LƯỢC TRUYỆN CHÍ SĨ HỌ BÙI
Tác giả : Sở Cuồng (Lê Dư)
Nguyễn Duy Chính dịch
Mở đầu
Cách đây nhiều năm, người viết có một biên khảo nhỏ về
Bùi Viện và cuộc cải cách hải quân. Tuy dựa trên tổng hợp nhiều nguồn tài
liệu, bài viết chủ yếu vẫn sử dụng những chi tiết trong một tác phẩm không mấy
khả tín. Đó là một cuốn lịch sử danh nhân của Phan Trần Chúc nhan đề “Bùi Viện
với chính phủ Mỹ”[1] (Đại La, 1945). Cũng vì
không đáng tin, người viết loại trừ chi tiết Bùi Viện sang Mỹ vì đây là một việc
không khả thi trong giai đoạn đó và chính văn khố Mỹ cũng không có chi tiết nào
đề cập đến việc này nên trong bài chỉ nhắc đến những cải cách mặt bể và Bùi Viện
đã xây dựng lực lượng hải quân như thế nào mặc dầu vẫn đặt câu hỏi về cách tổ
chức và lương bổng mà Phan Trần Chúc đã liệt kê vì đều vượt quá khả năng của
triều đình Huế trong giai đoạn đó.[2] Có thể tác giả đã dựa trên
một số tài liệu mà Bùi Viện tâu lên về tổ chức của Bắc Dương, Nam Dương, Đông
Dương quân là các đội tàu chiến mà Lý Hồng Chương tổ chức theo kiểu Tây phương
trong quá trình Dương Vụ vận động chứ không phải đã thực hiện ở Việt Nam. Tuy đội
Tuần Dương quân của Bùi Viện có một vài lần đụng độ với giặc biển nhưng là những
nhóm cướp nhỏ thường lẩn trốn trong vùng Cẩu Đầu sơn vùng Hải Phòng mà tấu bản
triều Nguyễn còn nhắc đến.[3]
Ngoài ra, những công tác to lớn trong tác phẩm của
Phan Trần Chúc cũng không chính xác, lắm chỗ vay mượn từ tiểu sử của một số nhà
cải cách đương thời như Phạm Phú Thứ, Nguyễn Trường Tộ, Vũ Duy Thanh … Trong
bài này, chúng tôi không trở lại những vấn đề đã cũ hay những giải
thích không cần thiết mà trình bày về một tài liệu đã được đăng tải trên tạp
chí Nam Phong năm Bảo Đại nguyên niên (1926), quyển XVIII, tr. 17-19. Đó là bài Bùi Gia Chí Sĩ Lược Truyện (裴家志士略傳) viết về hai anh em ông Bùi Viện và Bùi Lạp do Sở Cuồng Lê Dư soạn.
Tính đến khi nghiên cứu của Sở Cuồng được công bố, Bùi
Viện (1839-1878) chỉ mới qua đời khoảng hơn 40 năm. Lê Dư lại là người rất chu
đáo khi tìm hiểu một vấn đề, vẫn nổi tiếng về biên khảo nhiều tài liệu lịch sử
có giá trị. Những chi tiết mà ông nêu ra phù hợp với thực tế đương thời của triều
đình Huế và chúng ta cũng có thể đánh giá lại những chi tiết về tổ chức Tuần
Dương Quân mà Phan Trần Chúc đã hư cấu trong “Bùi Viện với chính phủ Mỹ”.
Theo Sở Cuồng, việc đáng chú ý nhất của Bùi Viện là
ý kiến canh tân muốn học tập theo Tây phương nên ông xin được sang Âu châu để
tìm hiểu cách thức cai trị và đường lối sinh hoạt của họ. Việc nóng lòng muốn
thay đổi cho mau chóng bắt kịp với bên ngoài không phải họ Bùi là người đề xuất
duy nhất mà trước đó Phạm Phú Thứ (1821-1882), Đặng Huy Trứ (1825-1874), Nguyễn
Trường Tộ (1830-1871) … cũng đã điều trần. Tuy nhiên, đề nghị của ông không được
chấp thuận vì phần lớn các quan trong triều đình ngả theo khuynh hướng cải cách
“gián tiếp” xuyên qua học tập Trung Hoa, có lẽ là kế sách khả thi và phù hợp với
quan điểm chung của sĩ phu thời đó. Theo Lê Dư, dẫu Bùi Viện có khuynh hướng Âu
hoá mạnh mẽ nhưng cũng chính ông là người được giao cho vai trò tìm hiểu để học
tập cách thức canh tân và thực hiện những thí nghiệm mới theo đường lối Trung
Hoa.
Theo Sở Cuồng, Bùi Viện quả có sang Tàu trong ba
năm và công tác chính của ông là nghiên cứu về cải cách của Trung Hoa để thực
hiện việc mở các cửa biển giao thương với bên ngoài. Nói trắng ra, đó là từ
bỏ đường lối “bế quan toả cảng”, chính sách cố hữu nhằm chặn người ngoại
quốc xâm nhập Trung Hoa đồng thời ngăn những gì của Trung Hoa lọt ra ngoài.
Ở vào thời đại hôm nay, khi nói đến bế quan toản cảng
chúng ta thường coi như một biện pháp hạ đẳng và thiển cận của triều đình
phương Đông nhưng thực ra đây là một chính sách lớn mà người Trung Hoa áp dụng
trong nhiều ngàn năm. Không phải vô cớ mà Trung Hoa xây một công trình vĩ đại
là Vạn Lý Trường Thành ở phương bắc và những hàng rào, quan ải khắp nơi dọc
theo biên giới ở phía tây nam. Chính cái nguyên tắc thiên triều phiên thuộc
cũng hàm ý các nước chung quanh là một phên giậu (phiên) để phân biệt nội ngoại.
Chính sách đó cũng bảo vệ và kiểm soát những sản phẩm, bí mật quân sự, kỹ thuật,
văn hoá mà người Trung Hoa muốn giữ kín cho riêng họ. Nhiều phát minh của Trung
Hoa phải mất rất lâu trước khi các nước khác học hỏi và bắt chước được. Trong
hàng ngàn năm, vô số các thừa sai phương Tây muốn vào trung nguyên truyền đạo
nhưng đồng thời cũng muốn tìm hiểu và học hỏi về văn minh của người Hán nhưng
không mấy thành công.
