Sunday, August 25, 2024

Nguyễn Duy Chính: TRẬN THUỶ CHIẾN QUI NHƠN (1-2-1801) QUA TÀI LIỆU NGƯỜI PHÁP

 

 

TRẬN THUỶ CHIẾN QUI NHƠN (1-2-1801)

QUA TÀI LIỆU NGƯỜI PHÁP

LES BATAILLES DE QUI-NHO'N (JANVIER-FEVRIER 1801)

Nguyễn Duy Chính

 


MỞ ĐẦU

Cuối năm Canh Thân (1800), đầu năm Tân Dậu (1801), một trận hải chiến khiến cho tương quan Tây Sơn – Nguyễn đổi hẳn thế cờ.

Đại Nam Thực Lục, đệ Nhất kỷ, quyển XIII (tr. 3-5) chép :

[3]水師攻賊于施耐海口,大破之。先是賊司徒武文勇以定國大號船二艚,戰船百餘艚,橫截海口。又於海口之左鷓洲,右三座山設兩堡,多置大礮,憑高扼險以拒我師。至是諸軍[4]造火攻戰具各以完備。

帝密定以十六日之夜提兵襲破,遣前支黄文慶率步兵暗下椰澳竢礁磯火發,攻陷賊壘,從山後設伏,以捍賊。留范文仁守虬蒙澳。帝乃親董舟師進發。

夜三鼓過礁磯,獲賊遊兵,得其口號。卽命阮文張,宋福樑先以小舟潛入虎磯燒賊水屯。復命武彝巍乘執令海導直進。黎文悅督兵繼之。賊據堡拒戰,自寅至午。礮聲震天。飛彈如雨。彝巍爲礮擊中死。悅不之顧,督戰益力。

帝見士卒多死傷命小差諭令稍退。悅以死自誓。麾軍趕上申刻入海口以火戰燭乘風縱擊賊大號船。賊衆大潰,死者甚衆。勇敗走。賊船燒燬殆盡。我師遂據施耐,人稱是役爲武功第一彝巍富榮人。明命元年祀世廟。十二年,封平江郡公。

[5]阮文誠聞捷,分遣諸道步兵攻雲山,富中賊堡。阮德川陣斬賊都督阮核,獲象二匹,礮械無算。帝駐蹕施耐汛,以軍捷馳諭嘉定及富安,平康,平順知之。又令嘉定留鎭臣爲書報暹,臘。

…Thuỷ quân đánh giặc ở cửa biển Thi Nại, đại phá. Trước là tư đồ giặc Vũ Văn Dũng đem hai chiếc tàu đại hiệu Định Quốc và hơn một trăm chiến thuyền, chặn ngang giữ cửa biển. Lại thiết lập hai đồn [bảo] trên Giá Châu [tức Nhạn Châu] ở phía tả, núi Tam Toà ở phía hữu, đặt nhiều súng lớn, dựa thế trên cao, dưới chẹn chỗ hiểm để chống với quân ta.

Đến lúc đó, các cánh quân chế tạo đồ để đánh hoả công và các chiến cụ đều đã hoàn thành. Vua bí mật ra lệnh đến đêm 16 sẽ đánh, sai tiền chi Huỳnh Văn Khánh đem quân bộ lẻn xuống Vũng Dừa, chờ cho lửa cháy ở Tiêu Cơ thì tấn công vào luỹ của địch, rồi mai phục phía sau núi để chặn đường. Để Phạm Văn Nhân ở lại giữ vịnh Cù Mông còn nhà vua sẽ đích thân đi thuyền sư tiến lên.

Canh ba đêm hôm đó đi qua Tiêu Cơ, bắt được binh đi tuần của giặc nên lấy được mật khẩu. Trước sai Nguyễn Văn Trương, Tống Phúc Lương đi thuyền nhỏ lẻn vào Hổ Cơ đốt đồn thuỷ của giặc, sau sai Võ Di Nguy theo đường biển tiến thẳng vào, Lê Văn Duyệt thúc quân theo sau. Giặc giữ đồn chống lại từ giờ Dần đến giờ Ngọ, tiếng đại bác vang trời, đạn bay như mưa. Di Nguy trúng đạn đại pháo chết. Duyệt không chịu lùi, đốc chiến càng hăng.

Vua thấy tướng sĩ chết rất nhiều nên ra lệnh cho viên chức nhỏ đến ra lệnh rút lui, Duyệt thề đánh đến chết thì thôi. Rồi thúc quân xông lên, đến giờ Thân thì vào được trong cửa biển dùng hoả công, thừa thế gió tung ra đốt thuyền lớn của giặc. Quân giặc tán loạn, chết rất nhiều. [Vũ Văn] Dũng thua chạy. Thuyền giặc bị đốt cháy gần hết. Quân ta chiếm được Thi Nại, người ta nói rằng chiến dịch này là võ công số một.

Di Nguy người Phú Vang, Minh Mệnh nguyên niên được thờ trong thế miếu, đến năm thứ mười hai được phong làm Bình Giang quận công.

Nguyễn Văn Thành nghe tin chiến thắng liền chia quân các đạo tiến lên đánh các đồn giặc ở Vân Sơn, Phú Trung. Nguyễn Đức Xuyên chém đô đốc giặc là Nguyễn Hạch tại trận, bắt được hai thớt voi, súng ống khí giới nhiều không kể xiết.

Vua trú đóng ở tấn Thi Nại, gửi tin thắng trận cho Gia Định, Phú Yên, Bình Khang, Bình Thuận. Lại ra lệnh cho quan lưu trấn ở Gia Định gửi thư báo cho Xiêm La, Chân Lạp được biết.[1]

Tuy được gọi là “đệ nhất võ công” nhưng việc biên chép khá sơ sài, cũng khó hình dung được thực tế trận đánh ra sao. Nguyễn Đức Xuyên, tuy cũng có mặt ở Qui Nhơn lúc đó nhưng lại thuộc cánh tượng và bộ binh đang vây thành, tường thuật như sau:

… Mùa xuân, tháng Giêng ngày 14, Nguyễn Văn Thành kiểm điểm số quân Nội dinh bổn binh của thần có mặt 2,128 người, ngoài ra số đi sai phái và ốm đau các hạng 393 người.

Đêm 15, Nguyễn Văn Thành có mật tờ vâng mật chỉ đốc thúc bộ binh đến đêm 16 phân quân chia đánh các đồn luỹ giặc để tiện cho thuỷ quân đánh đồn thuỷ giặc.

Ngày 17, Thánh thượng lấy được cảng Thi Nại. Nguyên trước, nguỵ Tư đồ Dũng quản thuỷ quân nhiều lần thua, thế cùng, nên lấy hai chiếc tàu Đại hiệu Định Quốc đậu chắn cửa khẩu cảng Thi Nại; sau đó lại đậu thêm các chiến hạm chở binh khí. Nguỵ Thiếu phó Diệu quản bộ binh đóng luỹ đối diện, cho là súng ống khí giới đã chở cũng đủ. Đến nay Vương thượng sai Đô thống chế Tả dinh quân Thần Sách Duyệt Hoà hầu quản thuỷ quân túc trực, nhân đêm tối cỡi thuyền nhỏ đột nhập, dùng hoả khí đèn chiến đốt cháy, làm quân nguỵ Dũng tan vỡ trốn lên bờ, [quân ta] lấy được đồn đất Quán Lạc và súng ống nhiều không kể xiết.[2]


 TƯỜNG THUẬT CỦA NGƯỜI PHÁP

Trận đánh ở Qui Nhơn có sự tham dự của một số người ngoại quốc trong số đó một số sĩ quan Pháp. Tuy những ghi chép của họ có phần sai lạc và chủ quan khác xa với sử triều Nguyễn nhưng cũng là một góc nhìn cần tham khảo.

      




Nghiên cứu của Emile Tavernier

(tủ sách NDC)

Về tình hình chung của trận đánh, tác giả Emile Tavernier[3] đã tổng hợp rất chi tiết như sau :

Bây giờ chúng ta quay lại vịnh Qui Nhơn – khi đó gọi là vũng Thi Nại – là nơi binh thuyền của địch tập trung ở trong đó, nơi chỉ có thể đi vào bằng một eo biển rộng chừng 250 mét, độ sâu từ 8 đến 25 mét khi thuỷ triều lên.

Ở phía đông và đông nam, vịnh này bị chặn bởi bán đảo Phước Mai, tận cùng phía tây nam là một mỏm núi cao chừng 200 mét. Cái mỏm này kiểm soát tất cả lối ra vào và được củng cố bởi những đồn của Tây Sơn mà tôi không đếm được là bao nhiêu. Ở phía bên kia, một phòng tuyến đóng theo hình chữ V bao gồm những chiến hào có bậc thang để bảo vệ khu vực đông bắc và đông nam thành Qui Nhơn trong trường hợp bị một đơn vị đối phương tấn công từ mặt biển, trước hay sau khi đội quân này vào được trong vịnh.

Sau cùng, một dãy chiến luỹ chỉ huy những đơn vị tây bắc và tây nam của ô vuông. Trong thành, nơi các đội quân tinh nhuệ nhất của Tây Sơn đồn trú, tích trữ một số lượng binh khí, đạn dược và quân cụ đáng kể …

Đội chiến thuyền của Tây Sơn bỏ neo hay trú đóng ở trong vịnh cũng được bảo vệ bởi hai nguồn hỗ trợ, lực lượng trang bị đủ để quan sát bất cứ đội quân nào toan tính vượt qua và đánh úp bất ngờ. Dù sao chăng nữa, vào thời điểm chúng tôi đang ở đây, các đơn vị trọng pháo bố trí ở hai bên eo biển cũng chỉ chính xác tương đối và hoả lực của họ cũng chỉ trong tầm bắn khoảng 500 mét mà thôi.

Cũng ghi nhận là ban ngày thì không sợ bị tấn công bất ngờ vì tầm nhìn từ trên một doi đất trong vịnh (mà thành phố Qui Nhơn ở trên đó) xuống phía nam chỉ có thể được vài dặm và khi thuỷ triều lên thì đất liền chỉ cao chừng một hay hai mét mà thôi.

Tôi cũng chỉ ra thêm là nhờ chặn được eo biển này mà quân Tây Sơn đã vây tướng Võ Tánh gần hai năm trời tại thành cũ của Bình Định, cách Qui Nhơn chừng 25 km vì quân bao vây không sợ bị đối phương tăng viện đánh vào mặt sau. Ngoài ra, lãnh tụ của Tây Sơn, vua Nguyễn Quang Toản đang ở Phú Xuân (Huế) cũng hoàn toàn không biết gì về tính toán của phía bên kia.

Đội chiến thuyền thứ ba của Nguyễn Ánh đã đậu tại vũng Cù Mông từ tháng 12 năm 1800, cách Qui Nhơn khoảng chừng 15 hải lý. Cũng xin mở một dấu ngoặc để chỉ ra rằng trận hải chiến Qui Nhơn chia ra ba giai đoạn, mỗi lần cách nhau chừng một tháng. Hai lần đầu trong chiến dịch này do quân trên bộ hoàn thành, còn lần thứ ba thì kết hợp cả quân thuỷ lẫn quân trên bờ.

