Sunday, May 19, 2024

Nguyễn Duy Chính: Nghiên Mực

Cuối năm 1980, tôi thiên cư từ một tiểu bang lạnh giá ở miền trung nước Mỹ sang California. Ngay khi vừa ổn định cuộc sống, tôi lập tức bắt tay vào những mơ ước mà khi còn ở Việt Nam không có điều kiện thực hiện. Trong những ước vọng nhỏ nhoi đó có hai món đồ kỷ niệm tôi còn giữ đến ngày nay. Đó là một cái nghiên mực và một cái ống bút bằng tre mua trên phố Tàu ở Los Angeles, cách nơi tôi ở chừng 40 dặm.

Cái nghiên bằng đá đen có tạc hình một con trâu nằm, để trong một cái hộp gỗ đánh xi nâu với giá thuở đó là 36 USD, còn cái ống bút chỉ có 1 USD. Nhẩm tính hai món đồ này đến nay cũng đã tròm trèm 40 năm.

Cái nghiên đó tôi dùng thường xuyên trong khoảng 5 năm nhưng lâu nay họa hoằn lắm mới có dịp đem ra ngắm, tuy số lượng nghiên mực sưu tầm trong nhà đã lên số hàng chục trong đó có cả nghiên Tàu, nghiên Nhật, nghiên Triều Tiên… nói chung là từ những quốc gia đồng văn với Trung Hoa hay những nơi có một cộng đồng Hoa kiều lớn.

Thực ra, cái nghiên này là cái thứ hai tôi có. Trước đây, khi làm ở một tỉnh miền Trung, tôi có mua một cái nghiên, loại nghiên thông dụng cho học sinh người Hoa, tuy cũng bằng đá nhưng không phải là đồ hiếm quí. Sau năm 1975, cái nghiên đó thất lạc phần vì tôi không còn viết chữ, phần vì để chỗ nào đó quên phứt đi nên cũng không để ý tới nữa.

Tuy không mấy khi cầm đến cây bút lông, nghiên mực vẫn là một món đồ ưa thích. Mỗi lần ngắm nghía một chiếc nghiên trong bộ sưu tập, cục đá vô tri kia tưởng như đang nói chuyện với mình về những gì đã trải qua, kể lể cho chúng ta về những dòng chữ, những nét vẽ mà nó đã dự phần.

Ngoài số nghiên mà tôi biết chắc là có nguồn gốc từ Trung Hoa, tôi cũng hay mua những chiếc nghiên từ Nhật Bản. Nghiên Nhật Bản giản dị, lắm khi để nguyên tảng đá không đẽo gọt (ngoài phần làm nghiễn đường), chỉ có một cái nắp đậy bằng gỗ quí nên gần gũi, giản phác mà tinh tế, thanh nhã mà thầm kín, không phô trương. Nghệ thuật của người Nhật gần với mình hơn nghệ thuật của người Tàu.

Ngày hôm nay, phần lớn ít ai dùng nghiên, đa số những “cụ đồ tân thời” trình diễn thư pháp mỗi dịp Tết ở Việt Nam thường dùng bát để đựng mực rót từ những chai công nghiệp. Hầu như ít ai mua mực thỏi, cũng không còn cái thú mài mực để dùng nên có lẽ đặt nặng phần luyện tập nét chữ mà ít chú trọng đến nghi thức và dụng công của người đọc sách đã đưa việc viết chữ lên thành một thứ “tôn giáo” để di dưỡng tâm hồn. Trong cái tài hoa dường như đã nhuốm mùi tục lụy.



2.    Văn nhân và nghiên mực

Danh sĩ luôn luôn chú trọng đến những dụng cụ cần thiết cho việc làm văn, nên không chỉ nghiên mà bút, giấy, mực cũng luôn luôn được coi trọng. Tuy không mấy khi chế tạo được những vật dụng nhưng riêng về nghiên mực, nhiều thư pháp gia, họa sĩ tự mình đi tìm kiếm đá tốt và trao đổi kinh nghiệm với người thợ làm nghiên nên sản phẩm cũng phản ảnh phần nào ý kiến của người dùng. Tây Thanh Nghiễn phổ, một loại danh mục các nghiên mực sưu tập trong cung nhà Thanh được thực hiện đời Càn Long, cho biết đến lúc đó còn lưu lại nhiều nghiên đá của Mễ Phất (米芾)[1], Triệu Mạnh Phủ rất tinh vi. Chính vì liên quan trực tiếp đến văn chương, nên những nghiên cứu về nghiên đã xuất hiện rất sớm, ghi chép nhiều chi tiết cả về loại đá lẫn hình dáng và cách chế tạo.

Ngay từ thời Tống, sách viết về nghiên đã khá nhiều, chẳng hạn như Nghiễn phổ (硯譜) của Âu Dương Tu (歐陽修), Nghiễn lục (硯錄) của Đường Tuân (唐詢), Nghiễn sử (硯史) của Mễ Phất (米芾), Nghiễn phổ (硯譜) của Lý Chi Ngạn (李之彥), Nghiễn tiên (硯箋) của Cao Tự Tôn (高似孫). Riêng Nghiễn tiên có thể coi là một bộ toàn thư vì chia thành nhiều quyển, mỗi quyển luận về một loại, Đoan thạch, Thiệp[2] thạch, các loại đá và minh văn khắc trên nghiên.

Sang thời Minh, dưới triều Hồng Võ có Tào Chiêu (曹昭) soạn Cách cổ yếu luận (格古要論), có một chương “Luận cổ nghiễn” (論古硯), triều Vạn Lịch có Cao Liêm (高濂) soạn Tuân sinh bát tiên (遵生八牋) cũng có một mục luận về nghiên, miêu họa một số nghiên mực mà ông thấy nên giúp cho người sau biết được hình dạng những nghiên đó, coi như bước khởi đầu đưa hình vẽ vào trong sách. Trước thời Minh, khi luận về các loại đá làm nghiên như Đoan thạch, Thiệp thạch thì phần lớn đều giống nhau, đại đồng tiểu dị, nên người sau cũng khó mường tượng ra được sự khác biệt như thế nào.

Sang thời Minh mạt - Thanh sơ và nhất là qua ba đời vua Khang Hi, Ung Chính, Càn Long đều là những người chuộng văn học, thời gian trị vì lại lâu dài nên thư pháp, nghệ thuật được đề cao, việc chọn đá, tạc nghiên cũng nhờ đó mà phát triển. Đầu thời Thanh, Cao Phượng Hàn (高鳳翰) soạn Nghiễn sử (硯史), Kỷ Quân (紀昀) soạn Duyệt Vi thảo đường nghiễn phổ (閱微草堂硯譜), Đường Bỉnh Quân (唐秉鈞) soạn Văn phòng tứ khảo đồ thuyết (文房肆考圖說) là những bộ sách vừa cả văn, vừa có hình vẽ rất rõ ràng và đặc sắc.

Về sách vở do triều đình thực hiện, bộ Tây Thanh nghiễn phổ (西清硯譜) được coi như hàng đầu trên cả hai phương diện miêu tả lẫn hình vẽ. Theo lời đề tựa của vua Càn Long trong Tây Thanh nghiễn phổ thì:

Trong nội phủ có nhiều nghiên, hoặc từ triều trước để lại, hoặc do các đời cũ như Ngọc Lan đường nghiễn, Bích Thủy nghiễn thời Tấn, vẫn trưng bày ở Noãn Các nơi phía đông và phía tây của Càn Thanh cung, nay nghĩ rằng vật thì nhiều, đất thì rộng để các nơi nhiều năm qua, không khỏi lung tung khó nhớ, có khi mất mát thất truyền, thật là đáng tiếc[3].

Năm Mậu Tuất, Càn Long thứ 43 (1778), vua Cao Tông sai các học sĩ đương thời bao gồm Vu Mẫn Trung (于敏中), Lương Quốc Trị (梁國治), Vương Kiệt (王杰), Đổng Cáo (董誥), Tiền Nhữ Thành (錢汝誠), Tào Văn Thực (曹文埴), Kim Sĩ Tùng (金士松), Trần Hiếu Vịnh (陳孝泳) tất cả 8 người lo việc soạn thảo, còn vẽ hình thì do bọn Môn Ứng Triệu (門應兆) phụ trách lấy tên là Tây Thanh nghiễn phổ.

Tây Thanh là nơi nghỉ ngơi nhàn nhã trong cung. Dưới thời Càn Long, Nam thư phòng cũng có tên gọi là Tây Thanh vốn là nơi các học sĩ trong triều đến làm việc, biên soạn sách vở.

Bộ Nghiễn phổ này bao gồm 24 quyển, chia theo chất loại và thời đại, từ quyển 1 đến 6 là nghiên bằng gốm sứ, quyển 7 đến 21 là nghiên đá, quyển 22 đến 24 là các phụ lục. Trong các loại đồ gốm cũng chia ra bằng sành, bằng ngói và bùn nung. Còn về bằng đá, sách chia ra: Đoan nghiễn, Thiệp nghiễn, Thao Hà nghiễn, Hoắc Thôn thạch. Trong phần phụ lục, sách liệt kê các loại khác như ngọc, sứ, tuy cũng có danh gia dùng đến nhưng không nhiều, cũng không thích hợp với việc bút mực nên không được liệt vào hàng chính lục.

Tây Thanh nghiễn phổ bản gốc bao gồm 200 chiếc nghiên, phụ lục thêm 40 chiếc nữa, tổng cộng 240 chiếc, ghi chép và miêu tả những chiếc nghiên cất giữ trong cung, thêm phần giải thích và hình vẽ. Nói tóm lại bộ Nghiễn phổ này là một dạng mục lục (catalogue) liệt kê các nghiên quí đang cất giữ trong triều đình.

Hình vẽ do họa sĩ trong nội các ảnh hưởng cách vẽ có bóng đen của Tây phương[4] nên có ba chiều, nhìn vào dễ hình dung ra món đồ hơn lối vẽ đường nét của Trung Hoa. Khi so sánh với những chiếc nghiên còn tồn tại, những hình vẽ trong Tây Thanh nghiễn phổ giống hệt từng chi tiết.

 

       Một bộ 6 chiếc nghiên (phỏng cổ) đời Thanh

“Tây Thanh nghiễn phổ cổ nghiễn” tr. 28-9

3.    Tên gọi của nghiên

Ngày xưa lấy ngói làm nghiên nên gọi là nghiễn ngõa 硯瓦hay ngõa nghiễn瓦硯; về sau lấy đá làm nghiên nên gọi là thạch nghiễn 石硯. Thời Tấn, Phó Huyền 傅玄có viết Nghiễn Phú 硯賦; thời Đường, Dương Sư Đạo 楊師道 có làm thơ Vịnh nghiễn 咏硯 và về sau Lý Kiều 李嶠 cũng có Vịnh nghiễn. Người Trung Hoa đưa ra nhiều tên gọi khác nhau, ít nhiều đều có tính “nâng cấp” và “thi vị hóa” cục đá dùng để mài mực. Họ dùng những tên sau đây để gọi chiếc nghiên:

3.1.                    Tức Mặc hầu (即墨侯)

Tên này có từ thời Đường. Trong Tức Mặc hầu Thạch Hư trung truyện (即墨侯石虛中傳) có chép : Nhà vua thấy đây là một món đồ ích lợi, khen là kính cẩn lặng lẽ, luôn luôn ở bên cạnh mình hầu hạ, ngày ngày quen thuộc với văn chương nên phong cho Tức Mặc hầu. Thời Tống, Vương Mại 王邁 trong bài thơ Trừ dạ tẩy nghiễn (除夜洗硯) có thơ rằng: 多謝吾家即墨侯,朝濡暮染富春秋 Đa tạ ngô gia Tức Mặc hầu; Triêu nhu mộ nhiễm phú Xuân Thu (Đa tạ anh Tức Mặc hầu nhà ta, Sáng ướt chiều thấm kinh Xuân Thu)[5]. Trong Ấu học quỳnh lâm (幼學瓊林), Cung thất loại, quyển 3 chép: 石虛中,即墨侯,皆為硯稱 (Thạch Hư trung, hay Tức Mặc hầu đều là cách người ta gọi chiếc nghiên).

3.2.                    Vạn Thạch quân (萬石君)

Tô Thức (tức Đông Pha) thời Tống viết trong Vạn Thạch quân La Văn truyện ca tụng loại La Văn nghiễn (một loại Thiệp nghiễn) nói là có danh sĩ tên La Văn, người đất Thiệp , khi còn sống thường ở ẩn trên núi Long Vĩ 龍尾. La Văn giúp vua Thành Văn trị nước, công lao rất lớn nên được phong là Vạn Thạch quân, La Văn gọi cái nghiên của mình là Vạn Thạch quân, về sau nhiều người cũng dùng theo.

