Đây là bản dịch phần VI, nhan đề A Long Phi Gia vương triều đích kiến lập dữ
Miến Điện chi dịch (阿隆丕耶王朝的建立與緬甸之役)
[Việc thành lập vương triều A Long Phi Gia và chiến dịch Miến Điện], trích
trong Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công
Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究)
của Trang Cát Phát (莊吉發)[1]
từ trang 269 đến trang 329.
[269] CHƯƠNG 1
Ngô Thượng Hiền (吳尚賢) và sứ thần Miến Điện đến tiến cống
Trong hệ thống phiên thuộc của nhà Thanh,
Miến Điện không có liên hệ mật thiết như Triều Tiên và cũng không có lịch sử
lâu dài như quan hệ với Việt Nam nhưng xét trên phương diện địa lý thì Miến Điện
ở phía tây nam Trung Hoa và có cùng một mẫu số văn hoá như Vân Nam, trong quá
trình thì cả phát triển lẫn sinh hoạt đều có những tương đồng, cả đến thành phần
dân tộc Miến Điện và vùng biên giới tây nam cũng giống nhau, có thể nói là tông
chi bên ngoài nước của Trung Hoa. Về ngoại giao qua lại giữa các chính quyền, sử
đã có chép từ Hoà Đế đời Hậu Hán năm Vĩnh Nguyên thứ 9 (97 TL). Dưới đời Nguyên,
Nguyên Thế Tổ đã từng sai quân sang đánh Miến Điện ba lần lấy cớ không giữ việc
triều cống, sang đầu đời Minh thành lập tuyên uý ti để cai trị. Đời Thanh Cao
Tông (Càn Long), Miến Điện sai sứ sang triều cống rồi bất ngờ giữa chừng ngưng
lại.
Vùng biên cương của Vân Nam lỏng lẻo, bên
trong Trung Hoa là các giống người man chém giết cướp bóc lẫn nhau, coi là chuyện
bình thường, bên ngoài ba mặt đều là biên giới, nam giáp với Giao Chỉ, Nam Chưởng,
tây là Miến Điện. Từ hai thế kỷ trước Công Nguyên trở về sau, Miến Điện là đường
dây buôn bán của Trung Hoa theo đường sông Irrawaddy (伊洛瓦底) và sông Salween (蕯爾温) chảy xuống, đi qua Mandalay (曼德勒) và Afghanistan (阿富汗) đem tơ lụa đổi lấy hàng hoá của người Âu châu.[2]
Đến thế kỷ XI, Miến Điện thành lập triều đại
Pagan (蒲甘), thống nhất chính quyền và duy trì quan hệ
mật thiết với Trung Hoa, thường sai sứ nhập cống. Khi người Mãn Châu làm chủ
trung nguyên, một mặt họ chủ trương củng cố sức mạnh bản bộ ở trong nước nên
không nghĩ tới chuyện ở xa, mặt khác vùng biên giới Trung – Miến người di không
yên ổn, thuỷ thổ ác liệt, qua lại khó khăn nên năm Thuận Trị 18, vua Miến bắt
trói Quế vương của triều Nam Minh đem giao trả rồi thì quân Thanh rút về không
đòi hỏi triều cống.
[270] Miến Điện tên cũ là Burma, vốn có tục vẽ mình nêm người Xiêm gọi họ là
“hoa đỗ phiên” [người mọi bụng vằn vện]
hay “ô đỗ phiên” [người mọi bụng đen][3]
, sách vở nhà Thanh chép chung là người Miến. Trước khi Alaungpaya (甕藉牙) thành lập nước Miến Điện mới, quan hệ giữa
Thanh triều và Miến Điện chỉ do liên lạc qua mỏ bạc Mậu Long (茂隆). Vân Nam là nơi núi nhiều, đất ít, dân chúng
không đủ ăn nên tuy vùng ấy nhiều kim loại nhưng lại không phải là sinh kế của
người Điền (dân bản địa tỉnh Vân Nam) mà do người từ Giang Tây, Hồ Quảng, Quí
Châu từ xa vượt biên giới qua các ải khẩu Vân Châu đến khai thác hưởng lợi. Khu
vực biên giới Điền – Miến (tức Vân Nam – Miến Điện) giàu ngân khoáng nhưng người
di ở đây không biết cách luyện kim, phần lớn do người Hán từ nội địa đến kinh
doanh. Người dân được lợi, hai bên cần có nhau nên sinh sống hoà bình không có
gì xảy ra cả. Bên ngoài biên giới có các thổ ti và những nhóm người thiểu số
khác, vật dụng hàng ngày đều từ nội địa [tức Trung Hoa], hoặc từ Miến Điện đem
đến. Tuy luật lệ nhà Thanh cấm chỉ dân chúng nội địa không được xuất quan khai
thác khoáng sản nhưng không cấm đoán việc buôn bán nên nếu không vi phạm buôn
bán vật cấm thì cho qua còn như nếu bị phạt tiền hết vốn không có cách nào quay
về thì đành ở lại khai thác khoáng sản mưu sinh.
Vì thế, những kẻ mạo hiểm đến khai thác mỏ
đến đông như ong, như kiến, mỗi lúc một nhiều. Càn Long sơ niên, tổng đốc Vân
Quí là Trương Doãn Tuỳ (張允隨)
tâu lên xin cho phép dân nội địa ra khỏi biên giới để khai thác khoáng sản. Ở
bên ngoài vùng Vĩnh Xương, Thuận Ninh có bộ lạc Tạp Ngoã (卡瓦), vùng đất bắc giáp thổ ti Cảnh Mã (耿馬), tây giáp đất Mộc Bang (木邦) của Miến Điện, nam giáp Sinh Tạp Ngoã (生卡瓦), đông giáp thổ ti Mạnh Cấn (孟艮), đất rộng hơn hai nghìn dặm. Đứng đầu bộ lạc
này gọi là bạng trúc (蚌筑), đặt tên hiệu là Hồ Lô quốc vương (葫蘆國王), không biết có từ bao giờ nhưng đời đời truyền ấn
bằng sắt, tiếng Miến gọi là pháp lung tưu
chư mộc long hoa (法巃湫諸木隆華)
nghĩa là ngọn núi cao nhất trong dãy núi. Dân sinh sống ở đó xây thành gỗ, nhà
tranh, người đứng đầu đội mũ có dát vàng hình chóp (盔形), mặc mãng bào còn các đầu mục thì đội mũ dát bạc
cũng hình chóp, mặc áo hoa, mọi người đều để chân trần. Người di sống trên núi
thì ở trong hang, lấy vải quấn trên đầu, áo chẽn, quần cộc, còn đàn bà thì mặc
áo ngắn và váy, thắt lưng vải màu đỏ. Vì ruộng ít núi nhiều, dùng dao phạt cây
rồi đốt lửa để có đất trồng, binh khí thì chỉ có dao và giáo mác, cung nỏ.[4]
Từ xưa họ không giao thông với Trung Hoa, trong khu vực của họ có mỏ bạc ở núi
Mậu Long, gần bên có sông Kunlong (Cổn Lộng滾弄),
ngăn cách với sông Mubang (Mộc Bang木邦).
Mỏ này chu vi hơn 600 dặm, công nhân lên tới 2, 3 vạn người.[5]
Vì mỏ ở ngoài xa biên giới, nhà Thanh không vươn ra tới được nên cũng không thiết
lập doanh trại, đồn binh.
Năm Càn Long 10 (1745), Ngô Thượng Hiền (吳尚賢), người châu Thạch Bình (石屏), Vân Nam vì nghèo khổ nên đến mỏ Mậu Long khai
thác. Tháng Sáu năm đó y mở trúng mạch, đào được rất nhiều quặng nên được “bạng trúc” tín nhiệm, thu được lợi tức rất
lớn nên được tổng đốc Trương Doãn Tuỳ phong cho làm khoá trưởng (課長) của mỏ đó. Ngô Thượng Hiền ở ngoài biên lâu rồi
cùng người di qua lại, quen thuộc nên nói với bạng trúc đem mỏ này xin nạp cống,
nội thuộc Trung Hoa.
Bạng trúc liền đem số bạc khai thác được từ
tháng Bảy đến tháng Mười năm Càn Long 10 là hơn 3700 lạng xin với Hãn Thế Bình
(罕世屏) là chú của Cảnh Mã tuyên phủ ti Hãn Quốc
Khải (罕國楷) đem các đầu mục, mường chậu đi cùng khoá
trưởng Ngô Thượng Hiền, thông ngôn Dương Công Lượng (楊公亮) vào ngày 18 tháng Giêng năm Càn Long 11 (1746)
đem số bạc đến tỉnh thành Vân Nam, lại tiến trình tờ bẩm viết bằng tiếng Miến,
xin được thành thực qui thuận nạp cống.
Tổng đốc Trương Doãn Tuỳ tâu lên rằng khoá
ngân hơn 3700 lượng ấy là số thu trong 4 tháng, nếu tính cả năm [271] thì
mỗi năm phải nạp lên hơn 1 vạn 1 nghìn lượng, con số đó lớn quá, e rằng xưởng địa
thu hoạch thất thường khó có thể ấn định, vậy xin chiếu theo năm Ung Chính 8,
thổ ti Mạnh Liên (孟連)
là Đao Phái Đỉnh (刀派鼎)
nạp ngân được giảm một nửa mà biện lý, như vậy đem một nửa nạp lên còn một nửa
thưởng cho mang trúc để vỗ về kẻ ở xa.
Tháng Sáu năm Càn Long 11, sau khi nghị
chính vương đại thần bàn luận trả lời thuận theo lời cầu xin. Ngày 26 tháng Hai
năm Càn Long 12, bộ trưởng mang trúc sai xưởng dân Ngô Hiền Bân (吳賢斌) mang biểu tạ ơn. Ngô Thượng Hiền được lợi rất
nhiều, đem sản nghiệp về nguyên tịch, mua[6]
chức quan thông phán, lấy tên là Ngô Chi (吳枝).
Tháng Sáu năm Càn Long 13 (1748), người di
hai xứ Mạnh Dũng (孟勇),
Chỉnh Khiêm (整謙) [còn gọi là Chỉnh Khiếm] thuộc về Cảnh
Tuyến (景線) ở bên ngoài phủ Phổ Nhĩ (普洱) đánh giết lẫn nhau.[7]
Theo như người chưởng sự của Miến Điện tra hỏi thì vụ việc là do “người của Mạnh Dũng đến Lăng Dục (愣育) thuộc về Chỉnh
Khiêm mua trâu, trâu chạy vào bầy ở Lăng Dục nên vu cáo cho người Lăng Dục ăn
trộm trâu của y rồi trở về báo cho Mạnh Dũng đã xảy ra cớ sự”.[8]
Mạnh Dũng cậy mạnh nên quấy nhiễu Chỉnh Khiêm, cướp phá các hạt Mạnh Luỵ (孟累), Mạnh Yết (孟歇),
Mạnh Đô (孟都), đốt sạch nhà cửa, dân bị nạn lên đến hơn
230 người phải chạy sang Mãnh Lung (猛籠)
thuộc Phổ Nhĩ để trốn tránh. Vì hai xứ Mãnh Dũng, Chỉnh Khiêm liền kề với địa
giới Xa Lý tuyên uý ti nên tuyên uý ti Đao Thiệu Văn (刀紹文) nhiều lần sai người đến khuyên nhủ, đầu mục Mãnh
Dũng là Bát Dũng (叭勇)
không nghe theo lời khuyến dụ đổ cho là tại những người dân Chỉnh Khiêm chạy trốn
sang Mãnh Lung, tuyên bố là sẽ sang tận Mãnh Lung cướp phá. Đao Thiệu Văn sợ việc
bé xé ra to, dây dưa không dứt nên lập tức sai người đến Miến Điện tiến cống.
Ngày 29 tháng Bảy nhuận, năm Càn Long 13, đầu mục Cảnh Tuyến của Miến Điện là
Ngưu Vạn (牛萬) cùng với Đao Thiệu Văn đưa các mãnh đến
Mãnh Dũng hoà giải nhằm “an nhân dân,
tĩnh biên cương, ngừa chuyện nhỏ”.
Tuyên uý ti Xa Lý từ năm Gia Tĩnh đời Minh
trở đi dựa vào Miến Điện, đầu đời Thanh sau khi bình định đất Điền (Vân Nam)
thì thành thực qui phục nội địa, đời đời thụ chức, hàng năm đóng thuế nhưng
cũng đồng thời phải triều cống Miến Điện.
Năm Ung Chính thứ 8 (1730), Đao Thiệu Văn
thừa tập chức thổ ti, Miến Điện sai sứ đến mừng, nhân đó tuyên uý ti Xa Lý trở
thành thổ ti ở biên giới thuộc về cả Trung Hoa lẫn Miến Điện. Tổng đốc Trương
Doãn Tuỳ thấy Đao Thiệu Văn đã nhận chức thổ ti của nội địa, không tiện để y ngả
sang xứ người, cũng không thể bỏ qua không lý đến nên mới sức cho Đao Thiệu Văn
sai vài đầu mục đem vài chục thổ binh sang Mãnh Dũng thay mặt khuyên giải đồng
thời trả lời cho Miến Điện để biên cảnh được yên.
Thế nhưng Miến Điện hết sức ngăn trở quân của
nội địa vào sâu trong biên cảnh để dòm ngó hư thực, cho Đao Thiệu Văn viết bằng
tiếng Miến thông tri cho thổ biền các mãnh hợp lực phòng thủ, nhân khi sai các
đầu mục có khả năng sang Mãnh Dũng tra xét giải quyết, Miến vương sai 2, 3 chục
người đến Mãnh Dũng khuyên giải.
Ngày 11 tháng Mười năm ấy, thổ bả tổng Mãnh
Lung là Đao A Hưng (刀阿興)
nhận được bản văn tiếng Miến do đầu mục Cảnh Tuyến là Ngưu Vạn, trong đó viết rằng
“Mãng vương chúng tôi trước đây đã gửi tuyên uý văn thư bằng tiếng Miến, cùng tới
để thay họ giảng hoà. Nếu bây giờ Mãng vương sai người đến tra xét rõ ràng thì ắt
sẽ lo liệu ổn thoả, vậy ngươi hãy bẩm rõ lên tuyên uý, các giới thủ ngự đừng để
cho người đến quấy rầy đất của chúng tôi nữa”. Cùng lúc đó, Đao A Hưng cũng viết
“nay Mãng [272]
vương đã uỷ cho các tù trưởng tra xét rõ ràng, hoặc thưởng hoặc phạt,
ắt sẽ noi theo. Nếu như có thổ binh của nội địa ở đó, e rằng kẻ có tội sẽ xấu hổ,
xem ra không tiện nên Ngưu Vạn gửi thư tới ngăn lại”.
Thanh Cao tông cho rằng “việc của người di ở biên cương thì nên để
cho người di trị người di, miễn là không quấy nhiễu nội địa là được”. Thanh
đình chỉ cần biên cảnh vô sự, việc chủ quyền lãnh thổ chi bằng để cho Miến
vương lo liệu.
Năm Càn Long 14 (1749), người khai mỏ là Trâu
Khải Chu (鄒啟周) ở Mộc Bang dự định khai thác hai mỏ Mãnh
Nha (猛牙), Bang Bách (邦迫). Khoá trưởng xưởng Mậu Long là Ngô Thượng Hiền
sợ rằng quặng bạc nay nhiều nhưng rồi sẽ ít đi, hai bên sẽ cạnh tranh nên nhất
định khai rằng thổ ti Trấn Khang (鎭康)
là Điêu Muộn Đỉnh (刁悶鼎)
đã gọi Trâu Khải Chu và đồng bọn là Trương Lượng Thái (張亮采) cấu kết với người Lật Lật ở Hắc Sơn đến quấy
phá Mộc Bang.
Đạo Di Tây (迤西) của Vân Nam là Chu Phượng Anh (朱鳳英) lập tức ra lệnh cho Ngô Thượng Hiền đem người bắt
giữ, sau khi nghị hoà thì mỏ lại mở ra nhưng cho nước chảy ngập Tây Sái (西灑). Ngô Thượng Hiền sợ mất mối lợi nên đến ngày 19
tháng Chạp năm đó lấy cớ có lệnh bắt của Chu Phượng Anh nên sai Tôn Nhị Lang (孫二郞), Tôn Lan Đăng (孫蘭登) đem vài trăm người của xưởng đến Tây Sái bắt bọn
Trâu Khải Chu hơn một chục người, số phu mỏ còn lại cũng đuổi đi.
Mộc Bang sau khi bình định rồi liền thỉnh cầu
nạp cống nội phụ. Thanh đình cho rằng từ cuối đời Minh đến nay Mộc Bang đã thuộc
về Miến Điện, không tiện chấp thuận nên bác đi. Ngô Thượng Hiền muốn liên kết với
Miến Điện để cho người di ở biên giới phải qui phục nên tính chuyện sao cho Miến
Điện triều cống Thanh đình.
Ngày mồng 3 tháng Giêng năm Càn Long 15,
Ngô Thượng Hiền dẫn hơn 1200 người phu mỏ từ Mãnh Cán (猛幹) lên đường, qua Mộc Bang, Tích Bạc (錫箔), Tống Trại (宋賽)
đến A Ngoã (阿瓦), những nơi đi qua thổ ti tranh nhau tặng
quà. Chỉ có đầu mục Quí Gia ở ngân xưởng Ba Long (波龍) là Cung Lý Nhạn (宮裏雁)[9]
vì có hiềm khích với Miến Điện nên đem quân ngăn trở.
Ngày mồng 7 tháng Ba năm đó, Ngô Thượng Hiền
bị Quí Gia đánh bại nên theo đường Ma Lý Cước Hồng (麻里腳洪) quay trở về mỏ bạc Mậu Long. Vua Miến
Mahadammayaza Dipati (瑪哈達馬雅薩。第帕蒂)
[trong văn thư chính thức của triều đình nhà Thanh gọi là Mãng Đạt Lạt (蟒達喇)] lập tức sai sứ thần Hi Lý Giác Trấn (希里覺填) sang Trung Hoa tiến cống.
Tháng Tư năm đó, sứ thần Miến Điện và hành
nhân, cống vật đến biên giới, tạm trú ở xưởng Mậu Long, do Ngô Thượng Hiền thay
mặt chuyển tờ bẩm lên tổng đốc Vân Quí Thạc Sắc (碩色), việc cung ứng cho phu dịch và voi đều do Ngô
Thượng Hiền lo liệu cả.
Ngày mồng 10 tháng Chạp cùng năm, sứ thần
Miến Điện theo đường biên giới nhập quan, đến phủ Mông Hoá (蒙化), tổng đốc Thạch Sắc đem chi phí cần thiết thưởng
cho họ, chiếu theo lệ cũ dành cho nước Nam Chưởng từng sang tiến cống, do Mao
Tiễn Chương (耗羨章) trình lên bao gồm 2500 lượng bạc, lại
phái tri sự phủ Thuận Ninh là Mạnh Sĩ Tích (孟士錫),[10]
bả tổng Triệu Tống Nho (趙宋儒)
hộ tống lên kinh đô.
Ngày 29 tháng Chạp, Hi Lý Giác Trấn cùng
đoàn 20 người đến tỉnh thành Vân Nam, vì thời tiết lạnh giá nên phải tạm cư ngụ
ở đây. Thự bố chính sứ (tức chưa chính thức bổ nhiệm) đạo Di Tây là Thẩm Gia Trưng
(沈嘉徵) theo lời bẩm của Ngô Thượng Hiền “sứ thần Miến Điện theo tỉnh Điền lên kinh
đô, đường dài vạn đặm, e rằng người di ăn uống sở thích có khác, mới vào nội địa,
không quen lễ pháp Trung Hoa, trên đường có khi gây chuyện, uỷ viên nội địa
không thể lo liệu ước thúc”. Ngô Thượng Hiền vốn quen với tính tình người
Miến, dễ dàng kiểm soát, không để cho xảy ra rắc rối nên tự nguyện chuẩn bị
hành trang tiền bạc, đưa đi đưa về lo liệu trên đường đi nên chuẩn cho lời yêu
cầu.
[273] Ngày 16 tháng Hai năm Càn Long 16 (1751), theo đường tỉnh Điền khởi
hành lên kinh đô.[11]
Ngày 25 tháng Sáu, vua Cao Tông nhà Thanh ngự ở điện Thái Hoà nhận triều cống của
sứ thần Miến Điện.[12]
Bộ Lễ chiếu theo lệ của quốc vương Tô Lộc (蘇祿)[13]
tiến cống trước đây nên ban một đạo sắc dụ và đãi yến hai lần, thưởng cho mãng
đoạn, thanh lam thái đoạn, lam tố đoạn, gấm, trừu, là, lụa … các món.
Ngày 21 tháng Bảy, sứ thần Miến Điện quay về
nước, Thanh đình theo lệ phái ngạch ngoại chủ sự bộ Lễ là Si Thông Ngạch (郗通額) bạn tống. Thế nhưng chánh sứ Hi Lý Giác Trấn vốn
người yếu đuối, khi đến phủ Kinh Châu (荆州),
tỉnh Hồ Bắc thì bệnh cũ phát tác. Ngày 20 tháng Chín vào đến huyện Ngọc Bình (玊屏) tỉnh Kiềm (黔)[14],
ngày 22 đến phủ Trấn Viễn (鎭遠)
tạm nghỉ lại mời thầy thuốc điều trị, bệnh tình bớt nhiều. Ngày 26 lại khởi
hành ra đi, đến ngày mồng 10 tháng Mười thì từ trần tại dịch trạm Mao Khẩu (毛口), phủ An Thuận (安順).
Theo như lời người tuỳ tòng là Đả Mạn Giác
Trấn (打慢覺填) thì “qui
luật xưa nước Miến, những quan viên được sai đi nếu trên đường bệnh chết thì
mai táng ngay tại nơi đó”. Si Thông Ngạch liền ra lệnh cho tri phủ An Thuận,
tỉnh Quí Châu là Vương Thủ Vân (王守雲)
chuẩn bị quan tài, tẩn liệm gửi cho Mao Khẩu còn những tuỳ tòng, căn dịch còn lại
tiếp tục lên đường.
Ngày 19 tháng Mười đến tỉnh thành Vân Nam,
đốc phủ nơi đó tuân theo đề đạt của bộ Lễ đã tính toán, mở tiệc một lần, lại
chiếu theo lệ cũ khi sứ thần Nam Chưởng về nước, chuẩn bị gửi theo cho quốc
vương Miến Điện các loại vải vóc, đến ngày 26 tháng Mười phái đoàn lên đường về
nước.
Nhân vì từ Vân Nam ra khỏi cửa quan đến thổ
ti Cảnh Mã (耿馬) tất cả 6 trạm, sợ rằng ra khỏi biên giới
có thể gặp người mọi gây chuyện, tổng đốc Thạc Sắc đã sai tri sự phủ Thuận Ninh
là Mạnh Sĩ Cẩm (孟士錦),
bả tổng Triệu Tống Nho hộ tống trên đường đi, theo đường Vân Châu xuất khẩu đưa
đến tận giao giới thổ ti Cảnh Mã, ra lệnh cho họ đưa tiếp theo cho đến Mộc Bang
giao cho thổ mục nhận rồi đưa đi.
Tháng Chạp năm đó, Miến vương sai con đến Mạnh
Nãi (猛廼) nghinh đón. Tổng đốc Thạc Sắc cũng sai
thí dụng quan Vân Nam là Vương Đình Ngọc (王廷玉)
đến Mao Khẩu, phủ An Thuận, Quí Châu đưa quan tài Hi Lý Giác Trấn đến biên giới
Vân Châu chọn đất an táng, lập bia đá ghi biết.
Ngô Thượng Hiền vốn dĩ là “dân nghèo không quê quán”[15],
tháng Sáu năm Càn Long 15, Thạc Sắc mới nhận chức tổng đốc Vân Quí sợ Ngô Thượng
Hiền sau khi bắt được Trâu Khải Chu rồi càng ngày càng lớn mật làm càn nên từng
dụ cho Thẩm Gia Trưng đạo Di Tây phải đề phòng cẩn thận. Ngày 19 tháng Mười năm
đó, gửi triệp lên xin đưa Ngô Thượng Hiền về nội địa.
Ngày 29 tháng Chạp, Ngô Thượng Hiền đi cùng
với sứ thần Miến Điện đến tỉnh thành Vân Nam, Thạc Sắc “xem vẻ mặt hành động thấy
y là kẻ quê mùa không hiểu biết, không phải là người biết yên phận, khó có thể
giữ ở ngoài biên kiếu lâu dài”. Thanh Cao tông giáng dụ chỉ cũng nói rằng Ngô
Thượng Hiền cùng với sứ thần Miến Điện thân mật lâu dài, qua lại truyện trò với
nhau, có thể tuỳ ý mà bịa ra, sau này nếu có ra lệnh cho đến khuyết đình, khó
mà không thể cùng người di ở Mộc Bang, Miến Điện lén lút qua lại, khoa trương
thanh thế. Thạc Sắc lại tâu lên là đạo hoài nhu hoang phục (vỗ về kẻ nơi hoang
vu), không nên để người nội địa cùng họ giao thông qua lại, Ngô Thượng Hiền vốn
từng thân thiện với các người di, nếu chỉ không cho đến kinh đô mà không giữ lại
e rằng vẫn lén lút giao thông, còn như câu lưu quản thúc, thì Ngô Thượng Hiền vốn
không có tội tình gì, không đủ để cho y tâm phục. Huống chi phí tổn để cho sứ
thần Miến Điện lên kinh đô và quay về, Ngô Thượng Hiền trả phần lớn, cũng lại
có rất nhiều công lao. Ngô Thượng Hiền thuộc vào hệ thông phán “quyên nạp” [274],
nên phải đưa trở về tỉnh Kiềm sử dụng.
Còn như dân chúng nội địa không nghề nghiệp
di cư tụ tập bên ngoài biên giới, thì e rằng chưa lo tới thì họ đã dần dần giải
tán rồi. Vậy mật sức quan viên văn võ hãy nghiêm nhặt tra xét các ải khẩu Vân
Châu, chỉ cho vào mà không cho ra, để dân các xưởng ít dần, hết quặng hết lợi,
biên cảnh sẽ yên.[16]
Tháng Bảy năm Càn Long 16, sau khi cống sứ
Miến Điện Hi Lý Giác Trấn ra khỏi kinh đô, Quân Cơ Xứ gửi thư cho Thạc Sắc nói
rằng “sau này khi sứ thần Miến Điện về đến
tỉnh Điền, hãy sai người hộ tống xuất cảnh, còn Ngô Thượng Hiền thì ra lệnh cho
ở lại tỉnh thành, nếu như biết an phận giữ mình thì không sao, còn như ngấm ngầm
truyền bá lời phù phiếm, làm mê hoặc tình hình người di thì lập tức bắt Ngô Thượng
Hiền giam lại, tâu lên xin chỉ mà lo liệu”.
Miến sứ về đến tỉnh Điền, Thạc Sắc liền tra
hỏi người bạn tống sứ thần là tri sự phủ Thuận Ninh Mạnh Sĩ Cẩm về cử chỉ, động
tĩnh của Ngô Thượng Hiền trên đường đi thế nào?
Theo lời bẩm xưng của Mạnh Sĩ Cẩm thì Ngô
Thượng Hiền từ tỉnh Điền lên đường đến kinh đô, rất vui mừng vì được ân trạch của
triều đình nên mặt mày hớn hở, đến khi trở lại tỉnh Điền, thấy thánh ân ưu đãi
sứ thần rất là dồi dào hậu hĩ, lòng mong mỏi của y không toại nguyện nên có vẻ ấm
ức, không vui ra mặt. Đến khi Miến sứ từ tỉnh Điền về nước, Thạc Sắc giữ Ngô
Thượng Hiền ở lại tỉnh thành, sai người bạn tống, Ngô Thượng Hiền lại xui tuỳ
tòng của sứ thần Miến Điện là Đả Mạn Giác Trấn đưa tờ trình lên xin cho Ngô Thượng
Hiền được đi cùng, muốn giữ công cho mình làm mê hoặc ngoại di.
Ngày 11 tháng Một năm Càn Long 16, Thạc Sắc
tâu lên về những điều không giữ phép tắc của Ngô Thượng Hiền chủ yếu gồm có:
-
Ngô Thượng Hiền trước
đây từng thưởng cho tù trưởng Hồ Lô là Phong Trúc một nửa số bạc, mỗi năm thực
cấp 200 lượng, còn lại giả danh chia ra cho thợ hoặc cho người nấu bếp ở địa
phương nhưng là để bỏ túi riêng.
-
Vì xưởng Mậu Long ở
xa ngoài biên giới, quan văn võ nội địa khó mà tra xét cho được chu toàn nên
Ngô Thượng Hiền ỷ mình có chức hàm thông phán nên vào ra trong xưởng, còn dám cổ
xuý việc nổ pháo, đi đứng ngồi xe, dùng kiệu, cờ quạt thanh la, lọng vàng, lại
dùng phu mỏ làm hộ vệ, chế tạo giáo mác súng ống và đồ quân khí, phô trương vượt
quyền.
-
Năm Càn Long 14,
Ngô Thượng Hiền khăng khăng cáo buộc Trâu Khải Chu cấu kết với người mọi cướp
đoạt bên ngoài biên giới, đem phu mỏ đi bắt giữ xưởng dân hơn mười người giam cầm
cho đến chết.
-
Người dân phủ
Nguyên Giang (元江) là Bành Tích Lộc (彭錫祿) tố cáo Ngô Thượng Hiền có ý vì tiền mà hại mạng
người, chiếm đoạt quặng mỏ của anh y là Bành Tích Thọ (彭錫夀), trói Bành Tích Thọ lại tra khảo đánh đập đến
chết.
Lời tâu của Thạc Sắc khiến cho Ngô Thượng
Hiền càng bị giam cấm nghiêm nhặt hơn, gia sản cũng bị điều tra và niêm phong.
Tháng Ba năm Càn Long 17, theo lời cung xưng của Ngô Thượng Hiền thì:
Khai mỏ Mậu Long từ năm Càn Long 11 đầu
tiên chỉ được đường khoáng (堂礦),
nhiều năm trừ ra số bạc chia ra chỉ còn độ 20 vạn lượng. Đến mùa lễ tết thưởng
cho tù trưởng Hồ Lô một nửa là hơn 28,900 lượng, duyên xưởng theo lệ thì số bạc
được chia cùng với sa đinh là 46 phần, trừ cấp cho sa đinh 4 phần để mua dầu, gạo
và vải dày hàng năm để biếu các tù trưởng và dùng tại xưởng ước tính độ 13,
14000 lượng, mỗi năm liên tục gửi về nguyên tịch [275] mua bán sản nghiệp và cung cấp cho người,
lại uỷ thác cho Tạ Quang Tông (謝光宗)
mua điền sản. Năm trước tại kinh đô giao cho Tạ Quang Tông vàng bạc và gửi cho
Chu Anh Xứ (朱瑛處) vàng bạc ước chừng hơn 9 vạn lượng bạc,
trước đây đã khai rõ. Ngoài ra năm Càn Long 15 ở xưởng có giao cho Ngô Mính (吳茗) 2 vạn lượng bạc, vàng 100 lượng, nhờ Ngô Mính
cùng với Uẩn Vạn Thành (惲萬成),
Vương Bỉnh Trung (王秉中)
đến tỉnh Xuyên để quyên quan(dùng tiền mua quan chức) nhưng lệ đó đã đình chỉ,
bọn họ trở lại kinh đô, cũng không có lệ đó , trừ các loại phí tổn, Vương Bỉnh
Trung lại mượng 3600 lượng để dùng, Uẩn Vạn Thành mượn 2100 lượng, Mậu Thằng Tổ
(繆繩祖) mượn 560 lượng. Lại đem 1300 lượng bạc,
100 lượng vàng đổi ra thành 2600 lượng bạc, cho con của Đỗ Thất là Đỗ Thời
Xương (杜時昌) mượn, cho huyện phòng Kim Sơn mới tuyển
là Liên Nguyên (連元)
mượn 200 lượng, cho Trác Am (琢菴) ở
trại Thạch Bình mượn 100 lượng, lại giao ở kinh đô cho việc quyên phong 300 lượng,
tồn ngân chỉ còn 7200 lượng. Năm trước, tại kinh đô giao trả lại, phạm nhân đã
đem 7000 lượng giao cho Tạ Quang Tông, tức là đã cung khai ở kinh trước đây, tiền
còn dư là 200 lượng thì chínnh tôi ở kinh đô đã chi tiêu rồi. Ngoài ra thực
không dám dấu diếm gì cả. [17]
Theo tri phủ Vân Nam Võ Thâm Bố (武深布) và tri phủ Lâm An là Đặng Sĩ Xán (鄧士燦) tra xét nơi ở của Ngô Thượng Hiền ở tỉnh thành
Vân Nam và nơi nguyên tịch là châu Thạch Bình thì liệt kê ra tài sản bao gồm
vàng bạc, trang sức, bát ngọc, chén ngọc, thuỷ tinh, mã não … tổng cộng giá trị
hơn 12, 5000 lượng. Ngô Thượng Hiền bị bắt giam không lâu sau đó bệnh chết. Miến
Khảo (緬考) nói là Ngô Thượng Hiền bị giam trong một
căn nhà trống nên chết đói. Con nuôi của Ngô Thượng Hiền là Ngô Thế Vinh (吳世榮) cũng bị gọi về nội địa, mỏ Mậu Long vì vậy phải
đi tìm khoá trưởng để trông coi. Thế nhưng chỉ có những ai giàu có mới có thể đến
biên địa ra ngoài bỏ tiền khai mỏ, người nghèo khổ, vô lại không có vốn làm ăn
mà khoá trưởng còn có nhiệm vụ kê tra phu mỏ để thu bạc nên phải là người thành
thuộc, lão luyện để người trong xưởng tín phục, nếu không việc sẽ không chạy.
Thạc Sắc tâu lên rằng xưởng Mậu Long trước
đây đốc thần [tổng đốc] Trương Doãn Tuỳ đã giao cho khoá trưởng một mình Ngô
Thượng Hiền đảm trách, thực ra có đến ba người, một người tên là Dương Công Lượng
(楊公亮), người phủ Thuận Ninh, Vân Nam, một người
tên Đường Khải Ngu (唐啟虞)
gốc Hành Châu , Hồ Quảng, một người tên Vương Triều Thần (王朝臣), người phủ Sở Hùng, Vân Nam đều từng ở mỏ nhiều
năm, thông thạo công việc, đều không phải là vây cánh của Ngô Thượng Hiền.
Trong số đó, Vương Triều Thần đã chết vì bệnh. Thạc Sắc tâu xin cho Dương Công
Lượng làm chức khoá trưởng, coi sóc xưởng vụ, để Đường Khải Ngu hiệp đồng lo liệu.
Thạc Sắc lại sắp đặt chương trình, định rằng mỗi ba năm một lần thay đổi, ba
năm mãn hạn sẽ đưa khoá trưởng về, khi đó người hiệp biện lên thay làm khoá trưởng.
Việc này là một chuyển biến rất lớn cho việc giao thiệp ban đầu giữa Trung Hoa
và Miến Điện. Từ trước đến nay, xưởng Mậu Long là trung gian để liên lạc với Miến
Điện nhưng từ nay việc giao thiệp do hai triều đình trực tiếp thực hiện [276].
Năm Càn Long 13, Miến Điện từng sai bọn Lạt
Trát Đạt (喇札達) đến Trung Hoa ước định triều cống, khi đó
vua Miến tin dùng chồng của bà vú nuôi mình là Ba Lăng (波凌) gây bất hoà với anh là Mãng Lễ Giác Hồng (蟒禮覺紅) nên bị Thanh đình từ khước.
