Friday, August 16, 2024

Nguyễn Duy Chính: Từ phái bộ NGUYỄN QUANG HIỂN đến phái đoàn QUANG TRUNG

MỞ ĐẦU

Trong hai năm liên tiếp (Kỷ Dậu 1789 và Canh Tuất 1790), nước ta có bốn phái đoàn sang Trung Hoa, mỗi phái đoàn có một nhiệm vụ rõ rệt. Ngoài hai phái đoàn mang hình thức ngoại giao là phái đoàn Nguyễn Hoành Khuông sang tạ ơn, Lê Bá Đang sang triều cống, lại có hai phái đoàn rất đặc biệt nhưng sử nhà Nguyễn chỉ nói phớt qua nên không mấy ai thấy được sự quan trọng của vấn đề.

Phái đoàn thứ nhất là phái đoàn Nguyễn Quang Hiển sang nhận sắc ấn do chính vua Càn Long sắp xếp để trao tại điện Thái Hòa trong một đại lễ chủ trì bởi hai nhân vật tối quan trọng là Vĩnh Dung[1] và Nhã Lãng A[2] cùng với hai đại học sĩ trong Quân Cơ Xứ là A Quế, [3] Kê Hoàng[4] đang lưu thủ kinh đô cử hành.

Về phái bộ Nguyễn Quang Hiển sử triều Nguyễn, Liệt Truyện (Nguỵ Tây) chép có một câu về phái đoàn này:

惠亦以金幣厚遺求為玊成。遂改名光平,遣其姪阮光顯竝陪臣武輝瑨齎遞貢品,叩關懇請入覲。清帝嘉悅遂凖其奏[5]

Huệ bèn lấy vàng lụa tặng cho hậu hĩ cầu xin thu xếp cho, rồi đổi tên là Quang Bình, sai cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng bồi thần là Vũ Huy Tấn mang cống phẩm, gõ cửa quan xin được nhập cận. Vua Thanh vui mừng thuận theo lời tâu …

Tuy nhiên, sự việc không sơ sài và tầm thường như thế. Chưa nói đến những uẩn khúc và lắt léo của việc nhà Thanh với nước ta nghị hòa, Nguyễn Quang Hiển sang Trung Hoa cũng không đơn giản là để xin nhập cận mà là một phái đoàn được tiếp đón trọng thể như ta sẽ thấy. Ngay khi tro than trận đánh đầu Xuân chưa tàn lụi hẳn, nhà Thanh đã bí mật sai người sang liên lạc để tìm kiếm một đường lối hòa bình khiến triều đình Tây Sơn cũng không dám tin là thật.

Vũ Huy Tấn (武輝瑨)[6] viết trong bài Tựa của Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập (華原隨步集)[7]:

歲己酉春初。余方晦迹鄕村,忽聞有召命避居鄕邑,使者以家親爲羅,索求甚急。隧爲所得。隨召書而出。以是月二十四日赴京晉見。適上國有柬來。被推爲候命。力辭不獲。即日就道。重二到諒山關上。與北塞守臣。住復酬應。間關數月。竟得上國諭音賜覲。尋復奉委以使事。又辭不獲。乃請閒歸省家親。

四月晦前到慕澤。前以行告諸親。重陰後啟行。始爲萬里計。某月二十五日。重臨關上。奉來㫖賜使臣從陸進到熱河行營。要見聖節朝賀大禮。蓋創典也。

Đầu mùa Xuân năm Kỷ Dậu, tôi ẩn mình ở hương thôn, bỗng nghe có triệu gọi những người đang lẩn trốn phải trình diện rất gấp nên phải ra. Ngày 24 tháng đó (Giêng) đến kinh đô yết kiến mới hay thượng quốc có giản (thư từ của cấp địa phương) gửi tới và bị đẩy ra hầu mệnh (tức lên cửa quan để sung vào việc giao thiệp với phương bắc). Cố từ chối nhưng không được, ngay ngày hôm đó lên đường. Ngày mồng 2 tháng Hai đến cửa quan ở Lạng Sơn, ở cùng với người giữ cửa quan phía bắc để thư từ qua lại. Ở cửa quan mấy tháng thì nhận được dụ của thượng quốc bằng lòng cho triều cận (tức lên kinh đô yết kiến vua Càn Long), lại được giao cho nhiệm vụ đi sứ. Lại từ chối nhưng không được, đành xin về thăm nhà.

Tháng Tư, trước ngày hối (ngày cuối tháng) đến Mộ Trạch để cáo từ song thân, sau ngày trùng âm thì khởi hành. Bắt đầu một chuyến đi nghìn dặm. Ngày 25 tháng đó (Tư) lại lên cửa quan. Nhận được chỉ ban cho sứ thần đi theo đường bộ đến hành cung Nhiệt Hà để dự đại lễ thánh tiết (tức sinh nhật vua Càn Long). Ấy là lần đầu tiên nước ta được tham dự vậy.

Với miêu tả như trên, Vũ Huy Tấn không nêu được một chi tiết nào để cho thấy tầm vóc của công việc hay ý nghĩa của phái đoàn trong công tác giao thiệp với Trung Hoa, tưởng như bất cứ những lần đi sứ nào ngoài một câu “để dự đại lễ thánh tiết, ấy là lần đầu tiên nước ta được tham dự[要見聖節朝賀大禮。蓋創典也。] nói lên sự khác biệt.

Sinh nhật nhà vua (là một trong ba đại lễ hàng năm của nhà Thanh)[8] làm tại Nhiệt Hà, một quần thể cung điện cách Bắc Kinh 150 km, là “âm kinh” của nhà Thanh, nơi hàng năm hoàng đế thiên cư tránh nóng nên còn gọi là “Tị Thử Sơn Trang”. Tại Nhiệt Hà, nhà Thanh dựng ra một khung cảnh làm sống lại các sinh hoạt của người Mãn Châu khi còn ở quan ngoại nên chỉ những trường hợp hết sức đặc biệt mới cho người ngoài tham dự. Nơi đây, chủ yếu khách mời là các phiên vương Mông Cổ, những người có cùng nguồn gốc du mục như người Mãn Châu, sinh hoạt trong những tập tục rất khác biệt với đại đa số người Hán như săn bắn ở Mộc Lan, đánh vật (là môn võ của người Mông Cổ), thi cưỡi ngựa, bắn cung và duyệt binh như một hình thức tập dượt quân sự. Cũng chỉ tại Nhiệt Hà, nhà vua mới cho dựng hoàng ác điện (điện vòm màu vàng) khi tiếp phiên vương, tượng trưng cho đại hãn tiếp tiểu hãn là tập tục đời xưa truyền lại. Trong những trường hợp đặc biệt, nhà vua cũng ban rượu (ngự tửu) cho phiên vương, bồi thần là tập quán khi còn ở sa mạc giá rét. Lễ “ôm eo áp mặt” (bão kiến thình an) tiếp vua Quang Trung cũng là đại lễ của người vùng mạc bắc, khác hẳn lối chào hỏi thông thường của người Hán.


Vua Càn Long và triều thần xem biểu diễn kỵ thuật (horsemanship) ở Nhiệt Hà

Nguồn: Sports in Ancient China[9]

Việc cho Nguyễn Quang Hiển đến Nhiệt Hà triều cận khác hẳn một lần triều yết hoàng đế bình thường ở Bắc Kinh mà là một nghi lễ xác nhận An Nam gia nhập vào mô hình tông phiên của nhà Thanh, một đơn vị mới trong các vì sao chầu vào Bắc Thần. (theo ý nghĩa xưa, một triều đại mới được coi như một nước mới thành lập nên gọi là mở nước. Tuy nước ta vẫn giữ nguyên tên nhưng Tây Sơn là một triều đại mới, đất đai cũng rộng hơn lãnh thổ của nhà Lê)

Chính vì không hiểu được tầm quan trọng này nên trong suốt tập thơ Hoa Nguyên Tùy Bộ Tập (của Vũ Huy Tấn làm trong chuyến đi lần thứ nhất), chúng ta chỉ thấy những bài thơ ngâm vịnh với rất ít chi tiết có thể đóng góp vào việc tìm hiểu một thời kỳ đầy biến động. Vũ Huy Tấn cho biết ngay từ giữa tháng Giêng (chỉ sau trận đánh ở Thăng Long ít ngày), quan lại nhà Thanh đã bí mật liên lạc để sắp xếp việc nghị hòa, chủ yếu là tiến hành việc công nhận và phong vương cho Nguyễn Huệ.

Phái đoàn thứ hai quan trọng hơn nhiều, cũng là một biến cố vô tiền khoáng hậu không chỉ trong sử nước ta mà cả Trung Hoa cũng không hề có một lần khác tiếp khách nước ngoài trang trọng như thế. Đó là phái đoàn do vua Quang Trung cầm đầu sang tham dự đại lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Thanh Càn Long năm Canh Tuất (Càn Long 55, 1790) sau khi phái đoàn Nguyễn Quang Hiển về đến nhà vài tháng. Sự cố tình bỏ qua không nhắc đến – hay nhắc đến với nhiều xuyên tạc – đã khiến cho một giai đoạn lịch sử bị lệch lạc không còn ai biết đến.

Liệt Truyện chép:

庚戌春,福康安促惠治装。

惠復托言母死請以子光垂代己入覲。康安不可密使人往關上委曲誘掖如不得已須以狀貌類已者代之。

惠乃已范公治冒已名使其臣吳文楚,鄧文眞,潘輝益,武輝瑨,武名標,阮進祿,杜文功,偕例外貢雄象二匹。驛遞勞頓,沿途苦之。

兩廣總督福康安,廣西巡撫孫永清伴送抵京[10]

Mùa xuân năm Canh Tuất, Phúc Khang An dục Huệ sửa soạn hành trang. Huệ lại lấy cớ là mẹ mất nên xin cho con là Quang Thùy thay mình nhập cận. Khang An không biết thế nào nên bí mật sai người đến cửa quan trình bày ngọn nguồn, nếu như bất đắc dĩ thì lấy người trạng mạo giống mình để thay vào.

Huệ mới lấy Phạm công Trị mạo tên, sai bầy tôi là Ngô Văn Sở, Đặng Văn Chân, Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công, ngoài lệ cống thêm hai con voi đực đệ theo đường dịch cực khổ, trên đường rất khó nhọc.

Tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An, tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh bạn tống lên kinh đô …

Những chi tiết nên trên nhiều điểm đã không đúng sự thật mà còn bôi bác khiến hậu nhân đến nay vẫn nghĩ rằng người sang Trung Hoa là một “giả vương”. Chúng tôi đã trình bày việc này tương đối rõ ràng nhưng nhiều người vẫn hoài nghi nên còn nhiều điểm cần làm rõ trong một biên khảo khác, không muốn nhập hai việc làm một trong bài này. Ở đây, chúng ta muốn biết tại sao những người đi trong chuyến này đều thấy đó là một cuộc hành trình hi hữu, nhất là xem lại việc nhận sắc ấn của phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đối với Thanh triều quan hệ như thế nào?

PHÁI ĐOÀN NGUYỄN QUANG HIỂN

Trong bài tựa Hoa Nguyên Tùy Bộ Tập của Vũ Huy Tấn, ông chỉ viết một câu rất mơ hồ là “Ngày mồng 2 tháng Hai đến cửa quan ở Lạng Sơn, ở cùng với người giữ cửa quan phía bắc để thư từ qua lại. Ở cửa quan mấy tháng thì nhận được dụ của thượng quốc bằng lòng cho triều cận (tức lên kinh đô yết kiến vua Càn Long), lại được giao cho nhiệm vụ đi sứ.” Chính vì không ý thức được sự quan trọng của sứ bộ nên Vũ Công Bộ[11] không biết chuyến đi là một biến cố lịch sử lớn trong giao thiệp giữa nước ta với Trung Hoa.

Thực ra, ngoài các sứ thần lo việc văn từ, chánh sứ nước ta [khi ấy tên Nguyễn Quang Hiển (阮光顯)], là một người thân (cháu) của vua Quang Trung sang nhận sắc ấn thay mặt chú mình. Cứ như lời khai, ông là con của Nguyễn Quang Hoa (quá cố) là anh cả trong bốn anh em Nguyễn Nhạc nên tuy vai cháu nhưng vai vế lại cao. Theo nguyên tắc trọng đích của Á Đông, Nguyễn Quang Hiển chính là trưởng tộc (hay ít ra là trưởng chi) của dòng họ Nguyễn Quang sang Bắc Kinh nhận sắc ấn, một biểu tượng chính thức của vương quyền trong quĩ đạo nhà Thanh.

Cứ như lệ thường, chánh sứ và hai phó sứ đều là quan văn nhưng lần này phái đoàn lại có một quan văn và một quan võ, đóng vai hỗ trợ cho chánh sứ là một người thuộc gia đình của Nguyễn Quang Bình, tức vua Quang Trung. Đáng ra, Vũ Huy Tấn có thể ghi chép rất kỹ lưỡng về quá trình đàm phán và cuộc hành trình sang Trung Hoa, bao gồm cả việc vào triều kiến vua Càn Long ở Nhiệt Hà và lễ trao sắc ấn ở điện Thái Hòa, những đại sự mà ông viết là “nước ta mới có lần đầu”. Cũng nên biết thêm, điện Thái Hòa là trung tâm của Tử Cấm Thành, là điện quan trọng nhất trong cung nhà Thanh, nơi nhà vua thiết đại triều và tiếp những sứ thần ngoại quốc, nên việc trao sắc ấn tại đây cũng không khác gì nhà vua đích thân làm lễ.

Việc giải mã phái đoàn Nguyễn Quang Hiển vì thế giúp chúng ta hiểu biết hơn những gì đã xảy ra vì đây là một gạch nối, làm trung gian đóng vai giao kết của đại quốc và tiểu quốc. Một đằng xác định sẽ tiếp tục những thỏa hiệp ngoại giao vượt vị thế tông phiên, đóng vai khách mời trong đại lễ sắp tới, một đằng trao ấn tín như khẳng định sự công nhận chính thức và thay thế mọi liên hệ khác nay không còn hiệu lực. Đây là những hiệp ước song phương vượt ra ngoài hình thái xin cho mà chúng ta từng thấy qua nhiều thế hệ, nhiều triều đại là căn bản giao thiệp giữa Trung Hoa và Đại Việt.

Nguyên uỷ

Phái đoàn Nguyễn Quang Hiển là một giải pháp mà nhà Thanh sắp đặt với Tây Sơn để vượt qua một khó khăn về nghi lễ. Trước đây, để ép nước ta thần phục, đời Nguyên, đời Minh đều nêu ra một giải pháp rất kẻ cả là nếu như vua nước Nam không chịu sang kinh đô để tự mình xin phong vương thì có thể gửi một hình nhân bằng vàng sang thay mình mà sử sách gọi là “đại thân kim nhân”.

Khi vua Quang Trung bằng lòng thần phục, nếu nhà Thanh quyết liệt đòi hỏi một hình nhân bằng vàng thì việc yêu cầu vua Quang Trung sang tham dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ sẽ khó khăn hơn nếu không nói rằng không thể thực hiện được. Để thông qua vướng mắc đó, triều đình Tây Sơn đưa một nhân vật trong họ Nguyễn Quang (là hoàng tộc nhà Tây Sơn) mang biểu cầu phong dưới một nghi lễ mới. Đó là “tuy đại do thân” (tuy thay mặt nhưng cũng như chính mình) chính thức xác định vai trò phiên thuộc của An Nam trong hệ thống đồng tâm mà nhà Thanh thiết lập.



Ngai vàng trong điện Thái Hòa[12]

 


Bản đồ Tử Cấm Thành với điện Thái Hòa ở chính giữa[13]

Ngoài nghi lễ, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển còn những nhiệm vụ phụ quan trọng hơn. Đối với nhà Thanh, tuy là một thủ tục trung gian nhưng cũng là giao kết mà triều đình Tây Sơn xác định việc vua Quang Trung sang Bắc Kinh. Phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đi sang triều kiến vua Thanh cũng đóng vai trò tiền sát tìm hiểu thực sự nhà Thanh muốn gì. Vì không nắm vững chủ trương nguyên thủy mà Tôn Sĩ Nghị đã sắp đặt để vua Chiêu Thống sang triều cận, việc nhà Thanh khăng khăng yêu cầu vua Quang Trung sang chúc thọ bị nghi ngờ là muốn “điệu hổ ly sơn”, một khi vua Quang Trung vừa qua khỏi Trấn Nam Quan thì quân Thanh sẽ nhiều mặt đồng loạt tấn công để lấy lại nước cho vua Lê. Cái kế hoạch mà sau khi bại trận Tôn Sĩ Nghị rêu rao là sẽ đem “cửu tỉnh binh mã, tứ lộ giáp công”, “không diệt không thôi” để hù doạ, đến lúc này lại trở thành một đe dọa ngầm khiến nhà Thanh phải chủ động giải toả để xác định rằng đó chỉ là một đòn chiến tranh tâm lý chứ không có thật.

Khi thấy triều đình Tây Sơn vẫn ỡm ờ không khẳng định việc vua Quang Trung sang Trung Hoa, Phúc Khang An liền đưa Nguyễn Quang Hiển và phái đoàn An Nam đến Quế Lâm để gặp vua Chiêu Thống (khi đó đã cắt tóc đổi sang y phục nhà Thanh), vừa xác định quả thực vua Lê họ đang giữ trong tay, vừa là một bảo chứng rằng họ không có tính toán để đưa vua Lê về nước như tin đồn.

Việc miêu tả một cách rẻ rúng phái đoàn Nguyễn Quang Hiển chỉ là một phái đoàn cầu phong như Liệt Truyện (Nguỵ Tây) chép “Huệ bèn lấy vàng lụa tặng cho hậu hĩ cầu xin thu xếp cho, rồi đổi tên là Quang Bình, sai cháu là Nguyễn Quang Hiển cùng bồi thần là Vũ Huy Tấn mang cống phẩm, gõ cửa quan xin được nhập cận. Vua Thanh vui mừng thuận theo lời tâu …” đã không đề cập đến những mục tiêu và thoả hiệp khác của phái đoàn và cũng chưa giải thích được tại sao việc phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đến Bắc Kinh lại được vẽ thành bức tranh sau cùng bộ An Nam Chiến Đồ của nhà Thanh.[14]

Nhân số phái đoàn Nguyễn Quang Hiển

Số người đi trong phái đoàn Nguyễn Quang Hiển không dứt khoát là bao nhiêu vì ngay từ đầu, Nguyễn Quang Hiển mang theo nhiều sứ mạng:

-          Bề ngoài, Nguyễn Quang Hiển là cháu vua Quang Trung được cử đi như một “thân thần” mang tờ biểu cầu phong mà nhà Thanh dùng một ngôn từ ngoại giao là “cụ biểu đầu thành (具表投誠)” với ý nghĩa là kẻ chống lại nay thành tâm qui phục. Việc nước ta quay về trong quĩ đạo tông phiên của nhà Thanh là một tiến trình khúc mắc mà bên trong, chính họ mới là phía cầu hoà chứ không phải phía Tây Sơn nhưng được sắp xếp làm như nước ta yêu cầu cho khỏi mất mặt.

-          Thứ hai, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển sang Trung Hoa cũng là hình thức công khai xác nhận việc vua Quang Trung sẽ đích thân sang dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Càn Long, đem một lời hứa miệng thành một văn bản giao kết. Việc phô trương trên đường họ đi qua cũng là dịp mà nhà Thanh công bố cho quốc dân là An Nam đã thần phục, che dấu việc bại trận vốn dĩ chấn động vùng biên giới tây nam.

Để loại trừ nghi ngại việc nhà Thanh sẽ đưa Lê Duy Kỳ về nước, vua Càn Long đã chỉ thị cho Phúc Khang An ép toàn bộ những người trong nhóm nhà Lê chạy sang Trung Hoa phải cắt tóc và đổi y phục, minh định rằng họ nay là dân Trung Hoa chứ không liên quan gì đến An Nam nữa.

Khi phái đoàn đã chính mắt quan sát nơi ăn chốn ở của vua Lê đã “thế phát cải phục”, Phúc Khang An yêu cầu Nguyễn Quang Hiển sai vệ úy Hồ Văn Tòng về báo cáo lại cho vua Quang Trung đồng thời đem sang một tờ biểu mới khẳng định đích thân Nguyễn Quang Bình sẽ cầm đầu một phái đoàn sang Trung Hoa mà không còn lần lữa hay ỡm ờ được nữa.

Sau khi mục tiêu được xác nhận, vua Càn Long mới “nâng cấp” phái đoàn Nguyễn Quang Hiển lên tầm vóc cao hơn một sứ bộ bình thường của An Nam, thực hiện nhiều nghi thức tiếp đãi mà chúng tôi sẽ đề cập trong biên khảo này.

Theo danh sách liệt kê lúc đầu thì phái đoàn Nguyễn Quang Hiển qua khỏi cửa quan để gặp Phúc Khang An lên đến 68 người bao gồm sau đây:

Di sứ (chánh sứ) 1 viên

夷使一員

Nguyễn Quang Hiển

阮光顯

Di giới (phó sứ) 2 viên

夷价二員

Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Tấn

阮有晭

武輝瑨

Di quan (bồi sứ) 3 viên

夷官三員

Đinh Công Thái, Nguyễn Ninh Trực, Lê Sùng Khảo

丁公彩

阮寜直

黎崇考

Thư tả (thư ký) 1 viên

書寫一員

Phan Huy Triêm

潘輝霑

Thông sự 1 viên

通事一員

Nùng Đình Cẩn

農廷謹

Tòng nhân 60 người

從人六十人

 

 

 

 

Tổng cộng

68 người

Con số 68 người là một con số đáng kinh ngạc vì trước đây số lượng một phái bộ đi sứ đời Lê chỉ trên dưới 30 người. Việc hạn định nhân số của từng phái đoàn, từng nhiệm vụ ghi trong điển lệ được thi hành rất lớp lang, bài bản và gần như không bao giờ được vi phạm. Chỉ có các phiên vương Mông Cổ hay Lạt Ma Tây Tạng khi vào triều mới được mang theo một nhân số đông hơn nhưng cũng không quá 60 người. Nhân số đông đảo cũng dự trù những thay đổi mà nhà Thanh yêu cầu nước ta phải điều chỉnh để có người chạy đi chạy lại nếu cần.

Chính vì con số bất thường này – nhất là so sánh với số người chính thức đến Yên Kinh (21 người) chúng ta biết khi nhập quan, họ đã bao gồm nhiều thành phần, nhiều công tác chứ không thuần nhất chỉ một phái đoàn với một mục tiêu đã được sắp xếp từ trước.

 


Danh sách phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đi qua cửa Nam Quan

Nguồn: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc) [15]

Phái đoàn Nguyễn Quang Hiển có thể được coi như một phái bộ hòa bình tiền sát công khai việc hai nước đã giảng hòa, một hình thức để vua Càn Long phô trương An Nam đã thần phục thiên triều như cũ. [16]

Trong khi ở nội địa nhà Thanh đánh trống khua chiêng về phái đoàn An Nam sang cầu phong thì các quan lại ở Quảng Tây tiếp tục tung ra những đòn phép ngầm giúp cho triều đình Tây Sơn triệt tiêu mọi chống đối của nhóm thân Lê:

-          Đánh lừa thành phần chủ chốt – ban tham mưu phù Lê – còn đang ở trong nước vượt biên sang Trung Hoa. Thành phần đó như ta biết, chủ yếu là hoàng tộc và thân quyến vua Lê đang ở Kinh Bắc (Bắc Ninh là quê hương của mẹ và vợ vua Chiêu Thống) do Lê Quýnh cầm đầu. Việc dụ dỗ 30 người nòng cốt của nhóm này sang Quảng Tây là một thành công lớn của nhà Thanh, không những khiến cho lực lượng Cần Vương như rắn mất đầu mà còn khiến cho đám quan lại khác mưu toan khởi sự trên toàn quốc bị hoang mang, thiếu tin tức vì không thể nào huy động được lực lượng.[17]

-          Thông tin cho Tây Sơn những tin tức về thành phần thân Lê hiện đang toan tính việc phục quốc ở trong nước. Chính Phúc Khang An đã sai một viên chức thân tín (tổng quản) sang gặp bọn Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân … để trao đổi những tin tức của nhóm phù Lê mà họ biết. Ngô Văn Sở sau đó đã sang Quảng Tây để hội kiến với quan lại nhà Thanh về việc này và hậu quả là nhiều cuộc hành quân tiễu trừ phá tan các lực lượng ở biên giới giết được ông Hoàng Ba Lê Duy Chỉ, xem như vương triều nhà Lê hoàn toàn sụp đổ.

Nếu so sánh phái đoàn ra khỏi Nam Quan ngày 19 tháng Tư (68 người) và phái đoàn chính thức vào triều cận vua Càn Long ở Nhiệt Hà rồi về kinh nhận sắc ấn (21 người) chúng ta thấy có một phái đoàn khác đã không tiếp tục đi lên Bắc Kinh. Phái đoàn này không phải ít (47 người) và một số nhân vật khá quan trọng nay không còn có mặt cho chúng ta thấy đã có những hội nghị giữa hai bên và tình hình thương lượng kết quả như thế nào. Trong số những người không tiếp tục đi lên kinh đô chúng ta thấy có ba nhân vật nổi trội, đó là Đinh Công Thái, Lê Sùng Khảo và Phan Huy Triêm. Ngoài ra số tòng nhân trước đây là 60 người nay còn 12 người. Sự chênh lệch này là vì sau khi Nguyễn Quang Hiển gặp Lê Duy Kỳ, Phúc Khang An đã ra lệnh mang biểu văn cầu phong trở về Thăng Long viết lại một bản khác xác định vua Quang Trung sẽ sang triều cận nên phái đoàn phải ở lại Quế Lâm từ ngày 20 tháng Năm nhuận [theo phương bản mùa Thu 001071 #82 tàng trữ trong Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc] đến ngày 22 tháng Sáu (là thời gian Hồ Văn Tòng đem tờ biểu cũ về và mang tờ biểu mới sang Quế Lâm). Những người đó tuy chỉ đóng vai truyền đệ qua lại nhưng có lẽ họ cũng còn làm thêm công tác thâu thập và báo cáo thông tin quân sự để trình lên Ngô Văn Sở và vua Quang Trung.