3.3.                    Ngõa nghiễn (瓦硯)

Cũng gọi là Nghiễn ngõa hay Ngõa đầu nghiễn. Trước thời Đường ngoài nghiên làm bằng đá hay nghiên làm bằng ngói, người ta còn làm nghiên bằng đồ gốm. Trừng nê nghiễn là một loại nghiên làm theo kiểu làm đồ gốm nhiều công phu. Hàn Dũ trong Ế nghiễn văn (瘞硯文) có nói Trừng nê nghiễn “đất làm thành chất, đồ sứ làm thành khí”. Thời Tần - Hán làm ngói các cung điện thường lấy bùn từ sông Phần nên người đời sau lấy ngói đó làm nghiên.

Ngoài ra, ở Nghi Hưng nơi chuyên làm các loại ấm đất nhỏ [thường gọi ấm tử sa] là đồ gốm không tráng men rất nổi tiếng cũng có nặn nghiên được nhiều người sưu tầm.



Nghiên Nghi Hưng

(sưu tầm của tác giả)[6]

3.4.                    Đào hoằng (陶泓)

Hàn Dũ thời Đường trong Mao Dĩnh truyện gọi nghiên là Đào hoằng nên Đào hoằng cũng để chỉ nghiên làm bằng đồ gốm. Thời Đường Tống các loại nghiên đá tuy phong phú nhưng vẫn không thông dụng và dễ làm như các loại nghiên làm bằng gốm sứ. Ở nước ta, dường như nghiên phần nhiều làm bằng đồ sứ nên cũng không mấy người dùng nghiên đá.

3.5.                    Nghiễn đài (硯臺)

Nghiễn đài là tiếng gọi thông dụng nhất của chiếc nghiên. Thời Đường, Tư Không Đồ có thơ rằng: “Tịch dương chiếu cá tân hồng diệp, Tự yếu đề thi lạc nghiễn đài” (Nắng buổi chiều chiếu vào chiếc lá mới đỏ, Muốn đề thơ nhưng chiếc nghiên lại để đâu không biết).

3.6.                    Thạch hữu (石友)

Người xưa xem những món trong thư trai của mình đều là bạn bè, vì thế chiếc nghiên được gọi tên Thạch hữu (người bạn đá). Vương Viêm 王炎 thời Tống trong bài thơ Đề Đồng Thọ khanh Bác Nhã đường 題童壽卿博雅堂có viết: 來楮生,歙穴會石友: Thiểm Khê lai chử sinh, Thiệp Huyệt hội thạch hữu” (Giấy từ Thiểm Khê đến, Gặp nghiên ở Thiệp huyệt). Chử sinh [hay chử tiên sinh] là giấy, thạch hữu là nghiên.

3.7.                    Nghiễn điền (硯田)

Người đọc sách đời xưa coi văn chương là nghề nghiệp, nghiên là ruộng cày ám chỉ văn chương là sinh kế của nhà nho. Tô Thức thời Tống viết: “我生無田食破硯,爾來硯枯磨不出: Ngã sinh vô điền thực phá nghiễn, Nhĩ lai nghiễn khô ma bất xuất” (Tôi vốn không có ruộng chỉ sống bằng chiếc nghiên sứt mẻ, Vậy mà dạo này đến chiếc nghiên cũng đã khô, mài không ra mực).

3.8.                    Nghiễn trì (硯池)

Vì có chỗ lõm nên người ta gọi là ao mực. Trong Nghiễn phú của Phó Huyền thời Tấn viết: “蘆方圓以定形,鍛金鐵而為池: Lô phương viên dĩ định hình, Đoạn kim thiết nhi vi trì” (Vuông hay tròn đã định hình rồi, Rèn vàng sắt để làm ao).

3.9.                    Nghiễn sơn (硯山)

Dùng đá thiên nhiên làm nghiên, tạc hình như ngọn núi nên gọi là nghiễn sơn.

3.10.               Mặc hải (墨海)

Mặc hải nghĩa là biển mực, chỉ cái nghiên lớn, chứa được nhiều mực (khác với nghiễn trì là nghiên nhỏ).

3.11.               Thư nghiễn (書硯)

Sách Thuyết phu tập hợp Hán nam ký 漢南記 của Trương Oánh 張瑩có viết: “Ở phía nam ao Sái Tử 蔡子池 của Giang Châu江州 có một giếng đá, sâu khoảng hai trăm trượng, đá màu xanh, dùng làm nghiên rất tốt”. Chu Hi 朱熹 thời Tống trong Huấn học trai qui 訓學齋規 viết: Các bậc tiền bối nói rằng: 壞筆污墨,子弟職。書几書硯,自其面 (bút cùn, để mực bẩn, sẽ làm hỏng chức phận của con cháu; viết lên án, vẽ lên nghiên, thì như tự bôi mực lên mặt mình).

3.12.               Thạch trượng nhân (石丈人)

Viên Mai 袁枚trong Tùy viên thi thoại 隨園詩話quyển 14 có viết: Suốt tháng đó đi chơi ở am Hải Triều phía đông, được Văn Tiết Công 文節公cho một chiếc nghiên vuông nhỏ … lúc sắp chết tặng lại cho Tra Tuân Thúc恂叔. Khi đó người đề thơ rất nhiều, Tiền Tân Mi 錢辛楣 nói rằng “trước mắt chỉ thấy thạch trượng nhân, Giang Nam không còn được ai nữa”.

3.13.               Thạch hương hầu (石鄕侯)

Tôn Dịch 孫奕 thời Tống viết trong mục Nhân vật dị danh, phần Tạp ký, sách Lý Trai thị nhi biên示兒編·雜記·人物異名: “Nghiên gọi là Thạch hương hầu”. Trong Thư ngôn cố sự, Văn vật loại, Nghiễn 《書言故事·文物類·硯 viết là “Tiết Tắc (薛稷) làm nghiên, phong cho nó là thạch hương hầu”[7].

4.    Các bộ phận của nghiên

Từ thời Hán về sau, cái nghiên đã trở nên có qui thức và từng bộ phận trên chiếc nghiên được đặt tên và được số đông công nhận, chủ yếu có nghiễn đường, nghiễn trì, nghiễn ngạch, nghiễn cương, nghiễn biên …[8]



4.1.                    Nghiễn đường (硯堂)

Tức là lòng nghiên, còn gọi là mặc đường, mặc đạo hay nghiễn tâm. Nghiễn đường là nơi mài mực, là chỗ mà người ta thử để biết nghiên có tốt hay không? Một chiếc nghiên được đánh giá chủ yếu là ở mặc đường nên khi làm nghiên, người ta luôn luôn chọn chỗ đá tốt nhất để làm nơi mài mực.

4.2.                    Nghiễn trì (硯池)

Còn gọi là mặc trì, nghiễn hải, nghiễn hồ, để chỉ nơi lõm xuống trên chiếc nghiên, là chỗ chứa nước hoặc mực. Người ta thiết kế nghiên trì theo cục đá mà họ có, khi to khi nhỏ, khi vuông khi tròn, vị trí cũng tùy theo đề tài mà sắp đặt. Nếu như đá có hoa văn thì người ta không để nghiễn trì nơi đó mặc dù nghiên nào cũng phải có nơi chứa mực, không có không gọi là nghiên.

4.3.                    Nghiễn ngạch (硯額)

Còn gọi là nghiễn đầu chỉ phần trên của chiếc nghiên là nơi có thể khắc thêm hoa văn, họa tiết cho thêm phần mỹ thuật và giá trị.

4.4.                    Nghiễn cương (硯崗)

Nghiễn cương là cái gờ nổi lên trong nghiễn trì, còn có tên là “bụng La Hán” cốt để khi mài mực mực sẽ chảy theo hai bên xuống nghiễn trì, cũng là chỗ để người ta vuốt bút. Nhiều chiếc nghiên không tạo nghiễn cương nhưng tạc một cành hoa, một con trâu, hay một hoa văn thay vào cho thêm vẻ mỹ thuật.

4.5.                    Nghiễn biên (硯邊)

Nghiễn biên là cạnh nghiên, giữ cho mực khỏi tràn ra ngoài khi mài. Tùy theo hình thể và chất liệu đá, người ta có thể điêu khắc nhiều loại hoa điểu nhưng phần lớn chỉ dùng dao vạch sâu thành hoa văn.

4.6.                    Nghiễn trắc (硯側)

Nghiễn trắc là bên hông chiếc nghiên cũng được dùng làm nơi trang sức, nhất là các loại nghiên vuông, nghiên chữ nhật.

4.7.                    Nghiễn diện (硯面)

Ngoài phần nghiễn đường là nơi mài mực, công dụng chính của chiếc nghiên nhiều người còn tạc những hình thể rất mỹ lệ khiến cho chiếc nghiên biến thành một tác phẩm điêu khắc mà quên đi dụng ý chính của nghiên là mài mực. Phần hoa lá cành đó gọi là nghiễn diện nay cũng được nhiều người quan tâm.

4.8.                    Nghiễn bối (硯背)

Còn gọi là đáy nghiên tức mặt dưới của chiếc nghiên, thường được dùng để khắc chữ, đề khoản để biết được ai là tác giả hay chủ nhân gửi gắm điều gì. Cũng có khi khắc thơ văn, ấn triện, đề bạt nên nhiều khi chỉ là khắc nông (thiển điêu) và là phần phụ cho chiếc nghiên.

4.9.                    Nghiễn cái (硯蓋)

Tức là cái nắp bên trên, có khi là một phần của chiếc hộp đựng nhưng có khi chỉ là một mảnh gỗ để đậy cho mực không bị khô. Tuy vậy nhiều chiếc nghiên có những nắp đậy rất vừa vặn và mỹ thuật.

 

5.    Làm nghiên


                                        Tùng Hoa nghiễn

(trong bộ sưu tập của gia đình Khổng Tường Hi)[9]

 

Từ khi còn là một cục đá trong mỏ, đến khi hoàn thành một chiếc nghiên phải qua nhiều công đoạn, nhiều công phu. Tựu trung phải qua những tiến trình sau đây: kiếm và lấy đá, chọn vật liệu, thiết kế, điêu khắc, làm hộp đựng, mài cho nhẵn và sau cùng là vuốt sáp.

5.1.                    Kiếm đá (採石)

Việc đầu tiên để làm nghiên đương nhiên là phải tìm cho được một khối đá thích hợp. Người thợ chui vào hang dùng xà beng nạy những miếng đá rồi đem đến những xưởng công nghệ, ở đó sẽ phân loại để tìm xem những phần nào có thể làm nghiên. Việc tìm được một khối đá thích hợp cho việc đục nghiên khó như thế nên người ta đã có câu: “Một cân đá tốt đáng giá nghìn vàng” (Giai thạch nhất cân, giá trị thiên kim).

5.2.                    Chọn đá (選料)

Chọn đá người ta xem đá nào tốt để phân loại gọi là “duy liệu” (維料). Người thợ lấy đá đem ngâm nước để xem có hoa văn thiên nhiên hay không, chẳng hạn đá Đoan Khê thì có những mắt trong gọi là ngư não, có vân đá hay những văn sọc gọi là vân lá chuối (蕉葉白); Thiệp thạch thì có kim vựng, la văn, kim tinh điểm, loát ti la văn; Thao Hà thạch thì có áp đầu lục, hoàng tiêu, lục thạch

Sau đó người thợ chia ra thành đá loại nhất, loại nhì, loại ba. Hạng nhất là đá mịn mặt, có nhiều hoa văn được dùng để làm các loại nghiên cao cấp, loại nhì là loại đá mịn, thuần chất, ít văn lý thường dùng để làm nghiên có khắc hoa văn, loại ba là đá thô và nhiều ngấn không khác gì một cục đá thường, dùng đục những loại nghiên thực dụng, rẻ tiền.

5.3.                    Thiết kế (設計)

Thiết kế còn gọi là cấu tứ (構思) tức là quan sát, nghiên cứu xem chất đá, màu sắc, các loại hoa văn và các vết lỗi để xem phải làm thế nào có được một chiếc nghiên vừa mỹ thuật, vừa tiện dụng.

Việc thiết kế một chiếc nghiên sẽ quyết định phần lớn giá trị sau này vì việc tạo hình, điêu khắc, kỹ pháp đều tùy thuộc vào việc nhìn ra những yếu tính của cục đá và phối trí thế nào cho những đặc tính đó nổi bật, chẳng hạn gò cho mắt đá thành vầng trăng, vân đá thành sóng nước …

5.4.                    Điêu khắc (雕刻)

Sau khi đã có một phác đồ, trước khi bắt đầu người thợ dùng dao khắc vẽ đơn giản những đồ hình mà người ta dự định sẽ tạc lên khối đá, nhất là sắp xếp để chủ đề phù hợp với những gì đã phác họa. Người thợ cũng phải tính toán chỗ nào sẽ phải đục sâu, chỗ nào đục nông hay chỉ khắc đường vẽ và tùy từng chỗ mà dùng dao, đục để sao cho lên xuống đúng như dự định.