Chuỗi biến cố này cũng cần hiểu cho minh bạch vì đã bẻ gẫy lực lượng Tây Sơn và chỉ ra những lý do chính trị - quân sự mà chiến dịch ban đầu đã châm ngòi cho những lần kế tiếp cho tới khi kết thúc.

Tuy tinh thần của quần chúng dưới quyền chúa Nguyễn Ánh ở Đồng Nai và phía dưới An Nam – như tôi đã nói – không hoàn hảo nhưng dân chúng sống tại khu vực cai trị của Tây Sơn (bao gồm miền trung, bắc của An Nam và Bắc Hà), thì càng lúc càng khốn khổ. Đất nước đã hoàn toàn kiệt quệ và là một cánh đồng chết. Những mồ chôn tập thể, những dịch bệnh lan tràn xoá đi một phần dân chúng. Miếng ăn càng lúc càng khó khăn. Những người được chứng kiến tận mắt cho chúng tôi biết thịt người được bán không phải chỉ một nơi. Kỷ luật quân đội thì nay không còn chặt chẽ nên binh lính nhiều người bất mãn. Quan lại và tướng lãnh vì quá mệt mỏi đều vô vọng trong tình trạng mà giới lãnh đạo đã làm cho đất nước trở nên suy sụp không thể tránh được.

Để ngăn ngừa những âm mưu nội loạn, vua Nguyễn Quang Toản đã cầu hoà với người thừa kế nhà Nguyễn mà họ đã cướp ngôi. Ông gửi một sứ giả đến Cù Mông và Nguyễn vương đã đón tiếp đúng nghi lễ theo phẩm trật và hứa sẽ xem xét các đề nghị đem đến. Nguyễn Ánh khai thác được từ các sứ giả những tin tức chắc chắn về tinh thần trong nước và những gì sẽ về báo cho lãnh tụ. Phái đoàn này có ngờ đâu rằng họ đã góp phần thúc đẩy những biến cố tiếp theo.

 



Trận Thi Nại theo bản vẽ của Barisy

Histoire militaire de l’Indochine Franҫaise, tome I, tr. 22

Nguyễn vương không để phí thời gian. Bỏ lại đoàn chiến thuyền của ông tại vũng Cù Mông, ông lên bộ cùng với quân của mình. Họ ra đi ngày 1-1-1801[4] khi chỉ còn vài giờ nữa sẽ đến Qui Nhơn thì ông dừng quân tại Dung Thi, nơi có bảy doanh trại địch, trang bị bằng súng lớn trấn giữ.

Nguyễn vương cho quân tiền phong lui lại và ra lệnh cho đại quân tiến lên phá các chiến luỹ ngăn chặn họ. Hai mươi khẩu thần công đồng loạt nhả đạn và chẳng mấy chốc đã khiến các đồn trại im tiếng. Một loạt súng trường nhắm vào những quân trú đóng đang bỏ chạy và rồi lệnh tấn công được đưa ra khiến các vị trí đó bị kiềm chế.

Trận đánh rất khốc liệt, kéo dài suốt 4 giờ nhưng chiến thắng về tay Nguyễn Ánh, còn quân Tây Sơn bị tiêu diệt đến kẻ cuối cùng. Đội thân binh tham gia lần đó không rời đi cho đến khi không còn ai để giết mới thôi.

Thất bại này khiến cho đối phương phải phản ứng ngay và triệu tập các tướng lãnh để trả thù cho những người bị tàn sát. Thế nhưng Nguyễn Ánh vẫn tiếp tục tiến quân không có gì ngăn trở đến phía tây của Qui Nhơn và chuẩn bị chiến đấu. Ngày 13-1-1801 [30 tháng Một, Canh Thân], quân của ông sẵn sàng tại các chiến hào đợi địch tấn công mà họ biết rằng rất khốc liệt.

Nguyễn Ánh ở giữa đoàn quân và đích thân chỉ huy. Dưới tay ông có cả tướng lãnh người Pháp lẫn người An Nam có kinh nghiệm chiến trận từng được thử thách với quyết tâm cao độ. Các khẩu đại pháo và tượng binh cũng sẵn sàng chỉ còn chờ lệnh.

Về phía đối phương, bộ binh được tăng cường bởi những thuỷ thủ từ các chiến thuyền đưa lên, tất cả lên đến 6 vạn người và 400 đại pháo. Số lượng đó vượt quá lực lượng của Nguyễn Ánh và vị trí phòng thủ đã cho quân Tây Sơn một ưu thế không cần phải bàn cãi. Thế nhưng vũ khí của chúa Nguyễn trội hơn đối phương và quân của ông được trang bị đầy đủ hơn, huấn luyện chu đáo hơn và kỷ luật hơn.

Ngoài ra, từ Nguyễn vương xuống đến người lính thường, ai ai đều biết rằng đây là một trận đánh sinh tử, tương lai của ngai vàng nhà Nguyễn và sự yên vui của nhân dân là cái giá của lần này.

Sáng sớm ngày 14-1 [mồng 1 tháng Chạp, Canh Thân -người dịch chú thích], địch quân mở đầu tấn công vào quân của Nguyễn vương được hỗ trợ bởi 400 khẩu đại pháo và một dãy chiến luỹ có trang bị bằng súng lớn.

Những viên đạn phá vỡ nhiều lỗ hổng trong đạo quân của Nguyễn Ánh nhưng không làm cho họ nao núng. Những toán quân địch tấn công lên đi trước là các toán tượng binh xông lên như vũ bão nhưng quân của chúa Nguyễn không phản ứng. Liệu họ định đánh sáp lá cà ở ngay các hào luỹ chăng? Quân lính nhìn ông hoang mang tự hỏi hay là lãnh tụ của mình đã mất trí và để cho họ bị tàn sát bởi đoàn quân hung hãn và quả cảm đang tiến tới.

Nguyễn Ánh lặng yên, thụ động, chờ đợi nhìn chăm chăm vào kẻ thù đang la hét một cách ghê rợn, ấy chính là giờ phút quyết liệt để phản công. Quân Tây Sơn, được che chắn bằng một loạt các loại hoả lực đủ cỡ nay đã nằm trong tầm súng.

Bây giờ mới là phút hành động. Nguyễn vương quyết định ra lệnh cho quân ông đồng loạt nổ súng để chặn địch. Loạt đạn thứ nhất hạ gục lớp quân địch đầu tiên. Pháo binh lập tức tiếp theo rải các đạn đại bác vào đám quân đang kinh hoàng và những con voi dùng như chiến xa đi lên trước. Các đợt tấn công cứ dâng lên, ngập ngừng rồi dừng lại không quyết định. Đoàn quân xung kích đã bị phá vỡ.

Khi đó Nguyễn Ánh mới ra lệnh cho bộ binh và các đội voi xông lên chọc thủ phòng tuyến tấn công vào kẻ thù. Hai bên hỗn chiến che phủ trong tiếng đại bác. Quân địch không ngờ rằng đối phương phản ứng như vậy, cố gắng chặn lại ngay tại chỗ nhưng tinh thần đã nao núng. Tuy nhiên họ vẫn sống chết chống cự cho tới đêm hôm đó thì những người sống sót đã chiếm lại được các doanh trại.

Tôi cho rằng vào cao điểm của trận đánh khi quân địch tung hết lực lượng ra, Nguyễn Ánh đã phải tập trung đại pháo bắn vào các công sự kiên cố nằm ở tây bắc và tây nam các cứ điểm này và đã đốt cháy các chiến hào gây ra những tổn thất lớn.

Sau một trận đấu pháo dữ dội và sát thương cho cả hai bên, thân binh của Nguyễn vương xông lên tấn công vào chiến luỹ và đã chạm phải một sự chống cự kịch liệt khiến cho những kẻ giữ đồn bị tàn sát đến kẻ cuối cùng. Súng lấy từ trong luỹ nay nhắm vào những người chạy trốn và những người chủ mới của chiến luỹ ra sức chặn không cho đoàn quân như rắn mất đầu đang bỏ chạy bị bắt lại trong kinh hoàng.

Chiến trường nay trống trải và không thấy bóng quân thù. Sau khoảng 10 giờ giao tranh dữ dội, chiến cuộc tạm ngừng vì không còn chiến binh. Hai bên đối nghịch đều mất rất nhiều nên thu quân, tưởng như cùng đồng ý quay về phòng tuyến của mình. Không bên nào muốn khiêu chiến bên kia, cũng không bên nào thắng lợi rõ rệt nên củng cố chiến tuyến để chuẩn bị cho những đợt tấn công mới.

Một tháng trôi qua trong yên ắng rợn người nhưng đến ngày 12 tháng 2, 1801 [29 tháng Chạp, Canh Thân] thì một trận đánh mới xảy ra, một phen tử chiến để xem ai thắng ai bại.

Cuộc chiến diễn ra cũng cùng mọi điều kiện, theo cùng một tiến trình một tháng trước đây, tuy đối phương có thể không dữ dội bằng nhưng sử dụng những chiến thuật cẩn trọng hơn.

Nguyễn Ánh cũng phản ứng tương tự và đạt được ưu thế ngay từ khởi đầu, nhờ vào cách điều quân và tinh thần cao hơn kẻ địch. Ngoài ra, ông cũng biết cách khai thác tình trạng rối loạn của các lực lượng trừ bị đang tập trung ở cánh phải của chiến luỹ chuẩn bị tiếp viện cho những đơn vị đang tác chiến.

Thành phần dự bị này, phải vượt qua một vùng rộng lớn bị cắt ngang bởi một khe núi nên Nguyễn vương đã ra lệnh cho 22 đội quân chiếm lấy vị trí ngay trên đỉnh của thung lũng này. Lệnh này được thi hành gấp rút và việc di chuyển không hề bị địch quân phát giác.

Trận đánh lại tiếp tục, khói súng và cát bụi nhờ thuận gió nên quện thành những đám mây thổi về phía cánh quân tiếp viện của địch nên che khuất những việc điều quân. Cho rằng sẽ không gặp trở ngại gì, lực lượng tăng viện của địch rơi vào ngay hướng của thung lũng nhưng bị chặn lại bởi một bức tường thép khiến cho chúng bị tàn sát ở một khoảng cách rất gần.

Sau cùng, giờ phút quyết định đã đến, Nguyễn Ánh chỉ huy quân dự phòng và đánh một trận ân huệ vào đối phương. Những kẻ sống sót trong thảm hoạ không chạy được thì cũng rơi xuống các hầm chông. Một người Pháp ở cùng với Nguyễn vương thời gian này đã thuật lại việc tàn sát thật khủng khiếp.

Chiến thắng trên bộ đã đạt được, quân địch đã bị tiêu diệt hay ít ra cũng đã hoàn toàn bạt vía nhưng quân trên biển của chúng vẫn còn nguyên.

Sau đây là hai màn sau của chiến dịch Qui Nhơn. Tôi nói về trận đánh sau.

