THANH BINH NHẬP QUAN
Nguyễn Duy Chính
Vi Tiểu Bảo và Trần Viên Viên
Dẫn nhập
... Vi Tiểu Bảo nhảy xuống xe thấy tấm biển
trước am có đề ba chữ, chữ đầu tiên là chữ”tam”, còn hai chữ kia y không biết,
quay đầu lại nhìn thấy bọn Cao Ngạn Siêu theo ở xa xa, hẳn rằng đã canh gác chung
quanh nên y cũng yên tâm theo đạo cô vào trong am.
Chỉ thấy bốn bề sạch bóng như li như lau,
trong thiên tỉnh trồng mấy bụi hoa trà, một cây tử kinh còn giữa điện thì bày một
tượng Bạch Y Quan Âm hình dáng cực kỳ xinh đẹp, tuy bảo tướng trang nghiêm
nhưng cũng có đôi phần tú lệ. Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm:”Nghe nói trong số mấy mụ vợ
của Ngô Tam Quế có một mụ ngoại hiệu là Tứ Diện Quan Âm, lại có một người là
Bát Diện Quan Âm, không biết có thực là Quan Âm bồ tát xinh đẹp như thế hay
không? Con mẹ nó, đại Hán gian quả là diễm phúc thật”.
Ðạo cô dẫn y đến chái điện ở phía đông, rót
trà mời y uống. Vi Tiểu Bảo mở nắp chén trà, hương thơm ngát bay lên mũi, nước
trà màu xanh biếc, chính là trà Long Tỉnh đầu mùa, không khỏi kinh ngạc:”Trà
Long Tỉnh này mang tự Giang Nam về đây, quả là đắt giá, đạo cô trong am tức là
ni cô, sao lại xài sang thế nhỉ?”. Ðạo cô lại bưng lên một mâm sơn mài đựng tám
món điểm tâm, trên những đĩa men trắng đựng nào là kẹo tùng tử, bánh hồ đào,
toàn là đặc sản Tô Châu, cực kỳ khéo léo. Những món điểm tâm Giang Nam đó, năm
xưa Vi Tiểu Bảo ở kỹ viện Dương Châu đã từng thấy, mỗi khi có khách làng chơi,
lão bảo[1] đem ra đãi khách, nhân lúc không ai để ý,
y không khỏi nhón một hai viên, không ngờ ở một cái am nho nhỏ đất Vân Nam gặp
lại bạn cũ, trong bụng mừng rơn:”Lão tử lại được trở về Lệ Xuân Viện ở Dương
Châu rồi”.
Ðạo cô kia bưng đồ ăn lên xong, lập tức lui
ra. Trên kỷ trà đặt một đỉnh đồng khói xanh bốc ra thoang thoảng, đúng là mùi
đàn hương danh quí, Vi Tiểu Bảo là kẻ sành sỏi, mỗi lần đến Từ Ninh Cung gặp
thái hậu, đều được ngửi mùi trầm hương thượng đẳng này, không khỏi chột dạ:”Chết
rồi, hỏng mất, không lẽ con đĩ già đang ở tại nơi đây?”Nghĩ thế y liền đứng bật
dậy.
Chỉ nghe từ ngoài cửa có tiếng chân loạt soạt
rồi một người đàn bà tiến vào, chắp tay hành lễ nói:
- Kẻ xuất gia là Tịch Tĩnh,
tham kiến Vi đại nhân.
Người đàn bà đó chừng trên dưới bốn mươi, mặc
đạo bào màu vàng nhạt, đầu mày ánh mắt như tranh vẽ, thanh lệ không sao tả xiết,
trong đời Vi Tiểu Bảo chưa bao giờ gặp một người nào đẹp đến thế. Y cầm chén
trà trên tay, miệng há hốc, mắt mở trừng trừng, chân tay mềm nhũn. Người đàn bà
kia mỉm cười nói:
- Xin mời Vi đại nhân ngồi.
Vi Tiểu Bảo luống cuống ấp úng:
- Vâng, vâng!
Hai đầu gối y khuỵu xuống rơi phịch lên ghế,
chén trà trên tay sóng sánh đổ ra vạt áo, ướt một mảng lớn. Ðàn ông gặp bà ta đều
hồn vía lên mây, lệ nhân này trong đời đã gặp nhiều lần nên cũng không ngạc
nhiên, có chăng Vi Tiểu Bảo chỉ là một đứa trẻ tuổi độ mười lăm mười sáu vậy mà
cũng bị tuyệt thế dung quang của mình trấn nhiếp. Mỹ nhân mỉm cười nói:
- Vi đại nhân tuổi trẻ tài
cao, đã từng nghe xưa kia Cam La mười hai tuổi đã ở vai Thừa Tướng, Vi đại nhân
cũng chẳng kém gì.
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Không dám. Chao ôi, cái
gì chứ Tây Thi, Dương quí phi cũng nhất định chẳng thể nào đẹp hơn bà được.
Bà ta kéo vạt áo lên che một bên mặt ngọc,
nhoẻn một nụ cười lập tức bách mị hoành sinh nhưng đổi ngay thành nghiêm trang
đáp:
- Tây Thi, Dương quí phi đều
là những người mệnh bạc. Tiểu nữ tử cũng hận rằng trời sinh dung mạo như thế
này, làm khổ thiên hạ thương sinh nên lâu nay làm bạn với ngọn đèn câu kệ, chăm
điều sám hối. Than ôi, dẫu có gõ thủng mõ, đọc nát kinh chắc cũng không giải
cho hết được một trong muôn phần những oan nghiệt đã qua.
Nói tới đây, đôi mắt rưng rưng, hai hàng lệ
long lanh chảy xuống. Vi Tiểu Bảo không hiểu bà ta muốn nói gì chỉ thấy mỹ nhân
khi mỉm cười thì mặt mày rạng rỡ, khi buồn khổ lại nhuốm vẻ xót xa, trong lòng
không khỏi dâng lên một niềm hoài cảm tuy không biết gốc gác thế nào nhưng máu
nóng bừng lên dường như nếu có phải vì nàng mà tan xương nát thịt thì cũng thấy
ngọt như đường, lập tức vỗ ngực đứng bật dậy khẳng khái nói:
- Chẳng hay kẻ nào hiếp đáp
bà ta nguyện sẽ cùng y sống chết. Bà có chuyện gì khó khăn cứ việc giao cho ta,
nếu Vi Tiểu Bảo này làm không xong xin nguyện cắt đầu bồi đáp.
Nói xong giơ tay lên chém ngang cổ mình.
Hành vi khí khái đại trượng phu như thế xưa nay y chẳng mấy khi làm, vậy mà bây
giờ không hề ngần ngại, không có vẻ giả tí nào.
Người đẹp đưa mắt nhìn y một chốc rồi mới
nghẹn ngào đáp:
- Cao nghĩa ngất trời của
Vi đại nhân, tiểu nữ tử thật không biết làm sao báo đáp.
Ðột nhiên quì phục xuống, rạp đầu vái lạy.
Vi Tiểu Bảo kêu lên:
- Ấy chết! Không được!
Y cũng lập tức quì xuống rập đầu binh binh
binh mấy cái nói:
- Bà là tiên nữ hạ phàm,
Quan Âm bồ tát xuống thế, phải để ta lạy bà mới phải.
Người đẹp nói khẽ:
- Thế thì coi trọng ta quá.
Bà ta đưa tay đỡ tay y nhẹ nhàng nâng lên,
hai người cùng đứng dậy. Vi Tiểu Bảo thấy trên má bà ta còn vương mấy giọt lệ lấp
lánh như ngọc vội vàng đưa tay áo, nhẹ nhàng lau đi an ủi:
- Ðừng khóc nữa, đừng khóc
nữa! Dù có chuyện gì to lớn thế nào chăng nữa chúng ta cũng phải làm cho xong mới
thôi.
Với tuổi tác của mỹ nhân cũng phải bằng tuổi
mẹ y nhưng dung sắc cử chỉ, ngôn ngữ thần thái thật kiều mị dịu dàng, không ai
không khỏi mở lòng thương xót. Vi Tiểu Bảo bèn hỏi:
- Chẳng hay bà có chuyện gì
khó khăn?
Người đẹp nói:
- Vi đại nhân vừa được tin
lập tức đến ngay, tiểu nữ tử cực kỳ cảm kích …
Vi Tiểu Bảo kinh ngạc kêu lên một tiếng:”Ối
chao!”đưa tay gõ vào đầu mình hỏi:
- Ta thật hồ đồ, thế ra A
Kha …
Y đờ đẫn nhìn người đẹp, đột nhiên hiểu ra
thảng thốt kêu lên:
- Thì ra bà là mẹ của A
Kha!
Người đàn bà đẹp nói khẽ:
- Vi đại nhân quả là thông
minh, không cần phải nói ra đại nhân đã đoán được rồi.
Vi Tiểu Bảo nói:
- Cái đó cũng dễ thôi. Tướng
mạo hai người giống hệt nhau, có điều … có điều A Kha sư tỉ không... không đẹp
bằng bà.
Người ngọc bẽn lẽn, má ửng hồng tưởng như
ai đó tô một lớp phấn lên trên một khối bạch ngọc, hỏi nhỏ:
- Ngươi gọi A Kha là sư tỉ
ư?
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Ðúng thế, nàng là sư tỉ của
ta.
Thế rồi y không dấu diếm gì kể lại từ đầu
vì sao biết A Kha, bị nàng ta đánh trật khớp tay, rồi bái Cửu Nạn làm thầy,
cùng đi Côn Minh, bản thân mình mê mẩn A Kha, còn nàng chẳng thèm để mắt tới, kể
lại hết mọi chi tiết không dấu diếm chút nào chỉ có thân thế Cửu Nạn và ý đồ của
mình làm điều bất lợi cho Ngô Tam Quế là những việc trong đại nên không nói ra
thôi.
Người đàn bà lặng lẽ ngồi nghe, đợi y thuật
xong rồi mới thở dài nhè nhẹ ngâm nho nhỏ:
Anh hùng ai chẳng kẻ đa tình,
Vợ con đâu lẽ bận công danh.[2]
Khách má hồng luôn luôn gây họa, việc đó đã
bày ra trước mắt. Vi đại nhân tiền trình viễn đại…
Vi Tiểu Bảo lắc đầu:
- Không phải, không phải! Hồng
nhan họa thủy câu đó ta đã từng nghe thầy đồ kể chuyện nói đến rồi, nào là Ðát
Kỷ, nào là Dương quí phi … những ai mỹ miều đều làm hại cho quốc gia. Thực ra nếu
thiên hạ không có bọn đàn ông tệ hại, hoàng đế tồi tàn thì dù đàn bà có đẹp
cũng làm sao hại đất nước được? Người ta vẫn bảo Bình Tây Vương vì Trần Viên
Viên nên mới đầu hàng Thanh triều, thế nhưng theo ta, nếu quả Ngô Tam Quế trung
với nhà Minh thì dẫu có mười tám nàng Trần Viên Viên thì con bà Ngô Tam Quế
cũng chẳng đầu hàng Ðại Thanh được.
Người đàn bà đứng bật dậy khoan thai lạy phục
xuống nói:
- Ða tạ minh kiến của Vi đại
nhân, biện bạch cho tiện thiếp mối hàm oan thiên cổ này.
Vi Tiểu Bảo vội vàng hoàn lễ, ngạc nhiên hỏi:
- Bà … bà là … ôi chao!
Ðúng rồi, ta càng lúc càng ngớ ngẩn, bà chẳng phải là vương phi của Bình Tây
Vương hay sao? Cớ sao lại để tóc tu hành ở chốn này? A Kha sư tỉ sao … sại lại
là con bà được?
Người đàn bà đẹp đứng lên nói:
- Tiện thiếp chính là Trần
Viên Viên. Những chuyện bên trong nói ra quả là dài. Tiện thiếp trước hết có việc
phải cầu đến Vi đại nhân nên không dám dấu diếm, hai là mới rồi nghe đại nhân
biện oan cho kẻ hèn này, trong lòng hết sức cảm kích. Trong hai mươi năm qua,
tiện thiếp bị nguyền rủa không đâu kể xiết, thiên hạ đổ hết tội làm mất nước
lên đầu, trên đời chỉ có hai vị đại tài tử là hiểu được nỗi hàm oan của tiện
thiếp, một người là đại thi nhân Ngô Mai Thôn Ngô tài tử, còn một người là Vi đại
nhân.
Kỳ thực chuyện quốc gia đại sự Vi Tiểu Bảo
ngu ngơ hiểu cóc gì đâu, nào có biết Trần Viên Viên oan hay không oan, chỉ vì
thấy bà ta xinh đẹp tuyệt thế đâm ra mê mẩn, lại thêm ghét cay ghét đắng Ngô
Tam Quế, huống chi bà ta lại là mẹ của A Kha, dù bà ta có tội tày trời, sai quấy
thế nào chăng nữa thì cũng coi như không, mọi sự đổ sạch lên đầu Bình Tây
Vương. Y nghe người đẹp gọi mình là”đại tài tử”thì cũng biết thân biết phận, vội
vàng xua tay rối rít nói:
- Ta chữ nghĩa không đầy
cái lá mít, bà gọi là tài tử thì phải thêm hai chữ”rắm rít”, gọi là tài tử rắm
rít Vi Tiểu Bảo mới phải.
Trần Viên Viên lặng lẽ mỉm cười nói:
- Thi từ văn chương nếu có
giỏi cũng chỉ là loại tiểu tài tử. Còn như có kiến thức, có đảm lược ấy mới là
đại tài tử.
Vi Tiểu Bảo nghe bà ta tâng mình lên bằng
hai câu đó, không khỏi sướng rên, nghĩ thầm:”Vị thiên hạ đệ nhất mỹ nhân này lại
bảo ta là đại tài tử. Hà hà, hóa ra lão tử tài nghệ đâu có dở. Mẹ nó chứ, lão tử
từ khi ra khỏi bụng mẹ đến bây giờ mới nghe là lần đầu”.
Trần Viên Viên lại đứng lên nói:
- Xin mời đại nhân di bộ, để
tiểu nữ đem hết mọi nguyên do bên trong kể lại một lượt.
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Vâng!
Y cùng bà ta đi theo một con đường lát đá,
hai bên trồng hoa vào trong một căn phòng nhỏ. Trong phòng không bày biện bàn
ghế, dưới đất chỉ có hai chiếc bồ đoàn, trên tường treo một bức tự thiếp, trên
viết dầy đặc, xem ra khá nhiều chữ nghĩa, bên cạnh treo một chiếc đàn tì bà.
Trần Viên Viên nói:
- Mời đại nhân ngồi.
Bà ta đợi Vi Tiểu Bảo ngồi xuống một cái đệm
rồi mới đi đến bên tường, gỡ chiếc đàn xuống, ôm vào lòng ngồi xuống chiếc bồ
đoàn còn lại, chỉ vào bức thiếp treo trên tường dịu dàng nói:
- Ðây là bài trường thi tài
tử Ngô Mai Thôn (吳梅村) vì tiện thiếp mà sáng tác, đặt tên là”Viên
Viên Khúc”(圓圓曲). Hôm nay có
duyên xin được tấu một bản, chỉ mong không làm bẩn nhã thính của đại nhân.
Vi Tiểu Bảo mừng rỡ nói:
- Hay lắm! Hay lắm! Thế
nhưng vương phi tấu một đoạn phải ngừng lại giải thích chứ cái thứ tài tử rắm
rít như tại hạ, học vấn cực kỳ kém cỏi.
Trần Viên Viên mỉm cười:
- Ðại nhân quá khiêm tốn đấy
thôi.
Nói rồi ôm đàn gảy tính tang mấy cái nói:
- Ðiệu này tiểu nữ tử đã
lâu không đàn, nếu có thô lậu xin đừng trách.
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Chẳng cần khách khí. Dẫu
có đàn sai, ta cũng nào có biết đâu.
Chỉ nghe Trần Viên Viên nhẹ nhàng gẩy đàn rồi
chậm rãi hát lên:
Chí tôn ngày đó bỏ nhân gian,
Ầm ầm giặc phá Ngọc Môn Quan.
Lục quân buồn khổ màu tang tóc,
Trời gầm đất chuyển, một hồng
nhan.
Bà ta hát xong bốn câu rồi mới nói:
- Ðây là nói về năm xưa
Sùng Trinh thiên tử qui thiên, Bình Tây Vương liên minh với Mãn Thanh, tấn công
vào Bắc Kinh đánh bại Lý Tự Thành, quan binh ai nấy đeo khăn trắng để tang
hoàng đế. Thế nhưng Bình Tây Vương sở dĩ ra quân cũng chỉ vì cái thân bất tường
của tiện thiếp.
Vi Tiểu Bảo gật đầu đáp:
- Bà đẹp như thế, Ngô Tam
Quế có vì bà mà đầu hàng Ðại Thanh cũng không thể trách y được. Nếu như phải Vi
Tiểu Bảo này thì cũng muốn đầu hàng.
Ánh mắt Trần Viên Viên lưu chuyển nghĩ thầm:”Ngươi
chỉ là một thằng bé con vậy mà cũng dám cợt nhả với ta”. Thế nhưng khi thấy y
thần sắc nghiêm trang mới biết y quả là nói thực, không khỏi sinh lòng tri ngộ,
lại hát tiếp:
Má hồng há phải đâu mầm họa,
Chỉ tại hoang dâm gây bại vong.
Quét sạch khăn vàng bình núi Hắc,
Vua tôi gặp lại luống đau lòng.
Trần Viên Viên tiếp:
- Ðoạn này nói về vương gia
đánh bại Lý Tự Thành. Trong thơ viết rằng:”Lý Tự Thành đại sự chẳng thành ấy
cũng bởi tự y không tốt, sau khi chiếm được Bắc Kinh, hành sự càn rỡ”. Vương
gia đọc đến câu này lòng không được vui.
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Ðúng thế, y làm sao cao hứng
cho được? Trong khúc này nói rõ là việc đánh bại Lý Tự Thành chẳng phải công
lao của y.
Trần Viên Viên nói:
- Từ đoạn này về sau là nói
về thân thế của tiện thiếp.
Bà ta lại hát tiếp:
Từ khi mới gặp nơi Ðiền gia,
Cửa son múa hát nhẹ như mơ.
Ba quân nào chỗ phô hương sắc,
Chờ đợi anh hào ngóng tiếng xe.
Vốn xưa khuê các đất Cô Tô,
Viên Viên tên gọi dáng kiều thơ.
Quân vương một thuở mong ngày gặp,
Thấp thoáng hình ai gái Việt
xưa.
Thấp thoáng hình ai gái Việt
xưa,
Giặt lụa ven sông ánh nguyệt mờ.
Hái sen thuở trước nay lại hiện,
Sóng vỗ mênh mang mặt nước hồ.
Khúc điệu dịu dàng uyển chuyển, lại thêm tiếng
đàn tì bà chậm rãi điểm vào chẳng khác gì gió thoảng vi vu, lăn tăn sóng gợn chạm
lên cánh sen trên mặt nước.
Trần Viên Viên khẽ nói:
- Ðây là ví tiện thiếp với
Tây Thi, không khỏi quá đáng.
Vi Tiểu Bảo lắc đầu:
- So sánh thế thật trật lất,
không xứng chút nào.
Trần Viên Viên hơi bỡ ngỡ, Vi Tiểu Bảo nói:
- Tây Thi làm sao sánh được
với bà?
Trần Viên Viên bẽn lẽn đáp:
- Vi đại nhân đùa đấy thôi!
Vi Tiểu Bảo dằn mạnh:
- Quyết không phải đùa mà
có nguyên do. Nghe nói Tây Thi là người Chư Kỵ, phủ Thiệu Hưng, Chiết Giang, mặt
tuy đẹp nhưng người đất Thiệu Hưng nói năng”thanh âm lắp bắp”, làm sao sánh được
với giọng Tô Châu ngọt ngào dễ nghe như vương phi?
Trần Viên Viên mỉm cười gương mặt rạng rỡ hỏi
lại:
- Hóa ra lại cũng có nguyên
do. Thế nhưng Ngô Vương Phù Sai cũng ở đất Tô Châu, sao lại thích Tây Thi?
Vi Tiểu Bảo gãi đầu nói:
- Gã Ngô Vương Phù Sai kia
tai hơi nghễnh ngãng nên mới thành ra thế.
Trần Viên Viên che miệng cười khúc khích,
má đỏ hây hây, khóe thu ba long lanh, chiếc miệng anh đào hé mở, trong giây lát
bao nhiêu sầu khổ đều tan biến, nét kiều mị tỏa đầy phòng. Vi Tiểu Bảo thấy
lòng ấm áp, ngây ngất men say không còn biết mình đang ở đâu nữa, lại nghe bà
ta tiếp tục hát lên:
Ðưa nàng mái chèo khua như
khánh,
Tay người thôi chịu, biết về
đâu?
Hồng nhan bạc mệnh dường như đã,
Thương thân lệ nhỏ ôi dầm bâu.
Trời xanh sao nỡ để oan gia,
Phận liễu nào ai kẻ xót xa,
Thân gái từ nay cung khép kín,
Nhặt khoan khúc mới khách tìm
hoa.
Bà ta hát đến đây thở dài một tiếng nói:
- Tiện thiếp xuất thân từ
chốn phong trần, thật cũng không dám dấu...
Vi Tiểu Bảo hỏi:
- Thế nào mà bảo là xuất ư
phong trần? Bà đừng nói văn hoa quá, văn hoa ta chẳng hiểu gì cả.
Trần Viên Viên đáp:
- Tiểu nữ tử vốn dĩ là kỹ nữ
ở Tô Châu...
Vi Tiểu Bảo vỗ đầu gối nói:
- Hay lắm!
Trần Viên Viên hơi ngượng ngập, nói khẽ:
- Ấy cũng là phận thiếp mệnh
bạc.
