Thursday, October 31, 2024

Nguyễn Duy Chính dịch: Trần Tình Biểu của tổng đốc HOÀNG DIỆU

 

 

TRẦN TÌNH BIỂU

của tổng đốc

HOÀNG DIỆU

 

Nguyễn Duy Chính dịch

 

 Mở đầu

Hơn 60 năm trước, khi vừa bước chân lên bậc Trung Học, chúng tôi được học mỗi tuần năm giờ Việt Văn mà sách giáo khoa có tên là Quốc văn toàn thư [lớp đệ Thất] – tác giả là ba vị thầy nổi tiếng Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sỹ Tế và Tô Đáng (Saigon: Việt Hùng, 1959).

Vào thời của chúng tôi, nếu ai sinh trưởng trong một gia đình có tủ sách là điều hết sức may mắn vì là nhà có truyền thống học hành. Đối với con nhà nghèo, sách giáo khoa trở thành những món ăn tinh thần. Những nhà giáo cũng không dạy theo mẫu đưa từ trên xuống mà thường tự soạn bài cho mình, miễn sao phù hợp với chương trình của Bộ Quốc Gia Giáo Dục.

Sách học cũng không thay đổi luôn như bây giờ. Anh truyền cho em, chú truyền cho cháu là việc bình thường nên những bộ sách cơ bản như Việt Nam Văn Học Sử Yếu hay Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển (Dương Quảng Hàm) thì không còn là sách của nhà trường mà dùng như sách gối đầu giường cho những ai yêu thích tiếng Việt. Đời sống eo hẹp theo nhiều nghĩa nên chúng tôi đã coi sách học như truyện đọc hàng ngày chứ không còn là những kiến thức phải “tụng” để dùng cho thi cử.

Tuy là sách giáo khoa nhưng nội dung gãy gọn, văn chương trong sáng đúng như những gì cần phải dạy cho con em. Chúng tôi đọc đi đọc lại không chán những bộ Nhà Văn Hiện Đại, Việt Nam văn hoá sử cương, Quốc văn toàn thư … không chỉ để thu nhập kiến thức mà còn học luôn cả cách viết. Văn phạm và từ ngữ thu nhập từ sách vở hơn là từ học đường. Những gì mà tác giả Vũ Ngọc Phan nêu ra về khuyết điểm của tiểu thuyết đương thời thì chúng tôi cũng coi như những bài giảng để bổ sung những gì mình chưa biết nơi trường học. Không chỉ kiến thức văn chương, khoa học, các nhà mô phạm cũng giúp cho bọn nhỏ chúng tôi làm quen với cách hành văn trong sáng của Tây phương xuyên qua những truyện dịch của Hà Mai Anh và những tuần báo thiếu nhi như Tuổi Xanh của các nhà giáo Bùi Văn Bảo, Bùi Quang Kim, Măng Non của nhóm hoạ sĩ Văn Hiếu, Văn Đạt.

Tuy thích văn chương Việt Nam nhưng tôi không mặn mà với cổ văn trúc trắc. Thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Thánh Tông khó hiểu và tối nghĩa làm sao có thể sánh được với các nhà thơ mới như Bàng Bá Lân, Trần Trung Phương, tiểu thuyết của Trần Tiêu, Tô Hoài.

Văn các cụ xưa ý nhiều lời ít, một chữ lắm khi năm bảy nghĩa nên đọc một lần không mấy khi hiểu ngay. Ngày xưa lại không có chấm, phảy để ngắt câu nên lắm khi phải đếm chữ tìm văn mạch. Tên người, tên đất không viết hoa, câu cú không xuống hàng, cứ liền một mạch từ trên xuống dưới.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà chê cổ văn vì chính việc đặt câu văn cho cân đối cũng là ưu điểm. Những bài văn hùng tráng như Hịch Tướng Sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi qua bản dịch của các cụ Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ chúng tôi gần như thuộc lòng vì các cụ tuy dịch văn mà “đối chan chát” tỏ rõ được hào khí của người xưa. Văn biền ngẫu của các bậc tiền bối cũng tạo cho hậu sinh sự kính trọng chữ nghĩa vì dù ngay cả trong những tranh luận văn chương giữa Phan Khôi và Trần Trọng Kim, thư qua lại của Phan Đình Phùng và Hoàng Cao Khải, cổ nhân vẫn không để mất cái phong độ nhà nho. Lá thư của Phan Bội Châu gửi các con để kể về tình nghĩa với cụ bà tuy mộc mạc nhưng đằm thắm cảm động.