Thảm hoạ mà Tây Sơn hứng chịu không thể không phản kích. Mặc dù đội ngũ của họ đang lộn xộn, họ quyết định mở cuộc tấn công. Một hội đồng tướng lãnh được triệu tập ngày 11 tháng Giêng năm Tân Dậu [Tavernier ghi là 13-2-1801 nhưng đúng ra phải là 23-2-1801] trong đó dự định thuỷ quân sẽ tấn công vào lực lượng của chúa Nguyễn đang bỏ neo trong vịnh Cù Mông. Quân Tây Sơn đã vô cùng vội vã chuẩn bị và điều động một số lượng lớn trong số những đơn vị tinh nhuệ nhất.

Thật không may cho họ, kế hoạch đã bị rò rỉ nên Nguyễn Ánh đã lập tức đứng ra chỉ huy lực lượng thuỷ quân.

Vào ngày rằm tháng Giêng [Tavernier ghi là 17-2-1801 nhưng phải là 27-2-1801], sau khi cho một nhóm quân nhỏ đến khiêu chiến và bắn dọ đường, Nguyễn Ánh ra lệnh cho thuỷ đội của ông giương buồm. Việc này do Nguyễn vương chỉ huy nhưng dưới sự điều động hữu hiệu của Vannier, Chaigneau và Forçanz mà những người này đã được ban cho tên Việt (Vannier được gọi là Nguyễn Văn Chấn, Chaigneau gọi là Nguyễn Văn Thắng còn Forçanz thì là Lê Văn Lăng). Vũ Di Nguy, Nguyễn Văn Trương, Tống Phước Lương, Phan Văn Đức, Lê Văn Duyệt [người sau cùng vẫn nổi tiếng với cái tên ông Thái Giám, sau này là tổng trấn Gia Định Thành] chỉ huy những đơn vị ưu tú nhất.

Gió nam thổi nhẹ và thuỷ triều lên giúp cho đoàn chiến thuyền đến được Hòn Đất vào ngay tối hôm đó. Cho đến lúc này, địch vẫn chưa biết được chúa Nguyễn đang ở trong khu vực và cũng không dấu hiệu nào là ông đang tiến ra vịnh Qui Nhơn. Thế nhưng đoạn đường khó khăn nhất vẫn cần phải thực hiện. Xem chừng một đội thuỷ quân quan trọng như thế khó có thể vượt qua mà không bị lính canh của địch đóng ở phía nam bán đảo Phước Mai, có trang bị những dàn trọng pháo phát giác vì Hòn Đất chỉ cách mỏm cực nam của bán đảo này chừng 5 hải lý. Nếu tấn công vào ban đêm thì rõ ràng không phải là bất ngờ cho địch vì hiện đang là lúc trăng tròn và mùa mưa cũng đã dứt.

Kế hoạch tác chiến được hoạch định bởi Nguyễn Ánh và ban tham mưu - bao gồm cả người Pháp lẫn người An Nam như tôi đã trình bày – là một kết hợp của đồng thời bộ binh đánh vào Qui Nhơn và chiến thuyền tấn công hạm đội của Tây Sơn hiện đang trú đóng ở vũng nhà.

Thế nhưng không suy đoán trước mà quay về Hòn Đất xem ra thế nào?

Trời vừa tối, Nguyễn Ánh ra lệnh cho Lê Văn Duyệt đổ bộ 1200 quân trong số ông ta chỉ huy lên bãi biển cát gần hòn đảo. Việc đổ quân này được thực hiện dưới sự giám sát của vị tướng chỉ huy thân binh là người chỉ huy toán quân này chiến đấu.

Vào lúc 7 giờ chiều, quân lính đã lên bờ và lập tức di chuyển về phía Qui Nhơn dọc theo bờ biển. Sau ba giờ di hành, bọn họ tới được địa điểm trong tầm súng đại bác của các công sự mà không bị phát giác và đã vào vị trí phía sau chiến luỹ mà họ đã sẵn sàng đánh giáp lá cà một khi các chiến hạm của Nguyễn vương oanh kích.

Hai giờ sau khi đoàn quân này khởi hành theo đường bộ, Nguyễn Ánh tiến vào vịnh Qui Nhơn và đến đó khoảng 10:30 tối gần ngay các đồn của mỏm núi. Các chiến luỹ ở Qui Nhơn và các đơn vị hỗ trợ đều hoàn toàn im lặng. Liệu các quân địch đang ngủ chăng?

Có lẽ thế. Nguyễn vương ra lệnh cho toán tiền phong gồm 62 tay súng vượt qua eo biển và trèo lên ba chiến thuyền đầu tiên của địch, cắt dây neo và phóng hoả nhằm tạo kinh hoàng cho hạm đội của giặc.

Gió và thuỷ triều giúp cho kế hoạch này nên Nguyễn Văn Trương đã thực hiện ở khắp nơi. Sau đó ông ta bắn phát súng đại bác đầu báo cho biết công tác đã được thi hành. Kế tiếp, ông ta đưa chiến thuyền lên phía bắc của vịnh dọc theo các thuyền địch, cắt dây neo và phóng hoả đốt tàu. Việc tấn công bất thình lình và không ngờ tới ở hậu đội khiến cho đối phương nghĩ rằng có nội phản trong đám thuyền viên.

Để định xem nguy hiểm ở đâu và ngăn chặn việc tạo phản khỏi lan rộng, kẻ địch đốt các thuyền hiện đang cháy và vì những thuyền này không còn neo nên đã lềnh bềnh trôi lên hướng bắc như những chiếc đuốc sống và hoàn toàn bị phá huỷ.

Trong lần tấn công đầu tiên của Nguyễn Văn Trương, Nguyễn vương đã bố trí các đại hiệu 26-đại-bác vào đội hình chiến đấu, đối diện và dọc theo mỏm phía nam của thành phố Qui Nhơn. Ngay khi người tổng tư lệnh pháo binh bắn tiếng súng lệnh, ông dồn tất cả súng ống bắn vào các vị trí đối phương ở trên bộ và sau trận mưa pháo thì 1200 thân binh của ông ào ạt tấn công.

Quân trấn giữ bị đánh gục và bị tàn sát trước khi họ có thể tập trung để chống lại. Súng của địch ở trong luỹ bị tước lấy hay quay lại nhắm vào những kẻ bỏ chạy hoặc vào chính các chiến thuyền đang bỏ neo trong vịnh.

Sau đó, Nguyễn Ánh ra lệnh cho các đại hiệu hợp nhất với các chiến thuyền của Nguyễn Văn Trương. Trong lần tấn công tiếp theo, một trong những đại thuyền bị mắc cạn. Thấy nguy hiểm, Lê Văn Duyệt ra lệnh cho viên phụ tá chém đầu viên thuyền trưởng vụng về và cho nổ tung chiếc thuyền để khỏi vướng đưởng đi của hạm đội và phương hại đến chiến thắng đang đến gần.

Hai mươi lăm đại thuyền khác bắt buộc phải đi theo dòng nước, vượt qua giàn hoả lực của địch từ núi Tam Toà nằm ngay mũi phía nam của bán đảo Phước Mai (hiện thấy đang phát xạ) bắn xuống, họ nay đã tỉnh giấc và nã vào các đơn vị cũng đang chống trả của Nguyễn vương. Đạn pháo và đạn nhỏ bắn ra như mưa rào. Một viên đại pháo bắn bay đầu Vũ Di Nguy, một trong những tướng lãnh can đảm nhất.

Chẳng mấy chốc, hai mươi hai trong số hai mươi lăm đại thuyền hoạt động tối đa và tấn công dữ dội các tàu chiến địch đậu ở phía nam vịnh. Quân địch vốn toan tính tiêu diệt đội thuyền của Nguyễn vương ở Cù Mông nay lâm vào cảnh sắp bị đánh tan. Trận chiến khủng khiếp và hỗn loạn không sao miêu tả cho hết, cả hai bên đều xáp chiến như một bầy sư tử.

Đến sáng hôm sau, hạm đội của địch chẳng còn gì ngoài một đám cháy lớn. Tiếng lửa và tiếng súng đại bác cho chúng tôi thấy đêm vừa qua là một đêm khủng khiếp chỉ có thể cảm nhận hơn là diễn tả.

Hầu hết các chiến thuyền của địch đã bị đánh chìm cùng với quân trên đó. Các đại hiệu và chiến thuyền đã thanh toán triệt để những thành phần chống cự hung hãn nhất. Nguyễn vương đứng ở lối vào của vịnh cùng với ba đại thuyền được chỉ huy bởi Vannier, Chaigneau và de Forcanz, cùng các thân binh. Ba sĩ quan này không có cơ hội tham gia cùng với những đồng đội người Pháp hay người An Nam mà lòng can đảm đã tăng lên gấp mười khiến cho họ hoàn thành được những hành vi anh hùng siêu việt và viết nên một trong những trang chiến sử và hải sử đẹp nhất của vương quốc này. Một nhân chứng khi đó đã viết rằng “dòng máu Phá Lang Sa đã sôi trong huyết quản trong tiếng đại bác và tiếng nổ và vương gia đã phải dùng hết mọi quyền uy của mình để ngăn những anh hùng này khỏi sôi sục. Nguyễn vương giữ cho bọn họ [những người Pháp] phải ở gần ngài xem ra còn ít khó khăn hơn việc tiến quân giữa lúc đại pháo rơi như mưa ở tứ phía. De Forçanz đã không thể ngăn được những chiến sĩ đã đưa ông ta đánh liều trốn ra trong đêm tối vào trong vịnh, nơi đó ông đích thân thiêu huỷ 7 đại thuyền trang bị đầy đủ nhất. Vannier và Chaigneau cũng có thể làm được như thế nếu họ liều lĩnh nhưng họ cũng nhớ rằng họ còn cả một vương quốc phải bảo vệ cho đức vua”.

Thảm hoạ của thuyền địch léo dài cho mãi đến chiều hôm sau. Nước trong vịnh đỏ ngầu vì máu. Thuỷ triều xuống mang theo các tử thi và tàn tích của các chiến thuyền bị phá huỷ, không một chiếc nào còn trụ được. Sức mạnh thuỷ quân của Tây Sơn mà Nguyễn vương trước nay chưa bao giờ muốn đọ sức nay chỉ còn bập bềnh trôi theo dòng nước.

Nguyễn vương mất 4,000 người còn Tây Sơn mất 50,000 người, toàn bộ lực lượng thuỷ quân (có nghĩa là toàn bộ chiến thuyền tham gia trận đánh vì Tây Sơn vẫn còn một số ít thuyền ở các hải cảng khác) trong đó có 547 đơn vị, 1800 thuyền chở hàng hay thuyền buôn.