Vi Tiểu Bảo hết sức cao hứng nói:
- Ta với bà chí đồng đạo hợp,
bản thân cũng xuất ư phong trần.
Trần Viên Viên mở to đôi mắt phượng trong
suốt như nước mùa thu, hoang mang không hiểu y nói gì, nghĩ thầm:”Y chẳng hiểu
xuất thân từ cõi phong trần là gì cả”. Vi Tiểu Bảo nói:
- Bà xuất thân nơi kỹ viện,
ta cũng xuất thân nơi kỹ viện, có điều người ở Tô Châu, người ở Dương Châu mà
thôi. Mẹ ta là gái đĩ Lệ Xuân Viện ở Dương Châu. Thế nhưng mặt mày mẹ ta so với
bà thì một người như ở trên trời, một người như ở đưới đất.
Trần Viên Viên hết sức ngạc nhiên, dịu dàng
hỏi lại:
- Ðại nhân không nói đùa đấy
chứ?
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Cái đó có gì hay ho mà bảo
là đùa? Ôi, ta quả cũng tệ bạc, đáng lẽ phải sai người đón má má về, đừng để bà
ta làm đĩ nữa. Có điều xem ra mẹ ta ở Lệ Xuân Viện hỉ hả vui chơi, đưa về Bắc
Kinh có khi lại không thích bằng.
Trần Viên Viên nói:
- Anh hùng không ngại thân
hèn kém. Vi đại nhân quang minh lỗi lạc, không che đậy gì quả là bản sắc anh
hùng.
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Ta chỉ nói với một mình
bà thôi, còn với người khác thì dấu tiệt, chứ không người ta chỉ mặt chửi là”đồ
con nhà đĩ điếm”thì đâu chịu nổi. Trước mặt A Kha lại càng không nên nhắc đến,
nàng đã coi ta chẳng ra gì, nếu biết thêm chuyện này thì vĩnh viễn sẽ không bao
giờ nhìn mặt ta nữa.
Trần Viên Viên nói:
- Vi đại nhân cứ yên tâm,
tiện thiếp không phải là kẻ lắm lời, vả lại chính mẹ của... mẹ của A Kha, cũng
đâu có phải danh môn thục nữ.
Vi Tiểu Bảo nói:
- Nói tóm lại bà đừng nói
gì với nàng cả. Sư tỉ cực kỳ ghét kỹ nữ, đã từng bảo thứ gái đó thật tệ hại chẳng
ra gì.
Trần Viên Viên cúi đầu hỏi nhỏ:
- Y... y nói đàn bà trong kỹ
viện, tệ hại... tệ hại lắm hay sao?
Vi Tiểu Bảo vội đáp:
- Vương phi đừng khó chịu,
nàng ta không nói đến bà đâu.
Trần Viên Viên buồn rầu nói:
- Dĩ nhiên y không phải nói
ta. A Kha có biết đâu ta là mẹ của nó.
Vi Tiểu Bảo ngạc nhiên hỏi lại:
- Nàng không biết bà là mẹ
mình ư?
Trần Viên Viên lắc đầu:
- Y không biết đâu.
Bà ta nhìn ra dường như xuất thần, qua một
hồi mới chậm rãi nói:
- Hoàng hậu của Sùng Trinh
thiên tử họ Chu, cũng là người Tô Châu. Sùng Trinh thiên tử sủng ái Ðiền quí
phi, hoàng hậu cùng Ðiền quí phi hai người tranh giành rất mãnh liệt. Cha của
hoàng hậu là Gia Ðịnh Bá mới mua tiện nữ từ kỹ viện ra, đưa vào cung, hi vọng sẽ
chia sẻ lòng yêu thương của hoàng đế với Ðiền quí phi...
Vi Tiểu Bảo xen
vào:
- Cái kế đó thật là hay, Ðiền quí phi sẽ bị
hỏng cẳng.
Trần Viên Viên nói:
- Cũng không có gì là thất
sủng. Sùng Trinh thiên tử lo buồn chuyện nước, không ưa nữ sắc, ta ở trong cung
chẳng bao lâu thì hoàng thượng đã bảo Chu hoàng hậu trục xuất ta ra khỏi cung cấm.
Vi Tiểu Bảo kêu lên:
- Lạ thật! Lạ thật! Ta nghe
người ta nói Sùng Trinh hoàng đế có mắt không tròng, chỉ nghe lời gian thần, giết
luôn cả một đại đại trung thần là Viên Sùng Hoán. Hóa ra ông ta nhìn đàn ông đã
mù mờ mà đến nhìn đàn bà thì cũng không có mắt, đến người đẹp như bà mà còn
không chịu, chậc chậc, chậc chậc...
Y lắc đầu quầy quậy, tưởng như trên đời này
không còn chuyện gì kỳ quái hơn nữa. Trần Viên Viên nói:
- Nam nhân có kẻ chỉ thích
công danh phú quí, có kẻ chỉ thích vàng bạc tiền tài, còn làm hoàng đế thì phải
lo sao bảo tồn quốc gia xã tắc chứ đâu phải người nào cũng thích đàn bà đẹp
đâu.
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Còn ta thì công danh phú
quí cũng thích, kim ngân tài bảo cũng ưa, đàn bà đẹp lại càng khoái hơn nữa, chỉ
có hoàng đế là không muốn làm, dù ai có cho cũng không thèm nhận. A ha, vậy mà
trong thành Côn Minh này, lại có một người anh em, làm quan to đứng đầu thiên hạ,
giàu có số một trên đời, lấy được mỹ nhân đệ nhất trần ai vậy mà còn mơ làm
hoàng đế mới vừa lòng.
Trần Viên Viên mặt hơi biến sắc hỏi:
- Ðại nhân nói Bình Tây
Vương đấy ư?
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Ta chẳng nói ai cả nhưng
gì thì gì người đó chẳng phải Trần Viên Viên mà cũng không phải Vi Tiểu Bảo.
Trần Viên Viên tiếp:
- Khúc hát này về sau nói đến
ta gặp Bình Tây Vương như thế nào. Y đòi Gia Ðịnh Bá giao ta lại cho y rồi ra
trấn thủ Sơn Hải Quan, để ta lại nhà tại Bắc Kinh, chẳng bao lâu Sấm... Sấm...
Lý Sấm... đánh vào kinh thành.
Nói đến đây bà ta hát:
Tục khách mềm môi khôn chuốc rượu,
Bẻ hoa hồ dễ đã thương hoa?
Bao giờ thoát khỏi vòng giam
hãm,
Nhịp cầu Ô Thước bắc ngang qua?
Mắt xanh đâu phải nơi đàn phách?
Mòn mỏi xuân qua luống đợi chờ.
Ðưa tin cánh nhạn nào đâu thấy,
Gặp người tri kỷ chỉ trong mơ.
Hẹn người đã khó gặp càng khó,
Aàm ầm quân giặc khắp Trường An.
Ngóng trông mắt vọng hàng dương
liễu,
Mịt mù nào thấy bóng xe loan.
Hát tới đây tiếng đàn tì bà cũng ngừng lại,
ngơ ngẩn xuất thần. Vi Tiểu Bảo nghĩ khúc hát đã xong, vỗ tay khen ngợi nói:
- Xong rồi hả? Hát hay quá,
hát hay thiệt là hay, nghe thật mùi.
Trần Viên Viên đáp:
- Giá như ta chết ở nơi
đây, khúc hát tới chỗ này đương nhiên chấm dứt.
Vi Tiểu Bảo mặt đỏ bừng nghĩ thầm:”Con mẹ
nó, lão tử là đồ vô học, Lý Sấm tấn công vào kinh thành, khúc hát nói về ông
già của sư phụ ta là Sùng Trinh hoàng đế thì đã xong nhưng còn khúc hát về Trần
Viên Viên thì đâu đã hết”.
Trần Viên Viên nói khẽ:
- Lý Sấm đoạt được ta rồi,
về sau Bình Tây Vương cướp lại. Ta không còn là người nữa, mà chỉ là một món đồ
chơi, hễ ai khỏe thì được.
Nói xong lại hát tiếp:
Bồ liễu một thân cam chịu vậy,
Lầu son đứng tựa vịn lan can.
Nếu như tráng sĩ không toàn thắng,
Ngọc bích quay về phận hồng
nhan.
Mày ngài trên ngựa giục tiến tới,
Tóc xoã hồn xiêu dạ rối bời.
Bập bùng ánh lửa chìm biên tái,
Mặt hoa hoen đọng dấu châu rơi.
Trống chiêng giục giã hướng Tần
Xuyên,
Nghìn cỗ ngựa xe tiến rộn ràng.
Mịt mù sương khói hang Tà Cốc,
Ðiểm trang quan ngoại lúc chiều
buông.
Tin lạ giờ đây đưa khắp nẻo,
Xuân đi thu lại đã bao mùa.
Bạn bè cam phận con đò cũ,
Giặt lụa bên cầu một thuở xưa.
Chim sẻ ngày nào chung ríu rít,
Tung cánh bay cao một phượng
hoàng.
Tuổi xuân những tưởng đành chôn
chặt,
Mấy ai kề cận bậc quân vương.
Bà ta hát hết câu”thiện
hầu vương”lại ngơ ngẩn xuất thần nhưng lần này Vi Tiểu Bảo không dám hỏi
đã hết chưa mà chỉ định bụng:”Trừ phi chính miệng bà ta bảo xong rồi, nếu không
mình hỏi thêm e lại phô cái xấu ra”. Chỉ thấy Trần Viên Viên u buồn nói:
- Ta theo Bình Tây Vương
đánh vào Tứ Xuyên, y được phong vương. Tin tức truyền đến Tô Châu, các chị em
ngày cũ ở trong viện ai nấy đều ngưỡng mộ, nói ta thật may mắn. Bọn họ tuổi đã
cao nhưng vẫn còn phải ở đó làm nghề cũ.
Vi Tiểu Bảo nói:
- Hồi ở Lệ Xuân Viện, từng
nghe người ta bảo rằng:
Mỗi hôm lại một ông chồng,
Ðêm nào cũng được động phòng đuốc
hoa.[3]
Ngày
ngày vui vẻ như thế cũng không phải là không hay.
Trần Viên Viên đưa mắt nhìn y, thấy y hoàn
toàn không có ý gì châm chọc, ngậm ngùi nói:
- Ðại nhân tuổi còn nhỏ nên
không hiểu được nỗi đau lòng của việc đó.
Nói xong lại ôm đàn lên, hát tiếp:
Miệng người mai mỉa hoạ giang
san,
Chí cả đồ vương giấc mộng con.
Long lanh khoé mắt đôi dòng lệ,
Minh châu thoả mộng đoạt eo
thon.
Lờ lững hoa rơi lạc giữa đời,
Sắc hương góc biển toả chân trời.
Nghiêng nước một thân âu chữ
nghiệp,
Chàng Chu, phiên sứ cũng mong
thôi.
Anh hùng ai chẳng kẻ đa tình,
Vợ con đâu vướng bận công danh.
Máu đào xương trắng nên tro bụi,
Riêng kẻ hồng nhan một tiếng
mang.
Trần Viên Viên nước mắt rưng rưng, ngừng tiếng
đàn, nghẹn ngào nói:
- Ngô Mai Thôn tài tử biết
rằng tuy tiện thiếp danh dương thiên hạ nhưng trong lòng khổ sở biết bao. Người
đời chửi ta hồng nhan họa thủy, làm mất giang sơn nhà Ðại Minh, chỉ có Ngô tài
tử biết ta là một người đàn bà yếu đuối, có tài sức gì đâu? Việc hay việc dở chỉ
toàn do bọn đàn ông làm mà thôi.
Vi Tiểu Bảo đáp:
- Ðúng đó, hàng nghìn hàng
vạn binh mã Ðại Thanh tiến vào, một mỹ nhân ẻo lả như bà, làm sao ngăn họ nổi?
Y nghĩ thầm:”Bà ta vừa đàn vừa hát chẳng
khác gì thầy đồ giảng sách gẩy đàn kể chuyện. Ta đưa đẩy vài câu, tung hứng đôi
chỗ cũng chẳng khác gì thằng cò mồi của thầy đồ. Nếu hai người đến hành nghề
nơi trà quán ở Dương Châu thì thể nào tiếng hò reo cũng vang động đến vỡ tiệm mất.
Ta có được bà ta cùng làm ăn thì hẳn khấm khá lắm”. Còn đang đắc ý lại nghe Trần
Viên Viên hát tiếp:
Ai chẳng thấy,
Gái Việt như hoa nhìn không
chán.
Uyên ương đôi bạn một con tim,
Lối đi rầm rập rêu khôn mọc.
Hương toả mịt mờ rộn tiếng chim.
Thay áo dời cung xa vạn dặm,
Lương Châu khúc cũ luống chôn
vùi.
Âm Ngô điệu mới nay đành nhận,
Cuồn cuộn về nam nước vẫn xuôi.[4]
Bà ta hát đến chữ”lưu”,
ngân dài không dứt, tiếng đàn tì bà cũng vút lên cao, dần dần át cả tiếng hát,
một hồi sau mới chậm lại nhẹ dần tưởng như nước đang lờ lững chảy rồi tan biến
vào chốn xa xa.[5]
Nguyên bản và dịch âm Viên
Viên Khúc
圓圓曲 Viên
Viên Khúc
吳梅村 Ngô
Mai Thôn[6]
鼎湖當日棄人間 Ðỉnh
hồ đương nhật khí nhân gian,
破敵收京下玉關 Phá địch
thu binh hạ Ngọc Quan.
慟哭六軍俱縞素 Ðỗng
khốc lục quân câu cảo tố,
衝冠一怒為紅顏 Xung
quan nhất nộ vi hồng nhan.
紅顏流落非吾戀 Hồng
nhan lưu lạc phi ngô luyến,
逆賊天亡自荒讌 Nghịch
tặc thiên vong tự hoang yến.
電掃黃巾定黑山 Ðiện
tảo Hoàng Cân định Hắc sơn,
哭罷君親再相見 Khốc
bãi quân thân tái tương kiến.
相見初經田竇家 Tương
kiến sơ kinh Ðiền Ðậu gia,
侯門歌舞出如花 Hầu môn
ca vũ xuất như hoa.
許將戚里箜篌伎 Hứa
tương thích lý không hầu kỹ,
等取將軍油壁車 Ðẳng
thủ tướng quân du bích xa.
家本姑蘇浣花里 Gia bản
Cô Tô hoán hoa lý,
圓圓小字嬌羅綺 Viên Viên tiểu tự kiều la ỷ.
夢向夫差苑裏游 Mộng hướng Phù Sai uyển lý du,
宮娥擁入君王起 Cung nga ủng nhập quân vương khỉ[7].
前親合是探蓮人 Tiền thân hợp thị thái liên nhân,
門前一片橫塘水 Môn tiền nhất phiến hoành đường thủy.
橫塘雙槳去如飛 Hoành đường song tưởng khứ như phi,
何處豪家強載歸? Hà xứ hào gia cưỡng tải qui?
此際豈知非薄命? Thử tế khởi tri phi bạc mệnh?
此時只有淚沾衣。 Thử thời chỉ hữu lệ triêm y.
薰天意氣連宮掖 Huân thiên ý khí liên cung dịch,
明眸皓齒無人惜 Minh mâu hạo xỉ vô nhân tích.
奪歸永巷閉良家 Ðoạt qui vĩnh hạng bế lương gia,
教就新聲傾坐客。 Giáo tựu tân thanh khuynh tọa khách.
坐客非觴紅日暮 Tọa
khách phi thương hồng nhật mộ,
一曲哀弦向誰訴? Nhất khúc ai huyền hướng thùy tố?
白晢通侯最少年 Bạch
triết thông hầu tối thiếu niên,
揀取花枝屢廻顧。 Giản thủ hoa chi lũ hồi cố.
早携嬌鳥出樊籠 Tảo
huề kiều điểu xuất phàn lung,
待得銀河幾時渡? Ðãi đắc Ngân Hà kỷ thời độ?
恨殺軍書底死催 Hận sát quân thư để tử thôi,
苦留後約將人誤。 Khổ lưu hậu ước tương nhân ngộ.
相約恩深相見難 Tương
ước ân thâm tương kiến nan,
一朝蟻賊滿長安 Nhất
triêu nghĩ tặc mãn Trường An.
可憐思婦樓頭柳 Khả
lân tư phụ lâu đầu liễu,
認作天邊粉絮看。 Nhận tác thiên biên phấn nhứ
khan.
遍索綠珠圍內第 Biến
sách lục châu vi nội đệ,
強呼絳樹出雕欄 Cường
hô giáng thụ xuất điêu lan.
若非壯士全師勝 Nhược
phi tráng sĩ toàn sư thắng,
爭得蛾眉匹馬還? Tranh
đắc nga mi thất mã hoàn?
蛾眉馬上傳呼進 Nga mi mã thượng truyền hô tiến,
雲鬢不整驚魂定 Vân mấn bất chỉnh kinh hồn định.
蠟炬迎來在戰塲 Lạp cự nghinh lai tại chiến trường,
啼粧滿面殘紅印 Ðề trang mãn diện tàn hồng ấn.
專征簫鼓向秦川 Chuyên chinh tiêu cổ hướng Tần Xuyên,
金牛道上車千乘。 Kim ngưu đạo thượng xa thiên thặng.
斜谷雲深起畫樓 Tà Cốc vân thâm khởi họa lâu,
散關日落開粧鏡。 Tán quan nhật lạc khai trang kính.
傳來消息滿江鄉 Truyền lai tiêu tức mãn giang hương,
鳥桕紅經十度霜 Ðiểu cữu hồng kinh thập độ sương.
教曲技師憐尚在 Giáo khúc kỹ sư lân thượng tại,
浣紗女伴憶同行。 Hoán sa nữ bạn ức đồng hành.
舊巢共是銜泥燕 Cựu sào cộng thị hàm nê yến,
飛上枝頭變鳳皇 Phi thượng chi đầu biến phượng hoàng.
長向尊前悲老大 Trường hướng tôn tiền bi lão đại,
有人夫壻擅侯王。 Hữu nhân
phu tế thiện hầu vương.
當時只受聲名累 Ðương
thời chỉ thụ thanh danh lụy
貴戚名豪競延致 Quí
thích danh hào cạnh đình chí.
一斛明珠萬斛愁 Nhất
đẩu minh châu vạn đẩu sầu,
關山漂泊腰肢細 Quan
sơn tiêu bạc yêu chi tế.
錯怨狂風揚落花 Thác
oán cuồng phong tứ lạc hoa,
無邊春色來天地 Vô
biên xuân sắc lai thiên địa.
嘗聞傾國與傾城 Thường
văn khuynh quốc dữ khuynh thành,
翻使周郎受重名 Phiên
sứ Chu lang thụ trọng danh.
妻子豈應關大計 Thê tử
khởi ưng quan đại kế,
英雄無奈是多情 Anh
hùng vô nại thị đa tình.
全家白骨成灰土 Toàn
gia bạch cốt thành khôi thổ,
一代紅妝照汗青 Nhất
đại hồng trang chiếu hãn thanh.
君不見 Quân
bất kiến
館娃初起鴛鴦宿 Quán
oa sơ khởi uyên ương túc,
越女如花看不足 Việt
nữ như hoa khán bất túc.
香徑塵生鳥自啼 Hương
kình trần sinh điểu tự đề,
屐廊人去苔空綠 Ðiệp
lang nhân khứ đài không lục.
換羽移宮萬里愁 Hoán
vũ di cung vạn lý sầu,
珠歌翠舞古梁州 Chu
ca thúy vũ cổ Lương Châu.
為君別唱吳宮曲 Vi
quân biệt xướng Ngô cung khúc,
漢水東南日夜流 Hán
thủy đông nam nhật dạ lưu.
Triều đại nào sụp đổ cũng có những dấu hiệu
báo trước. Một vì vua hèn kém thích hưởng thụ, triều chính rối loạn, sưu cao
thuế nặng, dân chúng đói khổ, quan lại tham nhũng... để rồi đưa đến cảnh loạn lạc
nổi lên như rươi. Thế nhưng khung cảnh chính trị của cuối đời Minh bên cạnh những
yếu tố nội tại còn có nhiều yếu tố khách quan mang xu thế thời đại mà người
chép sử lắm khi bỏ qua. Sự thay đổi từ một triều đình của người Hán sang tay một
triều đình dị tộc ngoài quan ải chắc chắn không phải chỉ vì sắc đẹp của một kỹ
nữ như Kim Dung đã chép trong Lộc Ðỉnh Ký. Giữa sử sách và tiểu thuyết đôi khi
khác nhau một trời một vực.
LỊCH SỬ
Triều Minh khởi đầu khi Minh Thái Tổ Chu
Nguyên Chương đuổi được người Mông Cổ lên ngôi hoàng đế năm 1368, niên hiệu Hồng
Võ và chấm dứt khi vua Tư Tông, niên hiệu Sùng Trinh thắt cổ chết năm 1644, tổng
cộng 276 năm bao gồm 18 đời. Tuy sau đó còn một số hậu duệ họ Chu tiếp tục chiến
đấu xưng vương xưng đế nhưng không được coi là chính thống. Sự thành công của
Chu Nguyên Chương được nhiều sử gia đánh giá là do quân đội nghiêm minh và có
tài tổ chức. Minh Thái Tổ cũng làm vua một thời gian khá dài (1368-1398) nên
xây dựng được một cơ cấu chính quyền qui mô làm nền tảng cho đế quốc Ðại Minh.
Tuy nhiên, ngay từ đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc) thì triều chính đã có phần suy
bại và liên tiếp 150 năm sau đó, triều Minh càng lúc càng xuống dốc.