Trong những áng thiên cổ hùng văn tôi vẫn không quên được bài biểu trần tình của tổng đốc Hoàng Diệu sau khi mất thành Hà Nội. Tờ biểu ấy ít ai để ý nhưng dù chỉ qua bản dịch cũng thấm đẫm tấm lòng của một nhà nho trong cơn quốc biến. Gần đây, trong khi tìm kiếm tài liệu, tôi gặp lại bản gốc bức thư đó bằng chữ Hán, nhớ lại kỷ niệm một thời nên chép lại và dịch ra dưới đây.

 

                           
Tác giả Lê Dư và cuốn Cụ Hoàng Diệu

Bản chữ Hán xuất hiện trong cuốn “Tiểu sử Cụ Hoàng Diệu”, tác giả Lê Dư, do Quốc Dân thư xã ở Hà Nội ấn hành tháng 10 năm 1945. Đây là một cuốn sách mỏng, phần viết về cụ Hoàng Diệu chỉ độ gần 30 trang, thuộc loại Sách Danh Nhân, theo sự giới thiệu của nhà xuất bản thì ngoài quyển này còn có các đề mục Phan Chu Trinh, Lương Ngọc Quyến, Nguyễn Tri Phương, Đinh Công Tráng, Nguyễn Quyền, Lương Văn Can, Chu Văn An tức là hầu hết những nhà nho chống Pháp nói lên phần nào phong khí quốc dân thời đó đang sôi sục việc giành độc lập.

Lê Dư (1884-1967), biệt hiệu Sở Cuồng, thuở trẻ tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và từng du học nhiều nước ở Đông Á. Ông làm việc trong Viện Viễn Đông Bác Cổ, biên soạn nhiều tài liệu và sách vở và cộng tác với nhiều tạp chí danh tiếng của nước ta hồi đầu thế kỷ XX như Nam Phong tạp chí, Hữu Thanh, Đông Thanh, Đông Tây …

Trần Tình Biểu nguyên văn chữ Hán được đăng tải tại trang 11-12 tập sách này và bản dịch của Lê Dư xuất hiện trang 12-14.

Bên cạnh bản dịch của Lê Dư, tôi cũng sưu tầm được một bản dịch khác in trong quyển “Các văn cổ về Hà Thành Thất Thủ và Hoàng Diệu” của giáo sư Hoàng Xuân Hãn, là tác phẩm khá đầy đủ về tài liệu dân gian nhân việc thất thủ Hà Nội. Tập sách mỏng này do nhà xuất bản Sông Nhị, Hà Nội ấn hành năm 1950 và bản dịch “Di Biểu của Hoàng Diệu” (Trần tình biểu) nằm trong phần Phụ Lục số 1 (tr. 57-58).

Ngoài ra, trong tạp chí Tri Tân, số 182, năm thứ Năm, thứ năm ngày 12 tháng tư 1945 trong bài Hoàng Diệu (1828-1882) tác giả Khuê Trai có dịch bài biểu nhưng chỉ chọn một số câu, đôi khi chỉ tóm ý chứ không hoàn toàn đầy đủ.

So sánh các bản dịch, chúng tôi thấy hai cụ Lê Dư, Khuê Trai không thắc mắc gì về tác giả của bài biểu này nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn thì không tin hẳn vì có một số điểm chưa rõ ràng. Sau đây là phần ghi chú của giáo sư trong tác phẩm nêu trên:


Bài biểu này nguyên bằng Hán-văn, viết theo lối tứ-lục, gồm từng hai câu đối một, trừ một vài câu ngắn ở đầu tiết hay cuối bài. Tôi gắng dịch theo lối ấy.

Tôi đã theo một bản chép cũ. Hiện nay tôi chưa có bản khác để so sánh. Và sách Đại-Nam Thật lục cũng không hề nói đến di biểu ấy.

Mà sự so sánh ấy rất cần. Vì nó có thể giải quyết một câu hỏi mà tôi nêu ra, là bài di biểu này có thật của Hoàng Diệu viết ra, hay là của người khác viết thay cho ông sau khi ông đã mất.

