TRƯỚC
KHI ÐI VÀO LỘC ÐỈNH KÝ
Nguyễn Duy Chính
4/2003
Như
vậy là sau gần hai năm “đánh vật” với Thiên Long Bát Bộ (TLBB), bộ
truyện dài nhất và cũng nhiều tình tiết của Kim Dung nhất đã hoàn tất. Trong
hai năm đó, bên cạnh việc chuyển ngữ 2124 trang sách, người dịch cũng có dịp
tìm hiểu về một số vấn đề trước nay chỉ biết qua và chính vì công tác dịch
thuật Thiên Long Bát Bộ khiến phải lao đầu vào tìm đọc và nghiên cứu. Mặc dù
những hiểu biết về những lãnh vực đó chỉ mới phớt qua trên mặt bì phu nhưng cũng
đáng kể để bổ túc vào cái sở học hạn chế của mình.
Trước hết, chúng tôi đã lược qua về
bối cảnh chính trị, quân sự, văn hóa của thời kỳ rực rỡ nhất trong văn minh
Trung Hoa mà đến nay những sử gia, khảo cổ gia, và những người nghiên cứu còn
kinh ngạc. Ðó là giai đoạn Ðường – Tống với những thành tựu về văn học, nghệ
thuật, lý học, số học ... mà Kim Dung đã khai thác triệt để trong những tác
phẩm của ông. Biên khảo Hậu Cảnh Thiên Long Bát Bộ chính là đề tài đề cập đến
những điểm nêu trên và sẽ được đặt lên lời nói đầu để người đọc bản dịch Thiên
Long Bát Bộ am tường hơn về xã hội được đề cập trong tác phẩm.
Thời kỳ đó một mặt dân tộc Trung Hoa
đạt được nhiều thành tựu, mặt khác lại có những mất quân bình của một xã hội
thoái trào, của một nền văn minh đã qua khỏi cái đỉnh cao của nó để trở thành
xa hoa, phù phiếm khiến cho về mặt quân sự, nhà Tống thua sút hẳn các nước
chung quanh. Ở mạn bắc thì họ bị Khất Ðan, Nữ Chân, Mông Cổ đe dọa, phía tây họ
bị Tây Hạ, Thổ Phồn khinh nhờn, phía đông thì bị những hải quốc dong thuyền
cướp phá, phía nam cũng không yên với Ðại Lý, Ðại Việt. Phương pháp cầu an của
triều đình nhà Tống là trả tiền để mua lấy hòa bình. Họ giữ được hòa hiếu với
các quốc gia lân bang bằng tiến cống, bằng nhượng bộ và việc thua trận và bị
mất về tay người Mông Cổ vào thế kỷ XII là chuyện gần như đương nhiên.
Tìm hiểu về khung cảnh đó cũng giúp
cho người dịch có cái nhìn khách quan hơn về khung cảnh chung của toàn thể châu
Á, với nhiều nguồn văn minh khác nhau, mỗi khu vực phát triển theo nét đặc trưng
riêng của mình, khu vực Nam Á và Cận Ðông nặng về tôn giáo và thần bí, khu vực
Bắc Á thiên về chinh phục và chiến đấu trong khi Ðông Á lại phát triển về văn
học, nghệ thuật. Mỗi nơi có một số ưu điểm nhưng khi có sự đụng chạm để sống
còn thì văn minh Trung Nguyên đã không thể tự vệ được vì thiếu những yếu tố chủ
đạo cho việc chiến đấu.
Cũng chính có dịp đọc lại sử liệu
của thời kỳ này, người viết đã có cái nhìn tổng quát hơn về đất nước mình vào
giai đoạn vừa giành được tự chủ sau hơn 10 thế kỷ bắc thuộc và cũng nhận thức
được phần nào sức mạnh chủ đạo của dân tộc, những yếu tố đóng góp vào chiến
thắng chống ngoại xâm trải dài khắp mọi triều đại.
Về khoa học kỹ thuật, Trung Hoa thời
đó đã đạt được những thành tựu khá lớn với những phát kiến mới mẻ áp dụng được
nhiều nguyên tắc cơ học, động học. Biên khảo Thành Tựu Khoa Học của Trung Hoa
Thời Trung Cổ giúp chúng ta có cái nhìn chính xác hơn về giai đoạn này.
Về sinh hoạt kinh tế, một bảng tóm
tắt sự phát triển của Tiền Tệ và Hệ Thống Ðo Lường giúp người đọc thêm một số
kiến thức về hệ thống kim ngân, hóa tệ, chỉ tệ làm xương sống cho kinh tế Trung
Hoa, những thay đổi theo thời gian, và những định chế kinh tế. Tuy không giải
thích được toàn bộ, chúng ta cũng hình dung được thế nào là một lượng bạc, kim
nguyên bảo, tiền đồng và tiền giấy của giai đoạn đó và những hiệp khách của Kim
Dung đã tiêu xài như thế nào.