Vì có nhiều vùng, nhiều loại đá và phong khí mỗi thời một khác, việc điêu khắc trên nghiên cũng thay đổi. Những nhà nghiên cứu còn chia ra thành nhiều phái khác nhau như: Việt phái (đá Quảng Đông, tức Đoan Khê), Huy phái (đá Thiệp Châu), Tô phái (Tô Châu), Cung đình (kiểu nghiên trong cung vua) … mỗi phái có một khuynh hướng và mục tiêu.

5.5.                    Làm hộp (配盒)

Một chiếc nghiên đẹp thường phải đi kèm một chiếc hộp đựng vừa vặn, khéo léo để vừa trưng bày vừa bảo vệ cho món đồ quí. Hộp thường được làm sao cho vừa khít với chiếc nghiên, nếu như nghiên hình dáng bất thường thì hộp cũng phải đục theo hình dáng đó.

Người Việt có câu “người đẹp vì lụa”, ý nói đồ trang điểm bên ngoài cũng là một yếu tố quan trọng để tăng thêm nhan sắc. Người Trung Hoa cũng có câu “người mặc áo mới, ngựa có bộ yên” (人穿新裝, 馬配鞍) nên nghiên đẹp cũng cần một cái hộp mỹ thuật để làm nổi bật giá trị của món đồ và nhất là để giữ gìn khỏi vô tình bị đụng chạm, sứt mẻ.

Vật liệu để làm hộp đựng nghiên cũng rất đa dạng, tùy theo sở thích và sáng kiến của từng người và cũng tùy theo sự phong lưu của chủ nhân mà có thể làm bằng vàng, bạc, ngọc, đồng, sắt nhưng thông thường nhất là bằng gỗ. Theo Nghiễn thư thì:

Hộp đựng nghiên tốt nhất là bằng gỗ phủ sơn, kế đến là gỗ tử đàn. Hộp sơn tốt hơn đàn hương vì không thấm nước …[10]

Các nghiên quí phần lớn hộp làm bằng gỗ tử đàn, hồng mộc[11], hoàng hoa lê … các loại gỗ hiếm, nhiều hộp còn khảm xà cừ, khảm ngọc … hoặc khắc những bài minh để tăng phần giá trị.

Gỗ làm hộp xấu tốt tùy theo giá trị của nghiên, nghiên tốt không làm hộp xấu mà nghiên tầm thường cũng không ai làm hộp bằng gỗ quí. Mua nghiên trên mạng cũng có thể nhìn chiếc hộp mà lượng định phần nào giá trị của chiếc nghiên đi kèm với nó.

Chế tạo hộp đựng nghiên nay vẫn tuân theo qui luật của thời Minh - Thanh, nắp hộp cao hơn đáy, thường là 3/5 và 2/5 (nếu bỏ nghiên riêng ra ngoài, để hai phần nắp và đáy cùng trên một mặt phẳng). Đáy hộp cũng thường có thêm 4 chân đều nhau hay móng cọp nghĩa là ba chân ở trên, một chân ở dưới. Chân hộp thường mỏng gọi là bình để cước (chân đáy ngang).

5.6.                    Chà nhẵn (打磨)

Ngày nay việc mài nghiên hay đánh bóng các điêu khắc dùng cả hai loại, máy chạy điện và thủ công, dùng đá mài hay giấy nhám, thô hay mịn tùy công đoạn. Việc mài bóng không nên dùng sức quá nhiều mà phải kiên nhẫn vì chà mạnh có thể làm những chỗ điêu khắc mỏng manh bị sứt mẻ.

Nghiên càng phức tạp thì công việc mài dũa, đánh bóng và tạo hình càng nhiều công phu, trị giá sau cùng cũng vượt ra khỏi chủ đích của việc làm một công cụ để mài mực.

5.7.                    Bôi sáp (打蠟)

Sau khi tác phẩm đã qua mọi công đoạn, người ta sẽ phủ lên trên khối đá một lớp sáp, trước là bảo vệ chiếc nghiên khỏi bị phong hoá, sau là khiến cho mặt đá mịn màng và tươi nhuận. Những văn lý hay vết khắc nhỏ khi đó hiện ra rõ ràng hơn, chất đá cũng trở nên sống động. Việc bôi sáp chỉ nên phủ một lớp mỏng, bôi quá nhiều có thể phản tác dụng, tưởng như muốn che dấu những khuyết điểm.

6.    Các loại danh nghiễn

Đá làm nghiên được tìm thấy tại nhiều nơi trên đất Trung Hoa nhưng đặc biệt nhất thì có Đoan nghiễn (端硯), Thiệp nghiễn (歙硯) và Thao Hà nghiễn (洮河硯). Duy nhất một loại nghiên không dùng đá trực tiếp từ thiên nhiên mà dùng bùn dưới lòng sông để tạo thành gọi là Trừng Nê nghiễn (澄泥硯). Đó là 4 loại danh nghiễn của Trung Hoa.

Ngoài ra cũng còn vô số nơi đá có thể làm nghiên nhưng ít người biết hơn và cũng không tốt bằng. Khi chiếc nghiên người ta sưu tầm không mấy ai còn dùng để mài mực, sự xấu tốt trong công dụng của nó càng khó phân biệt. Chiếc nghiên nay chỉ là một tác phẩm điêu khắc mà màu sắc, vân đá trở thành những đặc tính được quan tâm hơn cái dụng của phiến đá. Nhiều nghiên lớn, chạm trổ và thiết kế rất cầu kỳ, tuy đẹp nhưng sử dụng sẽ rất khó khăn, nhất là sau khi dùng xong lại phải rửa sạch thì thật nhiêu khê, có khi mang họa cho chủ nhân nếu vô tình vấp ngã.

Theo Liễu Tân Tường trong Trung Quốc nghiễn đài thu tàng vấn đáp thì hiện nay các loại danh nghiễn bị làm giả rất nhiều nhưng không phải vì thế mà những nghiên đó không có giá trị. Nghiên tốt bao gồm những đặc tính mịn màng nhỏ hạt, chắc chắn, dễ mài mực và không làm mòn bút (細膩溫潤,堅實,易發墨,不損毫). Ngoài ra nghiên tốt cũng ít hút nước nên mực không bị khô nhanh[12]. Nghiên vừa là một dụng cụ để mài mực, vừa là một vật đựng mực nên hai đặc tính “phát mặc” [dễ mài mực] và “bất tổn hào” [không mòn bút] được đề cao. Đó là chưa kể nghiên mực cũng là một vật trang trí nên vân đá, màu sắc, hộp đựng … lại càng cầu kỳ và việc bảo trì, sử dụng càng thêm phức tạp.

6.1.                    Đoan nghiễn (端硯)


                                                      Đoan nghiễn

(sưu tầm của tác giả)

 

Đoan nghiễn làm bằng đá Đoan Khê ở Triệu Khánh, Quảng Đông, vẫn được coi là loại đá tốt nhất để làm nghiên (群硯之首: quần nghiễn chi thủ). Triệu Khánh ngày xưa gọi là Đoan Châu nên nghiên có tên là Đoan nghiễn.

Theo lịch sử thì đá ở đây được khai thác để làm nghiên từ thời Đường. Nhiều ngôi mộ cổ khi khai quật đã tìm thấy Đoan nghiễn. Trong Vân lâm thạch phổ thời Tống đã cho biết văn nhân thích nghiên làm từ đá Đoan Khê, phân biệt ra bốn loại màu lấy từ hang động hay lòng suối[13].

Tính cho tới thời Thanh người ta đã tìm thấy khoảng 70 nơi ở Đoan Châu có đá làm nghiên nhưng chỉ có chừng 10 mỏ là được chú trọng nhiều, chẳng hạn như Long Nham, Thủy Nham, Khanh Tử Nham, Tuyên Đức Nham, Triều Thiên Nham, Tống Khanh, Mai Hoa Khanh, Ma Tử Khanh … Vì bị đào bới quá đà, kể từ năm 2000 chính quyền Triệu Khánh, Cao Yếu đã ra lệnh cấm không cho khai thác nữa.

Ngoài các đặc tính tế, nhị, ấu, nộn (mịn màng tươi nõn) mà người ta cho rằng là đặc điểm của đá Đoan Khê, đá ở đây còn nổi tiếng về vân đẹp, hoặc màu xanh, hoặc màu trắng, có khi màu xanh phơn phớt, hay đỏ … nhất là mắt đá thiên nhiên như cù dục nhãn (chim sáo), anh ca nhãn (chim vẹt), kê công nhãn (gà trống), liêu ca nhãn (chim di), tước nhãn (chim sẻ), miêu nhãn (mắt mèo), lục đậu nhãn (hạt đậu xanh) … Đá Đoan Khê không hút nước, mặt mịn nên chấm mực bút không mòn, mực mài ra tươi và nhuận nên văn nhân ai cũng ưa chuộng.

6.2.                    Thiệp nghiễn (歙硯)


                                                 Thiệp nghiễn

(sưu tầm của tác giả)

 

Thiệp nghiễn làm bằng đá ở Thiệp huyện, các vùng Kỳ Môn, Hưu Ninh, Y Huyện, Tích Khê, Vụ Nguyên … tỉnh An Huy, trong đó Vụ Nguyên có đá tốt nhất. Nghiên sản xuất ở đây được gọi là Thiệp nghiễn hay Long Vĩ nghiễn. Theo Thiệp nghiễn phổ của Hồng Cảnh Bá thời Tống, thì đời Khai Nguyên nhà Đường, có người thợ săn đuổi theo dã thú thấy trong núi có đá đẹp, lấy đem về tạc thành nghiên đem tặng cho châu lệnh. Châu lệnh rất thích nên cho người vào tìm, từ đó Thiệp nghiễn nổi danh.

Thiệp thạch có màu đen điểm sắc xanh, sắc vàng, nhiều khi có những vân dài gọi là la văn, mi tử văn.

La văn thường là hai màu đen và xanh chạy xen lẫn nhau như lụa (sa), được chia ra đặt tên đến hai chục loại như cổ tê la văn (văn đá như sừng tê), ngư tử la văn (văn đá hình trứng cá), ám tế la văn (văn đá mịn và mờ) Những khối đá có la văn được coi là thượng phẩm.

Mi văn là những vạch hình như lông mày màu đen, là một biến chủng của la văn. Mi văn cũng lại chia thành nhiều loại như nhạn hồ văn, trường mi, đoản mi, khoát mi, lục đậu mi …

Ngoài la văn và mi văn, người ta còn ghi nhận những mạt vàng hay bạc lấp lánh như những vì sao đêm được gọi dưới tên kim tinh, kim vựng, ngân vựng.

Cũng như Đoan Nghiễn, Thiệp Nghiễn được đánh giá dưới 3 tiêu chuẩn, đó là chất đá săn chắc, văn lý tươi đẹp, sắc trạch màu xanh tro.

6.3.                    Thao Hà nghiễn (洮河硯)

Thao Hà nghiễn còn được gọi dưới một tên khác là Thao Châu lục thạch nghiễn hay Thao nghiễn vì dùng đá ở lòng sông Thao mà đục thành. Đá này lấy ở tỉnh Cam Túc tại khu tự trị người Tây Tạng, ngày xưa gọi là Thao Châu, thuộc huyện Trác Nê. Đá vùng này được dùng làm nghiên từ thời Đường - Tống, tùy theo loại đá mà phân ra thượng, trung và hạ phẩm.

Triệu Hi Hộc (趙希鵠) thời Tống viết trong Cổ nghiễn biện:

Ngoại trừ đá Đoan Khê và Thiệp ra, chỉ có đá màu xanh lục ở Thao Hà là được người phương bắc quí trọng. Xanh như lam, mịn như ngọc, phát mặc không kém gì Đoan Khê … Vì đá này nằm sâu dưới lòng sông sức người không thể tới được cho nên nếu có thì quí vô cùng.

Mễ Phất trong Nghiễn sử nói là vân đá (thủy ba) của Thao Hà nghiễn có những điểm đen gọi là tiên mặc điểm (湔墨點). Thao Hà nghiễn có ba màu chính là xanh lục, tía và vàng, mỗi màu lại chia ra thành nhiều loại như áp đầu lục (xanh biếc như đầu vịt), huyền phác (màu đen), huy lục, thúy lục, đạm lục, qua bì hoàng (vàng màu vỏ trái dưa), hổ bì hoàng, tử thạch, dương can hồng, âm dương thạch.

Về vân đá người ta cũng phân biệt các loại thủy ba (lượn như sóng nước), vân khí (như mây) và tùy theo hình dạng mà người thợ có thể tạo hình cho đẹp.

6.4.                    Trừng Nê nghiễn (澄泥硯)

Trừng Nê nghiễn là loại nghiên duy nhất không làm thẳng từ đá thiên nhiên mà làm từ bùn, khởi đầu từ thời Tấn và còn sớm hơn cả các loại Đoan nghiễn, Thiệp nghiễn.