Có sự nghi ngờ ấy, là bởi trong bản của tôi cũng như trong bản mà ông Khuê-trai đã dùng trong bài Hoàng Diệu đăng báo Tri-tân số 182, đều chép lầm ngày Pháp hạ chiến-thư. Các bản ấy đều chép: “Bản nguyệt sơ thất nhật, tiên hạ chiến-thư, thứ nhật cấp kích”, nghĩa là ngày mồng BẢY tháng này, trước hạ chiến-thư, ngày sau đánh gấp. So với lời thông Phong đã kể rõ-ràng trên, so với sách Đại-nam Thật-lục và so với chính lời của Henri Rivière trình về Pháp (xem bài sau) thì chép thế là sai.

Hoặc giả những bản biểu quả thật chép sai như vậy, thì chắc chắn rằng không phải Hoàng Diệu viết ra, vì không lẽ gì mà ông vẫn tỉnh-táo viết được bài văn tứ-lục, mà quên việc mới xẩy ra lúc buổi sáng ngày.

Hoặc giả những bản biểu có thật, nhưng do một người nào đã sao lầm từ trước. Sự lầm ấy có thể xẩy ra như sau. Nguyên văn hai câu “Tiên hạ chiến thư, thứ … cấp kích” cân đối nhau. Chữ tiên là trước hay đầu, chữ thứ là sau. Chữ hạ là một động tự, thì chữ thứ hai trong vế dưới cũng là một động-tự, ví dụ như chữ tiến chẳng hạn. Những kẻ sao vô-ý, nên chép thành thứ nhật, nghĩa là ngày sau. Nhưng như thế là sai ngày đánh thành Hà-nội. Cho nên sau có kẻ lại phải chữa ngày hạ chiến-thư là ngày mồng bảy, để cho ngày mất thành trở nên đúng.

Đó chỉ là một giả-thuyết mà thôi. Phải có thêm tài-liệu, mới giải quyết được điểm ngờ này.[1]

Về điểm này, có lẽ giáo sư Hoàng Xuân Hãn với suy nghĩ khoa học của Tây phương nên thấy vậy. Riêng chúng tôi thì lại không cho rằng điểm ngày tháng trong tờ biểu này sai lầm. Theo như diễn tiến sự việc, bức tối hậu thư được viết ngày hôm trước tức ngay hôm Rivière tới nơi (24, Avril, 1882) và được thông ngôn dịch ra chữ Hán. Tuy nhiên bức thư chỉ được gửi tới sớm (5 giờ sáng) ngày 25, Avril, 1882 và người Pháp tấn công thành Hà Nội ngay sáng hôm đó.

Cứ theo lối tính toán không mấy chặt chẽ của người Việt Nam, ban đêm thường tính theo canh Một, canh Hai, canh Ba … thì sáng sớm vẫn còn là canh Tư, canh Năm … chưa là ngày mới. Thành thử trong văn từ nếu có lệch lạc chút đỉnh thì cũng là lẽ bình thường. Vì ba bản dịch trên đây có thể là ba dị bản được chép lại từ ba nguồn khác nhau, việc so sánh giúp chúng tôi có thể đọc và đoán được một số chữ Hán. Tuy tờ biểu này không chấm câu nhưng giáo sư Hoàng Xuân Hãn nói rằng viết theo lối văn tứ lục và bản dịch của ông cũng cố theo lối ấy nên cũng giúp cho chúng tôi ngắt câu khi tìm hiểu. 

TIỂU SỬ

 


Tổng đốc HOÀNG DIỆU

(1828-1882)

Hoàng Diệu tên gốc là Hoàng Kim Tích, tên chữ là Quang Viễn, hiệu là Tĩnh Trai sinh ngày mồng 10 tháng Hai năm Kỷ Sửu (1829, Minh Mạng 10), người làng Xuân Đài, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Anh em ông tất cả bảy người nhưng một người mất sớm, sáu người còn lại đều đỗ đạt, có ba người ra làm quan.

Hoàng Diệu đỗ cử nhân khoa Mậu Thân (1848, Tự Đức nguyên niên) khi mới 20 tuổi (ta), đỗ phó bảng năm Quí Sửu (1853, Tự Đức 6). Thoạt tiên ông được bổ nhiệm làm tri phủ Tuy Phước rồi sang tri phủ Tuy Viễn (Bình Định) sau làm tri huyện Hương Trà (Thừa Thiên), tri phủ Lạng Giang (Bắc-ninh) rồi lên án sát Nam Định, bố chính Bắc Ninh.