Bên cạnh những phát triển về văn
chương nghệ thuật, đời sống của giới thượng lưu Trung Hoa cũng đã đạt tới cao
điểm của một xã hội hưởng thụ trong đó họ ca tụng những thú vui cầm kỳ thư họa
và y phục, ẩm thực. Hai nghiên cứu riêng biệt về Cờ Vây và Hoa Trà (camellia)
đóng góp một số dữ kiện, cũ và mới, giải đáp một số thắc mắc vẫn từ lâu khiến
người dịch chưa thỏa mãn. Trên phương diện văn hóa, những thưởng ngoạn đó có
những giá trị nhất định nhưng cũng như nhiều bộ môn vui chơi khác, tới một mức
nào đó đã trở thành một hình thức trói buộc hao phí khá nhiều tâm tư, tài
nguyên, thời gian một cách phù phiếm, làm trò mua vui cho cả một tầng lớp sĩ
phu đàm văn luận võ trên giấy tờ (chỉ thượng đàm binh) mà lúc giặc đến không ai
nghĩ ra được một mẹo nhỏ để đẩy lui quân địch. Ðể che đậy cái mặc cảm vô dụng,
sĩ phu Trung Hoa hết sức đề cao tư cách Văn Thiên Tường với bài Chính Khí Ca
coi như khuôn mẫu của bất khuất nhưng thực tế khi đọc lại cuộc đời và công
nghiệp của họ Văn, thái độ đó cũng chỉ là một hình thái thụ động và tiêu cực.
Ẩm Thực nói đến cái cầu kỳ của người
Trung Hoa trong ăn uống, cái quan niệm “dĩ thực vi thiên” (ăn là trời) mà họ
thường đề cao với những truyền kỳ về những món ăn trên đời khó kiếm trong đó
chúng tôi nhắc lại lịch sử khoa ẩm thực và bát trân là những món ăn của vua
chúa, kể lại bữa ăn vô cùng vĩ đại của Tây Thái Hậu đời Thanh mà ngoại sử còn
truyền tụng.
Nghiên cứu về Kinh Lạc, Khí Công soi
sáng và bổ túc một số huyền thoại và tưởng tượng của Kim Dung, những tuyệt kỹ
ông dựa vào khiến cho nhiều người trong chúng ta lầm tưởng không phân biệt giữa
thật và giả. Tuy những kiến thức đó xuất hiện trong mọi tác phẩm của nhà văn
Hương Cảng, Thiên Long Bát Bộ đặc biệt hơn cả khi nói đến khá nhiều về những
tuyệt kỹ của họ Ðoàn Ðại Lý bao gồm Nhất Dương Chỉ và Lục Mạch Thần Kiếm. Khí
công cũng lược qua những nghiên cứu của nhiều học giả cố gắng soi sáng những
huyền thoại bằng các kiến thức mới và từ đó chúng ta có thể phân biệt được thực
giả, đúng sai ngõ hầu chọn cho mình một phương pháp tập luyên phù hợp với nhu
cầu và hoàn cảnh cá nhân.
Một thiên khảo luận khá đặc biệt
khác là Y Phục Trung Hoa Thời Trung Cổ dựa trên những tài liệu và khai quật mới
để minh họa lại con người thời kỳ đó, không phải chỉ Hán tộc mà cả những dân
tộc chung quanh, cho chúng ta một cái nhìn rõ rệt hơn về đời sống và quan niệm
sắc đẹp cách đây 1000 năm, dựng lại hình ảnh mỹ nhân Trung Hoa với nét mô tả “hải
đường hàm lộ” (hoa hải đường ngậm hạt sương) đó trên thực tế như thế nào.
Ngoài những biên khảo và tìm hiểu
liên quan trực tiếp đến bộ truyện, những biên khảo vòng ngoài cũng cho người
dịch những phát kiến mới. Thiên khảo cứu Danh Tính, Cách Xưng Hô Của Trung Hoa
và Người Phụ Nữ Trung Hoa Cổ Thời cho chúng ta một số tia sáng về tôn ti trật
tự và lễ giáo của xứ con trời và những chi tiết chúng ta vẫn tưởng mình biết
rất nhiều nhưng thực sự lại không rõ rệt lắm.