Nguyên văn tờ biểu mới này còn lưu trong Khâm Định An Nam Kỷ Lược, quyển XXII, văn kiện 2 (và nhiều tài liệu khác) như sau:

…安南國小目臣阮光平謹奏上言,為敬陳瞻覲微忱,仰干天聽事。

臣欽奉勅書宣諭,不咎既往,嘉與維新。聖德如天,不遺荒逖。臣誠歡誠忭,無任感激。

欽惟大皇帝陛下德邁羲炎,道髙軒昊,五十餘年太平天子。治隆福備,曠古所無。

臣生長廣南,雖其地不與中華通,而閩、廣海舶,往來絡繹。竊嘗稔聞中國文物聲明之盛,尤仰望大皇帝仁義道德之隆。臣誠願譜在寶書,瞻就雲日,匪真以海不揚波,為中國有聖之驗也。前臣於臣親姪阮光顯欵闗,代躬行禮時,曾面告以俟國事稍定,入覲京師。蓋臣一片真誠,惟知畏天命尊天子,循其職分之當然也。

伏惟聖天子天生至德,位祿名壽,𠔥而有之。來年八月,恭逢八旬萬壽聖節,吉祥盛事,慶滿寰瀛。臣獲依日月之光,同効華封之祝,實為至願。擬將國事早為處分,謹於明年春夏間,禀明兩廣總督公轉奏,候賜瞻覲,以抒下悃。仰惟宸淵洞照,欣感實深。

再天朝提鎮大臣,前經臣屬下悮行傷害。臣痛自悔艾,惶悚靡寧,先經築壇奠祭。兹敬謹擇吉,立廟於國都之南,春秋虔享,稍申事大之誠,仰答教忠之㫖。惟提鎮大臣官銜諡號,伏候㫖下兩廣總督公頒行本國,欽遵奉祀,以贖前愆。

至安南國舊印及上年補給印信,俱係賞給黎氏。但兵火倥偬之中,未知下落。臣已徧行搜查,一俟尋獲,即當繳進;候奉換給吉祥新印,以昭世守,實臣之大願也。

惟是臣明嵗進京,恭祝萬壽時,庻邦君長,咸在朝賀之列。臣荒逺土酋,忝與王會,跼蹐無地,愧懼交并。且臣本國自黎祚告終,干戈旁午,民墜塗炭,旄倪皇皇,日顒綏輯,幸得早有繋屬,即國內日就和寧。伏望聖德洞燭微情,逾格加恩,假臣封號,俾得奉有名分,憑藉天寵,鳩集小邦,實䝉聖天子覆載生成之德。自臣及其子孫,世守南服,為天朝之蕃屏,惟有一心恭順,以期永荷天恩於勿替也。

臣遥瞻絳闕,仰望恩慈,不勝激切屏營之至,謹奉表以聞。

Thần là tiểu mục nước An Nam Nguyễn Quang Bình kính cẩn tâu lên mong giãi bầy về việc thành khẩn xin được chiêm cận để mong thánh thượng nghe đến.

Thần khâm phụng sắc thư tuyên dụ rằng đừng mắc những sai lầm cũ, hãy cố sức đổi mới. Ðức của thánh thượng như trời không bỏ sót kẻ hoang vắng, xa xôi. Thần hết sức vui mừng, cảm kích không biết chừng nào.

Khâm duy đại hoàng đế bệ hạ, đức sánh với Hi Viêm, đạo cao như Hiên Hạo, là bậc thiên tử thái bình hơn năm mươi năm. Cai trị lớn lao, phúc đức đầy đủ, xưa nay chưa từng có.

Thần sinh trưởng ở đất Quảng Nam, tuy không thông với Trung Hoa nhưng thuyền bè Mân Quảng qua lại tấp nập nên cũng thường nghe đến sự thịnh vượng văn minh của Trung Quốc, lại càng ngưỡng vọng nhân nghĩa đạo đức tràn đầy của đại hoàng đế. Thần thành tâm nguyện sẽ phổ tại bảo thư, chiêm ngưỡng như trời cao, chẳng phải chỉ vì biển không dậy sóng mới biết rằng Trung Quốc đang có bậc thánh nhân.

Trước đây thần đã sai cháu là Nguyễn Quang Hiển đến cửa quan, thay mặt hành lễ từng chính miệng cáo rằng đợi khi quốc sự tạm yên sẽ nhập cận kinh sư, tấm lòng chân thành của thần, chỉ biết sợ mệnh trời tuân theo thiên tử, là chuyện đương nhiên của chức phận vậy.

Cúi lạy thánh thiên tử trời sinh là bậc chí đức, vị lộc danh thọ, tất cả đều gồm đủ. Sang năm tháng Tám là dịp khánh tiết bát tuần vạn thọ, là thịnh sự cát tường, cả doanh hoàn đều vui mừng nếu như thần được hưởng chung ánh sáng của nhật nguyệt, cùng được vinh hoa đến chúc thọ thực là chí nguyện nên mong sao quốc sự sớm được yên phận, để đến khoảng xuân hạ sang năm có thể bẩm với Tổng đốc Lưỡng Quảng chuyển tấu để cho phép chiêm cận cho thỏa lòng thành kính, mong được bệ hạ chiếu xuống nơi uyên động thì hân hoan cảm kích biết chừng nào.

Còn về việc đề trấn đại viên của thiên triều trước đây bị thuộc hạ của thần lỡ tay giết hại, thần thật đau lòng hối hận, hoảng hốt không yên nên đã lập đàn tế lễ, lại kính cẩn chọn nơi đất lành, lập miếu ở nam quốc đô, xuân thu cúng bái để tỏ lòng thành thờ nước lớn, đáp lại thánh chỉ dặn phải hiếu trung. Có điều quan hàm thụy hiệu của các đề trấn đại thần cúi mong hoàng thượng giáng chỉ cho Tổng đốc Lưỡng Quảng công ban cho bản quốc để khâm tuân phụng tự, hầu chuộc được lỗi lầm xưa.

Về chiếc ấn cũ của An Nam cùng chiếc ấn năm ngoái bổ cấp đều là thưởng cho họ Lê. Thế nhưng trong khi binh hỏa loạn lạc, không biết ở đâu. Thần đã cho tìm kiếm khắp nơi khi nào thấy được sẽ đem nạp lại để đổi lấy ấn mới may mắn hơn để truyền lại cho con cháu, ấy là đại nguyện của thần vậy.

Chỉ một điều sang năm thần tiến kinh, cung chúc vạn thọ, các quân trưởng nước khác hay khi liệt vào trong triều hạ, thần là kẻ hoang viễn thổ tù được ghé thêm trong vương hội, loanh quanh không biết đứng vào đâu, thật là sượng sùng e ngại. Lại thêm nước thần từ khi Lê tộ cáo chung, binh lửa khắp nơi, nhân dân đồ thán, già trẻ ngơ ngác mong được sớm an cư, dự vào hệ thuộc để cho quốc nội ngày thêm hòa ninh.

Cúi mong thánh đức chiếu sáng chỗ tình nhỏ bé ấy, gia ân vượt bực ban cho thần phong hiệu để có được danh phận, nhờ cậy thiên sủng mà tiểu bang sớm cưu tập. Ấy là đức sinh thành trời che đất chở của thánh thiên tử để thần đời đời giữ một cõi nam, làm phên dậu cho thiên triều, một lòng cung thuận hầu mãi mãi hưởng thiên ân không bỏ mất.

Thần ở xa vọng về cung khuyết, ngưỡng vọng ân từ, hết sức cảm kích sợ hãi, kính cẩn dâng biểu này.[18]

Cho đến lúc này, vấn đề quan tâm nhất của triều đình Tây Sơn vẫn là việc nhà Thanh có còn tiếp tục can thiệp vào việc nội trị của An Nam hay không và triều đình “lưu vong” của Lê Duy Kỳ nay ra sao? Ngược lại, về phía nhà Thanh họ đòi hỏi nước ta phải khẳng định chính vua Quang Trung dẫn đầu sẽ sang tham dự lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Thanh.


Danh sách phái đoàn Nguyễn Quang Hiển được chấp thuận lên kinh đô[19]



Nguyễn Huệ khiển điệt Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến chi đồ[20]

Nhân số của phái đoàn Nguyễn Quang Hiển

阮光顯等進京人數清單

Chức vụ

 

Số người

 

Tên

 

Sứ thần

 

夷使

3 người

 

三員

Nguyễn Quang Hiển

Nguyễn Hữu Trù

Vũ Huy Tấn

阮光顯

阮有晭

武輝瑨

Bồi tụng

陪從

1 người

一員

Nguyễn Ninh Trực

阮寜直

Hành nhân

 

行人

5 người

五名

Trương Gia Nghiễm

Phạm Bá Nhuận

Tạ Hữu Định

Nùng Đình Cẩn

Hoàng Huy Dực

張嘉儼

范伯润

謝有定

農廷謹

黄輝翼

Tòng nhân

從人

12 người

十二人

Hồ Văn Tòng

Nguyễn Công Tuyết

Nguyễn Văn Cự

Nguyễn Văn Bản

Nguyễn Văn Cơ

Hoàng Văn Thành

Lê Văn Trọng

Ngô Viết Lương

Nguyễn Văn Uyển

Nguyễn Hữu Đễ

Trần Văn Dũng

Đỗ Đình Lập

胡文從

阮公雪

阮文鉅

阮文本

阮文璣

黄文成

黎文仲

吴曰樑

阮文琬

阮有悌

陳文勇

杜廷立

Tổng cộng

 

21 người

二十一員名

 

 

 



Con số 21 người là con số của phái đoàn được Tả Giang đạo Thanh Hùng Nghiệp (湯雄業) và phó tướng Tân Thái hiệp là Đức Khắc Tinh A (德克精阿)[21] bạn tống trong suốt cuộc hành trình lên Bắc Kinh. Tuy nhiên không phải là không có những thay đổi trên đường đi.

Khi phái đoàn tới Hà Nam, theo báo cáo của tuần phủ Lương Khẳng Đường thì Thang Hùng Nghiệp cùng với sứ thần Nguyễn Quang Hiển, tuỳ tòng quan 2 người và hành nhân, tuỳ nhân 15 người vào châu Tín Dương, tính ra như thế là 18 người. Đó là chi tiết duy nhất chúng ta biết được số người trên đường lên kinh đô, con số 21 người có lẽ là số lượng từ Nam Quan ra đi, sau đó một số người về Thăng Long để đổi quốc thư nhưng sau đó không đi cùng nữa.

Trong bức tranh “Nguyễn Quang Hiển nhập cận tứ yến” thì phái đoàn nước ta bái yết vua Càn Long là 8 người bao gồm chánh sứ Nguyễn Quang Hiển trên cùng, hai phó sứ Nguyễn Hữu Trù, Vũ Huy Tấn (áo tím) và 5 tòng quan (áo đỏ). Việc giảm bớt số người để đưa lên kinh có lẽ vì họ được chỉ thị phải đi gấp – mà Vũ Huy Tấn cũng đã tường thuật là “theo đường Quảng Tây, Hồ Quảng, Hà Nam, Trực Lệ cả ngày lẫn đêm” nên số người càng ít thì việc cung ứng trên đường đi càng thuận tiện. Theo những báo cáo dọc đường, chúng ta cũng thấy đến tỉnh thành nào cũng được đãi yến nhưng ăn xong lại lên đường đi ngay.

Vua Càn Long cũng chỉ thị cho các tỉnh tiếp đón phái đoàn Nguyễn Quang Hiển tương tự như việc tiếp đón phái đoàn Miến Điện sang thần phục. Miến Điện đã có tranh chấp với nhà Thanh một thời gian dài và vua Càn Long đã bốn lần động binh, hao quân tổn tướng mà không đi đến đâu. Đó là những chiếc gai nhức nhối nên lúc nào hoàng đế nhà Thanh cũng muốn tìm cách chữa thẹn và việc đem quân sang nước ta là một liều thuốc xoa dịu tâm hồn, có điều khi uống vào lại thành một viên thuốc đắng.

Cho nên, khi Miến Điện, vì gặp khó khăn trong chiến tranh với Xiêm La và mâu thuẫn với các cường quốc Âu châu đang chiếm đóng nhiều vùng đất ở phía đông bán đảo Ấn Độ, họ phải tìm cách giảm thiểu áp lực từ phương bắc bằng cách cầu hòa với nhà Thanh sau cả chục năm không lên tiếng khiến cho triều đình Bắc Kinh vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ.

Phái đoàn Miến Điện sang cầu hòa, lúc đầu bị quan lại nhà Thanh tưởng là sang gây hấn nên bắt giam. Khi sự thực được tỏ lộ, vua Càn Long đã hết sức vui mừng và trừng phạt những viên quan ở Vân Nam đã sơ sót đánh giá nhầm thiện chí của họ. Sau đó, họ đã được tiếp đãi rất trọng thể đánh dấu một thời điểm mà hai bên đã từ thù sang bạn. Có lẽ cũng vì hoàn cảnh tương tự mà nước ta trở thành một tâm điểm ngoại giao mới.

Phái đoàn Nguyễn Quang Hiển được đặc biệt tiếp đãi tương đương với phái đoàn Miến Điện nghĩa là gấp đôi một sứ bộ bình thường. Với bội số về người và sự trọng thể trong đón tiếp, công việc cung ứng cho phái đoàn Nguyễn Quang Hiển là một vinh dự lớn nên việc vào triều kiến vua Càn Long đã được vẽ thành bức tranh sau cùng trong bộ An Nam Chiến Đồ coi như thắng lợi “không cần dụng binh” của chiến dịch thứ hai sang nước ta.

Nhập quan

Theo tấu thư của Lưu Nga, tổng đốc Trực Lệ thì Phúc Khang An cho biết vào ngày 19 tháng Tư năm Kỷ Dậu (Càn Long 54), Nguyễn Quang Bình sẽ gửi cháu ruột là Nguyễn Quang Hiển đến Trấn Nam quan để đệ lên biểu văn cầu hoà – mà sử nhà Thanh chép là khất hàng (乞降), theo lối nói của họ và xin được tiến kinh nhập cận.[22]

Nhận được tin này, vua Càn Long rất vui mừng yêu cầu sắp xếp để cho Nguyễn Quang Hiển có thể đến kinh đô vào ngày 20 tháng Bảy rồi đến Nhiệt Hà gặp hoàng đế. Vua Càn Long cũng ra lệnh cho Thang Hùng Nghiệp, khi ấy là Tả Giang đạo bạn tống phái đoàn trên đường đi, nhấn mạnh là việc tiếp đãi trên đường đi chiếu theo thể lệ năm ngoái đối với phái đoàn của Miến Điện mà thi hành. Các phủ đều phải đãi tiệc (筵宴) và cho người hộ tống với thêm một câu vô thưởng vô phạt là “đừng để thiếu mà không đủ, cũng đừng dư thừa thái quá” (不可失之不及亦不可失之太過). Việc tiếp đãi cũng còn phải tính toán sao cho sang năm khi phái đoàn Nguyễn Huệ lên kinh đô sẽ tiếp đãi cao cấp hơn chứ không thể kém.

Hà Nam

Theo báo cáo của tuần phủ Hà Nam Lương Khẳng Đường (粱肯堂) thì phái đoàn Nguyễn Quang Hiển sẽ theo huyện Ứng Sơn tỉnh Hồ Bắc vào châu Tín Dương, đi qua Hứa Châu đến An Dương. Ngày mồng 6 tháng Năm, vua Càn Long lại gửi một dụ chỉ nhấn mạnh một số điểm không thấy nói đến trong dụ chỉ lần trước:

… Nguyễn Quang Hiển là cháu ruột của Nguyễn Huệ không thể coi như đầu mục bình thường. Những nơi đi qua việc chi ứng tuy không cần phải tăng thêm các nơi trước nhưng cũng không nên giản dị hơn. Huống chi An Nam và Miến Điện thanh tức tương thông (tin tức truyền qua nhau rất nhanh) nếu như lần này quá giản lược thì bọn họ nghe thấy lại cho là thiên triều vỗ về nuôi nấng ngoại di kẻ hậu người bạc, ấy không phải là cái đạo nhất thị đồng nhân. Vậy hãy chiếu theo lệ của cống sứ Miến Điện quá cảnh năm ngoái, không đi quá mà cũng không bất cập. Nếu như sang năm Nguyễn Huệ đích thân đến khuyết đình thì trên đường đi việc cung ứng phải ưu hậu hơn Nguyễn Quang Hiển …

Ngày mồng 1 tháng Bảy, Lương Khẳng Đường tâu lên:

… Thần liền theo đó phân sức cho các nơi tuân chiếu biện lý, một mặt sai người đến Hồ Bắc thám thính ngày giờ nhập cảnh, một mặt sức cho đạo Nam Nhữ Quang là Vạn Ninh, tri phủ Nhữ Ninh là Bành Như Cán đến thủ trạm nhập cảnh là châu Tín Dương nghinh đón hộ tống. Lại phân ra uỷ cho viên biền qua lại chiếu liệu.

Lại sau đó theo như các đạo phủ bẩm báo, ngày 17 tháng Sáu thì đạo Tả Giang Quảng Tây là Thang Hùng Nghiệp đưa thông sự, binh đinh bạn tống lai sứ Nguyễn Quang Hiển 1 người, tuỳ tòng quan 2 người và hành nhân, tuỳ nhân 15 người vào châu Tín Dương tỉnh Hà Nam rồi nơi đây mở tiệc, diễn kịch và phân biệt ban thưởng. Các nơi đi qua là Trịnh Châu và Vệ Huy, Bành Đức hai phủ thành thì cũng theo đúng lệ như tại Tín Dương đãi yến và thưởng lãi giống như năm ngoái khi sứ thần Miến Điện đi qua, không hơn mà cũng không kém. Các thành trại nơi họ đi qua đều tu sửa cho đẹp mắt, có biền binh đứng trên đường nghiêm túc. Xe cộ, ngựa thuyền cung ứng đều đầy đủ để tỏ lòng nhu huệ viễn nhân của thánh chúa.

Hiện nay Nguyễn Quang Hiển đi đường nhanh chóng, qua sông thuận lợi đến ngày 29 (tháng Sáu) sẽ ra khỏi biên cảnh Hà Nam để vào trạm đầu tiên ở Từ Châu tỉnh Trực Lệ. Thần hiện đã gửi thư nhanh đến tổng đốc Trực Lệ Lưu Nga để xin cho người tiếp đón hộ tống …

Càn Long 54, ngày mồng 1 tháng Bảy.[23]

Tuy nhiên, cũng theo Lương Khẳng Đường báo cáo lên thì tri phủ Chương Đức là Lý Chu cho biết sau khi đãi tiệc phái đoàn ngày 29 tháng Sáu, y đã đích thân bạn tống Nguyễn Quang Hiển đến trấn Phong Lạc nhưng nước sông Chương dâng cao, sóng rất lớn, thuyền bè dự bị không vào bến được nên phải nghỉ lại công quán tại đây. Ngày mồng 1 tháng Bảy, nước sông rút xuống nên Lý Chu đã đưa họ qua sông và được người của Từ Châu, tỉnh Trực Lệ nghinh đón lên đường.

Hồ Nam

Tuần phủ Hồ Nam Phổ Lâm (浦霖) cũng tâu lên là đã sức xuống ra lệnh những nơi nào phái đoàn đi qua phải sửa sang cầu cống, đắp đất cho bằng phẳng:

… Trước đây thần đã tuân phụng dụ chỉ sức cho các địa phương trên đường nhất thiết cầu cống, đạo lộ đều phải sửa sang cho bằng phẳng, các doanh trại đường tấn quét vôi cho hoàn chỉnh để cho trông vào thêm đẹp mắt. Lại hội thương với đề đốc Du Kim Ngao (俞金鰲) sức lệnh cho các thủ biện binh đinh phải tuyển chọn những người tráng kiện, cấp cho y phục khí giới mới mẻ, đội ngũ chỉnh tề để tỏ sự nghiêm túc.

Theo như thuộc cấp bẩm báo thì các nơi đều tuân chiếu chuẩn bị. Về đại viên đi theo hộ tống thì thần đã uỷ thác cho đạo Hành Vĩnh (衡永) là Thế Ninh trú đóng ở khu vực giao giới tiếp nhận đưa đi, lại phái uỷ cho bốn tri phủ các phủ Vĩnh Châu, Hành Châu, Trường Sa, Nhạc Châu phân chia từng đoạn chiếu liệu và những phó tướng, tham tướng, du kích do tổng đốc chọn ra cùng với các quan văn trên đường hộ tống để cho khỏi sai lầm …

Về việc theo lệ cũ đã tiếp đón phái đoàn Miến Điện, Phổ Lâm cũng cho biết là:

thần đã khâm tuân sức cho các nơi khi có sứ bộ đi qua phủ thành thì đãi yến một lần, đến khi qua tỉnh thì tuần phủ sẽ cho diễn kịch, đã yến và khao thưởng thêm …

Tra thấy An Nam trước đây nhập cống đều theo thuỷ lộ mà đi. Nay Nguyễn Quang Hiển lại theo đường bộ tiến kinh, từ huyện Linh Lăng thuộc phủ Vĩnh Châu nhập cảnh (vào tỉnh Hồ Nam), ngang qua Hành Châu, Trường Sa, đến huyện Lâm Tương thuộc Nhạc Châu thì xuất cảnh. Những nơi đó đều là thông cù dịch lộ (đường thông của dịch truyền, tức nơi dịch lộ cắt ngang nhau) nên thành quách thôn trang rất là tốt đẹp, lại thêm nhiều năm liên tiếp được mùa nên xóm làng đều yên ổn, sứ thần ngoại phiên thấy nhân vật Trung Hoa đều thịnh vượng, võ bị sáng sủa sẽ thêm kính sợ …[24]

Ngày 17 tháng Năm nhuận, vua Càn Long lại gửi đi một dụ chỉ theo đường dịch 600 dặm gia khẩn qui định về việc lễ nghi đón tiếp phái đoàn Nguyễn Quang Hiển như sau:

Trước đây vì việc Nguyễn Quang Hiển đến Nhiệt Hà chiêm cận, việc ứng phó trên đường đi đã có chỉ truyền dụ cho các đốc phủ cần phải phong kiệm đắc trúng. Còn về nghi lễ tương kiến là việc có liên quan đến thể chế, là chuyện cần điều chỉnh cho thích hợp. Nguyễn Quang Hiển là bồi thần nước đó khi tiến yết các đốc phủ thì đã có nghi chế nhất định rồi. Còn sang năm Nguyễn Huệ đích thân nhập cận thì sẽ dùng tân chủ lễ để tương kiến nhưng đốc phủ ngoại tỉnh thì cũng không thái quá mà cũng không bất cập, không thể không kham chước cho vừa phải, vừa đủ cho người ngoài quan chiêm mà cũng tỏ rõ được thể thống.

Hiện tại Nguyễn Quang Hiển đã đến Quế Lâm, Phúc Khang An đã tương kiến, nghi trượng gặp nhau như thế nào thì Phúc Khang An hãy tức tốc gửi cho Hồ Nam biết, Hồ Nam sẽ báo cho Hồ Bắc, Hà Nam, Trực Lệ đốc phủ các tỉnh để khi gặp Nguyễn Quang Hiển thì cứ phỏng chiếu cách Phúc Khang An tiếp kiến mà làm cho vừa phải. Còn ti đạo phủ châu huyện các cấp đó gặp thì cũng hãy chiếu theo các tỉnh ti đạo phủ châu huyện ở Quảng Tây mà làm và gửi cho các đốc phủ để chuyển sức cho tuân biện trên đường đi …[25]



Thuyền đưa phái đoàn[26]

Theo như báo cáo của Phổ Lâm ngày 25 tháng Năm nhuận thì phái đoàn Nguyễn Quang Hiển ngày 22 tháng Năm nhuận sẽ từ Quế Lâm khởi hành theo đường thủy đi đến Trường Sa, rồi từ Trường Sa lên bờ đi đường bộ. Các nơi trên đường sông, bến đậu đều chuẩn bị sẵn thuyền bè còn trên bộ thì sửa soạn kiệu, ngựa và nơi nghỉ ngơi. Phổ Lâm cũng sắp đặt để cho Diêu Học Anh của đạo Trường Tân đốc suất lo liệu cho phái đoàn. Để đề phòng tin tức và nghi thức Phúc Khang An không thông tri kịp, Phổ Lâm cũng cho người hỏi Thang Hùng Nghiệp là người hộ tống phái đoàn để biết nghi lễ đã áp dụng ở Quảng Tây như thế nào mà thi hành cho đúng cách.[27]

Theo báo cáo của Phổ Lâm thì ngày 27 tháng Năm nhuận, phái đoàn đã vào huyện Đông An tỉnh Hồ Nam, tại hai phủ Vĩnh Châu và Hành Châu đều được đãi tiệc rất là hậu hĩ. Còn tương kiến lễ thì họ đã hỏi Thang Hùng Nghiệp để theo đúng phép tắc đã thi hành tại Quảng Tây. Ngày mồng 4 tháng Sáu, giờ Mão phái đoàn đến tỉnh thành Trường Sa. Theo người hộ tống bẩm lên thì trên đường đi thuyền xuôi dòng nên rất thoải mái, ăn uống đầy đủ nên các sứ thần cực kỳ vui vẻ. Giờ Ngọ hôm đó, Phổ Lâm đưa các ti đạo trong tỉnh, trần thiết nghi vệ đứng xếp thành hàng lối tại đại đường tiếp kiến. Nghi lễ tương kiến theo đúng như Phúc Khang An đã định ra. Sau nghi thức, phái đoàn được ăn tiệc và xem kịch, mọi thứ giống như năm trước tiếp đãi sứ thần Miến Điện. Phổ Lâm lại đem sa, đoạn, trù, lăng, trà thuốc, ngân bài tặng cho mọi người theo thứ bậc.

Ngày mồng 5, giờ Thìn phái đoàn từ tỉnh theo đường bộ khởi hành, tính theo trạm thì ngày mồng 9 tháng Sáu ra khỏi Hồ Nam.[28]

Nhiệt Hà



Mộc Lan Đồ (bộ phận)

Nguồn: Tất Mai Tuyết và Hầu Cẩm Lang. Mộc Lan Đồ - Dữ Càn Long thu quí đại liệp chi nghiên cứu (Cố Cung Tùng San Giáp Chủng) Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, Dân Quốc 71.

Phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đến Nhiệt Hà được vua Càn Long cho yết kiến, hỏi thăm cùng những sinh hoạt ngay tại hành cung sau này chính Nguyễn Quang Hiển kể lại khi gặp các quan lại ở Quảng Tây. Theo miêu tả thì phái đoàn vào chiêm cận tại Thanh Âm Các được minh họa trong bức tranh Nguyễn Huệ khiển điệt nhập cận tứ yến chi đồ nhắc đến ở trên. Họ cũng được tham dự đại lễ khánh thọ (sinh nhật) của nhà vua, ăn yến, xem kịch và chứng kiến nhiều sinh hoạt được tổ chức tại Nhiệt Hà trong dịp này.