Năm Tự Đức 30 (1877), ông được thăng lên tham tri bộ Hình, rồi sang tham tri bộ Lại, kiêm trông coi Đô Sát Viện. Năm Tự Đức 32 (1879), ông được đưa ra bắc làm tổng đốc Hà Ninh, trong suốt ba năm không những chu toàn việc công mà còn cố gắng sửa sang thành luỹ, huấn luyện quân đội để chuẩn bị đối phó với dã tâm của người Pháp.

Tháng Hai năm Tự Đức 35 (1882), người Pháp thình lình gửi binh thuyền ra Bắc Kỳ, lấy cớ tiễu trừ quân Cờ Đen và đòi vào đóng ở trong thành Hà Nội. Hoàng Diệu vội vàng xin thêm quân để đề phòng nhưng triều đình không chấp thuận. Người Pháp đòi quân ta giải giới nhưng quan ta nhất định sống chết với thành chứ không chịu hàng phục.

Chiều mồng 7 tháng Ba, quân Pháp bao vây thành Hà Nội, sáng sớm hôm mồng 8 thì gửi chiến thư yêu cầu Hoàng Diệu và các quan phải ra trình diện ở Đồn Thuỷ. Tổng đốc Hoàng Diệu sai án sát Tôn Thất Bá ra điều đình nhưng chưa nghe tin tức gì thì lúc 8 giờ sáng hôm đó, quân Pháp bắt đầu bắn vào, đến 11 giờ trưa thì bên ta hoàn toàn thất bại. Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tận ở Võ Miếu, các quan đều bỏ chạy cả.

Khi tuẫn tiết, có lẽ Hoàng Diệu cũng không biết được một thực tế đang xảy ra trong triều đình. Năm 1873, Francis Garnier tấn công thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương liều chết chống giữ nhưng không thành công. Chỉ trong một giờ, người Pháp đã lấy được thành Hà Nội. Nguyễn Tri Phương bị bắt nhưng không chịu để cho địch băng bó vết thương, nhịn đói chịu đau mà chết.

Sau những thất bại quân sự, triều đình Huế liên lạc với nhà Thanh để cầu viện với chủ đích dựa vào Trung Hoa để chống Pháp. Trong khoảng từ 1873 đến 1883, nước ta đã gửi sang Trung Hoa 4 phái đoàn (các năm Tự Đức 26, 30, 34 và 36) mặc dù theo những thương ước ký với Tây phương thì nước ta được hoàn toàn độc lập về ngoại giao, không lệ thuộc ai nữa.

Nhà Thanh cũng nhân cớ trao đổi thương mại nên cử nhiều phái đoàn bí mật liên lạc khiến triều đình Việt Nam tin rằng nhà Thanh sẽ thay mình để đánh với người Pháp. Vua Tự Đức cũng yêu cầu Trung Hoa đem tàu chiến đến Thuận An làm hàng rào bảo vệ kinh đô. Nhân dịp nước ta suy yếu, nhà Thanh sai Tạ Kính Bưu, Đường Cảnh Tùng, Từ Diên Húc đem quân sang đóng giữ những tỉnh phía bắc sông Hồng.

Ngày mồng 13 tháng Tư năm Tự Đức 36 (19-5-1883), Henri Rivière bị quân Cờ Đen phục kích giết chết ở phủ Hoài Đức.

 



Trần Tình Biểu (bản Hán Văn)

Nguyên văn

嗣德三十五年三月初八日,

河内省督部堂黄耀陳情表

臣學問粗疏,委用甚巨。

蒙一方之重寄,屬三陲之未寧。

一介書生,素不習夫邊事。

十年商約,又安信夫戎心。

臣自受命,三年于茲。

訓練甲兵,繕修城堡。

非惟固我强圉,倂以戢彼豺狼。

不謂

鳥室方綢,獸心啟變。

本年二月日

接見富國火船,四集屯駐,

居多彼兵遠來,民情恟擾。

臣窃以河城

乃北圻咽喉之地,而我國要害之區,

一且或至土崩,諸省次從瓦解。

臣爲此惧,

緊咨鄰省,上聞朝廷。

乞求添兵,庶早及事。

而詔書屢下責臣

以齎兵而恐喝罪,臣以制禦之失宜。

伏讀訓辭,有甚斧鉞。

僚庶失望,進退兩難。

緊知專制,撫能敢執大夫出强之義。

徒自告戒,是惧嘗鑒古人事君之心。

日與一二有司商議,

或謂開門以聴彼之出入,或謂撒兵以释彼之慊。

與似此所爲,臣雖碎骨粉身有所不忍。

調度未定,彼已敗盟。

本月初七日先下戰書,次日急擊。

賊兵蟻附,洋砲雷聞。

庸外延燒,城中喪氣。

而臣[]