Triều đình
Ðời Minh khác với những triều đại khác là
hoạn quan được trọng dụng mặc dầu ngay từ đầu, Chu Nguyên Chương đã có chỉ thị
con cháu không được tin dùng thị thần, đồng thời giảm thiểu vai trò của các văn
quan, gia tăng quyền lực cho hoàng đế.
Ðứng đầu của lục bộ là Trung Thư Lệnh, một
chức vụ tương đương như thừa tướng của các triều đại trước nhưng bị tiết giảm
nhiều, chỉ còn là một cơ quan hành chánh. Năm 1380, vua Hồng Võ giết Hồ Duy
Dung (胡維庸) và bãi bỏ cơ cấu
này vì e ngại quyền hành của Trung Thư Lệnh có thể ra ngoài tầm kiểm soát đưa đến
việc soán ngôi. Trong một chiếu chỉ, Minh Thái Tổ viết rõ là”nếu sau này người
nào đưa ra ý kiến lập lại chức thừa tướng thì kẻ đó sẽ bị lăng trì, toàn tộc
tru di”.[8]
Tuy các đại học sĩ có thể có nhiều quyền
hành nhưng vẫn tuỳ thuộc vào sự tin cậy và chọn lựa của nhà vua nên không thể
nào can gián hay khuyến nghị một khi thiên tử phạm sai lầm. Bên cạnh vua có Nội
Các (Grand Secretariat), trên danh nghĩa cũng lớn nhưng thực tế chỉ là một số
thư ký của hoàng đế, cấp bậc thấp kém (ngũ phẩm). Càng về sau, nhà vua càng ỷ lại
vào đám cận thần này để thay mình lo việc triều chính nên họ tìm mọi cách để
gia tăng quyền hành trên thực tế.
Một trong những nguyên nhân suy vi của triều
Minh là nạn hoạn quan chuyên quyền. Nhà Minh tuyển hoạn quan theo bốn cách:
- Mỗi khi đem quân đi chinh phục các bộ lạc
thiểu số hay các quốc gia chung quanh, nhà Minh chủ trương một đường lối diệt
chủng rất tàn ác. Ngoài việc chém giết rất dã man, quân Minh còn bắt đi rất nhiều
thanh, thiếu niên đem về làm hoạn quan phục vụ trong triều. Ngay nước ta cũng
có nhiều hoạn quan bị bắt buộc sinh sống tại kinh đô trong đó Nguyễn An là một
kỹ sư nổi tiếng, đóng góp nhiều công lao trong việc hoạ kiểu và kiến tạo thành
Bắc Kinh. Hai người khác cũng thuộc dân tộc thiểu số mà chúng ta nghe danh là
Trịnh Hoà và Uông Trực.
- Triều đình nhà Minh cũng bắt các phiên thuộc
hàng năm phải triều cống một số hoạn quan trong đó nước ta và Triều Tiên là hai
quốc gia chính, có lẽ vì hình dáng người Việt và người Cao Ly gần gũi với người
Hán hơn cả.
- Một số tội nhân và thân tộc của những người
bị hình án cũng bắt buộc phải thiến để nhập cung làm quan thị.
- Ðông hơn hết là những trẻ em con nhà nghèo
phải bán mình vào cung, tự nguyện yêm cát coi như một nghề sinh nhai.
Ngay từ đầu, Minh Thái Tổ đã cho khắc một tấm
bia ngay trước cung điện, ghi rõ:”Hoạn quan không được tham dự triều chính,
ai vi phạm sẽ bị tử hình”. Về sau ông lại còn nghiêm khắc hơn ra lệnh không
cho hoạn quan mặc triều phục và không được cao hơn tứ phẩm.
Thế nhưng ngay sau khi ông qua đời, vua Vĩnh
Lạc cướp ngôi của cháu (vua Kiến Văn) vì có đám nội thị làm tay trong nên đã
thay đổi chính sách, ban cho hoạn quan tước vị và giao cho họ cả những nhiệm vụ
quân sự. Số hoạn quan được tuyển dụng cũng tăng vượt mức từ trước tới giờ và đời
Vạn Lịch ngay tại kinh đô có đến trên 10,000 người. Vì vua chúa suốt ngày ở
trong cung cấm, hoạn quan trở thành đường dây duy nhất truyền đạt mệnh lệnh và
tin tức giữa hoàng đế và các quan nên vai trò của họ thành quan trọng. Những ai
muốn được lòng nhà vua đều phải thông qua thái giám trước.[9]
Từ cuối thế kỷ XVI thì hoạn quan càng lúc
càng nhiều quyền hành, lập nên Ðông Xưởng để khống chế binh quyền và tra tấn
các quan lại chống lại họ. Quyêàn hành của hoạn quan càng lúc càng lớn, về sau
tham dự vào cả quyết định của nhà vua. Các vương tử cũng cấu kết với hoạn quan
để làm giàu, trở thành một giai cấp quí tộc sống xa xỉ và cách biệt với quần
chúng. Tài sản của nhiều thân vương và hoạn quan lên đến mức không thể tưởng tượng
nổi trong khi ngoài đường dân chết đói.
Quân sự
Ðầu đời Minh, tổ chức binh bị của Trung Hoa
khá chu đáo và có nhiều cải tiến về huấn luyện cũng như về trang bị. Nhà Minh tổ
chức theo phép gọi là”vệ sở cheá”tương tự như”phủ binh cheá”đời
Ðường. Mỗi đơn vị gọi là một sở có 1128 người, bốn sở thành một vệ vào khoảng 5600
người. Những đơn vị đó được chia ra trấn giữ những khu vực hiểm yếu, nhiều vệ họp
lại dưới quyền một đô chỉ huy sứ là chức võ quan cao cấp nhất tại địa phương.
Tất cả các vệ sở trong toàn quốc đặt dưới
quyền của Ngũ Quân Ðô Ðốc Phủ nhưng phủ Ðô Ðốc lại do Bộ Binh điều động trong
thời chiến. Nói tóm lại Bộ Binh đưa ra mệnh lệnh và các nguyên tắc, phủ Ðô Ðốc
chỉ làm nhiệm vụ thi hành. Việc điều động quân đội từ vùng này sang vùng khác,
đề cử cấp chỉ huy mỗi khi có chiến dịch cốt để tránh việc tập trung quyền hành
vào một cá nhân gây ra nạn chuyên quyền như trong các triều đại cũ.
Nhà Minh cũng phối hợp binh chế với hệ thống”đồn
điền”là phép nuôi binh mà người Trung Hoa đã dùng từ xưa. Mỗi binh sĩ được
cấp phát một số ruộng đất, cả nông cụ để tự canh tác và nuôi sống bản thân, gia
đình để nhẹ gánh cho quốc gia. Việc phối hợp đó khiến cho nhà Minh vừa có thể
dãn dân ra những nơi đất rộng người thưa, vừa gia tăng canh tác và sản xuất.
Theo Minh Sử, 70% quân sĩ đóng ở biên giới làm nghề nông trong khi chỉ có 30%
đóng vai trò canh gác còn trong nội địa thì số binh sĩ trở về làm ruộng lên đến
80%.
Chính vì hệ thống này, nhà Minh có đến hơn
một triệu quân, sản xuất ra được hơn 5 triệu đản[10] gạo, không những
đủ ăn mà còn có thể nuôi cả các cấp chỉ huy. Mỗi lần viễn chinh, nhà Minh cũng
có thể điều động một đội quân khá lớn mà các triều đại khác không thể bì kịp,
chẳng hạn như đem 25 vạn quân đánh chiếm Vân Nam (Ðại Lý cũ) năm 1382 rồi năm
1406 lại đem hơn 20 vạn quân sang đánh nước ta (sử nhà Minh chép là tổng số
quân điều động lên đến 80 vạn, có lẽ gộp chung cả việc đánh Miến Ðiện, Lan Na
và Vân Nam).[11]
Ngoài phép”đồn điền”, nhà Minh còn
áp dụng phép”khai trung”là việc cho phép một số thương gia được buôn bán
và phân phối muối để đảm phụ cho những binh lính đóng dọc theo biên giới vì những
khu vực này đất đai không được màu mỡ như trong nội địa.
Tuy nhiên chỉ sau khi nhà Minh được thành lập
vài chục năm, quân đội không còn uy thế như lúc đầu mà dần dần trở thành một loại
sai dịch cho triều đình và quan lại. Các quan địa phương cũng dần dần coi sóc
luôn cả việc binh bị và những chức vụ văn võ càng ngày càng chồng chéo lên nhau
khiến cho việc điều động trở nên khó khăn và phức tạp.
Nhà Minh lại chia quân đội ra làm hai loại:
Ở hai kinh (Nam Kinh và Bắc Kinh) có nội vệ hay kinh vệ còn ở bên ngoài có ngoại
vệ đóng rải rác khắp nơi trên toàn quốc. Nội vệ bao gồm ba doanh: Ngũ Quân
Doanh, Tam Thiên Doanh và Thần Cơ Doanh. Ngũ Quân và Tam Thiên được tổ chức khi
đánh nhau với Mông Cổ còn Thần Cơ Doanh tức binh đội chuyên sử dụng súng đại
bác được tổ chức từ sau khi chiếm được nước ta và nhà Minh đã thu được một số
súng ống của nhà Hồ, bắt chước chế tạo để thành lập ra đội quân này[12].
Chính một kỹ sư có tài người nước ta là Hồ Nguyên Trừng, con trai lớn của Hồ
Quí Ly, đã bị bắt giải về Bắc Kinh để trông coi việc chế tạo súng ống trang bị
cho Thần Cơ Doanh.[13]
Kinh quân lên đến cao điểm thời Thành Tổ
(Vĩnh Lạc) khoảng 1 triệu quân và đã đánh với Mông Cổ sáu lần từ năm 1403 đến
1435. Thế nhưng sau đó đoàn quân này bị thảm bại và trong trận Thổ Mộc Bảo năm
1449 bị giết sạch chỉ còn chưa đầy một vạn. Chính vua Minh lúc đó là vua Anh
Tông (Chính Thống) cũng bị bắt làm tù binh, người em lên nối ngôi tức vua Thái
Tông (Cảnh Thái).
Cũng như nhiều triều đại khác, nhà Minh rất
e ngại việc các dân tộc miền bắc trở thành một lực lượng đe dọa nên ngoài việc
tu bổ trường thành, triều đình cũng tập trung một lực lượng phòng vệ thường trực
rất lớn đóng dọc theo biên cảnh tới sát tận Liêu Ðông vòng qua Bắc Hải. Vào thế
kỷ thứ XV, họ có đến 25 địa điểm đồn trú (vệ sở) nhưng đến thế kỷ thứ XVI thì về
phẩm lẫn lượng càng ngày càng kém dần, nhiều đơn vị chỉ còn là những đội quân
ma chỉ hiện hữu trên giấy tờ. Nhà Minh lúc này phải trông cậy vào những phiên
trấn (frontier feudalism) – một loại chúa tể của từng vùng để chống giữ. Những
lãnh chúa đó được cha truyền con nối và trên danh nghĩa họ là quan chức triều
đình nhưng thực tế quân đội là thân binh riêng của họ.
Kinh nghiệm của quá khứ cho thấy người
Trung Hoa rất sợ những bộ tộc vùng bắc trường thành có thể kết hợp được với
nhau để thành một lực lượng thống nhất và họ có thể xâm lăng miền nam. Thành thử
cũng như nhiều triều đại trước đây, nhà Minh tìm đủ mọi cách để chia rẽ và mỗi
bộ tộc coi như một tiểu quốc chư hầu. Nếu có ai trở nên vượt trội thì họ sẽ tìm
một thế lực khác cùng được phong tước hiệu làm miếng mồi nhử cho họ cấu xé lẫn
nhau. Chính sách chia để trị đó đã giữ Trung Hoa được yên ổn trong một thời
gian khá lâu.
Từ đời Vạn Lịch, hầu hết các vệ sở được coi
như những đoàn lính đánh thuê (mercenaries). Trên giấy tờ, tổng số quân vào khoảng
gần một triệu trong đó khoảng 30 vạn trấn đóng biên phòng, 60 vạn còn lại đóng ở
hai kinh và các tỉnh nhưng khả năng cũng như lương bổng đều thấp kém. Nhiều lần
chính binh sĩ nổi lên giết quan lại và cướp bóc dân chúng vì không được trả
lương, các võ quan thì”tống tiền”văn quan để có đủ chi phí[14].
Albert Chan miêu tả quân đội nhà Minh như sau:
Nói chung, quân lính đánh thuê của nhà Minh
cũng kém cả về phẩm (low quality). Họ được trưng binh từ dân nghèo, bọn vô lại
du thủ du thực, và về sau cả đến bọn cướp nữa. Họ cũng chẳng được huấn luyện
quân sự bao nhiêu, thành ra chẳng có kỷ luật. Lương đã thấp mà trang bị lại kém
cỏi nhưng triều đình không còn biết sao nếu không dựa vào họ.
Ngay cả đến quân đội trấn đóng tại kinh
thành – vốn dĩ là thành phần tinh nhuệ nhất – cũng chẳng hơn gì:
Trên giấy tờ thì kinh doanh (京營) vào khoảng 120,000 người nhưng một nửa số đó không có mặt, còn lại
là thành phần lưu manh, không thể nào tin cậy để bảo vệ kinh thành được một khi
có chiến tranh. Triều đình cũng không dám cải tổ hay huấn luyện gì cả, e ngại họ
nổi loạn.[15]
Trong nhiều trường hợp, danh sách lính chỉ
có trên giấy tờ, khi quân đội được điều động đến nơi trú đóng đều trốn cả. Việc
triều đình không tin cậy vào lính, lính mất niềm tin ở cấp trên đã trở thành một
trong những nguyên nhân chính yếu về sự thoái trào của nhà Minh vào thế kỷ
XVII.
Vũ khí
Nhà Minh đã có một thời đạt được những
thành tựu đáng kể về phát triển hoả khí, điển hình là việc xâm lăng Ðại Việt
trong đó quân Minh sử dụng nhiều loại vũ khí nặng. Chiến tranh luôn luôn tạo
nên những nỗ lực cải tiến về quân sự và việc người Mông Cổ xâm chiếm Trung Hoa
đã đưa đến nhiều thành tựu mới cho cả hai phía. Ngay cả các quốc gia vùng Ðông
Nam Á, trong đó có nước ta, cũng đã chủ động nhiều canh tân quốc phòng nhất là
về hải phòng nên đánh bại được đoàn quân viễn chinh vào cuối thế kỷ XIII.
Ngoài việc tổ chức được một đạo quân có lưu
động tính cao, người Mông Cổ cũng sử dụng nhiều loại súng bắn đá và thuốc nổ để
công hãm thành trì và kỹ thuật chế tạo súng được nhà Minh kế thừa (kể cả việc họ
thu dụng những kỹ thuật tối tân hơn của vùng Ðông Nam Á trong đó có Hồ Nguyên
Trừng là một kỹ sư cơ giới có tài của nước ta). Chính vì thế mà thế kỷ XIV được
nhiều nhà nghiên cứu coi như một thời kỳ cách mạng quân sự (military
revolution) của Trung Quốc.[16]
Cuộc cách mạng đó phát xuất từ nhu cầu
trang bị cho hải thuyền để có thể tấn công từ xa thay vì cận chiến, khởi đầu từ
đời Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) khiến người Trung Hoa đã có một thời nổi tiếng
trên mặt biển.[17]
Vào thế kỷ XV, các chiến thuyền của họ đã trang bị 50 súng ống đủ loại
cùng 1000 viên đạn. Thế nhưng dù họ có nhiều tàu bè lớn nhưng hải quân nhà Minh
lại không thể đối phó hữu hiệu với cướp biển vì cồng kềnh và khó tiếp vận khi
đã ra khơi và điều đó khiến cho họ mất tin tưởng vào súng ống nên lại quay trở
về với vũ khí cổ điển và chiến tranh trên bộ.[18]
Tới trung điệp nhà Minh, vũ khí của họ dần
dần bị lạc hậu và họ phải dựa vào súng ống mua của người Bồ Ðào Nha để phòng ngự
miền bắc.
“... Loại súng thần công mạnh có xuất xứ từ
hồng di (red-haired barbarians). Người di Hào Kính Áo (濠鏡澳) (tức người Bồ Ðào Nha ở Macao) ở Quảng Ðông biết cách làm. Trời
đã thương chúng ta nên mới có bọn di ở Áo giúp ta giữ thành...”[19]
Thế nhưng người Mãn Châu cũng tìm cách để
mua súng ống của Tây phương và nhờ thế họ chiến thắng quân Minh, tịch thu được
nhiều súng ống. Theo một báo cáo của quan nhà Minh thì”bọn đông di đã lấy mất
5, 60 khẩu súng và vài triệu cân thuốc nổ để thực tập và đánh lại quân ta (tức
quân Minh)...”. Cũng theo tấu thư này thì Nurhaci (1559-1626) nhà Thanh có
dưới tay 2 vạn lính và tìm đủ cách để trang bị cho họ.[20] Và nào phải chỉ kẻ thù từ
bên ngoài mới có nhiều súng ống, chính những đám lưu khấu[21] nổi lên ở trong nước cũng
được trang bị hùng hậu. Lạ lùng nhất, Trương Hiến Trung có đủ loại vũ khí mua
được từ... Việt Nam.[22]
Năm 1640 khi quân nổi dậy tấn công Sơn Ðông
họ cũng có rất nhiều súng và ở Bộc Châu (濮州) quân Minh tịch thu được 203 khẩu đại pháo
và hơn 500 súng tay. Năm 1642, Tả Lương Ngọc bị Lý Tự Thành đánh bại chỉ vì hoả
lực kém đối phương.
Súng thần công của quân Thanh
Kinh tế - Xã hội
Cuối đời Minh, để có đủ ngân sách chi phí
cho chiến tranh, nhà Minh nhiều lần gia tăng thuế khoá, gọi là Liêu hướng (tiền
để đánh quân Liêu -遼餉), tổng cộng chỉ
trong ba năm đời Vạn Lịch đã lên tới 5,200,000 lượng bạc. Ðến khi lưu khấu nổi
lên thì triều đình lại đánh thuế mới gọi là tiễu hướng (勦餉) 2,800,000 lượng và luyện hướng (鍊餉) 7,300,000 lượng. Tổng số trước sau lên đến
16,950,000 lượng bạc.[24]
Theo báo cáo của triều đình, trong khoảng từ 1480 đến 1520 chi phí biên phòng
vào khoảng 430,000 lượng hàng năm nhưng tới đời Gia Tĩnh (1522-1566) con số lên
đến 1,100,000 lượng, còn đời Long Khánh lên đến 2 hoặc 3 triệu lượng.[25] Vậy
mà cũng chưa đủ nên nhiều khi Bộ Binh phải mượn tiền các nơi khác để mua ngựa
chiến. Người ta tính ra có đến 1/3 lợi tức quốc gia được dùng để chi trả cho
binh bị.
So sánh với đời Chính Thống trở về trước, mức
thuế gia tăng đến 7, 8 lần, gây ra cảnh dân cùng tài tận, từ đó thành loạn lạc.
Binh sĩ có khi đến 6, 7 tháng không có lương, riêng Diên Tuy (延綏) thì hai năm rưỡi chưa được trả.[26]
Riêng các vùng Thiểm Tây, Diên An người dân
đói quá phải ăn cả vỏ cây và đất, có nơi ăn thịt trẻ con. Sử chép rằng dưới đời
Thành Hoá, nhiều vùng cả nghìn dặm bỏ hoang, người chết đầy đồng, không biết
bao nhiêu mà kể. Ðời Gia Tĩnh ba năm đại hạn, đi hơn một trăm dặm không nghe một
tiếng gà gáy, cha con vợ chồng đổi cho nhau để ăn thịt (hỗ dịch nhất bão - 互易一飽) nên gọi là chợ người (nhân thị - 人巿).[27] Người dân lúc
nào cũng nơm nớp lo sợ vì có thể bị vu oan giá hoạ để tống tiền như gia đình
nàng Kiều đời Gia Tĩnh mà chúng ta đã quen thuộc qua tác phẩm của Nguyễn Du.
Tình hình trở thành một cái vòng luẩn quẩn,
giặc giã nên phải tăng thuế, tăng thuế dân chúng đói khổ, binh lính đào ngũ đi
làm giặc. Vậy mà triều đình vẫn đổ tiền ra chi phí vào những việc đâu đâu, chẳng
hạn như lễ đăng quang của vua Sùng Trinh đã chi hết 2 triệu rưỡi lạng bạc để
khao quân (mỗi người lính 2 lạng bạc). Nhiều tướng lãnh khai số quân tăng vọt
chỉ cốt để thâm lạm tiền của triều đình.
Theo qui chế, ruộng của các vương tử và các
quan lại được miễn thuế. Theo giáo sĩ Mateo Ricci thì:
Những người có liên hệ huyết thống với
hoàng gia đều được trợ cấp bằng tiền của quần chúng. Hiện nay số người đó tính
ra khoảng trên 60,000 và vẫn tiếp tục tăng lên, đủ biết gánh nặng là chừng nào.
Những người đó không giữ chức vụ hành chánh, chỉ sống một cuộc đời nhàn hạ và
hoang đàng...[28]
Nói chung, tình hình Trung Hoa vào giữa thế
kỷ thứ XVII là một tình hình hết sức bi đát. Nạn đói xảy ra khắp nơi, cộng thêm
loạn lạc và thiên tai khiến cho ruộng bỏ hoang rất nhiều. Năm 1645, số ruộng
cày cấy của cả nước Tàu là 405,690,504 mẫu (khoảng 66,800,000 acres) chỉ bằng
35% số ruộng canh tác năm 1602 là 1,161,894,881 mẫu (176,000,000 acres)[29]. Chín
mươi phần trăm dân chúng tại nông thôn không có ruộng đất chỉ là tá điền.
