Thursday, October 17, 2024

Nguyễn Duy Chính: LA QUẾ TƯỜNG 羅桂祥 VÀ NỖ LỰC HỒI SINH ẤM NGHI HƯNG

 

 

LA QUẾ TƯỜNG

羅桂祥

NỖ LỰC HỒI SINH ẤM NGHI HƯNG

Nguyễn Duy Chính

 

Lời mở đầu

Tôi uống trà bằng ấm nhỏ từ năm 1971 khi vừa mới ra trường, qua cái duyên quen biết một ông chủ quán cà phê ở Tây Ninh. Quán nằm trên một ngọn đồi nhỏ rất yên tĩnh, là nơi duy nhất có thể nghe nhạc và ngắm tranh vì anh chủ quán có một bộ sưu tập băng từ tính rất phong phú chứng tỏ chủ nhân là một khách văn chương. Cái quán cũng trang trí bằng những bức tranh rất mới, rất đẹp mà chính anh là tác giả.

 Sau nhiều lần đến quán, một hôm thay vì đem cho tôi một ly cà phê như thói thường, anh bưng ra một bộ ấm trà hạt mít và mời tôi uống với anh một ấm trà tàu. Đó là lần đầu tiên tôi biết đến món uống đặc biệt này và khi sang đất Mỹ tạo thành cái duyên với trà và ấm đất. Ở Việt Nam tôi chỉ có một chiếc ấm trà loại Mạnh Thần, thuỷ bình,[1] duy nhất mà đến nay tôi cũng không biết bộ ấm trà đó tốt xấu thế nào vì không còn nữa.

Gần đây, khi kỹ nghệ làm ấm, sưu tầm ấm bùng nổ, ấm nay không chỉ dành cho người sành điệu mà chủ yếu là người có tiền. Một chiếc ấm nặn tay, có bảo chứng của một danh thủ có khi lên đến hàng chục nghìn Mỹ kim mà ở Việt Nam số hội viên trong những câu lạc bộ chơi ấm trà không phải là ít.



Bát tử sa có nắp bán qua Âu châu

(sưu tầm của người viết)

Tôi không thuộc hàng chơi ấm theo lối đó, bởi vì theo tôi, mỗi người chúng ta có cái “duyên”, việc gặp gỡ, được và mất là “tùy duyên”, không phải chỉ có tiền là đủ, mặc dù dư giả và mạnh tay thì dễ sưu tầm những loại hiếm quí hơn. Tôi cho rằng cái ấm – cũng như đồ cổ - có cái hồn của nó và nếu đúng người đúng của thì trở thành tri kỷ, còn nếu như không có sự đồng cảm thì vẫn cách xa, có khi ẩn tàng mối họa không chừng. Ấm cũng không biết thế nào, cái mình mua với giá cao chưa hẳn đã là cái mình thích mà còn tuỳ thuộc vào nhu cầu và sự tương tác với người uống. Đến một lúc nào đó, sự kén chọn ấm hay trà không còn quan trọng vì một khi không còn hiếm thì quí cũng ra đi. Thế nhưng trong mấy chục năm qua, việc đam mê những chiếc ấm đất cũng giúp tôi hòa mình vào cái khung cảnh sinh hoạt của giới uống trà.

Duyên với ấm

Những ngày đầu tiên mới qua Mỹ, lang thang trên các đường phố ở Chinatown thấy ấm đất đã bán trong các tiệm trà, chủ yếu là của người Đài Loan và cũng phần nhiều là ấm sản xuất tại Đài Loan. Ấm lục địa, dù chính gốc Nghi Hưng thì thuở đó cũng còn thô kệch và giá cả không cao, được bán như những mặt hàng tiêu thụ cho đại chúng nên ít người để ý. Một chiếc ấm Đài Loan có giá gấp ba, bốn lần ấm sản xuất từ lục địa.

Đầu thập niên 1980s, ở vùng tôi ở chưa có tiệm bán trà – hay có mà tôi không biết – nên mỗi khi cần, tôi phải lái xe lên Los Angeles, ở đó có một khu phố người Trung Hoa (Chinatown) buôn bán lẫn lộn giữa các tiệm người Đài Loan, Hongkong, và lác đác một vài tiệm hàng lục địa. Chủ yếu buôn bán hàng gia dụng vẫn là người Hoa Hongkong và hàng cao cấp hơn thì hàng Đài Loan hay Nhật Bản. Người Hoa từ Trung Hoa lục địa chưa thấy nhiều.

Tôi lên đây cũng hay đi lang thang mua sách. Có vài tiệm sách Tàu, bán lẫn lộn sách mới và những loại sách in đã lâu chưa tiêu thụ được. Có thể nói khu phố Chinatown này gần giống như những khu phố ở Chợ Lớn trước đây nên không lạ lẫm gì mặc dù tôi không nói được tiếng Tàu, dù là tiếng Quảng Đông là tiếng thông dụng ở vùng tôi sinh sống. Những cuốn sách đầu tiên tôi mua được hồi đó nay vẫn còn mấy bộ, in ở Hongkong thường khá lèm nhèm, giấy nâu, chữ nhỏ theo lối phồn thể (truyền thống tức traditional Chinese). Hồi đó chưa thấy sách giản thể, có lẽ vì người từ Hoa lục di cư sang Mỹ chưa đông.

Bị định kiến từ những lời chắc nịch của Nguyễn Tuân trong “Vang Bóng Một Thời” nên tôi vẫn đặt nặng tiêu chuẩn úp chiếc ấm xuống mặt bàn thì quai ấm, miệng ấm và vòi ấm phải nằm ngang, là loại ấm kiểu Mạnh Thần thủy bình, thông dụng nhưng đơn giản, không phải dành cho người sưu tầm ấm. Khổ nỗi, vì kiến thức hạn chế và cũng vì thấy những chiếc ấm Đài Loan chưng trong tủ giá cao quá, thường lên đến hàng trăm dollars mà lúc ấy chân ướt chân ráo trên đất Mỹ, việc mua những chiếc ấm đắt tiền chưa phải là nhu cầu cấp bách. Mỗi tháng mua 1, 2 pounds trà – giá lúc đó nửa cân trà chừng 300 grams là 80 USD – với số lương lúc mới qua Mỹ kể cũng mạnh tay lắm rồi.

Chính vì những hạn chế về hiểu biết cũng như vì túi tiền, tôi bỏ lỡ nhiều dịp để mua những ấm Đài Loan, khi đó chỉ khoảng 100 – 200 dollars cho những ấm nặn tay cao cấp. Tuy nhiên vì biết chữ Tàu nên ít nhiều cũng thưởng thức được những chữ người ta viết trên ấm vì những chữ đó luôn luôn có liên quan đến hình vẽ hay hình dáng của chiếc ấm, nếu không là tùng, trúc, mai (tuế hàn tam hữu) thì cũng có một điển tích hay một câu nói của một danh nhân chẳng hạn như đạm bạc ninh tĩnh (澹泊寧靜)[2] là câu Gia Cát Lượng đời Tam Quốc dùng để đề cao sự giản dị và thanh tĩnh.

Một hôm, nhân xem một chiếc ấm nắp nặn hình một chiếc lá, thân ấm đề bốn chữ “nhất diệp tri thu” (一葉知秋) tôi tiện tay cầm cây bút viết lên mảnh giấy trước mặt:

梧桐一葉落, 天下共知秋。

Ngô đồng nhất diệp lạc,

Thiên hạ cộng tri thu.