Theo lịch sử, Trừng Nê nghiễn được làm từ thời Tây Hán, sang các thời Đường, Tống và đến thời Minh thì đạt đến cao điểm của loại nghiên này. Sang đến thời Thanh thì không hiểu vì lý do gì mà phương pháp chế tác loại nghiên này bị thất truyền. Người ta cho rằng truyền thống Trung Hoa chỉ dạy nghề cho con trai mà không cho con gái đã khiến cho kỹ thuật bị gián đoạn. Vua Càn Long đã tìm nhiều cách và tốn nhiều tiền để khôi phục lại kỹ thuật này nhưng không thành công. Vì đây là kỹ thuật làm đồ gốm nên đây cũng là một loại tác phẩm nặn tay không khác gì ấm tử sa, nhiều Trừng Nê nghiễn được bảo tồn từ rất xưa chứng tỏ loại nghiên này rất được coi trọng.

Theo các chuyên gia về nghiên thì thời Đường - Tống là thời kỳ việc chế tạo rất thuần thuộc và các loại Đoan nghiễn, Thiệp nghiễn chưa có nhiều nên người ta chuộng Trừng Nê nghiễn. Như trên đã đề cập, nghiên này làm bắng đất bùn lấy từ trầm tích dưới lòng sông. Trong Trân châu thuyền (珍珠船) thời Minh chép:

Người dân vùng huyện Phong giỏi chế tạo Trừng nghiễn, dùng vải gói bùn sông Phần để cả năm mới đem lên, khi nặn thành nghiên mới không hút nước.


Trừng Nê nghiễn

Như vậy đất để làm Trừng Nê nghiễn chính là lấy từ đáy sông Phần (Sơn Tây) nhưng vì thất truyền nên ngày nay không còn ai biết cách làm như thời cổ nữa. Hiện nay người ta làm như sau:

(1) Lấy bùn (採泥): Bùn lấy từ hạ lưu sông Phần, huyện Tân Giáng (新絳) là nơi địa thế bằng phẳng nên đất đá tích tụ lâu năm nên nguyên liệu lấy từ khu vực này đã quyết định phẩm chất của Trừng Nê nghiễn. Việc tìm kiếm nguyên liệu cần phải theo một số nguyên tắc:

- Bùn phải lấy từ đáy sông nơi chưa bị ô nhiễm hay khuấy động;

- Bùn phải mịn, không lẫn lộn những hạt sạn to, sau khi rây rồi còn giữa được độ dính cao;

- Đất phải thuần chất, không pha trộn nhiều loại khác nhau.

(2) Luyện bùn (澄泥): Bùn lấy về phải qua nhiều giai đoạn để sàng lọc và khô ráo vừa đủ trước khi được dùng để chế tạo nghiên. Sau khi cho vào máy đánh cho nhuyễn, người ta dùng vải để rây bùn hàng chục lần. Sau đó bùn được nhồi bằng tay và để trong bồn lớn với nước cho lóng xuống.

(3) Nung bùn (焙泥): Việc nung thành phẩm cần nhiều công đoạn, thêm thức này, bớt thứ khác khiến cho màu sắc, văn lý thay đổi. Về màu sắc Trừng Nê nghiễn có các màu vàng da lươn, xanh vỏ cua, xanh lá cây (hay xanh lá trà), đỏ chu sa, đỏ thẫm màu hoa hồng (còn gọi là đỏ đầu tôm), tía đàn hương …

So sánh nghiên bùn Trừng Nê với nghiên đá có ba đặc điểm:

- Trừng nghiễn do nung lửa mà thành nên lệ thuộc vào độ nóng và thời gian, vì thế vân nghiên đa dạng và nhiều màu;

- Vì là đất bùn luyện thành nên việc nặn nghiên, điêu khắc, tạo hình làm Trừng Nê nghiễn dễ dàng và linh họat, dễ có những đường nét tinh tế;

- Vì Trừng Nê nghiễn là do đất bùn nung thành nên cứng mà không dòn, sáng mà không bóng, mịn như ngọc khi gõ tiếng kêu như khánh, mài mực xong để lâu không hư và mùa hè nghiên không nóng, mùa đông không lạnh nên người ta cho rằng cũng ảnh hưởng đến thư pháp và nét vẽ của người dùng.

Tuy nhiên, kiếm được một chiếc Trừng Nê nghiễn cũng cam go vì hiện nay, theo nhu cầu thị trường, phần lớn những chiếc nghiên rao bán không hẳn là nghiên thật mà là đồ giả, có khi là nhựa cây đúc thành, có khi là loại đất bùn ở nơi khác hay những loại hoá chất rồi sau đó được tô điểm làm như đồ cũ.

6.5.                    Tùng Hoa nghiễn (松花硯)

Từ đời Khang Hi, Thanh triều có một cơ quan nằm ở phía tây của điện Thái Hòa trong Tử Cấm Thành tên là Tạo biện hoạt kế xứ (造辦活計處), nơi chuyên sản xuất và sửa chữa những đồ dùng cho triều đình đồng thời giữ sổ sách tồn kho, nhập kho của mọi loại vật phẩm. Tạo biện xứ bao gồm nhiều công xưởng (: tác là xưởng làm việc) tức là những khu vực chỉ chuyên về một ngành chẳng hạn pháp lang, ngọc khí, sơn mài, vũ khí, bản đồ … Những chuyên ngành này lên dần đến con số 60[14]. Xưởng làm nghiên cũng là một ngành tương đối quan trọng vì nghiên thường được hoàng đế dùng để ban thưởng.

Vua Khang Hi cũng được cho là người đã khám phá ra một loại đá mới để làm nghiên thêm vào những nơi danh tiếng cũ như Đoan Khê, Thiệp Châu. Vùng sản xuất ra loại đá này lại ở ngay trên quê hương người Mãn Châu, vùng Hắc Long Giang (Liêu Ninh ngày nay) được biết tới dưới cái tên Tùng Hoa, phẩm chất không kém gì Đoan Khê mà lại có màu xanh lục nhiều vân đẹp. Tây Thanh nghiễn phổ chép:

Tùng Hoa nghiễn bắt đầu có từ đời Khang Hi. Trần Nguyên Long nói là nơi sản sinh ra loại đá này ở đông bắc Trung Hoa, vùng sông Tùng Hoa là nơi có đá mài, chính là nơi phát tích ra nhà Thanh, thời đó vốn là nơi cấm địa không cho người lui tới nên chỉ có hoàng đế mới cho người đến khai thác mà thôi.

Tùng Hoa thạch có nhiều màu như vàng, xanh lục và màu tía, đá cứng mà giòn, màu sắc tươi nhuận. Người từ tác phường trong cung vua đến đây, theo từng tầng mà tìm màu tạc thành nghiên. Đời Càn Long, nghiên tàng trữ trong nội phủ rất nhiều màu cực kỳ đẹp mắt.



                                       Trừng Nê hổ phục nghiễn

“Tây Thanh nghiễn phổ cổ nghiễn” tr. 32

7.    Địa phương

Tuy sách vở đề cập nhiều đến bốn loại nghiên ở trên nhưng không phải đá nơi khác không thể làm nghiên. Nhiều vùng cũng có đá làm nghiên mà phẩm chất cũng có những đặc tính tương tự như cổ nhân tán tụng là chất đá nhẵn mịn, mài mực nhanh mà chấm mực không mòn bút, giữ nước không hút …

7.1.                    Hồng Ti nghiễn (紅絲硯)

Sản xuất ở huyện Ích Đô, tỉnh Sơn Đông, thời Đường Tống là Thanh Châu nên nghiên đá ở đây còn được gọi là Thanh Châu Hồng Ti nghiễn. Loại đá ở đây nay không còn nên Thanh Ti nghiễn rất hiếm. Đá làm nghiên màu đỏ, vân như tơ màu vàng, hoặc ngược lại, đá màu vàng có vân tơ màu đỏ. Loại đá này màu tươi, văn như sóng lượn.

Theo tác giả Liễu Tân Tường thì đá Thanh Châu mịn như mỡ, mực mài ra giống như có pha dầu, đen như sơn. Liễu Công Quyền thời Đường luận về nghiên rất coi trọng nghiên loại này, coi là đệ nhất. Từ thời Tống về sau nghiên Thanh Châu không còn được sản xuất nữa mãi đến cuối thời Mao Trạch Đông mới lại được khôi phục nhưng cũng không nhiều.

7.2.                    Tr Khước nghiễn ()

Tra Khước nghiễn dùng đá ở Tứ Xuyên, phía tây bờ sông Kim Sa (tên cũ là huyện Tra Khước) nên cũng còn gọi là Kim Sa nghiễn. Nghiên ở đây có từ đời Đồng Trị, đá màu tím đen nhưng cũng có những màu khác hiếm hơn. Thớ đá săn chắc, mịn mặt, nhiều hoa văn. Nghiên Tra Khước mài mực nhanh, sắc mực đen nhánh, không làm mòn bút. Đá sờ vào như da thịt con nít, hà hơi vào như có nước đọng, văn nhân rất ưa dùng.

Trong các loại nghiên của Trung Hoa, Tra Khước nghiễn có nhiều mắt lớn và tròn. Mắt nghiên thuộc loại cù dục nhãn, long nhãn, đan phong nhãn … mỗi nghiên có từ hàng chục đến hàng trăm mắt. Ngoài mắt nghiên, đá Tra Khước còn nhiều loại văn như thanh hoa, băng văn, vân văn, hoả tiêu, kim tinh, lục tiêu, ngọc đái tiêu, hoàng tiêu …

7.3.                    Dịch thủy nghiễn (易水硯)

Sản xuất ở Chung Nam Sơn, huyện Dịch tỉnh Hà Bắc. Trong sơn động có loại “Dịch thủy thạch” nên khi chế tạo nghiên gọi là Dịch thủy nghiễn. Người ta có câu “nam Đoan, bắc Dịch” nên Dịch thủy nghiễn được coi là tốt hạng nhất. Đá Dịch chắc và mịn, sắc tươi, tiếng gõ vào kêu thanh, cầm nặng tay nên tạo nghiên tốt. Có hai loại tử thuý thạch và ngọc đại thạch là tốt hơn cả. Hai loại này có màu vàng nhạt, ngấn và vân màu bích lục, tươi như màu xanh da trời còn màu tía thì lấp lánh như mỡ đông.

7.4.                    Thạch Thành nghiễn (石城硯)

Sản xuất ở núi Hoàng Thạch, xã Long Cương, huyện Thạch Thành, tỉnh Giang Tây. Tuy không ai dám khẳng định nhưng nhiều chuyên gia cho rằng đá ở đây được dùng để chế tạo nghiên từ thời Đường và phát triển vào thời Tống nhưng sang thời Thanh thì thất truyền. Mãi đến gần đây, sau khi Trung Quốc mở cửa và khôi phục lại một số ngành nghề, người ta mới tìm trở về đá Thạch Thành để làm nghiên.

Đá Thạch Thành có nhiều văn thiên nhiên, nhiều màu, trông như ráng chiều, đồi núi, có khi như thác nước từ cao đổ xuống nên những người ưa hội họa thường tán thưởng, gọi là “thạch họa” [bức vẽ trên đá], chẳng khác gì những bức tranh thủy mặc. Đá Thạch Thành là loại ngâm nước từ cổ đại nên mịn mặt, nhẵn nhụi như da thịt trẻ con, mài mực đen nhuận, chấm mực không mòn bút, mùa đông mực không kết băng.

7.5.                    La Văn nghiễn (羅文硯)

Sản xuất ở huyện Ngọc Sơn, tỉnh Giang Tây, đá có văn như tơ nên gọi là la văn. Từ thời Đường - Tống, nghiên la văn đã được tiến vào cung làm ngự phẩm. Theo Ngọc Sơn huyện chí thì “Năm Đại Lịch nguyên niên (766) đời Đường bắt đầu khai thác đá la văn”. Đỗ Oản () trong Vân Lâm thạch phổ có viết: “Ở huyện Ngọc Sơn, Tín Châu, tại một làng có tên là Tân Hiền, dưới dòng suối có loại đá sắc xanh, gõ nghe kêu, dân vùng đó lấy về làm nghiên, mài mực rất tốt”. Đá thiên nhiên màu xanh da trời, nhẵn bóng, thuần chất, đôi chỗ có điểm vàng lấp lánh có nhiều loại văn như tế la, giác lãng, cổ tê, ngọc đái, loát ti … Thạch chất dày mịn, văn như sóng nước, bóng như ngọc, mài mực như dầu.

7.6.                    Truy nghiễn (淄硯)

Truy nghiễn còn gọi là kim tinh nghiễn, sản xuất ở vùng Truy Châu, tỉnh Sơn Đông thường có màu lục, vàng hay màu tím đỏ. Truy nghiễn có từ thời Đường, Tống, đá mịn như ngọc, cứng nhưng không trơ, dễ mài mực.

