1/ Những ngày nghỉ tôi dậy sớm
ngồi uống trà trong hiên nhà, khi tia nắng ban mai xuyên qua những tàn lá và
sương mù chưa tan hẳn thì đã nghe tiếng ríu rít của những con chim bay đến cây
hồng bên góc vườn chọn những trái chín sớm nhất để rỉa ăn. Khung cảnh đó tạo
nên một vẻ thanh bình lạ lùng mà người ta có cảm tưởng rằng mình vẫn còn ở vào
thuở ban sơ khi giữa người và vật chưa phân ra quyền sở hữu. Những con vật nhỏ
bé đó là những người khách rất đáng yêu, làm cho khung cảnh vắng lặng trở nên
sinh động.
Hồi ông bà cụ tôi mới sang, mỗi
khi thấy chim ăn những trái hồng ngon, bố tôi thường tìm cách đuổi chúng đi.
Những con chim đó có lẽ không hiểu nổi tại sao khung cảnh đột nhiên đổi khác và
thường chỉ bay đi một quãng ngắn rồi đậu lại kêu chiêm chiếp như trách móc sao
lại làm dang dở bữa ăn đầu ngày của chúng. Tôi phải giải thích mãi bố tôi mới
chịu chấp nhận – một cách miễn cưỡng – rằng việc để cho chim chóc chia xẻ với
con người những sản phẩm thiên nhiên cũng là một cách làm quân bình lại cuộc
sống trên trái đất và nếu tiếc rẻ mà hái những trái chim đang ăn là khuyến
khích chúng ăn những trái còn lại.
2/ Trái hồng là một loại cây
nhiệt đới, người bản xứ ít ai ăn. Chỉ gần đây khi dân số người Á châu tăng vọt,
nhiều loại sản phẩm đồng đất nước mình mới thấy bán nhưng phần lớn cũng chỉ
trong những chợ của người di dân da vàng và người bản xứ vẫn đang làm quen với
những loại cây của nước ngoài.
Loại hồng dòn người mình ưa
chuộng nghe nói thời trước chỉ dùng để nuôi ngựa. Còn loại hồng mềm khi chín đỏ
au, cắt ra như một cục thạch ngọt lịm thì thỉnh thoảng cũng thấy bán nhưng ít
ai mua. Có cái lạ là trái hồng mềm dù trông đỏ chót nhưng ăn vào thì vẫn chát
xít và chỉ chín mọng khi bỏ vào trong bịch kèm theo một vài trái táo trong ít hôm.
Cái bí quyết dễ dàng thế vậy mà ít ai để ý.
3/ Cây hồng sau vườn được trồng
ngay khi chúng tôi dọn đến căn nhà này. Hình như bất cứ gia đình Việt Nam nào
cũng trồng một vài cây mang màu sắc quê hương đánh dấu nơi ăn chốn ở như để xác
tín với người chung quanh rằng đây là một mảnh vườn của người Á Ðông. Không
hồng thì cũng phải ổi, táo Tầu, mãng cầu, lê, xoài... Cũng có khi là một cây
ngọc lan hay hoa đại là những loài hoa đặc biệt mà người bản xứ ít khi trồng.
Riêng nhà tôi còn thêm một cây phật thủ và hai cây đào nở rực hoa ở trước nhà
mỗi mùa Tết đến.
4/ Cây hồng đó chúng tôi mua tại
một vườn ươm cây của Mỹ theo dạng bare-root vào mùa đông, khi người ta bán chỉ
gồm một cành cây và một chùm rễ bao trong một bịch mạt cưa. Nhìn cái cành khẳng
khiu đó ít ai dám tin rằng có thể sống được. Thế nhưng đó là cách trồng căn bản
nhất cho cây ăn trái và nếu biết cách, thường thường mùa xuân năm sau chúng ta
đã có một cây khỏe mạnh. Chẳng thế mà những vườn cây luôn luôn bảo đảm trong
vòng sáu tháng nếu chết đem lại họ sẽ đổi ngay cho một cây mới không cần biết
tại sao, cũng chẳng bao giờ chất vấn khách hàng dù rằng rủi ro đó gây ra do sự
bất cẩn của họ.