Cũng theo giáo sĩ Ricci thì những người
không nuôi nổi con đều đem bán chúng làm nô lệ. Người ta bán cho người cùng xứ
đã đành mà còn bán cho các thương nhân Bồ Ðào Nha hay Tây Ban Nha để đưa ra nước
ngoài. Ông ta cũng ghi nhận một tệ trạng rất độc ác của người Trung Hoa (còn
lưu lại đến tận ngày nay) là việc giết những hài nhi nữ (female infants) bằng
cách trấn nước cho chết.
Nhà Minh trong những năm cuối cùng tứ bề thọ
địch. Những cuộc nổi dậy liên tiếp khiến cho binh lực bị phân tán không còn đủ
sức chống giữ những vị trí hiểm yếu. Không chỉ cứ người Hán, những dân tộc sống
tại các vùng biên giới phía tây và phía nam cũng nổi lên chống lại triều đình,
thành phần thực là phức tạp. Một số đông lại chính là tướng lãnh cấp nhỏ và
binh sĩ đào ngũ vì quá cơ cực và lương bổng bị xén bớt. Thành phần đó chủ yếu lại
chính là những người trấn đóng ở biên tái để ngăn chặn các giống rợ từ phương bắc
và phương tây nên vô hình chung mở lối cho ngoại tộc tấn công. Nhà Minh vừa giảm
thiểu binh sĩ lại gia tăng cường khấu nghĩa là vừa cả thù trong lẫn giặc ngoài.
NHỮNG VỤ NỔI DẬY CUỐI ÐỜI MINH
Năm 1633 tình hình xã hội và kinh tế của
Trung Hoa trở nên cực kỳ bi đát. Nông nghiệp ở miền Nam sút giảm nghiêm trọng.
Trước đây, triều đình nhà Minh thường trông cậy vào sản lượng từ phương nam để
cung cấp cho kinh đô, mỗi năm khoảng 4 triệu thạch gạo, đến nay thì không còn nữa.
Tình trạng khó khăn đó hiện hữu từ đời Vạn Lịch, đến đời Sùng Trinh thì không còn
cách gì cứu vãn nữa.
Những tỉnh miền bắc lại luôn luôn bị các giống
dân du mục như Mông Cổ, Nữ Chân (Mãn Châu sau này) từ quan ngoại vào xâm chiếm,
trong triều thì hoạn quan gần như thao túng mọi quyền lực. Người dân không đủ
ăn nên không cách gì đóng thuế, quan lại nhũng nhiễu khiến cho một số đông phải
bỏ nhà đi theo những đám giặc.
Nhiều tỉnh trù phú dọc theo duyên hải và
sông Dương Tử, các vùng Dương Châu, Thông Châu lại bị hải khấu vào cướp bóc khiến
các thương nhân buôn muối, khai thác hầm mỏ nay không còn cách gì sinh sống
cũng trở thành ăn cướp.
Trong số những đám”giặc”cuối đời
Minh, hai tay kiệt hiệt nhất là Trương Hiến Trung (張獻忠) và Lý Tự Thành (李自成) mà các sử gia Hoa lục vẫn đề cao như”nông
dân khởi nghĩa”.
Trương Hiến Trung (1606-1647)
Trương Hiến Trung sinh năm 1606, người gốc
Thiểm Tây (陝西), thuở trẻ làm lái
buôn, sau làm một chức quan nhỏ. Ðầu đời Sùng Trinh, Trương theo Cao Nghinh Tường
(高迎祥) cho tới năm 1636 khi họ Cao bị triều đình
bắt được đem ra xử tử thì tự lập riêng một cõi. Tuy nhiên trong hai năm liên tiếp,
quân của Trương bị quân Minh đàn áp nên năm 1638 y phải về hàng nhưng chỉ ít
lâu sau lại nổi dậy.
Trong một thời gian ngắn, lực lượng của
Trương Hiến Trung bùng lên rất mạnh, có lúc dưới tay đến vài chục vạn quân, làm
chủ một vùng rộng đến vài tỉnh. Ðến mùa thu năm 1641, Trương Hiến Trung bị Tả
Lương Ngọc (左良玉) đánh bại suýt nữa
thì bị bắt sống. Thế nhưng chỉ đến cuối năm, họ Trương lại tập hợp được với một
bọn giặc ở An Huy và lực lượng lại phát triển rất nhanh chóng. Việc Trương Hiến
Trung và Lý Tự Thành cứ bị đánh gần tan lại trỗi dậy được một phần cũng vì
chính sách của nhà Minh muốn chiêu an nên khi nào suy yếu thì họ lại ra hàng để
xây dựng lực lượng đến khi đủ mạnh lại nổi lên.
Năm 1643, y đưa quân về Hán Dương và Vũ
Xương cướp phá cung điện của Sở vương Chu Hoa Khuê (朱華奎) lấy được rất nhiều tài vật. Theo Bình
Khấu Chí, quyển 6 thì Trương”thu hết mấy trăm vạn lượng vàng bạc trong
cung, vài trăm xe chở không đủ”[30]. Sở vương và toàn gia bị giết,
Trương Hiến Trung tự xưng là Ðại Tây Vương. Thế nhưng chỉ ba tháng sau, Trương
Hiến Trung lại bị đánh bại phải chạy về Tràng Sa mặc dầu vẫn giữ đế vị và bắt đầu
xây dựng đền đài cung viện. Năm 1644, họ Trương chiếm được Thành Ðô thuộc tỉnh
Tứ Xuyên, chọn nơi đây làm kinh đô.
Ở đây, Trương Hiến Trung thiết lập một
chính quyền với đầy đủ các cơ quan như một triều đình thực sự, mở khoa thi, đúc
tiền... để tính kế lâu dài. Theo sử sách Trung Hoa thì Trương Hiến Trung chỉ là
một tên giặc lớn, tàn nhẫn và khát máu nhưng đối với một số giáo sĩ ngoại quốc
đã sống tại Trung Hoa thời đó thì y lại được đánh giá khá cao. Theo tường thuật
của Thomas Ignatius Dunin Spot trong”Collectanea Historiae Sinensis 1641 ad
1700”(tài liệu của Society of Jesus tại Rome) thì:
... Trương cai trị khá cởi mở, công bằng và
rộng rãi nên nhiều quan lại nổi tiếng cả văn lẫn võ được lòng và rời những nơi ẩn
lánh để ra cộng tác với y. Và chắc chắn y có nhiều đức tính – nếu không bị tật
hay nổi nóng, thiếu khoan dung với những hành vi tàn nhẫn rất thú vật, thiếu
nhân tính – thì quả thực là kẻ trời sinh ra để làm hoàng đế.[31]
Nói về thể lực, Trương Hiến Trung”thân
hình cao mà gầy, mặt vàng, râu dài một thước sáu tấc”, có sức khoẻ hơn người
nên vẫn được thủ hạ gọi là”con hổ vàng”(hoàng hổ - 黃虎)[32]. Y cũng nổi tiếng là có biết
đôi chút chữ nghĩa, mưu trí hơn người. Mỗi khi Trương Hiến Trung đánh chiếm nơi
nào y đều dùng một số tài vật thu được đem phát cho dân chúng để thu phục nhân
tâm, chính vì thế nên số người đi theo rất đông. Khi lấy được Tràng Sa, Trương
Hiến Trung miễn thuế cho dân ba năm. Ngoài ra, Trương Hiến Trung còn thiết lập
được một hệ thống tai mắt làm tình báo và nội ứng rất hiệu quả. Mỗi khi đến
đâu, y liền phái người đi khắp chúng quanh 200 dặm để dò thám, mỗi dặm phải cử
người quay trở về báo tin nên dù bên địch hay bên bạn, y đều nắm rất vững.
Trước khi công thành, Trương Hiến Trung sai
người giả dạng làm sư sãi, đạo sĩ, thương nhân hay khách phương xa trà trộn vào
trước. Vào đến nơi, họ sẽ tung tiền ra để mua chuộc các thành phần bất hảo làm
nội ứng. Nếu bắt được một nhân vật quan trọng nào ở ngoài thành, Trương Hiến
Trung luôn luôn cho tìm hiểu thật cặn kẽ về gia thế, sinh hoạt, sau đó sai người
giả vờ đi theo vị quan đó đưa tù nhân vào trong thành rồi ra tay.[33]
Cũng có khi y làm giả các văn thư của triều
đình và nhiều thành thị đã rơi vào tay y. Về sau Minh triều phải dùng một loại
ám hiệu đặc biệt trên các văn thư để tránh sự mạo hoá. Nhiều lần, Trương Hiến
Trung cho thủ hạ ăn mặc như y phục quan quân triều đình, giả bại trận đang bị
truy kích. Nhiều thành thị không ngờ nên mở cửa thành đón vào rồi bị họ làm nội
ứng nên trở tay không kịp.
Một hình thức thông dụng khác là dùng trẻ
con để do thám hay loan truyền những tin tức có lợi cho mình. Trương Hiến Trung
cũng tìm cách làm cho lòng người kinh động, chẳng hạn như lén bỏ phẩm đỏ vào
các hồ ao và hào chung quanh thành giả làm điềm báo hiệu triều Minh sắp cáo
chung, hay cho một đám trẻ con kêu khóc lúc canh khuya, in những bàn tay máu
lên nhà cửa trong thành. Những bài đồng dao, những lời sấm truyền là vũ khí
đánh vào quần chúng rất hiệu quả. Những chiến dịch đó không phải chỉ một vài
ngày mà có khi nhiều tháng luôn luôn thay đổi để cho binh lính và dân chúng
hoang mang. Phải nói rằng họ Trương rất tinh thông chiến tranh tâm lý, có lẽ do
ảnh hưởng của những bộ tiểu thuyết lịch sử đời Minh như Tam Quốc Chí, Thuỷ Hử...
khá phổ biến trong thời kỳ này.
Một kỹ thuật cũng rất... thâm hiểm của lưu
khấu là mỗi khi chiếm được thành trì nào, Trương Hiến Trung bắt trẻ con nơi đó
làm đồ tể để tàn sát các tù binh, đứa nào không chịu thi hành đều bị giết. Tập
trẻ con chém giết cho quen với máu chảy thịt rơi, gia tăng ác tính, mặt khác cốt
để một khi đã nhúng tay vào máu thì không thể quay trở về đời sống bình thường
được.[34]
Sau khi đã ràng buộc được họ, Trương Hiến Trung bắt đầu tổ chức huấn luyện
chủ yếu là kỵ thuật (horsemanship) và các kỹ thuật chiến đấu đồng thời”đoàn
ngũ hoá”thành một đội quân gọi là tôn nhi quân (孫兒軍).[35]
Những kế hoạch tâm lý và bổ xung lực lượng
đó không những khiến cho Trương Hiến Trung gia tăng thanh thế một cách mau chóng
mà còn gây dựng được nhiều căn cứ hậu phương khiến cho người dân những vùng đã
chiếm được dù sau này có bị quân triều đình tái chiếm thì cũng không còn như
xưa và quan với dân trở thành thù nghịch.
Sau khi thành lập một triều đình ở Thành Ðô,
để ngăn ngừa những lời dèm pha hay phê phán về y, Trương Hiến Trung tung ra rất
nhiều do thám, một số đông là trẻ con, trà trộn trong dân chúng. Không những cá
nhân người không đồng ý với chính quyền mới mà thường thì toàn gia bị cáo cũng
bị xử tử. Nỗi kinh hoàng reo rắc khắp nơi nên người trong nhà cũng không dám
nói chuyện khi gặp nhau ở ngoài đường. Không khí nghi kỵ càng làm cho người dân
ghê sợ vì ở đâu cũng nhìn thấy nguy hiểm và không biết ai đang làm việc cho loạn
quân.
Nhờ chính sách triệt để như thế, Trương Hiến
Trung tập trung được một tài sản kếch sù để mua khí giới, đạn dược. Năm 1644, họ
Trương tiến đánh Trùng Khánh nhưng bị kháng cự mãnh liệt. Sau khi chiếm được
thành rồi, họ Trương ra lệnh tàn sát để trừng trị. Trên mười ngàn người bị cắt
mũi, cắt tai, chặt tay rồi lôi đi các nơi để làm gương cho kẻ khác. Theo sách Tội
Duy Lục (罪惟錄) dù nơi nào chỉ
kháng cự một đôi ngày, khi loạn quân chiếm được thì ít ra một phần ba, một phần
tư cũng bị giết, chỉ nơi nào biết thế đầu hàng ngay mới được yên. Còn như kháng
cự từ sáu ngày trở lên thì khi vào thành, họ Trương sẽ ra lệnh giết sạch, không
chừa một ai. Chính vì thế nhiều nơi vừa thấy loạn quân kéo đến là mở cửa kéo cờ
trắng.[36]
Sự tàn nhẫn của Trương Hiến Trung được ghi
chép trong sách vở và những câu chuyện người ta còn truyền lại. Trong một lần bị
ốm nặng, Trương nguyện rằng nếu trời thương mà khỏi bệnh, y sẽ tạ thiên ân bằng
hai”ngọn nến trời”(heavenly candles). Không ai hiểu y muốn nói gì nhưng
khi y hồi phục, Trương ra lệnh cho chặt chân rất nhiều phụ nữ chất thành hai đống
lớn. Hai bàn chân một tiểu thiếp của y được đặt trên cao làm bấc rồi sau đó đổ
dầu lên thắp thành hai cây nến trời.[37]
Câu chuyện này không biết có thực hay không
nhưng trước khi triệt thoái khỏi Tứ Xuyên, Trương Hiến Trung cho mở một khoa
thi rồi ra lệnh tru diệt tất cả sĩ tử ứng thí, tổng cộng lên đến mấy nghìn người.
Sự tàn nhẫn của Trương không phải chỉ đối với dân chúng mà cả với thủ hạ. Không
ít lần y tàn sát chính quân lính dưới quyền, không hiểu vì nghi họ mưu toan nổi
loạn hay vì mâu thuẫn. Cái chết của Trương Hiến Trung cũng đầy kịch tính. Cuối
năm 1646, khi quân Thanh do Haoge chỉ huy đuổi theo, Trương không tin rằng địch
có thể tiến nhanh đến thế. Khi biết ra, theo giáo sĩ Martini thì”... bản
tính dũng mãnh, y chạy vụt ra khỏi lều, chụp lấy một cây thương, đầu không
khăn, ngực không giáp cùng vài thủ hạ quan sát quân địch.”Trương Hiến Trung
và thủ hạ đụng độ với quân Thanh nơi một dòng suối và y bị một xạ thủ Mãn Châu
bắn chết.[38]
Sau khi y chết rồi, Lý Ðịnh Quốc, phó tướng
của Trương vẫn tiếp tục chiến đấu ở biên giới Vân Nam – Miến Ðiện và là một
trong những khuôn mặt nổi bật trong những nỗ lực chiến đấu chống lại người Mãn
Thanh khi mới vào trung nguyên.
Lý Tự Thành (1606-?)
Lý Tự Thành
(tranh mới ở Hoa Lục)
Qua tiểu thuyết kiếm hiệp và phim ảnh,
thanh niên Việt Nam có lẽ quen thuộc với cái tên Sấm Vương Lý Tự Thành hơn cả
những danh nhân nước ta trong lịch sử. Hình ảnh về Lý Tự Thành rất oai hùng vì
được chính quyền Trung Cộng miêu tả như một thủ lãnh nông dân khởi nghĩa, mẫu
người cách mạng đứng lên chống lại triều đình phong kiến. Thế nhưng có lẽ nét đậm
nhất vẽ cho họ Lý có lẽ là do Kim Dung trong Tuyết Sơn Phi Hồ với truyền
tụng bất hủ – giết một người (ta coi) như giết cha ta, làm nhục một người
(ta coi) như làm nhục mẹ ta – khắc trên thanh quân đao. Chúng ta thử xem
chính sử chép về ông ta như thế nào.
Lý Tự Thành người đất Thiểm Tây, cùng tuổi
với Trương Hiến Trung, nhũ danh Hoàng Lai Nhi (黃來兒), còn có tên là Hồng Cơ (鴻基). Có giả thuyết cho rằng Lý Tự Thành là
người Hồi (Mohammedan)[39].
Gia đình họ Lý giàu có, Lý Tự Thành đi học đến năm 14 tuổi thì bỏ học văn theo
nghề võ. Theo dã sử, Lý Tự Thành sức khoẻ hơn người, võ nghệ cao cường, cưỡi ngựa
bắn cung rất giỏi. Sau khi cha chết, Lý chia hết gia tài rồi bỏ đi làm một dịch
phu (người đưa thư ở dịch trạm) nhưng vì phạm tội nên phải trốn sang Cam Túc đăng
lính ở đó.
Lý Tự Thành tháo vát và can trường nên chẳng
bao lâu được lên một chức quan nhỏ nhưng vì một chuyện cãi vã sinh ra án mạng
khiến Lý Tự Thành và quân sĩ dưới quyền đào ngũ.
Năm 1631, Lý Tự Thành đi theo Cao Nghinh Tường
(Sấm Vương) khi ấy là một thủ lãnh phiến loạn. Năm 1635, Cao Nghinh Tường,
Trương Hiến Trung và Lý Tự Thành đem quân đánh vào Phượng Dương là cố kinh của
nhà Minh, đốt phá lăng miếu để chứng tỏ quyết tâm lật đổ đương triều. Trương Hiến
Trung đem quân qua mặt đông còn Cao và Lý quay trở về phương nam đánh với quân
Minh còn ở đó.
Năm 1636, Sấm Vương Cao Nghinh Tường bị tuần
phủ Thiểm Tây là Tôn Truyền Ðình (孫傳庭) đem quân phục kích tại Hắc Thuỷ Cốc bắt sống áp giải về Bắc Kinh xử
tử. Từ nay toàn bộ lực lượng thuộc về Lý Tự Thành – thừa hưởng luôn cả cái tên
Sấm Vương của Cao để lại[40] –
nhưng yếu đi nhiều. Năm 1638, quân của Lý Tự Thành bị đánh tan, chỉ mình ông ta
và 18 kỵ binh thân tín chạy thoát được, trốn vào trong núi Thương Lạc (商雒). Năm 1639, khi Trương Hiến Trung nổi lên ở
Hồ Bắc, Lý Tự Thành liền tới để hợp binh nhưng hai bên không hợp nên Lý phải
tách ra làm riêng. Vào thời kỳ đó, Hà Nam đang bị hạn hán, mất mùa, dân tình
đói kém”một đấu gạo giá cả vạn tiền”nên khi Lý Tự Thành khởi binh, từ thế
lực vài chục người khi ở trên núi, nay dưới tay có đến mấy vạn người đi theo.[41]
Một mưu sĩ rất có khả năng dưới tay Lý Tự
Thành là Lý Nham (李巖) khuyên Lý Tự
Thành đưa ra khẩu hiệu hứa hẹn sẽ giảm thuế cho dân chúng và phân chia lại đất
đai cho đồng đều[42]. Những
mục tiêu đó rất được lòng người, nhất là tại một khu vực dân chúng sống nghèo
khổ và bị bóc lột quá đáng bởi thành phần quí tộc và địa chủ như tại Hà Nam.
Người ta còn truyền tụng một bài hát có hai câu cuối như sau:
Mở toang cửa thành đón Sấm
Vương,
Sấm Vương đến đây không nạp
lương.[43]
Chỉ trong mấy tháng, quân của Lý Tự Thành
lên đến mấy chục vạn người.
Quân đao của Lý Tự Thành
Năm 1643, Lý Tự Thành chiếm được Hoàng Châu (黃州), tuyên bố miễn thuế trong ba năm. Nhiều nơi nghe tin lập tức tự nguyện đi theo khiến thanh thế họ Lý đại tăng. Ði đến đâu, Lý Tự Thành cũng bố yết cho dân chúng biết về sự xa hoa, nhũng lạm của quan lại nhà Minh, nhất là tình trạng sưu cao thuế nặng. Phải nói là những gì Lý Tự Thành đưa ra vào giai đoạn này quả là cách mạng, hợp lòng dân và đáng làm kiểu mẫu cho các nơi khác khiến cho ngay cả tôn thất nhà Minh về sau khi xây dựng lực lượng cũng phải bắt chước.
Thù ghét quan lại, rộng rãi với dân chúng
là hai yếu tố quan trọng trong cuộc nổi dậy của Lý Tự Thành khiến cho đâu đâu
cũng hướng về y. Quân lệnh của họ Lý cũng rất nghiêm, không cho binh sĩ nhũng
nhiễu và nhiều địa phương thay vì tổ chức chống lại phiến quân thì lại trông
ngóng ngày họ Lý đến”tiếp thu”. Nhiều nơi dân chúng tự động đánh đuổi
quan quân nhà Minh để đón người của Lý Tự Thành cử đến.
Không như Trương Hiến Trung, Lý Tự Thành sống
rất đơn giản và thanh bạch, bên cạnhn chỉ có một người vợ cả và một bà vợ thứ.
Khi có thì giờ rảnh rỗi, Lý đọc sách và đàm luận văn chương với các nhà nho.
Ông ta cũng am hiểu nguyên tắc cai trị, khi cần hội nghị với tướng lãnh thường
chỉ ngồi lắng nghe từ đầu đến cuối, sau cùng mới đưa ra quyết định dựa theo ý
kiến nào mà ông cho rằng thích hợp nhất. Quyết định chính xác, hoà đồng với thuộc
hạ là hai đức tính nổi bật của Lý Tự Thành mà nhiều sử gia – kể cả những người
thân triều đình – đều đồng ý. Nhiều nhân chứng kể rằng khi dẫn quân tiến vào Bắc
Kinh, Lý Tự Thành chỉ ăn mặc rất bình dân, không khác gì binh sĩ dưới quyền
ông.
Quân số dưới tay Lý Tự Thành chừng độ sáu vạn
người, chia làm năm đội, có độ năm mươi kỵ binh nhưng có đến 20, 000 lừa ngựa.