Về màu sắc và văn lý của Truy nghiễn, mỗi màu lại chia thành nhiều loại với tên rất thanh nhã như hà diệp lục, trúc can lục, giáp sơn hồng, tử vân, cám hồng, cám hoàng …, còn văn thì có trân châu, phỉ thuý, băng văn đông, kim ngân tinh … Chính vì sự phong phú và biến đổi tùy theo từng núi, từng hang nên Lục Du thời Tống trong Man Khê nghiễn minh (蠻溪硯銘) đã viết: “Long Vĩ chi quần, Truy Uẩn ngọc chi bá trọng dã [15] (Ngọc trong rặng Long Vĩ thì núi Truy núi Uẩn ngang ngửa nhau). Trong Nghiễn lục (硯錄) cũng chép là: “Truy thạch khả dữ Đoan, Thiệp tương thượng hạ[16] (Đá Truy cũng không kém gì đá Đoan, đá Thiệp).

7.7.                    Đà Ki nghiễn (砣磯硯)

Đà Ki nghiễn sản xuất từ đá ở dưới các suối tại đảo thuộc huyện Đà Ki, bồng Lai, Sơn Đông. Nghiên phẩm viết là: “Thời Tống người ta đã lấy đá Đà Ki đẽo thành nghiên, màu xanh đen, chất liệu chắc chắn và nhỏ hạt, mài mực rất tốt, nghiên nào có điểm vàng hay bông tuyết thì là loại tốt nhất, cực kỳ khó kiếm”.

Đá Đà Ki có chứa một lượng nhỏ đồng nên lấp lánh phát quang, sắc đá đen như sơn, hơi ngả qua màu tro, điểm từng chấm sáng như bầu trời không trăng, có nơi lại như bông tuyết nên được gọi là “tuyết lãng kim tinh nghiễn” [雪浪金星硯].

7.8.                    Từ Công nghiễn (徐公硯)

Sản xuất tại một thôn tên là Từ Công Điếm, huyện Nghi Nam, tỉnh Sơn Đông nên gọi là Từ Công nghiễn. Sách Lâm Nghi huyện chí có chép: “Từ Công điếm ở phía tây bắc huyện thành 75 dặm có đá làm nghiên được, hình thể vuông tròn không đều, bên cạnh có những núm vú nhỏ, không cần phải đẽo gọt nhiều mà vẫn đẹp, thuần phác ưa nhìn”. Các thư pháp gia nổi tiếng thời Đường như Nhan Chân Khanh, Liễu Công Quyền đều coi trọng Từ Công nghiễn.

Từ Công nghiễn gõ vào tiếng kêu như khánh, sờ mịn như ngọc, mài mực sánh như dầu. Màu sắc cũng thay đổi, có đá xanh vỏ cua, màu lá trà, vàng da lươn, đỏ vỏ quýt … Người thợ thường theo hình thể thiên nhiên của cục đá mà đẽo gọt nên nghiên Từ Công có nhiều kiểu hình dáng lạ lùng.

7.9.                    Tử Kim nghiễn (紫金硯)

Sản xuất từ đá ở Bát Công sơn, tỉnh An Huy. Bát Công sơn trước đây có tên là Tử Kim sơn nên nghiên làm từ đá ở đây gọi là Tử Kim nghiễn. Vân Lâm thạch phổ thời Tống chép: “Đá Tử Kim sơn đào lên có màu tím, đẽo thành nghiên rất dễ mài mực, gõ nghe tiếng kêu …”.

Tử Kim nghiễn nhiều văn, màu sắc đẹp, ai cầm lên không muốn rời tay, Mễ Phất đã bảo “trên đời đây là nghiên hạng nhất, đến Đoan nghiễn, Thiệp nghiễn cũng không bằng” (人間弟一品,端、歙皆其下).

Về màu sắc thì đá Tử Kim có màu hồng, vàng, tía, xanh, đỏ thẫm, đen chia ra làm tử kim, ngư tử hồng, nguyệt bạch, hoàng kim đái, tử hoa đái, hoa ban, xanh vỏ cua, kim hoàng, bích ngọc, mặc ngọc … Trạng nguyên Vu Mẫn Trung thời Thanh viết trong Tây Thanh nghiễn phổ là “Tử Kim thạch được dùng làm nghiên từ đời Đường, nay hiếm có, rất ít lưu truyền”.

7.10.               Yến Tử nghiễn (燕子硯)

Yến Tử nghiễn còn có tên là Đa Phúc nghiễn hay Hồng Phúc nghiễn, sản xuất ở Thái An tỉnh Sơn Đông bắt đầu có từ thời Minh. Trong đá này thường có các loại tam diệp trùng (trilobite, bọ ba thùy) hoá thạch vì vùng này là trầm tích hàng triệu năm trước. Người Trung Hoa dùng chữ bức [] để chỉ loại động vật này nhưng cũng cùng với chữ bức trong chữ kép biển bức [蝙蝠] là con dơi, lại đồng âm với phúc là tốt lành. Tây Thanh nghiễn phổ xếp Yến Tử nghiễn vào hàng đầu những nghiên quí.

7.11.               Ôn thạch nghiễn (温石硯)

Nghiên làm từ đá ở Ôn Tuyền, tỉnh Sơn Đông nên còn gọi là Ôn thạch, làm thành nghiên gọi là Ôn thạch nghiễn. Ôn thạch có màu tía, màu tro có mắt màu lục, lên đến bốn, năm tầng nhưng không đẹp như đá Đoan Khê. Đá cũng có nhiều văn như thanh hoa, yên chi vựng, chu ban, chu tuyến … Đá Ôn Tuyền vì nằm sâu dưới nước lâu năm nên thuộc loại nê thạch, mặt mịn, có điều thường chỉ làm được nghiên nhỏ, hiếm khi có nghiên to.

7.12.               Ni Sơn nghiễn (尼山硯)

Sản xuất tại Khúc Phụ, Sơn Đông nơi Ni Sơn chính là quê hương của Khổng Tử. Theo Đại Thanh nhất thống chí thì: “Nghiên đá ở Ni Sơn, huyện Khúc Phụ, văn lý đẹp đẽ có thể gọi là nhã phẩm”.

Đá ở Ni Sơn có màu lam tro, hoặc màu vàng đất, vàng nghệ dùng làm nghiên lâu không mòn mà cũng không làm mòn bút. Trên mặt đá có nhiều văn hình như tùng châm, trúc diệp, lá cỏ hay hoa mai.

7.13.               Điền Hoành nghiễn (田橫硯)

Sản xuất tại huyện Tức Mặc, tỉnh Sơn Đông trên một hòn đảo có tên là Điền Hoành. Theo Tức Mặc huyện chí đời Thanh thì: “Đá Điền Hoành chắc chắn, sắc đen như mực, ít khi có văn nhưng đôi khi có kim tinh, nếu đục thành nghiên thì mài mực cũng tốt”.

Đá Điền Hoành do cát màu đen lâu ngày tạo thành, do một mỏm nham thạch vươn ra ngoài biển chìm dưới nước nên đá ôn nhuận mà không khô, sớ nhặt và đen, khi soi lên ánh mặt trời thì có điểm lấp lánh. Đá Điền Hoành cũng cùng một loại như Ôn thạch vì chìm dưới biển nên khi nào thủy triều rút xuống mới lấy được.

7.14.               Liêu nghiễn (遼硯)

Còn gọi là Liêu thạch nghiễn sản xuất từ tỉnh Liêu Ninh, thị trấn Bản Khê, cũng có người gọi là Thanh Tử Vân thạch, cũng là đá trầm tích. Liêu thạch có hai loại đỏ và xanh lục, nếu có thêm đường vân màu xanh gọi là “tuyến thạch”.

7.15.               Ngũ Đài Sơn nghiễn (五台山硯)

Nghiên làm từ đá ở Ngũ Đài Sơn có tên là Văn Thạch nghiễn hay Đoàn nghiễn. Ngũ Đài Sơn thuộc tỉnh Sơn Tây, là một trong bốn thánh địa của Phật giáo Trung Hoa. Theo Ngũ Đài tân chí thời Thanh thì núi Đoàn Miếu còn có tên là Văn Sơn, có đá làm nghiên. Đá Ngũ Đài có năm màu xanh, tía, lục, tím và đen nhưng hai màu đen và lục là nhiều hơn cả.

7.16.               Tử bào ngọc đái nghiễn (紫袍玊帶硯)

Gọi tên Tử bào ngọc đái (áo bào tía, đai ngọc) là vì loại đá này có hoa văn màu tím đỏ và chạy dài như đai ngọc. Loại đá này chỉ có ở núi Phạm Tịnh (梵凈) giao giới các huyện Giang Khẩu, Tùng Đào, Ấn Giang tỉnh Quí Châu, đá kết thành từng lớp trắng và tím nên thợ khéo cắt sao cho có thể tạc thành nghiên với hoa văn màu trắng trên nghiên đá màu tím đỏ.

Người Trung Hoa cho rằng màu tía là màu tượng trưng cho phú quí, màu trắng là màu cao thượng, thanh khiết nên loại nghiên này rất hiếm quí.

7.17.               Gia Lăng giang nghiễn (嘉陵江硯)

Sản xuất ở Hợp Xuyên tỉnh Trùng Khánh, bắt đầu từ đời Minh. Lý Thực (李實) từng có thơ tán tụng như sau:

峽畔茅屋僻,巧工鑿石盤。

啟墨雲龍舞,運筆虎榜懸。

石膩堪如玉,工藝聖手傳。

貴似翰家客,四寶居一員。

Hạp bạn mao ốc tịch, Xảo công tạc thạch bàn.

Khải mặc vân long vũ, Vận bút hổ bảng huyền.

Thạch nhị kham như ngọc, Công nghệ thánh thủ truyền.

Quý tự hàn gia khách, Tứ bảo cư nhất viên.

Ở cạnh bờ sông nơi nhà cỏ vắng vẻ,

Khéo léo đục một khối đá.

Mực mài tựa như rồng trong mây,

Bút múa thì tên treo trên bảng hổ.

Đá mịn không khác gì ngọc,

Công khéo do thánh truyền lại.

Quí như khách bút mực,

Đây là một trong tứ bảo.

Đá Gia Lăng có màu đen, chắc chắn mịn màng như ngọc, mài mực nhanh, không làm mòn bút.

7.18.               Kim Âm nghiễn (金音硯)

Sản xuất tại Trùng Khánh là một loại đá cứng, gõ nghe như tiếng kim loại nên có tên Kim Âm. Theo truyền thuyết thì Lý Bạch thời Đường là người phát hiện ra đặc tính này khi sống ở đây nên ông đã đem theo một ít cục đá rồi đục thành nghiên. Đá màu đen, làm nghiên có tính hút mực nên khi cần chỉ hà hơi có thể thành mực viết.

7.19.               Qui Thạch nghiễn (龜石硯)

Đá có tại tỉnh Sơn Đông, nhiều màu sắc tạo thành nhiều lớp giống như thiết diện một cây gỗ, gọi là thạch tâm. Lõi đá có khi màu vàng, màu trắng, màu xanh … và thường được người thợ chọn như tâm điểm để mài mực. Qui thạch mịn và không hút nước, dễ mài nhưng không làm mòn bút, hiện nay rất khó tìm.

7.20.               Kim Tinh nghiễn (金星硯)

Kim Tinh nghiễn còn được gọi là Hi Chi nghiễn hay Hữu Quân nghiễn, sản xuất tại Phí Huyện, tỉnh Sơn Đông, trên mặt đá có nhiều điểm vàng lóng lánh, khi đục thành nghiên thì trông như bầu trời đầy sao cho nên mới có tên là Kim Tinh. Nơi đây cũng là quê hương của thư thánh thời Tấn là Vương Hi Chi, theo truyền thuyết họ Vương dùng đá này làm nghiên nên người đời sau gọi là đá Hi Chi, nghiên Hi Chi. Tô Đông Pha đã từng ca ngợi: “Đá đen như sơn, mịn màng như ngọc, kim tinh khắp nơi, to thì bằng hạt đậu, dễ mài mực, gõ vào thì nghe như tiếng kim loại, làm nghiên thuộc hạng nhất”.

7.21.               Kim Tinh tống nghiễn (金星宋硯)

Sản xuất ở tỉnh Giang Tây, có nhiều loại mắt như miêu nhãn, phong nhãn, kim khuyên, kim hoa, lãng văn …, lại theo văn mà xếp loại thì có kim vựng, ngân hoàn, mi tử kim tinh, ngư tử kim tinh … Đá này gõ tiếng kêu như chuông, hà hơi vào thì tụ như đám sương mù nên được nhiều người ưa chuộng.

7.22.               Kỳ Dương nghiễn (祁陽硯)

Sản xuất tại huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam. Theo Hồ Nam thông chí thì đá Kỳ Dương màu lục rất tốt, tuy không cứng lắm nhưng mịn. Cũng có đá màu tía hồng, vân như hình sơn thủy, lắm chỗ thành kim bào ngọc đái hay vằn xanh chạy ngang gọi là cẩm đái. Vì đá Kỳ Dương nhiều màu sắc, lắm vân lạ nên nhiều người thích, kẻ gian hay giả làm Đoan thạch để đánh lừa người mua.

