Thursday, November 28, 2024

Nguyễn Duy Chính: THIÊN ÐỊA HỘI

 

  

THIÊN ÐỊA HỘI

天地會

Nguyễn Duy Chính

 

 

Bài viết này vốn dĩ định dùng làm phụ lục cho bản dịch Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung nhưng vì một lý do ngoài ý muốn nên sau năm chương đầu chúng tôi không dịch tiếp. Một số bài viết khác về cuối đời Minh đầu đời Thanh như Thanh Binh Nhập Quan, Vụ Án Minh Sử, Hoạn Quan, Hương Phi … với cùng mục đích đã được in trong các tập hợp Núi Xanh Nay Vẫn Đó, Vó Ngựa và Cánh Cung[1]. Chính vì thế, thiên khảo cứu nhỏ này chủ yếu là để đọc khi nhàn tản vui chơi, không mang một mục tiêu cụ thể nào.

Bang hội và giáo phái xuất hiện trong tác phẩm của Kim Dung hoàn toàn là tiểu thuyết (fictional), không giống sự thật. Trên thực tế, những đoàn thể đó sinh hoạt mang tính tương trợ nhưng khi hoạt động như một xã hội bí mật thì lại đầy rẫy tội ác không có gì đáng cho chúng ta ca ngợi cả.

Về văn hiến, sách vở ghi chép hoạt động của họ cũng thực hư lẫn lộn và băng đảng vốn chống lại triều đình nên luôn luôn là những người ngoài vòng pháp luật cần phải diệt trừ. Tuy bộ truyện Lộc Đỉnh Ký miêu tả Thiên Địa Hội như một tập thể ái quốc đáng khâm phục nhưng thực tế như thế nào cũng còn phải tìm hiểu thêm. Trong hai ba thế kỷ vừa qua, không phải chỉ ở Trung Hoa mà ở nơi khác cũng có nhiều tổ chức cách mạng hoạt động không khác gì băng đảng. Ảnh hưởng của bang hội khiến cho người bản xứ ở những nơi họ hoạt động cũng sao chép lại một số định chế họ mang tới. Thật khó cho chúng ta khi nhiều tổ chức khởi đầu bất hợp pháp những về sau lại biến thành đoàn thể cách mạng mà ranh giới giữa hoạt động băng đảng và đấu tranh không có gì rõ rệt. Chính vì thế, việc điều chỉnh để từ những hoạt động mang tính “thảo khấu” sang thành một cơ cấu “điếu dân phạt tội” dễ gây tranh cãi khi phải phân chia giữa chính và tà. Có những tổ chức lúc đầu là giặc cướp, sau lại thành anh hùng và cũng có những đoàn thể khởi đầu với mục tiêu cao cả nhưng rồi sau lại thành hắc đạo.

Một điểm đáng quan tâm là Thiên Địa Hội được coi như một tổ chức với chủ trương “Phản Thanh phục Minh” nghĩa là với một mục tiêu chính trị rõ rệt. Tuy nhiên, khi đi sâu vào những hoạt động của họ, chúng ta lại thấy nó bắt rễ từ một quá khứ sâu xa hơn và được tổng hợp trong nhiều hình thái không liên quan gì đến cái ý nghĩa nguyên thuỷ đó. Lực lượng của họ phần chính yếu là do các hoạt động hải dương, nói trắng ra là những hoạt động buôn bán, bảo tiêu và nhiều hình thức bất hợp pháp khác.

Ở trên bộ, những hoạt động lại mang hình thức hội đảng Lương Sơn Bạc có khi lên đến hàng vạn người như Thiêm Địa Hội[2] ở Quảng Đông đời Gia Khánh. Rồi những băng đảng xã hội bán bí mật tại thành thị càng làm sự phân biệt thêm khó khăn. Chính vì thế, nếu tính về hoạt động lan toả của họ, sinh hoạt hội đảng không chỉ thu hẹp trong những hiện tượng chống lại người Mãn Châu đầu đời Thanh mà kéo dài qua nhiều thời kỳ khác, nhiều khu vực có người Hoa di cư đến. Nghiên cứu về sinh hoạt của các nhóm dân di cư không thể chỉ một bài viết nhưng cần những biên khảo sâu rộng hơn.


MỞ ĐẦU

Gió bấc như dao cắt, băng tuyết đóng đầy mặt đất.

Trên con đường cái quan cạnh bờ biển Giang Nam, một đội Thanh binh tay cầm đao thương, áp giải bảy cỗ tù xa, bất kể gió lạnh đi về hướng bắc. Ba chiếc xe tù đi đầu giam riêng biệt ba người đàn ông, người nào cũng ăn mặc theo lối thư sinh, một ông già tóc bạc, hai người còn lại tuổi trung niên. Bốn cỗ xe đi sau nhốt toàn đàn bà, tù xa sau cùng là một thiếu phụ, trong tay bế một đứa bé gái, đang khóc dãy nảy lên.

Người mẹ dịu giọng ru con nhưng đứa trẻ vẫn khóc không ngừng. Tên Thanh binh đi bên cạnh nổi nóng, giơ chân đá vào tù xa, quát lớn:

- Có giỏi khóc nữa đi! Ông cho một đá chết tươi bây giờ.

Ðứa bé sợ hãi, càng khóc già.

Bên đường cách chừng vài mươi trượng là một tòa nhà lớn, có một nho sinh trung niên đứng dưới hàng hiên cùng một đứa trẻ chừng mười một mười hai tuổi. Người nho sinh nhìn thấy tình cảnh đó, không khỏi thở dài một tiếng, mắt đỏ hoe chép miệng:

- Thật đáng thương thay! Ðáng thương thay!

Ðứa bé hỏi:

- Cha ơi, họ phạm tội gì thế?

Nho sinh đáp:

- Còn phạm tội gì nữa? Hôm qua và sáng nay đã có đến hơn ba chục người, đều là những nho sĩ nổi tiếng mạn Chiết Giang, có người nào tội tình gì đâu.

Ông ta nói đến “tội tình gì đâu” thì hạ giọng xuống, sợ quan binh áp giải tù xa nghe được. Thằng bé lại hỏi tiếp:

- Thế đứa bé con kia còn bú mẹ, không lẽ cũng có tội hay sao? Thật chẳng phải chút nào.

Nho sinh nói:

- Ngươi cũng biết quan binh chẳng phải, quả là đứa con ngoan. Ôi, người ta như dao như thớt, còn ta như cá như thịt, người ta như đỉnh như chảo, còn ta như hươu như nai.

Thằng bé nói:

- Cha ơi, mấy bữa trước cha có dạy con “nhân vi đao trở, ngã vi ngư nhục”[3] có nghĩa là để mặc cho người ta chém giết gì cũng phải chịu. Người ta là dao thái rau, là phiến gỗ thớt còn mình thì là cá là thịt. Còn câu”nhân vi đỉnh hoạch, ngã vi mi lộc”[4] chắc cũng chẳng khác bao nhiêu, phải không?

Nho sinh kia đáp:

- Ðúng thế!

Y thấy quan binh và xe tù đi đã xa bèn cầm tay con nói:

- Bên ngoài này gió lớn, thôi mình vào trong nhà.

Nói rồi hai cha con liền đi vào thư phòng.

Người nho sinh cầm bút, chấm mực, viết lên giấy một chữ Lộc (鹿) rồi nói:

- Hươu là một loài dã thú, tuy to lớn nhưng tính nết cực kỳ hiền hòa, chỉ ăn cỏ ăn lá, xưa nay không làm hại giống khác bao giờ. Những giống thú hung mãnh đều muốn bắt nó mà ăn, hươu chỉ biết chạy, nếu chạy không kịp thì sẽ bị giết làm mồi cho giống khác.

Ông lại viết thêm hai chữ Trục Lộc (逐鹿) nói tiếp:

- Thành thử người xưa thường lấy chữ Lộc để chỉ thiên hạ. Dân đen thường hiền lành dễ bảo, chỉ khiến cho người ta ức hiếp sát hại. Hán Thư có viết: “Tần thất kỳ lộc, thiên hạ cộng trục chi”[5]. Câu ấy có nghĩa là nhà Tần mất thiên hạ, quần hùng nổi lên tranh đoạt, sau cùng Hán Cao Tổ đánh bại Sở Bá Vương, lấy được con hươu vừa to vừa béo.

Thằng bé con gật đầu:

- Hài tử hiểu rồi. Trong tiểu thuyết cũng có viết: “Trục Lộc Trung Nguyên”[6], ấy nghĩa là mọi người tranh nhau để lên làm hoàng đế.

Người nho sinh vui vẻ, gật đầu vẽ trên giấy hình một chiếc đỉnh nói:

- Cổ nhân nấu ăn, không dùng nồi để trên bếp mà dùng loại vạc ba chân như thế này, đốt củi bên dưới, khi bắt được con hươu thì bỏ vào nấu lên. Vua chúa và các quan to đều cực kỳ tàn nhẫn, nếu ghét ai thì vu cho người đó có tội, bỏ vào vạc luộc sống. Sử Ký có chép là Lạn Tương Như nói với Tần Vương: “Thần tri khi đại vương chi tội đương tru dã, thần thỉnh tựu đỉnh hoạch” [7]. Nói như thế có nghĩa là: “Tội tôi đáng chết, xin đem bỏ vào vạc mà nấu đi”.

Thằng bé con nói:

- Trong tiểu thuyết cũng thường hay nhắc đến “hỏi đỉnh Trung Nguyên”, so với “đuổi hươu Trung Nguyên” nghĩa lý cũng chẳng khác nhau bao nhiêu.

Nho sinh đáp:

- Con nói đúng lắm. Ðời Hạ Vũ nhà vua thu kim loại chín châu, đúc thành chín cái đỉnh lớn. Thời đó tuy gọi là “kim” nhưng đích thực chỉ là đồng. Trên những đỉnh đó có khắc địa danh chín châu và hình vẽ sông núi, hậu thế nói giữ chín cái đỉnh có nghĩa là làm chủ thiên hạ.

Tả Truyện có chép: Sở tử [8] duyệt binh ở biên giới nhà Chu. Ðịnh Vương sai cháu là vương tôn Mãn đến ủy lạo. Sở tử hỏi xem đỉnh nhà Chu nặng nhẹ, to bé như thế nào.

Chỉ có ai làm chủ thiên hạ mới được quyền giữ đỉnh mà thôi. Sở tử chỉ là chư hầu một nước mà dám hỏi xem đỉnh đó to nhỏ nặng nhẹ ra sao, ấy là có dạ bất lương, muốn chiếm ngôi nhà Chu rồi.

Thằng bé con lại nói:

- Như thế “vấn đỉnh”, “trục lộc” đều chỉ việc muốn làm hoàng đế. Còn “không biết hươu chết về tay ai” có nghĩa là không biết ai sẽ lên làm vua.

Nho sinh nói:

- Ðúng thế! Về sau, bốn chữ “vấn đỉnh”, “trục lộc” còn được dùng với nghĩa khác, nhưng gốc điển tích mà ra thì chỉ thuần túy nói về việc muốn làm hoàng đế.

Ông ta nói đến đây thở dài một tiếng tiếp:

- Mình chỉ là dân đen, thật chỉ có một đường chết. “Không biết hươu chết về tay ai” ấy là không biết người nào sẽ giết con hươu kia, còn con hươu đó thì chắc chắn là chết rồi.

Ông ta nói xong đi đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy trời u ám dường như sắp đổ tuyết bèn than:

- Trời già sao ác thế, mấy trăm người vô tội đi trên đường đầy băng sương thế này, nếu lại còn có tuyết thì khổ sở biết là dường nào?[9]

Trên đây là đoạn mở đầu cho bộ truyện kiếm hiệp được nhiều người ưa thích là bộ Lộc Đỉnh Ký của tác giả Kim Dung. Lộc Đỉnh Ký, như ngay tên gọi nhắc đến bao gồm Lộc (con hươu) và Đỉnh (đỉnh đồng) là câu nói khá phổ biến Trục Lộc (đuổi hươu) Vấn Đỉnh (hỏi đỉnh) trong những ẩn ngữ của việc tranh giành thiên hạ.

Trong bộ tiểu thuyết này ngoài sinh hoạt cung đình còn có một “hội kín” rất nổi tiếng là Thiên Địa Hội. Thiên Địa Hội là nhóm người Trung Hoa tụ tập với nhau để mưu tính chuyện lật đổ nhà Thanh, khôi phục nhà Minh nên còn có tên là “phản Thanh phục Minh”. Thiên Địa Hội có bản doanh ở Đài Loan do Trịnh Thành Công cầm đầu, nhưng hoạt động tại lục địa Trung Hoa thì lại do Trần Cận Nam, quân sư của họ Trịnh tổ chức và lãnh đạo. Đó chính là Thiên Địa Hội mà người ta thường nhắc đến.

Việc sinh hoạt khởi đầu do mưu đồ chính trị dần dần biến thể khi mục tiêu càng lúc càng xa vời, nhất là những người đã di cư sang nước ngoài, việc tập hợp đồng hương, tương trợ lẫn nhau chủ yếu là để tồn tại. Những bang, hội của người Hoa thường đặt nặng chủ trương kinh doanh và kinh tế, mặc dầu cũng có những khu vực họ trở thành lãnh tụ tại địa phương, nhất là trong vùng Đông Nam Á có đông đảo người nhập cư từ Trung Hoa theo đường biển, sớm xây dựng những cộng đồng thiểu số, duy trì tiếng nói, tập quán và sinh hoạt từ nguyên quán.

Lai lịch của Thiên Địa Hội rất mơ hồ, mỗi nhà nghiên cứu lại đưa ra một kiến giải khác nhau và dĩ nhiên, hoạt động bí mật của họ thuộc phạm vi bất hợp pháp không mấy người biết. Dù thời quân chủ hay xã hội chuyên chế ngày nay, việc mưu toan lật đổ chính quyền đều thuộc trọng tội, xử án bao giờ cũng nặng hơn bình thường, nhất là có cầm khí giới chống lại quan quân. Luật nhà Thanh có một từ riêng để gọi loại người này, đó là “hưởng mã cường đạo” (cường đạo có khí giới)[10] và hễ bị kết án đó thì không thoát khỏi cái chết.

Lộc Đỉnh Ký giới thiệu Trần Cận Nam (tổng đà chủ của Thiên Địa Hội) trong một khung cảnh rất đặc biệt:

... Khoảng chừng thời gian một bữa ăn, bọn bốn người Lý Lực Thế trở ra, gã có bộ râu đốm bạc nói:

- Tổng đà chủ có lời mời Vi gia.

Vi Tiểu Bảo nuốt vội miếng bánh đang nhai dở trong mồm, hai tay chùi mấy cái vào tà áo, theo bốn người đó đi vào đến trước một gian phòng. Lão già tiến đến vén màn lên, nói:

- Tiểu Bạch Long Vi Tiểu Bảo Vi gia đến!

Vi Tiểu Bảo vừa mừng vừa lo, nghĩ thầm:

- Lão biết đến cái ngoại hiệu của mình, chắc là do Mao đại ca nói cho hay.

Trong phòng một thư sinh trung niên mặc theo lối nho sĩ đứng dậy, mặt vui vẻ nói:

- Xin mời vào!

Vi Tiểu Bảo tiến vào trong phòng, đôi mắt đảo nhanh nhìn tứ phía. Quan An Cơ nói:

- Vị này là Trần tổng đà chủ của tệ hội.

Vi Tiểu Bảo ngửng đầu lên nhìn ông ta, thấy người này thần sắc hòa hoãn nhưng mục quang như điện, nhìn thẳng vào mình, tự nhiên thấy kinh hãi, hai đầu gối nhuyễn ra, quì xuống bái lạy.

Người thư sinh cúi xuống nâng y lên, cười nói:

- Không cần phải đa lễ.

Tay ông ta vừa đụng vào vai thì toàn thân Vi Tiểu Bảo bỗng nóng bừng, rung chuyển một cái, không sao phục xuống được nữa. Người thư sinh lại mỉm cười:

- Vị tiểu huynh đệ này bắt và giết được đệ nhất dũng sĩ Mãn Châu Ngao Bái, báo cừu tuyết hận cho vô số đồng bào người Hán chúng ta chết dưới tay y, chỉ trong vài ngày sẽ danh chấn thiên hạ. Thành danh sớm sủa như thế, quả thực xưa nay không mấy ai có được.

Vi Tiểu Bảo vốn dĩ da mặt rất dày, nếu như người khác ca tụng như thế, hẳn sẽ hùa theo tự mình huênh hoang thêm mấy phần, thế nhưng từ nơi vị tổng đà chủ không giận mà uy này, y chỉ lặng lẽ không dám mở mồm.

Tổng đà chủ chỉ một cái ghế, mỉm cười:

- Mời ngồi.

Rồi tự mình ngồi xuống trước, Vi Tiểu Bảo lúc ấy mới dám ngồi xuống. Bọn bốn người Lý Lực Thế đứng sõng tay hầu ở bên cạnh. Tổng đà chủ điềm nhiên nói:

- Ta nghe Mao Thập Bát Mao gia có nói là tiểu huynh đệ ở núi Ðắc Thắng đất Dương Châu đã từng dùng kế giết được một tên quân quan Mãn Châu là Hắc Long Tiên Sử Tùng, mới ra khỏi lều tranh mà đã lập nên công đầu, quả thực không phải là thường. Thế nhưng không hiểu tiểu huynh đệ làm thế nào mà bắt được Ngao Bái?

Vi Tiểu Bảo ngửng đầu lên, đụng phải ánh mắt của người trước mặt, trái tim bỗng nhảy lên mấy lần, những gì quen nói nhăng nói cuội trong bụng quên đâu mất cả. Y thuật lại toàn là sự thực, kể vì cớ gì được Khang Hi sủng ái, chuyện Ngao Bái hống hách vô lễ, rồi chính mình cùng tiểu hoàng đế bắt gã, y lấy tro trong lò hương ném vào mắt gã ra sao, vác cái đỉnh đồng đập đầu như thế nào. Y cũng biết rằng thủ đoạn của mình không phải hạng ba thì cũng hạng hai trên giang hồ, thế nhưng không dám dấu một mảy. [11]

Đây là miêu tả lần đầu tiên Vi Tiểu Bảo được diện kiến Trần Cận Nam, thủ lãnh của Thiên Ðịa Hội. Tuy chỉ chấm phá vài nét nhưng Kim Dung đã cho chúng ta thấy phong tư khác phàm của họ Trần, cung cách lãnh tụ tuy văn nhã nhưng vẫn đầy oai phong. Những chữ “thần sắc hòa ái”, “bất nộ nhi uy” [không giận mà uy] cũng như cách đối đãi, lời ăn tiếng nói nhất nhất đều lộ vẻ kẻ cả. Nhưng Thiên Ðịa Hội là gì, họ khởi nguyên và hoạt động ra sao trong hơn ba trăm năm qua là những điều nhiều người chúng ta muốn biết. Hình ảnh trong tiểu thuyết với thực tại khác nhau như thế nào?

TỔNG QUÁT

Do ảnh hưởng của phim ảnh và tiểu thuyết, nhiều người trong chúng ta thường nghĩ rằng Trung Hoa từ nghìn xưa đã đầy rẫy những bang, hội, giáo, phái với những qui luật nghiêm nhặt, mỗi tổ chức hùng cứ một phương, tha hồ tự tung tự tác, không coi quan binh ra gì cả. Muốn biết thực tế như thế nào không phải dễ dàng vì tự thân của những bang hội giáo phái này đã có nhiều điểm bí mật, bất hợp pháp nên luôn luôn bị săn đuổi, người ngoài biết về họ phần lớn do đồn đãi nên không khỏi phóng đại, bịa đặt thêm bớt ít nhiều. Cho đến nay, nhưng bang hội đó vẫn tiếp tục hoạt động tại những cộng đồng Hoa kiều trong nước và hải ngoại, trong khuôn khổ luật pháp cũng có, với mục đích tương trợ cũng có, mà cùng nhau làm điều phi pháp cũng nhiều. Thiên Ðịa Hội chỉ là một trong những thế lực đó.

Cứ theo sách vở, Thiên Ðịa Hội chỉ là cái tên mà họ đưa ra ngoài, còn bên trong hội viên thì họ gọi là Hồng Môn Hội hay Hồng Môn. Những tên khác của hội như Tam Ðiểm Hội, Tam Hợp Hội, Thanh Thủy Hội, Trủy Thủ Hội, Song Ðao Hội, Tiểu Ðao Hội, Bát Quái Hội, Ca Lão Hội, Hồng Kỳ Hội, Kiếm Tử Hội, Chí Công Hội... tuy biến thiên theo từng thời kỳ, từng địa phương nhưng truy nguyên cũng đều một gốc. Cũng có khi người ta gọi những tên khác như Quán Tử Hội, Bán Biên Thiết Hội, Nhất Cổ Hương Hội, Hồng Hắc Hội, Hồng Bạc Giáo, Hắc Bạc Giáo, Kết Thảo Giáo, Trảm Thảo Giáo, Khổn Sài Giáo... Vì có nhiều tên như thế, nhiều người nghĩ rằng đó là những tổ chức khác nhau, hoặc Thiên Ðịa Hội đã bị phân hóa thành nhiều nhánh. Thực ra, tổ chức của Hồng Môn tùy theo tình hình, tùy theo địa phương mà phát triển, tất cả đều bình đẳng không hơn không kém, cũng không cạnh tranh, giành giựt, cốt để cho khỏi bị quan quân đàn áp và tiêu diệt. [12]

Hồng Môn hội còn xưng tên Hồng Bang hay Hồng Gia là những lực lượng chủ yếu khởi đầu mang tính chất cách mạng.[13] Cứ như ngoại sử, khi người Mãn Châu mới chiếm được Trung Hoa, Hồng Môn Hội được lập ra nhằm mục đích lật đổ triều đình nhà Thanh, khôi phục lại vương quyền cho nhà Minh. Khi đó khẩu hiệu “Phản Thanh Phục Minh” chủ trương Cần Vương do một số cựu thần và tôn thất họ Chu [tức họ nhà Minh] chỉ huy. Tuy nhiên về sau, khí ý nghĩa khi chủ trương khôi phục nhà Minh ngày càng mờ nhạt, họ chuyển sang giải thích khẩu hiệu này là đánh đuổi người Mãn Châu để lấy lại giang sơn cho Hán tộc vì nhà Thanh chủ trương tiêu diệt dân tộc tính của người Tàu. Tôn chỉ đó kéo dài mãi đến khi nhà Thanh bị diệt và đến nay thì hoàn toàn vô nghĩa. Hiện nay, những bang hội do Hồng Môn lập ra thì vẫn còn, cũng có tổ chức còn giữ được một số mục đích cao đẹp nhưng nhiều nhóm biến thành băng đảng chuyên tống tiền, ám sát, buôn lậu... Gần đây nhiều học giả đã tham duyệt những tài liệu văn kiện bí mật của Thanh triều và tổng hợp những tài liệu đó chúng ta có được những dữ kiện khác hơn những định kiến trước đây và chắc chắn không giống như Kim Dung miêu tả.

 


Ăn mày có thủ lãnh


Ăn mày không thủ lãnh

Jonh Thompson: China and its people in early photographs (1873)

Vol II, Plate XXI

LỊCH SỬ

Những vị vua cuối cùng của nhà Minh

Cuối đời Minh, Trung Hoa đầy rẫy loạn lạc, bên ngoài thì có người Nữ Chân (tức Mãn Thanh) tấn công biên giới, bên trong thì các nhóm lưu khấu nổi lên, triều đình hủ bại người dân không có cách gì sinh sống nên Sấm Vương Lý Tự Thành công hãm Bắc Kinh, quân triều đình không tới kịp còn tổng binh Ngô Tam Quế ở Sơn Hải Quan thì án binh bất động, vua Sùng Trinh nhà Minh trong hoàn cảnh khó khăn phải tự treo cổ chết.

Sau khi Lý Tự Thành cướp ngôi nhà Minh, Ngô Tam Quế nghe tin ái thiếp của y là Trần Viên Viên bị đối phương chiếm đoạt nên mở cửa quan cho quân Thanh tiến vào, lấy danh nghĩa trừ Sấm Vương nhưng quân Thanh lại thừa cơ làm chủ trung nguyên.

Việc người Mãn Thanh lấy được Trung Hoa khiến cho đâu đâu cũng có những người nổi lên chống lại, thậm chí cả những văn nhân như Cố Đình Lâm, Hoàng Lê Châu cũng khởi binh.

          Phúc Vương

Năm Sùng Trinh 16 (Quí Mùi, 1643), Phúc Vương Do Tùng (由崧), Lộ Vương Thường Phương (常芳) đều phải chạy sang Hoài An. Khi nghe tin vua Sùng Trinh (Tư Tông) qua đời, các quan nhà Minh bàn nghị đưa ra một người con cháu họ Chu (tức họ nhà vua) ra trông coi việc nước và chỉ huy quân lính chống giặc. Phúc Vương là cháu nội của vua Thần Tông, đáng lẽ phải được lập nhưng ông này tính hạnh không tốt, hoang dâm nên quần thần lập Lộ Vương là anh em họ vua Sùng Trinh. Việc này gây ra tranh luận lập người hiền hay lập người thân. Khi đó nhóm của thị lang bộ Binh Lữ Đại Khí chủ trương lập hiền còn nhóm tổng đốc Phượng Dương là Mã Sĩ Anh vì có mưu tính riêng, thấy Phúc Vương hôn ám, dễ khuynh loát nên ủng hộ. Vả lại lúc đó Phúc Vương đang sống tại Phượng Dương, có quan hệ mật thiết với Mã Sĩ Anh nên Sĩ Anh mới chủ trương lập người thân.

Hai phái tranh nhau nên để cho thượng thư bộ Binh là Sử Khả Pháp (史可法) quyết định. Khả Pháp bản tâm muốn lập hiền nhưng thấy phe lập thân đang nắm binh quyền, có ưu thế và Sĩ Anh đã thu thập được các tướng lãnh chạy từ phía bắc xuống như tổng binh Lưu Trạch Thanh, Cao Kiệt, Hoàng Đắc Công mà bọn này đều ủng hộ việc lập người thân nên đành ngả theo, lập Phúc Vương lên làm vua tức vua Hoằng Quang (弘光).

Quân Minh khi ấy lên đến hàng chục vạn người, thanh thế bao trùm các vùng Vũ Hán, Tứ Xuyên, Hồ Quảng, Mân Chiết, Lưỡng Quảng, Vân Quí chiếm nửa nam nước Tàu. Trong số các đầu não thì Sử Khả Pháp nổi trội hơn cả nên Sĩ Anh tìm cách trừ khử và vua Hoằng Quang điều động họ Sử giữ thành Dương Châu.

Vấn đề quan trọng nhất của triều đình Nam Minh là giữ hay đánh, phân bố lực lượng ở các nơi phía nam sông Dương Tử mà đầu não là Dương Châu. Các nơi trọng yếu nay đều giao cho đám tướng lãnh vô hạnh bất tài, chống đối lẫn nhau mà Sử Khả Pháp không thể kết hợp được.

Vua Hoằng Quang tìm cách điều đình với quân Thanh. Trước đây, khi đem quân xuống Bắc Kinh, trong hịch văn người Mãn Châu có viết:

其不忘明室,輔立賢藩,戮力同心,共保江左,理亦宜然,予不汝禁。但當通和講好,無負本朝,彼懷繼絕之思,此敦睦鄰之誼。

Những ai không quên Minh thất, theo phò người hiền, chung sức hết lòng cùng nhau giữ gìn Giang Tả thì ta không cấm. Khi ấy hãy nói chuyện tốt lành, không chống lại bản triều, có bụng nối dòng đã dứt, bàn thúc đẩy chuyện hoà mục với lân bang.

Vì thế nhà Nam Minh được coi như đã thừa nhận là chính thống nên sai Binh bộ thị lang Tả Mậu Đệ 左懋第, thái bộc tự khanh Mã Thiệu Du 馬紹愉, tả đô đốc Trần Hồng Phạm 陳洪範 cùng đi lên Bắc Kinh để thương nghị việc xin quân Thanh triệt binh. Bọn họ mang theo mười vạn lạng bạc, một nghìn lượng vàng, một vạn tấm đoạn, quyên (lụa mỏng) để làm làm lễ vật biếu người Mãn Thanh, lại mang theo chiếu thư sách phong cho Ngô Tam Quế làm Kế Quốc Công và đề ra việc cắt đất từ Sơn Hải Quan trở ra cho quân Thanh nếu họ lập tức rút về Liêu Đông. Sau đó hàng năm nhà Minh sẽ tiến cống cho người Thanh mười vạn lượng bạc và để cho họ tự do buôn bán.

Thế nhưng lúc đó quân Thanh đã đánh bại Lý Tự Thành mà Đa Nhĩ Cổn (Dorgon) thì hùng tâm vạn trượng nên chẳng coi đề nghị của Nam Minh vào đâu, không còn như lúc mới nhập quan nữa.

Đa Nhĩ Cổn trả lời rằng sẽ bằng lòng cho Phúc vương được duy trì một tiểu quốc nếu chịu bỏ đế hiệu nhưng triều đình Nam Minh không chấp thuận.

Trong những tháng kế tiếp, triều đình Nam Minh nẩy sinh tranh chấp, chia rẽ thì quân Thanh từ miền bắc theo sông đào Vận Hà kéo xuống và vây khốn thành Dương Châu (1645). Quân Minh đã chuẩn bị súng lớn giữ thành nên cầm cự được một tuần nhưng sau đó bị đại bác của quân Thanh bắn vỡ. Thành phố Dương Châu bị cướp phá trong mười ngày như một cảnh cáo cho bất cứ nơi nào còn tiếp tục chống lại họ và sử gọi là đại án này là “Dương Châu thập nhật”. Theo sách ghi lại, trong mười ngày đó, số người bị quân Thanh giết lên đến tám mươi vạn người không kể những người bị bắt, đâm đầu xuống giếng, xuống sông tự tử. Kế đó Nam Kinh, thủ đô của Nam Minh đầu hàng không chống cự và Phúc vương bị bắt đưa về Bắc Kinh.

          Vĩnh Lịch

Khi nhà Minh bị quân Thanh đánh đuổi, họ phải lui về tây nam Trung Hoa (Vân Nam – Quí Châu), thu hẹp phạm vi kiểm soát và phải liên lạc với các nước ở biên giới Trung Hoa để xin giúp đỡ. Trước đây khi tranh chấp với họ Mạc, vua Lê nước ta chỉ được công nhận là An Nam Đô Thống Sứ, tương đương một quan nhị phẩm nhà Minh, chứ không còn được phong An Nam quốc vương. Nay nhà Minh muốn cầu cạnh nên không những phong cho vua Lê làm quốc vương mà còn bằng lòng phong cho chúa Trịnh làm phó quốc vương.

Tuy nhiên áp lực của quân Thanh càng lúc càng gay gắt nên nhà Minh phải chạy xuống Vân Nam và tìm cách sang Miến Điện nương náu. Số lượng người Trung Hoa chạy sang Miến Điện mỗi lúc một nhiều đưa đến việc người Miến e ngại có thể gây biến động và chiếm luôn nước của họ. Vị vua cuối cùng của nhà Minh là vua Vĩnh Lịch[14] vốn đóng ở Triệu Khánh (Quảng Đông) nhưng đến năm 1659, Vĩnh Lịch 13 thì triều đình phải dắt díu nhau vượt biên cảnh sang Miến Điện. Miến vương bằng lòng bảo hộ cho nhà Nam Minh nhưng yêu cầu toàn bộ lực lượng phải giải giới, đưa tất cả xuống sâu phía nam, còn gia đình vua Minh thì sẽ được sắp xếp cho ở tại ngoại ô Ava, tức kinh đô Miến Điện, ngay bên kia bờ sông. Họ dựng cho mươi gian nhà tranh và cắt đặt 100 binh sĩ canh giữ còn bầy tôi đi theo thì tự mình đi cắt cây làm nhà sinh sống. Tuy nhiên người Miến vẫn không hết nghi kỵ nên đã vây đánh những người Minh đã di chuyển xuống phía nam, giết hại rất nhiều, số còn lại phải phân tán mỗi nơi một ít.

Tướng nhà Minh ở Vân Nam là Bạch Văn Tuyển 白文選có đến hơn một vạn người, nên tuy muốn sang Miến Điện đón vua vua Vĩnh Lịch nhưng không liên lạc được. Vì người Miến không chịu nên y đem quân đánh xuống Ava, tiến quân chỉ còn cách vua Vĩnh Lịch 60 dặm nhưng người Miến chống giữ nghiêm nhặt nên phải tàn phá rồi rút về.

Cũng vì thế người Miến không còn thiện cảm với người Trung Hoa nữa, có khi ba ngày không cho lương thực, bắt bầy tôi nhà Minh phải quì lạy Miến vương. Tướng nhà Nam Minh là Lý Định Quốc 李定國cũng đem quân vào đất Miến, lúc đầu thế yếu nhưng sau qui tụ thêm những đám tàn quân của nhà Minh thanh thế càng lúc càng tăng nhưng không hợp lực được với Bạch Văn Tuyển. Hai bên hội ý cùng tấn công quân Miến, quân Miến tập hợp 15 vạn quân, năm 1661 (Vĩnh Lịch 15) đại chiến Hoa quân ở sông Hsipaw.

Quân Miến dàn trận dài 20 dặm, lại đem hơn 1000 con voi cùng nhiều súng ống mua của người Bồ Đào Nha, xung phong lên, quân Minh số lượng đã ít, vũ khí thì chủ yếu là đao thương, cố gắng chống đỡ, giết được tướng Miến là Biên Nhã Chủng, đẩy lui quân Miến ép vào kinh đô Ava. Quân Miến phản công, Lý Định Quốc chống đỡ thêm được mấy ngày. Lâu dần quân Minh bị bệnh dịch chết nhiều đành phải rút lui còn Bạch Văn Tuyển thì đầu hàng quân Thanh.

Năm 1661, Miến Điện có nội loạn, em trai nhà vua là Maha Parara Dhamma Raja giết anh rồi lên làm vua, sợ người Minh nhân cơ hội đánh chiếm kinh đô nên bắt họ tuyên thệ trung thành nhưng họ không chịu nên vua Miến đem quân tàn sát hơn bốn mươi người đi theo vua Vĩnh Lịch rồi đem quân tấn công nơi ở của vua nhà Minh, cướp tiền bạc, gian dâm cung nữ nên họ tự sát rất nhiều, còn vua Vĩnh Lịch, thái hậu và người nhà bị quản thúc.