Một chiếc là ngô đồng rơi xuống,

Tất cả thiên hạ đều biết mùa thu đã về.

Cổ nhân có nói rằng “xem chuyện nhỏ mà biết chuyện lớn, thấy một chiếc lá rơi xuống thì biết năm đã sắp tàn”. Sách Thái Bình Ngự Lãm, quyển 24 cũng chép là “một chiếc lá rơi mà biết là mùa thu” (一葉落而知天下秋).

Cô bán hàng cầm lên đọc, ngẫm nghĩ rồi cầm tờ giấy đem vào trong tiệm. Một lúc sau, một người đàn ông còn trẻ nhưng ăn mặc rất chỉnh tề bước ra tay cầm tờ giấy, nói một tràng tiếng Tàu. Cô bán hàng giải thích cho tôi biết người đàn ông này là “thiếu gia” của hãng trà Thiên Nhân (Ten Ren) từ Đài Loan mới sang. Hãng trà Thiên Nhân là một hãng trà lớn có chi nhánh trên toàn thế giới. Ông ta là con thừa kế của người sáng lập ra hãng trà, nay tiếp quản công ty, đang trên đường đi thăm các chi nhánh trên nước Mỹ và ghé thăm tiệm trà ở Los Angeles có nhã ý muốn đích thân pha một ấm trà mời tôi.

Ông mời tôi vào nhà khách bên trong, chỉ có hai người ngồi tại một bàn trà rất mỹ thuật. Nghệ thuật đồ gỗ của người Trung Hoa rất tinh sảo, những gia đình giàu có đều dùng các đồ nội thất bằng gỗ quí, mặc dù theo tôi, ngồi đồ gỗ không quen và không thoải mái như các bộ salon Âu Châu.

Ông ta mở một hộp trà mới, đưa tôi xem. Tôi cũng “giả vờ” ngửi và gật gù tán thưởng mặc dù vào thời điểm đó tôi mới tập tễnh uống trà, không thể phân biệt được các loại trà đắt tiền khác nhau như thế nào. Nhưng phải nói, trà ông ta pha ngon thật và biết rằng mình không thể vươn tới để mua loại trà ngon uống hàng ngày. Tôi cũng chưa đủ trình độ để phân biệt xem cách pha trà của ông ta có những tiến trình gì để bắt chước. Tuy nhiên cũng là một kỷ niệm đẹp. Về sau, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy hình ông ta và vợ trong những tập quảng cáo của hiệu trà Thiên Nhân và sau khoảng mười năm sống trên đất Mỹ thì tôi cũng trở thành người mê ấm nhưng tích lũy do vui chơi chứ không theo một đường lối “chính quy” nào.


            Một vài kiểu ấm Lục Vũ do Lâm Chính Phương hoạ kiểu

Nguồn: Hồ Nghệ Càn Khôn

Thị trường ấm đất dần dần thay đổi và ấm Nghi Hưng từ Hoa lục đem sang mỗi lúc một nhiều. Các tiệm trà Đài Loan, trước đây phần nhiều chỉ bán ấm Lục Vũ[3] nay có thêm ấm từ Trung Cộng với giá cả thấp hơn. Lục Vũ cũng là thương hiệu của hãng trà Thiên Nhân, một thời nổi tiếng vì đã thiết kế những kiểu ấm mới, nửa cổ điển, nửa tân kỳ do một kỹ sư Đài Loan là ông Lâm Chính Phương vẽ kiểu.[4]

Một đặc điểm dễ nhận của ấm Lục Vũ là cái vòi ấm hình mỏ chim nhằm khắc phục nhược điểm của ấm Nghi Hưng là nước trong ấm hay chảy ra thành một vệt từ vòi xuống trôn ấm, nếu nước pha trà không đủ sạch thì sẽ thành một bệt dài hoen ố.  Tuy nhiên, trên thị trường ấm đất Lục Vũ không cao cấp bằng những hiệu ấm của Đài Loan khác như Đào Tác Phường hay Tam Hi. Hiện nay, ấm đất của Đài Loan cũng có nhiều nghệ nhân nặn riêng, ký tên như một bảo chứng cho sản phẩm của mình nên chỉ những người không kén chọn mới còn ưa chuộng hàng Lục Vũ.

Như những con khủng long mỗi lúc một “lấn sân”, sự phân biệt thu hẹp dần và ấm Đài Loan nay chỉ còn một phạm vi thị trường chọn lựa phần lớn bán cho người của đảo quốc và kiều dân gốc Đài ở bên ngoài. Trên thị trường, số lượng ấm Nghi Hưng nay vượt trội và giá cả cũng không thua gì ấm Đài Loan.

Tôi chỉ quan tâm nhiều đến ấm tử sa sau khi đọc được mấy cuốn sách của La Quế Tường, người đã mở đầu cho việc tìm kiếm và sưu tập ấm đất có hệ thống và cũng là người đã làm hồi sinh kỹ nghệ nặn ấm sau mấy chục năm “ngủ đông” tại lục địa.

Nỗ lực hồi sinh ấm Nghi Hưng

Người làm cho những chiếc ấm đất “biết nói” là tiến sĩ La Quế Tường 羅桂祥 (1910-1995) ở Hongkong. Ông đóng góp rất nhiều cho Trà Cụ Văn Vật Quán (茶具文物館)[5] và bỏ nhiều công lao đóng góp vào việc xây dựng viện bảo tàng này.  


La Quế Tường sinh năm 1910 tại Mai Châu, tỉnh Quảng Đông là sáng lập viên của hãng sữa sinh tố Vitasoy (tiếng Hoa là Duy Tha Nãi), nghị viên của Hội đồng Thành phố Hương Cảng, Hội đồng Lập pháp và nhiều chức vụ dân cử khác nữa.

Ông tốt nghiệp Đại Học Hongkong với bằng Cử Nhân năm 1935, từng phục vụ trong cả Uỷ Ban Lập Pháp và Uỷ Ban Hành Chánh Hongkong một thời gian dài ở nhiều lãnh vực như phát triển thương mại, trợ giúp người khuyết tật và bảo vệ người tiêu thụ.

Ông là Chủ tịch của Uỷ Ban Người Tiêu Thụ từ 1975 đến 1980.

Ông La có liên hệ mật thiết với hai đại học tại địa phương và là uỷ viên của Hội Đồng Đại Học Hongkong năm 1971 đến 1974 và cũng là uỷ viên của Pháp Viện từ 1972. Ông là một trong những chuyên gia hàng đầu về mỹ thuật tại Hongkong và là học giả, nhà sưu tầm nổi tiếng về đồ gốm sứ Trung Hoa.

Để vinh danh ông về những đóng góp rộng rãi và yểm trợ cho ngành mỹ thuật tại Hongkong, La Quế Tường được trường đại học Hongkong trao bằng tiến sĩ Văn Chương danh dự năm 1982.[6]

Hồi phục một kỹ nghệ tưởng như lỗi thời

Việc vực dậy một kỹ nghệ gần như biến mất trong một lục địa hàng tỉ người không phải là việc đơn giản. Theo chính La Quế Tường thuật lại thì lần đầu tiên ông đến thăm công nghệ xưởng tử sa ở Nghi Hưng là vào mùa thu năm 1979, thời mà Trung Hoa còn nhiều dư hưởng cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông.