Năm sau, lại sai sứ đến Vân Nam nói rằng Ba
Lăng đã bị phế truất, Mãng Lễ Giác Hồng đã tỉnh ngộ, hoà hảo với quốc vương,
nên xin được nạp cống thành thực qui phục nhưng Thanh đình vẫn không chịu. Khoá
trưởng Mậu Long Ngô Thượng Hiền cũng thay mặt xin cho Miến Điện tiến cống, đốc
phủ Vân Nam cũng gửi triệp tâu xin chuẩn cho triều cống. Đó là lần đầu tiên từ
khi nhà Thanh nhập quan mà Miến Điện chính thức gửi người sang Trung Hoa nạp cống
cầu phong. Chỉ vì Ngô Thượng Hiền bị giết vì tội giao thiệp với ngoại di, Miến
Điện lại có nội loạn nên việc giao thiệp của hai bên giữa đường đứt gánh.
[277] CHƯƠNG 2
Việc nổi lên của Aungzeya (甕籍牙)
và
Nguyên nhân việc quân Thanh sang đánh Miến
Điện
Aungzeya (甕籍牙) là người dựng nên Miến Điện thời cận đại.
Aungzeya dịch theo nghĩa là “kẻ chinh phục” (the conqueror), năm Khang Hi 53
(1714), sinh ra tại thành Mộc Sơ (木梳Mokso-bo),
ngày nay chỉ là một thôn nhỏ có chừng 300 dân. Mộc Sơ ý nghĩa ban đầu là người
thủ lãnh nhóm đi săn (Shikari-leader). Theo sử gia Miến Điện ghi nhận, Aungzeya
là hậu duệ hoàng tộc, đời đời làm đầu mục thành Mộc Sơ, quả thực khi còn trẻ
Aungzeya là một thợ săn rất giỏi, lại trời sinh có tài lãnh đạo, giỏi tổ chức.
Theo tác giả người Anh Baker miêu tả, Aungzeya nghi biểu đường đường, hào hiệp
rộng rãi, cao khoảng 5.10 feet, khuôn mặt đầy uy quyền.
Từ thế kỷ XVIII trở về sau, vì Miến Điện
luôn luôn có nội loạn, người Đắc Lăng (Talaings 得楞)[18]
thế lực lớn mạnh, nhiều lần xâm lấn nên Aungzeya phải củng cố việc phòng ngự Mộc
Sơ, các thôn trang dùng cây dừa, cây cọ dựng thành những thành luỹ, đủ để chống
đỡ khi địch quân dùng súng bắn vào đồng thời liên kết 46 bộ lạc, thôn ấp ở lân
cận cùng chung nhau kháng cự người Đắc Lăng. Khi thôn dân đồng ý, Aungzeya thi
hành kế sách “kiên bích thanh dã” (vườn không nhà trống), đốt hết nhà cửa dân
chúng ở chung quanh, lấp cả các dòng sông và giếng nước khiến cho chúng quanh
thành Mộc Sơ vài ba dặm trở thành một vùng bỏ hoang.
Tháng Tư năm Càn Long 17 (1752), vua Đắc
Lăng là Binya Dala (Tân Nhã Đạt Lạp賓雅達拉)
[1747-57] được người Bồ Đào Nha và người Hà Lan giúp đỡ nên đem quân công hãm
Ava (阿瓦), bắt được vua Miến Mahadammayaza Dipati (Mã
Cáp Đạt Mã Nhã Tát – Đệ Bạch Đế 瑪哈達馬雅薩第帕蒂) và hoàng tộc đem về Pegu (Bạch Cổ白古),
vương triều Tunngoo Dynasty 東吁)
cáo chung.
Vì Aungzeya cự tuyệt không chịu tuyên thệ
trung thành với Đắc Lăng vương nên tướng Talaban (塔拉班) từ Ava chia bốn đường quân tấn công Mộc Sơ,
nhưng bị Aungzeya đánh bại. Aungzeya gửi hịch dụ hiệu triệu dân chúng Miến Điện
cùng đứng lên chống lại người Đắc Lăng. Ông cũng tự mình chỉ huy một cánh quân
bộ các vùng phụ cận một vạn người và một đội thuyền.
Năm Càn Long 18 (1753), Aungzeya đem quân
vây đánh Ava. Tháng Chạp năm đó, người Miến trong thành nổi lên chống lại khiến
cho người Đắc Lăng đành phải bỏ Ava, lập tức triệt hồi về Pegu.
Aungzeya sai con thứ là Myedu (懵駁) sau khi chiếm Ava rồi trở về Mộc Sơ để
xây dựng một cung điện, đổi tên là Shwebo (瑞波),
ý nghĩa là thành của lãnh tụ hoàng kim.[19]
Ông tự xưng là Alaungpaya (阿隆丕耶),
ý nghĩa là Bodhisatva (佛胎) [278],
đóng đô ở Shwebo, sử gia Miến Điện gọi vương triều do Aungzeya vừa kiến tạo là
vương triều Alaungpaya (1752-1885).
Khi đó đốc phủ Vân Nam cũng chú ý đến chính
tình Miến Điện vì việc thương mại giữa nội địa và Mộc Bang từ trước đến nay nên
năm Càn Long 18, tổng đốc Thạc Sắc đã nghe thấy con buôn truyền ngôn rằng nội bộ
Miến Điện có việc cừu sát. Tri phủ Vĩnh Xương cũng bí mật sai thổ ti Mãnh Mão (猛卯) là Diễn Nguyệt (衍玥) đến Miến Điện dò xét, khai rằng việc khởi đầu
nguyên do như sau:
Đại hoà thượng Miến Điện là Tán Lạt Noạ (撒喇惰) cùng với đại đầu mục Bổng Đoạt Mạo (捧奪藐), Bổng Đoạt Kỷ (捧奪紀), Ba Lâm (波林)
bốn người lo việc không công bằng nên “đắc lãnh tử” trong hạt oán giận, tháng
Ba năm trước đã đem người đến công phá kinh thành Miến Điện , giết chết đại hoà
thượng Tán Lạt Noạ, còn ba đại đầu mục kia chạy trốn, không biết về đâu, chỉ có
“quỉ gia” của nước đó không phục nên hai bên chém giết nhiều lần, khi thắng khi
thua nên cục thế chưa định được.
Quốc vương nước đó là Mãng Đạt Lạt (蟒達喇) hiện đang chạy trốn ở ngoài biển, còn hai con
trai của Mãng Đạt Lạt thì đều ở tại đất Mãnh Nãi (猛迺) giữ gìn những món vua ban, chưa trở về nước.[20]
Thế lực của người Đắc Lăng bị trục xuất khỏi
Ava, Aungzeya liền đem quân bình định vùng phía bắc Miến Điện. Các bộ lạc Shan
(撣邦), Bhamo (八莫), Mong Mit (猛密),
Sawbwas đều đích thân đến Mộc Sơ tuyên thệ trung thành. Binya Dala (Tân Nhã Đạt
Lạp) muốn chiếm lại Ava nên mua của Pháp rất nhiều võ khí, đến năm Càn Long 19
(1754) sai em theo đường Yuva Raja (瓦喇札)
suất lãnh thuỷ lục đại quân vây đánh Ava. Thế nhưng Aungzeya có một hạm đội rất
mạnh nên cùng với con thứ là Myedu trong ngoài liên hợp, đánh bại người Đắc
Lăng.
Binya Dala (Tân Nhã Đạt Lạp) đích thân dẫn
đại quân đóng ở cồn đất Lunzé (倫歇)
bao vây người Miến Điện rồi lui về giữ thành Prome (卑繆). Nhân trước đây có việc làm phản ở Uấn Nhưỡng (醞釀), Binya Dala (Tân Nhã Đạt Lạp) từ Ava bắt giết
nam phụ lão ấu của hoàng tộc rất nhiều, vua Miến Mahadammayaza Dipati bị cho
vào bao ném xuống sông, việc làm thất trí đó khiến cho người Miến bị lưu đày ở
cồn đất hết sức công phẫn và sợ hãi nên nổi lên đánh chiếm thành Prome, nên đến
nay Binya Dala (Tân Nhã Đạt Lạp) mới vây đánh người Miến.
Tháng Hai năm Càn Long 20 (1755), Aungzeya
đánh lui được người Đắc Lăng và đến tháng Tư năm đó đánh chiếm lại được Lunzé,
đổi tên thành này thành Myanaung (速捷).
Không lâu sau đó, Aungzeya lại đánh chiếm các thành Henzada (亨沙達), Danubyu (直柳漂)
và cũng vì tin tưởng nhiệt thành vào sự thành công cũng như nhìn xa trông rộng,
Aungzeya đổi tên Dagon thành Rangon (仰光)
với ý nghĩa là chiến tranh đã chấm dứt.
Tháng Hai năm Càn Long 21 (1756), Aungzeya
đánh bại người Quí Gia ở miền bắc (Gwe-Shan) và bộ lạc Bãi Di (罷夷), được người Anh giúp đỡ, [279]
từ Mộc Sơ đem quân vây đánh Syriam (雪列姆)
là một cửa khẩu trọng yếu của người Đắc Lăng cách Rangon không xa vốn được người
Pháp trợ lực trấn giữ.
Tháng Bảy năm đó một buổi tối, người Miến
vượt qua hào bảo vệ thành Syriam, quân giữ thành Đắc Lăng trong đêm đen hoảng sợ
bỏ chạy, chỉ huy người Pháp là Bruno (布魯諾)
bị bắt và bị giết.
Tháng Năm năm Càn Long 22 (1757), thành
Pegu vốn bị vây đánh lâu nay, lương thực đã hết lại không có binh sĩ ngoại quốc
nên cũng bị Aungzeya lấy được, vua Đắc Lăng Binya Dala (Tân Nhã Đạt Lạp) bị bắt
đưa tới thành Mộc Sơ. Theo Miến Điện biên niên sử tường thuật, hàng nghìn hàng
vạn người Đắc Lăng già trẻ lớn bé đã bị bắt làm nô lệ hay bán ra ngoài. Các
cung điện và những kiến trúc to lớn đều bị thiêu huỷ, thành Pegu từ nay không
còn tồn tại nữa. Talaban (塔拉班)
về sau đầu hàng Aungzeya, Aungzeya không những tha thứ mà còn trọng dụng nên
Talaban cũng rất trung thành với Aungzeya. Aungzeya cũng đẩy lui quân Xiêm La ở
Tavoy (桃歪), Mergui (丹荖) rồi quay về Mộc Sơ.
Năm Càn Long 23 (1758), thân chinh đánh
Manipur (曼尼). Sau khi vương quốc Pegu bị diệt vong,
người Đắc Lăng tị nạn tứ tán sống ở Xiêm La, Negrais (納格列斯). Khi đó Xiêm La cũng có nội loạn, Aungzeya theo
lệ đòi Xiêm La phải nạp một cô công chúa để làm bảo chứng cho tình hữu nghị
nhưng vua Xiêm La khước từ nên Aungzeya lập tức điểm quân chinh phạt Xiêm La.
Năm Càn Long 24 (1759), Aungzeya suất lãnh
4 vạn quân theo đường Tenasserim (坦沙里)
phía nam Miến Điện đi vòng xuống đánh vào quốc đô Xiêm La là thành Ayuthia (卽猶地亞). Theo người Xiêm La là Trần Ma (陳磨) và con buôn người Quảng Đông là Ôn Thiệu (温紹), Lâm Chính Xuân (林正春) bẩm xưng thì:
Nước Xiêm La bị Ô Đỗ Phiên tức Hoa Đỗ Phiên
tàn phá, nguyên do khởi hấn là vì vua già Chiếu Hoá Lao Vọng (詔化勞望) bí mật có vương phi thứ hai, vương phi thứ nhất
là Tùng Lập Phàn Bát Tửu Y Ai (松立攀八酒依哀), sinh một con trai tên là Chiếu Cống (詔貢), một phi Tùng Lập Phàn Bát Bị Luyến Phàn Bát Tửu
Nãi (松立攀八備戀攀八酒乃), sinh được hai
con trai, con lớn tên là Chiếu Hoá Dịch Kết Tất (詔化奕結漆), con thứ tên là Chiếu Hoá Lục Lã (詔化六呂) không hoà thuận với con của những thị thiếp
khác như Chiếu Vương Cát, Chiếu Minh Quật, Chiếu Phách Ông Hoa, Chiếu Phách Ông
Ban …
Nhân việc Chiếu Cống loạn luân, lão vương
ra lệnh cho bọn anh em Chiếu Vương Cát, Chiếu Phách Ông Hoa tiêu diệt. Chiếu Cống
sinh được hai con trai, con trưởng tên là Chiếu Á Sắc, con thứ tên là Chiếu Thế
Xương.
Khi lão vương qua đời, các quan thấy con thứ
hai Chiếu Hoá Dịch Kết Tất là người tầm thường bị bịnh điên, con thứ ba Chiếu
Hoá Lục Lã là người cung kiệm minh bạch nên tôn lên ngôi vương. Chiếu Hoá Dịch
Kết Tất tức giận, âm mưu soán đoạt, Chiếu Hoá Lục Lã lập tức nhường ngôi cho
anh Chiếu Hoá Dịch Kết Tất, cạo đầu làm sư, gọi là Vua Sãi, còn Chiếu Hoá Dịch
Kết Tất gọi là Vua Hủi. Vua Hủi tàn bạo bất nhân, nhân dân không phục, các em
là bọn Chiếu Minh Quật thừa cơ viết thư cho người Ô Đỗ Phiên đến Xiêm La cùng
mưu, việc tiết lộ nên bị Vua Hủi, Vua Sãi, Chiếu Vương Cát giết chết.
Đến năm Càn Long 25, [280]
em vợ Vua Hủi là Phi Nhã lại cấu kết với người Ô Đỗ đến làm loạn ở Xiêm
La bị Vua Sãi biết được nên xử tử. Khi người Ô Đỗ đến Tavoy, Mergui nghe tin nội
ứng đã chết mà vua Ô Đỗ là Chi Long trên đường đi cũng bị bệnh từ trần nên thu
binh quay về.[21]
Tháng Tư năm Càn Long 25 (1760), vua
Aungzeya bị bệnh tràng nhạc (瘰癧)
nên vội vã từ lưu vực sông Menam quay trở về, tháng Năm năm đó chết trên đường ở
Thaton, được 46 tuổi.[22]
Ông
tại vị 8 năm, tuy tính tình nóng nảy nhưng hùng tài đại lược, cố gắng lo việc
trị nước, đề xướng việc nam nữ bình đẳng, đả phá việc phân chia giai cấp trong
xã hội, dùng người dựa theo tài năng, dù cho con vua hay con người nông dân
cũng đều được đưa vào chùa chiền dạy dỗ. Aungzeya cùng với thuỷ tổ vương triều
Bồ Cam (蒲甘) là A Nô Luật Đà (阿奴律陀), thuỷ tổ vương triều Đông Hu (東吁) là Mãng Thuỵ Thể (莽瑞體) được gọi là Ba Vị Vua Anh Minh của Miến Điện.
Con trai trưởng của Aungzeya là
Naungdaw-gyi (嫩道極)
[1760-1763] khi ấy lưu thủ Mộc Sơ, tức là Mãng Kỷ Giác (莽紀覺) [còn gọi là Mạnh Lạc (孟洛) hay Mộng Não (懵惱)] lên kế vị. Theo truyền thuyết của người Miến
khi Mộng Não mới sinh ra, trong bọc có giòi, người Miến gọi con giòi là “não”
nên mới có tên đó. Naungdaw-gyi ý nghĩa gốc là người anh cả trong vương thất
(The Royal Elder Brother).
Khi con trai thứ của Aungzeya là Mộng Bác (懵駁) hộ tống linh cữu quay trở lại Miến Điện
thì quân Miến chinh thảo nay do tướng Minhkaungnawrahta (敏康瑙拉塔) chỉ huy, y vốn không hoà thuận với Naungdaw-gyi
nên thừa cơ tấn công chiếm lấy A Ngoã. Naungdaw-gyi sai Mộng Bác đến đánh, vây
7 tháng, Minhkaungnawrahta nhân đêm tối hoá trang đào tẩu nhưng bị bắt trong rừng
sâu đem về xử tử.[23]
Naungdaw-gyi chuyển thủ đô từ Mộc Sơ sang
Thạch Giai (石階) tức Sagaing (薩根), sử gia Miến Điện vì thế gọi Naungdaw-gyi là
Sagaing Min (石階明). Năm Càn Long 28 (1763), Naungdaw-gyi chết[24]
em trai là Myedu (Mộng Bác 懵駁) [1763-1776] kế vị, xưng là Bạch Tượng Vương
(Sinbyushin). Theo truyền thuyết của người Miến, khi Myedu mới sinh ra thì
trong bọc có kiến, người Miến gọi kiến là “bác” [駁] cho nên có tên là Mộng Bác. Quan viên văn võ
nhà Thanh ở địa phương lúc đầu gọi Miến vương là Mãnh Độc (猛毒), về sau theo người Bãi Di bẩm báo nên mới gọi
là Mộng Bác.
Myedu là người tinh minh có khả năng nhất
trong 6 anh em, lại trưởng thành trong chinh chiến, khi Aungzeya còn tại thế,
ông theo phụ vương đông chinh tây thảo, vì thế Myedu không những kế thừa ngôi
vua mà còn kế thừa cả hùng tâm của Aungzeya nữa. Trước hết ông thiên di quốc đô
trở về Mộc Sơ sau lại chuyển trở về A Ngoã.
Tháng Hai năm Càn Long 33, binh đinh Quí
Châu là bọn Dương Thanh (楊清)
bị bắt đến A Ngoã chạy được về cung xưng là Myedu “mặc áo vải trắng, đầu cũng
quấn khăn trắng, tuổi độ ngoài ba mươi, mặt mũi đen gầy, để một chòm râu cằm”
“thành A Ngoã chu vi độ ba, bốn dặm, bên trong thành có luỹ bằng gỗ, bên trong
luỹ lại có thành bằng gạch, nghe tin đại binh tiến đánh, ở bên ngoài thành ba mặt
đông, tây, nam xây thêm thành gạch, dài chừng bảy, tám dặm, trong thành buôn
bán đều dùng đồ sứ Âu châu, vải Âu châu các món”. Binh đinh Viên Khôn (袁坤) khai rằng [281] “A
Ngoã là thành gạch hai lớp, bên trong ước chừng bảy, tám dặm, thành ngoài ước
chừng trên mười dặm, trong thành có khoảng hơn nghìn gia đình, dựng nhà ở bằng
tre, Miến vương thì ở nhà gạch, bốn góc có bốn toà tháp, cao hai trượng bốn,
năm thước. Trên phố mua bán có các loại thuốc hút bằng lá, muối nhưng không náo
nhiệt bằng châu huyện ở nội địa.” “Trong thành buổi chiều dùng dây xích sắt chắn
đường, không cho người đi lại, nếu có ai dỡ xích sẽ coi là kẻ gian bị bắt ngay.”
“Lương gạo mỗi thúng giá 6 tiền, mỗi thúng ước chừng 3 đấu, đồng và bạc chỉ chừng
năm thành, củi mỗi trăm cân đổi được 20 lượng thiếc, đồng trộn bạc mỗi cân đổi
được 5 lượng 3 tiền thiếc. Người Miến ăn cá nhiều, mỗi cân cá đổi một cân thiếc.
Bình thường người Miến không giết vật còn sống, heo dê gà vịt đều đợi khi chết
mới ăn. Họ nấu cơm thường dùng nồi sắt, nấu chín rồi để trên mâm gỗ, ăn bốc bằng
tay.”[25]
Tuy thời đại Aungzeya đã hoàn thành công việc
thống nhất Miến Điện nhưng chưa xác định được rõ ràng biên giới giữa Trung Hoa
và Miến Điện. Các thổ ti ở miền bắc Miến Điện như Đàn Bang (撣邦), Lạc Trác (落卓)
vì sợ sức mạnh quân sự của Aungzeya nên lúc đầu qui thuận Miến Điện, chỉ có Mộc
Bang, Quí Gia thì trước hàng sau phản. Khi Myedu kế vị rồi liền cùng các thổ ti
Đàn Bang chinh chiến không dứt. Từ đời nhà Minh, Trung Hoa thiết lập Tuyên Uý
Ti (宣慰司) ở các xứ Miến Điện, Mạnh Dưỡng, Mộc Bang
còn Man Mộ (蠻暮), Mãnh Mật (猛密) thì thiết lập Tuyên Phủ Ti (宣撫司). Các thổ ti này chống lẫn nhau, đều thừa nhận
Trung Hoa là nước tông chủ nhưng nhà Minh chỉ có hình thức chứ không đủ sức để
thi hành.
Khi vương triều Đông Hu (東吁) cai trị Miến Điện, các thổ ti tuy có nạp cống
nhưng là tình trạng bán độc lập. Sau khi người Mãn Châu nhập quan, những thổ ti
bên ngoài Vân Nam họ thi hành chính sách “dĩ di trị di”, không muốn gây phiền
toái thành ra các thổ ti vùng biên giới đối với Trung Hoa và Miến Điện có chung
một thái độ là một cổ hai tròng. Vua A Ngoã Mahadammayaza Dipati (Mã Cáp Đạt Mã
Nhã Tát – Đệ Bạch Đế 瑪哈達馬雅薩第帕蒂)
bị vua Đắc Lăng Binya Dala (Tân Nhã Đạt Lạp賓雅達拉)
bắt rồi, con trai là Sắc Kháng Thuỵ Đống (色亢瑞凍)
dẫn vợ con và tăng lữ hơn 80 người chạy sang tị nạn ở Mộc Bang. Theo như thổ
tri châu Trấn Khang là Điêu Muộn Đỉnh (刁悶鼎)
bẩm xưng thì “con trưởng của Miến vương vì bị Quỉ Gia thù giết, không còn đường
nào chạy nên dẫn đầu mục tạm trú ở Man Lộng thuộc Mộc Bang.”[26]
Tháng Sáu năm Càn Long 20 (1755), Aungzeya
sai quân đến Mộc Bang truy đuổi, ngày 11 tháng Mười, Sắc Kháng Thuỵ Đống chạy về
Mãnh Mão (猛卯). Thự Vân Quí tổng đốc Ái Tất Đạt (愛必達) hịch dụ thổ ti Mạnh Mão đuổi Sắc Kháng Thuỵ Đống
ra khỏi biên cảnh.
Tháng Sáu năm Càn Long 21 (1756), Sắc Kháng
Thuỵ Đống vượt sông Cổn Lộng (滾弄)
sang Mãnh Phóng (猛放)
rồi sau không biết ra thế nào.
Tháng Hai năm Càn Long 23 (1758), Aungzeya
công hãm các phên giậu của các thổ ti Mộc Bang, Cảnh Mã, Mạnh Định, Trấn Khang
nhưng bị đẩy lui. Đến như Quí Gia khai thác mỏ bạc ở Ba Lung (波籠) bên cạnh xưởng Mậu Long cũng vì lợi hại mà xung
đột với nhau, hai bên nước lửa không đằng nào chịu đằng nào. Trong thời vương
triều Đông Hu, hàng năm Quí Gia tiến cống chưa bao giờ gián đoạn, đến khi Aungzeya
tự lập, Quí Gia không thể đến được, Mộc Bang bị mất, Aungzeya sai người đến đòi
đóng thuế, đầu mục Quí Gia là Cung Lý Nhạn (宮裏雁)
liên lạc với Kết Ta (結些)
tụ tập phu mỏ đánh cướp thành Mộc Sơ. Khi đó em họ vua A [282]
Ngoã là Chiêm Đoá Mãng (占朶莽)
đang tị nạn ở Cảnh Mại (景邁)
[còn gọi là Thanh Mại], Cung Lý Nhạn cũng đến ứng viện.
Tháng Chạp năm đó, Cung Lý Nhạn, Chiêm Đoá
Mãng và em của thổ ti Mộc Bang là Hãn Ngu (罕愚)
liên hợp cướp phá Lạc Trác, Lạc Trác đại bại nên dẫn Aungzeya đánh giết Quí Gia
và Mộc Bang để báo thù.
Tháng Ba năm Càn Long 24 (1759), Mộc Bang bị
vây hãm, quân của Aungzeya vào chiếm được Mộc Bang, thổ ti Hãn Mãng Để (罕莽底) chạy đến Mãng Cát (莽噶) thì qua đời.[27]
Aungzeya lập em là Hãn Hắc (罕黑)
làm thổ ti Mộc Bang, dân chúng Mộc Bang chạy tứ tán sang tị nạn ở biên cảnh Vân
Nam, Cung Lý Nhạn cũng đem hơn 2000 xưởng luyện chạy qua sông Cổn Lộng.
Năm Càn Long 25 (1760), Aungzeya chết, Nộn
Đạo Cực (嫩道極) kế vị, cùng các thổ binh liên kết như cũ.
Tháng Giêng năm Càn Long 27 (1762), Cung Lý Nhạn bị truy sát thế cùng, chạy qua
các nơi Mạnh Cấn, Cảnh Mã, Mãnh Định. Tháng Năm năm đó, chạy đến đất Mãnh Doãn
thuộc về Mạnh Liên nhưng bị đầu mục Mãnh Doãn đuổi đi, Cung Lý Nhạn phải xin nội
phụ [thuộc về Trung Hoa].
Thổ ti Mạnh Liên là Đao Phái Xuân (刀派春) sang Mãnh Doãn thu hết binh khí, lấy hết tiền bạc
rồi chia dân chúng ra ở các trại. Tổng đốc Vân Quí Ngô Đạt Thiện ra lệnh cho
Cung Lý Nhạn đưa thê thiếp 6 người đến xưởng Thạch Ngưu(石廠), Đao Phái Xuân cho vợ Cung Lý Nhạn là Nang
Chiêm (囊占) và đàn ông đàn bà hơn 1000 người ở thành
Mạnh Liên, lại xin Nang Chiêm cho bò ngựa để đút lót cho Ngô Đạt Thiện, Nang
Chiêm tức giận nên đêm 14 tháng Năm nhuận tụ tập đồng bọn phóng hoả cướp thành
Mạnh Liên, giết chết gia quyến Đao Phái Xuân 26 người, lại giết thêm 63 người đến
cứu viện rồi dẫn người chạy sang các xứ Mãnh Dưỡng, Tạp Ngoã nhưng bị anh họ của
Đao Phái Xuân là Đao Phái Anh (刀派英)
đánh bại.
Ngô Đạt Thiện tâu lên “thổ ti Mạnh Liên tàn
sát các tù trưởng khiến cho cướp bóc nổi lên đốt phá, vốn không phải là ngoại
di tự tiện vào trong biên cương cướp của giết người mà vì Cung Lý Nhạn ở Miến
Điện gây hấn nhiều năm nay còn lại nguồn độc ở Mạnh Liên, tên tù trưởng này nếu
không trừ đi e sẽ gây chuyện lớn”.
Lễ Thân Vương Chiêu Liên (禮親王昭槤) tâu “tổng đốc Ngô Đạt Thiện đòi yên thất bảo, ấy
là do thái giám Vương Khôn (王坤)
đời Minh ăn trộm từ nội khố ở Bắc Kinh, Cung Lý Nhạn nói là đây là vật truyền từ
tổ tông nên tiếc không chịu cho”. Vì thế Ngô Đạt Thiện căm thù Cung Lý Nhạn nên
sai trấn thủ Vĩnh Thuận đốc sức thổ ti nhanh chóng bắt giữ.
Ngày mồng 6 tháng Bảy, tri phủ Vĩnh Xương
là Dương Trọng Cốc (楊重榖)
gửi hịch dụ cho thổ ti Cảnh Mã là Đái Luyện (帶練) đến xưởng Thạch Ngưu dụ bắt Cung Lý Nhạn giải đến
Cảnh Mã, vợ y là Nang Chiêm quay lại đầu hàng Miến Điện, cải giá với Mộng Bác.
Ngày 18 tháng Mười, Cung Lý Nhạn bị giết,
các tì thiếp được chia cho các công thần. Khi đó bố chính sứ Vân Nam là Diêu
Vĩnh Thái (姚永泰) đã chỉ ra việc Ngô Đạt Thiện thay kẻ địch
báo thù là việc không khôn ngoan “biến cố Mạnh Liên, [Cung Lý] Nhạn không có
trí, huống chi vợ chồng không thuận hoà, chia ra sống ở hai nơi, nay Nhạn vốn
là nỗi lo của tù trưởng Miến Điện, vậy sao lại thay kẻ địch giết y làm gì”.
Cảnh Mã tuy là thổ ti nội địa nhưng đồng thời
cũng nộp thuế ở Miến Điện hàng năm, đến kỳ biện tống Miến vương hàng hoá lễ vật.
Thổ ti Mộc Bang là Hãn Mãng Để lén chạy trốn rồi, đường đệ (em họ) Hãn Hắc lập
tức phản anh ra hàng Miến vương Nộn Đạo Cực, sau khi Cung Lý Nhạn bị giết, Hãn
Hắc cấu kết với Miến Điện quấy nhiễu các thổ ti vùng Cảnh Mã, đòi hỏi cống vật
khiến cho Trung Hoa và Miến Điện chia rời. Tổng đốc Ngô Đạt Thiện và tuần phủ Lưu
Tảo (劉藻) cùng nhau gửi triệp về việc đòi thuế như
sau:
[283] Năm Càn Long 27, Hãn Mãng Để thua trận chạy trốn, đường đệ là Hãn Hắc
lập tức phản bội anh ra hàng Mộc Sơ nhưng không đem đầu mục đến Mộc Bang để tìm
bắt Hãn Mãng Để, lại cũng đòi hỏi cống vật vùng Cảnh Mã, Hãn Hắc lại cấu kết với
các đầu mục Phổ Lạp Bố (普拉布)
đến Cảnh Mã cướp đoạt, lại tập hợp người di đến hơn 2000 người vào ngày 12, 14
tháng Một trước sau vượt sông đột nhập biên giới Mạnh Định, đánh tiếng là đến
đòi cống vật của Cảnh Mã, mượn đường của Hãn Đại Hưng (罕大興), Hãn Đại Hưng không hết sức
ngăn chặn, cũng không báo cho Cảnh Mã biết, đồng thời đầu mục thổ luyện dưới
quyền nghe tin chạy trốn, không biết làm cách nào nên bị Phổ Lạp Bố thúc quân
vây bắt, lại sợ bị chặn đường về, dặn trói đem lại, đến ngày 20 áp giải đến Cảnh
Mã thấy nơi đây bao nhiêu nhà cửa đã bị cướp đốt sạch.
Ngày 27, bọn giặc người di trở về Mạnh Định,
nhân vì nỗi hận mượn đường không được chấp thuận nên đem cha con Hãn Đại Hưng
áp giải đưa qua sông đòi tiền hối lộ. Thổ ti Hãn Quốc Khải (罕國楷) ở Mạnh Liên nghe tin nên trở về Cảnh Mã, truyền
cho sa đinh xưởng Thạch Ngưu được biết, rồi tập trung thổ luyện sai xá mục Hãn
Triều Ky (罕朝璣) thống lãnh đuổi theo tiễu trừ. Ngày mồng
8 tháng Chạp năm ấy, hội hợp tại cửa sông Cổn Lộng chém đầu tù trưởng Phổ Lạp Bố
cả bọn năm người, giết bọn tặc di hơn 100 người, số còn lại trốn theo cùng với Hãn
Hắc. Hãn Đại Hưng khi đó đang ở trong dinh giặc kêu cứu, có bọn sa đinh Lưu Huy
Nhược (劉輝若) nghe thấy, đem cha con y cứu thoát giao
cho Hãn Triều Ky đưa về. Ngày 12, bọn Hãn Triều Ky lại bị tù trưởng Hồ Lô đánh
bại, bọn tặc di chạy về bị chém hơn 100 người, còn lại vượt sông chạy trốn.[28]
Ngô Đạt Thiện cho rằng bọn tuỳ tòng của thổ
ti Mạnh Định là Hãn Đại Hưng cướp phá đốt nhà hẳn có thông đồng cấu kết xấu xa,
theo lời khai của Hãn Đại Hưng “tuy rất thân với Hãn Hắc nhưng chưa từng gặp mặt,
Phổ Lạp Bố cũng không biết, quả thực vì bọn giặc đột ngột đến nơi, người ít đất
hẹp, sức không chống nổi nên không thông tri cho Cảnh Mã được, trong lúc cấp
bách, lòng dạ hoảng hốt mà ra”.
Ngô Đạt Thiện cũng thấy Hãn Đại Hưng “giữ
chức thổ ti biết rõ ngoại di chém giết nhau nhiều năm, biên giới không an ninh
mà bình thời không luyện tập phòng thủ, đến lúc gặp chuyện thì nhát sợ vô năng,
không biết cùng chung quanh hiệp lực để đến tặc di tự tiện vào cướp bóc, tuy
kiên quyết khai là không thông đồng nhưng biết mà lơ đi, tội không tha được”.
Vì thế đưa Hãn Đại Hưng và người nhà di chuyển vào an tháp ở tỉnh thành Giang
Ninh.
Mùa đông năm Càn Long 27, thổ ti Xa Lý Đao
Thiệu Văn (刀紹文) cũng bẩm xưng là Mãng Kỷ Giác sai người đến
lôi kéo các thổ ti thuộc Xa Lý. Tháng Một năm Càn Long 28 (1763) lại suất lãnh
hơn 300 người đến Mãnh Già (猛遮),
Mãnh Lung (猛籠) dụ dỗ các thổ biền, ngày 29 tháng Chạp, lại
quấy nhiễu ải Đả Chu (打舟).
Vì các người đứng đầu ở Mộc Sơ tập hợp các nhóm Bãi Di, nhân số đông đảo khiến
cho các thổ luyện thương vong quá nửa, các nhà tranh đều bị đốt sạch.
Từ châu Đằng Việt (騰越) phía tây bắc xuống đông nam tới Thuận Ninh (順寧) nơi sông Cổn Lộng là đất tiếp giáp với Miến Điện,
chiều ngang hơn 1000 dặm, núi sông quanh co, đường sá [284]
rậm rạp, nơi đâu cũng có thể vào ra được nên tuy dọc theo biên giới có
“thất quan bát ải” [bảy cửa, tám ải] nhưng thực tế thì sườn núi, hang động liên
tiếp khắp nơi, không thể nào canh chừng cho hết được.
Người Miến Điện và người Bãi Di (nội thuộc
Trung Hoa) hình dáng tương tự mà người Bãi Di và người Hán ở dọc biên giới sống
lẫn lộn với nhau, những sản vật của Miến Điện ít tiền như cá, muối, bông vải,
trâu bò, đắt tiền thì như ngọc bích hà, phí thuý, ngọc xanh, người Hán người di
qua lại buôn bán, việc thương mại giữa Trung Hoa và Miến Điện thường vì thế mà
đưa đến tranh chấp. Tác giả người Anh G. E. Harvey (哈威) đưa ra nguyên nhân quân Thanh sang đánh Miến Điện
như sau:
Một người Trung Hoa tại Cảnh Đống (景凍) vì việc cho mượn tiền mà gây ra tranh chấp với
người Miến khiến cho bị giết chết. Quan lại Miến Điện ở nơi đó nguyện ý lấy tiền
đền mạng, thậm chí đã nói tới chuyện bắt hung thủ đem ra chém đầu nhưng không
chịu giao phạm nhân ra mà người Trung Hoa thì nhất định phải đòi cho được hung
thủ. Việc nhỏ này không đến nỗi gây ra chiến tranh nhưng có điều người Miến Điện
không có chế độ gửi người sang giao thiệp nên việc không thể giải quyết một
cách hoà bình, còn hoàng đế Trung Hoa khi ấy lại là người rất thích có những võ
công lớn.[29]
Sử gia Tây phương Harold C. Hinton (興頓) thì coi nguyên nhân xung đột Trung – Miến là do
thương nhân người Miến Điện bị ngược đãi ở Trung Hoa và người Miến sang cướp
bóc vùng biên cảnh Vân Nam.[30]
Lẽ dĩ nhiên vua Cao Tông nhà Thanh không chỉ vì một mạng dân đen mà hưng sư vấn
tội, mà nguyên nhân chính yếu là vì Miến Điện nhiều năm quấy nhiễu biên giới
Vân Nam. Người Tây phương D. G. E. Hall (赫爾)
cũng đưa ra là sau khi người Miến Điện đánh bại Thanh Mại (Chieng Mai 清邁) và Nam Chưởng thì ở vùng biên cảnh Vân Nam có rất
đông những bộ lạc người Đản (撣人) gây
chuyện rắc rối khiến cho Trung Hoa không thể không can thiệp.