Cùng lúc đó, quân Thanh hơn mười vạn người do Ngô Tam Quế chỉ huy ép sát biên giới Miến – Hoa, thanh ngôn sẽ đánh sang đất Miến, yêu cầu vua Miến bắt trói người Minh giao trả nếu không sẽ đem quân tấn công. Cuối năm đó, Ngô Tam Quế đem 18,000 quân sang Miến Điện, tiến sát kinh đô Ava. Vua Miến bắt vua Vĩnh Lịch, thái hậu họ Mã, hoàng hậu họ Vương và toàn gia vua Minh giao lại cho Ngô Tam Quế đem về Vân Nam. Vua Vĩnh Lịch bị xử tử tại Côn Minh, thọ 40 tuổi. Nhà Minh đến đây là chấm dứt. Tuy nhiên, một số tàn quân và dân chúng người Hán nay chạy xuống định cư ở phía nam Miến Điện và Xiêm La.[15]

Trịnh Thành Công (鄭成功)

-          


Trịnh Thành Công (1624–1662)[16]

Trịnh Thành Công là một nhân vật nửa thực, nửa hư mà cuộc đời ông đầy rẫy những thần bí được dựng lên cho xứng tầm với sự tôn xưng của con người.

Ông là một người Tàu lai Nhật, sinh ra ở một vùng biển tên là Bình Hộ Can Lý thuộc Trường Kỳ,[17] Nhật Bản ngày 14 tháng 7 năm 1624, tức Thiên Khải (天啟) 4 đời Minh. Tên ông lúc nhỏ là Phúc Tùng (福松). Cha ông là Trịnh Chi Long (鄭芝龍Zheng Zhilong) được sách vở Nhật Bản nhắc đến nhiều còn tài liệu Tây phương thì dùng cái tên thánh đạo Cơ Đốc của ông là Nicholas Iquan, Trịnh Thành Công thì họ gọi là Koxinga tức dịch âm Quốc Tính Gia.

Chi Long là một thương gia và cũng là một chiến sĩ, nói đúng ra là một thủ lãnh cướp biển chuyên đi buôn lậu hùng cứ một dải dọc theo đông nam nước Tàu, giàu có và thế lực đến nỗi nhiều tài liệu gọi ông ta là Nam Hải Vương. Con cháu nhà Minh muốn phục quốc đều chạy đến nhờ cậy Trịnh Chi Long khiến ông ta trở thành một kẻ “buôn vua” của nhà Nam Minh (kingmaker of the Southern Ming).

Năm 1628, tức Minh Sùng Trinh (崇禎) nguyên niên, Trịnh Chi Long đem quân đánh Kim Môn, Hạ Môn rồi về hàng nhà Minh, được phong chức du kích (tên phẩm trật võ quan cao cấp) phòng vệ mặt biển vùng Phúc Kiến.

Năm 1630, Sùng Trinh 3, Trịnh Chi Long đem tất cả gia quyến từ Nhật Bản trở về Trung Hoa. Khi ấy Trịnh Thành Công được 7 tuổi, đổi tên Trịnh Phúc Tùng thành Trịnh Sâm, sinh sống tại trấn An Bình, huyện Nam An tỉnh Phúc Kiến.

Năm 1634, Sùng Trinh 7, Trịnh Thành Công lúc ấy 11 tuổi đã làm được bài văn Lệ Tảo Ứng Đối Tiến Thoái (灑掃應對進退文) được thầy dạy rất kinh dị.

Năm 1638, Sùng Trinh 11, Trịnh Thành Công theo học ở Nam An, mặc theo lối nhà nho, năm ấy ông 15 tuổi được người thuật sĩ ở Kim Lăng khen là kỳ nam tử, cốt tướng phi phàm, mệnh thế hùng tài nhưng không phải là người có đỗ đạt.

Năm 1642, Sùng Trinh 15, ông thành hôn với con gái của thị lang bộ Lễ Đổng Dương Tiên, cuối năm ấy sinh được con trai là Trịnh Kinh (鄭經).

Năm 1644, Sùng Trinh 17, ông vào học ở trường Quốc Tử Giám ở Nam Kinh là học trò của danh nho Tiền Khiêm Ích (錢謙益).

Năm 1645, Long Võ nguyên niên nhà Minh, là năm Thuận Trị 2 nhà Thanh, Trịnh Thành Công từ Nam Kinh quay về Phúc Kiến. Tháng Tám năm đó, vua Long Võ nhà Minh ban cho ông quốc tính họ Chu, cải tên là Thành Công. Cũng năm đó, mẹ ông là Điền Xuyên thị (Tagawa) từ Nhật Bản sang Trung Hoa.

Năm 1646, Long Võ 2, Thuận Trị 3 của nhà Thanh, Trịnh Thành Công được phong tước Trung Hiếu Bá, vua Long Võ ban cho một thanh thượng phương bảo kiếm, đeo ấn Chiêu Thảo đại tướng quân (招討大將軍). Cùng năm đó, vua Long Võ bị hại, Trịnh Chi Long đầu hàng nhà Thanh, mẹ ông là Điền Xuyên thị tự tận, Trịnh Thành Công đau buồn đến Khổng miếu than rằng:

Trước đây ta từng là đứa con hèn yếu, đến nay lại là cô thần, quay đầu nhìn lại thấy không làm được gì nên đem bộ áo nhà nho trả lại để tạ ơn thầy.

Sau đó ông ra ngoài biển mưu tính việc khôi phục nhà Minh.

Năm 1647, Vĩnh Lịch nguyên niên, Quế vương ở Triệu Khánh, Quảng Tây xưng đế đổi thành Vĩnh Lịch, Trịnh Thành Công mộ quân ở Nam Áo được vài nghìn người, đóng ở đảo Cổ Lãng (鼓浪), đánh vào các vùng Hải Trừng, Tuyền Châu chống quân Thanh.

Năm 1648-1649, Minh Vĩnh Lịch 2-3 tức Thanh Thuận Trị 5-6, họ Trịnh đánh lấy được Đồng An, thu phục Chương Phố, vua Vĩnh Lịch sai sứ đến phong cho Trịnh Thành Công làm Uy Viễn Hầu, từ đó Trịnh Thành Công theo chính sóc niên hiệu Vĩnh Lịch.

Năm 1650, Minh Vĩnh Lịch 4, Thanh Thuận Trị 7, Trịnh Thành Công lấy được hai đảo Kim Môn, Hạ Môn làm căn cứ địa, sai Hồng Chính chiêu an các đảo Đồng Sơn, Nam Áo, Mân An, chia thuộc hạ thành tả hữu tiền hậu ngũ quân, lấy Phùng Trừng Thế làm tham mưu, hùng cứ một vùng trên biển đông nam Trung Hoa.

Năm 1651, Minh Vĩnh Lịch 5, Thanh Thuận Trị 8, Thi Lang (施琅) hàng Thanh được phong thuỷ sư đề đốc. Tháng Chạp năm đó, Trịnh Thành Công bình định được các huyện Chương, Phố, Chiếu An, Bình Hoà.

Năm 1652, Minh Vĩnh Lịch 6, Thanh Thuận Trị 9, tháng Mười, quân của đô thống nhà Thanh là Kim Lệ (金礪) đến tiếp viện, Trịnh Thành Công đánh mấy trận đều thua nên phải lui về giữ Hải Trừng.

Năm 1653, Minh Vĩnh Lịch 7, Thanh Thuận Trị 10, vua Vĩnh Lịch thăng Trịnh Thành Công lên làm Chương Quốc Công (漳國公), phong cho chức Diên Bình Vương (延平王).

Năm 1654, Minh Vĩnh Lịch 7, Thanh Thuận Trị 11, nhà Thanh phong cho Trịnh Chi Long làm Đồng An Hầu, lại hạ chiếu chiêu dụ và sai người đem sắc ấn Hải Trừng Công để dụ Trịnh Thành Công về hàng, sai em trai của Trịnh Thành Công là Trịnh Thế Trung mang thư tay của Trịnh Chi Long đến khuyên nhủ rằng các em khác như Trịnh Chi Báo, Chi Thái, Chi Liên đều đã hàng nhà Thanh cả nhưng Trịnh Thành Công không chấp nhận.

Năm 1655, Minh Vĩnh Lịch 9, Thanh Thuận Trị 12, Trịnh Thành Công tổ chức lại khu vực mình chiếm đóng, cải cách quân đội và đón Lỗ Vương về Kim Môn, lấy lễ đãi những di thần nhà Minh chạy ra bên ngoài. Tháng Năm năm đó, thống binh Trương Danh Chấn vào Trường giang, đánh thành Sùng Minh, Trịnh Thành Công phái Hoàng Đình Suất đem quân xuống phía nam lấy được Yết Dương, Phổ Ninh, Trừng Hải. Cùng năm đó ông được phong làm Diên Bình Vương.

Năm 1656, Minh Vĩnh Lịch 10, Thanh Thuận Trị 13, Trịnh Thành Công dồn quân lên phía bắc lấy được Mân An, ép đến thành Nam Đài ở Phúc Châu nhưng viện binh quân Thanh kéo đến, Chi Long sai người đến dụ hàng nhưng Trịnh Thành Công không nghe. Cùng năm đó, Trịnh Thành Công giao cho Trần Vĩnh Hoa làm tham quân, rồi ra lệnh chặn các bờ biển, thi hành cấm đoán khiến cho người Hà Lan gặp khó khăn.

Năm 1657, Minh Vĩnh Lịch 11, Thanh Thuận Trị 14, trưởng quan Hà Lan là Quĩ Nhất sai thông sự Hà Mân đến Hạ Môn nói chuyện với Trịnh Thành Công, xin được mở lại các đường buôn bán trên biển và tình nguyện trả thuế hàng năm nên được Trịnh Thành Công đồng ý.

Năm 1658, Minh Vĩnh Lịch 12, Thanh Thuận Trị 15, Trịnh Thành Công đem 17 vạn quân thao luyện ở Kim Môn, Hạ Môn, đóng thuyền, chuẩn bị đánh lên phía bắc để cùng với Trương Hoàng hợp binh, vua Vĩnh Lịch phong cho Trịnh Thành Công làm Diên Bình Quận Vương.

Năm 1659, Minh Vĩnh Lịch 13, Thanh Thuận Trị 16, Trịnh Thành Công đem 17 quân vào sông Trường Giang, phá được Qua Châu, lấy Trấn Giang uy hiếp Nam Kinh nhưng bị quân Thanh dùng kế hoãn binh giết được bọn Cam Huy là tướng của Trịnh Thành Công nên phải lui về Hạ Môn.

Năm 1660, Minh Vĩnh Lịch 14, Thanh Thuận Trị 17, tướng nhà Thanh là Đạt Tố và phản tướng nhà Minh là Thi Lang, Hoàng Ngô hợp công Hạ Môn bị Trịnh Thành Công đánh bại, Đạt Tố vì tổn binh chiết tướng nên xấu hổ tự sát.

Cùng năm đó, Trịnh Thành Công sai thuyền buôn đến Đài Loan buôn bán phao tin là Trịnh Thành Công sẽ đánh Đài Loan, người Hà Lan từ Batavia phái binh tăng viện Đài Loan nhưng sau thấy Trịnh Thành Công không tấn công Đài Loan nên chỉ để lại một số nhỏ còn hầu hết lại quay về Batavia.



Người Hà Lan đầu hàng Trịnh Thành Công

Nguồn: Kinh Điển 48 (2002) tr. 72

Năm 1661, Minh Vĩnh Lịch 15, Thanh Thuận Trị 18 , ngày 23 tháng Ba Trịnh Thành Công đem đại quân 25,000 người, chiến thuyền hơn 350 chiếc từ vũng Liệu La của đảo Kim Môn đông chinh. Ngày 29 tháng Tư, họ Trịnh đem quân tấn công Đài Loan, vây thành Nhiệt Lan. Tháng Năm năm đó, Trịnh Thành Công đổi Đài Loan thành Đông Đô, lập thành 1 phủ, 2 huyện. Người Hà Lan thua trận phải hàng ở An Bình, toàn thể Đài Loan nay vào tay họ Trịnh.

Năm 1662, Minh Vĩnh Lịch 16, Thanh Khang Hi nguyên niên, ngày mồng 1 tháng Hai, Trịnh Thành Công ký hoà ước với người Hà Lan, mồng 9 tháng Hai, người Hà Lan rút ra khỏi Đài Loan, kết thúc 38 năm cai trị đảo này. Trịnh Thành Công cho người đến đến các tỉnh Mân (Phúc Kiến), tỉnh Việt (Quảng Đông) mộ người di cư sang Đài Loan, sửa sang luật lệ, lập quan chức, mở học đường, chiêu hiền đãi sĩ.

Giờ Mùi ngày mồng 8 tháng Năm, Trịnh Thành Công vì lao lực nên phát bệnh chết ở An Bình, trước khi qua đời than rằng:

Từ khi lăn lộn vì nhà vì nước đến nay, xông pha đã 16 năm, hôm nay đã đến lúc tàn đời xa rời nhân thế, trung hiếu đều không vẹn, chết không nhắm mắt, trời ơi, trời ơi! Sao nỡ để kẻ cô thần đến nông nỗi này.

Trịnh Thành Công chết rồi được chôn tại Tử Vĩ, châu Đài Nam, về sau di chuyển về quê quán là Nam An, tỉnh Phúc Kiến.[18]

Vì ông có một nửa là người Nhật, sinh quán tại đảo Nagasaki, Cửu Châu (Kyushu) nên người Nhật tới nay cũng còn nhiều hoạt động liên quan đến ông tại sinh quán. Nơi ông sinh ra còn một bia đá trên khắc Trịnh Thành Công Nhi Đản Thạch (鄭成功兒誕石) dựng tại bờ biển, một ngôi miếu nhỏ và hàng năm có lễ hội kỷ niệm ông. Theo truyền thuyết, mẹ ông đẻ rơi ông tại một hòn đá ngay bờ biển. Nơi đây cũng còn ngôi nhà cũ ông ở khi còn nhỏ và một số vật dụng mang từ lục địa sang tàng trữ tại đây. Ngoài ra còn một gốc cây mà cây mẹ là do Trịnh Chi Long trồng, cái cây đời thứ hai này cũng đã trên 300 năm. Một tấm bia nhan đề Hán Thi Tán Tụng Kỷ Niệm Bi (漢詩讚頌紀念碑) nội dung như sau:

鄭森往昔在壺陽,講武修文練鐵腸。

此樹當年親所植,到今蟠鬱綠蒼蒼。

Trịnh Sâm vãng tích tại Hồ Dương,

Giảng võ tu văn luyện thiết trường.

Thử thụ đương niên thân sở thực,

Đáo kim bàn uất lục thương thương.

Trịnh Sâm vốn gốc ở Hồ Dương,

Luyện võ rèn văn quả can trường.

Cây này khi trước tay trồng nó,

Đến nay chằng chịt vẫn xanh om.

Jonathan Clements trong Coxinga and the fall of the Ming Dynasty (Great Britain: Sutton Publishing, 2005) đã nhận định về Trịnh Thành Công như sau:

Họ Trịnh, khởi đầu vừa là cướp biển, vừa là thuỷ sư đã dần dần trở thành vua của những hòn đảo họ chiếm đóng. Người con danh tiếng nhất của họ đã được coi như một vị thần.

Người Mãn Châu và người Hoà Lan gọi Quốc Tính Gia (Coxinga) là cướp biển, người Anh và người Y pha nho lại gọi ông là một vương gia. Các đồng hương người Trung Hoa coi ông là cả hai, tuỳ theo thái độ của họ. Thế nhưng ông tự coi mình chẳng phải cướp biển mà cũng chẳng phải vương gia mà lại muốn người ta coi ông như một nho sĩ yêu nước, bị tách rời ra khỏi cái giòng giõi thế lực  để lao vào một cuộc chiến khủng khiếp.

Một người con cưng ưu tú của một thương gia thế lực vào thế kỷ XVII tại Trung Hoa, Quốc Tính Gia đã trở thành một kẻ sĩ vào tuổi 20, một lãnh tụ phản kháng năm 22 tuổi và một vương gia năm 30 tuổi. Ông là người trung thành sau cùng muốn khôi phục nhà Minh, đã trở thành một chúa tể vô địch trên biển cả hùng cứ dọc theo bờ biển trong suốt 10 năm trước khi chỉ huy một đội quân khổng lồ tấn công thẳng vào tâm điểm của lục địa Trung Hoa.

Ông mưu toan khôi phục một ông vua được dựng lên nhưng chính ông lại chưa từng gặp mặt rồi qua đời năm 39 tuổi, được sùng bái bởi chính những kẻ thù như một biểu tượng của trung quân.[19]

Trần Vĩnh Hoa (陳永華)

Trần Vĩnh Hoa chính là Trần Cận Nam đã nhắc đến ở trên. Theo Thanh Sử, tập VIII là tập sau cùng trong bộ sử triều Thanh, trích ra một số chi tiết như sau:

Trần Vĩnh Hoa tự là Phúc Phủ (福甫) người Đồng An, tỉnh Phúc Kiến. Khi đó Chiêu Thảo đại tướng quân Trịnh Thành Công mở phủ ở Tư Minh mưu đồ việc khôi phục nên tìm kiếm nhân sĩ trong thiên hạ, ông được Binh bộ thị lang Vương Trung Hiếu tiến cử. Ông gặp Trịnh Thành Công đàm luận rất tâm đầu ý hợp, coi ông như Lưu Bị gặp Khổng Minh nên đưa vào làm tham mưu đãi như tân khách.

Năm Vĩnh Lịch 12 (1658) Trịnh Thành Công toan tính việc Bắc chinh, ông được chỉ định ở lại trông coi thế tử Trịnh Kinh, coi như bậc thầy. Năm Vĩnh Lịch 15 (1661) lấy được Đài Loan, ông làm tham mưu việc gì cũng được hỏi ý. Tháng Tám năm Vĩnh Lịch 18 (1664) ông trông coi việc phân chi các xã ở Đài Loan, lập đồn điền, chia địa giới để cho dân khai khẩn, trồng tre làm giậu, tết tranh làm mái, trồng ngũ cốc nên ai nấy no ấm đầy đủ. Những khi việc nông thư thả ông  huấn luyện binh sĩ, dân chúng ai nấy đều dũng cảm.

Ông cũng thiết lập các cơ quan nha môn, chia thành các xứ Đông An, Tây Định, Ninh Nam, Trấn Bắc sắp đặt viên chức trông coi. Lại chia nhỏ các xứ đó thành 24 lý, dưới lý có xã do hương trưởng đứng đầu, cứ 10 hộ thành 1 bài, 10 bài là 1 giáp, 10 giáp là 1 bảo có các trưởng lo liệu việc hộ tịch, khuyến khích việc nông tang, bài trừ việc bài bạc, dâm uế, đạo tặc. Những nơi ít dân ông đưa người từ nơi khác đến khai khẩn nên đồng ruộng mỗi lúc một tăng. Lại mở mang việc buôn bán với bên ngoài, mỗi năm thu vào vài chục vạn lượng vàng nên các con buôn từ tỉnh Mân, tỉnh Việt đều rủ nhau kéo đến.

Trịnh Thành Công đặt qui tắc, pháp luật nghiêm minh, Vĩnh Hoa thì trọng việc dung thứ nên dân chúng sống đời bình trị. Ông lại xin xây dựng thánh miếu (đền thờ Khổng tử), lập học hiệu, các xã đều có bậc tiểu học.

Sau khi Trịnh Thành Công qua đời, Trịnh Kinh lên nối nghiệp, việc học mỗi ngày một tiến.

Năm Vĩnh Lịch 28[20] (1674) có loạn Tam Phiên, Cảnh Tinh Trung (1 trong ba phiên vương) chiếm Phúc Kiến, xin được hợp với quân họ Trịnh đánh Thanh. Trịnh Kinh cho con là Trịnh Khắc Tang giám quốc, sai Vĩnh Hoa làm Đông Ninh tổng chế sứ, vì Khắc Tang là con rể của Vĩnh Hoa nên việc lớn nhỏ gì cũng nghe theo. Khi Trịnh Kinh trở về, việc binh nay phế bỏ, cầu an, Trần Vĩnh Hoa buồn rầu từ trần năm Vĩnh Lịch 34 (1680).[21]

NGUỒN GỐC THIÊN ĐỊA HỘI 

Dian Murray: The Origins of Tiandihui

Cho đến nay, khởi nguyên của Hồng Môn như thế nào vẫn còn là một nghi án và có nhiều sự tích khác nhau. Theo Dian H. Murray trong The Origins of Tiandihui[22] thì tại Trung Hoa, truyền thống kết nghĩa đã có từ lâu điển hình là Đào Viên kết nghĩa trong Tam Quốc diễn nghĩa và các anh hùng Lương Sơn Bạc trong Thuỷ Hử Truyện nhằm mục đích tương trợ lẫn nhau. Thế nhưng việc tụ tập để thành một tổ chức có qui củ, có luật lệ, nghi thức thì không có một lịch sử lâu như thế.

Mỗi khi đời sống khó khăn hay thay ngôi đổi chủ, việc tụ tập một nhóm người nổi lên chống lại quan quân, triều đình là việc ở đâu cũng có. Khi người Mãn Châu tiến xuống chiếm trung nguyên, thời gian đầu cũng có những nhóm chống đối mà sách vở gọi là “giới đấu” tức là chống lại bằng khí giới nhưng chưa phải là những đoàn thể bí mật mà là tổ chức công khai. Chính vì thế, khi họ Trịnh ở Đài Loan chống lại nhà Thanh tuy dùng danh nghĩa “phản Thanh phục Minh” nhưng lúc đó không phải là một hội kín. Thiên Địa Hội chỉ hình thành sau khi nhà Thanh lấy được Đài Loan, và những người “phản Thanh” phải hoạt động ngầm phát sinh ra những huyền thoại về hội đảng.

Theo những điển tịch của chính Hồng Môn thì người khai sáng ra hội này là Hồng Anh. Hồng Anh tự là Khải Thịnh, người phủ Bình Dương, huyện Thái Bình, tỉnh Sơn Tây, đỗ Tiến Sĩ năm Sùng Trinh thứ bốn (1631) đời nhà Minh, kiêm thông cả văn võ. Năm 1634, Hồng Anh nhận lời một người bạn là Khương Tương lúc ấy đang trấn thủ trấn Ðại Ðồng, tỉnh Trực Lệ đến làm cố vấn công việc cho ông này. Nhờ tài thao lược của ông, nhân tài ùn ùn kéo đến phò tá, trong đó có Sái Ðức Trung, Phương Ðại Hồng, Mã Siêu Hưng, Lý Sắc Khai. Kể cả Hồng Anh là năm người sau được Hồng Môn tôn là ngũ tổ. Ðến năm Sùng Trinh thứ 14 (1641), Lý Tự Thành nổi lên đánh lấy Lạc Dương, giết được Phúc Vương. Các tướng nhà Minh như Phó Tông Long, Uông Kiều Niên, Ðinh Khải Duệ lần lượt đại bại. Quân của Lý Tự Thành chiếm được Hà Nam. Khương Tương đem binh tiếp ứng quân triều đình còn bọn Hồng Anh thì bỏ xuống Giang Nam.

Tháng 3 năm 1644, Lý Tự Thành chiếm được Bắc Kinh, vua Sùng Trinh tự treo cổ chết ở Môi Sơn. Tổng binh nhà Minh trấn đóng ở Sơn Hải Quan là Ngô Tam Quế thấy vậy đầu hàng Mãn Châu, dẫn binh nhập quan, công hãm Bắc Kinh. Ðến tháng chín năm đó, vua Thuận Trị dời đô về Bắc Kinh và tiếp tục đem quân đi chiếm các nơi khác. Hồng Anh thấy cảnh nước mất nhà tan vội vàng đi các nơi hiệu triệu dân chúng, thành lập quân đội chống với quân Thanh.

Thiên Địa Hội văn hiến lục

Thuyết thứ hai theo “Thiên Ðịa Hội văn hiến lục” do Tu Chí Cục ở Quảng Tây phát hành, được coi như một tài liệu chính thức của hội, thì việc thành lập hội như sau:

Khi Minh triều sắp mất vào tay quân Thanh, vua Sùng Trinh trước khi tự sát đã ra lệnh cho một trung thần là Tô Hồng Nguyên đưa bà Tây cung đang có mang trốn đi. Bà này sau sinh hạ một hoàng nam đặt tên là Chu Hồng Anh, sau đổi là Lý Thiên Tá. Vị Thái tử này được tăng chúng chùa Thiếu Lâm giúp đỡ trong công cuộc khởi sự đánh đuổi người Mãn Thanh, khôi phục vương thất. Người phù tá đắc lực nhất của họ Chu là Vạn Vân Long, được ủy thác công việc tổ chức, có Trần Cận Nam làm quân sư.

Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu

Nghiên cứu có tham khảo sách vở do giáo sư Trang Cát Phát (莊吉發) trong chương V, nhan đề Đài Loan Thiên Địa Hội đích Phát Triển dữ Lâm Sảng Văn chi dịch [台灣天地會的發展與林爽文之役][23], trích trong Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究)[24] [từ tr. 183 – 200] ghi lại như sau:

Thiên Địa Hội là một tổ chức bí mật thuộc hạ tầng xã hội, có lịch sử rất lâu dài, hoạt động bí mật, kín đáo, người sau thấy được những văn kiện trong hội, thành phần truyền thuyết thần thoại rất nhiều, việc thuật lại thứ tự và nguyên do thành lập, thời gian, địa điểm, nhân vật các loại văn kiện ghi lại chỗ này khác với chỗ kia, lắm khi trái ngược nhau.

Người đời sau dựa theo truyền thuyết thần thoại, dẫn theo khảo chứng lịch sử để có được kết luận, hoặc thêm thắt xuyên tạc, mịt mùng không thực, hoặc tìm kiếm thần tượng nên vẽ rắn thêm chân, đưa ra những điều quái lạ, không thể tin được.

Giáo Hội Nguyên Lưu Khảo

Đào Thành Chương (陶成章) trong Giáo Hội Nguyên Lưu Khảo (教會源流考)[25] đã lược qua như sau:

Minh Thái Tổ vốn là một tiểu đầu mục trong quân của đảng Khăn Đỏ (Hồng Cân), trước khi khởi nghĩa là một “cái tăng” (丐僧)[26] ở chùa Hoàng Giác (皇覺). Về sau chẳng may nhà Minh có nội loạn nên người Mãn Châu thừa cơ mới có nạn vong quốc. Các bậc chí sĩ, kẻ có lòng nhân, không muốn trung nguyên đồ thán nên kết hợp thành những đoàn thể bí mật, để mong quang phục tổ quốc mới lập ra hội Hồng Môn (洪門).

Hồng Môn là gì ? Vì vua Thái Tổ có niên hiệu là Hồng Võ (洪武) nên lấy đó làm tên. Coi trời là cha, coi đất là mẹ nên cũng còn gọi là Thiên Địa Hội.

Phàm những người cùng thề nguyền với nhau, đều gọi là Hồng Môn. Môn tức là gia môn vậy, cho nên cũng còn gọi là Hồng gia. Vì chưng cùng một nhà, nên cũng là đồng bào (cùng một bọc) nên khi vào hội, không kể chức vụ cao thấp, vào trước vào sau đều gọi nhau là huynh đệ.

Cái hoạ Mãn Châu, còn tệ hơn Mông Cổ cho nên đương thời lòng phục thù của người Trung Quốc, so với thời Tống mạt còn thiết tha hơn. Cho nên phàm những anh em mới nhập hội thì đầu tiên phải xoã tóc vì đuôi sam không phải là của người Trung Quốc chúng ta, khi cắt máu thề thốt, tổ tông chứng giám chúng ta không có hình thức người Mãn Châu để gặp tổ tiên. Cho nên những người có nhiệm vụ điều hành trong hội thì đã thành lệ thường mặt y quan Trung Quốc, cũng là ý đó.

Lại cũng dùng cỏ tết thành hình người, hoặc hình vẽ người để làm hoàng đế Mãn Châu. Người mới nhập hội, sẽ dùng tên bắn ba mũi, thề giết hoàng đế Mãn Châu để tỏ ý không quên mối thù.[27]

Đào Thành Chương cho rằng sau khi nhà Minh mất, các chí sĩ có lòng vì muốn quang phục Minh thất nên kết bái thành Thiên Địa Hội, người khởi xướng ra là Trịnh Thành Công, kế tục và sửa đổi là Trần Cận Nam, Nguyên văn cũng chỉ ra địa điểm khởi đầu của Thiên Địa Hội tóm lược như sau :

Khi nhà Minh mất, tình hình so với khi nhà Tống diệt vong có khác. Hai bên nam bắc của Đại Hà (tức sông Dương Tử), bị các đám lưu khấu tàn sát trước, làng xóm tiêu điều. Khi người Mãn Châu nhập quan không còn ai có sức chống lại, nên những cuộc khởi nghĩa đánh đuổi người Mãn đều là người ở Giang Nam.

Chiến tranh tối kịch liệt không nơi nào bằng các tỉnh Mân Chiết. Còn ở Lưỡng Việt (tức Quảng Đông – Quảng Tây) là nơi vua của ta ở [tức những vua cuối đời Minh còn ở vùng Nam Trung Hoa]. Còn quân đưa ra chặn giặc, đều chỉ là tàn dư của hai tên giặc Trương, Lý (tức Trương Hiến Trung và Lý Tự Thành), nên không phải là hoàn toàn quân dấy nghĩa do nhân dân muốn khôi phục.

Hai tỉnh Chiết – Mân (Chiết Giang và Phúc Kiến) cũng không chịu ngồi không, những người kháng Thanh đều là nghĩa quân bản địa. Còn ở Lưỡng Việt[28], tuy đã mất về tay nguỵ đế Thuận Trị năm thứ 11, 12, quân khởi nghĩa ở Chiết Giang còn tồn tại đến tận năm Khang Hi thứ 3. Còn Phúc Kiến thì kết thúc ở Đài Loan, Đài Loan mất vào năm Khang Hi 22.

Đương thời nghĩa binh tại Chiết Mân dựa vào nhau như môi với răng. Chiến tranh ở tỉnh Mân cũng khốc liệt hơn ở tỉnh Chiết nên chính quyền Mãn Châu thiết lập một tổng đốc ở đó để khống chế.

Tỉnh Chiết là viện trợ của tỉnh Mân, chính quyền Mãn Thanh lại ra lệnh cho tổng đốc Phúc Kiến kiêm luôn cai trị đất Chiết. Phúc Kiến là nơi phản kháng Mãn Châu kịch liệt nhất, người bị giết cũng nhiều hơn cả cho nên cái bụng thù người Mãn, cũng sâu xa hơn hết, và tổ chức của đoàn thể bí mật Hồng Môn cũng hưng thịnh, Thiên Địa Hội cũng từ đó mà ra.

Vào lúc cuối đời Minh, nghĩa quân hai tỉnh Chiết Mân liên hợp, cho nên sự bành trướng của Hồng Môn từ tỉnh Mân nhập vào tỉnh Chiết trước. Người Chiết mở rộng tới Giang Tô rồi tới Giang Tây.

Giữa thời nguỵ đế Khang Hi, có Trương Niệm Nhất (張念一), tự xưng là Nhất Niệm hoà thượng, lấy Đại Lam Sơn (大嵐山) ở Chiết Đông làm căn cứ, rồi liên kết với Thiên Mục Sơn (天目山) ở Chiết Tây và các đảng viên khác ở Thái Hồ, cùng với Qua Trần (戈陳) ở Bà Dương (鄱陽), chẳng may giữa đường tan rã, không được toại chí.

Khi thất bại rồi, nguỵ đế Khang Hi lại ra tay đàn áp, khiến cho đảng đồ của Thiên Địa Hội không còn dấu vết ở Chiết Giang, Giang Tô, Giang Tây. Còn ở tại Phúc Kiến, chính quyền Mãn Thanh không biết kịp. Vì thế Hồng Môn ở Phúc Kiến đã đổi phương hướng, chuyển sang đất Việt [Lưỡng Quảng].[29]

Đào Thành Chương viết rằng vì Phúc Kiến chống lại người Mãn Thanh kịch liệt nhất nên ở đó cũng bị tàn sát thảm khốc nhất, do đó Thiên Địa Hội bắt đầu là từ Phúc Kiến. Ôn Hùng Phi (溫雄飛) trong Nam Dương Hoa Kiều Thông Sử (南洋華僑通史)[30] đã nêu ra địa điểm và nhân vật khi Thiên Địa Hội bắt đầu:

Ba đời họ Trịnh đều dùng niên hiệu Vĩnh Lịch (永歷), là một nhánh nối dài cơ nghiệp nhà Minh. Thực ra, Quế Vương (桂王)[31] đã bị giết rồi, Họ Trịnh không quên chủ cũ nên mới dùng niên hiệu, còn Trần Vĩnh Hoa (陳永華) [tức Trần Cận Nam] một mình khổ tâm trì chí lo việc quang phục.

Sau khi đến Đài Loan, biết rằng quân địch rất mạnh, khó mà có thể dùng lực lấy lại. Lại lo càng lâu lòng người càng ly tán, không còn biết đến nỗi đau sâu xa nên mưu tính việc trả thù chín đời (九世之仇)[32], vì thế sáng lập đoàn thể bí mật Thiên Địa Hội ở Đài Loan để quảng bá tư tưởng phản Thanh phục Minh, kêu gọi lòng người.

Đài Loan trong vòng kiểm soát của họ Trịnh, tuy danh nghĩa là một thế lực xã hội bí mật, nhưng thực tế công khai hô hào trong quần chúng. Cho nên hiện nay người trong đảng hội thề nguyền thì đều do hương chủ là Trần Cận Nam (陳近南) chủ trì, ấy chính là Trần Vĩnh Hoa giả thác ra vậy.[33]

Ôn Hùng Phi nhận định rằng Thiên Địa Hội khởi nguyên từ Đài Loan, do người phụ tá Trịnh Thành Công là Trần Vĩnh Hoa sáng lập, người sau khi nói đến hương chủ Trần Cận Nam tức là Trần Vĩnh Hoa. Cuốn sách này cũng chỉ ra thời gian bắt đầu như sau:

Thiên Địa Hội vốn có một truyền thuyết rất thần thoại, đại ý nói là đời Khang Vương (康王) giặc rợ phía tây vào cướp phá, mấy lần đánh đều thua nên tăng nhân chùa Thiếu Lâm đứng ra cứu nước. Sau khi chiến thắng rồi, những nhà sư đó không nhận quan tước, quay về ở chùa Thiếu Lâm.

