Friday, August 30, 2024

Nguyễn Duy Chính: TỪ CHIẾN DỊCH AI LAO ÐẾN TRẬN THUỶ CHIẾN THỊ NẠI

             

TỪ CHIẾN DỊCH

AI LAO

ÐẾN TRẬN THUỶ CHIẾN

THỊ NẠI 

Nguyễn Duy Chính

 


TÌNH HÌNH ÐẠI VIỆT CUỐI THẾ KỶ XVIII

Những tranh chấp trên đất nước Việt Nam hậu bán thế kỷ XVIII đã kích thích mạnh mẽ việc canh tân và phát triển quân sự trong phạm vi kiểm soát của mỗi thế lực. Việc tìm kiếm ngoại viện hay trao đổi với những quốc gia có thể cung cấp súng đạn là một mẫu số chung và không thành phần nào từ bỏ nếu có cơ hội.

Thế kỷ XVIII cũng mở rộng phạm vi ảnh hưởng khiến cho không còn những mô hình thuần tuý địa phương mà vì nhu cầu bành trướng nên giao lưu kỹ thuật, văn hoá, tổ chức, ngôn ngữ, hành chánh kể cả nhân chủng cũng trở nên phức tạp hơn. Bất cứ một lực lượng nào cũng bao gồm nhiều sắc dân và nhiều ngôn ngữ. Trong thiên khảo luận nhỏ này, chúng tôi cố gắng miêu tả lại hai phe – vốn dĩ được ghi trong sử nước ta như hai thành phần đối đầu của cùng một dân tộc Việt – theo thời gian đã trở thành đại diện cho hai liên minh quốc gia mặc dù hai biến cố trước đây vẫn được miêu tả rời rạc không liên hệ.

Ðàng Ngoài

Trong khi chúa Nguyễn ở Gia Ðịnh tập trung mọi nỗ lực để chuẩn bị đem quân ra tái chiếm Thuận Hoá thì tình hình Ðàng Ngoài đầy những rối ren. Sau khi Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ nhất dẹp được họ Trịnh (1786), mâu thuẫn giữa ông và Nguyễn Nhạc đã không còn thể hàn gắn được. Theo Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện, Sơ Tập quyển XXX thì:

Nhạc đã đắc chí, ngày càng dâm dật hung bạo, giết Nguyễn Thung lại loạn dâm với vợ của Huệ, người ta đều xấu hổ cho việc đó.

Trong chiến dịch xâm lược Bắc Hà, tiền của châu báu trong phủ Chúa Trịnh đều thuộc trọn về Huệ. Nhạc đòi hỏi thì Huệ không cho. Huệ muốn lấy đất Quảng Nam, Nhạc cũng không cho, bèn thành mối cừu thù hiềm khích. Huệ lại truyền hịch kể những tội ác của Nhạc, dùng đến những chữ sói, chó heo mà gọi lên. Bài văn trong hịch có câu: “Tội lỗi không gì to hơn việc giết vua, sao lại có thể một sớm mà khinh suất được? Can gián mà không nghe thì đổi ngôi, thật đã quan hệ đến việc an nguy của muôn đời.” Ðó là quan Lại bộ Hồ Tuyền của Tây sơn làm ra.[1]

Mâu thuẫn của hai anh em không ngừng ở lời qua tiếng lại. Nguyễn Huệ đem đại quân đánh vương quốc của Nguyễn Nhạc, vây thành Qui Nhơn, Nguyễn Nhạc “củng cố tường thành” phòng giữ trong mấy tháng liền. Sử triều Nguyễn viết là Nguyễn Huệ đem đại bác bắn vào, đạn to bằng cái đấu khiến Nguyễn Nhạc phải lên mặt thành gọi Huệ nói:

... Nồi da xáo thịt, lòng em sao nhẫn?

Anh em hướng vào nhau mà khóc lớn, hồi lâu mỗi bên giải binh giảng hoà, lấy Bản-tân làm ranh giới, từ Quảng-nghĩa trở về nam, Nhạc làm chủ, từ đất Thăng đất Ðiện trở về bắc, Huệ làm chủ.[2]

Ðoạn sử này có nhiều điểm cần đặt ra câu hỏi. Thực tế, thành Qui Nhơn khá lớn, sau khi lên làm vua Nguyễn Nhạc lại xây dựng thêm thành một khu vực kiên cố, qui mô. Theo Charles Chapman khi đến yết kiến vua Thái Ðức lần đầu tiên năm 1778 thì hướng đông thành Qui Nhơn vào khoảng 3/4 dặm (1.2 km)[3] Chi tiết này phù hợp với sử liệu Việt Nam là nguyên thuỷ hình chữ nhật mỗi chiều rộng từ 1,100 đến 1,400 mét.[4] Tới năm 1786, chắc chắn thành Qui Nhơn (nay là thành Hoàng Ðế) đã bề thế hơn nhiều cho xứng đáng với vị trí một kinh đô. Hai bên dùng đại bác bắn từ xa (đạn to bằng cái đấu) không phải chỉ cách nhau một cái rãnh hay một hàng giậu nên việc anh em Nguyễn Nhạc – Nguyễn Huệ có thể gọi nhau rồi “hướng vào nhau mà khóc lớn” là một phiêu lưu nguy hiểm, xem ra hư cấu không phải sự thật.

Thực tế, sau mấy tháng vây hãm, Nguyễn Huệ không đạt được kết quả gì đáng kể (việc vây thành Qui Nhơn nhiều tháng mà không phá được sau này cũng còn được lập lại giữa quân chúa Nguyễn và quân Tây Sơn) trong khi tình hình miền Bắc còn nhiều vấn đề phải lo toan nên ông đành phải trở về. Ðoạn sử này chỉ nên coi là một dật sự mà người ta nêu ra để giải thích cho việc Nguyễn Huệ rút quân.

Theo tài liệu của Hội Truyền Giáo Bắc Kỳ, đầu năm 1788, Nguyễn Nhạc hai, ba lần đem quân ra đánh nhưng đều bị thua[5] nên tháng 5 năm đó Nguyễn Huệ phải cấp tốc ra Bắc thanh toán con rể của Nguyễn Nhạc là Võ Văn Nhậm (khi đó tiết chế quân đội tại Thăng Long) mặc dù ông này chưa tỏ dấu hiệu gì phản bội cả. Rõ ràng Nguyễn Huệ không muốn bị tấn công từ hai đầu và lực lượng đe doạ trực tiếp lúc đó chính là Nguyễn Nhạc nên ông đã tiên hạ thủ vi cường.

Nếu tờ chiếu lên ngôi của vua Quang Trung cuối năm 1788 là tài liệu xác thực thì cho thấy có sự thay bậc đổi ngôi (không hiểu đồng thuận hay cưỡng ép) nhưng Nguyễn Huệ nay là hoàng đế, Nguyễn Nhạc xuống thành Tây vương. Ðiều này chứng tỏ rằng từ sau năm 1787, vị thế của Nguyễn Nhạc kém hẳn so với em.[6]

Việc tranh chấp và xung đột đưa đến nhiều cuộc giao tranh khiến lực lượng của vua Thái Ðức không đủ sức đánh ra Phú Xuân mà cũng không có khả năng chiếm lại đất Gia Ðịnh. Vô hình trung, vương quốc của Nguyễn Nhạc trở thành một trái đệm ngăn đôi hai thế lực thù nghịch, Nguyễn Huệ ở Bắc Hà và Nguyễn Ánh ở Ðồng Nai nhưng không được yên thân mà lại bị đe doạ từ cả hai phía.

Từ 1787 đến 1789, sau khi làm chủ Bắc Hà, Nguyễn Huệ không rảnh tay ngó đến miền Nam ngoài việc trấn đóng một lực lượng khá lớn ở Quảng Nam để ngăn chặn Nguyễn Nhạc. Tính về đất đai cũng như dân số, thực lực của ông lớn mạnh hơn hết so với các chính quyền từ Nam ra Bắc trong hơn 200 năm qua.[7] Vùng đất ông cai trị cũng có kỷ cương hơn cả vì thừa hưởng một truyền thống văn hoá hàng nghìn năm của Thăng Long và dưới tay qui tụ được một tầng lớp sĩ phu đông đảo Lê triều để lại. Sau khi tiêu diệt tất cả những thế lực có thể trở thành một đối thủ chính trị nhưng phương thức đưa vua Lê trở lại ngôi vị bù nhìn như thời chúa Trịnh không phải là một giải pháp tốt đẹp nên Nguyễn Huệ mưu toan xoá nốt ảnh hưởng còn sót lại của vương triều Bắc Hà. Một triều đình có cả vua lẫn chúa khi tan rã sẽ biến thành nạn sứ quân, mỗi người hùng cứ một phương rất khó thu phục. Cuối năm 1788, khi tình hình đã tương đối ổn định, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế và dự tính thiên đô ra Nghệ An cho thuận tiện việc cai trị một lãnh thổ kéo dài từ biên giới Trung Hoa đến Quảng Nam.

Việc bất ngờ hầu như ra ngoài tiên liệu của ông là nhà Thanh lấy tiếng đưa vua Lê trở lại ngôi vị nên đem quân sang chiếm Thăng Long và rất có thể sẽ đánh xuống Phú Xuân. Cực chẳng đã, Nguyễn Huệ tập trung toàn lực tiến ra đánh một trận long trời lở đất khiến quân Thanh tan tác, nhiều tướng lãnh chỉ huy của Trung Hoa tử trận. Chiến thắng đầu năm Kỷ Dậu (1789) đã tạo nên một thế đứng chính trị mới cho vua Quang Trung nói riêng và vương quốc An Nam nói chung. Ðại Việt từ một vị trí gần như vô danh trong ảnh hưởng của nhà Thanh nay trở thành một phiên thuộc quan trọng và uy tín của Nguyễn Huệ khiến cho lân bang nhìn ông với một nhãn quan khác hẳn.

Uy tín của vua Quang Trung nay lên cao, một phần vì hào quang của chiến thắng quân Thanh, phần khác lại ở danh vị chính thức “An Nam quốc vương” được vua Càn Long phong tặng. Tuy vấn đề ngoại giao đời Tây Sơn khá mơ hồ và hầu như đầy rẫy những mâu thuẫn nhưng một phần nào còn tồn tại nơi sử nước ngoài. Nguyễn Huệ chủ trương tranh thủ sự hiệp trợ của nhiều nước nhỏ ở phía tây dãy Trường Sơn, một khu vực “trái đệm”, khi nghiêng bên này, khi ngả bên kia tuỳ theo tình hình, lắm khi phải thần phục và triều cống nhiều “thượng quốc” cùng một lượt.

Riêng đối với Xiêm La, Nguyễn Huệ muốn dùng võ lực đe doạ Bangkok chấm dứt yểm trợ cho kẻ thù của ông là Nguyễn Ánh và giảm thiểu ảnh hưởng của họ đối với Cao Miên để ông tiến quân đánh vào sau lưng của Gia Ðịnh. Nguyễn Huệ cũng tìm cách giao hiếu với Miến Ðiện và bảo hộ một số tiểu vương cai trị vùng Bắc Thái tiếp giáp với Vân Nam của Trung Hoa. Tuy nhiên, hậu quả của chiến tranh và những năm thiên tai, mất mùa khiến cho Ðàng Ngoài lâm vào nhiều khủng hoảng khiến ông không rảnh tay để đối phó với những nguy cơ càng lúc càng hiển hiện.[8]

Ðàng Trong

Trong khi Nguyễn Huệ vướng mắc vào chiến tranh Thanh – Việt và đối phó với dư đảng nhà Lê, sau lại bận rộn việc thông hiếu với Thanh triều, khôi phục kinh tế, phát triển thương mại, ổn định tình hình thì Nguyễn Ánh từ Xiêm La quay về chiếm lại Gia Ðịnh.