Họ Lý có lối chỉ huy và hành quân khá độc đáo, xây dựng được một hệ thống tình
báo không kém gì của Trương Hiến Trung và xâm nhập vào được nhiều cấp trong triều
đình, sẵn sàng mua chuộc để trà trộn vào quan trường ngõ hầu có được những tin
tức cần thiết. Nhiều người ngạc nhiên khi quân của Lý chiếm được kinh thành, số
lượng quan viên cộng tác và làm việc cho Lý Tự Thành rất đông đảo, ở mọi cấp kể
cả một số thương nhân, nông dân từ các tỉnh Thiểm Tây, Sơn Tây trà trộn vào sống
như dân chúng từ bao giờ không ai biết.
Một trong những lý do quan trọng mà người
ta nhận định về cuộc nổi dậy của Lý Tự Thành là ông đã tập hợp được một số khá
đông những người có học, nhìn được thế cục một cách sáng suốt hơn, biết khai
thác thời cơ và thu phục được nhân tâm.
Bên cạnh Lý Nham chúng ta cũng thấy một số
khuôn mặt khác. Ngưu Kim Tinh (牛金星), một thầy khoá ở Hồ Nam đã đóng một vai trò quân sư khá quan trọng.
Năm 1643 người ta lại thấy có thêm Dương Vĩnh Dụ (楊永裕), người sau này chuyên viết văn thư và hịch
cho Lý Tự Thành. Văn hoá Trung Hoa luôn luôn coi thiên mệnh là một điều tất yếu
và người lãnh đạo – nhất là lãnh đạo một cuộc nổi dậy để cướp chính quyền – thì
phải làm sao chứng minh được rằng mình chính là”chân long thiên tử”. Lý
Tự Thành đã đóng vai trò đó khá xuất sắc và một phần lớn cũng nhờ có các nho sĩ
tìm cách tạo cho ông ta một vẻ dáng cho phù hợp.
Lý Tự Thành cũng tự cho rằng mình chính là
cứu tinh của người dân và ra nghiêm lệnh không cho binh lính quấy nhiễu. Năm
1641, Lý Tự Thành chiếm được Lạc Dương, Phúc Vương bị bắt và bị giết. Sau đó
quân của Lý tiến đánh Khai Phong, gặp kháng cự mạnh mẽ nên sau đó y ra lệnh cho
phá vỡ đê Hoàng Hà khiến thành này bị lụt. Việc công hãm Khai Phong kéo dài 5
tháng và kết quả là mấy trăm nghìn người dân bị chết, vừa đói khái, bệnh tật và
cả chết đuối.[44]
Cũng khi đó, Trương Hiến Trung chiếm được
Hán Dương, Võ Xương, Lý Tự Thành nghe tin không vui nên treo bảng trọng thưởng
cho ai lấy được đầu họ Trương và viết thư hăm doạ. Trương Hiến Trung sau đó
chuyển xuống đánh Hồ Nam, Giang Tây nhưng không phải vì sợ họ Lý mà vì bị tướng
nhà Minh là Tả Lương Ngọc đem quân tấn công.
Quân Minh được Tôn Truyền Ðình tái tổ chức,
gia tăng kỷ luật, trang bị vũ khí nên chẳng bao lâu trở thành một đoàn quân thiện
chiến, đáng kể nhất là một đoàn”hoả quân”hơn ba vạn chiến xa, vừa chống
được chiến mã vừa có thể tập hợp thành đội hình tự vệ.[45]
Nhờ khéo điều quân, Tôn Truyền Ðình thắng
liên tiếp, lấy lại được những khu vực đã mất khiến Lý Tự Thành lại phải quay về
Tương Dương. Ngờ đâu, khi đem quân vây đánh Tương Dương, trời mưa liên tiếp bảy
ngày đêm khiến cho quân lương không thể chuyển đến kịp, hậu quân có biến khiến
họ Tôn phải rút lui bị Lý Tự Thành truy kích, tới Vị Nam thì tử trận. Thuận
quân thừa thắng xông lên, chiếm Thiểm Tây, Diên An, Du Lâm, Ninh Hạ, Khánh
Dương.
Vĩnh
Xương thông bảo Lý Tự Thành xưng vương
Ðầu năm Sùng Trinh 17 (1644), Lý Tự Thành
tuyên bố thiết lập một triều đại mới đặt tên là Thuận (順), niên hiệu Vĩnh Xương (永昌) cải Tương Dương thành Tương Kinh (襄京) tự xưng là Tân Thuận Vương (新順王) kiêm Phụng Thiên Xướng Nghĩa Văn Võ Ðại
Nguyên Soái (奉天倡義文 武大元帥). Lý Tự Thành thành lập triều chính, các bộ
hạ đều được phong tước vị. Họ Lý cũng ra lệnh cho Ngưu Kim Tinh mỗi ngày vào giảng
cho y nghe một chương trong kinh, một đoạn trong sử, tính tình cũng không còn vẻ
giang hồ thảo khấu như trước nữa.[46]
Quân của Lý Tự Thành từ nay đánh đâu thắng
đó, quan lại nhà Minh lục tục ra hàng. Ngày 19 tháng 3 năm Giáp Thân (25 tháng
4 năm 1644), khi Thuận quân tiến vào Bắc Bình (kinh đô), vua Sùng Trinh treo cổ
tự tử ở một cái gò gần cung điện tên là Môi Sơn (煤山). Mặc dù một số tôn thất nhà Minh còn tiếp
tục chiến đấu ở miền nam, sử sách coi như triều đại từ đây chính thức cáo
chung.
MINH TƯ TÔNG
SÙNG TRINH HOÀNG ÐẾ
Sùng Trinh (崇禎) là niên hiệu, sử gọi ông là Minh Tư Tông
(思宗), tên thật là Chu Do Kiểm (朱由檢), khi lên ngôi lập tức loại trừ yêm đảng
Nguỵ Trung Hiền (魏忠賢), một lòng cố gắng
trung hưng cơ nghiệp nhà Minh nhưng không thành, phải tự ải khi Lý Tự Thành vào
Bắc Kinh. Người ta vẫn bảo rằng ông”tâm hữu dư nhi lực bất túc”, có lòng
muốn xây dựng lại cơ đồ nhưng tính tình nhu nhược, không quyết đoán, chẳng phải
là người có thể làm chuyện đội đá vá trời.
Ấn Ngọc vua Sùng Trinh Vua Sùng Trinh
Quần thần trong cảnh
xã tắc nguy nan lại ít có người hết lòng phò tá, đa số chỉ ngồi yên, bảo sao
làm vậy. Ðiều đó cũng dễ hiểu vì vua Sùng Trinh là người đa nghi sợ người dưới
hai lòng nên không ai dám đưa lời trung ngôn can gián, ngay cả lúc quân giặc đã
tiến sát đến kinh thành cũng chẳng làm gì, chỉ chuẩn bị để đầu hàng địch.
Vua Sùng Trinh tự tử
(tranh đời Thanh) Mộ vua Sùng Trinh
Tháng ba năm Sùng
Trinh 17 (1644), trong tình hình dầu sôi lửa bỏng, vua Tư Tông cho triệu các đại
thần để bàn kế sách, có ngày thiết triều đến ba lần. Ðông Các đại học sĩ Lý Kiến
Thái (李建泰) khuyên nên di
chuyển triều đình xuống Nam Kinh, bỏ ngỏ kinh thành, tạm thời né tránh mũi nhọn
của địch nhưng nhà vua không nghe. Lâu dần, từ vua chí quan, bàn ra tán vào
không còn biết làm sao để đối phó. Mỗi khi thất vọng, vua Sùng Trinh quay về
cung ngồi ôm mặt khóc, than rằng”Triều đình không có người”.
Ngày 18, thái giám
Tào Hoá Thuần (曹化淳) mở Chương Nghi
môn cho quân của Lý Tự Thành kéo vào. Ðêm hôm đó, vua Sùng Trinh và hoạn quan
Vương Thừa Ân trèo lên gò Vạn Thọ (Môi Sơn) nhìn ra thấy lửa đuốc đầy trời than
rằng:
“Thương thay cho bách tính!”
Ông quay về cung,
sai người hộ tống thái tử Từ Lang và các vương tử đi tị nạn nơi khác, sau đó gọi
hoàng hậu, cung phi bảo tự lo lấy mình. Hoàng hậu và Viên quí phi liền thắt cổ
tự tử. Nhà vua cũng gọi công chúa đến, năm đó mới 15 tuổi, vỗ về rồi than:
“Sao con sinh ra
trong nhà ta làm gì!”
Nói xong, một tay
che mặt, tay kia vung đao, chém đứt cánh tay trái công chúa.
Ngày 19 tháng 3, Lý
Tự Thành tiến đến Bắc Kinh, vua Sùng Trinh đích thân gióng chuông triệu tập
bách quan nhưng không ai tới, quân lính giữ thành cũng bỏ trốn chẳng còn một
bóng người, ông không biết làm gì khác nên thắt cổ tự tử nơi một cây hoè trên
gò Vạn Thọ, còn gọi là Môi Sơn. Bên trong áo ông viết mấy hàng chữ:
Trẫm lên
ngôi đến nay đã 17 năm, nghịch tặc tấn công kinh sư, chỉ vì ta đức mỏng thân
hèn, trên phạm lỗi với trời cho nên các bầy tôi mới làm luỵ trẫm. Ta chết đi
không còn mặt mũi nào nhìn thấy tổ tông ở dưới suối vàng, vậy hãy lột mũ ta, lấy
tóc phủ mặt, để cho bọn giặc kia băm vằm thân xác, chứ đừng làm tổn thương bách
tính một người nào.
朕自登極十七年,逆賊直逼京師,雖朕諒德藐躬,上干天咎,然皆諸臣誤朕。朕死無面見祖宗於地下,去朕冠冕,以髮覆面,任賊分裂朕尸,勿傷死百姓一人!
Trẫm tự
đăng cực thập thất niên, nghịch tặc trực bức kinh sư, tuy trẫm lượng đức miểu
cung, thượng can thiên cữu, nhiên giai chư thần ngộ trẫm. Trẫm tử vô diện kiến
tổ tông ư địa hạ, khứ trẫm quan miện, dĩ phát phúc diện, nhiệm tặc phân liệt trẫm
thi, vô thương tử bách tính nhất nhân.
Thái giám Vương Thừa
Ân cũng treo cổ chết bên cạnh chủ. Khoảng giờ Ngọ, Lý Tự Thành đội mũ lông cừu,
áo lụa cưỡi ngựa đen, cùng bọn thừa tướng Ngưu Kim Tinh theo cửa Trường An phía
tây tiến vào hoàng thành. Ðến cửa Thừa Thiên, y giương cung lắp tên bắn vào chiếc
biển ngạch treo trên cao, trúng ngay dưới chữ Thiên, cười ha hả rồi giục ngựa
chạy vào. Y trèo lên điện Hoàng Cực, ra lệnh cho bách quan tụ tập.
Trong cung bấy giờ
đại loạn, cung nữ nhảy xuống hào tự tận đến một, hai trăm người, những ai không
chết đều bị tặc nhân dày vò, hãm hiếp. Các đại thần tự tử chết đến hơn bốn mươi
người, nhiều người toàn gia tự sát, thật là một thảm kịch.
TRIỀU ÐÌNH LÝ TỰ THÀNH
Thuận quân nhập kinh
Ðoàn quân của Sấm Vương vào Bắc Kinh, sử
sách chép mỗi nơi một khác. Các sách vở của Hoa lục thì cố tình lướt qua những
chi tiết thời gian này, hoặc giải thích một cách miễn cưỡng. Chỉ tới gần đây một
số sách vở mới dám tiết lộ một phần sự thật về”nghĩa quân”và cảnh hỗn loạn
của kinh thành khi đổi chủ. Sau đây là ghi nhận của một nhà nho:
Quân giặc tràn đầy phố phường từ đầu này
sang đầu khác. Vài trăm tặc khấu xông tới, ruổi ngựa chạy thẳng vào Tử Cấm
Thành. Dân chúng ai nấy đều bày hương án để bái vọng chúng. Những chữ Thuận hay
Thuận Thiên Vương, Vĩnh Xương nguyên niên tân quân vạn tuế... được viết dán đầy
cánh cửa. Nhiều người viết hai chữ Thuận dân (bầy tôi triều Thuận) dán trên
trán.
Quân giặc đi bộ và đi ngựa, xục xạo khắp
hang cùng ngõ hẻm để thu gom ngựa lừa. Chúng không uý kỵ gì, có người bị giết
và bị cướp. Ðàn ông, đàn bà chạy nhốn nháo, gọi nhau ơi ới. Ðám đông vừa tụ lại
thì tan ngay, giày đạp nhau, kẻ thì bị chặt đầu bằng kiếm, người bị bắn xuyên
qua bằng tên, lôi kéo nhau lăn ra đường trong hoảng hốt.
Một số ngưới treo cổ tự tử, kẻ nhảy xuống
giếng, đàn bà truỵ thai trên đường, có người quăng cả hài nhi trên tay để chạy
thoát. Vì đám đông chùm nhum lại với nhau nên lắm kẻ bị ngựa xéo chết. Người
thì bị chặt tay, kẻ bị chặt chân, mổ bụng, cắt tai, cắt tóc. Khắp các đường phố
tưởng như đầy lang sói rên rỉ kêu gào.
Một số quân giặc thì cực kỳ hung hãn nhưng
cũng có lắm kẻ tử tế. Một số giết người nhưng cũng có kẻ lại khuyến dụ. Dẫu chỉ
có một tên Thuận quân mà đám đông hàng trăm người cũng quì xuống lạy van xin
tha mạng mặc dù những người lính đó chỉ cầm gươm hoặc cung tên mà thôi. Bọn trẻ
con trong đám Thuận quân thì chỉ có đoản kiếm vậy mà người ta cũng mất hết hồn
vía khi thấy chúng, chẳng ai dám chống lại.
Thoạt đầu họ chỉ lấy vàng bạc nhưng những kẻ
đến sau lấy cả trang sức và những đứa sau cùng thì lấy luôn cả quần áo.[47]
Cũng nên nói thêm là khi mới vào Bắc Kinh,
Lý Tự Thành và các viên chức cao cấp cũng cố gắng ước thúc binh sĩ nhưng một thời
gian ngắn sau vì họ phải đối phó với nhiều nguy cơ khác nhau từ nhiều phía, mặt
khác không dám làm mạnh sợ binh lính nổi loạn nên đành nhắm mắt làm ngơ cho thủ
hạ cướp bóc. Ðiều đáng nói hơn cả là triều đình của họ Lý tuy chỉ cầm quyền
trong một thời gian ngắn ngủi cũng lại đi những bước y hệt bất cứ một thoái
trào nào. Việc mua quan bán tước, dùng tiền chuộc mạng đã trở thành phổ biến
không kém – có thể nói rằng hơn – thời vua Sùng Trinh. Có đến hàng ngàn người bị
giết chỉ vì không đủ tiền để nạp cho họ như đòi hỏi.
Những lực lượng mà sách vở ca tụng là”nông
dân khởi nghĩa”kia cũng chưa thoát khỏi tính chất thảo khấu nên khi cố gắng
xây dựng một chính quyền từ quân đội, họ bị vướng mắc những trở ngại chủ yếu giữa
trí thức và vũ phu, giữa lễ pháp và thói tục của giới giang hồ. Hoài Lăng
Lưu Khấu Thuỷ Chung Lục (懷陵流寇始終錄) viết:
Sấm Vương ngày ngày dọn tiệc
trong cung, gọi Ngưu Kim Tinh, Tống Hiến Sách, Tống Sí Giao, Lưu Tông Mẫn, Lý
Quá vào uống rượu. Ngưu, Lý theo qui củ trong triều, mỗi khi (được Lý Tự Thành)
hỏi đến, đều bước ra khỏi chiếu trả lời. Còn bọn kia cứ ngồi nguyên tại chỗ vừa
uống vừa ăn. Tông Mẫn thì gọi là đại ca, Sấm tặc cũng chẳng thèm để ý. Bọn giặc
tuy tự xưng công hầu khanh tướng đã lâu nhưng tính chất thảo khấu vẫn còn. Ngồi
thì ngả ngớn chen nhau, đi thì châm chọc kẻ này người khác, chửi bới diễu cợt,
hò hát xô đẩy. Mắt đọc chữ đinh (丁) không biết, tay cầm quản bút không xong... lâu dần
thành thói không sao sửa được...[48]
Một tướng lãnh đàn
em của Lý Tự Thành là Cố Quân Ân (顧君恩) mỗi khi đến bộ đường bộ Lại”thì ngồi gác
chân lên bàn viết, uống rượu say rồi nắm tay mấy đứa mọi (tức người Hồi Tây Vực),
hát những khúc điệu ở ngoài biên địa”.
Quan thượng thư có khuyên y nên giữ qui củ, Cố hỏi vặn lại:”Lão Tống vẫn y như ngày xưa thì sao?”[49]
Trong số tay chân của Lý, ngoài Ngưu Kim
Tinh xuất thân cử nhân, Lý Quá là con nuôi Lý Tự Thành nên tương đối còn biết
giữ lễã nghĩa, các tướng lãnh cậy mình lập nhiều chiến công, trong tay cầm binh
quyền nên đều ngang tàng phóng túng. Khi vào đến Bắc Kinh, tướng cũng như quân
được dịp xổ lồng, tha hồ gian dâm cướp phá, không ai ngăn cản nổi. Thành thử,
triều đình mà Lý Tự Thành lập nên chưa được mấy ngày thì đã sụp đổ.
Người ta cũng nhấn mạnh sự thèm khát quyền
lực của Sấm Vương Lý Tự Thành. Ngay từ khi mới xưng vương ở Tây An thì ông đã vội
vàng truy tặng”thuỵ hiệu”cho tổ tiên từ năm đời trở xuống, một nghi thức
mà chỉ khi người ta xưng đế mới tiến hành. Tuy Khấu Kỷ Lược (綏寇紀略) thuật rằng cứ ba ngày một lần, họ Lý”thân
hành đến giáo trường để coi tập bắn cung, mặc áo xanh, che lọng vàng, dân chúng
ai thấy lá cờ thêu rồng vàng cũng đều tránh ra”[50].
Trước đây các sử gia Hoa lục cố tình giải
thích rằng Lý Tự Thành mặc áo xanh là để ghi nhớ những ngày hàn vi gian khổ
nhưng đến nay đã có nhiều học giả đặt lại vấn đề và đưa ra nhiều chứng cớ cho
thấy đây chỉ là một biện chứng rất Trung Hoa. Nhà Minh tin rằng triều đại của họ
thuộc hành Hoả coi màu đỏ là màu chủ, Lý Tự Thành lại cho rằng mình”thuỷ đức
vượng, y phục màu lam, quân đội cũng mặc đồ lam, mũ cũng màu lam”. Thuỷ khắc
hoả nên theo mệnh trời họ Lý sẽ chiếm thiên hạ của họ Chu lên làm thiên tử.
Trong bài hịch của họ Lý khi đánh vào Hoài Khánh, Bành Ðức ông ta cũng xưng là
trẫm:... Trẫm là người áo vải mà lên, mắt thấy những điều khốn khổ... Những
luận cứ cho rằng đây chỉ là một cuộc khởi nghĩa nông dân, thế thiên hành đạo trở
nên khó tin và thực sự chỉ là đuổi hươu tranh đỉnh như bao nhiêu việc tranh
giành quyền lực khác.
Thiết lập triều chính
Ngày 20 tháng 3 năm Giáp Thân (26 tháng 4
năm 1644) tức hôm sau ngày Lý Tự Thành vào Bắc Kinh, Sấm Vương ra thông cáo kêu
gọi các quan nhà Minh đến thiết triều vào ngày 21, nếu ai muốn làm quan với triều
Thuận thì làm, còn không thì cho về quê.
Sáng sớm hôm sau, khoảng hơn ba ngàn quan lại
cũ tụ tập tại cửa Ðông Hoa nhưng bị loạn quân đối đãi rất tệ hại, lùa tất cả
qua cửa Thừa Thiên. Lý Tự Thành không xuất hiện và quan lại nhà Minh được lệnh”tái
trình diện”vào ngày 23 tháng 3.
Hai hôm sau, tất cả bị tập trung cùng với một
số quan lại bị Sấm Vương bắt từ trước, đứng đợi trong nhiều giờ mà không ai được
một miếng cơm, một ngụm nước. Mãi tới chiều tối hôm đó, Lý Tự Thành mới bước ra
nghe tuyên đọc tên từng người, mỗi người một bản cáo trạng dài. Trong số hơn ba
nghìn người đó, Ngưu Kim Tinh chọn ra 92 người trong đó có Chu Chung (周鍾), một danh thần của nhà Minh, để phục vụ
cho triều đình mới. Những người còn lại được áp tải trở ra giam ở ngoài Tử Cấm
Thành.[51]
Ngoài Chu Chung, một danh sĩ khác là Trần Danh Hạ (陳名夏) cũng được phục chức và Hàn Lâm Viện được
tái lập dưới cái tên mới là Hoằng Văn Quán (弘文館). Theo Frederic Wakeman, Jr. thì cả ba ông
tiến sĩ đầu bảng khoa thi năm Quí Mùi (1643) đều cộng tác với tân triều.[52]
Ngoài quan lại, giới sĩ phu cũng dao động
không kém. Cũng như những giai đoạn nhiều biến động khác, người ta hay tin vào
sấm vĩ, thiên cơ để khẳng định rằng thiên mệnh đã về tay họ khác. Những tiên
tri vu vơ ở đâu đó nay được dùng làm chỗ tựa cho một thái độ. Một số đông nho
sinh cho rằng họ có nhiệm vụ góp một bàn tay để ổn định tình hình và giúp những
người chỉ quen ngồi trên lưng ngựa kia trị thiên hạ. Lương Triệu Dương (梁兆陽), một hàn lâm học sĩ đã tâu lên”hoàng
thượng”(mặc dù khi đó Lý Tự Thành chưa lên ngôi) trong một lần thiết triều ở
điện Văn Hoa như sau:
Bệ hạ từ đất Tần (Thiểm Tây) vào đất Tấn
(Sơn Tây, Hà Bắc) cứu dân ra khỏi nơi nước lửa, vượt biên cảnh, chiếm kinh đô
mà không để quân lính xâm phạm những người ra đón rước, quả thực đức hiếu sinh
sánh tày Nghiêu Thuấn. Thần dám nói những điều thành tâm như thế vì trông mong
lòng nhân từ của bệ hạ trong niềm hạnh ngộ một thánh chúa hôm nay.
