng đại bác và ánh hỏa châu gần xa, tôi thấy người làm văn hóa
cứ lặng lẽ đi bên cạnh sự tàn phá của chiến tranh. Người làm, người phá! Số
phận của đất nước như thế. Việt Nho, linh tự Nho văn – Thế chân vạc Nho – Nôm -
chữ ABC của văn tự Việt Nam. Đến một lúc học sinh trung học thông thạo chữ Nho
thì nội lực văn hóa Việt Nam sẽ khác. Đào Mộng Nam đã say sưa nói với tôi những
lời này và Nam đã đem thân vào cuộc vận động đó. Nếu đất nước hòa bình thì đây
là cuộc vận động tuyệt vời. Nhưng đất nước đang chiến tranh. Làm thì lâu, nhưng
phá thì chỉ cần một tiếng nổ là tan tành tất cả. Tôi vẫn tiếp tục học sách của
Nam, dù không đều cho đến mùa hè đỏ lửa thì phải ngừng, vì Cộng quân chiếm
Quảng Trị (1972) và sông Ô Lâu trở thành tuyến phòng thủ của quân lực Việt Nam
Cộng Hòa với thủy Quân Lục chiến và Nhảy Dù. Mặc dù cuối năm 1972, quân Cộng Hòa
đã giải phóng Quảng Trị, nhưng từ đó, miền đất địa đầu đã không còn yên với
lính và tới tháng 3/1975 thì quân Việt Nam Cộng Hòa tan rã với lệnh di tản của
tổng thống Thiệu, đã tạo ra những thảm kịch cho quân và dân ở bãi biển Thuận An
và cửa Tư Hiền khi Cộng quân pháo kích vào hai nơi này.
**
Năm 1981 tôi ra tù cải tạo, đến năm 1986 được
người quen giới thiệu cho chuyến vượt biên. Tháng 4 tôi tới đảo Galang và được
vào Mỹ định cư ở Chicago tháng 4/1987. Khoảng đầu năm 1989, tôi sang California
để dự cuộc họp của những văn nghệ sĩ để thành lập Hội Văn Nghệ Sĩ Tự Do do nhóm
vận động gồm một số nhà văn, nhà thơ như Chu Tấn, Đào Văn Bình, Hồ Công Tâm...
Ở cuộc họp này tôi gặp lại Đào Mộng Nam sau 25 năm. Nam cho biết có người em ở
Hải Quân nên đã đem gia đình xuống tàu đi từ ngày 29/4/75. Nam không thay đổi
gì mấy vẫn nho nhã, chỉ khác là mái tóc đã để dài buộc sau gáy. Buổi tối ấy,
Nam đã mời tôi và Chu Tấn đến một nhà hàng ở Bolsa, nổi tiếng với món tiết canh
vịt. Sau bữa ăn, Nam chở Chu Tấn về lại ngôi nhà của một thân hữu cho mượn dùng
làm trung tâm họp thành lập Hội Văn Nghệ Sĩ Việt Nam ở Fountain Valley. Còn tôi
đi với Nam về nhà Nam. Nam lái chiếc Pickup truck cỡ nhỏ, trên xe có thang và
nhiều thùng sơn, đi qua mấy con đường với những ngôi nhà thấp để về nhà. Nam
sống một mình trong ngôi nhà nhỏ, một phòng ngủ, phòng khách khá rộng, sách báo
để khắp nơi với nhiều tập sách chữ Hán. Đêm ấy tôi hỏi Nam:
- Qua đây, ông sống bằng nghề gì?
Nam đáp:
- Đi sửa nhà và sơn nhà.
- Tôi thấy ở Mỹ có nhiều nhà xuất bản đã in
lại nhiều sách của Miền Nam, sao ông không cho in lại 3 cuốn Chữ Nho Tự Học?
Nam trả lời:
- Khi nào đời sống ổn định thì sẽ in lại.
Việc đó dễ.
- Ổn định với ông hay với những người tỵ nạn
nói chung.
- Với cả hai.
- Vậy là qua đây từ 75 đến giờ, ông đã bỏ văn
chương chữ nghĩa?