Trước thảm cảnh không lường trước được, viên tướng chỉ huy của địch vốn đã nhảy lên bờ, nay lăn lộn trên bãi biển trong nỗi thống khổ tuyệt trần, miệng kêu khóc thương cho những gì đã mất. Y cầu xin trời tha tội về sự bất lực và lỗi lầm, những hậu quả không thể đo lường được. Không được chiến đấu cho đến chết, y biết rõ số phận chờ đợi y khi quay về trình lên nhà vua về sự điều binh của mình. Giải lụa, lưỡi dao hay chén thuốc độc sẽ giải thoát y khỏi những dày vò của trần thế mong được tha thứ ở kiếp sau vì những lỗi lầm đáng lẽ ra không nên mắc phải. Nguyễn Ánh gửi sứ giả đi khắp nơi trong nước và nước ngoài để thông tri về chiến thắng của mình cùng sự sụp đổ của lực lượng thuỷ và bộ binh của địch. [5]


ĐỊA LÝ KHU VỰC

Vũng Thi Nại là nơi từng xảy ra nhiều trận đánh lớn. Đời Lý nước ta đã đem chiến thuyền vào đóng ở đây, sang đời Trần thì Trần Duệ Tông đem quân vào và bị phục kích chết tại thành Đồ Bàn. Sang đến đời Lê, phải tốn nhiều xương máu mới lấy được vùng này và từ đó đất đai mới thuộc về nước ta. Trong thư mục của Thư Viện Quốc Gia Pháp (Bibliothèque nationale de France) còn tồn trữ một bộ bản đồ nhan đề Le Pilote de Cochinchine hay Atlas de la Cochinchine do d’Ayot là một sĩ quan Pháp theo giúp chúa Nguyễn vẽ bờ biển Việt Nam trong giai đoạn chiến đấu giành quyền làm chủ đất nước.[6]

Nhờ có ghi rõ năm đo đạc và những chi tiết cụ thể, chúng ta có thể dựa vào đó để đánh giá được sự am tường về bờ biển và từ đó đoán định được những kế hoạch hành quân của chúa Nguyễn, loại trừ được những ghi chép không chính xác. Tuy không hoàn toàn là công lao của Dayot (phương pháp kỹ thuật địa lý truyền thống thời đó, bản đồ sau thường dựa trên bản đồ cũ rồi thêm chi tiết mới và điều chỉnh những sai lầm cũ) nhưng nhiều bản đồ được trắc địa trong thời gian đầu thập niên 1790s đã nói lên các chương trình xây dựng của triều đình Gia Định và những kế hoạch tiến ra bắc. Phân tích và tìm hiểu những bản đồ này có thể cho chúng ta kiến thức mới trong sử học mà trước nay chưa được biết đến. Riêng tại đề tài này, chúng tôi chỉ đặc biệc quan tâm đến trận thuỷ chiến Thi Nại, là bước ngoặt thay đổi cán cân lực lượng giữa chúa Nguyễn và Tây Sơn.

Theo bộ bản đồ này, khu vực Cù Mông và Qui Nhơn được trắc địa năm 1794 và 1795, cho thấy chúa Nguyễn đã điều nghiên khu vực, nhất là biết rất rõ ràng mực nước sâu nông của cửa biển, lại tính toán đúng khi hạm đội của Tây Sơn tập trung trong đầm Thi Nại mà không nghĩ rằng quân Gia Định có thể tấn công vào thời gian đó.




Bản đồ khu vực Cù Mông và Qui Nhơn do Dayot vẽ năm 1794-5

Le Pilote de Cochinchine, 1818 (bản đồ 10)

Đầm Thi Nại (cũng có nơi gọi là Thị Nại) là một đầm nước mặn nằm trên địa phận thành phố Quy Nhơn, ở phía đông huyện Tuy Phước, huyện Phù Cát thuộc tỉnh Bình Định, theo Đại Nam Nhất Thống Chí[7] thì rộng 197 trượng, thuỷ triều lên sâu 4 trượng 7 thước, thuỷ triều xuống sâu 4 trượng 4 thước. Một phần nhỏ của đầm Thi Nại được sử dụng làm cảng biển (Cảng Quy Nhơn). Địa danh này có âm gốc tiếng Champa (Chiêm Thành) gọi đầy đủ là Thi Lị Bi Nại, tên phiên âm chữ Cri-Banoi là tên hải cảng của Vương quốc Champa; người Hoa gọi cảng này là Tân Châu (新州). Theo Quách Tấn trong Nước Non Bình Định, đầm Thi Nại tên thật là Hải Hạc đàm, là đầm lớn nhất của Bình Định, rộng trên 3000 mẫu tây, từ bắc xuống nam chừng 12, 13 cây số và từ đông sang tây chừng 3, 4 cây số.

Cũng theo Quách Tấn, từ đầm Thi Nại ra biển lớn là hai « răng nanh » tên gọi là Gành Hổ và mũi Cổ Rùa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Theo bản đồ quân sự kèm đây thì dãy núi phía đông là bán đảo Phương Mai mà tận cùng là Phước Mai (giống như tên gọi trong bài của Tavernier). Điểm cuối của dãy núi này là một chỏm cao 193 mét. Một chi tiết khá quan trọng là « nước đầm theo thuỷ triều mà lên xuống. Khi lên thì lênh láng, ghe thuyền trọng tải lên xuống dễ dàng. Những khi có gió thì sóng dậy như biển. Còn khi, nước xuống thì lòng đầm bị lộ, bùn lầy lênh láng ».[8]


TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG

Thuỷ quân Tây Sơn

Thuỷ quân Tây Sơn được thành lập ngay từ đầu đã dựa trên những nhóm cướp biển hoạt động trong vùng biển phía nam Trung Hoa. Ngay từ khi nhà Thanh chiếm được trung nguyên, nhiều di thần nhà Minh và những người không chịu tuân thục tân triều đã hoạt động ngoài khơi như những lực lượng phản Thanh, mặc dầu thành phần khá phức tạp, không hẳn chỉ vì muốn khôi phục vương thất.

Khi anh em Tây Sơn nổi lên, họ đã thu phục được những nhóm cướp biển khá kiệt hiệt, điển hình là nhóm của Tập Đình Hầu và Lý Tài Hầu. Cướp biển có sự hỗ trợ của triều đình nên mỗi lúc một lớn mạnh và họ có được những đại thuyền, mang súng lớn mà người Tây phương phải kinh ngạc. Chúng tôi sẽ trở lại đề tài này trong những biên khảo khác.

Lại Tông Thành (賴淙誠) trong Thanh Việt Quan Hệ Nghiên Cứu[9] chép:

… Cướp biển Trung Hoa đầu phục Tân Nguyễn có Ô Thạch Đại, Ô Thạch Nhị, A Bà Đái và Đại Pháo Phúc. Những loại đĩnh phỉ[10] này đến quấy nhiễu vùng biển Quảng Đông thì khi đó ở hai tỉnh Mân, Việt giặc cướp bản thổ nổi lên như ong, Quảng Đông thì có Trịnh Nhất, Trương Bảo, Kim Cô Dưỡng, Phúc Kiến thì có Sái Khiên, Chu Phần, còn số không tên tuổi có võ trang cũng lên đến vài trăm nhóm, khi đó xuất hiện cũng không khác gì các nhóm cướp biển võ trang ở biển đông. Người thời đó là Trạch Hạo trong Đài Dương Bút Ký viết về tai họa của “đĩnh phỉ” như sau:

艇匪患生不測者也。以其駕駛便捷故曰艇來自安南……自阮、黎亂法遞相侵奪其國狎水戰船無備糧出而爲盜動以千計兇悍無倫。粵洋滋擾,職是亡故。[11]

Đĩnh phỉ, tai hoạ đến không lường được, vì chưng đi rất nhanh, nên gọi là đĩnh, từ An Nam qua … Từ khi loạn lạc Nguyễn, Lê thì bắt đầu xâm nhập, nước đó quen thuộc với nước, thuyền chiến không mang theo lương thực ra ngoài làm ăn cướp, khi động thì có đến hàng ngàn chiếc, hung hãn vô cùng. Quấy nhiễu vùng biển tỉnh Việt, giết hại quan chức.

Nguỵ Nguyên trong Thánh Vũ Ký đời Đạo Quang cũng tường thuật về tình hình đĩnh đạo[12]:

嘉慶初年,而有艇盜之擾。艇盜者,始於安南。阮光平父子竊國後,師老財匱,乃招瀕海亡命,資以兵船,誘以官爵,令劫內洋商船以濟兵餉。夏至秋歸,蹤迹飄忽,大爲患粵地。繼而內地土盜鳳尾幫、水澳幫亦附之,遂深入閩、浙。土盜倚夷艇爲聲勢,而夷艇恃土盜爲嚮導。三省洋面各數千里,我北則彼南,我南則彼北。我當艇,則土盜肆其劫,我當土盜,則艇爲之援。且夷艇高大多炮,即遇亦未必能勝,土盜狡,又有內應,每暫遁而旋聚。而是時川陝教匪方熾,朝廷方注意西征,未遑運籌島嶼,以故賊氛益惡。[13]

Đầu đời Gia Khánh, có loạn đĩnh đạo quấy nhiễu. Đĩnh đạo phát xuất từ An Nam. Cha con Nguyễn Quang Bình sau khi chiếm được nước, quân lính hao hụt, tài chính thiếu thốn nên kêu gọi bọn vong mệnh ngoài biển, cấp cho binh thuyền, dụ dỗ bằng quan tước, ra lệnh đi cướp bóc thuyền buôn ở nội dương (biển thuộc Trung Hoa) để làm binh hướng (tiền bạc lương thực nuôi quân). Đi từ mùa hạ sang mùa thu quay về, tung tích thấp thoáng, khiến cho đất Việt (Quảng Đông) bị hại rất nhiều. Kế đó ở nội địa lại có thổ đạo là Phượng Vĩ Bang, Thuỷ Áo Bang tiếp tay với họ, nên có thể vào sâu các vùng Mân, Chiết. Thổ đạo dựa vào thanh thế của di đĩnh, còn thuyền của người di thì có cướp ở địa phương làm kẻ dẫn đường… Bờ biển ba tỉnh tính ra hàng nghìn dặm, ta ở phía bắc thì chúng chạy xuống phía nam, ta xuống nam thì chúng chạy lên phía bắc. Ta đối phó với thuyền thì thổ đạo cướp phá, ta chống với thổ đạo thì chúng đem thuyền tới viện trợ. Mà thuyền của người di thì cao to nhiều pháo, mình có đụng trận cũng chưa chắc đã thắng được. Còn thổ đạo thì xảo quyệt, lại có nội ứng, mỗi khi tạm thời bỏ chạy rồi lại quay lại tụ tập. Vào thời đó, giáo phỉ ở các tỉnh Xuyên, Thiểm đang mạnh, triều đình đang tập trung vào việc tây chinh, chưa tính tới việc các hòn đảo cho nên giặc càng bùng mạnh.[14]


Thuỷ quân chúa Nguyễn

Theo tường thuật của John Barrow khi phái đoàn Macartney đi ngang nước ta trên đường sang Trung Hoa năm 1792 thì vào thời kỳ đó giám mục xứ Adran (tức Pigneau de Béhaine, tên Hán dịch là Bá Đa Lộc) đã bỏ công dịch cho chúa Nguyễn bộ Bách Khoa từ điển (Encyclopédie) và Nguyễn Ánh đặc biệt quan tâm đến nghệ thuật và khoa học Tây phương, chủ yếu là việc hàng hải (navigation) và đóng tàu (ship-building).[15]

Những chi tiết liên quan đến các công trình do chúa Nguyễn và thuộc hạ thực hiện nay không còn nhiều, xuất hiện rải rác trong tài liệu nước ta và chứng kiến tận mắt của người Tây phương nhưng không đầy đủ chi tiết về cách tổ chức và kế hoạch thực hiện ở Gia Định. Tuy nhiên, chiến thắng vang dội ở Thi Nại năm 1792 cho chúng ta biết chỉ 3 năm sau khi Pigneau de Béhaine về đến Đồng Nai [sau chuyến đi sang Pháp vận động triều đình Paris giúp đỡ không thành công] lực lượng của Nguyễn Ánh đã tiến bộ đáng kể và trận thuỷ chiến đầu tiên đã tiêu diệt gần như toàn bộ lực lượng trên biển của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, đánh dấu một bước ngoặt trên con đường khôi phục vùng đất phía nam vốn thuộc vương triều chúa Nguyễn.