7.23.               Cúc hoa nghiễn (菊花硯)

Sản xuất tại Hồ Nam, có từ đời Càn Long, trên mặt đá thường có động vật hoá thạch, lại có những lớp đá trắng như hình hoa cúc. Hình hoa cúc cũng nhiều kiểu khác nhau được đặt tên kim ngân cúc, giải trảo cúc, quí phi kiểm, trúc diệp cúc, kim tiền cúc … Về tư thái có bông còn chum chúm sắp nở, có bông lại thịnh khai hết cỡ trông rất lạ mắt.

7.24.               Giả nghiễn ()

Sản xuất tại huyện Tu Thủy, tỉnh Giang Tây vì sắc đá đỏ chót như son nên có tên này. Giả nghiễn cùng với La Văn nghiễn, Long Vĩ nghiễn, Kim Tinh nghiễn là bốn loại danh nghiễn của tỉnh Giang Tây.

7.25.               Hạ Lan nghiễn (賀蘭硯)

Dùng đá trên núi Hạ Lan, Ninh Hạ chế tạo thành. Hạ Lan nghiễn bắt đầu từ đời Khang Hi nhưng trở nên nổi tiếng từ đời Càn Long. Ninh Hạ phủ chí (1780) đời Càn Long chép: “Ở thạch khẩu Cổn Chung, núi Hạ Lan có ba ngọn núi đứng thẳng hình như ba cây bút, bên dưới có đá có thể dùng làm nghiên”.

Đá núi Hạ Lan phần lớn màu tím đỏ, có mắt đá, tương tự như đá ở Đoan Khê nên gọi tên là Hạ Lan nghiễn. Đá Hạ Lan có nhiều đặc tính thích hợp cho việc làm nghiên, có nhiều mắt, nhiều vân lạ nên người đời thường truyền tụng “nhất Đoan, nhị Thiệp, tam Hạ Lan” là thế.

7.26.               Tư Châu nghiễn (思洲硯)

Tư Châu nghiễn còn được gọi là Tư nghiễn hay Tư Châu kim tinh nghiễn, lấy từ đá ở Quí Châu, nhiều đời được liệt vào hạng “cống phẩm” hay “ngự nghiên”. Trong số nghiên hiện nay giữ trong Cố cung bác vật viện Bắc Kinh còn loại nghiên này. Theo Quí Châu thông chí thì: “Trong núi Đoàn Sơn thuộc Quí Châu có kim tinh thạch, chắc chắn mịn màng có thể làm nghiên”. Theo Tư Châu phủ chí thì đá này sắc màu xanh đen, trong có điểm vàng nhưng kiếm được đá này rất khó vì nằm sâu dưới đáy hồ trong sơn động …

7.27.               Thiên Đàn nghiễn (天壇硯)

Còn gọi là Bàn Cổ nghiễn sản xuất tại Tế Nguyên, tỉnh Hà Nam, được dùng làm nghiên từ thời Đông Hán. Tô Thức thời Tống từng có thơ rằng :

石自天壇產出,松煙磨去生香,

雖然質樸古雅,卻能細膩風光

Thạch tự Thiên Đàn sản xuất,

Tùng yên ma khứ sinh hương.

Tuy nhiên chất phác cổ nhã,

Khước năng tế nhị phong quang.

Đá sản xuất ở núi Thiên Đàn,

Mài mực Tùng Yên thơm ngát.

Tuy rằng chất phác cổ kính,

Nhưng lại mịn màng bóng bẩy.

Đá Thiên Đàn có đến hơn ba mươi loại khác nhau, có nhiều màu sắc tía, vàng, đỏ, lục … lại nhiều văn kỳ lạ, trong đó có loại “tử mẫu thạch” là quí nhất. Loại đá này màu tía thì giống như Đoan nghiễn, màu lục thì lại như Thao Hà, giữa hai màu lại như Hạ Lan, nên rất đẹp.

7.28.               Hào Châu nghiễn (號洲)

Sản xuất tại Linh Bảo, tỉnh Hà Nam. Linh Bảo trước đây tên gọi Hào Châu nên có tên này. Đá Hào Châu được dùng làm nghiên từ thời Đường, chủ yếu là màu tía nhưng cũng có màu vàng, màu lục. Mễ Phất thời Tống trong Nghiễn sử viết : “Đá Hào Châu, mịn như bùn, màu tía thì rất đẹp, dễ mài mực, dùng lâu khi đá mòn đi thì mài mực có ám mùi bùn”.

7.29.               Hoàng Thạch nghiễn (黄石硯)

Sản xuất tại Tiểu Lãnh Sơn, Hà Nam. Nhân truyền thuyết nơi đây là nơi Hoàng Thạch Công truyền thụ binh pháp cho Trương Lương nên mới gọi là Hoàng Thạch Sơn. Đá ở đây có nhiều mắt, đẹp không khác gì đá Đoan Khê nhưng rất khó kiếm. Hoàng Đình Kiên thời Bắc Tống thừng nhiều lần ca tụng chiếc nghiên làm bằng Hoàng Thạch của mình.

7.30.               Linh Bích nghiễn (靈璧硯)

Sản xuất tại huyện Linh Bích, tỉnh An Huy. Đá ở đây có màu xanh, chắc mịn khá cứng, gõ vào nghe như tiếng kim loại. Đá ở đây đã bị xói mòn hàng nghìn năm nên hình thù kỳ dị, làm nghiên cũng tốt mà làm giả sơn cũng lạ lùng nhưng thường thì người ta ít đẽo gọt, một phần vì đá rất cứng, phần khác muốn duy trì tính chất thô tạo, phác thực của thiên nhiên.

7.31.               Nhạc Thạch nghiễn (樂石硯)

Nhạc Thạch là loại đá khi gõ vào nghe vang như tiếng kim loại sản xuất ở Túc Châu, tỉnh An Huy được tôn xưng là có cả bốn ưu điểm thanh, sắc, thái, chất. Nhạc Thạch phần lớn màu đen nhưng cũng chia ra nhiều cấp độ, đen tuyền, đen xanh, màu tro …

7.32.               Thanh Khê nghiễn (青溪硯)

Đá Thanh Khê còn gọi là Long nhãn thạch, sản xuất tại Chiết Giang. Thời Tống Phương Lạp khởi nghĩa từng đi qua đây, nay còn chữ ông viết “Thạch nghiễn trì” ở cửa động. Theo màu sắc, chất loại và phẩm người ta chia làm ba cấp: vân long thạch, trên mặt có văn như hình mây đầy kim tinh; vũ giáp tuyết thạch, đá màu tro có điểm ngân tinh màu trắng; mi tử thạch là trên mặt đá có rất nhiều đường lông màu vàng.

7.33.               Việt nghiễn (越硯)

Sản xuất ở Thiệu Hưng, Chiết Giang vốn là kinh đô của nước Việt cũ nên nghiên ở đây gọi là Việt nghiễn. Theo truyền thuyết, Vương Hi Chi, thư pháp gia nổi tiếng viết Lan đình tự dùng nghiên đất Việt, giấy làm bằng kén tằm (tàm kiển), bút bằng râu chuột.

Việt nghiễn có các màu tía, đỏ, tím gan lợn và màu tro xanh, rất đẹp và biến hoá. Hoa văn trên đá lại càng phong phú, chỗ chìm chỗ nổi, khi thì xanh đậm như áo văn nhân, khi thì màu xanh nhạt như tàu lá chuối, khi thì trắng ngư não hay chạy chỉ vàng, vằn vện như da cọp, lại có khi như bào tía, đai ngọc … Bốn danh sĩ đất Ngô đời Minh Thanh là Đường Dần, Văn Trưng Minh, Chúc Doãn Minh và Từ Trinh Khanh đều thích Việt nghiễn nên nghiên này được coi là trân bảo.

7.34.               Tây nghiễn (西硯)

Sản xuất tại Tây Khê, tỉnh Chiết Giang, là đá dưới lòng khe suối nên gọi là Tây thạch nghiễn, còn gọi là Tử Kim thạch nghiễn nhưng khác biệt với nghiên ở An Huy, Sơn Đông có cùng tên. Theo nhiều người thì nghiên làm bằng đá dưới suối Tây Khê tốt không kém gì Đoan nghiễn nên trong nhiều đời được dùng làm cống phẩm.

Tây thạch chủ yếu có màu tím đỏ, nhưng trong thớ đá có văn màu xanh, trắng hay vàng nên cũng phân ra tử thạch, tử kim thạch, kim tinh, ngọc đái, tử bào ngọc … nhiều loại.

7.35.               Ân Châu nghiễn (恩洲硯)

Sản xuất ở Ân Bình, Quảng Đông vốn thuộc Ân Châu nên gọi như thế. Đá ở đây có hoa văn lạ lùng, loang lổ gọi là hoàng long văn, hoàng phiêu, kim tuyến … Vì màu sắc của Ân nghiễn giống như Đoan nghiễn nên có nhiều người làm giả nghiên Đoan Khê bằng đá ở Ân Châu.

7.36.               Liễu nghiễn (柳硯)

Còn gọi là Long Bích nghiễn, sản xuất tại Liễu Châu, Quảng Tây. Thời Đường, Liễu Tông Nguyên tìm ra loại đá này đem về làm nghiên nên từ đó có tên. Đá lấy từ lòng sông Liễu rất khó khai thác nên hiếm có và cũng không thấy sách vở nào nói đến.

7.37.               Loa Khê nghiễn (螺溪硯)

Sản xuất tại huyện Chương Hóa, Đài Loan, nơi suối Độc Thủy. Vì dòng suối này quanh co, uốn xoáy như trôn ốc nên còn có tên là Loa Khê, dưới lòng suối có đá làm nghiên gọi là Loa Khê nghiễn.

Đá Loa Khê chủ yếu lấy ở hạ nguồn suối Độc Thủy, đá phần lớn hình tròn, nhẵn nhụi, độ cứng cao nên dùng lâu không mòn. Đá có màu đen, lục, vàng, trắng, đỏ và có cả những màu pha trộn lẫn văn lý trông rất đẹp. Trước đây, khi Đài Loan còn thuộc Nhật Bản, người Nhật khai thác đá Loa Khê đem về chính quốc nên ngày nay nghiên cổ ở Nhật còn nhiều, thường giữ lại nhiều phần thiên nhiên bên ngoài, không đục đẽo.

7.38.               Giác Thạch nghiễn (角石硯)

Giác Thạch nghiễn sản xuất tại huyện Tân Phong, tỉnh Sơn Tây có các loại đá do sinh vật hóa thạch, đá giống như sừng có nhiều hoa văn. Giác nghiễn được ghi nhận từ đời Tống, Âu Dương Tu trong Nghiễn phổ chép là: “Giống như sừng tê trắng, trơn nhẵn…”. Giác Thạch là bùn lâu năm kết tầng, cứng và chắc, mịn mặt làm nghiên rất tốt.

7.39.               Thủy Xung nghiễn (水冲硯)

Sản xuất tại vịnh Thủy Xung, Hồ Nam. Càn Châu sảnh chí thời Thanh chép : “Nghiên đá Thủy Xung sắc màu xanh nhạt, cứng và mịn dễ mài mực, có hơi màu vàng mà hoa văn thì lại có hình như sơn thủy, hoa cỏ …”.

Dùng nghiên Thủy Xung, mài mực không nghe tiếng, thành mực rất nhanh, dùng lâu mực như phát quang.

7.40.               Đại Đà nghiễn ()

Sản xuất ở Hồ Bắc lấy từ đá ở dưới lòng sông Dương Tử mà người địa phương gọi sông là “đà” nên mới gọi là “đại đà” (sông lớn). Đá ở đây màu xanh thẫm, có nhiều văn, cứng và chắc, gõ lên có tiếng kêu, cũng đôi khi có màu vàng, màu lục. Vì phải lấy từ lòng sông nên loại nghiên này hiếm có.

7.41.               Hoạch thôn nghiễn (村硯)

Còn có tên Tàng Thư nghiễn sản xuất ở Hoạch Thôn (nay đổi tên Tàng Thư thôn) tại Giang Tô, cũng gọi là Linh Nham thạch, rất giống Trừng Nê nghiễn. Nghiên Thạch thôn mặt mịn, dễ khắc nên những tác phẩm đục trên nghiên thường linh hoạt, sắc sảo.

7.42.               Gia Dục nghiễn (嘉峪硯)

Sản xuất tại núi Quan Hắc, thuộc huyện Gia Dục tỉnh Cam Túc nên gọi là nghiên Gia Dục. Đá ở đây chủ yếu màu xanh tro nhưng cũng có màu khác, mài mực nhanh, không làm mòn bút, thường được du khách mua làm kỷ niệm.