Cũng vào mùa thu năm ấy, nhà vua tổ chức đi săn tại Mộc Lan và thịt nai do chính vua Càn Long săn bắt được đã chia cho các quan trong đó phái đoàn nước ta cũng được một phần. [29]

Mộc Lan là Hán dịch tiếng Mãn Châu “sáo lộc 哨鹿” (tiếng giả làm hươu cái để gọi hươu đực) vốn là đất của người Mông Cổ hiến cho nhà Thanh đời Khang Hi để làm nơi săn bắn. Mộc Lan ở phía bắc, cách Thừa Đức 150 km, từ đông sang tây hơn 300 km, từ nam lên bắc hơn 200 km. Vua Càn Long mỗi năm lên Nhiệt Hà (Thừa Đức) tránh nóng thường cho tổ chức đi săn tại đây vào tháng Sáu đến tháng Mười. Việc tổ chức săn bắn cũng là một cách để người Mãn Châu nhắc nhở về nguồn gốc du mục và thượng võ của mình bao gồm nhiều tiết mục thể thao khác, có thể coi là những buổi duyệt binh ngày nay ở một số quốc gia. Hiện nay tại viện bảo tàng Pháp còn một bộ bốn bức trường họa Mộc Lan Đồ (木蘭圖) do gia đình tướng Henri Nicolas tặng khi qua đời. Những bức tranh này do họa sĩ Giuseppe Castiglione (tu sĩ Dòng Tên người Ý) và 8 họa sĩ cung đình vẽ tổng cộng dài hơn 60 mét miêu tả rất nhiều sinh hoạt khác nhau khi nhà vua tổ chức “thu tiển” (秋獮) tức hội đi săn mùa thu.[30]

Theo một dụ chỉ của vua Càn Long ngày mồng 4 tháng Tám năm Kỷ Dậu (Càn Long 54) thì:

本日阮光顯等來至行在。適值開宴行賀期。瞻覲行禮後,即令其隨同蒙古王公,文武大臣後入坐觀劇。並先賞給阮光平玉觀音,玉如意,暨金絲緞,朝珠等物。賞阮光顯磁羅漢,玉如意,金絲緞,銀盒等物。其副使,行人,從人亦分別賞以如意,緞盒,銀兩,俟八月初十日大筵宴時仍行厚加賞賚。明年阮光平親自前來祝嘏,其入坐位次當令在宗室舊外藩親王之下,一切郡王之上。其賞賚更當格外優渥也。

欽此。[31]

… Ngày hôm đó, bọn Nguyễn Quang Hiển đến hành tại, vừa lúc đến kỳ khai yến khánh hạ. Sau khi làm lễ chiêm cận xong, lập tức được cho đi theo các vương công Mông Cổ và đại thần văn võ vào nhập toạ xem tuồng, lại được thưởng trước cho Nguyễn Quang Bình ngọc quan âm, ngọc như ý, cùng kim ti đoạn, triều châu các món. Thưởng cho Nguyễn Quang Hiển la hán bằng sứ, ngọc như ý, kim ti đoạn, hộp bằng bạc các món. Các phó sứ, hành nhân, tòng nhân cũng phân biệt thưởng cho như ý, hộp đoạn, ngân lượng, đợi đến ngày mồng 10 tháng Tám lúc đại diên yến sẽ được hậu thưởng thêm. Sang năm, khi Nguyễn Quang Bình đích thân đi sang chúc thọ thì khi nhập cận, toạ vị ban thứ sẽ được ở tại phía sau các thân vương hàng tông thất cựu ngoại phiên, nhưng trên tất cả các quận vương. Việc thưởng lãi sẽ là ưu ác vượt bực.

Khâm thử.

 

Mộc Lan Đồ (bộ phận)

Sau khi Nguyễn Quang Hiển vào triều cận vua Càn Long ở Nhiệt Hà, phái đoàn An Nam được cho phép trở về kinh đô để các vương và đại thần lưu thủ làm lễ ban sắc ấn cho triều đình Tây Sơn. Nghi lễ này ít được nhắc đến trong sử sách, hoặc nếu có cũng rất sơ sài.

Ngày mồng 5 tháng Tám, vua Càn Long hạ chỉ cho các vương và quan lại lưu kinh:

安南貢使阮光顯等於送駕後令其囘京。所有頒給勅印仍交禮部賷捧囘京俟該貢使到京後。著留京辦事王,大臣擇日親往頒發,屆其令該貢使在太和門内丹墀下行禮祗領。阿桂捧印,嵇璜捧勅,并派贊禮郞照例贊禮。并令通事告知該貢使等此係大皇帝巡幸熱河後,特派留京辦事之王二位,中堂二位俾得瞻仰闕廷。并睹禮儀整肅。該貢使祗領後只須寬住二三日即令委員伴送囘國。不必又候囘鑾。欽此。[32]

Dịch nghĩa:

An Nam cống sứ Nguyễn Quang Hiển sau khi tống giá sẽ được lệnh hồi kinh. Sắc và ấn ban cấp sẽ giao cho bộ Lễ mang về kinh đô đợi khi cống sứ đến kinh thì các vương và đại thần lưu kinh sẽ chọn ngày đích thân đến ban phát.

Đến ngày đó, ra lệnh cho cống sứ kia đến dưới đan trì trong điện Thái Hoà làm lễ nhận lãnh. A Quế bưng ấn, Kê Hoàng bưng sắc, lại sai tán lễ lang chiếu theo lệ mà tán lễ.

Lại ra lệnh cho thông sự báo cho cống sứ kia biết rằng vì đại hoàng đế trú tất Nhiệt Hà nên đặc phái lưu kinh biện sự tước vương hai người, đại học sĩ hai người ban cấp sắc ấn để được chiêm ngưỡng khuyết đình, lại được mục kích lễ nghi nghiêm túc.

Viên cống sứ kia nhận lãnh rồi chỉ nên lưu lại hai hay ba ngày rồi cho người bạn tống về nước, không cần phải đợi hoàng đế hồi loan.

Kinh đô



Điện Thái Hòa

Nguồn: Osvald Sirén, The Imperial Palaces of Peking (1926)

 

Nghi lễ ban sắc ấn cho Nguyễn Quang Bình được miêu tả tương đối đầy đủ trong một tấu thư của hai vị vương là Vĩnh Dung và Nhã Lãng A cùng với hai đại học sĩ trong Quân Cơ Xứ là A Quế, Kê Hoàng là những người đứng ra tổ chức và thực hiện buổi lễ như sau:[33]

      


Tấu thư của Vĩnh Dung về lễ ban sắc ấn.

Nguồn: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc)

臣永瑢,臣雅朗阿,臣阿桂,臣嵆璜跪奏

竊查安南貢使阮光顯等於二十日到京。臣等先期交欽天監諏吉二十二日頒給安南國王阮光平勅印。並告知禮部鴻臚寺等衙門照例預備。是日太和殿東西階下,派侍衛班領,分帶侍衛各十員,斜立南向太和門。派侍衛什長帶領侍衛親軍兩㫄分排站立,其午門至天安門均令護軍叅領率同護軍等整齊排列,以肅觀瞻。

臣永瑢等均朝服立於太和殿丹墀東面向西。禮部官及執事官亦俱朝服將事。禮部堂官恭賷勅印陳設於太和殿階下,黄案上。鴻臚寺官,會同館館卿,及伴送官帶領該貢使於甬道西品給山下排立。鳴贊官賛三跪叩頭。行禮訖引至黄案前面北跪。

臣阿桂臣嵇璜恭捧勅印以次分授。阮光顯等祗領訖,臣等復遵㫖令通事官告知該貢使等大皇帝廵幸木蘭,駐蹕熱河,特派王二位,大學士二人留京辦事。兹以爾國王阮光平悔罪投誠,實心恭順,大皇帝格外鴻慈,命王,大學士於太和門内,頒給勅印。此天朝錫爵外藩從來未有之殊典。

阮光顯等叩頭祇聴跪稱阮光平以西山布衣,荷蒙大皇帝勅封為安南國王,復於太和門内頒給勅印,實為非分之榮。而光顯等小國陪臣得以瞻仰殿陛崇閎,朝儀整肅,不勝歡忭榮幸之至等語。

臣等察其敬悚感悅實出至誠。禮部官並伴送官謹將勅印恭置綵亭内。禮部官前引效尉𤽅行至太和門外階下設御仗前,導該貢使三人隨綵亭後,由各中門出。其餘人等俱由旁門出西長安門送至館内定於二十四日令員伴送該貢使等啟程回國…

乾隆五十四年八月二十二日。

Thần là Vĩnh Dung, Nhã Lãng A, A Quế và Kê Hoàng quì tâu

… Tra thấy cống sứ An Nam Nguyễn Quang Hiển vào ngày 20 đến kinh đô, bọn thần trước đó đã giao cho Khâm Thiên Giám chọn ngày tốt là ngày 22 để ban cấp sắc ấn cho An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình lại cáo tri cho Hồng Lô Tự của bộ Lễ để chiếu theo lệ yêu cầu các nha môn dự bị.

Ngày hôm đó ở dưới hai bên thềm đông tây của điện Thái Hòa đều phái thị vệ ban đem mỗi bên 10 người đứng xéo hướng về phía nam. Cửa điện Thái Hoà thì phái thị vệ thập trưởng đưa thân quân thị vệ chia ra dàn đứng hai bên. Từ Ngọ Môn đến Thiên An Môn đều ra lệnh cho hộ quân tham lãnh dẫn hộ quân sắp hàng chỉnh tề để trông vào cho nghiêm túc.

Bọn thần Vĩnh Dung đều mặc triều phục đứng ở phía đông đan trì điện Thái Hoà mặt hướng về phía tây. Lễ bộ quan và chấp sự quan cũng đều mặc triều phục để làm việc. Lễ bộ đường quan cung kính bưng sắc và ấn bày biện trên án trải lụa màu vàng ở dưới thềm điện Thái Hoà. Hồng Lô Tự quan cùng với quán quán khanh (người trông coi khách quán ở kinh đô) và bạn tống quan (người đưa đường cho phái đoàn) đưa các cống sứ theo dũng đạo (đường ống) vào đứng ở dưới cấp sơn.

Minh tán quan xướng làm lễ tam quị cửu khấu đầu (ba lần quì, chín lần rập đầu là lễ triều yết hoàng đế). Làm lễ xong dẫn đến trước hoàng án quì hướng về phía bắc. Thần A Quế, thần Kê Hoàng cung kính bưng sắc ấn theo thứ tự trao cho. Bọn Nguyễn Quang Hiển nhận lãnh xong, bọn thần tuân chỉ ra lệnh cho thông sự quan nói cho các cống sứ biết rằng đại hoàng đế tuần hạnh (vua đi ra ngoài) Mộc Lan, trú tất ở Nhiệt Hà nên đặc phái hai vị thân vương, hai vị đại học sĩ lưu kinh lo việc này. Vì quốc vương nước ngươi là Nguyễn Quang Bình hối tội, thành tâm quay về, thực lòng cung thuận nên đại hoàng đế cách ngoại hồng từ (thương yên vượt mức) ra lệnh cho thân vương, đại học sĩ ở trong cửa điện Thái Hoà ban cấp sắc ấn.

Ấy là thù điển (điển đặc biệt) thiên triều ban tước cho ngoại phiên từ xưa đến nay chưa từng có. Bọn Nguyễn Quang Hiển quì khấu đầu cung kính lắng nghe nói rằng Nguyễn Quang Bình là kẻ áo vải đất Tây Sơn mà sao được ơn lớn như thế của đại hoàng đế sắc phong cho làm An Nam quốc vương, lại được ban cho sắc ấn ở trong điện Thái Hoà, thật là vinh hiển vượt quá phận mình. Bọn Quang Hiển là bồi thần của tiểu quốc được dịp chiêm ngưỡng điện rồng to lớn vĩ đại, triều nghi uy nghiêm thật vui sướng vinh hạnh biết chừng nào.

Bọn thần xem xét sự kính trọng, sợ sệt, cảm kích, vui mừng thực từ lòng chí thành. Lễ bộ quan và bạn tống quan cung kính đem sắc ấn đặt trong thái đình (cái kiệu hoa để khiêng), Lễ bộ quan đi trước dẫn đường đưa tới bực thềm nơi bày ngự trượng bên ngoài Thái Hoà môn, dẫn ba cống sứ đi sau thái đình theo cửa giữa đi ra. Những người còn lại đều do cửa bên đi ra theo cửa Tây Trường An đưa tống đến quán và định là ngày 24 (tháng Tám) sẽ cho người bạn tống các sứ thần khởi trình về nước …

Càn Long 54, ngày 22 tháng Tám.

Sau buổi lễ, đây là danh sách các món mà phái đoàn Nguyễn Quang Hiển đem về nước:

-          Một bản sắc thư phong Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương (do Nội Các viết theo lối đằng tả),

-          Các món ban thưởng cho quốc vương,

-          Sắc dụ và một chiếc ấn do bộ Lễ mới đúc (sau khi đã trình lên cho nhà vua xem và giao xuống) [34]


Danh sách các món Nguyễn Quang Hiển mang về nước

Nguồn: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc)

Đường về

Ngày 24 tháng Tám, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển lên đường về nước, ngày 8 tháng Chín vào huyện An Dương thuộc tỉnh Dự (Hà Nam). Tuần phủ Lương Khẳng Đường ủy nhiệm cho Hà-Thiểm-Nhữ đạo là Lưu Đồng Kính và du kích tả doanh trấn Hà Bắc Quỹ Minh đến An Dương tiếp đón. Lại sức cho các châu huyện phái đoàn đi ngang qua chuẩn bị phu mã và nơi nghỉ nghỉ ngơi. Theo thự tri châu Tín Dương là Ngô Học Tăng bẩm lên thì ngày 22 tháng Chín sứ đoàn đã nghỉ lại tại châu thành Nam Quan, sáng sớm ngày hôm sau 23 thì lại lên đường, trên đường đi đều ứng phó chu đáo.[35]

Ngày 24 tháng Chín, phái đoàn vào huyện Ứng Sơn, tỉnh Hồ Bắc đến ngày mồng 8 tháng Mười thì đến huyện Bồ Kỳ (蒲圻) xuất cảnh và do tỉnh Hồ Nam tiếp nhận. Ngày mồng 8 tháng Mười, phái đoàn vào đến huyện Lâm Tương, đến ngày 13 thì đến Trường Sa là tỉnh thành của tỉnh Hồ Nam.[36] Khi đó trời bắt đầu vào mùa đông nhưng khí hậu ấm áp, tạnh ráo nên việc di chuyển rất thoải mái, nghỉ lại công quán ngày 14 lại lên đường. Đích thân tuần phủ Huệ Linh – khi ấy đang lo việc thi cử - đã đến lo liệu nên mọi việc tương đối chu đáo.[37] Lần trước vì phải lên Nhiệt Hà cho kịp dự lễ khánh thọ của vua Càn Long nên phái đoàn phải đi suốt ngày đêm nhưng lần về vì không còn gấp rút nên đi chậm lại cho đỡ mệt. Theo tấu thư của Huệ Linh thì:

臣維時正在闈中已面諭兩司督率地方官妥為應付,優給廩食。一面派委妥員協同廣西伴送道員湯雄業等沿途照料。俾令緩程行走,毋致稍形勞頓。

Thần khi đó chính đang ở tại trường thi nên đã tận mặt dặn hai ti (bố chánh và án sát) đốc suất các quan địa phương lo liệu cho chu đáo, cung cấp thực phẩm đầy đủ. Một mặt phái người hiệp đồng với đạo viên bạn tống là bọn Thang Hùng Nghiệp chiếu liệu trên đường đi, lại ra lệnh đi đường thong thả không cần phải vội vã mà mệt nhọc.

Về công việc của phái đoàn Nguyễn Quang Hiển ở Nhiệt Hà và kinh đô được tường thuật trong một bản tâu của Phúc Khang An và Tôn Vĩnh Thanh ngày mồng 4 tháng Chạp năm Kỷ Dậu như sau:

…阮光顯等乘船迎至途次,前來禀謁,臣等當即傳見,詢以:爾等此次進京,瞻仰天顔,承受大皇帝種種殊恩,心中如何欣忭?據稱:我等七月中前赴熱河,即得跪仰天顔,心中初甚祗畏戰慄。及大皇帝天語垂詢,慈寵俯加,心中始得稍定。兩旬之内,屢次迎接恩光,重䝉賞賜。

八月内恭逢大皇帝萬壽聖誕,敬隨各國王公台吉之末,同邀賜宴,賞看大戱。并見大皇帝乘御駿馬,躬禮佛廟,隨命大臣帶領我等瞻仰各處廟宇,莊嚴整麗,難以形容。又曾䝉恩賞鮮鹿肉,知大皇帝親御鳥鎗打獲,實為嘗所未嘗,見所未見。且節次頒賚國王珍物,我等亦一例邀恩,自念此生何幸,受此殊榮。

中秋後跪送大皇帝啟鑾進哨,仰䝉停驂慰諭,並令回國時存問國王。遵即束裝回至京師,仰覩宫闕之巍峩,皇都之壯麗,於太和殿下祗領勅印,更屬至幸至榮,夢想不到。我等在熱河時,䝉御前各大人賜賚多珍,優加禮遇。而自廣西至京師,到處筵宴賞犒,尤見天朝恩禮陪臣,如此寵渥,淪肌浹髓,莫可名言。 等情。其歡欣感幸,非筆舌所能繪狀。臣等告以:爾係國王之姪,此番入覲天顔,即䝉大皇帝如此加恩。爾叔明年親自進京,恩賚必倍加優厚。爾叔現已身受榮封,且有欽頒印篆,可以鎮撫人民,消弭羣衅。

現據出闗宣封委員回禀,爾國十三道地方俱已一律寧靜,雖由爾叔綏輯得宜,實皆仰賴大皇帝逾格加恩,寵光臨照,所以舉國臣民,齊心震慴,咸就撫綏。前奉恩㫖,以爾叔造邦伊始,明年不妨畧緩起程。恭繹諭㫖,係大皇帝體恤鴻慈,無微不到。今爾叔表文内,稱於明年三月上旬起程,如此則不早不遲,既可處分國事,又可從容行走。本爵閣部堂、本部院當於明年三月間,在鎮南闗内候爾叔進闗相見。

阮光顯等再三叩頭稱:我等回國後,將大皇帝覆載深仁,及大人諭知之語,群晰啟知國王。國王自必趕緊處分國事,明春及早起身,以祈仰承恩寵,渥被休光。等語。臣等一同料理阮光顯等前進,從此水路直至寧明,俱係左江道管轄地方,仍飭知該道湯雄業妥協照料,俾令安順出闗回國。

Bọn Nguyễn Quang Hiển đi thuyền được đón trên đường đi xin được yết kiến, thần liền truyền cho vào gặp, hỏi thăm các ngươi lần này tiến kinh, chiêm ngưỡng thiên nhan, được rất nhiều ân điển của đại hoàng đế, trong dạ có vui thích không?

Họ nói rằng chúng tôi vào tháng Bảy đến Nhiệt Hà liền được vào quì gặp hoàng đế, trong lòng lúc đầu quả là sợ lắm. Ðến khi đại hoàng đế hỏi xuống thật là trìu mến, dần dần định tâm. Trong hai tuần mấy lần được gần gũi ân quang, đôi phen ban thưởng.

Ðến tháng Tám nhằm lúc vạn thọ thánh đản của đại hoàng đế nên đứng vào hàng cuối của các vương công thai cát cùng được tứ yến, thưởng khán hí kịch, lại được thấy đại hoàng đế cưỡi tuấn mã, lễ Phật, và ra lệnh cho đại thần dẫn chúng tôi đi chiêm ngưỡng các nơi đền đài miếu mạo, thật là trang nghiêm tráng lệ, khó mà hình dung.

Chúng tôi lại được ân thưởng thịt nai tươi do chính tay hoàng đế dùng súng điểu thương săn được, là món chưa từng nếm, chưa từng thấy bao giờ. Nhân dịp đó, đại hoàng đế lại ban cho quốc vương đồ quí, chúng tôi cũng mỗi người được ân thưởng, tự hỏi có phúc chừng nào mới được vinh dự như vậy.

Sau tiết trung thu chúng tôi quì tiễn đại hoàng đế khải loan được nhà vua dừng lại hỏi han phủ dụ, lại ra lệnh khi về nước gửi lời thăm quốc vương.

Sau đó chúng tôi gói ghém hành trang để về kinh sư, được xem cung khuyết nguy nga, hoàng đô tráng lệ rồi lãnh sắc ấn ở điện Thái Hòa, quả là chí hạnh chí vinh, nằm mơ cũng không nghĩ đến.

Khi chúng tôi ở Nhiệt Hà, được các ngự tiền đại nhân ban thưởng cho nhiều món đồ quí, lại được dự nhiều buổi lễ. Còn đường đi từ Quảng Tây đến kinh sư thì nơi nào cũng được dự tiệc ăn uống đủ thấy ân lễ của bồi thần thiên triều thật là chan hòa, thấm nhuần tận xương tủy, không biết nói sao cho hết. Sự hoan hỉ cảm kích của họ thật không lời nào có thể hình dung.

Bọn thần nói rằng ngươi chỉ là cháu của quốc vương, phen này nhập cận thiên nhan đã được đại hoàng đế gia ân như vậy. Sang năm chú ngươi đích thân tiến kinh, ban ân còn ưu hậu gấp bội. Chú ngươi nay đã được vinh phong, lại được khâm ban ấn triện để có thế trấn phủ nhân dân, tiêu trừ những kẻ muốn gây hấn. Nay theo như lời ủy viên xuất quan tuyên phong trở về bẩm lại thì 13 đạo địa phương trong nước ngươi đều ninh tĩnh, tuy do chú ngươi biết cách cai trị nhưng cũng nhờ đại hoàng đế gia ân khác thường, ánh sáng chiếu tới nên toàn thể nhân dân thần tử đều nem nép mà tuân theo.

Ta mới nhận được ân chỉ nói rằng chú ngươi mới dựng nước, sang năm có thể đi trễ một chút. Xem chỉ dụ đó đủ thấy hồng từ bao trùm của đại hoàng đế không chỗ nhỏ nhoi nào mà không thấu đến. Nay trong biểu văn của chú ngươi nói rằng thượng tuần tháng Ba sẽ khởi trình, như thế cũng không sớm không muộn, đủ để lo liệu việc nước mà lúc ra đi cũng thong dong. Bản tước các bộ đường bản bộ viện vào tháng Ba sang năm sẽ ở Trấn Nam Quan đợi chú ngươi tiến quan sẽ gặp nhau.

Bọn Nguyễn Quang Hiển lại khấu đầu ba lần nữa, nói rằng khi chúng tôi về nước sẽ đem ơn như trời che đất chở của đại hoàng đế cùng những lời dụ của đại nhân báo lại cho quốc vương rõ. Quốc vương ắt sẽ gấp gáp xử phân việc nước, xuân sang năm sớm khởi thân để hưởng ân sủng và ánh sáng chiếu rọi của đại hoàng đế.

Bọn thần cùng liệu lý việc di chuyển cho bọn Nguyễn Quang Hiển, đường thủy từ đây thẳng tới Ninh Minh đều thuộc quản hạt của Đạo Tả Giang. Vì thế thần sức cho viên Đạo Thang Hùng Nghiệp để cùng lo liệu rồi đưa họ xuất quan về nước.[38]

Xuất quan

Ngày 12 tháng Chạp năm Kỷ Dậu, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển về đến Nam Quan. Triều đình Quang Trung sai Nguyễn Văn Danh và Ngô Văn Sở mang long đình lên chờ đón để rước sắc ấn về Thăng Long.

Theo lời tâu của tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh thì sự việc như sau:

… Thần nhận được bẩm văn của Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp rằng viên đạo đó hộ tống Nguyễn Quang Hiển vào ngày 12 tháng Chạp đã đến Trấn Nam quan. Nguyễn Quang Bình đã dự bị sai bồi thần là Nguyễn Văn Danh, Ngô Văn Sở suất lãnh vệ sĩ cung kính chuẩn bị long đình nghi trượng ở bên ngoài cửa quan chờ đợi.

Ngày 13 vào giờ Tỵ thì mở cửa quan. Bọn Nguyễn Văn Danh đến Chiêu Đức Đài cung thỉnh sắc ấn đưa lên long đình, khấu đầu hành lễ sau đó trình lên một đạo biểu văn cung tạ ân tứ triều châu, hà bao của Nguyễn Quang Bình. Lại gửi cho thần một lá thư nữa.

Cứ theo như bọn Ngô Văn Sở bẩm xưng thì quốc vương nước tôi nhận được ân điển như trời của đại hoàng đế, cầu khoản đắc khoản, cầu phong đắc phong (xin qui thuận cũng được chấp nhận, xin phong vương cũng được phong vương), lại được ban thưởng nhiều lần, ơn cho cao dày quấn quít, cả nước đều vui mừng, quốc vương không thể nào báo đáp được nên định đến tháng Ba năm sau đích thân lên kinh đô, khấu đầu tạ ơn thiên tử, cung chúc vạn thọ.

Hiện nay quốc vương sau khi thụ phong đã cung kính mang ngự thi, sắc thư đưa về Nghĩa An, rồi sẽ quay trở lại Thăng Long ngay để nghinh tiếp sắc ấn để đưa về Nghĩa An. Thế nhưng nếu đã nhận lãnh sắc ấn rồi thì theo lý ra sẽ phải dùng ấn đóng trên biểu trần tạ. Thế nhưng vì năm nay đã là ngày trong tháng Quí Đông, so với tuổi thì không hợp nên xin đợi đến tháng Giêng sẽ chọn ngày tốt khai ấn để mong được ơn che chở của thiên tử lâu dài, mãi mãi kéo dài thế tộ.

Lại sợ rằng tờ biểu có đóng dấu trình đệ lên quá chậm nên xin vì hạ tình của quốc vương mà đệ lên để khỏi bị tội lệ. Viên đạo đó liền mở tiệc khoản đãi, Nguyễn Quang Hiển trên bàn tiệc ca tụng và thuật lại thiên tử ưu quyến, phô trương các việc ban thưởng dày đặc. Ngô Văn Sở hân hoan cảm kích không đâu cho hết.

Lại theo như Ngô Văn Sở bẩm xưng, mùa xuân sang năm mong được đi theo quốc vương tiến kinh, thực là chí thành. Nay mong thánh thượng gia ân thể tuất sợ rằng quốc sự thiếu người cư thủ nên ra lệnh để đến cống kỳ lần sau sẽ tiến kinh, thực là cảm kích. Thế nhưng hiện nay đã có bọn Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Danh đều là người có thể tín nhiệm, vậy liệu có thể xin được đồng hành để sớm được chiêm ngưỡng thiên nhật hay không, tình cảm, lời lẽ thật là khẩn khoản thiết tha.

Viên đạo kia đáp rằng trước đây đã nhận được dụ chỉ, ra lệnh cho ông lần sau sẽ tiến kinh. Ấy là đại hoàng đế nghĩ tới nước ông là phiên phong tân tạo nên hồng từ thể tuất. Nay ông khẩn khoản cầu xin được cùng đi theo đủ biết hết lòng thành tâm hướng hoá, vậy hãy để cho quốc vương đến lúc đó sẽ quyết định cho đi hay không. Ngô Văn Sở khấu đầu tạ ơn rồi cùng với bọn Nguyễn Quang Hiển làm lễ vui mừng tạ ơn xuất quan.