Đóng tàu

Tuy không có sách vở nào đưa ra những chi tiết về xưởng đóng tàu của chúa Nguyễn Ánh nhưng qua các khách thương Âu châu khi đến Gia Định, chúng ta biết rằng xưởng này rất qui mô, có thể đóng được nhiều loại tàu, tuy không phải là loại tàu lớn nhất thời đó (theo tiêu chuẩn Tây phương), nhưng ít ra cũng vào loại trung có khả năng trang bị nhiều súng lớn. Tuy sản phẩm chủ yếu của xưởng đóng tàu này là thuyền buồm thông dụng của Đàng Trong nhưng đặc biệt nhất, chúa Nguyễn vừa mua, vừa sửa lại những chiếu tàu Âu Châu để dùng cho chính mình.

Theo sự nhận xét và tìm hiểu của những người Âu châu đến Việt Nam trong khoảng thời gian đó thì Gia Định đóng thuyền vừa khéo vừa nhanh, mỗi chiếc thuyền kiểu Tây phương cũng chỉ khoảng 3 tháng. Vật liệu của vùng Đồng Nai cũng phong phú và thích hợp nhưng tại sao chúa Nguyễn chỉ đóng một số tàu kiểu Tây phương rồi sau đó không tiếp tục nữa thì không ai giải thích.[16] Rõ ràng đó không phải là vì không làm nổi mà vì lợi bất cập hại, những chiến thuyền của Tây phương chủ yếu được thiết kế cho một mô hình đi xa, có qui mô tương tự như một pháo đài di động trên biển, mỗi người là một bộ phận trong một cỗ máy, khác hẳn với chiến thuyền dùng trong chiến tranh giữa Tây Sơn với Nguyễn vương chủ yếu là chuyên chở lương thực, binh lính, di chuyển dựa theo mùa gió và nhất là để chiến đấu.

Văn khố Hội Truyền Giáo cũng viết là chúa Nguyễn rất thành công trong việc học hỏi và bắt chước các kỹ thuật mới, phần lớn do ông tự nghiên cứu và tự làm qua những hình vẽ và mẫu thuyền ông có được.

Nguyễn Ánh đã thành công trong việc chế tạo những chiếc tàu theo kiểu Âu châu cùng với toàn người Nam Kỳ mà thôi. Ông khởi đầu bằng cách tháo một chiếc tàu cũ ông đã mua từng mảnh một, rồi sau đó làm lại khéo đến nỗi nó còn đẹp hơn trước nữa.

Khi thành công chiếc đầu tiên đã thúc đẩy ông chế tạo một chiếc mới và từ đó đến nay ông ta đã đóng xong hai chiếc rồi.

Bốn chiếc tàu này khiến ông rất hãnh diện ở khắp nơi; và ông chế tạo cũng rất nhanh, không chiếc nào phải ở trong xưởng quá ba tháng mà thường thì ít hơn.

Tuy nhiên, những chiếc tàu đó khá lớn, trọng tải nhiều, cái thì mang 26 đại bác, còn những cái khác mang 36 đại bác, mỗi chiếc có trên 300 thuỷ thủ.

Chiếc tàu Phượng Phi do Vannier chỉ huy có Renon phụ tá, chiếc tàu Bằng Phi do de Forçanz chỉ huy, còn chiếc Long Phi thì do Chaigneau chỉ huy. Còn tàu Trân Châu vừa đóng xong thì do đích thân Nguyễn vương chỉ huy.[17]

Tổ chức hải quân

Trong nhiều thế kỷ và đến tận thế kỷ XVIII, người Trung Hoa – được coi như đứng đầu về khoa học ở phương Đông – biết dùng kim chỉ nam để định hướng và xem trăng sao để tiên đoán thời tiết nhưng lại không làm chủ được hướng gió nên việc di hành trên biển phải nương theo gió mùa để qua lại từ bắc xuống nam.

Thuyền của người Trung Hoa tuy có nhiều buồm nhưng đều sắp xếp song song nhằm hứng được nhiều gió, giúp cho việc di chuyển theo đúng hướng và nhanh hơn nhưng vẫn không đi ra ngoài qui luật vật lý thông thường nên đã bị Tây phương qua mặt khi họ phát minh ra nhiều kỹ thuật mới làm thay đổi cách đi biển.

Việc bố trí và sắp đặt sao cho chiếc tàu có thể tác xạ từ nhiều hướng khác nhau mà không phải chuyển hướng là một phát minh quan trọng trong ngành hàng hải xuyên đại dương để đối phó với những đám cướp biển hay thổ dân dùng thuyền nhỏ bao vây tấn công khi chuẩn bị lên bờ.

Trước đây tàu chỉ đặt súng cố định theo hướng mũi thuyền trước và sau nên khi muốn đối phó với kẻ địch ở ngang hông, người ta phải xoay hướng tàu mà thực tế thường không dễ dàng, lại chậm chạp.

Theo khuôn mẫu Tây phương một chiến hạm không chỉ dùng như một phương tiện chuyên chở mà là một đơn vị quân đội có thể hoạt động riêng biệt trên đại dương. Theo tài liệu của hải quân thì vào thế kỷ XVII, một chiến thuyền có khoảng 133 người, trong đó khoảng 20 người là cấp chỉ huy và sĩ quan, chuyên viên, 90 thuỷ thủ và 20 xạ thủ.

Những chiến hạm lớn hơn có thể có thuỷ thuỷ đoàn lên đến 300 người. Với thành phần rõ rệt và trong số chuyên viên, người nào cũng có nhiệm vụ minh bạch, việc huấn luyện, điền khuyết hay bổ sung không dễ dàng. Một người thường có thể đảm trách nhiều vai trò khác nhau nhưng càng vào những vị thế kỹ thuật, thời gian tập sự càng lâu và một thuỷ thủ được đánh giá ở khả năng hơn là chức vụ hay cấp bậc.

Việc học hỏi từ Tây phương đã đưa đến những cải tổ quan trọng ở phía nam. Các tiểu quốc như Xiêm La, Miến Điện, An Nam đều tự thay đổi để đáp ứng với tình hình khi những thế lực địa phương tranh giành chém giết nhau trong một thời gian khá dài. Dư Địa Tùng Sao viết đời Gia Khánh đầu thế kỷ XIX, có một số chi tiết về quân đội của vua Gia Long:

緬甸暹羅兵制皆由各頭目招募充伍。器械皆長鎗刀努,雖有火鎗皆西洋所廢棄之物購買修整不堪適用。惟安南軍器制度得之歐羅巴,故在緬甸暹羅兩國之上。其水戰兵船長自八丈以至十丈不等而寬僅八尺。其製造之法取整油木一株,截定長短尺寸,先用火燒出中槽,後用刀斧刳斷而成。沿河各城均備此,以待臨時一招而,卽有五百號。每船櫂槳五六十人,各帶長鎗短劍,別配火鎗三十人。船頭平直安礮一門,自六棒至十二棒重不等,遇敵將船橫排成列,羣唱戰歌,極力櫂槳,頃刻逼近,隨卽死鬬。如敵人大船欲衝擊小船則小船閃避,又甚巧速。

其王與貴人尋常所乘之船雕飾鍍金映水燿燦,士庶不敢僭也。安南兵船近日造作愈精愈巧。每船長十丈九尺,其材可作西洋兵船之中桅。緬甸暹羅兩國陸戰全恃堅銳木棚環繞重濠,雖英吉利之兵馬亦有時可以拒之第兵欠紀律,設一破其棚卽未免滑亂奔。安南軍制按歐羅巴兵法訓練而成可云紀律之師。計其兵數於千有八百年間 (嘉慶六年)約十有四萬。今則不過五萬,内有三萬在國扈衛國王。聞安南國王庫貯金錢計有七百十四萬艮而銀則不計其數也。

… Binh chế của Miến Điện, Xiêm La đều do các đầu mục chiêu mộ sung vào quân ngũ, khí giới đều là trường thương, đao, nỏ tuy cũng có hoả thương nhưng đều là loại bỏ đi của người Tây Dương rồi mua về sửa sang lại nên không thật là thích dụng. Riêng có An Nam chế độ, quân khí đều theo kiểu Âu La Ba[18] (Europe), nên hơn hẳn hai nước Miến Điện, Xiêm La. Binh thuyền dùng trong thuỷ chiến dài từ tám đến mười trượng (tức khoảng 32 đến 40 mét, hay 90 đến 120 feet) không nhất định, bề rộng chừng 8 thước (3.2 mét). Cách chế tạo thì họ dùng một cây gỗ dầu, chặt đi dài ngắn cho vừa rồi dùng lửa đốt ruột và dùng dao, búa khoét thành. Ở các thành dọc theo đường sông đều dự bị những thuyền loại này nên khi cần đến gọi một tiếng là từ các nơi đổ về, lập tức có ngay 5, 600 chiếc, mỗi chiếc có đến 5, 60 tay chèo, ai ai cũng mang trường thương đoản kiếm, lại thêm 30 người có súng. Đầu thuyền để phẳng có đặt một cỗ súng lớn nặng từ 6 đến 12 pounds ()[19], khi gặp địch liền dàn thuyền thành hàng ngang, cùng hát chiến ca, hết sức chèo, chỉ trong khoảnh khắc là đã áp sát, xông vào đánh đến chết. Nếu như thuyền lớn của địch muốn xông vào đánh thuyền nhỏ thì thuyền nhỏ né tránh rất nhanh.

Thuyền của vua chúa và các quí nhân cưỡi đều chạm trổ thếp vàng, dưới ánh nước chói lọi, người thường không được dùng đến. Binh thuyền An Nam gần đây chế tạo càng thêm tinh xảo, mỗi thuyền dài 10 trượng 9 thước (43 mét), có cột buồm đóng theo mẫu của Tây dương. Hai nước Xiêm La, Miến Điện khi đánh trên bờ đều trông cậy vào những luỹ gỗ chắc chắn, chung quanh có nhiều lớp hào nước, tuy có lúc chống được với binh mã của người Anh Cát Lợi [tức England] nhưng quân đội không có kỷ luật, một khi luỹ bị phá thì bỏ chạy tán loạn. Quân chế An Nam dựa theo binh pháp Âu La Ba mà huấn luyện nên rất có kỷ luật.