Năm Càn Long 23 (1758), Aungzeya đem đại
quân đánh Quí Gia (貴家),
thế lực tàn dư chạy trốn sang sống ở một dải Mãnh Mật (Mong Mit), Mộc Bang
(Hsebwi), Mãnh Liên (Mengllien), thỉnh thoảng lại tập kích biên cảnh Vân Nam,
triều đình Trung Hoa ngờ rằng họ bị Miến Điện xúi giục.
Năm Càn Long 24 (1759), quân Miến Điện tấn
công Nam Chưởng phải đi qua lãnh thổ của thổ ti Cảnh Đống. Khi đó Cảnh Đống là
kẻ thù của thổ ti Khánh Hàng (Kenghung 慶杭)
thuộc về Trung Hoa nên Miến Điện sai người đến thu thuế các thổ ti ở hai bên bờ
sông Tát Nhĩ Ôn (薩爾溫)
mà các thổ ti này tự nhận là thuộc địa của Trung Hoa nên kêu gọi quan lại nhà
Thanh ở Vân Nam bảo hộ. Do những sự kiện nêu trên, chiến tranh giữa Miến Điện
và Trung Hoa không thể tránh được.[31]
[285] CHƯƠNG 3
Chiến dịch chinh Miến lần đầu của Lưu Tảo (劉藻)
Trong thời kỳ Thanh Cao Tông tại vị ông bốn
lần đem quân đánh Miến Điện. Chiến dịch thứ nhất phát sinh trong giai đoạn Lưu
Tảo đang tại chức.
Năm Càn Long 27 (1762), tổng đốc Vân Quí
Ngô Đạt Thiện đề phòng người Miến quấy nhiễu biên giới Vân Nam nên từng gửi hịch
điều động 500 binh đề tiêu (quân dưới quyền đề đốc là chức võ quan cao cấp nhất
của tỉnh), sai tổng binh trấn Vĩnh Thuận (永順)
là Điền Doãn Trung (田允中)
chia ra phòng thủ các cửa ải trọng yếu, lại sức cho các thổ ti Mạnh Định, Cảnh
Mã, Trấn Khang và các xưởng Mậu Long, Thạch Ngưu Tử phái thổ luyện, sa đinh
chia ra phòng vệ các bến bãi.
Tháng Chạp năm đó, Miến Điện sai người đốt
phá, cướp bóc Cảnh Mã và xưởng Mậu Long, Ngô Đạt Thiện dụ lệnh thổ ti Mạnh
Liên, xưởng trưởng Thạch Ngưu Tử là Chu Đức Huệ (周德惠) đem sa đinh hiệp đồng các thổ luyện đuổi bắt
người Miến rồi đóng lại phòng thủ ở bờ sông Cổn Lộng.
Tháng Hai năm Càn Long 28 (1763), phó tướng
Lưu Đức Thành (劉德成),
hiệp Duy Tây được điều động làm tổng binh trấn Phổ Nhĩ. Ngày 25 tháng Một năm
đó, Chu Đức Huệ dò thám biết được người Miến quấy nhiễu bờ sông Cổn Lộng nên muốn
vượt sông nhưng lại nghe thủ lãnh người Miến võ nghệ cao cường nên ước thỉnh võ
cử nhân Quí Châu là La Thừa Đức (羅承德)
hợp lực với đầu đảng thổ luyện Lý Thụ Thái (李樹泰)
đem bọn sa đinh 6 người Lưu Thuận (劉順)
vào ngày 26 tháng Một sang sông Cổn Lộng, ngày 29 thừa thắng đuổi theo đến trại
Mãnh Bá (猛 簸)
thuộc Mộc Bang. Ngô Đạt Thiện sợ việc dây dưa nên gửi triệp tâu lên là Chu Đức
Huệ “tham công cấp thiết, thấy mùa đông bọn
giặc chạy xa, không lập được công trạng gì nên nẩy ra ý định bắt đầu mục ngoại
di, giả trang là phản tặc, mạo công mong được thưởng”. Việc qua Tam Pháp Ti
bàn luận tâu lên rồi phụng chỉ theo đó mà xử trảm, La Thừa Đức giam lại chờ sau
mùa thu sẽ hành quyết. Lễ Thân Vương Chiêu Liên chỉ ra rằng Ngô Đạt Thiện nuôi
ong tay áo (養癰貽患):
Cảnh Mã thuộc Miến vốn có thu thuế hàng
năm, đầu mục Miến Điện Phổ Lạp Bố đem quân đến đòi, tràn qua Mãnh Định, bắt thổ
ti Hãn Đại Hưng, binh đến xưởng Mậu Long. Điền Doãn Trung trấn Vĩnh Thuận điều
động các doanh lân cận tiến tiễu, Ngô Đạt Thiện sợ rằng việc điều binh làm bại
lộ những việc cũ nên phi hịch cho Điền trấn trách họ khinh suất rồi lui quân về.
Thổ ti Cảnh Mã Hãn Quốc Khải suất binh chống quân Miến ở xưởng Thạch Ngưu Tử,
xưởng uỷ cho Chu Đức Hội sung vào trung quân, phát xuất xưởng luyện từ sông Cổn
Lộng chặn đường về của quân Miến, đánh giết được Phổ Lạp Bố. Ngô Đạt Thiện để
Chu Đức Hội mua công khiến người Miến coi thường Trung Quốc.[32]
Ngô Đạt Thiện được đổi sang làm tổng đốc Hồ
Quảng, tháng Sáu năm Càn Long 29 (1764), tuần phủ thực thụ Vân Nam là Lưu Tảo
lên làm tổng đốc Vân Quí. Nguyên bên ngoài Vân Quí vốn là nơi người Miến Điện
ra vào không chừng, Lưu Tảo nhiều lần ra lệnh cho văn võ thuộc quyền sức cho
các thổ ti tăng gia phòng thủ, lại điều động thổ luyện phòng bị sông ở hai phủ
Vĩnh Xương, Thuận Ninh.
Phủ Phổ Nhĩ thuộc thổ ti sông Cửu [286] Long tức trước đây là Xa Lý, năm Khang Hi 20, thổ
ti Đao Mạnh Thao (刀孟挑)
bắt đầu xin qui phụ nhập vào Vân Nam được làm tuyên uý ti, trông coi các hạt Phổ
Đằng (普騰), Lục Khốn (六困), Chỉnh Đổng (整董), Mãnh Vượng (猛旺), Ô Đắc (烏得),
Mãnh Ô (猛烏), Mãnh Liệp (猛獵), Mãnh A (猛阿),
Mãnh Già (猛遮), Ỷ Bang (倚邦), Dịch Võ (易武),
Mãnh Lung (猛籠) tất cả 12 thổ ti, thêm tuyên uý ti Xa Lý
bao gồm 13 bản nạp. Sở dĩ gọi là bản nạp, tục xưng là Mãnh, dịch nghĩa là địa
khu.
Sau khi Aungzeya thống nhất Miến Điện, người
Miến nhiều lần đến thập tam bản nạp đòi hỏi tài vật, “nếu có ăn thì đi, nếu
không thì cướp phá thổ trại”.[33]
Thổ ti Mạnh Cấn là Mãnh Mạnh Dung và em là Chiêu Mãnh không đồng lòng, Chiêu
Mãnh bị đuổi đi, tị cư ở Tạp Ngoã rồi qua đời, con là Thiệu Tán mưu tính chiếm
Mạnh Cấn, dụ dỗ người Miến bắt Mạnh Dung, lại muốn truy sát con trai Mãnh Mạnh
Dung là Chiêu Bính (召丙).
Chiêu Bính chạy sang Nam Chưởng, vào sống ở Mãnh Già, Thiệu Tán lại dẫn người
Miến đến quấy phá.
Tháng Chín năm Càn Long 29 (1764), thổ ti
Chỉnh Mại (整賣) thuộc Miến Điện không chịu nộp tiền
lương, Miến Điện đưa 800 người đến bình định, trong đó 500 người tấn công Nam
Chưởng còn 300 người theo đường Bá Định Trả (播定鮓) sang đánh Chỉnh Khống (整控), Chỉnh Khiêm (整謙) 8 trại. Đầu mục Chỉnh Khống là A Ôn Ba (阿温波) nửa đêm bị uy hiếp nên phải theo.
Ngày 25, 26 tháng Tư năm Càn Long 30 (1765),
400 người Miến do Tố Lãnh Tán Soạn (素領散撰),
Bá Định Trả theo đường Mãnh Tân (猛辛)
chia hai đường tiến vào sông Cửu Long, Mãnh Bổng (猛捧), Mãnh Liệp, Mãnh Ô, Ô Đắc các nơi hạch sách tiền
gạo, cướp bóc người di, lại bắt được hai cha con người Bãi Di Lạp Trả Chuẩn (拉鮓准), Trát Nãi Chiêm (札乃占) là người do thổ ti Xa Lý sai đến thám thính Miến
Điện trước đây, ép phải dẫn đường đến cướp vùng Ma Long (磨龍).
Tổng binh trấn Phổ Nhĩ là Lưu Đức Thành được
tuyên uý ti Xa Lý Đao Thiệu Văn, Mãnh Lạp thổ biền Chiêu Văn bẩm báo liền sức
cho Đao Thiệu Văn và thổ biền Lục Khốn để điều động dũng luyện đến chế ngự, tổng
đốc Vân Quí Lưu Tảo đích thân đến đóng ở Tư Mao (思茅), lại ra lệnh cho tri phủ Trấn Nguyên (鎭沅) Cung Sĩ Mô (龔士模)
gần đó đến Phổ Nhĩ hiệp đồng tổng binh Lưu Đức Thành lo liệu.
Ngày 17 tháng Sáu, theo lời bẩm báo của trấn
phủ Phổ Nhĩ thì người Miến ở Mãnh Liệp đã rút lui. Ngày 20 tháng Sáu, thổ biền
Lục Khổn Đao Trấn (刀鎭)
bẩm báo hội hợp với Mãnh Già và Cảm Lãm Bá (橄欖壩)
hiệp tiễu, xâm nhập Xa Lý của người Miến rồi theo đường Do Mãnh rút về. Thổ biền
Mãnh Vượng là Thiệu Mãnh Nam (召猛楠)
cũng bẩm là Mãnh Ô thuộc người Miến cũng theo Mãnh Liệp chuyển sang Chỉnh
Khiêm.
Thế nhưng ngày mồng 5 tháng Bảy, thổ biền
là Thiệu Văn (召文) lại bẩm báo rằng người Miến Chỉnh Khiêm
hơn 300 người đã do đường Mãnh Bổng lẻn vào Mãnh Liệp, Lưu Tảo liền phái hơn
300 người mục luyện Cảm Lãm Bá do thổ biền Lục Khổn Đao Tiền (刀 銑)
là em của Đao Trấn đốc suất, lại đưa 300 thổ luyện Mãnh Già cùng chung tiễu trừ,
lại điều động thổ biền Dị Võ là Ngũ Triều Nguyên (五朝元) đưa 100 thổ luyện đến phòng giữ ải khẩu Man Đốn
(蠻頓), ra lệnh cho thổ biện Chỉnh Đổng là Thiệu
Âm thống lãnh 100 thổ luyện Mãnh Ô, Ô Đắc nghiêm thủ hai ải Mãnh Tung (猛嵩), Mãnh Nuỵ (猛矮).
Lại cũng sai đầu mục Mãnh Ban thuộc phủ Trấn Nguyên là Chu Thông (周通) đem thổ luyện canh giữ đọc đường.
Ngày 28 tháng Bảy, khi thổ luyện đến Mãnh
Liệp, người Miến lúc ấy đã rời đi rồi, thổ luyện theo đường Tạp Cảo Trại (卡稿寨), Lung Cáp (籠哈),
Bổ Quá (補過) đuổi theo bắt được A Ôn Ba Bán (阿溫波半), Trát Nãi Chiêm (札乃占) năm người, do Tam Pháp Ti nghị tấu đều bị xử trảm
bêu đầu.
Khi đó chướng lệ đang mạnh, người Miến sau
khi cướp bóc các thổ ti rồi liền rút đi, Lưu Tảo liền tâu lên rằng người Miến nghe
tiếng đã chạy trốn ra ngoài thành.
[287] Đầu mùa đông năm Càn Long 30, chướng khí tạm thời tiêu giảm, người Miến
lại quay lại xâm phạm mạnh. Ngày 25 tháng Mười, vài nghìn người Miến lẻn vào
Mãnh Bổng, đốt cướp Mãnh Liệp, thanh thế rất ác liệt. Đến trung tuần tháng Một,
người Miến theo đường Mãnh Liệp lẻn vào các nơi Tiểu Mãnh Luân (小猛崙), Bổ Giác (補角),
Bổ Long (補龍), đến đâu cướp đốt, những thổ luyện trước
đây đưa đến không chống nổi.
Lưu Tảo khi đó phi sức cho tổng binh trấn
Phổ Nhĩ Lưu Đức Thành và thự tri phủ Phổ Nhĩ là Đạt Thành A (達成阿) điều động thêm các thổ luyện thuộc hai phủ
Nguyên Giang, Lâm An đến tiếp viện. Người Miến lại lẻn vào thổ ti Dịch Võ, tiến
đến gần Tư Mao thuộc nội địa. Đề đốc Vân Nam Đạt Khải (達啟) chuyển xuống ở tại phủ thành Phổ Nhĩ nhưng vì đất
rộng, ải khẩu rất nhiều, thổ luyện các xứ không đánh mà tan.
Còn binh lính giữ trong thành Phổ Nhĩ không
được bao nhiêu, Lưu Tảo lập tức điều bát hai tiêu đốc phủ và doanh binh giữ
thành tổng cộng tất cả được 600 người, ra lệnh cho tham tướng Hà Quỳnh Chiếu (何瓊詔) đem số quân này chạy đến đặt dưới quyền điều
khiển của Phổ Nhĩ. Lại điều thêm binh sĩ hiệp doanh các trấn Lâm Nguyên, Khúc Tầm,
Sở Diêu hơn 2000 người lần lượt khởi trình, đích thân Lưu Tảo ngày 28 tháng Một
cũng đi đến Phổ Nhĩ để đốc suất quan binh, hội đồng với đề đốc chia đường tiến
tiễu. Tính ra trước sau, các trấn ở Vân Nam đã điều động doanh binh cả thảy hơn
7,600 người, sa luyện hơn 1000 người.
Khi đó, đầu mục chỉ huy của Miến Điện gồm
có hai người, một người tên là Tố Lãnh Tán Soạn (素領散撰), một người tên là Tố Lăng Tán Đảng (素楞散黨). Cả hai đều có tượng binh mang theo súng lớn,
binh khí đóng ở Cảm Lãm Bá, Chỉnh Khống, Tiểu Mãnh Luân các nơi hơn 10 toà tráp
doanh (箚營).
Ngày mồng 1 tháng Chạp, Miến binh đến Mãnh
Lung tấn công chú của thổ bả tổng Thiệu Thiên Mãnh là Thiệu Đức áp giải về quân
doanh Miến Điện, lại rao truyền là 13 bản nạp là đất thuộc Miến Điện nên đến lấy
lại.
Ngày mồng 6 tháng Chạp, Lưu Tảo đến phủ Phổ
Nhĩ cùng Đạt Khải bàn tính chia ra bốn đường tiến đánh, trong đó 3 đường theo
Phổ Đằng chia ra đánh vào Cảm Lãm Bá, Dịch Tỉ, Tán Đại (撒袋), và bến sông Chỉnh Cáp (整哈), còn một đường do núi Kỳ Mộc tấn công, sau đó sẽ
gặp nhau ở Mãnh Liệp, các lộ đại binh do tổng binh Lưu Đức Thành thống lãnh.
Tháng đó, Thanh Cao Tông ban dụ cho quân Miến
như sau:
Tính dã man khó huấn luyện cho nên quấy nhiễu
biên cảnh, không thể không trừng trị, không chỉ để cảnh cáo bọn hung dữ, cứng đầu
mà còn vươn dài phép nước. Bọn Lưu Tảo vì thế nên đã điều binh tiến tiễu, ắt sẽ
hết sức đuổi bắt, xông tới sào huyệt để cho cả cành cả rễ đều dứt, biên kiếu sạch
trong, sợ rằng Lưu Tảo kiến thức thư sinh, có ý nương tay nên không đuổi theo
ra khỏi biên cảnh để bọn kia sợ uy trốn chạy, tưởng việc thế là xong. Có biết
đâu phỉ đồ tối tăm ngoan cố không linh, thừa cơ sinh sự, coi thế là thường.
Trước đây A Ôn Ba Bán (阿溫波半), Trát Nãi Chiêm (扎乃占) chưa nếm mùi trừng trị nặng tay, qua đến nửa
năm thì thói ác không chừa, lại mấy lần xâm phạm biên giới, tội ấy không thể
tha được. Lần này nếu còn khoan dung thì không bảo đảm rằng không tái phạm, để
ung nhọt sẽ có hoạ về sau, nên không thể không trừng trị đích đáng.[34]
Lưu Tảo tuy điều động rầm rộ, nhưng vì binh
luyện chưa tập hợp đủ, một cánh quân Miến từ núi A Điểu Lộng Suất (阿鳥弄率) theo ải Đả Lạc (打樂) xâm nhập Mãnh Già thuộc khu thổ thiên tổng, lại
uy hiếp địa giới các vùng thổ ti Vĩnh Thuận, Mạnh Liên, Cảnh Mã. Lưu Tảo lại điều
động 500 binh sĩ đề tiêu, 400 quân doanh Thuận Vân xuống Mãnh Già, du kích Ti
Bang [288] dẫn binh đến bị quân Miến vây khốn.
Ngày 19 tháng Chạp, tổng binh Lưu Đức Thành
suất lãnh binh luyện từ Tiểu Mãnh Dưỡng chia thành hai nhánh tấn công trong đó
đường đánh vào sông Cửu Long báo là phá được một toà doanh trại, đoạt được 26
chiếc thuyền dùng để qua sông, số quân Miến bị thương và chết đuối hơn 200 người.
Ngày 20 tháng Chạp, quân Thanh tấn công Cảm
Lãm Bá, liên tiếp phá 5 toà doanh trại, lại báo rằng truy sát quân Miến hơn 200
người nhưng ngày hôm sau, tham tướng Hà Quỳnh Chiếu, du kích Minh Hạo (明浩) vượt sông Chỉnh Khống, trên đường buộc khí giới
để di hành, không phòng bị, khi đến địa phương Mãnh Vượng thì quân Miến mai phục
trong rừng tre ba ngả giáp công, quân Thanh chỉ có 600 người, đều bị đánh tan,
quân trang khí giới bị quân Miến lấy sạch, du kích Minh Hạo bị giáo đâm, tham
tướng Hà Quỳnh Chiếu, thiên tổng Tiết Sĩ Tuấn (薛士俊), ngoại uỷ Đào Quốc Hưng (陶國興) đều chết trận, chỉ có một hai trăm người chạy
được về.
Lưu Tảo thấy Tư Mao “chỉ là một đồn đất nhỏ nhưng không có binh đinh lương thực để giữ”
nên bàn bỏ Tư Mao, ngày 24 tháng Chạp rút về đóng ở phủ Phổ Nhĩ. Lưu Tảo đem việc
thua trận này đổ tội cho bọn Hà Quỳnh Chiếu là mạo muội tiến quân khinh suất,
tâu lên như sau:
Trước đây Lưu Đức Thành ra lệnh cho tham tướng Hà
Quỳnh Chiếu, du kích Minh Hạo đem 600 tỉnh binh đến sông Chỉnh Khống để phòng
Mãng phỉ lẻn vào, lại đưa 200 binh hiệp Quảng La làm hậu ứng, đợi khi tiễu trừ
xong đồn giặc một giải Cửu Long giang sẽ truy sát đến tận Mãnh Lung, Mãnh Già
các nơi, về sau mới biết hai tướng này đem quân qua sông tiền hậu giáp công
mong địch sẽ không thoát được. Hà Quỳnh Chiếu, Minh Hạo không tuân theo quân lệnh,
tham lập công to, mạo muội khinh suất tự tiện qua sông khiến cho thua trận tội do
đây cả.[35]
Thế nhưng Thanh Cao Tông căn cứ vào địa đồ
biên cảnh do Lưu Tảo tiến trình, tính toán đường dài ghi trên đó, chỉ ra Lưu Tảo
tâu lên không thực vì Cảm Lãm Bá ở trước Tiểu Mãnh Dưỡng, Mãnh Vượng ở sau, nếu
quan binh chia đường chặn giặc thì làm sao quân Miến có thể vượt Tiểu Mãnh Dưỡng
mà qua sông, lẻn đến Mãnh Vượng mai phục để tấn công đánh tan quan binh đến nỗi
Minh Hạo, Hà Quỳnh Chiếu ngộ địch bị thương, lý do không thể nào giải thích được.
Quân Miến ở vùng biên cảnh Phổ Nhĩ, đánh
bên đông, rút bên tây, đi rồi quay lại, mỗi lúc tập trung một đông, vây khốn quan
binh ở Thổ Oa Trại (土鍋寨),
tổng binh Lưu Đức Thành theo đường cửa Đại Độ tấn công, theo tin báo thì chiếm
được một toà quân doanh ở trại Thổ Oa, đánh vào ba toà quân doanh ở sông Cửu
Long, tham tướng Lưu Minh Trí (劉明智)
chia đường giáp công, mở được một toà quân doanh của người Miến ở Bạch Tháp Tự,
thổ biền Bá Tiên Bổng (叭先捧)
đem thổ luyện đuổi tới chùa Song Long, thừa thắng đoạt lại một toà thổ thành
tuyên uý.
Thế nhưng quân Miến đóng đông ở Chỉnh Cáp,
Mãnh Già, nhiều thành bên ngoài sông Chỉnh Khống chưa bình được. Tổng binh Lưu
Đức Thành, du kích Thi Thánh Học (施聖學) được
thổ mục do thám biết rằng đằng sau bờ sông Chỉnh Cáp có 4 toà doanh trại của
quân Miến, cách sông khá xa, phòng bị không chặt chẽ nên vào lúc canh hai ngày
mồng 7 tháng Giêng năm Càn Long 31, sai thổ thiên bả đem thổ luyện đem theo lưu
huỳnh, diêm tiêu, hoả pháo các món do thượng du vượt qua sông Chỉnh Cáp [289] ban đêm đánh vào doanh quân Miến, chém giết được
rất nhiều rồi chiếm giữ bến Chỉnh Cáp. Còn ở Mãnh Già quân Miến cậy hiểm cố thủ,
Mãnh Hải, Mãnh A, Mãnh Vượng vẫn do quân Miến chiếm giữ, doanh trại quân Miến
đóng dài cho đến tận bờ sông Chỉnh Khống nên quân Thanh chỉ có thể đóng quân ở
sông Cửu Long, hai bên giữ thế không bên nào hơn nhưng Lưu Tảo khoa trương là
đã toàn thắng, mấy bận báo tin đại tiệp, còn bọn Hà Quỳnh Chiếu kẻ thì đã chết
trận rồi, kẻ thì thế cùng tự tận. Việc ấy không tra xét rõ ràng, lúc đầu báo
cáo là đã tiến lên một cách sơ xuất nên tử vong, sau lại tâu lên vì không đề
phòng nên lỡ bộ, sau nữa lại bảo rằng chết khi chạy trốn về, nói chung là có tội
“tham công khinh tiến” (tham lập công
nên cẩu thả tiến lên). Nhân vì tàn quân của tham tướng Hà Quỳnh Chiếu, du kích
Minh Hạo, ngoại uỷ Đào Quốc Hưng trước sau trở về đến Tư Mao, thiên tổng Tiết
Sĩ Tuấn cũng về đến phủ Phổ Nhĩ, Lưu Tảo cho bắt họ để thẩm vấn rồi gửi triệp
tâu lên như sau:
Hà Quỳnh Chiếu, Minh Hạo thân làm tướng, đúng lý
ra phải tuân theo quân lệnh cố thủ nơi hiểm ải đợi khi điều binh tụ tập cho đủ
khi ấy mới cùng tiến lên, vậy mà vừa nghe tin Mãnh A thất thủ, Mãnh A, Mãnh
Vãng chỉ cách nhau một trạm đã mạo muội đến Mãnh Vãng, lại không nghe lời số
đông mà cứ tự ý làm để đến nỗi thua trận trốn về, bỏ mất khí giới, thực là tội
đứng đầu. Thủ bị Dương Khôn ở trung quân nơi hành doanh, vậy mà không biết cơ
nghi, lại không tuân theo việc điều khiển, tự tiện sang sông trước, đến nỗi
thiên tổng Hướng Hồng Lượng (向洪亮) tại Mã
Thuần Lãnh (馬膞嶺) ngăn trở nhưng không chịu nghe mà nhất định
tiến lên Mãnh Vãng để đến nỗi thua trận, tội đó cũng không khác gì Hà Quỳnh Chiếu,
Minh Hạo.[36]
Do đó tâu lên xin đem bọn Hà Quỳnh Chiếu,
Minh Hạo, Dương Khôn lập tức chính pháp (xử tử). Thanh Cao Tông khi ấy chưa
công khai đưa ra dụ chỉ chinh thảo Miến Điện, nếu gấp rút đưa bọn Minh Hạo giao
cho bộ trị tội thì không khỏi chấn động nên nghiêm sức Lưu Tảo biện án hàm hồ,
lầm lẫn. Ngày mồng 2 tháng Hai năm Càn Long 31, Nội Các minh phát dụ chỉ như
sau:
Trước đây theo như bọn Lưu Tảo tâu lên thì
Mãng phỉ không theo phép xâm lấn quấy nhiễu các thổ ti ở biên giới, trẫm từng
giáng chỉ ra lệnh cho tiễu trừ chặt chẽ, không để sơ xuất hỏng việc. Nay cứ
theo lời tâu lên thì việc công tiểu các trại Cảm Lãm Bá ở sông Cửu Long đã được
toàn thắng. Chỉ có tham tướng Hà Quỳnh Chiếu, du kích Minh Hạo được phái đến
phòng ngự sông Chỉnh Khống, các người này đã không tuân theo quân lệnh, mạo muội
qua sông, đến nỗi gặp giặc thất sự.
Khi đó trẫm đã ngờ rằng lời tâu không hoàn
toàn đúng sự thật, nay theo lời tâu, Hà Quỳnh Chiếu, Minh Hạo trước sau đã trở
về doanh, nên tham tấu về bọn họ xem xét trị tội nên trẫm đã giao cho Quân Cơ đại
thần hội đồng Pháp Ti xét lại rồi cùng tâu lên.
Cứ như tổng đốc kia biện lý vụ án này, tình
tiết rất là hàm hồ không chính xác. Hà Quỳnh Chiếu, Minh Hạo được sai đi đến Chỉnh
Khống phòng ngự Mãng phỉ, trước đến Mãnh Vãng gặp giặc thua chạy, vậy mà hoang
báo là chết rồi, theo phép khó mà tha thứ, viên tổng đốc lại tâu rằng mạo muội
tiến lên để đến nỗi quân cơ sai sót, bọn họ về được là điều đáng mừng, có tội
gì đâu?
Còn như bọn họ tham công cẩu thả tiến lên,
việc đó không thực, bất quá chỉ là Lục Doanh màu mè tưởng khôn hoá dại. Huống
chi viên tổng đốc cung khai thì những tình tiết khẩn yếu chưa thấy hỏi đến. Trước
đây tổng đốc sơ báo là bọn Hà Quỳnh Chiếu đều đã chết dưới tay giặc, theo như
người nhà trình lên quan phòng thì phải xem xét cho rõ có thực đánh trận mà chết
hay không, hay là quẫn bách mà mất mạng, hay là trở về doanh sợ tội tự tử, để định
tội, còn như [290] biền binh hoảng hốt mà báo cáo sai, tưởng là sự
thực, mọi việc chỉ qua loa không chịu tìm hiểu cho kỹ.
Đến như bọn Hà Quỳnh Chiếu lục tục chạy về,
viên tổng đốc lại không xem xét việc trước đây báo cáo sai, trị tội theo luật “uý tỉ thoái súc” (畏葸退縮)[37]
mà nghe theo lời bâng quơ một mặt, nói là khinh suất tiến lên nên mới thua, thế
thì làm sao trải dài quân luật để trừng trị kẻ nói điêu cho được?
Còn việc Hà Quỳnh Chiếu cung xưng rằng y cầm
khiên xông lên giết giặc, lại khai là bị người Miến dùng dao chém ngựa, cả người
lẫn ngựa rơi xuống sông. Thử nghĩ ngồi trên ngựa thì làm thế nào mà sử dụng đằng
bài? Chi tiết này rõ ràng là bịa đặt, nói đến đứa trẻ con ba thước cũng không
tin được. Thế nhưng Lưu Tảo vẫn để yên không hay biết, thật không nực cười hay
sao?
Lại như lần trước báo cáo quan binh 600 người
qua sông gặp giặc bị giết chỉ còn hơn 200 lục tục về doanh được hơn 100 người.
Vậy mà lần này tâu lên, hiện về đến Tư Mao bọn binh đinh Cao Sĩ Đức là 455 người,
nếu cộng với số binh sĩ trở về lần trước thì bị chết đâu có bao nhiêu. Đủ biết
rằng số chưa về hơn một trăm người, không phải là thua trận mà trốn tránh? Như
thế lần trước nói là chưa gặp giặc đã bị thương không thể hoàn toàn tin được.
Lại triệp trước nói rằng bọn Minh Hạo đã
gói ghém binh khí theo hành trang, bất ngờ gặp giặc, không kịp trở tay, nên mới
thất bại. Vậy mà trong triệp lần này lại nói rằng hai bên đối địch, vì thuốc
súng hết, thế không chống nổi, trước sau xem ra mâu thuẫn. Viên tổng đốc kia đối
với một việc quan trọng như vậy mà không để ý tra cứu sao hồ đồ lắm vậy?
Lưu Tảo vốn là kẻ đọc sách, quân hành cơ
nghi, chưa từng nghiên cứu, trẫm cũng không trách y về những gì không biết. Thế
nhưng việc sắp đặt thưởng phạt mọi sự thì phải hết sức trù biện, nên việc xem
xét tình tiết vụ án, nếu sai lầm như thế thì còn làm nhiệm vụ tổng đốc sao được?
Cho nên nay giáng Lưu Tảo xuống làm tuần phủ Hồ Bắc. Đạt Khải là người Mãn
Châu, sao lại u mê tán đồng? Hai người phải giao cho bộ nghiêm gia nghị luận. Tổng
binh Lưu Đức Thành nay giao cho Dương Ứng Cư (楊應琚) tra rõ rồi sẽ tái giáng dụ chỉ.
Nay ra lệnh cho Dương Ứng Cư đến đây tiếp
nhận việc quân, trước khi Dương Ứng Cư đến nơi thì Lưu Tảo phải hết sức kinh
lý, nếu như có liên quan gì khác để đến nỗi sai lầm thì sẽ trị tội nặng.
Nay thấy lục doanh có nhiều điều sằng bậy
không đúng nên việc dùng binh ở biên thuỳ phía tây chưa có thể dựa vào họ được.
Nay Vân Nam có một án như thế cho thấy bọn họ có tính hay đổ lỗi cho nhau nên
các tổng đốc, đề đốc phải hết sức chỉnh đốn không được lơ là. Đem dụ này gửi
cho biết.[38]
Vua Cao Tông giáng Lưu Tảo xuống làm tuần
phủ Hồ Bắc, đề đốc Đạt Khải giao cho bộ nghị luận. Khi đó tổng đốc Thiểm Cam
Dương Ứng Cư vừa mới nhận chức đại học sĩ và nhập cận (vào triều kiến hoàng đế)
nên được lệnh đến tiếp nhận chức vụ tổng đốc Vân Quí nên đổi điều tuần phủ Hồ Bắc
Thang Sính (湯聘) làm tuần phủ Vân Nam. Lưu Tảo phụng chỉ
giao trách nhiệm xong, ngày mồng 9 tháng Hai đốc thúc các lộ quan binh ra sức tấn
công Mãnh Cổn (猛混),
ngày 12, 13 tháng Hai thì lấy lại được Mãnh Lung, cửa Hồ Lô, tổng binh Hoa
Phong (華封) và tham tướng Cáp Quốc Hưng (哈國興) theo đường Mãnh Cổn đến đánh Mãng Già, Mãnh A
các nơi.
Thế nhưng Lưu Tảo lại theo suy nghĩ của kẻ
thư sinh, biện sự sai lầm, quan binh lúc điều động, lúc rút lui, không có luật
lệ gì cả. Ngày 22 tháng Hai, bộ Lại bàn luận chấp thuận cách chức Lưu Tảo, ở lại
tỉnh Điền hiệu lực. Lưu Tảo thấy việc quân Miến Điện khó khăn, lại nhận được c
hỉ nhiều lần trách cứ, ăn ngủ không yên, đến canh tư đêm mồng 3 tháng Ba, ở nơi
[291] công quán, đem bốn bản tấu triệp có châu phê, một
bản đình ký, lấy giấy bao lại để lên bàn viết, sau đó lấy con dao rọc giấy tự cắt
cổ.
Biện sự lương bổng quân doanh La Nguyên Hạo
(羅源浩), tri phủ Trấn Nguyên Cung Sĩ Mô (龔士模) nghe báo tin chạy đến xem nhưng không còn nói
được, y vẫy lại lấy bút viết “ơn vua khó
báo, tội thần đáng chết vạn lần …” (君恩難報,臣罪萬死 …), trên cổ họng vết thương nặng quá, sau mấy ngày không chữa trị mới
chết.
Chiến dịch này chủ yếu vốn do việc Thiệu
Tán giết hại đường thúc Mãnh Mạnh Dung chiếm cứ Mạnh Cấn rồi sau Thiệu Mãnh Liệt
cấu kết với đầu mục Chỉnh Khiếm đem quân Miến Bãi Di đến sông Cửu Long cướp đốt
các thổ ti địa phương rồi lan sang nội địa mà ra, trên bản chất chỉ là “Man Xúc tương tranh” (các nước nhỏ tranh
chấp với nhau) nhưng vì Lưu Tảo điều binh sai lầm, không thông việc binh, vọng
điều vọng triệt, hao phí nhân lực, lương thực. Người Miến tính tình xảo quyệt,
người di vùng biên hùa theo rất đông, Thanh đình thiếu hẳn nhận thức về thực lực
Miến Điện mà thổ ti ở biên cảnh có chống lại cũng là chuyện thường.
Tri phủ Trấn Nguyên Cung Sĩ Mô đã chỉ ra rằng
người Miến tuy đông nhưng việc cấu kết hiệp lực với nhau lại lỏng lẻo, các xưởng
mỏ người Hán đa tạp. Người dân nội địa thuộc phủ Đại Lý là Thi Thượng Hiền (施尚賢) khi đầu thuận Miến Điện rồi thì Tố Lãnh Tán lập
tức chọn Thi Thượng Hiền làm rể nên Thi Thượng Hiền liền thám thính tin tức
quan binh.