Thần tra thấy Nguyễn Quang Bình nghe tin cháu y là Nguyễn Quang Hiển cung kính mang sắc ấn về nước, trước hết sai người dự bị long đình đến cửa quan nghênh tiếp lại từ Nghĩa An đích thân quay lại Lê thành nhận lãnh, còn bọn Ngô Văn Sở thì kiên quyết xin được quốc vương vào tháng Ba sang xuân cho đi cùng lên kinh đô. Nhân lúc bọn Ngô Văn Sở đang ngồi trên bàn tiệc ca tụng thuật lại ân vinh, Ngô Văn Sở lắng nghe vui mừng không biết có được chấp thuận cho được đồng hành hay không. Ấy là Nguyễn Quang Bình và các bộ thuộc ai nấy cảm kích lòng nhân của hoàng đế chí thành chí thiết, đâu đâu cũng chân tình lộ ra bên ngoài. Tính ra sau khi Nguyễn Quang Hiển về nước sẽ cùng Nguyễn Quang Bình tương kiến, ắt sẽ tường thuật về sự tráng lệ của đế đô, xưng tụng ân từ cao dày của thánh chúa, như thế thì lòng thành hướng hoá của Nguyễn Quang Bình thì lại càng thêm bền chặt.

Còn việc sang xuân Nguyễn Quang Bình tiến quan quá cảnh mọi việc, thần đã cùng đốc thần Phúc Khang An gửi trát bàn định phân chia sức cho biện lý ổn thoả. Nay hợp với nhât kỳ xuất quan của Nguyễn Quang Hiển và việc quốc vương nước kia sai người đợi nghinh đón sắc ấn và trình đệ tạ biểu, cung kính gửi triệp theo đường dịch tâu lên. Lại đem tạ biểu và nguyên tự một phong của quốc vương cung trình ngự lãm. Kính xin hoàng thượng duệ giám.

Lại thêm thần tiếp nhận được bẩm ngoài của Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp theo đó thì Ngô Văn Sở tận mặt thuật rằng bọn Lê Quýnh trước khi tiến ải đã ở ngoài loan truyền dao ngôn rằng y sắp sang nội địa xin quân, đợi khi quốc vương tiến kinh thì đại binh sẽ lập tức ra khỏi cửa quan để giúp họ Lê. Quốc vương và bọn họ tuy không tin hẳn nhưng không khỏi có ý nghi ngại sợ sệt.

Viên đạo đó đáp rằng bọn Lê Duy Kỳ đã được an tháp ở tỉnh thành Quế Lâm nhưng đại hoàng đế thấy Quảng Tây và An Nam tiếp giáp nhau, e rằng về lâu về dài có thể gây ra rắc rối nên hiện đã phụng chỉ đưa họ lên kinh đô an tháp. Còn bọn Lê Quýnh cũng đã được các đốc phủ đại thần tâu lên xin phát vãng an trí ở nơi xa xôi để cho dứt hậu hoạn cho nước các ông, không phải lo lắng gì nữa. Bọn Ngô Văn Sở nghe thế nên tin tưởng không còn nghi ngờ.

Thần tra thấy việc bọn Lê Duy Kỳ bị đưa lên kinh đô an tháp thì thần đã hội đồng với đốc thần tuân chỉ thông báo cho quốc vương kia, còn việc xin phát vãng đi xa bọn Lê Quýnh cũng sẽ lại chiếu hội cho rõ ràng. Quốc vương kia nếu như biết được việc thiên triều an trí Lê Duy Kỳ thật là quang minh chính đại, nhân chí nghĩa tận, còn bọn Lê Quýnh thì cũng đã an tháp ở nơi xa không cho về nước, không thể nào phao truyền huyền hoặc gây sự được để cho dứt hẳn việc lo lắng ở phía sau thì thật toàn mỹ.

Còn việc quốc vương xin được đợi đến tháng Giêng, chọn ngày tốt mở ra dùng ấn mới và việc tuân chỉ để Ngô Văn Sở ở lại cư thủ quốc đô phụ vào để chuyển tâu lên. Xét thấy quốc vương đã có bẩm hàm gửi lên đốc thần theo đường Nam Ninh, Ngô Châu đưa đến Quảng Đông. Đốc thần sau khi nhận được ắt sẽ viết chiếu hội trả lời nên lúc này nếu như do thần trả lời trước thì e cái nọ chồng lên cái kia, từ ngữ có thể có chỗ khác nhau chi bằng thần sẽ phi trát gửi cho tổng đốc theo lệ liên hàm mà gửi trả lời.

Nay gửi triệp trần minh tâu lên. Cẩn tấu.

Càn Long 54, tháng Chạp ngày 23. [39]

Theo vũ Huy Tấn trong Hoa Nguyên Tuỳ Bộ Tập thì phái đoàn rước long đình ngày 17 tháng Chạp đến Nghệ An (Phượng Thành) rồi ngày 20 tháng Chạp lại đi tiếp xuống Phú Xuân. Không thấy Vũ Huy Tấn nhắc đến việc ông gặp vua Quang Trung tại Thăng Long nên rất có thể ông không ra Đông kinh như lời Ngô Văn Sở nói với quan nhà Thanh.

Những hình thức tiếp đón

Tương kiến lễ

Lễ giữa các quan nhà Thanh và Nguyễn Quang Hiển

Tương kiến lễ là nghi lễ các quan đồng cấp gặp nhau giống như chào hỏi thông thường mà nhà Thanh qui định để đón Nguyễn Quang Hiển khi gặp các quan tại tỉnh hay công quán. Theo Chu Ưng trong Trung Quốc Dân Tục Văn Hoá (中國民俗文化)[40] thì:

Từ đời Liêu trở về sau, các dân tộc phương bắc đã thi hành một loại lễ chào hỏi (thỉnh an) dành cho đầy tớ khi gặp chủ nhà, quan lại cấp dưới khi gặp quan lại cấp trên và cả con cháu khi gặp tôn trưởng. Lễ này nguyên gốc của người Khiết Đan, Nữ Chân, Mông Cổ nhưng vì các đời Liêu, Kim, Nguyên những dân tộc đó sống lẫn lộn với người Hán nên chịu ảnh hưởng của lễ nghi Trung Hoa, sang đời Minh thì không còn thực hành nhiều. Khi người Mãn nhập quan, thành lập vương triều Thanh, lễ thỉnh an lại được thi hành biến thành một loại lễ tiết dùng trong nội bộ người Mãn, giữa các quan viên Mãn Hán và giữa quan với dân.

Dưới đời Thanh, lễ thỉnh an (thăm hỏi) là lễ nghi thi hành giữa người dưới với người trên hay hai bên ngang nhau. Loại lễ này phân biệt ra thành trạm lập an (站立安), tồn an (蹲安), đả thiên (打千)hay đơn cước quị[41], quị an (跪安) nhiều cách khác nhau.

Trạm lập an là đứng thẳng mà hỏi thăm nhau, thân hơi nghiêng về phía trước, miệng nói lời hỏi thăm. Tồn an là lễ thỉnh an mà đàn bà thi hành, hai đầu gối hơi cong, hai bàn tay để phía trên hai đầu gối một chút, miệng nói lời hỏi thăm. Đả thiên là đón khách bán quị thức, khi hỏi thăm thì chân trái bước lên một bước, cong đầu gối, chân phải ở đằng sau cũng cong xuống, tay phải để thõng. Quị an thì hai đầu gối quì xuống, thân trên đứng thẳng, còn gọi là “trường quị”.

Tân chủ lễ

Lễ giữa vua Quang Trung và quan nhà Thanh

Phái đoàn Quang Trung được tiếp đãi riêng theo một nghi lễ mới đặt, đi theo một lộ trình riêng từ Quảng Tây lên kinh đô rồi lại trở về theo một con đường khác để vừa thoả mãn sự đòi hỏi của nước ta muốn viếng những phong cảnh và đô hội phồn hoa vừa muốn phô trương sự trú phú và rộng lớn của đại quốc. Việc cung ứng đi lại, chỗ ăn chỗ nghỉ theo từng trạm với cung cách riêng, tiêu chuẩn riêng cho một phái đoàn 150 người không dễ dàng khi ngoài khách mời còn hàng nghìn binh lính, phu dịch, quan lại và tuỳ tòng hộ tống. Gần như những tỉnh có phái đoàn đi ngang qua đều phải tổ chức đón rước cho trọng thể, có nơi còn vượt phạm vi được yêu cầu gây tốn phí đến nỗi vua Càn Long phải hạ chỉ khiển trách. Những đốc phủ hoàn tất công tác báo cáo lên triều đình sau khi phái đoàn ngang qua, ai nấy đều hân hoan nhưng cũng thở phào trút được một gánh nặng.

Ngày mồng 5 tháng Một (11 al) năm Kỷ Dậu, vua Càn Long ra lệnh cho tất cả các quan trên đường đi của phái đoàn Quang Trung phải thi hành lễ tân chủ (賓主 chủ và khách) nghĩa là đón một quốc khách chứ không phải một sứ bộ thông thường và giáng chỉ cho các đại học sĩ soạn ra một cách thức để tất cả thi hành cho đồng nhất.

  


Bản tâu của đại học sĩ A Quế và đình thần bàn nghị

về lễ tân chủ được soạn theo lệnh vua Càn Long

Nguồi: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc)

大學士公臣阿桂等謹奏為遵㫖議奏事

乾隆五十四年十一月初四日

奉上諭

據孫永清奏成林到黎城後諏吉於十月十五日宣㫖,錫封阮光平為安南國王。該國王祗承恩命感忭情形實屬至誠流露,定於來年三月間,親自進京,恭祝萬壽,現具表文並謝恩貢品一分,又本年例貢一分,恭遣陪臣呈進等語。

阮光平祗受封爵備位藩封,仰藉寵榮,鎮撫該國。其恪恭感戴忱悃出於至誠。情願趨赴闕廷謝恩祝嘏。並於例貢之外復進謝恩貢品實屬恭順可嘉。但念該國王造邦伊始,兩貢同時並進未免太費其力。今貢品業已進關,若不一倂賞收轉恐阻其向化之誠。著加恩將本年例貢留抵下次正貢用示體恤。

至該國王已受封爵,亦係天朝臣子,與陪臣貢使不同。明歲來京瞻覲,經過沿途,各省地方與各督撫接見自應以賓主之禮相待。所有一應接見儀注著大學士會同禮部詳悉酌議具奏。即行頒示該國王遵行。並復賜詩一律以示朕格外優眷文獻之邦至意。

欽此。

臣等查安南國王阮光平現據奏請,明歲親詣闕廷奉表朝貢,所有沿途各省督撫相見儀注。自應欽遵諭㫖詳悉酌議頒發該國王及各督撫遵照辦理。惟是本年安南遣使進表。仰蒙皇上格外加恩予封王爵頒給誥印。該國王懾天威之赫,濯感聖德之汪洋,趨赴闕廷祝釐獻悃,實為從來希有盛事。是以會典内所載相見儀注其督撫接見外國各王禮儀從未載及。

臣等謹仿照外藩親王見宗室親王賓主禮儀,詳悉酌定,繕冩清單,倂將會典所載儀注粘簽恭呈御覽。伏侯欽定頒發遵行。為此謹奏請㫖。

乾隆五十四年十一月初六日。

大學士公               阿桂

大學士伯               和珅

大學士                   臣嵇璜

大學士管理禮部事務臣王杰

禮部尚書               臣常青

尚書                       臣紀昀

左侍郎                   臣德明

左侍郎                   臣劉墉

右侍郞                   臣鐵保

署右侍郞               臣金士松[42]

Thần là đại học sĩ tước Công A Quế các người kính cẩn tâu lên về việc tuân chỉ bàn định việc: Càn Long 54, tháng Một ngày mồng 4 nhận được thượng dụ:

Theo như Tôn Vĩnh Thanh tâu lên thì Thành Lâm sau khi đến Lê thành chọn ngày tốt là ngày 15 tháng Mười tuyên chỉ tích phong cho Nguyễn Quang Bình làm An Nam quốc vương.

Quốc vương đó nhận được ân mệnh tỏ ra vui sướng thật là chí thành nên bày tỏ rằng định vào tháng Ba sang năm sẽ đích thân tiến kinh cung chúc vạn thọ. Hiện nay đã dâng biểu văn và gửi một phần cống phẩm tạ ơn cùng với cống lệ năm nay kính cẩn gửi bồi thần trình tiến.

Nguyễn Quang Bình nhận được phong tước, được vào hàng phiên phong trông lên dựa vào sủng vinh mà vỗ về dân nước đó, tấm lòng cung kính thành thật đội ơn quả là xuất phát từ trong lòng nên tình nguyện mau đến khuyết đình tạ ơn chúc thọ. Ngoài lệ cống ra, lại tiến cống phẩm tạ ơn thật là cung thuận đáng khen.

Thế nhưng nghĩ đến quốc vương kia mới tạo dựng nước mà hai lần cống cùng gửi một lượt không khỏi quá tốn phí. Nay cống phẩm đã đưa qua cửa quan, nếu không thưởng thu một lượt thì e rằng sẽ làm trở ngại cho tấm lòng thành thật hướng hoá. Vậy nay gia ân lệ cống năm nay lưu lại chính cống lần sau để tỏ sự thể tuất.

Còn như quốc vương kia đã nhận được tước phong, vậy là thần tử thiên triều, không phải như bồi thần, cống sứ. Sang năm khi đến kinh đô chiêm cận, trên đường đi qua, quan địa phương các tỉnh và đốc phủ khi tiếp đón hãy dùng tân chủ chi lễ (lễ đón khách). Nghi thức của việc tiếp đón này thì đại học sĩ hãy hội đồng với bộ Lễ chước nghị cho rõ ràng rồi tâu lên để lập tức ban xuống cho quốc vương kia tuân hành.

Lại ban cho một bài luật thi để tỏ lòng cách ngoại ưu quyến (thương mến vượt mức) của trẫm với một nước có văn hiến.

Khâm thử.

Bọn thần tra thấy An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình hiện đã tâu xin sang năm đích thân đến khuyết đình dâng biểu triều cống, nghi thức gặp gỡ các đốc phủ trên đường đi thì đã khâm tuân dụ chỉ xem xét bàn luận kỹ càng ban xuống cho quốc vương kia và các đốc phủ để tuân theo biện lý.

Có điều năm nay nước An Nam sai sứ tiến biểu, trông lên hoàng thượng cách ngoại gia ân phong cho vương tước, cấp cho ấn mới nên quốc vương kia sợ hãi thiên uy, tắm gội ơn tràn đầy của thánh đức chạy đến khuyết đình chúc thọ để tỏ lòng thành kính, thực là thịnh sự xưa nay chưa từng có nên hội điển không chép đến nghi lễ tương kiến của đốc phủ tiếp các vương nước ngoài.

Bọn thần kính cẩn phỏng theo nghi thức tân chủ lễ ngoại phiên thân vương khi gặp tông thất thân vương, chước định rõ ràng viết trên thanh đơn cùng với nghi lễ ghi trong hội điển dán và đóng dấu trình lên ngự lãm. Kính đợi khâm định ban phát để tuân hành. Cẩn tấu xin chỉ.

Càn Long 54, tháng Một ngày mồng 6.

Đại học sĩ tước Công, thần A Quế

Đại học sĩ tước Bá, thần Hoà Thân

Đại học sĩ, thần Kê Hoàng

Đại học sĩ quản lý Lễ bộ sự vụ, thần Vương Kiệt

Lê bộ thượng thư, thần Thường Thanh

Thượng thư, thần Kỷ Quân

Tả thị lang, thần Đức Minh

Tả thị lang, thần Lưu Dung

Hữu thị lang, thần Thiết Bảo

Thự hữu thị lang, thần Kim Sĩ Tùng

Kèm theo tấu thư này là một bản thảo qui định tân chủ lễ để đón vua Quang Trung. Bản thảo này được vua Càn Long chấp thuận ngày mồng 6 tháng Một năm Càn Long 54, sau đó được gửi đi các nơi và cả nước ta để được thi hành cho đồng nhất.


Nhóm A Quế 10 người tâu lên về nghi lễ tân chủ đón tiếp Nguyễn Quang Bình.

Nguồi: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc)

Nghi lễ tân chủ đón Nguyễn Quang Bình được Thanh triều qui định nguyên văn (dùng tỉnh Trực Lệ ở kinh đô làm mẫu) như sau:

直省總督巡撫接見安南國王之禮。

至轅門,從官致辭,執事官轉啟賓乘輿至大堂。督撫延賓于大堂上。賓西面,主人東面。賓行一跪三叩禮。主人答拜。興。賓東。主人西。升階,各就坐。安南從官階下北面西上一跪三叩禮。興。執事官獻茶。賓受茶。揖。主人答。飲訖。令通事傳語慰問。致辭畢從官陛下跪一叩先退。賓離席一叩辭。主人答。興。降階送賓升輿退。司道以下各官接見俱用賓主禮。其通事傳語慰問較督撫遞加和巽。

直省總督巡撫筳宴安南國王之禮。

總督巡撫主席在省之文武大小各官咸赴陪宴。賓席西嚮。主人席東向。均專席北上。安南從官席。檻外檐下及露臺上西嚮稍後咸共席。賓至主人迎入行禮。序如相見儀既入座。從官檻外。行一跪三叩禮。各就坐。宴畢。從官謝宴行禮先出。賓主各行禮出席。賓辭出。送如迎禮。[43]

… Tổng đốc, tuần phủ tỉnh Trực Lệ khi tiếp kiến An Nam quốc vương thì lễ tân ra ngoài viên môn (轅門)[44], tòng quan sẽ mở lời, chấp sự quan mở kiệu cho khách đưa tới đại đường, tống đốc tuần phủ mời khách lên đại đường rồi đứng lại.

Khách sẽ đứng quay mặt sang hướng tây, chủ nhân quay mặt sang hướng đông. Khách làm lễ nhất quị tam khấu (quì xuống rập đầu ba lần), chủ nhân lạy đáp lại rồi nâng khách đứng lên, khách ở phía đông, chủ nhân ở phía tây hai người lên bệ rồi cùng ngồi. Tòng (tụng) quan An Nam ở dưới bệ hướng về phía bắc nhìn lên phía tây (tức hướng về tổng đốc) làm lễ nhất quị tam khấu rồi đứng lên.

Chấp sự quan hiến trà, khách vòng tay nhận, chủ nhân chắp tay đáp lễ. Uống cạn. Ra lệnh cho thông sự dịch những câu thăm hỏi. Khi từ biệt, tòng quan quì khấu đầu một lần, lui ra trước. Khách (tức vua An Nam) rời bàn làm lễ khấu đầu, chủ nhân đáp lễ, hai bên đứng lên xuống thềm tiễn khách ra. Các quan hàng ti, đạo trở xuống khi tiếp kiến cũng dùng lễ chủ khách giống như ở các tỉnh.

Khi tổng đốc, tuần phủ mở tiệc đón An Nam quốc vương thì tổng đốc, tuần phủ ngồi bàn chủ (chủ tịch) trong phía các quan văn võ lớn nhỏ của tỉnh đến bồi yến. Bàn khách (tân tịch) hướng về phía tây, bàn chủ hướng về phía đông cả hai mỗi bên chỉ có một bàn ở phía bắc. Các bàn của tòng quan An Nam xếp bên ngoài hàng hiên và hơi lui về phía sau hoặc ngồi chung với nhau.

Khi chủ nhân đón vào cũng hành lễ mời ngồi như khi tương kiến. Tòng quan ở bên ngoài hiên làm lễ nhất quị tam khấu rồi vào ngồi. Khi ăn xong, các tòng quan làm lễ tạ ơn rồi lui ra trước, chủ nhân tiễn ra cũng giống như khi đón vào.

Bão kiến thỉnh an lễ

Đại lễ vua Càn Long đón vua Quang Trung có tên là “bão kiến thỉnh an” bao gồm hai phần: bão kiến và thỉnh an.

Thỉnh an lễ vốn là tên gọi của việc hỏi thăm nhau khi gặp mặt, là thông tục chứ không phải nghi lễ. Do đó việc gặp nhau rồi thăm hỏi là việc bình thường và đa dạng. Thỉnh an lễ tương đương với tương kiến lễ nhưng trong trường hợp sứ thần nước ta vì là người nước ngoài nên chỉ hành lễ chứ không phải trao đổi những câu thăm hỏi.

Bão kiến lễ là lễ rất long trọng mà người Mãn Châu thi hành khi gặp nhau trước khi nhập quan [tức chiếm được Trung Hoa]. Thân nhân lâu ngày xa xôi nay gặp lại, hoặc nghinh tiếp một người khách tôn quí, dùng lễ này để biểu lộ sự kính trọng sâu xa. Việc hành lễ bão kiến có rất nhiều cách, nhiều loại khác nhau. Nếu như kẻ dưới gặp người trên, thì người trẻ đưa hai tay ra ôm lấy eo trưởng bối, còn người trên vỗ vỗ vào lưng người dưới đồng thời hôn trên trán nên gọi là “bão yêu tiếp diện đại lễ (抱腰接面大禮)”. Loại đại lễ này khi hành lễ hai bên đứng thẳng người.

Sau khi nhập quan, người Mãn Châu bị ảnh hưởng của lễ nghi người Hán thấy việc ôm nhau không thuần nhã nên lễ bão kiến dần dần ít thi hành trừ những trường hợp đặc biệt mà thôi. Lễ bão kiến được đưa vào nghi lễ giữa vua và bầy tôi của người Mãn Châu, là một hình thức ưu lễ mà nhà vua dành cho bầy tôi có công. Năm Càn Long 40 (1775), bọn A Quế bình định được loạn ở Kim Xuyên, Thanh Cao Tông ở làng Nam Lương ngoài thành Bắc Kinh cử hành lễ giao lao (khao quân ở ngoài thành), “tướng quân, tham tán đến trước ngự toạ hành lễ “khổn kiến” (捆見 khi gặp ôm nhau), có thêm lời phủ dụ, cho ngồi và cho uống trà”.

Tứ trà lễ ở bên ngoài Bắc Kinh mà vua Càn Long đã sai Lễ bộ thị lang Đức Minh ra đón vua Quang Trung. Việc đón chào và mời trà này không phải là một lễ thường nên mãi khi phái đoàn trên đường đi sắp đến Bắc Kinh thì vua Thanh mới chực nhớ ra và phái Đức Minh thi hành. Nguyên trước đây khi Triều Tiên quốc vương đích thân sang triều kiến vua Thanh để tỏ lòng thần phục, nhà Thanh có cho người ra đón và ban cho uống trà. Việc ban trà vốn là cách thức của vua Triều Tiên ban cho các vương của họ nhưng sang đời Thanh vua Càn Long lại đem áp dụng cho quốc vương Triều Tiên khi sang Bắc Kinh như một hình thức phủ dụ.[45] Nước ta cũng có văn hóa uống trà nên vua Thanh cho áp dụng nghi lễ này.

Nói chung việc tứ trà cũng rườm rà như việc tiếp đãi ở các địa phương, chỉ có khác là thị lang Đức Minh thay mặt vua Càn Long đến đón khách. Lễ tứ trà này kết hợp cả cách thức ban trà của hoàng đế cho đại thần lẫn việc đón khách từ xa theo cách của Triều Tiên.[46]

Bão kiến thỉnh an là đại lễ vua Càn Long đón vua Quang Trung. Dưới triều Minh Mạng, vua nhà Nguyễn cũng đặt ra một lễ tiếp các tướng có công gọi là “bão tất” (ôm gối) mà các sử thần đã nhập nhằng để gọi nghi lễ vua Càn Long đón vua Quang Trung trong mục tiêu dè bỉu và xuyên tạc. Cũng nên nói thêm, ngoài lễ “bão kiến”, vua Càn Long cũng chính tay ân thưởng ngự tửu cho những người thật đặc biệt, trong số đó có vua Quang Trung và một số bồi thần nước ta. Ân tứ ngự tửu nguyên thủy là nghi lễ của người du mục đón nhau thường cử hành khi đại hãn đón tiểu hãn thắng trận trở về trong thời tiết giá rét để tỏ sự quan tâm và biết ơn, dùng rất giới hạn chứ không phải là một nghi lễ ban rượu bình thường nên vua Minh Mạng bắt chước mà không mang một ý nghĩa nào.

Trong di văn, sứ thần Đại Việt dành nhiều ghi chép cho việc liên lạc với đại thần nhà Thanh nhưng không chú ý đến những ưu đãi của Thanh triều vốn được coi như “vô tiền khoáng hậu, cách ngoại gia ân” (gia ơn vượt bực xưa nay chưa từng có) và cũng không thấy ghi chép gì về những đặc điểm nổi trội vẫn được coi như biểu tượng của sự thịnh trị chẳng hạn hí kịch (hát tuồng), thư tịch, lễ nghi, kiến trúc … vốn dĩ vua Càn Long rất tự hào. Những món đồ ban thưởng mà vua Thanh ban cho sứ thần cũng không được tiếp nhận một cách nhiệt tình vì không mấy ai có thể đọc được những ý nghĩa biểu tượng hàm chứa trong đó.

 


Ngọc như ý và hà bao do vua Càn Long ban cho phái đoàn Anh Cát Lợi năm 1793

Nguồn: Aubrey Singer: The Lion & The Dragon. London: Barrie & Jenkins, 1992. [47]

Một bài thơ do chính hoàng đế viết tặng riêng vua Quang Trung, sai dịch mã chạy hoả tốc xuống Nam Quan rồi tiền hô hậu ủng rước trên long đình đưa sang có thực sự được vinh dự đón mừng hay chỉ là những phiền nhiễu tốn phí gây khó chịu?

Những màn kịch liên tiếp, hết hồi nọ đến hồi kia kéo dài cả nửa ngày được vua Càn Long đặc biệt ưa chuộng có quyến rũ như một vở chèo hay một màn hát đối ở quê nhà?

Còn quà ban thưởng với những tên rất kêu như ngọc như ý, đại tiểu hà bao … rất có thể chỉ coi như vài cái túi gấm và những cục đá tạc lằng ngoằng (như sứ thần Hồng Mao miêu tả) chẳng thực dụng gì?

Trong suốt 9 tháng ở Trung Hoa, nhà Thanh cũng cố tình phô trương những buổi tiệc cầu kỳ, phong phú nhưng người nước ta – dù là quốc vương hay đại thần – cũng không thấy ngon như quả cà bát tương nên trên đường đi đã phải xin được cấp gạo thịt rau dưa để tự nấu lấy cho hợp miệng. [48]

Rồi chuỗi ngọc đeo (triều châu), bộ quan phục thân vương hay bộ dây cương với các đồ phụ trợ tuy là một thể hiện cao cấp của Thanh triều nhưng cồng kềnh, khó chịu phải mặc trong thế chẳng đặng đừng. Khi về đến Nam Quan, Vũ Huy Tấn, Phan Huy Ích đã vội vã thay sang quốc phục và mừng rỡ khi được trở lại ăn mặc như cũ.