Về binh số tính đến năm 1800 (tức Gia Khánh 6) thì ước chừng 14 vạn người, nay chỉ còn độ 5 vạn trong đó 3 vạn đóng tại kinh đô bảo vệ quốc vương. Nghe nói vua nước An Nam trong quốc khố có đến 714 vạn đồng tiền vàng, còn tiền bạc thì không biết bao nhiêu mà kể …[20]

Theo như thế, chúng ta thấy tổ chức quân đội của chúa Nguyễn Ánh đã kết hợp hai ưu thế: chiến thuyền loại nhỏ thuận tiện cho việc chế tạo và điều động rất nhanh, có tác dụng tập trung nhanh, rút lui nhanh nhưng binh sĩ lại được trang bị vũ khí loại tối tân nhất thời bấy giờ mua của Âu châu tạo thành một lực lượng phòng phủ và chiến đấu ở ven biển rất hữu hiệu.

Để bảo vệ cho lực lượng gần bờ, chúa Nguyễn lại có một số soái hạm đóng theo kiểu Tây phương, tuy không nhiều nhưng hình thành được một bộ tham mưu chỉ huy từ xa, liên lạc với đầy liền bằng cờ hiệu nên tuy lệnh lạc đều thông qua sự sắp xếp của chúa Nguyễn và một số sĩ quan tham mưu – trong đó có cả một số quân nhân người Âu châu – nên trận thế ở Thi Nại vừa có màu sắc một đội hình bố trí theo kiểu Tây phương thời Trung Cổ nhưng cận chiến thì lại có ưu điểm của Đông phương, kết hợp cả chiến thuyền loại nhỏ lẫn bộ binh. Việc đốt cháy một hạm đội lớn của Tây Sơn trong một khu vực độc đạo không phải là lần đầu mà trước đây 7 năm đã từng thực hiện khi phá tan hạm đội chủ chốt của vua Thái Đức Nguyễn Nhạc, nay lại xảy ra với hạm đội của vua Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản.

Khi chép về trận đánh mà triều Nguyễn gọi là đệ nhất võ công, sách vở của nước ta cũng như của những người Pháp có tham gia chiến dịch này đã không nhắc tới một số sự việc có tác động rất lớn đến điều động và tiến hành khiến cho nhiều nhà nghiên cứu tỏ vẻ nghi ngờ về sự chính xác của những tường thuật đó. Thêm một chút, nhiều người phủ nhận sạch trơn vai trò của những người Pháp trong lực lượng chúa Nguyễn lúc bấy giờ cho rằng họ là những người trình độ thấp kém và nhất là không trực tiếp xông pha trong trận hoả công có một không hai này.

Một trong những đóng góp quan trọng của những người Pháp sang đầu quân cho chúa Nguyễn là kiến thức và tổ chức một đội quân theo lối Tây phương, chủ yếu theo lối của người Pháp. Xuyên qua những trận đánh, chúng ta có thể biết được phần nào những gì từ người Pháp mang lại, những gì chính chúa Nguyễn và các tướng lãnh đã thừa kế từ các di sản của người Việt, bổ sung bằng chiến thuật, chiến lược của Xiêm La, Trung Hoa, Cao Miên … vốn dĩ hiện hữu lâu đời trên đất Việt và được du nhập khi chúa Nguyễn sang lánh nạn ở Bangkok. Những đóng góp từ nhiều nguồn khác nhau đã hình thành dưới tay chúa Nguyễn một đạo quân tương đối phức tạp hơn những gì chúng ta thường biết qua sách vở.

Dù không còn tài liệu để lại về qui mô và phương pháp huấn luyện mà những sĩ quan người Pháp giúp chúa Nguyễn thực hiện, chúng ta có thể nghiên cứu sơ qua về lịch sử huấn luyện binh sĩ tại các trại huấn luyện của Âu châu cùng thời gian đó và phân biệt được những dạng khác nhau của lực lượng Gia Định, một thiểu số huấn luyện đúng như kiểu Tây phương (theo con số Barizy đưa ra thì khoảng 1/10) số còn lại tuân theo những qui tắc bình thường của dạng dân quân (militia) tương tự như nhiều vương quốc khác trong vùng. Phân biệt và đánh giá đó – tuy không hoàn toàn chính xác – nhưng sẽ giúp chúng ta nghiên cứu trận địa giao tranh của hai phe có thêm những yếu tố cụ thể.

Ngay từ khi giám mục Bá Đa Lộc và một số người ngoại quốc sang Gia Định, họ đã đem nhiều kiến thức không chỉ về quân sự mà cả về văn hoá đóng góp vào vùng đất mới, có lẽ muốn xây dựng một khu vực Âu châu ở phương đông, qui mô hơn những tô giới và tiểu thị trấn ở các nơi khác. Có lẽ người Pháp cũng muốn hình thành một quốc gia Thiên Chúa giáo như người Tây Ban Nha đã làm ở Philippines và đóng góp không nhỏ vào sự chuyển hướng của chúa Nguyễn khi biến giấc mộng phát triển khu vực của ông trở thành “đấu tranh tiến hành thống nhất đất nước” theo kiểu người ta nói ngày nay.

Một số chi tiết tưởng như không quan trọng nhưng có những nguồn gốc khá sâu xa. Chẳng hạn việc dùng lưỡi lê gắn vào súng khi đánh cận chiến, việc chúa Nguyễn dùng thiên lý kính để quan sát trận địa từ xa rồi từ những tin tức thu nhận tại chỗ ông mới đưa ra quyết định, việc bố trí một tàu chính (chu sư hay flagship nay gọi là soái hạm) và các tàu theo kiểu Tây phương bảo vệ ở chung quanh, tạo thành một bộ tham mưu ở ngay ngoài biển bên ngoài tầm tác xạ của đối phương để trực tiếp chỉ huy trong khi trận đánh đang diễn ra.

Tuy tổ chức quân sự của chúa Nguyễn sau này đã bị miêu tả như một cơ cấu Đông phương nhưng thực tế, nhiều nguồn cho biết trong giai đoạn chiến đấu giành lại vương quyền, tổ chức quân sự Gia Định đã được xây dựng gần như rập khuôn Tây phương, nghiên cứu tổ chức quân sự của triều đình Đàng Trong không thể không đối chiếu với quân đội Tây phương, nhất là của Pháp thời kỳ đó. Trong Histoire Militaire de l’Indochine Franҫaise (Tome I), Imprimerie d’Extrême-Orient 1931 tr. 20 có viết:

Olivier de Puymanel giữ vai trò Tổng chỉ huy trông coi đội pháo binh. Ông ta xây dựng một trường huấn luyện quân sự ở Sài Gòn để dạy các sĩ quan ở Đàng Trong và có cả xưởng đúc súng, chế tạo hoả dược và cũng là người vẽ kiểu thành phòng thủ. Năm 1790, ông ta xây dựng thành Gia Định (Thành Gia Định do Olivier và Le Brun xây có hình bát giác. Thành này bị san phẳng năm 1834 sau một cuộc nổi dậy ở Saigon) và sau đó là thành Nha Trang. Mặc dầu tuổi rất trẻ (chỉ vào khoảng 20 khi mới đến Gia Định), ông chứng tỏ có khả năng tổ chức và làm việc rất chăm chỉ.

Dayot thì tổ chức hải quân và trở thành người chỉ huy cao cấp nhất và trong những năm sau này ông đã vẽ các hải đồ bờ biển Đàng Trong rồi gửi sang Paris. Girald de l’Isle-Sellé và Vannier chỉ huy các chiếc tàu Đông Cung và tàu Đồng Nai. Barisy, một con người hiếu kỳ, một kẻ phiêu lưu đích thực mà cuộc đời có thể gợi hứng cho những người viết truyện, thì bận rộn với việc lo liệu vũ khí và đạn dược. [21]

Có thể người Pháp hơi nói quá sự thực nhưng kiến thức và kinh nghiệm mới mẻ của những sĩ quan Pháp đã đem lại một thực lực đáng kể cho chúa Nguyễn đóng góp rất lớn vào những chiến thắng quân sự sau này.

Những tàu chiến tổ chức theo lối Tây phương vào thời kỳ đó cũng sử dụng hệ thống liên lạc từ xa theo cờ hiệu để truyền tin và như vậy, ít nhiều các chiến thuyền và tướng lãnh cũng phải nắm được một số qui ước để biết được lệnh lạc được gửi tới như thế nào?[22] Với hệ thống đó, một số người phải học mẫu tự La tinh và hiểu được một số chiến lệnh ngắn như tiến, lui, phải, trái … Nhiều tác giả cho rằng với học vấn tương đối ít ỏi, không tốt nghiệp những trường đào tạo hải quân, những người sang giúp chúa Nguyễn trình độ không thể cao như được người Tây phương đánh giá. Thực tế, vào thời trung cổ, việc điều hành những con tàu không tuỳ thuộc vào người hạm trưởng vì cũng như tại Á Đông, các chức vụ chỉ huy thường cha truyền con nối, trao cho những người có gốc quí tộc và danh tước. Trái lại những sĩ quan dưới quyền thường là con nhà nghèo được gửi xuống tàu học việc từ khi thơ ấu, lăn lộn trên biển cả từ khi còn là một cậu bé sai vặt tới khi trở thành một thuỷ thủ lành nghề nên sau nhiều năm trên biển đều rất am tường việc điều khiển chiến thuyền khi gặp nguy hiểm. Trong những trận đánh hay khi gặp nguy nan, chính những thủy thủ hạng hai đó mới thực sự là người cầm giữ sinh mạng của con tàu.

  

          Chaigneau  



         Một người lính đời Nguyễn[23]


Từ quá trình rèn luyện đó, những ai sống sót đến tuổi thành nhân đều có khả năng vượt trội chứ không phải chỉ là một lính biển cấp thấp. Có nhiều yếu tố thực tế cần tìm hiểu, nhất là những kỹ thuật vận dụng, di chuyển, tác xạ, tiếp liệu … trên đại dương mà những kiến thức đó chưa chắc đã thuộc về các sĩ quan chỉ huy mà ở tại những thuỷ thủ giàu kinh nghiệm.

Theo tường thuật của Barizy thì chúa Nguyễn có một đội thân binh (guards) 12, 000 người được huấn luyện theo chiến thuật Tây phương. Đội thân binh đó hẳn là số quân tinh nhuệ nhất, được trang bị đầy đủ và mới mẻ nhất giữ gần sát với ông trong mọi tình huống.

Trang bị

Theo nhiều tài liệu của những người ở ngay thời đó, chúa Nguyễn đã tìm cách mua được những súng ống tối tân của Âu châu thời bấy giờ, kể cả đại pháo bắn đạn nổ (đạn đến mục tiêu rồi mới nổ). Lúc đầu ông phải dùng các xe trâu để mang súng ra chiến trường nhưng sau đó đã bãi bỏ, có lẽ vì súng của ông đã trang bị bánh xe và các loại cơ khí để di chuyển ít tốn sức hơn.