Mặc dù còn nhiều đề tài có thể tiếp
tục, chúng tôi cũng ngừng lại để chuyển sang tác phẩm sau cùng và cũng là tác
phẩm được nhiều người đánh giá là vượt trội hơn cả của Kim Dung. Lộc Ðỉnh Ký
không thuần túy là một tác phẩm võ hiệp như những tác phẩm trước, nhưng lại có
nhiều chi tiết xã hội và lịch sử, lắm khi có những đoạn ông viết tưởng chừng
như để đặt vấn đề với chính chúng ta khi phần lớn người Việt Nam bị vướng mắc
vào cái quan niệm chính thống, ngụy triều ai ai cũng đi tìm một phương thức
khôi phục lại một hình ảnh đã mất mà quên rằng những bóng ma cũ đó đã biến mất
theo thời gian, thế hệ năng động nhất đang trưởng thành và là cột xương sống
cho đất nước ngày nay hầu như không còn liên hệ gì với cái quá khứ đó nữa.
Lộc Đỉnh Ký (LDK) có thể nói là một
tuyệt tác với những người tương đối lớn tuổi khi cuộc đời chồng chất, từng trải
qua những kinh nghiệm bản thân mới thấy thấm thía cái câu nói “chỉ có nơi kỹ
viện và chốn quan trường con người ta mới thực sự ...”. Bên cạnh cái mưu mẹo,
quỉ quyệt của con người, chúng ta cũng lại được nhìn rõ cái thủ thuật xưng tụng
cá nhân thường hiện diện trong những xứ độc tài, với hình ảnh lãnh tụ được xem
như một thần minh, được tô điểm và đề cao một cách lố bịch. Bút pháp của Kim
Dung càng lúc càng điêu luyện mà chúng ta đã thấy qua Tinh Tú Lão Quái Ðinh
Xuân Thu trong Thiên Long Bát Bộ, sang Ðông Phương Bất Bại và Nhiệm Ngã Hành
của Tiếu Ngạo Giang Hồ, rồi tới Hồng giáo chủ trong Lộc Đỉnh Ký.
Nét hài hước đó đã tô vẽ những nét
thật đậm cho thế cục, nhất là ảnh hưởng của nó trong thập niên 60, 70 của thế
kỷ vừa qua, đóng góp không nhỏ vào việc khai trừ những chế độ độc tài, độc đoán
trong xã hội loài người trong tiến trình đi lên của nhân loại. Riêng với người
Việt Nam, sự diễu cợt đó cũng giúp chúng ta điều chỉnh lại một số sinh hoạt xã
hội và gián tiếp đẩy lùi một số tín niệm tôn giáo và chính trị khiến con người
của thời đại mới nhìn nhau trong chiều hướng bao dung hơn và cũng dễ chấp nhận
sự khác biệt hơn, xóa đi cái quan điểm trắng đen phân biệt một cách rạch ròi,
ta địch một cách tuyệt đối.
Lộc Đỉnh Ký có một bối cảnh khá đặc
biệt, kéo dài nhiều năm trong thời vua Khang Hi. Nếu đem đối chiếu với những
niên biểu thực sự của lịch sử, chúng ta thấy có nhiều chỗ không ăn khớp. Kim
Dung ngoài việc hư cấu khá nhiều tình tiết, ông cũng phải bẻ lại hướng đi và
niên đại để cho những tình tiết đó thêm hợp lý. Chính vì thế, Lộc Đỉnh Ký cũng
như bao nhiêu bộ truyện khác của Tra tiên sinh, chúng ta chỉ nên đọc để giải
trí mà thôi. Mặc dầu có khá nhiều nhân vật lịch sử thực như Khang Hi, Ngao Bái,
Ngô Tam Quế, Ngô Ứng Hùng, Trịnh Khắc Sảng, Thi Lang ... nhưng những nhân vật
đó cũng không hoàn toàn theo sách vở mà chỉ là một sản phẩm được mượn tên để
giúp Kim Dung trình bày câu truyện của ông. Tuy nhiên không phải vì thế mà
chúng ta không có cái thú vị khi đem ra mổ xẻ những nhân vật này, so sánh con
người của họ theo sử sách và theo tiểu thuyết.
Chúng tôi cũng có dịp đọc lại lịch
sử đảo Ðài Loan để nhìn lại khung cảnh sinh hoạt xã hội triều Thanh và ảnh
hưởng của các bang hội Trung Hoa, điển hình là Thiên Ðịa Hội, sự phát triển để
từ một nhóm ái quốc trở thành một xã hội đen với tất cả những mặt trái của nó.
Cái tâm lý Lương Sơn Bạc mà người Trung Hoa bị tiêm nhiễm ngay từ nhỏ tuy cũng
tạo nên một số đặc điểm văn hóa – mà người ta gọi là nghĩa khí – chạy dọc theo
các tiểu thuyết Kim Dung thì thực tế lại cũng đem tới những hoạt cảnh không
biết nên xiển dương hay chê trách. Nghĩa Hòa Ðoàn thời Thanh mạt, Thanh Bang
thời nội chiến, những băng đảng Á Châu tại khắp các cộng đồng người Hoa trên
thế giới với những tội ác của họ cũng một phần chịu ảnh hưởng của tiểu thuyết
võ hiệp.