Có lẽ tiến sĩ La cũng không ngờ rằng chuyến đi của ông lại giúp vực dậy một kỹ nghệ cổ điển vốn dĩ chỉ là thú vui của giới thượng lưu, trang điểm cho đời sống chứ không phải là một nhu cầu thiết thực, không có điều kiện tồn tại và phát triển trong những xứ độc tài toàn trị. Đó là việc làm hồi sinh ngành làm ấm đất, biến việc tiêu thụ, sưu tầm những chiếc ấm nhỏ để uống trà thành một phong trào lan rộng ra toàn thể thế giới, ngoài cộng đồng người Trung Hoa còn cả Việt Nam, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản …

Hãy đọc chính những lời ông La viết khi đến Nghi Hưng:

Đây là thời kỳ cuối của cuộc Cách Mạng Văn Hóa thời Mao mà chính quyền kiểm soát toàn bộ mọi thứ kể cả nghệ thuật và kỹ thuật. Trên tường vẫn còn đầy những khẩu hiệu đòi hỏi văn chương và nghệ thuật phải phục vụ quần chúng và chủ nghĩa xã hội.

Tôi ở lại xưởng này ba ngày để tìm hiểu toàn bộ tiến trình làm ấm đất tử sa. Ngày đầu tiên tôi xem cách người thợ nặn ấm bằng tay như thế nào. Ngày thứ hai tôi đi các nơi trong xưởng để tìm hiểu từ cách chế biến khoáng thạch (rock clay) và những đường hầm để nung ấm (diêu khanh窰坑). Sang ngày thứ ba, tôi hỏi ông Cao Thời Khuê (Gao Shikui 高時奎), quản lý của xưởng xem tôi có thể gặp và hỏi chuyện một số những người nặn ấm lão thành ở đây không ? [7]

Theo tiến sĩ La, khi đi xem xét cách thức nặn ấm trong xưởng, ông thấy những sản phẩm rất tồi tệ, thô kệch và chỉ đóng dấu « Trung Quốc Nghi Hưng » (中國宜興) mà không có tên người nặn, cũng không có con dấu như trong các triều đại Minh, Thanh.

Ngày thứ ba ở Nghi Hưng, Cao Thời Khuê sắp xếp cho La Quế Tường được gặp khoảng hai chục thợ nặn ấm giỏi nhất trong xưởng. Tiến sĩ La tự giới thiệu ông là một nhà sưu tầm ấm tử sa và cho những người thợ xem một số hình ảnh các ấm cũ đời Minh, Thanh ông sưu tập được.

La Quế Tường cũng cho những người thợ đó biết rằng ông rất bất bình khi thấy những ấm sản xuất ngày nay không được tốt như những chiếc ấm mà ông đã có trong tay. Sau một lúc lặng thinh, một người thợ lên tiếng trả lời rằng họ vẫn có thể làm được những chiếc ấm như trong ảnh có điều những sản phẩm như thế sẽ không ai mua cả. Tiến sĩ La ngạc nhiên hỏi tại sao thì họ cho biết nếu sản xuất ấm có phẩm chất tốt thì giá sẽ rất cao.

Tiến sĩ La Quế Tường bảo với họ rằng ông sẽ mua tất cả những ấm tốt mà họ có thể sản xuất. Những người thợ nặn ấm kẻ nọ nhìn người kia và bắt đầu xôn xao bàn tán về đề nghị này và ông Cao Thời Khuê hỏi ngược lại là liệu ông La có nói thật không? La Quế Tường nhờ Cao Thời Khuê chọn ra hai mươi người thợ nặn ấm loại giỏi nhất và tính toán họ có thể làm được bao nhiêu ấm trong một năm, cho ông biết số lượng và hai bên ký một hợp đồng để ông mua tất cả những ấm đó. Tuy nhiên La Quế Tường cũng kèm thêm ba điều kiện:

1.    Người thợ phải ký tên mình trên những ấm đó

2.    Mỗi người thợ làm một ấm mẫu của chính họ để ông xem trước và đặt hàng nếu thấy thích hợp

3.    La Quế Tường được quyền kiểm soát và xem xét những sản phẩm và có toàn quyền từ chối nếu ấm không làm đúng như nguyên mẫu

Sau khi văn bản được soạn thảo, La Quế Tường mới biết rằng ông Cao Thời Khuê, trong chức vụ quản lý của xưởng Nghi Hưng không có quyền ký hợp đồng để bán ra nước ngoài. Nhiệm vụ của ông ta duy nhất chỉ là làm sao hoàn thành chỉ tiêu mà trung ương đề ra bao gồm cả số lượng và các loại sản phẩm. Để hợp đồng được thực hiện, họ La phải lên Nam Kinh tìm đến Công Ty Xuất Nhập Khẩu Quốc Gia (中國進出口公司) là nơi có quyền ký những văn bản về xuất khẩu hàng hóa.

Thế nhưng phải mất đến hai năm thì những nghệ nhân mới hoàn thành đơn đặt hàng giao cho họ thay vì chỉ một năm. Khi những sản phẩm đến Hongkong rồi, tiến sĩ La Quế Tường sắp xếp để tổ chức một buổi triển lãm tại Trà Cụ Văn Vật Quán với chủ đề Đồ tử sa Nghi Hưng (宜興紫砂器 – Purple clay wares of Yixing) vào năm 1984. Cuộc triển lãm này khá thành công, nhiều người đến từ Đài Loan và Singapore. Hai ngàn cuốn danh mục (catalogues) in lần đầu đã bán hết ngay tháng đầu tiên (xem hình bên dưới) và năm 1986, khi tái bản cũng tiêu thụ mau chóng.

Lần triển lãm này khởi đầu cho một phong trào sưu tầm ấm đất Nghi Hưng và chuyển hướng một kỹ nghệ vốn dĩ không mấy ai coi trọng. Kỹ nghệ nặn ấm trước đây chỉ dành cho những công nhân đồ gốm tầm thường nay thành một bộ phận sản xuất mang tầm vóc quốc tế và nhiều người được nâng lên hàng danh thủ với những sản phẩm có giá lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn dollars. Kỹ nghệ Nghi Hưng nay đã hồi sinh.

Năm 1989, 10 năm sau khi La Quế Tường đặt chân đến Nghi Hưng (1979) thị trấn này đã có thêm 20 cơ xưởng và số công nhân từ 400 nhân viên đã lên đến hơn 10, 000 người.[8] Thợ nặn ấm nay được đào tạo đại qui mô, huấn luyện có trình tự và được xếp loại theo nhiều đẳng cấp của một nghề chuyên môn.[9] Việc thị trường Trung Hoa mở cửa ra bên ngoài và sự thịnh vượng kinh tế đã tạo nên một tầng lớp trung lưu mới đủ ăn đủ mặc bắt đầu quan tâm đến việc thưởng ngoạn nghệ thuật. La Quế Tường nhận định rằng một lý do rất riêng tư góp phần vào việc phát triển là người nặn ấm nay được đóng con dấu riêng của mình như truyền thống. Trước đây, ấm chỉ được đóng con dấu Trung Quốc Nghi Hưng nên cho người thợ không có ý chí sáng tạo vì dù họ có cố gắng đến đâu thì cũng không ai biết đến. Trái lại, khi được đóng dấu tên của chính mình thì đó là cái căn cước mà người thợ tự hào vì khi chiếc ấm có tên một danh thủ thì cái ấm đó không còn là một món hàng mà là một tác phẩm được đón nhận và tìm kiếm.