Lẽ dĩ nhiên việc ca tụng tân chủ bao giờ
cũng phải kèm theo việc hạ bệ cố quân. Bao nhiêu xấu xa tội lỗi, vô tài, bướng
bỉnh, người ta trút cả lên đầu vua Sùng Trinh.
Chu Chung cũng không chịu kém. Trong Khuyến
Tiến Biểu (勸進表)[53] ông
viết:
Tên bạo chúa kia đã chịu tội rồi nên trăm họ
đều thành tâm qui phục (tân vương). Chẳng những bệ hạ võ công Nghiêu Thuấn
không sao sánh được mà văn đức cũng vượt xa. [54]
Bài biểu trên đây và trước sau bảy bài khác
(trong vòng 17 ngày, từ 23 tháng 3 đến 11 tháng 4 năm Giáp Thân) của văn quan đều
chỉ nhắm vào một mục đích: ca tụng công đức của Sấm Vương Lý Tự Thành để khuyên
ông lên ngôi hoàng đế cho hợp mệnh trời và lòng trông đợi của bách tính. Màn kịch
này hầu như triều đại nào cũng có một số người lập lại cho đủ bộ lệ. Có lẽ Lý Tự
Thành chưa đăng bảo vì thấy rằng chung quanh ông còn nhiều thế lực chống đối,
muốn thanh toán cho xong không phải là chuyện một sớm một chiều nên còn ngần ngừ
chứ không phải là không thèm khát ngôi cửu ngũ. Thành ra thái độ của Sấm Vương
có vẻ bất nhất, bỏ lỡ nhiều cơ hội có thể củng cố vị thế của mình. Ông cũng sợ
đàn em xa cách, không dám dứt khoát từ bỏ đời sống của một tay giang hồ mã thượng
để theo phong độ của một bậc quân vương nên khi phải khép mình trong một số kỷ
cương thì đâm ra lúng túng.
Quen với đám thủ hạ vũ phu, Lý Tự Thành
khinh miệt thành phần đọc sách trước đây làm quan cho Minh triều, nay lại quay
sang xu phụ chủ mới. Ông không ngần ngại khi nói trắng ra rằng”những kẻ
không dám tận trung tận hiếu với cựu trào thì mong gì có thể phục vụ tân trào hết
lòng hết sức được”và”một triều đình đầy rẫy những kẻ vô liêm sỉ thế kia
thì làm sao mà không loạn?”khi chứng kiến hàng ngàn quan lại cũ đứng nhẫn
nhục trông chờ ơn mưa móc của tân vương.[55]
Bại vong
Thế nhưng Lý Tự Thành nào có yên vì quân
Thanh đã từ miền bắc kéo xuống. Ngày 21 tháng 4, Lý Tự Thành đánh với Ða Nhĩ Cổn
ở Nhất Phiến Thạch phía đông Sơn Hải Quan, ngày 22 lại đụng độ với liên quân Ða
Nhĩ Cổn – Ngô Tam Quế ở phía tây. Lý Tự Thành đại bại rút quân về Bắc Bình, đến
ngày 29 thì vội vàng lên ngôi hoàng đế để hôm sau mở cửa Tề Hoá (齊化) bỏ chạy. Ngô Tam Quế đem quân đuổi theo đến
Chân Ðịnh thì Lý Tự Thành chạy sang Sơn Tây giết Lý Nham ở đây.
Lý Nham là mưu sĩ nổi tiếng của Lý Tự
Thành, đóng góp rất nhiều trong việc khoác cho Sấm vương một dáng dấp hiệp sĩ
mà gần đây Hoa lục cố tình sơn lên cái vỏ”nông dân khởi nghĩa”. Khẩu hiệu
tuyên truyền đầy hấp dẫn Nghinh Sấm Vương, bất nạp lương (迎闖王, 不納糧) chính là do Lý Nham đưa ra, nhờ đó mà thu phục được nhân tâm, lôi
kéo được rất đông nông dân nghèo khổ.
Việc trừ Lý Nham có thể bắt nguồn từ mặc cảm
của Lý Tự Thành vì hai người đã nảy sinh mâu thuẫn ngay khi mới vào Bắc Kinh.
Theo một số tài liệu, trong khi Ngưu Kim
Tinh, Lưu Tông Mẫn... lập tức theo đòi cung cách hưởng thụ, chiếm đóng những
dinh thự trong kinh đô, ngày ngày lo việc yến ẩm, hát xướng và thúc giục Lý Tự
Thành lên ngôi thì Lý Nham cho rằng thời cơ còn nhiều vấn đề phải giải quyết.
Lý Nham cũng phản đối việc các tướng lãnh tự ý truy lùng, cướp bóc quan lại nhà
Minh để khảo của mà đòi hỏi phải giao việc đó cho bộ Hình đảm trách. Lý Nham
cũng đưa ra một số qui luật tước giảm quyền hành của các tướng lãnh ngõ hầu ổn
định trật tự xã hội. Chính vì thế, Lý Tự Thành nảy sinh ác cảm, e ngại Lý Nham
sẽ soán đoạt quyền hành của mình.
Cái chết của Lý Nham trong Anh Khấu Kỷ
Lược (纓寇紀略) chép như sau:
Sau khi thua ở Ðịnh Châu thì có tin toàn bộ
Hà Nam đã đầu hàng quân nhà Minh, Lý Tự Thành nghe vậy hết sức hoảng hốt vội
vàng thương nghị với thuộc hạ để tìm cách đối phó. Lý Nham chủ trương chống trả,
tình nguyện đem hai vạn tinh binh đến trung châu và các tỉnh phụ cận ngăn ngừa
những thành phần nào toan trở giáo. Ngưu Kim Tinh cũng đồng với ý kiến đó và
yêu cầu Sấm Vương chấp thuận kế hoạch nhưng Lý Tự Thành không quyết định được.
Thế nhưng một thời gian sau, Lý Tự Thành lại
nghi rằng Lý Nham có mưu đồ riêng, còn Ngưu Kim Tinh thấy gió đã xoay chiều nên
xúi bẩy Sấm Vương tìm cách loại trừ Lý Nham. Lý Tự Thành bằng lòng. Ngày hôm
sau, Ngưu Kim Tinh giả đưa lệnh Sấm Vương mời Lý Nham đến quân doanh uống rượu,
cho phục binh bao vây bắt Lý Nham và em là Lý Niên Ðồng giết đi.
Theo chính sử, Lý Nham tên thật là Lý Tín,
người Hà Nam là con trai của binh bộ thượng thư nhà Minh Lý Tinh Bạch, đi thi đỗ
cử nhân nhưng vì đắc tội với quan lại địa phương nên bị hạ ngục. Khi quân của
Lý Tự Thành đánh tới đây, Lý Nham được cứu thoát nên gia nhập khấu đảng, lập
nhiều công lao nên lên hàng tướng lãnh. Giữa Lý Tự Thành và Lý Nham có sự cách
biệt về trình độ, về xuất thân nên Sấm Vương không khỏi hoài nghi e ngại Lý
Nham sẽ vượt qua mình nên nhân khi thua trận tìm cách loại trừ trước. Tuy
nhiên, một khi chim chưa chết cung đã bẻ, cái chết của Lý Nham đã lôi theo sự sụp
đổ của Lý Tự Thành.
Chúng ta còn phải chờ thêm một thời gian
khi các sử gia được suy xét vấn đề bằng nhãn quan học thuật mà quên đi trọng điểm
đấu tranh giai cấp. F. W. Mote đã nhắc lại một số tranh luận về Lý Nham và cho
rằng ông này bị lẫn lộn giữa thực tế và truyền tụng.[56]
Con người và hành trạng Lý Tự Thành cho đến
nay vẫn còn nhiều tranh cãi – kể cả nghi vấn đoạn cuối cuộc đời ông ra sao. Nhiều
sử gia cho rằng một số huyền thoại đã được dựng lên để giải thích một vài điều
mà người ta không biết rõ. Ngay cả những người theo ông dường như cũng bị bóp
méo khá nhiều. Việc đề cao một số văn nhân trí thức trong những cuộc nổi dậy phần
lớn chỉ phản ảnh sự khát khao của giới cầm bút muốn chứng tỏ sự quan trọng của
mình nhưng chưa hẳn đã là sự thật.
THANH BINH NHẬP QUAN
Tình hình chung
Người Mãn Châu không phải là một dân tộc
thuần nhất. Cũng như người Mông Cổ, họ bao gồm nhiều bộ tộc sống rải rác. Ðứng
về phương diện nhân chủng, người Mãn Châu và người Mông Cổ có chung một nguồn gốc
nhưng về sau chia ra thành 27 hala (bộ tộc), mỗi nhóm sống một nơi. Cũng
như người Việt chúng ta, họ có những giống sống trên các vùng cao và những nhóm
sống dưới vùng đồng bằng gọi là mokun, dưới quyền chỉ huy của một
mokunda (tộc trưởng) được dân chúng chọn lựa và những người tộc trưởng này
đóng góp rất nhiều cho sự thịnh suy của cả nhóm.
Cũng có khi nhiều bộ tộc kết hợp lại với
nhau để thành một đội săn hay một lực lượng chiến đấu gọi là niru (ngưu
lục), dưới quyền tổng chỉ huy của một thủ lãnh gọi là beile (bối lặc).
Tuy nhiên niru chỉ là một tập hợp tạm thời cho một mục tiêu nhất định nên một
khi công tác hoàn tất thì thường thường tự động giải tán sau khi chia chác những
thú săn được hoặc tài sản họ cướp bóc. Thành thử một số bối lặc biết bắt chước
lối tổ chức của người Mông Cổ hay người Trung Hoa đã tập trung được những bộ tộc
dưới quyền mình và phát triển thành một lực lượng đáng kể.
Tới cuối đời Minh, lực lượng của họ vào khoảng
120,000 binh sĩ (278 ngưu lục), cộng thêm 24,000 (120 ngưu lục) binh sĩ Mông Cổ
và 33,000 (165 ngưu lục) binh sĩ người Hán.[57] Nhà Minh – cũng như những
triều đại khác của Trung Hoa – đều uý kỵ những dân tộc bên ngoài quan ải nên
luôn luôn phải tìm cách ve vãn họ bằng hai hình thức, cho họ những đặc quyền về
buôn bán (trading privileges) và những chức tước hàm (honorific titles).
Vũ khí
Trước khi chiếm được trung nguyên, người Mãn
Châu đã biết khai thác tối đa sức mạnh của họ dựa trên lưu động tính (mobility)
vì họ quen thuộc với việc cưỡi ngựa, bắn cung trong khi người Hán chỉ cố gắng
phát huy phương pháp giữ thành bằng tường cao hào sâu, dùng thần công có thể bắn
xa để cố thủ.
Thế nhưng kể từ năm 1629, khi người Mãn
Châu lấy được một số thành phố nằm ở phía nam Vạn Lý Trường Thành thì tình hình
bắt đầu chuyển biến. Một trong bốn thị trấn họ mới làm chủ là Vĩnh Bình (永平) là nơi có một đội thợ quen với phương
pháp đúc súng của người Bồ Ðào Nha (familiar with the techniques of casting
Portuguese artillery) và chỉ hai năm sau họ đã đúc được khoảng 40 khẩu thần
công theo mẫu của người Âu châu cộng thêm một số pháo thủ do họ huấn luyện.[58]
Tình hình mới càng lúc càng có lợi cho quân
Thanh nên tuy ít người hơn, họ vẫn có ưu thế trên nhiều mặt. Họ đem vũ khí mới
thử nghiệm tại Ðại Lăng Hà (大凌河) là một địa điểm quan trọng nối liền biên cảnh với đại quân nhà Minh
đóng ở phía nam trường thành. Quân Thanh do Hoàng Thái Cực (皇太極) chỉ huy đã chiếm được Ðại Lăng Hà, lấy được
vô số khí giới.
Mười năm sau, khi chiếm được Tùng San (松山) và Cẩm Châu (錦州), quân Thanh lại thu được 2000 khẩu pháo lớn
nhỏ nhưng quan trọng hơn nữa họ đã dụ hàng được hai danh tướng nhà Minh là Hồng
Thừa Trù (洪承疇) và Tổ Ðại Thọ (祖大壽). Tổ Ðại Thọ lại chính là cậu của tổng
binh Ngô Tam Quế, người cầm đại quân trấn thủ Sơn Hải Quan, cửa ải huyết mạch
giữa Trung Hoa và Mãn Châu.
Thù nhà hay tình riêng?
Ngô Tam Quế (1612-1678), dưới tay có đến 4
vạn quân trấn đóng tại Ninh Viễn[59] (寧遠) để ngăn chặn người Mãn Châu là người có
thế lực nhất đóng quân ở phía bắc sông Hoài. Ngày mồng 4 tháng 3 năm Giáp Thân
(10-04-1644), vua Sùng Trinh cho triệu Ngô Tam Quế về bảo vệ kinh thành nhưng họ
Ngô lần lữa không sốt sắng nên chỉ chậm rãi rút quân về Sơn Hải Quan rồi tiến
xuống Bắc Kinh.
Ði được nửa đường, Ngô Tam Quế nghe tin
kinh đô đã rơi vào tay Lý Tự Thành nên quay trở lại Sơn Hải Quan nghe ngóng
tình hình. Lý Tự Thành cũng nhân cơ hội tình hình còn đang tranh tối tranh sáng
ấy để chiêu dụ nên sai Ðường Thông (唐通), một tướng lãnh cũ của nhà Minh mới qui thuận viết thư nói rằng Sấm
Vương đối xử rất độ lượng, lại kèm theo một lá thư của cha Ngô Tam Quế là Ngô
Tương (吳驤) - khi đó cùng
toàn gia đang bị Lý Tự Thành bắt giữ tại Bắc Kinh - cho hay nếu về hàng thì vẫn
được giữ nguyên tước lộc.
Theo lời kể của người mạc hữu (thư ký) cho
Ngô Tam Quế mà Bành Tôn Di (彭孫貽) chép lại trong Bình Khấu Chí thì khi Lý Tự Thành sai người
đem thư của Ðường Thông và Ngô Tương tới quân doanh của họ Ngô, y lập tức cho vệ
sĩ bắt giữ và dấu đi một nơi cốt để việc kinh đô rơi vào tay Sấm Vương và đề
nghị dụ hàng không bị tiết lộ, làm kinh động lòng quân.
Vài ngày sau, khi đã tính toán đủ mọi cách,
Ngô Tam Quế triệu tập các tướng lãnh để báo tin cho họ hay rằng Bắc Kinh đã thất
thủ, vua Sùng Trinh đã qui thiên và tình thế đang lâm vào cảnh rất khó xử. Y biết
rằng bổn phận của một thần tử phải tận trung với chúa nhưng lực lượng trong tay
không thể nào chống được với Sấm Vương và theo các tướng thì phải làm gì? Ba lần
Ngô Tam Quế đặt câu hỏi nhưng cả ba lần ai nấy đều lặng thinh. Sau cùng Ngô Tam
Quế nói toạc ra rằng Ðường Thông và Khương Tương (姜襄) đã đầu hàng và Sấm Vương gửi sứ giả đến
đây, vậy nên xử trí thế nào, giết y hay đón tiếp y theo lễ?
Các tuỳ tướng biết Ngô Tam Quế đã có chủ ý
nên đồng thanh nguyện trung thành và sẽ làm theo những gì y quyết định. Ngô Tam
Quế khi đó mới yên trí để lực lượng chính yếu lại Sơn Hải Quan và chuẩn bị để
lên đường về Bắc Kinh đầu hàng Lý Tự Thành. Trên đường đi, y gặp một gia nhân
đi cùng với một người thiếp của Ngô Tương (cha của Ngô Tam Quế) mới biết rằng
Lý Tự Thành tưởng Ngô Tam Quế không chịu hàng nên đã tru diệt toàn gia họ Ngô,
38 người bị giết, đầu Ngô Tương hiện đang treo tại cửa thành để thị chúng.[60]
Sau khi nghe cái tin chẳng lành đó, Ngô Tam
Quế liền trở lại Sơn Hải Quan để nhất quyết cùng Sấm Vương một trận sống mái
đưa đến việc kêu gọi quân Thanh tiếp viện.[61]
Tư thông ngoại phiên
Theo Thanh Thái Tông thực lục, Ngô Tam Quế
đã có liên lạc với nhà Thanh từ trước. Cậu của Ngô Tam Quế là Tổ Ðại Thọ (祖大壽), trước là tổng binh của nhà Minh, sau
hàng Thanh cũng đã chiêu dụ được một số tướng lãnh quen biết cũ trở giáo sang
làm quan với Thanh triều. Năm Sùng Ðức thứ 7 (1642) Hoàng Thái Cực viết thư cho
Ngô Tam Quế như sau:
Hoàng đế nước Ðại Thanh sắc dụ
cho Ngô đại tướng quân thành Ninh Viễn:
Ngày nay cơ nghiệp nước Minh đã
suy vi, tướng quân chắc cũng biết rồi. Tướng quân với trẫm, vốn không hiềm
khích mà thân thích của tướng quân lại đang cùng ở với trẫm rồi. Vậy thì tướng
quân cũng nên liệu định thời cơ mà sớm có kế sách đi thôi.
Tổ Ðại Thọ cũng viết thư cho cháu trong đó
có câu:
Tất cả tông tộc nhà ta cùng thuộc
viên, thân thích ai ai cũng được hưởng ân trạch rất nhiều. Hiền sanh[62] là hào kiệt đời nay, không lẽ
không biết chuyện đó hay sao?
Xem lại Ðại Thanh hình thế qui
mô, mai sau ắt thành đại sự. Biết nắm lấy cơ hội này ấy mới là kẻ khôn ngoan chọn
đúng chúa, một mai khi tất cả thuộc về một mối, hẳn sẽ phân mao liệt thổ được
phong một cõi, công danh phú quí không nói hết được.
Ta nghĩ tình cốt nhục chí thân
nên đã vì cháu mà giãi bày gan mật, chứ chẳng phải làm thuyết khách cho Ðại
Thanh đâu, mong hiền sanh suy nghĩ cho kỹ.[63]
Tháng 3 năm Giáp Thân (1644), vua Sùng
Trinh thăng cho Ngô Tam Quế lên làm Bình Tây Bá gọi y đem quân về cứu Bắc Kinh
nhưng còn đang trên đường đi thì kinh thành đã mất nên phải quay về.
Trong một tháng sau đó, Sấm Vương Lý Tự
Thành liên tiếp sai nhiều đạo quân lên đánh Ngô Tam Quế, phần lớn là những tướng
lãnh và quân đội cũ của nhà Minh mới thu nhận. Ðường Thông bị Ngô Tam Quế đánh
bại đầu tháng 4 rồi sau đó Bạch Quảng Ân lên hợp lực cũng không thành công (cả
hai đều là tướng cũ nhà Minh). Ngô Tam Quế nhân đà thắng toan điều đình với Sấm
Vương để ngừng chiến với điều kiện Lý Tự Thành trao lại cho y thái tử của vua
Sùng Trinh hiện đang trong tay Thuận quân nhưng khi đó Lý Tự Thành đã chuẩn bị
đích thân tiến đánh Sơn Hải Quan nên việc không thành.
Tuy sử sách chép khác nhau như lực lượng
trong tay Lý Tự Thành khi đó vào khoảng 6 vạn quân, trải ra nhiều mặt đưa đến
quyết định của Ngô Tam Quế cho người sang liên lạc với chú và các người thân
đang làm việc cho triều đình Mãn Châu ở Thịnh Kinh để liên minh chống địch.
Cầu viện
Ngày 15 tháng 4 (20-05-1644), Ngô Tam Quế
sai hai tuỳ tướng là Dương Thân (楊珅) và Quách Vân Long (郭雲龍) đến trại quân Thanh mang theo một lá thư gửi cho vua Thuận Trị (khi
đó mới 6 tuổi) qua tay của Dorgon (tức Duệ Thân Vương 睿王) là một trong hai phụ chính đại thần.
Dorgon là một tướng lãnh tài ba, lại khéo léo
về ngoại giao đã từng lập nhiều chiến công trong đó đáng kể nhất là hai lần đem
quân xuống Trung Nguyên năm 1638 và 1639, phá được hơn 40 thành thị và lấy về
nhiều của cải. Bức thư có một đoạn như sau:
Tiểu tướng đã ngưỡng mộ ân đức của
đại vương từ lâu, hiềm vì theo kinh Xuân Thu, thần tử không được vượt biên ải
nên trước nay chưa hề qua lại. Ðại vương chắc cũng biết phận bề tôi phải tận
trung. Ðến nay vì Ninh Viễn hẻo lánh nên quốc quân ra lệnh bỏ về trấn đóng ở
Sơn Hải Quan, cốt để củng cố mặt đông và bảo vệ kinh thành.