Nam lắc đầu:
- Bỏ sao được. Làm việc khác. Tôi đã dịch
hàng trăm bài thơ Đường, hàng trăm bài thơ của những nhà cách mạng chống Pháp
như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh... và nay
thì dịch thơ chữ Nho của Cao Bá Quát. Trước kia đi học, chúng ta chỉ được học
ít bài thơ, phú chữ Nôm của Cao Bá Quát mà không biết là Cao Bá Quát làm nhiều
thơ chữ Nho, hàng ngàn bài. Tôi đã thu thập được mấy trăm bài và đang dịch. Số
lượng thơ chữ Nho của Cao Bá Quát không kém hơn thơ của Lý Bạch. Có điều thơ họ
Lý thì đẹp ở rượu, trăng, hoa và mỹ nhân còn thơ của họ Cao động hơn với đời
sống huyết lệ của con người. Đọc thơ chữ Nho của Cao Bá Quát tôi mới thấy tư
tưởng cách mạng, mới thấy sự hùng vĩ của ông.
Tôi nói:
- Trước kia thời gặp ông ở ấp Cả Trắc, mỗi
lần ông đến tôi đều nói cho nghe Bài Hành Phương Nam của Nguyễn Bính hay cho
nghe Nguyện Cầu của Vũ Hoàng Chương. Tôi nhớ sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm
bị lật đổ, hai chúng ta đã tham dự một buổi ca nhạc mừng chiến thắng của Phật
Giáo ở chùa Hưng Long, hương lộ 14, Phú Thọ Hòa của thầy Thích Tâm Thông. Ban
tổ chức đã yêu cầu ông lên ngâm bài thơ Lửa Từ Bi của Vũ hoàng Chương, nhưng
khi lên sân khấu ông đã không ngâm Lử Từ Bi mà ngâm bài Nguyện Cầu. Khi ông
xuống, tôi hỏi:
- Sao không ngâm Lửa Từ Bi?
Ông trả lời:
- Đã thắng rồi thì phải trở về với thân phận
con người, chớ ngâm bài đó làm gì - rồi đọc:
Ta còn để lại gì không
Kìa non đã lở, này sông cát bồi.
Lang thang từ độ luân hồi,
U minh nẻo trước, xa xôi dặm về.
.......
Nam ngừng lại, cười nhìn tôi:
- Thuở 16, 17 đã in sâu bài thơ vào tâm trí.
Nay đã gần 50 tuổi, lại vẫn ngâm nó trên đường đi sửa nhà, sơn nhà. Bài thơ
tuyệt vời, tôi đã coi nó là một trong những bài thơ hay nhất của Vũ Hoàng
Chương.
- Ông cao kiến và luôn nghĩ xa hơn tôi. Bây
giờ ông cho nghe ít bài thơ Đường và thơ Cao Bá Quát ông dịch.
Đào Mộng Nam đi vào phòng ngủ lấy ra một xấp
giấy, đọc cho tôi nghe chừng chục bài thơ Đường và chục bài thơ Cao Bá Quát.
Đào Mộng Nam dịch thơ Đường ở những bài chuyển sang thể lục bát có âm điệu của
Tản Đà...
Sáng hôm sau chở tôi đến ngôi nhà dùng làm nơi
hội họp của văn nghệ sĩ, Nam đưa cho tôi một phong bì lớn, trong có mấy tờ báo
có bài của Nam và 2 xấy giấy đánh máy gồm chục bài thơ Đường và chục bài thơ
Cao Bá Quát do Nam dịch.
Cuối thập niên 1990, Nam gọi tôi cho biết là
đã về Việt Nam mấy lần.
Tôi hỏi:
- Về với mục đích gì?
Nam đáp:
- Về Phú Thị, Gia lâm, quê của Cao Bá Quát,
để tìm thêm tài liệu về họ Cao và đã tìm thêm được mấy trăm bài thơ chữ Nho của
Cao Bá Quát.
Có một điều do nói chuyện lan man, tôi quên
hỏi Nam là tìm kiếm thơ ở đâu, ai giữ được thơ của một tử tội bị chu di tam tộc
và làm cách nào biết được thơ đó là thơ Cao Ba Quát.
Sau lần nói chuyện đó, Nam không liên lạc với
tôi nữa, nhưng qua báo chí, tôi biết Nam tiếp tục về Việt Nam.