Về văn phong, theo nguyên bản của
Kim Dung, chúng ta cũng thấy văn chương trong tiểu thuyết của ông thay đổi theo
thời gian và càng ngày ông càng sử dụng rộng rãi hơn những từ ngữ đường phố
(street language, vulgar language, colloquial language), nói nôm na là văn
chương đầu đường xó chợ, mặc dầu không hẳn ông dùng nó để lôi kéo người đọc
bằng một lối văn tả chân mà chỉ để cho phù hợp hơn với tâm lý và cá tính của
mỗi người. Những nhân vật “bình dân”
đó đi từ Chu Ðiên ở Ỷ Thiên Đồ Long Ký (YTDLK) sang Bao Bất Ðồng, Nam Hải Ngạc
Thần trong Thiên Long Bát Bộ, tới Bất Giới Hoà Thượng, Ðào Cốc Lục Tiên trong Tiếu
Ngạo Giang Hồ (TNGH) và rồi trở thành một nhân vật chính trong Lộc Đỉnh Ký dưới
con người Vi Tiểu Bảo khiến cho người dịch cũng như người đọc cũng phải thay
đổi văn phong cho phù hợp với tâm lý mới. Phải nói rằng những danh từ thô tục
và những câu chửi của người Việt Nam tuy rất phong phú và đa dạng[1]
nhưng lựa chọn làm sao để cho văn chương không trở thành hạ lưu, lại giữ được
cái dí dỏm của nguyên tác là điều không phải dễ dàng.
Một điểm bất lợi cho chúng tôi là sự
tiếp cận với quần chúng nhất là quần chúng bình dân càng ngày càng hiếm hoi,
khiến cho lắm khi nghĩ mãi không ra một chữ để dùng cho chính xác. Làm thế nào
để giữ được văn phong của tác giả, lại chuyên chở được cái đa dạng và dồi dào
của tiếng nước mình là một vấn đề lớn.
Thành thử, cũng như những bản dịch
trước, Lộc Đỉnh Ký cũng là một công trình tập thể mà sự góp ý của độc giả đóng
một vai trò quan trọng để tìm ra một lối diễn tả thích đáng nhất. Xuyên qua
những liên hệ thư từ, người dịch được biết một số anh em trẻ trong nước cũng có
dụng tâm muốn đưa ra những bản dịch khác khi thấy nhiều ấn bản mới chưa đáp ứng
được mong đợi của người đọc. Những nỗ lực đó ít nhiều cũng đặt ra nhiều suy
nghĩ không phải cho riêng một ai.
Thứ nhất, thanh niên ngày nay không
còn “dễ bảo” như vài mươi năm trước. Họ có những tiếp cận mới và với trình độ
của họ, những đánh giá đều có cơ sở và đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn những gì
có sẵn. Tiếng nói của họ cũng là những cảnh báo về nhu cầu và nhất là tiếng nói
của “người tiêu thụ” muốn có những sản phẩm tương xứng với tiền bạc họ phải
trả. Tương quan giữa bán và mua, giữa sản phẩm và giá cả, giữa nhu cầu và cung
cấp là những bàn tay vô hình điều chỉnh thị trường, bài học sơ đẳng và cơ bản
của chủ nghĩa tư bản vẫn ít nhiều có giá trị để báo động cho nhà cung cấp biết
rằng thời kỳ độc quyền không cho phép người đọc được chọn lựa đã qua.
Thứ hai, mỗi một loại sản phẩm cũng
có nhiều mức độ và nhiều loại mặt hàng để thị trường tự điều chỉnh tiền nào của
nấy. Mỗi bản dịch ít nhiều phải có được những giá trị mới nếu muốn được chấp
nhận chứ không thể chỉ làm qua quít lấy có để đánh lừa người mua.
Thứ ba một người dịch có tư cách
phải nhận thức được đối tượng của mình và tập trung vào nhu cầu của người đọc.
Không một bản dịch nào có thể thỏa mãn mọi tầng lớp độc giả và bản dịch chỉ là
một trung gian giữa người dịch và người đọc và hai bên chia xẻ với nhau một số
điểm chung. Dù người dịch hay người đọc thì chúng ta vẫn là những thực thể độc
lập, có những khác biệt không thể san bằng và ai ai cũng cần sự khoan nhượng và
tự hiểu mình chỉ là một cá nhân trong tập thể.
Nguyễn Duy Chính
[1] Người viết đã từng được thấy một
cuốn Từ Ðiển về tiếng chửi của người VN do một giáo sĩ Pháp biên soạn và ấn
hành và đã cực kỳ kinh ngạc về sự phong phú của ngôn ngữ bình dân. Các bạn nào
đã từng xem những đoạn văn chửi mất gà của Nam Cao, Tô Hoài ghi lại sẽ thấy văn
chương sỉ mạ rất có bài bản lớp lang.