thơ ngắn đỗ nghê, ĐỖ NGHÊ (ĐỖ HỒNG NGỌC), NXB Văn Hóa-Văn Nghệ TP.HCM, 2018.
Giữa đêm
Thức giấc
Giữa ngày…
Boston, 1993
Tứ
thơ cô đúc, được nén chặt đến cực độ trong sáu từ, đột ngột phóng ra như một
tia chớp lóe, để người đọc mặc tình buông ra từ trí tưởng của mình những cảm
xúc bát ngát diệu kỳ.
Trên
bước đường lữ thứ của cuộc hành trình đời người, chúng ta ắt hẳn phải có lúc cảm
thấy cùng một tâm trạng với bài thơ. Bài thơ chỉ có sáu từ sao lại có sức mạnh
truyền tải cảm xúc mạnh mẽ đến thế!
Ý thức rất rõ về sự hữu hạn của vật thể hữu
hình và tính vô thường của kiếp nhân sinh, thơ Đỗ Nghê chuyển hóa bi kịch đời sống
thành những cung bậc cảm xúc đẹp buồn, trữ tình. Những dấu vết của đau thương,
tan rã, chia lìa gần như được xóa nhòa để cái đẹp – dù là cái đẹp bi ai – thăng
hoa thành nghệ thuật, và sau cùng đạt đến cõi như nhiên, tĩnh tại.
Từ nỗi đau xót như nhát dao cứa sâu vào da
thịt:
Mỗi người
Thêm một tuổi
Chỉ mình con
Mãi mãi
Tuổi đôi mươi…
(La
Ngà 3)
Dành cho mẹ đóa hồng
Mẹ nhớ gài lên ngực
Ngoại chờ bên kia sông…
(Bông
hồng cho mẹ)
Có gì “người” hơn những câu thơ này?
Nắng cũng vàng phai ngày cũng xa
Anh thương nhớ quá làm sao nói
Gọi tên em vang động gốc cây già…
(Quê
nhà)
Vâng, tôi xin bắt chước nhà thơ, ngày xuân
“gọi tên em vang động gốc cây già.”
Không đi chẳng đến
Ai người nỡ hỏi
Nước đến từ đâu?
Ai người nỡ hỏi
Nước trôi về đâu?...
Duyên
khởi khẳng định rằng mọi hiện tượng phát sinh đều phụ thuộc vào các hiện tượng
khác. Nó mô tả một chuỗi nhân quả, trong đó mỗi mắt xích phụ thuộc vào mắt xích
trước đó, dẫn đến sự phát sinh của các hiện tượng tiếp theo. Theo quan điểm
này, không có điểm bắt đầu hay điểm kết thúc biệt lập, độc lập đối với bất cứ
điều gì trong chu kỳ tồn tại. Mọi thứ đều có mối liên hệ với nhau và phụ thuộc
lẫn nhau.
Còn khái niệm tính Không thì nhấn mạnh đến sự thiếu vắng của bản chất nội tại cố hữu của
sự vật. Sự vật không có sự tồn tại cố hữu. Sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào
các yếu tố khác. Do đó, khởi đầu hay kết thúc của tồn tại trở nên vô nghĩa. Thay
vào đó, sự tồn tại trải qua vô tận các chu kỳ lặp đi lặp lại gồm có sáng tạo, hủy
diệt và tái sinh (mà ta gọi là luân hồi). Trong những chu kỳ này, không có điểm
bắt đầu hay điểm kết thúc cuối cùng.
Nó chính là “nước” của
Đỗ Nghê: Không đi chẳng đến.
Theo Tứ Diệu Đế, khổ đau là cố hữu do tham
ái và vô minh. Tái sinh được xem là sự tiếp nối của vòng đau khổ này cho đến
khi người ta đạt được giải thoát (niết bàn). Theo nghĩa này, tồn tại được xem
là không có khởi đầu, với khả năng giải thoát đánh dấu sự kết thúc của vòng tái
sinh.
Hiểu được bản chất của
“nước” là hiểu được chu kỳ của tồn tại, là hiểu được con đường dẫn ta đến giải
thoát. Tôi đồ nhà thơ Đỗ Nghê chỉ muốn nói có bấy nhiêu. Một điều vô cùng giản
dị mà sao chẳng mấy ai thực hiện nổi!
Khái niệm “Sắc tức thị
không, Không tức thị sắc” còn được thi sĩ nhắc lại trong bài thơ Có không:
Đất trời mênh mông
Nhẹ như không có
Có mà như không…
Ngũ uẩn giai không
Từ đó thong dong
Thõng tay vào chợ…
(Vè thiền tập)
Sóng thần ta cũng sóng
Giật mình chợt nhớ ra
Vốn xưa ta là đất…
(Đất)
3.
Tôi đặc
biệt yêu thích bài Hội An sớm:
Mái chùa ôm vầng trăng
Giật mình nghe tiếng chổi
Gà gáy vàng trong sương…
Và tiếng
gà. À, thì ra ngôi chùa chẳng ở đâu xa mà nằm gần kề một thôn xóm quê nghèo. Nó
cho ta cảm giác ám áp, gần gũi, thân thương. Cụm từ “vàng trong sương” là một thủ pháp tu từ mỹ học. Ở đây nó là điểm nhấn
như điểm nhấn trong hội họa, để từ đó người đọc thơ có thể vin vào, đoạn phóng
chiếu ra tổng thể một cảnh tượng lung linh bóng hình thật đẹp, gồm có cả hình ảnh
lẫn ảo ảnh. Hình ảnh là ánh tinh quang nhạt nhòa trong sương sớm. Ảo ảnh là một
thôn làng xa xôi rơi rớt trong mớ ký ức ngổn ngang buồn nhớ.