扶病力戰,爲士卒先,

射斃百餘,死守半日。

彼盈我竭,援絕勢窮。

武弁則怯敵而群奔,文臣則望風而隨潰。

寸心如割,隻手難持。

將畧非長,自嘆()生而無益。

城亡莫救,縱然死有餘辜。

抽身以四厥終,不能存曹沫 之見。

隕首以塞其責,但自效張巡 之爲。

何忠義之敢言,惟事勢之必至。

中土而淪爲戎地,多慚北城都人士於生前。

孤心而誓與龍城,願()先臣阮知方於地下。

數行血淚,萬里君門。

願照日月之明。表臣赤心而已。

Dịch âm

Tự Đức tam thập ngũ niên tam nguyệt sơ bát nhật,

Hà Nội tỉnh đốc bộ đường Hoàng Diệu trần tình biểu

Thần học vấn thô sơ, uỷ dụng thậm cự.

Mông nhất phương chi trọng ký, thuộc tam thuỳ chi vị ninh.

Nhất giới thư sinh, tố bất tập phu biên sự.

Thập niên thương ước, hựu an tín phu nhung tâm.

Thần tự thụ mệnh, tam niên vu tư.

Huấn luyện giáp binh, thiện tu thành bảo.

Phi duy cố ngã cường ngữ, tính dĩ tập bỉ sài lang.

Bất vị

Điểu thất phương trừu, thú tâm khởi biến.

Bản niên nhị nguyệt nhật

Tiếp kiến Phú quốc hoả thuyền, tứ tập đồn trú.

Cư đa bỉ binh viễn lai, dân tình hung nhiễu.

Thần thiết dĩ

Hà thành

Nãi Bắc Kỳ yết hầu chi địa, nhi ngã quốc yếu hại chi khu,

Nhất thả hoặc chí thổ băng, chư tỉnh thứ thung ngoã giải.

Thần vi thử cụ,

Khẩn tư lân tỉnh, thượng văn triều đình.

Khất cầu thiêm binh, thứ tảo cập sự.

Nhi chiếu thư lũ hạ trách thần.

Dĩ tê binh nhi khủng hát tội,

Thần dĩ chế ngự chi thất nghi.

Phục độc huấn từ, hữu thậm phủ việt.

Liêu thứ thất vọng, tiến thoái lưỡng nan.

Khẩn tri chuyên chế, phủ năng cảm chấp đại phu xuất cường chi nghĩa.

Đồ tự cáo giới, thị cụ thường giám cổ nhân sự quân chi tâm.

Nhật dữ nhất nhị hữu ty thương nghị,

Hoặc vị khai môn dĩ thính bỉ chi xuất nhập,

Hoặc vị tán binh dĩ thích bỉ chi hiềm.

Dữ tự thử sở vi, thần tuy toái cốt phấn thân, hữu sở bất nhẫn.

Điều độ vị định, bỉ dĩ bại minh.

Bản nguyệt sơ thất nhật,

Tiên hạ chiến thư, thứ nhật cấp kích.

Tặc binh nghĩ phụ, dương pháo lôi văn.

Dung ngoại duyên thiêu, thành trung táng khí.

Nhi thần [khương]

Phù bệnh lực chiến, vi sĩ tốt tiên,

Xạ tễ bách dư, tử thủ bán nhật.

Bỉ doanh ngã kiệt, viện tuyệt thế cùng.

Võ biền tắc khiếp địch nhi quần bôn, văn thần tắc vọng phong nhi tuỳ hội.

Thần thốn tâm như cát, chích thủ nan trì.

Tướng lược phi trường, tự thán [quý] sinh nhi vô ích.

Thành vong mạc cứu, túng nhiên tử hữu dư cô.

Trừu thân dĩ tứ quyết chung, bất năng tồn Tào Mạt chi kiến.