Việt Nam vốn dĩ là một phó sản của Trung Hoa nên những
thay đổi ở Việt Nam thường thường đã xảy ra ở Trung Hoa trước và được sao chép
lại theo một qui mô nhỏ hơn. Chính sách thay đổi của thời Tự Đức cũng không
khác. Cũng vì lẽ đó, triều đình Huế đã chủ trương thay vì đi học trực tiếp từ
Tây phương thì cứ đi học lại của nhà Thanh, vừa nhanh vừa tiện – ít nhất cũng
trên phương diện đồng văn (dùng chung một thứ chữ viết) – nên không gửi người
sang Âu châu mà gửi người sang Trung Hoa du học về chính sách, về ngoại giao và
cả về kỹ thuật[4].
Chuyến đi của Bùi Viện và em là Bùi Lạp sang Trung Hoa rồi trở về tổ chức nha
Tuần Tải cũng không ra ngoài chính sách đó. Nha Tuần Tải của Việt Nam là một mô
hình nhỏ của Chiêu Thương Cuộc nhà Thanh.
Chiêu Thương Cuộc là một cơ quan lo việc buôn bán do
Lý Hồng Chương - khi đó là tổng đốc Trực Lệ kiêm Bắc Dương đại thần - tâu lên
Thanh đình lập ra năm 1872 dưới thời Đồng Trị. Cơ quan này là công tác trọng yếu
trong một loạt cải cách mà người ta đặt tên là Dương Vụ vận động. Cuối năm 1872,
nhà Thanh thiết lập Luân Thuyền Vận Thâu Xí Nghiệp (輪船運輸企業)[5] và đầu năm 1873 thì chính
thức mở tổng bộ tại Thiên Tân. Theo Thanh Sử Cảo[6] thì năm Đồng
Trị 11 (1872), Xương Tuấn (昌濬) xin được dùng các thuyền vận tải để
chuyên chở và lôi kéo việc buôn bán, các thương nhân sẽ góp vốn thiết lập
thương cuộc và chịu trách nhiệm mua ba chiếc tàu, mỗi năm chở được 20 vạn thạch
vận chuyển đến Thiên Tân.
Đây là hãng tàu vận tải qui mô và to lớn nhất của Trung Hoa từ trước đến
nay, lúc đầu do triều đình điều động quan lại coi sóc nhưng sau có tư nhân tham
gia, quan đốc thương biện (quan lại coi sóc, con buôn thực hiện) là một dạng hợp
doanh do tổng biện, hội biện đảm trách việc điều hành. Tiếp đó, việc kinh doanh càng ngày càng được mở rộng và bành trướng tới
những ngành kinh doanh khác như khai thác khoáng sản, than đá, may dệt, ngân
hàng, bảo hiểm, điện thoại, đường sắt …
Năm 1873, lần đầu tiên thuyền vận tải của Chiêu Thương
Cuộc từ Thiên Tân đi Hương Cảng mở đầu cho công việc kinh doanh đường biển cận
duyên và cũng năm đó, tuyến đường viễn dương được mở từ Thiên Tân đi Nhật Bản.
Công việc càng ngày càng phát đạt nên từ Chiêu Thương Cuộc ở Thiên Tân
họ đã có thêm những chi nhánh ở nhiều nơi khác như Phúc Kiến, Quảng Châu và nhiều phân trạm tại các quốc gia mà họ kinh doanh. Sau khi nha Tuần Tải của Việt Nam thất bại, Chiêu Thương Cuộc của nhà
Thanh đứng ra thầu luôn việc chuyên chở lúa gạo cho triều đình Huế và thương cuộc ở Quảng
Châu là đầu cầu liên lạc với nước ta. Những chuyến đi của Chiêu
Thương Cuộc nhà Thanh đến Thuận Hoá bên cạnh vấn đề
kinh doanh còn công tác con thoi để bí mật thông báo và đưa tin qua lại giữa
hai triều đình. Cũng vì thế vua Tự Đức đã cương quyết từ chối
không cho họ gặp mặt để trình bày và chuyển giao tin tức vì sợ người Pháp nghi
ngờ.
Sở Cuồng viết:
… Tiên sinh đi khắp các thương phụ (nơi mở chợ buôn
bán) của Trung Quốc như Quảng Châu, Hương Cảng, Hạ Môn, Thượng Hải, Thiên Tân mọi
vùng, quan sát ba năm, khi trở về lại xin được mở các thương cuộc được bổ làm
tham biện thương chính cuộc [tục gọi là ông tham Trình Phố].
Khi đó giặc biển hoành hành, tiên sinh lại tâu
xin thiết lập nha tuần tải để đi tuần trên mặt biển, bảo hộ thuyền buôn.[7]
Có thể nói, ngoại trừ những người đã từng được đặt
chân đến Âu Châu như Phan Thanh Giản, Phạm Phú Thứ … tha thiết kêu gọi cải tổ,
canh tân trực tiếp theo đường lối của Tây phương giống như Xiêm La, Nhật Bản
thì phần lớn sĩ phu Việt Nam tuy có đầu óc đổi mới nhưng vẫn chủ trương học tập
từ Trung Hoa vốn dĩ luôn luôn là khuôn mẫu cho Việt Nam từ nhiều thế kỷ. Điều
đó cũng dễ hiểu vì hình dáng người nước ta không khác người Tàu bao nhiêu, chỉ
cần thay đổi bề ngoài thì có nhiều cơ hội trà trộn học tập hơn là đi trực tiếp
với Âu châu. Vả lại, vào thời kỳ đó, Á châu vẫn đố kỵ với Tây phương trên nhiều
mặt, kể cả ngôn ngữ, tôn giáo, văn tự … Muốn học tập theo Tây phương môi trường
trung gian hữu hiệu nhất là những thừa sai của đạo Thiên Chúa, họ sẵn lòng tiếp
tay với triều đình nhưng lại cũng mang theo nhiều nghi kỵ sợ họ làm nội gián
cho đối phương.
Việc cử một phái đoàn “bán chính thức” như phái đoàn
Bùi Viện cũng phải đặt trong khung cảnh ngoại giao thời đó, không phải chỉ
riêng nước ta mà cả của Trung Hoa cũng như sự cảnh giác của các cường quốc Tây
phương đang có mặt ở Đông Á. Cũng vì không phải là một phái đoàn trong qui chế
thiên triều – phiên thuộc, Bùi Viện chỉ có thể bí mật đến Quảng Châu và len lỏi
vào các khu vực tô giới đã nhường cho
ngoại quốc ở Quảng Châu, Hạ Môn, Phúc Châu, Ninh Ba, Thượng Hải (1842), Ngưu
Trang, Hán Khẩu, Trấn Giang, Cửu Giang, Nam Kinh, Thiên Tân … (1860) nói chung
là dọc theo bờ biển chủ yếu bằng thuyền buôn và không được quan lại địa phương
đón tiếp như một sứ bộ chính thức. Cũng vì lẽ đó, khi giao thiệp với người Anh,
người Mỹ … ông chẳng có gì để chứng minh thân thế và nhiệm vụ của mình ngõ hầu
có được những yểm trợ cụ thể.[8]
Theo đẳng cấp nhà Nguyễn, tham biện (làm việc trong Thương
Bạc Viện) là quan văn, chánh ngũ phẩm nhưng khi Bùi Viện được giao việc trông
coi nha Tuần Tải và thành lập đội Tuần Dương quân thì cấp bậc cao hơn. Tuy
nhiên đội Tuần Dương này không thực sự đóng vai trò hải quân của quốc gia mà chỉ
là một đội thuyền hộ vệ các tàu chở hàng để khỏi bị hải phỉ (Tàu Ô) đánh cướp.