Khi đó có gian thần đến dèm pha với Khang Vương nói rằng bọn rợ tây vào cướp phá cả nước không chống nổi trong khi sư chùa Thiều Lâm lại có khả năng chống giặc, ấy là sức có thể làm đổ đất nước, vậy nên tiêu diệt đi. Khang Vương mới sai người ban rượu độc cho các nhà sư Thiếu Lâm, lại vây chùa nổi lửa đốt, chúng tăng bị chết cháy cả, chạy thoát được chỉ có 5 người.

Sau đó họ đi khắp nơi tìm các anh hùng để phục thù, có hưng binh một lần nhưng thất bại, biết rằng vận của người Hồ chưa hết nên đi tứ tán để vận động các nơi để đợi thời cơ. Lần đầu tiên họ làm lễ lập hội và thề nguyền với nhau là vào đời Khang Hi, năm Giáp Dần (1674), khẩu hiệu, tiêu ngữ lúc đó là “Phản Thanh Phục Minh”. Truyền thuyết ấy là như thế và thời kỳ bắt đầu là vào năm Giáp Dần, đời Khang Hi cũng có thể tin được.[34]

Năm Giáp Dần đời Khang Hi tức là năm Khang Hi 13 (1674). Quí Huyện tu chí cục (貴縣修志局) đã phát hiện một văn kiện của Thiên Địa Hội trong đó ghi rõ về việc manh nha Phản Thanh Phục Minh như sau:

Thời Khang Hi nhà Đại Thanh, ngày 25 tháng Ba năm Giáp Dần, là kỳ kết bái của Hồng gia, các huynh đệ cần biết:

Dưới thời Khang Hi, kẻ rợ phiên phương tây tạo phản, triều đình chọn ra vài vạn lính ngự lâm quân mà không chinh phục được, lần nào cũng hao binh tổn tướng, không ai địch nổi. Về sau hoàng thượng đã đưa ra một bảng văn, không kể dân hay quân, tăng nhân, nữ tướng, hào kiệt sơn lâm, nếu ai có khả năng thì đến xé bảng, chinh phục rợ tây sẽ được phong làm Vạn Hộ Hầu (萬戶侯), thưởng cho một vạn lạng hoàng kim.

Bảng này dán đã lâu ngày, không ai dám xé. Về sau các nhà sư chùa Thiếu Lâm nghe tin, liền đến xé bảng. Quân sĩ trông thấy, đem đến tri huyện Ngọc Điền (玊田), đưa về kinh đô triều kiến hoàng đế. Mặt rồng vui vẻ nhà vua mở lời hỏi chúng tăng cần bao nhiêu binh mã. Các nhà sư tâu rằng: “Không phải dùng đến một tên quân, một người lính nào, chỉ cần cho Đỗ Long (杜龍) vận lương, Tô Hồng (蘇洪) làm tiên phong, thế là đủ rồi”.

Hai người này là hai thí chủ khởi sáng ra chùa Thiếu Lâm, do đó lấy ơn báo ơn. Hoàng đế mới hỏi các nhà sư ngày nào thì tế cờ ra quân? Các nhà sư tâu rằng: “Ngay hôm nay”. Nhà vua lấy rượu ban cho các nhà sư ba chén, họ vui vẻ ra đi.

Tăng nhân tất cả hai trăm linh tám người, người nào cũng anh hùng không ai sánh nổi, đi ra chinh phục rợ tây, đắc thắng về triều. Mặt rồng hớn hở, sắc phong cho các nhà sư Vạn Hộ Hầu, tặng cho vạn lạng hoàng kim. Các nhà sư tâu rằng: “Chúng tôi là người xuất gia, không muốn làm quan, hoàng kim có dùng làm gì được đâu? Xin hoàng thượng ban cho một chiếc áo cà sa là đủ rồi. Không cần thưởng gì khác vì chúng tôi chỉ ra sức vì triều đình mà thôi”.

Hoàng đế nghe tâu như thế trong lòng không an, lại thấy các nhà sư vẻ mặt ngượng nghịu liền ban cho họ một bộ cà sa để họ áo gấm về chùa. Chúng tăng tạ ơn, quay về chùa Thiếu Lâm không nói gì nữa.

Trong số 108 nhà sư có một người tên là Mã Nhị Phúc (馬二福) là một hảo hán trong Thiếu Lâm Tự, sử dụng thiết côn nặng 36 cân nên có tên là A Thất (亞七). Khi trở về, vì sơ ý nên đánh vỡ mất chiếc đèn quí của chùa Thiếu Lâm, có biết đâu cái đèn này là đệ nhất bảo vật của Phật môn, đêm rằm tháng Giêng năm nay châm thêm dầu thì đến sang năm cũng đêm rằm tháng Giêng mới phải thêm dầu. Mọi người thấy y làm vỡ bảo đăng vô cùng tức giận nên đuổi y ra khỏi chùa.

Nhà sư đó mang lòng oán giận nên đi lên kinh đô, khấu kiến tả hữu thừa tướng Trần Văn Diệu (陳文耀), Đặng Đức Thắng (鄧德勝) khóc khóc mếu mếu tâu rằng: “Tôi không muốn bỏ toà giang sơn có minh chúa này nhưng các nhà sư chùa Thiếu Lâm có bụng mưu phản, năm trước chinh Lỗ, thông Phiên mại quốc, nhận làm nội ứng. Tôi thấy chúa thượng nhân từ, không nỡ ngồi yên mà nhìn”.

Hai vị thừa tướng tin là thực, nghĩ thấy năm trước đi đánh quân phiên, có thấy người này trong số đó. Huống chi ngự lâm quân của thánh thượng cùng binh lính ngoại tỉnh, cả thảy điều động lên đến mấy vạn binh mã vậy mà không thắng được, bọn họ chỉ có 108 người mà không một ai bị thương, toàn thắng trở về. Lời tâu của Mã Nhị Phúc hôm nay ắt là sự thực. Hai thừa tướng đợi đến canh năm, đưa Mã Nhị Phúc vào tận mặt tâu với nhà vua.

Gã hoàng đế hôn ám kia không hỏi hư thực, cũng không nghĩ đến công lao khi trước, hỏi: “Các khanh có cao kiến gì để có thể tiêu diệt chùa Thiếu Lâm? Nếu bọn họ chạy được, e có hậu hoạn”. Hai thừa tướng bước ra khỏi hàng, tâu lên: “Theo như ngu kiến của thần, lấy danh nghĩa ban cho ngự tửu, tiện thể đem vài vạn ngự lâm quân, lén đem lưu hoàng và những đồ dễ cháy, đợi khi họ uống rượu say nằm ngủ, vây chặt rồi đốt, thế là không còn hậu hoạn”.

Tô Hồng, Đỗ Long mới đánh đã biết, vì Tô Hồng có một người em gái, thông minh đẹp đẽ, A Thất một dạ đi tìm hai người. Hai người nghe được tự tận mà chết, để lại cây kiếm làm bằng gỗ đào, đem A Thất chém thành nghìn vạn mảnh.

Canh ba đêm 25 tháng Bảy, chùa Thiếu Lâm bị lửa đốt cháy sạch, tiếc thay những người có công chẳng ai biết chuyện gì, làm kinh động khiến cho Phật tổ xuống trần, biến ra một toà hầm chống lửa, cứu được 18 người.

Thầy trò chạy xuống đến chân núi, tới thôn Diệt Thanh (滅清), lại bị quân Thanh đuổi tới, khi đó trong tay không một tấc sắt, bị giết chết 13 người, chỉ còn lại có 5. Chạy đến Long Hổ sơn, Trương Kính Thiệu (張敬紹), Dương Văn Tả (楊文左), Lâm Văn Hồng (林大洪) ba người trong ngũ hổ đại tướng dẫn vài trăm binh La Hán hạ sơn chống với quân Thanh. Năm người chạy đến Nhạc Thần miếu, nhìn qua, trước thì có sông lớn chắn ngang, sau có truy binh làm kinh động hai vị thần núi Chu Quang (朱光), Chu Khai (朱開) nên hoá thành một cây cầu bằng đồng sắt, 5 người theo cầu đi qua.

Đi đến miếu Thái Tuế, chùa Hồng Châu, Vân Tiêu gia, phủ Huệ Châu thì không còn quân Thanh đuổi theo nữa. Khi đó năm vị tổ không còn biết làm cách nào, đã toan nhảy xuống nước tự tận, đi đến cửa vũng Bạch Sa, bỗng nhiên trên biển nổi lên ba khối cựu ma thạch, trên mặt đá có một lò hương bằng đá trắng, ba chân hai quai, nặng 52 cân 13 lượng, dưới đáy có “Phản Thanh Phục Minh” (反清復明), chính giữa có hai chữ “Hồng Anh” (洪英).

Năm người nhắc lên, cùng nhau nhìn trời thề nguyền, cắm cỏ làm hương. Sau này năm người đó đi đến chùa Trường Lâm tá túc, vị sư trụ trì là Vạn Vân Long (萬雲龍) [hiệu là Từ Quang, tự là Đạt Tông Công] gặng hỏi duyên do, bọn họ mới kể đầu đuôi, sau bái Vạn Vân Long làm đại ca, khởi nghĩa ở Cao Khê (高溪).

Vì vua Sùng Trinh nhà Minh mất ngôi, về sau có trung thần Tô Hồng Nguyên (蘇洪元) đưa Tây cung nương nương là Lý Tân Yến (李新燕) ra ngoài tỉnh, sinh ra thái tử Chu Hồng Anh (朱洪英), đổi tên là Thiên Hựu (天祐). Vào thời khởi nghĩa ở miếu Cao Khê, có vị tiên đột nhiên đem thái tử tới, hỏi căn do thì ra là thái tử Chu Hồng Anh. Sau đó ngũ tổ bái ông ta là minh chủ, bái Trần Cận Nam tiên sinh làm quân sư, Tô Hồng Nguyên làm tiên phong, năm người làm Ngũ Hổ đại tướng.

Quân Thanh nghe tin, liền đến tiễu trừ. Đại ca Vạn Vân Long của chùa Cao Khê đưa binh mã đại chiến ở chân núi Đinh Sơn, thất cơ mà chết. Ngũ tổ đưa một cánh nhân mã khác lui về Bạch Cẩu Động (白苟垌), bị vây trùng điệp, thái tử không có lương ăn mà chết.

Về sau khi quân Thanh rút đi, ngũ tổ đi tìm thi thể của Vạn Vân Long, dùng lửa thiêu hoá, đem theo bên mình đem đến Ô Long Cương (烏龍崗) an táng, toạ đông nam, hướng tây bắc, phân kim nhâm thân, bia cao một thước 9 tấc 3 phân, chôn sâu một tấc, trên bia có 16 chữ, tổng cộng 48 điểm, mỗi chữ có ba điểm theo lệ. Sau khi an táng, ngũ tổ ở trước bia đại ca Vạn Vân Long ở Bạch Cẩu Động khóc đến gần chết, miệng chửi hôn quân làm hại chùa Thiếu Lâm. Khi đó họ xé nát y phục, cắn ngón tay, cùng hợp máu vào thành một khối, vẽ thành năm đoá hoa, mỗi người giữ một bản, đem theo đi các tỉnh chiêu tập những ai còn lòng trung thành, nghĩa khí, ám tàng ba điểm cách mệnh, thề diệt Thanh triều, lấy lại giang sơn cho nhà Đại Minh, cùng hưởng vinh hoa, chung vui thiên hạ thái bình, ấy là dẫn ra như thế.[35]

Người đời sau lưu truyền “Tây Lỗ Tự” (西魯序), “Tây Lỗ Tự Sự” (西魯敘事) thuật lại việc khởi đầu của Thiên Địa Hội cũng đều dựa vào “Văn kiện về Thiên Địa Hội do Tu Chí Cục Quí Huyện phát hiện” tuy đại đồng tiểu dị. Ôn Hùng Phi suy luận rằng về sau nói về việc sáng lập trải qua như thế nào thì “nảy mầm vào thời vua Vĩnh Lịch sau khi Trịnh Thành Công chết đi, tức Khang Hi nguyên niên, còn thành lập thì vào khoảng Khang Hi 13”, “Sở dĩ nói đến Thiếu Lâm tự ấy là chỉ Trịnh Chi Long (鄭芝龍) và bộ thuộc có công với Mãn Thanh trong việc đi đánh rợ tây, chỉ việc họ Trịnh rút về giữ Tiên Hà Quan ( 仙霞關), việc ra lệnh cho quân Thanh đi thẳng đến Phúc Kiến, đốt chùa Thiếu Lâm, và chỉ thảm sử toàn gia lớn bé của Trịnh Chi Long bị giết tại Bắc Kinh. Ngũ tổ, ấy là những người cắt máu ăn thề với những anh em khác họ, hay cùng họ nhưng mưu tính cùng Chi Long phục thù. Vạn Vân Long ấy là Trịnh Thành Công, thái tử nhà Minh Chu Hồng Trúc (朱洪竺) ấy là [188] chỉ Quế Vương Vĩnh Lịch hoặc Đường Vương Long Võ, còn hương chủ Trần Cận Nam tức là Trần Vĩnh Hoa tự gọi mà thôi”.

Tiêu Nhất Sơn (蕭一山) soạn “Thiên Địa Hội khởi nguyên khảo” (天地會起源考) thì đại thể cũng thừa nhận suy luận của Ôn Hùng Phi, tán thành giả thuyết Thiên Địa Hội là do Trần Vĩnh Hoa và các cựu bộ hạ của họ Trịnh tổ chức. Tiêu Nhất Sơn cũng nhận định rằng phát nguyên của Thiên Địa Hội quả thực tại Phúc Kiến hoặc Đài Loan, vì chưng trưởng phòng của Hồng Môn ở tại Phúc Kiến, chùa Thiếu Lâm cũng ở tại Phúc Kiến, Trịnh Quân Đạt (鄭君達) cũng là người Phúc Kiến mà trong Đại Thanh luật lệ cũng có cấm luật ghi rõ là “ở tỉnh Mân, người dân cắt máu ăn thề, đốt hương tỏ lòng kết ước để bái huynh đệ”. Những người ở vùng biển tỉnh Mân mưu đồ việc khôi phục phần nhiều là thế lực của họ Trịnh, việc Trịnh Quân Đạt giả thác và sự tích Trịnh Chi Long cũng tương tự cho nên những người theo Trịnh Chi Long để lo việc khôi phục đều là trung thần hay cựu bộ hạ của họ Trịnh.

Tuy nhiên Tiêu Nhất Sơn không đồng ý là mọi truyền thuyết về Hồng Môn và nhân vật đều chỉ liên quan đến họ Trịnh mà thôi. Sự tích về Trương Niệm Nhất hay Nhất Niệm hoà thượng rất gần với truyền thuyết về Thiên Địa Hội, Nhất Niệm hoà thượng là thủ lãnh của Đại Lam sơn, tôn phò Chu tam thái tử khởi nghĩa nên bị bắt, việc này so với việc Vạn Vân Long với Hoà Mãn trưởng lão của Đại Phổ Am khi nghe tin hoả thiêu Thiếu Lâm tự nổi lòng trượng nghĩa, mọi người đều bái làm đại ca, với sự tích xông ra giao chiến với quân Thanh bị ngã ngựa chết cũng phảng phất.

“Tây Lỗ Tự” ở trên viết là ngũ tăng, ngũ tướng tế cờ hưng binh, đi qua tỉnh Chiết Giang gặp Vạn Vân Long. Truyện cũ của Thiên Địa Hội đều ở Phúc Kiến, riêng Vạn Vân Long nói ở tại Chiết Giang, tương hợp với căn cứ của Nhất Niệm hoà thượng. Do đó, Thiên Địa Hội và chiến dịch của Trương Niệm Nhất, có cùng một uyên nguyên.

Câu chuyện Thiên Địa Hội là do kết ráp nhiều đoạn mà ra, còn việc chết oan của Trịnh Quân Đạt lại là một phản chiếu của Trinh Chi Long, một chuyện cũ sau được đưa lên trên, biến thành tâm điểm truyền thuyết cho Hồng Môn.

Còn như năm Khang Hi thứ 13, họ Trịnh đã chiếm cứ Đài Loan, chí sĩ, di dân chưa chắc đã tự nguyện dứt bỏ cơ hội thực hiện mục đích phục cừu nên tiến hành kết hợp một xã hội bí mật. Tiêu Nhất Sơn chỉ ra rằng câu chuyện khởi nguyên của Thiên Địa Hội vào năm Khang Hi 13 là một sai lầm và theo văn kiện của Thiên Địa Hội chứng minh thì hội thành lập năm Ung Chính 12 (1734), ngày 25 tháng Bảy năm Giáp Dần.[36]

Đái Huyền Chi (戴玄之) nói rằng Thiên Địa Hội bắt đầu là vào năm Khang Hi 13, địa điểm khởi hội là Đài Loan, Vạn Vân Long tức Trịnh Thành Công, Trần Cận Nam tức Trần Vĩnh Hoa, là một thần thoại bên trong một thần thoại (神話中的神話), không có một tài liệu sử nào làm căn cứ. Còn như việc Thiên Địa Hội bắt đầu năm Ung Chính 12, ấy là căn cứ vào bản sao của Thiên Địa Hội “Tây Lỗ Tự Sự” (西魯敘事) mà ra, cũng chỉ diễn dịch thần thoại, đục đẽo thêm thắt vào chứ cũng không có cơ sở sử thực nào làm căn cứ, không thể tin được.

Sau khi Lâm Sảng Văn khởi sự, các yếu phạm của Thiên Địa Hội là Lại A Biên (賴阿邊), Hứa A Hiệp (許阿協) cung khai, trong đó có những câu thơ “mộc lập đẩu thế tri thiên hạ” (木立斗世知天下) mang ẩn ngữ và khai rằng “chữ mộc là chỉ năm Thuận Trị 18, chữ lập là chỉ Khang Hi năm 61, chữ đẩu là chỉ năm Ung Chính 13, chữ thế là vì Thiên Địa Hội bắt đầu năm Càn Long 32 nên ám tàng trong chữ thế”.[37]

Trong triệp tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cũng nói là “trong ca quyết có các chữ mộc lập đẩu thế, phỉ hội khởi đầu vào năm Càn Long 32”. Nghi thức kết bái quan trọng nhất của Thiên Địa Hội là ở một hội trường gọi là Mộc Dương thành (木楊城)[38] và Hồng Môn tổng đồ trong đó có hình chữ “mộc lập đẩu thế”. Đái Huyền Chi dùng phép chiết tự, tính toán nét bút, thay các con số và dựa theo sách vở của Thiên Địa Hội, lời khai của hội viên, tấu triệp của các đại thần phong cương (tổng đốc, tuần phủ), thượng dụ của Thanh Cao Tông để khảo chứng về thời gian khởi đầu của hội, địa điểm và nhân vật, đưa ra kết luận nguyên văn như sau:

Thiên Địa Hội do Hồng Nhị hoà thượng (洪二) Đề Hỉ (提喜) sáng lập, chính thức thành lập vào năm Càn Long 32, địa điểm khởi hội là ở chùa Quan Âm (觀音) làng Cao Khê (高溪) huyện Chương Phố (漳浦) phủ Chương Châu (漳州) tỉnh Phúc Kiến, các thuyết khác đều không đúng.

Đến việc rợ phương tây xâm lăng biên giới, chúng tăng đẩy lui được địch, lửa đốt chùa Thiếu Lâm, ngũ tổ lập hội …, chỉ đều là thần thoại, không thể coi là tín sử. Thuyết cũ Vạn Vân Long tức là Trịnh Thành Công, Trần Cận Nam tức là Trần Vĩnh Hoa và Thiên Địa Hội khởi đầu ở Đài Loan đều chỉ là những điều tưởng tượng, “thêm thắt xuyên tạc” không có chút nào là căn cứ sử thực cả.[39]

Ông Đồng Văn (翁同文) trong bài Thiên Địa Hội ẩn ngữ Mộc Lập Đẩu Thế tân nghĩa (天地會隱語木立斗世新義) cũng nêu ra phép chiết tự trong Mộc Lập Đẩu Thế, các nhà đưa ra con số năm không giống nhau, trong đó Mộc là Thập Bát十八, Lập là Lục Nhất六一, tuy đồng ý với nhau nhưng hai chữ Đẩu Thế thì phép chiết tự lại không giống nhau, số mục hình thức cũng khác nhau.

Chữ Đẩu người thì nói là Thập Nhị十二, người thì nói là Nhị Thập二十. Vì Thanh Thế Tông tại vị 13 năm, cả hai lối giải thích đều không phù hợp nên lại nói là Thập Tam. Còn như chữ Thế hoặc chẻ ra thành hai chữ Tam Xuyên 三川, mỗi chữ ba nét, mỗi nét thay cho 10 năm, hợp lại thành 60 năm, hoặc chẻ ra thành hai chữ Nhị Tạp 二卅, dùng phép tính nhân cũng thành 60, đều chỉ Thanh Cao Tông tại vị 60 năm. Thế nhưng cũng có thể chiết tự thành Tạp Nhất 卅一, Tạp Nhị 卅二hay Tạp Tam卅三 để chỉ những năm Càn Long 31, 32 và 33.

Hai chữ Đẩu Thế vì phép chiết tự không thống nhất nên không thay cho cùng một năm. Vì thế, Ông Đồng Văn cho rằng ẩn ngữ của bốn chữ “Mộc Lập Đẩu Thế” không phải là số mục phù hiệu, dùng để phụ chung vào mỗi năm đời Càn Long, vốn không có ý nghĩa gì cả.

Quan niệm rằng có ẩn dụ trong những từ ngữ Mộc Lập Đẩu, ấy là vì kết hợp với chữ Thế mà thành Mộc Lập Đẩu Thế, tức là chân chúa con cháu nhà Minh phục vị, cũng là Chu Minh chi thế. Cửa thành Mộc Dương có cắm lá hội kỳ và bốn chữ Mộc Lập Đẩu Thế trên lá cờ, Mộc Lập Đẩu Thế chỉ Chu Minh chi thế, mộc dương thành tức chỉ hội trường, ý nghĩa tuy có rộng hẹp, to nhỏ khác nhau, người sau thực là căn cứ địa của người đi trước.

Vì thế, cái thế của họ Chu nhà Minh phát triển và thiết lập trở lại là do sự phát triển và biểu trưng của mộc dương thành. Vì hội viên ngày một thêm lên, hội trường được thành lập trên toàn cõi Trung Quốc, rồi đây Thanh triều cũng sẽ bị diệt và Minh triều có thể quay trở lại, nhà Minh của họ Chu lại xuất hiện, ấy tức là Mộc Lập Đẩu Thế.[40]

Ông Đồng Văn khi soạn “Khang Hi sơ điệp dĩ Vạn vi tính tập đoàn dư đảng kiến lập Thiên Địa Hội[康煕初葉以萬為姓集團餘黨建立天地會] (Thời kỳ đầu đời Khang Hi và dư đảng của tập đoàn lấy Vạn làm họ thành lập Thiên Địa Hội) đã nêu ra trước khi lấy chữ Hồng thì đã có thời kỳ lấy chữ Vạn làm họ. Trong các văn kiện của Thiên Địa Hội đều có “kết vạn vi ký” (結萬為記), và “cộng hồng hoà hợp” (共洪和合) thành hai ký hiệu hoặc câu đối, chẳng hạn như thuỷ tổ là Vạn Vân Long và hội viên Vạn Đỗ Long (萬杜龍), Vạn Đỗ Phương (萬杜芳), Vạn Vân Bưu (萬雲彪) là những người lấy họ Vạn.

Năm Khang Hi 13, sau khi Ngô Tam Quế cử binh đã chiếm được 7 tỉnh, hội viên của tập đoàn “dĩ Vạn vi tính” như Vạn Ngũ Đạt Tông, hay Vạn Nhị Quách Nghĩa đều xuất hiện phản Thanh. Tháng Tư năm đó, Thanh Thánh Tổ thực lục chép rằng tổng binh Hà Nam Sái Lộc (蔡祿) cùng bộ thuộc mưu phản, hưởng ứng Ngô Tam Quế, sự việc bị tiết lộ nên y cùng bộ hạ, gia thuộc đều bị quân Thanh vây bắt ngộ nạn.[41]

Sái Lộc trước khi về hàng quân Thanh vốn là một người thuộc nhóm “họ Vạn” là Vạn thất, Vạn ngũ Đạt Tông tức là nhà sư ở chùa Trường Lâm, một trong các thuỷ tổ của Thiên Địa Hội. Nói tới tăng binh chùa Thiếu Lâm đẩy lui địch lập công, vua Thanh phụ nghĩa đem quân phóng hoả đốt chùa rồi việc Sái Lộc đem bộ hạ hàng Thanh rồi lại cùng bộ hạ bị giết ở Hà Nam là khu vực có chùa Thiếu Lâm. Từ đó, năm nhà sư sống sót trong vụ hoả thiêu chạy thoát sang chùa Trường Lâm cùng tăng chúng bên đó cùng nhau ăn thề, lại chỉ trong số bộ hạ của Sái Lộc có thành phần tàn dư chạy trở về đất Mân, gặp lại Vạn ngũ Đạt Tông.

Ông Đồng Văn kết luận rằng việc kết hội của Thiên Địa Hội bắt đầu là do năm nhà sư sống sót trong tai kiếp của chùa Thiếu Lâm cùng với nhà sư Đạt Tông của chùa Trường Lâm gặp nhau kết minh, thời gian vào năm Khang Hi 13 tức năm Giáp Dần, địa điểm tại Vân Tiêu phía nam tỉnh Mân.[42]

Thần thoại và truyền thuyết của Thiên Địa Hội lưu truyền đã rất lâu nhưng không hình thành một hệ thống mang tính lịch sử khiến cho sử gia trong và ngoài nước khi nói đến thời đại khởi đầu của Thiên Địa Hội, địa điểm và ai là người đề xướng ra để suy luận cho đến nay vẫn không xác định được.

Năm Thuận Trị 16, Trịnh Thành Công đánh lấy Trấn Giang (鎭江), tiến binh xuống Giang Nam, trong dân gian cũng có việc đảng Dương Vĩ (羊尾) khởi sự, việc này về sau vạ lây đến vài trăm người[43], nhưng cũng không có cái tên Thiên Địa Hội. Về tính chất hội đảng ở trên là một đoàn thể những người khác họ kết bái với nhau (異姓結拜), cùng thời kỳ Trịnh Thành Công quyết định khởi nghĩa thì Trương Lễ (張禮), Quách Nghĩa (郭義), Sái Lộc (蔡祿) chung nhau cắt máu ăn thề “vạn người một lòng, lấy Vạn làm họ” (以萬人合心,以萬為姓), rồi tất cả đổi sang họ Vạn thành Vạn Lễ, Vạn Nghĩa, Vạn Lộc[44] chiếu theo thứ tự thì có Vạn Đại, Vạn Nhị, Vạn Thất để gọi nhau.

Quách Đình Dĩ (郭廷以) trong Đài Loan sử sự khái thuyết (台灣史事概說) chỉ ra rằng Thiên Địa Hội về sau chính là tổ chức “lấy Vạn làm họ” được mở rộng.[45] Thế nhưng đầu đời Thanh thì ngoại trừ tập đoàn “dĩ Vạn vi tính” ra, còn có “dĩ Đồng vi tính”, “dĩ Hải vi tính”, “dĩ Tề vi tính” và “dĩ Bao vi tính” các tập thể khác cũng tồn tại, mà ý nghĩa chứa đựng là rộng rãi như biển cả, thiên hạ vạn dân, cùng một lòng kết hợp, chung lòng hiệp lực, bao la đến khắp mọi người để khắc phục khó khăn nên lấy chữ “Vạn” để tỏ vạn ý tương đồng.

Giang Nhật Thăng (江日昇) trong Đài Loan ngoại ký (台灣外記) viết là năm Vĩnh Lịch thứ tư tức Thanh Thế Tổ Thuận Trị 7 (1650) chép:

Tháng Năm, Vạn Lễ (萬禮) ở hai đạo Chiếu An (詔安), Cửu Giáp (九甲) theo lời gọi của Thi Lang (施郞) [], đưa vài nghìn người trở về. (Lễ tức là Trương Yếu, người Tiểu Khê, Bình Hoà, Chương Chi. Đời Sùng Trinh, kẻ trong làm tàn ác, bách tính khổ sở nên cùng nhau mưu kết đồng tâm, lấy Vạn làm họ cử Yếu lên đứng đầu. Khi đó dẫn đồng đảng chiếm được hai bộ, tháng Năm về hàng).[46]

Thi Lang là tổng binh nhà Minh, chức tả xung phong (左衝鋒) bộ hạ của Trịnh Chi Long. Tháng Một năm Thuận Trị 3 (1646), quân Thanh bình định được Phúc Kiến, Thi Lang cùng Trịnh Chi Long hàng nhà Thanh, đi theo quân Thanh tòng chinh ở Quảng Đông, bình định các huyện Thuận Đức, Đông Hoàn ( ), Tam Thuỷ, Tân Ninh. Các phủ Tuyền, Chương đều là những nơi bị các họ lớn hoành hành, hà hiếp bách tính, tập đoàn “dĩ Vạn vi tính” chẳng qua chỉ là một đoàn thể kết bái những người khác họ với nhau chống lại địa chủ, cường hào.

Như vậy nguyên thuỷ Thiên Địa Hội chỉ là một tổ chức “dị tính kết bái” được mở rộng nhưng không thể chỉ căn cứ vào “lấy Vạn làm họ” của một tập đoàn mà khởi nguyên là vì bối cảnh kinh tế của vùng Mân Việt có liên quan mật thiết. Địa khu Mân Việt (閩粵), núi bao vòng ra đến biển, dân chúng vốn tính ngang bướng, chỉ cần hơi có chuyện hiềm khích, hôn nhân đất đai chia chác không đều là đã tụ hợp nhau làm ầm ỹ, người có thế lực hà hiếp kẻ yếu, để tự bảo vệ mình nên người nọ liên kết với người kia cùng nhau chống lại. Hai bên cừu sát, phá nhà huỷ ruộng, tỉnh này sang tỉnh khác, quan địa phương nếu có gặp kiện tụng phần lớn cũng chẳng hơi sức đâu mà tìm hiểu cho kỹ càng, thường chỉ bảo vệ những kẻ có thế lực hay gia đình lớn cho nên địa phương càng thêm đa sự, mỗi khi gặp khó khăn hay những vụ án xung đột lớn cũng đều biến thành chuyện nhỏ, trong khi chuyện nhỏ cũng thành to.

Tháng Một năm Ung Chính 5, tổng đốc Phúc Kiến Cao Kỳ Trác (高其倬) gửi triệp tâu lên:

Tra hai phủ Tuyền, Chương ở Phúc Kiến dân chúng họ lớn khinh khi họ nhỏ, các họ nhỏ liên kết với nhau chống lại, cầm khí giới, tụ tập đông người, bên nọ giết bên kia, quả thật là ác tục, thần vẫn thường phải cấm đoán tra xét nghiêm nhặt.

Nay tra thấy ở huyện Đồng An có họ lớn Bao gia, cùng với họ nhỏ Tề gia, hai bên tụ tập cần khí giới giết lẫn nhau, thự tri huyện Trình Vận Thanh (程運青) đến khuyên can, bị doạ nên quay về, dấu đi không báo, viên du kích ở doanh đó cũng không bẩm lên đều là những kẻ nhút nhát.

Thần một mặt dâng sớ xin tham gia, những tập quán tàn ác ở tỉnh Mân phải trừng trị nghiêm nhặt, từ nay cần cảnh giác không để cho tụ tập. Thần một mặt sai người nghiêm nã kẻ đứng đầu tập hợp hành hung, lập tức đánh trượng để trị ác tục, còn lại liệu cách trừng giới.[47]

Các họ lớn ở hai phủ Tuyền, Chương có họ Lý, họ Trần, họ Tô, họ Trang, họ Kha hợp thành họ Bao, đại tộc hoành hành, phong khí kéo dài không ngừng nên các họ nhỏ và các họ tạp kết thành họ Tề, hai bên chống lẫn nhau. Hai phủ Tuyền Chương vì việc đề phòng hải khấu nên nhà nào cũng có giữ đao thương, khí giới, tự phòng thủ lấy, ở bờ biển thành tập quán, lại cũng giúp đỡ các người đứng đầu các họ lớn nhỏ nên có phong khí chiến đấu.

Tháng Mười năm Ung Chính 7, quan phong chỉnh tục sứ tỉnh Phúc Kiến là Lưu Sư Thứ (劉師恕) dâng triệp tâu rằng ở các huyện Tuyền Châu họ lớn ỷ mạnh hiếp yếu, như sau:

Tra bảy huyện thuộc phủ Tuyền Châu, thì các huyện Tấn Giang (晉江), Nam An (南安), Đồng An (同安) là khó trị hơn cả, kế tiếp là An Khê (安溪), Huệ An (惠安), còn Vĩnh Xuân (永春), Đức Hoá (德化) là sau nữa.

Ban đầu, họ lớn khinh khi áp bức họ nhỏ, họ nhỏ lại liên hợp các họ khác thành một họ để chống lại. Trước đây lấy họ Bao làm họ chung, họ Tề làm họ chung. Gần đây lại có họ Đồng, họ Hải, họ Vạn làm họ chung. Hiện nay đã nghiêm sức cho các địa phương tra bắt cấm chỉ nên bọn chúng đã hơi khuôn phép, không còn dám dùng khí giới đánh nhau nữa.

Họ Thi ở Tấn Giang tức là họ của Thi Thế Luân (施世綸), Thi Thế Phiêu (施世驃), nhân đinh đông nhất, cư ngụ tại các thôn Nha Khẩu (衙口), Thạch Hạ (石下), Đại Lôn (大崙), vốn che dấu bọn phỉ, hoành hành không ai kiềm chế được, hiện đang dính vào án đánh công sai cướp can phạm, các phủ huyện đã biết cả, nay bắt được hai người rồi, còn các can phạm khác chưa bắt được.

Thần lại dò bắt ba người vốn không coi pháp luật là gì, giao cho quan địa phương cứu xét, các bọn họ lớn còn lại không phải là những kẻ đa sự, chưa đến nỗi tệ như nhà họ Thi. Trong các huyện hễ có bọn cậy mạnh hiếp yếu, nếu có ai tố cáo phát hiện đều bị bắt tra hỏi, đưa lên công đường xử đoán, còn bọn có thành tích bất hảo tất cả hơn 20 người cũng đều bắt để trừng trị.