Đến đầu tháng 9/2006, bỗng nhiên báo Thời
Luận và Người Việt loan tin là Đào Mộng Nam đã từ trần. Vì Nam sống một mình
trong một apartment, chung cư ở đường Mc Fadden, Tustin, California, nên không
ai biết Nam mất vào ngày nào. Chỉ khi người cùng chung cư báo cảnh sát là có
mùi hôi từ apartment của Nam, cảnh sát phá cửa vào thì thấy Nam nằm gục dưới
sàn nhà, một phần thân đã bị phân hủy. Tang lễ đã được thực hiện trong vài
tiếng đồng hồ từ 9 đến 12 giờ ngày thứ Bảy 2 tháng 9/ 2006 tại Peek Family
Funeral.
Sau khi Đào Mộng Nam từ trần, tôi đọc được
một số bài viết về Nam, nên đã biết rõ hơn về những việc làm của Đào Mộng Nam
từ cuối thập niên 1960 trở đi. Tôi xin ghi lại đây một số đoạn từ những bài
viết đó:
1. Trong bài Vĩnh Biệt Đào Mộng Nam, nhà báo
Phan Tấn Hải đã viết:
“Tóc thường cột sau gáy, trang phục thường
xuề xòa, mắt nhìn ngây thơ, cử chỉ dịu dàng, tính trầm mặc, ưa lặng lẽ, khi lên
tiếng thì lời vi diệu, đầy ẩn mật, cho thấy những suy nghĩ lạ lẫm nhưng cổ
kính, ngôn ngữ trau chuốt nhưng thơ mộng... và cũng bất ngờ khi anh chợt đến,
khi anh chợt đi. Đó là hình ảnh của giáo sư và cũng là nhà thơ Đào Mộng Nam.
Đào Mộng Nam đã sống một cuộc đời đầy những
hồn thơ, kể cả khi lặng lẽ từ trần trong thư phòng, chất đầy quanh tường và các
kệ sách là thơ của Cao Bá Quát và Bùi Giáng.
Những công trình anh muốn làm thì nhiều hơn
việc làm của một đời người. Khi gặp nhau, khi được hỏi về các vấn đề cổ học, về
Hán học hay cả về văn chương hiện đại, chúng ta thường nghe anh nói với những
kiến thức ít gặp, ít thấy... Anh đọc nhiều hơn rất nhiều người và đọc một cách sâu
sắc lạ thường...
Nhưng dấu ấn lớn nhất của Đào Mộng Nam đối
với văn học Việt Nam chính là vai trò một nhà Hán học của anh. Rất nhiều sinh
viên của các Đại Học Văn Khoa Sài gòn, Đại Học Vạn Hạnh thời trước 1975 không
thể nào quên về công trình quảng bá chữ Nho của Đào Mộng Nam.
Giáo sư Đào Mộng Nam có một phương pháp dạy
và học chữ Hán mới hơn, giúp học sinh tiếp cận văn học chữ Nho nhanh hơn và nhớ
hơn các lối học truyền thống. Trước đây, nhà văn Hoàng Hải Thủy từng viết rằng
chỉ nhờ học chữ Hán theo phương pháp của Đào Mộng Nam trong 5 tháng là đã có
thể đọc được Tam Quốc Chí bằng Hán tự.
Báo Văn Nghệ ở Hà Nội, trong một số báo gần
hai năm trước, có ghi nhận về công trình nghiên cứu và dịch thuật của Đào Mộng
Nam về thơ văn Cao Bá Quát với người viết là Nguyễn Huy Thuận và tựa bài viết
là “Biết thêm về Cao Bá Quát”, trích như sau:
“Trong khoảng 10 năm trở lại đây có rất nhiều
nhà nghiên cứu, nhà báo, sinh viên đại học, cao học về Phú Thị (Gia Lâm, Hà
Nội) tìm tài liệu về Cao Bá Quát và quê hương Phú Thị. Đặc biệt có giáo sư Đào
Mộng Nam, nhà nghiên cứu Đông Phương ở hải ngoại về Phú Thị thăm và giới thiệu
công trình của ông đã dịch trên 1400 bài thơ chữ Nho của Cao Bá Quát ra quốc
ngữ. Ông đã phát hiện ra “thần lực” trong thơ Cao Bá Quát và từ khởi điểm này
ông đang xây dựng một công trình văn hóa: “Nét đặc trưng văn hóa Việt Nam và
tiến bộ khoa học hiện đại”. Ông đã đánh giá Cao Bá Quát rất cao:
- Nhà thơ vĩ đại nhất Á Đông.