Theo tài liệu của Xiêm La, vào năm Nhâm Dần (1782) Nguyễn Nhạc đem quân từ Qui Nhơn vào đánh Sài Gòn. Nguyễn Ánh không chống nổi, quân bị đánh tan và phải đem mẹ, vợ con cùng một số tuỳ tòng chạy theo đường biển đến đảo Krabu (Phú Quốc?). Hai tướng Xiêm là Phraya Chonburi và Phra Rayong, lúc đó đi tuần để chống hải tặc, đã gặp được chúa Nguyễn và mời ông qua Bangkok. Nguyễn Ánh ngần ngại vì trước đây chú ông là Ong Chiang Sun (tức Tôn Thất Xuân theo sử nước ta) đã nương náu ở Bangkok và bị triều đình Xiêm giết chết. Chonburi cho biết là vị vua mới của nước Xiêm không tàn ác như vua cũ nên chúa Nguyễn đã bằng lòng vào yết kiến vua Xiêm, khi đó ông 33 tuổi.[9] Vua Xiêm cho ông và gia quyến tạm cư tại phía nam quận Tonsamrong và một món bổng 5 chang một năm. Ông cũng được ban những lễ khí bao gồm một khay trầu, một bình nước bằng vàng, một thanh kiếm khảm vàng, một chiếc lọng và đối xử tương tự như Nak-ong Eng (tức vua Chân Lạp đang dưới quyền bảo hộ của Xiêm La)...[10]

Vào năm Quí Mão (1783), vua Xiêm ra lệnh cho Phraya Nakhosawan chỉ huy một đạo quân qua Cambodia tuyển một binh đoàn Cam bốt đi cùng với quân Thái. Cả hai đạo quân tiến sang Việt Nam tấn công vào Sài Gòn. Ðông Ðịnh Vương (tức Nguyễn Lữ), gửi một đạo binh chặn đánh quân Xiêm ở Sadec. Hai bên giao tranh nhiều trận, quân Xiêm lấy được của Tây Sơn một số thuyền bè, khí giới nhưng sau đem trả lại (cho quân Việt). Triều đình Xiêm coi việc này là phản quốc và Phraya Nakhosawan cùng mười hai võ quan bị xử tử tại nghĩa địa chùa Photharam...[11]

Năm Giáp Thìn (1784), viện binh Xiêm và lực lượng chúa Nguyễn quay lại chiếm một số vùng miền Nam như Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít... nhưng bị Nguyễn Huệ từ Qui Nhơn vào đánh tan ở Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Xiêm chỉ còn một vài ngàn chạy về nước.

Chúa Nguyễn cũng chạy được sang Bangkok. Tuy nhiên, việc ông muốn người Xiêm tiếp tục giúp đỡ để trở về khôi phục còn nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn này chính họ cũng phải dốc toàn lực để chống lại với Miến Ðiện ở miền Bắc. Năm 1786, Nguyễn Ánh và một số thuộc hạ cũng phải tham gia vào mặt trận đánh Miến để lấy lòng vua Xiêm. Theo những tài liệu của các nhà truyền giáo thì chúa Nguyễn tiếng là được đối đãi như khách nhưng thực ra thì bị giam lỏng nên những việc cầu viện của ông đều phải hết sức kín đáo. Có lần Bồ Ðào Nha đưa người sang đón ông sang Goa để giúp đỡ nhưng ông phải từ chối.[12] Sử Xiêm La cũng cho biết chúa Nguyễn cũng có khi được dự các buổi họp của triều đình Xiêm và đảm trách một số công việc quốc gia nghĩa là ông sống ở Bangkok nửa quốc khách, nửa quan lại. Nguyễn Ánh cũng huấn luyện cho vũ công Thái những điệu múa cung đình của Ðàng Trong.[13]

Trong khi đó, tin tức cho hay tình hình có nhiều thuận lợi, nhất là việc hai anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ bất hoà và quân lực phòng thủ trong Nam không còn như trước khiến chúa Nguyễn quyết định trốn về nước.

Nhân dịp vua Rama I đang cầm quân đánh giặc, chúa Nguyễn cùng những người theo ông dùng thuyền buồm chạy ra biển. Phó Vương Xiêm La là Maha Uparat nghe tin lập tức đuổi theo nhưng may mắn chúa Nguyễn chạy thoát được. Theo sử Xiêm La, cuộc đào thoát của chúa Nguyễn ly kỳ như một phim ảnh:

Ông ra lệnh cho hai kẻ tuỳ tòng, Wan và Yi chuẩn bị sẵn một chiếc thuyền đi biển đậu tại đảo Si Chang. Nhân khi trời tối, đoàn người đào thoát, tổng số là 150, xuôi theo Mae Nam Cau Phraya bằng bốn chiếc thuyền. Nguyễn Ánh để lại một bức thư cho Rama I tại Bangkok. Thế nhưng việc bỏ trốn trong đêm này bị phát giác và được báo ngay cho Phra Khlang và ông này lập tức liên lạc với nhà vua và Maha Uparat.

Maha Uparat hết sức công phẫn liền đem ngay chiếc thuyền rồng đuổi theo. Ðến rạng đông người ta đã thấy những kẻ đào tẩu đang ra khỏi cửa sông và dong buồm vào vịnh Thái Lan. Ðột nhiên gió ngừng thổi và những chiếc thuyền An Nam không còn di chuyển được nữa. Chiếc thuyền chèo tay của Maha Uparat đuổi càng lúc càng gần.

Nguyễn Ánh khi ấy đã toan tự tử để khỏi lọt vào tay kẻ đang săn đuổi mình thì thình lình gió lại nổi lên khiến cho những chiếc thuyền đang chạy trốn lại ra xa thêm một chút.

Những người bỏ trốn đến được đảo Si Chang và từ đây họ đi bằng thuyền lớn hơn về đảo Kut... Maha Uparat không thể nào đuổi theo những chiếc thuyền An Nam bằng thuyền chèo tay trên biển cả. Khi quay về Bangkok, ông ta ra lệnh tiếp tục rượt theo bằng chiến thuyền. Cùng khi đó lá thư của Nguyễn Ánh được tìm thấy nơi ông cư ngụ ở Bangkok, nội dung như sau:

Nguyễn Ánh bày tỏ sự cảm ơn đã dung chứa ông ta cùng với sự giúp đỡ rất nồng hậu. Ông rất ân hận khi bắt buộc phải bỏ trốn để rời Thái Lan vì sợ rằng sau này nhà vua sẽ không cho phép ông trở lại. Ông luôn luôn coi mình như một người phục vụ khiêm tốn và vâng lời của vua Rama I. Cũng trong dịp này, ông xin được giúp đỡ súng đạn và nếu có thể thì thêm cả binh lính. Ngay khi ông khôi phục được giang sơn, ông sẽ coi mình như một phiên thuộc của Thái Lan.[14]

Tuy nhiên, tình hình thực tế lúc đó khiến cho Rama I không thể viện trợ quân sự cho Nguyễn Ánh và chúa Nguyễn đã phải trải qua một thời gian rất khó khăn trên đảo Kut, có khi phải sống bằng các loại củ và thịt rùa trong nhiều ngày. Năm Mậu Thân (1788), chúa Nguyễn lấy lại đất Gia Ðịnh, củng cố thực lực dựa trên kinh nghiệm ông học được từ Xiêm La và người Pháp. Chỉ trong một năm, quân Tây Sơn thua nhiều trận lớn và toàn bộ đất đai từ Gia Ðịnh đến Hà Tiên lại trở thành một giang sơn riêng biệt dưới quyền chúa Nguyễn Ánh.

Tháng 6 năm Kỷ Dậu (1789), hoàng tử Cảnh và giám mục Bá Ða Lộc từ Pháp về, tuy không nhận được một sự trợ giúp chính thức từ Pháp hoàng nhưng cũng mang theo một số binh sĩ và tàu chiến mua ở Pondichery và Mauritius. Theo nhiều tài liệu, số người Pháp sang giúp Nguyễn vương có thể lên đến 400 nhưng một số nghiên cứu mới đây cho rằng con số này được phóng đại.[15] Thời gian này là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển lực lượng của chúa Nguyễn. Ðể có thể đương cự với quân lực đông đảo gấp chục lần của đối phương, người Pháp cố vấn Nguyễn Ánh thay đổi toàn bộ tổ chức binh bị trên cả ba phương diện, nghệ thuật đồn trú theo mẫu Tây phương, cải tiến thuỷ quân, pháo binh và hoả lực.[16]

Ðể làm căn cứ địa, chúa Nguyễn nhờ hai người Pháp là Theodore Lebrun và Victor Olivier de Puymanel vẽ hoạ đồ theo lối Âu châu và sử dụng đến 3 vạn nhân công để xây dựng Sài Gòn. Công việc nặng nề này đã khiến bộc phát một số nổi dậy. Thành Gia Ðịnh làm bằng đá, chu vi 4,176 mét hình bát giác có tám cửa, chung quanh có hào nước[17] giúp Nguyễn Ánh chuyển từ thế thủ sang thế công theo mùa gió mà không còn sợ quân Tây Sơn vào đánh phá hàng năm như xưa.

 Cải cách mang trọng điểm chiến lược thứ hai là việc tổ chức hải quân và phương pháp xây dựng tàu chiến theo kiểu Tây phương. Trước thế kỷ thứ XVII, thuyền bè Việt Nam dù Ðàng Trong hay Ðàng Ngoài đều tương đối mỏng manh, thuận tiện cho việc cận duyên nhưng không thích hợp cho việc ra xa và đi biển.[18] Việt Nam cũng chưa phát triển về thương mại với bên ngoài mà chủ yếu chỉ mua hàng của người khác đem đến bán. Thuỷ quân Việt Nam tuy khá nổi tiếng trong chiến đấu nhưng cũng chỉ hữu hiệu ở trong sông ngòi và dọc theo bờ biển chứ không phải ngoài vùng nước sâu. Thuyền lớn nếu có xuất hiện ở nước ta thường là thuyền buôn chở hàng của người Trung Hoa.

Ðến thời Tây Sơn, lần đầu tiên Việt Nam có được những đội chiến thuyền lớn nhất là sau khi chiêu dụ được một số hải phỉ vốn dĩ hoạt động dọc theo vùng biển từ Nhật Bản xuống biển đông và mua hay lấy được một số thuyền buôn. Những đội chiến thuyền ấy ngoài nhiệm vụ tuần duyên còn theo gió mùa xuống cướp phá Gia Ðịnh để thu vét lương thực. Sự yếu thế về cả số lượng lẫn chất lượng khiến chúa Nguyễn không sao đương cự nổi với thuỷ quân Tây Sơn cho đến khi anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ có mâu thuẫn trầm trọng quay sang chống lẫn nhau thì ông mới rảnh tay củng cố thực lực.