 

8.    Các loại mắt nghiên

Các loại nghiên đá thường chỉ nhiều màu sắc và có vân, riêng đá Đoan Khê lại có những vân hình tròn gọi là mắt đá (thạch nhãn). Mắt đá Đoan Khê hình trông giống như mắt chim, mắt thú màu sắc xanh hay vàng, ngả màu trắng, lớn nhỏ không đều từ khoảng 3-5mm nhưng cũng có khi lên đến 8-15mm.


8.1.                    Cù dục nhãn (鸜鵒)

Gọi là cù dục nhãn là mắt có hình xanh lục, giữa là chấm vàng, biếc hay xanh lá cây nhiều vòng hình tròn hình dáng trông giống mắt con chim sáo, nên có tên cù dục nhãn. Loại này cũng còn được gọi tên là bát ca nhãn, đường kính khoảng chừng 10mm, có khi lớn đến 20mm, quí nhất là màu xanh cánh trả, phân ra rõ ràng từng lớp, luân quách phân minh, đồng tử rõ rệt.

Tào Dung trong Nghiễn lục viết là “mắt bên ngoài tròn, bên trong màu biếc, đoan chính, hữu thần, tầng lớp phân minh, tùy theo mà có chín, bảy hay năm tầng, giữa là con ngươi, óng ánh như muốn chiếu sáng”.

Cù dục nhãn hiếm nên nghiên mực có cù dục nhãn rất quí và chỉ thấy ở những hầm đá xưa, nay không còn nữa.



Cù dục nhãn[17]

 

8.2.                    Anh ca nhãn (鸚哥)

Là loại mắt màu cánh trả, trong có đồng tử màu vàng và đen, nhỏ hơn cù dục nhãn nhưng cũng là loại hiếm quí.

8.3.                    Kê ông nhãn (鷄翁)

Cũng còn gọi là công kê nhãn trông giống như mắt gà trống, hình tròn, màu vàng xanh, giữa có đồng tử tương đối rõ rệt.

8.4.                    Tước nhãn (雀眼)

Tròn giống như mắt chim sẻ, màu vàng lục, to khoảng từ 5-6mm.

8.5.                    Miêu nhãn (猫眼)

Màu vàng, có một đường kẻ dọc sản sinh ở vùng Bắc Linh sơn.

8.6.                    Nga nhãn (鵝眼)

Hơi dài chứ không tròn, màu vàng lục, đồng tử màu vàng đen, có cái song trùng đồng (hai con ngươi).

8.7.                    San hô điểu nhãn (珊瑚鳥眼)

Chung quanh mắt màu xanh, đồng tử thì màu đỏ.

8.8.                    Tượng nhãn (象眼)

Hình nhỏ và dài, giống mắt voi, màu vàng.

8.9.                    Tượng nha nhãn (象牙眼)

Màu trắng ngà.

8.10.               Nha nhãn (鴉眼)

Mắt tròn, màu vàng, đồng tử cũng màu vàng.

8.11.               Lục đậu nhãn (綠豆眼)

Màu và hình dáng giống hạt đậu xanh, không có đồng tử.

8.12.               Loa nhãn (螺眼)

Hình không tròn, trông như con ốc, rất thường thấy ở Đoan nghiễn và nhiều nơi khác.

Khi tìm thấy một phiến đá có mắt, nghệ nhân thường gò cho mắt đá phù hợp với hình ảnh mà họ dự định điêu khắc (鑲眼 tương nhãn), chẳng hạn vầng thái dương, mặt trăng, vì sao hay trái châu mà con rồng đang đùa rỡn. Việc sử dụng vân đá hay mắt đá vào toàn cảnh sẽ làm tăng thêm giá trị của chiếc nghiên rất nhiều. Tuy nhiên ngày nay cũng không hiếm người tạo nên mắt giả để đánh lừa khách hàng.

9.    Bảo tồn

Cũng có nhiều qui luật mà người dùng nghiên phải tuân thủ để có thể giữ cho chiếc nghiên được lâu bền, không suy giảm những tính chất mà chủ nhân mong đợi.

Trước hết, nghiên lớn nhỏ cũng tùy theo mình dùng để làm gì mặc dầu không có một qui tắc nhất định. Nghiên lớn thường mài nhiều mực dành cho người viết thư pháp, nghiên nhỏ dùng để mài mực viết thường ngày. Những loại nghiên quá nặng phần trang trí thường khó lau chùi, rửa nên dễ bị mực đóng vào những khe đá và mất nhiều công lao làm cho sạch.

9.1.                    Rửa nghiên

Theo những người chuyên môn, nghiên nên rửa sau khi dùng. Cổ nghiễn khảo chép: “Thà không rửa mặt ba ngày nhưng nghiên không thể không rửa mỗi ngày”. Người ta cũng không dùng những vật liệu thô cứng để chà nghiên mà dùng vải hay bọt biển mềm. Nghiên sau khi rửa phải để cho khô, thường là úp xuống một mảnh vải sạch.

9.2.                    Không để đọng mực

Mực vốn làm từ keo và than nên những loại mực xấu có thể ăn sâu vào nghiên đá khiến cho mặt nghiên bị rỗ mặt, mất vẻ nhẵn nhụi tươi mát. Mực để lâu cũng mất màu, ngả màu xám viết chữ không đen nhánh. Hai loại tùng yên mặc (mực làm bằng than cây tùng) và du yên mặc (mực làm bằng bồ hóng) tính chất cũng khác nên các chuyên gia khuyên nếu dùng hai loại này nên dùng hai nghiên khác nhau.

9.3.                    Chà nhẵn

Nghiên dùng lâu cũng thường có những vết ngấn hay trầy xước. Để trừ bỏ những ngấn xước này, người ta thường dùng loại giấy nhám thật mịn để chà lại cho nhẵn. Đá làm nghiên cũng khá cứng nên việc chà láng phải kiên nhẫn, mất nhiều công phu. Sau khi chà bằng giấy nhám, người ta dùng tro bếp trộn nước sền sệt, đánh bóng lại cho thật kỹ rồi rửa sạch.

9.4.                    Ngâm nước

Nhiều người cho rằng vì các loại đá làm nghiên vốn dĩ ngâm trong nước trước khi đào lên, hoặc trong những hang động ẩm ướt nên lâu lâu cũng nên ngâm trong nước sạch một thời gian để trở lại nguyên trạng.

Nghiên lâu không dùng cũng nên bôi một lớp dầu chùi gỗ mỏng như một hình thức sơn để cách biệt với không khí và cũng làm cho nghiên thêm tươi nhuận.

9.5.                    Tránh nắng

Nghiên mực cũng không nên để bị nắng chiếu vào lâu, đưa đến tình trạng khô mặt (乾燥), cũng không nên để va chạm với các đồ kim loại, thủy tinh … khiến cho nghiên bị mẻ sứt.

9.6.                    Mài mực

Người mình có câu: “Mài mực ru con, mài son đánh giặc” ý nói việc mài mực cần chậm rãi điều độ trong khi mài son thì phải nhanh và mạnh tay hơn. Với những người chuộng nghiên quí, việc có được những thỏi son hay thỏi mực tốt là việc cần thiết để cho xứng tầm. Nếu dùng mực đựng trong lọ theo kiểu công nghiệp ngày nay thì cái nghiên không còn cần thiết mà một cái đĩa nông nào cũng có thể dùng được.

Mài mực có hai cách: một là mài thành hình vòng tròn, hai là mài theo chiều thẳng lên xuống. Mài theo hình tròn thì nghiên mòn đều hơn và dùng lâu thường có một vùng lõm xuống như hình chảo.

Nước dùng mài mực nên dùng nước trong tinh khiết và không nên dùng những loại nước bẩn, nước trà … để mài mực hay mài son.


Lăng Kính nghiễn

 

10.           Nghiên thời Thanh

Thời kỳ này, việc điêu khắc nghiên trở thành một bộ môn nghệ thuật, các vùng Tô (Tô Châu), Chiết (Chiết Giang), Hỗ (Thượng Hải) có lối tạo hình thanh tú, thoát tục người đời gọi là Tô phái (蘇派) hay Hải phái (海派). Kế đến vùng Quảng Đông, Phúc Kiến có lối điêu khắc tỉ mỉ, phồn phức được gọi là Quảng phái (廣派) hay Lĩnh Nam phái (岭南派). Bên cạnh đó, nghiên dùng trong cung đình có lối điêu khắc qui củ, chính đáng đượm màu phú quí nên được gọi là Cung tác (宮作). Sau nữa là nghiên của người đọc sách, cốt sao toả được phong vị thư hương, nho nhã và chót hết là nghiên dành cho đại chúng, cần thực dụng, kể cả về chất liệu lẫn công phu cốt giản dị, dễ dùng, dễ bảo trì.

10.1.               Việt phái (粵派)

Việt phái chủ yếu là nghiên Đoan Khê, phong cách được mở đầu từ thời Minh, thường gọi là Quảng Tác, lối điêu khắc thường tỉ mỉ, chủ yếu là khắc theo kiểu phù điêu hay vẽ theo đường nông phong cảnh, điểu thú, núi non … Dưới thời Minh - Thanh, Việt phái có những danh thủ như La Phát (羅發), La Trừng Khiêm (羅澄謙), Hoàng Thuần Phủ (黄純甫) và anh em La Tán (羅贊), La Bảo (羅寳) rất nổi tiếng.

10.2.               Huy phái (徽派)

Huy phái chủ yếu là Thiệp nghiễn, thời Minh - Thanh cũng chú trọng phù điêu và khắc nông (thiển khắc), phần nhiều tạc nghiên theo hình vuông hay tròn, bên ngoài mặc trì thường rộng rãi.

Dưới thời Minh - Thanh, các danh thủ Huy phái phải kể đến Diệp Khôi (葉瑰), Uông Phúc Khánh (汪覆慶) là nổi tiếng hơn cả.

10.3.               Tô phái (蘇派)

Còn gọi là Ngô Môn phái, có phong thái nhã dật, bình đạm để tỏ cái chí cao khiết. Nghiên Tô phái chủ yếu là tùy theo hình thể của tảng đá mà tạo dáng, hoa mỹ nhưng tự nhiên, đi theo bốn đời họ Cố ở Tô Châu bao gồm Cố Đạo Nhân (顧道人), Cố Thánh Chi (顧聖之), Cố Khải Minh (顧啟明), Cố Nhị Nương (顧二娘).

Đến thời Dân quốc, phái Thượng Hải có Trần Đoan Hữu (陳端友) chủ trương tả thực được coi như tách riêng thành một dòng Hải phái. Trần Đoan Hữu (1892-1959), tên Giới, tự Giới Trì, người Giang Tô, khắc nghiên lấy tự nhiên làm gốc như điểu thú, thảo trùng, hoa quả … rất là tinh xảo.

10.4.               Cung tác (宮作)

Dưới thời Khang Hi, Càn Long văn phòng tứ bảo do Nội Vụ phủ Tạo biện xứ trưng điệu các thợ khéo từ nhiều nơi vào trong cung nên làm được nhiều nghiên quí, lớn bằng cái chậu cũng có mà nhỏ như bàn tay cũng có. Vua Càn Long còn thành lập riêng một cơ xưởng trong Tạo biện xứ, tập trung thợ khéo chuyên làm nghiên để dùng trong cung và để làm tặng phẩm.

Tạo biện xứ chế tạo nghiên theo sở thích của hoàng đế, họa sĩ vẽ mẫu trình lên, sửa theo ý của nhà vua trước khi đưa xuống cho thợ làm. Vua Càn Long đặc biệt chuộng Tùng Hoa nghiễn và nhiều chiếc do chính ông thiết kế rồi các thợ khéo sẽ theo ý mà chế tạo. Chính từ giai đoạn này, nghiên ra khỏi cái công dụng ban đầu là để mài mực mà trở thành một tác phẩm điêu khắc, phô diễn sự dụng công của người tạo ra nó.

Nghiên mực thường được dùng làm quà, trong danh sách các món quà của hoàng đế nhà Thanh ban thưởng cho sứ thần các nước, nghiên, bút, mực, giấy là những phẩm vật ban tứ không thể thiếu.

 

11.           Bài minh trên chiếc nghiên

Bài minh là văn thơ khắc ngay trên chiếc nghiên hay hộp đựng nội dung có liên quan trực tiếp đến việc tạo ra chiếc nghiên này. Bài minh thường khắc ở bên cạnh hay tại dưới đáy nghiên, bằng nhiều thể chữ chân lệ triện thảo sao cho nghệ thuật. Bài minh cũng được viết theo nhiều loại tản văn, thi từ, chia ra 5 loại khác nhau:

11.1.               Minh ký

Thường ghi lại tên người chế tạo hay sử dụng, thời gian, địa điểm làm nghiên.

11.2.               Thi từ

Chọn một hay nhiều câu có ý nghĩa để khắc lên mặt nghiên như một hình thức làm đẹp, chẳng khác gì điểm nhãn cho con rồng.

11.3.               Dĩ vật vịnh nghiên

Dùng lời lẽ tán thưởng, tỏ cảm xúc về chiếc nghiên.