Ngôi
chùa ở Hội An của Đỗ Nghê thân quen, gần gũi trong một tâm trạng cảm hoài nhưng
một tâm thế u tĩnh, yên bình. Ngôi chùa Hàn Sơn của Trương Kế thì xa lạ, trống
vắng trong một cảm giác bất an, mông lung, thậm chí bồn chồn, hoang mang, lạc
lõng.
Cảm ơn em sợi hung
Cảm ơn em năm tháng
Đã theo già cùng anh.
(Theo
già)
Em chín vàng chắc rụng về anh…
(Lá)
Tình cũng ngùi phai theo tháng năm…
(Cố
nhân)
May mà còn ánh mắt dao cau…
(Tím)
Em ngồi nghe lặng thinh
Anh đọc thêm bài nữa
Em vẫn ngồi lặng thinh
Anh buồn không đọc nữa
Em chồm lên hôn anh
Như dổ dầu vào lửa…
(Thơ
tình)
Không ngờ mà hóa tên em
Biển xanh nắng vàng sóng bạc
Không ngờ cùng kéo đến xem…
Tuy vậy,
đó không phải loại thơ “khẩu khí” vốn đè nặng thi ca Việt Nam suốt mấy trăm năm
qua và phần nào tiếp diễn cho đến ngày hôm nay. Thơ ông là tiếng nói, tiếng nói
thầm thì nhưng trong veo và có sức mạnh chuyển tải cảm xúc, biểu hiệu cho một
tâm hồn thơ giàu suy cảm.
Có thể có kẻ thấy thiếu vắng một ý thức lịch
sử, xã hội hay chính trị trong thơ Đỗ Nghê, thiếu cả những thao thức, khao khát
nội tâm, do đó, họ biện biệt, thơ thiếu chất sống, không tiếp cận với đời sống
con người, thân phận con người, vốn là cơ bản cho tất cả các thao tác văn học
nói chung, thơ nói riêng.
Tôi phản bác lập luận này. Đồng ý, thơ phải
có một “đời sống thơ,” nhưng đời sống ấy không phải sinh ra để gồng gánh những
trọng trách như minh họa kỷ nguyên lịch sử, miêu tả xã hội, bảo vệ ý thức hệ –
dù là một ý thức hệ tốt đẹp – như Milan Kundera từng phát biểu nhiều lần. Mượn
lời Kundera, tôi có thể nói là, thay vào đó, thơ tự cho nó một nhiệm vụ nói lên
những điều “chỉ thơ mới nói được.” Ngôi nhà chữ nghĩa của thơ vốn ảo diệu, khó
vào, thông thường chỉ mở lối cho người đọc thơ đi vào bằng con đường trực cảm
hoặc linh cảm, thậm chí thần cảm. Khoác chiếc áo sứ mệnh nặng khôn kham lên thơ
chỉ làm thơ thêm tội nghiệp và giết chết thơ.
Ý thức
rất rõ về điều đó, nhà thơ Đỗ Nghê đã không khoác chiếc áo sứ mệnh lên thơ mình.
Nhưng “đời sống thơ” trong thơ Đỗ Nghê là
gì, và ta phải hiểu như thế nào?
Nhờ thấm đẫm Thiền vị, như đã nói bên trên,
thơ Đỗ Nghê thắt buộc sự hiện hữu của con người vào thế giới xung quanh, và
quan trọng hơn, tìm ra được quan hệ hài hòa giữa sự hiện hữu ấy với thế giới.
Con người và thế giới không là chủ thể-khách thể như được hiểu theo ý nghĩa triết
học cổ điển, mà là một tương tác giao thoa. Triết học Hiện sinh đặt vấn nạn
chúng ta bị ném ra ngoài thế gian này mà không biết tại sao. Chúng ta giống
nhân vật thần thoại Hy Lạp Sisyphus, bị kết án vĩnh viễn lăn tảng đá lên đỉnh
núi chỉ để nhìn nó lăn xuống lần nữa. Thơ Đỗ Nghê không thắc mắc chuyện đó. Thơ
ông cho ta thấy khả năng con người nhận thức được thực tế của hiện tồn, để từ đó
biết trực diện với khổ đau và cái chết, đối đầu với những thách đố của đời sống
dựa trên sự thông hiểu sâu sắc về bản chất của hiện tồn.
Nhưng không thể gọi thơ Đỗ Nghê là thơ triết
học. Đó là thơ. Thơ với tất cả những tố chất cố hữu của thơ. Bởi thơ ông không
đưa ra một suy niệm tiên nghiệm nào, và bởi thơ đi thẳng từ trái tim thi nhân
vào trái tim người đọc.
Đọc “thơ ngắn đỗ nghê” giữa một thế giới đảo
điên như hôm nay, giữa một cuộc sống đầy gian truân, trắc trở, với tôi, là một
hạnh phúc.