Lại truyền cho các hương thân ở trong thành ngoài làng, kính theo đức ý của hoàng thượng, dạy dỗ khuyến khích, lại thưởng cho mấy người biết an phận giữ phép để tỏ phong hoá còn những người biết tự sửa mình thì tận mặt nhắn nhủ, niêm yết tính danh, hiểu thị cho mọi người biết, những ai có lỗi phải sửa, tái phạm sẽ trị gấp bội.[48]

Thi Lang ở Tấn Giang hàng nhà Thanh rồi lập được nhiều chiến công. Tháng Ba năm Khang Hi 35 (1696) ông chết khi đang làm quan, con là Thi Thế Luân (施世綸) làm quan đến Tào Vận tổng đốc (漕運總督), Thi Thế Phiêu (施世驃) làm quan đến đề đốc Phúc Kiến, Thi Thế Phạm (施世范) tập tước tam đẳng hầu.

Các họ nhỏ ở Tấn Giang vì bị họ Thi là một họ lớn ức hiếp nên liên kết với nhau để chống lại, hoặc lấy họ Đồng, hoặc lấy họ Hải, hoặc lấy họ Vạn, biến các họ khác nhau thành cùng một họ, loại trừ những mâu thuẫn vốn có của các họ nhỏ. Khi các họ khác nhau liên hợp lại [193] thì họ đoàn kết nội bộ thành một lực lượng kiên cố, tổ chức thành phần dân chúng rải rác, thỉnh thoảng trích máu uống rượu, kết bái anh em, đề cử thủ lãnh, lại quì lạy trời đất để thề nguyền. Thỉnh thoảng vì quan lại địa phương xét xử không hay nên các tổ chức “kết bái khác họ” và các đoàn thể “đánh nhau bằng khí giới” lại lan toả mang theo một số ý nghĩa chính trị. Thiên Địa Hội sau này chính là do các tổ chức “dị tính kết bái” và đoàn thể “giới đấu[49] phát triển mà thành, việc bắt đầu do từ nhiều nguồn khác nhau chứ không phải do một người thành lập, ở một thời gian, ở một địa điểm.

Dân chúng từ nội địa di cư sang Đài Loan, lẽ dĩ nhiên cống hiến rất lớn cho sự khai phá và kinh doanh ở đây, đối với sự phát triển của Thiên Địa Hội cũng có những ý nghĩa trọng đại. Người nội địa di cư sang Đài Loan, đông nhất là người ở Phúc Kiến, rồi tới Quảng Đông, một phần vì do áp lực nhân khẩu, một phần vì do địa lý có quan hệ mật thiết. Vùng Phúc Kiến, lưng dựa vào núi, mặt ngó ra biển, núi nhiều ruộng ít, trong đó các phủ Phúc Châu (福州), Hưng Hoá (興化), Chương Châu (漳州), Tuyền Châu (泉州) đất hẹp người đông, gạo trồng không đủ ăn mà hai nơi Tuyền, Chương là bị nặng nhất. Người dân đen bị sinh kế bức bách nên tính chuyện có miến ăn nên phần lớn tìm cách chạy ra nước ngoài. Các phủ tỉnh Quảng Đông, núi biển giao nhau, không núi thì biển, người nghèo nhiều, người không có ruộng để cày cấy, không nghề ngỗng để làm ăn tính kế ra bên ngoài mưu tính chuyện phát triển.

Đài Loan với đất Mân, đất Việt của nội địa cũng giáp với nước, đất đai màu mỡ, sản vật phong phú, người dân Mân, Việt liền rủ nhau mạo hiểm sang Đài Loan cày cấy hoặc buôn bán.[50]

Thời mạt điệp của nhà Minh, người Hán ở Mân Việt nhân dịp tị nạn nên mạo hiểm sang Đài Loan, sau khi Hà Lan chiếm Đài Loan, việc buôn bán ngày thêm phồn thịnh, người Hán sang Đài Loan cũng mỗi lúc một tăng. Theo nhật chí Ba Đạt Duy Á thì khi người Hà Lan mới vào Đài Loan, ở Đài Nam chỉ có một số người Hán sống rải rác trong các xóm thổ dân, sống bằng nghề bán gạo, làm muối. Vì người Hán không có ý định sẽ định cư lâu dài nên không ai làm nghề nông.

Từ năm Thiên Khải 4 (1624), sau khi người Hà Lan chiếm một dải Đài Nam, do nhu cầu nhân lực và đòi hỏi về đường mía gia tăng nên người Hán di cư sang càng lúc càng nhiều. Theo thống kê thì thời kỳ sau cùng người Hà Lan thống trị, nam đinh người Hán đã lên đến 25,000 người, sang thời họ Trịnh thì đã tăng lên đến hơn 120,000 người.[51]

Thời kỳ họ Trịnh, Đài Loan lập thành phủ Thừa Thiên, chia làm hai huyện nam bắc, phía nam gọi là Vạn Niên (萬年), phía bắc hai châu Thiên Hưng (天興), Tầm Thăng (尋升).

Năm Khang Hi 22 đời Thanh Thánh Tổ (1683), Đài Loan thuộc về nhà Thanh. Tháng Tư năm sau, bàn luận chuẩn thuận lập thành phủ Đài Loan thuộc về tỉnh Phúc Kiến, chia làm ba huyện, đổi châu Thiên Hưng thành huyện Chư La (諸羅), chia châu Vạn Niên thành hai huyện Đài Loan, Phượng Sơn (鳳山).

Tháng Tám năm Ung Chính nguyên niên đời Thanh Thế Tông (1723), cắt phía bắc các huyện Chư La (諸羅), Hổ Vĩ (虎尾) cho đến Đại Giáp (大甲) để thành huyện Chương Hoá (彰化), từ Đại Giáp lên phía bắc lập thêm sảnh Đạm Thuỷ (淡水).

Đài Loan một phủ, bốn huyện, một sảnh, đất rộng người thưa, từ Tuyền, Chương tỉnh Mân đến Huệ, Triều tỉnh Quảng Đông tiếp tục vượt biển qua Đài Loan nên càng lúc càng đông đúc. Dân chúng vùng Mân Việt sang sống ở đây rồi, các thôn trang điền địa được khai thác, dân chúng gốc Việt và gốc Mân không hoà mục, dân đất Tuyền và dân đất Chương cũng có hiềm khích thường vì những chuyện nhỏ nhặt hay phân tranh đất đai mà phát sinh xung đột. Đài Loan văn hoá chí (台灣文化志) đã nêu ra là dân chúng gốc Tuyền châu, Chương châu thường thường tranh đấu, người gốc Chương liên hợp với người gốc Việt (Quảng Đông) để chống với người gốc Tuyền mà người gốc Tuyền cũng liên hợp với người gốc Việt chống lại người gốc Chương.

Tệ nạn này khởi đầu từ giữa đời Khang Hi sau khi hạn chế việc dùng thuyền sang Đài Loan, sau đó người Hán muốn di cư càng lúc càng nhiều, do đó người Mân Việt di cư bắt đầu cạnh tranh về đất đai.[52]

Quan lại văn võ muốn cho mọi việc êm xuôi, mỗi khi gặp những vụ án băng đảng thường chỉ cho người đến hiểu dụ khuyên nhủ để bỏ qua nhưng đầu mối việc tranh chấp vẫn còn nguyên. Những người Mân Việt mạo hiểm đi sang Đài Loan phần lớn là thành phần sống ngoài vòng xã hội, vì cần có thể chen chân vào nơi đất lạ nên trước sau cũng gia nhập những đoàn thể bang hội cùng họ hay cùng quê. Những kẻ du thủ du thực (羅漢腳), hay gây chuyện phá phách thấy hội đảng người đông, thế mạnh, dễ tụ tập nên nghe lời dụ dỗ gia nhập.

Những tổ chức “khác họ” hay “băng đảng” vốn dĩ cũng đã sinh hoạt manh nha một hội đảng, các án kiện cho thấy Thiên Địa Hội cũng là do các băng đảng địa phương mà ra. Phong khí như thế Tuyền Chương rất nhiều mà Đài Loan lại càng đông hơn nữa.[53] Vì thế, nói riêng về Mân Việt ở trong nội địa, các tổ chức hội đảng khởi đầu rất sớm, còn nói riêng về Đài Loan thì thành lập hội đảng bắt đầu là từ đời Khang Hi khi hạn chế di dân vượt biển. Hội đảng kêu gọi đệ huynh rồi nêu lên mục tiêu “phản Thanh phục Minh”, lấy ý thức chủng tộc để kích thích lòng trung nghĩa, tính địa phương và “dị tính kết bái” cùng các đoàn thể “băng đảng” rồi chuyển biến thành cộng đồng tôn chỉ và tổ chức hội đảng, vụ án Chu Nhất Quí ở Đài Loan thời Thanh sơ là do “khác họ kết nghĩa” từ địa phương phát triển mà thành vận động đại qui mô phản Thanh phục Minh.

Chu Nhất Quí (朱一貴) nguyên tịch là người huyện Trường Thái, phủ Chương Châu, tỉnh Phúc Kiến. Năm Khang Hi 59 (1720), tri phủ Đài Loan Vương Trân (王珍) lo việc huyện Phượng Sơn ra lệnh cho con thứ đến thu lương, mỗi thạch trả 7 tiền 2 phân nên bách tính oán thán. Lại vì nước biển dâng cao, dân chúng họp nhau ca hát tạ thần, con thứ Vương Trân cho rằng người dân vô cớ cúng bái, bắt giam hơn 40 người, những ai trả tiền thì được tha, còn người không có tiền thì đánh 40 trượng, lại cho người đến quấy nhiễu không thôi.

Tháng Ba năm Khang Hi 60 (1721), Lý Dũng (李勇) và Chu Nhất Quí bàn với nhau, vì Chu Nhất Quí họ Chu nên phao rằng y là hậu duệ của triều Minh, người đi theo sẽ đông. Bọn họ hiệu triệu quần chúng nổi dậy, xưng là Nghĩa Vương, quốc hiệu Đại Minh, niên hiệu Vĩnh Hoà, phong cho Hồng Trấn (洪鎭) làm quân sư, Vương Tiến Tài (王進才) làm thái sư, Vương Ngọc Toàn (王玊全) làm quốc sư, bọn Lý Dũng làm tướng quân.[54]

Ngày 20 tháng Tư năm đó, Chu Nhất Quí chính thức dựng cờ khởi sự ở Cương Sơn (岡山), Nam Lộ, Đài Loan, đến đâu cũng nổi lửa và cướp phá, số theo đến hơn 2 vạn người. Tổng binh nhà Thanh là Âu Dương Khải (歐陽凱) tử trận.[55]

Hoạt động "phản Thanh phục Minh" của Chu Nhất Quí theo cách vận động thì cũng không khác gì những nhóm “băng đảng” ở địa phương. Theo lời tâu của Tôn Văn Thành (孫文成) ở Chức Tạo cục Hàng Châu (杭州) thì:

Bọn giặc Đài Loan tụ tập đều là người thuộc ba phủ Chương Châu, Tuyền Châu, Triều Châu. Tại Phượng Sơn có tên Chu Nhất Quí là đầu đảng tụ chúng khởi binh, bắt đầu từ tháng Hai năm nay, sau đó người ở địa phương đứng ra đầu thú. Đạo viên là Lương Văn Huyên (粱文煊) đã bẩm lên cho tổng binh Âu Dương Khải để sai khiến binh đinh đến tra xét, thì nói là không có tin đó, hai quan bàn luận rồi đưa kẻ đầu thú đánh đập, gông cùm, có kẻ bị đánh chết …[56]

Vùng Nam Lộ ở Đài Loan cũng có người đầu thú cáo giác Chu Nhất Quí tụ tập làm loạn, quan địa phương sai người tra hỏi, Chu Nhất Quí lại dựng cờ khởi sự, đốt nhà cửa, trang trại lại cướp của những người ra đầu thú và không theo y, cho thấy trước khi Chu Nhất Quí khởi sự đã có những tập đoàn đối lập tại địa phương, những người đầu thú đều là người gốc tỉnh Việt hay Tuyền Châu, phản Mãn vận động của Chu Nhất Quí cũng tìm ra nhiều người có gốc tích “băng đảng”.

Chu Nhất Quí dựng cờ khởi sự bắt đầu từ việc dân chúng tạ thần hát xướng rồi quan địa phương nhân đó mà quấy nhiễu. Những phần tử băng đảng ở địa phương, mỗi khi gặp quan lại áp bức hà hiếp thì chuyển sang đối địch, kêu gọi người trong đảng tự xưng là con cháu nhà Minh, nêu cao khẩu hiệu "phản Thanh phục Minh". Như vậy bọn họ gốc là phần tử “giới đấu”, vì chưng quan lại xử lý không khéo, lòng người ly tán, chuyển biến thành ý nghĩa chính trị vận động chống lại người Mãn Thanh.

Thanh quân bình định Chu Nhất Quí chủ yếu là do nghĩa quân ở các trang trại vùng Quảng Đông và Tuyền Châu. Tổng đốc Mân Chiết Giác La Mãn Bảo (覺羅滿寶) nhờ có nhân dân các vùng Quảng Đông, Tuyền Châu hai nơi hưởng ứng và thưởng biển ngạch “hoài trung” (懷忠), “hiệu trung” (効忠) cho những người hăng hái, gắng sức tham gia. Sở dĩ gọi là nghĩa dân và hội đảng thực ra chỉ để phân biệt những đoàn thể đối lập với các phần tử băng đảng ra sức vì việc chung bao gồm dân Quảng Đông và dân ở các điền trang Tuyền Châu chống lại Chu Nhất Quí.

Tuyền Việt trang dân đối với người ở Chương Châu không đội trời chung nên khi thế lực của Chu Nhất Quí đang lớn mạnh thì người dân ở Tuyền Việt lập tức đứng ra cáo giác với quan lại địa phương.

Chu Nhất Quí khởi sự, các hội đảng dĩ nhiên ồ ạt hưởng ứng nhưng vì những đoàn thể đối lập cũng vì sống còn mà có rất đông nghĩa dân, trở thành một lực lượng không thể kháng cự. Khi Mãn Bảo chinh thảo Chu Nhất Quí, ông cũng lôi kéo số người dân Tuyền Việt đang ở trong các hội đảng và ưu thưởng cho họ nên đã bình định được vận động của Chu Nhất Quí. Qui mô của Chu Nhất Quí tuy lớn nhưng chưa lập được cái tên cho hội.

Tà giáo đời Thanh ắt có giáo danh nhưng hội đảng và tà giáo không giống nhau, người khác họ kết giao thề nguyền không hẳn đã cần một cái tên hội, những kẻ cầm đầu đều chiếu theo luật mưu phản mà xử cực hình. Thiên Địa Hội nguyên không phải là danh xưng, đời Ung Chính danh xưng hội đảng nhiều tên không mới, danh mục ngày càng nhiều.

Ngày mồng 5 tháng Năm năm Ung Chính 4 (1726), ở hồ Liên Trì, huyện Chư La, Đài Loan có bọn Sái Ấm (蔡蔭) và Trần Mão (陳卯) tất cả 13 người kết minh, tôn Sái Ấm làm đại ca, tuy chưa từng cắt máu. Ngày 18 tháng Ba năm Ung Chính 6 (1728) là ngày sinh nhật của Chú Sinh nương nương (注生娘娘)[57], Sái Ấm và 20 người khác tại nhà Tiêu Dưỡng (蕭養) uống rượu kết bái lập ra Phụ Mẫu Hội (父母會), đều suy tôn Sái Ấm làm đại ca,Thạch Ý (石意) là em út.

Cũng năm đó ngày 12 tháng Giêng, cách huyện thành Chư La 80 dặm ở vùng Hữu Tử Lâm (苃仔林), người dân là Trần Bân (陳斌) tại nhà của Thang Hoàn (湯完) [ngoại hiệu Hầu Hoàn] kêu gọi kết bái lập ra Phụ Mẫu Hội. Ngày hôm sau, bọn Trần Bân 23 người tụ tập ở nhà Thang Hoàn cắt máu kết minh, mọi người dùng kim chích máu nhỏ vào rượu để thề, tất cả đều tôn Thang Hoàn làm đại ca, Chu Bảo là em út, Sái Tổ là áp út.

Ngày 19 tháng Ba, ấy là sinh nhật của Thang Hoàn, định đợi khi mọi người tề tựu đông đủ sẽ lập giấy thề nhưng ngày 18 thì đã bị bắt. Bọn Thang Hoàn kết bái Phụ Mẫu Hội, cái tên đó là do những hội viên kết minh chọn, mỗi người bỏ ra một lượng bạc, để “nếu như ai có cha mẹ già chết, thì người khác giúp đỡ”. Trước khi Phụ Mẫu Hội xuất hiện cũng đã có Thiết Tiên Hội (鐵鞭會).

Tháng Tám năm Ung Chính 6 (1728), tổng đốc Phúc Kiến Cao Kỳ Trác đã gửi triệp như sau:

Tra địa phương Đài Loan, biển cả cách xa, trước đây gian phỉ đã từng gây biến, tập quán phong tục không thuần, dân chúng dễ bị khích động, những việc như thế cần phải trừng trị cho nghiêm. Huống chi phong khí ở Phúc Kiến, ngày trước đã có Thiết Tiên Hội, bái bả kết minh, bọn gian tà côn quang kết thành nhóm, gây sự hại người, vể sau vì nghiêm cấm nên cái tên Thiết Tiên khiến người ta kinh sợ nên đổi ra thành Phụ Mẫu Hội, ấy là chỗ gian xảo của chúng. Thần tra thấy kết minh là để nối lòng lại với nhau, bái bả là để hợp thành đảng, người trong đảng đông hơn ấy là gốc của việc mưu tính khởi loạn vậy.[58]

Ngoài Thiết Tiên Hội ra, tại Dĩnh Châu (頴州) ở Giang Nam có bắt được bọn Thiết Xích Hội, cũng là vì người trong hội đều cầm roi sắt, xích sắt mà có tên đó. Ở Hạ Môn, Phúc Kiến lại có Lý Tài (李才) kết bái Nhất Tiền Hội (一錢會), người trong hội mỗi ngày đều bỏ ra một lượng để chế tạo khí giới.

Lý Tài vốn là doanh binh của thuỷ quân, sau khi bị truất lương nên họp mọi người góp một lượng bạc để mua thêm lương thực. Nay trong hội khi gặp việc cũng đóng một lượng bạc cho nên có tên là Nhất Tiền Hội.

Thời Càn Long, hoạt động của hội đảng có khuynh hướng tăng vọt, chẳng hạn như bắt giữ bọn Biên Tiền Hội (邊錢會) ở huyện Phúc An, tỉnh Phúc Kiến, trong hội chế tiền nửa nọ ráp với nửa kia, mỗi người cầm một nửa đồng tiền làm bằng chứng gia nhập. Lại dùng một trang giấy đỏ xé ra làm hai, một nửa gói đồng tiền, nửa kia viết tên tuổi của mình, hội sẽ dùng nửa bọc đồng tiền làm chứng cớ, cho nên gọi là Biên Tiền Hội.

Ngoài Biên Tiền Hội, hoạt động của Tiểu Đao Hội cũng bành trướng. Năm Càn Long 7 (1742) ở huyện Chương Phố (漳浦), tỉnh Phúc Kiến đã phá và bắt được bọn Tiểu Đao Hội.[59]

Năm Càn Long 37 (1772), ở Đài Loan nhóm Tiểu Đao Hội cũng chưa hết, tháng Giêng năm đó có người dân ở phố Đại Đôn (大墩) [Đài Trung] là Lâm Đạt (林達) đi buôn trầu cau bị tấn binh (lính ở một đồn nhỏ) mua ép và làm nhục nên có ý gọi bọn Lâm Lục 18 người kết thành một hội, ước hẹn với nhau là nếu bị doanh binh hà hiếp thì sẽ mang dao nhỏ đến tương trợ. Nhân vì Lâm Đạt và bọn Lại Diễm (賴焰) vì mua củi mà ẩu đả, lên huyện trình báo, quan địa phương khi ấy mới biết có cái tên “thập bát vương gia” và “tiểu đao hội”.[60]

Như thế đủ biết Đào Thành Chương nói rằng Tiểu Đao Hội là do Đại Đao Hội biến chuyển mà thành, Tiểu Đao Hội ở Phúc Kiến là do Tam Điểm Hội, Tam Hợp Hội vì ái mộ cái tên Tiểu Đao Hội nên đổi sang. Cái tên Tiểu Đao Hội ở Đài Loan bắt đầu là do hội viên mang theo dao nhỏ trong người, người nọ giúp người kia để chống lại binh lính Mãn Thanh nên có tên đó. Dùng dao nhỏ để phòng thân, đem theo cũng tiện lợi.

Tri huyện Chương Hoá Trương Khả Phó (張可傅) không hiểu rõ nguồn gốc, sớm hoàn tất vụ án, sai câu lưu Lâm Đạt đem đến, khi thẩm vấn thì cung xưng là Lâm Đạt và Lại Ẩm (賴飲) mua tranh thịt bò nên gây hấn, chứ không phải vì mua củi mà đánh nhau, cũng không có cái tên “thập bát vương gia” và”tiểu đao hội”, sau đó đem Lâm Đạt 18 người chia ra gông lại.

Lâm A Khiên (林阿騫), cũng có tên là Lâm A Tái (林阿賽) là một trong những thủ lãnh của Tiểu Đao Hội ở Chương Hoá. Năm Càn Long 38 (1773), Lâm A Khiên cùng với bọn Hoàng Thiêm (黄添) năm người kết thành hội rồi có bọn Hoàng Giang (黄江) lục tục gia nhập, ai ai cũng chuẩn bị dao nhỏ phòng thân, người người ước định nếu như bị doanh binh hay người ngoài khinh khi thì sẽ rút dao nhỏ ra tương trợ. Những người ngoài hội đều sợ uy thế của họ dám kháng cự quân Thanh to lớn chẳng khác gì vương gia nên tôn xưng họ là vương gia.

Còn như hội mà Lâm Đạt lãnh đạo là Tiểu Đao Hội thì hội viên dần dần chết đi, hội từ từ giải tán, sau do Lâm Lục đứng đầu gọi thêm được 5 người Lâm Má, gây dựng lại Tiểu Đao Hội. Người trong huyện là Lâm Văn Thao (林文韜) ước hội với Lâm Đạp (林踏) thực hiện riêng một Tiểu Đao Hội, những người còn lại trở về làm dân thường. Như thế ta thấy Tiểu Đao Hội ở Đài Loan không phải do một người sáng lập, số mục rất nhiều, hội nọ không dưới quyền thống thuộc của hội kia.

Từ năm Càn Long 39 (1774), lại có bọn Trần Triền (陳纒) hoặc 3, 4 người, hoặc 5, 6 người mỗi nhóm lại kết thành một Tiểu Đao Hội, trong đó có cả nha dịch gia nhập chẳng hạn như Trần Viễn Sinh (陳遠生) tức là thư ký trong huyện Trần Văn, Lâm Bách (林栢) tức Lý Phiên sảnh dịch Lâm Hưng, Trần Thượng (陳尚) tức Lý Phiên sảnh dịch Trần Tài đủ biết Tiểu Đao Hội thịnh hành như thế nào.

Tháng Mười năm Càn Long 40 (1775), tri phủ Đài Loan là Tưởng Nguyên Xu (蔣元樞) tra hỏi đảng viên Tiểu Đao Hội là bọn Lý Thuỷ 10 người giải xuống huyện thẩm cứu. Ngoài ra đồng tri Mã Minh Tiêu (馬鳴鑣) huyện Chương Hoá bắt được bọn Lư Phật (盧佛) đem đến, tuy đều cung khai là đã kết hội không kiêng dè nhưng chưa từng hung hăng, đốt nhà, giết người, nên tri phủ Tưởng Nguyên Xu cho đóng gông trả về thi hành án và giao cho địa phương nghiêm nhặt quản thúc.

Năm Càn Long 44 (1779) có bọn Lư Giảng (盧講) liên hợp Tiểu Đao Hội, từ đó về sau, các vụ án về Tiểu Đao Hội mỗi lúc một lớn.

Tháng Bảy năm Càn Long 45 (1780) có doanh binh Hưng Hoá bắn chết người ở ngoài đường, dân chúng oán hận nên có ý báo thù. Theo các phạm nhân cung xưng thì ngày 29 tháng Bảy năm đó, Hồng Tiêu (洪標) cùng đồng ngũ binh đinh là Trần Ngọc Lân (陳玊麟) cùng đến Ninh Điền (濘田), Chương Hoá để tế các binh đinh bình phiên chết trận năm xưa, nhân nơi để tế trước đây bị Dương Chấn Văn (楊振文) mới xây thành phòng ốc nên bày đồ tế lễ ngay trước cửa nhà họ Dương. Dương Chấn Văn kéo người ra ngăn lại, vứt tung các đồ tế phẩm. Binh đinh Trần Ngọc Lân cùng Dương Chấn Văn ẩu đả, các binh đinh khác cũng cùng nhau chống lại. Binh đinh Trịnh Cao (鄭高) bị Dương Chấn Văn đánh bị thương nên về doanh đem súng điểu thương ra bắn, trúng nhầm vào người bán trái cây Lâm Thuỷ, Lâm Thuỷ đến huyện cáo giác. Tri huyện Chương Hoá Tiêu Trường Phát (焦長發) sai bắt Trần Ngọc Lân, Trịnh Cao ra xử, đánh trượng rồi phát lạc, đưa Hoàng Văn Hầu (黄文侯) về xứ, ra lệnh cho Dương Chấn Văn phải cấp cho bọn Trần Ngọc Lân 150 lạng bạc để mua đất làm từ đường ngõ hầu dứt việc tranh chấp.[61]

Việc Lâm Thuỷ đến huyện để cáo giác đã nhiều lần khiến cho người dân kích động, tháng Chín năm Càn Long 45, y cùng với Tôn Phiên (孫番) và bọn Dương Báo (楊報), Lâm Quì (林葵) 4 người lại kết thành Tiểu Đao Hội, lại ước định nếu gặp binh lính ức hiếp sẽ đem dao đến giúp đỡ.

Tháng Một năm Càn Long 46 (1781), người dân Lâm Văn Thao (林文韜) và binh đinh Ngô Thành (吳成) tranh chấp, Ngô Thành kéo đồng ngũ ra đánh báo thù, bắn Trần Thượng (陳尚) bị thương ở cằm và cánh tay, lạ làm hỏng nhà của chú Lâm Văn Thao là Lâm Tí (林庇). Lâm Văn Thao không chịu nhịn nên gọi bọn Vương Hồng đến nhà Ngô Thành gây sự làm bị thương binh đinh Trương Văn Quí ở sau đầu và thái dương, làm hỏng mấy bộ áo cũ. Theo lời cung của Ngô Thành thì y là người huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến, gia nhập binh đinh tả doanh trấn Chương Châu, năm Càn Long 44 (1779) đến Đài Loan, được đưa đến đóng ở Chương Hoá, cùng với đồng ngũ là Trương Văn Quí mở tiệm bán quần áo cũ.

Ngày 15 tháng Một năm Càn Long 46, binh đinh Hoàng Văn Thuỷ đòi nợ Ngô Thành gây huyên náo, có người dân Lâm Văn Thao và đường thúc là Lâm Tí ra khuyên can. Vì bênh Hoàng Văn Thuỷ nên Ngô Thành tức giận đẩy Lâm Tí ngã, Lâm Văn Thao đến giúp Lâm Tí định đánh Ngô Thành nhưng Ngô Thành chạy thoát.

Tối hôm đó, Ngô Thành mang súng cùng đồng ngũ là bọn Dương Hựu (楊祐) đến tiệm của Lâm Tí báo thù.[62] Lâm Tí, Lâm Văn Thao chạy trốn, bọn Ngô Thành dùng đá ném phá tiệm của Lâm Tí, vừa lúc Trần Thượng đi ngang qua, Ngô Thành nghi là đến giúp nhau nên đưa súng lên bắn, Trần Thượng bị thương ở hàm. Lâm Văn Thao không chịu nhịn, ngày 16 tháng Một đòi bọn Vương Hồng đến tiệm quần áo cũ của Ngô Thành báo thù để Ngô Thành phải ra mặt, người làm là Trương Văn Quí chạy ra chửi mắng bị Vương Hồng vung đao chém vào sau đầu, bọn Lâm Văn Thao thì đập phá bàn ghế bên trong tiệm, lại cướp hơn mười bộ quần áo.

Trương Văn Quí báo lên tri huyện Chương Hoá Tiêu Trường Phát để nghiệm thương[63], sai bắt Lâm Văn Thao, tra hỏi binh lính dân chúng xem sự thể thế nào, Tiêu Trường Phát cũng đem bọn Lâm Văn Thao chia ra gông lại riêng binh đinh Ngô Thành chưa bị bắt giải đến.

Chiều ngày 15 tháng Sáu, Càn Long 47 (1782), bọn Ngô Thành gặp Lâm Văn Thao nhớ lại thù cũ nên đem Lâm Văn Thao bắt đưa vào doanh, Ngô Thành nắm đuôi sam của Ngô Thành, Tăng Đốc (曾篤) đè lên người, Dương Hựu dùng dao nhỏ đâm mù mắt phải của Lâm Văn Thao. Quan binh trong doanh không tra xét rõ ràng để báo lên mà bỏ qua không hỏi đến.

Ngày 23 tháng Tám năm Càn Long 47 (1782), ở Đồng Cước huyện Chương Hoá có diễn tuồng, có người Chương Châu mở bảo trường (寶場) ở đó, ba gã thuộc Tiểu Đao Hội người Chương Châu là Hoàng Thiêm cùng người Tuyền Châu đánh bạc, người Tuyền Châu thua, nhưng vì tiền đưa ra sắc bạc hơi xấu, hai bên tranh cãi, con của Hoàng Thiêm là Hoàng Toàn (黄璇) tập họp đánh chết người Tuyền Châu, báo lên huyện Chương Hoá đến khán nghiệm nhưng vì hung phạm chưa bắt được, người Tuyền không chịu, ngày 26 đến nhà Hoàng Thiêm đánh cướp, người Chương sang đoạt vật của người Tuyền khiến hai bên hiềm khích.

Người Tuyền là Ngô Thành cùng kẻ cùng quê là Tạ Tiếu tức Tạ Tấu vốn biết nhau nên cáo rằng Hoàng Thiêm của Tiểu Đao Hội muốn tụ tập tấn công trang trại nên Tạ Tiếu liền cho các trang trại người Tuyền biết để giúp đỡ lẫn nhau. Bọn Hoàng Thiêm thấy người Tuyền đông đảo, sợ khó chống lại được nên ước hẹn với trang trại người Chương họ Lâm định vào ngày 29 tháng Tám sẽ ra khỏi trang tấn công các trang trại người Tuyền là Phiên Tử Cấu, Quá Cấu Tử, Tân Trang Tử, Lộc Tử Cảng hai bên đốt phá chém giết, đều có thương vong, ai chết thì đều tự đem về chôn, còn người bị thương thì lành đi không ra mặt, cũng không bên nào báo quan đến khán nghiệm, không để người khác cho mình là yếu như kẻ vô lại côn đồ gây sự rồi đi rêu rao ở mọi nơi.

Tại Tuyền trang thì nói là người Chương muốn sang giết họ, ở Chương trang thì bảo người Tuyền định sang hành hung, nhân vì hoảng hốt nên những gia đình sống tản mác bên ngoài trang đều lũ lượt bỏ đi, bọn côn đồ thừa cơ nổi lửa đốt nhà, cướp đồ đạc dẫn đến những vụ giao chiến đại qui mô lây lan đến Miêu Vụ Sách (貓霧拺) các tiệm Lê Đầu Điếm, Hồ Lô Đôn, Sa Lộc, Đại Cước Nhai, Ngưu Mạ Đầu, Đại Võ Quận, Yến Vụ, Đông Tây Loa, Hải Phong Cảng, Bố Dữ các nơi, kéo dài đến hơn một tháng, các thôn trang của huyện Chương Hoá bị quấy phá đến hơn 200 nơi lớn nhỏ, bả tổng Lâm Thẩm cũng bị giết chết.

Tiểu Đao Hội vì hội đảng ai cũng mang dao nhỏ nên có tên đó, người dân huyện Tấn Giang tỉnh Phúc Kiến là Trương Phàn (張攀), cha y là Trương Tiêu (張標) vốn sinh nhai bằng nghề bán gạo tại Lộc Tử Cảng tại Đài Loan. Năm Càn Long 47, Trương Phàn từng đến Đài Loan khi trở về nguyên quán, theo như Trương Phàn cung xưng thì “khi ở Đài Loan nghe phụ thân Trương Tiêu nói rằng, phỉ loại Chương Tuyền có tên là La Hán Cước, cứ tụm ba tụm năm, kết minh bái ước, gặp việc đánh nhau với người ta thì cả bọn liền cầm dao nhỏ đến tương trợ, vì thế nên gọi là Tiểu Đao Hội”.[64]

Bối cảnh thành lập của Tiểu Đao Hội ở Đài Loan, chủ yếu là do chính sách cai trị của nhà Thanh lỏng lẻo và binh đinh tham lợi nhũng nhiễu khiến dân chúng oán hận mà ra. Thuỷ sư đề đốc Phúc Kiến Hoàng Sĩ Giản (黄仕簡) tâu rằng Tiểu Đao Hội tại Đài Loan khởi đầu “là do trong thành Chương dân chúng hỗn tạp, lính thì hung tợn, dân thì cứng đầu chẳng bên nào chịu bên nào, tình thế lâu dần nên những người buôn bán làm ăn nhiều lần bị binh lính ức hiếp nên liên kết với đồng loại để chống lại”.[65]

Đa La Chất quận vương Vĩnh Dung (永瑢) khi nghị luận về việc bắt đầu của Tiểu Đao Hội ở Đài Loan cũng nói:

Tra một phủ Đài Loan, đất nằm giữa biển, phiên dân từ đủ các nơi nên cần phải đặt binh đinh để dễ đưa vào khuôn phép. Thế nhưng binh đinh lại kết bè đảng hoành hành, lăng nhục người dân, ép mua ép bán, phá huỷ nhà cửa, thậm chí bắn súng, đánh người khiến xho cư dân nơi đó, sợ kẻ cường bạo, ước định kết hội, ai cũng đem theo tiểu đao để lo tự vệ, hơn mười năm nay, việc Tiểu Đao Hội nổi lên đều là do binh đinh khích động mà thành.[66]

Nói như thế, việc thành lập Tiểu Đao Hội ở Đài Loan, là nhằm tự bào vệ chống lại binh đinh nhà Thanh hoành hành, quấy nhiễu ở địa phương, nếu theo tính chất mà nói, một phương diện là ảnh hưởng sâu xa tính tình hiếu chiến của dân địa phương, mặt khác cũng có hàm ý chính trị chống lại người Mãn Thanh.