Từ năm 1789 trở về sau, ngoài những chiến thuyền mà Bá Ða Lộc mang về, chúa Nguyễn tiếp tục mua thêm một số chiến thuyền khác, chưa kể tự đóng lấy theo mẫu Tây phương nên lực lượng càng lúc càng mạnh. Những thương nhân và thuỷ thủ nước ngoài khi ghé Gia Ðịnh đã trầm trồ thán phục những chiến thuyền được đóng ngay tại đây và cho rằng không kém gì những tàu đóng ở Âu Châu. Ðích thân Nguyễn Ánh trông coi việc tân tạo một cách nhiệt tình nên công việc tiến triển rất nhanh khiến nhiều người cảm phục về năng lực của ông. Chúa Nguyễn cũng nỗ lực huấn luyện các võ quan bản xứ để thay thế những sĩ quan Pháp do Bá Ða Lộc tuyển mộ và sau này chỉ còn lại một số rất nhỏ người Tây phương, còn các vai trò quan trọng đều do người Việt đảm trách.

Ngoài việc xây dựng thành luỹ và canh tân hải quân, chúa Nguyễn cũng đổi mới việc huấn luyện và trang bị bộ binh, pháo binh để đối phó với lượng quân đông đảo của đối phương, nhất là tượng binh vốn là ưu điểm của quân Tây Sơn. Theo nhiều tài liệu của người ngoại quốc có mặt ở nước ta thời đó, quân đội của Nguyễn Ánh được tổ chức và trang bị y hệt của Âu châu, có cả những trường pháo binh và tác xạ do người Tây phương huấn luyện. Giám mục Adran cũng dịch ra chữ Hán các loại binh thư để dùng trong quân đội và thuỷ quân của chúa Nguyễn đã dùng cờ hiệu để liên lạc và điều khiển đội hình.[19]

Việc cải cách cũng thực hiện trong khu vực kinh tế, hành chánh. Các xưởng làm thuốc súng và chế tạo súng hoả mai (matchlock), mỏ sắt, phường đúc được thành lập. Ðể tiện lợi trong việc di chuyển và liên lạc, nhiều đường sá được tu bổ, hai bên đường trồng cây để lấy bóng mát. Cầu cống, cửa biển, cửa sông được xây dựng và những nơi quan yếu được trắc địa (survey). Việc canh nông, nhất là trồng dâu nuôi tằm, trầu cau là những nguồn lợi được khuyến khích để phục hồi kinh tế. Không những luật lệ được cải tổ, bỏ một số cực hình, chúa Nguyễn cũng thiết lập một hệ thống “trường công” (public schools), trẻ em từ 4 tuổi trở lên phải đi học, nếu không sẽ bị phạt vạ.[20]

 



Hướng gió thổi khu vực Nam Á theo từng tháng trong năm

Asia’s Land and Peoples (1951) tr. 500
LIÊN MINH VIỆT – LÀO VÀ TRẬN THUỶ CHIẾN QUI NHƠN

Trong khi Nguyễn Huệ bận rộn tái lập trật tự và thông hiếu với nhà Thanh ở miền bắc thì ở phía nam Nguyễn Ánh và Nguyễn Nhạc nhiều lần đụng độ, lấy qua lấy lại khu vực Bình Thuận, Phan Rí. Tuy tình hình chưa ngã ngũ nhưng càng ngày phần chủ động càng nghiêng về phía chúa Nguyễn. Có thể nói không ngoa là cuộc chiến Việt – Thanh tuy mang lại cho vua Quang Trung một số hào quang quân sự nhưng lại cũng chính là thời gian ông bị cầm chân tại Ðàng Ngoài khiến cho chúa Nguyễn có điều kiện để xây dựng lực lượng và lật ngược thế cờ thay đổi hoàn toàn bộ mặt chính trị của Việt Nam trong thế kỷ XIX.

Tuy sử triều Nguyễn không đề cập đến liên hệ ngoại giao giữa nhà Tây Sơn và Xiêm La nhưng khi tổng hợp cả hai nguồn Xiêm La Thực Lục và Ðại Nam Thực Lục chúng ta cũng có những chi tiết khá rõ rệt. Một trong những quan tâm lớn nhất của chúa Nguyễn là ông sợ mình bị bỏ rơi nên luôn luôn phải tìm cách có càng nhiều đồng minh càng tốt. Trong suốt cuộc đời bôn ba, ông đã liên minh với Xiêm La, Pháp, Bồ Ðào Nha, Chân Lạp, Hoa kiều, Vạn Tượng, các nhóm dân tộc thiểu số và cả thành phần chống lại Tây Sơn ở miền Bắc. Trong nhiều trường hợp, chúa Nguyễn cũng sử dụng chiến tranh chính trị như phóng đại, tung tin thất thiệt hoặc tìm cách ly gián để cô lập kẻ thù.

Năm 1779, Xiêm La đánh Vientiane và biến thành một thuộc quốc, nhất nhất theo lệnh từ Bangkok. Xiêm La cũng có truyền thống hà hiếp, bóc lột các dân tộc ở phía đông nên họ thường tìm cách nhờ nước ta bảo hộ. Cuộc nội chiến ở Ðại Việt vào cuối thế kỷ XVIII khiến cho những nước nhỏ phải thần phục Xiêm La nhiều hơn và người Lào trở thành một đồng minh của chúa Nguyễn vì cùng lệ thuộc vương triều Bangkok.[21]

Năm 1787, vua Ai Lao là Nanthasen bị vua Xiêm yêu cầu gửi binh tham gia chiến dịch đi đánh Miến Ðiện và liên minh với Nguyễn Ánh để đánh Tây Sơn. Nguyễn Huệ cũng biết ông không thể đối phó với quá nhiều kẻ thù cùng một lúc nên đã cho người sang xin thông hiếu với vua Xiêm Rama I, yêu cầu bắt giữ chúa Nguyễn (khi ấy đang lưu vong tại Bangkok) và trách móc về việc quân Lào xâm lấn biên giới nước ta.[22] Theo các sử gia nhận định, việc tỏ thiện chí này chỉ nhằm mục tiêu cô lập kẻ thù chính là chúa Nguyễn và tạo điều kiện cho Xiêm La có thể đóng vai trò trung lập đúng như họ đã hứa hẹn. Tuy nhiên vua Xiêm chỉ trả lời một cách mập mờ việc phản bội đồng minh là trái đạo lý và chỉ hứa rằng họ sẽ không can thiệp vào nội bộ của nước khác.[23]

Việc Xiêm La không chịu cộng tác đã khiến cho hai nước hiềm khích và sứ bộ Nguyễn Hoành Khuông trong chuyến đi sứ nhà Thanh cuối năm Kỷ Dậu, đầu năm Canh Tuất (1789-90) đã lên tiếng về việc này tại Bắc Kinh và vua Càn Long phải tìm cách giảng hoà để hai sứ bộ An Nam và Xiêm La không xung đột giữa triều đình Trung Hoa.

Tuy sợ oai nhà Thanh nên Xiêm vương phải đấu dịu nhưng bên trong vẫn tiếp tục xúi giục các tiểu quốc quấy phá Ðại Việt và trong khoảng đầu thập niên 1790 đã có nhiều đụng độ lớn giữa quân Nguyễn Huệ và quân Lào mặc dù sử nước ta hầu như đề cập đến rất ít. Ðiều này có thể hiểu được vì sau khi nhà Nguyễn thành lập, vua Gia Long cố gắng làm lu mờ sự tiếp tay của Xiêm La và Ai Lao trong quá trình phục quốc và nhiều vấn đề được bẻ qua một hướng khác, kể cả việc Nguyễn Ánh đã phải triều cống và gửi “cây vàng bạc” qua Xiêm La trong một thời gian trước khi ông có đủ tư thế đứng ngang hàng với họ.[24]

Việc đụng độ giữa Nguyễn Huệ và các tiểu quốc tại Lào cũng còn có những nguyên nhân khác. Sau khi quân Thanh bị đánh bại thì một số cựu thần và tôn thất nhà Lê chạy sang bắc Ai Lao tìm đường khôi phục, nổi bật nhất có em vua Chiêu Thống là Lê Duy Chỉ, liên kết với các thổ tù và các bộ lạc dọc từ Vạn Tượng xuống đến Nghệ An. Ðốc trấn Nghệ An là Trần Quang Diệu đem quân tiến đánh. Theo sử triều Nguyễn “... tháng sáu quân Tây Sơn khắc phục được Trấn Ninh, bắt được tên cầm đầu Chiêu Kiểu, Chiên Nan, tháng tám diệt được Trịnh cao, Quy hợp[25], tháng mười Quốc trưởng Vạn tượng bỏ thành chạy, quân Tây sơn bắt được voi ngựa chiêng trống và đuổi ra xa đến ranh giới Xiêm la, chém được viên suý Tả phiên Duy, Hữu phiên Siêu, rồi đem quân về Bảo lạc.

Lê Duy Chỉ và Phúc Tấn, Văn Ðồng, thế lực không chống nổi, đều bị hại...”[26]

Theo sử Xiêm La, ngày mồng 9 tháng 5 năm Nhâm Tý (1792) vua nước An Nam (tức chúa Nguyễn Ánh) gửi một bức thư đến triều đình vua Rama I cho hay một viên quan của chúa Nguyễn bị quân Tây Sơn bắt nhưng lại cho làm việc tại Huế đã bí mật thông báo là Nguyễn Huệ đã đưa một số nhân vật thân tín ra trấn giữ Bắc Hà. Trước đó, một phái đoàn của vua Quang Trung gửi đi sứ Miến Ðiện bị người Lào bắt giữ giao nạp cho vua Xiêm và bị giam tại Bangkok.

Chúa Nguyễn cũng viết thư nói ông đã nhận được mật báo rằng vua Quang Trung nghe tin giận lắm nên định khởi binh đánh Lào sau đó sẽ đánh xuống Cambodia rồi sau cùng đem hai đạo quân thuỷ bộ đánh vào kinh đô Xiêm La nên đề nghị quân Gia Ðịnh sẽ liên minh với Xiêm La ra tay trước[27]. Xiêm La đem quân đánh từ hướng bắc tấn công vào Bắc Hà trong khi chúa Nguyễn đem binh thuỷ bộ đánh vào Qui Nhơn và Huế. Vua Xiêm trả lời chúa Nguyễn như sau:

... Xứ Bắc Hà đã cử quân đánh Vientiane. Quân Lào đã chặn đánh quân Việt tại Phuan và quân Bắc Hà bị đánh bại phải tan vỡ. Quân Vientiane đã lùng bắt được 4000 người cả đàn ông lẫn đàn bà, trẻ lẫãn già, và đưa họ xuống đây (Bangkok) rồi.

Còn chuyện Ông Long Nhương (Nguyễn Huệ) dự định báo thù và toan tính tấn công Ai Lao và Bangkok thì đó là chuyện của ông ta. Chúng tôi không coi đó vào đâu cả. Về việc vua An Nam (tức Nguyễn Ánh) muốn được thông báo một khi Bangkok phát binh để vua An Nam có thể phối hợp tấn công vào Qui Nhơn và Huế thì quả thực Bangkok đang tiến hành việc điều động quân đội từ các khu vực phía đông và ngay từ kinh đô nữa. Sở dĩ có việc này cũng vì tại khu vực này viên trấn thủ Miến Ðiện tại Tavoy là Maengchancha đã xin thần phục Xiêm La.