Việc tổ chức triển lãm cũng còn mục đích trưng bày những tác phẩm đương đại trong thời điểm mà việc sưu tầm ấm mới bắt đầu và tuy số lượng còn ít ỏi, những người đến xem cũng nhận được rằng ngay trong lúc này trên đất Trung Hoa vẫn còn những danh sư và nếu có cơ hội thuận tiện, người ta vẫn tìm được những ấm đất có giá trị cả về mỹ thuật lẫn kỹ thuật.

Niên đại 1979 cũng cho chúng ta biết thêm một chi tiết. Ấm đất Nghi Hưng được chế tạo trước thời điểm này rất ít ấm quí được trau chuốt như một nghệ phẩm mà hầu hết là ấm hợp tác xã, sản xuất theo chỉ tiêu hàng năm nên không có tên người làm và cũng không có những kiểu dáng lạ lùng. Nếu có tên người nặn, hay đã được nhái theo ấm cổ, những ấm đó chỉ có thể hiện diện sau thời kỳ này. Và như thế chúng ta có thể mạnh mẽ mà tin rằng dù ấm khéo và quí thì tuổi đời của nó tính đến nay cũng chỉ độ 40 năm và những ấm đáy đóng dấu “Trung Quốc Nghi Hưng” tuy cũ hơn nhưng đều là ấm sản xuất hàng loạt theo số nhiều.

La Quế Tường thổ lộ bộ sưu tập của ông có màu sắc lịch sử để đại diện cho những thời kỳ phát triển của việc chế tạo và nung ấm chứ không phải là một bộ sưu tầm ấm quí của giới thượng lưu.

Trong số những ấm đất mà tiến sĩ La Quế Tường sưu tầm, ông đặc biệt giới thiệu một số tác phẩm do những nghệ sư đương thời thực hiện. Bộ sưu tập của tiến sĩ La vì thế mang tính chất văn hoá, là một tài liệu cụ thể không chỉ về sinh hoạt uống trà mà ngày nay người ta đưa lên hàng “đạo” mà còn nói lên sự biến chuyển theo thời gian, những hình thái nảy sinh trên bước đường lịch sử. Cho đến nay, số sách vở nghiên cứu về tử sa đã lên đến hàng trăm, không ai dám nói rằng mình biết hết vì mỗi người lại đi theo một hướng riêng. Không hiếm người đưa một ngành thủ công nghiệp vốn dĩ không mấy ai coi trọng trở thành truyền kỳ và nhiều chiếc ấm đất có giá không kém gì một gia tài mà nhiều người cả đời không có nổi.

Như tiểu sử, La Quế Tường là một chuyên gia gốm sứ Trung Hoa, những chiếc ấm, dù bằng đất nung tử sa hay đồ sứ thì cũng chỉ là một phần trong bộ sưu tập của ông. Những món đồ ông sưu tầm được chọn lọc và ấn hành trong bộ K. S. Lo Collection in the Flaggstaff House Museum of Tea Ware, phần I là đồ sứ và phần II là hàng tử sa.

Quá trình sưu tập của La Quế Tường

Theo chính lời kể của tiến sĩ La Quế Tường thì khoảng đầu thập niên 1950 khi ông đi dọc theo Queen’s Road (Hongkong) ngang qua một cửa hàng thấy trong đó có để rất nhiều ấm đất cũ đủ loại hình dáng và ông lập tức bị cuốn hút bởi những ấm này. Ngay hôm đó, ông đã mua về hơn ba chục chiếc khởi đầu cho việc sưu tập. Khi biết rằng những chiếc ấm mình có thuộc loại ấm Nghi Hưng, ông bắt đầu tìm hiểu về lịch sử và nguồn gốc để càng lúc càng đam mê và đi sâu hơn vào món hàng vốn ít người quan tâm.

Vào thời buổi hôm nay, ấm Nghi Hưng vừa dễ kiếm vừa đa dạng, lại thượng vàng hạ cám nên hầu như ai cũng có thể có trong nhà vài chiếc không phải để dùng mà để chưng. Tuy nhiên, chỉ vài mươi năm trước, ấm Nghi Hưng không phải là món hàng thông dụng vì thời đó trà Tàu còn đắt và khó kiếm, việc mua ấm chủ yếu dùng để uống trà nên trong nhà có một vài chiếc đã là nhiều. Việc uống trà như một thưởng ngoạn chỉ xuất hiện lẻ tẻ trong giới phong lưu người Trung Hoa ở Hongkong, Đài Loan, Singapore và một số cộng đồng trên thế giới. Thời kỳ đó, Trung Hoa còn là một thế giới khép kín, Hongkong là cửa ngõ gần như duy nhất để sản phẩm của lục địa chảy ra ngoài và từ đó đi sang những vùng có đông Hoa kiều và những dân tộc có chung một nguồn gốc văn hoá.

Riêng ở Hongkong, các chợ địa phương có khá nhiều ấm Nghi Hưng nhưng phần lớn chỉ là loại hàng thương mại rẻ tiền và La Quế Tường thường lang thang đến đây tìm mua ấm cả mới lẫn cũ chẳng khác nào những người Á Đông hay dạo quanh các “flea markets”[10] vùng Orange County, California hàng tuần để tìm những món hàng đã qua tay người dùng nhưng còn tốt, vừa túi tiền. Nói là antique nhưng thực ra đây là những nơi bán đồ cũ mà người lớn tuổi cảm thấy gần gũi nhiều kỷ niệm.

 


Ấm Ary De Milde

 



Ấm Boettger

Ông La cũng đặt cho mình một một số nguyên tắc, đó là ấm phải có đóng dấu của người nặn và không có hàng nhái cùng kiểu. Ông cũng nhận ra rằng ấm Nghi Hưng cũng là một trong những mặt hàng đầu tiên được xuất cảng sang các nước Âu châu vào thế kỷ thứ XVII và vì thế trong những chuyến du hành ông đã chủ tâm tìm kiếm những loại hàng này và tìm được khá nhiều những ấm đã bán sang đây mà hiện nay không còn tìm thấy tại Trung Hoa nữa. Ông cũng tìm được những chiếc ấm sản xuất ở châu Âu làm theo kiểu Nghi Hưng vào cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII trong đó có hai chiếc của Ary De Milde và một chiếc của Boettger.

Đến giữa thập niên 1970’s, số ấm La Quế Tường sưu tập được đã lên đến hơn 200 chiếc hầu hết được chế tác vào đời Thanh, chỉ có một hai chiếc vào đời Minh nên về sau ông quan tâm nhiều hơn đến ấm các đời cũ. Một duyên may đưa đến khi một người sưu tập có tiếng đã đem ra đấu giá bộ ấm Nghi Hưng gia bảo ở Hongkong năm 1978 và tiến sĩ La Quế Tường đã mua gần như toàn bộ số ấm này và do đó số ấm Nghi Hưng ông sưu tầm được đã trở thành một kho tàng độc nhất vô nhị trong thời kỳ đó.

Nỗ lực của La Quế Tường cũng làm sống lại tên tuổi của một số người thợ khéo tay lâu nay không mấy ai biết tiếng như Chu Khả Tâm, Cố Cảnh Chu, Từ Hán Đường, Uông Dần Tiên, Tưởng Dung … khiến cho những sản phẩm của họ đã trở thành hàng săn lùng và thị trường nay có rất nhiều hàng giả mang tên họ.