Các hội đảng khi thành lập đã thừa kế tính chất truyền thống kết xã của dân gian Trung Hoa, trên nhiều phương diện hấp thu và chỉnh lý các yếu tố của các loại kết xã. Trong quá trình phát triển của Thiên Địa Hội, khởi đầu là do các tổ chức “kết bái khác họ” và tính “thích đánh nhau” của địa phương phát triển mà thành, tính chất sử thực mà xét thì lúc đầu khi mới lập ra không có tên hội, hoặc “lấy Vạn làm họ”, hoặc “lấy Tề làm họ”, hoặc “lấy Đồng làm họ”, đổi những họ khác nhau thành cùng một họ.

Về sau khi bắt đầu lấy tên cho hội thì danh mục mỗi lúc một nhiều chẳng hạn như Thiết Tiên Hội, Thiết Xích Hội, Nhất Tiền Hội, Biên Tiền Hội, Phụ Mẫu Hội, Tiểu Đao Hội cũng đều do các tổ chức “kết bái khác họ” và tinh thần thích đánh nhau của địa phương phát triển mà thành, hoặc lấy nét đặc trưng mà thành tên, hoặc do loại khí giới họ mang mà thành tên.

Cái tên của hội đảng hoặc là do người ngoài hội gọi, hoặc do người trong hội khi lập ra gọi như thế để tiện việc thu hút anh em. Hội viên gọi nhau bằng huynh đệ, đó là dấu vết của “dị tính kết bái” còn sót lại. Nếu nói về bản chất, giữa hội này với hội kia không có gì khác biệt rõ ràng, đều truyền cho nhau những ẩn ngữ, ám hiệu. Vì chưng hội viên khi gia nhập đều ngẩng nhìn trời, đứng trên đất mà lập thệ, nghi thức quì lạy trời đất này khiến cho có cái tên Thiên Địa Hội.

Do đó, Thiên Địa Hội có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Nghĩa hẹp của Thiên Địa Hội là chỉ việc dùng cái tên Thiên Địa Hội, nghĩa rộng là để chỉ tất cả các hội đảng bí mật thịnh hành ở khu vực tỉnh Mân, tỉnh Việt như Phụ Mẫu Hội, Tiểu Đao Hội. Nghi thức quì lạy trời đất của Thiên Địa Hội, có lẽ là chịu ảnh hưởng của truyện Thuỷ Hử, trong bản của Kim Thánh Thán hồi 71 và 70 kết nghĩa Lương Sơn Bạc, lời thề trong đó có những câu “trước chia ra ở những nơi khác nhau, nay tụ lại trong cùng một căn phòng, theo trăng sao làm anh em, chỉ trời đất làm cha mẹ”. Việc “chỉ trời đất làm cha mẹ” cũng giống như nghi thức trong câu của Thiên Địa Hội “một lạy trời làm cha, hai lạy đất làm mẹ”.

Huynh đệ thề nguyền, trước thần linh cắt máu uống rượu, quì lạy trời đất để thề vốn có từ rất xưa, khởi nguyên có thể tìm thấy từ trước thời Chiến Quốc của các anh hùng hào kiệt, khác họ kết nghĩa, rồi sau thâm nhập dân gian là do ảnh hưởng từ truyện Tam Quốc Diễn Nghĩa hay Thuỷ Hử trong Đào Viên Tam Kết Nghĩa hay Lương Sơn Bạc Đại Kết Nghĩa và các hội đảng cũng đi theo nghi thức này.

Việc kết minh lập thệ của các hội đảng, có nghi thức chung là quì lạy trời đất, vì thế hai chữ “thiên địa” có thể bao quát chung mọi việc kết bái, Thiên Địa Hội là danh xưng của mọi hội đảng. Từ khi Lâm Sảng Văn lãnh đạo Thiên Địa Hội đứng lên chống lại người Mãn Thanh, Thiên Địa Hội trở thành một danh xưng quen thuộc với dân gian, lâu dần trở thành tên chung của các hội đảng bí mật vùng Mân, Việt, Đài Loan.

VỤ ÁN CHU TAM THÁI TỬ

Khi Ngô Tam Quế khởi sự, ông ta đưa ra khẩu hiệu Phản Mãn Phục Minh, ủng lập Chu Tam Thái Tử. Chiêu bài đó quả có đánh động tâm thức của một số người còn luyến tiếc tiền triều nên lúc đầu thanh thế của họ Ngô rất lớn.

Sau khi vua Minh Tư Tông (tức Sùng Trinh) tự treo cổ chết, Trung Hoa lâm vào loạn lạc, tranh giành chém giết giữa nhiều phe phái khác nhau, một số hoàng tử bị thất tung, không biết ra sao. Năm Thuận Trị nguyên niên, tại Bắc Kinh có Gia Ðịnh Bá Châu Khuê (周奎) trong nhà có nuôi một cậu bé bị tố cáo là con của vua Sùng Trinh, nên bị bắt giao cho bộ Hình thẩm biện nhưng lại có người nhận ra rằng chỉ là giả mạo. Thị lang Thẩm Duy Bính (沈唯炳) dâng sớ tâu rằng:

... Nếu như chuyện ấy là thực thì quả là tiên đế linh thiêng nên mới ngầm giúp cho. Thanh triều khoan hồng độ lượng với tiền triều nên tống táng trọng thể. Ðến bây giờ thay tiên đế xuất chinh trừ hung phạt bạo, không lẽ lại e ngại người con của tiên đế mà không để lại một dòng để cúng tế hay sao?

Còn như nếu là giả, ắt có kẻ âm hiểm tham đồ phú quí, nên bắt kẻ vô tri kia, giết đi để cho chính pháp, tra xét kẻ chủ mưu cho đến tận cùng, để cho thiên hạ cùng biết. Còn như nếu để có chỗ nghi ngờ, làm sao có thể truyền chữ tín cho thiên hạ...

Việc đó không được tra hỏi minh bạch, viên nội giám Dương Ngọc (楊玉) và tất cả mười lăm người bị triều đình đem ra xử tử, cậu bé bảo là thái tử con vua Sùng Trinh kia, thật hay giả, tên là gì cũng không ai hay biết.

Sang đời Khang Hy lại phát sinh vụ án Chu tam thái tử. Chu tam thái tử là một nhân vật hết sức thần bí, được Ngô Tam Quế đưa lên để hiệu triệu người Hán đi theo. Vào khi họ Ngô nổi dậy, ở Bắc Kinh có Dương Khởi Long (楊起隆) tụ tập thủ hạ, lấy danh nghĩa ủng lập Chu tam thái tử khởi sự nhưng thất bại, mấy trăm đồng đảng đều bị xử tử, còn người được gọi là Chu tam thái tử kia đi đâu không ai hay biết. Về sau khi Thiên Ðịa Hội nổi lên, các cuộc khởi nghĩa khắp nơi đều tôn phò Chu tam thái tử, thật quả là một hình nhân các nhóm Phản Thanh Phục Minh dựa vào để có chính nghĩa. Nhân vật này Minh Sử gọi tên là Chu Từ Quýnh (朱慈炯), Chu Từ Xán (朱慈燦), hay Chu Từ Hoán (朱慈煥).

Năm Khang Hy thứ 47, triều đình bắt được con người danh mãn thiên hạ Chu tam thái tử kia ở huyện Bồng Lai tỉnh Sơn Ðông, khi đó đổi tên là Trương Dụng Quan (張用觀), đang dạy học nơi nhà một người tên là Lý Phương Viễn (李方遠). Y cung xưng là khi Sấm Vương Lý Tự Thành tấn công Bắc Kinh, vua Sùng Trinh giao y cho một nội thị họ Vương, lẩn trốn nơi nhà dân chúng. Sau khi thành Bắc Kinh thất thủ, viên nội quan này liền đem y hiến cho Sấm Vương để lập công, Lý Tự Thành giao y lại cho một viên tướng họ Ðỗ.

Sau khi Ngô Tam Quế dẹp được Lý Tự Thành rồi, quân giặc bỏ chạy tứ tán, y được một viên tướng họ Mao đem theo đến Hà Nam, về sau họ Mao cũng bỏ trốn, khi ấy y được 13 tuổi, phải sống lang thang, trôi giạt tới huyện Phượng Dương, được một người nhà quê họ Vương đem về nuôi nấng.

Y sống với họ Vương được mấy năm thì ông này bị bệnh mà chết, không còn biết dựa vào đâu nên đành phải vào chùa cạo đầu làm sư. Về sau lưu lạc đến Chiết Giang, lại may gặp được một thân sĩ họ Hồ, thấy y tướng mạo khôi ngô nên khuyên hoàn tục, rồi gả con gái cho. Từ đó y đổi tên là Vương Sĩ Nguyên (王士元). Ðến khi Chiết Giang lâm vào nạn đói, y lại một lần nữa cùng vợ con lưu lạc đến Sơn Ðông, vào làm gia sư nơi nhà Lý Phương Viễn, đổi tên là Trương Dụng Quan.

Năm Khang Hy 47 (1708) y bị bắt thì đã 75 tuổi, đầu tóc đã bạc trắng, khai là không có ý định mưu phản, còn những ai giả danh y để hiệu triệu thì tuyệt nhiên y không hề hay biết. Thế nhưng nhà Thanh phán quyết rằng:

Họ Chu kia tuy chưa làm chuyện mưu phản nhưng biết đâu không có bụng chống lại triều đình, nên cứ đem ra trừng trị để cho hết mầm loạn.

Vị Chu tam thái tử kia cùng toàn gia sau đó đều bị giết cả. Lý Phương Viễn tuy không biết y là con vua Sùng Trinh nhưng có tội chứa chấp nên bị phát vãng đến Ninh Cổ Tháp sung quân. Về sau họ Lý có viết Trương tiên sinh truyện, kể lại đầu đuôi.[67]

TỔ CHỨC

Tổ chức Thiên Địa Hội theo tiểu thuyết

Đọc truyện bao giờ cũng ly kỳ hơn đọc chính sử. Thiên Địa Hội vốn dĩ chỉ là một bang hội được tổ chức và sinh hoạt bí mật nhưng vì không mấy ai biết đến nên dưới đầu óc tưởng tượng đã tạo nên một hình ảnh to hơn sự thực. Sau đây là một đoạn khác của Kim Dung, trích từ Lộc Đỉnh Ký:

Trong sảnh vốn đã có đến hai chục người ngồi sẵn, vừa thấy tổng đà chủ tiến vào, đều lập tức đứng dậy. Trần Cận Nam khẽ gật đầu, đi lên ngồi xuống chiếc ghế thứ hai ở trên cùng. Vi Tiểu Bảo thấy nơi đó còn một chiếc ghế bỏ trống mà phía trên sư phụ lại cũng còn một chiếc ghế để không nữa, bỗng chột dạ: “Không lẽ tổng đà chủ chưa phải là người lớn nhất hay sao? Sao trên sư phụ lại còn đến hai người nữa?”.

Trần Cận Nam nói:

-         Các vị huynh đệ, hôm nay ta thu nhận một gã tiểu đồ.

Ông chỉ sang Vi Tiểu Bảo nói:

-         Ấy là y.

Mọi người đều cùng tiến lên trước, ôm quyền khom người nói:

-         Chúc mừng tổng đà chủ.

Lại quay sang Vi Tiểu Bảo vòng tay, lần lượt chúc mừng. Mọi người ai nấy đều mười phần vui sướng nhưng cũng có người tỏ ra hết sức ngạc nhiên, lại cũng có người dường như không dám tin là thật.

Trần Cận Nam dặn bảo Vi Tiểu Bảo:

-         Hãy ra chào các vị bá bá, thúc thúc.

Vi Tiểu Bảo quay sang mọi người rập đầu làm lễ. Lý Lực Thế đứng ở bên cạnh giới thiệu:

-         Vị này là hương chủ Liên Hoa Đường Sái Đức Trung, Sái bá bá.

-         Vị này là hương chủ Hồng Thuận Đường Phương Đại Hồng, Phương bá bá.

-         Vị này là hương chủ Gia Hậu Đường Mã Siêu Hưng, Mã bá bá.

Tại trước mặt các hương chủ Vi Tiểu Bảo đều rập đầu làm lễ, tổng cộng dẫn kiến là hương chủ của chín đường, sau đó dẫn kiến là những người chức phận và vị thế kém hơn.

Chín vị hương chủ của cửu đường đều đáp trả nửa lễ, miệng nói:

-         Không dám, xin tiểu huynh đệ đứng lên đi.

Những người còn lại không dám nhận lễ rập đầu của Vi Tiểu Bảo nên y vừa tính quì xuống thì đối phương đã giơ tay ngăn lại. Vi Tiểu Bảo thân thủ nhanh nhẹn, có khi quì xuống quá nhanh khiến người kia không kịp ngăn lại nên cũng phải quì xuống hoàn lễ, không dám đứng vào hàng trưởng bối. Trong sảnh hơn hai chục người, nhất thời Vi Tiểu Bảo không nhớ hết tính danh cũng như chức ti trong hội, chỉ biết rằng đều là những thủ lãnh trong Thiên Địa Hội, nghĩ thầm: “Ta vừa mới bái tổng đà chủ làm thầy, tất cả mọi người đều coi ta như người của bọn họ, đều đem thân phận tên tuổi nói cho ta biết”. Trong lòng y cực kỳ cao hứng.

Trần Cận Nam đợi cho Vi Tiểu Bảo và mọi người tương kiến xong mới nói:

-         Các vị huynh đệ, ta thu nhận đứa tiểu đồ này rồi, muốn cho y gia nhập Thiên Địa Hội.

Mọi người cùng nói:

-         Như thế thì còn gì bằng.

Hương chủ Liên Hoa Đường Sái Đức Trung là một ông già râu tóc bạc phơ, nói:

-         Xưa nay minh sư ắt có cao đồ. Đệ tử của tổng đà chủ hẳn là một tiểu hiệp trí dũng kiêm toàn, ở trong hội thể nào cũng lập được đại công.

Hương chủ Gia Hậu Đường Mã Siêu Hưng vừa lùn vừa mập, mặt mũi tươi cười nói:

-         Hôm nay được tương kiến Vi gia tiểu huynh đệ, mà không có món quà gì để gọi là lễ kiến diện. Họ Mã này trước nay vốn là kẻ tính toán chi ly, vậy thì thế này, ta cùng với Sái hương chủ hai người, nhận làm người tiếp dẫn gia nhập hội cho tiểu huynh đệ, ấy coi như lễ kiến diện vậy. Sái huynh thấy việc này ra sao?

Sái Đức Trung cười ha hả nói:

-         Lão Mã đã tính toán, chẳng phải nói, thì rất là chu đáo rồi. Cái món lễ kiến diện này không phải mất tiền thì cứ để ta góp với.

Mọi người còn đang cười xoà thì Trần Cận Nam nói:

-         Uy tín cực đại của hai vị bá bá nay chịu làm người tiếp dẫn cho ngươi vậy hãy mau mau tạ ơn đi.

Vi Tiểu Bảo nói:

-         Dạ!

Rồi tiến lên khấu đầu bái tạ. Trần Cận Nam nói:

-         Qui củ của bản hội, người gia nhập hội hành động lời nói tốt hay xấu đối với người tiếp dẫn đều có can hệ rất lớn. Gã tiểu đồ của ta là đứa cực kỳ cơ cảnh, e rằng cái đầu quá ư linh hoạt của y, làm việc không giữ được qui củ. Hai vị hương chủ Sái Mã làm người tiếp dẫn cho y thì sau này phải giúp ta rèn kẹp hắn, nếu như thấy có hành vi gì không chính đáng thì hãy lập tức ra tay quản giáo, muôn vạn lần chớ có nể nang.

Sái Đức Trung nói:

-         Tổng đà chủ quá khiêm nhường. Trong cửa của tổng đà chủ, lẽ nào lại có kẻ không chính đáng?

Trần Cận Nam nghiêm mặt nói:

-         Ta không phải là quá khiêm nhường đâu. Đối với tên tiểu hài nhi này, quả thực ta không thể lơ là được. Các bậc trưởng thượng hãy giúp ta trông nom dạy dỗ y, ấy cũng là bớt cho ta khỏi nặng lòng.

Mã Siêu Hưng cười nói:

-         Trông nom dạy dỗ thì không dám. Tiểu huynh đệ tuổi còn nhỏ, nếu có việc gì không hiểu thì chúng ta là chỗ anh em, tự nhiên phải thành thực công bố ra, biết không thể không nói, nói không thể không hết lời.

Trần Cận Nam gật đầu nói:

-         Nếu như thế thì ta xin đa tạ trước.

Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm: “Ta chưa làm việc gì xấu xa mà sư phụ đã sợ ta làm việc không phải rồi. Ông ấy nghe thủ đoạn ta đối phó với lão rùa đen, sợ rằng cái thói cũ của ta lại nổi lên, cũng sẽ đối với sư phụ như thế. Lão ô qui muốn giết ta, cũng đâu phải sư phụ ta nên ta mới hạ độc cho y mù mắt. Còn ông thì đích thực là thầy ta, dạy ta công phu thực, ta làm sao dám giở trò ra với ông? Sư phụ đem lời nói ra ở đây, trước mặt biết bao nhiêu là người đều quản giáo ta thì ta chẳng còn động đậy gì được.”

Lại nghe Trần Cận Nam nói tiếp:

-         Lý huynh đệ, xin ông sang bày biện bàn thờ, hôm nay chúng ta khai hương đường để cho Vi Tiểu Bảo gia nhập hội.

Lý Lực Thế đáp lời đi ra sắp đặt. Trần Cận Nam nói:

-         Chiếu theo qui củ ngày trước, nếu như có người muốn gia nhập bản hội, được người tiếp dẫn rồi thì phải tìm hiểu xem xét thân thế hành vi, ít thì phải nửa năm, nhiều thì một hoặc hai năm, tra rõ ràng không có gì sai sót thì lúc đó mới được khai hương đường nhập hội. Thế nhưng Vi Tiểu Bảo đang ở trong cung nhà Thanh đảm nhiệm chức vụ, là người cực kỳ thân cận ở ngay bên cạnh tiểu hoàng đế Thát tử, rất tiện cho công việc của bản hội nên chúng ta phải tòng quyền chứ không phải vì là đệ tử của ta mà đặc biệt phá lệ.

Mọi người cùng đáp:

-         Các anh em đều hiểu rồi.

Hương chủ Hồng Thuận Đường Phương Đại Hồng thân thể cao to, bộ râu đen vừa dài vừa mượt, lớn tiếng nói:

-         Anh em chúng ta có được một vị huynh đệ thân tín, làm việc ngay bên cạnh tiểu hoàng đế của giống Thát Đát, ấy đúng là trời cao ban phúc, hẳn là khí số của Thát tử đã đến lúc cùng rồi, giang sơn Đại Minh chúng ta có hi vọng hưng phục. Ấy gọi là biết mình biết người, trăm trận trăm thắng, có ai còn không hiểu được dụng tâm của tổng đà chủ?

Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm: “Các ông đãi ta thật là tử tế, hoá ra chỉ cốt để ta làm gian tế bên cạnh tiểu hoàng đế. Liệu ta có nên làm hay không?” Nghĩ đến Khang Hi đối với mình rất tốt nên không khỏi trù trừ.

Sau đó Sái Đức Trung đem lịch sử và qui củ của Thiên Địa Hội nói qua cho Vi Tiểu Bảo biết rằng:

-         Tổ sư khai sáng ra bản hội ấy là Quốc Tính Gia, vốn gốc họ Trịnh, đại danh trên Thành dưới Công. Lúc đầu Quốc Tính Gia thống lĩnh nghĩa sư tấn công Giang Nam, vây hãm Giang Ninh, đánh bại địch quân rồi trước khi rút về Đài Loan đã tiếp nhận đề nghị của tổng đà chủ nên đã thiết lập ra Thiên Địa Hội. Lúc đó tổng đà chủ của chúng ta vốn là quân sư của Quốc Tính Gia. Ta và Phương huynh đệ, Mã huynh đệ, Hồ huynh đệ, Lý huynh đệ, cho chí Doãn hương chủ của Thanh Mộc Đường v…v.. đều là người chỉ huy sĩ tốt trong quân của Quốc Tính Gia.

Vi Tiểu Bảo biết được rằng “Quốc Tính Gia” chính là Trịnh Thành Công, năm xưa được hoàng đế triều Minh ban cho họ Chu vì thế người người tôn xưng ông ta là Quốc Tính Gia. Trịnh Thành Công tại một giải Giang Chiết Mân Việt thanh danh rất lớn, đến năm Khang Hi nguyên niên thì qua đời, khi này ông ta khứ thế chưa lâu nên khi đề cập đến ông ta thì lời lẽ vẫn cực kỳ tôn kính. Việc này Mao Thập Bát cũng đã từng nói cho y hay.

Sái Đức Trung lại tiếp:

-         Quân ta ở tại Giang Nam rất đông, không thể nào rút về Đài Loan được nên những người về được Hạ Môn chỉ là một số nhỏ, vì thế tổng đà chủ phụng mệnh Quốc Tính Gia ở lại trung thổ thành lập Thiên Địa Hội, liên lạc với các bộ thuộc cũ của Quốc Tính Gia. Hễ binh tướng nào đã từng đi theo Quốc Tính Gia tấn công Giang Chiết thì đương nhiên trở thành anh em trong hội, không cần phải ai tiếp dẫn, cũng không cần phải tra xét. Thế nhưng người ngoài muốn nhập hội thì cần phải xem xét nghiêm nhặt để đề phòng gian tế trà trộn vào.

Ông ta nói đến đây, ngừng lại một lát, trên mặt tỏ ra khác lạ, rồi lại nói tiếp:

-         Nhớ lại năm xưa đại quân của ta từ Đài Loan xuất phát, tổng cộng tất cả là mười bảy vạn nhân mã, năm vạn thuỷ quân, năm vạn kỵ binh, năm vạn bộ binh, một vạn quân du kích tiếp ứng, lại có thêm một vạn “thiết nhân binh”, người nào cũng mặc áp giáp sắt, tay cầm trường mâu, chuyên chém vào chân ngựa của Thát tử, binh khí tên bắn không làm họ bị thương được. Trận đánh ở Dương Bồng Sơn tại Trấn Giang, tổng đà chủ dẫn hai nghìn quân, đại phá quân Thát tử một vạn tám nghìn người, quả thật là uy phong lẫm liệt, sát khí đằng đằng. Ta lúc đó là quan thống binh đệ bát trấn ở dưới cờ của tổng đà chủ, đem binh xung sát, chỉ nghe thấy Thát tử kêu la “mã lỗ mã lỗ, khiết hồ khiết hồ”.

Vi Tiểu Bảo nghe thế mặt mày hớn hở, hỏi:

-         Thế là thế nào?

Sái Đức Trung nói:

-         Mã lỗ, mã lỗ là tiếng nói của Thát tử có nghĩa là “Má ơi, má ơi”, khiết hồ, khiết hồ ấy là “Chạy mau, chạy mau”.

Mọi người ai nấy phá lên cười. Mã Siêu Hưng cười nói:

-         Sái hương chủ nói đến việc năm xưa đánh lấy Trấn Giang, đại sát binh lính của Thát tử, thì lập tức cao hứng nổi lên, có đến ba ngày ba đêm cũng kể chưa xong. Ông là người tiếp dẫn hãy nói cho Vi huynh đệ biết qui củ của bản hội, chứ cứ như thế thì nói đến khi râu của Vi huynh đệ dài bằng ông thì chuyện cũng chưa hết được …

Nói đến đây, đột nhiên nghĩ ra Vi Tiểu Bảo là một tiểu thái giám, thì làm sao có râu được? Y nhìn trộm Vi Tiểu Bảo một cái, thấy y dường như không để ý, lúc ấy mời yên tâm. Đến lúc đó Lý Lực Thế đi vào báo tin hương đường đã sắp đặt xong xuôi. Trần Cận Nam đưa tất cả mọi người ra hậu đường. Vi Tiểu Bảo thấy có một chiếc bàn trên đặt hai linh bài, bên trong viết “Đại Minh Thiên Tử Chi Vị”, bên cạnh là một chiếc trên viết “Đại Minh Diên Bình Quận Vương, Chiêu Thảo Đại Tướng Quân Trịnh Chi Vị”, trên bàn bày một chiếc thủ lợn, một chiếc thủ dê, một con gà, một con cá, có cắm bảy nén hương. Mọi người tất cả cùng quì xuống, lạy các linh vị.

Sái Đức Trung cầm lấy một tờ giấy trắng, lớn tiếng đọc:

天地萬有,回復大明,滅絕胡虜。吾人當同生同死,倣桃園故事,約爲兄弟,姓洪名金蘭,合爲一家。拜天爲父,拜地爲母,日爲兄,月爲姊妹,復拜五祖及始祖萬雲龍爲洪家之全神靈。吾人以甲寅七月二十五日丑時爲生時。凡昔二京十三省,當一心同體。今朝廷王侯非王侯,將相非將相,人心動搖,即爲明朝回復,胡虜剿滅之天兆。吾人當行陳近南之命令,歷五湖四海,以求英雄豪桀。焚香設誓,順天行道,恢復明朝,報仇雪恥。歃血誓明,神明降鑒。[68]

Dịch âm

Thiên địa vạn hữu, hồi phục Đại Minh, diệt tuyệt Hồ Lỗ. Ngô nhân đương đồng sinh cộng tử, phỏng đào viên cố sự, ước vi huynh đệ, tính Hồng danh Kim Lan, hợp vi nhất gia. Bái thiên vi phụ, bái địa vi mẫu, nhật vi huynh, nguyệt vi tỉ muội, phục bái ngũ tổ cập thuỷ tổ Vạn Vân Long vi Hồng gia chi toàn thần linh. Ngô nhân dĩ Giáp Dần thất nguyệt nhị thập ngũ nhật, Sửu thời vi sinh thời. Phàm tích nhị kinh thập tam tỉnh, đương nhất tâm đồng thể. Kim triều đình vương hầu phi vương hầu, tương tướng phi tương tướng, nhân tâm động dao, tức vi Minh triều hồi phục, Hồ Lỗ tiễu diệt chi thiên triệu. Ngô nhân đương hành Trần Cận Nam chi mệnh lệnh, lịch ngũ hồ tứ hải, dĩ cầu anh hùng hào kiệt. Phần hương thiết thệ, thuận thiên hành đạo, khôi phục Minh triều, báo cừu tuyết sỉ. Sáp huyết thệ minh, thần minh giáng giám.

Dịch nghĩa

Trời đất muôn vạn loài, [cùng nhau] hồi phục Đại Minh, diệt hết giống Hồ Lỗ. Bọn chúng ta mong cùng nhau sống chết, mô phỏng theo chuyện cũ ở vườn đào, kết làm anh em, họ Hồng tên Kim Lan, hợp lại thành một nhà. Lạy trời làm cha, lạy đất làm mẹ, mặt trời là anh, mặt trăng là chị em, lại bái ngũ tổ và thuỷ tổ Vạn Vân Long làm thần linh cho toàn Hồng gia. Bọn chúng ta lấy ngày 15 tháng Bảy, giờ Sửu làm ngày giờ sinh. Phàm trước đây hai kinh, 13 tỉnh mọi người phải một lòng cùng một thể. Nay triều đình vương hầu không ra vương hầu, tướng lãnh không ra tướng lãnh, lòng người rung động, ấy là lúc Minh triều hồi phục, là điềm Hồ Lỗ bị tiêu diệt. Bọn chúng ta sẽ tuân theo mệnh lệnh của Trần Cận Nam, trải khắp năm hồ bốn biển để cầu anh hùng hào kiệt. Đốt hương lập lời thề, thuận theo trời mà hành đạo, khôi phục triều Minh, báo thù rửa hận. Cắt máu ăn thề, thần minh chứng giám.

Sái Đức Trung đọc hết diễn từ, giải thích nói:

-         Vi huynh đệ, trong đây nói đến chuyện xưa Đào Viên kết nghĩa, ngươi có biết hay không?

Vi Tiểu Bảo đáp:

-         Lưu Quan Trương ba người kết nghĩa ở vườn đào, không được cùng năm cùng tháng cùng ngày sinh, nhưng nguyện cùng năm, cùng tháng, cùng ngày chết.

Sái Đức Trung nói:

-         Đúng đấy, ngươi gia nhập Thiên Địa Hội, tất cả mọi người đều là anh em. Bọn ta và tổng đà chủ là anh em, ngươi bái lão nhân gia làm thầy thì tất cả mọi người đều là bá bá, thúc thúc của ngươi, vậy ngươi gặp bọn ta thì phải khấu đầu. Thế nhưng từ nay trở về sau, tất cả đều là huynh đệ, ngươi không cần phải rập đầu với bọn ta nữa.

Vi Tiểu Bảo đáp: “Vâng!” Trong bụng nghĩ thầm: “Thế thì tốt quá”.

Sái Đức Trung nói:

-         Thiên Địa Hội chúng ta, còn gọi là Hồng Môn. Hồng chính là niên hiệu Hồng Võ của Minh Thái Tổ. Họ Hồng tên Kim Lan, ấy là ý nghĩa của anh em trong Hồng Môn. Hồng Môn chúng ta tôn Vạn Vân Long làm thuỷ tổ. Người gọi là Vạn Vân Long đó chính là Quốc Tính Gia vậy. Một là tên thực họ thực của Quốc Tính Gia thì anh em không thể tuỳ tiện gọi ra; hai là nếu như bọn ưng trảo của Thát tử có nghe được sẽ rất bất tiện nên trong anh em thì gọi Quốc Tính Gia là Vạn Vân Long. Vạn ấy là nghìn nghìn vạn vạn người, Vân Long ấy là Vân tòng Long. Thiên thiên vạn vạn người tôn sùng Đại Minh thiên tử, khôi phục giang sơn gấm vóc của ta. Vi huynh đệ, đấy là cơ mật của bản hội, không thể nói cho bằng hữu ở bên ngoài hội nghe biết được, chẳng hạn như Mao gia Mao Thập Bát tuy là hảo bằng hữu, hảo huynh đệ, nhưng cũng không thể nói với y được.

Vi Tiểu Bảo gật đầu đáp:

-         Ta biết rồi. Mao đại ca nếu như nghĩ đến chuyện gia nhập Thiên Địa Hội chúng ta thì mình có cho y nhập hội hay không?

Sái Đức Trung nói:

-         Rồi đây Vi huynh đệ có thể làm người tiếp dẫn y, trong hội sẽ phái người tra xét cho rõ ràng sau đó dĩ nhiên là được.[69]

Sái Đức Trung lại nói:

-         Ngày 25 tháng Bảy, giờ Sửu, ấy là thời điểm bản hội sáng lập. Ngũ tổ của bản hội, ấy là năm vị đại tướng tuẫn nạn tại Giang Ninh. Vị thứ nhất họ Cam tên Huy, năm xưa quân ta tiến đánh Giang Ninh, ta thống suất trấn binh, nhận lệnh của quân sư tổng đà chủ, mai phục tại bên ngoài cửa thành phía tây, quân Thát tử …

Y nói đến việc năm xưa tiến đánh phủ Giang Ninh, hoa chân múa tay, khiến càng nói càng lạc ra ngoài. Mã Siêu Hưng mỉm cười chen vào:

-         Sái hương chủ, việc tiến đánh phủ Giang Ninh, chúng ta cứ từ từ rồi nói sau cũng chưa muộn.

Sái Đức Trung cười, giơ tay nhè nhẹ chém vào cổ mình nói:

-         Đúng lắm! Đúng lắm! Nói đến chuyện xưa thì chẳng việc gì xong cả. Bây giờ để ta đọc “Tam Điểm Cách Mệnh Thi”, ta đọc một câu thì ngươi đọc theo một câu.

Tiếp đó liền đọc thơ rằng:

三點暗藏革命宗

入我洪門莫通風

養成銳勢從仇日

誓滅清朝一掃空

Tam điểm ám tàng cách mệnh tông,

Nhập ngã Hồng Môn mạc thông phong.

Dưỡng thành nhuệ thế tòng cừu nhật,

Thệ diệt Thanh triều nhất tảo không.

Ba chấm[70] có dấu cái gốc cách mệnh,

Gia nhập Hồng Môn của ta thì đừng tiết lộ ra ngoài.

Nuôi dưỡng thế sắc bén chờ đến ngày trả thù,

Thề diệt Thanh triều quét một lần là sạch hết.

Vi Tiểu Bảo cứ theo đó mà đọc theo. Sái Đức Trung nói:

-         Chữ Hồng trong Hồng Môn của chúng ta đích thực chính là chữ Hán của người Hán. Giang sơn của người Hán bị Thát tử chiếm cứ, không còn đất đai, chữ Thổ bên trong chữ Hán mất đi thì còn lại chữ Hồng.

Sau đó y đem 36 điều phải thề, 19 tội hình bị cấm, 21 qui tắc phải giữ giải thích minh bạch cho Vi Tiểu Bảo nghe, đại để là phải giữ lòng trung và nghĩa khí, hiếu thuận cha mẹ, hoà mục với làng xóm, anh em một nhà thì lúc hoạn nạn giúp đỡ nhau … Nếu như tiết lậu cơ mật, chèn ép anh em, đầu hàng quan phủ, gian dâm cướp bóc, hiếp đáp kẻ yếu đuối cô đơn, lời nói ra không giữ chữ tín, ăn chặn tiền của chung các loại, nếu nhẹ thì cắt tai, đánh đòn, nặng thì chặt ra làm tám, cắt đầu phân thây.[71]

Vi Tiểu Bảo nhất nhất tuân theo, thề không vi phạm. Y lần này thành tâm thành ý, khi thề không hề ma mãnh chút nào. Mã Siêu Hưng lấy ra một bát rượu lớn, dùng kim chích vào ngón tay trái, cho máu nhỏ vào rượu. Trần Cận Nam và mọi người cũng đều trích huyết, sau cùng là Vi Tiểu Bảo nhỏ máu vào rượu, mỗi người uống một ngụm huyết tửu, thế là nghi thức nhập hội đã xong. Mọi người giang tay ôm y, thật là thân mật. Vi Tiểu Bảo toàn thân nóng bừng, chỉ thấy từ nay về sau, ở trên đời y không còn là kẻ không nơi nương tựa nữa.