Thanh đình dùng chính sách lấy người đi
đánh người di, lúc bắt đầu toàn dùng dũng luyện người di để chống lại. Thế
nhưng thổ luyện tác chiến khọng giỏi, nhút nhát sợ hãi, thổ ti nội địa với thổ
ti Miến Điện lại còn có liên hệ thân tộc, hỗ tương cấu kết thông đồng nên việc
trừ khử cho sạch thật khó mà hết được.
Tháng Tám năm Càn Long 30, khi Miến binh đến
Mạnh Liên đòi hỏi triều cống thì thổ ti Đao Phái Tiên giao cho họ hơn 700 lượng
bạc, Đao Phái Tiên trọng bề ngoài, khinh kẻ nhỏ mà ở Mạnh Liên không có một tên
lính Miến nào nên khi nghe báo tin đòi hỏi, trong ngoài đều gian nên chính sách
dĩ di chế di của Thanh đình khó mà hữu hiệu được, còn ngược lại, thổ ti Cảnh Đống
được Miến Điện viện trợ đã đánh bại được quân Thanh.
[292] CHƯƠNG 4
Chiến dịch chinh Miến lần thứ hai của Dương Ứng
Cư (楊應琚)
Sau khi đại học sĩ Dương Ứng Cư phụng chỉ đến
làm tổng đốc Vân Quí ông liền tâu lên xin đem theo đô ti Tát Khắc Tra (薩克查), huyện thừa Chu Dụ (周裕) khởi hành đến nhiệm sở mới, ngày mồng 8 tháng
Ba năm Càn Long 31 (1766) đến tỉnh thành Vân Nam.
Khi Lưu Tảo còn đương nhiệm, ông ta có phái
tổng binh trấn Sở Diêu (楚姚)
là Hoa Phong tiễu trừ Thiệu Tán, Hoa Phong theo đường ải Đả Lạc, Mãnh Liệp tấn
công, lại phái tham tướng Cáp Quốc Hưng tấn công Đại Mãnh Dưỡng ở cạnh Mạnh Cấn
trước, lại sức cho ứng tập thổ ti Mạnh Cấn là Thiệu Bính điều tập thổ luyện các
nơi chặn đường ở Đại Mãnh Dưỡng.
Vì các đầu mục lớn nhỏ và dân chúng của Đại
Mãnh Dưỡng vốn là người cũ của Thiệu Bính nên khi Thiệu Bính đến lập tức suất
lãnh lớn nhỏ 23 đầu mục các trại và người di cùng đến doanh của Cáp Quốc Hưng để
xin theo. Cáp Quốc Hưng cùng với Thiệu Bính tra rõ rồi an tháp và từ Đại Mãnh
Dưỡng theo đường Mãnh Ma lên đường tiến tiễu Mạnh Cấn. Hoa Phong theo sau và
cũng suất lãnh quan binh đánh Mạnh Cấn. Ngày mồng 4 tháng Ba năm đó, tham tướng
Lưu Minh Trí đến tiễu trừ nơi gần Chỉnh Khiếm là Mãnh Tân, tổng binh Lưu Đức
Thành cùng đốc tiêu trung quân phó tướng Tôn Nhĩ Quế (孫爾桂) chia đường giáp công Chỉnh Khiếm.
Ngày mồng 5 tháng Ba, Tôn Nhĩ Quế đưa biền
đinh, thổ luyện tiến đánh bờ sông Chỉnh Khiếm, Trát Phiệt Đáp (紮筏搭) làm cầu phao, qua sông tấn công lấy được thành
Chỉnh Khiếm.
Ngày mồng 8 tháng Ba, Hoa Phong, Cáp Quốc
Hưng tiến binh đánh trại Bang Lung, hôm sau, phá được trại này, Thiệu Tán thua
chạy.
Ngày mồng 10 tháng Ba, Cáp Quốc Hưng chia
binh thành ba đường đánh lấy được thành Mạnh Cấn. Thành ấy là một toà thành đất
dựa vào núi có đào hào, chu vi độ chừng 12 dặm. Thiệu Tán, Thiệu Mãnh Liệt đốt
các kho lương rồi bỏ chạy.
Thanh Cao Tông ban dụ nói rằng lần này sẽ
dùng đến binh uy, Thiệu Tán chạy vào Miến Điện thì sẽ đến tận nơi đòi không thể
để yên. Mạnh Cấn, Chỉnh Khiếm đã thu phục được rồi, Dương Ứng Cư tâu xin cho
Bát Tiên Bổng (扒先捧)
quản hạt Chỉnh Khiếm, Thiệu Bính quản hạt Mạnh Cấn, cả hai đều được thưởng chức
hàm chỉ huy sứ.
Vì Mạnh Cấn là vùng mới bình định, địa thế
xa xôi lại là đường quan yếu đi thông sang Miến Điện, vì thế ra lệnh cho Hoa
Phong đưa 800 quân đóng lại đây trấn giữ. Tổng binh dò thám thấy Thiệu Mãnh Liệt
đang trốn tại thâm sơn bên ngoài Mãnh Bổ (猛補)
nên đến ngày mồng 3 tháng Tư năm Càn Long 31 sai du kích Đậu Phúc Khôi (豆福魁) đem quân đến truy nã bắt được Thiệu Mãnh Liệt
và em họ Thiệu Nham (召岩)
và bộ thuộc đàn bà đàn ông hơn 200 người, trừ phụ nữ thì thưởng cho tướng biện
làm nô ra, còn lại đều giết sạch. Thiệu Mãnh Dung, Thiệu Nham thì bị bêu đầu thị
chúng.
Ngày 11 tháng Tư, thủ bị Vương Hàn (王瀚), thiên tổng Đặng Triều Phụng (鄧朝奉) đem binh luyện tại Mãnh Tạp (猛卡) lùng bắt vợ của Thiệu Mãnh Liệt là chị của Thiệu
Tán Diếu Anh Hãn (窖英罕)
cùng con nhỏ tám người.
Ngày 15 tháng Tư, lại bắt được anh ruột của
Thiệu Tán là Thiệu Mãnh Trân (召猛珍)
cùng mẹ y là Nôm Diếu (喃窖)
cả thảy 8 người, thế là bên ngoài Phổ Nhĩ thái bình.
Dương Ứng Cư [293] thấy người di thuộc các thổ
ti tỉnh Điền ở nội địa đều để tóc dài, hình dáng phục sức không khác gì người
Miến, không thể phân biệt được nên tâu lên xin bắt các thổ ti ở các địa phương
cạnh biên giới và người di ở các nơi mới bình định Mạnh Cấn, Chỉnh Khiếm nhất
loạt cạo đầu bím tóc.
Tháng Năm năm đó, Dương Ứng Cư tâu xin các
đầu mục ở Mãnh Dũng ngoài biên là hai anh em Thiệu Trai (召齋), Thiệu Hán Nôm (召漢喃) đầu thành nội phụ vì Mãnh Dũng ở giữa Chỉnh Khiếm
và Mạnh Cấn, Dương Ứng Cư tâu xin thưởng cho Thiệu Trai chức hàm thổ thiên tổng,
là một quản hạt thuộc trấn Phổ Nhĩ.
Đồng thời, đầu mục Bát Hộ Mãnh (叭護猛) người Sa ở Mãnh Long là đất tiếp cận với Nam
Chưởng cũng xin được qui phụ, Dương Ứng Cư tâu rằng người Sa ở Mãnh Long nguyên
là người di ở Quảng Nam thuộc nội địa lưu lạc ra bên ngoài sinh sống, địa
phương đó hơn 2000 dặm, tổng cộng hơn 70 trại, tính ra hơn 1000 hộ nên xin thưởng
cấp chức hàm chỉ huy đồng tri, qui về quản hạt trấn Lâm Nguyên, phủ Nguyên
Giang, làm thế ỷ giốc dựa vào nhau với Chỉnh Khiếm, Mạnh Cấn, còn em ruột của
Chiêu Tán là nhà sư Thiệu Long cũng qui thuộc nội địa.
Lưu Đức Thành lại bẩm báo tại phía tây biên
giới tại Mãnh Long ở trong vùng Chỉnh Khiếm, đại đầu mục Bổ Cáp (補哈) là Cát Đệ Nha Ông (噶第牙翁) sai con là Ma Cáp Nôm (麻哈喃) nghe tin nên quay về, đề đốc Lý Huân (李勳) gửi trát cho đầu mục Mạnh Tán là Lạt Trả Tế Lợi
(喇鮓細利) sai người thỉnh cầu nội phụ, tổng binh
Hoa Phong cũng bẩm xưng Chỉnh Mại (整賣)
tức Cảnh Mại đầu mục Thiệu Trai Ước Đề ( 召齋約提),
Cảnh Tuyến đầu mục Nột Tái (吶賽),
Cảnh Hải đầu mục Muộn Tế Thể (悶細體)
đều đưa người di đến đầu thành ở Mạnh Cấn, Dương Ứng Cư đều ra lệnh cho họ cạo
đầu. Hoa phủ bẩm rằng các đầu mục đều “vui sướng tuân theo” nên Dương Ứng Cư
tin thực nên đã gửi triệp tâu lên.
Tháng Sáu năm đó, vua Cao Tông giáng dụ nói
rằng kẻ đầu sỏ gây tai hoạ là Thiệu Tán chưa bắt được, các viên chức lớn tổng
trấn đem quân vây bắt, đóng ở ngoài biên dây dưa ngày tháng, hao tổn quân hướng,
việc không thể biện lý như thế được, vậy phải triệt hồi quan binh về nội địa rồi
trù tính kế hoạch tiến tiễu nhưng Dương Ứng Cư chưa kịp tuân chỉ triệt binh, đã
sức thổ ti biết viết tiếng Miến đến A Ngoã để dụ Thiệu Tán.
Vua Cao Tông nhận rằng “việc bên ngoài vạn dặm, không thể tính được”
nên tháng Bảy năm Càn Long 31 lại giáng dụ viết: “Dương Ứng Cư đã nhận chức
phong cương (tức tổng đốc) từ lâu, có thể nói là nhiều kinh nghiệm, trù biện mọi
việc ắt là không khinh suất vẽ chuyện, lời nói kể là đáng tin. Huống chi người
Miến tuy ấn náu một vùng Nam hoang, nhưng vào cuối đời Minh cũng đã nhập vào bản
đồ, không phải là vùng không thể thần phục. Thế nhưng đất đai xa xôi, việc tuy
tuỳ tiện mà làm, nếu tương lai có thể biện lý hay tuỳ cơ điều bát, khi ấy tâu
công, không phải tốn binh lực lớn nên chi bằng theo thời mà tập sự, chẳng nên
lao sư trù hướng, thậm chí cử động hoảng hốt, không phải là đạo thận trọng ở
nơi biên kiếu”.
Tháng Chín năm đó, Dương Ứng Cư xin điều động
binh đinh các trấn doanh 8000 người, 3000 sa luyện từ hai phủ Quảng Nam, Nguyên
Giang hợp với các tiêu binh của Vĩnh Thuận, Phổ Nhĩ tổng cộng ước chừng hơn
14,000 người, lại tâu lên “trù biện việc
tiễu trừ Miến phỉ, thần không dám mạo muội tham công, có điều Miến phỉ mấy lần
quấy nhiễu thổ ti biên cảnh, nếu không thừa cơ biện lý, e rằng thổ cảnh không
được an ninh, bên ngoài biên cương vạn dặm phải tính kế mãi mãi giữ yên. Nay Miến
Điện lòng người ly tán, Mộc Bang tình nguyện qui thuận, ấy là cơ hội có thể
khai thác được.”
Dương Ứng Cư lại bí mật tuyển thổ ti, người
di lẻn vào Miến Điện, địa phương rộng hẹp, đường đi khó dễ, lén vẽ thành hình
trình lên ngự lãm. Phủ Vĩnh Xương bẩm rằng người đứng đầu Mộc Bang là Ung Đoàn
(甕團) định là vào tháng Chín sẽ qui thuận, xin
được lập tức sai quan binh đến biên cảnh.
Dương Ứng Cư lập tức điều động 3000 quan
binh [294] đến thổ ti Già Phóng (遮放) bên cạnh Mộc Bang đóng lại đồng thời Man Mộ (蠻暮) tại thượng du thành A Ngoã dò thám biết Mộc
Bang đã đầu thuận nội địa nên cũng tình nguyện nội phụ.
Ngày 12 tháng Chín, Dương Ứng Cư khởi hành
đi đến Vĩnh Xương đóng quân để tiện cho việc nhận đầu hàng, lại sai phó tướng
Triệu Hoành Bảng (趙宏榜)
đem quân ra Thiết Bích Quan (鐵壁關)
đóng ở đồn Tân Nhai (新街)
để che cho Man Mộ.
Miến Điện do thám biết được Mộc Bang định
hàng Trung Hoa nên lập tức sai quân ra khỏi Lạc Trác, tấn công Mộc Bang, người
đứng đầu là Ung Đoàn không giữ nổi sang sống ở Già Phóng. Con của thổ ti cũ Hãn
Mãng Để là Miên Ngũ Cách (綿五格)
cũng từ Miến Điện ra thoát.
Quân Miến đi ngược theo sông Y Lạc Ngoã Để lên
đến Tân Nhai, Triệu Hoành Bảng gặp quân Miến “đem các quan binh bị bệnh, bị thương, khí giới đưa vào các nhà tranh
phóng hoả đốt”, lui về Thiết Bích Quan, không ngó gì đến Man Mộ. Dương Ứng
Cư gấp rút điều doanh binh các trấn đến cứu viện, lại sức tổng binh Chu Luân (朱崙) đến Vĩnh Xương đốc thúc quân vụ.
Ngày mồng 6 tháng Mười, Dương Ứng Cư đến phủ
thành Vĩnh Xương, nhân nghe tin quân Miến đem đại quân tới đánh, đề đốc Lý Huân
lại bị bệnh chết, thấy việc không làm gì được, lo lắng phát ốm, bệnh suyễn trở
nặng.
Vua Cao Tông được tuần phủ Thang Sính (湯聘) tâu báo, lập tức ra lệnh tổng đốc Lưỡng Quảng
Dương Đình Chương (楊廷璋)
theo đường Quảng Tây chạy đến Vĩnh Xương tiếp biện quân vụ, lại sai thị vệ Phó
Linh An (傅靈安) đem ngự y Lý Bành Niên (李彭年) chạy đến thăm nom lại ra lệnh cho con Dương Ứng
Cư là án sát Giang Tô Dương Trọng Anh (楊重英) chạy
đến Vĩnh Xương săn sóc và giúp đỡ việc quân.
Dương Ứng Cư trong khi bị bệnh cũng ra lệnh
cho tổng binh Vĩnh Xương là Ô Nhĩ Đăng Ngạch (烏爾登額) đóng quân tại Uyển Đính (宛頂) để tấn công Mộc Bang. Tổng binh trấn Vĩnh Bắc
Chu Luân do đường Thiết Bích Quan quay lại Tân Nhai, nghe lệnh đề đốc Lý Thời
Thăng (李時升) đóng quân ở Sam Mộc Lung (杉木籠) ở giữa điều khiển.
Ngày 8 tháng Một, tuần phủ Thang Sính theo
đường tỉnh thành Vân Nam đến Vĩnh Xương. Khoảng trước sau ngày 20 tháng Một,
quân Miến tấn công Vạn Nhận Quan (萬仞關),
đô ti Vĩnh Thuận Trương Thế Hùng (張世雄)
không chống nổi, Trản Đạt (盞達),
Hộ Triệt (户撤) đều cướp đốt, quan binh đóng ở Đồng Bích
Quan (銅壁關) cũng bị đánh tan.
Khi đó, tổng binh Lưu Đức Thành đóng ở Can
Nhai (干崖), chỉ cách Vạn Nhận Quan hai trạm nhưng
không đem binh đến cứu. Đề đốc Lý Thời Thăng sai du kích trấn Khúc Tầm (曲尋) Mã THành Long (馬成龍) đem 700 binh tiến lấy Hộ Tán, bị quân Miến đánh
bại, Mã Thành Long chết trận. Quân Miến muốn tập kích đằng sau Thiết Bích Quan,
quân Thanh sợ bị cắt đứt không thông được với Mộc Bang nên Lý Thời Thăng, Chu
Luân cùng nhau rút về, quân Miến ở Tân Nhai hội đồng với quân Miến ở Hộ Tán thừa
cơ đốt Lũng Xuyên.
Thế nhưng Dương Ứng Cư lại tâu rằng ngày 18
tháng Một, bọn Chu Luân đốc binh đến Lăng Mộc đánh với quân Miến, kịch chiến bốn
đêm ba ngày, quân Miến chống không nổi, quân Thanh thừa thế đuổi theo, hai lần
giết được cả thảy hơn 6000 quân Miến, đầu mục quân Miến là Mãng Nhiếp Diểu Già (莽聶渺遮) điều động thêm 2, 3 vạn người muốn đánh vào Đồng
Bích Quan.
Ngày mồng 6 mồng 7 tháng Chạp, giết được
quân Miến hơn nghìn người. Ngày 11, 12 tháng Chạp lại chém được hơn 300 thủ cấp
người mọi Đại Lộng, Nhị Lộng và Chỉ Đan, cũng giết được hơn một nghìn quân Miến.
Ngày 16 tháng Chạp, Chu Luân, Lưu Đức Thành chia đường lùng giết chém thêm hơn
300 thủ cấp, tính ra trước sau giết quân Miến hàng vạn người, Dương Ứng Cư
không khỏi thêm thắt cứ theo lãnh binh, tướng biện bẩm báo, hư trương phấn sức,
mọi việc đều tâu lên.
Khi đó, quân Miến thấy quân Thanh đã tụ tập
nên sai người trá hàng để kéo dài thời gian, ngày 26 tháng Chạp, Mãng Nhiếp Diểu
Già sai người đến quân doanh Chu Luân xin hàng. Ngày 27, sứ Miến [295] đến, Chu Luân ra lệnh Cáp Quốc Hưng ra khỏi doanh
để gặp, Cáp Quốc Hưng yêu cầu đầu mục quân Miến đưa biểu đầu hàng, Mãng Nhiếp
Diểu Già nói: “Chúng tôi không thể quyết định được, nếu muốn có hàng biểu thì
phải quay về nói với Mãnh Độc, nói Mãnh Độc đưa ra”.
Dương Ứng Cư tưởng thật sự Miến Điện đầu
thành, không phòng bị, lại tâu lên là em trai Miến vương Bốc Khanh (卜坑) và đầu mục chỉ huy quân đội tới quân doanh xin
hàng, chỉ Man Mộ, Tân Nhai các nơi là con đường sống của người di nên xin thưởng
cho buôn bán.
Miến Điện là nước lớn ở biên giới phía nam,
rừng rậm núi cao, có sông ngăn làm nơi hiểm, thuỷ thổ ác liệt, chướng lệ có lúc
nổi lên, nếu như muốn đánh vào hang ổ e rằng ngày giờ lâu la, được không bù mất.
Dương Ứng Cư bẩm rằng ngày 28 tháng Chạp
thì Mãng Nhiếp Diểu Già sẽ giải tán quân Miến, thế nhưng đúng ngày đó thì quân
Miến tần công Mãnh Mão, lại đánh vào Đồng Bích Quan, du kích Ban Đệ (班第) trúng đạn chết.
Thanh Cao Tông thấy Dương Ứng Cư tâu lên
khoa trương màu mè, không đáng tin. Quân Miến đến quấy phá Man Mộ, Tân Nhai tổng
số có đến hơn 2 vạn người, nếu giết địch đến một vạn ấy là mất đi một nửa, thật
không phải một chiến thắng bình thường, xa gần đều nghe, phong thanh hạc lệ,
quân Miến ắt là kinh hoàng chạy trốn không kịp, làm sao có thể xông lên chống lại?
Nếu như giết địch lên đến số vạn ắt thi thể
máu chảy các nơi không phải ít. Trước đây bình định Chuẩn Cát Nhĩ, Hồi Bộ trước
sau hơn một trăm trận, thống kê tổng số không đến một vạn người, Dương Ứng Cư mới
chỉ hai lần giao phong trong chốc lát tại một nơi bé nhỏ làm sao giết địch đến
hàng vạn người. Dương Ứng Cư cũng nói là quân uy đại chấn, quân Miến mới nghe
đã sợ hãi phục tòng, ắt có thế thừa cơ, sao lại tâu rằng địa hiểm chướng đa,
nên muốn chấm dứt, trước sau thật là mâu thuẫn.
Man Mộ, Tân Nhai đã nạp hàng, lại tuân theo
định chế cạo tóc, đã thuộc vào bản đồ nội địa sao lại phải thưởng cấp cho buôn
bán, như thế Miến Điện tiếng là xin hàng còn thực ra chỉ là tạm rút lui để làm
chậm quân của ta.
Vua Cao Tông biết rõ những tật xấu của Lục
Doanh, vẽ vời báo cáo láo nên nhìn ra khi duyệt hội trình địa đồ của Dương Ứng
Cư. Lý Thời Thăng từ một dải Tân Nhai rút về Lăng Mộc mà Dương Ứng Cư hai lần
báo cáo về nơi giao binh nói là ngoài quan Đồng Bích, Thiết Bích. Khi xem bản đồ
thì Lăng Mộc ở bên trong Tân Nhai, hai cửa quan ắt là nằm bên trong địa giới,
Man Mộ, Tân Nhai đã sớm bỏ mà không giữ.
Ngày mồng 4 tháng Giêng năm Càn Long 32,
tham tướng Cáp Quốc Hưng đưa 2400 binh luyện đến thành Mãnh Mão, ngày mồng 5
tháng Giêng, 7, 8000 Miến binh vây đánh quân Thanh, ở ngoài thành làm 8 doanh
tre, sang ngày mồng 7, quân Miến tấn công lớn dùng thang tre trèo vào thành,
Cáp Quốc Hưng bị đạn bắn vào trong mồm, rụng mất hơn 10 cái răng, bả tổng Chu
Tài Đạt (朱才達) trúng đạn chết.
Cáp Quốc Hưng sai quân theo đường nhỏ trên
núi đến Lũng Xuyên phi báo cho Chu Luân (朱崙),
Chu Luân liền sai phó tướng Trần Đình Văn (陳廷蚊)
đem 2000 quân đến cứu viện, ngày 11 tháng đó đến Mãnh Mão, quân Thanh trong
đánh ra ngoài đánh vào đẩy lui được quân Miến, đuổi theo đến sông Để Ma (底麻), du kích Mao Đại Kinh (毛大經), đô ti Từ Bân (徐斌), thủ bị Can Càn (高乾) bị quân Miến dùng “hồi mã tiêu” (囘馬標)
bắn chết. Quân Miến vòng lại theo đường Uyển Đính (宛頂) đánh lấy Mộc Bang.[39]
Dương Ứng Cư vì tấu báo hơi chậm, ngày
tháng giao binh ở Mãnh Mão đổi thành ngày 16, 18, lại nói “ước chừng giết được hơn 2000 tên giặc, thế giặc tan vỡ, [296] quan
binh đuổi đánh đến tận sông Để Ma, chết đuối hơn 2000 người.” Dương Ứng Cư
toan thanh minh lấy Lam Tuyến (藍線)
làm ranh giới nhưng trước sau vẫn tâu là quân Miến lén vượt Trản Đạt và biên cảnh
Mãnh Mão.
Vua Cao Tông thấy Trản Đạt, Mãnh Mão đều ở
bên trong Lam Tuyến, còn bên ngoài Trản Đạt là các cửa quan Vạn Nhận, Cự Thạch,
phụ cận Mãnh Mão ắt là hai cửa Hổ Cứ, Thiên Mã, làm sao quân Miến có thể vào ra
không sợ hãi gì, trước sau Dương Ứng Cư điều động quan binh có hơn 14000 người
thì sao chỉ để ở hai cửa Đồng Bích, Thiết Bích còn các quan ải khác lại chẳng
có ai? Còn quân Miến ở phía tây Thiết Bích, làm thế nào để có thể chạy vòng cửa
quan qua phía đông để tới Mãnh Mão.
Lý Thời Thăng làm chức vụ đề đốc coi sóc
toàn quân, sao chưa hề đến quân doanh chỉ huy? Chu Luân từ trước đến nay chưa từng
lâm trận sát địch, nay sao lại rút về nội địa là thế nào? Làm sao lại nói là thắng
trận Lăng Mộc? Người Miến đến doanh xin hàng, Lý Thời Thăng sao không đích thân
đến quân doanh xem xét thực hay giả mà lại chỉ sai tham tướng ra khỏi doanh
truyền dụ, xem chuyện thụ hàng chẳng khác gì trò trẻ con? Dương Ứng Cư việc gì
cũng màu mè giả dối, chỉ tay năm ngón, điều động sai lầm không hợp tình hợp lý.
Tổng binh Lưu Đức Thành vốn cùng với Hoa
Phong cùng đóng quân ở cánh đông, Chu Luân vốn ở cánh tây đánh giặc, vậy mà
Dương Ứng Cư lại điều động Lưu Đức Thành sang một dải Trản Đạt ở phía chính tây,
để chặn sông Để Ma. Khi đó quân Miến đã bỏ Uyển Đính, tổng binh Ô Nhĩ Đăng Ngạch
không ra lệnh chém giết, cũng không điều động cánh phía đông Hoa Phong thừa dịp
tấn công mà ra lệnh cho Chu Luân từ phía tây sang đông đuổi theo từ đẳng sau,
đông tây đều điều động, sắp xếp không hợp cách.
Ngày 28 tháng Giêng năm Càn Long 32, hoàng
đế giáng chỉ cách chức Lý Thời Thăng, khi đó đúng vào lúc có Dương Ninh (楊寧) ở kinh đô bệ kiến nên bổ nhiệm Dương Ninh làm đề
đốc Vân Quí. Dương Đình Chương thấy việc chinh thảo Miến Điện khó mà làm được,
tâu lên rằng Dương Ứng Cư bị bệnh suyễn nay đã đỡ rồi lập tức quay trở lại Quảng
Đông.
Ngày 13 tháng Hai, vua Càn Long lại giáng
chỉ cho bắt Lý Thời Thăng, Chu Luân đưa về kinh đô giao cho bộ Hình trị tội.
Ngày 15 tháng Hai, ra lệnh cho Mãn Châu thế
bộc là Ngạc Ninh (鄂寧)
đến làm tuần phủ Vân Nam còn Sách Trụ (索柱)
được bổ làm tổng binh trấn Vĩnh Bắc.
Ngày mồng 1 tháng Ba, vua Càn Long giáng chỉ
ra lệnh cho Dương Ứng Cư về kinh gia nhập nội các làm việc, chỗ khuyết chức vụ
tổng đốc Vân Quí do Minh Thuỵ (明瑞)
đảm nhận.
Ngày 29 tháng Ba, lại giáng chỉ cách chức
Dương Ứng Cư bắt giải kinh giao cho bộ Hình trị tội, ban cho quyền được tự tận,
số còn lại Lưu Đức Thành, Hoa Phong, Triệu Hoành Bảng, Thang Niết đều bị cách
chức trị tội.
Dương Ứng Cư lúc mới đến làm tổng đốc Vân
Quí, bên ngoài biên giới Phổ Nhĩ tạm yên tĩnh, không cần phải dùng binh đánh ra
ngoài biên giới, thế nhưng vì việc biên giới, thấy Thiệu Tán chạy sang Miến Điện,
viết văn thư đòi trả lại, lâu không nghe trả lời nên hưng binh vấn tội, trước
sau tám lần gửi hịch điều động quan binh cả thảy hơn 22700 người nhưng trong bụng
Dương Ứng Cư không có tính toán gì, sáng ra lệnh chiều đổi lại, khi thì điều động,
khi lại giải tán, hao tốn lương thực, tiền bạc.
Trong chiến lược, quân Miến so với quân
Thanh thì chặt chẽ hơn nhiều, các loại võ khí sử dụng theo như du kích Đậu Phúc
Khôi cung xưng thì dùng loại súng trường “tự
lai hoả”, ấy chính là súng Tây phương do Anh, Pháp chế tạo. Còn về phía
quan binh nhà Thanh, theo Tiêu Nhật Chương (蕭日章)
khai thì “binh đinh mà tổng đốc Vân Nam
điều động tới quân doanh, gần thì vài trạm, xa thì vài chục trạm, mỗi người
mang theo một khẩu súng, một thanh đao, đạn một trăm viên, thuốc súng một [297] cân, ba dây
mồi lửa, một khối đinh bản, một chiếc túi đựng y phục lương thực, đi đường ước
chừng 110 dặm, hầu hết là đường núi lên xuống hiểm trở, đến được quân doanh thì
đã mệt lử. Lại thêm mỗi một trăm bộ binh có mười mã binh, lại có 14 con ngựa để
chở nồi niêu, lều bạt các loại, đi đến giữa đường, nếu như ngựa thồ có ngã ra
chết thì sẽ dùng ngựa cưỡi thay vào để chở đồ, cho nên ngựa cũng không có đủ
dùng.” Còn như quân Miến thì “mỗi lần
đánh thì tập trung người di ở gần biên giới xua ra trước, súng của bên ta
[quân Thanh] bắn chết hầu hết là những
người gọi là “lá chắn sống” [肉擋牌],
còn quân Miến thì không giết được bao
nhiêu.”
Dương Ứng Cư lại thích khoa trương quân uy,
vẽ vời báo cáo láo, nói thua thành thắng, giết địch vài nghìn người. Tại phủ
Vĩnh Xương, trong hịch văn gửi Miến Điện có thổi phồng là “điều binh 50 vạn, đại pháo 1000 cỗ”. Lục doanh tỉnh Điền biền binh
lâu nay không dùng đến, gặp địch là chạy.
Tháng Năm năm Càn Long 32, bố chính Vân Nam
Tiền Độ (錢度) đã nói rằng “Lục kỳ tỉnh Điền xưa nay đã có tính không chịu khổ, lại không một lòng,
kém chí chiến đấu. Thần xem xét kỷ thì xem ra chỉ có 4 trấn Chiêu Thông, Đông Xuyên,
Khai Hoá, Khúc Tầm thì doanh binh cón dám đối địch với giặc, ngoài ra đều rút
lui không chịu tiến. Lại nghe trước đây đánh ở Lăng Mộc, thanh uy quan quân hơi
nổi lên được, về sau Miến phỉ lẻn theo đường Vạn Nhận tiến vào, đại thế mất hết
đến nỗi có hàng trăm sơ hở, quân đem tiễu trừ chỉ còn có thể phòng ngự, nửa đường
thất bại, không thể thành công”. “Lý Thời Thăng, Chu Luân chỉ đứng ở xa mà
nhìn, sợ hãi không dám tiến lên, không dám tự mình lâm trận, nghe có Miến phỉ
thì biết chia quân ngăn chống, sớm bên đông, tối bên tây khiến cho quan binh mệt
mỏi chạy trối chết, giết hay bắt được ít thì báo lên nhiều.”
Tướng quân Minh Thuỵ cũng khai:
Lục doanh tỉnh Điền lâu nay không dùng đến, cũng
không có ai chỉnh đốn đợi đến khi được điều động đưa ra phần lớn là những binh
sĩ chưa được huấn luyện, lên đường trong phút chốc, đi đến nửa đường, ngựa thồ
đã mệt mỏi chết hết.
Mỗi người lính mang theo quân trang và lương ăn,
không dưới vài chục cân, đi bộ đường xa, đến lùc tiến đánh thì sức lính đã hết
còn tướng biện chỉ huy lại không biết thương lính, đến đâu cây cỏ cứ một đoạn
đường lại ra lệnh cho binh sĩ chặt xuống làm trại mỗi đêm, ngày đêm không nghỉ
nên mỏi mệt, khiến cho lòng lính ta rã, không muốn đánh.
Còn như tướng lãnh các doanh chỉ nghe Cáp Quốc
Hưng có vài viên dám đánh, thương lính nhưng những tướng biện đó chưa từng ra
trận, cũng không ai chỉ bảo cơ nghi, khi cầm quân cùng giặc lập trại đối địch
thì không rành địa thế, chỉ biết đốc thúc binh sĩ bắn súng lớn nhỏ, còn viên chức
lớn tổng binh thì ở phía sau nhìn lên, đến khi tấn công thì không dám phá chỗ cứng,
thân đi trước lính, giao phong với giặc (摧堅陷陣,身先士卒,與賊交鋒), mỗi khi
thấy ngựa của giặc xông lên thì tướng lãnh thất tán, binh lính quăng võ khí mà
chạy, không dám chống đỡ.
Còn binh lính điều bát thì lấy bên đông lấp bên
tây, sáng thế này, chiều thế khác, lại không để tướng biện bản doanh chỉ huy
quân binh cùng tiêu, các doanh đội ngũ hỗn tạp, không có kỷ luật gì cả, lính và
tướng chẳng biết nhau nên trước sau thương vong là bỏ ngũ chạy trốn, không còn
kê khai khảo sát được.[40]
Còn quân Miến thì lấy nhàn rỗi đợi mệt nhọc,
quân Thanh mệt mỏi chạy dài, chuyển thế công thành thế thủ, sau cùng giữ không
nổi nên quăng khí giới chạy trốn đến nỗi đánh trận nào, thua trận nấy.
[298] CHƯƠNG 5
Chiến dịch chinh Miến lần thứ ba của Minh
Thuỵ (明瑞)
Minh Thuỵ
Về việc chinh thảo Miến Điện, vua Thanh Cao
Tông phải điều tuyển binh mã, trong ngoài đều biết nhưng khi thấy quân Miến
kháng cự đại binh, giết hại sĩ tốt thiên triều, quấy nhiễu nội địa nay thành thế
cưỡi hổ, giữa đường không dừng được, đành phải lớn tiếng chinh phạt để tỏ oai
trời.
Tháng Ba năm Càn Long 32, tướng quân Minh
Thuỵ phụng mệnh đến Vân Nam để tiếp tục lo việc quân, có ti viên Quân Cơ Xứ
lang trung bộ Hộ người Mãn Châu là Phó Hiển (傅顯), lang trung người Hán Phùng Quang Thái (馮光態), đạo Khai Qui tỉnh Hà Nam Nặc Mục Thân (諾穆親), đạo Hán Hưng tỉnh Thiểm Tây Tiền Thụ Cốc (錢受穀) cùng đi theo để giúp việc.
Vì Lục doanh nhút nhát, tác chiến không được
nên ngoại trừ tăng phái từ kinh sư Kiện Nhuệ doanh, Hoả Khí doanh 3000 quân, lại
còn thêm các tỉnh chung quanh Quí Châu, Tứ Xuyên điều bát quan binh người Hán
các loại sách luân (索倫),
ách lỗ đặc (厄魯特), thị vệ, bái đường a (拜唐阿) tổng cộng hơn 30,000 người chia ra cùng đến Vân
Nam.
Về phương diện tiền bạc lương thực, tỉnh Hà
Nam cung cấp 40 vạn lượng bạc, tỉnh An Huy cung cấp 40 vạn lượng bạc, tỉnh
Giang Tô cung cấp 33 vạn lượng bạc, Lưỡng Hoài diêm khoá cung cấp 97 vạn lượng,
tổng cộng tất cả 210 vạn lượng bạc, lại thêm tiền còn tồn trữ của tỉnh Vân Nam
90 vạn lượng bạc nữa, cộng ngân 300 vạn lượng. Bộ Hộ lại phụng chỉ cung cấp
thêm 300 vạn lượng để chi phí về việc quân nhu, chưa kể Hà Nam, Hà Bắc, Quảng
Đông, Quảng Tây, Quí Châu các tỉnh điều bát hơn một vạn con ngựa.