Ngờ đâu bọn lưu khấu nổi lên lật
đổ hoàng đế. Làm sao một bọn tiểu tặc ô hợp như thế lại có thể làm được chuyện
này? Ấy chỉ vì tiên vương bất hạnh nên kinh thành không phòng ngự chặt chẽ, lại
thêm một bọn phản thần mở cửa đón giặc vào nên tông miếu mới ra tro.[64]
Ngô Tam Quế khẳng định rằng sau chiến thắng
ban đầu, bọn lưu khấu này đã mất lòng dân, tuy xưng vương nhưng chỉ là một bọn
giặc cỏ không khác gì Hồng Mi, Hoàng Cân thuở nào chỉ lo cướp bóc, giết chóc,
hãm hiếp và chẳng bao lâu sẽ bị nghĩa binh dẹp tan, trung hưng cơ nghiệp như
vua Quang Vũ nhà Hán. Bản thân y muốn dựng lại nghĩa kỳ nhưng vì phía đông kinh
đô không đủ lớn để xây dựng lực lượng nên yêu cầu nhà Thanh vì tình lân bang
giúp việc tiễu trừ nghịch tặc để cứu dân ra khỏi nơi nước lửa. Nếu việc thành
công, bao nhiêu đất đai phía bắc trường thành sẽ thuộc về nhà Thanh và lại được
chia tất cả”vàng lụa, gái trai của cải giặc đã chiếm được”.
Những hứa hẹn đó đã đánh trúng tâm lý của
Thanh đình vì thực tế lúc đó quân đội Mãn Châu không có lương bổng nhất định mà
lợi tức tuỳ thuộc vào những gạo thóc, của cải đi cướp được của những cư dân sống
dọc theo biên giới. Người Mãn Châu có khoảng 45,000 quân và một số lượng tráng
đinh cũng ngang như thế đóng dọc theo biên giới phía bắc, thành phần này không
có lương mà chỉ trông vào của cải, tài vật chiếm được mỗi khi tràn xuống phương
nam. Việc đi ăn cướp ở trung nguyên đã là một lề thói từ lâu nên họ coi Trung
Hoa là một nguồn tài nguyên hơn là một vùng đất cần xâm chiếm.
Chính vì thế, một kế hoạch liên minh”hai
bên đều có lợi”của Ngô Tam Quế là một đề nghị cụ thể và khả thi, phù hợp với
hoàn cảnh thực tế và Trung Hoa chỉ mất một số tài vật chứ không thiệt hại bao
nhiêu. [65]
Hành động tìm quân viện của họ Ngô không phải
là lần đầu trong lịch sử mà chỉ lập lại phương thức đã xảy ra trong những triều
đại trước khi bị nguy cơ phải tòng quyền để tìm cách trung hưng. Phương thức
này chẳng cứ gì Trung Hoa, tại nước ta con cháu nhà Trần, nhà Mạc, nhà Lê và cả
nhà Nguyễn đều coi việc cầu cứu phương bắc như một phương tiện khôi phục vương
quyền.
Thực ra triều đình Mãn Châu không phải
không chuẩn bị. Những biến động ở trung nguyên luôn luôn được theo dõi rất khít
khao, nhất là họ có một số người Hán đang cộng tác và một số tướng lãnh nhà
Minh về hàng rất có khả năng và nhạy bén về tình hình. Nội loạn của Trung Hoa
và sự yếu kém của Minh triều đã khiến cho người Mãn Châu coi như thời cơ đã đến
và”thiên mệnh”đã về tay họ. Ðề nghị của Ngô Tam Quế đã đưa đến cho người
Mãn Châu một cơ hội bằng vàng, có điều là phải tính toán xem nên theo kế hoạch
đem quân xuống đánh Lý Tự Thành rồi vút về với của cải, thoả mãn việc được thêm
một số đất từ biên giới hiện hữu xuống đến trường thành hay thừa thắng tiến
thêm một bước nữa.
Bị ảnh hưởng của tiểu thuyết và diễm sử,
nhiều người vẫn cho rằng Ngô Tam Quế mời quân Thanh vào là lý do chính – nếu
không nói rằng nguyên nhân duy nhất – để họ có cơ hội chiếm Trung Hoa. Thực sự
chưa hẳn đã như thế. Những biến cố lịch sử trọng đại nào cũng có nhiều liên hệ
ràng buộc lẫn nhau và việc Sấm Vương chiếm được Bắc Kinh chỉ là thời cơ sau
cùng khi người Mãn Châu thấy đã đến lúc họ”đắc lợi”. Ngô Tam Quế chỉ làm
cho cơ hội đó thuận tiện hơn mà thôi.
Giang sơn đổi chủ
Trước khi có lá thư của Ngô Tam Quế, quân
Thanh đã sẵn sàng để tiến xuống trung nguyên, chuẩn bị lực lượng trải ra trên một
trận địa khá rộng. Ðể xác định vai trò và thái độ ngoại giao của mình đồng thời
bỏ ngỏ một cánh cửa, Dorgon đã phúc đáp với lời lẽ úp úp mở mở rằng họ không có
ý định khôi phục nhà Minh mà chỉ muốn theo đuổi một quan hệ hoà hảo với Trung
Hoa. Họ cũng sẵn lòng thu dụng Ngô Tam Quế vào trong triều đình nhà Thanh, bỏ
qua mọi hiềm khích trước đây (khi Ngô Tam Quế trấn thủ biên cương đã từng nhiều
lần chạm trán với người Mãn Châu).
Phải công nhận rằng Duệ Thân Vương khí độ
hơn người khi ông thu dụng tất cả những ý kiến đưa đến thắng lợi mà những ý kiến
đó lại do các tướng lãnh và nho sĩ người Hán đang làm quan tại triều, đáng kể
nhất là Hồng Thừa Trù (洪承疇) và Phạm Văn Trình (范文程). Chính Hồng Thừa Trù nêu lên ưu điểm to lớn nhất nếu khai thác được.
Ðó là biến người Hán thành”đạo quân thứ năm”mở cửa thành cho họ tiến vào
bằng cách áp dụng một chính sách đối đãi nhân đạo, không chém giết, không đốt
phá, không cướp của. Còn đối với loạn quân thì mềm nắn rắn buông, nếu quân
Thanh hung hãn tấn công ắt là tặc phỉ sẽ đào tẩu và bị kỵ binh tiêu diệt.
Dorgon theo sát những đề nghị này và triệu
tập thân vương, bối lặc ra nghiêm lệnh cho họ không được cướp phá, ai vi phạm sẽ
bị xử tử, tài sản bị tịch thu, con cái bị đày làm nô lệ.
Ngày 15 tháng 4 năm Giáp Thân (20-5-1644)
khi thư của Ngô Tam Quế đến nơi thì quân Thanh đã tiến sát Ninh Viễn và Dorgon
phúc đáp là nếu hai bên hợp binh cùng tiến xuống thì sẽ đập tan loạn quân của
Lý Tự Thành một cách dễ dàng.
Ngày 20 tháng 4 (25-5-1644) Sấm Vương đem
quân lên tới vùng phụ cận Sơn Hải Quan. Ngô Tam Quế một mặt đưa thư chấp thuận
đề nghị của Duệ thân vương, một mặt bố trí các cánh quân đề phòng tập kích một
mặt chuẩn bị đương cự với Lý Tự Thành ở bờ sông Sa (沙), nơi Sấm Vương đợi sẵn với hai hoàng tử
nhà Minh làm con tin.
Ngay khi nhận được thư của Ngô Tam Quế,
Dorgon liền ra lệnh cho kỳ binh Mãn Châu lập tức tiến xuống Sơn Hải Quan. Chỉ
hơn một ngày quân Thanh đã tiến gần 100 km, và ngày 21 tháng 4 (26-5-1644) thì
hạ trại chỉ còn cách Sơn Hải Quan 8 km, ngựa không tháo cương, người không cởi
giáp. Nửa đêm hôm đó hai tướng Ajige và Dodo chỉ huy hai cánh tả hữu trải ra,
còn lực lượng chính thì đích thân Dorgon tiến vào quan ải.
Rạng sáng hôm sau (22 tháng 4 năm Giáp Thân
tức 27-5-1644), quân Thanh đã đến Sơn Hải Quan, Ngô Tam Quế cưỡi ngựa chạy ra
nghinh đón và làm lễ đầu hàng. Theo tài liệu còn trong văn khố, Dorgon cho giết
ngựa trắng bò đen để Ngô Tam Quế tuyên thệ và ước hẹn rằng sau khi bình định Sấm
Vương thì trung nguyên sẽ thuộc về nhà Thanh. Kế đó, Dorgon ra lệnh cho Ngô Tam
Quế gọt tóc theo kiểu người Mãn Châu.
Sau thủ tục qui thuận, tất cả quân Minh về
hàng được lệnh khâu một manh vải trắng vào lưng áo để khi giao chiến với người
Hán – nhất là với hàng binh nhà Minh nay thuộc về Sấm Vương – dễ phân biệt bạn
thù vì quân của Ngô Tam Quế sẽ là đội quân tiền phong tiến đi trước. Chính đây
là dấu hiệu mà Ngô Tam Quế sau này kể rằng ông ta đã cho binh lính để tang vua
Sùng Trinh.
Ngô Tam Quế tiến lên kịch chiến với Lý Tự
Thành ở bờ sông Sa, tưởng đâu đã thất bại. May sao một trận bão cát thổi đến và
nhờ gió bụi che chở, kỵ binh quân Thanh vòng lên đánh vào ngang hông lực lượng
của Sấm Vương khiến cho đối phương tán loạn phải bỏ chạy.
Lý Tự Thành cố gắng tái tổ chức lực lượng để
đương cự nhưng một số đông mất tinh thần chạy thẳng về Bắc Kinh làm cho Sấm
Vương cũng phải chạy theo. Thuận quân thua trận đâm ra mất kiểm soát, tới đâu
cũng đốt phá, cướp bóc không sao ngăn được, nhiều khu vực lớn bị tan hoang
thành bình địa. Tin thắng trận của Ngô Tam Quế truyền tới, nhân dân vui mừng
khi nghe đồn rằng một hoàng tử nhà Minh sẽ lên nối ngôi.
Ngày 26 tháng 4 năm Giáp Thân (31-5-1644),
Lý Tự Thành về đến kinh đô lại cướp phá tất cả các công đường và quan lại.
Trong cơn tuyệt vọng sau cùng, Lý Tự Thành quyết định lên ngôi hoàng đế. Một buổi
đăng quang tổ chức vội vã ngày 29 tháng 4 (3-6-1644) trong khi thuộc hạ được lệnh
chuẩn bị bỏ chạy.
Ngày hôm sau vua Vĩnh Xương nhà Thuận cho đốt
cung điện rồi cưỡi ngựa kéo quân ra cửa tây, để lại kinh thành”khói lửa ngất
trời”. Tổng cộng Sấm Vương chiếm đóng Bắc Kinh được 42 ngày và làm vua chưa
đầy một buổi. Dân chúng thấy Thuận quân lũ lượt tay xách nách mang những đồ ăn
cướp được nên cũng không còn kiêng dè, tự ý tổ chức thành những đội dân quân
vây bắt những tên lính lẻ tẻ ném luôn vào đống lửa. Nhiều kẻ khác bị chặt đầu
ngay giữa phố.
Lẽ dĩ nhiên, cảnh hỗn loạn nào cũng mang
nhiều màu sắc, vì hận thù cũng có mà dậu đổ bìm leo cũng có. Theo sách vở, số
người bị giết vào lúc đó lên đến gần hai nghìn và dần dần lắng xuống khi nghe
tin đại quân từ Sơn Hải Quan đã tiến về. Người ta chờ đón Ngô Tam Quế như một cứu
tinh để tái lập nhà Minh. Thế nhưng người cầm đầu đoàn quân đến tiếp thu kinh
thành lại là Dorgon, Duệ Thân Vương người Mãn Châu.
... Sáng sớm ngày mồng một tháng năm (tức
5-6-1644), các bô lão và quan viên trong thành Bắc Kinh đều ra khỏi thành hai
mươi dặm để nghinh đón. Khi đại quân đến thì họ đưa ra một người để hướng dẫn
vào kinh đô. Quan canh cửa Ðông Hoa đã chuẩn bị vương hiệu và một người xuống
ngựa bước lên long xa nói:
- Ta đây là thân vương phụ chính, thái tử
nhà Minh đã nhượng vị để cho ta làm chủ quốc gia.
Ðám đông ai nấy đều ngơ ngác, có người lại
cho rằng đây có lẽ là hậu duệ của vua Anh Tông (vua nhà Minh trước đây bị quân
Mông Cổ bắt ra ngoài quan ải) nhưng không ai dám lên tiếng. Sau đó Dorgon tiến
vào điện Võ Anh, bước lên trên cao và quay lại hỏi xem ai là người cao cấp nhất
trong quan lại nhà Minh. Lý Minh Duệ (李明睿) miễn cưỡng bước ra và Dorgon liền phong cho ông làm thị lang bộ Lễ.
Lý vội vàng từ khước lấy cớ mình già yếu nhưng Dorgon không để cho ông được toại
nguyện:
Quốc
quân của tiền triều chưa được an táng đúng lễ nghi. Ta dự định là từ ngày mai tất
cả các quan lại và dân chúng sẽ để tang cho hoàng đế. Thế nhưng làm sao phát
tang nếu chưa có hương án, bài vị? Và làm sao lập được bài vị nếu bộ Lễ chưa
tôn thuỵ hiệu?
Nghe đến đây, Lý Minh Duệ chảy nước mắt và
cúi đầu nhận nhiệm vụ, nguyện sẽ hoàn tất sứ mạng tổ chức nghi lễ cho Minh triều.
Dorgon tiếp tục ra tuyên cáo chiêu an dân chúng, hứa sẽ tha cho bất cứ ai qui
thuận và chịu cạo đầu, dóc tóc theo kiểu người Mãn Châu. Những thành nào chống
lại sẽ bị tận diệt.
Trong vòng nửa tháng đại quân nhà Thanh lần
lượt kéo xuống và các tướng lãnh, kể cả Ngô Tam Quế, đều phân tán ra khắp các
nơi để tiễu trừ dư đảng của Lý Tự Thành và những nhóm phiến loạn khác. Bốn mươi
hai ngày của triều đình nhà Thuận đã khiến cho người Hán và quan lại nhà Minh
đón nhận quân Thanh một cách nồng nhiệt, vui mừng.
Trung Hoa một lần nữa đổi chủ.
Trần Viên Viên
(diễm
sử)
陳圓圓
Theo
diễm sử, Trần Viên Viên gốc người Thái Nguyên, họ Trần tên Nguyên (沅) vốn con nhà gia giáo. Cha mất
sớm, mẹ nuôi đến khi khôn lớn, năm 18 tuổi nổi tiếng là xinh đẹp, eo thon, mặt
như hoa phù dung, da trắng như tuyết, thông tuệ hơn người. Nàng tinh thông sách
vở, cầm kỳ thi hoạ môn nào cũng giỏi. Không may mẹ cũng lìa đời, đất Sơn Tây
lưu khấu nổi lên nên phải bán mình để lấy tiền làm đám ma cho mẹ thành thử lưu
lạc đến Tần Hoài.
Ngô
Tam Quế Trần Viên Viên
Hai năm sau, tuần phủ An Huy Lý Lưu Vân (李留雲) đi
tìm mua danh kỹ bắt gặp mới mua nàng đem về đưa vào phủ đệ của Ðiền hoàng thân
Ðiền Hoành (田宏) làm chức hầu môn tuyệt cơ. Một
ngày kia, trong một bữa tiệc trong Ðiền phủ, đô đốc trông coi binh mã của kinh
thành là Ngô Tam Quế trông thấy nàng, hồn điên phách đảo, còn Trần Viên Viên
thì cũng sinh lòng ái mộ chàng thanh niên khí vũ bất phàm, tuổi trẻ anh hùng họ
Ngô.
Từ đó trở đi, Ngô Tam Quế tìm cách ra vào
Ðiền phủ, giả tảng đàm luận kinh luân để có dịp gần người ngọc. Ðến kỳ nhà Minh
mở khoa thi võ, Ngô Tam Quế ứng thí đậu cao được bổ làm du tuần sứ.
Một ngày kia, Ðiền phủ mở tiệc thưởng
hoa, Ngô Tam Quế vô ý xông vào phòng của Trần Viên Viên, hai người đầu mày cuối
mắt, đang nói chuyện thì bị Ðiền hoàng thân bắt gặp. Họ Ðiền nổi giận đuổi Ngô
Tam Quế ra khỏi phủ khiến cho y biếng ăn bỏ ngủ, ngày đêm mơ tưởng đến Trần
Viên Viên.
Hồi đó, quân Minh chống giữ quân Thanh
ngoài biên ải thua liên tiếp nên vua Sùng Trinh phong cho Ngô Tam Quế làm phó tổng
binh, ra Sơn Hải Quan ngăn địch. Khi mọi người đến chúc mừng, thấy y mặt mày
không được vui hỏi ra biết chuyện nên Ðổng Kỳ Xương mới khuyên Ðiền Hoành đem
Trần Viên Viên tặng cho Ngô Tam Quế.
Từ khi có được người đẹp, Ngô Tam Quế việc
binh bê trễ, cáo bệnh ở nhà, khiến Ðổng Kỳ Xương phải viết thư khuyên nhủ. Ngô
Tam Quế và Trần Viên Viên đọc xong, Trần Viên Viên quì xuống khóc mà rằng:
“Ðổng tông bá vì chuyện quốc gia thể nào
cũng phải tìm cách trừ khử tiện thiếp. Tiện thiếp nay làm liên luỵ đến thanh
danh của tướng quân, làm hỏng con đường tiến thủ, rồi đây chắc cả hai ta cùng
chết, chi bằng tiện thiếp chết trước mặt tướng quân cho xong”.
Ngô Tam Quế nhảy dựng lên, xé nát lá thư
của Ðổng Kỳ Xương nói:
“Ta chẳng ham cái chức phó tổng binh
này, chỉ mong được cùng nàng kề cận. Ðầu ta có thể đứt nhưng tình ý đôi ta
không thể nào đứt được”.
Người vợ cả của Ngô Tam Quế họ Lư biết
tình biết lý, e ngại phu quân không thoát khỏi tội khi quân nên khuyên chồng đừng
vì mê luyến nữ sắc mà hại đến bản thân nhưng Ngô Tam Quế không để vào tai. Ðứa
thị tì của Trần Viên Viên đem những lời Lư thị thêm dầu thêm mỡ nói lại cho
nàng nghe, Trần Viên Viên lập tức tìm Ngô Tam Quế khóc lóc thảm thiết.
Ngô Tam Quế nổi giận bừng bừng, lôi Lư thị
ra đấm đá một trận. Lư thị lúc đó đang có thai, bị đánh đến chết ngay tại chỗ.
Thái phu nhân (mẹ của Ngô Tam Quế) nghe chuyện nổi cơn thịnh nộ, biết việc do
Trần Viên Viên nói ra nói vào mà nên giở gia pháp trừng trị còn lão thái gia
Ngô Tương (吳驤) (cha của Ngô Tam Quế) thì cho rằng
giết người phải đền mạng nên giao con cho bộ Hình xử trí.
Ðổng Kỳ Xương một lần nữa vì Ngô Tam Quế
chạy đông chạy tây, nhờ tể tướng Lý Kiến Thái vào nói với vua Sùng Trinh nên
Ngô Tam Quế mới được thả về, sai ra Sơn Hải Quan đái công chuộc tội. Theo luật
nhà Minh, võ quan trấn thủ biên thuỳ không được phép mang gia đình theo nên Ngô
Tam Quế đành phải để Trần Viên Viên ở kinh đô.
Khi Lý Tự Thành chiếm Bắc Kinh, y toan lợi
dụng Trần Viên Viên để khống chế Ngô Tam Quế, bức bách Ngô Tương phải viết một
lá thư khuyên con đầu hàng. Ðể mong bảo toàn tính mạng cha mình, Ngô Tam Quế bằng
lòng qui thuận. Y bàn giao sổ sách, quyền hành xong mới dẫn số quân tinh nhuệ
đi theo sứ giả của Sấm Vương là Ðường Thông quay về Bắc Kinh để gặp Lý Tự
Thành.
Trên đường đi, Ngô Tam Quế gặp được người
nhà là Ngô Lương, hỏi thăm về Trần Viên Viên mới hay Trần Viên Viên đang ở
trong cung, được họ Lý cực kỳ sủng ái. Ngô Tam Quế nghe vậy, nộ khí xung thiên,
nghiến răng nói:
“Ðại trượng phu ở trên đời không bảo vệ
được một người đàn bà thì đâu có đáng sống!”.
Ngô Tam Quế quát bộ hạ đem Ðường Thông ra
chém rồi quay về chiếm lại Sơn Hải Quan, sai phó tướng Dương Hàn (楊韓), du
kích Quách Vân Long (郭雲龍) sang
nhà Thanh cầu cứu đồng thời viết thư cự tuyệt lời yêu cầu của cha. Nhờ có quân
Thanh hợp lực, Ngô Tam Quế đánh bại Lý Tự Thành, đoạt lại được người ái thiếp
Trần Viên Viên.
Sau khi quân Thanh chiếm được trung
nguyên, Ngô Tam Quế được phong làm Bình Tây Vương, trấn nhậm Vân Nam. Y cho xây
một hoa viên tuyệt đẹp, lấy tên là Giả Ngọc Viên Lâm (赭玉園林),
ngày ngày cùng thị thiếp yến ẩm.
Một hôm Ngô Tam Quế đang ở trong hoa viên
đãi khách, Trần Viên Viên sai tì nữ đỡ ra, đến trước mặt Ngô Tam Quế quì xuống
thưa rằng:
“Tiện thiếp được hầu hạ vương gia lâu
năm, vương gia không hiềm là kẻ xuất thân ca kỹ, kiếp này không biết lấy gì báo
đáp, chỉ đành đợi đến kiếp sau. Bây giờ thiếp đã thấy cõi trần này là hư ảo, từ
nay cắt tóc đi tu, lấy ngọn đèn quyển kinh làm bạn cho qua kiếp sống thừa”.