Trần Cận Nam nói:

-         Bản hội tất cả có mười đường, tiền ngũ phòng ngũ đường, hậu ngũ phòng ngũ đường. Tiền Ngũ Phòng gồm có Liên Hoa Đường, Hồng Thuận Đường, Gia Hậu Đường, Tham Thái Đường, Hoằng Hoá Đường. Hậu Ngũ Phòng gồm có Thanh Mộc Đường, Xích Hoả Đường, Tây Kim Đường, Huyền Thuỷ Đường, Hoàng Thổ Đường. Hương chủ của chín đường đều tụ tập tại đây, chỉ có hương chủ Thanh Mộc Đường là Doãn huynh đệ, năm trước bị tên ác tặc Ngao Bái giết hại rồi nên đến nay chưa có hương chủ. Anh em trong Thanh Mộc Đường trước đây đã từng ở trước linh vị đại ca Vạn Vân Long và linh vị Doãn hương chủ lập lời thề rằng ai là người giết được Ngao Bái, báo được mối thù cho Doãn hương chủ thì tất cả sẽ mời người đó lên làm hương chủ. Việc đó có thật hay không?

Mọi người đáp:

-         Đúng là như thế. Quả có việc đó thật.

Đôi mắt sắc bén của Trần Cận Nam đảo từ trái sang phải nhìn mặt mọi người khắp lượt, chầm chậm nói:

-         Nghe nói các hảo huynh đệ trong Thanh Mộc Đường về việc kế lập hương chủ đã từng nảy sinh tranh chấp, mặc dầu mọi người cố toàn đại cuộc, lấy nhân nghĩa làm trọng nên không đến nỗi tổn thương hoà khí, thế nhưng việc này nếu không có cách giải quyết cho ổn thoả thì bên trong Thanh Mộc Đường sẽ tiềm ẩn một nỗi lo cực kỳ to lớn. Thanh Mộc Đường là một đường khẩu cực kỳ trọng yếu trong Thiên Địa Hội của chúng ta, thống quản các phủ châu huyện Giang Nam, Giang Bắc, mấy năm gần đây cũng đang từ từ lan sang các vùng Sơn Đông, Hà Bắc rồi kế tiếp sẽ tiến vào trong thành Bắc Kinh. Hương chủ Thanh Mộc Đường là người có liên quan rất lớn đến việc hưng suy của bản hội, thành hay bại của việc phản Thanh phục Minh. Nếu như trong đường mà anh em ý kiến không hợp nhau, không thể đồng tâm hiệp lực thì đại sự sẽ không thể thành công được.

Ông ngừng lại một lát rồi hỏi:

-         Tên gian tặc Ngao Bái kia, ấy là do Vi Tiểu Bảo giết, việc ấy anh em trong Thanh Mộc Đường chính mắt trông thấy rồi, có phải vậy không?

Lý Lực Thế và Quan An Cơ đồng thanh đáp:

-         Chính thế.

Lý Lực Thế lại nói theo:

-         Lời thề nguyền của các anh em ở trước linh vị đại ca Vạn Vân Long không thể không tính tới, nếu như việc lập thệ đó coi như đánh rắm thì về sau ai còn thề, còn hứa nguyện gì ở trước linh vị Vạn Vân Long đại ca nữa? Vi Tiểu Bảo huynh đệ tuy tuổi còn nhỏ, ta Lý Lực Thế nguyện bầu y lên làm hương chủ của bản đường.

Quan An Cơ bị y chặn đầu trước, trong bụng nghĩ thầm: “Thằng bé này là đồ đệ của tổng đà chủ, thân phận không phải tầm thường. Nghe tổng đà chủ nói mới rồi, rõ ràng là muốn gã tiểu đồ này làm hương chủ của bản đường. Lão họ Lý cùng với ta trước đây tranh nhau chức hương chủ, xem ra chẳng người nào phục người nào, xem chừng làm găng thì cả hai đều thiệt. Y đã lên tiếng trước lấy lòng tổng đà chủ, ta cũng không thể để thua y, kẻo lại tưởng rằng mình có tư tâm.” Y liền nói:

-         Lời nói của Lý đại ca rất đúng. Vi huynh đệ cơ cảnh hơn người, dưới sự điều giáo của tổng đà chủ, ngày sau nhất định sẽ thành một thiếu niên anh hiệp, danh trấn giang hồ. Quan An Cơ này tình nguyện ủng hộ Vi Tiểu Bảo huynh đệ làm đường chủ Thanh Mộc Đường.

Vi Tiểu Bảo giật mình, hai tay xua loạn cả lên nói:

-         Không được, không được. Cái việc … việc làm hương chủ, xú chủ gì đó, ta không làm được đâu.[72]

Trần Cận Nam trừng mắt, quát lên:

-         Ngươi nói năng lếu láo gì đó?

Vi Tiểu Bảo không dám nói thêm nữa. Trần Cận Nam nói:

-         Thằng bé này chính tay đâm Ngao Bái, ấy là sự thực không thể thay đổi được, chúng ta tuân thủ việc lập thệ trước linh vị của Vạn Vân Long đại ca, chỉ có cách đưa y lên làm hương chủ Thanh Mộc Đường. Ta cũng vì muốn y làm hương chủ nên mới thu nhận y làm đồ đệ chứ không phải thu y làm đệ tử rồi sau đó mới tính chuyện để y làm hương chủ. Thằng bé con này khí chất không tốt, không biết rồi đây sẽ còn làm ta nhức đầu bao nhiêu lần nữa.

Phương Đại Hồng nói:

-         Nỗi khổ tâm của tổng đà chủ, anh em chúng tôi ai cũng hiểu rõ rồi. Tổng đà chủ với Vi huynh đệ vốn vô thân vô cố, hôm nay là lần đầu gặp mặt. Tổng đà chủ phá lệ đặc ân, tự nhiên phải là vì đại sự của bản hội mà như thế. Bất quá … bất quá … tổng đà chủ cũng đừng quá lo lắng. Bản hội anh em trà trộn trên giang hồ, số người được học hành thì ít, ai mà chẳng có lúc nói ra những điều thô tục? Vi huynh đệ tuổi còn nhỏ, Lý đại ca và Quan phu tử đều nguyện toàn tâm phụ tá, quyết không thể để xảy ra chuyện gì rối loạn đâu.

Trần Cận Nam gật đầu đáp:

-         Chúng ta để cho Vi Tiểu Bảo làm hương chủ Thanh Mộc Đường, ấy cũng là vì trước linh vị của Vạn Vân Long đại ca đã từng lập thệ nên không thể không tính tới. Thế nhưng chỉ cần bảo y làm hương chủ một ngày thì cũng đã coi như xong rồi. Ngày mai nếu như y làm chuyện gì lộn xộn sai lầm, làm rối loạn Thanh Mộc Đường, gây trở ngại cho sự nghiệp phản Thanh phục Minh của chúng ta thì lập tức sẽ khai hương đường truất phế y đi, quyết không dung chứa. Lý đại ca, Quan nhị ca, ta giao phó cho các ông hai người phải hết lòng giúp đỡ y. Còn như nếu thằng bé con này hành sự có điều không ổn thì phải nhất nhất bẩm báo lên ta, không được dấu diếm.

Lý Lực Thế và Quan An Cơ khom mình đáp ứng. Trần Cận Nam xoay người sang quì trước linh vị, từ lò hương lấy ra ba nén hương, hay tay bưng lên, lớn tiếng nói:

-         Thuộc hạ Trần Cận Nam trước linh vị của đại ca Vạn Vân Long lập lời thề: Đệ tử của thuộc hạ là Vi Tiểu Bảo nếu như vi phạm hội qui, hoặc như tài đức không đủ để chế phục anh em thì thuộc hạ sẽ lập tức phế bỏ chức ti hương chủ Thanh Mộc Đường, quyết không dám để nửa phần thiên vị. Bọn chúng tôi phong y làm hương chủ, ấy là vì tuân thủ lời thề, ngày sau nếu như phế bỏ y, ấy cũng là tuân thủ lời thề. Thuộc hạ Trần Cận Nam nếu như không tuân theo lời thề này, Vạn đại ca ở trên trời linh thiêng thì hãy cho thiên lôi đánh xuống đầu, ngũ mã phân thi, chết trong tay bọn ưng trảo của Thát tử.

Nói xong giơ hương lên lạy mấy cái rồi đem cắm trở lại bát nhang, khấu đầu. Mọi người cùng nhau ca tụng:

-         Tổng đà chủ xử sự như thế, thật là đại công vô tư, không ai là trong lòng không phục cả.

Vi Tiểu Bảo nghĩ thầm: “Ái chà! Ta cứ tưởng các ông thực lòng muốn ta làm hương chủ xú chủ, hoá ra chỉ muốn dùng ta làm cái cầu để qua sông, qua cầu chặt ván. Hôm nay phong ta làm hương chủ, các ông không mang tiếng bội thệ. Ngày mai tìm ra một lỗi nhỏ rồi phế ta đi, thế cũng không coi là phản bội lời thề. Đến lúc đó thì Lý đại ca cũng tốt, Quan phu tử cũng hay, lên làm hương chủ, thật là thuận lý thành chương”. Y liền lớn tiếng nói:

-         Sư phụ, con không muốn làm hương chủ.

Trần Cận Nam ngạc nhiên hỏi lại:

-         Sao thế?

Vi Tiểu Bảo đáp:

-         Con không biết làm mà cũng không muốn làm.

Trần Cận Nam nói:

-         Không biết làm thì từ từ học hỏi. Ta sẽ dạy ngươi, hai vị Lý, Quan cũng đã nhận lời giúp đỡ ngươi. Chức vị hương chủ, trong Thiên Địa Hội vị thế cực cao, tại sao lại không muốn làm?

Vi Tiểu Bảo lắc đầu:

-         Hôm nay làm, ngày mai sư phụ lại phế bỏ, thật là mất mặt. Con không muốn làm hương chủ, việc gì cũng ù ù cạc cạc không biết rồi ai ai cũng tìm xương trong quả trứng gà, chưa đến nửa ngày là đã hết thời.

Trần Cận Nam nói:

-         Trong quả trứng làm gì có xương, người ta muốn tìm cũng không ra.

Vi Tiểu Bảo nói:

-         Nếu trứng nở thành gà con, thì sẽ có xương đấy. Mà nếu như không có xương, thì khi người ta đi tìm cũng phải đập vỡ vỏ trứng rồi tính sau, lúc đó lòng vàng trộn lẫn lòng trắng rồi, việc gì cũng bầy hầy cả.

Mọi người nhịn không nổi đều cười xoà. Trần Cận Nam nói:

-         Thiên Địa Hội chúng ta hành sự, đâu phải là chuyện trẻ con chơi đùa đâu? Chỉ cần ngươi không làm điều gì xấu xa, mọi người đều kính trọng ngươi là hương chủ Thanh Mộc Đường thì ai dám đắc tội với ngươi? Mà dẫu có không kính trọng ngươi thì cũng phải coi trọng vì ngươi là đệ tử của ta chứ.

Vi Tiểu Bảo suy nghĩ một chặp rồi nói:

-         Được, nhưng chúng mình phải nói trước. Trong tương lai như các ông không muốn tôi làm hương chủ nữa thì ta sẽ không làm chứ đừng đổ tội lung tung, vừa đánh vừa chửi, cho chí cắt tai chặt đầu, chặt thành tám khúc.

Trần Cận Nam nhíu mày nói:

-         Ngươi chỉ thích cò kè bớt một thêm hai. Nếu như ngươi không làm điều xấu xa thì ai đánh ngươi, giết ngươi làm gì? Nếu như Thát tử đánh ngươi, giết ngươi thì mọi người sẽ trả thù cho ngươi.

Ngừng lại một chút, ông thành khẩn nói tiếp:

-         Tiểu Bảo, đại trượng phu dám làm thì dám chịu, gặp điều nhân không nhường ai, đã gia nhập Thiên Địa Hội của chúng ta rồi thì phải hết sức xông lên trước, vì dân trừ hại. Còn như vẫn còn tính toán, như thế đâu có phải là bản sắc của kẻ anh hùng hào kiệt?

Vi Tiểu Bảo vừa nghe đến bốn chữ “anh hùng hào kiệt” thì nghĩ ngay đến thầy đồ kể chuyện từng nhắc đến các đại anh hùng, hào khí nảy sinh, nói:

-         Đúng thế! sư phụ dạy bảo thật là phải. Cùng lắm là chặt mất cái đầu, thành sẹo to bằng cái bát nhưng mười tám năm sau thì cũng thành một hảo hán.

Câu đó chính là của những kẻ giang hồ bị trói dẫn ra pháp trường thường nói, Vi Tiểu Bảo đem ra dùng tuy không thật là hợp cách nhưng cũng khiến cho trong sảnh vỗ tay vang dội. Trần Cận Nam mỉm cười nói:

-         Làm hương chủ là một chuyện vui lớn chứ không phải là bị trói dẫn ra pháp trường chém đầu. Trong chín vị hương chủ, ai nấy đều hoan hỉ, vậy ngươi phải học theo cách ấy.

Quan An Cơ đi tới trước mặt Vi Tiểu Bảo, ôm quyền khom lưng nói:

-         Thuộc hạ Quan An Cơ, tham kiến hương chủ bản đường.

Vi Tiểu Bảo quay sang Trần Cận Nam hỏi:

-         Đệ tử phải làm thế nào?

Trần Cận Nam đáp:

-         Ngươi hãy hoàn lễ.

Vi Tiểu Bảo liền vòng tay hoàn lễ, nói:

-         Quan phu tử ông mạnh giỏi chứ?

Trần Cận Nam mỉm cười nói:

-         Ba chữ “Quan phu tử”, ấy là ngoại hiệu do anh em trong hội gọi lúc bình thời. Ngày thường không có việc gì thì mới gọi y là “Quan phu tử”, còn như chính thức kiến lễ thì phải gọi y là Quan nhị ca.

Vi Tiểu Bảo liền đổi giọng đáp:

-         Quan nhị ca, ông khoẻ chứ?

Lý Lực Thế lần này bị Quan An Cơ tranh tiên, nên cũng tiến lên hành lễ. Chín vị hương chủ cũng thành một hàng thi lễ cùng Vi Tiểu Bảo. Mọi người quay trở lại đại sảnh, tổng đà chủ và hương chủ mười đường ở lại nghị sự.

Thanh Mộc Đường đứng đầu trong hậu ngũ đường, trong số mười đường của Thiên Địa Hội thì đứng hàng thứ sáu. Chỗ ngồi của Vi Tiểu Bảo sắp tại chỗ đầu tiên hàng bên phải, hương chủ của Xích Hoả Đường là người râu trắng dài đến ngực cũng phải ngồi phía dưới y. Lý Lực Thế, Quan An Cơ đều phải rút lui ra ngoài sảnh, bên trong chỉ có Trần Cận Nam mười một người, là những thủ lãnh của toàn thể Thiên Địa Hội.

Trần Cận Nam chỉ vào một chiếc ghế bỏ trống nói:

-         Đây là chỗ ngồi của Chu tam thái tử.

Ông chỉ vào một chiếc ghế trống khác ở bên cạnh nói:

-         Còn đây là toạ vị của Trịnh vương gia ở Đài Loan. Trịnh vương gia ấy là công tử của Quốc Tính Gia, hiện nay tập tước Diên Bình Quận Vương, chúng ta Thiên Địa Hội tụ tập hội nghị, Chu tam thái tử và Trịnh vương gia không đến được, nên chỗ ngồi phải để trống.

Câu nói đó giải thích cốt để Vi Tiểu Bảo nghe. Ông nói tiếp:

-         Các vị huynh đệ, xin trình bày tình hình các tỉnh trước.

Ở tiền ngũ phòng thì phòng đứng đầu là Liên Hoa Đường cai quản Phúc Kiến, phòng thứ nhì là Hồng Thuận Đường cai quản Quảng Đông, phòng thứ ba Gia Hậu Đường cai quản Quảng Tây, phòng thứ tư Tham Thái Đường cai quản Hồ Nam, Hồ Bắc, phòng thứ năm Hoằng Hoá Đường cai quản Chiết Giang.

Còn hậu ngũ phòng thì phòng thứ nhất là Thanh Mộc Đường cai quản Giang Tô, phòng thứ hai Xích Hoả Đường cai quản Quí Châu, phòng thứ ba Tây Kim Đường cai quản Tứ Xuyên, phòng thứ tư Huyền Thuỷ Đường cai quản Vân Nam, phòng thứ năm Hoàng Thổ Đường cai quản trung châu Hà Nam.

Thiên Địa Hội do cựu bộ hạ của Trịnh Thành Công tổ chức mà ra, chủ lực ở tại Phúc Kiến, do đó Liên Hoa Đường làm trưởng phòng, thực lực mạnh hơn cả, kế đến là Lưỡng Quảng, Lưỡng Hồ, còn dưới nữa thì là Chiết Giang, Giang Tô.[73] (NDC dịch)

Thiên Địa Hội vốn bí mật, lại không có sách vở ghi chép lại nên lịch sử không rõ ràng, tài liệu chỉ mang tính tham khảo và trích dẫn.

Tuy không chính xác, nhiều hư cấu tiểu thuyết nhưng chúng ta cũng có thể biết qua về tổ chức của họ như thế nào?

Tổ chức Thiên Địa Hội theo sách vở


Y phục một hương trưởng[74]

Martin Booth: The Dragon Syndicates (2001)

Theo Vương Đào Nguyên (王濤原) trong “Hồng Bang Uyên Nguyên, Tổ Chức Cập Bang Qui” (洪幫淵源,組織及幫規)[75] thì Hồng Bang có 10 cấp từ trên xuống dưới như sau:

1.    Chính Long Đầu (正龍頭), tức Sơn Chủ còn gọi là Đà Bả Tử (舵把子) tức tài công hay người lái thuyền, Trại Chủ (寨主) nhưng thông thường gọi là “đại ca” hay “đại gia” là người chưởng quản mọi sự vụ của sơn đường. Nếu một long đầu mà trông coi đến 2 sơn đường thì được gọi là “song long đầu đại gia”.

2.    Phó Long Đầu (副龍頭) tức Phó Sơn Chủ, giúp đỡ Chính Long Đầu lo việc sơn trại. Cũng có những phó long đầu ra ngoài lập sơn đường riêng thì ở trong sơn đường gốc là phó long đầu nhưng ở sơn đường phụ bên ngoài thì là chính long đầu nên cũng gọi là “song long đầu đại gia”.

3.    Hương trưởng (香長), minh chứng (盟證) là người khi khai sơn lập đường kết nạp anh em đứng ra lo việc thề nguyền cho người mới gia nhập, cũng thường được gọi là đại ca hay đại gia vì khi đó chính long đầu đứng ra làm nhiệm vụ hương trưởng, hoặc hương trưởng kiêm minh chứng.

4.    Toạ đường (坐堂) còn gọi là chính đường (正堂) là người đứng ra khai mạc hội nghị, tuyên bố ý nghĩa và các mục tiêu chính cũng giống như chủ tịch một hội nghị ngày nay.

5.    Bồi đường (陪堂) là người phụ tá cho toạ đường để lo việc.

6.    Quản đường (管堂) là người phân xử các việc tranh chấp trong anh em đồng bang.

7.    Hình đường (刑堂) là người chấp hành việc xử phạt những người vi phạm bang qui.

8.    Chấp đường (執堂) là người thay mặt long đầu lo liệu những việc trong sơn trại khi long đầu không đích thân lo liệu được.

9.    Lễ đường (禮堂) là người huấn luyện, chỉ bảo anh em trong sơn trại về lễ nghi, cách thức làm việc.

Ngoài chánh phó long đầu, hương trưởng, minh chứng, toạ đường, bồi đường, quản đường, hình đường, chấp đường, lễ đường được gọi là “nội bát đường” đều thuộc địa vị hàng đại ca, đại gia là bộ phận nòng cốt của sơn đường. Cũng có sơn đường thêm một “viên môn đại lão yêu” (轅門大老么) cũng tương đương với nội bát đường mà sơn chủ là đầu rồng (long đầu), còn viên môn là đuôi rồng (long vĩ). Đây là phận được uỷ nhiệm chính thức của long đầu (xuất sơn giản - 出山簡) để nhân danh sơn đường ra ngoài thu nạp bang chúng, huynh đệ, vốn là những đại gia thuộc về “ngoại bát đường” nhưng vì có công trạng nên được đưa vào “nội bát đường” nhưng chưa có tư cách “long đầu”.

10.                      Hộ kiếm (護劍), hộ ấn (護印), tâm phúc (心腹) là những cấp thấp hơn nội bát đường nhưng cao hơn ngoại bát đường nhưng cũng được gọi là đại ca hay đại gia. Những người này nếu không có công với hội thì cũng là người có danh vọng ở bên ngoài nên khi gia nhập tuy không cao nhưng cũng không thấp, thường gọi là “phúc đại gia”.

11.                      Thánh hiền (聖賢) là một hư vị trong Hồng môn, bình thời không làm gì cả, chỉ khi khai sơn lập đường thì mới giữ nhiệm vụ “nghinh thần” tức là đón Quan Công [Quan Vân Trường], được gọi là “anh hai” (nhị ca). Chức vụ này khá đặc biệt vì Quan Vân Trường được Hồng môn sùng kính, là người đứng thứ nhì trong 3 anh em Lưu-Quan-Trương nên thánh hiền tuy đứng sau các đường nội ngoại nhưng lại ở trên các vị trí khác.

12.                      Hoàn hầu (桓侯)cũng còn gọi là đương gia trông coi việc tài chánh trong sơn đường, lo quản lý việc tiền bạc, lương thực xuất nhập, gọi là tam ca, là người nắm vững tình hình nên trong Hồng môn có câu” việc gì không biết thì hỏi đương gia”.

13.                      Tứ thư (四姐) tức “chị tư”, là vị trí mà đàn bà khi gia nhập Hồng môn có thể đảm trách, tuy không chuyên môn về mặt nào.

14.                      Hồng kỳ (紅旗), lam kỳ (藍旗), hắc kỳ (黑旗) thường được gọi là “anh năm” (ngũ ca), cũng được gọi là quản sự.

Hồng kỳ là người thông thạo qui củ của Hồng môn, am tường thuật ngữ giang hồ có nhiệm vụ tiếp khách từ ngoài đến sơn đường, và chặt đầu gà khi thề nguyền gia nhập hội.

Lam kỳ đảm trách việc liên lạc với bên ngoài, nghe ngóng tin tức và nắm vững qui tắc của Hồng môn.

Hắc kỳ trước đây giữ nhiệm vụ thanh toán những kẻ gian tế, người trong hội phản phúc hay vi phạm môn qui là người chấp hành những quyết định trừng phạt của đại hội.

15.                      Tuần phong (巡風) còn gọi là truyền lục, giữ nhiệm vụ tuần tiễu và truyền đạt mệnh lệnh, khi khai đường thì làm nhiệm vụ canh gác.

16.                      Thất muội (七妹) là phái nữ, không có chức vụ.

17.                      Tuần tra (巡查), còn gọi là kỳ bài (旗牌), không có chức vụ được sử dụng để sai phái.

18.                      Giang khẩu (江口) đứng hàng thứ chín, thường chỉ lo việc canh gác, sai việc.

19.                      Yêu mãn (么滿) là thành phần đứng sau cùng, không có chức vụ gì cả. Trong Hồng bang có câu “ăn thì gì cũng được nhưng nói thì phải giữ lời” (只准胡吃,不准胡說) là qui tắc của những người này. Đây là bước đầu khi gia nhập Hồng môn để từ đó đi lên.

Mười cấp này từ tâm phúc xuống đến yêu mãnh được gọi là “ngoại bát đường”. Vì chưng người trong Hồng môn gọi nhau bằng “huynh đệ” nên nếu cha con cùng gia nhập thì không được ở chung trong một đường, nếu không phải dùng những tên gọi khác cho khỏi vi phạm lễ pháp ngoài đời.

Hồng môn vốn dĩ tổ chức trên những khu vực núi non mà người ta gọi là sơn trại (山寨). Một sơn trại chia ra thành nhiều chi phái, tuỳ theo trước sau mà đặt tên nhân nghĩa lễ trí tín, gọi là ngũ đường, mỗi đường lại có một màu cờ khác nhau. Việc xưng hô và đặt tên cũng thay đổi theo từng địa phương, từng thời kỳ và cũng phân biệt tuỳ theo giá trị xã hội. Cũng có khi các đường được đặt tên theo “hiếu đễ trung tín lễ nghĩa liêm sỉ” (孝悌忠信禮義廉恥) hay “uy đức phúc trí dần tùng bách nhất chi mai” (威德福智寅松柏一枝梅).

Trong tổ chức của Hồng môn, mỗi đơn vị có những phân bộ dưới nhiều tên khác nhau như sơn, đường, hương, thuỷ và những danh tính khác nhau như Thái Hoa Sơn, Trung Nghĩa Đường, Thông Thiên Hương, Cam Lộ Thuỷ …





Tổ chức trong Thiên Địa Hội

Truyện Ký Văn Học, tr. 116



Chứng chỉ hội viên Thiên Địa Hội

Ann Paludan: Chronicle of the Chinese Emperors (New York: Thames & Hudson, 1998) tr. 205

 


Phản Thanh phục Minh thi

Hắc Thuỷ Câu, tr. 14



Yêu bằng của Nghĩa Hưng Công Ty

(danh xưng của Thiên Địa Hội ở bên ngoài)

Hắc Thuỷ Câu, tr. 14


Hương đường Thiên Địa Hội đời Thanh

Hắc Thuỷ Câu, tr. 15


Giấy chứng nhận của Thiên Địa Hội

(yêu bằng 腰憑)

Hắc Thuỷ Câu, tr. 15


CÁCH THỨC NHẬN NHAU

Các bang hội nói chung và Thiên Địa Hội nói riêng đều thiết lập một hệ thống thông tin bí mật để liên lạc, tương trợ hay nhận diện một người lạ có thuộc cùng phe nhóm với mình hay không. Người Trung Hoa lại có nhiều sắc dân, nhiều tiếng nói nên việc bí mật nhận ra nhau càng cần thiết và cũng còn là cách để phân biệt vai vế, đẳng cấp trong tổ chức. Vì người trong hội thường phải nguỵ trang dưới những sinh hoạt xã hội để tụ họp, găp gỡ và trao đổi tin tức, họ cũng tự nguỵ trang để nhận nhau chẳng hạn các bài quyền, thế trận trong võ thuật. Khi gặp nhau, xuyên qua hình thức trao đổi đòn thế, họ cũng có thể biết được đối phương ở đâu, đẳng cấp nào, và đang cần gì. Trong một bài viết khá công phu về “Tỹ Yên Hồ”[76], tác giả Vương Hồng Sển có đề cập đến chiếc bình đựng thuốc hít còn được dùng để nhận nhau (thuộc nhóm kèo xanh, kèo vàng, kèo đỏ) hay thông tin qua cách sử dụng thuốc bột trong hũ.

Kỹ thuật giang hồ của Hồng bang chỉ lưu truyền trong nội bộ của họ, không truyền ra ngoài và tuỳ theo cấp độ mà được truyền thụ. Những người ở cấp thấp dĩ nhiên biết rất ít.

Thái giao (采交)

Thái giao tức lễ nghi giao tế của anh em trong bang, khi gặp nhau tuỳ theo cách thức gặp gỡ, đối đáp mà biết được đối phương là ai, giả hay thật, cấp độ nào. Ngay kỳ gặp gỡ đầu tiên, người trong bang bao giờ cũng khiêm tốn làm như kém cỏi và tâng bốc người đối diện. Những câu đầu môi chót lưỡi ấy thực ra cũng chính là một cách nhận diện đối phương. Nếu ai quen thuộc với lối đàm thoại của người Trung Hoa, dù chỉ trong tiểu thuyết, cũng dễ nhận ra những câu “lão phu mắt kém”, “huynh đệ [tiếng tự xưng] ít đi ra ngoài”, “mong lão đại treo cao đèn lồng, để mở lòng dạy bảo” …

Trà quán và nơi uống rượu (茶館與酒肆)

Hồng bang ở đâu cũng mở các quán uống trà, quán rượu và lữ quán vừa kinh doanh kiếm tiền, vừa là nơi gặp gỡ của bang chúng, vừa là chỗ liên lạc với nhau. Họ có những mật khẩu để báo cho đồng bọn biết là họ có mặt. Họ cũng không để vòi ấm chỉ vào người khác vì như thế là một điều cấm kỵ, trừ khi muốn gây hấn. Nếu như gặp khó khăn cần viện trợ thì để ấm trà ở giữa bàn, chén trà để hai bên và đồng bọn biết được người đó cần giúp đỡ.

Để xác định thân phận là người cùng trong bang với nhau, khi kính trà đối phương, đương sự dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ làm thành vòng tròn, ba ngón còn lại duỗi thẳng. Người ta giải thích rằng đó là ý nghĩa Đào Viên Tam Kết Nghĩa (Lưu Quan Trương trong Tam Quốc Chí) hay ba chấm thuỷ trong hai chữ Thanh () và Hồng ().

Còn như đến quán rượu thì sau khi nói mật khẩu rồi, muốn giúp đỡ thì để đũa nằm ngang, biểu thị việc anh em cùng một nhà, đãi nhau cùng nhân ái. Khi ăn tối kỵ để ngón tay cái vào trong bát, vì đó là thách thức muốn móc mắt đối phương. Đời Thanh, tại các thành thị Hồng bang có mở các bến bãi (碼頭) và thường do một nhân vật cao cấp quản lý nên am tường tổ chức và sinh hoạt trong quản hạt nên khi có khách đến, tuỳ theo các mật ngữ và động tác khi ăn uống sẽ trao đổi được các chi tiết cần thiết.

Các thiển (擱淺)

Các thiển nguyên nghĩa là mắc cạn (chỉ thuyền bè) nên người trong bang gặp thế khó khăn thì nói là thuyền mắc cạn. Một khi gặp khó khăn nếu tìm được người trong bang thì sẽ có cách giải quyết vì mọi người đều có nghĩa vụ giúp đỡ nhau dù là ăn uống, lộ phí hay phương tiện di chuyển. Những phương tiện ấu nếu liên lạc được qua quán rượu, trà thất hay bến bãi đều có thể đáp ứng được.

Giải vây (解圍)

Một khi chính người trong bang có xích mích thì họ có thể giải quyết nội bộ với nhau bằng cách nhận diện, xăn tay áo, hay cử chỉ để có thể biết được đối phương muốn gì. Những câu trong tiểu thuyết thường thấy như “nước sông không phạm nước giếng” chính là xuất phát từ mật ngữ của người trong Hồng bang.

Thủ thế (手勢)

Ra dấu bằng tay và mật ngữ được coi như linh hồn của các hội kín vì qua đây họ không lưu lại dấu vết. Thủ thế còn gọi là thủ ngữ và có thể đàm thoại với nhau ngay trước mặt người lạ mà không bị lộ. Ra dấu bằng tay có thiên hình vạn trạng và phải qua truyền thụ và huấn luyện mới am tường chứ không bắt chước được.

Tam bả bán hương

Tam bả bán hương thủ, ngón tay cái đưa lên, ngón tay trỏ con lại, ba ngón còn lại duỗi ra, như hình dưới đây, ngầm nhắc đến vua Sùng Trinh nhà Minh ngày 19 tháng Ba treo cổ chết ở Môi Sơn.

Sau khi chào nhau, hai bên mới tự giới thiệu thân phận và địa vị của mình


 
                                                  


Đây là cách ra dấu bằng tay để nhận nhau. Ở giữa là ba chữ Thiên, Địa, Nhân còn bên phải là bốn chữ Quốc Thái Dân An. Cách ra dấu cũng tương tự như lối nói bằng tay (sign language) dành cho người câm điếc của Tây phương.

Ẩn tự pháp (隱字法)

Vì hoàn cảnh đặc biệt, Hồng môn không thể công khai, người trong hội phải tuyệt đối bí mật không để cho người ngoài biết. Họ dùng nhiều cách thức và tạo ra một loại văn tự riêng, hoặc bớt nét, hoặc không có trong chữ Hán thông thường, hoặc hợp nhiều chữ thành một chữ, hoặc lấy một chữ trong câu nhưng khi nói tới chữ đó thì người kia phải hiểu nguyên cả câu.

-         Bỏ bớt nét chữ này thành chữ khác, chẳng hạn thuận thiên hành đạo 順天行道đổi thành xuyên đại đinh thủ川大丁首 (bốn chữ dưới lấy từ bốn chữ trên bỏ bớt nét)

-         Đổi chữ nọ thành chữ kia, chẳng hạn phản Thanh phục Minh 反清復明viết thành phản quân phục cốt 反汮復汩 (mặt chữ viết khác đi)

-         Bớt nét, chẳng hạn lộ hiện 路現thành túc vương 足王

-         Chiết tự để chia một chữ thành nhiều chữ, chẳng hạn chữ hồng được chia thành tam bát nhị thập nhất 三八二十一

-         Gom nhiều chữ thành một chữ. Thỉnh thoảng chúng ta cũng thấy những chữ chiêu tài tiến bảo gom lại thành một chữ nơi các cửa hàng buôn bán, hay hai chữ hỉ ghép với nhau trong đám cưới cũng chính là một dạng rút ra theo lối mật tự của Hồng bang …

Trà trận (茶陣)

Dưới thời Minh Thanh, uống trà là một thủ tục xã giao không thể thiếu và cũng được nâng lên một tầm vóc nghi lễ như nhiều bộ môn khác của Trung Hoa. Để kín đáo trao đổi chủ ý, chủ nhân và khách có nhiều “trà trận”, tức lối sắp xếp bộ đồ trà khi cùng nhau đối ẩm đồng thời trao truyền một thông điệp cho đối phương.

Cách thức uống trà của mỗi người đều có những hàm nghĩa đặc biệt nên uống trà đồng thời cũng là một quá trình biểu lộ ý tưởng trở thành một hình thức ngôn ngữ bí mật trong dân gian, cái đó gọi là “trà trận”.[77]

Thế trà trận là gì?

Theo một học giả người Nhật là Kiến Bình Sơn Chu trong nghiên cứu “Trung Quốc Bí Mật Xã Hội Sử” thì:

Trà oản trận là khi uống trà hai bên đấu với nhau. Khi Giáp Ất đối diện, Giáp bày một trận trước để thách Ất phá trận. Người phá được trận là hảo hán còn không phá được thì là khiếp nhược.[78]

Trà trận còn gọi là trà oản trận (oản là cái chén uống trà) là cách dùng ấm trà và chén uống trà và các món bày biện hay dụng cụ uống trà (kể cả que gạt hương, đũa, nén nhang …) để xếp thành một bố cục có ý nghĩa gọi là trận (). Dưới đây là một số trận thế tiêu biểu:

Đơn tiên trận là trận thế khi khách đến muốn xin giúp đỡ.