Vẫn thủ dĩ tắc kỳ trách, đãn tự hiệu Trương Tuần chi vi.

Hà trung nghĩa chi cảm ngôn, tuy sự thế chi tất chí.

Trung thổ nhi luân vi nhung địa, đa tàm Bắc Thành đô nhân sĩ ư sinh tiền.

Cô tâm nhi thệ dữ Long thành, nguyện phiếm (trủng ) tiên thần Nguyễn Tri Phương ư địa hạ.

Sổ hàng huyết lệ, vạn lý quân môn.

Nguyện chiếu nhật nguyệt chi minh, biểu thần xích tâm nhi dĩ.

Dịch nghĩa

Năm Tự Đức thứ 35, tháng Ba, ngày mồng 8.

Trần tình biểu của tổng đốc tỉnh Hà Nội Hoàng Diệu

Thần,

Học vấn sơ sài, dùng việc quá lớn.

Giao cho trọng trách một phương, vào lúc ba vùng chưa tĩnh.

Một kẻ thư sinh, xưa nay chưa từng lo việc biên thuỳ.

Mười năm thương ước, sao có thể tin được lòng nhung địch.

Thần,

Từ khi nhận lệnh, cũng đã ba năm.

Huấn luyện binh biền, tu sửa đồn trại.

Không phải chỉ để thành trì thêm vững, mà cũng là dập tắt dạ sài lang.

Ngờ đâu,

Tổ chim vừa dệt, thú dữ manh tâm.

Vào tháng Hai năm nay, thấy binh thuyền nước Pháp đồn trụ khắp nơi.

Vì chưng quân xa đến nhiều, khiến cho lòng dân thêm loạn.

Thần trộm nghĩ Hà thành là cổ họng của Bắc Kỳ, cũng là nơi quan yếu của đất nước.

Nếu một khi nơi đây đất lở, các tỉnh sẽ tan như ngói rơi.

Thần sợ là thế nên đã khẩn cấp gửi thư cho các tỉnh chung quanh,

Lại cũng tâu lên xin được thêm quân để sớm lo việc gấp.

Thế nhưng chiếu thư mấy lần gửi xuống trách cứ thần tội đem quân doạ giặc, sắp đặt công việc thiếu cơ nghi.

Cúi đọc huấn từ, lời lẽ còn nặng hơn rìu búa. Đồng liêu chẳng biết trông vào đâu, hai bề tiến lui đều gian khó.

Không đủ tài tự quyết, lẽ nào lại dám theo cái nghĩa tỏ mạnh của đại phu.

Đành tự răn chính mình, thôi cứ cái đạo thờ vua của cổ nhân mà theo đuổi.

Ngày ngày với các ti thương nghị, người thì thì bảo mở cửa thành mặc chúng ra vào, người thì xúi tản quân ra để cho giặc khỏi ghét.

Những điều như thế, thần dù thịt nát xương tan, dạ cũng không đành.

Sắp đặt chưa xong, giặc nay bội ước.

Ngày mồng 7 tháng này, trước vừa hạ chiến thư, ngày sau đem quân đánh úp.

Quân giặc leo như đàn kiến, pháo thuyền bắn như sấm vang.

Ngoài phố cháy lan, trong thành mất vía.

Trong người đang bệnh, thần vẫn đi đầu sĩ tốt, hết sức xông lên, bắn giết được hơn trăm tên, giữ thành được hơn nửa buổi.

Thế nhưng địch đầy mà ta cạn, không có tiếp viện, thế đến nước cùng.

Quan võ sợ giặc, vừa ra đã chạy hàng đàn,

Quan văn bé gan, phong thanh liền trốn cả lũ.

Lòng thần như cắt, một mình không giữ được lâu.

Thao lược chẳng phải sở trường, tự thẹn mình sống là vô ích.

Thành mất nay không cứu được, thôi đành chết cũng chưa đền.

Đem thân báo đáp mà thôi, đâu dám theo gương Tào Mạt, [2]

Treo mình để tròn trách nhiệm, đành nay một chết Trương Tuần. [3]

Nào phải trung nghĩa gì đâu, sự thế ấy là phải thế.

Đất nước rơi vào tay nhung địch, sống cũng thẹn với nhân sĩ Bắc Hà.