Từ Trà sang Ấm


Để khỏi mất thì giờ nghiên cứu, La Quế Tường bảo trợ cho một sinh viên tại Viện Đại Học Hongkong làm công việc này và ông thấy rằng càng đi sâu vào sự hiểu biết trà và ấm, ông càng quan tâm hơn nên đã mở rộng việc sưu tập ra mọi loại ấm trà ở Trung Hoa.

Đầu tiên ông tập trung vào việc sưu tầm ấm đời Thanh rồi lan qua đời Minh và trước nữa. Mặc dù ấm trà Minh Thanh rất khác biệt với hồ đựng rượu nhưng xưa hơn, vào đời Đường, đời Tống lại không dễ dàng phân biệt vì vào thời đó việc uống trà và pha chế không giống như chúng ta uống trà hôm nay. Người ta nấu trà tươi hay trà khô, trà bánh rồi rót ra chén giống như người Việt uống trà ở thôn quê. Cũng không có bình riêng cho trà mà bình nước, bình trà hay bình rượu đều giống nhau, chữ Hán gọi là “thuỷ chú” (水注) tức là bình đựng nước. Từ đó tiến sĩ La Quế Tường sưu tầm mọi loại bình nào có quai và có vòi, những thứ mà người Anh gọi chung là “ewers”.

Chính vì công dụng của những đồ gia dụng này tuỳ thời một khác, việc sưu tập cũng dễ lẫn lộn và khó xác định đâu là một đồ đựng rượu hay đồ uống trà nhất là số ấm từ đời Minh trở về trước không còn nhiều. La Quế Tường do đó không thể biết chắc và phân loại một món đồ theo công dụng hay chỉ để đại diện một thời kỳ, một giai đoạn chế tác vì rất dễ lẫn lộn với sự phát triển của ngành đồ sứ. Vì lý do tài chánh nên ông cũng nhiều lần bỏ lỡ cơ hội mua một món đồ giá trị để đưa thêm vào bộ sưu tập của mình. Điều đó không phải chỉ riêng ông mà hầu như hễ ai đã đam mê sưu tầm đều mắc phải, có lúc muốn mà không mua được nhưng cũng có khi mua được một món đồ quí với giá hời.

Trong khi phần lớn các nhà sưu tập ấn định riêng một mặt hàng nào đó để lùng tìm thì La Quế Tường lại cho mình một mục tiêu qui mô hơn. Đó là cố gắng để tìm được những món đồ tiêu biểu cho từng loại, kể cả từng lò nung, từng thời kỳ, dẫu cho hàng không đạt phẩm chất hay sứt mẻ. Ông tự trào là mình không may mắn thừa hưởng một gia tài giàu có để không coi tiền bạc vào đâu khi cần mua một món hàng quí hiếm nhưng cũng không ít lần bị người khác phỗng tay trên khi tranh mua một món hàng ông đang cần. Để làm chủ một món hàng ngoài công phu tìm kiếm cũng cần cái “duyên” để gặp được một sản phẩm mình cầu mong ở một nơi ít ngờ nhất.

Một bộ chén 12 chiếc La Quế Tường nói rằng ông mất 20 năm mới sưu tập đủ, mỗi chiếc riêng cho một tháng, làm dưới đời Khang Hi và khi ông mua được 2 chiếc cuối cùng thì thật không nỗi vui nào lớn bằng. Thế nhưng ông cũng tiếc hùi hụi khi có người trả ra 35,000 bảng Anh để mua chiếc ấm năm màu đời Vạn Lịch mà giá ước tính sơ khởi chỉ 5 đến 7,000 bảng.

Việc họ La cống hiến bộ sưu tập của ông cho Trà Cụ Văn Vật Quán cũng là một việc hết sức ngẫu nhiên. Không phải nhà sưu tầm cổ ngoạn nào cũng có cơ hội được gửi lại những món đồ mình nâng niu, yêu quí cả đời vào một nơi xứng đáng lưu danh cho hậu thế. Không hiếm những công trình sưu tầm đã bị bán tống bán tháo, có khi bỏ vào thùng rác vì thân nhân không biết được gia trị thực của nó, nhất là sách vở, tài liệu mà người ta muốn vứt đi cho khỏi chật nhà. Ở đất Mỹ này, nếu ai chịu khó đến những tiệm sách cũ ở cạnh thư viện, là nơi bán sách người ta hiến tặng, đôi khi tìm được những cuốn sách rất hiếm quí, cổ vài trăm năm không còn tìm đâu ra nữa với giá 1, 2 dollars. Những cuốn sách hay tài liệu cũ thường là sưu tập của một học giả, nay quá vãng nên thân nhân cho đi, nhất là sách vở viết bằng tiếng ngoại quốc mà người ta không đọc được nên không thấy quí.

Đồ sưu tập cũng vậy, nhiều chiếc ấm sứt mẻ, tầm thường bị coi như đồ phế thải nhưng lại chứa cả một giai đoạn lịch sử, đánh dấu một thời kỳ. Một món đồ cũ vô giá trị đối với người này lại có thể chuyên chở cả một kho tàng văn minh, giải mã được nhiều bí ẩn của quá khứ. Thỉnh thoảng trên báo chúng ta lại thấy đăng tin có người tìm ra một bảo vật của ông cha để lại ngay trong bếp hay trên gác xép trong nhà nay nhờ người lượng giá mới biết là hàng hiếm.

Nhu cầu của người uống trà trở thành một “thời thượng” nghĩa là một cái mode lan tỏa. Tôi từng biết ở trong nước, có người yêu thích ấm đất đã dám bỏ ra hàng tỉ đồng tức vài chục nghìn Mỹ kim (US dollars) mua về một chiếc ấm nặn tay do một danh thủ chế tác để làm phong phú thêm cho bộ sưu tập của mình.

Người chơi ấm, ngoài cái thú sưu tầm những móng hàng độc, lạ cũng không thể không tìm hiểu về lịch sử và kiến thức về trà cũng như các loại ấm, cách chế tạo. Ấm trà không phải là một món đồ mỹ thuật để chưng mà là để dùng nên người sưu tầm ấm cũng thường làm quen với cách pha và uống trà. Chắc không ai chỉ thích ấm mà không uống trà vì pha trà luôn luôn khiến cho người pha có một cảm giác sảng khoái đáp ứng với nhu cầu thường nhật và thói quen của người dùng. Ấm mới mua không tạo được tình thân mật như ấm dùng đã lâu. Khi tìm hiểu về hai sản phẩm lâu đời này – trà và ấm – chúng ta khó có thể biết được cho đầy đủ vì ngày nay người ta đã nâng việc uống trà lên thành một Đạo [Trà Đạo] còn việc sưu tầm ấm đã thành một trò chơi tốn kém không khác gì người ưa cổ ngoạn.

 

Bộ sách về ấm của La Quế Tường (Collection I & II) (trên), Nghiên cứu về ấm Nghi Hưng (dưới, trái) và tập sách mỏng giới thiệu Trà Cụ Văn Vật Quán (dưới, phải) dành cho khách mời năm 1984

(sưu tầm của người viết)

Trà Cụ Văn Vật Quán

Trà Cụ Văn Vật Quán, tên tiếng Anh là Flagstaff House Museum of Tea Ware vốn dĩ là một tòa nhà cũ được sửa làm chi nhánh cho Bảo Tàng Viện Hongkong chuyên trưng bày những loại trà cụ. Sau cuộc chiến tranh Nha Phiến (Opium War) năm 1842, nhà Thanh phải ký hiệp ước Nam Kinh nhường đất Hongkong cho người Anh. Flagstaff House vốn là phủ đệ (residence) của viên tư lệnh lực lượng Anh tại Hongkong trước năm 1978. Đây là một toà nhà hai tầng, xây trong khoảng thời gian từ 1844 đến 1846 theo kiến trúc Hi Lạp, cũng là dinh thự đầu tiên xây theo phong cách Tây phương ở đây.

