XỨ NGƯỜI MÙ
Nguyễn Duy Chính
Phỏng
dịch từ The Valley of the Blind trong Carlos G Valles, S.J.: Courage to be Myself, Living the Fullness of
the Present with Acceptance and Knowledge of Who We Are (New York London
Toronto Sydney Auckland: Doubleday, 1989) tr. 45-49
H. G. Wells (1866-1946), một văn sĩ nổi tiếng chuyên về truyện giả tưởng, có viết một truyện rút từ cổ tích xứ Peru nhan đề là The Country of the Blind (Xứ Người Mù). Câu chuyện kể rằng có một nhóm người cách đây 14 thế hệ, lạc vào trong một thung lũng của vùng núi cao trong dẫy Andes Alps và từ đó cách ly hẳn thế giới loài người. Vì cao độ của khu vực, và thêm một bệnh truyền nhiễm mắt họ mờ dần và sau cùng mọi người đều hóa mù. Ðời nọ kế tiếp đời kia, đám dân này phát triển những giác quan của họ và linh mẫn đặc biệt. Họ có thể nhận biết người khác bằng bước chân, và có thể biết được trạng thái người khác bằng tiếng nói, bằng nhịp tim. Họ có thể hái trái, gặt lúa chỉ nhờ vào khứu giác. Và cuộc đời của họ tràn trề hạnh phúc.
Một ngày kia, một biến cố xảy đến đe dọa đời
sống thái bình của họ. Một thanh niên thích phiêu lưu vô tình lạc vào Thung
Lũng Của Người Mù. Chàng trai thấy mình là người duy nhất có đôi mắt sáng nên
động lòng trắc ẩn nguyện sẽ ở lại để giúp đỡ đám người khốn khổ. Thế nhưng anh
ta không cách nào có thể làm cho những người mù hiểu rằng họ là những người bất
hạnh, và ở trên đời có những người với đôi mắt sáng. Anh ta tìm đủ mọi cách để
chứng minh đôi mắt hữu ích và là một ân sủng của trời đất, nhưng vô hiệu. Từ
chạy đua, hái quả, săn thú, bắt chim, những người mù không những chẳng kém mà
còn trội hơn anh ta là khác. Thành ra, những thử thách anh ta đưa ra lại có hậu
quả trái ngược. Chàng trai bị toàn thể dân mù coi là một kẻ tàn phế, đôi mắt là
một khuyết tật làm mất khả năng phát triển các giác quan khác.
Ít lâu
sau, anh ta đem lòng yêu thương một cô gái. Dĩ nhiên cô ta cũng mù nhưng anh ta
hi vọng sau khi lấy nhau sẽ đem cô trở về thế giới văn minh và cứu chữa. Nhưng
sự việc lại xảy ra ngoài ý muốn. Khi hỏi cô gái có bằng lòng không cô ta trả lời:
-
Em cũng yêu anh và muốn thành
vợ thành chồng. Chỉ ngặt một điều, nếu anh không buồn thì em phải nói thật, mắt
anh có tật như thế cha mẹ em không chịu sợ rằng sau này bệnh anh lây ra mọi
người khác thì khổ. Nếu quả thực anh yêu em thì em đã có cách. Em sẽ mời một
thầy lang đến giải phẫu mắt cho anh để anh hết bệnh, khi ấy hai đứa mình sẽ
chung sống với nhau. Mổ không đau đâu, kết quả bảo đảm. Nếu anh bằng lòng sáng
mai em sẽ mời ông ta đến.
Suốt
đêm, chàng thanh niên trằn trọc. Anh ta hiểu những gì cô gái nói. Họ muốn anh
cũng mù và giải phẫu chẳng qua chỉ là móc cặp mắt của anh ta thôi. Họ muốn anh
ta bình thường, mà bình thường có nghĩa là mù. Những người mà cảm giác của họ
bị giới hạn như thế, họ chỉ suy nghĩ trong cái giới hạn ấy thôi.
Trong
đêm tối, khi ánh sáng và bóng đen không khác biệt, nghĩ đến người yêu, anh sẵn
sàng chấp nhận tất cả để dâng hiến cho ái tình. Trước khi thể xác đui mù, con
tim bắt lý trí anh mù quáng. Thế nhưng, khi ánh thái dương lóe dạng, màu sắc
rực rỡ của trời đất phủ đầy trước mắt. Những cánh đồng, những đóa hoa, những
cánh chim và bầu trời xanh làm cho vạn vật hồi sinh sau một đêm. Người thanh
niên tận hưởng những giây phút cuối cùng của cảnh trí, và nhủ thầm lời giã biệt
ánh mặt trời. Bỗng anh giật mình. Không thể được, ta không thể chui đầu vào
bóng đêm mãi mãi, không thể chịu kiếp tàn phế vì một tình yêu. Ta không phải
sinh ra đã mù, ta đã có đôi mắt sáng và dù có chọc cho mù, lòng ta cũng không
sao bình thản như họ. Ta sẽ suốt đời đau khổ. Và như điên cuồng chàng trại chạy
như bay ra khỏi thung lũng trở về với loài người.
Câu chuyện không chỉ thuần là một câu chuyện để giải trí. Nó dạy chúng ta một
bài học. Nhân loại là một tập thể mù. Và loài người sẽ hạnh phúc với cái đang
có, nếu không bỗng dưng có những kẻ sáng mắt nhìn được cái tối tăm. Cuộc đời
lúc nào cũng là một cuộc tranh đấu gay go giữa kẻ mù, yên vui trong thế giới
của họ và những người tìm được những điều mới và dám nhìn vào những điều họ
thấy. Thế nhưng loài người không chấp nhận như thế. Biết bao nhiêu nhà bác học
đã phải im tiếng, nhiều người phải lên giàn hỏa, lên đoạn đầu đài vì họ nhìn ra
một điều mới hơn những gì mà người khác đã tin. Giản dị nhất là ta nên thức
thời. Thức thời là chấp nhận một cái giá phải trả. Nhẹ nhàng, không đau đớn,
bảo đảm như cuộc mổ mắt mà chàng thanh niên trong câu chuyện trên toan chấp
nhận.
Nhắm mắt lại, đừng nghĩ ngợi, đừng tách mình
ra khỏi đám đông. Từ bỏ cặp mắt mình, từ bỏ quan điểm của mình, từ bỏ tự do của
mình. Thật dễ dàng. Ðám đông sẽ nhiệt liệt tán thưởng ta, sẽ bảo vệ ta, kính
trọng ta. Cuộc đời sẽ êm đềm và có mọi thứ.
Trừ
chính con người THỰC của mình.
- Nguyễn Duy Chính