Một lòng nguyền gìn giữ Long thành, thôi đành theo Nguyễn Tri Phương xuống đất.

Lệ máu mấy hàng nhỏ xuống, cổng trời vạn dặm xa xôi.

Mong nhật nguyệt sáng soi để thần được tỏ tấm lòng son vậy.

Nguyễn Duy Chính

7-2023

PHỤ LỤC

Bản dịch Sở Cuồng

Tôi học vấn tầm thường được vua uỷ nhiệm rất nặng, đương lúc ba cõi chưa yên, lại phải gánh trọng trách tại một nơi trọng yếu.

Một kẻ thư sinh việc biên cương vẫn chưa thường tập. Mười năm thương ước, lòng giặc đâu có dễ tin.

Tôi từ khi phụng mệnh đến nay, đã ba năm luyện tập binh giáp, sửa sang thành luỹ, không chỉ giữ vững cương giới, cũng để phòng lũ sài lang.

Không ngờ ổ chim mới rịt, lòng thú đã lung, trong ngày tháng hai năm nay các hoả thuyền của Pháp tụ lại đồn trú rất nhiều, binh họ từ xa đến, lòng dân ta nôn nao.

Tôi thiết nghĩ: Hà thành là một nơi yết hầu của Bắc kỳ, lại là nơi yếu hại của nước ta, nếu một mai đến như đất lở thì các tỉnh sẽ đến như ngói tan.

Tôi sợ nỗi thế, đã cấp báo các tỉnh gần và tâu lên triều đình, xin phái thêm binh để cho kịp việc. Nhưng mà chiếu thư ban xuống, trách tôi đem binh để doạ họ, quở tôi chế ngự sai đường.

Cúi đọc tờ dụ, sợ hơn gươm dao, liêu thuộc đều chán nản, tiến thoái thật khó nghĩ. Tôi tự biết không đủ tài chuyên chế đâu dám theo cái nghĩa đại phu xuất cương.

Chỉ mình cáo giới lấy thân, thường giữ tấm lòng như người xưa thờ chúa. Thường ngày cùng một vài nhà đương chức thương lượng, hoặc kẻ nói: nên mở cửa thành để cho họ ra vào tự do, hoặc kẻ bàn: triệt binh để tránh sự hiềm nghi của họ.

Nếu làm như thế, tôi dù đến nát thịt tan xương cũng không nỡ làm. Tôi điều khiển chưa xong, họ đã trái lời thề.

Hôm mồng bẩy tháng này trước đưa một tờ chiến thư, hôm sau liền đem binh đánh. Lính giặc như kiến bâu, súng tây như sấm nổ, cháy lan đến ngoài phố mất vía cả trong thành.

Tôi tuy gượng bệnh, cũng ra đánh để làm tiên phong cho quân lính, bắn chết chúng nó hàng trăm, liều chết giữ được nửa ngày. Họ mạnh ta yếu, thế cùng mà vô viện, bọn võ biền thì sợ giặc mà chạy tan, bọn văn thân trông thế mà trốn hết.

Tấc lòng tôi như cắt, một tay khó duy trì, tướng lược vốn không sở trường; hổ sinh ở đời mà vô ích.

Thành mất không thể cứu được, dù chết mà tội hãy còn, đâu dám theo lối hàng như Tào Mạt, thoát thân để mong ngày về sau; chỉ theo cách chết của Trương Tuần, vùi đầu để tắc cái trách, đâu dám nói là trung nghĩa gì, chẳng qua sự thế phải đến thế.

Trung hạ mà hãm thành đất mọi, hổ với Bắc thành đô nhân sĩ lúc sinh tiền.

Cô trung thề chết với Long thành, nguyện theo tiên thần Nguyễn Tri Phương ở chín suối. Mấy hàng huyết lệ, muôn dặm cửa vua, mong bóng sáng của nhật nguyệt tỏ đến tấm lòng của tôi.

Bản dịch Hoàng Xuân Hãn

Tôi, học vấn thô sơ, uỷ dụng rất lớn. Được giao giữ một phương đất nước, gặp phải khi bờ cõi chưa yên.

Một kiếp thư sinh, chưa từng quen lo biên sự; mười năm thương ước, thế nào tin được địch tâm.

Tôi từ khi chịu mệnh đến nay, đã được ba năm. Huấn luyện giáp binh, sửa sang thành trại. Ấy chẳng những lo toan củng cố bờ cõi, mà cũng là phòng bị lòng chúng sài lang.