Maengchancha và những viên chức Miến Ðiện xin được nhà vua che chở nay tình nguyện tấn công vào Martaban và Rangoon. Chiến dịch đánh Ava (tức Miến Ðiện, gọi theo tên một triều đại cũ đóng đô ở Ava) vào lúc này xem ra đầy hứa hẹn và chúng tôi nhất định sẽ đi đến thắng lợi.

Tuy nhiên trong trường hợp nếu chúng tôi cử binh đánh Ông Long Nhương thì sẽ gửi một văn thư có quốc ấn cho vua nước An Nam. Chúng tôi mong vua An Nam chăm lo việc quốc sự và giữ cho bền vững.[28]

1. Chiến tranh Xiêm – Việt

Sử nước ta rải rác đôi chỗ cũng có nhắc đến việc vua Quang Trung “thân chinh” đi đánh Vạn Tượng trước khi ông từ trần không lâu. Một nghi vấn khác là dường như trong khoảng 1790-1791 có nhiều chiến dịch Việt – Lào khác nhau, khi bên này được, khi bên kia được. Vì thời gian ghi chép không rõ ràng nên chúng ta không xác định được chi tiết các trận đánh như thế nào. Bên cạnh các ghi nhận trong sử Xiêm La và sử Ai Lao, chúng ta lại có được một số tin tức từ các giáo sĩ thuật lại, tuy không trực tiếp chứng kiến mà chỉ là thông tin, có khi cách sự việc hàng năm, nhưng cũng có thêm một vài điểm đáng chú ý. Cũng dẫn theo Mayoury Ngaosyvathn và Pheuiphanh Ngaosyvathn thì linh mục L. Labousse trong một lá thư viết ở Ðàng Trong ngày 16 tháng 6 năm 1792 có khẳng định rằng “họ (quân Tây Sơn) quân số chừng ba vạn người đi xuyên qua Lào...” còn Labissachère thì nói rõ hơn quân Tây Sơn có khoảng chừng 6 đến 10,000 người do Trần Quang Diệu chỉ huy.[29] Chiến dịch này tiến hành lúc nào không rõ vì lần này quân Tây Sơn bị người Lào đánh bại trong khi đó một chiến dịch khác biết chắc là năm 1791 thì bên ta lại thắng.

Quang Trung (một lãnh tụ Tây Sơn) sau khi chiếm được Bắc Hà, dường như đã thực hiện một chiến dịch đánh Lào năm 1791. Vien-Chan, bị người Miến tàn phá năm 1772, lại bị người Xiêm xâm lăng năm 1777, vừa mới phục hồi từ đổ nát thì lại bị tấn công một lần nữa. Vua Lào pha-Poutichao bị người Bắc Hà (tức quân của Nguyễn Huệ) giết. Chiến bại này đã khiến cho họ làm hoà được với những láng giềng ở phía đông (tức người Việt) nên người An Nam đã giúp cho vua Vien-Chan bành trướng quyền lực dọc theo tả ngạn sông (Mekong) cho đến tận Khemmarat và làm chủ toàn cõi cho đến tận Attapeu... [30]

Năm sau (1792), vua Quang Trung đích thân cầm quân và được vua nước Vạn Tượng viết thư ngầm xin được làm phiên thuộc để đánh lại quân Xiêm và sẽ đích thân đến triều kiến.[31] Việc Nguyễn Huệ phải thân chinh đem quân sang Lào cho thấy ông đánh giá mặt trận phía tây rất quan trọng, sợ quân Xiêm sẽ đem toàn lực tập kích vào Nghệ An, khi đó là kinh đô của ông. Tuy nhiên, cũng vì chiến dịch này Nguyễn Huệ đã bị bệnh (có lẽ là thương hàn hay ngã nước) trở về không bao lâu thì qua đời.[32]

Cuối năm 1792, khi cái chết của vua Quang Trung vẫn còn trong vòng bí mật, người Lào vẫn hi vọng được người Việt tiếp tay để giải thoát cho họ khỏi ách thống trị của Xiêm La. Một đô đốc của nhà Tây Sơn mang tước Ðịnh Nhất Hầu, khi đó trấn thủ Nghệ An đã viết một lá thư đề ngày mồng 3 tháng 10 năm Nhâm Tí, tức Quang Trung thứ 5 (nhằm ngày 16 tháng 11 năm 1792) cho các tiểu vương Lào bằng chữ nôm trong đó có một đoạn như sau:

... Kì trước, các Chậu cho Chánh sứ, Phó sứ đưa thư nói bị Xiêm đem quân sang chiếm thành Viêng Chăn. Lại cho rằng quan tỉnh Nghệ An không cho họ đi kinh đô Phú Xuân để xin triều đình cất quân sang giúp. Thật ra trước tôi cho 7 người lên Lạc Hoàn và Trình Cao để xét, nhưng vì các Chậu dẫn đường (cho họ đi) không tốt nên chẳng dò được tình hình giặc Xiêm. Một lần xuất quân là một lần mường nước tốn phí (phải thận trọng) nay tôi cho 4 tên quân lên. Các Chậu hãy đưa hai tên đến thành Viêng Chăn dò xem tình hình nước Xiêm có không, rồi lại dẫn hai tên nữa đi do thám tình hình cho rõ. Ðể bốn tên ấy về trình, tôi sẽ suy lí rồi cho thư lên trước để các Chậu sắm sửa lương hướng cho đại binh ăn đầy đủ...

Cũng thời gian đó, Chau Chiem (Anou) là em vua Vientian cũng gửi Ðịnh Nhất Hầu một lá thư dài trong đó viết về việc họ nhận được quà và thư của nhà Tây Sơn gửi bốn anh em nên:

... Song tôi lo việc mường nước mà về chầu thì sợ Xiêm biết, nó chém cả cha mẹ anh em, dân chúng đi mất. Ðể giữ lòng tin tôi truyền cho những người đi sứ lần này thay tôi ăn thề. Nếu nước Nam còn thương lấy chúng tôi, nước anh nước em ngày trước, thì xin làm sao cho anh em dân sự tôi ở bên Xiêm được trở về với mường nước.

Xin đại quân (của nước Nam) đi đánh lấy nước Xiêm. Ðại quân đi đường Châu Ba Vạn thì có tôi ở Phọc Bản rước. Ði đường Lạc Hoàn qua Ba Na Vạn thì có Châu Lạc Hoàn và Xăm pha mật rước. Còn đường Trấn Ninh thì hãy khoan đánh xuống vì quân Xiêm còn đóng ở thành Chăn (Viêng Chăn), nó sẽ sai vua Thành Chăn đi đánh, sợ lỗi với triều đình (nước Nam).

Ðại quân lên thì xin lên cho chóng, độ tháng Chạp... đại quân lên tháng nào, ngày nào thì xin đưa trát lên tôi xin sắm sửa rước.

Lào với Xiêm hay lẫn khi ra trận, đại quân lên thì phải ban dấu tích thế nào cho khác quân Xiêm để chúng tôi phân biệt.[33]

Cái chết của Nguyễn Huệ đã làm tan vỡ mọi thoả hiệp (nếu có) của hai vương quốc An Nam – Vạn Tượng và cũng trút đi một gánh nặng cho những người thù ghét ông. Các nước Chân Lạp, Xiêm La cũng không còn uý kỵ vương triều Tây Sơn như trước nữa và chiến thắng của chúa Nguyễn trở nên rõ ràng. Ở Bắc Hà, dư đảng nhà Lê lập tức nổi lên khắp nơi. Lê Duy Vạn là con vua Hiển Tông làm minh chủ, hẹn với Nguyễn Ánh để hai bên cùng cử binh để nhà Tây Sơn đầu đuôi không cứu được nhau.[34]

2. Trận Thị Nại

Cũng trong thời gian Nguyễn Huệ bị cầm chân ở đất Lào thì tháng 6 năm Nhâm Tý (1792) một trận đánh mang tính quyết định mở đầu cho việc thế mạnh nghiêng về chúa Nguyễn Ánh. Ðại Nam thực lục, đệ nhất kỷ, quyển VI chép như sau:

... Giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc đóng nhiều chiến thuyền để ở cửa biển Thị Nại, mưu toan vào cướp, kẻ gián điệp báo tin. Vua muốn ra đánh trước để chặn giặc, mới dụ cho tướng sĩ các dinh Tiên Phong và Chấn Võ thuộc Trung quân chỉnh bị lương thực súng ống khí giới như phép hành quân, định ngày thử các chiến hạm ở ngoài biển (thuyền đại hiệu và thuyền ô sai 128 chiếc). Bèn sai Chưởng Tả quân dinh là Tôn Thất Huy, Quản Hậu quân dinh là Võ Tánh, Giám quân Trung quân là Tống Phước Ðạm lưu giữ kinh thành, Chưởng Tiền quân dinh là Tôn Thất Hội đi Vĩnh Trấn và Trấn Ðịnh kiêm quản tướng sĩ hai dinh, quản Hữu quân dinh là Nguyễn Hoàng Ðức đi Bà Rịa hiệp đồng với Tán lý Chiêu đóng giữ.

Thuyền vua ra từ cửa biển Cần Giờ, gặp khi gió nam thổi mạnh, thuận chiều thẳng đến Diên Áo (Vũng Diên), bắt được du thuyền của giặc, biết ở Thị Nại không có phòng bị, bèn bí mật định ước thúc, trao kỳ hiệu và khẩu hiệu cùng cơ nghi hành động, nói là do Thiếu phó quận công Tôn Thất Huy điều bát tướng sĩ. Sai quản Tiên phong dinh là Nguyễn Văn Thành tiến trước, kế đến quản Ban trực tả là Phạm Văn Nhân tiến thứ nhì.

Giám quân Trung quân Nguyễn Văn Trương hộ giá, Ðô đốc Nguyễn Kế Nhuận tiếp sau. Khi quân đến ngoài cửa biển Thị Nại, thì trước hết sai quân tinh nhuệ đổ bộ phóng lửa đốt thuỷ trại giặc. Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành dùng thuyền Long và Phụng thẳng vào, các quân tiến theo. Ðô đốc giặc là Thành (không rõ họ) thấy đại quân chợt đến, bỏ chạy, thuyền ghe và khí giới bị quân ta bắt được hết (thuyền chiến lớn 5 chiếc, thuyền đi biển 30 chiếc, thuyền sai 40 chiếc). Lại sai tìm bắt bọn giặc biển Tề Ngôi, bắt được 3 chiếc thuyền. Vua đóng ở chợ Thị Nại, dựng cờ chiêu an phủ dụ dân chúng, cấm quân sĩ không được cướp bóc. Rồi ra lệnh rút quân về. Chiến dịch này, từ lúc xuất quân đến lúc khải hoàn chỉ hơn 10 ngày. Người ta cho là thần binh. [35]

Theo tài liệu của Âu châu, việc đánh Thị Nại là do cố vấn của giám mục Bá Ða Lộc để chiếm thượng phong và sự đóng góp của những sĩ quan Pháp là chủ yếu:

... Nhà vua chỉ có một số ít chiến thuyền trong khi hạm đội của tiếm vương (vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc) thì vô số, có điều họ phải nằm yên trong hải cảng vì gió mùa không thuận chiều mà trái lại gió nồm giúp cho thuyền chúa Nguyễn tiến thẳng vào trong vịnh. Vào mùa xuân năm 1792, ông (chúa Nguyễn) cho xuất quân, đặt toàn bộ hạm đội dưới quyền chỉ huy của hai sĩ quan Pháp, khi đó trông coi hai chiến thuyền Âu châu, tiến ra Qui Nhơn. Người ta kể rằng ông d’Ayot[36] đã tàn phá nặng nề các thuyền bè của Ðàng Trong (Tây Sơn), đốt, đánh chìm và phá huỷ tất cả những gì trên đường tiến, nhưng vì đuổi theo quá đà nên chiến thuyền của ông ta đã bị mắc cạn...