Với trang bị thô sơ, kỹ thuật yếu kém các đội thuyền này không duy trì được lâu
và tan rã sau khi Bùi Viện qua đời.
Theo Đại Nam Thực Lục, đệ tứ kỷ, quyển LVIII, thực lục
về Dực Tông Anh hoàng đế (tức vua Tự Đức) thì nha Tuần Tải được thành lập vào
tháng Tám năm Đinh Sửu (Tự Đức 30, 1877):
… Bắt đầu đặt nha Tuần tải (chánh, phó quản đốc
mỗi chức một người, bát, cửu phẩm mỗi chức 1 người, thư lại 6 người, mộ dõng
quyền quản 2 người, quyền suất 6 người, điển ty 1 người) lấy Biên tu lĩnh Trước
tác là Bùi Viện (Cử nhân ở Nam Định) sung chức Chánh quản đốc.[9]
Châu bản triều Nguyễn về
việc bổ Bùi Viện làm Quản đốc nha Tuần tải
(tài liệu Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I, Hà Nội trích từ bài viết của Đào
Hải Yến)
Theo bản tấu của Bộ Binh ngày 9 tháng Chín năm Tự Đức 30 (1877): “Ngày tháng 7 năm nay, quan bộ Hộ và bộ thần dâng
phiến xin đặt một Chánh quản đốc, một Phó quản đốc tại nha Tuần tải. Kính
chuẩn cho Bùi Viện sung làm Quản đốc nha ấy, còn Phó quản đốc do ban võ lựa chọn.
Các viên quan cơ hoặc Cai đội, ai là người thông thạo sông nước và đánh trận đường
bộ xin sung bổ. Bộ thần tuân sao lục gửi cho thi hành. Sau đó nhận được tờ phúc
tấu của ban võ trình rằng đã chọn được viên Cai đội đội 7 vệ 4 doanh Trung Thuỷ
sư là Đặng Văn Ứng và Chánh đội trưởng suất đội đội 1 vệ Nhị bảo Tả doanh Vũ
Lâm là Nguyễn Dũng Lực đều là những người có thân thể tráng kiện, đã từng qua
đánh dẹp, có thể sung bổ được. Bộ thần vâng xét Nguyễn Dũng Lực là lính bộ có
am hiểu về đường thuỷ không và Đặng Văn Ứng là quân thuỷ có am hiểu đánh trận
đường bộ không trong tờ tư không thấy trình bày rõ. Bộ thần đã vâng tư hỏi, nay
nhận được tờ phúc tấu trình bày: Nguyễn Dũng Lực am hiểu đánh trận đường bộ, đường
thuỷ nghĩ cũng am hiểu. Đặng Văn Ứng từng chuyên chở vật hạng, đánh trận đường bộ khá am hiểu. Quan ban
võ xét là đều có thể sung bổ được. Trong đó Đặng Văn Ứng là người xuất thân thuỷ
quân, biết đánh trận đường bộ, mà phẩm trật cũng cao hơn. Vậy Đặng Văn Ứng xin
để nguyên hàm Cai đội cấm binh sung làm Phó quản đốc nha ấy. Còn Nguyễn Dũng Lực
phẩm trật thấp hơn xin nên vẫn giữ chức cũ...”[10]
Qui chế nhà Nguyễn, cai đội là tòng tứ phẩm nên chức
quản đốc là quan văn phẩm trật phải cao hơn. Khi Bùi Viện qua đời, người thay
ông là Nguyễn Hữu Thục, phó đề đốc Nam Định làm quản đốc Tuần Tải (phó đề đốc
là trật chánh hay tòng nhị phẩm) nên Bùi Viện khi ở vị trí này cũng ở mức tương
đương chứ không phải ngũ, lục phẩm như nhiều người suy đoán.[11]
Nói chung, Bùi Viện là người đầu tiên được vua Tự Đức
giao cho thi hành một số cải tổ canh tân theo mẫu hình của nhà Thanh, từ việc
thành lập một Thương Chính Cuộc (mẫu hình Chiêu Thương Cuộc của nhà Thanh) và rồi
bắt đầu chỉ huy nha Tuần Tải (theo mẫu hình Bắc Dương, Nam Dương quân của nhà
Thanh trên biển). Tuy nhiên, tuổi đời và uy tín của ông không thể sánh được với
những người được giao trọng trách canh tân của Trung Hoa như Lý Hồng Chương,
Tăng Quốc Phiên … nên công cuộc cải cách chưa đi đến đâu thì đã sụp đổ. Thương
Chính Cuộc sau khi họ Bùi qua đời chỉ thuần tuý đóng vai trò liên lạc với bên
ngoài và chính công tác chuyên chở, cung cấp lương thực – nói chung là xương sống
kinh tế của Việt Nam thời đó – từ bắc vào nam, từ nam ra bắc cũng giao cho người
Tàu đảm trách. Nha Tuần Tải không thành công vì việc chở mướn không đủ sức chi
phí cho các đội bảo tiêu (Tuần Dương quân) mà vì cần đến sự liều lĩnh của họ
nên phải hậu đãi hơn binh lính bình thường. Cũng theo Đại Nam Thực Lục, đệ Tứ kỷ,
quyển LX thì tháng Chạp năm Mậu Dần, Tự Đức 31 (1878), một tháng sau khi Bùi Viện
từ trần:
… Cho lĩnh Đề đốc phủ Thừa Thiên là Nguyễn Hữu Thục
đổi lĩnh Phó đề đốc tỉnh Nam Định, quản đốc công việc nha Tuần tải. Quản đốc
trước ở nha ấy là Bùi Viện để thiếu rất nhiều, em viên ấy là Bùi Phủng nhận
lĩnh chở thuê để khấu trừ, nhưng đều là người mới. Hộ đốc Nam Định là Nguyễn Trọng
Hợp tâu xin uỷ người buôn nước Thanh là hiệu Bảo Phúc và quyền Hiệp quản là bọn
Phan Đễ nhận làm đóng thuyền thu thúc binh dõng, rồi thu tiền bảo hiểm.[12]
Xem như thế, trong một năm Bùi Viện làm quản đốc nha
Tuần Tải, tình hình làm ăn không thành công. Những cơ quan vận tải hoạt động
theo lối bán công, tuy do người của triều đình cắt đặt nhưng hoạt động kinh
doanh như tư nhân [tức dạng quốc doanh hiện nay] nên phải làm sao tiền thu vào
đủ để chi phí, không thể hoạt động mà không tính chuyện lỗ lời.