Nào ngờ: tổ chim vừa rào, lòng thú gây biến. Tháng hai năm nay, bốn hoả thuyền Phú (Pháp) về tụ tập, các đồn binh chúng thêm nhiều quân. Quân kia xa lại, lòng dân nôn nao.

Tôi trôm nghĩ rằng Hà thành là đất cuống họng của Bắc kỳ, lại là khu yếu hại của bản quốc. Nếu một ngày tan tành như đất lở, thì các tỉnh lần lượt mất như ngói bong.

Tôi lấy làm lo. Khẩn tư các hạt, tâu lên Triều đình. Xin cho thêm binh, may sớm kịp việc.

Thế mà chiếu thư mấy lần ban xuống: Quở tôi việc đem quân doạ dẫm, bắt tôi tội chế ngự thất thời.

Kính đọc lời dạy, thấy rất nghiêm khắc. Quan dân thất vọng, tiến thoái lưỡng nan.

Rất hay rằng tự quyết không tài, há giữ nghĩa đại phu ra cõi;

Đành tự lấy dạy răn làm sợ, từng kính lòng cổ nhân thờ vua. Hằng ngày, với một hai đồng liêu bàn nghị. Kẻ thì bảo nên mở cửa, cho nó mặc ra vào; kẻ thì bàn hãy triệt binh, để nói thôi nghi kị.

Những việc như thế, thì dẫu phải tan xương nát thịt, tôi không nỡ lòng làm.

Thu xếp chưa quyết, nó đã bội hoà.

Ngày mồng bảy tháng này, trước hạ chiến thư, ngày sau đánh gấp. Quân giặc leo như đàn kiến, súng giặc nổ như sấm ran. Ngoài phố cháy lan, trong thành khí mất.

Mà tôi, gượng bệnh ra sức đánh, đi đầu trước quân binh. Bắn chết hơn trăm, liều giữ nửa buổi.

Nó đủ, ta kiệt; viện tuyệt, thế cùng. Vũ biền thì sợ giặc mà chạy hàng đàn, văn thần thì ngóng chừng mà tan cả lũ.

Lòng tôi như cắt, một tay khôn cầm. Tướng lược không tài, tự nghĩ sống là vô ích;

Thành mất chẳng cứu, ví bằng chết cũng chưa đền. Đem thân định quyên sinh, không thể học Tào Mạt hay doạ địch; treo cổ đền trách nhiệm, chỉ mong theo Trương Tuần chết giữ thành.

Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thế bắt buộc.

Đất trung thổ trở nên địch địa, sống thẹn cùng phường nhân sĩ Bắc hà;

Lòng cô trung thề với Long thành, chết mong theo Nguyễn Tri-Phương dưới đất.

Mấy hàng huyết lệ, muôn dặm quân môn. Nguyện ánh sáng nhật nguyệt soi tỏ tấm lòng son của tôi mà thôi.

Tự Đức năm thứ 35, ngày mồng tám tháng tư.

 


[1] Hoàng Xuân Hãn. Các văn cổ về Hà Thành thất thủ và Hoàng Diệu (Hà Nội: Sông Nhị, 1950) tr. 59.

[2] Tào Mạt là người nước Lỗ, là người có sức khoẻ. Vua Lỗ Trang Công (693 - 662 TCN) là người chuộng sức mạnh, nên cất ông làm tướng nước Lỗ. Tào Mạt được Lỗ Trang Công cử làm tướng đánh nước Tề ba lần đều bị thua, bị mất nhiều đất đai về tay nước Tề. Lỗ Trang Công sợ thế nước Tề mạnh, bèn hiến đất Toại ấp để cầu hoà. Vì yêu mến Tào Mạt, Trang Công vẫn không trị tội thua trận mà vẫn để Tào Mạt làm tướng như cũ.

[3] Trương Tuần (709-757) là tướng nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông tham gia cuộc chiến chống loạn An Sử giữa thế kỷ 8, nổi danh trong trận Tuy Dương vì tinh thần tận trung với nhà Đường, quyết chiến tới cùng với loạn quân. Ông là 1 trong 41 công thần được thờ tại Đế vương miếu trong đó thờ những vị quan văn, võ tướng được đánh giá là tài năng và tận trung nhất qua các triều đại.