Khi Dương Ứng Cư làm tổng đốc Vân Quí đã từng
tâu lên xin điều bát 50,000 quan binh chia ra thành năm đường tiến đánh, lại ước
định với Xiêm La sẽ cùng giáp công.
Thanh Cao Tông trước nay điều binh đánh Chuẩn
di [準噶爾], Hồi bộ cũng chưa từng tới số vài vạn,
quân cơ đại thần Phó Hằng (傅恒)
biết được ý nhà vua nên khi bàn luận đã nói rằng Miến Điện tập trung quân chỉ
hơn một vạn, Minh Thuỵ đem quân giỏi đến tỉnh Điền, như thế đã đủ để thanh thế
lên cao, không cần phải trưng điệu khắp các nơi để có thêm được quân số. Còn
như ước định với Xiêm La thì vua Cao Tông nhận định là “hoang đường khả tiếu” (荒唐可笑) vì chưng “dùng binh mà phải nhờ đến ngoại phiên
thì không những sự việc không nên làm mà còn làm cho thuộc quốc coi nhẹ, ấy là
việc không nên làm. Cuối đời Minh xin bên ngoài giúp đỡ, ấy là khiếp sợ vô năng,
có thể coi đó làm chứng cứ, huống chi triều ta binh uy truyền ra xa, đâu đâu
cũng quay về nhiếp phục, lẽ nào cần phải đến một nơi hoang sơ ở hải ngoại làm
thế dựa cho vương sư (用兵而藉力外番,不但於事無濟,且徒為屬國所輕,乃斷不可行之事。明季資其援助,實為恇怯無能,豈可引以為據,況我朝兵威遠播,所向懾服,安藉此海外窮荒為王師犄角)”.[41]
Thanh Cao Tông
quả nhận thức sai lầm về thực lực Miến Điện, đến nỗi khinh địch mà bị thua.
Trước khi Minh
Thuỵ đến Vân Nam, phó tướng Cáp Quốc Hưng đã tiến lên đóng quân ở Tân Nhai,
quân Miến ở trước đã đóng giữ chắc chắn đồn Lão Quan (老官屯), đề đốc Dương
Ninh (揚寧) đưa 4000 quân tiến đến
Mộc Bang.
Từ ngày mồng 5 đến
mồng 10 tháng Tư năm Càn Long 32, quân Miến bốn mặt đến đánh quân Thanh, quân
Thanh chết đến hơn một nửa, du kích Tô Khắc Tiến Thái (蘇克進泰), thủ bị Trình
Sách (程策), Lô Nhượng Lượng (盧懹亮), thiên tổng Mã Tự Cẩm (馬自錦) và 4, 500 binh
đinh bị bắt sống.
Đêm 17 tháng Tư,
quân Miến lại đến tấn công, các doanh thuộc hữu dực [299]
quân Thanh tán loạn trước bỏ chạy theo triền núi, Dương Ninh lui về giữ
Lung Lăng (蘢陵), viên quan văn trông
coi về quân lương ở Già Phóng và thủ bị Trần Mô (陳謨) đã chạy trốn từ
bao giờ, tự ý bỏ hết lương thực.
Ngày 25 tháng Bảy,
Dương Ninh được đổi sang làm đề đốc Quí Châu, chức vụ đề đốc Vân Nam bị khuyết
thì do Đàm Ngũ Cách (譚五格) đảm nhận.
Ngày 29 tháng Bảy,
hơn 1000 quân Miến toan vượt qua sông Tiểu Mãnh Luân, tổng binh trấn Khai Hoá
Thư Mẫn (書敏) đem 200 quân ở bên
kia bờ sông bắn súng sang, đến sau giờ Ngọ, Thư Mẫn lui về đóng ở một ngôi chùa
Miến cách đó 30 dặm, để đô ti Na Tô Thái (那蘇泰) đốc binh chống
giặc. Đêm hôm đó, quân Miến chia thành toán lén vượt qua sông Tiểu Mãnh Luân,
phá tan quân Thanh, Na Tô Thái cùng Thư Mẫn suốt đêm chạy về Tì Thông (茨通),
trên đường gặp 200 quân
Thanh từ sông Mãnh Tán đến cứu viện, Thư Mẫn ra lệnh cho Na Tô Thái đem quân đến
Man Tảng (蠻顙) phòng ngự nhưng bị
quân Miến đánh tan, không biết tung tích Na Tô Thái ra sao, Thư Mẫn hoảng hốt
lui quân về Ỷ Bang (倚邦).
Tổng binh trấn
Phổ Nhĩ là Đức Bảo (德保) đem binh phòng thủ
sông Cửu Long. Ngày mồng 8 tháng Bảy nhuận, Đức Bảo không thấy tung tích của địch,
chợt nghe Tiểu Mãnh Luân đã thất thủ liền đem tiền bạc dùng để thưởng, các tấm
đoạn giao cho thổ ti tuyên uý Đao Duy Bình (刀維屛) giữ lấy, tính
chuyện chạy trốn.
Về sau thiên tổng
Tô Khởi Văn (蘇起文) phòng thủ tại Cảm
Lãm Bá đến sông Cửu Long báo rằng Cảm Lãm Bá đã mất, Đức Bảo liền cùng ba du
kích là Thích Ca Bảo (釋迦保), Tứ Đạt Sắc (四達色), Đức Thăng (德陞) thương nghị,
bàn nhau để lương thực, khí giới, hoả dược bỏ không ngó đến, ban đêm cưỡi ngựa
ra khỏi doanh sai Đao Thiệu Văn dẫn đi đường nhỏ chạy trốn, binh đinh chạy theo
cũng trốn cả, Đức Bảo vì ngựa trật chân bị què phải xuống chạy bộ chín ngày
đêm, sau cùng chạy về được đến Tư Mao.
Sau khi Đức Bảo
bỏ chạy được 5, 6 ngày thì quân Miến vẫn chưa đến sông Cửu Long. Thế nhưng Đức
Bảo vẫn tâu sằng rằng quân Miến quấy phá Tiểu Mãnh Dưỡng nên y đã đưa quân tiến
lên nghinh địch, canh năm hôm đó, doanh binh nghe thấy tiếng thuyền của quân Miến
trên sông Cửu Long, trong lòng khiếp sợ, quăng hết quân trang khí giới rồi mạnh
ai người ấy chạy trốn. Vì y phải đi kiếm binh đinh nên đã bị lạc lối bị thương,
rút về Tư Mao.[42]
Ngày 26 tháng
Tám, vua Cao Tông theo lời tham tấu của Ngạc Ninh lập tức giáng chỉ bắt Đức Bảo
giải về kinh trị tội.
Tướng quân Minh
Thuỵ đến Vĩnh Xương nhận nhiệm vụ tổng đốc rồi, việc đầu tiên là điều động các
quan văn võ. Chưởng ấn đồng tri phủ Mông Hoá, huyện Côn Minh là Nguỵ Thành Hán
(魏成漢) biện lý các trạm có nhiều sai lầm, điển sử Nhiếp
Tích Phúc (聶錫福) trốn tránh nhiệm vụ
đều bị cách chức. Bổ nhiệm Tích Đức vào chức hữu doanh du kích trấn Phổ Nhĩ, bổ
nhiệm Đạt Phúc vào chức trung quân du kích trấn Lâm Nguyên, thăng Trần Quốc Anh
lên thự thủ bị trung doanh trấn Hạc Lệ, thăng Dương Cảnh Long lên thự thủ bị
doanh Thuận Vân, thăng Bành Diệu Sở lên làm hữu doanh thủ bị trấn Hạc Lệ, thăng
Chu Thế Hùng lên làm hữu doanh thủ bị trấn Chiêu Thông, La Đại Luân thăng lên
làm tả doanh thủ bị đốc tiêu, ngoài ra thủ bị các trấn cũng lục tục điều động.
Minh Thuỵ quyết
định chia quân ra hai đường để chinh thảo Miến Điện; một đường từ Uyển Đính đến
Mộc Bang để tấn công A Ngoã, con đường đó từ đông nam châu Đằng Việt do đích thân
Minh Thuỵ đốc suất, lại ra lệnh cho Châu Lỗ Nột (珠魯訥) làm tham tán đại
thần đem quân đóng giữ Mộc Bang; một đường ra khỏi Hổ Cứ Quan (虎踞關) đến Mãnh Mật để tấn công đồn Lão Quan, đường này
tại tây nam châu Đằng Việt, Minh Thuỵ phái phó đô thống Ngạch Lặc Đăng Ngạch (額勒登額)[43]
cùng với đề đốc Đàm Ngũ Cách đóng ở Mãnh Mật.
Thanh Cao Tông
thấy đề đốc Đàm Ngũ Cách tuy xuất thân là tá lãnh bao y, nhưng chưa từng đánh
trận, trong bụng không biết cách chỉ huy, [300] khó
có thể một mình đảm đương một mặt, phó đô thống Ngạch Lặc Đăng Ngạch đã theo
binh nhung từ lâu, có điều thâm nhiễm “Ô Lạp Tề tạp khí” (烏拉齊習氣),[44]
lòng dạ nhỏ nhen, còn thị lang Ngạch Nhĩ Cảnh Ngạch (額爾景額) xuất thân Mãn
Châu, rất có tài cán nên ra lệnh cho thống lãnh việc điều động.
Còn như thời
gian tiến binh, khi Lý Thời Thăng vào kinh, tra hỏi giải viên Tiêu Nhật Chương
(蕭日章) thì “ngoài biên chướng khí từ tháng Tư đến tháng
Chín thì hết, chướng khí cũng không cùng một dạng, thịnh nhất là vào các tháng
Bảy, Tám, Chín. Ngoài biên gọi khu vực đất bằng là bả tử, nói chung núi sâu rừng
tre rậm nên ít bả tử, chướng khi rất thịnh, trong đó ở núi bả tử khai xưởng ở nơi
đất rộng rãi thì chướng khí ít hơn, chỉ từ tháng Một đến tháng Ba, trong năm
tháng ấy có thể tiến binh theo đường núi cao có gió thổi thì chướng khí ít mà
thôi.”
Thế nhưng vua
Cao Tông thấy đầu mùa thu lại nhằm tháng nhuận, tiết trời mát sớm, chướng khí dễ
tiêu, nếu như chấp vào phài đợi đến hai mùa thu đông giao nhau lúc ấy mới tiến
binh thì phải đợi lâu, mất đi cái đạo “binh
quí thần tốc” nên ra lệnh cho Minh Thuỵ đầu tháng Chín phải tiến quân.
Nhân vì việc điều
động quân từ kinh đô xuống chưa hoàn toàn đầy đủ, Minh Thuỵ chọn ngày 24 tháng
Chín sẽ từ Vĩnh Xương khởi trình. Theo viên thừa biện làm việc ở phòng hồ sơ sự
vụ đi theo Minh Thuỵ xuất chinh là Chu Dụ (周裕) thì hôm ra
quân trời mưa tầm tã, đường núi trơn trượt, người ngựa đều bị ùn tắc, gió mạnh mưa
lạnh, quần áo ướt đẫm, khó mà tiến được một vài thước, xuống ngựa thì không có
đất mà để chân nên đành ngồi trên ngựa qua đêm.[45]
Vì thế đến cuối
tháng Mười mới đến được Mộc Bang, quân Miến khi đó đã bỏ thành chạy rồi, tham
tán đại thần Châu Lỗ Nột đem 4000 đi sau cũng vừa đến, sai quân tra xét hai bên
sơn cốc, thấy quân Miến dùng kế “kiên
bích thanh dã”[46],
thôn trang trong suốt mấy trăm dặm đều đốt sạch cả rồi không còn gì nữa.
Ngày 11 tháng Một
quân Thanh đến được vùng phụ cận đồn Lão Quan, quân Miến đã ở bên bờ sông xây dựng
một luỹ gỗ kiên cố, quân Thanh công phá nhiều ngày, thương vong rất nặng, Ngạch
Nhĩ Cảnh Ngạch bị nhiễm chướng qua đời nên đưa Ngạch Lặc Đăng Ngạch lên làm
tham tán đại thần, Y Trụ làm lãnh đội đại thần.
Minh Thuỵ ra khỏi
Mộc Bang, Liên Khắc Cữu Tiểu (連克臼小), Bồ Tạp (蒲卡) các nơi, trên đường đánh bại các toán phục binh của
Miến Điện, đến ngày 29 tháng Một thì đến được Man Kết (蠻結), 9000 quân Miến
lập 16 toà mộc trại ở các nơi hiểm yếu, lại bày tượng trận.
Quân Miến giỏi về
phòng thủ, các trại dùng gỗ tạp cao hai trượng đan xen với nhau, đắp tường đất,
trong ngoài đều đào hào sâu, bên ngoài hào hai ba mươi bước lại lập luỹ gỗ, cao
chừng 7, 8 thước, ngoài luỹ lại dựng thêm gỗ để phòng ngự. Minh Thuỵ sau khi đến
Man Kết không có địa điểm nào hiểm yếu để giữ nên một mặt đem quân chắn, một mặt
bày trận trong rừng già đề phòng bị tập kích.
Ngày 30 tháng Một,
Minh Thuỵ đóng quân ở giữa để tiếp ứng, ra lệnh cho lãnh đội đại thần Trát Lạp
Phong A (扎拉豐阿), Lý Toàn (李全) chiếm đóng sườn núi phía đông, Quan Âm Bảo (觀音保), Thường Thanh (常青) chiếm đóng sườn
núi phía tây. Giờ Dậu ngày hôm đó, một đội quân Miến từ Mật Lâm xông ra tấn
công bảo Quan Âm, Minh Thuỵ chia quân lên tiếp ứng, kịch chiến đến tận khuya,
quân Miến chết hơn 200 người. Thế nhưng quân Miến có được địa lợi, quân Thanh
nhiều lần khiêu chiến nhưng chỉ giữ vững không ra, Minh Thuỵ sợ rằng hai bên giằng
co lâu ngày, lương hết ngựa mệt nên quyết định sẽ phá phía tây trước.
Ngày mồng 2
tháng Chạp, Minh Thuỵ để hơn 2000 quân giao cho Ngũ Tam Thái, Âm Tế Đồ bày trận
hai bên để yểm trợ, còn bao nhiêu binh đinh lục doanh, Mãn Châu chia thành 12 đội,
Minh Thuỵ đẫn đội chỉ huy còn Trát Lạp Phong A, Lý Toàn lãnh tả tiêu[47]
(quân tuần phòng), [301] Quan
Âm Bảo, Thường Thanh lãnh hữu tiêu, các thị vệ Càn Thanh môn chia nhau ở trong
đó. Hôm đó trời sương mù dày đặc, các đội lẻn đến các nơi hiểm yếu ở Mật Lâm, tấn
công vào các trại gỗ, quân Miến dùng súng lớn, súng nhỏ bắn ra, bọn Minh Thuỵ
xông lên đi hàng đầu, chém giết các con voi, đoản binh đi theo sau, Trát Lạp
Phong A phá được một toà mộc trại trước nhất, Minh Thuỵ, Quan Âm Bảo cũng phá
được một toà nữa.
Khi quân Thanh
tiến lên tấn công toà trại thứ hai thì có đằng bài binh người Quí Châu là Vương
Liên trèo lên luỹ rồi nhảy vào bên trong, giữa hàng trăm quân Miến tung hoành
chém giết hơn một chục tên, sau cùng mở được cửa luỹ, quân Thanh ở ngoài ùa
vào. Đêm đó thành phần mai phục cùng các trại quân Miến đều không đánh mà rút
lui, phá được 16 trại, ấy là chiến thắng lớn ở Man Kết. Chiến dịch đó quân Miến
chết hơn 2000 người, bắt được hơn 200 súc vật, gạo thóc hơn 200 bồ. Về phía
quân Thanh vì luỹ gỗ kiên cố, hoả công không hữu hiệu, quân Miến núp bên trong
luỹ bắn ra, lại nhân địa thế hiểm yếu, đằng bài khó sử dụng nên số người bị chết
rất lớn, mắt phải của Minh Thuỵ cũng bị trúng thương.
Vua Cao Tông
nghe tin báo tiệp, lập tức thăng cho Minh Thuỵ lên nhất đẳng Thành Gia Nghị
Dũng Công (誠嘉毅勇公), thưởng cho dây đai
đỏ và chỏm mũ hồng bảo thạch, bổ phục 4 con rồng hình tròn còn binh đinh Vương
Liên được thăng lên du kích.
Minh Thuỵ lấy được
Man Kết rồi nghỉ ngơi vài ngày sau đó tiến lên Cách Long Sơn (革龍山) [còn gọi là 隔弄], gần bên bến cầu
Thiên Sinh. Nơi đây là một ải nổi danh hiểm trở của Miến Điện, trước đây Cung
Ký Nhạn của Quí Gia từng đem 100 người giữ vững ải khẩu Cách Long Sơn, quân Miến
mấy vạn người bị chặn lại không thể vượt qua được Lôi Trì. Vì Thiên Sinh Kiều ở
ngay giữa Cách Long Sơn, bên dưới là nước chảy xiết, hai bên là vách núi cao
hai, ba nghìn thước, trên đỉnh chỉ có đường nhỏ quằn quèo, chỉ đủ cho một người
đi. Cầu Thiên Sinh trên mặt chỉ là một phiến đá lớn trời sinh, nằm vắt ngang
hai bờ, hai bên thành người ta làm cột gỗ nay đã bị quân Miến phá huỷ, khiến
cho không thể cưỡi ngựa đi qua mà đến đi bộ cũng khó, còn bên bờ kia tại vách
núi quân Miến dựng một luỹ gỗ.
Theo thông sự Mã
Tất Hưng bẩm xưng thì tại phía bắc cách cầu 30 dặm có đường nhỏ có thể vượt qua,
ngày mồng 8 tháng Chạp, Minh Thuỵ liền ra lệnh cho Đạt Hưng A (達興阿) đem 2000 quân tấn công tại chính diện, ra lệnh
cho Mãng Khách Sát Tề Lý Khắc Tề (莽喀察齊里克齊) đem binh đinh
tiền tiêu theo đường nhỏ vòng lên, chiếm
lấy bờ núi phía đối diện, Minh Thuỵ cũng dẫn hơn 2000 quân theo sau vượt qua,
Lý Toàn thì theo đường chính diện qua sông, thế là sau khi toàn bộ quân Thanh
vượt qua được cầu rồi, toàn bộ số quân Miến 1000 người phòng thủ Thiên Sinh Kiều,
thêm 2000 quân từ Man Kết bại trận lui về giữ Tống Trại (宋賽).
Về lộ quân đưa đến
Mãnh Mật vây đánh Lão Quan Đồn đã gần một tháng, ngày giờ kéo dài, thương vong
mỗi lúc một nhiều, Y Trụ bị bệnh thương hàn qua đời, tổng binh Vương Ngọc Đình
chân trái bị trúng thương không trị được. Ngày mồng 9 tháng Chạp Ngạch Lặc Đăng
Ngạch được tin quân Miến toan tập hậu quân Thanh ở Hạn Tháp (旱塔), lập tức tâu
lên rằng “số lương thực các doanh quan binh mang theo trừ số cần dùng hiện còn
tồn không bao nhiêu mà xưởng ở Lão Quan Đồn thì cỏ thuộc loại bình thường, lại
ít ỏi, ngựa và súc vật nuôi của quan binh tạm thời phải chia ra các nơi. Cũng
nghe Mãnh Liên Bá, Tân Nhai đều có giặc, e rằng chúng đến Hạn Tháp, Mã Bác Tử (馬 膊子)
là nơi cổ họng quan yếu. Huống chi Lão Quan Đồn nhỏ hẹp, cây cối rậm rạp, khó
mà dụ địch ra đánh, Hạn Tháp tuy cũng có rừng nhưng so với Lão Quan Đồn thì địa
thế rộng rãi hơn mà cỏ ở đó cũng tốt”.
Vì thế quân
Thanh rút về Hạn Tháp, bề ngoài [302] nói
là để dụ cho địch ra đánh, thực ra cũng chưa sửa soạn đề phòng mai phục khiến
cho quân Miến đi theo đến Hạn Tháp, ở bờ phía nam Tiểu Hà lập luỹ đối trĩ.
Thanh Cao Tông sợ
Minh Thuỵ đưa một đạo quân bông bênh vào sâu trong đất địch nên ra lệnh cho Ngạch
Lặc Đăng Ngạch từ Hãn Tháp, Ba Long đem quân tiến lên, hội hợp với quân của
Minh Thuỵ. Thế nhưng Ngạch Lặc Đăng Ngạch ở Hãn Tháp đang bị quân Miến chế ngự,
không thể tiến lên được.
Ngày 13 tháng Chạp,
ttham tán đại thần Châu Lỗ Nột đóng tại Mộc Bang phái tham tướng Quí Châu là
Vương Đống (王棟) đem 300 quân đến
Tích Bạc (錫箔) xây dựng đài trạm, tổng
binh Sách Trụ (索柱) đem 200 quân đến Tống
Trại sắp đặt đài trạm, thủ bị Quí Châu Quách Cảnh Tiêu (郭景霄) đem 200 quân đến Thiên Sinh Kiều sắp đặt đài trạm.
Ngày 20 tháng Chạp,
Vương Đống đến Tích Bạc, Sách Trụ, Quách Cảnh Tiêu vào ngày 24 đến Bồ Tạp, trên
đường gặp binh đinh mang triệp trở về là bọn Đổng Quân Phụng ba người báo cáo rằng
quan binh tại Man Kết bị quân Miến đến tấn công, giết gần hết. Sách Trụ vôi
vàng đem quân đến cứu, đuổi đến Man Kết thì quân Miến đã rút đi rồi. Bả tổng
Lưu Thành Phương và hơn trăm binh đinh hoặc chết trận, hoặc lạc đi đâu không biết.
Ngày 28, Sách Trụ
quay lại đóng ở cầu Tích Bạc.
Ngày mồng 2
tháng Giêng năm Càn Long 33 (1768), 3000 quân Miến bốn mặt đến tấn công, quân
Thanh bỏ chạy tán loạn, thủ bị Quách Cảnh Tiêu chết trận, Sách Trụ, Vương Đống
chạy được, ngày mồng 4 về đến Thiên Gia Trại. Thiên Gia Trại đất rộng, quân ít,
quân Miếu đuổi theo, lập luỹ gỗ, bọn Sách Trụ theo đường cửa Hồ Lô rút về Mộc
Bang, các binh đinh chạy được chỉ còn hơn 100 tên. Tích Bạc mất rồi, đường báo
tin bằng văn thư của Minh Thuỵ bị cắt đứt. Tri phủ Đại Lý Quách Bằng Xung (郭鵬翀) là văn quan ở Mộc Bang lo việc lương hướng, đồng
tri Trần Nguyên Chấn theo Châu Lỗ Nột biện sự.
Ngày mồng 6
tháng Giêng, tổng binh Hồ Đại Do (胡大猶) về đến Mộc
Bang, báo cáo là quân Miến tới, Châu Lỗ Nột vội vàng đem quân nghinh địch, lòng
người hoảng loạn. Trần Nguyên Chấn mượn cớ bảo hộ ấn tín, bảo hạp, giả truyền lệnh
miệng của Châu Lỗ Nạp ra lệnh cho bả tổng Trương Kiệt (張傑) đem quân hộ tống.
Bọn Quách Bằng Xung thấy Trần Nguyên Chấn ra khỏi doanh đi trốn, cũng một loạt
bỏ chạy, ngày mồng 8 tháng Giêng qua sông Cổn Lộng, ngày mồng 10 về đến Vĩnh
Xương.
Ngày mồng 8
tháng Giêng, tuần phủ Ngạc Ninh nghe tin quân Miến định tấn công đài trạm ở Nhị
Long Sơn, lập tức phái du kích Viên Mộng Lân (袁夢麟), thủ bị Trần
Ngôn Chí (陳言志) đem 800 quân đóng ở
Nhị Long Sơn để cứu viện Mộc Bang nhưng không tiếp ứng. Quân Miến ba đường đến
tấn công nhưng bị đẩy lui. Hạn Tháp cách Mộc Bang không xa, số quân Thanh đến
8, 9000 người, Ngạc Thái mấy lần yêu cầu Ngạch Lặc Đăng Ngạch chia quân theo đường
Lũng Xuyên, Mãnh Mão đến tiếp ứng Mộc Bang, trước sau 7 lần thúc giục nhưng vẫn
diên trì không chịu tiến, vua Cao Tông ra lệnh cho Ngạc Ninh cách chức Ngạch Lặc
Đăng Ngạch bắt giải về kinh trị tội.
Quân Thanh ở Mộc
Bang bị hãm vào thế giữa vòng vây, tướng biện chết trận có tiền phong Hoà Luân,
thự tiền phong Anh Lượng, thủ bị Cung Điện An.
Ngày 18 tháng
Giêng, Châu Lỗ Nột thấy đường nhỏ vòng xuống nam doanh bị cắt đứt nên truyền lệnh
tiễn cho phó tướng Lưu Liên Tiệp (劉連捷) đem doanh binh
quay trở về đại doanh. Đêm hôm đó, quân Miến phá luỹ phía phải của hậu doanh
xông vào đốt doanh trại, binh đinh ai nấy bỏ chạy, bọn Lưu Liên Tiệp chết trận.
Sách Trụ, Vương Đống không biết tung tích ra sao. Canh năm đêm hôm đó, Châu Lỗ
Nột tự cắt cổ chết, người được sai đến quân doanh Miến Điện để nghị hoà là án
sát Dương Trọng Anh (楊重英) và binh đinh Quí
Châu Hứa Nhĩ [303] Công (許爾功) bị bắt đưa về
A Ngoã.
Minh Thuỵ dẫn một
lộ quân đơn thân vào sâu trong đất địch, đến ngày 13 tháng Chạp năm Càn Long 32
thì đến Tống Trại, ngày 17 đến Bang Hợi (邦亥), suốt trên đường
không thấy quân Miến, Minh Thuỵ ra lệnh cho thị vệ Mãng Khắc Sát (莽克察) đem quân đi dò đường, đi 4, 50 dặm đến Tượng Khổng
(còn gọi 寫哄), bị lạc đường, lương
hết ngựa mệt, binh đinh phần nhiều nhiễm bệnh, Minh Thuỵ ra lệnh bắt người vặn
hỏi thì biết rằng thổ ti Mãnh Lung còn nhiều lương thực, nên ngày 19 tháng Chạp
lên đường tiến lên, vừa đánh vừa chạy, đến ngày 21 đến được Mãnh Lung, tìm được
nơi thổ ti chôn dấu lương tổng cộng hơn 2 vạn thạch, đóng binh lại ba ngày rồi
lên đường định đến Mãnh Mật.
Vua Cao Tông ra
lệnh cho đề đốc Đàm Ngũ Cách tuyển chọn binh đinh khoẻ mạnh, dũng cảm đến tiếp ứng
nhưng Đàm Ngũ Cách giữ lại không chịu tiến bèn giáng chỉ cách chức bắt về tra hỏi,
đưa Lập Trụ (立柱) thay làm đề đốc Vân
Nam. Minh Thuỵ không có ngoại viện, trước mặt là quân Miến ngăn trở, thấy Đại
Sơn không xa Mộc Bang nên theo đường Đại Sơn trở về Mộc Bang, trên đường nghe
tin Mộc Bang bị vây nên ngày mồng 10 tháng Giêng năm Càn Long 33 đi về phía Uyển
Đính.
Quân Miến mỗi
ngày chia thành từng đội đến tấn công hậu lộ của Minh Thuỵ. Minh Thuỵ đích thân
suất lãnh đại thần, thị vệ đi sau vừa đánh vừa chạy, giết được vài nghìn quân
Miến.
Ngày 14 tháng
Giêng, tổng binh Lý Toàn tại Man Hoá trúng đạn, mấy ngày sau thì chết. Khi Ngạch
Lặc Đăng Ngạch bị triệu hồi về nội địa, quân Miến liền lẻn vào tiểu Mãnh Dục hết
sức ngăn chặn quân của Minh Thuỵ.
Ngày mồng 7 tháng
Hai, Minh Thuỵ đến Mãnh Liệp, quân Miến đã chặn đường về, trên đỉnh núi xây trại
lớn nhỏ 14 toà, mấy vạn quân Miến vây quanh tất cả những sơn khẩu quan yếu, tất
cả hơn 30 chỗ. Quân Thanh hết đạn, hết lương, trừ quan binh bị thương hay bị bệnh
chỉ còn hơn 5000 người. Minh Thuỵ ra lệnh đem các ngựa yếu, lừa yếu chia cho
quan quân làm lương ăn ba ngày, định ngày mồng 10 tháng Hai sẽ đánh thẳng vào
quân doanh Miến Điện để phá vòng vây tiến về Uyển Đính.
Ngày 11 tháng
Hai, lãnh đội đại thần Trát Lạp Phong A (扎拉豐阿), hộ quân thống
lãnh Quan Âm Bảo đều trúng đạn chết, cánh tay phải của Minh Thuỵ cũng bị
thương, trước ngực trúng đạn, biết rằng không chịu nổi nên ra lệnh cho người
chương kinh đi theo là Song Hỉ (雙喜) dắt ngựa đi ước chừng
4, 5 dặm trong vùng tiểu Mãnh Dục, rồi cắt đứt đuôi sam, tháo đai lưng, cắt
ngón tay giao cho gia nô là Thuận Khắc (順克) đem về tiến
trình vua Cao Tông, còn ấn tín tổng đốc thì giao cho thị vệ tuỳ tòng là Tam Bảo
(三寶) đem về Vĩnh Xương, sau đó Minh Thuỵ tự treo cổ mà
chết. Song Hỉ đem di thể chôn nơi cây cỏ rậm rạp bên cạnh đường để bảng làm dấu.
Khi đó sương mù dầy đặc, đêm tối không biết phương hướng, quân Thanh mạnh ai nấy
chạy, thị vệ Càn Thanh Môn là Nặc Nhĩ Bôn (諾爾奔), Ngũ Tam Thái
(五三泰), Tề Lý Khắc Tề (齊里克齊), Đức Nhĩ Sâm Bảo
(德爾森保), tổng binh Thường Thanh, Cáp Quốc Hưng, Đạt Hưng
A, hành tẩu Quân Cơ Xứ ti viên Phó Hiển, Phùng Quang Thái, đạo viên Nặc Mộc
Thân, Tiền Thụ Nghị trước sau chạy được về Uyển Đính.
Trước khi Minh
Thuỵ tự ải, Ngạch Lặc Đăng Ngạch được Ngạc Ninh 14 lần thúc giục, đến ngày 17
tháng Giêng đi đường nội địa về đến Hổ Cứ Quan, ngày mồng 4 tháng Hai đi vòng đến
Uyển Đính, đường đi đáng lẽ mấy ngày nhưng chậm mất mấy tuần mới đến Uyển Đính nên
không tiếp ứng kịp.
Vua Cao Tông
nghe tin Minh Thuỵ tự ải [304] lập tức
giáng chỉ bắt Ngạch Lặc Đăng Ngạch xích lại giải về kinh, lăng trì xử tử. Cha y
là Vân Đại (雲代), các chú, em, cháu đều
chiếu theo tội đại nghịch chém đầu, Đàm Ngũ Cách cũng bị xử trảm. Cái chết của
Minh Thuỵ khiến vua Cao Tông đau xót không biết là chừng nào.
Chiến dịch đó,
quân Thanh hao binh tổn tướng, thậm chí toàn quân bị tiêu diệt, nguyên nhân chủ
yếu là do ra quân mà chưa điều nghiên, chuẩn bị kỹ càng do vua Cao Tông khinh địch.
Tháng Giêng năm Càn Long 33, Ngạc Ninh đã chỉ ra là Minh Thuỵ quá tự tin, muốn
đánh thẳng vào A Ngoã để cho Miến Điện trở tay không kịp (自顧不暇) nên đưa hết tất cả binh đinh có trong tay, còn đường
Tân Nhai không có quân mà chỉ còn số quân 1500 lưu thủ Sam Mộc Lung (杉木籠), các quan ải khác không có quan binh trú phòng,
Vĩnh Xương chỉ để vài trăm quân để dùng vào việc vận chuyển lương thực.
Khi Minh Thuỵ tiến
quân lúc đầu là hai đường cùng tiến, quân Miến phải lui về giữ A Ngoã. Thế
nhưng đường từ Mãnh Mật đến Lão Quan Đồn bị quân Miến chế ngự nên dần dần phải
lui về nội địa, quân theo đường Mộc Bang một cánh vào sâu chông chênh. Quân
đóng ở Mộc Bang là 4000 người cũng không phải ít, có điều người Miến lắm mưu
nhiều kế, đợi Minh Thuỵ thống binh vào sâu rồi mới tập kích Mộc Bang, Châu Lỗ Nột
tự vẫn, đường bổ cấp của quân Thanh bị gián đoạn, Minh Thuỵ đạn hết không có tiếp
viện. Vĩnh Xương vốn không có quân được đưa tới, muốn phi hịch điều binh nhưng
không thể gấp gáp.
Vua Cao Tông ruột
nóng như lửa đốt, trong triệp của Ngạc Ninh tâu lên đã châu phê như sau: “trẫm
sớm biết chuyện này, năm trước trẫm và các khanh đều thua vì khinh địch”. Ngày
mồng 8 tháng Hai năm đó, vua Cao Tông đã minh phát một thượng dụ bên trong chỉ
ra “ngày Minh Thuỵ nhận chức vụ, trẫm thấy chỉ là một nước man cùng khó, không
cần phải hoảng hốt, chỉ sai thị vệ ba đồ lỗ quan binh trăm người, dùng hai
doanh Kiện Nhuệ, Hoả Khí 3000 người là đủ để dùng cho quân doanh. Không như biền
binh lục doanh tỉnh Điền vì Dương Ứng Cư không giỏi điều khiển nên vốn nhút
nhát thành tính, gặp giặc là rút lui, không thể dùng được nên đã ra lệnh cho cấm
quân các nơi điều bát ngân khoản, xem ra không đủ, ấy là trẫm coi thường người
Miến, chưa suy nghĩ sâu xa cho nên mới dẫn đến mối hoạ vậy”.
Cái chết của
Minh Thuỵ khiến vua Cao Tông thấy mình rất sai lầm. Quân ở kinh đô tuy nói là rất
dũng cảm, Minh Thuỵ lại giỏi dùng mưu nhưng ngoài biên cương chướng khí rất nặng,
quan binh người Mãn Châu thuỷ thổ không hợp, phần nhiều bị bệnh mà chết. Quân
Miến tuy không dũng mãnh như quân ở kinh đô nhưng quen thuộc đường đi, ở núi
cao rừng sâu không khác gì đất bằng vì thế họ có thể lấy nhàn rỗi chống mệt nhọc.
Bả tổng thổ ti Cảnh
Mã Hãn Triều Ky (罕朝璣) khai rằng: “Chúng
tôi ở quân doanh thấy bên giặc không dám tiếp chiến nơi đất bằng, chỉ đợi khi
nào đại quân đi vào đường hẹp giữa hai ngọn núi hay nơi sườn núi hiểm trở, khó
đi thì mới ra chặn lại, dự bị sẵn súng ống để chờ, đợi quân ta từ dưới đánh lên
đến khi mỏi mệt thì mới xông ra. Những đầu mục chỉ huy của người Miến đều mặc
áo đỏ, quân lính thì mặc áo xanh, phía sau mỗi đội có người mang lương thực đi
theo, tổng cộng số giặc rất đông nhưng đánh trận lại rất nhẹ nhàng, tiện lợi,
mà lương thực cũng không bị thiếu”.