Cuộc tấn công đó hoàn toàn bất ngờ cho Nguyễn Nhạc, ông và toàn thể triều đình khi đó đi vào sâu trong đất liền khoảng 30 dặm để hưởng cái thú đi săn... Lệnh báo động về quân địch đến đoàn người đi săn và họ kéo quân ra ngoài bờ biển nhưng không giúp gì được cho đội chiến thuyền vì khi đó hầu như đã hoàn toàn bị tiêu diệt rồi. Nhà vua (chúa Nguyễn Ánh) ra lệnh rút lui ngay khi nước triều dâng lên và thuyền của ông d’Ayot trồi lên được. Chiếc đại hiệu của tiếm vương và một số chiến thuyền khác còn nằm trong góc trên của hải cảng đã không tham chiến. Khi chỉ cho nhà vua thấy những thuyền đó ông đã không cho phá huỷ mà bảo rằng “để lại cho Nguyễn Nhạc để khi y chán việc đi săn thì có thể vui việc câu cá và nếu không cho y được theo đuổi những trò hiền lành như thế thì ác quá”.[37]

Ngoại sử của các nhà truyền giáo cũng có chép về trận đánh, tuy năm tháng có khác nhưng lại có nhiều chi tiết cũng giúp phần nào cho việc dàn lại trận chiến Thị Nại:

19. Vua đánh trận thuỷ tại cửa xứ Qui Nhơn

Năm 1791, là Lê Cảnh Hưng ngũ thập nhị niên cũng là năm Tân Hợi, khi vua dọn được nhiều tàu chiến, nhiều khí giái (giới), và tu bổ thành Sài Gòn cho vững thế đoạn, thì dốc lòng đi tìm quân giặc cùng đem quan quân ra khỏi cửa Lấp, là cửa Sài Gòn, mà kéo ra Qui Nhơn. Khi ấy ông Thái Ðức chẳng hồ nghi đều gì, những ngờ mình đặng bằng yên vô sự; lại đi săn xa lắm, bao nhiêu tàu ông ấy thì đã họp trong cửa Chợ Giã gần Qui Nhơn hết thảy.

 Vậy tàu ông Dade cai thì đi trước, mà Nguyễn Anh cùng các tàu thì đi sau, cách xa một trống canh đàng. Ông Dade vào một mình mà bắn súng đánh các tàu quân giặc. Quân giặc thấy tàu Tây thì sợ hãi lắm; song cũng ra sức bắn trả, mà không mũi nào nhằm sốt. Ông Dade vào cửa nhằm khi nước ròng, nên tàu ông ấy phải mắc cạn chẳng đi được nữa. Vậy phải dùng những khẩu súng ở trước mũi tàu mà bắn thì càng khó lắm, song cũng đánh, và quân giặc đã phải chết nhiều; còn quân ông ấy thì bằng yên vô sự.

20. Vua đốt ghe chiến của quân Tây Sơn

Qua một ít lâu, thì vua cùng các tàu khác mới vào cửa mà đánh; quân giặc phải thua trận cả thể. Những kẻ bị tử trận thì nhiều, còn kẻ khác thì trốn đi cả. Khi đầu vua thấy mình được trận làm vậy thì mừng quá, mà truyền đốt các tàu quân giặc. Bấy giờ có một tàu lớn và một kho đầy tiền, còn hai kho khác đầy đồ đạc quần áo, thì vua truyền đốt ba kho ấy đi, cho quân giặc chẳng còn dùng đặng nữa. Nhưng mà khi vua thấy lửa phát lên cháy bấy nhiêu tàu thì lấy làm tiếc lắm, lại truyền ra sức chữa lửa đi; nên còn giữ lấy năm chiếc tàu trận lớn, hai mươi chiếc nhỏ, và bốn mươi thuyền nhỏ. Vua cũng lầm một đều nữa, là khi ông Thái Ðức đi khỏi như đã nói trước, mà quan quân kinh khiếp, vì đã thua, thì vua phải thừa dịp mà vây thành Qui Nhơn và bắt các xứ xung quanh nữa. Nhưng mà vua ngại, vì ít quân chẳng dám lên vây Qui Nhơn, một đem binh khởi hoàn mà thôi. Vua đặng bấy nhiêu tàu quân giặc và những đồ khác mà đem về Ðồng Nai, thì lấy làm vui mừng lắm ...[38]

3. Nỗ lực sau cùng của Nguyễn Huệ

Ngay sau khi đánh tan các dư đảng nhà Lê và đồng minh của họ là một số tiểu quốc ở Trung và Bắc Lào để có thể rút về, Nguyễn Huệ lập tức tính chuyện đối phó với Nguyễn Ánh. Tính theo thời gian, chiến dịch này được thực hiện chính vì Nguyễn Nhạc bị đại bại phải lên tiếng cầu cứu và tuy chưa có thì giờ dưỡng quân sau một chiến dịch gian khổ, vua Quang Trung phải lập tức tính việc vào đánh Gia Ðịnh. Ý định đó chúng ta có thể biết được qua một tờ hịch mà hiện nay chưa tìm ra nguyên bản.[39]

Chúng ta cũng nhận ra sau thất bại nặng nề ở vịnh Thị Nại, vua Thái Ðức không còn đủ sức tự lập một phương nên chọn giải pháp ít nguy hiểm hơn là “cầu hoà” với em để mong được yên thân cho đến cuối đời.

Chính vì thế ngay trong tờ hịch, vua Quang Trung đã nhắc lại:

... Tên Chủng (tên huý vua Gia Long) khốn khổ kia nay phải trốn sang những vương quốc Âu Châu đáng thương. Còn đám dân Gia Ðịnh nhút nhát bây giờ nổi lên, sao các ngươi lại sợ hãi chúng? Sao bụng dạ các ngươi khiếp đảm làm vậy? Việc quân bộ và quân thuỷ của địch xuất hiện tại các cửa bể vào lúc các ngươi không phòng bị, đại Hoàng đế (tức Nguyễn Nhạc) đã viết thư cho ta biết mọi việc, và ta cũng thấy rằng quan lại, binh lính và tất cả dân chúng trong hai tỉnh đã không có can đảm chiến đấu, chính vì lý do đó hơn là vì tài năng của địch nên chúng đã chiếm đóng được tới hôm nay...[40]

Tuy nội dung cho thấy Nguyễn Huệ đã nghe về những kỹ thuật mới của chúa Nguyễn, những tàu (bọc) đồng và khinh khí cầu (vaisseaux de cuivre et de ballons) là những trang bị khiến dân chúng Ðàng Trong khiếp hãi nhưng chúng ta cũng có thể nghĩ rằng ông chỉ mượn tiếng như thế để dè bỉu sự hoảng hốt của Nguyễn Nhạc. Tuy Nguyễn Huệ có vẻ tự tin vào thực lực của mình sẽ chiến thắng Nguyễn Ánh nhưng chắc hẳn ông không đến nỗi chủ quan vì chính ông cũng gấp rút canh tân quân đội để đối phó với tình hình mới.

Hai mươi ngày sau khi ban bố tờ hịch gửi quân dân Quảng Ngãi, Qui Nhơn thì Nguyễn Huệ đột ngột qua đời nên kế hoạch tái phối trí lực lượng của anh em Tây Sơn không thành.[41] Thái tử Nguyễn Quang Toản lên nối ngôi lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Theo sử triều Nguyễn thì “... Huệ chết, Nhạc từ Qui Nhơn đến viếng, vừa đến Quảng Ngãi, nghe tin Quang Toản sai 1,000 quân vào Quảng Nam, Nhạc ngờ, lại dẫn quân trở về.”[42]


KẾT LUẬN

Ðến cuối đời Quang Trung, tranh chấp giữa các vương quốc của anh em Tây Sơn và chúa Nguyễn không còn hạn chế trong phạm vi tranh giành quyền hành, đuổi hươu tranh đỉnh của người Việt với người Việt mà đã nhen nhúm những liên minh quốc gia với quốc gia, khu vực này với khu vực khác.

Như trên đã đề cập, khi vua Quang Trung tìm cách thu phục một số tiểu quốc vùng Bắc Lào và Bắc Thái để bắt tay với Miến Ðiện, Xiêm La đã hết sức cảnh giác. Tuy kế hoạch hai mặt giáp công mà chúa Nguyễn Ánh đề nghị với Xiêm La để cùng tấn công vào anh em Tây Sơn không thấy minh định trong sử triều Nguyễn nhưng thực tế đã xảy ra vào giữa năm Nhâm Tí (1792).[43]

Trong khi nhà Tây Sơn chia rẽ và phân tán lực lượng để phòng ngự lẫn nhau, chúa Nguyễn một mặt kết thân với nhiều đồng minh từ bên ngoài một mặt gấp rút canh tân kỹ thuật, hành chánh để tạo một hậu cần vững chắc khiến dần dần nhà Tây Sơn mất thế thượng phong.

Một trong những phương tiện chúa Nguyễn biết khai thác triệt để là mạng lưới năng động và tinh tế của các nhà truyền giáo. Những quốc gia hoạt động qui mô hơn cả ở Viễn Ðông như Pháp, Bồ Ðào Nha, Hoà Lan, Tây Ban Nha... đều có nhiều liên hệ mật thiết với các giáo sĩ đang thi hành mục vụ tại đây. Giáo hội La Mã có cơ sở ở khắp mọi nơi, và các thừa sai thường liên lạc với nhau để trao đổi tin tức. Ngay Xiêm La tuy là một quốc gia đa số theo Phật giáo nhưng cũng là nơi giáo hội đặt nhiều tu viện để huấn luyện và đào tạo chủng sinh cho toàn khu vực. Chính vì có khuynh hướng ủng hộ Nguyễn Ánh nên các giáo sĩ thường tìm cách ngăn trở sự giao thương của triều đình Quang Trung với các quốc gia Tây phương, đôi khi còn đảm trách một số công tác dò thám cho chúa Nguyễn.[44]

Dù không được các giáo sĩ ủng hộ triệt để, Nguyễn Huệ vẫn cố gắng nhờ họ chiêu dụ các thương nhân Âu Châu vào buôn bán để biến một số cửa bể thành những khu vực quốc tế theo kiểu Quảng Châu mà ông có dịp ghé qua trong chuyến sang Bắc Kinh năm 1790. Người ta cũng ghi nhận rằng trong thời gian Nguyễn Huệ trị vì, việc truyền giáo và sinh hoạt đạo Thiên Chúa tại Bắc Hà tương đối tự do và phát triển khá nhanh tại nhiều giáo xứ.[45] Ðáp lại sự nồng nhiệt của ông, các thừa sai vẫn thờ ơ vì họ hi vọng rằng nếu giúp Nguyễn Ánh khôi phục giang sơn thì việc truyền giáo còn tiến xa hơn nhiều, hi vọng rằng khi hoàng tử Cảnh lên kế vị thì Ðại Việt cũng sẽ thành một xứ toàn tòng không khác gì Philippines.[46]

Câu hỏi nhiều người đặt ra là nếu Nguyễn Huệ không mất sớm, liệu ông có thể thay đổi tình thế hay không? Tuy không có những bằng cớ rõ rệt, việc vua Quang Trung nỗ lực xây dựng một liên minh để chống với liên minh Ðồng Nai – Xiêm La – Pháp quả đang hình thành. Nhiều chi tiết cho thấy ông muốn dùng Miến Ðiện và Ai Lao làm áp lực chống với Xiêm La từ phía bắc và nhờ Anh Cát Lợi giúp xây dựng một bộ máy quân sự tân tiến ngõ hầu đối kháng với chúa Nguyễn ở phương nam. Chiến lược “viễn giao cận công” (giao thiệp với nước ở xa để tấn công nước ở gần) được xúc tiến và chúng ta có thể phần nào thấy được ở phái đoàn Macartney trong chuyến ghé Ðàng Trong mấy tháng sau khi ông qua đời.