Thế nhưng Nguyễn Hữu Thục cũng không thành công nên chẳng
bao lâu bị đình chức và giao lại cho Nguyễn Trọng Hợp:
… Trọng Hợp mới sửa sang 4 chiếc thuyền hiệu (2 chiếc
đóng ra, 2 chiếc thuê làm) chọn phái các viên lĩnh mộ, chia nhau cai quản luyện
tập, quân thuỷ thủ người nước Thanh (hơn 130 người) ngồi các thuyền hiệu, chia
làm ở toán tiền, trung, hậu, ra biển luyện tập, lại uỷ bọn bang biện người nước
Thanh đứng ra bảo nhận thuê các hiệu thuyền nước Thanh đi tải.[13]
Chiêu Thương Cuộc của Trung Hoa nay vươn dài cánh tay
và có chi nhánh ở bắc và ngay cạnh kinh đô thường đóng vai thông tin bí mật giữa
hai triều đình. Những công tác đó rất nhộn nhịp và càng lúc càng thêm mật thiết
khi vua Tự Đức dựa hẳn vào Trung Hoa để chống Pháp và nhiều phái đoàn qua lại
trong năm 1882, 1883 cho đến khi ông qua đời.[14]
Ngoài nha Tuần Tải, vua Tự Đức cũng muốn áp dụng một
mô hình khác của Trung Hoa là thành lập một cơ quan chuyên về ngoại giao với
bên ngoài. Trước đây, hệ thống hành chánh cũ của triều đình nhà Thanh có bộ Lễ
và Lý Phiên Viện trông coi việc quản lý các sự vụ liên quan đến các nước chung
quanh, chủ yếu là việc lễ nghi qua lại. Đến khi phải đối phó với các cường quốc
Âu Tây, công việc ngoại giao và chính trị nay trở nên phức tạp, không đơn giản chỉ
là những “cống sứ” nên nhà Thanh thành lập Tổng Lý Các Quốc Sự Vụ Nha
Môn, gọi tắt là Tổng Lý Nha Môn hay Tổng Thự năm 1861 sau hiệp ước Thiên Tân
(1858) và Hội Nghị Bắc Kinh (1860). Nhiệm vụ của nha môn này tương tự như bộ
ngoại giao ngày nay. Tổng Lý Nha Môn trông coi việc cử các lãnh sự ở nước khác,
giám sát và cai quản việc ngoại thương, phòng vệ duyên hải, thuế má thương vụ,
thiết lộ và khai mỏ, kể cả việc đưa các du học sinh ra nước ngoài học tập. Nha
môn do một số vương công, đại thần trong Quân Cơ Xứ điều hành và là cơ quan trọng
yếu nhất cuối đời Thanh. Chúng ta thấy những cải cách hành chánh vội vã của nhà
Thanh sau các hiệp ước khai phóng môn hộ và của triều đình Tự Đức sau khi ký hiệp
ước Giáp Tuất (1874) có nhiều nét tương đồng nên việc cử Bùi Viện sang Trung
Hoa có lý do cụ thể của nó.
Anh em ông Bùi Viện sang Trung Hoa tìm hiểu các mô
hình chính trị của họ vào khoảng 1874-1877 rồi khi về thành lập thương cuộc theo
mẫu nhà Thanh nhưng việc thiết lập nha môn (dưới tên Thương Bạc Viện) thì còn
sơ khai và tuy có liên lạc với bên ngoài nhưng vẫn trong vòng bí mật. Cuối đời
Tự Đức, Thương Bạc Viện do Nguyễn Văn Tường trông coi và ông đóng vai trò bộ
trưởng ngoại giao thay mặt hoàng đế mật nghị với Đường Đình Canh, Đường Cảnh
Tùng khi họ nguỵ trang làm người của Chiêu Thương Cuộc sang lo việc buôn bán.
裴家志士略傳
Sở Cuồng (楚狂)
Nam Phong tạp chí
Bảo Đại nguyên niên, Tây Lịch 1926
Quyển XVIII, tr. 17-19
Cho nên biết trước được chuyện khó khăn, xưa nay đông
tây đều coi là chuyện khó nhất vậy.
Tôi thường xem xét việc đời, đau lòng chuyện cũ, thấy ở
Bắc Kỳ có hai vị sớm hiểu biết, rất lấy làm hâm mộ không thể bỏ qua, không thể
không biểu dương trên trần thế ngõ hầu người đời sau kính ngưỡng. Hai vị tiên
giác ấy là ai? Ấy là chí sĩ Bùi Viện, Bùi Lạp hai vị tiên sinh vậy.
Hai tiên sinh thuộc họ Bùi người tỉnh Thái Bình, phủ
Kiến Xương, huyện Trực Định, xã Trình Phố, sinh vào đầu thời Tự Đức mà cũng là
anh em cùng một bọc. Bùi Viện tiên sinh hiệu là Mạnh Dực, thông minh dĩnh ngộ,
khẳng khái khác thường.
Khi trẻ lúc còn đi học ông đã xem xét thời sự, tính
toán cơ nghi để mong sau này khi ra đời gặp thời thì có chỗ dùng. Năm Tự Đức 21
(1868) ông đỗ cử nhân kỳ thi Hương, đến mùa xuân năm sau lên kinh đô thi hội.
Tuy không được toại nguyện nhưng ông vốn là một thanh niên bi thời mẫn thế,
tráng chí hùng tâm, khiến được nhà vua biết đến và được triệu vào điện để hỏi về
thời cuộc.
Những điều bình sinh tiên sinh vẫn thường u uất bất
bình nay được ở gần ngay trước bệ thổ khí dương mi, chẳng khác gì cá gặp nước,
rồng gặp mây, sung sướng chẳng nói cũng biết. Một khi tiên sinh được hỏi đến, lập
tức tâu rõ các việc thông thương, lại nhìn rõ cuối thế kỷ XIX, gió Âu mưa Mỹ, ầm
ầm thổi đến.