Ông có những đội pháo binh và kèm theo đó là những đội công binh mà người Pháp gọi là “kỹ sư” chắc hẳn là những binh sĩ được huấn luyện về máy móc và cơ khí để sửa chữa hay điều khiển, điều chỉnh độ nhắm … khi cần thiết.

Chúa Nguyễn cũng có những đội tượng binh, thường là của người Cao Miên đi theo giúp ông hay bắt được của Tây Sơn và chỉ dùng để xung trận một khi đối phương không có những loại súng ống mới. Một số binh đội tân lập tổ chức từ các vùng mới chiếm được hay do hàng binh, đào binh của địch chạy sang thì chưa đủ súng ống mới trang bị và huấn luyện họ nên thường dùng lại những binh khí họ có sẵn hay mang theo. Trên đây là một số chi tiết trích từ các báo cáo của những sĩ quan hay thừa sai chứng kiến và tường thuật.

Về hình ảnh thời đó, tuy không có những miêu tả chính xác nhưng một vài chi tiết từ hình vẽ một thân binh đến võ phục của Chaigneau cho thấy chúa Nguyễn đã có những cải cách ít nhiều theo hướng Tây phương. Trong khi đó, một hình vẽ người lính Tây Sơn ở Tourane do William Alexander hoạ trong chuyến đi ngang qua năm 1793 cho thấy có sự khác biệt rõ rệt. Người lính của chúa Nguyễn cầm súng dài có gắn lưỡi lê trong khi người lính Tây Sơn đeo kiếm. Chaigneau mặc y phục võ quan theo kiểu Âu châu, vai có ngù, tay và cổ áo có vạch để chỉ cấp bậc và dường như cầm một ống nhòm để quan sát tình hình ngoài biển.

Theo tổng kết của Barisy, lực lượng lục quân chúa Nguyễn trong giai đoạn này vào khoảng 11 vạn 3 nghìn quân, chia ra 6000 quân bao gồm 24 đội kỵ binh (24 escadrons de cavalerie) dùng trâu bò, có lẽ để chuyên chở và tiếp vận chứ không phải thuộc quân chiến đấu. Ngoài ra ông cũng có khoảng 200 con voi, chia thành 16 đội, có 2000 lính điều khiển và chăm sóc, tính ra mỗi con cần 10 người. Chúa Nguyễn cũng có 30 đội pháo binh (bataillons d’artillerie), tổng cộng 15000 người phụ trách nhưng không thấy nói rõ có bao nhiêu đại pháo.

Về bộ binh, trong tay Nguyễn Phúc Ánh có khoảng 30000 quân chia thành 25 binh đội (régiments) được trang bị theo lối Âu châu (armés à l’européenne). Ba vạn quân này là quân chủ lực của chúa Nguyễn và được trang bị tối tân nhất mà phía Tây Sơn không sao bì kịp. Người ta cũng kể rằng vì không đủ súng ống mới nên lính Tây Sơn về hàng hay bị bắt muốn phục vụ trong quân Đàng Trong thì phải dùng súng ống, binh khí mà họ mang theo chứ không được trang bị thêm và có lẽ cũng không được huấn luyện theo kiểu chính qui. Số lính thường chỉ được trang bị gươm giáo và súng hoả mai (fusils à mèche) độ 42000 người. Đặc biệt nhất, chúa Nguyễn có một đội thân binh 12000 người là những người được ưu đãi nhất, luôn luôn ở cạnh ông, hoàn toàn được huấn luyện và trang bị theo lối Âu châu. Tuy không phải là một con số lớn nhưng số thân binh này rất quan trọng dù ít khi phải trực tiếp chiến đấu.

Ngoài ra, chúa Nguyễn còn có một lực lượng thuỷ binh bao gồm 8000 người phụ trách các kho vũ khí của thuỷ quân, 8000 quân ứng trực khi cần lên thuyền để di chuyển, 1200 thuỷ quân tại ngũ (ở ngay trên tàu chế tạo theo kiểu Tây phương), 1600 người tại ngũ trên các chiến thuyền và 8000 người tại các chiến thuyền chèo bằng tay. Tổng số thuỷ quân của chúa Nguyễn khoảng 26800 người và quân số (tất cả mọi binh chủng) lên đến gần 14 vạn người.[24]

KẾT LUẬN

Về trận đánh Thi Nại, sách vở của người Pháp cố gắng vơ công lao về cho những người ngoại quốc đang giúp chúa Nguyễn. Tuy nhiên, trên thực tế họ không trực tiếp tham dự trận đánh này mà chỉ ở ngoài khơi làm cố vấn trong bộ chỉ huy. Tàu chiến Tây phương có ưu điểm khi được dùng như một pháo đài trên biển trong những trận đánh qui mô như các trận đánh giữa hạm đội Anh và Tây Ban Nha nhưng lại không mấy đắc dụng trong những trận đánh gần bờ, chuyển từ tấn công trên biển sang đổ quân đánh thành, chiếm luỹ. Chính vì thế, những tàu chiến kiểu Tây phương về sau chỉ được dùng như chiến hạm chỉ huy trong nghi biểu, cận vệ để làm tăng gia sự uy nghi của đại bản doanh nơi chúa Nguyễn ngự vốn được bố trí ở xa chiến trận giúp cho việc chỉ huy được an toàn và dễ dàng hơn.

Trong trận Thi  Nại, Tavenier viết là “De Forçanz đã không thể ngăn được những chiến sĩ đã đưa ông ta đánh liều trốn ra trong đêm tối để vào trong vịnh, nơi đó ông đích thân thiêu huỷ 7 đại thuyền trang bị đầy đủ nhất[25] xem ra không chính xác. Theo lá thư của J. B. Chaigneau là người chỉ huy chiếc tàu Long Phi chứng kiến trận đánh thì:

Chúng tôi vừa đốt cháy toàn bộ lực lượng thuỷ quân của địch mà không một chiếc thuyền nhỏ nào trốn thoát được. Trận đánh này là trận gay go nhất mà người Đàng Trong đã trải nghiệm vì địch quân đã chống cự cho đến chết. Bên ta cũng chiến đấu hết sức anh dũng, người chết và bị thương rất đông nhưng thiệt hại ấy không đáng gì so với những ưu thế mà Nguyễn vương đạt được. Các ông Vannier, Forçanz và tôi [Chaigneau] đều có mặt ở đó và đã trở về được an toàn. Trước khi trông thấy thuỷ quân của địch tôi vẫn coi thường họ nhưng tôi bảo đảm với ông rằng họ có những tàu lớn đặt 50, 60 đại pháo. Nguyễn vương sẽ lên đường để đem quân ra đánh kinh đô Huế một khi ngài biết rằng địch sẽ không có sức kháng cự. Quân Tây Sơn thì rất hoang mang, nhiều người muốn ra hàng nhưng bị từ khước. (Lá thư của Chaigneau gửi Barizy ngày mồng 2 tháng March, 1801).[26]

Nếu quả thực Forçanz đã tạo được một chiến công hiển hách như thế, Chaigneau chắc hẳn sẽ viết ra để chia sẻ với những người Pháp khác không có may mắn mục kích sự việc này.

Tuy nhiên, dù công lao là từ ai thì trận đánh ở Thi Nại đã có tiếng vang rất lớn và là cốt lõi để nhà Thanh từ bỏ việc ủng hộ Tây Sơn. Theo lời tâu của Hô Đồ Lễ, tuần phủ Quảng Đông ngày 20 tháng Chín năm Gia Khánh 6 [Tân Dậu 1801], vua Gia Khánh đã gửi dụ như sau :

Bọn Cát Khánh tâu lên về việc quan binh bắt giết đạo phỉ trên biển. Lần này An Nam và Nông Nại giao tranh và đã bị Nông Nại lấy mất Tân Châu [新洲][27] các nơi nên không còn nơi dung chứa cho các thuyền giặc nên chúng phải chạy ngược về biển đất Việt [Quảng Đông] quấy nhiễu nên Cát Khánh đã phi sức cho tổng binh Hoàng Tiêu [黄標] mau tới ruồng bắt. Bọn phỉ này lén tới một dải Lôi Bạch (Lôi Châu, Bạch Long Vĩ), Ngô Châu định cướp tàu buôn muối, vừa lúc đó quan binh lùng bắt thì gió bão nổi lên, thuyền giặc bị chìm còn những chiếc trôi giạt đều bị bắt giữ.

Ấy là nhờ Thiên Hậu[28] uy linh nên đã hiển ứng thực là hết sức cảm kích. Vậy nay cho đem tới 5 thẻ hương Đại Tạng, 5 thẻ hương Tiểu Tạng giao cho Cát Khánh sai viên chức lớn kính cẩn tế tạ để đáp lại sự linh ứng.

Những kẻ cướp bắt được nay cho tra hỏi rõ ràng bàn định rồi tâu lên. Còn việc An Nam cùng Nông Nại hai bên xung đột đánh nhau vốn không liên can gì đến nội địa, vậy tổng đốc hãy trấn tĩnh nếu gặp thuyền giặc chạy trốn đến gần biển nội địa thì hãy ra lệnh cho các trấn tướng khẩn cấp đuổi bắt, không cần biết ấy là đạo phỉ thuộc An Nam hay thuộc Nông Nại đều bắt và chiếu luật nghiêm nhặt biện lý. Nếu tiếp tục nghe ngóng thấy tin tức gì của An Nam, Nông Nại thì tuỳ thời tâu lên. [29]

Có lẽ tình hình cũng chưa phải là quá bi đát và nếu biết tổ chức lại lực lượng, triều đình Tây Sơn tuy không giữ đươc Đàng Trong nhưng vẫn còn làm chủ Đàng Ngoài. Tuy nhiên, những quyết định vội vã và sai lầm của vua Cảnh Thịnh [nay đổi thành Bảo Hưng] đã khiến cho tiến trình sụp đổ mau hơn người ta tưởng. Những ngày sau cùng của nhà Tây Sơn sẽ được bàn kỹ hơn trong một biên khảo khác.

 

Tháng 10-2023


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Barnes, Ian và Robert Hudson. The History Atlas of Asia from the World’s Oldest Civilizations to Emerging Superpower. New York: Macmillan, Inc., 1998.

2.    Black, Jeremy. The Atlas of World History. New York: Dorling Kindersley Publishing Inc., 2005.

3.    Le Mounier, Pierre-Jacques. Exposé statistique du Tonkin, de la Cochinchine, du Cambodge, du Tsiampa, du Laos, du Lac-Tho, par M. M-N [Montyon], sur la relation de M. de La Bissachère (Tome 2). Paris: Hachette Livre (Éd. 1811)

4.    Nguyễn, Đức Xuyên. Lý Lịch Sự Vụ (Trần Đại Vinh dịch). Hà Nội: Hà Nội, 2019.

5.    Pluvier, Jan M. Historical Atlas of South-East Asia. Leiden. New York. Koln: E. J. Brill, 1995.

6.    Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Nhất Thống Chí (Phạm Trọng Ðiềm dịch) [5 tập]. Huế: nxb Thuận Hoá, 1997.