Tháng 5-2007

 


PHỤ LỤC

(trích lại từ La Relation sur Le Tonkin et la Cochinchine

của Giám Mục de la Bissachère, 1807)

Charles B. Maybon, Paris 1919

Tr. 173-6

 




TÀI LIỆU THAM KHẢO

-----

1.    Barrow, John. A Voyage to Cochinchina. Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1975 (in lại theo lối chụp ảnh từ nguyên bản A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793, John Barrow, Esq. F.R.S. London, 1806)

2.    Barrow, John. Some Account of The Public Life, and a Selection from the Unpublished Writings of the Earl of Macartney (Vol II) London: 1807

3.    Chaophraya Thiphakorawong, The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign (dịch và hiệu đính bởi Thadeus và Chadin Flood) Vol. One: Text. Tokyo: The Centre for East Asian Cultural Studies, 1978

4.    Cressey, George B. Asia’s Lands and Peoples: A geography of one-third the earth and two-third its people. New York: McGraw-Hills Book Company, Inc, 1951

5.    Detaille, Edouard. L’Armée Francaise (nguyên bản tiếng Pháp, bản dịch tiếng Anh của Maureen Carlson Reinertsen) New York: Waxtel & Hasenauer, 1992

6.    Hoàng Xuân Hãn. La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập II, trước tác, phần II: Lịch Sử. Hà Nội: nxb Giáo Dục, 1998

7.    Kerr, Robert. A General History and Collection of Voyages and Travels, arranged in systematic order: Forming a complete history of the origin and progress of navigation, discovery, and commerce, by sea and land, from the earliest ages to the present time. Vol. XVII. London: Edinburgh, 1816

8.    Lamb, Alastair. The Mandarin Road to Old Hué: Narratives of Anglo-Vietnamese Diplomacy from the 17th century to the eve of the French Conquest. London: Chatto & Windus, 1970.

9.    Launay, Adrien. Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823: Documents Historiques III 1771-1823. Paris: Anciennes Maisons Charles Douniol et Retaux, 1925

10.                       Leonowens, Anna. The English Governess at the Siamese Court: The True Story that Inspired Anna and the King of Siam. Oxford University Press, 1988

11.                       Mai Quốc Liên (chủ biên) Ngô Thì Nhậm tác phẩm I. Hà Nội: Văn Học, 2001

12.                       Mantienne, Frédéric. “The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries: The Case of the Nguyễn” Journal of Southeast Asian Studies, Cambridge University Press, Vol 34, No. 3, October, 2003

13.                       Mantienne, Frédéric. Les relations politiques et commerciales entre la France et la pénisule Indochinoise (XVIIIe siècle) Paris: les Indes savantes, 2003

14.                       Maybon, Charles B. La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr. De La Bissachère. Paris: Librairie Ancienne Honoré Champion, 1919

15.                       Ngaosyvathn, Mayoury và Pheuiphanh Ngaosyvathn. Paths to Conflagration: Fifty Years of Diplomacy and Warfare in Laos, Thailand, and Vietnam, 1778-1828. New York: Southeast Asia Program Publications, Cornell University, 1998

16.                       Nguyễn Thế Long. Chuyện Ði Sứ – Tiếp Sứ Thời Xưa. Hà Nội: Văn Hoá Thông Tin, 2001

17.                       Nhà Dòng Tân Ðịnh (Imprimerie de la mission à Tân Ðịnh) Sử Ký Ðại Nam Việt (in lần thứ năm, 1909), nhóm Nghiên Cứu Sử Ðịa xuất bản tại Sài gòn 1974, tái bản theo lối chụp ảnh tại Montréal, 1986

18.                       Nhiều tác giả. Tây Sơn Nguyễn Huệ. Nghĩa Bình: Ty Văn Hoá & Thông Tin, 1978

19.                       O’Brian, Patrick. Men-Of-War, Life in Nelson’s Navy. New York: W.W. Norton & Company, 1995

20.                       Peyrefitte, Alain. The Collision of two Civilisations: The British Expedition to China 1792-4. London: Harvill, 1992 (bản dịch tiếng Anh của Jon Rothschild từ nguyên tác L’Empire Immobile ou Le Choc des Mondes, Librairie Arthème Fayard, 1989)

21.                       Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Ðại Nam Thực Lục, tập Một (bản dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh) Hà Nội: nxb Giáo Dục, 2001

22.                       Robbins, Helen H. Our First Ambassador to China: An Account of the life of George, Earl of Macartney with Extracts from his Letters, and the Narrative of his Experiences in China, as told by himself 1737-1806. New York: E. P. Dutton and Company, 1908

23.                       Spence, Jonathan D. The Search for Modern China. New York: W.W. Norton & Company, 1990

24.                       Tạ Chí Ðại Trường, Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam, Calif: An Tiêm, 1991

25.                       Taboulet, Georges. La Geste Française en Indochine (Tome I) Paris: Librairie d’Amérique et d’Orient ADRIEN-MAISONNEUVE, 1955

26.                       Thawi Swangpanyangkoon. “Cuộc Tấn Công Của Quân Xiêm Vào Nam Kỳ Năm 1783: Những Ðiều Mà Sử Sách Việt Nam Chưa Nói Ðến” Hà Nội: Tạp Chí Xưa Nay, số 259, tháng 5-2006

27.                       Turpin, F. H. A History of the Kingdom of Siam and the Revolutions that Have Caused the Overthow of the Empire up to 1770 (B. O. Cartwright dịch từ nguyên tác Histoire Civile et naturelle du royaume de Siam, et des Révolutions qui ont bouleversé cet Empire jusqu’en 1770, Paris, 1771) Bangkok, 1908 (bản in lại theo lối chụp ảnh của White Lotus Press, Bangkok, 1997)

28.                       Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. Tạp chí Hán Nôm số 3. Hà Nội, 1995

29.                       Wenk, Klaus. The Restoration of Thailand Under Rama I 1782-1809 (nguyên tác tiếng Ðức, bản dịch ra tiếng Anh của Greeley Stahl) Tuscon: The University of Arizona Press, 1968

30.                       Wyatt, David K. Studies in Thai History. Chiang Mai: Silkworm Books, 1994

 



[1] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Nhà Tây Sơn (Sài Gòn: Phủ Quốc Vụ Khanh Ðặc Trách Văn Hoá, 1970) (bản dịch Tạ Quang Phát từ nguyên bản Ðại Nam Chính Biên Liệt Truyện Sơ Tập, quyển XXX, tr. 14a-b) “Nguỵ Tây liệt truyện: Nguyễn Văn Nhạc” tr. 57-9

[2] Nhà Tây Sơn, sđd. tr. 61.

[3] Alastair Lamb, The Mandarin Road to Old Hue, 1970 tr. 96.

[4] Xem thêm Phan Huy Lê. “Di tích thành Hoàng Ðế”. Nhiều tác giả, Tây Sơn Nguyễn Huệ (Nghĩa Bình: Ty VH & TT, 1978).

[5] ... Thật vậy, vào cuối tháng 3, khi Bắc vương đã thắng 2, 3 trận quân đội của Tiếm vương Nhạc được cử tới đánh ông [Bắc vương] để trả thù việc ông làm cho anh ông mất thể diện năm 1787 ... Ðặng Phương Nghi, “Vài Tài Liệu Mới Lạ về Những Cuộc Bắc Tiến của Nguyễn Huệ” Tập San Sử Ðịa: Ðặc Khảo về Quang Trung, Số Ðặc Biệt Xuân Mậu Thân, Sài Gòn, Khai Trí, 1968 tr. 204

[6] Trẫm dựng lại nhà Lê nhưng Lê tự quân để mất xã tắc, bỏ nước chạy trốn. Sĩ dân Bắc Hà không theo về họ Lê lại dựa vào trẫm. Ðại huynh vì khó nhọc mà mỏi mệt, chỉ muốn giữ một phủ Quy Nhơn, khiêm nhường xưng làm Tây vương. Mấy nghìn dặm đất ở cõi Nam thuộc về trẫm cả ... (Ngô Thì Nhậm tác phẩm I, “Tờ Chiếu Lên Ngôi” (Mai Quốc Liên dịch) (Hà Nội: nxb Văn Học, 2001) tr. 172

[7] Theo giám mục de la Bissachère trong Hội Truyền Giáo Pháp tại Việt Nam thì vào đầu thế kỷ XIX dân số Ðông Dương tổng cộng độ 23 triệu (kể cả Lào và Cao Miên) chia ra như sau: Bắc Hà (Tonquin) 18 triệu, Nam Hà (Cochinchina) 1.5 triệu, Champa và Lạc Thổ mỗi khu vực 6 đến 700,000 người, Cambodia và Lào mỗi nước 1 triệu. Tuy những con số này không chính thức (và có thể không chính xác) nhưng chúng ta cũng biết rằng thời kỳ đó dân số tập trung đông đảo nhất tại miền Bắc, các khu vực miền Trung và miền Nam tương đối thưa thớt hơn nhiều. Hobart Town Magazine, Volume II, September 1883 (No. 7) tr. 271

[8] Cũng nên thêm một chi tiết, việc vua Quang Trung đi dự lễ bát tuần thượng thọ của vua Càn Long cũng tạo nên một mối bất bình với sĩ phu Bắc Hà, nhất là thành phần “hoài Lê”, nên họ tìm đủ mọi cách để mỉa mai, phúng thích như truyền thống có sẵn của Ðàng Ngoài. Vấn đề này sẽ được chúng tôi khai triển trong một biên khảo khác.

[9] Sử Xiêm La chép có nhiều điểm không phù hợp với sử Việt Nam. Theo sử ta, chúa Nguyễn sang Xiêm năm 1784, trở về rồi lại chạy qua năm 1785. Lúc này ông mới 23 tuổi. Chúng ta dùng tài liệu Xiêm La để đối chiếu và tìm hiểu về những hoạt động của chúa Nguyễn ở Bangkok nhưng không nhất thiết mọi chi tiết đều chính xác.