Về phương diện
võ khí hai bên nếu so sánh, tuy Liệp Nhung Miêu Ôn (獵戎苖溫) từng ca tụng
là “quân thiên triều cưỡi ngựa xỏ mũi, bắn tên rất lợi hại, dũng mãnh vây quanh
thật đáng sợ”, người dân Sở Hùng (楚雄) Hà Sĩ Thuận (何士順) bị bắt đến Miến Điện từng nói “nghe truyền thuyết
đại binh người Miến Điện dùng hoả [305] tiễn
rất là lợi hại, khi tên lửa bắn tới, người chạy nhanh thì tên cũng đến nhanh,
người chạy chậm thì tên cũng đến chậm, mọi người nghe thấy ai cũng sợ”.
Võ khí người Miến
dùng cũng ưu việt, Hãn Triều Ky nói là “người Miến hay dùng phi tiêu, đoản đao,
súng lớn nhỏ, lại có nhiều địa lôi, chôn ở trên đường đi, trên dùng cành cây
che lại, lấp đất lên trên, người ngựa đạp lên lập tức phát hoả nổ tung thiêu đốt”.
Phi tiêu không phải là ghê gớm nhưng “súng lớn nhỏ nghe nói do người Tây Dương
chế tạo, súng nhỏ đều đánh lửa tự động, pháo lớn có khẩu nặng đến 5, 60 lượng,
đạn chì nặng 5, 6 tiền trở lên”.[48]
Nói tóm lại, võ
khí quân Thanh không bằng được võ khí người Miến Điện.
[306] CHƯƠNG 6
Chiến dịch chinh Miến lần thứ tư của Phó Hằng (傅恒)
Phó Hằng
Sau khi Minh Thuỵ
tử trận, vua Cao Tông lập tức cho đại học sĩ Trung Dũng Công Phó Hằng làm kinh
lược, A Lý Cổn (阿里袞), A Quế (阿桂) đều là phó tướng quân, Thư Hách Đức (舒赫德) làm tham tán đại thần, chức vụ tổng đốc Vân Quí
hiện khuyết thì do Ngạc Ninh (鄂寧) đảm nhận, Minh Đức (明德) được bổ nhiệm làm tuần phủ Vân Nam.
Lại ra lệnh cho
bộ Hộ yêu cầu các tỉnh hợp lực điều bát 200 vạn lạng bạc đưa tới tỉnh Điền để
chuẩn bị sử dụng đồng thời phái thêm binh Mãn Châu ở Bắc Kinh 6000 quân, 1000
quân Sách Luân (索倫)[49],
340 quân Ách Lỗ Đặc (厄魯特)[50],
4000 quân Mãn Châu trú phòng ở hai nơi Kinh Châu, Tứ Xuyên, 9000 quân Quí Châu,
sau lại tăng điều 4500 quân Hoả Khí doanh, 2500 quân Kiện Nhuệ doanh, chuẩn bị
một cuộc đại chinh phạt.
Ngày mồng 6
tháng Tư năm Càn Long 33, Thư Hách Đức đến tỉnh thành Vân Nam cùng Ngạc Ninh
bàn qua tính lại thấy chuyện quân vụ Miến Điện quả là khó mà lo liệu, lại thêm
tỉnh Điền nhiều núi xa xôi, không phải là nơi bốn bề đều có thể thông được, việc
trù biện không phải dễ.
Nếu cứ tính tổng
cộng quân Mãn Hán 4 vạn người, ngựa cần 10 vạn con, nếu cứ tính các tỉnh theo số
liệu mà đưa đến, đường sá xa xôi, thuỷ thổ khác biệt, ngựa tới nơi e rằng không
còn mấy con là dùng được. Huống chi tỉnh Điền núi non nhiều nơi hoang vu trơ trụi,
nếu nơi nào có cỏ thì cũng nhỏ bé không đủ để nuôi ngựa, còn như dùng cỏ khô, đến
10 vạn con ngựa, mỗi ngày cần đến hơn 100 vạn cân, chỉ một vùng Vĩnh Xương phải
lo liệu thật rất khó; còn tính toán việc chuẩn bị lương thực cho lính, mỗi ngày
là 400 thạch gạo, tính ra mười tháng, gạo cần dùng là 12 vạn thạch, Vĩnh Xương
vốn không có cỏ, nếu lấy gạo thay vào, ngựa 10 vạn con, mỗi con một thăng, một
ngày gạo cần dùng là 1000 thạch, cứ tính 10 tháng, gạo cần là 30 vạn thạch, mà
tính cứ ba người phu vận chuyển 1 thạch gạo, dùng phu hơn 100 vạn người, đường
xa 2, 30 trạm, đi về chuyển vận, trên đường không dưới 3, 40 vạn người. Đến
Vĩnh Xương có hai đường, một đường từ Hổ Cứ Quan ở Đằng Việt, một đường do Uyển
Đính, cả hai núi cao đường hẹp, hai người không thể đi song song, mỗi đường vài
vạn người kéo dài đến hơn vài chục dặm, người đi trước đến rồi thì người ở sau
chưa bắt đầu đi, đầu đuôi không giúp đỡ được nhau.
Bên ngoài Vĩnh
Xương, Lộ Giang (潞江), bên ngoài Đằng Việt,
Nam Miến đều thuộc địa phương của thổ ti, dùng binh nhiều năm liên tiếp, người
di chạy trốn hết cả, quân trang lương thực không thể kiếm ra phu phen, còn dân
chúng nội địa trong lòng không thích, nếu bức bách phải đi thì giữa đường cũng
sẽ trốn hết; bên ngoài Vĩnh Xương 100 dặm thì đến Lộ Giang, yên chướng thêm dần,
còn các thổ ti địa phương khác, cũng đều có chướng khí, mỗi năm các tháng mùa
đông thì hơi giảm, đến tháng Giêng lại nổi lên, trong một năm thời gian không
có chướng rất ít, bên ngoài biên tháng đông tuy không có chướng lệ nhưng nước lạnh,
đất ướt, rất dễ bị sốt rét mà đất đai hiểm trở dị thường, người Miến cũng không
khác gì chó thỏ, lên núi xuống rừng như chạy trên đất bằng, nơi nào quân ta có
chỗ thi triển được thì người Miến trốn lánh không còn tung tích, đến như binh
không thành hàng lối, ngựa không thể cùng đi [307], thoắt hiện thoắt ẩn, quân
ta không thể nào dụng võ, đến khi vào sâu, dẫu binh tướng vẫn còn tinh tráng
thì ngựa đi mấy tháng nơi hiểm trở, quá nửa mệt mỏi vô dụng, chinh tiễu Miến Điện
thật không có cách nào thắng được.[51]
Nhân đó, bọn Thư
Hách Đức bàn rằng nên tạm ngừng việc can qua với Miến Điện, ra lệnh cho Tiền Độ
(錢度), Cáp Quốc Hưng (哈國興) kín đáo chiêu
hàng. Thế nhưng vua Cao Tông nghiêm sức cho Thư Hách Đức khi đề cập đến người Miến
có câu “thuộc loại vô sỉ, vượt ngoài dự liệu, Miến phỉ mấy lần chống cự nhất định
phải kể tội đánh dẹp mới xong”, “hoang đường vô sỉ, đáng khinh đáng gớm”, “nếu
chúng chưa đến cầu xin, mà đã có ý trước, thì các triều hèn yếu Tống, Minh trước
đây cũng không thèm làm, còn như ta nước đang lúc toàn thịnh, các ngươi đưa cái
kế tự mình khinh mình, để người khinh mình hay sao?” Nói tóm lại, việc chinh thảo
Miến Điện không thể giữa chừng mà ngừng lại được.
Về phía Miến Điện,
hi vọng hai nướcTrung Miến đều bãi binh, theo lệ cũ buôn bán qua lại nên viết một
văn thư bằng chữ bồ diệp của Miến, ngày 14 tháng Tư sai binh đinh bị bắt là bọn
Hứa Nhĩ Công, Dương Thanh tám người từ A Ngoã khởi hành, phái người hộ tống, đến
ngày 14 tháng Năm về đến Long Lăng.
Tờ thư mang theo
là thư nguyên văn của vua Miến gửi tướng quân Thanh triều, phụ thêm bản Hán văn
do Dương Trọng Anh dịch, cùng bẩm văn tiếng Mãn, tiếng Hán của Dương Trọng Anh.
Miến Điện tuy muốn
bãi binh giảng hoà nhưng vua Cao Tông cho rằng nếu như vua Miến có ý hối tội
xin hàng thì phải “trói mình nghe lệnh” (束身歸命), hoặc sai đại
đầu mục đem biểu đến, có thế mới chước lượng mà thay mặt tâu lên, nay lại đưa
binh lính bị bắt của nội địa đem văn đệ lên, thực không còn ra thể thống gì nên
để giữ thể chế triều đình Trung Hoa, cứ để vậy không trả lời.
Sau tháng Sáu
năm đó, phía Miến Điện mấy lần sai người đến Mãnh Cổ các nơi thám thính tin tức.
Nột Nhĩ Tháp (訥爾塔) của Miến Điện củng gửi
thư cho tuỳ chính quan ở bên ngoài Hổ Cứ Quan, ra lệnh cho thông tin với thiên
triều “nếu thiên triều đồng ý thì hai bên chúng ta đều tốt đẹp, còn như thiên
triều cố chấp không chịu, nếu muốn đánh nhau, chúng tôi cũng chẳng sợ gì, các
ông hai đàng muốn tốt muốn xấu thế nào, bằng lòng hay không bằng lòng, thì hãy
viết thư gửi cho người của chúng tôi đem về”.
Nói trắng ra, Miến
Điện tuy muốn bãi binh nhưng thái độ cứng rắn, không có ý tiến biểu nạp cống,
Miêu Ôn (苖溫) ở Lạp Tuất (臘戌) còn nói là “nếu như bằng lòng cho y giảng hoà thì
không thêm quân, nếu như không bằng lòng cho y giảng hoà, muốn tiến quân đánh
nhau, một khi nghe tin đó, chỉ trong bảy ngày đêm thì viện binh sẽ từ A Ngoã đến
Lạp Tuất.[52]
Miêu Ôn ở Mộc
Bang lại trước sau gửi thư cho an phủ ti Mang Thị (芒巿), Già Phóng (遮放) và tướng lãnh Thanh triều, đều bằng chữ Miến viết
trên lá gồi (棕葉), qua Quân Cơ Xứ dịch
thành chữ Hán, nội dung cũng tương tự như thế.
Đến như nội dung
tiếng Miến của một tướng quân trong đó tự xưng là “từ một nghìn một trăm mười một
năm trước, mười hai xứ thổ ti sông Cửu Long đều thuộc về ta cả, có quan người
Hán một người là Nhị Tô Dã (二蘇野), một người là Đốn Đại
Dã (頓大野) đem chữ đến cho
chúng ta trong đó nói hai nước nhập thành một nước, hai khối vàng thành một khối,
thành một con đường vàng, đường bạc, hai nước tốt đẹp, bách tính buôn bán qua lại,
đều có lợi ích, hai bên đều có tiền có lương thực. Các ngươi là quan Vĩnh Xương
quản lý biên giới hai nước, không được phạm vào vương pháp, ngươi lo việc quản
lý bách tính thì làm sao cho dân chúng được vui vẻ, thiên triều đại hoàng đế của
thiên triều các ngươi, điện vàng vương tử của nước ta hai bên đều lòng vàng vui
vẻ, tương thân tương ái sống hoà hảo, như vậy mới hay. Trước đây vì kẻ ở trung
gian dèm pha [308] nên mới động binh động mã, hai nước đánh nhau,
dân nghèo trăm họ không đáng chết cũng phải chết, hai nước chúng ta nên biết lệ
cũ đời xưa nên hãy theo như thế mà hoà hảo như cũ”.
Nói khác đi, Miến
Điện cho rằng 13 bản nạp ở sông Cửu Long là thuộc địa của họ, tuy muốn tái lập
tình hữu nghị ngày trước nhưng hai nước không được phạm biên giới của nhau. Còn
như 8 thổ ti thuộc Già Phóng thì trong văn bản tiếng Miến cũng minh bạch chỉ ra
rằng “chúng ta hai nước vốn hoà hảo như chung một nước nhưng vì trước đây người
Bãi Di tại trung gian xúi giục nên gây ra chuyện”. Lại viết:
Như nay có thổ
ti Mộc Bang cùng với các đầu mục, dân chúng không giữ phép tắc của vua nước
tôi, quay sang cùng với 8 thổ ti của thiên triều bỏ đi, vương tử chúng tôi đã
có lời chiêu hồi các người Bãi Di, Dưỡng Tử, Ba Long, Tạp Ngoã, tất cả đều đã
được an tháp chia ruộng đất trồng trọt, các ngươi 8 thổ ti với ta nhân vì có kẻ
ở giữa xúc xiểm đặt chuyện, làm choba1ch tính địa phương đều bị tan nát, cả hai
bên đều tức giận, làm sao có thể để hai bên bớt xuống, để những người của chúng
tôi tại đất của 8 thổ ti kia đưa trả lại thì mới gọi là tốt đẹp. Còn như nếu giữ
lại tại địa phương các người, thật không hợp lý, e rằng sau này đem binh tới để
đòi những người này, thiên triều đại hoàng đế của các ngươi sẽ lại tức giận. Vì
thế ta đã sai người đem văn thư đến vùng 8 thổ ti, đòi các ngươi 8 thổ ti đi
tìm người của Mộc Bang chúng tôi trả lại thì tốt, mà có trả lại đất đai nào do
thiên triều cai quản, chúng tôi cũng không màng đến.[53]
Đứng về phía
Thanh triều, Ba Long, Tạp Ngoã đã nội thuộc từ lâu, ghi trong bản đồ, các thổ
ti vốn đã thành thực quay về, không thể trả lại được, vấn đề then chốt trong
xung đột Trung Miến chưa thể giải quyết, đầu mối của tranh chấp vẫn còn. Thái độ
của vua Cao Tông càng thêm cứng rắn “một năm không xong, thì thêm một năm nữa,
tự nhiên bọn giặc khiếp sợ binh uy, thế cùng cũng phải thần phục” nên trong hịch
dụ gửi lão quan đồn Nột Nhĩ Tháp mắng mỏ vua Miến là “không biết trời cao đất
dày, miệng lưỡi láo lếu, thật không khác gì chó sủa”.
Ngày 21 tháng Bảy
năm Càn Long 33, nhân người dân ở cửa Đồng Bích là Trương Văn Liên (張文連) từ A Ngoã trốn về được, mang theo được thủ bị
Trình Triệt Đầu (程轍投) là quân Thanh bị người
Miến bắt trình cho phó tướng A Lý Cổn một bẩm văn và một bản đồ Miến Điện, ngày
mồng 8 tháng Chín thì quay trở về nội địa. Nguyên bẩm tóm lược là phía nam Miến
Điện Bạch Cổ (白古), phía tây thành Mộc
Sơ (木梳) bên ngoài Long Giang
là Kết Ta (結些) và Xiêm La là hai xứ
vẫn thường thù ghét chém giết với Miến Điện nên có nguy cơ nội hống (xung đột nội
bộ), ấy là cơ hội có thể khai thác được.
Có điều người Miến
xảo trá, nên lập tức thuận cho họ quay về nhưng ở các cửa quan, ải khẩu phải
thêm quân phòng bị nghiêm nhặt. Đại binh tiễu trừ có thể chia thành 4 đường: Một
theo núi Lạt Tử (辣子) Phổ Nhĩ qua lấy Phổ
Cán (普幹), Dạng Cống (漾貢) hội hợp với quân Xiêm La; một do Kiết Cưu (戞鳩), Mãnh Củng (猛拱) hội hợp với
quân Kết Ta; một do Mộc Bang, Lạc Trác (落卓); một do Lão
Quan Đồn tiến quân.
A Quế tâu trở lại
nói là Lạc Trác, Kiết Cưu tiến thu có lợi hơn, nếu như đại binh muốn hội hợp với
Xiêm La thì phải vượt qua đất Miến, không những cách bức là hải dương, mà kỳ hội
hợp phải mấy tháng sau, không thể cứ hẹn kỳ là đến được, mà việc cùng Xiêm La
bàn luận cũng phải bỏ.
Thanh Cao Tông
thấy Miến vương [309] đã lâu mà không có ý hối tội xin hàng, không thể
bỏ qua nên quyết tâm tập trung một lực lượng lớn để dẹp yên nơi hoang phục,
giáng chỉ lại tiếp tục điều động binh đinh các doanh Sách Luân, Đạt Hô Nhĩ,
Tích Bá, Cát Lâm, thuỷ sư Phúc Kiến và Ngoã Tự Tạp Cốc ở Tứ Xuyên chia ra chạy
đến Vân Nam quân doanh đợi lệnh, điều khiển thuỷ sư đề đốc Diệp Tương Đức (葉相德) đến để thống suất binh đinh thuỷ sư, lại phái thự
phó đô ngự sử Phó Hiển (傅顯), hộ quân thống lãnh
Ô Tam Thái (烏三泰) đưa thợ mộc từ Hồ Quảng
đến Vân Nam để trông coi việc đóng thuyền. Các loại súng hiện có như xung thiên
pháo, cửu tiết đồng pháo, hoả tiễn, hoả quán (火罐) đều do bộ Công
cho người vận chuyển đến để sử dụng, lại nhân thuốc “a nguỵ” (阿魏)[54]
có thể giải trừ chướng độc nên giáng chỉ cho tổng đốc Lưỡng Quảng tìm mua của
người Đa Gia (多加), các loại chiến tiễn mà bộ Binh thu được của
các vương công đại thần, tổng cộng hơn 38 vạn mũi tên được chở đến chia ra cấp
cho các binh lính Sách Luân sử dụng.
Tháng Mười năm
đó, vua Miến cùng thổ ti Thiệu Mãnh (召猛) đích thân đến
vùng A Ngoã niệm chú lập thệ không phản bội đầu hàng thiên triều.
Ngày 30 tháng Một,
A Quế đến Vĩnh Xương.
Tháng Giêng năm
Càn Long 34, Minh Đức được bổ nhiệm làm tổng đốc Vân Quí. Khách Ninh A (喀寧阿) được bổ nhiệm làm tuần phủ Vân Nam.
Kinh lược Phó Hằng
(傅恒) trước đây từng đi chinh thảo Kim Xuyên đã được
vua Cao Tông thưởng cho cờ tiết mao Cát Nhĩ Đan (吉爾丹纛), lần này lại
được cử đi. Bộ Lễ gửi văn thư cho Khâm Thiên Giám chọn giờ Mão ngày 18 tháng
Hai cử hành đại điển lễ ban sắc ấn tại điện Thái Hoà, do nội các đại học sĩ
giao cho.
Ngày 21 tháng
Hai, Phó Hằng khởi hành đi Vân Nam, ngày 24 tháng Ba đến tỉnh thành, cùng A Lý
Cổn, A Quế trù tính việc quân. Vì Lão Quan Đồn là yết hầu đường bộ cũng như đường
thuỷ của Miến Điện nên đóng thuyền ở trên thượng du khu vực Man Mộ, Kiết Cưu.
Về đường tiến
quân, một đường do tây ngạn sông Kiết Cưu đi đến Mãnh Cũng, Mãnh Dưỡng đánh thẳng
vào Mộc Sơ, một đường do thuỷ lộ, ra lệnh cho thuỷ sư Phúc Kiến theo chiều nước
đi xuống, sai một chi ở phía đông dòng sông là Mãnh Mật tuỳ cơ mà tiến đánh khiến
cho Lão Quan Đồn đằng trước đằng sau đều thụ địch. Mấy chiến dịch trước vì cố
tránh chướng khí nên sau tháng Chín mới tiến binh, do đó quân Miến đã đoán trước
được mà dự phòng, nay ra quân bất ngờ. Cung tiễn không phải là sở trường của Lục
Doanh nên tất cả giao cho quân Sách Luân sử dụng, còn Lục Doanh phần lớn mang
súng điểu thương, đằng bài, đao mâu, tiện cho đoản binh khi chạm địch hay công
phá luỹ thành bằng gỗ. Lại sức cho chế tạo búa nặng ba cân.
Ngày 19 tháng
Năm, đề đốc Cáp Quốc Hưng thấy bên ngoài Đồng Bích quan là Dã Ngưu Bá (野牛壩) cây cối rất nhiều, trong đó có hai loại trú nam (晝楠) và dạ hoè (夜槐) dùng đóng thuyền
rất tốt, trời đang mát mẻ, tật bệnh không sinh nên đã tập trung thợ mộc làm gấp.
Trước khi tiến binh, Phó Hằng đã mật dụ cho thị vệ trú đóng ở Lũng Xuyên là Phú
Sâm Bố (富森布) tuyển người Bãi Di
đưa đến Lão Quan Đồn, Tân Nhai để trinh sát tình hình Miến Điện.
Theo như người
Bãi Di là Kim Áo (金襖) báo cáo thì “Tân
Nhai hiện nay không có trại nhưng có một, hai chục chiếc thuyền của giặc đậu ở bến
phía bên kia”. Bọn A Trại (阿賽) khai: “Trại lớn của
Nột Nhĩ Tháp ở Lão Quan Đồn tổng cộng có 3000 binh sĩ, phía tây ngạn của sông
có hai trại của quân Miến từ A Ngoã đến và người Đắc Lăng ước chừng hơn 3000
người, hợp với Trản Lạp Ky đem theo 3000 binh, tổng cộng chừng 8, 9000 cả thảy”.
Người đứng đầu
Mãnh Liên là Tuyến Quan Mãnh (線官猛) cũng khai: “Một trại
mới lập ở Lão Quan Đồn trong ngoài ba lớp, bốn cửa, bố trí pháo đài; tháng Ba
năm nay, đem 4 khẩu đại pháo từ A Ngoã đến trại, các loại súng lớn súng nhỏ
cũng lục tục mang đến rất nhiều, giữ trại ước chừng cả thảy là 500 binh sĩ”.
[310] Ngày 15 tháng Bảy năm
Càn Long 34 (1769), đề đốc Cáp Quốc Hưng đầu tiên thống lãnh binh đinh đến Kiết
Cưu. Khi đó, kinh binh (lính từ kinh đô) đến Vân Nam là 1000 người, sách luân
binh là 2000 người, Cát Lâm binh là 500 người, Ách Lỗ Đặc 300 người, Quí Châu
binh là 2000 người, tổng cộng tất cả là 5800 người trong đó dùng 1100 người để
thiết lập và giữ các đài trạm.
Ngày 20 tháng Bảy,
Phó Hằng thống suất 4700 người từ Đằng Việt khởi hành tiến về phía Kiết Cưu, A
Lý Cổn, A Quế cùng đến Dã Ngưu Bá lo việc đóng thuyền.
Ngày 28 tháng Bảy,
Diệp Tương Đức đến Đằng Việt, trước hết tuyển từ những người thuỷ binh 100
lính, sai du kích Hoàng Hải (黄海) đưa đến Kiết Cưu để
sử dụng.
Ngày 29 tháng Bảy,
Phó Hằng đến Nam Để Bá (南底壩), theo lối Hạ Bính (賀丙) chuẩn bị thuyền để qua sông. Ngày mồng 2 tháng
Tám đến Nam Bạng (南蚌), ngày mồng 4 đến Kiết
Cưu, quân Miến khi đó đã rút đi trước rồi, để lại một toà trại gỗ, chu vi khoảng
một dặm, đầu mục Mãnh Củng là Thoát Mãnh Điểu Mãnh (脫猛鳥猛) đưa mọi người
tới yết kiến, lại chuẩn bị thuyền bè để qua sông Doãn Mạo (允帽).
Bọn Phó Hằng trước
đây bàn định sẽ ba đường cùng tiến, A Quế theo phía đông đường thượng du sông Y
Lạc Ngoã Để (伊洛瓦底) tiến quân, Phó Hằng
theo đường tây ngạn tiến lên, A Lý Cổn theo thuỷ lộ tiến lên, trong đó lúc đầu
đoàn quân của Phó Hằng là 9300 người thế nhưng đến đầu tháng Tám vừa đến Kiết
Cưu thì số binh sĩ thực sự chỉ còn 8000 người.
Về phần Miến Điện
trước đã dò thám biết được tin tức tiến binh của quân Thanh, Nột Nhĩ Tháp ở Lão
Quan Đồn gửi thư cho A Quế ước định thời gian hai bên sẽ đánh.
Ngày 28 tháng
Tám, Phó Hằng đến Mãnh Củng rồi, vợ chồng thổ ti Hỗn Giác (渾覺) được đầu mục Hưng Đường Trát (興堂扎) đưa đến quân doanh xin đầu phục, dâng lên voi lớn,
ngà voi, các loại rau quả.
Ngày mồng 8
tháng Chín, thuỷ sư du kích Hoàng Hải đem hơn 80 người ở Kiết Cưu hạ thuyền đi
xuống, ngày 11 đến Tống Mãnh bị Miến binh đánh bại, Hoàng Hải trúng đạn chết, số
còn lại nếu không chết trận thì bị địch bắt, không một người nào về được.
Ngày 14 tháng
Chín, A Quế phái 4000 quân đóng tại Man Mộ, ngày 16, Phó Hằng đến Mãnh Dưỡng,
ngày 18 khởi trình đi qua Nam Động Can (南洞干), Bạng Bản Nhã
(蚌板雅), Mãnh Bạt (猛拔), Cáp Khảm (哈坎) các xứ, trên đường không gặp nơi nào kháng cự mạnh,
có điều đường đi lầy lội, lừa ngựa thỉnh thoảng lại rơi xuống hố không ra được
chỉ đành bỏ lại mà đi, số súc vật ngã chết rất nhiều.
Ngày mồng 1
tháng Mười, Phó Hằng đến tây ngạn Tân Nhai lập doanh, A Quế trước đã theo đường
đông ngạn lập doanh, người Miến cũng đã sai người Trản Thập Ky đem hơn 100 chiếc
thuyền đến cứu viện. Khi đó, theo lời tâu của Minh Đức thì ở Tân Nhai tổng số
quân Thanh là hơn hai vạn người, thế nhưng theo lời tâu của Phó Hằng trừ số người
lưu trú ở Mãnh Dưỡng các nơi ra khoảng chừng hơn 2000 người, A Quế đưa đi chỉ
có 4400 người, lưu lại Hạn Tháp làm đội dự bị 4000 người, ở Dã Ngưu Bá, Man Mộ
đóng thuyền 5000 người, quân thuỷ đã đến là 600 người, tổng cộng tính ra số thực
khoảng chừng 16000 người.
Quân Miến mỗi
ngày ở trên sông xa xa đối diện với đại doanh quân Thanh bắn qua, đêm mồng 8
tháng Mười, lén theo đường sông và hai bên tả hữu lập một luỹ bằng gỗ, Phó Hằng
lập tức ra lệnh cho A Quế chuẩn bị phía bờ đông, A Lý Cổn, Y Lặc Đồ chuẩn bị tại
bờ tây, định kỳ giáp công. Thế nhưng vào ngày mồng 10, hơn 30 chiếc thuyền của
quân Miến đã đến tấn công đại doanh quân Thanh ở đông ngạn với ý định chiếm lấy
bờ nước, Phó Hằng lập tức sai thị vệ A Nhĩ Tô Na (阿爾蘇那) đem hơn 100
quân Cát Lâm, tổng binh Y Xương A (伊昌阿) đem quân Kiện
Nhuệ doanh và lục [311] kỳ
pháo thủ 150 người, Diệp Tương Đức đem quân thuỷ 500 người, Ba Giải Nhân Hoà (巴獬仁和) đem 300 quân hoả khí doanh, Ngạch Sâm (額森) đem quân Mãn Châu, Tích Bá, Cát Lâm, Ách Lỗ Đặc
200 người chia thành đội nghinh địch, hết sức hợp công, thương pháo cùng bắn,
chiếm được bờ sông, đánh chìm vài chiếc thuyền, giết được 500 quân Miến, chiếm
được ba toà mộc trại.
A Lý Cổn, Y Lặc
Đồ ở tây ngạn cũng đồng thời tiếp ứng, lãnh đội đại thần Sách Nặc (索諾), Sách Linh (策零), Minh Lượng (明亮) đưa các đội binh đinh từ trong các bụi cỏ lau trước
sau tấn công, phá được ba toà mộc trại, giết được hơn 50 quân Miến, quân Miến
Điện phải lui về giữ Lão Quan Đồn, rồi [quân Thanh] lấy lại Tân Nhai.[55]
Ngày 16 tháng Mười,
số thuyền quân Thanh ở Man Mộ đã đóng được đem xuống Tân Nhai. Ngày 18, bắt đầu
tấn công Lão Quan Đồn. Khi đó, tổng số quân Thanh theo lời khai của Cáp Quốc
Hưng thì chừng 1 vạn 5, 6 nghìn người. Lão Quan Đồn ở đông ngạn sông Y Lạc Ngoã
Để, bắc đến Mãnh Củng, nam đến A Ngoã, đông thông Mãnh Mật, là một ải quan yếu
về giao thông cả thuỷ lẫn bộ của Miến Điện. Quân Thanh cả hai mặt thuỷ lục cùng
tiến.
Ngày 22 tháng Mười,
quân Thanh chia hai cánh tả hữu theo hai bên bờ sông lên vây đại trại Lão Quan
Đồn, Phó Hằng ở giữa điều binh, Cáp Quốc Hưng đem quân đến thẳng mặt phía đông
phá huỷ luỹ gỗ, quân Miến ở phía tây lập tức đến cứu viện, thuyền của quân Miến
đậu ở giữa sông thừa thế xông ra, quân Thanh phải lùi lại. Khi đó quân Miến mới
dựng được năm luỹ gỗ, cây đóng ngang dọc, chôn rất chắc chắn, khó có thể lấy được,
hoả lực quân Miến lại rất mạnh, quân Thanh mấy lần tấn công đều bị đẩy lui.
Ngày 25 tháng Mười,
Phó Hằng ra lệnh cho phục binh ở chỗ hẻo lánh, từ bên ngoài hào nước đào vào để
cho cột lỏng ra. Quân Miến ban đêm từ trong trại đột nhiên xông ra tấn công
quân Thanh, quân Thanh tuy đánh trận dũng cảm nhưng chết trận đã nhiều, lại do
thuỷ thổ ác liệt, người nhiễm chướng bệnh càng lúc càng nhiều, Phó Hiển là con
Phó Hằng cũng nhiễm bệnh chết ở Dã Ngưu Bá. Sau đó, tổng binh Ngô Sĩ Thắng, phó
tướng A Lý Cổn, thuỷ sư đề đốc Diệp Tương Đức cũng kế tiếp nhau bệnh chết cả.
Kinh lược Phó Hằng vì bị ngày đêm vây đánh, lâu dần cũng thành tật, bị bệnh bài tiết mỗi lúc một nặng,
Khuê Lâm (奎林), Ngạc Ni Tế Nhĩ Cát Lặc (鄂呢濟爾噶勒) cũng bị trọng thương, tổng binh Đức Phúc chết
trận.
Vương Sưởng (王昶) trong Chinh Miến Kỷ Lược (征緬紀略) nêu ra khó khăn trong việc tấn công Lão Quan Đồn
như sau: “Bắn Uy Viễn đại pháo, súng nặng 3000 cân, đạn hơn 30 cân, tiếng nổ
như sấm, gặp gỗ thì phá thành lỗ mà xuyên qua nhưng luỹ không đổ. Nếu gom củi
mà đốt thì trên sông từ canh tư trở đi sương mù dày đặc như mưa đến giờ Tị mới
hết, gỗ dựng luỹ đều ướt đẫm, lửa không bén được.
Lại dùng da thuộc
bện thành thừng buộc móc câu lớn ném vào đầu luỹ, dùng hàng trăm người kéo, sức
căng làm dây đứt. Tổng binh Mã Bưu (馬彪) đào hầm đưa
thuốc nổ vào, sâu đến vài mươi trượng, nổ vạt đi có thể chui qua nhưng không huỷ
được”.
Thế công của
quân Thanh chậm dần, từ thế công chuyển sang thế thủ, rồi càng ngày càng bị hãm
trong vòng vây của quân Miến. Phó Hằng sợ phụ lòng uỷ nhiệm, tâu xin trị tội.
Vua Cao tông xem xét những vùng mà đại binh đã đi qua, thuỷ thổ ác liệt, trong
quân phần nhiều bệnh tật, thế không thể ở lâu, dẫu có công phá được Lão Quan Đồn
thì cũng khó mà đưa quân thọc sâu xuống.
Quân Bát Kỳ mạnh
nhưng không dùng được trong chiến trận mà lại nếm mùi chướng lệ độc hại, sự thế
không thể nào làm gì được. Tuy đã thu phục được Mãnh Củng, Mãnh Dưỡng nhưng một
trận Tân Nhai cũng làm giảm mũi nhọn rất nhiều, đủ để thấm đòn nên vua Cao Tông
giáng chỉ triệt binh, nếu như [312] Miến
Điện muốn cầu hoà thì hai nước Trung Miến sẽ đồng ý bãi binh.
Các sử gia Tây
phương viết là trận Lão Quan Đồn quân Thanh hoàn toàn thất bại, chỉ một mình A
Quế chạy được về, Phó Hằng gửi thư cho thống soái Miến Điện Mã Cáp Tây Cáp Tô Lạp (Maha Thihathura 瑪哈西哈蘇拉) nói là xung đột Trung
Miến hoàn toàn do hiểu lầm nhau, do các thổ ti Mộc Bang, Man Mộ, Mãnh Củng ở
bên trong dèm pha mà nên, nay chân tướng đã rõ, vậy nên tái lập lại giao hảo.
Maha Thihathura
mở hội nghị quân sự, các tướng lãnh dưới quyền đều cự tuyệt việc bãi binh vì
quân Thanh bị bao vây lâu ngày “như trâu dê nhốt trong chuồng” rồi sẽ chết đói.
Thế nhưng Maha Thihathura thấy việc bãi binh hoà hoãn là việc gấp rút trước mắt,
nếu không sẽ dẫn tới một cuộc đại tấn công, Trung Quốc đất rộng tài vật nhiều,
chiến tranh sẽ không bao giờ dứt.
Ông ta cũng ví
cuộc chiến Trung Miến không khác gì một khối ung thư, sẽ mau chóng huỷ hoại Miến
Điện, căn cứ trên con số mà so sánh, quân Thanh thương vong tuy nhiều hơn quân Miến
gấp bội, nhưng nếu tính theo nhân khẩu của hai nước thì tổn thất của Miến Điện
không thể cùng một tỉ lệ nên hết sức bác bỏ lời nghị luận của mọi người, gửi
thư cho Phó Hằng, đồng ý bãi binh.[56]
Thế nhưng phía
Trung Hoa lại ghi rằng, trong quá trình nghị hoà, Miến Điện đưa ra yêu cầu trước.
Theo như đại biểu chủ yếu của phía nhà Thanh lúc đó là đề đốc Cáp Quốc Hưng
thì:
Ngày mồng 10
Tháng Một, Nặc Nhĩ Tháp (諾爾塔) sai Tiết Cái (節蓋) mang lễ vật sang xin gặp thiên triều đại nhân,
kinh lược tướng quân mới gọi tôi đến gặp y. Theo Tiết Cái bẩm xưng thì hôm nay
y đến gặp đại nhân vì nhân vương tử chúng tôi định sai đại đầu mục đem thư đến
yêu cầu thiên triều đại nhân chiếu theo cổ lễ mà hành sự, không biết các đại
nhân có chịu hay không? Tôi mới bảo rằng vương tử các ngươi nếu quả thực lòng gửi
người sang đây thì kinh lược tướng quân của thiên triều không thể không thi ân,
thế nhưng bọn ngươi vốn rất giảo trá, không thể tin được, nếu quả thực vương tử
ngươi gửi thì mang thư đến, còn như các ngươi giả mạo viết thư thì đừng mang đến
làm gì, tướng quân đại nhân không bằng lòng đâu.