Những cây đó đều là dạng cây tháp
(grafted trees), gốc là một cây dại chịu được những khắc nghiệt của thiên nhiên,
còn bên trên là một mầm cây giống tốt. Hai phần đó nương tựa lẫn nhau. Cái cây
dại vô dụng kia sẽ không ai chăm sóc nếu không có đứa con nuôi ở bên trên và
cái cây cho ra những trái ngọt hoa tươi sẽ không thể nào tồn tại nếu không có
gốc cây mẹ xấu xí quê mùa ở bên dưới. Do đó khi trồng người ta luôn luôn phải
để gốc cây mẹ thò ra khỏi mặt đất để làm cái bệ cho cây con nương tựa và mỗi
khi cây gốc mọc lên những nhánh mới – của chính nó – thì người ta sẽ bẻ ngay
không thương tiếc. Nó chỉ là một thứ nhũ mẫu được mướn để nuôi cây con. Lắm khi
người ta quên chăm bón, cái cây mẹ chết hẳn một nửa nhưng nếu mưa thuận gió hòa
một thời gian nó lại hiên ngang trỗi dậy để lại tiếp tục nuôi đứa con nuôi, cho
ra những kết quả bất ngờ.
5/ Dường như con người và đất
nước Việt Nam trong vài chục năm qua cũng có một mô hình tương tự. Có những bộ
phận đi ra để làm mầm cây tháp lên gốc người nhưng cũng có những hoa thơm cỏ lạ
xứ người được đem về tháp lại lên cái nôi văn hóa Việt Nam. Ở khắp mọi nơi
chúng ta đã nhìn thấy những trái ngọt khác nhau, tuy cùng một nguồn gốc, tổ
tông nhưng đã biến dạng theo hoàn cảnh. Tiếng nói, màu da đã đổi nhiều, đến cả
cái họ, cái tên cũng lắm khi không còn tồn tại. Thế nhưng trong một tầng sâu
nào đó vẫn còn một chút hơi hướm Việt Nam và trong những thành tựu mới người ta
vẫn văng vẳng nghe được tiếng vang của những thế hệ đã qua.
Dù đã ra đến bên ngoài hay còn ở
trong nước, dân tộc chúng ta vẫn có cùng một mẫu số. Bên dưới cùng người ta vẫn
thấy một loại cây bền chắc nhưng nếu chỉ trông vào bao nhiêu đó thì chỉ cho
được những quả chua lè. Thế nhưng từ cái gốc tưởng như vô dụng và lỗi thời
trong một thế giới nhiều đổi thay kia, những mầm non được tháp lên bằng kiến
thức của khoa học, của tư tưởng nhân bản mới sẽ tạo nên được một vườn cây xum
xuê, đủ giống đủ màu. Tôi bỗng thấy mình là những trái cây chín dở, tự biết
rằng một lúc nào sẽ rụng xuống gốc để tan biến theo thời gian, hòa vào lòng đất
rồi vun xới trở lại cho những lá xanh như một vòng tròn khép kín, liên tiếp
vươn lên cho kịp với đà tiến hóa của con người. Ðịnh luật đó nào chỉ cho một cá
nhân mà là dạng thức chung cho cả một thế hệ và những ai ý thức được cái giá
trị đích thực của bản thân mình đều từ từ lui về để nhường chỗ cho những người
trẻ đi lên.
6/ Hai năm trước khi cây hồng quá
lớn, sợ cành cây có thể chạm vào đường dây điện truyền vào nhà, tôi đã cắt mấy
cành cao khiến cho cây trở nên trụi lủi như một gã ốm nặng vừa khỏi bệnh. Năm
đó trái ra kém hẳn đi khiến cha tôi không vui, chỉ sợ cây rồi đây sẽ hỏng. Thế
nhưng năm nay cây đã phục hồi và những cành cây lại đầy trái trĩu xuống tận
đất. Bao nhiêu năng lực của hai năm trước dồn vào khiến cho năm nay thu hoạch
xem ra lại còn nhiều hơn cũ. Vào những giai đoạn khó khăn của cuộc đời, ai
trong chúng ta cũng phải thu liễm và súc tích năng lực để một khi mưa thuận gió
hòa lại sẵn sàng tạo được những thành quả tốt đẹp hơn.
7/ Vào mùa hè, tôi thường hay mắc
võng nằm đọc sách dưới tàn cây. Nhìn lên trời cao, xen lẫn giữa tàn lá xanh
tươi là những trái cây mượt mà thể hiện cái sức mạnh tiềm tàng ẩn dưới lòng đất
sâu. Tôi chợt nhớ đến hai câu thơ mà hầu như người Việt nào cũng thuộc:
Cây có gốc mới
nở cành xanh ngọn,
Nước có nguồn
mới bể cả sông sâu.
Hai câu đó tôi đã dịch ra chữ Hán
để làm câu đối treo hai bên bàn thờ trong nhà:
Sâm chi lục diệp
toàn do thụ,
Ðại hải thâm hà
khởi tự nguyên.
森枝綠葉全由樹
大海深河起自源
Nguyễn Duy Chính
10/2002