- Bậc thi bá duy nhất tập đại thành cả 3
nghìn năm tư tưởng thi ca Đông Á.
- Thi sĩ, chiến sĩ cách mạng, thi sĩ tiên
tri.
Ông có đọc cho nghe bài thơ Nguyên Tiêu Khóc
Cao Bá Quát, trong đó có hai câu:
Vạn thuở văn chương còn chẳng nát
Muôn đời thần khí lẽ nào tan.
Phải chăng hình ảnh Đào Mộng Nam thương khóc
Cao Bá Quát cũng là một cái nhìn tiên tri về chính cuộc đời của nhà thơ Đào
Mộng Nam, người cũng y hệt như họ Cao, “suốt đời chỉ cúi đầu chào hoa mai” như
một dòng thơ cổ lưu lại của họ Cao...”
(vietbao.com/vinh-biet-dao-mong-nam)
2. Trong bài Đào Mộng Nam, Về..., nhà nghiên
cứu Nguyễn Tiến Văn, người đã cùng Đào Mộng Nam viết bản tiểu luận “Thế chân
vạc của ngôn ngữ văn tự Việt”, đăng trên tạp chí Tân Văn số tháng 4 và 5/1969,
đã viết về Đào Mộng Nam như sau:
“Đào Mộng Nam vừa qua đời tại California,
hoàn toàn đơn độc tại trai phòng, chỉ có bồ đoàn, máy vi tính, ấm trà, những
bản thảo dịch thơ Cao Bá Quát và những tập bản thảo sưu tập các giai thoại về
Bùi Giáng...
Đào Mộng Nam học tiểu học ở Bắc, trung học ở
trường Chu Văn An, năm chót của niên khóa 1960, sau đó có lên Đại Học Văn Khoa,
nhưng bỏ ngang để theo đuổi chí hướng riêng là học và truyền bá việc học chữ
Nho. Anh bắt đầu vận động qua Hội Khổng Học Việt Nam cùng những nhân vật như Hà
Huy Liêm, Hoàng Nam Hùng và sau nữa là Nguyễn Văn Tụ từ đầu thập niên 1960 đến
1975.
Từ giữa thập niên 1960, anh mở lớp dạy chữ
Nho cho các sinh viên Y Khoa Đại Học Huế trong chương trình kết hợp Đông Tây,
dưới sự tôn vinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và lời thề với y tổ này thay
cho lời thề Hippocrate của Tây Y. Đồng thời anh cũng phát triển các khóa học
dạy chữ Nho tại Đại Học Vạn Hạnh, Đại Học Minh Đức, dạy tự do cho công chúng
tại trường Đức Trí, đường Cao Thắng, quận 3, mỗi Thứ Bảy, Chủ Nhật. Cũng như
xuất hiện trên truyền hình để quảng bá việc học chữ Nho theo cách mới đến mọi
tầng lớp.
Năm 1966 (năm 1970 thì đúng hơn - người viết)
cùng với thân hữu, anh chủ trương nhà xuất bản Nguồn Sáng, phát huy quốc học và
chủ trương dung hóa Đông Tây. Nhà xuất bản Nguồn Sáng, ngoài việc xuất bản bộ
Chữ Nho Tự Học của Đào Mộng Nam, còn cho ra đời những bộ sách giá trị như Nho
Văn Giáo Khoa Toàn Thư của bác sĩ kiêm Đông y sĩ Nguyễn Văn Ba, tủ sách Việt
Nho của Lương Kim Định, những sách dịch như Ấu Học Quỳnh Lâm, tiểu thuyết của
Dostoievski như Anh Em Nhà Karamazov, Lũ Người Quỷ Ám, Đầu Xanh Tuổi Trẻ, tiểu
thuyết của Han Suyin (Hàn Tố Âm) của Heinrich Boll, thơ Tagore, Kahlil Gibran..
và tủ sách thiếu nhi gồm các danh tác thế giới và Việt Nam, trong đó đặc sắc là
bộ Phiêu Lưu Trên Lưng Ngỗng của Selma Lagerloff do Lý Quốc Sỉnh dịch...”