[10] Xiêm La thực lục, đệ nhất kỷ (The Dynastic Chronicles – Bangkok Era, The First Reign, Vol. I, Tokyo 1978) trang 34-36

[11] Sđd. tr. 56-9. Sử Xiêm La như vậy có một thời gian sai biệt từ 1782-1784 hoàn toàn khác hẳn sử Việt. Nếu đúng như họ nói, năm 1782 chúa Nguyễn chạy sang Xiêm lần đầu, được quân Xiêm về giúp đánh với Nguyễn Lữ. Lần thứ hai năm 1784, quân Xiêm lại kéo sang (việc này có chép trong sử Việt Nam) bị Nguyễn Huệ đánh tan ở Rạch Gầm. Một điểm đáng ngờ là năm 1782, chúa Nguyễn ở trong tình thế rất là ngặt nghèo, đang còn phải đối phó với Tây Sơn nhưng lại sai Nguyễn Hữu Thuỵ (Thoại) và Hồ Văn Lân sang giúp Cao Miên bằng một lực lượng không nhỏ (tháng giêng), và chỉ ba tháng sau (tháng 4) lại sai Nguyễn Hữu Thuỵ sang cầu viện Xiêm La để bị người Cao Miên giết?

[12] Theo một lá thư viết bằng chữ nôm của chúa Nguyễn đề ngày 14 tháng 9 năm Cảnh Hưng 47 (1786). Tạ Chí Ðại Trường, Lịch Sử Nội Chiến ở Việt Nam (Calif: An Tiêm, 1991) tr. 372 và ÐNTL tập Một, tr. 227.

[13] ... The Vietnamese Ong Chiang Su, since coming to seek the king’s protection in Bangkok, had sometimes accompanied the king when the latter went on military campaigns, and, while the king was in the capital city, had sometimes attended the king in royal audience and had performed governmental service. Ong Chiang Su had also trained people to perform the Yuan Hok dance and the Yuan Ramkrathang dance as well as the Singtolokaeo, performed in the day time, and the Singtokhapkaeo, performed in the evening. These were Vietnamese-style performances similar to those presented before Vietnamese royalty... The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign tr. 120

[14] Nguyên văn lá thư ... The substance of it was as follows: Nguyen Anh expressed his thanks for the asylum which had been granted him and for the very generous conditions of maintenance and support. He deeply regretted having been obliged to leave Thailand by running away but had feared that the king would not have been willing to grant him permission to return. He would always consider himself the most humble and obedient servant of Rama I. At the same time he asked for ammunition and, if possible, for troops to support him. As soon as he had conquered his country he would consider himself a vassal of Thailand. Klaus Wenk, sđd. tr. 112-3. Toàn văn lá thư này cũng được chép lại trong The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign tr. 124-5

[15] Frédéric Mantienne “The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries: The Case of the Nguyễn” Journal of Southeast Asian Studies, Cambridge University Press, Vol 34, No. 3, October, 2003 tr. 521

[16] L’apport essentiel de l’évêque à la lutte de Nguyên Anh fut premièrement de lui faire comprendre l’importance de contrebalancer cette infériorité numérique en ayant recours aux techniques militaires occidentales, et deuxièmement de les lui procurer: marine, artillerie et puissance de feu, art de la fortification. Frédéric Mantienne, Les relations politiques et commerciales entre la France et la pénisule Indochinoise (XVIIIe siècle) Paris: les Indes savantes, 2003 tr. 149

(Sự đóng góp thiết yếu nhất của giám mục vào công cuộc đấu tranh của Nguyễn Ánh là cho chúa Nguyễn hiểu được rằng muốn cân bằng sự yếu kém trên số lượng thì phải chuyển sang kỹ thuật quân sự Tây phương, kế đến là thủ đắc thuỷ quân, pháo binh và hoả khí cùng cách thức phòng ngự.)

[17] mặc dù theo sự quan sát của những người ngoại quốc đến Việt Nam thì miêu tả có khác nhau ... Frédéric Mantienne “The Transfer of Western Military Technology to Vietnam in the Late Eighteenth and Early Nineteenth Centuries: The Case of the Nguyễn” tr. 522-3

[18] F. H. Turpin đã nhận định về Ðàng Ngoài vào thế kỷ XVIII như sau: ... The rivers and canals by which the country is intersected are favourable to internal trade. Each town has its fairs and markets to which many foreigners are attracted. But there is very little maritime commerce, for the reason that their ships are too small to brave the dangers of the stormy seas ... (Sông ngòi và sông đào đan lẫn nhau của nước này rất tiện lợi cho việc buôn bán địa phương. Mỗi thành phố đều có chợ phiên thu hút nhiều người nước ngoài. Thế nhưng có rất ít thương mại ngoài biển vì lý do là tàu thuyền của họ quá nhỏ không chịu nổi những nguy hiểm khi biển động ...) A History of the Kingdom of Siam up to 1770 (B. O. Cartwright dịch từ nguyên tác Histoire Civile et naturelle du royaume de Siam, et des Révolutions qui ont bouleversé cet Empire jusqu’en 1770, Paris, 1771) Bangkok, 1908 tr. 147

[19] Tuy không biết chắc chúa Nguyễn tổ chức và trang bị quân đội như thế nào nhưng căn cứ vào hình thức của quân đội Pháp thời kỳ đó thì ngoài bộ binh, kỵ binh, thuỷ binh, pháo binh còn có các đơn vị đặc biệt như quân nhạc, cảnh binh (gendarmerie), hành chánh (administration) và cơ khí (engineers). Những đơn vị đó chia thành đại đội (company), tiểu đoàn (batallion) và trung đoàn (regiment). Edouard Detaille, L’Armée Française (nguyên bản tiếng Pháp, bản dịch tiếng Anh của Maureen Carlson Reinertsen) (New York: Waxtel & Hasenauer, 1992) tr. 24

[20] John Barrow, A Voyage To Cochinchina, tr. 273-5

[21] Về chính sách bành trướng và tiến trình khống chế các tiểu quốc ở đông bắc và tây Xiêm La, xem “Siam and Laos 1767-1827” trong David K. Wyatt, Studies in Thai History (Chiang Mai: Silkworm Books, 1994)

[22] Mayoury Ngaosyvathn và Pheuiphanh Ngaosyvathn, Paths to Conflagration: Fifty Years of Diplomacy and Warfare in Laos, Thailand, and Vietnam, 1778-1828 (New York: Southeast Asia Program Publications, Cornell University, 1998) tr. 92. Theo sử Xiêm La thì sau khi Nguyễn Huệ qua đời, vua Cảnh Thịnh cũng tiếp tục chính sách hoà hoãn với Xiêm La. Tháng 4 năm Quí Sửu (1793), triều đình Tây Sơn gửi một phái đoàn gồm 6 người đi đường bộ sang Bangkok để yêu cầu Xiêm La không dung chứa Nguyễn Ánh một khi quân của Cảnh Thịnh đánh vào Gia Ðịnh. Vua Xiêm trả lời là theo quan niệm Thập Ðức (Ten Royal Virtues) của người Xiêm, Bangkok sẽ không can thiệp vào việc nội bộ của nước khác. Sau đó vua Xiêm đã sao lại lá thư của vua Cảnh Thịnh gửi cho chúa Nguyễn để thông báo về việc này (The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign tr. 202-5)

[23] Một chi tiết cũng đáng chú ý là trong khi giao thiệp với nhà Thanh, triều đình Quang Trung nhiều lần nêu lên vấn đề xung đột Việt – Xiêm khiến cho vua Càn Long phải tìm cách giảng hoà. Trước đây có sử gia cho rằng việc được đề cập đến là trận chiến ở Rạch Gầm – Xoài Mút. Thực ra, biến cố này xảy ra 5 năm trước và mọi việc đã ngã ngũ. Xung đột mà nhà Thanh nhắc tới ở đây chính là việc Nguyễn Huệ phản đối người Xiêm dung túng và yểm trợ cho chúa Nguyễn và ép các tiểu quốc phía tây dãy Trường Sơn chống lại anh em ông. Sau khi được phong vương và nhất là việc vua Quang Trung trở thành một “sủng phiên” của nhà Thanh, Xiêm La thay đổi hẳn thái độ chỉ ngấm ngầm giúp đỡ Nguyễn Ánh còn bề ngoài giữ thái độ trung lập.

[24] Cây vàng bạc là một ống thiếc mạ vàng có hoa, lá làm bằng vàng bạc và những loại đá quí tết thành chùm mà các tiểu quốc đã thần phục Xiêm La phải đem tới hàng năm để khẳng định vai trò của mình. Ngoài ra, lễ vật triều cống còn thêm nhiều món khác. Theo Anna Leonowens trong The English Governess at the Siamese Court: The True Story that Inspired Anna and the King of Siam (Oxford University Press, 1988) trang 291 thì:

The rulers of Laos pay to the crown of Siam a tribute of gold and silver “trees,” rings set with gems, and chains of solid gold. The trees, which appear to be composed entirely of the precious metals, are really nothing more than cylinders and tubes of tin, substantially gilt or plated, designed to represent the graceful clove-tree indigenous to that part of the country; the leaves and blossoms, however, are of solid gold and silver. Each tree is planted in an artificial gilt mound, and is worth from five hundred to seven hundred ticals, while the chains and rings are decorated with large and pure rubies.

Chúng ta không biết cây gì được coi là tượng trưng cho nước ta mà chúa Nguyễn sử dụng để làm cây vàng bạc đem sang Xiêm. Theo Xiêm La thực lục đệ nhất kỷ (The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign, Tokyo 1978) thì tổng cộng chúa Nguyễn đem cây vàng bạc sang Xiêm sáu lần cho tới khi ông lên ngôi hoàng đế niên hiệu Gia Long mới thôi. Việc này chắc không sai vì cũng có lần Xiêm La yêu cầu chúa Nguyễn phải gửi quân sang hợp tác với quân Xiêm để đánh Miến Ðiện và chúa Nguyễn đã chuẩn bị 7,720 quân cùng 108 chiến thuyền (trong đó có 15 thuyền lớn) nhưng sau chiến dịch không tiến hành nên lại thôi. Vua Xiêm cũng điều động một toán quân Chân Lạp sang giúp Nguyễn Ánh đánh thành Qui Nhơn (tr. 222 và 226)

[25] Ðây là hai địa danh chứ không phải hai tên người

[26] DNCBLT quyển XXX, 39b-40a (Nhà Tây Sơn, 1970 bản dịch Tạ Quang Phát) tr. 162-3

[27] ... It was also learned that Laos had arrested some emissaries of Ong Long Yuang’s who had been on their way to Burma and that they had sent them down to Bangkok where they were imprisoned at the king’s order. Ong Long Yuang desired revenge for this and planned to raise an army and attack Laos. After seizing Laos he planned to attack Cambodia and would subsequently send both an army and a fleet on towards Bangkok. The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign tr. 183

(... Cũng biết được rằng nước Lào đã bắt được một số sứ giả của Ông Long Nhương (tên người Xiêm La gọi Nguyễn Huệ) đang trên đường sang Miến Ðiện và họ đã giải những người đó xuống Bangkok và bị tống giam theo lệnh của quốc vương. Ông Long Nhương định trả thù và dự tính thành lập một đạo quân để tấn công nước Lào. Sau khi lấy được Ai Lao rồi, ông ta sẽ đánh xuống Cambodia và sau cùng dồn cả quân thuỷ lẫn bộ tiến vào Bangkok.)