                                                    


                                        Flagstaff House (1846)

Tranh vẽ của Murdoch Bruce (lithographed bởi A. Maclure)

 Sau khi hoàn thành, tòa nhà này đã nhiều lần được tu bổ, cột sắt được dựng lên để biến thành một kiến trúc hai tầng và phải đến sau thế chiến II thì ngôi nhà mới có hình dạng như hiện nay. Tháng 4 năm 1981, Flagstaff House được đặt dưới quyền quản lý của Urban Council (Thị Chính Cục) với mục đích sẽ cải biến dinh thự này thành một bảo tàng chuyên biệt. Việc cải biến Flagstaff House thành bảo tàng trà khí nhằm ba mục tiêu chính, 1/ tu bổ và cải thiện tòa nhà để có thể mở cửa cho công chúng, 2/ sửa sang và tái cấu trúc bên trong để phủ đệ này thành một bảo tàng và 3/ giữ sao cho bề mặt của kiến trúc vẫn nguyên vẹn là một tòa nhà cổ. Cho đến nay, tòa nhà này vẫn là một dinh thự đặc trưng mang màu sắc của Hongkong giữa thế kỷ XIX là khi mới được nhường cho người Anh làm tô giới.

Trà Cụ Văn Vật Quán cũng là bảo tàng đầu tiên ở Hongkong chuyên về sưu tập các loại trà khí và các loại trà. Theo truyền thuyết, trà đã được con người dùng như một loại thức uống nhiều nghìn năm trước ở vùng nam Trung Hoa và cũng là nơi mà con người bắt đầu trồng thành những vườn lớn để thu hoạch thay vì chỉ hái lá các cây trà hoang mọc trong rừng. Thế nhưng việc uống trà được nâng lên thành một nghệ thuật với nhiều nghi thức thì chỉ mới trong khoảng 1000 năm qua. Đến thế kỷ XVII, uống trà lan rộng qua Âu châu và đến thế kỷ XVIII thì nhiều nơi đã coi uống trà như phong cách của người sành điệu.

Riêng về ấm trà, phải đến đầu thế kỷ XIX, Trần Hồng Thọ (陳鴻壽)[11], một nho sĩ mới đề xướng việt kết hợp tài nghệ giữa học thuật, thư hoạ và điêu khắc cùng với sự khéo léo của một người thợ nặn ấm để mỗi chiếc ấm không chỉ là một trà cụ mà còn là một tác phẩm mang dấu ấn của nhiều danh tài về cả kỹ thuật nặn ấm lẫn nghệ thuật khắc hoạ và viết chữ. Tiến sĩ La Quế Tường chính là người phục hưng được truyền thống tưởng đã mai một và biến mất ở Hoa lục, nay phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết mặc dù không hiếm sự can thiệp của máy móc và kỹ thuật, thiếu hẳn cái thần khí và cái hồn của danh gia.

Năm 1978, trong buổi lễ khai mạc triển lãm những đồ sứ đời Minh – Thanh trong bộ sưu tập của T.Y. Chao, La Quế Tường vô tình đứng cạnh ông Brian Wilson, khi đó là giám đốc của Urban Services Department. Khi ông Wilson hỏi ông có thể tặng được gì cho Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Hongkong, La Quế Tường đã nửa đùa nửa thật nói rằng ông chỉ có vài chiếc ấm vỡ mà chắc Viện Bảo Tàng không thèm nhận. Thế nhưng một tuần sau, La Quế Tường nhận được một lá thư chính thức yêu cầu ông xác định lại việc ông có thể hiến tặng một số ấm đất trong bộ sưu tập của ông và sau đó hai bên đã thoả thuận để có riêng một khu triển lãm. Đó chính là toà nhà Flagstaff House mà nay trở thành Trà Cụ Văn Vật Quán tại Hongkong.

Từ cái duyên tri ngộ này, sau mấy đợt triển lãm, năm 1981 La Quế Tường đã cống hiến một nửa số ấm quí giá ông sưu tập được, mới và cũ, cho Trà Cụ Văn Vật Quán và một số bảo tàng khác ngoài Trung Hoa trong đó có nhiều chiếc đời Minh và Thanh. Một số ấm đặc biệt nhất đã đưa đi triển lãm lưu động ở 4 bảo tàng viện ngay trên vùng Bắc Mỹ này bao gồm Phoenix Art Museum of Arizona, Chinese Culture Center of San Francisco, Indinanapolis Museum of Art và Royal Ontario Museum ở Toronto trong khoảng từ tháng 5-1990 đến tháng 1-1992.

Trong các kỳ triển lãm, 118 món Nghi Hưng đào khí trong sưu tập của La Quế Tường được trưng bày bao gồm ấm trà, chén trà, tượng và dụng cụ văn phòng có niên đại từ đời Minh đến nay. Toàn bộ 118 món này được trình bày rất mỹ thuật và đầy đủ trong cuốn Nghi Hưng Tử Sa Đào Khí (Yixing Purple Clay Wares: The K.S.Lo Collection, Flagstaff House Museum of Tea Ware) do Urban Council of Hongkong ấn hành năm 1994.

Sưu tập về ấm sứ của La Quế Tường

Thói quen uống trà không phải chỉ người Trung Hoa mới có mà còn hiện diện ở nhiều dân tộc khác. Gia đình tôi khi còn ở Việt Nam thường lên Ngã Ba Ông Tạ mua chè tươi về bỏ trong bình tích, uống suốt ngày. Thói quen đó có từ khi còn ở miền bắc, lá vối, chè tươi là thói quen hầu như không thể thiếu ở nông thôn. Có điều người mình không cầu kỳ, trọng thực dụng nên chỉ tới đó rồi thôi chứ không đi xa hơn. Uống trà Tàu nếu có chỉ ở giai cấp thượng lưu, quan lại chứ không phổ biến trong quần chúng. Anh em chúng tôi biết đến việc uống trà Tàu như một sinh hoạt cá biệt là từ những truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Tuân trong “Vang Bóng Một Thời” mà thói quen đó cũng chỉ là sinh hoạt của người có của ăn của để. Một lý do cụ thể là trà Tàu đắt quá, người thường ít ai dám sa vào cái thú phong lưu đó. Mà không uống trà thì việc tìm kiếm những chiếc ấm quí không đặt ra.

Theo sách vở, người Trung Hoa uống trà sau đời Hán, tức là chỉ mới hiện diện trong khoảng 2000 năm và nguyên thủy được coi như một loại dược liệu. Cho đến thời Lục Triều (265-587), trà uống thường pha thêm gừng và muối tương tự như nấu đồ ăn. Cũng vì thế người ta chưa có một loại nồi riêng để nấu trà, lại càng không dùng riêng một loại ấm để pha trà.