Đến những trình diễn màu mè như lễ “bão kiến thỉnh an”, đốt hoả thụ, thả đèn lồng, bắn pháo hoa … hay nghi vệ lỗ bộ dài hàng dặm của vua Càn Long cũng chỉ được người nước ta miêu tả bằng một vài câu thật bình thường nhiều phiền toái hơn thưởng thức.

Điểm lại, người nước ta ghi nhận nhiều về những địa danh được viếng thăm, những thắng cảnh đã từng biết đến qua sách vở như Hoàng Hạc Lâu, Nhạc Dương Miếu, sông Xích Bích, sông Tiền Đường, Trường Thành, Nhạc Phi Miếu, Chiêu Quân Mộ … nhưng rất ít nói về tổ chức hành chánh, kinh tế, quân sự … Chú trọng nhất là thơ văn xướng hoạ, nhất là những lần hoạ thơ hoàng đế và được khen vài lời, những giao tiếp cá nhân với quan lại địa phương dù rằng trong sứ đoàn không hiếm những người học cao hiểu rộng.

Trong những thơ văn còn để lại, chúng tôi chỉ tìm được một đoạn duy nhất của Đoàn Nguyễn Tuấn miêu tả lần tháp tùng vua Quang Trung đi du ngoại ở Viên Minh Viên nhan đề “Tòng Hạnh Vạn Thọ Sơn Ký” (從幸萬壽山記). [49]

Tháng trọng thu năm Canh Tuất, tuỳ cận theo nhà vua về kinh đến Viên Minh Viên, hôm ấy được đi thăm Vạn Thọ Sơn. Từ cửa vườn đi vài dặm lại đến một cái cổng khác, đình đài liền nhau. Có tiếng huyên náo rồi nhiều người y phục mỗi người một khác, tiếng nói cũng không giống Trung Quốc, hỏi ra mới biết đấy là người các nước Mông Cổ, Triều Tiên, Hồi Hồi, Đài Loan.

Chúng tôi đi qua một chiếc cầu đá dưới tàn cây to, có tiếng xe ngựa rầm rập, tiếng trống tiếng nhạc lẫn lộn, vài chục người khiêng một chiếc kiệu lớn màu vàng, bên trong là một người mặc áo bào vàng, đeo đai ngọc chính là vạn tuế hoàng gia.

Kiệu qua cầu theo cửa bên phải mà ra, mọi người cùng chư phiên đi theo, chúng tôi cũng nhập vào, lại qua vài cung điện nữa thì đến một toà núi ở cạnh hồ, bên bờ nước có sẵn một chiếc lâu thuyền lớn, tất cả theo kiệu đi xuống.

Ở đầu thuyền có các loại trái cây, các loại rượu cho mọi người dùng. Thuyền đi qua hồ đến một nhà thuỷ tạ, kiệu theo tạ đạo mà đi lên trên núi, ở đó được dẫn đi du ngoạn vài nơi. Núi cao ba tầng, đường đi đều lát đá, hai bên là lan can cũng bằng đá. Một tầng có một ngôi chùa [迦藍], tường vàng chói lọi, pháp tượng trang nghiêm, miếu hộ ngang dọc thật đáng xem.

Từ lan can nhìn trở lại mặt hồ trong như kính, bốn bề đều là cung điện, núi nọ tiếp núi kia. Đi theo con đường lát đá ước chừng ba chục dặm có các hoạn quan mặc áo vàng đóng vai chủ nhân bước ra tiếp đãi. Hai bên đường cây cỏ liền nhau, suối trong uốn khúc, thỉnh thoảng lại có đình viện nhạc công ca múa. Trên những tảng đá có đề thơ, công trình của trời xen với khéo léo của người thật là khác lạ.

Đã để sẵn bốn chiếc thuyền nhỏ, chèo dọc theo bờ suối, ngang suối xếp đá thành cầu, trên cầu có gác, tám phương gió thổi lồng lộng, các cây tùng già reo vi vu, trong các dải ghềnh thác chiếu qua lại liên tiếp không dứt.

Đến một nơi có tường đá, nhà đá, ghế đá, ao đá, bên đường trồng các loại sơn trà rất đẹp, đi qua một cái cửa đá, có tiếng xe ngựa đến nghinh đón, quay đầu thì cửa đã đóng rồi, trông lại như một bức tường, lòng hoang mang như trong giấc mộng …(NDC dịch)

Nếu trong phái đoàn nước ta có những người như Lê Quí Đôn (đời Lê), Phạm Phú Thứ (đời Nguyễn), hay Trương Vĩnh Ký (thời thuộc Pháp)… ghi chép tường tận về những gì tai nghe mắt thấy trong chuyến du hành thì tài liệu về việc giao thiệp với nhà Thanh trong khoảng hai năm có thể sẽ khác hẳn. Cũng nên thêm, năm 1793, một phái đoàn của Anh quốc do bá tước Macartney cầm đầu cũng sang Trung Hoa để gặp vua Càn Long. Tuy không được ưu đãi đặc biệt như phái đoàn Quang Trung nhưng số lượng tài liệu, tranh ảnh để lại cực kỳ phong phú và đầy đủ nên dựa vào đó chúng ta cũng có thể hình dung được ít nhiều chuyến công du của nước ta ba năm trước.

PHÁI ĐOÀN QUANG TRUNG

Thông báo tiếp đón

Ngày 24 tháng Một năm Kỷ Dậu (Càn Long 54), Phúc Khang An (tổng đốc Lưỡng Quảng) và Tôn Vĩnh Thanh (tuần phủ Quảng Tây) tâu lên về việc hoạch định đón tiếp phái đoàn Quang Trung như sau:

Dự trù về đường đi và các việc về Nguyễn Quang Bình tiến quan vào mùa xuân sang năm để xin thánh thượng soi xét

Tra cứu từ trước đến nay thì cống sứ An Nam tiến quan, đường đi, nhu dụng thuỷ bộ, phu mã, thuyền bè cùng công quán đều đã có lệ ngạch nhất định, mà cống sứ cùng số người đi theo thì cũng đã định sẵn cả rồi, trước nay cứ theo án lệ mà thi hành.

Năm nay khi Nguyễn Quang Hiển tiến kinh, bọn thần thấy vì y là cháu ruột của Nguyễn Quang Bình không giống như các cống sứ tầm thường khác nên việc tiếp đãi có phần ưu hậu hơn, việc cung cấp chuẩn bị cũng nhiều hơn trước ấy cũng là vì thể theo đạo vỗ về kẻ di ở xa mới qui phụ của hoàng thượng nên thi ân vượt mức thường.

Nay Nguyễn Quang Bình đã được phong làm phên dậu ở cõi nam, danh phận đã định rồi, tước hiệu vinh hiển, tháng Ba sang năm xin được lên kinh đô triển cận chúc thọ, nên không như cống sứ tầm thường đã đành mà ngay cả cháu y là Nguyễn Quang Hiển cũng không bì được.

Hiện đã có khâm ban giải thích gửi cho đốc phủ trên đường đi khi gặp nhau đều phải dùng lễ chủ khách nên từ lúc tiến quan về sau nhất thiết mọi việc tiếp đãi, cung ứng phu mã thuyền bè các loại thì đều phải tăng thêm số lượng mà trù biện. Tra phiên vương nhập cận kinh sư không năm nào không[50] nhưng tất cả đều theo nghi thức bình thường mà cung ứng trên đường đi, lại cũng có chương trình nhất định.

Nay Nguyễn Quang Bình vừa mới được dự vào triều hội mà nước này từ họ Đinh đời Tống sơ lập quốc đến nay thì vua của họ chưa từng thân hành đến kinh đô, lần này Nguyễn Quang Bình cảm kích ơn thiên tử nên kính cẩn nhập cận ấy là lần đầu. Bọn thần cùng trù liệu rằng nước này nhiều lần tiến cống đều cử ba sứ thần, mang theo tòng nhân 20 người. Nay Nguyễn Quang Bình theo lệnh nên đem theo bồi thần 4, 5 người, tuỳ tòng 3, 40 người, mỗi người bồi thần lại mang theo vài người, tổng cộng không quá con số 60 người.[51]

Sang năm khi nghe tin quốc vương nước kia khởi hành, bọn thần sẽ trước sau đi đến Trấn Nam Quan, Thái Bình, Nam Ninh đôn đốc lo liệu. Trước ngày tiến quan một hôm, thần sẽ sai viên chức lớn trấn đạo đem dê rượu các món đến Lạng Sơn khao lao (犒勞), ngày tiến quan thì sẽ bảo họ ở Chiêu Đức Đài[52] hướng về cung khuyết khấu đầu tạ ơn. Bọn thần Phúc Khang An sẽ chiếu theo nghi thức mới định ra dùng tân chủ lễ để chào hỏi.

Bên trong và bên ngoài cửa quan sẽ cắt đặt tướng bị[53] đem quân lính đứng xếp hàng, sao cho ai nấy khí giới chỉnh tề, thân thể cường tráng để ra vẻ uy nghiêm. Thế nhưng mỗi bên chỉ sắp độ hơn hai trăm người, không để đông quá để khỏi sinh lòng nghi ngại.

Sau khi tiến quan là gặp đường núi, chật hẹp khó đi nhưng cách Nam Quan 25 dặm là Mạc Phủ Đường (幕府塘) có thể dừng chân, đi thêm 60 dặm nữa thì đến một nơi gọi là Thụ Hàng tương đối phẳng phiu có thể nghỉ lại được. Ở nơi đây vốn có công quán có thể dùng làm chỗ ngủ cho Nguyễn Quang Bình, còn bồi thần và những người đi theo thì sẽ dựng độ mươi gian nhà tranh ở bên cạnh, lấy màn phân chia thành từng phòng.

Qua hôm sau nghỉ một chặng ở quân doanh, sau đó đi tiếp tới Ninh Minh sẽ lên thuyền. Thuyền của Nguyễn Quang Bình ngồi sẽ có trang trí thêm cờ quạt cho hơn người khác, đoàn thuyền sẽ được đánh số theo thứ tự từ thuyền quốc vương ngồi trở xuống nối đuôi mà đi. Tại các bến sông đưa đón thì sẽ làm các rạp treo đèn kết hoa, chiêng trống nghinh tiếp.

Tại Thái Bình, Nam Ninh, Ngô Châu là nơi có thành quách đẹp đẽ sẽ đãi tiệc vài ba lần. Thần cũng tính toán nếu quả như quốc vương kia trung tuần tháng Ba tiến quan thì thời giờ cũng rộng có thể đi lại thong dong. Hỏi người được sai đi là Thành Lâm thì nói là bọn họ vốn ngưỡng mộ Tô (Châu) Hàng (Châu) ở nội địa là nơi phồn thịnh nhưng tính toán đường đi thì thấy quá là quanh co nếu vòng ra sợ lên kinh đô không kịp ngày giờ. Còn như để sau khi ra khỏi kinh đô thì e Nguyễn Quang Bình lúc đó sốt ruột mong cho chóng về đến nhà chưa chắc đã bằng lòng đi qua đó.

Tra thấy từ Quảng Tây đi đường thuỷ thì nước chảy xiết, đi đường bộ thì núi cheo leo hành trình quả là vất vả. Từ Quế Lâm đến Toàn Châu thì nước trên khe chảy xuống nơi nào cũng toàn ghềnh thác nên đi ngược giòng, mỗi ngày chỉ đi được 2, 30 dặm, rất là nhiều sức mà đi đường bộ thì đường núi hiểm trở, muốn nghỉ thì phải xây dựng công quán rất phiền phí.

Bọn thần suy đi tính lại chi bằng từ Nam Ninh đi đến Ngô Châu rồi thuận đường vào Quảng Đông, phủ Triệu Khánh theo đường Phong Xuyên, Đức Khánh, Tam Thủy, Phật Sơn đi tới Quảng Châu (tỉnh thành Quảng Đông) là nơi hải cảng liền cầu, nhà cửa san sát, thành thị tráng lệ, ngựa xe liền nhau thật là phồn hoa đô hội, lại có nhiều quan viên Mãn Hán khí tượng hùng tráng.

Sau khi đến tỉnh, lại đãi tiệc thêm một lần nữa. Khi đó khí hậu mới vào đầu mùa hè, sẽ cho may áo vải mỏng và mũ, ở lại một hai ngày rồi từ tỉnh thành sang Thiều Châu, Nam Hùng bằng đường thủy đến Giang Tây tỉnh thành, ngang qua Mai Lĩnh là địa phương sơn xuyên hùng vĩ tú lệ, dân chúng phong túc, đáng để quan chiêm.

Đến tỉnh thành Nam Xương sẽ tiến kinh theo đường lớn từ Sa Tỉnh đi sớm tới huyện Hoàng Mai, tỉnh Hồ Bắc rồi vào tỉnh An Huy theo đường Lư Phượng mà đi. Nơi này đường núi hoang vắng mà hẹp, địa phương lại không có công quán nào rộng rãi, chi bằng đi đường Nam Xương vòng lên Hán Khẩu thuộc Hồ Bắc, tính đường chỉ khoảng 6 trạm, việc sắp xếp và cung ứng phu phen, xe ngựa cũng tiện lợi. Từ đó theo đường Hà Nam đi lên kinh đô, là những địa phương tương đối giàu có có thể đi bằng xe hay bằng ngựa cho nhanh, mỗi chiếc xe có thể chở được ngang sức vài chục người phu, vừa đỡ tốn kém, vừa giảm công lao.

Còn những người đi theo viên quốc vương kia nhân số khá đông, đường dài mùa nực nên cần phải có nhiều viên chức lo liệu, vậy xin cho Tả Giang đạo Thang Hùng Nghiệp cùng hậu bổ đạo Thành Lâm cùng phái thêm một viên phó tướng đưa vài thiên (tổng) bả (tổng) để cùng lo liệu. Thành Lâm nay đã phụng chỉ tiến kinh, tính toán thời gian chắc cũng đã về đất Việt (Quảng Đông, Quảng Tây). Viên chức đó khi ở An Nam đã từng cùng với quốc vương hai bên ước định sang năm cùng lên kinh đô. Thang Hùng Nghiệp cũng là người từ đầu chí cuối lo liệu việc này, người di vẫn phục y là kẻ thành tín nên cũng có thể cho đi cùng. Những người khác thì khi đến lúc đó tuỳ việc mà sai phái. Những nơi đi qua trên đường xin điều mỗi nơi 4, 50 binh lính có đô (ti), thủ (bị), thiên (tổng), bả (tổng) hai người áp tống hành lý cho họ qua từng trạm.

Trên đường các món ăn uống, đồ dùng không nhiều mà cũng không ít, cốt sao cho phải. Bọn thần trấn nhậm biên cương, phụng mệnh nêu cao đức ý để tỏ lộ lòng của thánh chúa đến các xứ Viêm Giao vỗ về phiên phục, ân thi vượt mức nên định ra chương trình cốt sao trong việc sắp xếp cho đầy đủ lại cũng rõ ràng.

Tính theo đường Quảng Tây đi lên kinh đô, từ Quế Lâm đi lên Hồ Nam, Hồ Bắc, so với đi theo đường Ngô Châu sang Quảng Đông, Giang Tây đến Hồ Bắc, tuy lộ trình và trạm nghỉ nhiều ít không giống nhau nhưng tính khoảng cách thì cũng gần bằng. Cho nên quốc vương kia tiến kinh nên theo đường Quảng Đông, Giang Tây rồi khi từ kinh đô trở về thì do Hồ Bắc đi thẳng xuống Hồ Nam, Trường Sa bằng thuyền theo đường thuỷ tới tỉnh thành Quế Lâm tỉnh Quảng Tây. Như thế đường đi có thêm hai tỉnh Giang Tây, Hồ Nam chia sức ra ứng phó khiến cho quốc vương kia được biết thêm nhiều tỉnh để hiểu rằng thiên triều đất đai rộng lớn mà đường đi dùng nhiều thuỷ lộ cũng tiện lợi hơn, vậy cúi xin huấn thị để tuân hành.

Thần Phúc Khang An hộ tống quốc vương kia từ Quảng Châu khởi hành lên kinh đô khi qua Mai Lãnh thì sẽ đi trước lên hành tại Nhiệt Hà, cung cận thánh nhan để tận mặt nhận lời từ huấn, mong sao sớm được tỏ cái tình quyến luyến khuyển mã, cũng để đem tình hình từ sau khi quốc vương kia tiến quan như thế nào mà tâu lên. (châu phê: đến Bảo Định, Trực Lệ đi trước cũng còn được)

Còn quốc vương kia theo lộ trình đã định trước thì sẽ phái quan viên văn võ theo đó mà lo liệu. Nay bọn thần dự liệu chương trình đường đi của Nguyễn Quang Bình kính cẩn do đường dịch gửi lên, kính xin hoàng thượng xem xét.

Cẩn tấu.

Càn Long năm 54, ngày 24 tháng Một.[54]

  


Hình 1: Vua Quang Trung (bản vẽ nhà Thanh)[55]

Nghi thức tiếp đón

Sang đến phái đoàn Quang Trung một năm sau đó, thành phần tham dự còn đông gấp bội nhưng khi lên khi xuống vì phân chia nhiều công tác chạy qua chạy lại, lên đến Bắc Kinh cũng còn đến hơn 100 người. Chuyến đi này đã được chúng tôi miêu tả tương đối đầy đủ trong Phái Đoàn Đại Việt và lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Cao Tông (Tp. HCM, VH-VN, 2016). Trong bài này chúng tôi lược thuật về những bữa tiệc mà Phúc Khang An khoản đãi phái đoàn, danh sách các loại vật liệu còn ghi lại trong sổ sách của nhà Thanh.

 


Văn thư thông báo cho các tỉnh để lo việc tiếp đãi

Nguồn: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc) [56]

Ngay khi hay tin phái đoàn An Nam do đích thân vua Quang Trung cầm đầu định ngày qua cửa Nam Quan, tổng đốc Lưỡng Quảng đã tổ chức tiếp đón rất chu đáo, đúng theo nghi lễ “chủ khách” (tân chủ lễ) mà vua Càn Long đã đặc biệt ra lệnh cho các đại học sĩ trong triều soạn thảo. Nghi lễ này tương đương như lễ tục các đường quan và thân vương trong triều gặp nhau.

Ngoài ra, việc di chuyển, ăn ở cũng được soạn thảo rất chu đáo, tương ứng với số người trong phái đoàn và vị thế của từng người. Trước đây, vì thiếu tài liệu, sử nước ta ít khi đề cập đến chi tiết, nếu có viết thì dưới ngòi bút sử quan triều Nguyễn nên không những sơ sài lại nhiều sai lầm và xuyên tạc, không thể dùng để tham chiếu viết sử. Ngay hôm Nguyễn Quang Bình vừa vào đất Trung Hoa được Phúc Khang An và các quan lại địa phương tiếp đó, tổng đốc Lưỡng Quảng đã gửi triệp tâu lên vua Càn Long:

  

Tấu thư của Phúc Khang An về việc đón Nguyễn Quang Bình ở Nam Quan [57]

(đánh máy và dịch)

Sau khi phái đoàn được hộ tống đến Ninh Minh để xuống thuyền đi đường thuỷ, ngày 25 tháng Tư năm Càn Long 55, tổng đốc Lưỡng Quảng Phúc Khang An và tuần phủ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh lại tâu lên:

  

Lời tâu của Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh về việc thông báo đưa Nguyễn Quang Bình đến Nam Ninh.

Nguồn: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc)

臣福康安

臣孫永清跪奏

為恭報帶領阮光平行抵南寜及途次行走情形仰祈聖鍳事。

窃照安南國王阮光平於四月十五日進關。該藩恪恭欣感,及伊子阮光垂回國調理緣由。業經臣等恭摺具奏。隨即帶同該國王于十八日至寜明州登舟。隨從員役俱照派定船隻給與座用,即時開行。臣等仍各坐船先後行走以便沿途照料。並派委妥幹員弁往來照應。惟因伊等飲食口味究與内地不同,按其人數每船每日分別等差給與米麵肉斤菜蔬等物俾令自為烹餁豐儉務得其中。連日以來察其約束員從,頗為嚴肅,雖係初次入關水土均各服習,並無患病之人。所過塘汛墩臺等項本屬隨時修整,復經臣等先期檄飭勘查重加葺飾一律壯觀。凡遇縣府僄營俱酌量地方大小挑漢仗可觀軍壯鮮好者排列水次站隊以示營制威嚴。

偵聞阮光平與陪臣等私相告語。天朝山川人物秀麗春容。營伍戎行處處整飭迴非該國荒陋規模可比。似歆羨之餘並懷震懾。臣等時常過船看問,並致送菓品喫食等物。晤語之次該藩聲聲感頌。聖主天地鴻恩,惟圖趨覲天顏,稍抒忱悃。臣等從容問其國内情形,則稱全仗皇上威稜,恩加封爵。自去秋以來,人心漸就寜怗。現在安静無事。並有潘文璘等數人分于昇隆城等處留守鎮撫,尚可放心等語。察其氣度甚屬閒整言語復極舒徐謙婉。

該藩常至臣等船上囘候。臣等告以皇上敬天勤民,五十餘年真如一日。現在聖壽八旬而日理萬幾,神明强固,而每至入奏一有舛誤,輒即上蒙指示,無不曲中事理,自御極以來保民,若赤蠲貸頻加又叠次普勉直省地丁漕粮,不下數千百萬。至於武功烜赫如準夷,回部,金川等處用兵,悉皆親授機宜萬里情形,無殊親見。故戰無不滕,攻無不克。而萬㡬餘暇,手不釋卷。凡古今載籍無不精熟淹貫。且日有題製詩章,用意宏深濶大全,非文人學士所能窺見萬一。如御製文集詩集刊刻者已有數百卷,其餘未經發刻者更不可勝紀。阮光平聞之屛息欽敬不已。

謹奏。

乾隆五十五年五月十一日

奉硃批。欣慰覧之。欽此。

四月二十五日。[58]

Dịch nghĩa:

Thần là Phúc Khang An

Thần là Tôn Vĩnh Thanh quì tâu

Về báo lên việc đưa phái đoàn Nguyễn Quang Bình đến Nam Ninh và tình hình trên đường đi, mong hoàng thượng xem đến

An Nam quốc vương Nguyễn Quang Bình vào ngày 15 tháng Tư tiến quan, viên phiên vương này cung kính vui mừng, và việc con trai y là Nguyễn Quang Thuỳ trở về nước để điều trị mọi thứ duyên do đã được thần gửi triệp tâu lên.

Sau đó thần liền cùng với quốc vương kia vào ngày 18 đến châu Ninh Minh, lên thuyền. Các tuỳ tòng viên dịch cũng chiếu theo các thuyền bè đã phân phối cấp cho họ ngồi rồi lập tức khởi hành. Bọn thần cũng lên thuyền trước sau cùng đi để tiện việc chiếu liệu trên đường và sai phái các viên biền thông thạo qua lại chiếu ứng.

Chỉ có điều bọn họ ăn uống khẩu vị không giống với nội địa nên chiếu theo số người, mỗi thuyền, mỗi ngày từng loại cấp cho cùng với gạo bún, thịt thà, rau cỏ để cho họ tự ý đun nấu tuỳ theo nhiều ít sao cho đúng mực. Xem ra trong những ngày qua việc ước thúc người đi theo rất là nghiêm túc, tuy là lần đầu nhập quan, thuỷ thổ vẫn còn phải tập cho quen nhưng không có ai bệnh tật gì cả.

Các nơi đường, tấn, đôn, đài (tên gọi các địa điểm đóng quân của nhà Thanh) vốn dĩ tuỳ thời mà tu bổ nay thần cũng đã sức cho kiểm tra để sửa sang trước hạn kỳ thậm chí còn tô điểm thêm cho mọi thứ đều dễ nhìn. Còn như các phủ, huyện, tiêu, doanh đều tính toán xem các địa phương lớn nhỏ thế nào mà chọn ra các người tráng kiện dễ coi ăn mặc mới mẻ đẹp đẽ xếp thành hàng đội dọc theo bờ để tỏ việc quân doanh uy nghiêm.

Dò nghe thấy Nguyễn Quang Bình và bồi thần đều nói với nhau rằng núi sông nhân vật của thiên triều thật là đẹp đẽ tươi tốt, doanh ngũ quân đội đâu đâu cũng sửa sang, còn như nước đó hoang lậu thật không thể so sánh được, trong việc ngầm tiễn mộ còn cả thêm e dè sợ sệt.

Bọn thần thường thường qua thuyền thăm hỏi, thậm chí còn đem biếu trái cây, đồ ăn. Những lần chuyện vãn, phiên vương kia đều tấm tắc ca tụng hồng ân như trời đất của thánh chúa, chỉ mong sớm được chiêm cận thiên nhan để tỏ lòng thành kính. Bọn thần dẽ dàng hỏi chuyện tình hình trong nước thì y nói rằng hoàn toàn nhờ vào uy linh của hoàng thượng đã gia ân phong tước cho nên từ mùa thu năm ngoái đến nay, lòng người tạm thời yên ổn, hiện nay an tĩnh vô sự. Lại có bọn Phan Văn Lân mấy người chia nhau ra các nơi ở thành Thăng Long lưu thủ vỗ về nên cũng yên lòng.

Xem xét khí độ rất là an nhàn, lời nói chỉnh tề, thư thái nhàn nhã khiêm tốn. Phiên vương đó cũng thường sang thuyền của thần đáp lễ. Bọn thần cho y biết rằng hoàng thượng kính trời chăm lo dân chúng, hơn năm mươi năm ngày nào cũng như ngày nấy. Hiện nay thánh thọ bát tuần nhưng mỗi ngày lo hàng vạn chuyện, tinh thần minh mẫn cường tráng, mỗi khi nhập tấu nếu có điều gì sai lầm đều lập tức tâu lên để xin chỉ thị, không gì là không rõ ràng tận chân tơ kẽ tóc.

Từ khi lên ngôi đến nay thương dân như con đỏ, đã nhiều lần giảm trừ thuế khoá, tỉnh Trực Lệ được miễn các thuế đinh, tào, lương không dưới số nghìn trăm vạn.

Còn như võ công hiển hách, như Chuẩn Di, Hồi Bộ, Kim Xuyên các nơi mỗi khi dùng binh thì đều đích thân trù liệu cơ nghi, tình hình ở ngoài vạn dặm không gì là không như chính mắt trông thấy. Cho nên không trận đánh nào là không thắng, không chỗ nào tấn công mà không lấy được. Còn như lúc nào nhàn rỗi thì sách không rời tay, phàm cổ kim thư tịch không gì là không thông suốt nhuần nhuyễn. Nếu như lúc nào đề chế thi chương thì ý tứ sâu xa rộng rãi, không thi nhân học sĩ nào có khả năng vạn phần được một. Chẳng hạn như ngự chế tập, văn tập san khắc đã tới vài trăm quyển, còn những chỗ chưa in thì không biết bao nhiêu.