7.    Taboulet, Georges. La Geste Française en Indochine (Tome I & II) Paris: Librairie d’Amérique et d’Orient ADRIEN-MAISONNEUVE, 1955

8.    Tavernier, Emile. Le déclin de l’apogée du règne des Tây-Sơn: les batailles de Qui-Nhơn (janvier-fevrier 1801). Hà Nội : Trung Bắc Tân Văn, 1934.

9.    Trương, Chi Liên (张芝联), Lưu Học Vinh (刘学荣) [chủ biên] Thế Giới Lịch Sử Địa Đồ Tập (世界历史地图集). Bắc Kinh: Trung Quốc Địa Đồ Xuất Bản Xã, 2005.

10.                 Vương Tích Kỳ (王錫祺). Dư Địa Tùng Sao (輿地叢鈔) quyển XIII (Đài Bắc: Quảng Văn Thư Cục, 1962)

 

 



[1] Đại Nam Thực Lục (bản chữ Hán), quyển XIII, tr. 3-5. (NDC dịch)

[2] Nguyễn Đức Xuyên. Lý Lịch Sự Vụ (Trần Đại Vinh dịch). Hà Nội: Hà Nội, 2019, tr. 94-95.

[4] Tavernier ghi là 14 tháng Một năm Canh Thân nhưng nếu tính đúng thì ngày 1-1-1801 phải là 17 tháng Một AL- và ngày 8-1 thì là ngày 24 tháng Một năm Canh Thân [người dịch chú thích]

[5] Emile Tavernier : Le déclin de l’apogée du règne des y-n: les batailles de Qui-Nhơn (janvier-fevrier 1801). Hà Nội : Trung Bắc Tân Văn, 1934 tr. 12-21. (nguyên bản tiếng Pháp, Nguyễn Duy Chính dịch)

[6] Theo Alastair Lamb trong The Mandarin Road to Old Hué (London : Chatto & Windus, 1970) tr. 179-180 thì Jean Marie Dayot (hay d’Ayot) sinh năm 1759, phục vụ trong hải quân Pháp. Đến Indochina và gia nhập nhóm của Pigneau de Behaine năm 1788. Trở thành một trong những người tổ chức hải quân cho Nguyễn Ánh và chỉ huy đội chiến thuyền trong nhiều lần đụng độ với Tây Sơn. Dayot là người có khả năng chỉ huy ở mức độ cao nhất nên đã khiến cho một số đại thần có uy tín nhất trong triều đình Nguyễn Ánh tỏ ra ghen tức. Chỉ một thời gian ngắn sau khi Pigneau de Behaine qua đời năm 1799, những viên quan này mưu tính hạ bệ ông và người Pháp này bị trừng phạt bằng hình thức xỉ nhục nhất, đó là đóng gông. Khi ông được trả tự do, Dayot vội vàng rời An Nam, có em trai ông Felix Dayot đi theo. Hai anh em Dayot định cư ở Manila sống nghề buôn bán và sau đó họ đại diện cho Nguyễn Ánh để làm việc này. J. M. Dayot quay trở lại Việt Nam đầu năm 1804, hiển nhiên là để đề nghị một số sắp xếp thương mại với người Việt Nam đại diện cho nhà đương cuộc Tây Ban Nha tại Philippines. Dayot thực hiện nhiều bản đồ chi tiết vùng duyên hải Indochina, và đến năm 1807 ông đem cho sĩ quan Pháp là R. de Sainte-Croix, một thành viên của ban tham mưu Decaen. Những bản đồ đó được đem trở lại Pháp. Năm 1818, chính phủ Khôi Phục (Restoration Government) in ra dưới nhan đề Le Pilote de Cochinchine, và cùng thời gian đó họ đề nghị một số tặng thưởng cho Dayot. Tuy nhiên Dayot khi đó đã qua đời từ năm 1809 trong một vụ đắm tàu ở vịnh Bắc Việt.

[7] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Ðại Nam Nhất Thống Chí (Phạm Trọng Ðiềm dịch). Huế: nxb Thuận Hoá, 1997 tập 3, tr. 40.

[9] Luận án Tiến Sĩ (2004-2006), số hiệu 886220073, nguyên đề Thanh Việt Quan Hệ Nghiên Cứu – dĩ mậu dịch dữ biên vụ vi thám thảo trung tâm (1644-1885) [清越關係研究-以貿易與邊務為探討中心(1644~1885)] Quốc Lập Đài Loan Sư Phạm Đại học (bản dịch Nguyễn Duy Chính, chưa xuất bản).

[10] Đĩnh là loại tàu lớn đi xa bờ mà hải phỉ chuyên dùng, vì sơn đen nên người mình quen gọi là “tàu ô”. Cướp biển trong nhiều thế kỷ hoạt động từ Nhật Bản xuống đến Nam Dương gần như bất trị, là một đe doạ lớn cho các triều đình vùa Đông Á. Đĩnh phỉ là giặc cướp ngoài biển đi bằng thuyền lớn (cũng như đĩnh đạo).

[11] (Thanh) Trạch Hạo (翟灝), Đài Dương Bút Ký (臺陽筆記), Nhị Đạo Luận (弭盜論) (dẫn theo Lại Tông Thành)

[12] Giặc cướp đi thuyền sơn đen, tức giặc tàu ô theo tiếng nước ta.

[13] (Thanh) Nguỵ Nguyên, Thánh Vũ Ký, q. 8, Việt Nam, Nhất.

[14] Lại Tông Thành, Thanh Việt Quan Hệ Nghiên Cứu (1644-1885), Doctoral Thesis, Đại Học Sư Phạm, Đài Loan (2004-2006) tr. 221-222.

[15] John Barrow, A Voyage to Cochinchina (Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1975), tr. 277.

[16] Năm Nhâm Tí (1792), tháng Giêng chúa Nguyễn đóng 5 chiếc tàu Hoàng Long, Xích Nhạn, Thanh Tước, Bạch Yến, Huyền Hạc (黄龍,赤鴈,青雀,白燕,玄鶴). Năm Quí Sửu (1793), lại đóng thêm các tàu đại hiệu Long Ngự, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phượng Phi, Hồng Phi, Loan Phi, Ưng Phi (龍御,龍上,龍興,龍飛,鵬飛,鳳飛,鴻飛,鸞飛,鷹飛). Đại Nam Thực Lục, đệ Nhất kỷ, quyển VI, tr. 1, 12.

[17] Văn khố Hội Truyền Giáo, vol. 746, tr. 870, in lại do L. Cadière, B. E. F. E. O., 1912, tr. 38-39.

[18] Europe tức Tây phương

[19] Dịch âm chữ pound.

[20] Tài liệu đời Gia Khánh. Dư Địa Tùng Sao, quyển XIII, Việt Nam Chí (Quảng Văn thư cục, 1962) tr. 7535-6. Theo chi tiết ở đầu trang thì là tài liệu của Âu châu nhưng không biết nguồn nào.

[21] OLIVIER DE PUYMANEL joua le rôle de chef d’Etat-Major général et de grand-maître de l’artillerie. Il dirigea à Saigon une école militaire destinée à l’instruction des officiers cochinchinois, fit fondre des canons de campagne et fabriquer de la poudre, dressa des plans de villes fortifiées. En 1790, il fortifia Saigon; (La citadelle de Saigon, construite par Olivier et Le Brun avait une forme octogonale. Elle fut rasée en 1834, à la suite d’une insurrection en Basse-Cochinchine) il devait fortifier plus tard Nha-Trang. Malgré son jeune âge (il avait 20 ans lorsqu’il arriva en Cochinchine) il fit preuve d’un talent d’organisation et d’une puissance de travail admirables.

DAYOT organisait la marine, dont il avait le commandement en chef. Il devait, au cours des années suivantes, lever des cartes hydrographiques des côtes de Cochinchine, qu’il envoya plus tard à Paris.

GlRARD DE L’ISLE-SELLÉ et VANNIER commandaient les vaisseaux Prince de Cochinchine et Dong-Nai. BARISY, curieux personnage, vrai type d’aventurier, dont la vie pourrait tenter la plume d’un romancier, s’occupa du ravitaillement en armes et munitions.

 [22] Vua Minh Mạng khi còn nhỏ cũng được học toán pháp, phép đo toạ độ và chữ quốc ngữ viết theo kiểu nhà dòng và người ta nói rằng ông rất giỏi về các lãnh vực này.

[23] Đây có lẽ là y phục thân binh của chúa Nguyễn.

[24] Georges Taboulet, La Geste Franҫaise en Indochine, Tome I (Paris: Adrien – Maisonneuve, 1955) tr. 256. John Barrow, A Voyage to Cochinchina (Kuala Lumpur: Oxford University Press, 1975) tr. 283.

Con số này cũng được ghi chép cẩn thận hơn theo từng đơn vị và người chỉ huy trong Exposé Statistique du Tonkin, de la Cochinchine, du Camboge, du Tsiampa, du Laos, du Lac-Tho par M. M-N. sur la relation de M. de la Bissachere missionnaire dans le Tunkin (tome second) (Londres, MDCCCXI) [1811] tr. 141-142 dưới nhan đề Force Militaire du Roi de Cochinchine quand it combattait pour sa Restauration dans ces Etats.

[25] De Forçanz ne put même résister à la fougue guerrière qui l’emportait. Entraîné par son courage, il s'échappa pendant la nuit et entra dans le port où il brûla, à lui seul, sept galères des mieux armées. Tavernier, tr. 21.

[26] Nous venons de brûler toute la marine des ennemis, sans qu'il en ait échappé le plus petit bateau. Le combat a été le plus dur que les Cochinchinois aient jamais eu ; les ennemis se sont défendus jusqu'à la mort. Nos gens se sont supérieurement conduits. Nous avons beaucoup de morts et de blessés, mais ce n'est rien en comparaison de l'avantage que le Roi en retire. MM. Vannier, Forçanz et moi y étions et en sommes revenus sains et saufs. Auparavant d'avoir vu la marine ennemie, je la méprisais, mais je t'assure que c'était à tort, ils avaient des vaisseaux qui avaient 50 et 60 gros canons. Le Roi va partir pour la Cour [Hué] où il est sûr de ne trouver aucune résistance. Les soldats tayson doivent être bien déconcertés ; beaucoup veulent se rendre, mais on le refuse. (lettre à Barizy, 2 mars 1801). Georges Taboulet. Destruction de la flotte des Tayson a Thinai, devant Quinhon (27 Et 28 Février 1801) [Texte 87] La Geste Française en Indochine (Tome I) Paris: Librairie d’Amérique et d’Orient ADRIEN-MAISONNEUVE, 1955 tr. 259.

[27] Đây là cửa biển Thi Nại ở Qui Nhơn.

[28] Nữ thần hộ mạng trên biển theo tín ngưỡng của người Trung Hoa

[29] Triệu Hùng (chủ biên). Gia Khánh Triều Thượng Dụ Đáng, đệ lục sách. (Quảng Tây Sư Phạm xbx, 2000) tr. 382.