(talawas.org/1/9/06)
3. Trong bài “Tưởng nhớ Đào Mộng Nam” bác sĩ
Bùi Duy Tâm đã viết:
“Hồi đó là là cuối năm 1964, mới du học ở Mỹ
về, tôi tìm đến nhà Đào Mộng Nam ở trong hẻm bên hông bệnh viện Bình Dân, đường
Phan Thanh Giản, Sài Gòn, để học chữ Nho. Dáng người nho nhã, trong bộ bà ba
trắng, anh tiếp tôi rất kiểu cách, gọi tôi bằng Vị: Mời Vị ngồi chơi, mời Vị
xơi nước...
Tôi rất thích lối dạy chữ Nho của Đào Mộng
Nam, từ dễ đến khó, không làm nản lòng người học. Trong 3 cuốn Chữ Nho Tự Học
gồm 1882 chữ. Chữ nào cũng được giải tự rõ ràng có nghĩa lý. Bài học gồm hai
loại: văn ngôn và bạch thoại. Học viên phải tuân theo kỷ luật là phải thuộc bài
trước mới được học bài sau. Tuy nhiên nếu quên thì tác giả đã đánh số bộ hay số
chữ để học viên tìm lại bài cũ. Lối học chữ Nho của Đào Mộng Nam là luôn luôn
dùng từ điển như từ điển Thiều Chửu.
Bộ Chữ Nho Tự Học của Đào Mộng Nam được phong
trào thanh niên văn hóa Gió Khơi quay ronéo để phổ biến vào những năm 1965-1969.
Đến năm 1970, bộ chữ Nho Tự Học gồm 3 cuốn đầu mới được xuất bản gọn gàng đẹp
đẽ và đã thành công rực rỡ (15.000 cuốn được tái bản trong năm đầu). Một số đại
học Mỹ, Pháp, Đức, ngay cả Trung Hoa đã điều đình phiên dịch làm sách giáo
khoa. Tôi đưa Đào Mộng Nam vào dạy chữ Nho trong các sinh hoạt ngày Chủ Nhật
cho đoàn Gió Khơi và trong chương trình văn hóa của Gió Khơi trên Đài Truyền
Hình Sài Gòn. Sau này tôi đưa anh ra dạy chữ Nho cho Viện Đại Học Huế.
Tôi còn nhớ một hôm, khoảng năm 1972-73, anh
lái xe hơi chở đầy sách đến nhà tôi trong viện Pasteur, khoe với tôi rằng anh
mới mua xe hơi, bây giờ anh có nhiều tiền nhờ xuất bản sách. Trong những sách
mà anh xuất bản dưới danh hiệu Việt Nam Văn Hiến, có một cuốn sách rất có giá
trị là Nho Văn Toàn Thư của Nguyễn Văn Ba. Ông Nguyễn Văn Ba là một bác sĩ Tây
y, cùng khóa với giáo sư Phạm Biểu Tâm, sau chuyển sang nghiên cứu về triết
Đông và hành nghề Đông y châm cứu. Sự hiểu biết về triết học Đông phương của
ông Nguyễn Văn Ba rất uyên thâm, vượt mức lý trí lên tới Duệ trí. Tôi thường
đưa anh Nam đến học hỏi ông Ba. Anh Nam nhận ra ngay được kỳ nhân và hàng ngày
ngồi với ông Ba để giúp ông viết xong phần Duệ trí cho cuốn Nho Văn. Hiểu được
Lão Tử, Khổng Tử, Trang Tử, Mạnh Tử, Liệt tử tới trình độ Duệ trí, hiếm người
được như Nguyễn văn Ba. Ghi lại và in thành sách để mọi người chung hưởng là
công của Đào Mộng Nam. Ba thầy trò hay ba anh em chúng tôi thường bàn với nhau
về cái thế chân vạc giữa ngôn ngữ và văn tự của dân tộc Việt Nam. Thế chân vạc
đó là tiếng Việt, chữ Nho và chữ ABC (thường gọi là quốc ngữ).
Sự tổng hợp kỳ diệu đó sẽ là dụng cụ tuyệt
vời để người Việt sinh động với thực tại bằng tiếng Việt, kết nối với quá khứ
và các nước Đông phương (Trung Quốc, Nhật Bản) bằng chữ Nho và phổ biến trong
quần chúng đương đại bằng chữ ABC.
Thời gian khoảng 72-73, thủ tướng Trần Văn
Hương có ý trao cho tôi phụ trách văn hóa, giáo dục và thanh niên, nên ba anh
em chúng tôi rắp tâm ước vọng đem Nho văn dạy các lớp bậc trung học như một môn
học cơ bản bắt buộc.