Nguyễn Quang Bình nghe thấy như thế nín thở khâm phục kính ngưỡng không cùng.

Cẩn tấu.

Ngày 25 tháng Tư.

Càn Long 55, ngày 11 tháng Năm nhận được châu phê:

Đã xem rất vui lòng. Khâm thử.

Dưới đây là văn thư của các hộ tống quan họ Vương, họ Nghiêm, họ Trịnh gửi các nơi để chuẩn bị, cùng với danh sách các thực phẩm, nhu dụng hàng ngày mà họ phải cung ứng trong việc tiếp đón phái đoàn. Cũng ghi nhận thêm, mỗi khi đến tỉnh thành hay phủ đường thì thường thường các nơi đều tổ chức đãi tiệc, thăm viếng danh lam thắng cảnh, diễn kịch và nhiều trò vui khác nên không tính vào các vật dụng cung ứng căn bản mà chúng tôi liệt kê dưới đây.

廣西委員傳單

護送安南國王委員王,嚴,鄭為傳知事

恭照兩廣督閣部堂福帶同阮藩進京祝嘏。現在業已自粵度嶺入江西境,由大庾登船至南昌省城起岸至德化出境。所有沿途應用船隻夫馬以及水菜食物等件乆經列單傳知沿途驛站處所各𠁅書役家禀知各位太老爺祇須應付無悞毋庸過肆奢華。爵閣部堂沿途行走御下甚為嚴肅從不派令滋擾,甚至有勒索站規等弊。是以諭知本分府等沿途稽查。據實禀辦為此列單傳知,倘有不法之徒冐稱前站等項名色,越赴各縣馬頭公舘索詐喧嚷等弊各驛站書役家人即禀知各縣太老爺飭役拘拏候本分府等過境時告知遵諭嚴辦决不寬貸。須至傳單者。

Các uỷ viên hộ tống An Nam quốc vương [họ] Vương, Nghiêm, Trịnh truyền cho biết:

Cung chiếu tổng đốc Lưỡng Quảng tước các đốc bộ đường Phúc [Khang An] đi cùng với Nguyễn phiên [vua Quang Trung] lên kinh đô chúc hỗ [chúc thọ], hiện nay đã từ đất Việt [tức Quảng Đông, Quảng Tây] qua khỏi Lãnh [Nam] vào cảnh giới Giang Tây ở Đại Dữu lên thuyền đến tỉnh thành Nam Xương thì lên bờ, đến Đức Hoá sẽ xuất cảnh. Những gì trên đường đi và thuyền bè phải dùng đến, phu mã cùng với rau cỏ đồ ăn các món đều liệt kê ra trên danh sách truyền cho các dịch trạm trên đường đi, thư dịch gia nhân hãy bẩm lên các vị thái lão gia biết ngõ hầu ứng phó không để sai lầm nhưng cũng không nên luông tuồng xa hoa, trên đường đi tước các bộ đường ước thúc các cấp dưới rất là nghiêm túc, chưa từng ra lệnh làm điều gì phiền nhiễu, thậm chí còn tra hỏi các tệ trạng ở các trạm nên đã dụ cho bản phân phủ trên đường đi kê tra, cứ thực bẩm lên để giải quyết. Vì thế nên đã liệt kê danh sách này truyền cho biết, nếu như có kẻ nào không theo phép tắc, mạo xưng tiền trạm các loại danh sắc để đến các huyện, bến sông, công quán, hạch hỏi quát mắng các dịch trạm, thư dịch, gia nhân thì hãy lập tức bẩm lên cho thái lão gia các huyện để sức cho sai dịch bắt giữ, đợi khi bản phân phủ tới nơi thì cáo tri để tuân dụ mà nghiêm biện, nhất định không khoan thứ.

Nay truyền đơn cho biết.

Chi phí vãng phản cho phái đoàn Quang Trung

Hiện nay trong Thanh Thực Lục chúng ta còn đọc được một số văn thư mà vua Càn Long khiển trách các quan lại trên đường đi đã chi phí quá nhiều vào việc tiếp đón sứ đoàn Quang Trung. Theo nội dung thượng dụ ngày 10 tháng Sáu, các tỉnh đã báo cáo lên chi phí mỗi ngày cho phái đoàn Quang Trung lên đến 4000 lạng bạc khiến cho triều đình nhà Thanh phải lúng túng khi sắp xếp việc cung ứng tại Nhiệt Hà vì trung ương không thể kém hơn các địa phương.

Tuy về sau có sự điều chỉnh nói rằng chi phí mỗi ngày chỉ là 200 lạng bạc, các chi tiêu phụ trội khác là thuộc về các tu bổ đường sá, phòng ốc trên đường đi nhưng việc vua Càn Long cho điều tra và gửi thư trách mắng cũng khiến cho quan lại trên đường đi phải một phen hoảng sợ.

Tài liệu Thanh Thực Lục về việc chi phí trên đường cho phái đoàn Quang Trung

Ngày mồng 2 tháng Bảy, vua Càn Long cho chạy dịch từ Nhiệt Hà xuống Trực Lệ ban cho 5 quả vải (Litchi chinensis) bao gồm Phúc Khang An 2 trái, Nguyễn Quang Bình 2 trái và Ngô Văn Sở 1 trái. Năm ngày sau (11 tháng Bảy, Càn Long 55), vua Quang Trung cùng với các bồi thần vào triều kiến vua Càn Long tại Quyển A thắng cảnh cùng với sứ thần các nước và vương công thai cát.

Với nhiều chi tiết mâu thuẫn và thiếu minh bạch, các nhà nghiên cứu về chuyến đi này lắm khi xen lẫn những ý kiến chủ quan về việc tiếp đón phái đoàn Quang Trung. Tuy nhiên, tìm hiểu sâu hơn, chúng ta còn được một số tài liệu chi tiết liên quan đến cung ứng hàng ngày mà hai tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông đã thực hiện. Việc tìm hiểu thêm về nhu dụng cũng cho chúng ta biết thêm một góc cạnh trong chuyến đi của vua Quang Trung.

CUNG ỨNG THUYỀN BÈ, THỰC PHẨM

Việc tiếp đãi và cung ứng thuyền ngồi chia ra làm nhiều hạng khác nhau:

Chức vụ

Tên

Toạ thuyền

Hành lý hộ vệ

Nấu ăn

Tổng cộng thuyền cung cấp

 

Cống phẩm

 

 

1

Quốc vương

Nguyễn Quang Bình

2

2

4

Đại tư mã

Ngô Văn Sở

1

1

2

Các sứ thần

Phan Huy Ích

Vũ Huy Tấn

1

1

2

 

Vũ Danh Tiêu

Đoàn Nguyễn Tuấn

1

1

2

 

Nguyễn Tiến Lộc

Đỗ Văn Công

1

1

2

Tham mưu, lương y

 

1

 

1

Hành nhân, thư ký

 

1

 

1

Các linh công

 

1

 

1

Tổng cộng

 

 

 

16 chiếc thuyền

 


Binh lính chào đón khi thuyền khách đi qua

Nguồn: Alain Peyrefitte: The Collision of two Civilisations, The British Expedition to China 1792-4 (Harvill, 1992).[59]

Theo như sắp xếp, ngoài quốc vương có địa vị tôn quí nhất, chúng ta cũng thấy đại tư mã Ngô Văn Sở được xếp thứ nhì, không chỉ như một võ quan cao cấp mà là một vị thế đặc biệt, có lẽ nhà Thanh cũng đã nghiên cứu về tổ chức hành chánh của nước ta đời Lê, dưới quốc vương có một người tương đương như phó quốc vương là chúa Trịnh. Theo tình hình lúc đó, Ngô Văn Sở là đại tư mã nên được xếp riêng thành một ngạch. Khi vua Càn Long đặc biệt ban thưởng trái lệ chi (trái vải) cho phái đoàn trên đường đi, ông đã ghi rõ cho vua Quang Trung hai quả, Phúc Khang An hai quả và Ngô Văn Sở một quả (tổng cộng 5 quả) chạy theo đường dịch khẩn cấp đem xuống chứng tỏ Ngô Văn Sở có một vị thế quan trọng hơn mọi người khác.

Theo danh sách thuyền bè được đánh số hiệu khác nhau trong đó có các tên Cảnh, Tinh, Khánh, Vân (là những tên mà nhà Thanh nói rằng để dễ nhận) và việc điều động lên đến 16 chiếc thuyền, trong đó 1 chiếc để mang các đồ cống phẩm và viên tòng, 2 chiếc dành riêng cho vua Quang Trung, thêm 1 thuyền mang hành lý, hộ vệ và 1 thuyền nấu ăn (tổng cộng 4 chiếc), 2 chiếc cho đại tư mã Ngô Văn Sở gồm 1 chiếc để ngồi và 1 chiếc cho tuỳ nhân, hành lý, 1 chiếc cho 2 ông Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn và 1 chiếc khác dành cho người đi theo, hành lý, nấu ăn (cho hai người này), 1 chiếc cho 2 ông Vũ Danh Tiêu, Đoàn Nguyễn Tuấn và 1 chiếc khác dành cho người đi theo, hành lý, nấu ăn (cho hai người này), 1 chiếc cho 2 ông Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công và 1 chiếc khác dành cho người đi theo, hành lý, nấu ăn (cho hai người này), 1 chiếc dành cho tham mưu, lương y, 1 chiếc dành cho hành nhân, thư ký, thông sự, 1 chiếc dành cho linh công (nhạc công).

Những thuyền này đều được trang hoàng, treo cờ, giương lọng để đi đến đâu được tiếp đón cho chu đáo. Đó cũng là hình thức phân biệt giữa các vị thế của khách trong phái đoàn.

Đối chiếu số lượng cung cấp – nếu có thể dùng như thước đo tầm mức quan trọng chúng ta có thể phân biệt như sau:

Cảnh tự hiệu

Hạng nhất

Quốc vương

Tinh tự hiệu

Hạng nhì

Đại tư mã

Khánh tự hiệu

Hạng ba

Bồi thần

Vân tự hiệu

Hạng tư

Phục dịch

 

Tuy nhiên vì tình hình đường thuỷ, đường bộ mỗi lúc một khác nên số thuyền cung cấp lớn nhỏ thay đổi luôn. Nếu tính rằng trong 6 tụng (tòng) thần có ba quan văn và ba quan võ, thì ngoài Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Đoàn Nguyễn Tuấn là quan văn, những người còn lại Vũ Danh Tiêu, Nguyễn Tiến Lộc, Đỗ Văn Công chắc phải là quan võ.

Tỉnh Quảng Tây

Về việc cung ứng dịch vụ và thực phẩm trên đường đi, chúng tôi không có đủ số liệu nhưng biết là rất nhiều, thay đổi theo từng đoạn, từng khu vực tùy theo khi thì dùng kiệu, dùng xe, dùng thuyền mà di chuyển. Ngoài ra còn một số lớn nhân công phục dịch nhất là nước ta lại có mang thêm hai con voi đực mà sử chép là cung đốn rất vất vả. Nếu dùng kiệu khiêng thì ít nhất mỗi cỗ cũng cần đến hai người, có khi bốn cho trịnh trọng để khiêng các đại quan nên mỗi lần di chuyển đều không khác gì một đám rước nhất là nhà Thanh thích phô trương nên luôn luôn tiền hô hậu ủng, cờ quạt đầy trời như chính Phan Huy Ích đã miêu tả trong bài Xuất Quan (Tinh Tra Kỷ Hành).

… Theo như đẳng cấp trong Đại Thanh hội điển, vua Quang Trung được khiêng bằng kiệu do sáu người phu mặc áo ngắn màu xanh thêu hình sư tử, một lọng đỏ thêu bốn con rồng (紅羅繡四龍), cán tàn uốn khúc, hai lọng đỏ thêu hình cây cỏ (金瑞草傘), hai lọng đỏ thêu hoa bốn mùa (四季花傘), hai lọng xanh thêu hình con công (孔雀傘) cùng với bốn món nghi trượng và sáu con ngựa, hai cờ tiết mao (). Ngoài ra còn các binh sĩ mang kỳ thương (旗槍), báo vĩ thương (豹尾槍), nghi đao (儀刀) đằng trước, đằng sau rất là hùng tráng . Việc đón tiếp phái đoàn Quang Trung đã trở thành một sự kiện lịch sử đáng nhớ cho những người đi cùng trong phái đoàn. Theo tường thuật của Phan Huy Ích trong bài “Xuất quan” (trong Tinh tra kỷ hành) thì “xe ngựa cờ quạt, rực rỡ cả thung lũng” .

Nguyên văn

塞北天高六輿均,滿山旗蓋護征塵。

是行雍睦衣裳會,似我尋常翰墨人。

鄉國離情駒唱罷,林巒霽色鳥聲頻。

扶揺九萬纔當瞬,諮度初程眼界新。

Dịch nghĩa

Trời biên giới phía bắc sáu kiệu khiêng vai đều[60]

Khắp các núi là cờ lọng bảo vệ người đi xa

Lần này là đi dự hội áo xiêm để gây hòa hiếu

Còn ta chỉ là là một nho sinh tầm thường [mà cũng được dự]

Khúc hát xa quê hương đã dứt rồi

Núi rừng cao rộng chim hót luôn luôn

Vỗ cánh bay lên cao chỉ trong chớp mắt

Ra ngoài lần đầu để được mở rộng tầm mắt.

Những người tùy tùng cũng ngồi kiệu làm bằng tre. Tuy không có chi tiết nào nói về các loại kiệu dành cho người nước ta nhưng theo lời tường thuật của phái bộ Macartney đến Trung Hoa ba năm sau (1793) thì kiệu dành cho tùy viên được phủ vải, bốn người khiêng, hai người đằng trước, hai người đàng sau. Những phu khiêng kiệu đều chuyên nghiệp, đi nhanh và đều một quãng dài không nghỉ. Đây cũng là một chi tiết đáng chú ý vì nước ta đi cáng, ngồi võng mà chính Tôn Sĩ Nghị khi đến Thăng Long cũng ghi nhận những “ông đồ” di chuyển theo cách này. Những người cấp bậc thấp hơn trong phái đoàn thì dùng ngựa hay đi bộ.

Tất cả các phương tiện di chuyển dành cho vua Quang Trung và tổng đốc Phúc Khang An đều đặc biệt khác với bình thường và có những cờ quạt, lọng che để thể hiện vị thứ, đẳng cấp.

Phái đoàn nước ta cộng thêm quan lại nhà Thanh và nhân công phục dịch, khiêng kiệu, khuân vác được cung cấp thì tổng cộng nhân số lên đến hàng ngàn người đi đến đâu không khác gì một đám rước. Mỗi khi đến một công sở hay một căn cứ quân sự nào thì đều có lính đánh chiêng trống, thổi tù và báo hiệu, bên ngoài có quan lại và binh sĩ mặc nhung phục dàn chào. Dân chúng cũng đứng dọc theo hai bên vệ đường cầm cờ quạt đón rước.[61]

Về thực phẩm thì lúc đầu các đầu bếp Trung Hoa lo liệu nhưng về sau vì không quen với các món ăn Trung Hoa nên người nước ta xin được cung cấp nguyên liệu để tự nấu ăn cho hợp miệng. Không hiếm lần phái đoàn phải xin từ tạ những bữa tiệc từ các quan nhà Thanh, có lẽ cũng phần nào vì không quen ăn thức ăn cầu kỳ lạ miệng nhưng không hợp khẩu vị.

Cung ứng bữa ăn cho phái đoàn Quang Trung ở Quảng Tây

Nguồn: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc) [62]

景字號

 

 

 

Cảnh Tự Hiệu

 

Thịt

三十斤

30 cân

 

Vịt

四隻

4 con

 

四隻

4 con

 

四尾

4 con

 

腰子

Cật heo

四個

4 trái

 

猪油

Mỡ heo

四斤

4 cân

 

雞蛋

Trứng gà

二十個

20 trái

 

醃魚

Cá ướp

十斤

10 cân

 

醃鴨蛋

Trứng vịt muối

二十個

20 trái

 

茶葉

Trà lá

一大瓶

1 bình lớn

 

牛燭

Thịt bò nướng

六十枝

60 xâu

 

上白米

Gạo trắng ngon

三斗

3 đấu

 

上白麫

Mì trắng ngon

十斤

10 cân

 

Củi

三担

3 gánh

 

Than

三十斤

30 cân

 

白鹽

Muối trắng

二斤

2 cân

 

甜醬

Tương ngọt

一罐

1 hũ

 

醬油

Tương dầu

三斤

3 cân

 

豆腐

Đậu phụ

十斤

10 cân

 

上白糖

Đường trắng

二斤

2 cân

 

紹酒

Rượu Thiệu [Hưng]

二壜

2 vò

 

香油

Nước chấm

二斤

2 cân

 

各樣蔬菜

Các loại rau củ

約二十斤

Chừng 20 cân

星字號

 

 

 

Tinh Tự Hiệu

 

Thịt

十五斤

15 cân

 

Vịt

二隻

2 con

 

二隻

2 con

 

香油

Nước chấm

二斤

2 cân

 

醃魚

Cá ướp

五斤

5 cân

 

雞蛋

Trứng gà

十個

10 trái

 

醃鴨蛋

Trứng vịt muối

十個

10 trái

 

上白米

Gạo trắng ngon

一斗

1 đấu

 

茶葉

Trà lá

一簍

1 rổ

 

牛爥

Thịt bò nướng

四十枝

40 xâu

 

Củi

二担

2 gánh

 

Than

十斤

10 cân

 

豆腐

Đậu phụ

五斤

5 cân

 

上白糖

Đường trắng tốt

一斤

1 cân

 

各樣蔬菜

Các loại rau củ

十斤

10 cân

 

鹽醬油甜醬香料葱蒜薑

Tương muối nước chấm hành tỏi gừng

足用

Đủ dùng

慶字號

 

 

 

Khánh Tự Hiệu

 

Thịt

十斤

10 cân

 

醃魚

Cá ướp

十斤

10 cân

 

雞蛋

Trứng gà

十個

10 quả

 

醃鴨蛋

Trứng vịt muối

十個

10 quả

 

豆腐

Đậu phụ

五斤

5 cân

 

猪油

Mỡ heo

二斤

2 cân

 

香油

Nước chấm

一斤

1 cân

 

Gạo

一斗五升

1 đấu 5 thăng

 

Củi

一百五十斤

150 cân

 

茶葉

Trà lá

半斤

½ cân

 

牛爥

Thịt bò nướng

三十枝

20 xâu

 

各樣蔬菜

Các loại rau củ

十斤

10 cân

 

鹽醬香料葱蒜薑

Tương muối nước chấm hành tỏi gừng

足用

Đủ dùng

雲字號

 

 

 

Vân Tự Hiệu

 

Thịt

八斤

8 cân

 

醃魚

Cá ướp

五斤

5 cân

 

豆腐

Đậu phụ

五斤

5 cân

 

Gạo

一斗

1 đấu

 

Củi

一担

1 gánh

 

茶葉

Trà lá

半斤

½ cân

 

牛爥

Thị bò nướng

二十枝

20 xâu

 

各樣蔬菜

Các loại rau củ

十斤

10 cân

 

各項醬料葱蒜

Tương muối nước chấm hành tỏi gừng

足用

Đủ dùng

 

Tỉnh Quảng Đông

  


Cung ứng trên đường đi cho phái đoàn Quang Trung ở Quảng Đông

Nguồn: Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc) [63]

景字號

 

 

 

Cảnh Tự Hiệu

 

燕窩

Yến sào

半斤

1/2 cân

 

海參

Hải sâm

一斤

1 cân

 

魚翅

Vi cá

一斤

1 cân

 

蟶乾

Sinonovacula constricta (Lamarck)

Chèm chẹp khô

一斤

1 cân

 

Thịt

四十斤

40 cân

 

鮮魚

Cá tươi

八斤

8 cân

 

Vịt

六隻

6 con

 

六隻

6 con

 

腰子

Cật heo

八個

8 cái

 

猪油

Mỡ heo

五斤

5 cân

 

雞蛋

Trứng gà

三十個

30 quả

 

醃蛋

Trứng muối

三十個

30 quả

 

醃魚

Cá ướp

十斤

10 cân

 

龍省茶

Trà Long Tỉnh

一瓶

1 bình

 

牛爥

Thị bò nướng

一百枝

100 xâu

 

眷米

Gạo thơm

六斤

6 cân

 

白麵

Bún

二十斤

20 cân

 

Củi

四擔

4 gánh

 

Than

五十斤

50 cân

 

白鹽

Muối trắng

四斤

4 cân

 

甜醬

Tương ngọt

一罐

1 hũ

 

醬油

Nước chấm

三斤

3 cân

 

蝦醬

Mắm tôm

二斤

2 cân

 

豆腐

Đậu phụ

二十斤

20 cân

 

白糖

Đường trắng

二斤

2 cân

 

香油

Nước chấm

三斤

3 cân

 

紹酒

Rượu Thiệu Hưng

四壜

4 bình

 

香料葱蒜薑

Các loại hương liệu, hành ngò, gừng

足用

Đủ dùng

 

白菜

Rau cải

 

 

 

黃瓜

Bí ngô

 

 

 

絲瓜

Mướp

 

 

 

瓠子

Bầu

 

 

 

莧菜

Rau dền

 

 

 

蘿葡等水菜

Củ cải các món

約四十斤

Khoảng 40 cân

星字號

 

 

 

Tinh Tự Hiệu

 

燕窩

Yến sào

四兩

4 lượng

 

海參

Hải sâm

半斤

½ cân

 

Thịt

三十斤

30 cân

 

Vịt

四隻

4 con

 

四隻

4 con

 

鮮魚

Cá tươi

四斤

4 cân

 

醃魚

Cá ướp

六斤

6 cân

 

猪油

Mỡ heo

三斤

3 cân

 

雞蛋

Trứng gà

二十個

20 quả

 

醃蛋

Trứng muối

二十個

20 quả

 

香油

Nước chấm

二斤

2 cân

 

龍井茶

Trà Long Tỉnh

一瓶

1 bình

 

白米

Gạo trắng

四斗

4 đấu

 

牛爥

Thịt bò nướng

六十枝

60 xâu

 

Củi

三擔

3 gánh

 

Than

三十斤

30 cân

 

豆腐

Đậu phụ

十斤

10 cân

 

白糖

Đường trắng

一斤

1 cân

 

白鹽

Muối trắng

二斤

2 cân

 

甜醬

Tương ngọt

一罐

1 hũ

 

醬油

Trương dầu

二斤

2 cân

 

蝦醬

Mắm tôm

一斤

1 cân

 

各樣水菜

Các loại rau củ

約二十斤

Khoảng 20 cân

 

香料葱蒜薑

Các loại gia vị hành tỏi gừng

足用

Đủ dùng

慶字號

 

 

 

Khánh Tự Hiệu

 

Thịt

十五斤

15 cân

 

鮮魚

Cá tươi

四斤

4 cân

 

醃魚

Cá ướp

十斤

10 cân

 

雞蛋

Trứng gà

二十個

20 quả

 

醃蛋

Trứng muối

二十個

20 quả

 

豆腐

Đậu phụ

十斤

10 cân

 

猪油

Mỡ heo

二斤

2 cân

 

香油

Nước chấm

一斤

1 cân

 

白米

Gạo trắng

三斗

3 đấu

 

Củi

二擔

2 gánh

 

Than

二十斤

20 cân

 

武夷茶

Trà Vũ Di

一斤

1 cân

 

牛爥

Thịt bò nướng

四十枝

40 xâu

 

鹽醬料調葱蒜薑

Các loại gia vị hành tỏi gừng

足用

Đủ dùng

 

各樣水菜

Các loại rau quả

約二十斤

Chừng 20 cân

雲字號

 

 

 

Vân Tự Hiệu

 

Thịt

十斤

10 cân

 

醃魚

Cá ướp

十斤

10 cân

 

醃蛋

Trứng muối

十個

10 quả

 

猪油

Mỡ heo

二斤

2 cân

 

豆腐

Đậu phụ

五斤

5 cân

 

Gạo

二斗

2 đấu

 

Củi

二擔

2 gánh

 

Than

二十斤

20 cân

 

醬料等

Các loại nước chấm

足用

Đủ dùng

 

牛爥

Thịt bò nướng

四十枝

40 xâu

 

各樣水菜

Các loại rau quả

二十斤

20 cân

 

貢船

Cống thuyền

一隻

Một chiếc

 

阮藩座船

Toạ thuyền cho vua Quang Trung

二隻

Hai chiếc

 

行李船

Thuyền chở hành lý

一隻

Một chiếc

 

伙食船

Thuyền nấu ăn

一隻

Một chiếc

 

厨房快船

Thuyền đầu bếp

二隻

Hai chiếc

 

護衛伙食船

Thuyền đồ ăn hộ vệ

一隻

Một chiếc

 

倒扒船

Thuyền đảo bái (?)