Bố trận : Rót đầy chén trà rồi đặt đối diện với vòi ấm


Phá trận : Nếu có thể giúp đỡ, uống cạn chén. Nếu không thể giúp đỡ thì uống xong lại rót đầy chén và đọc bài thơ :

單刀獨馬走天涯

受盡塵埃到此來

變化金龍逢太吉

保主登基坐龍台

Đơn đao độc mã tẩu thiên nhai

Thụ tận trần ai đáo thử lai

Biến hoá kim long phùng thái cát

Bảo chủ đăng cơ toạ long đài

Một đao một ngựa đi khắp các góc biển

Chịu đựng mọi thứ trên đời nay đến đây

Biến hoá nên rồng vàng gặp được điều may

Bảo vệ chủ lên ngồi trên long đài

Thuận nghịch trận

Bố trận : Để hai chén trà, chén rót đầy là Tôn Tẫn, chén rót một nửa là Bàng Quyên, ấm trà quay vòi ấm về phía chén.



Phá trận : Đem cả hai chén trà đổ ngược trở vào ấm, lại rót ra, hai bên uống cạn, đọc bài thơ :

二人同拜一師尊

一個忠來一個奸

忠者得傳心法受

奸心飮過命不留

Nhị nhân đồng bái nhất sư tôn

Nhất cá trung lai, nhất cá gian

Trung giả đắc truyền tâm pháp thụ

Gian tâm ẩm quá mệnh bất lưu

Hai người cùng lạy một người làm thầy

Một kẻ thì trung, một kẻ thì gian

Kẻ trung thì được truyền tâm pháp

Kẻ gian uống xong thì mệnh không còn

Trung nghĩa trận

Bố trận : Không dùng ấm, chỉ dùng ba chén trà. Một chiếc rót đầy, một chiếc rót một nửa còn một chiếc để không.



Phá trận : Trước hết đọc bài thơ :

我亦不就乾

我亦不就滿

我本中心漢

持起飲茶盞

Ngã diệc bất tựu can

Ngã diệc bất tựu mãn

Ngã bản trung tâm Hán

Trì khởi ẩm trà trản

Nếu ta không uống cạn

Ta cũng không rót đầy

Ta là người Hán ở trung tâm

Vậy nâng uống chén trà

Sau khi đọc xong, cầm chiếc chén bày ở giữa uống cạn.

Tranh đấu trận

Bố trận : Ấm trà để vòi hướng về chén, biểu lộ việc người mời trà muốn người uống trà có ý muốn đòi hỏi việc gì.



Phá trận : Nếu như không muốn gì cả thì cầm chén ở giữa uống cạn, còn như nếu muốn gì thì bày ba chiếc thén thành hình chữ phẩm (hình tam giác). Dây cũng là một trận đồ gọi là phẩm tự trận.

Song long tranh ngọc trận

Bố trận : Hai chén trà rót đầy, bên ngoài thêm 2 cây nến (đèn cầy).



Phá trận : Trước hết dời hai cây nến ra ngoài, sau đó xếp lại hai chiếc chén cho đều, uống cạn.

Trung tâm vi bản trận

Bố trận : Xếp chín chén trà thành ba hàng.



Phá trận : Nếu muốn uống thì đọc :

洪家忠心爲根本

Hồng gia trung tâm vi căn bản

Hồng gia ở trung tâm là gốc rễ

Sau đó cầm chiếc chén ở giữa uống cạn, đọc bài thơ :

三三連九兩三三

九子連環去滅番

忠心殺盡清朝將

血滿長江骨滿山

Tam tam liên cửu lưỡng tam tam

Cửu tử liên hoàn khứ diệt phiên

Trung tâm sát tận Thanh triều tướng

Huyết mãn Trường giang cốt mãn sơn

Ba lần ba là chín hai lần ba ba

Chín chiếc chén liên hoàn để diệt quân phiên

Lòng trung giết hết tướng nhà Thanh

Máu đầy trường giang, xương đầy núi

Long phượng trận

Bố trận : Hai chiếc chén chồng vào nhau xếp làm nắp ấm, vòi ấm cắm hai nén hương, một chiếc ống điếu gác vào tai ấm.



Phá trận : Đọc bài thơ này :

手拖玉龍歸本處

二龍出海爲爭珠

雙鳳朝陽兄弟到

玉盞移開定太平

Thủ đà ngọc long qui bản xứ

Nhị long xuất hải vi tranh châu

Song phượng triều dương huynh đệ đáo

Ngọc trản di khai định thái bình

Tay giữ rồng ngọc về lại bản xứ

Hai con rồng ra biển tranh hạt châu

Hai con phượng chầu mặt trời anh em đến

Chén ngọc mở ra định thái bình

Sau đó có thể cầm chén lên uống trà.

Mộc Dương trận

Bố trận : Để hai chén trà, một ở trong khay, một ở ngoà khay.



Phá trận : Đây là trà trận để xem có phải là người trong hội hay không. Nếu muốn uống thì phải cầm chén ở bên ngoài để vào trong khay, sau đó mới bưng lên mời và đọc bài thơ này :

木楊城內是乾坤

結義全憑一点洪

今日義兄來考問

莫把洪英當外人

Mộc Dương thành nội thị càn khôn

Kết nghĩa toàn bằng nhất điểm hồng

Kim nhật nghĩa huynh lai khảo vấn

Mạc bả Hồng Anh đương ngoại nhân

Trong thành Mộc Dương là càn khôn

Kết nghĩa toàn do một điểm hồng

Hôm nay anh em đến tìm hỏi

Không coi Hồng Anh là người ngoài

Tuyệt Thanh trận

Bố trận : Hai chén trả, trên đặt một chiếc ống điếu.



Phá trận : Trước hết nhắc chiếc ống điếu lên, sau đó có thể uống trà đồng thời đọc bài thơ:

兩塘有水養清龍

手執清龍兩頭通

清龍無水清龍絕

兩塘無龍兩塘洪[79]

Lưỡng đường hữu thuỷ dưỡng thanh long

Thủ chấp thanh long lưỡng đầu thông

Thanh long vô thuỷ thanh long tuyệt

Lưỡng đường vô long lưỡng đường hồng

Hai chiếc ao có nước để nuôi con rồng xanh

Tay cầm thanh long hai đầu thông nhau

Rồng xanh không có nước thì rồng xanh chết

Hai ao không có rồng thì hai ao tràn

Xem những bài thơ này, lời lẽ, ý tứ không lấy gì làm cao siêu nhưng đủ để cho những thành viên của các hội kín nhận ra nhau và hiểu được mục đích việc gặp gỡ. [80]


TỪ PHẢN THANH SANG PHÒ THANH



Tranh vẽ của Trung Hoa nhạo báng người Âu Châu khi họ xuất hiện tại Chiết Giang

Vào tiền bán thế kỷ XIX thì người Âu châu đến Trung Hoa chủ yếu là tìm cách buôn bán nhưng tới những năm về sau họ muốn có được những quyền lợi cụ thể hơn nên đã lần lượt xâm chiếm nước Tàu để yêu cầu mở ra những cửa biển vùng duyên hải và lập tô giới buôn bán.

Thời Chiến Tranh Nha Phiến, Pháp, Anh và Nga đã có được mức thuế định giá là 5% và một số quyền lợi nhưng đến năm 1880 thì kinh tế phương Tây phát triển mạnh, lại có thêm một số cường quốc mới nổi như Đức và Mỹ cũng thành đồng minh nên họ lại đạt được nhiều quyền lợi mới, chiến phí đòi được cũng nhiều hơn, đất đai trên đất Trung Hoa mở rộng hơn và nhiều ngành kinh tế chủ đạo như đường xe lửa, các ngành khai mỏ và cơ xưởng cũng được thiết lập trên khắp lãnh thổ.

Nước Tàu bị phân chia thì các nước phiên thuộc cũng từ bỏ. Xiêm La, Nepal, Miến Điện, Việt Nam lần lượt ra đi còn Triều Tiên thì là một thuộc địa của Nhật Bản từ năm 1910. Cũng như nhiều nước khác, tranh chấp giữa các phái bộ truyền giáo và dân chúng, quan lại địa phương cũng gia tăng. Năm 1870, tại Thiên Tân, quan nhà Thanh có tranh chấp với lãnh sự Pháp và phái đoàn truyền giáo gây ra nhiều vụ đổ máu. Người Trung Hoa đã giết chết 21 người bao gồm và giáo sĩ, nữ tu, tín đồ Thiên Chúa Giáo người Trung Hoa và cả viên lãnh sự. Trong tình huống mà quan lại nhà Thanh bị bó tay không đối phó được với cả hai bên, nay chủ trương chống với ngoại nhân chỉ còn trông vào các hội đảng bí mật. Không thể chống lại những tổ chức hành chánh hay quân sự mà người ngoài mang đến Trung Hoa, đối tượng gần gũi và dễ trả thù nhất là các nhà truyền giáo và giáo đồ của họ.

Bài xích đạo Thiên Chúa

Trong khoảng 1885 đến 1890, trong vùng lưu vực sông Dương Tử, tỉnh Tứ Xuyên nổi lên phong trào chống đạo Thiên Chúa. Các thừa sai và truyền giáo của cả đạo Thiên Chúa (Roman Catholic) lẫn đạo Cơ Đốc Tin Lành (Christianity) ở Trùng Khánh bị tấn công năm 1886 và kéo dài đến năm 1888, 1890. Dến năm 1891, phong trào lan ra khắp vùng hạ lưu sông Dương Tử. Phái đoàn dòng Tên (Jesuit) ở Vu Hồ (蕪湖) gần Nam Kinh bị tấn công vào tháng 5, các phái đoàn khác ở Nam Kinh (南京) và Nghi Xương (宜昌), cô nhi viện Cửu Giang và một số phái đoàn Tin Lành.

Cứ theo những điều tra và báo cáo của người Anh, việc tấn công giáo đồ Thiên Chúa Giáo nằm trong âm mưu của nhóm Phản Thanh Phục Minh để chia rẽ các thế lực Âu Châu với Thanh đình và khích động xung đột nhằm khai thác cơ hội lật đổ nhà Thanh.

Đại Đao Hội

Cùng một thời gian đó, các nhóm tôn giáo khác như Ca Lão Hội, Đại Đao Hội cũng phát động những hoạt động tấn công các nhà truyền giáo. Năm 1894, một nhà thờ Anh ở Phúc Châu bị tấn công, chín thừa sai bị giết. Biến cố này được coi như phát súng lệnh của phong trào bài ngoại được mệnh danh là Loạn Quyền Phỉ (Boxer Rising) còn gọi là Nghĩa Hoà Đoàn. Tại Trung Hoa, ngoài những tôn giáo lớn như Khổng, Lão, Phật có kỷ cương, lại có vô số những giáo phái nhỏ, truyền bá nhiều điều mê tín dị đoan. Theo báo cáo của Hội Truyền Giáo Tòa Thánh thì có đến 3600 phái khác nhau chẳng hạn như Kim Đan, Bát Quái, Cửu Cung, Bạch Liên, Thái Cực Đồ, Độn Giáp … 

Một nhà truyền giáo báo cáo :

Vào mùa xuân năm nay, khi tôi đi khỏi nơi đây để giảng đạo, tôi nhận thấy có nhiều người qua lại trên đường phố, tay cầm giáo có hai cái tua đỏ buộc ở trên. Đây là dấu hiệu của Đại Đao Hội nhận nhau. Hội này triệu tập một đại hội đồng kéo dài bốn ngày nơi công cộng tại Tân Huyện có biểu diễn. Hơn mười vạn người tham gia.

Vì cớ gì mà hội này phát triển nhanh đến thế ?

Họ đã tung tin đồn là nếu như niệm thần chú và uống nước có bùa thì sẽ chống được đao thương và bảo vệ họ khỏi mọi tấn công. Họ nói rằng chỉ qua một đêm là không còn sợ gì súng đạn, đại bác hay gươm đao vì bùa chú sẽ bảo vệ mọi người. Chính vì thế họ còn được gọi là kim chung tráo (金鐘罩), thiết bố sam (鐵布衫) và vô ảnh tiên (無影鞭).[81]

Người dân thường sợ hãi cường đạo nên không ai dám động vào chúng. Họ nói rằng Đại Đao Hội sẽ bảo vệ họ và gia đình không sợ súng đạn, nên họ chạy theo môn phái này, bất kể tốn phí. Những gia đình giàu có chạy theo pháp thuật này rất đông, tính ra có đến vài ngàn. Nếu như giáo phái này có thể giúp chấm dứt được cướp bóc thì không nói làm gì mà còn đáng tán dương nhưng sự việc lại hoàn toàn khác hẳn. Vào mùa xuân năm nay, hội này mới lộ bộ mặt thật của nó.

Hội viên của Đại Đao Hội đi gây sự và tấn công những ai không theo chúng. Nếu như binh lính mắng chửi họ thì chúng tụ tập một số người đến hành hung. Vì chưng giáo hội Thiên Chúa phủ nhận việc họ có khả năng khiến đao kiếm không thể xâm phạm, cho rằng chỉ toàn là bịp bợm nên Đại Đao Hội nay là kẻ thù của đạo Thiên Chúa. Họ muốn phá huỷ tất cả các giáo đường và giết sạch những người đã theo đạo. Họ tụ tập hàng vạn người và phá nát nhiều nhà thờ giết hại nhiều giáo sĩ.

Tới lúc này, giáo dân không còn có thể ở nhà mà phải chạy tới trú ngụ nơi các nhà thờ lớn hoặc trốn biệt không dám ló đầu ra. Giáo hội Thiên Chúa tố cáo lên quan lại địa phương và họ gửi ngay binh lính đến đàn áp. Những kẻ đầu sỏ bị bắt và xử tử ngay tại chỗ còn những kẻ khác được thả về nhưng cấm không được hoạt động nữa, phải báo cáo cho địa phương trong sáu tháng nếu không sẽ bị bắt chém đầu.

Cũng như ở Việt Nam, việc phân chia hai bên càng lúc càng mãnh liệt nhất là khi những nhà truyền giáo phát tán các tài liệu tuyên truyền để dụ người ta theo đạo. Một bên thì bài xích Khổng, Lão, Phật giáo cho rằng chỉ có theo đạo Chúa mới là con đường cứu rỗi khiến cho giới sĩ phu Trung Hoa đang căm giận vì bị xâm lăng, nay lại bị chê bai về truyền thống của mình nên cũng phản ứng lại. Người ta còn tìm thấy những tranh ảnh hai bên bài xích lẫn nhau.



Tranh cứu rỗi của đạo Thiên Chúa

Trong hình người không theo đạo sẽ bị rơi xuống vực sâu



Tranh bài xích đạo bên ngoài truyền vào Trung Hoa

Giặc ngoại quốc bị quạt thần xua đuổi

Dựa theo một truyền thuyết là Chư Cát Lượng, thừa tướng của Lưu Bị, cai trị từ 181 đến 234 TL đã đánh đuổi một hạm đội của địch sau khi đã cầu xin được gió thuận (thực ra là cầu gió để đánh hoả công). Bức tranh miêu tả nhà đại ái quốc cưỡi một chiến thuyền đang quạt lửa đốt tàu của Tây dương. Ngọn lửa huỷ hoại chiếc tàu và theo ghi chú chữ Hán thì tất cả bọn phỉ đều chết hết.

Loạn Quyền Phỉ

Loạn Quyền Phỉ là cái tên trong sử gọi còn chính họ thì tự xưng là Nghĩa Hoà Đoàn (義和團), khởi đầu từ thế kỷ XIX và cũng là một chi lưu của Bạch Liên Giáo. Đến năm 1898 thì người ta bắt đầu chú ý đến nhóm này khi họ tấn công các nhóm truyền giáo và các cơ sở của người ngoại quốc. Thần quyền (sacred boxing) đóng một vai trò quan trọng. Họ cũng tự coi như một loại dân quân (militia) nên lấy chữ « đoàn » vốn là tên gọi dân binh, hương dũng ở các làmg xã. Chính vì thế một số quan địa phương, chẳng hạn như Du Hiến (俞獻), tổng đốc Sơn Đông muốn dùng họ vào việc chống với Tây phương nhưng lại có phản ứng ngược và chỉ trong một thời gian ngắn đã phải nhường cho Đức, Nga, Anh và Pháp nhiều căn cứ quân sự quan trọng như mỏm bán đảo Liêu Đông, Sơn Đông và một số vùng duyên hải. Năm 1899 Viên Thế Khải, một võ quan có tài được bổ nhiệm làm tổng đốc ở đây để dẹp bọn này nhưng họ chạy sang những nơi khác có quan lại thân thiện hơn. Chủ trương và khẩu hiệu của họ được thá       i hậu Từ Hi tán thành và được dùng như một lực lượng nhân dân



 chống lại ngoại quốc.

      

  

Tháng 5-1900, các nhóm Nghĩa Hoà Đoàn tiến về Bắc Kinh, chiếm các đường xe lửa, đánh đuổi nhân công nước ngoài và đốt phá các giáo đường. Đến giữa tháng 6 họ tràn vào Thiên Tân và Bắc Kinh và bắt đầu cướp các khu người đạo Gia Tô rất tàn khốc. Những hành động của họ không bị triều đình ngăn cấm mà còn có sự ám trợ của thái hậu Từ Hi.

Ngày 19 tháng 6 Từ Hi ban bố một sắc chỉ tuyên bố đánh lại người ngoại quốc và ra lệnh cho tất cả các đoàn truyền giáo phải rời khỏi Bắc Kinh ngay lập tức. Ngày hôm sau, một nhà truyền giáo người Đức tên là Klemens von Ketteler bị giết trên đường đến Tổng Lý Nha Môn và ngày hôm sau thì toàn bộ khu tô giới của họ bị quân Thanh và Quyền Phỉ tấn công và chiếm giữ đến tận ngày 14 tháng 8. Bốn trăm bảy mươi nhăm dân sự và khoảng 450 binh lính của tám quốc gia cùng với khoảng 3000 giáo đồ người Trung Hoa bị tấn công nên phải tự vệ và chống trả trong khoảng tám tuần lễ trước khi viện binh đến.

Các viên chức Trung Hoa ở phía nam tuyên bố không ủng hộ nên các nhà ngoại giao gọi họ là « Loạn Quyền Phỉ » (Boxer rebellion). Ngày 15 tháng 8, liên quân tám nước giải phóng được cuộc vây hãm này bao gồm khoảng 8000 quân Nhật, 4800 quân Nga, 3000 quân Anh, 2100 quân Mỹ, 800 quân Pháp và một số quân Ý và Áo. Liên quân sau khi chiếm được Bắc Kinh đã cướp phá rất nhiều. Lý Hồng Chương được Thanh triều cử ra đàm phán và đến tháng 9-1901 thì một thoả ước được ký kết trong đó nhà Thanh phải xin lỗi và bồi thường, nhượng bộ và nhường cho ngoại quốc những khu vực rộng hơn và đền cho họ 450 triệu lượng bạc, trả trong vòng 39 năm (tính luôn tiền lời thì lên đến 980 triệu lượng bạc).


THIÊN ÐỊA HỘI TẠI ÐÔNG NAM Á

 


Nghi lễ gia nhập Thiên Địa Hội

(A Picture History of Singapore tr. 20)

Người Hoa di cư

Sterling Seagrave, một chuyên gia nghiên cứu sâu xa về người Trung Hoa tại hải ngoại đã bóc tách sự hiện diện của người Tàu tại vùng Đông Nam Á mà ông ví von là xem họ bưng ra thứ tự trước sau thế nào trong một bữa tiệc. Người Âu châu đến Á châu chỉ cảm nhận được những tiểu quốc phân biệt bằng tôn giáo như Hindu, Phật giáo, Muslim nhưng không nhìn thấy một mạng lưới người Trung Hoa có những rễ mọc sâu xa ngầm từ chính quốc. Những bang hội phân chia vùng Đông Nam Á thành những khu vực buôn bán cạnh tranh gay gắt và khốc liệt vì nguyên thuỷ họ là những người chạy trốn từ lục địa phải tìm đủ mọi cách để sống còn.

Người Hoa sang vùng biển nam (nam dương) từ khi người nước Việt (Yueh) bỏ đi thời Chiến Quốc rồi sau đó cuối đời Tần khi người Hán tiến xuống phía nam. Cuối đời Đường, loạn Hoàng Sào khiến hàng nghìn người khác phải bỏ đi và đời Tống, đời Nguyên kéo theo những đợt di cư mới. Khi ngưởi Mãn Châu ra lệnh không được sống gần bờ biển, một đợt di cư mới lại nổi lên và khi họ Trịnh ở Đài Loan bị tiêu diệt thì nổi lên một đợt di cư vĩ đại khác.

Ngoài nguyên nhân chính trị, đói kém, thiên tai cũng là một lý do khác mà người Hoa ra khỏi nước. Thế kỷ XIX, nam Trung Hoa chết đói đến hơn 13 triệu người chỉ trong ba năm 1846, 1849 và 1877. Những mục tiêu di cư bao gồm các đảo ở phía nam và vùng bán đảo Đông Dương. Lại cũng có những người đi buôn theo hướng gió xuống các cửa biển rồi đến khi gió đổi chiều họ lại quay về. Tuy nhiên, sử sách ít khi đề cập đến những người di cư vì dưới mắt triều đình họ là thành phần ngoài vòng pháp luật.

 

     

  

Các khu vực của người Hoa di cư xuống Đông Nam Á

Sterling Seagrave: Lords of the Rim (1995) tr. 110-111

Những người Hoa đi ra khỏi nước thường khởi hành từ các bến cảng dọc theo duyên hải từ Quàng Đông lên Thượng Hải và họ phân chia đồng hương theo tiếng nói chứ không phải gốc tích Trung Hoa. Vì thế đối với họ, khác tiếng nói cũng là người ngoại quốc mặc dầu có chung chữ viết.

Vì bị triều đình ruồng rẫy khi ra khỏi nước không có phép chính thức, bang hội chính là một cộng đồng riêng của họ để duy trì sinh hoạt, tập quán, tiếng nói và cả tương trợ lẫn nhau. Những bang hội đó kết nối có khi bằng quê hương bản quán nhưng cũng có khi vì cùng họ (đồng tính), cùng ngành nghề, cùng tôn giáo …

Những người Hoa di cư thường từ các vùng lưu vực bốn con sông chính. Ba trong số bốn con sông ở Phúc Kiến là Mân Giang chảy vào Phúc Châu, Cửu Long gần Hạ Môn (Chương Châu), Hàn Giang chảy từ Phúc Kiến sang Quảng Đông ra biển gần Sán Đầu. Con sông thứ tư là Châu Giang ở Quảng Đông.

Những người Hoa ở các vùng này nói thổ ngữ khác nhau nhưng cùng một loại văn tự nên vẫn có thể giao tiếp tuy bị hạn chế. Khi ra bên ngoài, họ cũng tập trung vì tiếng nói là sợi dây liên lạc quan trọng hơn cả. Người Triều Châu là nhóm đông nhất ở Thái Lan nhưng chỉ đứng thứ hai tại Hongkong, Việt Nam, Singapore, Malaysia. Theo Sterling Seagrave thì Thiên Địa Hội người Triều Châu ở Hongkong là nhóm kín đáo, khép kín nhưng cũng nguy hiểm nhất.

Nhờ có những đầu cầu này, người Trung Hoa từ chính quốc chở bằng thuyền các sản phẩm như đồ sứ, vải vóc xuống phương nam để bán rồi mua về thóc gạo, dược tài và các loại gia vị. Họ cũng dừng lại tại các vịnh, bãi trên đường đi để trao đổi hàng hoá. Tại bờ biển Borneo họ có thể mua yến sào về bán cho các tiệm ăn hay gia đình giàu có làm thực phẩm.

Người Trung Hoa ở bên ngoài cũng thường gặp kỳ thị và đàn áp bởi chính quyền. Thế kỷ thứ XVIII, hàng nghìn người Hoa bị giết ở Sarawak. Năm 1740, người Tàu không chứng minh được có nghề nghiệp vững chắc sẽ bị người Hoà Lan gửi sang Tích Lan làm nô lệ. Khi họ phải kháng, người Hoà Lan tàn sát lên đến hơn một vạn người khiến cho kỹ nghệ làm đường (sugar) bị sụp đổ và họ lại đem tàu đến các vùng duyên hải Trung Hoa để bắt và đưa người Trung Hoa sang các khu vực thuộc địa làm phu mỏ, phu đồn điền.

Nói chung, hễ ở đâu có đông người Trung Hoa cư ngụ thì họ đều kết hợp thành bang hội và dĩ nhiên Thiên Địa Hội hay dưới những tên khác đều hiện hữu. Họ hoạt động kín đáo, không lộ hình tích, chẳng phải chỉ ở Á Châu mà cả Âu Châu, Mỹ Châu … nên đâu đâu các cơ quan liêm phóng cũng đều phải quan tâm. Băng đảng, xã hội đen và những hoạt động bất hợp pháp thì không sao kể hết được.

Đợt di cư thứ nhất

Ngay sau khi nhà Minh sụp đổ, năm 1644 theo báo Dagh-Register thì có 5 chiếc thuyền mành Trung Hoa (Chinese junks) đã đến Batavia tổng cộng 2,550 người. Năm 1647 và 1648 có hai chiếc tàu từ Hạ Môn và Đài Loan tổng cộng 310 người và những năm kế tiếp luôn luôn có tàu từ Trung Hoa sang. Một số đông cũng đến Hội An và thành lập làng Minh Hương. Một số khác sang Thăng Long trong đó có nhiều quan lại nhà Minh như Lý Khắc Liêm, Lý Khắc Quí, Lý Ngã Bích, Chu Thuấn Thuỷ. Một số quan lại vào tận Trấn Biên (tức Biên Hoà).

Đợt di cư thứ hai

Khoảng 1660s, các lệnh cấm đời Khang Hi về buôn bán khiến cho thuyền buôn Trung Hoa giảm sút hẳn. Sau khi họ Trịnh bị đánh đuổi khỏi Đài Loan (1662), dư đảng của Trịnh Thành Công và một số dân chúng vùng duyên hải phải bỏ đi và còn ghi nhận một số thuyền chạy xuống Gia Định, Chân Lạp và Đàng Trong trong giai đoạn này.

Đợt di cư thứ ba

Đến khi có loạn Tam Phiên (Three Feudatories) 1674-1683 thì số người chạy ra bên ngoài lại càng mạnh hơn nữa. Số lượng không thể thống kê đầy đủ nhưng chiếu theo các khu vực người Trung Hoa ở các nước vùng Đông Nam Á người ta biết rằng giai đoạn này có thêm một số di dân. Ở Hà Tiên có nhóm Mạc Cửu cùng với một số gia đình thôn Đông Lăng, trấn Bạch Sa, Lôi Châu thị và bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông) cũng đi thuyền mành sang Cambodge và được phong chức ốc nha. Các tài liệu ghi nhận nhiều người Hồi và người Trung Hoa đã cạo đầu, thắt đuôi sam từ Macao, Hạ Môn chạy xuống Batavia. Một số khác từ Quảng Châu, Chương Châu.


Thuyền đi biển đời Minh Thanh

(Hắc Thuỷ Câu, tr. 13)

Tàn dư họ Trịnh

Giai đoạn này nhiều thuyền của tàn dư họ Trịnh tràn xuống biển Đông làm cướp biển hay bảo tiêu. Một số quan binh chạy xuống Đàng Trong và được chúa Nguyễn đưa xuống Nam Kỳ khai khẩn những khu vực mới chiếm được của người Cambodge. Khoảng 1685 có các nhóm của Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch là những tướng của họ Trịnh bị thua trận nên chạy xuống Quảng Nam. Theo một số tài liệu, họ có đến 70 chiếc thuyền và 3000 người.

 Thiên Địa Hội Tại Việt Nam

Theo nhiều tài liệu dân gian, Thiên Ðịa Hội tham gia trong nhiều cuộc khởi nghĩa chống Pháp chẳng hạn như của thủ khoa Nguyễn Hữu Huân ở Ðịnh Tường và của Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá. Trên một bài báo không có tên tác giả đăng trên nhật báo Người Việt ngày 10-1-1998 nhan đề “Thiên Địa Hội tại Saigon” khi Dương Ngạn Địch và Trần Thắng Tài được chúa Nguyễn cho vào vùng Gia Định và Định Tường thì Dương Ngạn Địch (gốc Phúc Kiến) chiếm vùng Mỹ Tho. Trần Thắng Tài, Huỳnh Tấn, Trần An Bình là gốc người Triều Châu thì ở Cù Lao Phố (Biên Hoà). Đây là những người thuộc Thiên Địa Hội đến Việt Nam sớm nhất, tuy cùng chủ trương Phản Thanh Phục Minh nhưng nhóm Phúc Kiến thì là Nghĩa Hùng Đoàn, tục gọi là Kèo Xanh còn người Triều Châu thì có danh xưng Nghĩa Hoà Đoàn, tức Kèo Vàng.

Cũng theo bài báo này thì hầu như Thiên Địa Hội lan ra khắp Nam Kỳ, đâu có người Hoa là có họ hoạt động, được tổ chức như những nhóm bí mật liên kết với nhau để chống lại các quan lại và cường hào nhũng nhiễu chứ không mang mục tiêu phản kháng hay chống chính quyền. Tuy nhiên, tuy cùng nguồn gốc nhưng hai nhóm Kèo Xanh và Kèo Vàng lại chống lẫn nhau đưa đến tàn sát.

Sau khi nhà Tây Sơn vào đánh Gia Định và giết rất nhiều người Hoa thì hầu như nhóm Kèo Xanh bị tiêu diệt và chỉ còn lại nhóm Kèo Vàng. Tuy nhiên dần dần, những người thuộc Thiên Địa Hội từ Trung Hoa sang bị tàn lụi dần và đến đầu thế kỷ XX thì chỉ còn những tay anh chị thuộc người bản xứ như Nguyễn Văn Trước (Tư Mắt) và Phan Phát Sanh (Phan Xích Long). Bài báo viết:

Tư Mắt là tay anh chị, lấy đạo lý giang hồ, hành tung cướp bóc làm kế sinh nhai, nhưng để dễ bề chiêu dụ “hảo hán”, anh ta đã xưng mình là Thống lãnh binh Thiên địa hội, lãnh đạo một nhóm đàn em đông đảo.

Sau Tư Mắt thì tới Phan Xích Long. Con người này có ý chí lớn, không chủ trương cướp bóc, chỉ nổi lên phản kháng sự áp bức, cường quyền, và cũng xưng là Thống lĩnh Thiên địa hội. Dân theo Phan Xích Long gồm các thành phần lao động nghèo ở vùng Chợ Lớn, cũng như một số đông dân miệt Cần Đước, Cần Giuộc (thuộc địa phận tỉnh Gia Định bao gồm Saigon – Chợ Lớn giáp ranh Tân An). Những người này nhất mực cho rằng Thiên địa hội là do Phan Xích Long lập nên.

Tác giả Vương Hồng Sển trong Sài Gòn Năm Xưa viết chi tiết hơn:

Năm Quý-Sửu (1913) có vụ Phan Phát Sanh làm cách mạng. Phan Phát Sanh tự Lạc, năm ấy, vừa hai mươi tuổi, con của Phan-Núi làm Cảnh sát trong Chợ Lớn. Lúc nhỏ không ham ăn học, lớn ở bồi cho Tây, bỗng xưng Phan Xích Long, tự mình cho là “đông cung” con vua Hàm Nghi, sắm mão và dây đai vàng, tự tôn làm “hoàng-đế”, lập đảng kín, chế tạo lựu đạn trái phá, in trát dán khắp chợ Sài Gòn, Chợ Lớn, Bình Tây kêu gọi dân nổi dậy chống Pháp. Việc làm như giả ngộ (trò đùa), chưa chi đã bị lậu sự (lộ ra ngoài), bắt bớ lung tung. Phan Xích Long bị cò Tây bắt tại Phan Thiết, còng giải về Sài Gòn.

Đồng đảng, cả thảy bị bắt một trăm mười một người, đem ra Toà Áo Đỏ xử từ mồng năm đến mười hai tháng mười một dương lịch 1913, tha bổng năm mươi bốn người, kêu án năm mươi bảy người, nặng hơn hết là án chung thân khổ sai sáu người: Phan Xích Long, Nguyễn Tri, và Nguyễn Hiệp, án hiện diện, còn ba người Nguyễn Màng, Trương Phước và Nguyễn Ngọ trốn thoát không bắt được, bị án khiếm diện. Ba người nầy bị giam Khám Lớn Sài Gòn, làm chấn động giới giang hồ mã thượng.

Qua năm Bính Thìn (1916), giữa trận Âu châu đại chiến bên trời tây, Tây thua liểng xiểng thì đêm mười hai tháng giêng âm lịch, đảng kín “Thiên Địa Hội” tổ chức cuộc phá khám định cứu các “đại ca” ra khỏi vòng dũ-lý (Dữu Lý là tên một nhà ngục đời Chu). Ban đầu rất nhiều thuyền ghe nhỏ tứ xứ đến đậu chen nhau dưới gầm cầu móng Khánh Hội, đến ba giờ khuya là khởi sự. Dưới khẩu hiệu “đại ca”, các đồng đảng thảy đều uống bùa, cổ mang phù chú, tay cầm gươm mác, kéo lên phá Khám Lớn Sài Gòn.

Dao nói chuyện với súng làm sao lại, bùa chú chống đạn chỉ có hiệu lực trong trí óc người mê tín. Sự thực thì hai người bị bắn chết tại cửa Khám Lớn, bốn người bị rược [rượt] theo bắn ngã tại Xóm Dầu trong Chợ Lớn. Đồng đảng, bất cứ đàn ông đàn bà ai mặc áo đen quần trắng, buổi sáng ấy và lẩn quẩn xóm tình nghi là bị bắt nhốt khám và đem ra xử Toà Đại Hình.