Sang đời Đường (618-907) và Tống (960-1279) người ta tán trà ra thành bột, nấu lên rồi rót ra bát hoặc quậy thẳng trong bát. Cũng từ thời này, người Trung Hoa bắt đầu tổ chức những cuộc “đấu trà” (tea contests) và dần dần hình thành cách thức uống trà (tea ceremonies) để tô điểm thêm cho cái thú vui này. Chính từ những trò chơi mới, người ta cũng tìm cách cải thiện vật dụng trong nghi lễ uống trà nên dần dần trà cụ (đồ dùng uống trà) được phát triển. Những trà cụ căn bản thời đó bao gồm thuyền tán để nghiền trà (giống nghiền thuốc bắc), lò than để nấu nước, bình đựng nước nóng và các loại chén lớn để uống trà. Những trà cụ đó nay chúng ta còn thấy trong một số bức tranh cổ của thời Đường, Tống. Trà Kinh 茶經của Lục Vũ 陸羽đời Đường đã liệt kê 29 dụng cụ dùng trong việc pha và uống trà, trong đó có 12 món còn dùng trong đời Tống.

Sang đời Nam Tống (1127-1279) và đầu đời Nguyên (1271-1368) việc uống trà bột bớt dần và người ta chuyển sang uống trà nguyên lá và các ấm pha trà cũng được điều chỉnh lại cho thích hợp hơn với nhu cầu. Nắp ấm, nắp chén được chế tạo cũng vì người ta muốn nước nóng lâu giúp trà tỏa hương nhiều hơn. Tuy có vẻ giản dị và lối giải thích cũng không xuôi tai cho lắm nhưng đó là từ những nghiên cứu và thống kê mà người ta đưa ra giả thuyết về tiến hóa từ các loại bình đựng rượu không có nắp sang ấm pha trà và người ta biết được đâu là bình trà, đâu là bình rượu. Bình trà miệng rộng hơn, có nắp và vòi ngắn hơn, đối xứng với quai. Miệng rộng để dễ châm và móc bã trà, vòi ấm ngắn cũng để cho lá trà kẹt trong đó dễ lấy hơn. Những mẫu ấm sứ mà chúng ta dùng ngày hôm nay đều kế thừa kiểu từ thời Tống và là biến thể từ các bình đựng rượu và đựng nước có từ các đời trước.

Một số ấm sứ trưng bày trong Trà Cụ Văn Vật Quán

từ sưu tập của La Quế Tường hiến tặng

 

Bình trà với quai xoắn trang trí phong cảnh (Càn Long)

Trà oản có nắp và đĩa (Mãn Đường Phúc Ký) thế kỷ XVIII

 


  Ấm trà hình lục giác, đề lương hồ (Càn Long)

Ấm hình chuông, vẽ nhân vật (Đạo Quang)

 

Chén vẽ tay, Kỳ Ngọc Đường (Khang Hi)


Mười hai chiếc chén cho 12 tháng trong năm (Khang Hi)

Sưu tập về ấm đất của La Quế Tường

 


Chén thiên mục (Đài Loan)

Sưu tầm của người viết

Nghi Hưng 宜興trước đây có tên là Kinh Khê荆溪, đời Tần gọi là Dương Tiện 陽羨 nằm ở phía tây Thái Hồ thuộc tỉnh Giang Tô là khu vực tam biên của các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và An Huy. Việc tìm ra đất tử sa tại đây không phải chuyện ngẫu nhiên. Vùng này trong nhiều thế kỷ vố dĩ là nơi chế tạo đồ sứ (pottery wares), có lịch sử từ đời Thương, Chu và nổi tiếng về đồ sứ men xanh 青瓷 (celadon wares) thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều. Tuy nhiên về sau Nghi Hưng trở thành một vùng nổi tiếng về sản xuất các loại trà cụ làm bằng tử sa. Theo Laurence C.S. Tam (Đàm Chí Thành) là quán trưởng (curator) của Hương Cảng Nghệ Thuật Quán (Hongkong Museum of Art) thì nhiều văn nhân sành sỏi uống trà cũng là người sưu tầm và tán thưởng đồ tử sa, chẳng hạn Mai Nghiêu Thần梅堯臣 (1002-1060) đời Bắc Tống đã có thơ:

小石冷泉留早味,紫泥新品泛春華

Tiểu thạch lãnh tuyền lưu tảo vị,

Tử nê tân phẩm phiếm xuân hoa.[12]

Hòn đá nhỏ trong dòng suối lạnh vẫn giữ được hương vị sớm,

Đồ mới tử nê mang lững lờ hoa mùa xuân.

Còn Âu Dương Tu 歐陽修trong bài “Họa Mai Công Nghi Thưởng Trà” 和梅公儀賞茶viết:

喜共紫瓯吟且酌,羡君萧洒有余清。

Hỉ cộng tử âu ngâm thả chước

Tiễn quân tiêu sái hữu dư thanh.

Vui được cùng nhau ngâm thơ lại dùng tử âu uống trà,

Tiễn mộ ngài đã tiêu sái lại thanh tao.

Tử nê và tử âu không chắc đã là tử sa như nhiều người giải thích nên chúng tôi để nguyên không dịch. Việc dùng trà để kết bạn trong thời đại này thật cực kỳ hiếm hoi. [13]

Sang đời Minh, các vật dụng nặn bằng đất nay đã thành một món thường ngày, những sản phẩm có tính chất nghệ thuật trong đó ấm trà tử sa trở thành một món đồ người ta ưa thích. Phong trào dùng đồ Nghi Hưng phần nhiều có sự kết nối với đặc tính của đất nặn ấm và cũng có cả lịch sử khu vực vốn gắn bó với các loại trà ngon của Trung Hoa. Dưới thời Đường Túc Tông 唐肅宗(757-762), trà Dương Tiện của Thường Châu là cống trà nổi tiếng. Nghi Hưng đã thiết lập Cống Trà Viện là nơi chuyên môn sản xuất trà để dâng lên triều đình và tập tục cống trà Nghi Hưng kéo dài tới tận đầu đời Minh mới chấm dứt. Sự gắn bó giữa trà bản địa và ấm Nghi Hưng cũng khiến cho ấm đất sản xuất tại đây càng lúc càng tinh xảo nhưng phải sang đời Thanh thì mới nâng được lên một tầm vóc mới.

Một số ấm Nghi Hưng trưng bày trong Trà Cụ Văn Vật Quán

từ sưu tập của La Quế Tường hiến tặng

 

(trái) Ấm hình 6 múi, Cung Xuân (Minh)

(phải) Ấm hình bông hoa mộc lan,Thời Đại Bân (Minh)

 

(trái) Ấm hình mũ nhà sư hoa sen, Thời Đại Bân (Minh)

(phải) Ấm trang trí thế kỷ 17-18th

 

(trái) Ấm hình ấn gói trong bao, Thời Đại Bân (Minh)

(phải) Bát trang trí hình quì long[14] 夔龍, Trần Cận Hầu (Thanh)

Kết luận

Việc đưa sản xuất ấm Nghi Hưng lên thành một kỹ nghệ không phải là một nỗ lực tự thân từ giới tiêu thụ ngay tại Trung Hoa mà khởi đầu từ nhu cầu ở bên ngoài kích thích và thúc đẩy những tìm kiếm mới. Ở giai đoạn Trung Hoa lục địa vừa mở cửa, sự khát khao ấm Nghi Hưng của các nhà sưu tầm từ Hongkong, Đài Loan, Singapore, Hoa Kỳ, Âu Châu … đã khiến cho một số thợ chuyên môn có cơ hội quay lại. Không hiếm những danh thủ các đời trước tưởng đã bị chôn vùi dưới làn sóng Cách Mạng Văn Hoá nay hồi sinh để truyền thừa cho những thế hệ mới.