Phía đông thì Nhật Bản, phía tây thì Xiêm La đều khai
phóng môn hộ, kết với các điều ước thông thương, lại đưa nhiều người sang các
nước ngoài quan sát để tìm kế sách ứng phó. Nước ta chỉ là một dẻo đất nhỏ chưa
khai hoá, nằm trên đường thuyền đi ở biển Nam, phía nam có Ấn Độ, Tân Gia Ba,
phía bắc có Hương Cảng, Thượng Hải là nơi qua lại bắt buộc phải đi ngang, thì lẽ
nào có thể bế quan toả cảng mà không giao thiệp với ai được sao?
Trong những điều ông tâu lên thì trước hết phải là việc
mở các cửa biển, không giống phong thái đóng cửa tự cao tự đại, vốn dĩ ăn sâu
vào đầu óc của người nước ta. Cho nên khi vừa nghe tiên sinh nói, ai nấy đều cảm
thấy chẳng khác gì nhìn mặt trời nơi đất Thục, gặp tuyết rơi nơi đất Việt[15] nên kẻ thì rằng không thể
thực hành, kẻ thì không thấy thích hợp.
Tiên sinh lại tình nguyện đi sang bên phương Tây xem xét
chính thể, mua sách vở các nước đem về để giúp cho việc nghiên cứu. Người nước
ta xưa nay vốn không muốn thay đổi gì, nay lại có người muốn mở mắt tiến bước
xông lên trước, có thể gọi là dũng vậy nhưng không được chấp thuận.
Sau đó tiên sinh đi khắp các thương phụ (nơi mở chợ
buôn bán) của Trung Quốc như Quảng Châu, Hương Cảng, Hạ Môn, Thượng Hải, Thiên
Tân mọi vùng, quan sát ba năm, khi trở về lại xin được mở các thương cuộc được
bổ làm tham biện thương chính cuộc [tục gọi là ông tham Trình Phố].
Khi đó giặc biển hoành hành, tiên sinh lại tâu xin thiết
lập nha tuần tải để đi tuần trên mặt biển, bảo hộ thuyền buôn. Những việc ông
tâu lên thì rất nhiều mà đều là những việc chưa từng làm. Thế nhưng tiên sinh đến
năm Tự Đức 29 (1876) thì bị bệnh mất ở kinh đô. [16]
Ôi, tiên sinh là người có tài anh dĩnh bạt tục, có chí
trước nay chưa từng có nhưng trời xanh lại khiến cho mệnh đoản, thực là tạo vật
ghét người tài mà con người cũng ghét lây hay sao. Không phải thế. Sao đời Tự Đức
có hai người được gọi là kẻ tuấn kiệt thức thời, ấy là Nguyễn Trường Tộ tiên
sinh và tiên sinh vậy. Tiên sinh sau khi thi đậu ba năm thì Nguyễn Trường Tộ
tiên sinh qua đời, tuổi mới 41 (1871). Tiên sinh ở kinh đô cũng tám, chín năm
thì cũng ôm hận mà mất. Chúng ta ngày nay luận chuyện người xưa thường không thể
không tiếc cho đất nước của ông cha vậy.
Khi tiên sinh ở kinh đô vẫn mong được gặp gỡ, quen biết
có ông Nguyễn Tư Giản người Bắc Ninh, mọi việc đều được tâu lên để tiến cử đề đạt,
lại được ông Trần Tiễn Thành giới thiệu với Nguyễn Trường Tộ tiên sinh.Tuy các
tờ triệp của hai ông Trần, Nguyễn sau các cơn sóng gió nay không thấy còn truyền
lại hậu thế nhưng việc đề cử thì nhiều người biết đủ chứng minh hai ông Trần,
Nguyễn biết ông là người có kiến thức rộng, không thể đồng luận với những kẻ tầm
thường, kém hiểu biết lúc đó được.
Khi Mạnh Dực tiên sinh ở kinh đô đã từng đi thăm tất cả
những tỉnh gần bên, quan sát thời cuộc. Khi đến Quảng Nam, lúc lâm biệt Nguyễn
Tư Giản đã gửi lời để cho đi đường thêm phấn khởi. Theo như Thạch Nông thi tập
còn chép thì có hai bài thơ tiễn Mạnh Dực đi Quảng Nam như sau:
Bài 1
何事辭家久,居然抱世憂。
側身天地濶,瀝血鬼神謀。
談笑才難盡,騰騫志未酬。
風雲開塞北,孤雁莫淹留。
Hà sự từ gia cửu,
Cư nhiên bão thế ưu.
Trắc thân thiên địa khoát,
Lịch huyết quỉ thần mưu.
Đàm tiếu tài nan tận,
Đằng khiên chí vị thù.
Phong vân khai tái bắc,
Cô nhạn mạc yêm lưu.
Dịch nghĩa
Vì việc gì mà phải xa nhà đã lâu
Ấy cũng vì ôm mối lo việc đời
Nghiêng mình thấy trời đất rộng
Trích máu để mưu tính việc quỉ thần
Nói cười tài khó tỏ ra cho hết được
Nghển đầu chồm lên chí chưa xong
Hội gió mây mở tung ải đất bắc
Cánh nhạn lẻ lẽ nào bị giữ lại mãi hay sao?
Bài 2
風雨歲將暮,飄然更向南。
天涯萬里意,燈下半宵談。
黄石書猶在,元龍氣益酣。
會須聯馬首,觀海到蒲甘。
Phong vũ tuế tương mộ,
Phiêu nhiên cánh hướng nam.
Thiên nhai vạn lý ý,
Đăng hạ bán tiêu đàm.
Hoàng thạch thư[17] do tại,
Nguyên long khí ích hàm.
Hội tu liên mã thủ,
Quan hải đáo bồ cam.
Dịch nghĩa
Gió mưa khi năm đã sắp tàn
Thổi nhẹ về hướng nam
Góc biển ý vạn dặm
Dưới đèn nói chuyện một nửa đêm
Sách của Hoàng Thạch Công nay còn đây
Cái khí nguyên long[18]
vẫn còn đầy rẫy
Phải sao cho đầu ngựa liên tiếp nhau
Quan Âm trên biển cầm bình nước cam lồ đến
Lại có ngày cùng Mạnh Dực ban đêm ở trên thuyền uống
rượu, có thơ rằng:
寒夜微陽雨乍晴,江關寂寞一舟橫。
三年海外風霜苦,半醉燈前肺腑傾。
收到棋枰觀世局,棄餘鷄肋笑吾生。
興闌耳然還歸去,正是譙樓四古聲。
Hàn dạ vi dương vũ tác tình,
Giang quan tịch mịch nhất chu hoành.