Đào Mộng Nam viết: “Thực vậy, nếu ném một cái
nhìn bao quát toàn thế giới, chúng ta sẽ không thấy một quốc gia nào lại có
được cái thế chân vạc giữa ngôn ngữ và văn tự, vừa bác học vừa giản đơn tới mức
tuyệt đối, thỏa mãn cho cả bình dân lẫn trí thức như ở Việt Nam. Với chữ ABC,
dù một người Việt Nam ngu tối tới đâu chỉ cần vài tháng là đã có thể đọc thông
viết thạo. Thứ chữ này để dành riêng cho giới bình dân và các trẻ thơ cấp tiểu
học. Từ cấp trung học trở lên, ta bắt đầu dạy chữ Nho bằng phương pháp khoa học,
vì nếu siêng năng vài năm là học sinh có thể đọc được chữ Nho làu làu. Như vậy
sau 7 năm trung học, học sinh nào cũng đọc và hiểu được chữ Nho. Thiết tưởng bộ
mặt văn hóa của ta chắc chắn sẽ đổi thay nhiều chứ không vong bản như hiện giờ.
Chúng ta sẽ nối tiếp lại với truyền thống bốn ngàn năm lịch sử của mình, cùng
nền văn minh Đông phương sâu thẳm, vốn được coi là gốc rễ của cả nhân loại”.
Đào Mộng Nam có nhiều tác phẩm thơ dịch:
- Dịch và giới thiệu ngàn bài thơ Đường.
- Dịch và giới thiệu kho tàng thơ Nho của các
nhà cách mạng kháng Pháp (thơ huyết lệ)
- Dịch và giới thiệu toàn tập thơ Cao Bá Quát
từ nguyên bản chữ Nho.
- Dịch và giới thiệu trường ca Rama.
- Dịch và giới thiệu Khúc Hát Dâng Tình
(thánh thi của vua Salomon có ghi trong Cựu ước) từ tiếng Anh và tiếng Pháp
“The song of love).
4. Trong bài “Đào Mộng Nam, Giấc Mộng Văn Hóa
Không Thành”, nhóm bằng hữu gồm Bùi Ngọc Tuấn, Cao Bá Minh, Phạm Quốc Bảo, Phan
Nhật Nam và Trần Lam Giang đã viết:
“Năm 1964, khi chưa đến tuổi 30, Đào Mộng Nam
đã kởi thảo biên soạn Chữ Nho Tự Học, bộ sách hữu ích, đầy tính sáng tạo trong
quá trình học chữ Nho, mà ông và những nhà giáo dục chuyên ngành Dân Tộc Học
(Việt Học) trong tủ sách Việt Nam Văn Hiến như cố linh mục Kim Định gọi đấy là
một linh tự - Thứ chữ, chứa đựng tinh thần Việt tộc, đã giúp người Việt tồn tại
qua hằng thế kỷ tương tranh, va chạm với những nền văn hóa, văn minh khác
(Trung Hoa, Ấn Độ, Tây phương). Không phải chỉ lý thuyết, Đào Mộng Nam diễn đạt
phương pháp Tự Học Chữ Nho qua trình bày một cách có hệ thống về cấu trúc chữ
Nho (diễn tiến sự hình thành, biến đổi, canh tân của mỗi từ, ý nghĩa của mỗi từ
đó trong từng văn pháp, qua các thể văn ngôn, bạch thoại). Năm cuốn Chữ Nho Tự
Học hẳn là một công trình hoàn chỉnh nhất về phương pháp tự học chữ Nho kể đến
năm 1975, hoặc cho đến bây giờ ở hải ngoại, bao gồm cả trong nước.