二隻

Hai chiếc

以上

 

 

共船十隻

Tất cả 10 chiếc

 

景字號

 

 

 

Cảnh Tự Hiệu

 

安南國王

An Nam quốc vương

景字號供應一分

cung ứng 1 chiếc

慶字號

 

 

 

Khánh Tự Hiệu

 

員從

Viên tòng

慶字號供應一分

cung ứng 1 chiếc

雲字號

 

 

 

Vân Tự Hiệu

 

護衛

Hộ vệ

雲字號供應二分

Cung ứng 2 chiếc

 

 

 

共四分開單同送阮藩船分給

Tất cả 4 chiếc giao cho Nguyễn phiên phân cấp

 

吳司馬

Ngô Tư Mã

坐船一隻

Toạ thuyền 1 chiếc

 

隨人行李

Tuỳ nhân, hành lý

船一隻

Thuyền 1 chiếc

 

備用

Các món cần dùng

船一隻

Thuyền 1 chiếc

 

伙食

Đồ nấu ăn

船一隻

Thuyền 1 chiếc

 

倒扒

 

船一隻

Thuyền 1 chiếc

以上共船五隻

 

Tổng cộng 5 chiếc

 

 

星字號

 

 

 

Tinh Tự Hiệu

 

 

 

星字號供應一分

Cung ứng 1 chiếc

雲字號

 

 

 

Vân Tự Hiệu

 

 

 

雲字號供應一分

Cung ứng 1 chiếc

 

 

 

共二分開單同送吳司馬船分給

Tất cả 2 chiếc giao cho Ngô tư mã phân cấp

 

潘吏部,武中書合坐

Phan Lại Bộ, Vũ Trung Thư cùng ngồi

站船一隻

Thuyền 1 chiếc

星字號

 

 

 

Tinh Tự Hiệu

星字號供應一分

隨人,行李,伙食

Tuỳ nhân, hành lý, hoả thực

共船一隻

Cung ứng 1 chiếc

 

阮侍郎,杜禮部

Nguyễn Thị Lang, Đỗ Lễ Bộ

合坐站船一隻

Hai người đi chung 1 chiếc

星字號供應一分

隨人,行李,伙食

Tuỳ nhân, hành lý, đầu bếp

船共一隻

Chung 1 chiếc

慶字號

 

 

 

Khánh Tự Hiệu

供應一分

 

 

 

Cung ứng 1 chiếc

 

參謀,良醫合坐

Tham mưu, lương y

河船一隻

Ngồi chung thuyền đi sông 1 chiếc

 

行人,書冩,通事

Hành nhân, thư ký, thông sự

河船一隻,快艇一隻

Một chiếc khoái đĩnh

雲字號

 

 

 

Vân Tự Hiệu

供應一分

 

 

 

Cung ứng 1 chiếc

 

伶工

Linh công (nhạc công)

河船一隻

Một chiếc thuyền đi sông

 

 

Thuyền chở kiệu

轎船六隻

6 chiếc

雲字號

 

 

 

Vân Tự Hiệu

供應一分

 

 

 

Cung ứng 1 chiếc

雲字號

 

 

 

Vân Tự Hiệu

供應一分

 

 

 

Cung ứng 1 chiếc

 

通事

Thông sự

河船一隻,快艇一隻

Một chiếc thuyền đi sông, 1 chiếc khoái đĩnh

以上

景字號

Cảnh Tự Hiệu

供應一分

Cung ứng 1 chiếc

 

星字號

Tinh Tự Hiệu

供應四分

Cung ứng 4 phần

 

慶字號

Khánh Tự Hiệu

供應二分

Cung ứng 2 phần

 

雲字號

Vân Tự Hiệu

供應六分

Cung ứng 6 phần

 

 

 

共十三分

Cộng chung 13 thuyền

 

Phản ứng từ phía nước ta

Tuy việc cung ứng của quan lại nhà Thanh trên đường đi rất chu đáo, trên bộ thì kiệu, xe, ngựa, phu, dưới nước thì thuyền bè đầy đủ, phân chia theo từng bậc và các loại nhưng không phải không có vấn đề. Cứ theo như báo cáo, mỗi ngày các quan tiêu tốn đến 4000 lượng bạc cho phái đoàn khiến vua Càn Long phải hạ chỉ yêu cầu kê khai rõ ràng các công tác phục vụ. Chính vì thế, các tỉnh tiến hành điều tra và báo cáo lên rất chi tiết. Muốn tìm hiểu cho minh bạch, chúng ta cũng không thể không biết đến phương tiện giao thông, đường sá, dịch truyền kể cả tình hình thực tế của từng nơi, từng vùng.

Rất tiếc những sứ thần nước ta không ghi chép đầy đủ các chi tiết mà thích ghi lại việc thù tạc thi văn trên đường đi hơn là chuyện con cá, lá rau nhưng đặc biệt nhất, có một lá thư của Phan Huy Ích yêu cầu thay vì ăn các thức ăn do người Thanh cung cấp, phái đoàn nước ta lấy cớ không quen ăn món Tàu nên xin được cung cấp các vật liệu để tự lo lấy, không phải phiền đến các quan lại sở tại. Điều này phù hợp với các báo cáo của quan nhà Thanh về việc cung ừng cho phái đoàn. Cũng lấy cớ đang có tang, vua Quang Trung cũng nhiều lần từ chối yến tiệc và dĩ nhiên không phải không có những lúc trái gió trở trời phải kiêng cữ.

Về việc hình thức tiếp đón của địa phương, chúng ta có thể tham khảo thêm chuyến đi của phái đoàn Anh hơn 2 năm sau và cũng có thể hình dung khá rõ ràng các công tác ngoại giao cuối đời Càn Long khi ông chuyển từ bành trướng lãnh thổ sang việc thu phục ngoại di qua các thịnh điển “vạn quốc lai triều” nặng phần phô trương, ít phần thực dụng.

Theo ghi nhận của John Barrow, phó trưởng phái đoàn Anh Cát Lợi sang Bắc Kinh năm 1973-1974, người Anh ở tại Trung Hoa tất cả là 136 ngày, chi phí của triều đình nhà Thanh ghi nhận là 519,000 lượng bạc tính ra mỗi ngày là 3816 lượng bạc.[64] Theo ghi nhận thì số người của phái đoàn Anh chỉ bằng 1/3 nước ta, vậy chi phí cho phái đoàn Quang Trung chắc chắn cao hơn nhiều. Tuy thực phẩm cung cấp chỉ là một khoản nhỏ trong vấn đề tiếp đãi nhưng nếu cộng thêm mọi phụ khoản khác, số lượng nhà Thanh tiêu ra để cung ứng cho phái đoàn An Nam không hề nhỏ, và có thể còn nhiều lần cao hơn chi phí cho phái đoàn Macartney. Đấy là chưa kể phái đoàn Anh ghé thẳng vào vịnh Thiên Tân, gần Bắc Kinh (nhưng khi trở về đi theo đường bộ/sông xuống Quảng Đông) nên lộ trình chỉ bằng ½ đường dài từ Nam Quan lên Nhiệt Hà và ngược lại.

KẾT LUẬN

Cuối thế kỷ XVIII, các nước Tây phương đang ráo riết vươn lên về kỹ thuật, quân sự, giao thông, chính trị, văn hoá … để chinh phục những vùng đất mới. Người ta đã gọi thời kỳ này là Age of Wonders (Thời đại Kỳ Diệu) vì xã hội thay đổi từng ngày và tính năng động đó cũng lan toả đến những quốc gia khác.

Trước đây, việc giao thông trên biển của vùng Đông Á phải thuận theo gió mùa và chủ yếu thuyển bè là để chuyên chở hàng hoá chứ không phải là một đơn vị chiến đấu. Do đó thuyền thường rộng bản, mũi vuông, nông lòng như hình máng cho lợn ăn (nên gọi là tào thuyền). Người Trung Hoa trong hàng ngàn năm dùng các loại thuyền này để chở hàng đi khắp nơi buôn bán và như họ tự hào – để gieo rắc văn minh Hoa Hạ.

Trung tâm – và cũng là đế quốc Trung Hoa – trong một thời gian dài đã là một khu vực có đầy đủ phương tiện và qui mô kinh tế, chính trị, văn hoá chẳng khác gì một ông phú hộ tự mãn với cái dinh cơ của mình, trong đó sách vở, ngoạn vật, kỳ hoa dị thảo, thực phẩm, y phục … món gì cũng có hơn chứ không hề kém các nơi khác.

Trong cái tâm tư đứng đầu thiên hạ - chúng tinh củng chi (sao các nơi chầu về) - nhà Thanh thấy không cần học hỏi bên ngoài mà chỉ cần chung quanh xa gần thần phục họ. Quốc thư gửi đến đều là tấu biểu, triều đình gửi ra đều là dụ, hịch, phân biệt rõ ai trên ai dưới. Cũng vì nương theo cái tâm tư tiểu thiên triều từ Trung Hoa, vua Minh Mạng nước ta cũng từ chối tiếp sứ thần Mỹ quốc vì lá thư Tổng Thống Hoa Kỳ chỉ gửi cho “đại hiền hữu[65] mà không phải là “Đại Nam hoàng đế bệ hạ”.[66]

Trong bối cảnh chính trị phức tạp, việc vua Càn Long công nhận vua Quang Trung phải được nhìn dưới nhãn quan “kết nạp” một tiểu quốc vào “vương hội”, thêm một chỗ đứng trong cái trật tự có sẵn – dưới thân vương, trên quận vương – như minh định.

Theo những tài liệu còn lưu lại, nhà Thanh tập trung công sức, tiền bạc và một hàng ngũ nhân sự lớn trong suốt hai năm Kỷ Dậu – Canh Tuất (1789-90) tổ chức lễ Khánh Thọ mừng vua Càn Long 80 tuổi, sau khi ông đã trị vì liên tục 55 năm để mọi người vây chung quanh ca tụng hoàng đế, dẫu ai ai cũng biết bộ y phục rực rỡ kia chỉ là một ảo ảnh.

Để vẽ nên một bức tranh hoàn thiện, Thanh triều bằng mọi giá phải mời cho bằng được vua Quang Trung sang dự như một nét điểm nhãn cho con rồng, biến đại lễ thành một đỉnh cao của uy tín Đại Thanh và cũng là tột điểm của một thời kỳ Khang - Ung - Càn (Khang Hi, Ung Chính, Càn Long) thịnh trị. Có nhìn được khung cảnh rộng rãi đó, chúng ta thấy từng bước, từng bước nhà Thanh lái nước ta vào quĩ đạo của họ, một sự nâng cấp mà mục tiêu của vua Càn Long vừa chữa thẹn cho một chiến bại, vừa thử nghiệm một võ công “thắng mà không cần dụng binh”.

Chuyến đi của phái đoàn Quang Trung sang Trung Hoa năm Canh Tuất (1790), không những bị bỏ quên mà còn bị xuyên tạc nên ít ai quan tâm đến việc tham dự đại lễ khánh thọ của vua Càn Long. Vai trò của phái đoàn nước ta trong biến cố lịch sử vô tiền khoáng hậu này quan trọng đến mức khi nghe tin Nguyễn Quang Bình và đoàn tuỳ tùng đã đến Nam Quan thì cả triều đình nhà Thanh từ trên xuống dưới đều chạy đôn chạy đáo lo việc tiếp đãi cho tươm tất. Một chút trễ nải hay sơ xuất cũng có thể mang đến tai họa khó ngờ.

Sử nước ta cũng bỏ qua phái đoàn Nguyễn Quang Hiển, cháu gọi vua Quang Trung bằng chú, thay mặt triều đình An Nam sang gửi biểu cầu phong thay thế cho cái tục lệ có từ đời Minh là nếu không đích thân quốc vương đi sang thì phải đem một người bằng vàng thay thế mà sách vở gọi là “đại thân kim nhân”. Nghi lễ mới này sử sách dùng một cái tên khác. Ấy là “tuy đại do thân” với ý nghĩa tuy thay mặt nhưng không khác gì chính mình.

Việc cử một người thân đi sang không phải chỉ một lần mà còn tiếp tục trong nhiều trường hợp khác suốt triều đại Tây Sơn còn tìm thấy trong văn khố nhà Thanh với tên Nguyễn Quang Dụ, Nguyễn Quang Tuấn, Nguyễn Quang Triệu đều là “thân thần” tức người trong hoàng tộc họ Nguyễn Quang. Những người đó được cử đi sang Trung Hoa trong những dịp đại lễ bao gồm việc tham dự lễ thiện vị - tức nhường ngôi – của vua Càn Long cho con là vua Gia Khánh năm Ất Mão (1795), phúng điếu vua Càn Long (khi ấy là Thái Thượng Hoàng) từ trần năm Kỷ Mùi (1799) và lần sau cùng khi nhà Tây Sơn thất thế muốn nhà Thanh giúp đỡ hay một nơi nương náu khi phải lưu vong năm Nhâm Tuất (1802).

Việc triều đình Tây Sơn cử người trong hoàng tộc sang Trung Hoa bắt nguồn từ ưu đãi mà vua Càn Long dành cho Nguyễn Quang Bình khi sang Bắc Kinh được ông coi như một người con và từ đó tiếp tục những ưu đãi vượt mực thường của một người thân ở xa. Những qua lại tuy ngắn ngủi tiếp tục sau chuyến đi này (chia sẻ cơ nghi bình định Khuếch Nhĩ Khoách, ban thưởng nhân dịp lễ tiết … và ngược lại như triều đình An Nam báo tiệp sau khi đánh Ai Lao, xin sửa đổi cống kỳ, vua Quang Trung cầu hôn công chúa, giải quyết vấn đề biên giới …) chính là những  yêu cầu đặt trong khung cảnh mới trong giao thiệp với Trung Hoa.

Sang đời Nguyễn, những liên hệ thân thiết đó không còn có cơ sở nên hầu như hoàn toàn biến mất. Nhà Thanh không những đưa nước ta trở lại bình thường như đời Lê mà có lúc còn cố ý xếp phái đoàn Việt Nam sau cả Lưu Cầu, Nam Chưởng vốn là những tiểu quốc hạng hai khiến vua Minh Mạng phải bất bình. Phái đoàn Quang Trung được tiếp đãi riêng theo một nghi lễ mới đặt, đi theo một lộ trình riêng từ Quảng Tây lên kinh đô rồi lại trở về theo một con đường khác để vừa thoả mãn sự đòi hỏi của nước ta muốn viếng những phong cảnh và đô hội phồn hoa vừa muốn phô trương sự trù phú và rộng lớn của đại quốc.

Việc cung ứng đi lại, chỗ ăn chỗ nghỉ theo từng trạm với cung cách riêng, tiêu chuẩn riêng cho một phái đoàn 150 người không dễ dàng khi ngoài khách mời còn hàng nghìn binh lính, phu dịch, quan lại và tuỳ tòng hộ tống. Gần như những tỉnh có phái đoàn đi ngang qua đều phải tổ chức đón rước cho trọng thể, có nơi còn vượt phạm vi được yêu cầu gây tốn phí đến nỗi vua Càn Long phải khiển trách. Sau khi phái đoàn đi ngang qua, những đốc phủ hoàn tất công tác báo cáo lên ai nấy đều hân hoan nhưng cũng thở phào trút được một gánh nặng. Tuy nhiên, để dạo đầu cho việc tiếp đón vua Quang Trung, nhà Thanh cũng thực hiện một nghi lễ đặc biệt để đón tiếp phái đoàn Nguyễn Quang Hiển, vốn dĩ được coi như một phái đoàn cầu phong rất long trọng, lại đóng vai tiền sát để tìm hiểu thực sự nhà Thanh muốn gì.

Trước đây, phái đoàn Nguyễn Quang Hiển hầu như không ai để ý đến, sử sách có khi không đề cập. Tuy nhiên khi tìm hiểu thêm về chi tiết này, chúng ta có thể tìm lại được vị trí và thời điểm biên soạn của bộ Hoàng Lê Nhất Thống Chí vì bộ tiểu thuyết này không những không đánh giá được tầm quan trọng của chuyến đi mà còn không đề cập đến một câu nào thì thật quả đáng ngờ hơn nữa. Không chỉ bộ Hoàng Lê Nhất Thống Chí, nhiều bộ dã sử khác cũng có thể truy nguyên được thời điểm biên soạn nếu đối chiếu với những biến cố lớn mà đáng ra phải được ghi nhận thì lại không nhắc đến, chỉ lập lại những ngoa truyền mà người ta cố tình nhắc đến trong quá trình hạ thấp triều đại Quang Trung.

Cũng vì vai trò của Nguyễn Quang Hiển không được lượng giá chính xác và để tạo ra nghi ngờ cho nhà Thanh, những người thân Lê đã tung ra cái tin Nguyễn Quang Hiển không phải là cháu vua Quang Trung mà là một người họ Văn đóng thay. Tuy nhiên nhà Thanh không rơi vào cái tiểu xảo đó, vì dù nếu thực chăng nữa thì cũng chỉ là một bước trung gian, giả hay thực không phải là vấn đề mà việc mời phái đoàn Quang Trung mới là trọng tâm của công tác.

Về chuyến công du của phái đoàn nước ta sang Yên Kinh năm Canh Tuất (1790) dự lễ khánh thọ vua Càn Long, thơ văn ngâm vịnh trong chuyến đi này rất nhiều nhưng lại không có nhiều chi tiết sử liệu. Tuy nhiên, một nhân vật không nổi trội nhưng lại là nhân chứng quan trọng trong hai chuyến đi này. Đó là Vũ Huy Tấn, có mặt trong cả lần đi với Nguyễn Quang Hiển và lần đi với vua Quang Trung. Ông cũng lưu lại hai tập thơ, Hoa Nguyên Tùy Bộ Tập ghi chép thơ văn ông đi lần trước và Hoa Trình Hậu Tập trong chuyến đi thứ hai. Hai lần chỉ cách nhau mấy tháng.

Có lẽ ông ý thức rằng mình chỉ là một nhân vật hạng nhì, lại không đỗ đạt nên không bày tỏ nhiều về những vinh hạnh được hưởng nhưng rất tự hào về những lần tháp tùng vua Quang Trung đi thăm danh lam thắng cảnh, những cung điện ở đế kinh và được vua Càn Long ban rượu, hỏi han khi thấy ông hai lần hiện diện.

Chuyến đi của Nguyễn Quang Hiển cũng không được nước ta đánh giá cao nên Vũ Huy Tấn không thấy hào hứng nhưng chuyến đi sau thì không thể nói rằng là một chuyến đi miễn cưỡng được khi ngoài Vũ Huy Tấn, những danh sĩ cùng có mặt trong phái đoàn như Phan Huy Ích, Đoàn Nguyễn Tuấn đều để lại rất nhiều thơ văn kể cả một nhân vật bên ngoài là bài Tựa của Trần Bá Lãm, Bạt của Đoàn Nguyễn Tuấn (viết cho bộ Tinh Tra Kỷ Hành của Phan Huy Ích) giúp tổng hợp tương đối đầy đủ về chuyến đi này.

Tháng 4-2024

  


Đấu vật là môn võ cổ truyền vua Càn Long ưa thích

Nguồn: Sports in Ancient China

PHỤ LỤC

PHỤ LỤC I

Nguồn: Tinh Tra Kỷ Hành

 (Việt Nam Hán Văn Yên Hành Văn Hiến Tập Thành, Đệ Lục Sách)

Bài Tựa của Trần Bá Lãm (Dụ Am Ngâm Tập, quyển II, Tinh Tra Kỷ Hành, A 603) viết:

通使議和。國體增重。代干戈以口舌。易兵車為衣裳。厥功韙矣。歲庚戌,恭値大清乾隆皇帝八旬慶壽。藩邦畢會,特先馳諭我國懇邀御臨祝嘏。多方推阻。而敦勸愈諄。公與二三大臣,奉請行權。

先皇帝俯准其議,特命公爲陪臣,便宜酬應。是行也。周歷萬里,所致歡迎。與中州紳弁相欵洽。迨進覲熱河,囘侍西苑

... Hai bên nghị hoà thông sứ, quốc thể tăng lên rất nhiều, lấy miệng lưỡi thay giáo mác, lấy áo xiêm thay binh xa, công lao thật là lớn vậy. Năm Canh Tuất đúng vào dịp lễ khánh thọ của vua Càn Long nhà Ðại Thanh, tụ hội các nước phiên nên đặc biệt đưa dụ tới nước ta, khẩn khoản yêu cầu nước ta đến triều chúc thọ.

Bên ta nhiều phen thoái thác nhưng họ lại càng thêm thiết tha. Ông [tức Phan Huy Ích] cùng hai ba đại thần xin nhà vua nên tòng quyền.[67] Tiên hoàng đế [tức vua Quang Trung] thuận theo lời nghị luận, đặc biệt ra lệnh cho ông làm bồi thần để tuỳ việc mà đối đáp. Vì thế nên được đi…

Theo bài Bạt của Đoàn Nguyễn Tuấn in trong Nam Phong tạp chí (Quyển XX, 1927, phần Hán Văn, tr. 10):

庚戌春。以才名扈覲是行也。大皇帝特格督臣伴送。船車旌旗。耀人耳目。所至奔走。官吏迎送。秋抵熱河行宮。復從駕囘燕京出西苑。連旬進謁。天寵優異。從來我國花使。未有如此之奇且榮者。

… Mùa Xuân năm Canh Tuất, lấy người tài danh đi theo hầu nhà vua vào triều kiến [hoàng đế nhà Thanh] nên ông được đi theo. Đại hoàng đế đặc biệt sai đốc thần [tổng đốc] bạn tống. Thuyền xe, cờ quạt, choáng cả tai mắt mọi người. Mỗi khi đi tới đâu cũng được quan lại nghinh đón, tiễn đưa.

Cuối mùa thu đến hành cung Nhiệt Hà, sau đó theo xe vua quay về Yên Kinh vào Tây Uyển. Suốt cả tuần ngày nào cũng được yết kiến, thiên tử thương mến lạ thường. Xưa nay người nước ta đi sứ Trung Hoa, chưa bao giờ có ai lần nào lạ lùng mà vinh dự thế …

Bạt của Đoàn Nguyễn Tuấn viết cho Tinh Tra Kỷ Hành

(Nam Phong tạp chí XX, 1927, Hán Văn tr. 10)

PHỤ LỤC II

 

   

Nguyên bản trong An Nam Kỷ Lược q. 30 tr. 18b-25a.

 

Sau khi về đến Nghệ An, vua Quang Trung đã chuẩn bị phẩm vật và đầu năm Tân Hợi (1791) sai Nguyễn Văn Điển sang Bắc Kinh tạ ơn. Theo dõi tình hình ta cũng thấy một số vấn đề thuộc phạm vi quốc gia đã được hai bên đồng thuận trong đó có việc cộng tác song phương bảo vệ mặt biển, việc mãi dịch khi các cửa quan tây nam Trung Hoa được mở lại và cả việc một số người theo vua Lê qua Trung Hoa nay xin về nước. Những giải quyết thuộc dạng vĩ mô đó đã được chấp thuận, thỏa hiệp và thi hành ngay từ khi phái đoàn còn đang trên đường về và sẽ được đề cập kỹ hơn trong một biên khảo khác.

TẤU THƯ TẠ ƠN CỦA VUA QUANG TRUNG KHI VỀ NƯỚC

五十六年、三月、初九日、癸未,阮光平奏言:

臣自瞻覲天顔,稠霑寵渥,隆施異數,亘古希聞。洎自恩賜南旋,聖慈曲垂體念,越千重之山水,而嘉珍賞賜如在承明。至於在道興居,督撫諸臣仰奉德意,管料周旋,一路極其妥適,眷憐優厚,種種莫可形容。

臣仰邀天寵,獲保康强,以去年十一月二十九日出闗,十二月二十日回到臣國之義安城。仰䝉大皇帝聖澤覃敷,仁風浹洽,臣之國内,四境寧貼,五穀豐登,敬想天庥所自,惟感頌帝德廣運,與境内臣民同戴日月之光華也。

至臣深情鏤感,更有意料所不到者。臣之親赴闕廷,展覲祝釐,誠欲借葵向微忱,少劄天恩萬分之一。而臣之國人,見臣起身入覲,乃本國前姓李、陳、黎所未有之事,輙敢妄意猜度,間有浮言。

欽惟大皇帝陛下,天地為心,山海其量,無微不燭,無隱不周,鑒臣之誠,賜臣早得回國,非惟彰大信於天下,𠔥亦示公照於愚人。臣既出南闗,回到國城,髫龎遮道,皆訢訢然曰:「大皇帝至德如天,愛出尋常萬萬,非虫豸所能測其髙深也。」

臣奉將御賜詩文,恩賚物件,置諸殿堂之上,几案生乎春風,公同瞻仰,播諸聽聞,莫不頌皇仁而歌帝德。臣國從今有磐石之安,有苞桑之固,實惟大皇帝永逺之賜,實非名言所能載者。

再如臣子阮光纘,年方幼穉,欽奉勅封為世子,早定名分,以係臣國人心。臣賫捧欽頒,臣子拜領之間,自家庭昆弟以及國內臣民,莫不舉手加額,感頌大皇帝為臣國家計。又為臣子孫計,綢繆如此之密,培篤如此之深,真是天髙地厚,莫可狀其至仁。以臣區區蕞爾之邦,雖窮探山海,求得希世之寶,以旅闕廷,亦不足以仰答聖恩也。况今尺土寸民,皆大皇帝之賜,臣何敢以尋常筐篚,而圖報恢恢者乎。

臣既忝列藩翰,惟願恪守保障,恭敬不失以事上,行善不懈以守邦。臣身在桂郊,神馳楓陛,奉有金箋文表,恭祝大皇帝萬壽無疆。謹遣陪臣陳玉視、潘文典、黎輝慎等賫詣龍墀,並奉獻不腆物方,恭伸叩謝。

伏望宸聰,俯垂諒鑒。臣下情瞻天仰聖,不勝感激屏營之至。[68]

臣等謹案

安南為炎徼小邦,僻居海澨。自漢、唐置郡以後,或羈縻勿絕,或叛附相仍,未有輸誠恐後,來朝闕下者。暨於我朝,屏藩職頁,百餘年來,黎氏最稱恭順。廼其嗣孫黎維祁猝遭内難,流離播遷,敂闗𥸤救。皇上俯念窮黎,興師助戡,曾不利其尺土一民,曾不擾其壺漿簞食;而克捷之後,俾得重封復國。存亡字小,道固宜然,恭讀御製記云,出師以定亂,班師以知退。大義煌煌,昭揭日月。此王者之師,所謂不得已而用之,葢絕非窮兵黷武之所為也。

且夫天之所廢,誰能興之。黎維祁孱懦無能,輕去社稷,逮至憑仗威稜,克復疆土。㓂訌甫至,又復棄印潜逃,失守辱命,苟非天厭其德,何一蹶莫振至此。

皇上乃猶憫其庸昏,恩賜收留,令其薙髮易服,編置旗籍,給養贍、襲世爵,不使齒列齊民,仁育義正,蔑以加矣。又念安南土地猶吾茅胙,人民皆吾黔首,不可無人以君長之。

矧阮光平自知罪大,屢表乞降,恭請進京,慶祝萬壽。再三勤懇,實出至誠。皇上鑒其悃欵,貰與維新,錫以藩封,𠃔其入覲。神威聖德,震叠柔懷,實足使之心悅誠服。此在身被渥恩,依依戀闕,自益思恪共侯服,翼戴天朝,而天下萬世。

仰見睿謨廣逺,於此事始末,大公至正,措置萬全,靡不欽嚮福之隆,執中之用,豈特以瀛堧讋慓,揚厲無前之偉績已哉。

30.11

[KÐANKL XXX, 18]

Ngày Quí Mùi, mồng 9 [tháng Ba] (năm Càn Long thứ 56)

Nguyễn Quang Bình tâu lên:

Từ khi chiêm cận thiên nhan, nhận được rất nhiều ân sủng, quả thực khác thường, xưa đến nay hiếm ai được như vậy. Ðến khi được gia ơn cho trở về nam, lòng nhân từ của thánh thượng nhủ xuống, nên khi vượt đường xa vạn dặm lại khen ngợi thưởng thêm những đồ quí giá không khác gì ở nơi triều đình.

Ðến như việc ăn ở trên đường về, các bề tôi đốc phủ, vì ngẩng lên tuân theo ý của bệ hạ nên lo liệu chu toàn, dọc đường cực kỳ thoải mái, đối đãi ưu hậu, mọi việc khó mà hình dung.

Thần nhờ trời nên thân thể được khang cường, ngày 29 tháng Một năm ngoái ra khỏi cửa quan, ngày 20 tháng Chạp về đến thành Nghĩa An, cũng nhờ ân trạch của đại hoàng đế, lòng nhân từ phủ xuống nên nước của thần, bốn bề an ninh, mùa màng tươi tốt, kính tưởng đến nhờ trời, cảm tụng đức của nhà vua rộng rãi nên toàn dân trong nước của thần ai nấy đều được hưởng vẻ quang hoa của nhật nguyệt.