Tam niên hải ngoại phong sương khổ,
Bán tuý đăng tiền phế phủ khuynh.
Thu đáo kỳ bình quan thế cục,
Khí dư kê lặc tiếu ngô sinh.
Hứng lạn nhĩ nhiên hoàn qui khứ,
Chính thị tiều lâu tứ cổ thanh.
Dịch nghĩa
Đêm lạnh hơi hừng sáng thì trời mưa bỗng tạnh
Chốn cửa sông tịch mịch trên một chiếc thuyền ngang
Ba năm ở hải ngoại chịu nhiều khổ ải phong sương
Nửa say trước ngọn đèn trút hết gan ruột mình
Thu tất cả vào bàn cờ để xem thế cuộc
Bỏ đi miếng xương gà[19]
mà cười đời mình
Tiệc đã hết hứng rồi nên đành quay về
Trên chòi cao tiếng trống báo đã canh tư
Lại cảm tác có thơ rằng:
北極風烟久不開,江南作賦子山哀。
海將又及千年淺,人是曾經百折來。
絕域頻煩金馬使,中天依舊晾鷹臺。
誰能浪迹乾坤外,斫取乖龍下酒杯。
Bắc cực phong yên cửu bất khai,
Giang nam tác phú tử sơn ai.
Hải tương hựu cập thiên niên thiển,
Nhân thị tằng kinh bách chiết lai.
Tuyệt vực tần phiền kim mã sứ,
Trung thiên y cựu lượng ưng đài.
Thuỳ năng lãng tích càn khôn ngoại,
Chước thủ quai long hạ tửu bôi.
Dịch nghĩa
Chiến tranh ở phương bắc đã lâu mà chưa dứt
Phía nam bờ sông thuế má khiến sông núi phải buồn
Nghìn năm nay biển cũng đến lúc nông
Con người thì trải qua một trận trăm điều thử thách
Nơi xa xôi mấy lần đã phải ngựa vàng[20]
đi sứ
Giữa trời đài Lượng Ưng[21]
thì cũng vẫn như xưa
Ai là người có thể in dấu bên ngoài càn khôn
Chém được giống rồng hung ác để nâng chén uống rượu
Ấy là vì đồng cảm với Mạnh Dực tiên sinh mà làm ra vậy.
Lại làm khi đi thuyền ở vịnh Thuận An như sau:
邰陽宮殿鎖烟波,一棹天妃廟外過。
沙巿風昏潮上急,紅樓雲霽月明多。
倚篷遠浦千山色,欹枕鄰船半夜歌。
豪氣元龍呼不起,滄溟擊楫恨如何。
Thai Dương[22] cung điện toả yên ba,
Nhất trạo Thiên Phi miếu ngoại qua.
Sa thị[23]
phong hôn triều thượng cấp,
Hồng lâu vân tễ nguyệt minh đa.
Ỷ bồng viễn phố thiên sơn sắc,
Y chẩm lân thuyền bán dạ ca.
Hào khí nguyên long hô bất khởi,
Thương minh kích tiếp hận như hà.
Dịch nghĩa
Cung điện của nhà vua bị khói sóng che lấp
Một mái chèo vượt qua miếu Thiên Phi[24]
Gió làm mù mịt cả phố Sa sóng dâng lên gấp
Khi mây tan trăng càng sáng khi chiếu vào lầu đỏ
Tựa vào buồm ở phố xa sắc của hàng nghìn ngọn núi
Tiếng hát lúc nửa đêm từ thuyền san sát ở gần bên
Hào khí nguyên long gọi nhưng không vùng lên được
Chốn biển khơi mù mịt quẫy mái chèo hận như thế nào.
Bài thơ có tự chú thích là:
Mạnh Dực trước đây cùng với ta hẹn nhau đến
Thuận An xem biển nhưng không toại nguyện. Nay Mạnh Dực qua đời đã ba năm, nghĩ
đến thuở xưa, thốt nhiên thương nhớ.
(孟翼昔嘗與予約順安觀海不果。今孟翼羽化已三年矣。感念疇昔。悠然興懷。)
Xem như thế đủ biết lúc đương thời Nguyễn công và tiên
sinh tương tri rất sâu đậm, một thời kỳ nồng thắm. Và lòng ái quốc đau xót cho
thời thế cùng mang một mối khổ tâm nên hai người đều thương cảm. Mọi việc Nguyễn
công đều tiến cử lên nhưng đến sau vẫn không được đề bạt đến nỗi Mạnh Dực phải
ôm hận mà chết. Quả thật thương đến là chừng nào.
Em trai của Mạnh Dực tiên sinh là Bùi Lạp (裴拉) tiên sinh cũng là một chí sĩ ái quốc đương thời. Khi
Mạnh Dực tiên sinh đi khắp các nơi đất Trung Quốc, đâu đâu cũng có ông đi cùng,
hai anh em tha hương nơi góc bể chân trời gió mưa cay đắng. Lúc thì cùng nhau
lên tháp Quan Âm ở Ngũ Dương, nhìn về nam nước cũ nhỏ lệ dầm bâu. Cũng có khi lên
núi Thái Bình ở Hương Cảng trông xuống biển lớn mà ca mà khóc, cùng cảnh ngộ mà
bi phẫn.
Ôi, nước ta vào thời Tự Đức nhà vua thì trọng từ chương,
bầy tôi thì mong được an toàn, dân chúng thì sợ hãi chuyên chế, cả nước chẳng
khác gì như mê như say, như điếc như khờ, hoặc vùi đầu chốn khoa danh, hoặc đắm
mình nơi no ấm, chẳng ai nói đến việc yêu nước, cũng chẳng ai nói đến chuyện ưu
thời, không ai nói chuyện bất bình, không ai nói chuyện liêm sỉ. Vậy mà hai anh
em ông phiêu bạt nơi hải ngoại, gắng sức vì tổ quốc. Cái cao kiến viễn thức và
nghị lực hùng tâm kia khiến cho chúng ta ngày hôm nay mỗi khi nghĩ đến thì
không thể nào không sùng bái ngưỡng mộ.
Sau khi Mạnh Dực tiên sinh qua đời, Bùi Lạp tiên sinh
cũng bện tóc mặc đồ Trung Hoa để sống ẩn dấu nơi hải ngoại,[25] thường thường cùng những
người Anh, người Mỹ đàm luận việc thiên hạ. Cũng vì Bùi Lạp tiên sinh rất giỏi
tiếng Trung Hoa nên ông Nguyễn Tư Giản thường nhận được tin tức ở bên ngoài và
sách vở, báo chí cũng đều nhờ vào ông cả.[26]
Bùi Lạp tiên sinh vì có việc phải lưu lại ti Châu Trường,
huyện Hợp Phố chưa về được, ông Nguyễn Tư Giản có làm một bài thơ cảm hoài như
sau:
百憂如爛草,連日雨聲中。
宦海頭將白,青山夢已空。
窗蕉晨氣綠,爐火血光紅。
忽憶珠場客,天涯臥一篷。
Bách ưu như lạn thảo,
Liên nhật vũ thanh trung.