11.4.               Ký sự

Dùng một việc gì đó hay một trải nghiệm để ghi nhớ.

11.5.               Quĩ tặng

Dùng nghiên như một món quà tặng, chúc mừng …

 


Nghiên Trừng Nê thời Thanh với bài minh ở mặt sau

Trịnh Gia Diệp, bđd. tr 31

 

12.           Kết luận

Trong khoảng 20 năm gần đây, khi việc mua bán qua internet phát triển và Trung Hoa mở cửa đưa đến việc hàng hoá ồ ạt xuất cảng ra bên ngoài, nhiều mặt hàng vốn dĩ khó kiếm vào thời xưa thì nay trở nên phong phú có thể mua với giá phải chăng dựa vào ưu điểm nhân công rẻ. Đoan nghiễn, Thiệp nghiễn, nhiều món đục chạm rất tinh vi, vào thời điểm 20 năm trước chỉ từ 50 đến 200 USD, trong khi giá hôm nay có thể lên đến bạc ngàn dẫu khó có thể biết rằng những nghiên ấy dùng vào việc mài mực có thực kỳ diệu như tiếng đồn hay không?

 Tôi cũng đã viết một bài ngắn về Bút Nghiên Giấy Mực để dùng làm phụ lục khi dịch truyện Kim Dung[18]. Văn phòng tứ bảo vốn dĩ là những người bạn thân thiết nhất của nhà nho nên luôn luôn có nhiều điều đáng nói. Người Trung Hoa nhiều khi còn thêm 4 món phụ để thành “bát bảo”.

Riêng về nghiên mực, ở nước ta thời xưa không thấy đề cập nhiều. Hình như chưa có một bản văn cổ nào của nước ta viết riêng về nghiên nói chi đến những tìm hiểu sâu rộng. Bản thân tôi cũng chưa bao giờ tận mắt thấy một cái nghiên cổ trong số ngoạn vật sưu tầm của người quen biết mà chỉ thấy đồ sứ, tủ chè, sập gụ, ấm trà … là những món được ưa chuộng, dễ chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi hơn. Việc tách đời sống ra khỏi không khí hàn mặc cũ khiến chúng ta ít tha thiết đến những gì trước đây vốn gần gũi với nhà nho. Ca dao ta có câu:

Chẳng tham ruộng cả ao liền,

Tham vì cái bút cái nghiên anh đồ.

Vậy mà trong nhiều năm qua, nghiên bút hầu như hoàn toàn biến mất trong sinh họat hàng ngày, nếu có xuất hiện họa chăng chỉ ở vài nhà nho “mới” trên vỉa hè ở phố “Ông Đồ” trong dịp Tết như để làm cảnh cho sinh họat dân gian thêm màu sắc và cũng lạnh lùng qua đi sau vài ba tuần.

Gần đây, khi đọc một số bài báo cũng thấy có người Việt Nam sưu tầm nghiên cũ nhưng cũng không có được mấy món xuất sắc, thường chỉ là những dụng cụ mài mực hàng ngày chứ không phải là những đặc phẩm trong truyền thuyết. Về nghiên quí ở nước ta, người ta đồn về hai chiếc nghiên cổ trong cung vua được nhắc đến cùng có tên là Tức Mặc hầu, một cái đời Thiệu Trị, một cái đời Tự Đức với nhiều giả thuyết và nghi hoặc về sự thất tung của nó[19].

Ngược lại, nghiên cũ và mới tại những quốc gia khác còn khá nhiều, Trung Hoa thì không nói gì vì đây là quê hương của nghiên bút, nhưng kế đến ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan … cũng không ít. Có lẽ nghiên bút tồn tại được là vì đây là những dụng cụ gắn liền với chữ viết, tuy đã thay đổi nhưng chữ Nhật, chữ Hàn chỉ là biến thể của chữ Hán, còn nước ta thì hầu như đã tách ra khỏi dòng văn mặc cũ để chuyển sang một hướng mới khi dùng mẫu tự Latin.

Việc sưu tầm nghiên nay cũng khá phổ biến nhất là vào thời đại mà giao lưu quốc tế, kinh tế thị trường nở rộ nên nghiên cũng được nhiều người trong giới sưu tầm quan tâm. Tuy nhiên, nghiên mực ít người mua về để dùng mà thường để chưng nên không có cái giá trị “càng cũ càng quí” qua quá trình gắn bó với chủ nhân, nhất là khó có thể chứng minh được nguồn gốc để biết nó giá trị tới mức nào. Về phương diện kỹ thuật hay mỹ thuật, nghiên mới làm thường tinh xảo và đẹp hơn nghiên cũ nhưng nhiều khi đi quá phạm vi thực dụng và chỉ để trưng bày như một tác phẩm điêu khắc hơn là dùng vào việc mài mực, viết chữ. Trên thực tế, số người coi thư pháp, họa pháp như một sở thích đặc biệt ngày nay không nhiều nên việc kén chọn, thưởng ngoạn nghiên tốt cũng giảm đi và sưu tầm nghiên cũng không khác gì việc sưu tầm đá lạ.

Chính vì thế, trong bài viết này, người viết không nhằm cung cấp cho độc giả những chi tiết ly kỳ về những món đồ cổ mà chỉ là một nghiên cứu văn hoá để nhắc đến một người bạn đồng hành của giới đọc sách qua hàng nghìn năm, đóng góp không nhỏ vào việc viết lách của người xưa nhưng càng lúc càng ít quen thuộc.

 

Tài liệu tham khảo

1. Bách Khoa thời đại, số đặc biệt 290-291 ngày 1 và 15-2 năm 1969.

2. Bộ Ngoại Giao (1967). Vietnamese Realities, Saigon.

3. Bulletin des Amis du Vieux Hué (4e année No 3, Jullet-Sept 1917). Sur un encrier de Tu-duc par E. Gras (207-8) ; Planche XXVIII - L’encrier de Tu-Duc (Aquarelle de M. Ton-That-Sa) (giữa trang 208-209) ; L’encrier de S. M. Tu-Duc : Traduction des inscriptions par Ngô-Đình-Diệm, cửu phẩm au Tân Thơ Viện, (209-212).

4. Fang, Jing Pei (2004). Symbols and Rebuses in Chinese Art - Figures, Bugs, Beasts, and Flowers. Berkeley/Toronto: Ten Speed Press.

5. Guangdong Provincial Museum và The Art Gallery, The Chinese University of Hong Kong (1995). Tử thạch ngưng anh: Lịch đại Đoan nghiễn nghệ thuật (紫石凝英:歷代端硯藝術). The Quintessential Purple Stone: Duan Inkstones Through the Ages. Hương Cảng Trung Văn Đại Học văn vật quán.

6. Hoa, Từ Tường (華慈祥, 2012). Trung Quốc cổ nghiễn (中國古硯). Thượng Hải: Thượng Hải Nhân Dân xbx.

7. Ko, Dorothy (2017). The Social Life of Inkstones: Artisans and Scholars in Early Qing China. Seattle and London: University of Washington Press.

8. Lâm, Diệc Anh (林亦英, 2002). Nam bang văn vật: Quảng Đông truyền thống công nghệ (南邦文物: 廣東傳統工藝) [Gems from The South - Traditional Crafts of Guangdong Province] The University of Hong Kong.

9. Liễu, Tân Tường (柳新祥, 2011). Trung Quốc nghiễn đài thu tàng vấn đáp (中国砚台收藏问答). Trường Sa: Hồ Nam Mỹ Thuật xbx.

10. Mỹ thuật từ lâm, Công nghệ mỹ thuật (美术辞林·工艺美术) (1989). Thiểm Tây: Nhân Dân Mỹ Thuật xbx.

11. Nguyễn, Duy Chính (2018). Bút Nghiên Giấy Mực. Tp. HCM: Văn Hoá - Văn Nghệ.

12. Quốc lập Cố Cung bác vật viện (國立故宮博物院, 1990). Văn vật quang hoa (1) (文物光華). Đài Bắc: Quốc lập Cố Cung bác vật viện.

13. Tôn, Thư An (孙书安, 2000). Trung Quốc bác vật biệt danh đại từ điển (中国博物別名大辞典). Bắc Kinh: Bắc Kinh xbx.

14. Thái, Văn Kiểm (1957). Viet Nam: Past and Present (không đề nơi in).

15. Thái, Văn Kiểm (1956). Viet-Nam d’hier et d’aujourd’hui (ấn hành dưới sự bảo trợ của Bộ Quốc gia Giáo dục) Saigon.

16. Trịnh Gia Diệp (1997). “Tây Thanh nghiễn phổ cổ nghiễn” (西清硯譜古硯). Đài Bắc: Cố cung văn vật nguyệt san, số 167, February.

17. Viện Sử học (Viện KHXHVN) (2007). Đại Nam thực lục (tập sáu). Hà Nội: Nxb. Giáo Dục.

18. Vương, Hồng Sển (1995). Hơn nửa đời hư, California. Văn Nghệ.

19. WM. Ingraham Kip (1875). Historical Scenes from the Old Jesuit Missions. Anson D. F. Randolph and Company, New York.

20. Christie’s Catalogue (2015), Fine Chinese Ceramics & Works of Art (Part I) New York 17 Sept.

21. Ngô Lạp Cốc (吴笠谷, 2006). Nghiễn trước Ô Long (砚著乌龙) - Trung Quốc trừng nê cổ giám thưởng chứng ngụy (中国澄泥古鉴赏证偽). Bắc Kinh: Tạp chí Thu Tàng Gia (收藏家) Collectors (10/120).

22. Hà Hồng Nguyên (何洪源, 2006). “Quan chu văn chấn hội họa dữ nghiễn thạch tùy bút” (观朱文震绘画与砚石隨笔). Bắc Kinh: Tạp chí Thu Tàng Gia (收藏家) Collectors (10/120).



* California, Hoa Kỳ.

[1] Còn đọc là Mễ Phế

[2] Còn đọc là Hấp nghiễn

[3] Trịnh Gia Diệp (1997). “Tây Thanh nghiễn phổ cổ nghiễn” (西清硯譜古硯). Đài Bắc: Cố Cung Văn Vật Nguyệt San số 167, February, tr. 23-4.

[4] Phép vẽ của Trung Hoa không vẽ bóng (shadow) nên trông phẳng. Hội hoạ theo lối Tây phương có viễn cảnh và tô bóng để có chiều sâu do các giáo sĩ Âu châu đem vào nhưng cũng không mấy người học hỏi và áp dụng.

[6] Nghiên này thuộc loại viên hình nghiễn, một chiếc tương tự có in trong Tử thạch ngưng anh (1995) tr. 102. Mặt sau nghiên có hột nổi từ số 1 đến số 9.

[7] Trong Trung Quốc bác vật biệt danh đại từ điển (2000), (tr. 475-6).

[8] Tổng hợp từ The Quintessential Purple Stone (Tử Thạch Ngưng Anh 紫石凝英 - 歷代端硯藝術) The Chinese University of Hongkong, The Art Gallery, 1991, 1995 Hongkong tr. 12 và Dorothy Ko, The Social Life of Inkstones: Artisans and Scholars in Early Qing China, Seattle and London: University of Washington Press, 2017 tr. 2.

[9] Fine Chinese Ceramics & Works of Art (Part I) là danh sách bảo vật đem bán đấu giá ngày 17 Sept. 2015 tại New York, tr. 78. Đây là một phần trong sưu tầm của gia đình Khổng Tường Hi (孔祥煕). Khổng Tường Hi (1880-1867) là chồng của Tống Ái Linh (宋藹齡) (1889-1973) là một trong ba chị em nổi tiếng của Trung Hoa Dân quốc (hai người còn lại là Tống Khánh Linh, vợ Tôn Dật Tiên và Tống Mỹ Linh, vợ Tưởng Giới Thạch). Khổng Tường Hi là hậu duệ của Khổng Tử, được coi như một trong những người giàu nhất Trung Hoa thời Dân quốc.

[10] 藏硯最好用木制的印匣 匣用漆素為上,次用紫檀為雅;漆滕于檀香,不滲水氣故也

[11] Rosewood còn gọi là toan chi酸枝, Dalbergia cochinchinensis.

[12] Nam Bang Văn Vật (2002), tr. 21, 37.

[14] Dorothy Ko, 13.

[15] 龍尾之群, 淄韞玊之伯仲也。

[17] Hình các loại mắt, nguyên bản Guangdongsheng zhiliang jishu jianduju (廣東省質量技術監督局) Guangdongsheng difang biaozhun: Duan yan (廣東省地方標準: 端硯) 2006 trích theo Dorothy Ko, The Social Life of Inkstones (2017) tr. 65

[18] Bút Nghiên Giấy Mực (TPHCM: Văn hóa - Văn nghệ, 2018), tr. 325-354.

[19] Xem Tạp chí Nghiên Cứu & Phát Triển (Huế) số 1 (155). 2020 (tr. 122-137)