Vậy mà tấm lòng cảm kích sâu xa gang thép của thần cũng có kẻ không trông thấy được. Thần đích thân đến nơi khuyết đình, triển cận chúc thọ, thành tâm hướng về thiên triều để đáp lại một trong vạn phần của thiên ân.

Thế nhưng người trong nước thấy thần khởi thân nhập cận, việc mà các triều đại Lý, Trần, Lê trước đây chưa từng làm nên không khỏi có ý đoán sằng, buông lời phù phiếm.

Họ có biết đâu đại hoàng đế bệ hạ lòng như trời đất, lượng như núi biển, không điều nhỏ bé nào không soi đến, không điều ẩn giấu nào không tỏ tường thấy thần có lòng thành nên đã sớm cho thần trở về nước, chẳng những cho thiên hạ thấy sự đại tín, mà cũng còn khai sáng cho kẻ ngu.

Thần qua khỏi Nam quan, về đến quốc thành, già trẻ đứng đón trên đường, ai nấy tấm tắc nói:”Ðại hoàng đế đức độ như trời, hơn gấp vạn kẻ bình thường, loài sâu bọ làm sao có thể đo lường được sự cao sâu như thế?”.

Thần đem thơ văn ngự tứ và các vật được ban cho bày tất cả lên điện đường, án ghế như tỏa gió xuân cho mọi người chiêm ngưỡng, truyền cho ai nấy đều nghe biết, không người nào không ca tụng hoàng đế nhân đức, nước thần từ nay vững như bàn thạch, chắc như bao tang,[69] ấy cũng là do đại hoàng đế ban cho, không thể nói lời nào cho cùng vậy.

Ðến như con của thần là Nguyễn Quang Toản, tuổi còn thơ dại, khâm phụng sắc phong thế tử, sớm định danh phận để buộc lòng người trong nước. Thần đón nhận khâm ban, con thần bái lãnh rồi, từ anh em trong nhà, đến cả thần dân trong nước, không ai là không giơ tay lên trán, cảm tụng đại hoàng đế chẳng những vì nước vì nhà thần, mà đến cả con cả cháu thần nữa, ràng buộc chặt chẽ như thế, vun xới sâu xa như thế, thật là trời cao đất dày, không sao nói hết được chí nhân.

Nước thần vốn bé nhỏ lại ở nơi sơn cùng thủy tận, vậy mà được đồ quí hiếm có trên đời, nên dù đến tận khuyết đình cũng chưa đủ để báo đáp thánh ân, huống chi một thước đất, một tấc dân hôm nay cũng là do đại hoàng đế ban cho cả, thần lẽ nào dám đem những vật tầm thường nhỏ mọn để báo đáp ân to lồng lộng hay sao?

Thần cung kính giữ lệ phiên hàn,[70] chỉ nguyện hết sức làm phên giậu, cung kính không để hỏng việc phụng sự hoàng thượng, làm điều tốt không dám trễ tràng để giữ được nước.

Thần thân tại Quế Giao nhưng lòng luôn ở bên bệ rồng, nay dâng lên tờ biểu văn kim tiên này, cung chúc đại hoàng đế vạn thọ vô cương. Kính cẩn sai bồi thần là Trần Ngọc Thị, Phan Văn Ðiển, Lê Huy Thận đến long trì, lại hiến một chút phương vật để cung kính đưa lên khấu tạ. Quì mong thánh thượng đón nghe mà lượng giám cho.

Thần hạ mở lòng chiêm thiên ngưỡng thánh, thực hết sức cảm kích của kẻ bầy tôi.

Bọn thần cẩn án

An Nam là một nước nhỏ ở nơi nóng nực, lánh nơi góc biển. Từ đời Hán Ðường lập thành quận huyện trở về sau thì ki mi không đứt, hoặc đánh dẹp vỗ về nhưng chưa bao giờ thực có bụng thành kính đem thân đến triều đình cả.

Ðến như bản triều giữ phận bình phiên chức cống hơn một trăm năm qua, họ Lê hết sức cung thuận. Ðến đời Tự tôn Duy Kỳ, trong nước có loạn nên phải bỏ chạy lênh đênh trôi dạt, gõ cửa quan cầu cứu.

Hoàng thượng thương xót nhà Lê đang ở cùng đường nên sai quân đến giúp chẳng phải tham lợi một thước đất, một người dân, cũng chẳng quấy nhiễu đến một giỏ cơm, một bầu nước, đến khi thắng trận rồi, lại phong vương cho lại nước. Nuôi nấng nước nhỏ cho khỏi mất ấy quả là đạo phải giữ gìn, cung kính đọc thơ văn ngự chế thì thấy ngay xuất quân chỉ để định loạn, rút quân về vì hiểu lẽ tiến thoái, đại nghĩa bừng bừng, chiếu soi nhật nguyệt, đúng là đạo quân của bậc vương giả, vì việc bất đắc dĩ nên phải dùng đến chứ không phải vì ham chuyện binh đao vậy.

Thế nhưng nếu trời đã phế bỏ rồi thì ai có thể dựng lại được. Lê Duy Kỳ kém cỏi vô năng, coi nhẹ xã tắc, chỉ nhờ vào uy linh thiên triều mà lấy lại cương thổ. Thế nhưng một khi quân địch quay lại thì lại bỏ ấn chạy trốn, không giữ được nước làm nhục quân mệnh, ấy là trời đã ghét bỏ nên không thể nào phấn chấn lên được nữa.

Hoàng thượng thương xót kẻ mờ tối nên gia ân cho nhận vào nội địa, nay đã cắt tóc thay áo, đưa vào kỳ binh, cấp dưỡng lương, cho thế tước không phải làm kẻ bần cùng thậg là nhân nghĩa vậy. Lại nghĩ đến đất An Nam vốn do ta vun trồng, dân chúng cũng là dân đen của ta, không thể không có kẻ quân trưởng coi sóc.

Nguyễn Quang Bình đã tự biết tội mình lớn, mấy lần dâng biểu xin hàng, cung kính xin được tiến kinh khánh chúc vạn thọ. Khẩn cầu qua lại, quả thực từ dạ chí thành. Hoàng thượng xét cho lòng khăng khăng thuần nhất nên bằng lòng đổi mới, phong cho làm phiên, chấp thuận cho nhập cận.

Thần uy thánh đức, liên tiếp mềm mỏng vỗ về khiến cho tâm cũng vui mà thành thực qui phục. Cho nên kẻ được thấm nhuần ơn trên, trong lòng bịn rịn lưu luyến cung khuyết, biết rằng nếu như hết lòng phục vụ thiên triều, ắt sẽ được kế tiếp vạn thế.

Trông lên hoàng thượng nhìn xa trông rộng, từ đầu đến cuối thật là đại công chí chính[71], tính kế vạn toàn nên không đâu là không hưởng phúc dày, giữ được đạo trung, lấy đầy lấp vơi, phô bày công tích lớn lao xưa nay chưa từng có. [72]

 



[1] Ái Tân Giác La Vĩnh Dung (愛新覺羅永瑢 1744-1790) là con thứ sáu của vua Càn Long, người được chỉ định trông coi việc soạn Tứ Khố Toàn Thư và chuẩn bị cho lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua cha. Ông được giao cho nhiệm vụ lưu thủ kinh đô vì tương lai sẽ thừa kế ngai vàng nên coi như thái tử. Ông chết vì bị bệnh kiết lỵ năm Canh Tuất (1790) nhưng vua Càn Long chỉ thị dấu tin này không cho phái đoàn Quang Trung biết và không thay đổi cách tiếp đón trên đường đi. Vĩnh Dung được phong Chất Thân Vương năm Kỷ Dậu (1789).

[2] Nhã Lãng A (雅朗阿1733-1794) tức Đa La Khắc Cần Quận Vương (多羅克勤郡王) là tướng lãnh nhà Thanh về sau làm tổng tài Ngọc Điệp Quán trông coi việc soạn ngọc phổ (tức thế phổ của hoàng tộc nhà Thanh).

[3] A Quế (阿桂 1717-1797) là một danh tướng, đại học sĩ nhà Thanh từng giữ rất nhiều nhiệm vụ quan trọng và là người đứng đầu Quân Cơ Xứ đời Càn Long, tước hiệu Nhất đẳng Thành Mưu Anh Dũng công.

[4] Kê Hoàng (嵇璜 1711-1794), chánh tổng tài Tứ Khố Toàn Thư, Văn Uyên Các đại học sĩ kiêm chánh tổng tài Quốc Sử Quán là một danh sĩ đời Càn Long.

[5] Liệt Truyện, Nguỵ Tây, tr. 37b.

[6] 1749-? Người làng Mộ Trạch, Hải Dương, đỗ đầu kỳ thi hương khi mới 19 tuổi nhưng không đỗ Tiến Sĩ, làm quan hai triều Lê và Tây Sơn. Ông được giao nhiệm vụ liên lạc và trao đổi văn thư với nhà Thanh sau trận Kỷ Dậu (1789), đi sứ trong phài đoàn Nguyễn Quang Hiển (1789) và phái đoàn Quang Trung (1790). Dưới triều Quang Trung, ông làm thượng thư bộ Công, tước Hạo Trạch Hầu nên người đời gọi ông là Vũ Công Bộ. Tuy không đỗ đại khoa, Vũ Huy Tấn đóng góp rất nhiều trong việc giao thiệp với Trung Hoa mặc dù ít được chú ý hơn Phan Huy Ích hay Ngô Thì Nhậm.

[7] Tập thơ Vũ Huy Tấn làm khi đi sứ lần thứ nhất (1789) danh mục VHn A.375. Lần thứ hai (1790) ông có tập Hoa Trình Hậu Tập 華程後集(VHn. A700).

[8] Bao gồm Nguyên Đán, Thánh Tiết và Đông Chí.

[9] Shao Wenliang 邵文良. Sports in Ancient China 中國古代體育文物圖集. Hongkong: Tai Dao Publishing Ltd., 1986. Bức tranh Mã Thuật Đồ này do hoạ sĩ Giuseppe Castiglione (Lang Thế Ninh), một tu sĩ dòng Tên, là hoạ gia nổi tiếng đời Thanh vẽ, hiện tàng trữ trong Cố Cung Bác Vật Viện (Bắc Kinh).

[10] Liệt Truyện, Ngụy Tây, tr. 39a.

[11] Ông làm Thượng thư bộ Công nên còn gọi là Vũ Công Bộ.

[13] Nguồn: Zhang Hongxing, Treasures from the Forbidden City (2002)

[14] Chính vì không phân biệt được tư thế của hai phái đoàn Nguyễn Quang Hiển và Nguyễn Quang Bình nên nhiều bộ sử Trung Hoa, Triều Tiên vẫn cho rằng vua Quang Trung sang Trung Hoa để cầu phong mà không biết rằng ông sang với tư thế An Nam quốc vương.

[15] Quân Cơ Xứ Đáng Triệp Kiện, An Nam Quốc Tiến Quan Nhân Số Thanh Đơn, Càn Long số hiệu 039378, văn kiện 1 (Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện – Thanh Đại Đáng Án Kiềm Sách Hệ Thống. Theo qui chế, phái đoàn phiên thuộc lên Bắc Kinh không được quá 30 người. Theo tấu thư và danh sách của tuần phủ Quảng Tây Ngô Hổ Bính báo cáo phái đoàn của nước ta sang Trung Hoa năm Càn Long 43 (Mậu Tuất 1778) do Vũ Trần Thiệu làm chánh sứ thì tổng cộng chỉ có 25 người (sứ thần 3 người, hành nhân 9 người, tuỳ nhân 13 người), số hiệu K4E020048-A.

[16] Theo Việt Nam Tập Lược (越南輯略) của Từ Diên Húc (徐延旭) (tập II, Tứ Dữ 賜予) thì đây là lần đầu phái đoàn An Nam có có một thông sự (tức thông ngôn – interpreter) đi theo cho thấy có nhiều việc mà thành phần ít chữ nghĩa (thường là tướng lãnh) khó trao đổi nếu phải dùng văn tự để nói chuyện (bút đàm). Các phái bộ trong triều Tây Sơn cũng phần nhiều do một võ tướng làm chánh sứ là một việc không theo thông lệ các đời trước.

[17] Nhóm thân Lê đã toan tính việc đánh xuống Thăng Long khi vua Quang Trung không có mặt trong nước nhưng không thành công. Họ cũng sôi sục việc nổi dậy nhưng đều thất bại. Xem thêm “Phe chống đảng Tây Sơn ở Bắc với tập Lữ Trung Ngâm” của Hoàng Xuân Hãn trongTập San Sử Địa (Saigon, 1971) số 21: Hai trăm năm Phong Trào Tây Sơn.

[19] Quân Cơ Xứ đáng tấu kiện. Nguyễn Quang Hiển đẳng tiến kinh nhân số thanh đơn. Số hiệu 039378. Quốc Lập Cố Cung Bác Vận Viện (Đài Bắc).

[20] Đây là bức tranh sau cùng trong bộ An Nam Chiến Đồ ghi nhận việc nước ta quay trở lại quĩ đạo tông phiên cũ.

[21] Theo nhiều văn thư khác thì là Đức Khắc Tinh Ngạch.

[22] Cung Trung Đáng, tấu thư của Lưu Nga về việc tuân chỉ cho người hộ tống phái đoàn Nguyễn Quang Hiển qua tỉnh. Càn Long 54, ngày mồng 8 tháng Năm, số hiệu 083017. Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc.

Sau khi nhập quan dâng biểu, Nguyễn Quang Hiển được lệnh trở về Lạng Sơn đợi dụ chỉ chấp thuận cho tiến kinh. Phái đoàn ra khỏi Nam Quan là ngày 26 tháng Năm (theo tường thuật của Vũ Huy Tấn) và lên đường ngày 27 tháng Năm đúng như ghi chép trong An Nam Kỷ Lược.

[23] Lời tâu của Lương Khẳng Đường về ngày giờ Nguyễn Quang Hiển đi qua tỉnh. Càn Long 54, 01 tháng Bảy. Số hiệu 083674. Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc.

[24] Cung Trung Đáng tấu triệp, Phổ Lâm tâu về việc lo liệu cho sứ thần An Nam quá cảnh. Càn Long 54, ngày 15 tháng Năm, số hiệu 083315 Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc.

[26] Nguồn: Alain Peyrefitte: The Collision of two Civilisations, The British Expedition to China 1792-4 (Harvill, 1992). Đây là trang vẽ của hoạ sĩ William Alexander thuyền đưa phái đoàn Anh đi trên sông năm 1793, theo miêu tả với các món trang trí thì cũng không khác gì những thuyền được chuẩn bị để đưa đón phái đoàn An Nam năm 1790.

[27] Cung Trung Đáng tấu triệp, Phổ Lâm tâu về việc chiếu liệu cho phái đoàn Nguyễn Quang Hiển lên kinh đô bệ kiến. Càn Long 54, ngày 25 tháng Năm. Số hiệu 083394. Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc.

[28] Như trên. Càn Long 54, ngày mồng 5 tháng Sáu, số hiệu 083453.

[29] Từ trước đến nay sứ thần phiên thuộc chỉ được đến Bắc Kinh triều kiến và dự lễ. Đây là lần đầu nước ta có vinh dự được đến Nhiệt Hà như lời Vũ Huy Tấn viết.

[30] Tất Mai Tuyết và Hầu Cẩm Lang. Mộc Lan Đồ - Dữ Càn Long thu quí đại liệp chi nghiên cứu (Cố Cung Tùng San Giáp Chủng) Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện, Dân Quốc 71 (Dẫn Ngôn, tr. 1)

[31] Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc), số hiệu 001071 # 35 ngày mồng 4 tháng Tám, Càn Long 54.

[32] Càn Long triều, Thượng Dụ đáng, quyển XV (Bắc Kinh: Đáng Án xuất bản xã, 1991) tr. 142, tài liệu số 302. Cũng là Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc), số hiệu 001071 # 55 ngày mồng 5 tháng Tám, Càn Long 54.

[33] Quân Cơ Xứ đáng tấu kiện, Tấu thư của Vĩnh Dung về lễ ban sắc ấn. Càn Long 54, tháng Tám, ngày 22. Số hiệu 041864. Quốc Lập Cố Cung Bác Vận Viện (Đài Bắc). Thanh Đại đáng án hệ thống.

[34] Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc), số hiệu 001071 # 48.

[35] Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc), số hiệu 084294

[36] CCBVV, số hiệu 084417

[37] CCBVV, số hiệp 084453

[38] KDANKL, bản dịch Nguyễn Duy Chính (Hà Nội, 2016) tr. 493-4.

[39] Cung Trung Đáng Tấu Triệp, lời tâu của Tôn Vĩnh Thanh ngày 23 tháng Chạp, Càn Long 54 về việc Nguyễn Quang Hiển xuất quan. Số hiệu 085129. Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc).

[40] Trung Quốc Xã Hội xuất bản xã, Bắc Kinh, 2005.

[41] Theo định nghĩa thì đả thiên là nam nhân người Thanh kẻ dưới gặp người trên hơi cong đầu gối trái, tay phải để thẳng, người hơi cúi xuống.

[42] Quân Cơ Xứ đáng án triệp, nhóm A Quế 10 người tâu lên về việc bàn nghị nghi thức tân chủ lễ để đón vua Quang Trung Nguyễn Quang Bình. Càn Long 54, tháng Một, ngày 06, số hiệp 042563, Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc.

[43] Tấu thư của Phúc Khang An. Minh Thanh Sử Liệu, Canh Biên đệ nhị bản (Đài Bắc: Trung Ương Nghiên Cứu Viện Lịch Sử Ngữ Ngôn Nghiên Cứu Sở, 1960) tr. 140. Thanh Quí Nội Các Đáng Án Toàn Tập. (Bắc Kinh: Học Uyển xbx, 1999) tr. 4255. Nguyên bản bản văn này còn tồn tại trong Quân Cơ Xứ đáng triệp, A Quế 10 người tâu lên về nghi lễ tân chủ đón tiếp Nguyễn Quang Bình. Càn Long 54, tháng Một ngày 06. Cố Cung Bác Vật Viện, số hiệu 042563.

[44] Cửa chính của doanh trại hay cơ quan

[45] Theo sử Triều Tiên, giao thiệp giữa Triều Tiên và Trung Hoa rất mật thiết và họ cũng là nước đồng văn duy nhất được cấp ấn vàng, núm hình rùa. Nhiều thái tử Triều Tiên sang sống ở Bắc Kinh trước  khi lên ngôi và nhiều quốc vương Triều Tiên đích thân sang triều kiến các vua đời Minh và đời Thanh. Triều Tiên được hưởng qui chế triều cống đặc biệt, một năm ba lần và gửi sứ thần sang chúc mừng vào dịp Tết Nguyên Đán, sinh nhật hoàng đế, sinh nhật thái tử và ngày Đông Chí (winter solstice). Triều Tiên cũng là đồng minh và là hàng rào chắn quan trọng nhất trong việc chống lại những cuộc xâm lăng từ Nhật Bản vào đất liền. Chính tâm thái lịch sử truyền thống đó đã tạo ra sự đố kỵ và ganh ghét với phái đoàn Tây Sơn khi thấy nước ta trở thành khách mời quan trọng nhất của nhà Thanh trong kỳ Bát Tuần Khánh Thọ này. Lễ tứ trà ở Lương Hương đón vua Quang Trung chỉ lập lại nghi lễ đón vua Triều Tiên trước đây nhưng khi trao đổi với nước ta thì sứ thần Triều Tiên đã chối rằng vua nước họ không sang Trung Hoa bao giờ. Xem thêm về giao thiệp với nhà Thanh trong Michael J. Seth, A Concise History of Korea: From the Neolithic Period through the Nineteenth Century (Rowman &Littlefield Publishers, Inc. 2006) tr. 135-139.

[46] Xem thêm về lễ tục uống trà của triều đình trong Trương Hoành Dung (張宏庸). Trà Đích Lễ Tục (茶的禮俗). Đài Bắc: Trà Học Văn Khố, Dân Quốc 76)

[47] Hà bao này là một cái túi của chính vua Càn Long đang đeo trên người và ông cởi ra ban cho cậu bé Staunton khi nói được với ông mấy câu bằng tiếng Trung Hoa. Đối với nhà Thanh, một món đồ dùng hàng ngày của nhà vua ban cho là một vinh dự cực kỳ to lớn. Cũng sau này, vua Càn Long cũng ban cho vua Quang Trung hai trái cầu nhỏ để xoay xoay cho ấm tay. Các trái cầu này là đồ dùng riêng của ông nhưng sử sách chưa bao giờ biết đến sự vinh hạnh khác thường này.

[48] Những bữa đại tiệc vốn không nhằm thết đãi các món ăn cầu kỳ của triều đình mà là một đại lễ nằm trong một chuỗi dài nghi thức (sự kiện) kỷ niệm sinh nhật vua Càn Long, trong qui luật chứ không phải như một bữa ăn tại một nhà hàng mà chúng ta thường tham dự “vui là chính” để có thể qua lại thù tạc với nhau. Những trao đổi – nếu có – thường là viết sẵn trên giấy và nhận lại họa đáp ở một lần sau chứ không phải tự do qua lại vì không ai được tự ý rời chỗ để đến một bàn khác nói chuyện.

[49] Đoàn [Nguyễn] Tuấn, Hải Ông Thi Tập, Tài liệu Viện Hán Nôm, ký hiệu A2603

[50] Đây là nói về các tiểu vương Mông Cổ và Tân Cương là các xứ nội thuộc nhà Thanh mỗi năm vào chầu vua Thanh tuy danh nghĩa tước vương nhưng thực ra chỉ là thổ ti, lãnh tụ của một bộ tộc. Những nội phiên này do Lý Phiên Viện kiểm soát còn nghi thức dành cho ngoại phiên như An Nam, Triều Tiên, Xiêm La, Nam Chưởng, Lưu Cầu … do bộ Lễ trông coi. Việc một quốc vương nước ngoài đến Trung Hoa đời Thanh thì vua Quang Trung là lần đầu.

[51] Theo qui định thì vua Quang Trung đem theo 60 người nhưng đến khi qua Nam Quan con số lên đến hơn 150 người và mọi trù liệu trên đường đi đều phải điều chỉnh cho phù hợp.

[52] Công quán ở phía bắc Nam Quan, đối xứng với công quán nước ta là Ngưỡng Đức Đài ở phía nam.

[53] Các cấp võ quan

[54] Thanh Quí Nội Các Đáng Án Toàn Tập. (1999) tr. 4257-9.

[55] Danh mục số 169 trong Catalogue của Công ty đấu giá Sotheby’s (Catalogue of Chinese Decorative Arts) trưng bày những món hàng bán trong ngày mồng 5 tháng 6 năm 1981 tại London (Anh quốc).

[57]《軍機處檔摺件》,福康安、孫永清奏,〈奏報安南國王阮光平覲祝進關日期〉,乾隆550415日,故機039280 號, 1 ,國立故宮博物院 清代檔案檢索系統

[58] Quân Cơ Xứ đáng triệp. Lời tâu của Phúc Khang An, Tôn Vĩnh Thanh về việc thông báo đưa Nguyễn Quang Bình đến Nam Ninh. Số hiệu 039117, 039382 Càn Long 54 ngày 25 tháng Tư. Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc.

[59] Trong bài này chúng tôi dùng một số hình ảnh của phái đoàn Anh Cát Lợi khi sang Trung Hoa năm 1793-4 để minh họa vì cách cung ứng và tiếp đón giống như kỳ đón phái đoàn Quang Trung.

[60] Kiệu khiêng trên vai dành riêng cho quan lại cao cấp và vương công gọi là kiên dư (肩輿) tùy đẳng cấp có đến bốn, sáu hay tám người khiêng. Riêng hoàng đế thì đến mấy chục người. Khiêng bằng kiệu là một loại di chuyển đặc trưng của Trung Hoa, người nước ta thì đi bằng võng. Trước đây có tác giả dịch là xe sáu ngựa, không chính xác.

[61] Nguyễn Duy Chính: Phái đoàn Đại Việt và Lễ Bát Tuần Khánh Thọ của vua Cao Tông (VH-VN, 2016)

[62] Quân Cơ Xứ Đáng Triệp Kiện, lời tâu của Diêu Phân, Phúc tấu duyên đồ cung ứng cho Nguyễn Quang Bình không tiêu phí phạm (Phụ lục I: Danh sách cung ứng; Phụ lục II: Uỷ viên Quảng Đông truyền đơn; Phụ lục III: Danh sách cung ứng tỉnh Quảng Tây). Ngày 18 tháng Sáu, Càn Long 55, số hiệu 045037, văn kiện 2, Cố Cung Bác Vật Viện (Đài Bắc)

[63] Quân Cơ Xứ Đáng Triệp Kiện, Diêu Phân tấu, Phúc tấu về việc cung ứng cho Nguyễn Quang Bình trên đường đi không có gì xa phí. Càn Long 55 tháng Sáu ngày 18, số hiệu Cố Cung 045037, văn kiện 2 (Quốc Lập Cố Cung Bác Vật Viện Đài Bắc)

[64] John Barrow, Travels in China (London, 1804) tr. 605.

[65] Trong thư tổng thống Mỹ Andrew Jackson nhờ Admund Roberts trình lên vua Minh Mạng chỉ viết là “Great and Good Friend”.

[66] Xem thêm Thái Văn Kiểm: The Twain Did Meet: First Contacts between Vietnam and the United States of America (Vietnam Culture Series No. 5) Republic of Vietnam – Department of National Education, 1960.

[67] Tòng quyền nguyên nghĩa là làm một việc trước đây chưa từng có. Trong giai đoạn này, vấn đề của phía nước ta là từ cổ chí kim chưa có một ông vua nào sang Yên Kinh triều kiến hoàng đế Trung Hoa, nay là lần đầu tiên. Ngoài ra, dân chúng – chủ yếu là người thân Lê – thì phao tin là một khi vua Quang Trung ra khỏi nước, quân Thanh sẽ ba mặt kéo xuống lấy lại nước cho nhà Lê. Để giải toả hai nghi ngại này, nhà Thanh tìm đủ mọi cách để cho nước ta biết rằng phái đoàn đi với tư cách quốc khách, không phải phiên vương sang chầu. Họ cũng thông báo nhiều tin tức thu thập được về lực lượng chống đối ở Bắc Hà để bí mật thông báo cho phía Tây Sơn khiến nhiều thủ lãnh bị hại và các nhóm thân Lê ở biên giới bị dẹp tan.

[68] Khâm Định An Nam Kỷ Lược, q. 30 tr. 18b-25a.

[69] Cỏ bao và cây dâu là hai loại thảo mộc có rễ sâu chắc.

[70]藩翰 Cánh chim để bảo vệ thân chim, ý nói giúp che chắn cho hoàng đế

[71] Công lớn hết sức chính đáng

[72] Nguồn: Khâm Định An Nam Kỷ Lược, bản dịch Nguyễn Duy Chính (Hà Nội, 2016) tr. 580-582.