Như những cây khô sống bám vào những kẽ nứt trên triền đá, nay những giọt sương mới giúp nảy mầm nên một số nghệ nhân có tay nghề cao được dịp thi triển tài năng. Việc hồi sinh một bộ môn thủ công nghệ lưu truyền và gắn liền với văn hoá Trung Hoa hàng nghìn năm không phải chỉ do một người mà là một trào lưu trong đó chính trị, văn hoá, kinh tế, nghệ thuật đều góp phần khôi phục. Rất có thể một thời gian không xa, ấm Nghi Hưng cũng sẽ thành lịch sử vì con người mới ngày hôm nay bị mưu sinh thường nhật chiếm quá nhiều thời gian và năng lực mà phong trào sưu tầm những chiếc ấm đất tuy có lúc đã cao nhưng nay đang trên đà đi xuống.



Trong một thế giới nhiều xung động, nhắc lại câu chuyện đã thành “muôn năm cũ” cũng là một cái gương soi của những người đang đi dần vào quá khứ như chính tác giả bài viết này. Nếu không có những người như La Quế Tường làm cầu nối từ bên ngoài vào lục địa, kỹ nghệ ấm Nghi Hưng khó có thể hồi sinh ở thời kỳ mà giới tiêu thụ còn quay lưng với hàng hoá “Made in China”.

Nguyễn Duy Chính

 03-2024

 

SÁCH THAM KHẢO

1.    Flagstaff House Museum of Tea Ware: A branch museum of the Hongkong Museum of Art (茶具文 物館). Hongkong Museum of Art, 1984.

2.    Hongkong Museum of Art. K.S.Lo Collection in the Flagstaff House Museum of Tea Ware (Part I) 茶具文 物館: 羅桂祥藏品. Hongkong: Urban Council, 1984.

3.    Hongkong Museum of Art. K.S.Lo Collection in the Flagstaff House Museum of Tea Ware (Part II) 茶具文 物館: 羅桂祥藏品. Hongkong: Urban Council, 1986.

4.    Hongkong Museum of Art. Selected Works of Contemporary Yixing Potters (紫砂新品: 當代宜興茶具精選). Hongkong: Urban Council, 1994.

5.    Lâm Chính Phương (林正芳). Hồ Nghệ Càn Khôn (壺藝乾坤) Trà Cụ Thiết Kế Chế Tác dữ Nghiên Cứu (茶具設計制作與研究). Đài Loan, Tam Trọng 1993.

6.    The K. S. Lo Collection, Flagstaff House Museum of Tea Ware (茶具文 物館羅桂祥珍藏). Yixing Purple Clay Wares (宜興紫砂陶器). Hongkong: Hongkong Museum of Art Production Team, 1994.

7.    Tài liệu internet. Honorary Degrees 115th Congregation (1982) của trường Đại Học Hongkong (https://www4.hku.hk/hongrads/graduates/c-b-e-b-a-kwee-seong-lo-lo-kwee-seong)



[1] Loại ấm đơn giản, bỏ nắp ra lật lại để trên mặt bàn thì vòi ấm, miệng ấm và quai ấm nằm ngang nhau. Ấm thuỷ bình nếu nặn khéo thì khi để vào chậu nước sẽ nổi lềnh bềnh, “cân nhau không triềng” như lời của nhà văn Nguyễn Tuân.

[2] Lưu An 劉安đời Hán viết trong Hoài Nam Tử 淮南子không đạm bạc thì không thể làm sang cái chí, không ninh tĩnh thì không thể đi được xa” (是故非澹漠無以明志,非寧靜無以致遠。). Gia Cát Lượng lấy ý này để làm châm ngôn răn mình.

[3] Lục Vũ là tên hiệu của ấm đất do chính hãng Thiên Nhân tự nghiên cứu và vẽ kiểu rồi sản xuất bán cho khách, coi như một thương hiệu riêng. Ấm Lục Vũ thường làm theo bộ bao gồm ấm, ấm chuyên, đĩa đựng nước thừa và chén theo từng kiểu, ai quen mắt sẽ nhận ra ngay. Ấm Lục Vũ được coi như loại trung bình, dùng lâu cũng quí.

[4] Về tiến trình phát triển của loại ấm Lục Vũ được viết rất kỹ trong Hồ Nghệ Càn Khôn (壺藝乾坤) Trà Cụ Thiết Kế Chế Tác dữ Nghiên Cứu (茶具設計制作與研究), tác giả Lâm Chính Phương (林正芳). Đài Loan, Tam Trọng 1993. Theo tiểu sử của ông này trong sách, lâu quá tôi không còn nhớ mặt nhưng có lẽ chính ông ta là người đã pha trà mời tôi ở Los Angeles.

[5] Flagstaff House Museum of Tea Ware Hongkong

[7] Selected Works of Contemporary Yixing Potters, Hongkong: Urban Council, 1994 tr. 5

[8] Đây là con số năm 1994 khi ông La Quế Tường viết về chuyến đi của ông đến Nghi Hưng năm 1979.

[9] Theo chúng tôi biết, việc đào tạo và phân loại này chưa thấy có ở Đài Loan nên ấm Đài Loan không có tiêu chuẩn để đánh giá cao thấp và chỉ là ý kiến chủ quan của người bán ấm. Ngoài những nghệ nhân ký tên riêng, các hãng nổi tiếng về ấm sứ của Đài Loan có thể kể Đào Tác Phường, Tam Hi, Lục Vũ … nhưng việc buôn bán và tiêu thụ chỉ giới hạn trong những người gốc Đài Loan, ít khi ra đến bên ngoài.

[10] Mình quen gọi là “chợ trời”. Ở vùng tôi ở tại Nam Cali có nhiều khu chợ trời mà rất đông người Việt coi như thú vui đi vòng quanh tìm đồ cũ vào những ngày cuối tuần.

[11] Tự Mạn Sinh (曼生) 1768-1822

[12] Ý nghĩa hai câu thơ này đại ý là mùa xuân dùng tử nê uống trá là một thú thanh cao. Thời Tống văn nhân dùng trà bột quây trong bát tử nê (bát tráng men có màu đen) nhưng chưa dùng ấm như sau này. Những câu thơ này ý tứ rất bao la nên hiểu như thế nào vẫn còn là một đề tài chưa thống nhất.

[13] Laurence Tam, Lời Tựa trong K.S.Lo Collection in the Flagstaff House Museum of Tea Ware (Part II) 茶具文 物館: 羅桂祥藏品 (Hongkong: Urban Council, 1986) tr. 7. Tuy nhiên, một nữ sĩ từ Việt Nam có góp ý rằng theo trà sử thì đời Tống người ta chưa dùng ấm tử sa (mặc dầu còn khai quật được những mảnh vỡ đồ đựng nước làm bằng đất nung) mà chỉ dùng chén lớn tráng men. Quan điểm của Đàm tiên sinh có thể còn tồn nghi. Loại chén đời Tống có nhiều vân tự nhiên khi tráng men có tên là “thiên mục” mà người ta gần đây đã khôi phục được kỹ thuật này. Chén thiên mục lớn hơn chén trà bình thường nhưng nhỏ hơn bát ăn.

[14] Một loại rồng trong truyền thuyết chỉ có một chân