Cứ như họ nói y
thực sự là người do vương tử sai đến, chúng tôi không dám nói láo. Đến ngày 11,
bọn họ đem thư đến, kinh lược tướng quân dịch ra, đến ngày 14 gửi lại cho vương
tử dụ trả lời, đưa cho đầu mục Lão Quan Đồn mang về trình. Tối ngày hôm đó, y
sai người đến trại bẩm rằng hôm nay nhận được dụ trả lời, các đầu mục chúng tôi
rất là hoan hỉ, ngày mai đại đầu mục sẽ sang để xin gặp đại nhân thiên triều.
Ngày 15, đầu mục của họ là Mãng Niết Mâu Kết Sơ Tam Cát Lạp (莽乜繆結梳三噶拉) ra khỏi luỹ đứng chờ, kinh lược tướng quân sai
chúng tôi ra gặp họ … [bỏ một khúc]. Vương tử chúng tôi sai tôi đến đây để xin
thiên triều theo lễ xưa mà hành sự, hôm trước nhận được trả lời, chúng tôi
trong lòng rất hoan hỉ, cho nên chúng tôi đến gặp đại nhân. Nếu thiên triều muốn
qui củ nào, muốn vật gì thì cứ nó rõ tận mặt. Tôi nói thiên triều ta không giống
như người di A Ngoã các ngươi, mở miệng là nói nọ kia, thiên triều ta [313] chỉ
muốn nói lễ nghi, các ngươi hãy theo lễ cũ gửi biểu tiến cống, vĩnh viễn không
phạm đến biên cảnh của thiên triều, những ai còn giữ ở bên các người thì phải
trả về hết, đó là ba điều kiện phải theo.
Họ trả lời là
như thế tốt lắm, chúng tôi đều tình nguyện và khi trở về sẽ đem những điều đã
nói thuật lại cho đại đầu mục, ngày mai sẽ quay lại phúc đáp.
Đến ngày 16, bọn
họ lại đến cầu kiến, tôi ra gặp, họ nói rằng về ba việc đó đại đầu mục của họ đều
bằng lòng, ngoài ra nếu như thiên triều còn muốn điều gì khác, thì sẽ nói
riêng, báo cho chúng tôi.
Tôi nói ngoài ra
không còn việc gì khác, chỉ có ba điều đó, nếu thiếu một điều cũng không được.
Y nói ba điều đó dĩ nhiên đã quyết định rồi, hai lần chúng tôi đã gửi thư coi
như bằng chứng vĩnh viễn, ấy là thiên triều muốn chúng tôi đều đồng ý, còn như
người của chúng tôi còn đang bị giữ ở phía thiên triều thì cũng xin giao trả lại.
Tôi nói các
ngươi cầu bên ta chiếu theo cổ lễ mà làm, kinh lược tướng quan của ta thi ơn
cho các ngươi, nếu như nay nói chuyện đòi đất thổ ti như Man Mộ, Mộc Bang vốn
là đất tuyên uý ti của thiên triều… [bỏ một khúc]. Y nói nếu quả như thế, hôm
nay chỉ xin lập văn bản.
Tôi nói nếu như
hai chúng ta làm văn tự thì chưa đủ làm bằng cớ, huống chi các ngươi tính tình
tráo trở, vậy phải đưa vài người của các ngươi cùng đến đây, tất cả cùng lập tự
như thế mới được.
Y nói tốt lắm, đến
ngày 17, bọn họ tất cả đến 14 người, bọn tôi đi ra gồm có đô thống Minh Lượng,
thị vệ Hải Lan Sát, Minh Nhân, Cáp Thanh A (哈清阿), đề đốc Thường
Thanh, tổng binh Mã Bưu, Vu Văn Hoán (于文焕), Y Xương A, Lý
Thời Khoách (李時擴), phó tướng Nhã Nhĩ
Khương A (雅爾姜阿), Bành Đình Đống (彭庭棟), cùng với tôi là tổng cộng 12 người.[57]
Đại biểu hai bên
bàn thảo và đóng dấu, chính thức bãi binh. Ngày 18 tháng Một, Miến Điện lại sai
người đến quân doanh, nói rằng A Ngoã đã sửa soạn cống lễ, phụng mệnh vương tử
đến đây, tiến trình gấm Tây dương, nỉ Tây dương, vải Tây dương các loại.
Ngày 19, đầu mục
Miến Điện và binh đinh hơn 180 người mang nỉ Hà Lan, vải Tây dương, gấm Tây
dương, muối, cá, rau, trà, thuốc hút, đường các loại phẩm vật tất cả 180 gánh,
bày ra ngoài cửa doanh, Phó Hằng phái người tiếp nhận, lại đem trừu đoạn, ngân
bài chia ra thưởng cho các đầu mục Miến Điện và các người phục dịch. Lại ra lệnh
Cáp Quốc Hưng truyền dụ đem những chữ trong biểu văn của Miến Điện “quản lý mỏ
đá quí, mỏ vàng, các binh mã dùng phi đao, phi thương” xoá bỏ đi, theo thể lệ
ngoại phiên, đem các chữ sau đây vào biểu văn chính thức “Miến Điện quốc vương
thần mỗ phụng biểu đại hoàng đế bệ hạ” còn để cho đúng qui chế, các đầu mục Miến
Điện thì phải “tuân theo ước thúc”.
Bọn Phó Hằng cùng
tâu lên rằng ngày 20 tháng Một đã đốt thuyền, nấu chảy các đại pháo rồi ban sư,
thực ra hai ngày 17, 18 đã đem các bệnh, thương binh rút về, ngày 19 Phó Hằng
đưa 3000 quân tiếp theo, cón A Quế và Y Lặc Đồ lúc đầu định ngày 20 sẽ thoái
binh nhưng vì chưa được tin phá huỷ thuyền bè nên người Miến đưa vật đến cũng bị
chậm một ngày nên phải hoãn đến đêm ngày 21 mới rút đi.
Ngày 26, bọn Phó
Hằng trở về đến Hổ Cứ Quan, ngày 29, Miến Điện sai Đắc Lăng Giác Tô (得楞覺蘇) và Trản Đạt Giác Tô (盞達角蘇) đưa căn dịch [314] hơn 60 người đến quan ngoại, hỏi thăm sức khoẻ
Phó Hằng.
Trong thời gian
hai bên Trung – Miến nghị hoà, Miến Điện yêu cầu trả lại thổ ti Mãnh Củng trước
nhưng Cáp Quốc Hưng phản đối, sau vì tra hỏi qua lại thổ ti Mãnh Củng là Hồn
Giác (渾覺), Hồn Giác nói rằng
người nhà y ở nơi đất cũ, biểu thị tình nguyện trở về Mãnh Củng, Phó Hằng liền
sai người đưa họ xuất quan.
Thanh Cao Tông
xét thời, liệu định tình thế, biết khó nên thoái lui, Miến Điện nay cũng đã hối
tội đầu thành, nên giáng chỉ “theo như lời cầu xin” để kết thúc chiến dịch này.
Phó Hằng cùng bọn A Quế sau khi lo liệu mọi việc xong, để A Quế trú thủ Vân
Nam, Phó Hằng tuân chỉ trở về kinh.
Mùa xuân năm Càn
Long 35, Phó Hằng phục mệnh ở hành tại Thiên Tân, Thanh Cao Tông thấy y hình
dung thần sắc suy sụp, biết rằng khó mà qua khỏi, từ tháng Năm về sau, bệnh
tình càng lúc càng nặng nên qua đời.
[315] CHƯƠNG 7
Giao thiệp sau chiến dịch và sứ thần Miến
Điện nhập cống
Tháng Hai năm Càn Long 35 (1770), A Quế từ
tỉnh thành Vân Nam đến phủ Vĩnh Xương truyền hỏi những thổ ti đã qui thuận ở Mộc
Bang là Tuyền Ung Đoàn (線甕團) và
thổ ti Man Mộ là Thuỵ Đoàn (瑞團),
thì họ nói là “bọn họ vốn thù oán với người
Miến, nếu như trở về bản xứ, sợ rằng sẽ bị giết hại, và những nơi trước đây có
người di ở cũng đã bỏ đi hết rồi”, vì thế họ không dám trở về đất gốc, khẩn
cầu cho sống ở nội địa.
A Quế chấp thuận lời thỉnh cầu đem bọn Tuyền
Ung Đoàn nam nữ lớn nhỏ 120 người an tháp ở Dạng Tị (漾濞) thuộc Mông Hoá, bọn Thuỵ Đoàn nam nữ lớn nhỏ 55
người an tháp ở huyện Thái Hoà (太和)
phủ Đại Lý, bọn thổ mục Kiết Cưu là Hạ Bính gồm 32 người an tháp ở huyện Bảo
Sơn, phủ Vĩnh Xương. Tất cả đều được cấp cho nhà cửa và ruộng công theo nhân khẩu,
ngoài ra những người có chức phận như Thiệu Bính, Thiệu Mãnh thì được phân biệt
an tháp ở các đồn tại Ninh Nhĩ như Quyết Ky Bá (蕨箕壩) và dọc theo Cửu Long Giang.
Về ghi chép phía Miến Điện, vào tháng Một
năm Càn Long 34 trong thời gian nghị hoà, thống soái quân Miến là Mã Cáp Tây Cáp
Tô Lạp (Maha Thihathura
瑪哈西哈蘇拉) đã tự ý ký kết hoà ước với Phó Hằng mà không bẩm
với Miến vương Mộng Bác (𢢺駁) trước nên sau
khi quân Thanh triệt hồi, vua Miến hết sức phẫn nộ huỷ bỏ một phần trong hoà ước,
lại ra lệnh cho người nhà các tướng lãnh tham gia nghị hoà và vợ của Mã Cáp Tây
Cáp Tô Lạp khi đó đang ở cửa tây cung điện phải quì ba ngày ba đêm, đội trên đầu
những món quà mà kinh lược quân Thanh là Phó Hằng đã tặng. Mã Cáp Tây Cáp Tô Lạp
về đến A Ngoã rồi bị xử tội đồ một tháng.
Về phía vua Cao
Tông cũng không hài lòng, thống trách người Miến xảo trá, không y theo lời hứa
là gửi biểu nạp cống. Mã Cáp Tây Cáp Tô Lạp cũng chỉ trích Trung Hoa thất tín,
không giao trả các thổ ti cho Miến Điện khiến cho hai bên vô cùng bất hoà, giao
thiệp chia cách đến hai mươi năm.
Sau khi quân Thanh rút về nội địa, Nột Nhĩ
Tháp ở Lão Quan Đồn lập tức sai người đưa qua một bản văn tiếng Miến viết trên
lá cọ (tông diệp Miến văn 棕葉緬文),
xin mở cửa thông thương nhưng vua Cao Tông nhất định đợi cho khi nào gửi cống
biểu sang lúc đó mới chấp thuận cho khai quan hỗ thị (mở cửa để hai bên buôn
bán), còn “cống biểu nếu chưa tới thì mậu
dịch từ nội địa một ngày cũng chưa qua được”.[58]
Chi tiết đó được coi là “đạo chế ngự ngoại
di thiết yếu của Trung Quốc”.
Bọn Phó Hằng sau khi đưa bọn thổ ti Mãnh Củng
là Hồn Giác (渾覺) ra khỏi cửa quan rồi, Miến Điện lại đòi
phải thả các thổ ti Mộc Bang, Man Mộ. Về phía Miến Điện, ấy là theo đúng như những
điều khoản của hoà ước mà đòi hỏi nhưng theo đề đốc Cáp Quốc Hưng nêu ra thì “năm trước khi tù trưởng Miến Điện xin hàng
đã gửi thư đến, các đầu mục bẩm rằng thổ ti Mộc Bang, Man Mộ cách rất xa, không dám xin trả lại, chỉ xin ban cho
thổ ti Mãnh Củng mà thôi.”
A Quế
Vì thế, A Quế đem các thổ ti Mộc Bang, Man
Mộ an trí ở nội địa. Tháng Ba năm Càn Long 35, vua Cao Tông thấy việc Miến Điện
[316] xin
sai người tiến biểu đã qua ba tháng rồi mà chưa nghe tin tức gì nếu như không hỏi
đến thì còn gì là đạo uy nhiếp ngoại di, khiến cho họ coi nhẹ, việc phụng biểu
nạp cống để họ tự đến cũng được nhưng việc trả về những quan binh nội địa bị bắt
thì không thể không tuân theo điều ước nên ra lệnh cho quân cơ đại thần thay mặt
A Quế soạn một văn cảo hịch dụ Miến vương, lại tuyển một viên đô thủ đem 2, 3
chục người mang đến Lão Quan Đồn cho Nột Nhĩ Tháp chuyển về A Ngoã, trách cứ về
việc không tuân theo hoà ước, lại nêu trở lại nguyên tắc “trước tiến cống, sau thông thương” [先進貢後互市].
A Quế nhận được dụ chỉ và hịch văn lập tức
sai người dịch ra tiếng Miến, giao cho đô ti binh doanh Tô Nhĩ Tương (蘇爾相) đem theo thông sự [thông ngôn] Đoàn Thái Hà (段彩霞), thổ bả tổng Đa Triều Tương (多朝相) và 20 binh đinh người Bãi Di ngày 29 tháng Ba
khởi hành mang đến Lão Quan Đồn.
Ngày 20 tháng Tư, bọn Tô Nhĩ Tương đến Lão
Quan Đồn, Nột Nhĩ Tháp mới đầu còn lấy lễ mời ở lại, đến ngày mồng 1 tháng Năm,
văn thư trả lời từ A Ngoã đến Lão Quan Đồn, Đại Vạn Miến Điện liền mời bọn Tô
Nhĩ Tương vào trong luỹ để bàn việc “Đại Vạn liền nói thiên triều các ngươi gửi
văn thư cho vương tử nước tôi bên trong lời lẽ tiếng Miến không được tốt đẹp,
vương tử chúng tôi có văn thư đến bảo giữ các ngươi lại nơi đây”. Nói xong, lập
tức đem bọn Tô Nhĩ Tương, thông sự, thổ bả tổng, binh đinh giam vào trong luỹ,
cùm chân tất cả.
Về sau, Nột Nhĩ Tháp đem thổ bả tổng Đa Triều
Tương đưa về A Ngoã, theo như đoán sự phòng đại đầu mục A Ngoã là Lập Cùng Ba (立窮波) tra hỏi Đa Triều Tương là “thiên triều vốn hứa
sẽ thông thương, sao vẫn còn đóng các cửa quan?”. Đa Triều Tương trả lời: “Nhân
vì cống biểu của các ông chưa gửi tới cho nên cửa quan chưa mở được”.
Nói tóm lại, về phía Miến Điện thì theo điều
khoản của hoà ước mà đòi lại thổ ti, mặt khác yêu cầu Thanh đình tuân hành
nghĩa vụ khai phóng thông thương, nhưng vì nhà Thanh không giữ chữ tín nên giam
giữ bọn Tô Nhĩ Tương.
Ngoại uỷ Chung Triều Dụng (鍾朝用) từ Lão Quan Đồn đem thư trả lời của Miến Điện về,
Nột Nhĩ Tháp trong thư cũng viết thêm “phóng túng sủa càn” (肆意狂吠). Nguyên nhân chủ yếu trong tranh chấp Trung Miến
là vì các đại biểu nghị hoà của hai nước không bẩm rõ nội tình thực cho đấng
quân vương, hoặc do văn tự trong các điều ước có chỗ mơ hồ nên hai bên giải
thích mỗi bên một khác.
Theo như ghi chép trong sử Trung Quốc, ngày
17 tháng Một năm Càn Long 34, trong hoà ước Trung Miến có cả thảy ba điều khoản:
1. Miến Điện tuân chiếu lễ nghi thời trước tiến biểu
triều cống
2. Miến Điện vĩnh viễn không phạm vào biên cảnh
thiên triều
3. Miến Điện đem những quan binh còn giữ ở A Ngoã và
các nơi khác tất cả đưa trả về.
Về quan điểm phía Miến Điện, sử sách ghi
chép có điều hơi khác, có thể gom vào bốn điểm như sau:
1. Các thổ ti từ Miến Điện chạy sang đất Vân Nam thì
Thanh đình phải đuổi họ về để chứng thực rằng đã công nhận chủ quyền của Miến
Điện đối với họ.
2. Quan binh hai bên bị bắt trong khi giao chiến phải
được đồng loạt trả về.
3. Phải mở lại con đường buôn bán vàng bạc để cho
hai bên tự do buôn bán.
4. Cứ mười năm một lần vua của hai nước sẽ trao đổi
qua lại sứ thần, gửi thư chứng tỏ tình bằng hữu thiện chí rồi cùng đưa lễ vật
qua cho nhau.
Ngày 22 tháng Chín năm Càn Long 35, Nột Nhĩ
Tháp ở Lão Quan Đồn gửi tiểu đầu mục thuộc hạ là Bãi Trát Ky (擺扎機), Tha Hỹ Tế (他矣細),
Ba Ung (波甕) ba người đưa đến cho Cáp Quốc Hưng một
phong thư, ngày mồng 5 tháng Mười năm đó đến Hổ Cứ Quan. A Quế sai người dịch
văn thư từ tiếng Miến sang Hán tự, nội dung như sau:
[317] “Trước đây hai bên đã thảo luận xong, chiếu theo cổ lễ thì mãi dịch
trong ngoài, lớn nhỏ cũng đã nói rồi và hứa sẽ thông thương, nếu bây giờ không
giữ lời nói cũ nên bên ta vẫn giữ lại người của các ông. Dân chúng nghèo khổ
buôn bán bình thường các ông cũng không thả về, lại đóng cửa quan, mọi điều trước
đây đã thảo luận xong rồi, bây giờ lại thấy không khác gì chưa xong. Những điều
hai bên nói với nhau trước đây đã ghi ở trong lòng, vậy yêu cầu các ông theo
như bàn thảo trước mà giao thông mãi dịch, đừng ngăn trở việc qua lại theo như
lễ xưa, cũng bãi bỏ các quan binh chặn giữ đầu đường cuối đường, nay bẩm cho biết”.[59]
Miến Điện yêu cầu
phải mở lại thông thương trước, sau đó mới bàn tới việc trả về những quan binh
bị bắt giữ. A Quế thay cho Cáp Quốc Hưng trả lời thư của vua Miến, bên trong viết:
“Năm trước đại
binh vây khốn Lão Quan Đồn nên vương tử đã sai người đem thư khẩn khoản yêu cầu
bãi binh, lại có dụ của vương tử cho bọn đại đầu mục Vạn Lễ (萬禮), Đắc Lặc Ôn (得勒溫), Vạn Thao (萬滔) cùng đại nhân cầm quân của chúng tôi tận mặt giảng
định ba điều nghị định:
·
Một điều là trả về các quan binh bị giữ
·
Một điều là mười năm tiến cống một lần
·
Một điều là vĩnh viễn không phạm vào biên cảnh
Đại quân của
thiên triều không phải vô cớ mà ra khỏi biên cương, bọn Đắc Lặc Ôn đã thề trước
tượng Phật, tình nguyện tuân hành. Kinh lược tướng quân của chúng tôi vì tình tự
cung thuận của quốc vương, các đầu mục lại thiết tha khẩn cầu, lại đã nhận được
dụ chỉ của đại hoàng đế nói rằng nếu quả như nước các ông hối quá thâu thành,
thì có thể thi ân khoan hồng, ấy là hai bên đã giảng định rõ ràng sau đó thuỷ lục
đại binh mới rút về, để tỏ ân tín của thiên triều.
Còn như việc mãi
dịch thì đầu mục của các ông cũng đã nhiều lần hỏi đến và được đại nhân chỉ huy
quân của chúng tôi nói rõ là khi nào những quan binh bị các ông lưu giữ ở trong
nước và cống biểu đưa đến thì mới có thế khai thông buôn bán, các đầu mục của
các ông cũng đều nghe cả rồi, thế nhưng từ khi đại binh của chúng tôi triệt hồi
cho đến tháng Tư năm này là qua nửa năm mà văn thư của kinh lược tướng quân gửi
cho vương tử cũng chưa thấy hồi đáp, cống biểu của nước ông và quan binh bị giữ
cũng chưa trả về, cũng không có tin tức gì [bỏ một đoạn]. Nếu cống biểu chưa gửi
sang, quan binh bị giữ chưa đưa về, ấy là nước các ông trước làm sau lại đổi ý
thì làm sao có thể cùng nhau giao thông mãi dịch được.”[60]
Theo như thế có
thể biết Cáp Quốc Hưng, A Quế nêu ra ba điều khoản trong nghị hoà, nếu chỉ xét
ba điều kiện mà quân Thanh mà nói, việc trả về thổ ti và khai quan hỗ thị của
Miến Điện nêu ra, dường như A Quế chưa tâu lên sự thực với vua Cao Tông, đó
chính là những điểm ràng buộc trong việc phân tranh trường kỳ giữa hai nước
Trung Miến.
Đô ti Tô Nhĩ
Tương vì việc đưa văn thư mà bị người Miến bắt giữ, A Quế nghe tin nên cũng đem
bọn Bãi Trát Ky và Ba Ung câu lưu không thả, lại phái người giải lên kinh đô.
Tháng Giêng năm
Càn Long 36, đề đốc Thường Thanh cũng truy nã bắt những người Miến lén vào Hộ
Tán (戶撒) buôn bán là bốn người
Tán Bạc (撒薄), Mạnh Pha (孟坡), Mạnh Phi (孟丕), A Chuẩn (阿凖), sau đó lại bắt thêm hai người là Ba Lực (波 屴), Ung Bạng (甕蚌).
Ngày 25 tháng
Hai năm Càn Long 36 (1771), A Ngoã có văn thư gửi tới Lão Quan Đồn, Tô Nhĩ
Tương liền sai ngoại uỷ Chung Triều Dụng, thông sự Đoàn Thái Hà và binh đinh
Khưu Đắc Mậu (邱得茂) tất cả 5 người đem
Miến văn viết trên lá cọ và bẩm thiếp của Tô Nhĩ Tương mỗi thứ một món, ngày 28
tháng Hai từ Lão Quan Đồn khởi hành, mồng 8 tháng Ba [318]
đến Hổ Cứ Quan.
Khi Chung Triều
Dụng ra đi, Nột Nhĩ Tháp có dặn rằng: “Các ngươi khi trở về, nếu thiên triều gửi
văn thư đến đòi thả người, việc đó xong cũng do các ngươi mà muốn gây chuyện
thì cũng ở các ngươi”.
A Quế ra lệnh
cho thông sự Ông Đắc Thắng (翁得勝) đem tờ thư chữ Miến
bằng lá cọ dịch ra chữ Hán nội dung như sau:
“Năm trước ở Lão
Quan Đồn, chúng tôi đòi theo cổ lễ mà hành sự, vì tính mệnh của vạn người nên mới
qua được giảng định mà được thái bình. Bách tính của chúng tôi ở Man Mộ, Mộc
Bang nếu không trả lại, ấy là các ông đã không theo lễ xưa, lại giữ các tổng
gia (總爺). Các ông nếu muốn
dùng binh, thì hãy dự bị lương thảo binh mã, chúng tôi cũng chuẩn bị ngay.”[61]
Miến Điện đem việc
bội ước, thất tín qui trách nhiệm cho Thanh đình, không nói gì đến cống biểu
hay việc trả về những quan binh bị bắt, cũng không nhắc gì đến hịch dụ của
Thanh đình, chỉ nói về việc tuân thủ lễ thức ngày xưa, mà trách Thanh đình
không trả lại dân chúng sống ở Man Mộ, Mộc Bang, lại còn có lời dự bị binh mã.
A Quế thấy nói “nhiệm ý sủa càn” (任意狂吠) nên không khỏi “dựng tóc tức tối” (不勝髮指). Trong tờ bẩm của Tô
Nhĩ Tương có nói là “trong thư của đầu mục
A Ngoã Mãng Diểu Tiết Tô (莽渺節蘇) có nói là thiên triều muốn tháp vàng, tháp bạc, chảo bạc, siêu bạc thì
không được đâu” giống như cống vật của Miến Điện mà bọn A Quế trước nay sai
người đòi hỏi. Tuy nhiên A Quế nói là “từ
trước đến nay trong dụ hay hịch văn viết cho giặc chưa bao giờ đòi hỏi các loại
tháp vàng, tháp bạc hay các món chảo bạc, siêu bạc cả”.
Vua Cao Tông thấy
như Miến Điện dám nuốt lời, không kể gì đến việc hành động càn rỡ nên ra lệnh
cho A Quế tuyển chọn binh sĩ tinh nhuệ đến cuối thu, đầu đông đến vùng đất bị chiếm
đóng, tấn công khi không phòng bị để cho họ không thể nghỉ ngơi.
Thế nhưng bọn A
Quế tâu rằng binh đinh Lục Doanh ra khỏi cửa quan tập kích, thực chẳng được bao
nhiêu mà ngược lại khiến cho Miến Điện có cớ, chi bằng tỏ vẻ kẻ cả, tạm ngừng tấn
công đợi tin sau. Cái ý xâm lấn đất Miến vì thế phải bỏ đi.
Từ năm đó trở về
sau, Miến Điện mấy lần sai sứ thỉnh cầu Thanh đình khai quan hỗ thị, trả lại sứ
Miến bị giữ và các thổ ti, vua Cao Tông đều bỏ qua không trả lời, lại nhân việc
quân ở Kim Xuyên khẩn cấp, các hạng tướng biện như A Quế trước sau đều bị điều
từ Vân Nam ra tác chiến, việc giao thiệp giữa Trung Hoa và Miến Điện phải gác lại.
Từ năm Càn Long
41 (1776) trở về sau, Kim Xuyên đã bình định rồi, Nam Chưởng, Xiêm La trước sau
sai sứ đến triều cống Thanh đình, Miến Điện lâm vào thế cô. Vả lại chính cuộc
Miến Điện cũng rơi vào hỗn loạn, vua Miến Mộng Bác năm trước đem quân đi chinh
thảo Xiêm La đã ngã bệnh, trong cung đình đầy rẫy lời đồn đãi và âm mưu. Năm
Càn Long 41, Mộng Bác bị bệnh chết, Mã Cáp Tây Cáp Tô Lạp lập con rể tức là con
trai trưởng của Mộng Bác Chuế Giác Nha (Singu Min 贅角牙) lên làm vua
nên muốn tiến thêm một bước trong quan hệ với Trung Hoa nên trong tháng Một năm
đó sai đầu mục Đắc Lỗ Uẩn (得魯蘊) cho người đến Vân
Nam đưa biểu, ước định kỳ hạn sẽ cống voi. Vua Cao Tông lập tức sai A Quế đến tỉnh
Điền lo liệu việc thụ hàng và mở cửa thông thương, lại điều Lý Thị Nghiêu (李侍堯) làm tổng đốc Vân Quí, lo liệu việc khi hoàn tất.
Ngày mồng 8
tháng Chạp, Thanh đình đem sứ người Miến trước đây đã câu lưu là Mạnh Hĩ (孟矣) đưa ra khỏi quan, lại ra lệnh cho y cầm theo [319] hịch dụ, chuẩn thuận cho sứ thần Miến Điện sang
Trung Hoa triều cống.
Ngày mồng 10
tháng Giêng năm Càn Long 42 (1777), Đắc Lỗ Uẩn sai Mạnh Cán, Mạnh Đoàn, Mạnh
Bang đến đưa lễ vật của các trấn, các châu, lại nói là Tô Nhĩ Tương sẽ lập tức
được trả về ngay, đề đốc Thường Thanh lập tức sai đưa bọn Mạnh Cán ra khỏi cửa
khẩu và truyền lệnh cho Đắc Lỗ Uẩn đích thân đến nghị sự.
Ngày 23 tháng
Giêng, Mạnh Bang về đến trong cửa Lũng Xuyên (隴川), gửi tờ bẩm
nói là Đắc Lỗ Uẩn đã đến Lão Quan Đồn, định vào ngày trước sau 15 tháng Hai sẽ
đích thân đến tiến cống, lại sẽ tống giao quan binh nội địa.
Ngày 25 tháng
Giêng, Mạnh Bang và Xứng Quản Mãnh (秤管猛) ra khỏi cửa khẩu
trở về Lão Quan Đồn.
Ngày 14 tháng
Hai, Mạnh Cán, Mạnh Đoàn lại tiến quan bẩm rằng thớt voi chưa đến được, không
thể đúng hạn kỳ tiến cống, đã sai bọn Tiết Cái (節蓋) 4 người ở tại
Mã Bác Tử (馬膊子) chờ, để bàn với người
được sai đến. Thường Thanh liền giữ bọn Mạnh Cán, Mạnh Đoàn lại, sai căn dịch
Mãnh Nhã đem dụ về ra lệnh cho Tiết Cái đến cửa quan bàn việc.
Miến Điện tuy biểu
thị nguyện ý trả về Tô Nhĩ Tương nhưng chưa đề cập đến bọn Dương Trọng Anh, Đắc
Lỗ Uẩn thì lại xin thiên triều thả bọn Mạnh Hĩ về, vua Cao Tông thấy người Miến
Điện thật là đáng ghét nên giáng chỉ cho A Quế không được thay đổi một chút gì
để cho việc chóng xong, không hứa việc khai quan một cách dễ dàng, lại ra lệnh
cho A Quế truyền dụ cho tuần phủ Đồ Tư Đức đem tờ bẩm bản gốc Miến văn trong có
câu “xin tha cho bọn Mạnh Hĩ về” gạch bỏ đi còn A Quế thì về sau tâu lên cũng
đem các câu liên quan đến việc thả Mạnh Hĩ trong các văn kiện lập tức huỷ đi.
Trong khoảng trước
sau ngày 15 tháng Hai là ngày mà người Miến Điện định cống voi, nhưng Đắc Lỗ Uẩn
tự ý định ước kỳ nhưng nay đổi lại, dịch ra thấy trong tờ bẩm của người Miến có
câu “việc đại sự này không thể coi nhẹ, không thể hoàn tất nhanh được”, xem ra
có ý lần lữa.
Vua Cao Tông
trong cơn thịnh nộ, ra lệnh cho bọn Thường Thanh “cũng đừng sai người đến thúc
giục, cũng không cần thám thính tin tức”. Đến ngày mồng 5 tháng Ba, Miến Điện lại
sai Mạnh Lệnh mang tờ bẩm và người tuỳ tòng là Tô Nhĩ Tương và binh đinh Sái Thế
Hùng (蔡世雄) đến quan khẩu trình
lên. Trong tờ bẩm đề cập đến thổ ti Man Mộ, Mộc Bang còn sống hay đã qua đời,
Trường Thanh liền gửi hịch trả lời, sai Mạnh Lệnh đem về Miến Điện.
Ngày 15 tháng Ba,
Trán Lạp Ky (綻拉機) của Miến Điện lại
sai Toái Đống (碎凍) và thông sự Thốn Bác
Học (寸博學) tiến quan, xin thả Mạnh
Cán, Mạnh Đoàn về, Thường Thanh trước là tạm thời câu lưu Toái Đống, sai các
căn dịch trở về nói với Tiết Cái là y phải đích thân đến cửa quan.
Ngày 22 tháng
Ba, Trán Lạp Ky lại sai người gõ cửa quan gửi tờ bẩm, Thường Thanh không thấy
ai mang đồ cống đến cửa quan, liền ra lệnh cho ném trả tờ bẩm của Miến Điện
không nhận. Trán Lạp Ky, Tiết Cái liền đem bọn Tô Nhĩ Tương theo đường Mã Bác Tử
đưa về Lão Quan Đồn.
Trước sau Miến
Điện đã sai sứ đến hơn 10 người, đưa về nội địa binh đinh, thông sự ba người,
trở đi trở về giao thiệp để mong cải thiện giao thiệp Trung Miến, nhưng vì hai
bên không cùng một ý cho nên thất bại, Miến sứ và căn dịch 9 người bị giam, vua
Cao Tông lại giáng chỉ là việc Miến Điện không thể biện lý được, ra lệnh cho A
Quế lập tức trở về kinh đô.
A Quế vào ngày
26 tháng Tư khởi trình, ngày hôm sau, Miến Điện lại sai đầu mục Mạnh Mỹ một bọn
4 người, căn dịch 10 người bạn tống Tô Nhĩ Tương, Đa Cán Tương và binh đinh Ngô
Chí Ích (吳志益) 5 người đến Hổ Cứ
Quan, lại đem theo tờ bẩm bằng tiếng Miến, ngoài ra còn thêm 47 người Bãi Di
đưa đến voi, đàn hương, vải Miến Điện, đồ dệt lông các món. A Quế phải lưu lại
Vĩnh Xương để lo việc, đề đốc Hải Lộc cho người hộ tống bọn Tô Nhĩ Tương tiến
quan. Tô Nhĩ Tương bị giữ ở bên Miến tới 7 năm.
Tô Nhĩ Tương đến
[320] Vĩnh Xương rồi, đưa ra uỷ bài do tổng đốc tiền
nhiệm Chương Bảo Nguyên (彰寶原) cấp cho, cùng ấn
trát cho A Quế rồi lập tức “rập đầu khóc
rống lên” (叩頭痛哭), sau đó phụng chỉ khởi
hành lên đường về kinh đô.
Bọn A Quế lập tức
thay mặt đề đốc Hải Lộc soạn hịch trả lời, đòi phải có biểu cống và Dương Trọng
Anh, ra lệnh cho sứ thần Miến Điện trở về A Ngoã. Trán Lạp Ky của Lão Quan Đồn
trở về liền sai Ba Ao Ba Toát Giác (波凹波撮覺) đến quan ngoại
đưa lên hai bản văn bằng tiếng Miến Điện, do trú phòng Sam Mộc Lung (杉木籠) là du kích Cáp Tam (哈三) chuyển trình.
A Quế cùng với các nhân viên thuộc cục quân nhu và thông sự dịch bản văn ra [chữ
Hán], đó là Trán Lạp Ky của Lão Quan Đồn gửi các đề trấn, nội dung tương đồng,
kiên quyết yêu cầu thả bọn Mạnh Cán về. Thế nhưng A Quế cho rằng tờ hịch Mạnh Mỹ mang về, Trán Lạp Ky phải gửi tới A Ngoã,
đợi Miến vương Chuế Giác Nha (贅角牙)
cùng các “đại vạn” bàn tính giải quyết, dâng biểu tiến cống, đưa trả Dương Trọng
Anh nhưng Trán Lạp Ky ở Lão Quan Đồn đã mở ra coi trước, tự tiện sai người trả
lời, về việc trả người và tiến cống thì không đề cập đến một chữ nào, thật là
đáng ghét cho nên ra lệnh cho các đề trấn bỏ qua không lý đến.
Trước khi Tô Nhĩ
Tương từ Lão Quan Đồn khởi trình thì Đắc Lỗ Uẩn đã từng xin thiên triều đem Mạnh
Cán, Mạnh Đoàn, Toái Đống trả về để “chúng tôi nở mặt khiến cho dễ liệu việc”.
Trán Lạp Ky lại nói “nếu không thể trả về chúng tôi cùng một lần thì cho Mạnh
Hoàn về trước, chúng tôi như thế cũng đỡ mất mặt”.
Vua Cao Tông nhận
thấy Tô Nhĩ Tương tuy đã được trả về nhưng Dương Trọng Anh chưa được thả nên
cũng không thể trả lại bọn Mạnh Cán, việc giao thiệp giữa Trung Hoa và Miến Điện
lại quay lại tình trạng quyết liệt.