Hoạn hải đầu tương bạch,
Thanh sơn mộng dĩ không.
Song tiêu thần khí lục,
Lô hoả huyết quang hồng.
Hốt ức châu trường khách,
Thiên nhai ngọa nhất bồng.
Dịch nghĩa
Trăm mối lo chẳng khác gì cỏ mục
Nhiều ngày liên tiếp ở trong tiếng mưa
Trong chốn quan trường nay đầu sắp bạc rồi
Núi biếc kia giấc mộng vẫn còn trống không
Cây chuối ngoài cửa sổ buổi sáng màu xanh mướt
Lửa trong lò màu đỏ tươi như máu
Chợt nhớ đến người khách ở nơi xa xôi
Đng nằm trong một chiếc thuyền nào ở góc trời
Ấy cũng là vì đau lòng nhớ đến lúc biệt ly mà làm thơ
vậy.
Tiên sinh mỗi khi về nước thì liền búi tóc đổi sang y
phục nước Nam để tránh tai mắt người đời. Sau nhiều năm lao khổ, tận tuỵ vì nước
nên bị bệnh không khỏi được, chí lớn không thực hành, thật đáng buồn thay.[27]
Tôi chép lại lịch sử của hai anh em họ Bùi, cũng không
được rõ ràng lắm, đợi ngày sau dò hỏi tra cứu rồi sẽ tường thuật lại, nay chỉ
dùng những việc đã biết và lòng thành ái quốc mà thôi. Biết chỗ người khác chưa
biết, làm chỗ người khác chưa làm được là cái ý mọn cần phải biểu chương để an ủi
hào kiệt bình sinh ta sùng bái vậy.
Nguyễn Duy Chính dịch
08-2021
[1] Cuốn sách này được tái bản nhiều lần, đôi khi dưới một cái tên hơi khác.
[2] Nhiều chi tiết cá nhân và gia đình trong bài này, chúng tôi tham khảo
thêm trong “Gia Phả Họ Bùi” (1967) do con cháu Bùi tộc di cư vào Nam biên soạn,
được ấn hành cuối năm Mậu Thân (1968) ở Saigon.
[3] Trung
tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn,Tự Đức, tập 290, tờ 27
http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/bui-vien-%E2%80%93-nha-tu-tuong-canh-tan-tao-bao.htm
[4] Năm 1875, Tự Đức ra lệnh cho bộ Lễ phiên dịch
16 quyển sách của Tây phương do bộ Lại trình lên… Thế nhưng vì có tính chuyên nghiệp
cao nên nghĩa trong sách khó hiểu, dịch giả Nguyễn Hoằng (linh mục, tham biện
Ty Hành Nhơn) thuộc bộ Lễ không sao dịch được, còn thuê người ngoại quốc dịch
thì tốn tiền mất thì giờ nên vua Tự Đức chỉ sai đem cất những sách này vào kho,
để sai người sang Tây phương học xong trở về sẽ dịch lại lần nữa. Đại Nam thực
lục quyển 53, 6 chép: “[Nguyễn] Hoằng bẩm rằng: Những sách này đều thuộc loại
kỹ nghệ khéo léo, nghĩa chữ khó đọc, bọn họ học tập chữ Pháp, chỉ đủ để qua lại
lễ nghi, còn như kỹ nghệ kỹ xảo, đều không rành rẽ, chỉ có đoạn về lặn nước hơi
dễ, xin cho vài ba tháng dịch xong trình lên, còn các loại sách khác thì linh mục
Đăng người tây dương cũng không phiên dịch được. Nếu như thuê người tây thì giá
rất cao, lại mất nhiều ngày giờ (dịch một trang lớn một tờ 5 quan, hạng trung 4
quan, hạng nhỏ 2 quan. Một người dịch phải mất 6, 7 năm mới xong). Vậy những
sách này xin giao cho Cơ Mật giữ, đợi những người gửi sang tây học xong trở về
hãy dịch. Vua nghe theo”. Trích theo Sun Laichen, “Việc phát sinh và lưu
truyền ngụy thư: Khảo sát Binh Thư Yếu Lược (A.476) của Trần Quốc Tuấn qua góc
độ lịch sử” (bản dịch NDC).
[5] Thường được gọi là Luân Thuyền Chiêu Thương Cuộc hay tên tắt là Chiêu Thương Cuộc.
[6]
Trung Hoa thư cục, Chí, tập 13, tr. 3598-3599.
[7] Trích bài dịch Bùi Gia Chí Sĩ Lược Truyện (NDC)
[8] Việc thay đổi cống đạo từ đường bộ (qua Trấn
Nam quan lên Quảng Tây đi Bắc Kinh) sang đường thuỷ (từ Thuận Hoá đi Quảng Châu
rồi từ Quảng Châu đi Thiên Tân, lên Bắc Kinh) còn rắc rối đến khi vua Hiệp Hoà
lên ngôi nước ta vẫn còn xin nhà Thanh đổi mà vẫn trong vòng bàn cãi chưa được
chấp thuận. Xem thêm Về những mật nghị với nhà Thanh cuối
triều Tự Đức (Nguyễn Duy Chính).
[9] Quốc Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục, tập Tám (bản dịch Viện
Sử Học) (Hà Nội: nxb Giáo Dục, 2018) tr. 252.
[10]
Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, Châu bản triều Nguyễn, Tự Đức, tập 286, tờ 210 (bản dịch Đào Hải Yến)
http://www.archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/bui-vien-%E2%80%93-nha-tu-tuong-canh-tan-tao-bao.htm
[11] Nói
tóm lại, Bùi Viện trước khi xuất dương có làm tham biện (ngũ phẩm) ở ti Thương
Bạc là một cơ quan nằm trong Thương Bạc Viện (cơ quan giao thiệp với nước
ngoài, tương đương Bộ Ngoại Giao), sau khi trở về thì làm Chánh Quản Đốc (tam hay tứ phẩm văn ban) nha
Tuần Tải kiêm chỉ huy Tuần Dương quân. Vì tên trùng nhau của ti Thương Bạc
và viện Thương Bạc nên người sau đã lẫn
lộn hai chức vụ, hai nhiệm vụ này. Thương Bạc Viện cũng có những cơ quan nghiên
cứu , học tập tiếng ngoại quốc nên có thể trong thời gian làm việc ở đây anh em
ông có dịp biết thêm một số ngoại ngữ.