Việc này cũng được ghi lại trong Ðại Nam Thực Lục chính biên, đệ nhất kỷ, quyển VI nhưng lại nói là vua Xiêm đưa thư đến chúa Nguyễn “xin giúp quân đi theo miền thượng đạo đánh giặc Tây Sơn”. Chúa Nguyễn trả lời là yêu cầu vua Xiêm đem quân đánh theo đường bộ vào Nghệ An, còn thuỷ quân của chúa Nguyễn sẽ đánh vào Phú Xuân. Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Ðại Nam Thực Lục, tập Một (bản dịch Nguyễn Ngọc Tỉnh) (Hà Nội: nxb Giáo Dục, 2001) tr. 284

[28] The Dynastic Chronicles Bangkok Era The First Reign, tr. 184

[29] Mayoury Ngaosyvathn và Pheuiphanh Ngaosyvathn, sđd. tr. 93

[30] Quang Trung [a Tay Son chief], after seizing Tonking, seems to have made an expedition to Laos in 1791. Vien-Chan, ravaged by the Burmese in 1772, and by the Siamese in 1777, had just recovered from it ruins, when it was again attacked. The Laotian kin pha-Poutichao was killed by the Tonkinese. The defeated seem, however, to have been reconciled with the eastern neighbors; the Annamese came to help the king of Vien-Chan, who could extend his authority on the left bank of the river as far as Khemmarat, and subdue all the country till Attapeu ... (trích từ ghi nhận của giáo sĩ Bouillevaux) Mayoury Ngaosyvathn và Pheuiphanh Ngaosyvathn, sđd tr. 93

[31] Theo nhiều sử gia thì lá thư này do người em út của vua Nanthasen tên là Anou (A Nỗ theo sử Việt), còn gọi là Chau Chiem (Chậu Chiểm). Ông này sau lên làm vua có âm mưu chống lại người Xiêm nhưng không thành công phải chạy sang nước ta nương náu, bị vua Minh Mạng giao trả cho Xiêm La và toàn gia bị cực hình rất tàn khốc.

[32] Trong bài biểu tạ ơn được phong làm An Nam quốc vương, Nguyễn Quang Toản có viết:

... Ðến khi thân chinh Vạn Tượng về, đi quan sát địa phương Thăng Long, nhân cảm bệnh ... mới triệu vương, thế tử và các công thần từ Nghĩa An (Nghệ An) về nhận di mệnh để lại ... Ðỗ Thị Hảo (dịch) “Bài Biểu của Bồi Thần Phụng Dâng” Mai Quốc Liên (chủ biên), Ngô Thì Nhậm tác phẩm I (Hà Nội: Văn Học, 2001) tr. 477

[33] Nguyễn Thế Long, Chuyện Ði Sứ – Tiếp Sứ Thời Xưa (Hà Nội: Văn Hoá Thông Tin, 2001) tr. 318-20

[34] Ðại Nam Thực Lục, tập Một tr. 292

[35] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Ðại Nam Thực Lục, tập Một (Hà Nội: nxb Giáo Dục, 2001) tr. 286-7

[36] Tài liệu của người Pháp chép tên ông này là Jean-Marie Dayot. Theo Taboulet, trong trận Thị Nại Dayot đã phá huỷ một hạm đội Tây Sơn bao gồm “5 gros bâtiments, 90 galères et 100 demi-galères” lấy được 137 đại pháo đủ loại. La Geste Française en Indochine, 1955 tr. 249

[37] The King had only a few ships, and the usurper’s fleet was very numerous; but whilst the latter was shut up in port by the adverse monsoon, the same wind was favourable for carrying the former directly into the midst of them. He therefore embarked in the spring of the year 1792, and putting the whole of his fleet under the direction of two French officers, who commanded two European vessels, proceeded to Quin-nong. A Monsieur d’Ayot is said to have made a dreadful havock among the Cochinchinese junks, burning, sinking and destroying all that fell in his way; but, pursuing his successes too far, his vessel took the ground...

The attack was so wholly unexpected on the part of Yin-yac, that he and his Court had gone about thirty miles into the country to enjoy the pleasure of hunting ... The alarm of the enemy was soon communicated to the party of pleasure, and the beach was presently line with troops; but they were of little assistance to the fleet, which was now almost completely destroyed. The King, there fore, made the signal to retreat the moment that d’Ayot’s ship, on the rising of the tide, was again afloat. The grand yacht of the usurper, with a few others that was lying at the upper corner of the harbour, had not been brought into action. They were pointed out to the King who, however, objected to their being destroyed, observing “that when Yin-yac was tired of hunting he might wish to amuse himself with fishing, and that it would be cruel to deprive him of the means of pursuing so innocent an occupation.” John Barrow, A Voyage to Cochinchina. Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1975 (in lại theo lối chụp ảnh từ nguyên bản A Voyage to Cochinchina in the years 1792 and 1793, John Barrow, Esq. F.R.S. London, 1806) tr. 268-70

[38] Sử Ký Ðại Nam Việt, Nhà Dòng Tân Ðịnh, 1986 tr. 58-9.

[39] Nội dung bản hịch này hiện nay chỉ còn biết qua một bản dịch ra tiếng Pháp của giáo sĩ Pháp De la Bissachère nhan đề “Manifeste de Quang-Trung Roy de la Haute-Cochinchine et du Tonkin à tous les Mandarins, Soldats et Peuple des Provinces de Quang-Gai et de Quin-Hone” trích từ Nouvelles des Missions Étrangères de 1802. Charles B. Maybon, La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de Mr. De la Bissachère, Paris: Librairie Ancienne Honoré Champion, 1919 tr. 173-6 (xem Phụ Lục)

[40] ... Quel cas faire de ce misérable Chua (le roy aujourd’hui régnant qui s’est enfui dans les malheureux Royaumes d’Europe). Quant au peuple timide de Gia-ding qui ose aujourd’hui se mettre en mouvement et lever une armée, pourquoi les craignez-vous tant? Pourquoi votre coeur est-il saisi d’effroi? Si leur armée de terre et de mer s’est présentée dans tous votre ports et s’en est emparé dans un tems òu vous ne vous y attendiez pas, le grand Empereur nous en a déjà fait connotre les raisons par lettres, et nous avons vu que les mandarins, les soldats et vous tous dans ces deux provinces, n’avez pas eu le courage de combattre, et que c’est par cette raison plutôt que par leurs talens qu’ils se sont emparés de tous les endroits qui sont aujourd’hui en leur possession ... Charles B. Maybon, sđd. tr. 174-5

[41] Bài hịch cũng ít nhiều tiết lộ về sự xung đột của hai anh em Tây Sơn đã khiến cho lực lượng của họ bị phân tán nên vua Quang Trung phải tái xác định rằng “họ vẫn là anh em và không quên là cùng chung một giòng máu” (... afin que tout le monde sache que nous sommes véritablement frères et que nous n’avons jamais pu oublier que nous sommes du même sang) (Maybon, 175-6). Chúng tôi cho rằng để có thể đem quân ngang qua lãnh thổ Nguyễn Nhạc đang cai trị, hai anh em Tây Sơn có những thoả hiệp mới mở đầu cho một liên minh quân sự và chính trị theo mô hình của những quốc gia Nam Á là một nước có hai vua như ở Xiêm La hay Chân Lạp.

[42] Quốc Sử Quán triều Nguyễn, Ðại Nam Thực Lục, tập Một (Hà Nội: nxb Giáo Dục, 2001) tr. 290

[43] Cũng như những bộ sử triều đại khác (dynastic history), nhiều chi tiết bị dấu bớt, phóng đại hay bóp méo cho phù hợp với chủ ý của triều đình. Việc đối chiếu với nhiều nguồn tài liệu khác nhau sẽ dễ dàng hơn cho chúng ta tìm ra được những việc thiếu chính xác.

[44] Các nhà truyền giáo khi đó qua lại giữa các quốc gia, ngay cả từ Ðàng Ngoài vào Ðàng Trong cũng tương đối dễ dàng. Giáo sĩ Guérard đã kể lại việc ông đưa một giáo sĩ khác đi qua các tỉnh ở Bắc Hà để đem thư vào Ðàng Trong năm 1794 mà không gặp khó khăn gì. John R. Shortland, The Persecutions of Annam: A History of Christianity in Cochin China and Tonking (London, 1875) tr. 120-1. Chúng ta cũng biết thêm Nguyễn Huệ đã gửi thư để hăm doạ và ngăn chặn việc một số thuyền buôn Âu Châu đã giao thiệp cung cấp súng đạn và hàng quân sự cho chúa Nguyễn, qua một lá thư của Pierre-Yves Manguin, trong Le Nguyen, Macau et le Portugal: Aspects politiques et commerciaux d'une relation privilégiée en Mer de Chine 1773-1802, (Paris: École Française d' Extrême-Orient, 1984), tr. 98-99

[45] For the Taysons, in the earlier days of their power, allowed the Christians a good deal of liberty and, during the few following years, there being a considerable accession of ministers, the missionary work was particularly active and successful. John R. Shortland, sđd tr. 89

(Ðối với nhà Tây Sơn, trong những ngày đầu họ cầm quyền thì người theo đạo Chúa được nhiều tự do và chỉ sau vài năm số lượng thừa sai đã tăng vọt, công việc truyền giáo rất sinh động và thành công.)

[46] Trong lá thư ngày 9-4-1787 của giáo sĩ Boiret gửi cho giám mục Borgia ông có nhắc đến hoàng tử Cảnh như sau:

Le petit prince, fils unique du roi de Cochinchine, a un excellent caractère et un jugement au-dessus de son âge, beaucoup d’espérances qu’il sera un bon chrétien. Vendredi dernier, 6 de ce mois, il disait d’un ton décidé: “Je serai chrétien et tout mon royaume le sera aussi.” A. Launay, sđd. tr. 174

(Hoàng tử nhỏ, con độc nhất của vua xứ Ðàng Trong, có một tư cách tuyệt hảo và những nhận định trưởng thành hơn tuổi của cậu ta, rất có triển vọng để thành một giáo đồ (ky tô) tốt. Thứ sáu trước, nhằm ngày mồng 6 tháng này, cậu đã nói với một giọng quả quyết: “Tôi sẽ theo đạo và tất cả vương quốc của tôi cũng sẽ cải giáo.”)

Trong lá thư của giáo sĩ Lavoué gửi giám đốc chủng viện hội Truyền Giáo Hải Ngoại có viết:

... Vous apprendrez avec plaisir l’entretien qu’il eut avec Monseigneur, le jour de Pâques. “Moi vouloir beaucoup être martyr, dit le petit prince. – Pourquoi désirez-vous être martyr, repartit Sa Grandeur? – Si moi martyr, moi mourir pour Seigneur du ciel, moi aller tout de suite au ciel; ah! Que moi bien content!” ... A. Launay, sđd. tr. 180

(Cũng để ngài biết cho vui về cuộc đối thoại giữa cậu bé với giám mục trong ngày lễ Phục Sinh. Hoàng tử nói: “Con rất muốn được tử vì đạo.” “Sao con lại muốn tử vì đạo, để báo đáp Thiên Chúa chăng?” “Nếu con tử vì đạo, con chết cho chúa Trời và con sẽ lên thẳng thiên đàng ngay lập tức. Như vậy con sung sướng xiết bao!”)