Quốc vương Miến
Điện Chuế Giác Nha lên làm vua nhưng không được lòng dân chúng, chính cuộc
không ổn định. Chuế Giác Nha có cá tính tương đồng với Ung Tịch Nha (甕藉牙), tàn sát người thân trong họ, hai ông chú, một
người em ruột trước sau bị Chuế Giác Nha giết, ngay cả một vương phi được sủng
ái cũng bị dìm xuống sông cho chết.
Thứ phi của Ung
Tịch Nha sinh ra được vương tử Tứ Tán (四撒 Sitha) và con của
Nộn Đạo Cực (嫩道極) là vương tử Bành
Long (彭蕯 Hpawngsar) đều bị đuổi
ra khỏi biên cảnh.
Mùa thu năm Càn
Long 42, binh đinh đi theo Dương Trọng Anh là Dương Phát Mục (楊發目), sau khi trốn thoát khỏi A Ngoã đã cung xưng là
“Chuế Giác Nha nhân vì kế tập vương vị nên anh em trở nên thù nghịch, đã đem em
trai là Khổn Bang (捆綁) ném xuống sông, lại
bất hoà với chú thứ ba, chú thứ tư nên tịch biên nhà cửa, đại đầu mục là Vạn Dĩ
Mãng (萬已莽) nhân con gái y không
được lên chính phi, ngược lại còn bị trục xuất nên trong lòng ôm mối hận nên
cùng người chú thứ ba âm mưu chiếm ngôi”.[62]
Chuế Giác Nha
ghét việc chinh chiến nên giải tán quân đội, Trịnh Chiêu (鄭昭) của Xiêm La đã lấy lại được Vọng Các (望閣) [nay là Bangkok] làm căn cứ địa để thu phục lại
những nơi đã mất. Chuế Giác Nha lại không lo việc chính sự, chỉ lo việc lễ Phật
hàng ngày, còn ở cung đình thì ngâm thơ, nghe hát làm vui, lại ưa thích uống rượu
như sinh mạng mình, bạo ngược hiếu sát, những ai phê bình đều bị tru lục, hoặc
bị đuổi đi, không mấy ai được miễn.
Nhạc phụ ông ta
là Mã Cáp Tây Cáp Tô Lạp cũng bị cách chức, trong triều ngoài nội tiếng oán đầy
đường, đến năm tại vị thứ sáu tức Càn Long 47 (1782) thì bị một vương tử trẻ tuổi
là con trai Mạnh Lạc tên Mạnh Lỗ (Maung Maung 孟魯) đem quân chiếm
thành A Ngoã, khôi phục quan chức cho Mã Cáp Tây Cáp Tô Lạp, gọi trở về những
người bị biếm trích. Thế nhưng ông ta cũng chỉ giữ ngôi chưa đầy 7 ngày thì bị
con thứ tư của Ung Tịch Nha là vương tử Mạnh Viên (孟 隕) tức Ba Đốn (巴頓 Badon) [321] giết
chết. Mạnh Viên đem Mạnh Lỗ bỏ vào trong bao đem ném xuống sông Y Lạc Ngoã Để.
Nguyên do là vì
khi Ung Tịch Nha còn tại vị, ông từng tuyên bố là cứ theo thứ tự các con mà kế
vị, sau Mộng Bác phải do con thứ ba của Ung Tịch Nha là A Mẫn Vương (The Lord
of Amient) lên ngôi nhưng Mộng Bác đã không theo lệnh của cha mà truyền ngôi
cho con là Chuế Giác Nha, mẹ của Mộng Bác vì thế không bằng lòng.
Sau khi Chuế
Giác Nha lên ngôi lại dùng phương pháp cũ là đem A Mẫn Vương đem dìm sông,
thành ra tình cốt nhục của các con Ung Tịch Nha đã bị quyền lực che khuất. Mạnh
Viên tức vị rồi tự xưng là “Minh Tháp Á Cát” (明塔亞吉) [Mintayyagyi]
nghĩa là Chính Nghĩa đại vương (The Great Lord of Righteousness), sử Miến Điện
gọi là Ba Đa Phách Á (Bodawpaya 波多帕亞).
Tháng Năm năm
Càn Long 47, tổng binh trấn Đằng Việt là Hứa Thế Hanh (許世亨) sai người Bãi
Di tên là Mạo Tha Ba Muộn (冒他波悶) cải trang đến A Ngoã
bí mật dò xét chính tình Miến Điện, cứ như khai rằng “vua Miến Chuế Giác Nha vì
đam mê tửu sắc, không lo việc chính sự, Mạnh Lỗ là con của Mạnh Lạc [con trưởng
của vua cũ Ung Tịch Nha] thừa lúc y đi đến Tế Nha Đoá (細牙朶) nên chiếm lấy
thành A Ngoã tự lên ngôi, cho quân đuổi theo bắt Chuế Giác Nha dìm chết dưới
sông, con thứ tư của Chuế Giác Nha là Mạnh Viên quay lại giết Mạnh Lỗ, lên làm
vua.[63]
Khi đó, Miến Điện
nội loạn liên miên, lòng người hoang mang, trong vòng mười năm, đổi ba đời vua,
Xiêm La dàn binh ở biên cảnh đang rình chờ cơ hội tiến quân vào.
Năm Càn Long 51
(1786), vua Thanh Cao Tông sách phong cho Trịnh Hoa (鄭華) làm Xiêm La quốc
vương, Miến Điện nay vào thế cô lập.
Ngày 20 tháng Tư
năm Càn Long 53 (1788), vua Miến Mạnh Viên sai chánh sứ Nghiệp Diểu Thuỵ Động (業渺瑞洞), Tế Cáp Giác Khống (細哈覺控) hai người, phó
sứ Uỷ Lư Tán Á (委盧撒亞) một người, tiểu đầu
nhân 12 người, căn dịch hơn 100 người mang biểu văn viết trên vàng lá (金葉表文), một toà tháp bằng vàng, tám con voi đã thuần thục,
đá quí, vàng lá, đàn hương, nỉ lớn, ngà voi, hộp sơn các món đưa đến bên bờ
sông Cổn Lộng thuộc về thổ ti Cảnh Mã Hãn Triều Ái (罕朝璦) xin được tiến
cống.
Vì sông Cổ Lộng
là nơi chướng khí nặng nề, tổng đốc Vân Quí Phú Cương lập tức sức cho phó tướng
Định Trụ cùng với các viên chức văn vỏ ở Thuận Ninh đưa sứ thần Miến Điện và voi
cùng các món kiểm điểm minh bạch rồi chuyển đến Thuận Ninh tạm thời nghỉ ngơi.
Phú Cương cũng lo lắng về việc Dương Trọng Anh nên thăm hỏi Miến sứ, sứ thần Miến
Điện liền sai người trở về A Ngoã bẩm rõ lên vua Miến.
Phúc Khang An lại
tâu lên Dương Trọng Anh vốn thuộc loại người không có gì quan trọng, nếu như chỉ
vì y mà vặn vẹo, bác khước, e rằng làm trở ngại cho tấm lòng hướng hoá, vua Cao
Tông thì thấy việc Phú Cương làm “thực là
sai lầm lớn” (實屬大錯) nên giáng chỉ nghiêm
sức rằng vì chưng Dương Trọng Anh “chức
phận rất nhỏ”, huống chi đã ở Miến Điện lâu năm “thật không mặt mũi nào mà quay trở về”, nêu không cần phải quay lại
đòi thả ra và ra lệnh cho Phú Cương tuyển chọn người hộ tống sứ thần Miến Điện
nhanh chóng khởi trình lên kinh đô. Những tỉnh hội, phủ thành nào sứ đoàn đi
ngang qua, các quan địa phương phải chuẩn bị tiệc tùng, diễn kịch lấy lễ mà
đãi.
Ngày mồng 1
tháng Sáu, vua Miến sai tiểu đầu mục Tế Lập Giác Trảo (細立覺抓) đưa Dương Trọng
Anh và binh đinh 4 người, 7 người dân Quảng Đông từ A Ngoã trả về, ngày 25
tháng Sáu, qua sông Cổn Lộng, ngày mồng 2 tháng Bảy đến Cảnh Mã, thế nhưng
Dương Trọng Anh của Dĩ Namtuổi đã cao, bị nhiễm bệnh lỵ, toàn thân sưng vù,
chân tay không cử động được, quần áo mặc lại theo thể thức nội địa, đến ngày mồng
3, bệnh thêm ác liệt [322] không
chữa được nên qua đời, y đã bị câu lưu tại Miến Điện đến 20 năm.
Vì một trong hai
chánh sứ Miến Điện là Nghiệp Diểu Thuỵ Động tại Thuận Ninh nhiễm bệnh sốt rét,
phải quay lại Cảnh Mã điều trị, Phú Cương liền ra lệnh cho Tế Cáp Giác Khống
đưa 4 người đầu mục, căn dịch 22 người, trong đó có 6 người biết trình diễn nhạc
khí Miến Điện, đến ngày 21 tháng Sáu, từ phủ Đại Lý khởi hành, sai Hạ Trường
Canh (賀長庚) của đạo Dĩ Nam (迤南) cùng với thự tham tướng doanh Thuận Vân (順雲) là Hoa Liên Bố (花連布) đem thông sự
Ông Đắc Thắng và các món đưa lên kinh đô.
Ngày mồng 3
tháng Bảy, đến biên cảnh Quí Châu, đi qua An Thuận, Quí Dương, Trấn Viễn, đổi
sang đường thuỷ vào Hồ Nam. Ngày 14, vào huyện Chỉ Giang (芷江) nhưng vì đường lớn các xứ Kinh, Tương bị nước ngập
nên phải đổi theo đường Trường Sa, Võ Xương đi lên, qua Nguyên Châu, Thần Châu,
Thường Đức, đến ngày mồng 5 tháng Tám vào đến châu Tín Dương, tỉnh Hà Nam, ngày
14, vào trạm đầu tiên của Từ Châu, tỉnh Trực Lệ.
Ngày mồng 4
tháng Chín, vua Cao Tông ngự tại thắng cảnh Quyển A (卷阿), bốn người bọn
Tế Cáp Giác Khống vào triều kiến. Vua Cao Tông ra lệnh cho nội phủ diễn tấu Miến
nhạc.
Ngày hôm sau,
ban cấp cho Miến sứ một đạo sắc dụ, lại thưởng cho Miến vương và vương phi tượng
Phật, tơ lụa màu sắc, các món khí mãnh, trân ngoạn.
Tháng Hai năm
Càn Long 54, sứ thần Miến Điện quay về Mộc Bang, vua Miến ra lệnh cho các “đại
vạn” đưa các thổ ti thuộc tòng đến Mộc Bang nghênh tiếp, ngày mồng 1 tháng Tư
trở về A Ngoã.
Tháng Giêng năm
Càn Long 55 (1790), vua Miến Mạnh Viên sai đầu mục thân tín là Tiện Cư Vị Đà (便居未駝) đem biểu văn viết trên vàng lá, cống phẩm, voi
sang Trung Hoa chúc thọ vua Cao Tông 80 tuổi, lại xin được ban cho sắc thư
phong vương và mở cửa Đằng Việt buôn bán.
Vua Cao Tông thấy
Miến Điện đã nạp cống xưng phiên, được xếp vào trong hàng thuộc quốc nên đều
thuận cho các lời yêu cầu này.
Ngày mồng 4
tháng Ba, sứ thần Miến Điện đến Thiết Bích Quan, ngày 17 từ châu Đằng Việt khởi
hành lên kinh đô.
Ngày 13 tháng Sáu,
vua Cao Tông chính thức sắc phong cho Mạnh Viên làm Miến Điện quốc vương, lại
ban cho sắc ấn và ngự chế thi chương, vòng tay trân châu, định lệ mười năm một
lần sang triều cống, từ đó biên giới Vân Nam không còn cái nạn người Miến gây rối.
Theo qui luật từ
cuối đời Minh, đầu đời Thanh để lại, vùng biên giới tây nam áp dụng chính sách
“dĩ di trị di” (以夷治夷), loại bỏ những thổ
ti rộng lớn, ra lệnh cho ai ở yên đó không được liên kết với nhau với ý đồ để
cho họ đông nhưng nhỏ bé không có sức mạnh.
Trong thời vua
Thế Tông Ung Chính, tổng đốc Vân Quí Ngạc Nhĩ Thái (鄂爾泰) tâu xin cải thổ
qui lưu, ở những khu vực biên giới dần dần đưa quan lại đến cai trị, tuỳ theo số
thổ ti mà tăng giảm, những địa khu người Bãi Di ở khu vực biên giới Điền – Miến,
vốn dĩ toàn là thổ di thổ chức, đối xử như những khu vực bán độc lập, trên danh
nghĩa tuy là thổ ti nội thuộc nhưng vẫn nạp cống hàng năm cho Miến Điện, tình
trạng như chuột hai đầu, bị xúc xiểm khiến cho các bộ lạc tranh chấp, gây ra
chiến dịch Trung Miến.
Trong thời gian
vua Thanh Cao Tông đã từng 4 lần ra quân chinh thảo Miến Điện nhưng đánh lần
nào cũng thua, tổn thất rất lớn, dĩ nhiên không thể dựa vào thổ luyện, lục
doanh thì cũng nhút nhát, gặp địch là bỏ chạy, ra quân càng lâu càng uể oải hao
tốn (老師糜餉) còn binh lính từ
kinh sư như sách luân, ách lỗ đặc và thị vệ ba đồ lỗ tuy được gọi là tinh nhuệ
nhưng bên ngoài biên cương chướng lệ rất thịnh, thuỷ thổ ác liệt, số lính đó
thương vong gần hết. Vả lại binh đinh Mãn Châu sở trường về cung tên, hai doanh
Hoả Khí, Kiện Nhuệ đều chỉ sử dụng võ khí cổ điển. Theo kinh lược Phó Hằng thì
điểu thương của quân Thanh “quá nửa nòng
súng mỏng tanh, chỉ nạp được ba tiền thuốc súng, khi tập bắn thường chỉ ở trên đất
bằng, đến khi lâm trận từ trên bắn xuống, lửa chưa bén thì đạn đã rơi ra ngoài”.
Vì nòng súng và đạn không hoàn toàn vừa khít, khi sử dụng thì phải dùng “đất thó và lá cây [323] lèn cho chặt”.
Ngược lại, quân
Miến dùng toàn võ khí loại mới của Tây phương, súng tay cũng như đại pháo, lại
giỏi phòng thủ, lấy nhàn rỗi chống mệt nhọc. Khu vực biên giới Miến Điện, đường
núi nhỏ hẹp không tiện cho việc điều động một đội quân lớn, bổ sung khó khăn,
quân Thanh điều binh từ mấy nghìn dặm chạy đến, mỗi ngày chỉ có thể đưa khoảng
500 quân tiến lên, quân ở đầu đã giao chiến thì cuối hàng quân chưa khởi hành.
Vua Cao Tông nhiều
lần nói rằng nguyên nhân chủ yếu khiến quân Thanh thất bại là vì đất Miến là
quê hương của chướng lệ, là góc đất xa xôi, khí hậu hoàn toàn khác với nội địa
nên quả vì địa thế ngăn trở chứ không phải binh lực không đủ, quân nhu không
nhiều, việc chinh Miến bị giới hạn bởi thiên thời, địa lợi, có thắng cũng chẳng
anh hùng gì vì thế thuận theo ý trời mà làm, thấy khó thì bỏ.
Trong trước sau
bốn lần chiến dịch, quân Thanh tổn binh chiết tướng, tổng đốc Vân Quí Lưu Tảo,
Dương Ứng Cư, tướng quân Minh Thuỵ, tham tán đại thần Châu Lỗ Nột đều vì bại
binh mà tự sát, tổng binh Vương Ngọc Đình, Sách Trụ, Hồ Đại Do, Lý Toàn, Đức
Phúc, du kích Ban Đệ, Mã Thành Long, Hoàng Hải, lãnh đội đại thần Quan Âm Bảo,
Trát Lạp Phong A đều tử trận, tổng binh Quan Thư Mẫn, Quốc Trụ, Ngô Sĩ Thắng,
Vĩnh Bình, Tả Tú, đề đốc Đạt Khải, Lý Huân, Lý Tiến Trung, Diệp Tương Đức, Lập
Trụ, thị vệ Phó Linh An, tham tán đại thần Ngạch Nhĩ Cảnh Ngạch, phó đô thống
Miên Khang, Y Trụ, phó đô ngự sử Phó Hiển, hộ quân thống lãnh Ngũ Tam Thái, tán
trật đại thần Cát Bố Thư, phó tướng quân A Lý Cổn, kinh lược Phó Hằng trước sau
nhiễm chướng bị bệnh qua đời.
Tháng Chạp năm
Càn Long 34, truy tế các tướng sĩ xuất sư trận vong, thì có nhóm thị vệ Cổ Ninh
Bảo 22 người, tham lãnh Xước Cáp Đại 7 người, uỷ thự chương kinh Cáp Phong A 1
người, tiền phong Vĩnh Toàn Bảo 228 người, phó tướng Ngũ Thập Tứ 8 người, du
kích Hỗ Liên 4 người, đô ti Trương Chương 4 người, thủ bị Giang Kỷ 2 người,
thiên tổng Phương Bái 12 người, bả tổng Thôi Trực Trung 165 người, ngoại uỷ
Vương Khởi Xương 22 người, mã bộ binh đinh Mã Triều Nguyên 2888 người. Năm sau
lại tiếp tục truy tuất bao gồm tham lãnh Cát Lặc Chương A 3 người, tham tướng Hứa
Bân 1 người, du kích Lục Thập Thất 3 người, tá lãnh bộ uỷ tham lãnh Huy Tá 1
người, thủ bị Tăng Vinh Quốc 16 người, hộ quân chương kinh Toàn Lộc 5 người,
lãnh thôi uỷ thự nhàn tán chương kinh Đồ Tát Nãi 3 người, hộ quân hiệu Đình Trụ
1 người, lam linh trưởng tiền phong hiệu Đà Nhĩ Bố 3 người, lam linh trưởng Đồng
Lộc 3 người, bả tổng Lưu Tịch Môn 4 người, ngoại uỷ Lý Hồng Khôi 7 người, lãnh
thôi hộ quân phi giáp mã bộ binh 403 người, tất cả đều được vào thờ trong Chiêu
Trung Từ.
Việc quân nhu và
ngân lượng được dùng cho tỉnh Điền, theo như tổng đốc Chương Bảo (彰寶) tâu lên thì quân nhu ngân số liệt kê:
-
Lần đầu tuân lệnh điều bát giao cho tỉnh Điền lo việc quân nhu 300 vạn
lượng bạc, trong đó tỉnh Hà Nam 40 vạn lượng, tỉnh An Huy 40 vạn lượng, tỉnh
Giang Tô 33 vạn lượng, Lưỡng Hoài 97 vạn lượng, tỉnh Vân Nam 90 vạn lượng bạc.
-
Lần thứ hai tuân lệnh điều bát các bộ khố, giao cho tỉnh Điền lo việc
quân nhu 300 vạn lượng bạc.
-
Lần thứ ba tuân lệnh điều bát giao cho tỉnh Điền lo việc quân nhu 200 vạn
lượng, trong đó tỉnh Sơn Đông 60 vạn lượng, tỉnh Hà Nam 30 vạn lượng, tỉnh Chiết
Giang 30 vạn lượng, Hà Đông lam khoá 30 vạn lượng, Trường Lô lam khoá 50 vạn lượng
bạc.
-
Lần thứ tư tuân lệnh điều bát tỉnh Giang Nam [234]
giao cho tỉnh Điền lo việc quân nhu 21860 lượng bạc.
-
Lần thứ năm tuân lệnh điều bát các nhà buôn Lưỡng Hoài giúp cho quân nhu
tỉnh Điền 100 vạn lượng bạc.
-
Lần thứ sáu tuân lệnh điều bát tỉnh Chiết Giang giao cho tỉnh Điền lo việc
quân nhu 100 vạn lượng bạc.
-
Lần thứ bảy tuân lệnh điều bát giao cho tỉnh Điền lo việc quân nhu 300 vạn
lượng bạc, trong đó tỉnh Giang Tô 260 vạn lượng, tỉnh Chiết Giang 40 vạn lượng
bạc.
-
Lần thứ tám tuân lệnh điều bát Lưỡng Hoài 52 vạn lượng bạc.
Tổng cộng tất cả phụng
mệnh điều bát một nghìn ba trăm bảy mươi hai vạn một nghìn tám trăm
(13,721,800) lượng.
Từ năm Càn Long
53 trở về sau, các nước Nam Chưởng , Xiêm La trước sau đến Trung Hoa triều cống,
lại được sách phong còn Miến Điện nội loạn hết năm này sang năm khác, nước Anh
thì lăm le xâm chiếm, vua Miến Mạnh Viên mới gửi biểu nạp cống, vua Thanh Cao
Tông chính thức phong cho làm Miến Điện quốc vương, định lệ 10 năm cống một lần,
từ đó liên tục triều cống “từ một nơi bên ngoài nay vào trong vòng thánh hoá”,
chính là “tứ hải mộ nghĩa, bát hoang duyệt phục” (四海慕義,八荒悅服).
Sử gia Anh Tư Khảo
Đặc (J.G. Scott) đã nêu ra vì chiến dịch đánh Miến Điện hoàn toàn thất bại cho
nên sự nghiệp xán lạn một đời của vua Thanh Cao Tông đã có một vết hoan ố,
nhưng do đường lối ngoại giao lại thành công, việc Miến Điện mười năm một lần
triều cống, khiến cho quá trình xâm lăng của nước Anh bị một trở ngại lớn.[64]
[1]
Ðài Loan: Cố Cung Tùng San, Giáp Chủng số 26, tháng 6 năm 1982.
[2] Trình
Quang Dụ (程光裕). Đông Nam Á Sử, tr. 64 (Hương Cảng:
Hữu Liên xbx, sơ bản, tháng 7, 1964)
[3]
Quân Cơ Xứ, Nguyệt Triệp Bao, hòm 2771, bao 69, 10186 hiệu. Ngày 29 tháng Sáu
năm Càn Long 34: Lý Thị Nghiêu tấu triệp, phụ “Hà Tiên trấn mục Mạc Sĩ Lân
văn”.
[4]
Trung Ương nghiên cứu viện xb: Minh Thanh sử liệu, Canh Biên, đệ Thất bản, tr.
602, Binh bộ “Vi Nội Các sao xuất Vân Nam tổng đốc Trương Doãn Tuỳ tấu” di hội.
[5] Hoàng
Trạch Thương (黄澤蒼). Miến Điện, tr. 13, Vị Ngô Thượng Hiền
tụ chúng thập vạn. Dân Quốc tháng 2, năm 20 (Thương Vụ ấn thư quán xb).
[6]
Quyên nạp (捐納), dùng tiền để mua phẩm hàm của triều
đình nhưng không làm quan.
[7] Cảnh
Tuyến tức là “Bát Bách đại điện”, còn có tên là Cảnh Mại (景邁), sau bị Miến Điện áp bức, chạy sang tị cư ở Cảnh Tuyến, lại
xưng là Tiểu Bát Bách. Xem Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm 2772, bao 23, hiệu
3402. Ngày 19 tháng Chín, Càn Long 13: Trương Doãng Tuỳ
tấu triệp lục phó.
[8] Quân
Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm 2740, bao 26, hiệu 3883. Ngày 17 tháng Chạp, Càn
Long 13: Trương Doãng Tuỳ tấu triệp lục phó “Cảnh Tuyến đầu mục gửi Mãnh Lung
thổ ti, Miến văn”.
[9] Quí
Gia theo Minh Quế vào Miến làm quan và con cháu. Quan thư triều Thanh gọi là
Quí Gia hya Quỉ Gia. Đồ Thuật Gia trong “Miến Khảo” viết là “Quế Gia, người
Giang Ninh. Cuối đời Minh vào Miến Điện, phân tán sống ở Sa Châu, người Man
không đuổi đi được. Sống hơn trăm năm ngày càng đông, gọi là Quế Gia, binh lực
mạnh, các Man đều sợ” “Cung Lý Nhạn cao to nhưng quái lạ, mặt đầy râu, khi đánh
nhau tên đạn không bắn trúng được, người man rất sợ”. Xem Vân Nam Đằng Việt
châu chí, quyển 10, trang 51, Càn Long 55 san bản.
[10]
Bên dưới lại là Mạnh Sĩ Cẩm, hai chữ Tích 錫và Cẩm 錦gần giống nhau.
[11] Vương
Vĩnh trong Chinh Miến Kỷ Lược nói là “Năm 18, xưởng trưởng là Ngô Thượng Hiền
khuyên Miến Điện nhập cống, Miến tù Ma Cáp Tổ mới đem voi đã thuần hoá, tháp mạ
vàng sai sứ gõ cửa quan”. Thánh Vũ Ký, Thanh Sử Cảo đều chép như vậy nói là sứ
Miến tiến cống năm thứ 18. Tính ra thì lúc này Ngô Thượng Hiền đã chết ở trong
ngục.
[12] Harold
C. Hinton “China’s Relations with Burma and Vietnam” tr. 31, New York, 1958.
Trong sách này nói là năm Càn Long 15 (1750) và 16 (1751), Miến Điện sai sứ đến
triều cống nhà Thanh, nhưng không thấy có chứng cứ gì về phía Miến Điện. Có lẽ
thời kỳ đó Miến Điện đang có nội loạn lớn, hoặc không ghi chép.
[13] Tức
Borneo thuộc Indonesia ngày nay
[14]
Tên thường gọi của tỉnh Quí Châu
[15] 無藉細民
[16]
Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm 2740, bao 49, số hiệu 6982. Ngày 12 tháng Năm
Càn Long 16, Thạc Sắc tấu triệp lục phó.
[17]
Cung Trung Đáng, hòm số 2713, bao số 6, 1285 hiệu, ngày 24 tháng Ba, Càn Long
17. Thạc Sắc tấu triệp.
[18]
Thường quen gọi là người Mon
[19] D. G. E. Hall, “A History of South-East
Asia”. Xem Lê Đông Phương dịch Đông Nam Á Thông Sử (1), tr. 95 (Trung Hoa văn
hoá xb sự nghiệp xã, tháng 5, Dân Quốc 55, sơ bản.
[20] Cung Trung Đáng, hòm số 2725, bao 36, hiệu
7792. Mồng 7 tháng Mười, Càn Long 19. Thạc Sắc tấu triệp. Khi con của Đắc Lăng
tấn công A Ngoã là vào tháng Tư năm Càn Long 17. Vương Sưởng trong Chinh Miến kỷ
lược viết là vào mùa đông năm Càn Long 18; Thanh Sử Cảo chép theo bản này, cũng
viết như vậy, Triệu Dực viết Bình định Miến Điện thuật lược, Nguỵ Nguyên viết
Thánh Võ Ký lại nhầm sang Càn Long 19.
[21] Quân Cơ Xứ, Nguyệt Triệp Bao, hòm 2771, bao
69, hiệu 10186, Ngày 29 tháng Sáu Càn Long 34. Lý Thị Nghiêu tấu triệp lục phó,
phụ thêm ”Sao lục thự du kích Trịnh Thuỵ đẳng phỏng tra tiết lược”.
[22] Vương Sưởng trong Chinh Miến kỷ lược viết
là “Ung Tịch Nha khi đi đánh Xiêm La vượt biển bị sét đánh chết”. Xem Tiểu
Phương Hồ Trai Dư địa Tùng Sao, phần 10 tr 233; D. G. E. Hall, “A History of
South-East Asia” viết là Ung Tịch Nha bao vây thành lớn chỉ huy pháo thủ khai
pháo bị nổ nòng mà chết. Thương Giả Ôn (商賈溫)
khai là bị bệnh chết có vẻ đáng tin hơn.
[23] Sir J. G. Scott, “Burma from the Earliest
Times to the Present Day”, p. 170. Minhkaungnawrahta viết là Meng Hkawng.
[24] Cấp Tu chủ nhân (汲修)
trong Khiếu Đình tạp lục, quyển 4, trang 10 nói là Mãng Kỷ Giác tức Nộn Đạo Cực
bị bệnh chết nhưng theo thổ ti Cảnh Mã dò thám báo rằng Mãng Kỷ Giác đánh với Mộc
Bang bị thương rồi chết. Cung Trung Đáng, hòm số 2759, bao 16, hiệu 17116, ngày
19 tháng Hai năm Càn Long 29, Ngô Đạt Thiện tấu triệp.
[25] Miến Đáng, Càn Long 33, hạ Sách, lời cung của
bộ binh Dương Thanh, Viên Khôn của hiệp Bình Viễn, tỉnh Quí Châu.
[26] Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế thực lục,quyển
511, trang 29, thượng dụ ngày Ất Sửu, tháng Tư năm Càn Long 21.
[27] Lê Đông Phương, Tế Thuyết Thanh Triều, tập
thượng, trang 207, viết “Mộc Bang thổ ti Hãn Mãng Để bị thua sau chết”. Truyện
Ký văn học xbx. Theo Cung Trung Đáng, hòm 2759, bao 16, hiệu sô17116, ngày 19
tháng Hai năm Càn Long 29. Tổng đốc Vân Quí Ngô Đạt Thiện khai là Hãn Mãng Để
chạy trốn rồi bệnh chết. Miến Đáng, Càn Long 33, hạ ách, trang 165, thổ ti Mạnh
Định Hãn Đại Hưng cung khai là “Hãn Mãng Để chạy đến Mãng Cát thì chết”.
[28] Cung Trung Đáng, hòm số 2759, bao 65, hiệu
14384, ngày mồng 3 tháng Ba năm Càn Long 28. Ngô Đạt Thiện, Lưu Tảo tấu triệp.
[29] Cáp Uy (G. E. Harrey) nguyên tác, Lý Điền Ý
dịch “Miến Điện sử cương, chương 8, trang 18, Quốc lập Vân Nam Đại Học Tây Nam
Văn Hoá Nghiên Cứu Thất, Dân Quốc 33, tháng 12 xb.
[31] Harold C. Hinten, “China’s Relations with
Burma and Vietnam”, tr. 31.
[32] Hách Nhĩ (D. G. E. Hall) nguyên tác, Lê
Đông Phương dịch “Đông Nam Á thông sử” (A History of South-East Asia) tr. 98,
nguyên dịch Hsenwi, Sâm Vệ tức Mộc Bang, Khánh Hàng tức Trấn Khang.
[33] 飽則颺去,否則刼掠土寨
[34]
Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế thực lục, q. 751, tr. 5. Thượng dụ ngày Canh
Thân, tháng Chạp, Càn Long 30
[35]
Cung Trung Đáng, hòm 2753, bao 99, số 22235. Lưu Tảo tấu triệp ngày 26 tháng Chạp,
Càn Long 30.
[36]
Minh Thanh sử liệu, Canh Biên, đệ Thất bản, trang 609, bộ Binh “Vi Nội Các sao
xuất Vân đốc Lưu đẳng tấu” di hội.
[37] Sợ
sệt rụt lại không dám tiến lên
[38] Thanh Cao Tông Thuần hoàng đế thực lục, quyển
754, trang 1. Thượng dụ ngày Nhâm Dần, tháng Hai năm Càn Long 31.
[39]
Miến Đáng, Thượng Sách, Càn Long 32, tr. 244-245. Tôn Nhĩ Quế cung từ.
[40]
Minh Thanh sử liệu, Canh Biên, đệ Thất bản, trang 641, ngày 15 tháng Sáu năm
Càn Long 32, bộ Binh “Vi nội các sao xuất Vân Quí tổng đốc Minh Thuỵ, Ngạc Ninh
tấu”.
[41]
Miến đáng, Càn Long 32 thượng sách, trang 169, ngày 17 tháng Tư. Ký tín thượng
dụ.
[42] Tổng
binh Đức Bảo nghe nhầm, ngày mồng 8 tháng Bảy nhuận chạy trốn, ngày 17 về đến
Tư Mao. Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế thực lục, quyển 792, trang 4 viết nhầm
ngày Đức Bảo chạy trốn là ngày mồng 8 tháng Bảy.
[43] Phó
đô thống Ngạch Lặc Đăng Ngạch, Miến Đáng viết là Ngạch Nhĩ Đăng Ngạch, tấu triệp
của Ngạc Ninh cũng viết là Ngạch Nhĩ Đăng Ngạch, nay theo Thực Lục chép là Ngạch
Lặc Đăng Ngạch. Thanh Sử Cảo viết là Ô Nhĩ Đăng Ngạch là từ sai lầm trong Chinh
Miến Kỷ Lược.
[44] Ô
Lạp Tề là một giống dân thiểu số ở Mãn Châu
[45]
Chu Dụ “Tòng Chinh Miến Điện nhật ký”, trang 1, Đạo Quang 21, Kim Sơn Tiền Hi Tộ
Tích chi phủ hiệu tử.
[46]
Thường gọi là chiến thuật “vườn không nhà trống”.
[47] 哨 một đội quân Thanh, trên nguyên tắc là 100 người nhưng ở đây
chỉ một cánh quân.
[48]
Miến Đáng, Càn Long năm 33, hạ sách “Hãn Triều Ky cung từ”, năm 34, thượng sách
“Hà Sĩ Thuận cung từ”.
[49]
Tên một bộ lạc Mãn Châu
[50]
Tên một giống người Mông Cổ (Uuld)
[51]
Cung Trung Đáng, hòm 2728, bao 110, hiệu 24727, ngày mồng 9 tháng Tư, Càn Long
33. Thư Hách Đức, Ngạc Ninh tấu triệp.
[52]
Miến Đáng, Càn Long 33, hạ sách, tr. 175, Đạt Mộc cung từ
[53]
Miến Đáng, Càn Long 34, thượng sách, tr. 113-118, dịch từ văn thư tuyên uý Mộc
Bang gửi tướng quân và 8 thổ ti.
[54] Tức
Ferula assafoetida, một loại hương liệu của Ấn Độ
[55]
Quân Cơ xứ, Nguyệt Triệp Bao, thùng 2771, bao 71, 10936 hiệu, ngày 29 tháng Mười,
Càn Long 34. Phó Hằng tấu triệp viết là 50 người. Thanh Cao tông Thuần Hoàng Đế
thực lục, quyển 845, tr. 58 viết nhầm là trên 500 người.
[56]
Sr J. G. Scott “Burma from the Earliest Times to the Present Day”, p. 178;
Maung Htin Aung, “A History of Burma”, pp. 181-182.
[58] 貢表一日不至,内地貿易一日不能通。
[59] Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm số 2771, bao 79, 12700
hiệu. Ngày mồng 8, tháng Mười, Càn Long 35. “Bản dịch lá thư cuả Nột Nhĩ
Tháp ở Lão Quan Đồn gửi Cáp Quốc Hưng”.
[60]
Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm số 2771, bao 79, 12700 hiệu. “Dụ cảo A Quế
thay mặt Cáp Quốc Hưng trả lời Miến vương”.
[61]
Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, hòm số 2771, bao 82, 13725 hiệu. Dịch ra từ bản
văn tiếng Miến viết trên lá cọ, ngày 15 tháng Ba năm Càn Long 36.”
[62] Cung Trung Đáng, hòm 2769, bao 183, hiệu 32476, ngày mồng
5 tháng Chín năm Càn Long 42. “Lý Thị Nghiêu tấu triệp”.
[63]
Cung Trung Đáng, hòm 2715, bao 171, hiệu 41754, ngày mồng 6 tháng Sáu năm Càn
Long 47. “Phú Cương tấu triệp: Án Mạnh Viên liên quan đến con thứ tư Ung Tịch
Nha, con thứ ba A Mẫn Vương đem Chuế Giác Nha dìm sông chết”. Sir J.G. Scott
“Burma from the Earliest Times to the Present Day.” p. 185. Nếu A Mẫn Vương là
con thứ tư thì Mạnh Viên là con thứ năm.
[64]
J. G. Scott, “Burma from the Earliest Times to the Present Day” tr. 172.