Kết cuộc: ba mươi tám người bị xử tử tại Đồng tập trận và bắn ngày hai mươi hai tháng hai năm 1916, mười ba người bị xử bắn ngày mười sáu tháng ba năm 1916, kể luôn hai người đêm phá khám tử chiến tại trận tiền và bốn người bị hạ sát tại Xóm Dầu, thì cuộc phá khám 1916 đã khiến năm mươi bảy vị “anh hùng” tên ghi nào sử nhưng thây thì bị chôn vùi “Đất Thánh Chà” đường Hiền Vương, cho đến mới đây (sách này viết năm 1960 nên đây là việc xảy ra trước 1960) nghĩa địa nầy bị ban phá ra bình địa xây xóm nhà anh em lao động tài xế, đô thành mồ mả xiêu lạc mất tích luôn, nhưng danh thơm còn mãi trong trí óc người yêu nước.[82]

Đến Sơn Nam trong Cá Tính của Miền Nam (Xuân Thu in lại theo bản trong nước Saigon, 1974), tường thuật về Thiên Địa Hội mới có nhiều cơ sở, nhiều chi tiết được tham khảo tài liệu trong văn khố Pháp ở Nam Kỳ. Trong chương sách nhan đề “Anh em kết nghĩa, hoạn tương cứu, sanh tử bất ly” ông kể về sự sinh hoạt của Thiên Địa Hội tại miền nam, tuy gốc là của người Hoa phản Thanh phục Minh nhưng đến nước ta cũng biến thể, tham gia nhiều sinh hoạt đấu tranh chống Pháp của người bản xứ. Nhiều vụ nổi dậy tuy nói là do Thiên Địa Hội chủ trương nhưng kỳ thực là một dạng “đảng cách mạng” manh nha ở thời kỳ đầu.


KẾT LUẬN

Tuy việc kết hợp để thành những tập thể tương trợ hay chia sẻ với nhau để sinh tồn đã hình thành rất lâu trong lịch sử loài người và xã hội Trung Hoa, Thiên Địa Hội hay Hồng Môn chỉ nổi trội từ khi người Mãn Châu vào chiếm trung nguyên. Vì sinh hoạt bí mật, những đoàn thể này lắm khi được che phủ bởi nhiều huyền thoại chưa hẳn sát với sự thật.

Về uyên nguyên của Thiên Địa Hội sách vở viết cũng đã nhiều nhưng dựa vào sử liệu thì không bao nhiêu. Điều đó cũng dễ hiểu vì Thiên Địa Hội sinh hoạt bí mật bất hợp pháp nên thường không lưu lại giấy tờ, chứng cớ để nhà cầm quyền có thể truy ra các bang chúng, hội viên của họ.

Lịch sử cho thấy sinh hoạt nổi bật nhất của Thiên Địa Hội là thời kỳ Trịnh Thành Công chiếm Đài Loan, trải qua nhiều thế hệ hùng cứ trên hòn đảo như một chính quyền riêng rẽ. Khi họ Trịnh bị nhà Thanh đánh bại, dư đảng của họ chạy xuống phương nam, đóng góp một vai trò quan trọng trong việc khai khẩn Nam Kỳ.[83]

Những sinh hoạt bang hội của Hoa kiều ở bên ngoài tạo nên nhiều thực lực về kinh tế, xã hội, chính trị có liên quan đến những biến động địa phương. Riêng tại nước ta, những thế lực cát cứ có tính “anh chị” ở miền trung và nam trong một thời kỳ khá dài từ thế kỷ XVII sang đến hết thế kỷ XVIII dường như chịu ảnh hưởng khá nhiều của các bang hội Trung Hoa, hay ít nhất cũng trên tinh thần “huynh đệ kết bái” trong Tam Quốc diễn nghĩa hay Thuỷ Hử.

Ngay trong thế lực Tây Sơn thời kỳ đầu, những tung tích mơ hồ và một vài chi tiết còn lưu lại, tuy không rõ rệt để suy đoán nhưng cũng thấy nhuốm màu sơn trại Thiên Địa Hội:

Năm Tân Mão (1771), hoàng đế Duệ Tông[84] nối ngôi chính thống năm thứ 6 (Lê Cảnh Hưng 32, Thanh Càn Long 36), Nhạc vào trong núi Tây Sơn thiết lập đồn trại (thượng đạo tức là trong vùng của người mọi, hạ đạo tức là ấp Kiên Thành), chiêu nạp bọn liều lĩnh. Những kẻ hung hãn vô lại phần đông theo về.

Mùa thu năm Quí Tị (1773), Nhạc từ Tây Sơn thượng đem binh đóng ở Kiên Thành, tự xưng là “đệ nhất trại chủ”, cai quản hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn. Nguyễn Thung làm “đệ nhị trại chủ”, cai quản huyện Tuy Viễn (Thung sau bị Nhạc giết), Huyền Khê làm “đệ tam trại chủ” cai quản lương hướng cho quân. Lại mật ước với nữ chúa Chiêm Thành (tên thị Hoả lập trại ở Thạch Thành, sau bị quân Tống Phúc Hợp giết) làm thế nương vào nhau.

Chúng ta cũng thấy về sau có hai nhóm cướp biển là Tập Đình [Hầu] và Lý Tài [Hầu] (không rõ tên) cũng theo Tây Sơn. Những nhóm cướp biển này cũng liên quan đến những người Trung Hoa mà người mình thường gọi là Tàu Ô. Thành phần hải phỉ được chiêu tập bởi anh em Tây Sơn và cũng là lực lượng nòng cốt của thuỷ quân Tây Sơn sau này.[85] Khi Tập Đình thua trận, sợ Nguyễn Nhạc giết phải bỏ chạy về Quảng Đông nên bị quan quân nhà Thanh bắt giết. Lý Tài cũng chạy vào Nam theo chúa Nguyễn. Theo sử sách, các nhóm cướp biển này thế lực rất lớn và thường là dư đảng hay biến thể của các nhóm “phản Thanh phục Minh” nên cũng ít nhiều liên quan đến Thiên Địa Hội.

Nói chung, nhiều nhóm Hoa kiều chạy xuống vùng Đông Nam Á vốn có gốc quan lại hay thân nhà Minh, không chịu qui thuận Mãn Thanh đều là những nhóm võ trang nên các triều đình địa phương cũng ngờ vực. Vài chục năm sau, khi tâm lý “phản Thanh” đã phai nhạt, ảnh hưởng chính trị hay kinh tế trở nên quan trọng hơn, họ mới có những liên lạc với quan lại Trung Hoa và trở thành những tuyến đường buôn bán từ lục địa ra nước ngoài.

Một chi tiết khác, các nhóm Hồng Môn thường hoạt động riêng rẽ nhưng vẫn có những mật hiệu để nhận nhau, trong đó võ thuật là một phần trọng yếu. Những bài quyền, đao, kiếm, cách bái tổ[86] không chỉ là những động tác chiến đấu mà còn thể hiện đẳng cấp, vai vế trong các sơn đường nên được dùng như một cách ra mắt và tỏ lộ vai vế thân thế mình.

Nhiều môn phái võ thuật vẫn còn giữ những thể thức mang tính thần bí nguyên thuỷ nên học trò xin vào học phải cúng tổ, người thầy cũng hay giữ một vài “tuyệt chiêu” để khống chế kẻ phản bội. Nghiên cứu sâu xa hơn về các võ phái thịnh hành và hoạt động ở phía nam nước ta – hiện diện tại các vùng sơn cước hay khu vực mới khai hoang – kể cả những môn hộ như Bà Trà Tân Khánh, Tây Sơn Bình Định thì ngoại trừ những bài bản thuộc “võ kinh” tức bài bản dùng trong các kỳ thi võ của triều đình, phần nhiều quyền pháp, đao pháp không mấy khi dùng trong thực chiến mà là những ám hiệu của các đảng bí mật, một truyền thống của hội kín bắt nguồn từ Trung Hoa truyền sang nước ta vào khoảng thế kỷ XVII, XVIII hay sau nữa.

Đầu đời Thanh, việc tụ họp bất hợp pháp, mọi người đều phải cạo đầu, kết tóc nên những người chống đối nhà Thanh thường vào chùa hay các tu viện Đạo giáo là những nơi không phải tuân theo qui luật kết tóc đuôi sam để tỏ sự chống đối quan quân một cách tiêu cực. Họ cũng che dấu hành tung bằng việc tập luyện để nhận diện và phân biệt đẳng cấp. Theo thời gian, những ý nghĩa “hội đảng” mất dần và trở thành những tổ chức sinh hoạt cộng đồng. Ý nghĩa nguyên thuỷ phản Thanh phục Minh càng lúc càng mờ nhạt nhất là khi đã lan truyền sang cả những khu vực không phải là người Trung Hoa.

Khi nói đến Thiên Địa Hội và ảnh hưởng của các sinh hoạt băng đảng khi lan truyền xuống vùng Đông Nam Á, chúng ta cũng không thể không biết đến những thành quả mà người di cư – vô tình hay hữu ý – đã tạo thành. Bên cạnh những đồ ăn thức uống được truyền đi, một số cây cỏ từng đóng góp rất nhiều cho đời sống nhưng ít khi được nhắc đến.

Chính những di động thường xuyên từ vùng này qua vùng khác, từ nước này sang nước khác, có khi hàng chục nghìn dặm đã tạo nên sự giao lưu văn hoá đáng kể làm sinh hoạt thêm phong phú. Chắc ít ai biết rằng chỉ vài thế kỷ trước đây, khu vực Đông Nam Á không biết đến quả ớt, thuốc hút hay khoai lang … là những mặt hàng gần như không thể thiếu trong đời sống hàng ngày. Chính Trịnh Chi Long là người đã đem giống khoai lang từ Philippines vào Phúc Kiến và loại thực phẩm mới này đã giải quyết được nạn đói triền miên của Trung Hoa và tạo ra sự nổ bùng về gia tăng dân số đầu đời Thanh.

Trái ớt (chilli), loại gia vị không thể thiếu trong các đặc sản cũng được mang tới từ Nam Mỹ sang các thuộc địa của người Y Pha Nho rồi truyền vào Á châu để thành những món ăn đặc thù vùng Tứ Xuyên, Bắc Kinh… cũng chỉ được biết đến từ thế kỷ XVI. Thuốc hút (tobacco) đã từng được coi như một tập quán của giới quí tộc và bình ngửi (snuff bottle) đời Thanh là vật dụng để ban thưởng cho sứ thần cũng được nhập cảng từ bên ngoài.

 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    Booth, Martin. The Dragon Syndicates, The Global Phenomenon of the Triads. New York: Carroll & Graf Publishers, Inc., 2001.

2.    Booth, Martin. The Triads, The Growing Global Threat from The Chinese Criminal Societies. New York: St. Martin’s Press, 1990.

3.    Chesneaux, Jean. Secret Societies in China in the Nineteenth and Twentieth Centuries (do Gillian Nettle dịch từ tiếng Pháp). Hongkong: University of Michigan Press, 1971.

4.    Chua, Amy. A Picture History of Singapore: A Resource Book for Social Studies. Singapore: Federal Publications, 1994.

5.    Dịch, Chiếu Phong (易照峰). Trung Quốc Hắc Ðạo Bang Hội (中國黑道幫會) Bắc Kinh: Ðại Chúng Văn Nghệ, 2005.

6.    Diêu, Gia Văn (姚嘉文). Hắc Thuỷ Câu (黑水溝). Đài Bắc: Tự Lập Vãn Báo, 1987.

7.    Đỗ, Thành Hiến (杜成憲) Trà Danh Biệt Xưng dữ Trà Trận – Trà dữ dân gian bí mật (茶名別稱與茶陣-茶與民間秘密) “Hồ Trung Thiên Địa” (tạp chí) 壺中天地 số 38, Đài Bắc (tháng 10-1991) tr. 28-31

8.    Hồ Trung Thiên Địa (壺中天地) (tạp chí) số 38, tháng 10-1991.

9.    Hồ, Châu Sinh (胡珠生). Thanh Đại Hồng Môn Sử (清代洪門史). Thẩm Dương: Liêu Ninh Nhân Dân xbx, 1996

10.                      Kim Dung (金庸), Lộc Đỉnh Ký (鹿鼎記) (toàn bộ 5 quyển). Hongkong: Minh Báo, 1981 và Đài Bắc: Viễn Lưu, 1981 (bản dịch NDC)

11.                      Kinkead, Gwen. China Town, A Portrait of a Closed Society. New York: Harper Collins Publishers, 1992.

12.                      Lý, Ân Hàm (李恩涵). Đông Nam Á Hoa Nhân Sử (東南亞華人史). Đài Bắc: Ngũ Nam Đồ Thư xb công ty, 2003.

13.                      Murray, Dian H. The Origins of the Tiandihui, The Chinese Triads in Legend and History. Stanford: Stanford University Press, 1994.

14.                      Nguyễn, Thanh Xuân và Phan Tín Dụng (dịch). Hội Kín Xứ An Nam (nguyên tác Georges Coulet: Les Sociétés secrètes en terre d’Annam, 1926) Việt Nam: Omega, 2019.

15.                      Nhật báo Người Việt, Cali. USA ngày 10-1-1998, “Thiên Địa Hội tại Saigon” (không đề tên tác giả)

16.                      Paludan, Ann. Chronicle of the Chinese Emperors. New York: Thames & Hudson, 1998.

17.                      Posner, Gerald L. Warlords of Crime: Chinese Secret Societies-The New Mafia. New York: McGraw-Hill Book Company, 1988.

18.                      Seagrave, Sterling. Lords of the Rim, The Invisible Empire of the Overseas Chinese. New York: G.P. Putnam’s Sons, 1995.

19.                      Soái, Học Phú (帥學富) Trung Quốc Bang Hội Sử (中國幫會史). Hongkong: Hiện Đại xuất bản công ty, 1961.

20.                      Sơn Nam. Cá Tính của Miền Nam (bản gốc 1974). (Cali: Xuân Thu, không đề năm)

21.                      Spence, Jonathan D. In Search for Modern China. New York : W.W. Norton & Co., 1990.

22.                      Tần, Bảo Kỳ (秦寶琦). Hồng Môn Chân Sử (洪門真史). Phúc Kiến: Phúc Kiến nhân dân xb xã, 1995.

23.                      Trần, Chí Bình (陳致平). Trung Hoa thông sử (中華通史) (quyển 11). Ðài Bắc: Lê Minh Văn Hoá sự nghiệp công ty, 1979.

24.                      Trang, Cát Phát (莊吉發). Thanh Sử Giảng Nghị (清史講議). Ðài Bắc: Thực Học Xã, 2002.

25.                      Trì, Tông Hiến (池宗憲). Dạ Khổn (夜壼). Ðài Bắc: Tiêu Ðiểm xb xã, 1985.

26.                      Trương, Sĩ Kiệt, Bao Dĩnh và Hồ Chấn Á (張士杰,包穎, 胡震亞). Thanh Bang Dữ Hồng Môn Ðại Truyện (青幫與洪門大傳). Ðài Bắc: Chu Tri Văn Hoá, 1994.

27.                      Vương, Canh Võ (王賡武). Trung Quốc dữ hải ngoại Hoa nhân (中國與海外華人). Hương Cảng: Thương Vụ ấn thư quán, 1994.

28.                      Vương, Đào Nguyên (王濤原). “Hồng Bang Uyên Nguyên, Tổ Chức cập Bang Qui“ (洪幫淵源,組織及幫規). Truyện Ký Văn Học, May 1996 (408) tr. 115-118

29.                      Vương, Hồng Sển. Cuốn Sổ Tay của Người Chơi Cổ Ngoạn (trong bộ Hiếu Cổ Đặc San) (Saigon: 1972), được nxb Xuân Thu, Los Alamitos, California, in lại năm 1989

30.                      Vương, Hồng Sển. Sài Gòn năm xưa (tái bản). Saigon: Khai Trí, 1968 (Cali: Xuân Thu in lại tại hải ngoại theo lối chụp ảnh, không đề năm).

31.                      Wang, Gungwu. The Chinese Overseas: From Earthbound China to the Quest for Autonomy. Cambridge: Harvard University Press, 2000.

32.                      Kinh Điển tạp chí: Trịnh Thành Công (Rhythms Monthly 2002.7, No. 48), 01-07-2002, Đài Bắc.

33.                      Clements, Jonathan. Coxinga and the fall of the Ming Dynasty. Great Britain: Sutton Publishing, 2005.

 



[1] Tp. HCM: Văn Hoá – Văn Nghệ, 2016.

[2] Thiên Địa Hội được viết trại đi để khỏi xúc phạm đến thiên tử nên giấy tờ gọi là Thiêm Địa Hội.

[3]人為刀俎我為魚肉

[4]人為鼎鑊我為麋鹿

[5]秦失其鹿天下共逐之

[6]逐鹿中原

[7] Thần biết rằng tội khinh nhờn đại vương quả là đáng giết, xin được bỏ vào vạc mà đun. 臣知欺大王之罪當誅也臣請就鼎鑊

[8] Tử là một trong năm tước (công hầu bá tử nam)

[9] Kim Dung, Lộc Ðỉnh Ký, q. 1 (Hongkong: Minh Báo, 1981) trang 7-9 (bản dịch Nguyễn Duy Chính)

[10] Những đám cướp ở sa mạc cưỡi ngựa sống rải rác, khi cần dùng tên bắn có tiếng rít để gọi nhau nên có tên hưởng mã cường đạo.

[11] Kim Dung, Lộc Ðỉnh Ký, q. 1 (Hongkong: Minh Báo, 1981) trang 297-298 (bản dịch Nguyễn Duy Chính)

[12]Hồng Môn Hội: Trung Quốc Tối Thần Bí đích bang phái tổ chức “(洪門會,中國最神秘的幫派組織). Tạp chí Trung Quốc công phu, No. 3, Đài Bắc, 31-3-1988 tr. 61-64

[13] Một tổ chức khác mang tên Thanh Bang cũng là một phân chi của Hồng Bang. Thanh Bang rất nghiêm nhặt về tình thầy trò, anh em, trên dưới và đã có một thời kỳ đóng vai trò rất quan trọng, rất đắc lực của Quốc Dân Ðảng Trung Hoa về cả lực lượng lẫn tài chánh. Họ là tổ chức kinh tài hàng đầu của Tưởng Giới Thạch và cũng là lực lượng mật vụ trấn áp đối lập của chính quyền Dân Quốc. Họ độc quyền buôn muối và quản lý đường giao thông vùng Hà Xuyên (Hà Nam, Hà Bắc, Tứ Xuyên). Lãnh tụ của họ, Ðỗ Nguyệt Sênh (tức Ðỗ Ðại Nhĩ vì ông này có đôi tai to như hai cái quạt), chính là người đứng sau lưng ông Tưởng, là một loại “bố già” của viên tổng tài.

[14] Niên hiệu của Chu Do Lang 朱由榔(16231662nhà Nam Minh.

[15] Lý Ân Hàm (李恩涵). Đông Nam Á Hoa Nhân Sử (東南亞華人史). Đài Bắc: Ngũ Nam Đồ Thư, 2003 tr. 115-6.

[17] Bình Hộ là tên một bờ biển, cũng là một nơi mà thuyền bè ghé đến. Dưới thời mạc phủ Đức Xuyên cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, vì quan hệ mậu dịch và tôn giáo nên nơi đây trở thành một hải cảng quan trọng. Giữa thế kỷ XVI, Bình Hộ là một trung tâm thương mại của Nhật Bản

[18] Nguồn: “Trịnh Thành Công sinh bình đại sự ký” (tạp chí Kinh Điển số 48, 2002) tr. 91.

[19] Jonathan Clements, Coxinga and the fall of the Ming Dynasty (Great Britain: Sutton Publishing, 2005) tr. 5.

[20] Thực ra vua Vĩnh Lịch đã bị giết từ năm 1662 (vĩnh Lịch 16) nhưng họ Trịnh vẫn tiếp tục dùng niên hiệu này giống như chúa Nguyễn đến mãi về sau vẫn dùng niên hiệu Cảnh Hưng nhà Lê.

[21] Thanh Sử, đệ Bát sách (Đài Bắc: Quốc Phòng Nghiên Cứu Viện, Dân Quốc 50 [1961]) tr. 5950-51)

[22] Murray, Dian H. The Origins of the Tiandihui, The Chinese Triads in Legend and History. Stanford: Stanford University Press, 1994.

[23] Sự phát triển của Thiên Địa Hội tại Đài Loan và chiến dịch đánh Lâm Sảng Văn

[24] Nghiên cứu về Mười Võ Công đời Thanh Cao Tông

[25] Nghiên cứu về nguồn gốc của các giáo phái và hội đảng

[26] Sư ăn mày, tương tự như khất thực

[27] Đào Thành Chương, “Giáo Hội Nguyên Lưu Khảo”, Tiêu Nhất Sơn biên tập “Cận Đại Bí Mật Xã Hội Sử Liệu”, quyển 2, Phụ Lục, trang 2.

[28] Trong tài liệu này khi nói đến Việt () đều chỉ các đất Quảng Đông, Quảng Tây không phải Việt Nam chúng ta. Tuy đồng âm nhưng trong chữ Hán viết khác nhau.

[29] Sđd. quyển 2, Phụ Lục, tr. 4

[30] Thông sử về Hoa kiều ở vùng Đông Nam Á

[31] Tức vua Vĩnh Lịch.

[32] Để chỉ mối thù lớn lâu năm, công chính không chỉ là thù riêng tư. Gốc từ Công Dương Truyện (Trang Công tứ niên) Hỏi: Thù chín đời có thể phục hận không? Đáp: Dù trăm đời cũng vẫn được.

[33] Ôn Hùng Phi (溫雄飛), Nam Dương Hoa Kiều Thông Sử (南洋華僑通史), chương 12, tiết 2, xem “Cận Đại Bí Mật Xã Hội Sử Liệu”, quyển đầu, trang 8.

[34] Ôn Hùng Phi, sđd., quyển đầu, trang 8-9.

[35] “Quí huyện Tu Chí cục phát hiện văn kiện của Thiên Địa Hội”, nguồn gốc phản Thanh phục Minh, đệ Nhất, Quốc lập Bắc Bình đồ thư quán quán san, đệ Bát quyển, đệ Tứ hiệu, trang 6225, Dân Quốc năm 23, tháng 7-8.

[36] Tiêu Nhất Sơn, Thiên Địa Hội khởi nguyên khảo, Cận đại bí mật xã hội sử liệu, quyển thủ, tr. 12-16.

[37] Cung Trung Đáng, thùng 2774, bao 201, 49963 hiệu, ngày 21 tháng Giêng năm Càn Long năm 52. Tôn Sĩ Nghị tấu triệp. Đây là lối chiết tự các chữ mộc, lập, đẩu, thế.

[38] Là một khu vực mà nhóm Thiên Địa Hội tập trung để kết bái, có trồng tre bao quanh, cửa làm bằng giấy, được coi như thánh địa của họ.

[39] Đái Huyền Chi, Thiên Địa Hội đích nguyên lưu (天地會的源流). Đại Lục tạp chí sử học tùng thư, đệ Tam tập, đệ Ngũ sách, trang 85. Dân Quốc 65, tháng Bảy, Trung Hoa học thuật viện, Trung Hoa sử học hiệp hội.

[40] Ông Đồng Văn (翁同文), Thiên Địa Hội ẩn ngữ tân nghĩa. Sử học vựng san, đệ Thất kỳ, tr. 167-189, Dân Quốc 65, tháng Bảy, Trung Hoa học thuật viện, Trung Hoa sử học hiệp hội.

[41] Thanh Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế thực lục, quyển 47, tr. 12, Khang Hi 13, tháng tư ngày Mậu Ngọ, lời tâu của A Mật Đạt.

[42] Ông Đồng Văn (翁同文), Khang Hi sơ điệp “dĩ Vạn vi tính” tập đoàn dư đảng kiến lập Thiên Địa Hội (康煕初葉以萬為姓集團餘黨建立天地會). Trung Hoa học thuật dữ hiện đại văn hoá tùng thư, đệ tam tập, Sử học luận tập, trang 437 đến 448. Dân Quốc năm 66, Hoa Cương xb công ty.

[43] Thanh Sử Cảo (清史稿), Liệt Truyện 34, Diêu Đình Trứ liệt truyện (姚廷著列傳), trang 2.

[44] Từ Tư (徐鼒) Tiểu Điến kỷ niên (小腆紀年), đệ Ngũ sách, trang 993, tháng 11, Dân Quốc 51. Đài Loan ngân hàng kinh tế nghiên cứu thất.

[45] Quách Đình Dĩ, Đài Loan sử sự khái thuyết, trang 118, tháng 2, Dân Quốc năm 64, Chính Trung thư cục.

[46] Giang Nhật Thăng, Đài Loan ngoại ký, đệ Nhất sách, quyển 3, trang 112, tháng 5, Dân Quốc 49. Đài Loan văn hiến tùng san đệ lục thập chủng, Đài Loan ngân hàng kinh tế nghiên thất.

[47] Cung Trung Đáng, thùng 79, bao 320, hiệu 6450. Ngày 17 tháng Một năm Ung Chính 5, Cao Kỳ Trác tấu triệp.

[48] Cung Trung Đáng, thùng số 76, bao 30, hiệu 2268. Ngày 16 tháng Mười, Ung Chính 7, Lưu Sư Thứ tấu triệp.

[49] 械鬪 ”đánh nhau bằng khí giới”. Những nhóm anh chị dùng khí giới đâm chém lẫn nhau, tương tự như các băng đảng, xã hội đen ngày nay.

[50] Trang Cát Phát, “Thanh Sơ Mân Việt nhân khẩu áp bách dữ thâu độ Đài Loan” Đại Lục tạp chí, quyển 60, đệ Nhất kỳ, tr. 25. Tháng Giêng Dân Quốc năm 69, Đại Lục tạp chí xã.

[51] Trần Kỳ Lộc (陳奇祿), Trung Hoa dân tộc tại Đài Loan đích thác triển (中華民族在台灣的拓展). Đài Loan văn hiến, quyển 27, đệ nhị kỳ, tr. 1. Tháng 6, Dân Quốc 65.

[52] Y Năng Gia Củ (伊能嘉矩). Đài Loan văn hoá chí, quyển thượng, tr. 930, Tháng 8, Chiêu Hoà 40, Đông Kinh Đao Giang thư viện tàng bản.

[53] Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Đế Thực Lục, quyển 1303, tr. 25. Ngày Kỷ Mùi, tháng Tư, Càn Long 53, ký tín thượng dụ.

[54] Thượng Dụ Đáng, phương bản, ngày mồng 1 tháng Chạp, Càn Long 51. Đề bản bộ Hình.

[55] Cung Trung Đáng Khang Hi triều tấu triệp, đệ cửu tập, tr. 767. Ngày mồng 8 tháng Năm năm Khang Hi 60, Giác La Mãn Bảo tấu triệp (Mãn văn).

[56] Trang Cát Phát dịch “Tôn Văn Thành tấu triệp”, tr. 100, tháng 3, Dân Quốc 67, Văn Sử Triết xb xã.

[57] Là nữ thần chủ về sinh nở mà người dân Đài Loan tôn thờ.

[58] Cung Trung Đáng, thùng 79, bao 320, hiệu 6470, ngày 10, tháng Tám, Ung Chính 6. Cao Kỳ Trác tấu triệp.

[59] Minh Thanh sử liệu, Mậu Biên, đệ nhất bản, tr. 74. Ngày 19 tháng Chạp năm Càn Long 8. Trương Đại Tuấn yết thiếp. Tháng Ba, Dân Quốc 42, Trung Ương nghiên cứu viện, lịch sử ngữ ngôn nghiên cứu sở.

[60] Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, thùng số 2776, bao 140, hiệu 33206. Ngày 26 tháng Sáu, Càn Long 48. Hoàng Sĩ Giản tấu triệp lục phó.

[61] Cung Trung Đáng, thùng 2741, bao 188, hiệu 46413. Ngày 12 tháng Một, Càn Long 48, Nhã Đức tấu triệp.

[62] Thanh Sử liệt truyện, quyển 25, tr. 3, binh đinh Dương Hựu viết nhầm thành Dương Hỗ. Tháng 8, Dân Quốc 53. Trung Hoa thư cục.

[63] Cung Trung Đáng, thùng 2741, bao 188, hiệu 46413. Ngày 12 tháng Một năm Càn Long 48, Nhã Đức tấu triệp sao lục Ngô Thành cung từ.

[64] Cung Trung Đáng, thùng 2741, bao 177, hiệu 43511, Giác La Vĩnh Đức tấu triệp.

[65] Cung Trung Đáng, thùng 2741, bao 181, hiệu 44722. Ngày 29 tháng Tư, Càn Long 48. Hoàng Sĩ Giản tấu triệp.

[66] Quân Cơ Xứ, nguyệt triệp bao, thùng 2776, bao 140, 33320 hiệu, ngày mồng 1, tháng Bảy, Càn Long 48. Vĩnh Dung tấu triệp lục phó.

[67] Trần Chí Bình, Trung Hoa thông sử, quyển 11, tr. 119-120

[68] Án: Lời thề này căn cứ vào văn kiện về Thiên Địa Hội chép từ đời Thanh truyền xuống, nguyên văn như thế.

[69] Án: Vạn Vân Long rốt ráo là ai, mỗi nhà nói một cách. Liên quan đến sự tích nhân vật Thiên Địa Hội trong bộ sách này (tức Lộc Đỉnh Ký), không hẳn đã phù hợp với lưu truyền, trong đó quá nửa là do tác giả (Kim Dung) tưởng tượng và sáng tạo.

[70] Ba chấm đây là ba chấm thuỷ ở bên trái chữ Hồng

[71] Trong Hồng Môn Chân Sử của Tần Bảo Kỳ (Phúc Kiến nhân dân xuất bản xã, 1995) chương 4, Cận Đại Sơ Kỳ đích Thiên Địa Hội (Thiên Địa Hội thời kỳ đầu) có ghi chép rất đầy đủ cách xét nhập hội (kết minh nghi thức), yêu chứng (hội viên chứng thư), ẩn ngữ, ám hiệu, 36 lời thề, 21 qui tắc, 10 điều cấm … (tr. 135-152)

[72] Hương là thơm, Xú là thối.

[73] Án: Trong Thiên Địa Hội quả có Tiền Ngũ Phòng, Hậu Ngũ Phòng thập đường. Sái Đức Trung, Phương Đại Hồng, Mã Siêu Hưng những người đó có thực trong lịch sử, các khu vực cai quản tổng quát cũng đúng như trong sử chép. Còn ở đây về sau là tiểu thuyết miêu tả nên có thay đổi. Đoạn văn trên trích từ hồi thứ tám, tập I, trong bộ Lộc Đỉnh Ký của Kim Dung (Đài Bắc: Viễn Lưu, 1981) trang 304-310 nhan đề: 佳客偶逢如有約, 盛名長恐見無因 Giai khách ngẫu phùng như hữu ước, Thịnh danh trường khủng kiến vô nhân. Khách lạ vô tình như đã hẹn, Tiếng tăm vang dội chẳng hề không.

[74] Đây là y phục của một hương trưởng do một cảnh sát ở Hongkong mặc để làm tài liệu nhận dạng.

[75] Gốc tích của Hồng bang, tổ chức và qui luật trong bang. Truyện Ký Văn Học, May 1996 (408) tr. 115-118

[77] Đỗ Thành Hiến: Trà danh biệt xưng dữ trà trận – trà dữ dân gian bí mật (Hồ Trung Thiên Địa số 38, 10-1991) tr. 29

[78] Đỗ Thành Hiến, bđd. tr. 29

[79] Bài thơ này dùng lẫn hai chữ thanh là nhà Thanh và thanh là trong (đồng âm) ý nguyền rủa Thanh triều.

[80] Phần trà trận này chúng tôi trích một vài đoạn trong sách Thanh Bang Dữ Hồng Môn Đại Truyện (tr. 170-180), cốt để làm mẫu về cách người trong Thiên Địa Hội nhận nhau.

[81] Kim chung tráo là chuông vàng làm áo, thiết bố sam là vải sắt làm áo lót ý nói được che chở bởi áo sắt chuông vàng đao kiếm không thể nào phạm được. Còn vô ảnh tiên là loại roi khi đánh vào thì con người sẽ trở thành vô hính người khác không nhìn thấy.

[82] Vương Hồng Sển, Sài Gòn Năm Xưa (saigon: Khai Trí, 1968) tr. 252-254 (Xuân Thu, Calif. In lại theo lối photocopy bản gốc, không đề năm)

[83] Xem thêm Viễn Chinh Đài Loan (Nguyên tác: Phần VI, nhan đề Đài Loan Thiên Địa Hội đích Phát Triển dữ Lâm Sảng Văn chi dịch [台灣天地會的發展與林爽文之役], trích trong Thanh Cao Tông Thập Toàn Võ Công Nghiên Cứu (清高宗十全武功研究) của Trang Cát Phát (莊吉發) từ trang 183 đến trang 267. Người dịch: Nguyễn Duy Chính) và Dư Đảng Của Trịnh Thành Công di cư Xuống Khai Khẩn Nam Kỳ (清初鄭成功殘部之移殖南圻) nguyên tác 陳荆和 (Trần Kinh Hòa - Chen Chingho) 清初鄭成功殘部之移殖南圻 (Thanh sơ Trịnh Thành Công tàn bộ chi di thực Nam kỳ - The Migration of the Cheng Partisans to South Vietnam), 新亞學報 (Tân Á học báo - New Asia Journal - Hsin Ya Hsueh Pao), No. 5, 1960, pp. 433-459 và No. 2, August 1968, pp. 413-485.

[84] Tức chúa Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765-1777) là chúa Nguyễn sau cùng còn ở kinh đô Phú Xuân.

[85] Liệt Truyện chép: 辰兩廣烏艚海匪爲清人驅逐勢迫投歸。惠收其頭目,授以總兵,又納天地會匪黨,乘間出没,海道爲之不通。清閫臣亦畏其彊不之詰也。(XXX, 41b) Lúc đó giặc biển tàu ô Lưỡng Quảng bị người Thanh đánh đuổi, thế kẹt nên phải chạy theo (Nguyễn Huệ). Huệ thu nhận các đầu mục, ban cho chức tổng binh, lại thu nạp phỉ đảng Thiên Địa Hội, thừa cơ ra vào, đường biển vì thế không thông. Quan lại nhà Thanh vì sợ Huệ hùng mạnh nên không dám cật vấn. Bàn: Thực ra việc thu nhận hải phỉ có đã lâu, không phải là vào thời gian này (đây là khoảng 1792-93) khi vua Quang Trung sắp mất. Việc lầm lẫn về thời gian trong sử nhà Nguyễn mang tính đánh tráo khái niệm, gây nhiều khó khăn cho việc nghiên cứu đời Tây Sơn.

[86] Trong võ thuật, khi khởi động võ sinh bái tổ thường là một tay xoè, một tay nắm chứ không chắp tay như lạy Phật. Tay xoè tượng trưng cho chữ Nguyệt, tay nắm tượng trưng cho chữ Nhật. Hai tay Nhật-Nguyệt ráp lại thành chữ Minh là ý nghĩa họ là bầy tôi nhà Minh. Hiện nay nhiều võ phái ở Việt Nam vẫn bái tổ theo cách này mặc dù không có liên quan gì đến những nhóm “Phản Thanh phục Minh” của Trung Hoa.