Không chỉ biên soạn về linh tự dân tộc không
thôi, Đào Mộng Nam còn quảng diễn tác động, chức năng quan yếu của chữ Nho
trong quá trình giảng dạy tại các cơ sở giáo dục: Viện Đại Học Vạn Hạnh, Viện
Đại Học Huế, Phật Học Viện Quảng Đức, Phật Học Đường Huệ Nghiêm và Hội Khổng
Học Việt Nam. Đào Mộng Nam và những người hằng quan tâm đến tiền đồ Việt Học
không chỉ giảng dạy chữ Nho trong giới hạn của một môn học thuộc giáo trình của
những khóa học bậc đại học, nhưng còn ôm ấp ước vọng xây dựng lại chữ Nho ở cấp
trung học để những thế hệ người Việt mai hậu lớn lên, hành xử, vận động được
sức mạnh tổng hợp của ngôn ngữ dân tộc trên ba cột trụ Nho – Nôm - quốc ngữ
ABC. Các tác phẩm Nho-Nôm-ABC tự điển và Chữ Nho Linh Tự của Văn Minh (hợp soạn
cùng Nguyễn Tiến Văn) đồng nằm trong chủ đích làm sống lại một cách có hệ thống
nguồn lực bất diệt ngôn ngữ của tiền nhân. Tiếc thay, ước vọng của Đào quân
cũng như cố linh mục Kim Định nhằm xây dựng một nền Việt Lý với chữ Nho vẫn chỉ
là giấc mộng... như giấc mộng lớn của dân tộc Việt bị phá vỡ trong cuộc chiến
hủy diệt dấy lên từ ngày 19 tháng 12 năm 1946. Sáu mươi năm trước mà nay dấu
vết tàn hại vẫn nguyên tác động với chế độ gọi là “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” ở
quê nhà”.
Kết luận
Bao lâu nay, mỗi lần thấy bộ sách Chữ Nho Tự
Học trên mạng, tôi lại hình dung Đào Mộng Nam trong bộ quần áo bà ba trắng, đi
guốc mộc ở Ngã Bảy, Sài Gòn. Con người nhỏ bé ấy mới mười mấy tuổi đã nuôi hoài
bão lớn – Tìm thầy học chữ Nho để có thể thực hiện cuộc vận động phục hưng văn
hóa Việt. Năm 1964, thay đổi trang phục, có lẽ Nam muốn ghi dấu việc học thành
tựu và trở thành thầy dạy chữ Nho, bước đầu đi vào cuộc vận động. Chắc hẳn cuộc
vận động ấy đã đáp ứng nhu cầu của dân tộc, nên Mộng Nam đã nhận được sự đồng
tình nồng nhiệt của nhiều quý nhân như nhà nghiên cứu Nguyễn Tiến Văn, các nhà
sư, những người lãnh đạo Hội Khổng Học Việt Nam, bác sĩ Bùi Duy Tâm, bác sĩ
Nguyễn Văn Ba và nhiều người trẻ khác để cùng đi vào tiến trình vận động. Vì
thế chỉ trong 10 năm từ 1964 đến 1974, cuộc vận động ấy đã đi được những bước
dài mà trong phần trên đã đề cập. Nhưng cuộc vận động đã đi cùng với cuộc chiến
tranh và biến cố 30/4/1975 đã kết thúc cuộc vận động của Đào Mộng Nam. Tuy vậy,
chúng tôi không coi đây là Giấc Mộng Văn Hóa Không Thành mà chỉ là Cuộc Vận
Động Văn Hóa bị dang dở, vì Đào Mộng Nam đã định được một nội dung, một hướng
đi phải làm gì cho cuộc phục hưng văn hóa Việt. Chúng tôi nhìn vấn đề như thế,
vì nghĩ rằng chế độ độc tài toàn trị của đảng Cộng Sản Việt Nam đã đi đến chỗ
cùng của sa đọa thối nát với sự tàn phá văn hóa và con người thì chế độ ấy phải
đi tới tan rã để dân tộc và con dân Việt phục hồi thế sống quân bình với giá
trị làm người.
Năm 1989, trong một cuộc phỏng vấn, nhà báo
Pháp đã hỏi tổng thống Vaclav Havel:
- Việc ưu tiên hàng đầu của tổng thống là gì?
Tổng thống Havel đã trả lời:
- Việc đầu tiên phải làm là phục hồi nhân
cách, nhân phẩm cho dân Tiệp Khắc.
Dân Việt dưới sự thống trị của đảng Cộng Sản
cũng lậm vào căn bệnh trầm kha mất nhân cách, nhân phẩm như dân Tiệp, vì thế
khi Cộng Sản Việt tan rã, dân Việt cũng cần phục hồi nhân cách, nhân phẩm mà
giải pháp có thể tìm thấy ở con đường vận động văn hóa của Đào Mộng Nam là phục
hưng văn hóa truyền thống với giá trị làm người mà Mộng Nam đã khởi đầu trong
cuộc chiến tranh tương tàn của đảng Cộng Sản.
Việt Dương