Nói xong nàng rút trong tay áo ra một con
dao ngắn, cắt soẹt mấy cái, mái tóc mượt như tơ rơi lả tả. Ngô Tam Quế đang định
ngăn lại nhưng không kịp nữa rồi bèn khuyên lơn, hai người lại đằm thắm như khi
trước.
Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, Ngô Tam Quế
không còn thấy Trần Viên Viên đâu nữa, lập tức cho tập trung người nhà bổ đi
tìm thì bắt gặp Trần Viên Viên đã xuất gia tại một ngôi chùa cách vương phủ
không xa tên là Thê Vân Tự (栖雲寺). Ngô
Tam Quế tới nơi thấy Trần Viên Viên đang ngồi tụng kinh bèn khẩn cầu nàng quay
về vương phủ, Viên Viên nghiêm mặt đáp:
“Trên đời này không có bữa tiệc nào mà
không có lúc tàn. Vương gia đãi người vì sắc đẹp, một khi niên lão sắc suy, rồi
cũng sẽ bỏ thiếp. Than ôi! Biển khổ không bờ, quay đầu thấy bến. Nếu như vương
gia không buông tha thì cứ giết thiếp đi”.
Ngô Tam Quế thấy Trần Viên Viên ý chí sắt
đá như thế đành phải để nàng ở đây và ra lệnh cho cất ở bên cạnh một toà ni am.
Ngày ngôi chùa xây xong, Ngô Tam Quế cho người đến chúc mừng thì Trần Viên Viên
đã vào phòng treo cổ tự tử.
Bình Tây Vương hối hận hậu táng nàng theo
nghi lễ vương phi, chôn tại khu rừng tùng gần Thê Vân Tự, ngôi mộ đến nay vẫn
còn. Cuộc đời của Trần Viên Viên nay gắn liền với bốn chữ hồng nhan hoạ thuyû
(紅顏禍水).
Lược thuật
theo Trung Quốc Toàn Sử quyển 4 (Diễm Sử) tr. 86-9
KẾT LUẬN
Lịch sử chỉ là những
chu kỳ được lập đi lập lại, hết thịnh rồi tới suy và một triều đại cáo chung
luôn luôn có những người vẫn tiếp tục hoài vọng nước cũ. Chuyện đó cũng dễ hiểu
khi con người được xây đắp không hẳn chỉ bằng ước vọng tương lai mà cả những
thành tựu quá khứ.
Trong những năm cuối
của triều Minh, Trung Hoa không còn là một đế quốc hoàn toàn dưới quyền của một
chính quyền trung ương mà đã chia ra thành nhiều khu vực, mỗi vùng có một sứ
quân, tuỳ theo quyền lực và ảnh hưởng mà cai trị một vùng lớn nhỏ. Việc giao
cho anh em, dòng họ mỗi người một mảnh đã khiến cho nước Tàu tự chia cắt thành
nhiều tiểu quốc lẻ loi nên dễ bị lưu khấu tiêu diệt. Ngay cả những loạn tướng
cũng chỉ có mộng chia xẻ giang sơn với nhà Minh hơn là thay thế họ. Cho nên
chúng ta không lấy làm lạ khi Sấm Vương Lý Tự Thành ra chiều hoang mang khi
nghe tin vua Sùng Trinh tự ải và buột miệng nói ra”Ta đến đây chỉ muốn chia
xẻ giang sơn với ông, sao ông lại tự tử như thế?”.
Chúng ta thấy rằng
một xã hội thời loạn ly có những đột biến không thể tiên liệu. Bức tranh vân cẩu
của mọi thời đại là một khi quyền bính nằm trong tay giới võ biền ít học, việc
gì cũng có thể xảy ra. Tùy theo quan điểm của mỗi người, thành phần đọc sách tự
đề ra cho mình một thái độ. Không hiếm người cố tìm một ý nghĩa cho việc thay
tên đổi chủ để biện minh cho hành động và cũng không hiếm những kẻ tự thu lại rồi
cho rằng đó là một phản ứng tận trung với cố quốc. Phải mất một thời gian khá lâu
người ta mới có thể nhìn được những biến chuyển dưới những góc độ khác nhau.
Quân Thanh vào chiếm
được Trung Hoa đã trở thành một đề tài lớn cho nhiều người, từ sử gia đến văn
nhân, thực cũng có mà ảo cũng có. Tất cả chung qui cũng xoay quanh bốn chữ “đuổi
hươu tranh đỉnh”. Thế nhưng người Mãn Châu không phải lấy được Bắc Kinh là
xong, họ còn phải mất một thời gian dài để bình định những khu vực còn sót lại
và đối phó với những đám di thần nhà Minh cũng như những tập thể người Hán tiếp
tục nổi dậy để khôi phục nhà Minh.
Sau khi thất bại
ngay ở trong nước, người Trung Hoa tìm cách bỏ trốn ra nước ngoài để khỏi phải
phục vụ”dị tộc”và giữ được”áo quần, mái tóc”. Những người”Minh
hương”đó đã ảnh hưởng khá nhiều đến biến chuyển của nước ta, tích cực và
tiêu cực. Họ cũng trở thành một mạng lưới trải rộng khắp vùng Ðông Nam Á, xây dựng
được những cộng đồng có sức mạnh kinh tế khuynh loát nhiều chính quyền.
Bài viết này tuy chỉ
thuật lại một biến chuyển chính trị của Trung Hoa không liên quan gì đến Việt
Nam nhưng lại là nguyên nhân trực tiếp để nảy sinh ra những”đảng phái”theo
mô hình thời đó – những bang hội với mục đích tương trợ làm bình phong cho những
mưu đồ chính trị. Những tổ chức đó chi phối hầu như mọi sinh hoạt của Hoa kiều
tại hải ngoại và đã có thời hoạt động mạnh tại miền Nam, là tiền đề của nhiều
cuộc nổi dậy và khai sinh ra một số tôn giáo địa phương. Nhiều sinh hoạt tại nước
ta vẫn được bảo tồn một cách trân trọng như tài sản của cha ông lại chính là một
đặc sản được du nhập từ Trung Hoa trong thời kỳ này. Ðây chính là chủ điểm của
đề tài”Thiên Ðịa Hội”kế tiếp.
Mô hình của Trung Hoa cuối đời Minh cũng không khác gì hoàn cảnh của Việt Nam thời Lê mạt, khá nhiều tương đồng mặc dù hậu quả hai bên khác nhau. Xem qua những biến chuyển dẫn đến việc Thanh binh nhập quan, chúng ta thấy rằng có những nhân vật đóng một vai trò tuy nổi bật trong giai đoạn này nhưng không hẳn là những nguyên tố duy nhất. Và bài viết này cũng phần nào được hoàn thành để soi sáng cho vai trò của một kỹ nữ tên là Trần Viên Viên!
Tháng 11, 2005
Nguyễn Duy Chính
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bạch Thọ Di (白壽彝) chủ biên. Trung Quốc Thông Sử (中國通史) (22 volumes) Thượng Hải: Thượng Hải nhân
dân xb xã, 1989
2. ----------------. Trung Quốc Thông Sử Cương
Yếu (中國通史綱要). Bắc Kinh: Ngoại
Văn xb xã, 1982. (bản Anh Ngữ Bai Shouyi. An Outline History of China.
Beijing: Foreign Languages Press, 1982)
3. Chan, Albert. The Glory and Fall of the
Ming Dynasty. Norman: University of Oklahoma Press, 1982
4. Hookham, Hilda. A Short History of China.
New York: New American Library, 1972
5. Kim Dung. Lộc Ðỉnh Ký (5 quyển).
Hongkong: Minh Báo, 1981
6. Lê Ðông Phương (黎東方). Tế Thuyết Minh Triều (細說明朝) (quyển 2). Ðài Bắc: Văn Tinh tùng san,
1964
7. Mote, F. W. Imperial China: 900-1800.
Mass: Harvard University Press, 1999
8. Mote, Frederick W. và Denis Twitchet chủ
biên. The Cambridge History of China (volume 7 & 8 – The Ming
Dynasty, 1368-1644) Cambridge: Cambridge University Press, 1997
9. Oxnam, Robert B. Ruling From Horseback –
Manchu Politics in the Oboi Regency, 1661-1669. Chicago and London: The
University of Chicago Press, 1975
10.
Parker, Geoffrey. The
Military Revolution: Military innovation and the rise of the West 1500-1800.
New York: Cambridge University Press, 1996
11.
Parsons, James B.”The
Culmination of a Chinese Peasant Rebellion: Chang Hsien-Chung in Szechwan,
1644-46”(S. N. Eisenstadt biên tập, The Decline of Empires, New Jersey:
Prentice Hall, Inc.,1967)
12.
Perry, Elizabeth J.
Rebels and Revolutionaries in North China 1845-1945. California:
Stanford University Press, 1980
13.
Spence, Jonathan D.
The Search for Modern China. New York: W.W. Norton & Company, 1990
14.
Sun Laichen.”Military
Technology Transfers from Ming China and the Emergence of Northern Mainland
Southeast Asia (c. 1390-1527) ”Journal of Southeast Asian Studies, vol.
34, 3 (10-2003)
15.
Tiền Mục (錢穆). Quốc Sử Ðại Cương (國史大綱) hai quyển thượng và hạ. Hương Cảng:
Thương Vụ Ấn Thư Quán, 1998
16.
Trần Chí Bình (陳致平). Trung Hoa Thông Sử (中華通史) quyển 9. Ðài Bắc: Lê Minh văn hoá sự nghiệp
công ti, 1978
17.
Trạch Văn Minh (翟文明)chủ biên. Trung Quốc Toàn Sử (中國全史) 4 cuốn. Bắc Kinh: Quang Minh nhật báo xb
xã, 2002
18.
Vương Nhung Sinh (王戎笙) chủ biên. Thanh Ðại Toàn Sử (清代全史) 10 volumes. Thẩm Dương: Liêu Ninh nhân
dân xb xã, 1995
19.
Vương Xuân Du (王春瑜). Minh Thanh Sử Tản Luận (明清史散論). Thượng Hải: Ðông Phương xb trung tâm,
1996
20.
Wade, Geoff. The
Zheng He Voyages: A Reassessment. Singapore: Asia Research Institute, 2004
21.
Wakeman, Frederic,
Jr. The Fall of Imperial China. New York: The Free Press, 1975
22.
-----------------------------.
The Great Enterprise: The Manchu Reconstruction of Imperial Order in
Seventeenth-Century China (2 volumes). Berkeley: University of California
Press, 1985
[1]
Tú bà
[2] 妻子豈應關大計?
英雄無奈是多情
Thê tử khởi ưng quan đại kế? Anh hùng
vô nại thị đa tình.
[3] 洞房夜夜換新人
– Ðộng phòng dạ dạ hoán tân nhân
[4]
Bài thơ này ý tứ dạt dào và bóng bẩy, nhiều ẩn dụ. Người viết chỉ mượn ý để
chuyển nghĩa rất phóng túng dùng cho bản dịch Lộc Ðỉnh Ký, hoàn toàn không lột
tả ý hay lời đẹp của Viên Viên Khúc, xin độc giả lượng thứ.
[5]
Kim Dung, Lộc Ðỉnh Ký, quyển 4, hồi 32 (Hongkong: Minh Báo, 1981) tr.
1304-1315, bản dịch Nguyễn Duy Chính
[6]
Tự Tuấn Công, về sau đổi thành Mai Thôn, người đất Thái Thương, Giang Nam. Ông
đỗ tiến sĩ năm Sùng Trinh thứ 4 (1631) làm biên tu Hàn Lâm Viện. Sau làm quan
cho nhà Thanh lên đến tế tửu Quốc Tử Giám.
[7]
Khởi nhưng có thể đọc là khỉ cho hợp vận
[8]
Albert Chan, The Glory and Fall of the Ming Dynasty (Norman: University
of Oklahoma Press, 1982), tr. 21
[9]
Jonathan D. Spence, The Search for Modern China (New York: W.W. Norton
& Company, 1990) tr. 16
[10]
1 đản là một trăm cân, khoảng 60 kg, ta quen đọc là thạch.
[11]
Geoff Wade, The Zheng He Voyages: A Reassessment (Singapore: Asia
Research Institute, 2004)
[12]
Theo Minh Thái Tông thực lục thì nhà Minh còn bắt của nước ta 7600
thương nhân và thợ khéo trong đó có một số kỹ sư chuyên về đúc súng đem về Nam
Kinh.
[13]
Chinese armies had employed firearms before the fifteenth century, but they
came to possess superior weapons from Annam during the Annamese campaigns of
the early fifteenth century. They also captured one of the leading Annamese
firearms experts, Lê Trừng (1374-1446), the eldest son of Lê Quí Ly, who was
charged with manufacturing their superior muskets and explosive weapons. The
Artillery Camp was thus built around these Annamese firearms specialists, who
instructed Ming soldiers under the supervision of palace eunnuchs. Frederick W.
Mote and Denis Twitchett (ed), The Cambridge History of China: The Ming
Dynasty 1368-1644 (vol. 7, Part I) (Cambridge: Cambridge University
Press, 1997) tr. 248
[14] ...
orders would arrive from military commanders, some demanding grain and hay,
others mules and sacks, or cauldrons and horses. Albert Chan, sđd. tr. 203
[15]
Albert Chan, sđd. tr. 202
[16]
Sun Laichen, “Military Technology Transfers from Ming China and the Emergence
of Northern Mainland Southeast Asia (c. 1390-1527)” Journal of Southeast
Asian Studies, vol. 34, 3 (10-2003) tr. 497
[17]
nhiều người cho rằng hoả lực của nhà Minh đã làm cho nhiều tiểu quốc ở Nam Á
khiếp sợ trong bảy lần viễn du của Trịnh Hoà và tạo được chiến công đánh bại hải
đội Bồ Ðào Nha (Portuguese flotilla) năm 1522.
[18]
Geoffrey Parker, The Military Revolution: Military innovation and the rise
of the West 1500-1800 (New York: Cambridge University Press, 1996) tr. 83-4
[19]
Albert Chan, sđd. tr. 345
[20]
Albert Chan, sđd. tr. 346
[21]
Ðể tránh sự truy lùng của quan quân, những đám nổi dậy thường lưu động từ vùng
này sang vùng khác nên được gọi là lưu khấu (流寇).
Một khi có thủ lãnh nào bị giết, người kế vị thường lấy luôn tên của người quá
cố khiến cho triều đình không thể biết được là đã loại trừ được người nào.
[22]
“By this time the rebels were expert in the use of fire-arms. Chang Hsien-chung,
for instance, possessed fire-arms of all kinds, which he had obtained from
Annam”. Albert Chan, sđd. tr. 347. Ðiều này cho ta thấy một sự thực là
trong thời kỳ phân liệt ở nước ta nói riêng và tình hình nhiều xáo trộn ở vùng
Ðông Nam Á nói chung, việc thủ đắc kỹ thuật mới đã trở thành một vấn đề sinh tử
đảo ngược lại một số luận đề cho rằng kỹ thuật chiến tranh truyền từ phương bắc
xuống mà thực tế là đi từ miền nam lên.
[23]
Geoffrey Parker, sđd. tr. 137
[24]
Tiền Mục: Quốc Sử Ðại Cương (1998) quyển hạ tr. 822-3
[25]
Albert Chan, sđd. tr. 197-8
[26]
Albert Chan, sđd. tr. 198
[27]
Tiền Mục, sđd. tr. 823
[28]
Hilda Hookham, A Short History of China (New York: New American Library,
1972) tr. 260
[29]
Robert B. Oxnam, Ruling From Horseback – Manchu Politics in the Oboi
Regency, 1661-1669 (Chicago and London: The University of Chicago Press,
1975) tr. 8
[30] 盡取宮中金銀各百萬,輦載數百車不盡
tận thủ cung trung kim ngân các bách vạn, liễn tải sổ bách xa bất tận (trích lại
theo Bạch Thọ Di, Trung Quốc Thông Sử (1989), quyển 16, tr. 2105)
[31]
James B. Parsons, “The Culmination of a Chinese Peasant Rebellion: Chang
Hsien-Chung in Szechwan, 1644-46” (S. N. Eisenstadt biên tập, The Decline of
Empires, New Jersey: Prentice Hall, Inc.,1967) tr. 154
[32]
Bạch Thọ Di: Trung Quốc Thông Sử (1989), quyển 16, tr. 2098
[33]
Theo lời đồn, Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn cũng dùng cách này để lấy thành Qui Nhơn
[34]
Thủ đoạn đó khiến chúng ta liên tưởng đến Hồng Vệ Binh trong thời Cách Mạng Văn
Hoá tại Trung Hoa gần đây.
[35]
Albert Chan, sđd. tr. 352
[36]
Albert Chan, sđd. tr. 353
[37]
James B. Parsons, sđd. tr. 155
[38]
James B. Parsons, sđd. tr. 158
[39]
Lý Tự Thành nổi lên ở vùng tây bắc Trung Hoa, khu vực có rất đông người Hồi, một
trong những lãnh tụ nổi dậy có biệt danh Lão Hồi Hồi nhưng sử gia viết
chữ hồi với bộ khuyển tỏ ý khinh bỉ (người Trung Hoa khi ghét ai thường hay viết
trại tên họ thành một nghĩa xấu xa)
[40]
Nhiều sách vở viết rằng Sấm Vương là danh hiệu Lý Tự Thành tự xưng năm 1642
nhưng không chính xác.
[41]
Bạch Thọ Di: Trung Quốc Thông Sử (Thượng Hải: Thượng Hải nhân dân xb xã,
1989), q. 16 tr. 2081
[42]
quân điền miễn lương (均田免糧)
[43]
Khai liễu đại môn nghinh Sấm Vương. Sấm Vương lai thời bất nạp lương.
開了大門迎闖王,闖王來時不納糧。
[44] The
Cambridge History of China, vol. 7, 1997 tr. 635. Gần đây nhất, năm 1938, để
ngăn quân Nhật tiến xuống phía nam, thống chế Tưởng Giới Thạch cũng ra lệnh phá
đê sông Hoàng Hà, gây ra một trận lụt lớn 17 triệu mẫu ruộng bị ngập, 1.5 triệu
căn nhà bị phá huỷ, 470,000 người chết đuối (những con số này theo các tác giả
Hoa lục thì còn lớn hơn nhiều). Elizabeth J. Perry, Rebels and
Revolutionaries in North China 1845-1945 (California, 1980) tr. 15 và
Frederic Wakeman, Jr., The Fall of Imperial China (New York, 1975) tr.
18
[45]
Lê Ðông Phương, Tế Thuyết Minh Triều (quyển 2) (Ðài Bắc: Văn Tinh tùng
san, 1964) tr. 429
[46]
Lê Ðông Phương, sđd. tr. 428
[47]
Frederic Wakeman, Jr., The Fall of Imperial China (1975) tr. 68
[48]
Vương Xuân Du (王春瑜):
Minh Thanh Sử Tản Luận (明清史散論) (Thượng Hải: Ðông Phương xb trung
tâm, 1996) tr. 108
[49]
Vương Xuân Du, sđd. tr. 108
[50]
Vương Xuân Du, sđd. tr. 110.
[51]
Frederic Wakeman, Jr., The Great Enterprise (1985) tr. 278-9
[52]
Frederic Wakeman, Jr., The Great Enterprise (1985) tr. 280
[53] Procamation
Urging Entry (into the Imperial Quarters)
[54]
Frederic Wakeman, Jr.,The Great Enterprise (1985) tr. 282
[55]
Frederic Wakeman, Jr., The Great Enterprise (1985) tr. 286-7
[56]
Frederick W. Mote, Imperial China 900-1800, 1999 tr. 799
[57]
Frederic Wakeman, Jr., The Great Enterprise (1985) tr. 301-2, chú thích
234
[58]
Geofrey Parker, The Military Revolution (New York: Cambridge University
Press, 1996) tr. 137
[59]
Nằm ở phía đông bắc, bên ngoài trường thành, cách Sơn Hải Quan chừng 50 km.
[60]
Về việc này, để bảo toàn cho Lý Tự Thành và “cuộc khởi nghĩa nông dân” của
Sấm Vương, các sử gia Hoa lục đều nghiêng về thuyết cho rằng sau khi đánh thua
Ngô Tam Quế ở Sơn Hải Quan thì gia đình họ Ngô tổng cộng 38 người mới bị Thuận
quân giết. Ngô Tam Quế phẫn uất chính vì người ái thiếp Trần Viên Viên bị bộ tướng
của Lý Tự Thành là Lưu Tông Mẫn chiếm đoạt và người gia nhân y gặp trên đường
trốn đi sợ tội nên mới bịa ra câu chuyện toàn gia thảm tử để đánh lừa họ Ngô.
[61]
Frederic Wakeman, Jr., The Great Enterprise (1985 tr. 296-297
[62]
cháu gọi bằng cậu chữ Hán là sanh (甥)
[63]
hai lá thư này nguyên văn trong Thanh Thái Tông Thực Lục, quyển 63,
trích lại theo Thanh Ðại Toàn Sử, quyển 2, tr. 25-6
[64]
Frederic Wakeman, Jr., The Great Enterprise (1985 tr. 302
[65]
Việc này cũng tương tự như thói quen của người Chăm trước đây thường ra cướp
phá nước ta và Chân Lạp, chiếm đoạt tài sản, nô lệ rồi rút về. Nhà Tây Sơn sau
này cũng giữ thói quen đó, thường theo chiều gió giong thuyền vào cướp bóc ở
Gia Ðịnh để lấy thóc gạo rồi đến khi thuận chiều thì lại quay về nên bị gọi là
“giặc mùa”.