Trong nhiệm vụ này, ông được vua Tự Đức sai đi sang Trung Hoa để nghiên cứu về
cải cách.
[13] Quốc
Sử Quán triều Nguyễn. Đại Nam Thực Lục, tập Tám (2018) tr. 324.
[14] Theo báo cáo của Trương Thụ Thanh, tổng đốc Lưỡng Quảng, gửi lên Lý Hồng
Chương ngày 23 tháng Hai năm Nhâm Ngọ, Quang Tự 8 (Tự Đức 35), [tức 1882] thì
nhà Thanh đã gửi đại biện Chiêu Thương Cuộc Quảng Châu là Đường Đình Canh cùng
với đại sứ Mã Phục Bôn đáp tàu vào Thuận Hoá lấy danh nghĩa là trông coi việc
chuyên chở lúa gạo cho triều đình Huế nhưng thực ra là thông báo một tin mật để
vua Tự Đức và đình thần sắp xếp việc đối phó với người Pháp trong âm mưu đánh
chiếm toàn cõi Bắc Kỳ. Xem thêm Về những mật nghị với
nhà Thanh cuối triều Tự Đức (Nguyễn Duy Chính).
[15] Đất Thục tức Tứ Xuyên, mây mù triền miên nên không mấy khi thấy được mặt
trời. Đất Việt tức nước ta khí hậu nóng nên không bao giờ có tuyết. Thục nhật
Việt tuyết (蜀日越雪) để chỉ những việc bình thường không thể có
được.
[16] Chi tiết này sai. Bùi Viện chết ngày mồng 1 tháng Một năm Mậu Dần
(1878), Tự Đức 31.
[17] Tương truyền một ông lão thử chí khi và ban cho
Trương Lương một quyển sách, tức Tố Thư (trong Võ Kinh thất thư) dạy về binh
pháp và chính trị cổ thời của Trung Hoa. Khi đi tìm chỉ thấy một hòn đá vàng
nên đặt tên vị ẩn sĩ này là Hoàng Thạch Công.
[18] Nguyên long hay nguyên dương là chữ trong Đạo
Giáo chỉ cái khí dương ban đầu, ám chỉ hùng tâm tráng chí.
[19] Nói về tích kê cân trong truyện Tam Quốc, ý nói
bỏ thì thương, vương thì tội.
[20] Đời Hán vua sai Trương Khiên mang nghìn vàng và
kim mã đi tìm ngựa quí ở Tây Vực nên kim mã có nghĩa bóng là đi sứ khó khăn.
[21] Lượng Ưng đài có từ đời Nguyên, là nơi nghỉ
ngơi của liệp nhân ở sa mạc, mang theo chim ưng để săn thú nhỏ. Về sau ám chỉ
nơi đi săn bắn của triều đình ở gần Bắc Kinh.
[22] Thai Dương là ngôi miếu thờ Thai Dương phu
nhân, một nhân vật huyền thoại gắn liền với sự ra đời của ngôi làng Thai Dương
từ thời Lê trung hung. Về sau, làng Thai Dương chia thành ba làng: Thai Dương
thượng, Thai Dương hạ thượng giáp và Thai Dương hạ hạ giáp.
Thai Dương phu
nhân được các vua triều Nguyễn sắc phong là “Thượng đẳng thần”. Ngôi miếu thờ
Thai Dương phu nhân có tên là Thai Dương miếu, tọa lạc tại làng Thai Dương hạ hạ
giáp, cách Thuận An hành cung (xây dựng dưới triều Tự Đức, là nơi trú tất của
vua nhà Nguyễn mỗi khi vua tuần du về cửa biển Thuận An) khoảng 50 m. Ngôi miếu
này hiện vẫn còn và được chính quyền địa phương công nhận là Di tích lịch sử -
văn hóa cấp tỉnh.
Làng Thai Dương
hạ hạ giáp, thường gọi là làng Thuận An, nay là thị trấn Thuận An, thuộc huyện
Phú Vang nay mới được sáp nhập vào thành phố Huế.
[23] Sa thị có lẽ là “phố cát”, ám chỉ khu vực trung
tâm của làng Thai Dương thời Nguyễn. Đương thời nơi này là một nơi sầm uất, có
Thuận An hành cung, Thai Dương miếu, Âm linh từ… và nhiều cơ sở kiến trúc để
cung phụng cho các chuyến tuần du Thuận An của các vua triều Nguyễn. Cách cụm
kiến trúc này khoảng 1 km là tòa Trấn Hải đài, sau đổi là Trấn Hải thành, một
công trình kiến trúc phòng thủ bảo vệ cửa biển Thuận An do vua Gia Long (1802 -
1820) cho xây dựng, vua Minh Mạng mở mang, nâng cấp thành một tòa thành kiến cố
với nhiều kiến trúc to lớn, đồ sộ.
[24] Thiên phi là bà phi trên trời, ở đây ám chỉ
Thai Dương phu nhân, nhân vật huyền thoại được thờ phụng trong miếu Thai Dương.
[25] Theo gia phả họ Bùi thì ông Bùi Lạp bị nhóm cướp
biển (bộ thuộc do Bùi Viện chiêu mộ) sang đoạt thuế của triều đình chạy sang
Tàu bị quan lại nhà Thanh bắt được nên Bùi Lạp phải lưu lại Quảng Châu một thời
gian. Gia Phả họ Bùi (1967) tr. 45. Tuy nhiên, theo Sở Cuồng thì Bùi Lạp
còn qua lại Trung Hoa không chỉ một lần nên có lẽ ông cũng mang một sứ mệnh triều
đình. Cuối đời Tự Đức, nước ta cũng có một trạm liên lạc ở Quảng Châu, tuy
không hẳn là lãnh sự nhưng cũng đảm trách một số công tác ngoại giao và thu thập
tin tức bên ngoài. Những tân thư lưu truyền trong nước cuối thế kỷ XIX là thông
qua những “trạm liên lạc” theo kiểu này.
[26] Việc nhập cảng tân thư và các sách kỹ thuật khi đó là chủ trương của triều
đình Huế những năm cuối đời Tự Đức. Triều đình cũng cho người sang các nước học
tập.
[27] Theo gia phả họ Bùi thì ông Bùi Lạp mất năm 27 tuổi ở Bắc Ninh ngay tại
nhà ông Nguyễn Tư Giản (thượng thư bộ Lại), thi hài mang về làng Trình Phố an
táng. Gia phả họ Bùi (1967), tr. 46.